Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Mẹ ơi! đừng khóc

Collapse
X

Mẹ ơi! đừng khóc

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Mẹ ơi! đừng khóc

    Mẹ ơi! đừng khóc

    Tác Giả : Việt Phương

    Thế rồi gia đình tôi lại được dọn đến một chốn riêng tư của mình, mặc dù nơi chúng tôi mới đến chỉ là căn nhà gỗ đơn sơ, không có điện. Chúng tôi đến nhà mới khi buổi chiều đang tàn. Mẹ tôi loay hoay dọn dẹp chỗ cho chúng tôi ngủ tạm. Khuôn mặt người thật vui, tôi biết. Vì qua bao nhiêu tháng dài chung sống chật hẹp trên căn gác lửng của một người bà con, mẹ tôi đã trải qua không biết bao nhiêu cay đắng. Căn gác nhỏ với những trưa mùa hè nóng cháy da và anh em chúng tôi lại nằm xếp hàng như cá, thin thít, dù không ngủ được. Mẹ tôi là một người đàn bà tự trọng, không muốn để anh em chúng tôi làm phiền lòng hàng xóm, nhất là chủ nhà, trong những trưa êm ả họ cần một giấc ngủ ngắn.

    Anh em chúng tôi đến nhà mới như cá được thả vào nước. Chúng tôi tha hồ leo trèo lên những thân cây cằn cỗi không được chủ trước chăm sóc. Căn nhà có vườn bao bọc chung quanh, nằm ở ngoại thành. Mỗi ngày ba tôi phải đạp xe đi làm xa hơn, nhưng người chấp nhận nó với số tiền khiêm nhường có thể tậu đuợc một chốn riêng tư cho gia đình chúng tôi. Chúng tôi mất hết trong cuộc tấn công của Việt cộng năm Mậu Thân ở Huế. Trong một thời gian ngắn mà ba mẹ chúng tôi lại xoay sở được một ít tiền để mua nhà thì thật là một điều không đơn giản.

    Trở về với căn nhà gỗ, nơi có những nỗi vui buồn của gia đình chúng tôi. Mặc dù sau này, căn nhà đã biến dạng thành một dãy nhà khang trang, nhưng kỷ niệm trong căn nhà gỗ vẫn là những hình ảnh tôi không bao giờ quên được. Buổi sáng, lo xong cho chúng tôi mọi thứ, mẹ tôi lại quẩy gánh cho kịp chuyến hàng sáng. Cứ như thế, phụ với đồng lương công chức của ba tôi cũng đắp đổi được qua ngày.

    Căn nhà gỗ với những buổi sáng nắng chiếu xuyên qua những lỗ đinh dọi xuống khuôn mặt chúng tôi. Rồi những lúc trời mưa nhỏ nước xuống gối chăn. Lúc đó, nồi niêu soong chảo được dàn binh bố trận cùng khắp nhà. Tôi nghe mẹ tôi nén tiếng thở dài trong những lúc lăng xăng hứng những giọt nước mưa đổ xuống. Những ngày mưa chợ ế, mẹ tôi xong việc trong nhà, ngồi nhìn những bọt bong bóng nổ lách tách bên hiên nhà, mắt buồn rười rượi.

    Tôi đã thấy mẹ tôi khóc bên nồi cơm vừa bắc lên. Đó là buổi chiều sau một ngày mưa dầm dề, mẹ tôi với gánh hàng còn nặng trĩu trở về nhà cùng nỗi buồn còn đọng lại trên đuôi mắt. Mẹ tôi lặng lẽ ra sau bếp. Tôi biết mẹ tôi buôn bán ế ẩm hôm nay. Tôi ngồi nhìn những hạt mưa rơi tí tách từ tàu lá chuối. Chán chê. Tôi mới xuống bếp, lân la lại gần hỏi nhỏ:

    "Mạ khóc?"

    "Không, tại khói. Trời mưa làm bếp núc, than củi ướt hết."

    Tôi nhìn từng đợt khói ngùn ngụt trong bếp, ngần ngại:

    "Hay mạ để con thổi lửa cho."

    Mẹ tôi xoa đầu tôi, cười gượng gạo:

    "Hơi hám mô mà thổi. Con trai không nên vô bếp, học dốt cho coi. Đói bụng rồi phải không?"

    Tôi dúi mặt vào lưng mẹ tôi, cười:

    "Mô có."

    "Thôi con lên nhà chơi đi, chờ ba con về rồi ăn cơm. Sắp xong rồi. Hôm nay, có món đặc biệt lắm."

    Tôi nhìn vào chiếc rổ bên cạnh, reo lên:

    "A! Hôm nay mạ chiên mực ống dồn thịt."

    Mẹ tôi cười rạng rỡ:

    "Con thích lắm phải không? Hồi sáng thấy bà bán cá nài nỉ quá, mạ mua giúp bà ấy. Lâu lắm rồi ba con chưa có được miếng ăn ngon."

    Sau cơn mưa, trời tối rất nhanh. Mẹ tôi lên tiếng sai anh tôi thắp đèn. Ba tôi vẫn chưa về tới nhà. Hình như mẹ đang sốt ruột:

    "Không biết ông ấy làm chi mà giờ này còn chưa về?"

    Anh em chúng tôi nôn nao ngồi bên cửa chờ ba về. Mưa đã ngưng hạt, ngõ vào nhà lầy lội. Ánh sáng ngọn đèn dầu trong nhà hắt ra vườn một vùng sáng yếu ớt. Vài chú ễnh ương kêu gọi bóng đêm đổ xuống nhanh hơn. Có một bóng đen đang bước vào vườn, hình như là bóng ba. Tôi reo lên:

    "Ba về, ba về."

    Mẹ tôi nghe tiếng tôi gọi, vội vàng chạy xuống bếp hâm đồ ăn. Ba tôi thiểu não bước vào, tóc người đẫm ướt. Người cởi chiếc áo mưa ra máng lên vách. Chiếc áo mưa cũ và rách nhiều chỗ không đủ che cho người. Áo quần ba tôi ướt sũng, nhểu nước xuống nền nhà. Ba tôi cố giấu run vì lạnh. Tôi thấy môi ba tôi tái ngắt. Anh tôi cất tiếng hỏi:

    "Xe mô mà ba đi bộ rứa?"

    Ba tôi đặt ngón tay trỏ lên môi ra dấu cho anh em chúng tôi đừng nói lớn. Ba tôi lặng lẽ vào buồng riêng. Sau khi lau tóc và thay quần áo. Ba bước tới ngồi bên bàn ăn, cố nói giọng tự nhiên:

    "Mình ơi! Đói bụng lắm rồi đó."

    Tiếng mẹ tôi từ trong bếp vui vẻ vọng ra:

    "Gần xong rồi."

    Anh em chúng tôi háo hức ngồi bên cạnh ba tôi. Chúng tôi mở lớn mắt nhìn xuống bếp, chờ đợi. Tôi đang náo nức với những con mực được mẹ tôi nhồi thịt, cùng nấm mèo và bún tàu. Con nào cũng nung núc được mẹ tôi chiên lên rồi kho rim lại thơm nức mũi. Còn chiếc chảo nữa, tôi đã quanh quẩn với mẹ dưới bếp "đặt cọc" trước để... trộn cơm; chiếc chảo mà tôi biết chắc rằng mẹ tôi sẽ còn dành ở đó vài cái đầu mực. Tôi nghe có tiếng soong chảo chạm vào nhau dưới bếp. Ba tôi sốt ruột lên tiếng hỏi:

    "Răng mà lâu rứa mình?"

    Không có tiếng trả lời của mẹ tôi từ sau bếp. Ba tôi quay qua bảo anh tôi:

    "Con xuống dưới xem mạ con đang làm chi mà lâu rứa?"

    Khi tôi xuống nhà bếp thì thấy mẹ tôi đang ngồi nhặt từng con mực dưới nền đất lên chùi cát. Cái chảo nằm lăn lóc bên cạnh. Những con mực đang nằm tội nghiệp rải rác chung quanh, vài ba con nằm phơi mình trong vũng nước đọng trên nền như mắc cạn. Tôi hốt hoảng ngồi xuống bên mẹ:

    "Mạ làm đổ hết rồi hở?"

    Mẹ tôi im lìm. Người lặng lẽ lau sạch những con mực bỏ vào đĩa. Tôi thấy mẹ tôi khóc. Tôi bồi hồi nhặt một con mực lên chùi cát giúp mẹ. Bóng hai mẹ con tôi chập chờn bên ngọn đèn dầu. Mẹ tôi lẩm bẩm:

    "Con mèo nhà ai mà vô hậu rứa không biết. Mạ vừa quay lưng là nó tha đi gần hết, còn làm đổ tứ tung nữa. Mạ thật vô ý. Làm ba và tụi con hỏng ăn."

    Tôi làm vẻ thông minh:

    "Mình đem rửa rồi rim lại."

    Mẹ tôi gượng cười:

    "Như rứa thì còn chi mà ngon nữa? Thôi, con lên trên nói ba con đợi một chút nghe."

    Tôi tiu nghỉu bước lên nhà trên. Anh em tôi nghe tin cũng xụ mặt xuống, chống cằm lên bàn, thiểu não. Ba tôi rời ghế đi xuống bếp. Một lúc sau, tôi nghe tiếng người nói với mẹ tôi:

    "Đổ hết rồi thì thôi, ăn chi lại không được. Thôi đừng buồn nữa mình ạ."

    Tiếng mẹ nức nở:

    "Nhưng bấy lâu nay cả nhà đâu có được miếng ăn ngon, toàn là cơm rau muối mắm. Tội nghiệp thằng Tí thòm thèm từ hồi chiều đến giờ."

    Không dưng, tôi thấy thương mẹ tôi thật nhiều. Tôi nhớ khuôn mặt mẹ lúc chiều rạng rỡ bên rổ mực tươi. Tôi nhớ mẹ thấy tôi mừng làm mẹ rất vui. Giờ đây, giọng mẹ nghẹn ngào chỉ vì ước mơ nhỏ nhặt của tôi bị vụn vỡ. Tôi tự hứa với lòng là từ nay về sau sẽ không háu đói để mẹ khỏi bận lòng nữa.

    Tối hôm đó, gia đình chúng tôi trải qua một bữa cơm thật ảm đạm. Sáng hôm sau, khi tôi vừa mở mắt dậy thì lại nghe tiếng mẹ tôi khóc:

    "Răng anh không nói cho em biết sớm?"

    Ba tôi ngồi vừa nhấp trà, vừa nhỏ giọng:

    "Tối hôm qua thấy em buồn quá làm sao anh mở miệng được?"

    Mẹ tôi ngơ ngác hỏi:

    "Bây giờ anh tính sao?"

    "Thì phải đón xe lam đi làm tạm một thời gian đã."

    Ba tôi ngập ngừng trả lời. Mẹ tôi cất giọng tiếc nuối:

    "Gia tài chỉ còn có chiếc xe đạp cho anh đi đỡ chân cũng bị mất. Không biết sao mà xui xẻo quá đi."

    Ba tôi an ủi:

    "Thôi, việc đến đâu hay đến đó, lo lắng cũng không giải quyết được chi."

    Mẹ tôi suy nghĩ một chút rồi nói nhỏ với ba:

    "Hay là đem nữ trang anh tặng em lúc cưới, bán đi để mua cho anh chiếc xe khác?"

    Ba tôi nhổm người lên như đỉa phải vôi:

    "Nhất định là không được, lúc trước cần tiền mua nhà chúng mình cũng quyết định không bán mà. Đó là kỷ vật của em."

    Thấy mẹ tôi như muốn nói thêm. Ba tôi tiếp lời, dứt khoát:

    "Để xem anh em ở sở ai có chiếc xe cũ nào cần bán, anh sẽ mua lại."

    o O o


    Đời sống thường mang lại quá nhiều phiền muộn, nhất là những người nghèo khổ như chúng tôi. Mẹ tôi chạy ăn từng ngày vẫn không đủ cho chúng tôi ngày càng lớn. Nỗi lo làm tóc mẹ tôi bạc sớm, lưng mẹ tôi còng mau. Hai người anh lớn của tôi phải ra chiến trường. Chiến tranh đã bắt đầu leo thang. Căn nhà gỗ của chúng tôi lại rung lên từng đêm khi có tiếng bom đạn dội về. Khoảng cách của tiếng bom đạn dần thu ngắn trong cuộc chiến ngày càng khốc liệt. Rồi Tháng Tư gẫy gánh. Tháng Tư tôi bỏ trường về lại mảnh vườn xưa. Tháng Tư anh ba tôi chết trên đường triệt thoái cao nguyên. Tháng Tư ba tôi đi lao động khổ sai.Tháng Tư nhà tôi tan nát. Căn nhà năm xưa tuy nghèo nhưng đầy vang tiếng cười, nay chỉ còn mình tôi bên cạnh mẹ tôi hiu hắt tiếng thở dài. Mẹ tôi lại buôn thúng bán mẹt chắt chiu từng chút một để dành có dịp thăm nuôi ba tôi. Còn người anh cả của tôi không biết lưu lạc phương nào? Mẹ tôi thường nằm mơ thấy anh tôi vẫn còn sống, nhưng tôi nghĩ là không thể nào. Nếu có, anh cũng trở về bên chúng tôi hoặc ít nhất là cho chúng tôi biết tin. Nhưng mẹ tôi vẫn tin tưởng ông trời có mắt, lúc nào cũng nhìn xuống lòng thành của con người.

    Cuộc sống ngày càng chật vật, chúng tôi phải đương đầu với nhiều áp lực của chính sách mới. Chính sách thay đổi bất chợt, từng ngày. Như bữa cơm đạm bạc trong gia đình chúng tôi; hôm qua có khoai thì độn khoai, hôm nay có bắp thì độn bắp, ngày mai không biết chừng chúng tôi chỉ đuợc ăn khoai luộc trừ cơm. Tôi lại bị kêu đi làm nghĩa vụ lao động liên miên, riết rồi thành nghề của tôi. Ai mướn đi làm thế, cũng nhận lời. Cuối cùng sự gặp gỡ giữa mẹ tôi và tôi cũng thưa dần.

    Một hôm, mẹ tôi cầm bàn tay đen đúa và khô nhám của tôi bật khóc. Mạ đã lo cho con đâu vào đó rồi. Gia tài của mạ chỉ còn lại sợi dây chuyền và chiếc vòng tổng cộng là ba lượng. Ba và Mạ không bao giờ dám nghĩ là sẽ tiêu xài đến nó, vì đây là quà cưới của ba con cho mạ. Nhưng thấy con khổ cực quá, mạ phải lo cho con. Con cái người ta đã lần lượt vượt biên hết, con cũng nên đi tìm tương lai cho mình. Mạ không thể nào thấy con như vậy mà không đau lòng. Mạ sẽ chờ ba con về. Tôi gục đầu vào vai mẹ tôi khóc ròng. Hình như hôm đó là buổi chiều. Nắng thoi thóp trên tàn cây trứng cá trong vườn. Mạ tôi tiếp. Mạ tưởng con không về kịp hôm nay. Mạ sợ con hụt chuyến này thì mạ sẽ ân hận suốt đời. Ngày mai con phải đi rồi đó, tất cả mọi thứ mạ đều chuẩn bị cho con cả rồi. Tôi bật người ra sau, thảng thốt:

    "Ngày mai? Mau vậy?

    Mẹ tôi lặng lẽ gật đầu. Tôi không còn nhớ tâm trạng của tôi lúc ấy ra sao, có lẽ tôi vui, vì chung quanh, bạn bè đã ra đi gần hết. Tôi thường ngưỡng mộ những đứa bạn tôi đã ra đi trót lọt, nhưng tôi biết khả năng kinh tế của gia đình tôi không để cho ước mơ của tôi có dịp bộc lộ. Nhưng ngày mai? Trời ơi! Đột ngột quá. Tôi không biết nói gì với mẹ tôi hết, tôi chỉ biết rưng rưng mắt mà lòng xót đau. Tối hôm đó, nhìn bóng mẹ tôi khòm khòm đi lại trong nhà, thỉnh thoảng người lại mở túi xách của tôi xem xét còn thiếu món gì nữa không, tôi không khỏi mủi lòng. Ánh sáng của ngọn đèn dầu đêm đó hình như làm lưng mẹ tôi còng thêm theo từng vệt sáng tù mù hắt lên tường nhà. Thỉnh thoảng, mẹ tôi dừng tay, nói như để trấn an tôi:

    "Con đừng sợ, đây là nơi thân tín, mạ năn nỉ quá họ mới nhường cho mình một chỗ. Lúc đầu họ đâu chịu nhận nữ trang, nhưng số con may mắn lắm đó..."

    Suốt đêm hôm đó, tôi nằm thao thức theo tiếng trở mình của mẹ tôi.

    o O o


    Rồi tôi cũng được qua tới Mỹ, với lần tiếp kiến phái đoàn Mỹ thật là trôi chảy, trôi chảy như chuyến vượt biên của chúng tôi. Ba tôi còn trong trại cải tạo là lý do khiến tôi được phái đoàn Mỹ chấp nhận sớm nhất, trong thời gian mà những người Việt Nam vượt biên bằng những chiếc thuyền gỗ mỏng manh còn làm thế giới lưu tâm tới. Tôi qua đến Mỹ, vừa học vừa làm cũng có chút tiền gởi về thường xuyên cho mẹ. Nhu cầu của mẹ tôi không nhiều nên vấn đề xoay sở của tôi bên này không phải là gánh nặng cho tôi trong thời gian còn đi học. Tôi vẫn nhận được thư của mẹ tôi thường xuyên. Và lá thư làm tôi không thể nào ngủ được mấy đêm liên tục, đó là lá thư của anh cả tôi. Người anh tưởng như đã chết trong cuộc tháo chạy năm nào, nay đang bình yên ở Mỹ. Tôi gọi điện thoại cho anh tôi bày tỏ nỗi hân hoan cùng lòng xúc cảm. Anh em chúng tôi khóc với nhau trên đường dây điện thoại. Chuyện nhà, chuyện ba mẹ được tôi tường tận kể ra cho anh tôi cùng những dòng nước mắt tủi hờn. Mùa hè năm đó, theo lời anh tôi, tôi bay lên miền Bắc nước Mỹ thăm anh tôi. Cuộc đón tiếp nơi phi trường làm tôi ngỡ ngàng. Anh tôi cùng người đàn bà Mỹ và một nhóc tì tròn trịa nhìn tôi bằng đôi mắt bi ve không nhấp nháy. Người đàn bà lạnh lùng bắt tay tôi với một câu xã giao thường lệ. Anh tôi rưng rưng nước mắt nhìn tôi im lặng. Ngay trên chiếc xe đưa chúng tôi về nơi anh cư ngụ, là tôi đã có ý định thu ngắn thời gian ở lại với anh tôi. Anh tôi nói với tôi bằng những giọng nhát gừng, thỉnh thoảng xen một vài câu tiếng Anh vào khi thấy khuôn mặt hơi cau lại của bà vợ. Người chị dâu đã không cho tôi được cái thiện cảm tôi gặp lúc đầu. Nhìn bà phục phịch bước lên xe là tôi đã cảm thấy có một chút gì đó bất hạnh xảy ra trong đời sống của anh tôi. Anh tôi biết ý đã giải thích với tôi bằng một câu rất gọn. Năm 1975, lúc anh mới qua Mỹ không có chỗ nào hơn ngoài gia đình June. Hình như tôi có gợi ý với anh dọn về nơi nắng ấm, nhưng anh tôi khẽ lắc đầu. Sống đâu quen đó rồi chú ạ.

    Tối hôm đó, anh em chúng tôi thức suốt đêm để ôn lại những ngày tháng cũ. Vợ anh thỉnh thoảng lại bước ra phòng khách giục anh đi ngủ nhưng anh làm lơ. Anh hỏi tôi:

    "Chú có định lên đây ở cho có anh có em không?"

    Tôi lắc đầu, vì tôi biết anh tôi hỏi để mà hỏi. Tôi không muốn anh bị lấn cấn tình cảm giữa anh em và vợ chồng.

    Đến ngày tôi ra phi trường để về lại nơi tôi ở, anh tôi đưa tôi đi một mình. Anh hỏi tôi khi tôi đang chờ kiểm tra hành lý. Sao chú lại về nhanh quá vậy? Có điều gì chú không bằng lòng nơi anh phải không? Tôi đáp nhỏ. Em có cảm tưởng chị June không thích sự hiện diện của em lắm. Anh tôi im lặng. Tôi biết lời nói của tôi đã làm cho anh tôi buồn nhiều. Lúc máy bay cất cánh, tôi thấy anh tôi vẫn còn đứng trong phi trường, dáng anh thật cô đơn.

    o O o


    Ba tôi qua đời trong trại cải tạo đã làm kiệt quệ mẹ tôi. Tôi biết và càng đau lòng hơn khi thấy bóng dáng mẹ tôi nơi phi trường. Người lựng khựng bước ra với chiếc áo dài nâu lạc lõng trên phi trường quốc tế. Vợ tôi ngọt ngào săn đón. Phải! Tôi đã có vợ sau khi ra trường đi làm được vài năm. Vợ tôi người Bắc, khéo ăn, khéo nói. Thời gian sau này tôi cũng bị vợ tôi hạn chế gửi quà về cho mẹ. Đến bây giờ, tôi mới thông cảm nỗi khổ của anh tôi. Thảo nào, gần hai mươi năm sống ở Mỹ, anh tôi chỉ gửi quà về cho mẹ tôi được vài lần, rồi thôi. Trước khi mẹ tôi qua, anh em chúng tôi cũng đã bàn thảo với nhau ai sẽ rước mẹ về ở chung. Giọng anh tôi ra điều thiểu não:

    "Chú bây giờ dầu sao cũng được ổn định. Anh công ăn việc làm tạp nham, hơn nữa June nó người Mỹ sợ mạ không thích. Vợ chú dầu sao cũng là người Việt Nam. Mạ cũng dễ sống."

    Tôi xuôi lòng dầu biết rằng vợ tôi cũng có phần khó chịu. Anh tôi cũng có mặt trong ngày mẹ tôi qua Mỹ. Nhìn mẹ đi đứng khép nép trong phi trường, tôi đâm ra thương mẹ lạ lùng. Tôi tự nhủ lòng sẽ hết lòng săn sóc, hiếu thảo với mẹ.

    Những ngày đầu mẹ tôi đến Mỹ, chúng tôi sống với nhau thật là vui vẻ. Vợ tôi thấy mẹ tôi chăm sóc cho bé Nam chu đáo cũng mến mẹ tôi. Tôi biết, trong thâm tâm vợ tôi là tiết kiệm được một số tiền gửi trẻ. Nhưng không sao, mẹ tôi cũng rất cưng cháu nội của bà. Hơn nữa, ở nhà một mình, có bé Nam cũng làm cho mẹ tôi khuây khỏa được phần nào.

    Cho đến một hôm tôi đi làm về sớm hơn thường lệ, thì nghe có sự lớn tiếng trong nhà. Tôi rón rén bước vào, thấy vợ tôi hùng hổ:

    "Con đã nói với mẹ rồi, bé Nam phải cho ăn uống đúng giờ đúng giấc. Mẹ làm thế nào mà mấy bình sữa của bé Nam vẫn còn y nguyên?"

    Mẹ tôi nhỏ giọng:

    "Tại mạ thấy bé Nam ngủ ngoan quá, nên không đành lòng thức nó dậy để bú sữa."

    Giọng vợ tôi, cất lên chua buốt xương:

    "Mẹ làm vậy là giết con đó. Nó ngủ đẫy giấc, tối nay nó quấy con thì làm sao con ngủ cho được? Ở Mỹ phải tập cho con nít nó ngủ đêm. Mẹ không biết gì cả."

    Tôi không kềm được giận dữ, xông vào, tát vợ tôi một cái. Nàng tru tréo lên:

    "Anh dám đánh tôi? Có ngon thì đánh tôi thêm một cái nữa đi nào?"

    Nói xong, nàng xấn tới phía tôi chìa mặt thách thức:

    "Anh có tin là tôi kêu cảnh sát bắt anh không nào?"

    Tôi giận quá, mất khôn, tát nàng thêm một cái nữa. Nàng òa ra khóc như cha chết rồi quay qua chiếc điện thoại, chụp bấm lia lịa. Tôi xông tới, mẹ tôi sợ tôi đánh nàng nên vội kéo tay tôi ra:

    "Thôi con à. Mọi sự cũng tại mạ hết."

    Tôi quát lớn:

    "Bấy lâu nay vợ con đối xử với mạ như vậy sao mạ không cho con biết... Thật là quá đáng mà."

    Tôi buông mình xuống sô pha ngồi thở dốc. Nửa tiếng đồng hồ sau, xe cảnh sát chạy đến trước nhà tôi như điều tôi đã đoán. Sáng hôm sau, tôi gọi điện thoại về bảo vợ tôi mang tiền đến bảo lãnh tôi ra, nhưng nàng không chịu. Giọng nàng còn tức tối:

    "Có gan đánh vợ thì có gan ở trong đó vài ngày. Kêu réo làm gì?"

    Nàng cúp dây. Tôi đành muối mặt gọi bạn tôi nhờ đến lãnh tôi ra. Khi tôi về đến nhà thì mẹ tôi đang ngồi khóc trong bếp. Tôi ngồi xuống vỗ về:

    "Xin lỗi mạ. Con không biết mạ bị vợ con xài xể sau lưng."

    Mẹ tôi vuốt đầu tôi:

    "Mạ sợ họ nhốt con luôn chứ. Trời ơi! Xứ chi mà đánh vợ một cái nhẹ là bị công an còng tay."

    Tôi cười, giễu:

    "Đàn bà, nhất là đàn bà Việt Nam ở đây là những động vật sắp bị tuyệt giống, cần phải bảo vệ kỹ lưỡng mà mạ."

    Mẹ tôi đánh yêu vào má tôi (như dạo tôi còn bé):

    "Thằng con. Rứa mà cũng giỡn được."

    Tôi đứng dậy:

    "Thôi để con vô tắm cái đã."

    Mẹ tôi nói với theo:

    "Rứa con định tính sao với con Duyên?"

    "Thì coi như không có nó."

    Nói như vậy nhưng lòng tôi đang thắc mắc là giờ này nàng đang làm gì? Ở đâu?

    o O o


    Tôi tưởng là tôi có thể làm mặt lơ được. Nhưng không, vợ tôi còn lỳ hơn tôi. Nàng có thể im lặng không nói từ tuần lễ này sang tuần lễ khác. Đôi khi nàng biểu lộ sự bực mình của nàng bằng cách quăng chén bát dơ vào chậu rầm rầm. Đôi khi vô cớ nàng đánh tét vào mông bé Nam cho nó ré lên ngặt nghẽo. Mẹ tôi giơ tay ra bế thì nàng lại ngoe nguẩy vác bé Nam vào phòng. Tôi nhìn ngứa mắt lắm nhưng cố tình làm ngơ. Không khí trong gia đình tôi ngột ngạt, đến mức độ sau khi tan sở, tôi thật sự không muốn về nhà chút nào hết.

    Một hôm, mẹ tôi gọi tôi vào phòng. Người bảo:

    "Mạ không muốn ở đây cản trở hạnh phúc của con nữa. Mạ muốn về Việt Nam."

    Tôi khóc:

    "Mạ giận con phải không? Khó khăn lắm mới qua được bên này, mạ về Việt Nam cũng đâu còn ai?"

    Mẹ tôi cười hiền từ:

    "Mạ còn bà con láng giềng. Ở đây mạ như mù như điếc. May mà căn nhà ở Việt Nam mạ không bán, mạ chỉ cho gia đình dì Huệ ở và coi sóc giùm hương khói ba con và thằng Ba."

    Tôi cất giọng thống thiết:

    "Con có làm điều chi sai thì mạ thứ lỗi cho con, dầu sao con cũng là con của mạ. Con thà bỏ vợ chứ không thể để mạ trở về Việt Nam đâu."

    "Con đừng nói rứa mà mạ mang tội. Mạ già rồi, ở đâu lại không được. Vợ chồng đánh nhau đầu giường thì hòa nhau cuối giường, có chi mô mà con làm cho lớn chuyện?"

    Cuối cùng rồi tôi cũng bị mẹ tôi thuyết phục. Ngày mẹ tôi ra phi trường để về lại Việt Nam, chỉ có mình tôi đưa. Lại chiếc áo dài nâu mẹ tôi đã mặc trong ngày qua Mỹ, mẹ tôi nhỏ nhoi vô cùng giữa hàng người hớn hở về thăm quê hương. Tôi không còn cầm được nước mắt. Mẹ tôi cũng vậy, người hứa sẽ trở lại thăm chúng tôi, nhưng tôi biết chắc mẹ tôi sẽ không bao giờ trở lại lần nữa. Lúc máy bay cất cánh. Tôi thấy mẹ tôi đã mang theo rất nhiều điều tôi chưa nói được...
    Last edited by chieutim; 06-01-2014, 09:15 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X