Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Ông Sponsor

Collapse
X

Ông Sponsor

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Ông Sponsor

    Ông Sponsor

    Trần Thị Lưu

    Ai ở Qui Nhơn đều thấy, đêm đêm xuất hiện một loại ánh sáng rất lạ, quét đi quét lại trên thành phố và các vùng lân cận, để bảo vệ an ninh cho các bộ chỉ huy Quân sự Mỹ và Việt do một toán Mỹ đóng trên một ngọn đồi có tên “Núi Bà Hỏa”.

    Một đơn vị VNCH có cả khu gia binh đóng quân dưới thung lũng, bao quanh chân đồi.

    Ít ai biết đến có một người lính VNCH, biệt phái công tác trên ngọn đồi ấy, đêm đêm chiếu sáng xuống trần gian cùng với một người lính Mỹ tên là Bill Melfi, điều khiển cây đèn thần Xêon; những đêm trăng sao, ngắm trời mây, âm thầm ước nguyện hòa bình; những đêm mưa, gió núi quạt từng cơn hiu hắt lạnh lùng. Người ấy là “chồng tôi”.


    Mỹ trên đồi, mỗi cuối tuần thường xuống nhà tôi. Vì rảnh rỗi, tôi cũng hay nấu vài món ăn, mời họ. Như là thói quen, cứ cuối tháng, họ mua bia, nước ngọt mang xuống, vui chơi, đàn hát, ăn uống chung cùng với gia đình, cho các con tôi bánh kẹo và đồ hộp…
    Một hôm, Bill xuống một mình. Thấy tôi đang ẵm một đứa bé nhỏ xíu, ru ru hời, Bill trố mắt ngạc nhiên. Không ai nói một câu nào vì không hiểu tiếng nói của nhau. Đây là đứa con lai Mỹ mà chồng tôi đã thương tình mang về vì mẹ nó không nuôi nổi.

    Một lần khác, Herman Mixon, người trưởng toán của chồng tôi, hỏi tôi: “Là người Nhật hay người Hoa?” Chồng tôi nhìn tôi, cười...Tuần sau, hai người xuống, Bill tặng tôi một cái áo len màu vàng. Mixon mở gói đồ ra, một bộ áo Kimono mà ông mua khi ông nghỉ phép ở Nhật. Ông tặng tôi và bảo mặc vào. Ông xin chụp hình chung để gởi về nhà “khoe với vợ” vì bà muốn thấy một người con gái Nhật, mà ông chưa có dịp được chụp chung.

    Bỗng toán Mỹ trên đồi rút quân vội vàng. Cuộc chia ly nào cũng buồn, thấy trống vắng. Cứ đêm đêm, nhìn lên đồi, tối om. Thành phố buồn thiu. Tôi thấy thiếu một cái gì, nhớ nhớ thương thương, mơ mơ họ trở lại. Ai cũng có một gia đình. Họ phải trở về.
    Bặt một thời gian, chồng tôi mang về một thùng quà. Bill gửi cho một số tã, ít phấn bột và xà phòng. Tình bạn đôi đường xa vời vợi…

    o O o


    Chiến tranh đến ngày kết thúc năm 1975. Nhà nước này tuyệt giao với chính phủ kia, là kẻ thù số I.

    Mười mấy năm quá dài...Vợ chồng tôi quẳng gánh lo đi “kiếm cơm” từng ngày. Không màng đến một cái gì. Rồi cái may cũng đến, “hai chính phủ nói chuyện với nhau”...

    Chẳng bao lâu sau, gia đình tôi được phép xuất cảnh. Bây giờ vợ chồng tôi mới nghĩ đến Bill, bàn nhau xin Bill bảo lãnh cho.

    o O o


    Bill đến phi trường Miami đón. Ông mừng quýnh, cúi nhìn sát, xem “có phải”...Tưởng đã chết hết rồi, thực sự còn sống, sống lại (năm 1990). Sau đó, ông đưa chúng tôi về nhà cô Linda. Tôi không hiểu tại sao phải ở nhờ nhà bạn của Bill.

    Sáng hôm sau nữa, tôi pha cà phê, mời hai ông ngồi. Trông Bill khắc khổ, lại hút thuốc hoài. Chồng tôi biết ơn Bill thật nhiều, bày tỏ nỗi niềm:

    - Đi diện Con Lai như tôi, phải ở Phi sáu tháng tập tành để hội nhập. Bill, làm sao mà tôi được đi thẳng?

    Bill không trả lời câu hỏi, một ngón tay gõ nhẹ nhẹ trên điếu thuốc, thì thầm như cầu nguyện: “Có bốn đứa con rồi, dám nuôi thêm một đứa con nuôi nữa, với đồng lương lính ít ỏi…”

    Cái tật của Bill thì hay lâm râm như vậy. Rồi ông ngẩng lên nhìn hai chúng tôi. Ông nói trong khói thuốc:

    - Nhà của tôi đang rao bán. Vợ tôi nghi tôi có một đứa con riêng bên Việt Nam. Bà đếm được ba lần tôi đã gửi tiền về bên ấy. Bây giờ vợ chồng tôi không còn ở với nhau.

    - Chúng tôi rất buồn và hối tiếc. Lỗi nầy do vợ chồng tôi.

    - Không hẳn vậy. Vợ tôi cũng nhân đạo - Bill xúc động ra mặt.

    o O o


    Mỗi cuối tuần, Bill chở chúng tôi, khi thì thắng cảnh, khi thì đến nhà cha mẹ, hai chị và bạn bè... làm quen. Nhân Lễ Tạ Ơn, chúng tôi làm một cái gì “Tạ Ơn Bill”.

    Tôi đi chợ Việt Nam lần đầu, vừa đến cửa chợ, một người con gái bước qua mặt tôi mấy bước, bỗng quay lại nhìn tôi, hỏi:

    - Xin lỗi. Chị từ Việt Nam mới qua, phải không chị!

    Tôi lấy làm lạ: “Phải, tôi mới qua”.

    - Em là Châu Thủy. Chúc mừng chị. Em tiếc quá. Nếu gặp chị trước một chút!

    Vừa nói Thủy vừa mở ví ra, trút hết tiền bạc cho tôi. Cho một cách tự nhiên, đôi mắt thiên thần.

    Tôi sững sờ muốn khóc, “người trong một nước”, người đến trước thương kẻ đến sau. Tôi cũng sẽ làm như Thủy. Cám ơn Thủy rất nhiều.

    o O o


    Hôm nay tôi làm lại những món đã từng nấu cho mấy ông ăn. Có một món Bill thích nhất, để gợi nhớ cái thuở xa xưa ấy, xem Bill còn nhớ không.

    Vừa nhắc thì Bill đến. Ông hớn hở chào hỏi và nói chuyện với chồng tôi. Tôi bận tay nấu nướng... Bill đi ra đi vào...Vincel Herlovich đến đúng giờ. Ông ta là bạn thân nhất của Bill, chưa biết gì về Việt Nam, cũng chưa gặp tôi lần nào, mới nghe nói... tặng cho một bì thư 500 đô. Tôi nhận lấy mà run. Bởi vì chú Tịnh, em ruột chồng, đã cho tôi hết tài sản của chú “nửa chỉ vàng” hành trang đi Mỹ, cho có với người ta. Bây giờ bỗng dưng tôi có “hơn một cây”. Sao người ta cho nhiều và dễ dàng như vậy! Bà vợ cho hai xấp vải may áo dài. Có khi bà biết mình không còn áo dài mang theo.

    Bill làm ra vẻ bí mật “Tôi cũng có một món quà”. Ngay sau đó, một chiếc xe đậu lại trước nhà. Bill chạy ra. Herman Mixon, bạn cũ lưu đồn Núi Bà Hỏa, miệng cười toe toét, kêu tên tôi... Hai tay xách hai bịch gạo. Chị vợ đi theo sau. Họ lái xe nhà từ tiểu bang Mississippi về để gặp nhau. Sharon, người vợ, tặng tôi một bì thư; nhìn tôi nói:

    - Nay mới thấy “người thật” trong tấm hình.

    Nhìn Mixon, Bill chêm vào:

    - Cám ơn vợ chồng mày. Tao tưởng mày không đến.

    Rồi ông nhìn qua tôi mỉm cười:

    - Đây là món quà “hội ngộ” của tôi dành cho gia đình.

    Khi buổi tiệc gần tàn, các con tôi được gọi ra trình diện. Mấy ông nhìn và ước lượng chiều cao từng đứa. Đã mười tám năm.

    - Mong các cháu học hành giỏi. Để cha mẹ vui và hãy luôn cám ơn cha mẹ.

    Tôi nghĩ “Mỹ mà cũng biết nói như vậy”. Qua các ông bà nầy, chúng tôi thật đang mắc người dân Mỹ và chính phủ Mỹ một món nợ, không bao giờ trả nổi: trường học, ngành nghề, bệnh viện và một nơi ở an bình, gọi là quê hương, có dân và nhân quyền.

    o O o


    Còn chân ướt chân ráo, thế mà cha mẹ và hai chị của Bill, phụ họa giúp vợ chồng tôi mạnh dạn đứng lên. Có lẽ không có bóng dáng đàn bà sau lưng, Bill đã mạnh tay “giáng xuống” một chữ ký “Co sign” để giúp cho chúng tôi mua liều được căn nhà đầu tiên.

    Cho tới bây giờ, Bill cũng thường đến... như từ trên núi Bà Hỏa xuống khu gia binh. Thưởng thức cà phê, ăn cơm, đòi có ớt còn pha giặm thêm chút ít nước mắm nữa!


    TTL


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X