Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Mùa Xuân Nghe Bạn Kể Chuyện Đời

Collapse
X

Mùa Xuân Nghe Bạn Kể Chuyện Đời

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Mùa Xuân Nghe Bạn Kể Chuyện Đời

    Mùa Xuân Nghe Bạn Kể Chuyện Đời
    Song Vũ

    We have shared the incommunicable experience of war.
    In our youths, our hearts were touched with fire.

    Oliver Wendell Holmes
    Memorial Day Adress, 1884

    Một

    Ngồi từ trên cao nhìn xuống, căn trại là một khối hình bình hành. Ngoài ba lán ngủ nàm song song với nhau còn lại khu nhà bếp nằm xéo qua một bên, bên kia cách một khu đất vuông nhỏ là khu nhà kho của trại. Căn trại trước đây chưa đầy năm vốn dĩ là một khu rừng trống nằm ven một con suối nhỏ. Dọc theo con suối đi sâu vào phía trong là những dẫy đồi thoai thoải rồi cao dần. Nằm cắt ngang con suối là một con đường đất rộng chừng năm thước, con đường bò ngoằn nghoèo theo chân đồi rồi chấm dứt tại một chân đồi khác để leo lên trên cao thành một con đường mòn vừa bước chân người đi.

    Chúng tôi được xe tải quân đội chở tới trại này vào giữa tháng 6 năm 1977. Sáu chiếc xe tải đổ xuống ngay ngã ba giữa liên tỉnh lộ đi từ Yên Báy đi Lào Cai và con đường mòn này vào lúc giữa trưa sau khi trải qua gần ba ngày di chuyển từ Nam ra Bắc bằng đủ loại phương tiện: ô tô, tàu thủy, xe lửa và bây giờ là ô tô… Dẫn đầu đoàn người là một sĩ quan quân đội CS mang cấp bậc đại úy 4 sao, kèm theo sau là gần một tiểu đội bộ đội. Khi những người đi đầu dừng lại sát ngay bên bờ suối, cả đoàn người dừng theo. Lệnh ban ra nghỉ giải lao ba mươi phút. Chẳng ai bảo ai đều quăng ngay chiếc sắc trên lưng rồi nằm vật ra cỏ để thở. Chúng tôi đã quá mệt, đến nỗi quên luôn sự nhọc nhằn khốn khổ đang mang trên mình.

    Bữa ăn trưa là một thỏi lương khô đậu xanh của Trung Quốc có tên là 701. Nhai nuốt trệu trạo để dằn cơn đói mệt và tiện ngay bên suối, múc luôn nước suối để uống. Mấy tay lính áp giải đi theo cảnh cáo,

    - “Coi chừng đừng có uống nước suối, độc lắm đấy!”

    Lời cảnh cáo đến quá muộn và nói cho thực tình, không uống nước suối thì uống nước gì? Bi đông nước đun sôi mang theo từ hôm dời trại giam Suối Máu đã cạn khô ngay hôm đầu tiên khi bước chân xuống những chiếc tàu chuyên chở ven duyên đón chúng tôi từ cảng New Port đi ra Quảng Khê. Suy cho cùng, cái chết có còn là một ám ảnh đáng sợ gì đâu, trước sau gì rồi cũng chết thôi, cách này hay cách khác. Đoàn người được lùa lên trên đồi, rồi phân công chặt một ít cây chung quanh đồi căng những túp lều bằng vải bạt để ngủ tạm qua đêm. Rồi từ đó, chúng tôi đã lập nên căn trại này để tự nhốt mình.

    Hơn một trăm rưởi tù “cải tạo” được chia thành 5 đội. Mỗi đội trên dưới ba chục người. Ngoại trừ đội nhà bếp, các đội còn lại buổi sáng được phân công lên rừng đốn gỗ, tre nứa, luồng, mang vể dựng cột, làm kèo, dựng lên 5 lán ngủ, một nhà kho, một nhà bếp. Công việc kéo dài tới tháng mười mới tạm ổn.

    Trời vào Thu rồi Đông, chúng tôi bắt đầu phá rừng làm nương trồng sắn và bắp. Một số khác trồng lúa trên những thửa ruộng nhỏ nằm ven suối để lấy gạo nuôi ban chỉ huy của trại.

    Từ khí hậu hai mùa mưa và khô của Miền Nam; giờ đây một số anh em vốn sinh trưởng từ Miền Nam thấm đòn giá lạnh của xứ Bắc. Nằm giữa hai hàng xạp ngủ của căn lán là những rãnh được đào xuống để nhóm lửa suởi chung cho cả lán. Mấy người già khó ngủ thường ngồi thâu đêm bên cạnh những “ hố sưởi” này ngủ gà ngủ gật qua đêm. Khi mùa đông ập tới tình trạng càng thê thảm hơn, phần vì kiệt sức, phần bịnh tật, lác đác các đội có những anh em lớn tuổi bắt hoặc bịnh tật bắt đầu… chết.

    Mở đầu là một cha tuyên úy, sau đó là hai vị sĩ quan một tâm lý chiến, một BĐQ. Cái chết đầu tiên của ông cha còn được anh em bàn tán xì xào với nhau. Hai vị kế tiếp cách nhau một tuần sau thì chẳng còn ai… rảnh để nghĩ tới nữa. Ý chung nhất của cả trại là rồi sẽ đến lượt mình thôi. Thắc mắc không giải quyết được gì. Và điều ấy đã đến rất sớm hơn dự định. Bắt đầu từ tháng 10 trở đi, căn bịnh kiệt lỵ, dịch tả bắt đầu hoành hành. Hầu như ngày nào cũng có bịnh nhân được khiêng lên trại y tế có tên là trại 9 để chữa trị. Những bịnh nhân còn chống chọi được vì có mang theo thuốc trụ sinh từ gia đình theo vào trại để uống thì lay lắt sống. Toán bịnh nhân lặc lè này được trại cho dùng thuốc Xuyên-tâm-liên, cộng với nước lá ổi đun sôi phát uống hàng ngày…

    Ơn trời, số bịnh nhân này cũng gượng sống được gần phân nửa, thành phần chuyển lên trại y tế hầu như không còn lại ai. Ngọn đồi gần trại 9 là nghĩa trang của những anh em xấu số này. Khởi đi từ một ngọn đồi trọc, sau đó chưa đầy nửa năm những ngôi mộ tù đã phủ kín. Nhiều lúc lẩn thẩn tôi tự hỏi so với thời gian trước đó, với câu khẩu hiệu “sinh Bắc tử Nam“ của các cán bộ miền Bắc xâm nhập; bây giờ là những người tù cải tạo “sinh Nam tử Bắc“ này có sự khác biệt nào không? Rồi tự trả lời cho mình, khác lắm chứ, chúng tôi không chủ trương giải phóng cho ai cả, chúng tôi chiến đấu để tự vệ. Cái lẽ tử sinh của những ai hăng hái ra đi theo tiếng mồi chài bịp bợm của lãnh đạo là cái chết dại khờ và có tội với chính đồng bào của mình. Còn chúng tôi, nếu có điều gì còn áy náy chính là đã không bảo vệ được người dân Miền nam gìn giữ được đời sống tự do và hạnh phúc của họ đang có. Ngược lại, những cán binh Cộng Sản có thể là lúc họ lên đường họ chưa nhìn thấy gì, nhưng bây giờ đây sau hơn 30 năm ngồi nhìn lại, những người còn sống sót sau cuộc chiến chắc hẳn đã nhận ra điều khốn nạn đó chứ?

    Hai

    Tuấn thua tôi hai tuổi, anh tuổi con khỉ, tuổi giáp thân, một tuổi mà cha mẹ anh bảo sau này lớn lên chỉ thích nhẩy nhót vui chơi. Mà đúng thế thật, học xong trung, lên đại học chưa tròn năm anh vào lính và ra trường trong màu áo BĐQ. Anh được huấn luyện đủ mọi kiểu mưu sinh thoát hiểm nên anh có đủ mọi loại tài vặt cần thiết trong cuộc sống trong rừng liên miên của anh sau này. Cùng trong một đội trồng rau xanh, lại nằm ngủ gần nhau chung một lán. Tuấn và tôi có chung nhiều kỷ niệm thành ra hai đứa khá thân thiết. Những ngày nghỉ lao động, hai đứa thường rủ nhau kiếm một chỗ bóng cây râm mát, trải tấm vải nhựa anh đã mang theo từ nhà khi đi trình diện, pha một gô trà xanh ngồi tâm sự.

    Tuấn kể tôi nghe chuyện gia đình anh gần đến mức thuộc lòng, từ tên các anh em cho tới tên vợ con. Anh lập gia đình năm 1969 sau khi bị thương tại mặt trện Bình Long tháng 6, 1968 rồi được đưa về trị thương tại Tổng y viện Cộng Hoà. Vợ Tuấn là Thanh Mai vốn là một nữ sinh Gia Long, nhân dịp theo phái đoàn ủy lại thương bịnh binh vào thăm viện nhân ngày lễ Quốc Khánh năm ấy. Chẳng biết có phải vẻ mặt đẹp trai giống tài tử “xi nê” như Tuấn thường đùa cợt đã làm cô nữ sinh phải lòng hay tại cái duyên số nó xui khiến mà ra.

    Tuấn cưới Thanh Mai vào giáp tết năm ấy sau khi ra viện về nhà nghỉ dưỡng thương một tháng. Chỉ có điều, gia đình Mai không ai chịu. Người phản đối quyết liệt nhất lại là chính bà già vợ mới kẹt. Ông bố vợ lúc đầu cũng không ưng một anh chàng rể vốn dĩ là một sĩ quan biệt động, cái tên mới nghe đã thấy bóng dáng của sự đánh đấm phát lạnh! Nhưng sau đó khi gặp mặt và qua nói chuyện, chẳng biết có phải vì tài ăn nói có duyên hay cung cách hành xử rất nam tính của anh đã khiến cho ông già xiêu lòng. Nhưng bà già thì nhất định không chịu. Bà tuyên bố một câu xanh rờn với Mai,

    - “Mày mà lấy thằng đó, tao từ.“

    Tuấn lúc đầu có vẻ cũng nản chí, có ý muốn rút lui trong danh dự. Nhưng người đưa ra quyết định lạnh lùng sắt máu lại chính là vợ anh sau này,

    - “Em nhất định phải lấy anh! Má có từ em cũng lấy!”

    Thế mới chết chứ. Dĩ nhiên là trước khi quen Thanh Mai, Tuấn cũng đã từng có dăm ba mối tình lẻ dắt lưng, nhưng thật sự chưa có mối tình nào theo lời Tuấn lại “quyết liệt“ như thế này. Tôi cười hỏi,

    - “Rồi kết qủa ra sao?“

    Tuấn bảo

    - “Chẳng lẽ em là nữ sinh mà còn mạnh mẽ thế, mình là dân biệt động lại kém sao coi cho được?“

    Hôm về nhà thưa cùng mẹ Tuấn về ý định cưới Thanh Mai, bà già Tuấn ngạc nhiên,

    - “Lần này mày nói thiệt hay dỡn đây?“

    Tuấn chắc nịch

    - “Con nói thiệt đó má.”

    Sau đó Tuấn thú thực về những trục trặc từ bên phía gia đình bên vợ cho bà già hay thì bà già bỗng nổi máu tự ái cùng mình,

    - “Má nó không chịu thì làm sao tao cưới cho mày?“

    Rồi bà nói tiếp, “Con tao cũng đầy đủ tay chân, học hành đàng hoàng chứ đâu có phải là đồ bỏ. Bên đó không chịu, tao cũng không chịu.“ Tuấn bất ngờ trước quyết định mang đầy “tự ái dân tộc” của mẹ mình và biết rằng không nên nói bất cứ điều gì trong lúc này nữa. Anh im lặng lủi thủi bước vào buồng.

    Hai hôm sau, Tuấn đưa Thanh Mai về giới thiệu với mẹ. Thực ra đây không phải là ý định của Tuấn mà lại chính do Thanh Mai nêu ra. Mai bảo,

    - “Anh để em, em sẽ thuyết phục má anh!“

    Sau khi giới thiệu với mẹ, Tuấn tìm cách rút lui để Mai làm thương thuyết gia. Chẳng hiểu sao sau đó chừng một tiếng, mẹ anh kêu anh ra rồi bảo,

    - “Thôi tùy hai đứa bay, làm sao thì làm đừng để tao mất mặt với bên anh chị sui là được.“

    Tháng giêng năm 1969, trước tết nguyên đán ít ngày hai đứa làm đám cưới. Tiệc cưới được tổ chức tại một nhà hàng tàu trên đường Hải Thượng Lãn Ông trong Chợ Lớn. Bạn hữu được mời không quá ba chục người, họ hàng cả hai bên gom lại vừa tròn năm bàn. Mẹ Thanh Mai đi dự nhưng nét mặt không vui. Mẹ của Tuấn cũng ít nói trong suốt bữa tiệc. Chị hai Hằng và út Thanh của Tuấn bù lại lăng xăng tới lui nhằm làm giảm bớt không khí nặng nề của bữa tiệc. Về phía bên Thanh Mai, ông anh lớn vốn là một giáo sư thì lặng lẽ không nói nhưng cũng không tỏ ý phản đối, riêng cô em gái út thì lại có vẻ chịu ông anh rể trông rất ngầu này.

    Ba

    Tuấn là con trai duy nhất trong nhà gồm ba anh chị em, một trai hai gái. Hằng, chị lớn của Tuấn là một kế toán viên làm việc cho một hãng thầu xây dựng. Chị Hằng có chồng là một y sỹ, Thanh vẫn còn độc thân đang và học đại học Văn Khoa Sài Gòn. Ba Tuấn vốn là một công chức của bộ Xã Hội mất đầu năm 67, khi ông đang trên đường di chuyển vào khu trù mật Mỹ Phước Tây thì xe bị mìn của du kích Việt cộng trong vùng. Trước khi đi lính, Tuấn là sinh viên trường đại học Khoa Học. Đang học năm thứ nhất thì ham vui theo đám bạn cùng lớp rủ nhau xuống đường biểu tình mà chẳng biết chống ai nên bị lùa vào trung tâm huấn luyện Quang Trung hai tuần rồi sau đó đưa đi học sĩ quan. Sẵn bực bội vì cái tính bông phèng của mình và nhất là ức vì bị mấy ông sĩ quan quân trường lên lớp bảo rằng,

    - “Mấy anh là những người vốn đã ham sống sợ chết, đang yên ổn nơi hậu phương không biết sướng còn bầy đặt nay xuống đường mai xuống đường tiếp tay cho Việt cộng phá hoại hậu phương.“

    Học xong khóa sĩ quan, Tuấn tình nguyện xin sang binh chủng Biệt Động Quân để chứng tỏ rằng mình là thằng không hèn nhát như mấy sĩ quan cán bộ quân trường thường mắng mỏ anh. Tuấn nói với tôi,

    - “Cuộc đời em nó kỳ cục lắm, anh ạ. Em thấy cứ mỗi lần em nổi máu sĩ diện lên thì y như là lại làm một quyết định… đúng!“ Trầm ngâm một lát rồi Tuấn bảo, “Anh thấy không, như em đây, khi cưới vợ, gặp bao trục trặc tưởng buông luôn, rồi ai ngờ hai đứa cũng thành đôi. Đó lại là một quyết định đúng khác.”

    Tuấn kể tiếp, - “Vì em theo đơn vị hành quân túi bụi nên Thanh Mai quyết định ở với gia đình bên ngoại, trừ những ngày em về phép hai đứa lại kéo nhau về nhà em sống. Lúc nào cũng như cặp vợ chồng son, nghĩ thấy lại vui anh ạ.“

    Năm 1971, Thanh Mai có bầu, sinh một bé gái dễ thương giống hệt mẹ nên được bên ngoại rất cưng. Những giận dữ của bà má vợ trước đó bỗng dưng nguôi ngoai trước nụ cười thiên thần vô tư của đứa cháu gái. Năm 1972 vợ chồng Tuấn lại có thêm một bé trai, thằng bé giống bố y chang. Lần này thì mẹ Tuấn là người hỉ hả. Tuấn nghĩ thầm “tỷ số trận đấu giữa hai đội banh nội ngoại tạm hoà 1-1!” Từ đó cuộc hôn nhân của Tuấn cũng bớt nặng nề hơn và Tuấn bảo,

    -“Em từ lúc đó mới thực sự thấy hạnh phúc, anh ạ.“

    Bốn

    Buổi sáng thứ hai hàng tuần luôn là một buổi sáng cực hình. Những đội tù cải tạo sắp xếp theo thứ tự hai hàng ngồi chờ để gọi tên cho ra khỏi trại để đi lao động. Ngày thứ bảy và chủ nhật trại thường được nghỉ xả hơi, nhưng thực tế thì ngày thứ bảy không chắc lắm. Trại có quyền đưa ra bất cứ lý do nào để ra lệnh cả trại phải đi lao động dưới một cái tên nghe rất “kỳ cục“, Ngày lao động xã hội chủ nghĩa. Sáng hôm đó khi đội bước qua cổng trại được vài chục thước thì cán bộ nhà thăm nuôi vào báo tin Tuấn có gia đình ra thăm. Tuấn được gọi ra khỏi hàng theo chân viên cán bộ đi trở lại ngược vào trong chuẩn bị.

    Khu vực lao động của đội trồng rau xanh chúng tôi nằm cách nhà thăm nuôi chừng vài chục thước. Thường thì các gia đình ra thăm thân nhân khi ngủ lại chờ thăm gặp hoặc tới trại quá trễ thường ngủ trong một căn nhà vách lá quay lưng ra phía vườn rau. Gia đình thân nhân thường lợi dụng thời gian này để có thể hỏi thăm tình hình về người thân của mình ở trong trại thực sự ra sao. Đội rau xanh chúng tôi bị cấm tuyệt đối không được lai vãng đến gần khu thăm nuôi. Nhưng đôi khi có những công việc bất ngờ xảy đến hoặc những anh em có nhiện vụ tưới các luống rau kề cận gần đó thường cố gắng liên lạc hỏi han trao đổi tin tức với bên ngoài, hoặc vất thư tay nhờ những người đến thăm thân nhân chuyển dùm cho gia đình mình…

    Thăm đến trưa thì Tuấn được đưa về lại trại. Trên đường lộ di chuyển ra trại A, chúng tôi nhìn thấy một thiếu phụ cùng hai đứa con nhỏ mà chúng tôi đồ chừng là gia đình của Tuấn. Từ xa nhìn ra, người phụ nữ hình như vừa đi vừa gạt nước mắt khiến cả đội rau ai cũng bùi ngùi.

    Theo thông lệ, mỗi khi trong đội có người được gia đình thăm nuôi thì người may mắn đó thường làm một bữa tiệc trà nhỏ để chiêu đãi bạn bè và nói những tin tức mình đã nhận được qua gia đình. Sau khi trà lá và ăn chút kẹo bánh do gia đình mang tới, Tuấn cũng nói qua một phần những tin do gia đình thông báo. Nói chung cũng vẫn chỉ là những lời đồn đoán nhiều hơn là tin chính xác. Hôm sau, kéo một số thân hữu ra chỗ riêng, Tuấn báo lần này là lần thăm nuôi cuối cùng của vợ con. Sau lần này, vợ con anh sẽ ra đi. Mặc dù không ai bảo ai, nhưng hình như chúng tôi đều đọc được trong ánh mắt của nhau sự đồng tình ủng hộ cho quyết định của gia đình Tuấn. Tuấn bảo lý ra thì cô ấy và hai đứa nhỏ đã ra đi từ lâu rồi nhưng cứ chần chờ hy vọng ngày trở về của Tuấn nên lại thôi. Bây giờ thì đã quá mức chịu đựng, niềm tin về một thứ nhân đạo hão huyền của cộng sản đã tan thành mây khói nên gia đình không còn chọn lựa nào khác nữa.

    Từ đó, thời gian chờ đợi tin tức gia đình đối với Tuấn dài khủng khiếp. Có lần Tuấn bảo với anh em trong lán mấy đêm nay sao Tuấn toàn nằm mơ thấy chuyện chẳng lành xảy đến cho vợ con anh. Anh Hạo là người lớn tuổi nhất trong đội, tính điềm đạm và có nhiều chiêm nghiệm nghiên cứu về những vấn đề tâm linh. Anh hỏi Tuấn nằm mơ thấy gì mà “chú mày gọi là chẳng lành?” Tuấn kể, đêm hôm trước hắn mơ thấy vợ con hắn đi trên một con thuyền chở khẳm như chỉ chực chìm xuống biển rồi bỗng trời mưa gió sấm chớp đùng đùng hắn thấy con tàu bị một cơn sóng to như trái núi đổ úp xuống khiến không còn nhìn thấy con tàu đâu nữa. Anh Hạo cười bảo,

    - “Thế thì vợ con mày thoát rồi.”

    Tuấn ngạc nhiên hỏi,

    - “Sao kỳ vậy?“

    Anh Hạo chậm rãi cắt nghĩa,

    - “Thời buổi bây giờ loạn ly tứ tán đâu đâu cũng toàn là cảnh địa ngục trần gian. Ngôn ngữ bây giờ cũng đảo lộn lung tung đen hóa trắng, dối trá thành chân thật và ngược lại. Nói chung là xã hội, thế giới đảo điên lộn tùng phèo hết rồi. Cơn sóng dữ nhận chìm chiếc thuyền của vợ con mày không cho mày nhìn thấy nữa là điềm kiết. Còn nếu mà sau cơn sóng ấy còn nhìn thấy chiếc thuyền thì nó bị túm rồi. Yên chí đi, vợ con mày thoát rồi phải mừng mới phải.”

    Tuy nghe anh Hạo nói vậy nhưng cả Tuấn lẫn anh em cùng đội chẳng mấy ai tin theo kiểu luận giải… không giống ai như vậy. Buổi tối khi cả đội vào buồng, Tuấn bò xuống chỗ anh Hạo hỏi nhỏ,

    - “Này đại ca, điều đại ca nói với đệ là thật đấy chứ?”

    Hạo mỉm cười,

    - “Thật, còn chú mày tin hay không thì tùy nhưng tao tin là tao đoán trúng?”

    Hôm sau tôi lại tò mò,

    - “Này bố Hạo, bố nói là để an ủi thằng Tuấn hay là bố nói thật đấy?“

    Lần này thì anh Hạo làm mặt nghiêm,

    - “Tao nói thật đấy. Mày còn nhớ thằng Chỉnh cắt tóc không? Hôm trước tết nó đang hớt tóc cho một tên cán bộ của trại thì loay hoay sao đánh rớt bể mất chiếc gương soi. Tao bảo nó tết này mày được tha rồi, chuẩn bị về là vừa.“

    Và trong danh sách được tha đọc trước tết một tuần, Chỉnh được tha thiệt. Anh Hạo nổi tiếng từ đó nhưng lần này thì khác, rõ ràng Tuấn bảo hắn nằm mơ giấc mộng thật là xui xẻo mà sao anh lại đoán như thế? Tuy không ai nói ra nhưng trong thâm tâm từng người đều cho rằng lời đoán của anh Hạo chì là một lời an ủi thuần túy nhằm hỗ trợ cho tinh thần của Tuấn đang có nguy cơ suy sụp thôi. Rồi mọi chuyện vẫn tiếp nối ngày qua ngày trong hy vọng và chờ đợi của Tuấn.

    Cho đến tháng giêng năm 1980 trong buổi phát thư hàng tuần, tên cán bộ quản giáo cầm một sắp thư đứng trước đội gọi tên người nhận. Bắt đầu là câu hắn hỏi,

    -“Ai là người có thân nhân là Trần văn Bảo không?“

    Luyện, đứng lên trả lời,

    - “Có, đó là bố tôi“.

    Tên cán bộ quản giáo cầm lá thư đã mở ra đưa cho Luyện. Tên cán bộ tiếp tục đọc cho tới lá thư cuối cùng,

    - “Ai có người nhà là Hé lè ne không?“

    Cả đội ngơ ngác nhìn nhau, từ trước tới nay chưa ai có người nhà nào mà tên nghe “kỳ cục” như thế. Tên cán bộ hỏi lại một lần thứ hai,

    - “Có ai có người nhà là hé lè ne không?”

    Vẫn không ai trả lời. Tên cán bộ cũng ngạc nhiên không kém,

    - “Sao kỳ vậy cà? Rỏ ràng đúng là tên này, người nhận là Nguyễn văn Tuấn đây này sao mà không ai nhận là sao?“

    Tuấn đứng bật lên như tỉnh, ngủ.

    - ”Đó là thư của vợ tôi!”

    Tên cán bộ vặn lại,

    - “Thế sao hỏi hai lần mà anh vẫn không nghe ra là sao?“

    Tuần bảo,

    - “Vợ tôi tên là Hélene chứ không phải là hé lè ne nên tôi không nhận ra!“

    Tên cán bộ tỏ vẻ bực bội,

    - “Rõ ràng là hé lè ne mà còn cãi bướng, lần khác thì không cho nhận đâu đấy nhá!“

    Tối hôm đó Tuấn mới cho mọi người biết vợ anh đi theo đường hàng không sang Pháp do bố mẹ vợ anh bảo lãnh. Có người cật vấn,

    - “Thế sao mày lại bảo vợ con mày vượt biên?”

    Tuấn bảo,

    -“Vợ tao dự định là vượt biên vì vụ bảo lãnh này đã được làm giấy tờ cả mấy năm nay rồi mà đâu có tin tức gì.Thành ra vợ tao hôm ra đây nói là kỳ này không chờ đợi bảo lãnh nữa vì chắc không biết đến bao giờ và có được hay không nên vượt biên cho… chắc ăn!”

    Tôi rờ đầu hắn hỏi,

    - “Mày có điên không Tuấn? Vượt biên mà gọi là chắc ăn à?“

    Tuấn cười đùa,

    - “Thì vợ em nó bảo như thế biết đâu. Chứ anh không từng nghe tàu Chợ Lớn bỏ tiền ra mua thuyền rồi lên thuyền đi tỉnh như ruồi sao?”

    Tuấn quay qua anh Hạo hỏi,

    - “Tôi phục bố quá bố Hạo ạ, làm sao mà bố đoán được chính xác như thế hả bố?”

    Hạo cười khẩy,

    - “Thì đã bảo thời thế lộn ngược rồi, trái phải trắng đen lộn tùng phèo thành ra luôn phải hiểu ngôn ngữ mới biết chưa? Nhà nước nói là đúng thì phải hiểu ngược lại, còn nói là sai thì là đang rất đúng, nói là rất mực nhân đạo thì phải hiểu là thậm tàn ác, là đang tiến lên thiên đường thì có nghĩa là đang trên đường xuống địa ngụa biết chưa?“

    Năm

    Trước tết năm 1981 Tuấn cùng tôi chuyển về trại Nam Hà. Cái tết năm 82 thật là lạnh. Trời lạnh như dao cắt. Nhìn lên dẫy núi đá vôi bên hông trại ai cũng phải lưu ý tới một phiến đá lớn hình giống như một con rùa đang leo lên đỉnh núi. Buổi chiều 30 tết cả trại được nghỉ lao động. Hai anh em kéo nhau ra hàng hiên pha trà ngồi uống. Từng cơn gió heo may thổi rít qua những vách tường nhà làm cái lạnh càng đậm đà hơn. Tuấn bảo.

    -“Anh Vũ à, anh có nhìn thấy con rùa đá kia không?” Rồi không đợi tôi trả lời, Tuấn nói tiếp, “Khi nào con rùa đó bò tới đỉnh thì chắc anh em mình mới được về nhà anh nhỉ?“ Tôi nói Tuấn vừa đủ nghe,

    -“Chắc không đến nỗi thế đâu.Thế sự xoay vần chúng mình không đến nỗi phải tuyệt vọng như thế. Trước mọi sức ép của thế giới, Cộng Sản đã không dám giết mình thì vấn đề chúng mình còn có cơ may sống sót được. Tuấn đừng bao giờ tin rằng Cộng Sản có lòng nhân đạo. Lịch sử thế giới đã minh chứng rất rõ điều này. Đối với họ, con người chỉ là phương tiện chứ không phải là cứu cánh. Thành ra khi nào chúng thấy rằng việc tha tù ra sẽ mang lại lợi ích cho chúng, chúng sẽ thả. Tôi tin là sẽ có một ngày như thế.“

    Tối hôm đó khi vào buồng, bỗng dưng Tuấn mượn cây đàn của một anh bạn tù rồi dạo lên và hát bài “Ngàn trùng xa cách“ của Phạm Duy. Cả buồng chìm trong im lặng, những tiếng trò chuyện rì rầm bỗng dưng lắng xuống. Chưa bao giờ trong đời tôi có thể nghe một lần trình diễn hay đến như thế. Tiếng của Tuấn nghẹn ngào và sâu lắng như những đợt sóng xô giữa biển trời. Khi lời ca cuối cùng tắt đi, tôi nghe đâu đó trong buồng có những tiếng thổn thức. Tôi hiểu trong lòng Tuấn giờ đây đang nghĩ gì và nghĩ đến ai.

    Thì ra bên ngoài cái vẻ mạnh dạn rất ngầu của một sĩ quan biệt động, bên trong sâu thẳm nội tâm một con người nghệ sĩ vẫn luôn hừng hực sống. Những người lính chúng ta khác hẳn những cán binh Cộng Sản có lẽ chính là ở điểm này đây. Chúng ta là những người lính, còn Cộng Sản chỉ có bộ đội, họ thiếu đi chữ người. Chúng ta coi kẻ thù của mình là những người lầm đường vì bị một thứ chủ nghĩa ngoại lai tẩy não, nên có thể níu về cùng hướng với mình. Còn họ thì không. Chúng ta là một trở ngại trên con đường tiến vào thiên đường đẫm máu và hận thù của họ. Họ phải tiêu diệt bằng mọi giá để dấn bước.

    Ra tết hai tháng sau thì chúng tôi chia tay. Tôi được chuyển về Nam -Trại Z30A Xuân Lộc còn Tuấn trong danh sách ở lại. Lúc chia tay, Tuấn ôm tôi rưng rưng nước mắt. Tôi bảo Tuấn,

    - “Trước sau gì thì anh em mình cũng phải chia tay nhau thôi. Hy vọng như lời đồn râm ran trong trại mấy bữa nay là những người còn ở lại sẽ được tha. Anh hy vọng Tuấn sẽ trở về trước anh.”

    Tuấn lắc đầu tỏ vẻ hoài nghi. Kinh nghiệm trong lao tù Cộng Sản dạy cho chúng tôi biết bao điều về cách tồn tại trong cái xã hội quái đản này. Điều cần phải nhớ nằm lòng đó là trong tù đừng bao giờ tin ai cả. Chấp nhận mọi lọc lừa dối trá như một thứ sinh hoạt bình thường.

    Tháng 2 năm 1988 tôi được ra khỏi trại. Gặp lại một số bạn bè từng cùng sống trong các trại trước kia ở ngoài Bắc, tôi hỏi thăm và dò la tin tức của Tuấn thì đượ biết Tuấn được tha về vào tháng 5 năm 1982 từ trại Nam hà. Trong lòng tôi mừng thầm cho bạn mình và nghĩ Tuấn chắc hẳn đã sang Pháp đoàn tụ cùng gia đình. Rồi công việc kiếm sống khiến tôi không còn thì giờ để tâm tới các chuyện khác nữa. Cuối năm đó rộ lên phong trào ra đi trong trật tự (chương trình ODP) rồi chương trình HO. Tôi nạp đơn tại quận tôi đang sống và chờ đợi ngày gọi phỏng vấn.

    Cuối tháng 4, 1992 gia đình tôi lên máy bay theo chuyến giành cho HO11. Sau thời gian ổn định cuộc sống trong một lần tình cờ gặp lại một người bạn cùng ở lại Nam Hà năm đó khi tôi di chuyển về Nam tôi có hỏi đến Tuấn. Anh bạn cho biết Tuấn không sang Pháp mà cùng bà già và người em gái đi qua Hoa Kỳ theo HO 1 hiện đang sống ở Texas.

    Ở Pháp được hơn 10 năm thì vợ con Tuấn di trú sang Cali nhờ sự bảo lãnh của chồng. Lần mò sao năm 2009 hắn lại tìm được số phone của tôi và gọi báo cho tôi biết. Nghe giọng nói hắn rổn rảng trong máy tôi thật mừng. Tuấn bảo,

    - “Em hiện giờ đang ở Nam Cali, sẽ có dịp em lên thăm anh.“

    Tôi vui bảo nó,

    -“Sẵn sàng đón tiếp cậu.“

    Tết năm 201, Tuấn khăn gói lên San Jose thăm tôi. Trong căn phòng hẹp hai anh em tâm sự gần quá nửa đêm mới chợp mắt. Tuấn kể tôi nghe đủ mọi chuyện từ bạn bè, gia đình cho đến cộng đồng xã hội. Tôi bảo,

    - “Sao cậu ôm nhiều rơm quá vậy?“

    Tuấn nói,

    - “Bản tính em nó thế anh còn lạ gì. Nhiều lúc thực sự em cũng muốn quên tất cả mọi việc nhưng rồi không làm được. Đọc tin tức trên mạng trong và ngoài nước hàng ngày, chứng kiến mọi hoạt động của chung quanh nơi mình sống rồi lại suy ngẫm và trăn trở với mọi thứ chuyện…”

    Tôi nói với Tuấn,

    - “Nỗi khổ tâm chung của thế hệ chúng ta là sự phản bội lật lọng và đám ngụy quân tử quá đông đảo khiến cho mọi việc cứ rối tung lên. Sự trải nghiệm của chính cuộc đời chúng ta là sự trả giá quá bi thảm của nhiệt tình tuổi trẻ. Trước đây khi mọi thông tin còn bị che dấu một cách hữu hiệu nên hầu như chúng ta ít bị tác động mãnh liệt. Bây giờ tình thế đã đổi khác, mọi thứ cứ phơi bầy ra trần trụi trước mắt mọi người. Đám lãnh tụ Cộng Sản còn thê thảm hơn. Chú mày thấy càng ngày càng bộc lộ rõ những ngớ ngẩn, ngu dốt qua các lời phát ngôn đặc sệt đần độn của các tên chủ chốt lãnh đạo từ thủ tướng tới chủ tịch nước, từ tổng bí thư đến các bộ trưởng là điều thường thấy nhất.

    Phía chúng ta cũng thế, nhưng thay vì ăn nói ngớ ngẩn thì chúng ta có học hành bài bản hơn nên ngụy trang dưới các hành động mang danh là vì quyền lợi của quốc gia mà thực chất chỉ để che dấu những lợi ích vụn vặt cho chính cá nhân mình, Dĩ nhiên có một số là những thanh niên có học hành hẳn hoi thì mong muốn làm một điều gì đó có ích cho đất nước dân tộc. Nhưng phần còn lại như cậu thấy chỉ là thứ giả danh thôi. Một ông xếp lớn của chúng mình từng dắt mối đám tư bản ăn chơi về VN với chiêu bài phát triển kinh tế rồi được hưởng ân huệ hoa hồng nhà cửa tiền bạc lại quả của cả cộng sản lẫn tư bản sau đó quay ra phát ngôn loạn xị, ca tụng đám lãnh tụ ngu dốt cộng sản kia không hết lời.

    Kết quả là gì? Chẳng có gì hết, ngoại trừ những lời ông ta nói ra chỉ để chứng thực cho những trích dẫn của đám sử nô Cộng Sản sử dụng để bôi bác thêm tập thể quân đội quốc gia thôi. Cái giá phải trả của ông ta là gì? Là sự từ chối của chính quyền cộng sản không cho tổ chức tang lễ ở trong nước, thậm chí không được chôn cất tại quê nhà ông ta theo ước nguyện. Mà thôi vài ngày nữa là tết, ngủ đi cho lại sức rồi ngày mai chúng mình nói chuyện tiếp.”

    Tuấn lặng lẽ đồng tình. Sáng hôm sau tôi chở Tuấn ra khu thương mại Century ăn sáng. Ngồi nhâm nhi bên ly cà phê buổi sáng ngắm nhìn đoàn người lũ lượt dạo chơi trong khuôn viên thương xá, bất giác Tuấn hỏi tôi,

    - “Anh có nhớ cái tết ở trại Nam hà năm 1982 không?“ Tôi bảo,

    - “Làm sao quên được, nhất là bài hát “Ngàn trùng xa cách”, mà bạn hát đêm giao thừa năm ấy đến giờ này vẫn còn ám ảnh tôi mỗi khi tôi bắt gặp lại ai hát bài ca đó.”

    Tôi hỏi Tuấn về chuyện gia đình. Tuấn kể tôi nghe đủ thứ. Nào là chị hai Hằng có chồng là một bác sĩ quân y, nhờ có chuyên mộn tai mũi họng nên đi “cải tạo” chưa tới hai năm thì được về. Năm 1980, cả hai vợ chồng và một đứa con vượt biên rồi sau đó định cư tại miền đông Hoa Kỳ. Còn út Thanh chồng là một thiếu úy bộ binh xuất thân Võ Bi thuộc sư đoàn 5 bị bắt làm tù binh trong trận đánh ở Bình Long cuối năm 72 được trao trả về nhà ốm đau hốc hác như một thây ma, cũng may còn mạng mà về.

    - “Sau năm 75 đi học tập ba năm rồi trở về giúp vợ con đi buôn quần áo cũ sống qua ngày. Năm 79 vượt biên sau đó mất tích luôn không có tin tức gì làm má em chết lên chết xuống cả mấy năm. Từ đó Thanh và con gái về nhà sống với mẹ em luôn. Nghĩ mà lại thương cho má em anh ạ. Cụ ông mất năm bà mới chưa tới 40 tuổi, một nách 3 đứa con dại. Từ ngày theo chồng vào Nam năm 1954, bố em là một công chức bộ y tế, lương ba cọc ba đồng.

    Nhờ có tài quán xuyến và buôn bán gian hàng tạp phô trong hẻm của bà mà gia đình cũng sống thư thả đôi chút và con cái ăn học đến nơi đến chốn. Hồi em ra trại, vợ con em làm bảo lãnh cho em qua Pháp nhưng về đến nhà nhìn má em, em không nỡ bỏ đi. Cuộc đời em làm khổ bà quá nhiều rồi và ngay cả chính đối với vợ con mình cũng thế. Chỉ lo nghĩ chuyện đâu đâu.

    Cuộc sống của đời chiến binh gắn liền với đơn vị, mạng sống cá nhân của mình như là một mảnh của cả cái tập thể ấy khiến mình không thể dứt ra riêng lẻ một mình, đâu còn lo liệu được cho ai.

    Cho nên em viết thư cho vợ con em biết là em sẽ lo cho má em và mẹ con út Thanh cùng đi với em. Được cái chị hai cũng có giấy tờ bảo lãnh cho mẹ em và mẹ con út Thanh nên hôm gặp phái đoàn phỏng vấn em có trình bầy rõ hoàn cảnh của em. Họ đã chấp nhận cho cả gia đình em cùng sang Mỹ một lần. Gia đình em về tiểu bang Texas sinh sống rồi em làm đủ mọi thứ công việc lo phụ giúp cuộc sống gia đình. Sau đó em làm giấy bảo lãnh cho vợ em và hai cháu sang Mỹ với em. Thế mà cũng chật vật đến hơn 10 năm mới xong anh ạ.

    Con trai em học xong ở Pháp đậu cử nhân nghành nhân chủng học; qua đến bên này nó học tiếp lên tiến sĩ. Còn cháu gái thì học kế toán đã gả chồng năm 2006. Riêng thằng con trai thì vợ chồng em cũng chịu thua nó luôn. Học xong ở đại học San Barbara nó tình nguyện theo phái đoàn khảo cổ đi tuốt qua Tanzania ở Phi châu làm nghiên cứu. Em còn nhớ mãi có lần má em lưu ý vợ chồng em: gia đình bên nội là gia tộc độc đinh. Cụ nội em ngày trước cũng là con trai độc nhất đến bố em và rồi đến đời em chỉ có độc nhất một nam đinh thôi. Bây giờ ông con lang thang kiểu này không biết bao giờ nó mới chịu sản xuất cái đinh cho giòng họ.”

    Tôi bật cười về ý tưởng nghộ nghĩnh của Tuấn. Tôi bảo,

    - “Đến giờ này mà cậu còn suy nghĩ kỳ cục vậy? Tuổi trẻ của tụi nó hãy để cho nó hạnh phúc với khả năng bay nhẩy suy nghĩ của nó. Chuyện bao giờ nó có gia đình, sản xuất ra đinh, hay bù long, hay con vít là quyền của nó, mình đâu có sắp xếp gì được. Đúng không?“

    Bất giác cả hai anh em cùng bật cười về câu nói tào lao của tôi.

    Ngoài kia dòng người đi sắm tết ngày càng đông hơn. Những cành đào và chậu mai giả có thiệt có được xe chở tới sắp bầy ngày càng nhiều. Không khí tết ngày càng đậm đặc thêm. Tuấn bảo,

    - “Mới đó mà cũng đã 36 năm rồi anh nhỉ. Hơn nữa đời người trôi đi vô vị, cả một dân tộc đang chìm dần vào lệ thuộc ngoại bang. Thế hệ chúng ta là nạn nhân và chứng nhân của sự Bắc thuộc lần này. Những cái tết dân tộc truyền thống có thể mai đây sẽ chỉ còn tìm thấy tại những mảnh quê hương có di dân Việt Nam đang sống nhờ nơi đất khách cũng nên. Ý nghĩ thiệt buồn và luôn nên nghĩ tới nó như một nhắc nhở cho những ai còn thực lòng yêu thương quê hương đất nước của mình.

    11/11/12


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X