Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Fútbol

Collapse
X

Fútbol

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Fútbol

    Fútbol
    ~~~





    Một độc giả trẻ tuổi gửi thư cho báo Người Việt, viết bằng tiếng Anh chêm tiếng Việt, không bỏ dấu. Em tự giới thiệu, “Con là Tony... 12 tuổi.” Tony sống tại tiểu bang Georgia, cháu cho biết có một người anh “đang đóng quân ở Afganistan (sic) with the U.S.Army,” với quân đội Mỹ. Người anh cháu rất thích đá banh.

    Cháu xin tòa báo gửi cho một tập “Mùa Hè Sôi Ðộng” về Giải Túc Cầu Thế Giới 2014 do báo Người Việt xuất bản, để gửi cho anh ruột. Tony mở đầu bức thư theo công thức lễ phép: “Dear Sir/Madam,” và kết thúc bằng tiếng Việt: “Con cám ơn Cô/Chú.” Chắc bố mẹ cháu, hay các anh chị đã giúp cháu viết lá thư này. Ngày hôm nay chắc gia đình cháu đang quây quần coi các trận đấu Giải Túc Cầu Thế Giới tại Brazil.

    Dân Việt mình chắc không mê coi đá banh bằng dân các nước Châu Mỹ La Tinh và Tây Ban Nha mê “fútbol” nhưng chắc thích đá banh hơn các nước Châu Á khác. Người Việt trong nước và dân Việt tị nạn khắp thế giới mấy hôm nay đang dậy sớm, thức khuya coi “World Cup”. Hôm qua, tại trụ sở báo Người Việt, tôi nghe một bạn trẻ, khi có người hỏi hôm nay sao không đi học, đã trả lời: “Ðang World Cup mà đi học cái gì?” Nhưng nói vậy có khi nhầm, vì tự ái dân tộc nên coi chỉ người Việt mới “tiến bộ” thôi. Chính phủ Hồng Kông mới ra thông cáo khuyên dân chúng trong mùa World Cup: Không nên bỏ ăn bữa cơm hàng ngày (mà vừa ngồi coi ti vi vừa ăn vặt); không nên uống các thứ rượu trong khi coi, cũng như uống nhiều nước ngọt quá; không nên bỏ luôn giấc ngủ; sinh viên học sinh không được bỏ học; người lớn không nên cãi lộn, đánh lộn trong khi coi trận đấu; vân vân.

    Không nhớ nhà nước Hương Cảng có khuyên các công chức phải đi làm đúng giờ và không coi ti vi trong giờ làm việc hay không. Nhóm quân nhân mới đảo chính chiếm chính quyền ở Thái Lan thì tìm cách mua chuộc cảm tình của dân chúng bằng cách ép công ty viễn thông RS phải tự bỏ độc quyền chiếu các trận World Cup trên truyền hình; cho phép các làn sóng ti vi khác được chiếu; trong đó có đài ti vi của quân đội. Ðổi lại, các ông tướng bồi thường công ty RS 427 triệu đồng bạc (cỡ 13 triệu đô la Mỹ); trong khi công ty này đã ước tính sẽ thu về 766 triệu nếu giữ độc quyền. Tất nhiên, khán giả Thái Lan hâm mộ World Cup sẽ tha thứ cho chính quyền quân phiệt tội can thiệp vào việc kinh doanh của tư nhân!

    Trong mấy đoạn trên đây, hai chữ World Cup được dùng một cách thản nhiên, coi như đã biến thành tiếng Việt rồi. Có lẽ vì nói hay viết những đủ chữ “Giải Túc Cầu Thế Giới” dài quá! Ngôn ngữ bao giờ cũng theo quy tắc giúp người nói tiết kiệm năng lượng và thời giờ khi cần diễn tả cho người khác hiểu mình. Nhất là giữa những người đang mải coi “fútbol” thì càng muốn nói sao cho vắn tắt và dễ hiểu - ở Châu Âu bây giờ họ gọi trò chơi này là “fút,” tiết kiệm được một nửa sức lực, mà ai nghe cũng hiểu được. Nói hai chữ World Cup phát âm theo lối Việt, chắc người Anh nghe cũng không hiểu. Không sao, người Anh, Canada, Mỹ khi nghe dân Úc hay người Ấn Ðộ phát âm hai tiếng đó chắc họ cũng không hiểu người ta nói cái gì!

    Vì vậy người Việt Nam bây giờ cũng ít dùng những chữ “Giải Túc Cầu” khi nói đến “fútbol” nữa; trừ các cô xướng ngôn viên truyền hình xinh đẹp ngồi đọc bản tin do các ký giả lão thành viết sẵn. Mà các ký giả lão thành thì bao giờ cũng nghiêm văn túc; bảo tồn tiếng Việt đã được hoàn chỉnh từ thời Bắc thuộc (xin mời đọc Ðứng Vững Ngàn Năm của Ngô Nhân Dụng, Nhờ đâu dân tộc Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc? - Phần quảng cáo thương mại chấm dứt, xin mời đọc tiếp). Nghĩa đen chữ “Túc cầu” giống hệt chữ football (tiếng Anh, nước xuất phát và truyền bá trò chơi này) nghĩa giản dị là trò chơi banh bằng chân. Từ football sinh ra những chữ fútbol (tiếng Tây Ban Nha), hay futebol (tiếng Bồ Ðào Nha) là những tiếng không có nghĩa, chỉ phiên âm từ tiếng Anh. Người Pháp bây giờ cũng gọi trò chơi này là “fút”.

    Nhưng hai chữ Túc Cầu không chính xác lắm. Có khi người ta chơi loại cầu cũng đá bằng chân nhưng quả cầu không tròn mà lại có chùm lông (một tay chơi nổi tiếng đời xưa là Cao Cầu, trong truyện Thủy Hử). Cho nên người Việt Nam còn hay dùng hai chữ “bóng tròn”, nhưng quả bóng nào chẳng tròn, kể cả bóng bay hoặc bong bóng lợn; mà các môn bóng chuyền, bóng rổ, tennis cũng chơi với các quả banh tròn vậy. Bây giờ người Việt hay nói “bóng đá” gần nghĩa với football hơn chữ “bóng tròn”. Nhưng hai tiếng “bóng đá” cùng dấu sắc đi với nhau nghe hơi chói tai, không lên xuống trần bổng như hai chữ “đá banh”. Nghe một thiếu nữ miền Nam nói, “Em đi coi đá banh” nghe êm tai, hiền dịu hơn nhiều, dù lúc đá thì nàng vẫn đá.

    Một độc giả khác của nhật báo Người Việt đã viết thư khen ngợi tờ báo này tổ chức những buổi coi đá banh trong bốn, năm tuần lễ sắp tới. Ông (hay bà) ký tên Toi Ke đã nhìn thấy một truyền thống của dân tộc trong hiện tượng này, viết: “Cái sự kiện coi đá banh kiểu này thật sự như là một lễ hội, tụ tập vui chơi, kiểu làng xã Việt Nam ngày xa xưa... người Việt họp hội với người cùng làng Bôn Sa của mình, để cùng theo dõi một cuộc tranh tài thể thao thế giới vượt hẳn ra ngoài biên giới lũy tre làng gò bó của ngày xưa...” Vị độc giả này còn nhận xét rằng việc công ty Người Việt tổ chức coi đá banh chung này phục vụ ích lợi cộng đồng hơn cả việc xuất bản báo; viết xong rồi ông (hay bà) Toi Ke còn cười he he he! Ban biên tập Người Việt đọc xong muốn xin nghỉ một tháng; nhưng không được vì sợ 90 ngàn độc giả khác ở khắp thế giới không tới được trụ sở tòa báo sẽ phản đối!

    Ông hay bà Toi Ke đã vượt trên lũy tre làng nhìn thấy trong thời gian coi đá banh chúng ta chứng tỏ “một sự thật không thể chối cãi là tất cả mọi người đều là công dân của cái trái đất này.” Phải nói futebol (để cảm ơn người Brazil, họ dùng tiếng Bồ Ðào Nha) là một trò chơi có thể giúp nhân loại thông cảm với nhau dễ hơn.

    Mang nhau ra sân cỏ tranh giành nhau một quả banh bằng da coi bộ tử tế hơn đem súng bắn nhau, xúi dân nước láng giềng nổi loạn đòi tự trị, hoặc thừa cơ “nước đục thả câu” đem giàn khoan tới ao nhà người ta mà giả bộ thăm dò tìm dầu.

    Trò chơi đá banh cũng kích thích tự ái dân tộc. Một lần tôi đi từ Brazil sang Argentina, một người hướng dẫn viên giới thiệu: Chúng ta vừa mới qua biên giới. Xin thưa quý vị rằng dân Argentina là những người rất tử tế, rất dễ thương, chỉ đáng tiếc là họ không biết đá futebol! Nhưng chưa thấy hai quốc gia nào gây chiến tranh vì fútbol cả; trừ trận La guerra del fútbol giữa El Salvador và Honduras vào năm 1969.

    Ngày 26 tháng 6 năm đó tranh vòng loại World Cup 1970, sau hai trận huề, đội El Salvador thắng đội Honduras ở thủ đô Mexico. Cả ba trận đều tiếp diễn với những cuộc đấm đá giữa những người ủng hộ. Ngày 27, chính phủ El Salvador tuyên bố chấm dứt các quan hệ ngoại giao với Honduras nếu những kẻ gây đánh lộn không bị trừng trị và các nạn nhân người El Salvador không được bồi thường. Ví thử chính phủ Hà Nội cũng đặt ra những điều kiện đó khi các tầu lạ tấn công ngư dân Việt Nam thì họ đã được người dân hoan nghênh lắm.

    Nhưng fútbol chỉ là cái cớ gây chiến và cuộc chiến chỉ kéo dài 100 giờ đồng hồ, vì các nước chung quanh đổ vào can ngăn! Nguyên nhân sâu xa là những bất hòa giữa hai nước láng giềng đã kéo dài từ lâu. Honduras rộng gấp năm lần El Salvador, dân số El Salvador thì lớn gấp đôi Honduras. Hai bên vẫn tranh chấp vì vấn đề nông dân El Salvador di cư sang Honduras và bị các địa chủ bạc đãi. Cuộc tranh chấp giữa công ty United Fruit Company của Mỹ và các địa chủ Honduras khiến các chính phủ phải can thiệp; và họ càng ghét nhau. Chính phủ Honduras làm luật tịch thu đất của di dân El Salvador, chia cho người bản xứ; hàng ngàn di dân bị trục xuất. Cứ thế, chiến tranh chỉ chờ dịp bùng nổ. Riêng chuyện đá banh thì không thể khiến hai dân tộc phải giết nhau.

    Tháng trước, tôi đến thủ đô Tây Ban Nha vào lúc đang diễn ra một giải vô địch giữa các đội đá banh nhà nghề Châu Âu. Cả một thành phố tràn ngập các đoàn người biểu tình tuần hành; mỗi đoàn mang khăn quàng, mặc áo thung, choàng khăn và phất cờ của một trong hai đội Real Madrid và Atlético de Madrid; hai đội vào chung kết. Họ vừa đi vừa hát, đồng thanh hô khẩu hiệu cổ vũ cho đội mình. Nhưng họ rất hiền lành, băng qua đường cũng chờ đèn đỏ bật xanh, diễn hành ngang qua nhau mà không lườm, nguýt (có thể họ lườm nguýt bằng “tiếng Tây Ban Nha” mà mình không hiểu). Một tuần sau, tới Bồ Ðào Nha. Hôm trước vào lúc 4 giờ sáng, tôi đã được nghe một ông chủ quán cà phê ở thành phố Porto dọa rằng ngày mai thủ đô Lisboa sẽ bị 120 ngàn người Tây Ban Nha xâm lăng (Bồ Ðào Nha ngày xưa từng bị Tây Ban Nha xâm chiếm và đô hộ, không khác gì ngàn năm Bắc thuộc ở nước mình (không quảng cáo thương mại). Ngày hôm sau chúng tôi quả nhiên chứng kiến cảnh Lisboa tràn ngập những đoàn người ủng hộ hai đội Real Madrid và Atlético; nhưng họ cũng diễn hành một cách hiền lành như ở bên Madrid; không cãi lộn, không uống rượu, không cản trở lưu thông; cũng không thấy ai vứt rác xuống đường.

    Futebol phổ biến khắp thế giới, phải nói đó là một trò chơi dành cho giai cấp bình dân, lao động cho nên mới phát triển rộng như vậy. Cầu thủ Pelé gọi nó là một Trò Chơi Tuyệt Ðẹp (qua cuốn tự thuật My Life and the Beautiful Game in năm 1977) từ đó ai cũng dùng hình ảnh này. Người Mỹ đang bắt đầu chơi fútbol, mà họ gọi là “xốc cơ,” soccer, nhưng môn này phát triển một cách dè dặt. Nhiều người Mỹ vẫn coi soccer là một món đặc biệt của dân Châu Âu, không hợp khẩu vị của dân Cờ Hoa; cũng giống như hệ thống y tế toàn dân do nhà nước quản lý vậy.

    Hôm Thứ Năm, vợ chồng tôi đi coi đá banh ở báo Người Việt về, khi xuống xe thì gặp bà hàng xóm người Mỹ da trắng. Bà hỏi: Hai người đi chơi đâu về vậy? Tôi trả lời: Không, chỉ đi coi ti vi chiếu World Cup. Bà tỏ vẻ ngạc nhiên: Ủa, ông cũng thích coi Tennis hả? Bà không biết World Cup là cái gì.

    Ngô Nhân Dụng

    http://diendantheky.net


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X