Thông báo

Collapse
No announcement yet.

50 năm… gia đình Thần Ưng 116

Collapse
X

50 năm… gia đình Thần Ưng 116

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • 50 năm… gia đình Thần Ưng 116

    50 năm…
    Một chặng đường dài đầy kỷ niệm
    của gia đình Thần Ưng 116


    Nguyễn viết Trường


    Phi đoàn Thần ưng 116 là một đơn vị Không Quân Tác Chiến, thành lập năm 1964 trong chương trình phát triển và hiện đại hóa KQVNCH.
    Trong giai đoạn đầu, PĐ tạm thời đồn trú tại Căn cứ KQ Nha Trang, đề tiếp nhận phi cơ, và huấn luyện xác định hành quân cho các phi hành đoàn được bổ xung từ các Phi Đoàn Quan sát 110,112, 114 cùng các phi hành đoàn vừa tốt nghiệp…
    PĐ116 là PĐ đầu tiên được trang bị U17 ngoài O1.
    Đến năm 1965 vào khoảng tháng 06, PĐ 116 di chuyển về Căn cứ KQ Bình Thủy đồn trú tại Phi trường Trà Nóc trực thuộc Liên đoàn 74 tác chiến/ Không đoàn 74 chiến thuật và hoạt động liên tục đến ngày 30 tháng 04 năm 1975
    Vị Chỉ huy trưởng đầu tiên là Niên trưởng Nguyễn phúc Tửng,
    Chuẩn úy Thức, chuần úy Thục và chuần úy Thông là 03 cánh chim ra đi về cõi vĩnh hằng đầu tiên của PĐ trong một phi vụ Huấn luyện xác định hành quân.
    Và Đại úy Nguyễn ngọc Trung là người từ trận sau cùng, vào buổi sáng 30 tháng 04 năm 1975 trong khi thi hành nhiệm vụ.
    Xuyên xuốt trong chặng đường từ năm 1964 đến năm 2014, thì 50 năm tuy rất ngắn so với chiều dài lịch sử nhưng thật dài đối với cuộc sống của một đời người…Nhất là đối với những thành viên của PĐ 116, do vậy có nhiều kỷ niệm trong đời với nhau…
    Những cánh chim đầu đàn của PĐ gồm có Niên trưởng Nguyễn phúc Tửng (1964-1965), niên trưởng Bùi quang Kinh (1965-1967), niên trưởng Mai đức Hường (1967-1968) XLTVchỉ huy trưởng, niên trưởng Nguyễn văn Chín (1968-1969) niên trưởng Nguyễn đức Gia (1969-1974) niên trưởng Bùi thanh Sử (1974-1975)
    Niên trưởng Nguyễn phúc Tửng (1964-1965) sau khi rời PĐ đã lên làm Liên đoàn trưởng Liên đoàn tác chiến, sau cùng niên trưởng được chọn sang bay loại phi cơ hành khách lớn, đưởng hàng không Quốc tế, cho Air Việt nam với loại máy bay Boeing 727.
    Niên trưởng là một cấp chỉ huy trực tính và đầy nghĩa tình với PĐ116, trong thời gian còn ở Không đoàn 74 chiến thuật, tuy làm việc trên Bộ chỉ huy, nhưng niên trưởng luôn ghé thăm PĐ và gần gũi mọi người…Trong ngày Hội ngộ của PĐ được tổ chức tại tư gia niên trưởng Bùi thanh Sử ở Bắc CaLi, niên trưởng Nguyễn phúc Tửng tuy tỵ nạn bên Pháp, nhưng cũng đến Mỹ, về CaLi để hội ngộ cùng anh em trong PĐ, mọi người thật súc động khi được nghe những lời tự đáy lòng của cánh chim đầu đàn thứ nhất của PĐ, lời nói pha lẫn những giọt lệ lưng tròng khiến ai cũng nghèn nghẹn trong tim.
    Ôi tâm tình của một người đàn anh, của một vị thày, của một vị tiền bối, với những lời lẽ thật nhất, chí khí nhất, nghe sao nức lòng người đến thế… Chẳng riêng gì tôi, mọi người cũng im nghe và thẩm thấu tâm can.
    Trong những tháng năm cuối đời, niên trưởng Nguyễn phúc Tửng thường xuyên tham gia vào những hoạt động chống Cộng Sản, qua báo chí, tin tức từ anh em Không Quân, tôi được biết dù nắng mưa hay tuyết bao phủ bầu trời, niên trưởng cũng luôn là người tiên phong trong các buổi biểu tình phản đối Việt Cộng.
    Niên trưởng Bùi quang Kinh (1965-1967), gia nhập Không Quân vào năm 1953, là một trong số những người tiên phong của ngành Quan sát, tiền bối của nhiều “lão sư phụ”, một câu nói mà niên trưởng thường dùng là: “ Tui nói với mấy người”, niên trưởng có thói quen mỗi buổi chiều thường “khề khà” “lai rai” vài chai Bia con cọp.
    Niên trưởng là người trông mặt thì “ngầu” nhưng lòng thì quảng đại, nhân ái, luôn nâng đỡ đàn em và sống một đời sống thanh khiết.
    Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, Niên trưởng bị “tù cải tạo” tại miền Bắc nước Việt, và chết vùi thây nơi đó, mãi đến ngày 20 tháng 01 năm 2010, vào lúc 9:34 PM qua e.mail của niên trưởng Thái thành Giang ( chỉ huy phó đầu tiên của PĐ116) tôi được biết tên niên trưởng Bùi quang Kinh nằm trong danh sách 28 phần mộ được tìm thấy ở Dõng Hóc, Xã Tân Thịnh, thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn,
    Do Tổng hội H.O tại Houston, thuộc tiểu bang Texas cung cấp trên nhật báo Người Việt.
    Sau khi trực tiếp liên lạc với H.O tên Hoàng số điện thoại (714) 478-9897 để xác định về việc bốc 28 phần mộ có tên niên trưởng Bùi quang Kinh hay không? Tôi đã liên lạc với anh Lê văn Sùng và anh Trần phước Huynh để tìm cách đưa tro cốt của niên trưởng về với gia đình,
    Qua tìm tòi và dò hỏi chúng tôi đã biết được nơi bà quả phụ Bùi quang Kinh đang sinh sống, không ai có thể ngờ, bà đang sống tại thủ đô của người Việt Tỵ Nạn,thật gần với chúng tôi, Khi được biết nguyện vọng của bà là mong muốn được đem tro cốt của chồng về thờ phụng, chúng tôi đã phát động một cuộc hỗ trợ tiền nong cho bà có thể thực hiện được mong muốn này.Chỉ cần một thời gian thật ngắn, qua sự đóng góp hảo tâm của một số anh em trong PĐ116, một số Không Quân VNCH và Hội đoàn, cùng một số mạnh thường quân,
    Chúng tôi đã có được bốn ngàn đô la để trao tận tay bà quả phụ Bùi quang Kinh,
    Thực hiện được câu “Không Quân không bỏ anh em, Không Quân không bỏ bạn bè” trong trường hợp này, chính là việc chúng tôi phải làm, với tất cả tấm lòng yêu thương trân quý đối với niên trưởng Bùi quang Kinh vậy!
    Niên trưởng Mai đức Hường (1967-1968), từng giữ chức vụ Xử lý thường vụ Chỉ huy Trưởng PĐ116 (1967-1968), niên trưởng tính tình điềm đạm, là một người vẽ rất giỏi, Logo của PĐ116 do chính niên trưởng sáng tác, sau một thời gian dài “tù cải tạo” niên trưởng về Bình Dương và trang trí cho một nơi sản xuất guốc phụ nữ, sau đó niên trưởng đã qua Mỹ sinh sống cho đến nay.
    Niên trưởng Nguyễn văn Chín (1968-1969), tốt nghiệp khóa 58 Trần duy Kỷ vào đầu năm 1960, cuộc đởi binh nghiệp của niên trưởng gắn liền với miền đồng bằng sông Cửu Long.
    Niên trưởng được thuyên chuyển về PĐ 02 Quan sát, vùng trách nhiệm hoạt động từ Nha Trang đến Cà mau, với các biệt đội tại Nha Trang và Sóc Trăng.
    Đầu năm 1963, niên trưởng được chỉ định làm Biệt đội trưởng Biệt đội Cần Thơ,
    Ngày đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm (01/01/63) lệnh từ Bộ tư lệnh KQ tại Sàigon, thông báo cấm phi cơ bay về Sai gòn và cấm Biệt đội Cần Thơ bay vượt qua sông Tiền Giang,
    Sau ngày 01/01/63, theo lời yêu cầu của Tư lệnh Quân đoàn 04 ( Th/tướng Huỳnh văn Cao) niên trưởng đã cho các phi cơ quan sát của biệt đội cất cánh bay hành quân với sự yểm trợ hỏa lực của phi đoàn khu trục T 28 của Hoa Kỳ tại Sóc Trăng để giải tỏa các đồn bót và quận lỵ Châu Thành bị Việt Cộng lợi dụng cuộc đảo chánh tại Sai gòn đã đánh chiếm và đang bao vây.
    Ngay ngày hôm sau, niên trưởng bị cách chức Biệt đội trưởng và bị đưa về Sai gòn với lý do: “ chưa có lệnh giải tỏa cấm bay của Sai gòn”
    Các bạn trong Phi đoàn lúc bấy giờ được thăng cấp đặc cách, còn niên trưởng bị mất chức Biệt đội trưởng biệt đội Cần thơ và chức vụ phụ tá Hành Quân của Phi Đoàn…
    Thế mới biết ảnh hưởng của Chính Trị với sự nghiệp của một quân nhân như niên trưởng nó “khôn lường” chừng nào!
    Đầu năm 1970, Không đoàn 74 Chiến Thuật được chọn làm đơn vị thí điểm để thành lập Sư Đoàn Không Quân đầu tiên, đó chính là Sư Đoàn 4 Không Quân, niên trưởng được đề cử vào Bộ Tham Mưu Sư Đoàn với chức vụ Tham mưu phó Hành quân Sư Đoàn
    Tuy rời bỏ chức vụ Chỉ huy trưởng PĐ116 để nhận nhiệm vụ nặng nề hơn, nhưng niên trưởng luôn gần gũi với các anh em…
    Điển hình, sau khi “tù cải tạo” một thời gian dài đằng đẵng, ngay khi được thả về, trong lòng địch, giữa Saigòn, niên trưởng đã tập họp anh em PĐ 116 trong một buổi gặp gỡ tại một nhà hàng sang trọng để gần gũi thân tình thăm hỏi từng anh em, bản thân tôi và các anh em còn lại ở VN không bao giờ quên kỷ niệm này.
    Ở Hải ngoại, niên trưởng luôn sát cánh cùng PĐ116. thường xuyên liên lạc với anh em qua e.mail, và mỗi khi hoàn cảnh cho phép, niên trưởng luôn có mặt trong các buổi Hội ngộ Phi Đoàn, bất kể cho dù đường xá xa xôi
    Niên trưởng Nguyễn đức Gia (1969-1974), là người đã gắn bó với PĐ116 lâu nhất, ngay từ thủa ban đầu khi mới thành lập PĐ. Niên trưởng là người dễ tính, nghệ sĩ tính, từng tốt nghiệp trường Quốc gia âm nhạc Saigòn, xuất thân từ trường Võ bị Đà Lạt và là một thành viên của PĐ 116 khởi đi từ nhân viên Phi hành đến chức vụ cao nhất trong PĐ.
    Được sự ái mộ của anh em về đạo đức và tác phong cùng lãnh vực chỉ huy. Niên trưởng là người đầu tiên tập họp anh em trong PĐ 116 tại Hải ngoại, rất gần gũi với mọi người và không bao giờ vắng mặt trong bất cứ buổi Hội ngộ nào của PĐ.
    Trong những lần đứng ra thực hiện Đặc San cho Phi Đoàn 116, tôi thường đề nghị mọi người trong Phi đoàn hãy cùng tham gia viết, niên trưởng Nguyễn đức Gia cũng thường xuyên đóng góp bài vở, có một bài viết của niên trưởng gây nhiều ấn tượng cho mọi người nhất, đó chính là bài viết mang tên: “Phi Vụ tự sát”, nội dung như sau:
    Vào những năm 1966, 1967, Chính Phủ VNCH phát động chiến dịch Chiêu Hồi, nên KQVNCH có thêm Phi vụ mới là: Phi vụ Phóng thanh và giải truyền đơn.
    Phi cơ được xử dụng là phi cơ CESSNA U17, do các phi đoàn Quan sát phụ trách.
    Phi cơ được tháo các ghế hành khách, thay vào đó một hệ thống âm thanh và một loa phóng thanh cực mạnh, được gắn ở ngang hông của thân phi cơ, độ cao lý tưởng để cho người ở dưới đất có thể nghe thấy rõ ràng những lời phát từ phi cơ là từ 1000 bộ tới 1500 bộ, phải bay theo vòng tròn và nghiêng cánh từ 25 độ tới 45 độ.
    Thi hành phi vụ này, chỉ có một Hoa Tiêu và một Chuyên Viên của phòng Tâm Lý Chiến thuộc Quân Đoàn gửi vào.
    Mục tiêu là những mật khu, những vị trí nghi ngờ là khu đóng quân của địch.
    Khi bay tới đúng tọa độ, trước hết Chuyên Viên Tâm Lý Chiến bắt đầu rải truyển đơn, sau đó Chuyên Viên này điều khiển máy phát thanh để phát ra những lời kêu gọi Cán Binh Cộng Sản hãy buông súng và trở về với Quốc Gia Dân tộc.
    Lần đó, niên trưởng đang bay ở phần phát thanh và mới được hơn một vòng, thì bỗng nghe thấy một tiếng “bộp” và chỉ độ một giây sau, khói cay tràn ngập phòng lái, niên trưởng không còn thấy gì được nữa, nước mắt nước mũi giàn giụa,thở không được….
    Phản ứng tự nhiên của niên trưởng là mở cửa ngang hông để thở, nhưng vỉ gió thổi mạnh quá làm cánh cửa sập lại, niên trưởng phải chịu để cánh cửa kẹp vào bàn tay để có thể thở được.
    Trong khi đó, Chuyên Viên tâm Lý Chiến ngồi phía sau không có cửa để mở, nên cứ giãy giụa la oai oái: “Cay quá! Cay quá! Không thể thở được!”
    Lúc đó niên trưởng không thể nào biết phi cơ đang bay ở vị trí nào! Bay xấp hay bay ngửa? Niên trưởng cảm thấy không thể chịu đựng lâu hơn nữa được , nên thực hiện ngay Phương Thức Đáp Khẩn Cấp, kéo tay Ga về, tắt công tắc “Master switch” với hy vọng:
    Thà phi cơ lao xuống đất với tốc độ chậm còn hơn lao xuống với tốc độ nhanh.
    Thật là một phép lạ, vửa ấn nút Master switch vào thì khí cay trong phòng lái bắt đầu loáng thoáng, niên trưởng thở dễ hơn và có thể nhìn thấy bảng phi cụ, rồi nhìn thấy bầu trời phía bên ngoài. Niên trưởng nhận ra phi cơ đang ở vị thế bay xuống với tốc độ 155 dặm một giờ, độ nghiêng 35 độ và ở cao độ 300 bộ!
    Công việc đầu tiên của niên trưởng là miệng thì nói cám ơn Chúa, tay thì kéo cần lái lên để lấy cao độ.
    Phía sau Chuyên Viên Tâm Lý Chiến mừng rỡ nói: Sống rồi! Sống rồi! Trung úy ơi!
    Sau khi lấy đủ cao độ, niên truởng liền trực chỉ về Phi trường. Trên đường về, niên trưởng nhìn xuống sàn phi cơ để xem điều gì đã xảy ra, thì Ôi thôi! Ghê quá! Hai sợi dây điện cao thế dẫn từ máy thâu băng ra loa phóng thanh đã cháy rụi! Chỉ còn trơ lại hai sợi dây đồng bằng hai con giun lớn nằm bất động trên sàn phi cơ!
    Thật hú hồn! Nếu niên trường chỉ tắt hệ thống điện trễ 30 giây, để hai sợi dây điện đó tiếp tục cháy đỏ, để phi cơ tiếp tục lao xuống với tốc độ như vậy thì chắc chắn là đúng với câu: “Đi không ai tìm xác rơi”!
    Đối với Không Quân thì phi cơ bị bắn rớt, phi hành đoàn bị thương, bị mất tích hoặc bị tử thương..v..v..Mới là điều đáng nói, Phi hành đoàn bình yên vô sự thì đó chỉ là: chuyện bình thường …xảy ra hàng ngày! KHÔNG CÓ GÌ ĐỂ NÓI!
    Bây giờ ngồi nhớ lại, thì mới nghiệm ra rằng:
    Chỉ có tuổi trẻ mới có thể làm được những công việc như vậy!
    Và mới thấy tội nghiệp cho các thế hệ trẻ VN của thập niên 50,60,70, tất cả đều đã đùa giỡn với Tử Thần, cách này hay cách khác theo cái kiểu như vậy?
    Chỉ có điều rất đáng tiếc là “Tuổi trẻ VN của những thế hệ trên, kể cả hai miền Nam Bắc, đều không cần thiết phải làm như vậy!!!
    Niên trưởng Bùi thanh Sử (1974-1975), là vị Phi đoàn trưởng cuối cùng của đơn vị (PĐ116),
    Dáng người cao gầy và trực tính, niên trưởng từng dạy nhiều anh em học trong ngành Phi Hành và được mọi người tặng một mỹ danh là “THÀY” thay cho cấp bậc,
    Niên trưởng cùng anh em trong PĐ chiến đấu đến giờ phút cuối cùng, khi tàn cuộc chiến…Tôi vẫn còn nhớ vào một ngày cuối tháng 04 năm 1975 oan nghiệt, tôi đưa 02 con của mình lên PĐ, (vì tôi được lệnh từ Quân đoàn IV phải luôn túc trực ở PĐ để bay những phi vụ đặc biệt, và đó cũng chính là lý do mà tôi đã tàn sát được 92 tên VC, tịch thu được hàng tấn vũ khí và đạn dược, cùng hơn 120 chiếc thuyển đủ loại, phá tan âm mưu tiến chiến Phi trường Trà Nóc của bọn hại dân hại nước. Ngay sau khi thực hiện xong phi vụ tuyệt vời này, tướng Mạch văn Trường đã cùng các phóng viên đài truyền hình đáp trực thăng xuống ngay chiến trường, thâu trực tiếp những hình ảnh này và phát trên đài truyển hình Cần thơ, theo lệnh của tướng Nguyễn khoa Nam, tôi đã lên TV và trình bày tự sự, được đặc cách lên lon, nhưng chưa kịp khao lon thì đất nước đã rơi vào tay bọn Cộng sản) thì gặp niên trưởng Bùi thanh Sử cũng vừa ở văn phòng đi ra, niên trưởng vẫy tôi vào trong văn phòng Phi Đoàn Trưởng, niên trưởng ưu ái ôm hôn 02 đứa con tôi và hỏi:
    - Anh Trường đi hay ở?
    Tôi khẳng khái trả lời:
    - Chiến đấu tới cùng chứ Thày!
    Niên trưởng bùi ngùi nói với tôi như nói với chính bản thân mình:
    - Vợ con tôi đã lên Sai Gòn, chẳng biết sống chết ra sao? Nhưng tôi quyết định ở lại sống chết cùng các anh.
    Năm 1992, nhân dịp đi dự đám cưới của anh Đỗ văn Vĩnh, tôi có gặp lại niên trưởng Nguyễn đức Gia và đề nghị nên có ngày họp mặt anh em trong PĐ 116 tại Hải Ngoại, niên trưởng Gia tán đồng ý kiến, và ngày hội ngộ PĐ116 lần đầu tiên tại tư gia của niên trưởng Nguyễn đức Gia được hình thành, trong sự gặp gỡ mừng mừng tủi tủi của bao người, niên trưởng Bùi thanh Sử cũng có mặt trong ngày đáng ghi nhớ đó.
    Từ đó trở đi đến nay, PĐ116 đã có rất nhiều lần hội ngộ, niên trưởng Bùi thanh Sử đề nghị anh em nên có một cái quỹ PĐ, (đóng góp tùy hỷ) để có phương tiện giúp đỡ những ai gặp hoàn cảnh ngặt nghèo hay nằm xuống, niên trưởng xung phong làm Thủ quỹ,
    Hàng năm vào dịp Giáng sinh anh em trong PĐ thường nhận được tấm thiệp chúc mừng của niên trưởng Bùi thanh Sử,
    Một người luôn nghĩ đến anh em, luôn gần gũi anh em, và được sự tin yêu của các thành viên trong PĐ116 chính là: niên trưởng Bùi thanh Sử vậy!
    Những cánh chim đầu đàn của Phi Đoàn 116 thì như vậy còn các thành viên của PĐ thì sao?
    Biết bao nhiêu nhân vật tôi muốn ghi lại, nhưng trong phạm vi bài viết này, tôi xin được ghi lại vài nhân vật điển hình mà thôi…
    Nhân vật đầu tiên tôi muốn nói là “Tiên sinh Bùi kiêm Điền”, một nhân vật hết sức đặc biệt của PĐ, đẹp trai, chịu chơi, hòa đồng và làm việc có tình có lý, hiệu quả cao, danh xưng “tiên sinh” tôi không rõ tại sao mà anh có, nhưng anh em trong PĐ thường gọi anh bằng cái tên “Tiên sinh” thay vì Bùi kiêm Điền hay cấp bậc, anh khóa 61 nhưng vì PĐ 116 đa số là những “cù lủ” nên thâm niên như vậy mà chức vụ cuối cùng của anh vẫn là: Trưởng phòng hành quân!
    Anh ở lại VN cho đến bây giờ, tuy tóc đã bạc, tuổi đã cao, nhưng trông anh vẫn như “lão ngoan đồng” , vẫn còn phong độ và ít nói như thủa nào.
    Nhân vật thứ hai, chính là Lê phước Khương, anh là cầu nối của các anh em Hải ngoại với các anh em ở Quốc Nội.
    Anh đại diện cho PĐ116 tại quốc Nội, anh rất có cảm tình với cá nhân tôi, có một chuyện mà tôi nhớ ơn anh mãi, là tôi muốn tìm vợ con của cố Thần ưng Nguyễn ngọc Trung, bạn bè thân nhất cùng khóa 64C với tôi, anh đã tìm được và hàng năm anh vẫn trao tận tay các bà quả phụ những đồng tiền tình nghĩa của anh em PĐ ở Hải ngoại, tuy chẳng là bao, nhưng lại rất nặng tình nặng nghĩa…Trong số đó dĩ nhiên có phần của vợ con anh Trung.
    Hàng năm anh vẫn tổ chức ngày họp mặt PĐ116 tại Sai Gòn, mỗi dịp Xuân về, anh vẫn đến nghĩa trang Quân đội, thăm cố th/tướng Nguyễn huy Ánh, cựu tư lệnh sư đoàn IV KQ,
    Anh em trong PĐ 116 luôn ngưỡng mộ tấm lòng “mình vì mọi người” của anh.
    Nhân vật thứ ba, chính là anh Lê văn Sùng, trước năm 1975 anh Sùng có biệt danh là “Sùng combat”, khi đi bay hành quân, anh đều trang bị cho mình đầy đủ những thứ cần thiết, đặc biệt ngoài súng ngắn anh còn luôn mang theo súng dài, anh rất “sát Cộng”, từng là chiến sĩ xuất sắc của Quân đội, lập rất nhiều chiến công, mà chiến công quan trọng nhất, thiết yếu nhất trong cuộc sống, chính là anh đã chinh phục được một mỹ nhân người Bạc Liêu, và đã chung sống với mỹ nhân này xuốt đời…
    Anh “tù cải tạo” 13 năm trường hận! Sang Mỹ tuy khá trễ, nhưng anh rất thành công trên xứ sở tạm dung này,
    Một điều mà anh em PĐ 116 luôn thương yêu anh là vì anh rất năng nổ trong mọi công tác xã hội, anh là “cái đinh” của những lần tổ chức hội ngộ PĐ.
    Tướng cao ráo, đẹp trai, có duyên ăn nói và có một chất giọng âm vang, chứng tỏ nội lực của anh rất thâm hậu.
    Người như thế ai mà không mến mộ!
    Nhân vật thứ tư, là anh Trần phước Huynh, PĐ 116 tại Hải ngoại thật may mắn có anh là người luôn năng nổ trong mọi công tác “vác ngà voi”, DVD của PĐ tuy do sáng kiến của tôi, nhưng 90% là do công sức của anh và phu nhân.
    Nếu có dịp nghe anh nói về chuyện vuợt biên bằng đường bộ của anh, mới thấy con người nhân hậu này, dung dị này, lại chính là một con người gan dạ và “lì” hết chỗ chê! Bái phục, bái phục anh.
    Anh là người ham học hỏi, thông minh, nhưng khoái làm “phó thường dân Nam Bộ”hơn là đứng đầu một công tác nào.
    Tôi là người rất thích nghe anh bàn về vấn đề đạo pháp.
    Nhân vật thứ năm, là anh Võ hoàng Thanh, một người ăn nói từ tốn, cẩn thận và không bao giờ “chửi thề”, anh có nhiều nick name như Thanh gà, Thanh cải lương v.v.., Anh rất thích nuôi gà, nuôi gà vì thấy thú chứ không phải nuôi để ăn, hồi còn ờ chung PĐ, anh ở sát phòng với tôi, phòng anh gần với dãy phòng tắm công cộng, anh đã thiết lập nhiều chuồng nuôi gà sát tường của dãy phòng tắm này, anh có thể đứng cả tiếng đồng hồ quan sát, ngắm nhìn bày gà đủ cỡ do một bàn tay anh nuôi nấng, dù đi bay biệt phái ở đâu, cuối ngày anh cũng kiếm cớ đề về lại căn cứ Cần Thơ, với nhiệm vụ “cao cả” là có dịp cho đàn gà anh ăn và ngắm nhìn chúng….
    Trong PĐ có mấy nhân vật “to gan lớn mật” như Nguyễn ngọc Trung, Nguyễn văn Hưởng, Võ đôn Luân, đã từng “cuỗm” gà của anh, đem nấu cháo để ăn khuya, sau khi xoa mạt chuợc đã đời trên Câu lạc bộ.
    Thấy mất gà, anh rất tiếc, nhưng không bao giờ truy cứu hay “xì nẹc”.
    Anh đẹp trai, người tầm thước, có mái tóc bềnh bồng sóng nước, anh luôn o bế mái tóc trời cho này,
    Có lần tôi đi biệt phái chung với anh, vừa đến tiểu khu nơi sẽ biệt phái, công việc trước tiên khi bước ra khỏi phi cơ của anh là lấy chiếc lược trong túi áo bay ra chải đầu, cho dù có cô bạn gái nào của anh ra đón, thì anh vẫn thản nhiên “o bế” cái đầu trước đã, rồi mới vồn vã chào đón người đẹp sau!
    Điều đáng tiếc là bây giờ mái tóc dĩ vãng đó đã không còn nữa, dành chỗ cho mái tóc lưa thưa “ tơ liễu buông mành”
    Nhân vật thứ sáu, anh Thái hữu Kiến, anh là người tốt tướng, trông đạo mạo như một giáo sư hơn là một nhân viên Phi Hành, anh đã để lại cho PĐ 116, một ấn tượng tuyệt vời, qua việc gìn giữ tấm hình chụp vào ngày 05 tháng 07 năm 1967 tại Không Đoàn 74 ở Trà Nóc.
    Anh đã có tấm hình này nhân một dịp ghé qua phòng Tâm Lý Chiến của Không Đoàn.
    Hầu hết là các anh em thuộc PĐ116 và các cấp chỉ huy Không Đoàn đều có mặt trong bức hình này.
    Khi thuận để tôi đăng tấm hình này vào bìa trước của Đặc San PĐ116 do tôi làm chủ biên và chủ bút, anh Thái hữu Kiến đã gửi kèm theo bức hình một lá thư như sau:
    Tôi xem hình này như một báu vật, một ngọc ấn của các vua chúa ngày xưa mà các trung thần phải bảo tồn khi vong quốc, hôm nay, gặp lại các cấp chỉ huy cũ và các bạn trong hình, tôi xin trao lại
    Nov /18 /2002
    Thái hữu Kiến
    Trước năm 1975 anh may mắn có được tấm hình quý giá này, mặc dù bị “tù cải tạo” 07 năm trời ròng rã, người nhà anh vẫn giữ kỹ ở một nơi an toàn và bí mật,
    Khi anh ra trại về nhà, tấm hình càng được bảo quản kỹ lưỡng hơn, tính đến ngày tôi nhận bức hình này, anh đã giữ được hơn 35 năm, trải qua bao nỗi khó khăn như phải dấu trên nóc nhà, trong xó bếp thậm chí có khi phải để trên ngọn cây……
    Qua điện thoại, anh tâm sự với tôi:
    Khi ở tù 07 năm về, tôi quý tấm hình này nhiều lắm, những bạn ngày xưa đa số ra ngoại quốc, số còn lại tan tác mỗi người mỗi phương trời, người thì đi làm mướn, kẻ thì làm ruộng , theo ghe đánh cá hay vùi đầu làm vườn…
    Lâu lâu nhớ về dĩ vãng, tôi lấy hình ra, để có dịp nhìn lại từng khuôn mặt bạn bè, cùng cấp chỉ huy năm nào, giây phút ấy hạnh phúc biết là bao!
    Ngày 11 tháng 11 năm 1991, tôi sang Mỹ theo diện H.O, tôi đã trịnh trọng dấu tấm hình trong một tờ báo, may mắn qua mặt bọn Hải Quan VC nên tấm hình đã cùng tôi đến bến tự do, chính là nuớc Mỹ nơi hiện nay tôi đang sinh sống.

    Nhân vật thứ bảy, Đỗ ngọc Ẩn, nhìn anh không ai nghĩ rằng anh là một Phi Công bởi trông anh rất “mô phạm” ăn nói khoan thai, thậm chí ăn uống cũng từ tốn hơn mọi người, và đó là lý do mà hồi huấn nhục ở Quân trường, anh ăn không lại ai, nên đói triền miên, vào thời điểm này hầu hết các khóa sinh đều có nick name do anh em cùng khóa đặt cho, anh Ẩn, có nick name là : “Cậu Hai” một phần do bản tính kể trên, một phần vì anh là người miền Nam, lại là con trưởng trong gia đình, mà tác phong thì “tà tà” thường trực!
    Từ ngày có cái tên này, hầu hết mọi người đều không gọi tên anh, mà chỉ gọi là “Cậu Hai” mà thôi, 50 năm trôi qua, anh vẫn còn tên này, trong PĐ mọi ngưởi gọi anh là “Cậu Hai” nên dĩ nhiên vợ anh cũng bị gán cho cái tên “Mợ Hai” thay vì chị Ẩn.
    Nhớ thời gian sau khi anh đi “tù cải tạo” về, gia đình anh phải về sống ở quê ngoại, trước năm 1975, chị Ẩn làm sagefemme d’etat ở bảo sanh viện Từ Dũ, nên khi về quê, bà con chòm xóm ai có bệnh tật hay sanh đẻ đều nhờ đến chị, dân quê thường gọi chị là “Cô Năm Mụ” và gọi anh Ẩn là “Dượng Năm Mụ” , cái tên “Cậu Hai” tưởng đã được khai tử, đâu ngờ mỗi khi anh gặp anh em trong Không Quân, ai cũng gọi anh là “Cậu Hai” như xưa, thậm chí đến cả tướng Nguyễn huy Ánh thấy mọi người gọi anh bằng tên này, mới đầu thì ngạc nhiên lắm, nhưng khi biết đó là nick name của anh, tướng Ánh từ đó về sau cũng gọi anh bằng cái tên “Cậu Hai”.
    Nhân vật thứ tám, Phan thế Phiệt, trước khi sang làm việc cho PĐ122, anh Phiệt làm việc ờ PĐ116, thoạt trông tướng anh thì tưởng anh dữ dằn lắm, nhưng thật sự anh là một con người hòa đồng cùng mọi người, dản dị, hiền lành và chân thật.
    Một điều tôi muốn đề cập đến anh, bởi cho đến nay cầu Sai gòn, còn gọi là cầu Xa lộ còn tồn tại, là nhờ vào Phi hành đoàn Thiên sứ, và Phi hành đoàn Họa Mi 72
    vào buồi sáng định mệnh 30 tháng 04 năm 1975, mà anh chính là Phi hành đoàn Họa My 72.
    Xin được nói chi tiết hơn:
    Sáng ngày 30 tháng 04 năm 1975, anh cùng anh Hà duy Thăng được điều động để bay thế cho phi hành đoàn hiện đang biệt phái Đồng Tâm. Phi hành đoàn của anh mang tên Họa My 72, vừa hạ cánh ở Đồng Tâm, đã phải cất cánh để thi hành một phi vụ đặc biệt.
    Phi hành đoàn nhận chỉ thị và sự điều động trực tiếp của Bộ tổng Tham mưu khi bay trên trời.
    Mục tiêu oanh kích chính là cầu Sai gòn, còn gọi là cầu Xa Lộ, phải tiêu hủy cầu này, bằng cách đánh sập đầu cầu, để chặn bước tiến của Cộng Quân đang từ hướng Biên Hòa xuống. Khoảng 45 phút sau Phi hành đoàn Khu trục mang tên Thiên sứ đã có mặt trên vùng.
    Sau khi mô tả mục tiêu và cho biết nhiệm vụ khu trục phải làm, chúng tôi không cần phải bắn hoả tiễn để xác định mục tiêu như thường lệ, vì mục tiêu quá quen thuộc, cầu Sai Gòn ai mà chẳng biết …
    Phi tuần khu trục Thiên Sứ sau khi biết vị trí của chúng tôi, biết mục tiêu phải thanh toán, đã lao xuống mục tiêu như tên bắn, những trái bom được thả hết xuống mục tiêu chỉ một lần…Kết quả: cầu Sai gòn vẫn còn đó, và những trái bom “như để” đã nằm ngoan hiền bên cạnh cầu.
    Quân đoàn IV ra lệnh chúng tôi chờ trên mục tiêu, để tiếp tục phi vụ đặc biệt khi phi tuần khu trục khác sẽ tới…
    Có điều, bắt đầu từ giây phút sau đó, Bộ tổng Tham Mưu không còn liên lạc với chúng tôi nữa!
    Chờ đợi khoảng 30 phút thì: Đại tướng Dương văn Minh tuyên bố ĐẦU HÀNG
    Bắt đầu từ đó, chúng tôi không còn liên lạc được với giới chức thẩm quyền nào nữa,
    Biết thân phận mình, chúng tôi rời vùng, tôi đi “tù cải tạo” , khi được thả về, tôi đã qua MỸ và tiếp tục sinh sống tại nơi đất tạm dung này, và có mặt hầu hết trong những lần PĐ116 Hội ngộ.
    Cám ơn Phi hành Đoàn Thiên Sứ, các bạn đã làm một việc trời biết, đất biết, Phi hành đoàn Họa My 72 biết…
    Nhưng “ai đó” ra cái lệnh nghiệt ngã này cho đến nay nghĩ gì nhỉ? “ai đó” phải đội ơn Phi tuần Thiên Sứ này… Họ đã đánh sai mục tiêu vì “lòng nhân đạo” !
    Nhân vật thứ chín, Nguyễn văn Đức, anh còn có một biệt hiệu là Sa Giang, mà anh thường dùng khi viết văn, làm thơ .
    Bạn bè Không Quân biết anh, thân với anh thì gọi anh là : Đức Què.
    Lý do anh bị đạn bắn vào chân, do sự vô tình bất cẩn của một người bạn, bị “sui” như vậy, nhưng anh không trách người gây ra chuyện ấy cho mình, vẫn đối xử chân tình với người này xuốt đời mình…
    Trong giai đoạn cuối đời, anh bị nhiều chứng bệnh lắm, 03 lần cha làm lễ sức dầu cho anh, cuối cùng anh mới xuôi tay nhắm mắt trong trạng thái an bình.
    Những lúc anh bị bệnh hành quá, tôi thường dành thời giờ để đến thăm anh, có một lần vào năm 2004, khi làm cuốn Đặc San thứ hai cho PĐ tôi có gợi ý anh nên đóng góp bài viết, thời điểm đó bệnh anh đã trở nặng rồi, anh tâm sự không thể viết được nữa, nhưng xin làm mấy câu thơ để tặng tôi như sau:
    Nắng nhuộm cành lá trên cao
    Gió vui lối gió lao xao trước vườn
    Lòng vui hoa nở trong vườn
    Bạn thân tri kỷ trong lần đến thăm
    Khi anh vừa mất, tôi đã sáng tác chung một nhạc phẩm với anh Lê Vũ để tặng anh. Nhạc phẩm mang tên: “Vì sao rơi”
    Làm xong, chúng tôi thâu băng và trao tận tay vợ anh, chị đã để lên bàn thờ cạnh tấm hình của anh.
    Trên đây chỉ là một vài kỷ niệm của tôi đối với quý anh đã có một thời cho tôi có cơ hội chung sức chung lòng cùng nhau bảo vệ non song đất nước, bảo vệ màu cờ sắc áo của Quân chủng Không Quân mến yêu.
    PĐ 116 sẽ kỷ niệm Hội Ngộ 50 năm ngày thành lập PĐ vào ngày 25 tháng 05 năm 2014 tới đây.
    Rất mong nhiều, thật nhiều, cánh chim Thần Ưng 116 về tham dự, chúng ta nay đã lão cả rồi, nhớ đến nhau đã là khó, tìm đến nhau lại càng khó hơn…
    Bây giờ người còn người mất, một lần cho tất cả, hãy về tham dự Hội Ngộ PĐ 116 đi các anh….Ai cũng đang ngóng đợi thiết tha đấy các anh ạ!


    Cali ngày 18 tháng 02 năm 2014
    Thần ưng NGUYỄN VIẾT TRƯỜNG
    Last edited by Phòng Trực; 06-24-2014, 09:37 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X