Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Lẽ Sống

Collapse
X

Lẽ Sống

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Lẽ Sống

    Lẽ Sống
    ~~~





    Nằm chờ ở đảo Kuku sang đến tháng thứ hai, thì lòng hăng hái của từng người bắt đầu xì hơi. Các cụ già từng tấm tắc khen tiếng Anh đơn giản dễ học không chia động từ rắc rối như tiếng Pháp, quay sang chê giống dân Anglo Saxon thiếu tinh thần khoa học chính xác, viết một đàng đọc một nẻo. Ðể thêm cớ vất lăn lóc cuốn tự vị Anh Việt, các cụ dẫn chứng cách đọc tên văn hào Anh Somerset Maugham. Ai đời không đọc Mô-Gam mà lại đọc Môm. Hăng hái lười biếng quá, các cụ quên trường hợp quận công De Broglie 100% là hậu duệ của dân Gaulois. Các cậu thanh niên bắt đầu lười tập thể dục, lũ con nít bẻ gẫy cần câu cá làm củi nhen lửa. Các bà nội trợ sau giờ đi chợ và nấu cơm, không còn siêng năng đan giỏ xách bằng ni lông tướt từ các tấm bạt nhựa UNICEF nữa. Cả đến chuyện hấp dẫn nhất là ăn uống cũng trở nên bơ thờ. Ngán đồ hộp, ngán chen nhau mua rau tươi do thổ dân Nam Dương chèo thuyền độc mộc mang đến bán, chán kháo chuyện, chán vui mừng thoát nạn, chán hy vọng đi sớm, chán lo chuyện bên nhà, chán ngồi ở bãi biển ngóng tàu, chán hết. Tôi cũng vậy. Chỉ có một người trong số 784 người chúng tôi không biết chán. Trường hợp đặc biệt đó đáng được kể ra đây mua vui quên chán đấy chứ, thưa các bạn!

    Cho đến lúc viết mấy dòng này, tôi vẫn chưa biết ông ta tên gì. Lũ trẻ gọi ông ta là “hề Văn Chung”. Trực giác của chúng nó hay thật. Phải, bề ngoài của ông ta có vẻ đạo mạo trầm tĩnh y như anh hề cải lương nổi tiếng. Tầm vóc trung bình không cao quá, thấp quá, mập quá, ốm quá. Mập ú như Khả Năng mới trông đã bật cười. Nhưng mập ốm do trời, cái tài chọc cười dựa dẫm vào hình vóc, theo ý tôi, thiếu đức tự tin. Bộ râu mép của Thanh Việt cũng nổi tiếng lắm. Nổi tiếng như cái giọng lè nhè nhừa nhựa của anh Tùng Lâm. Lấy một nét bất thường của mình phóng đại ra làm trò vui vẫn là kỹ xảo của nhiều anh hề danh tiếng. Nhưng vẫn có vẻ “mánh nhí” thế nào ấy! Hạng hề lão luyện không cần nhờ vả vào sự may rủi. Chính anh ta, từ lúc lọt lòng mẹ cho đến khi bước vào nghề, phải có hình dáng, tính tình, giọng nói, điệu cười, vui buồn giận ghét y như mọi người. Sống trọn vẹn được cuộc đời bình thường rồi dùng trí tuệ khám phá cho đồng loại cái tức cười của cuộc đời, đó mới là thiên tài. Trước Charlot chưa ai khám phá ra những ràng buộc chết người của nền văn minh cơ khí. Thiên hạ khắp năm châu bốn biển say mê ca tụng phương pháp làm việc dây chuyền của Taylor, cho đó là một khúc quanh của lịch sử văn minh toàn cầu. Chỉ có một mình Charlot tìm ra được sự dã man phi nhân của phương pháp ấy và diễn lại bằng tiếng cười.

    Tôi dài dòng như vậy để các bạn hiểu vì sao lúc ông ta mới lên đảo, tôi không chú ý đến ông ta. Tôi đến Kuku một tuần thì ghe của ông mới đến. Lúc các “ma cũ” bu quanh cầu tàu để đón chuyến ghe mới (với hy vọng mơ hồ là sẽ gặp được thân nhân), mọi người chỉ để ý đến bảy thanh niên đầu trọc và một em gái khoảng 12, 13 tuổi bị điên. Em gái bị bệnh thần kinh có dáng đi xiểng tảng của người mất quân bình và vừa bước khỏi ghe lên cầu tàu đi được vài bước đã lấy đôi dép Nhật lên gặm như gặm xương.

    Lũ trẻ cười ồ reo lên:

    - Rồi, bác sĩ Tờ-ra-quít có chuyện làm rồi. Bảy đàn ông đầu trọc thì mọi người đoán non đoán già đủ cách. Vì chuyến trước có hai linh mục và mấy ông thầy ở chủng viện Thiên Chúa giáo, nên đa số Phật tử tị nạn trên đảo liền đồn đãi là có bảy nhà sư vừa cập bến. Người thích ly kỳ thì đoán là bảy người vừa vượt ngục đã may mắn vượt biên tìm tự do trọn vẹn. Cuối cùng hỏi ra mới biết chuyến ghe ấy gặp biển dữ nên thủy thủ đoàn mới nguyện thí phát nếu Trời Phật gia ơn cho cả ghe đến đất liền bình yên. Ghe họ vào được đảo Sedanau, nên trước khi được chở qua đây, họ đã tự nguyện cạo đầu.

    Có lẽ ông ta đã lên bờ, mở cái túi vải nhỏ cho cảnh sát Nam Dương kiểm soát xem có mang theo vũ khí hay không, cởi bộ quần áo vải sậm độc nhất cho bác sĩ Nam Dương khám bệnh tổng quát, uống tại chỗ bốn viên Chloroquine ngừa sốt rét, xếp hàng chờ chỉ định vào sổ nhập trại, lãnh tiêu chuẩn lương thực, mền mùng chén muỗng ở kho… nghĩa là làm đủ thủ tục như tất cả mọi người đàn ông khác. Ông đến ở chung với một số người tại một cái láng lợp lá dừa nào đó. Ông hoàn toàn vô danh trong đám đông bình thường.

    Vì thế mãi nửa tháng sau tôi mới chú ý đến ông, nhờ lũ trẻ trong nhà. Như đã nói ở trên, ban đầu thằng con trai lên 13 tuổi và đứa cháu 12 tuổi của tôi suốt ngày lội xuống biển để câu cá, bắt ốc. Về sau chúng chán, suốt ngày ngồi nhà thở ra thở vô than nhớ Việt Nam quá. Tôi đâm bực gắt với chúng, cấm không được than vãn. Sợ, chúng không than nữa, nhưng nỗi chán chường vẫn còn đó. Thế rồi vài hôm sau, tự nhiên hai đứa hớn hở hẳn lên. Chúng xuống biển, vượt suối qua rừng, bữa cơm nào cũng kháo chuyện với nhau huyên thiên. Chúng thường nhắc đến “chú hề Văn Chung”.

    - Chú Văn Chung bảo loài đỉa biển dễ sợ này ăn rất ngon. Người Tàu gọi là hải sâm. Mỗi lần đi ăn lẩu trên Chợ Lớn mình thường thấy ngoài thịt, cá, gan, tim, bò viên, có một thứ thịt mầu hồng cắt từng khoanh giống như con mực, hải sâm đó. Bên ngoài có gai và nhờn trông tởm thế, nhưng biết làm thì ăn ngon lắm.

    - Chú Văn Chung bảo loài này có lớp vảy đặc biệt. Nó nhảy chuyền trên cây như loài chim, tuy hình thù chẳng khác bao nhiêu với rắn mối. Ðậu ở đâu, vảy của nó biến màu cho giống với màu cây lá chung quanh. Chẳng hạn nếu thân nó bám vào khóm lá, mà cái đuôi dài vẫn còn quấn vào thân cây, thì thân màu xanh, còn đuôi màu nâu.

    - Chú Văn Chung bảo loài thỏ rừng cũng cực khổ khi sinh con như thỏ nhà. Chưa có loài nào sinh con mắn cho bằng loài thỏ, tuy mỗi lần sinh là một lần khổ. Thỏ mẹ tự bứt lớp lông mềm dưới bụng ra làm ổ cho con nằm…

    Lúc nào hai đứa cũng “chú Văn Chung bảo…”. Tôi đâm ghen tị với người chưa quen mặt. Nhưng tôi chưa vội tìm gặp ông ta. Trong cuộc đời, tôi đã bị nhiều lần thất vọng vì “văn kỳ thanh” chưa kỹ tôi đã vội “kiến kỳ hình”. Nhiều lúc thanh với hình chõi nhau như nước với lửa. Hoặc ta lãng mạn mơ tưởng nhiều quá trong khi cuộc đời thì thực tiễn đến vụn vặt tủn mủn. Hoặc cái bóng luôn luôn lớn hơn cái hình. Hoặc phần sáng tạo của mỗi người là kết tinh phần cao cả tươi đẹp nhất của một đời khao khát tuyệt đối, như đám rễ âm thầm len lỏi dưới đất đen, lá mục để làm rạng rỡ những đóa hoa. Tôi do dự là phải.

    Nhưng đến lúc thằng con trai tôi được “chú Văn Chung” cho một chú sóc, và thằng cháu được tặng một chiếc thuyền làm bằng đồ hộp chạy dầu hỏa, tôi không chần chừ được nữa. Phải đến tìm ông ta để cảm ơn.

    Láng của ông nằm sát bờ suối, nằm gọn giữa bốn gốc cây lá to như lá mít mà tôi không biết tên. Cửa láng nhìn ra bãi bể. Dòng suối uốn quanh ôm lấy hông láng trước khi đổ ra bãi cát. Ông đang nằm trên chiếc võng kết bằng bao bố treo giữa hai gốc đước rễ ngâm dưới nước suối, chung quanh có năm, sáu đứa trẻ. Trông thấy tôi, ông ta mời một cách tự nhiên:

    - Ông nằm võng nhé!

    Tôi vội từ chối, rồi để đáp lại lời mời thân mật, tôi ngồi bệt ngay trên nền cát cạnh võng. Ông ta hỏi:

    - Chú sóc vẫn còn tung tăng đấy chứ? Tôi hơi ngớ ra một chút. Hóa ra ông ta biết tôi. Tôi đáp:

    - Vẫn vậy.

    - Ông hút thuốc lá chứ?

    Tôi đáp vâng, rồi đưa tay vào túi quần rút bao thuốc rê Nam Dương hiệu 87 và xấp giấy B.B ra mời trước. Ông lắc đầu:

    - Tôi không hút. Chỉ hỏi ông để dạy cho cháu Vũ cách làm cái gạt tàn thuốc bằng vỏ sò. Ông đã trông thấy loại vỏ sò này chưa? Làm cái đựng tàn thuốc tiện lắm.

    Ông cúi xuống đầu võng. Bấy giờ tôi mới để ý đến đống vỏ sò đủ cỡ, đủ màu sắc, hình dạng, từ lâu nằm ở đấy. Ông ta đưa cho tôi coi một chiếc vỏ sò lớn bằng bàn tay, chung quanh có những đường viền uốn khúc lạ mắt giống như năm ngón tay xòe, mỗi đầu ngón tay vừa đủ để gác một điếu thuốc. Ông vui vẻ bảo:

    - Ông thấy đấy, Thượng đế biết rõ lũ con cháu Adam và Eve có nhiều trái chứng, trong đó có cái tật quấn thứ lá khét nồng thành điếu, rồi châm lửa hít khói cho mắt lim dim, đầu óc điên đảo. Thượng đế cũng đoán thế nào các bà nội trợ cũng cằn nhằn, nên mới sinh ra loại vỏ sò này. Ta không dùng đúng chỗ là chưa hiểu được sự huyền diệu của Tạo hóa.

    Tôi cầm cái vỏ sò trên tay, băn khoăn hỏi:

    - Nhưng còn thiếu cái đế! Ðặt lên bàn sao được?

    Ông ta quay nhìn về phía chùm rễ đước:

    - Chân đế ư? Sao lại có loại rễ cây quái dị thế này!

    Thân cao vươn lên không khí khá suông sẻ, nhưng đến gần mặt nước, rễ đước lại tỏa ra đủ hình dạng. Chẳng lẽ ta không tìm được chùm rễ nào vừa đủ ôm chặt cái vỏ sò để thành đế gạt tàn thuốc ư?

    Tôi đâm thích cái lối chấp nhận cuộc đời giản dị mà sáng suốt ấy. Một thằng bé trạc 9 tuổi đang thử cho chạy chiếc thuyền chạy bằng đèn dầu hỏa trên mặt suối, chạy lên than phiền:

    - Chú Văn Chung ơi! Gió thổi quá, thuyền bị vô nước.

    Ông ta cười, xoa đầu thằng bé rồi bảo:

    - Gió ư? Sao cháu không tạm “neo thuyền vào bến”.

    Thằng bé hỏi:

    - Bến nào hở chú?

    - Cháu hãy đào cát làm cái vịnh kín như Vịnh Cam Ranh bên mình. Khuân mấy hòn đá bên kia sang làm núi. Nên lựa những viên xù xì có răng cưa và có rêu bám cho đẹp. Cầu tàu thì chặt một hộp Coca nhôm ra làm ván lót. Cháu chỉ cần nhặt nhạnh quanh đây cũng có đủ thứ để làm thành hải cảng tốt nhất thế giới.

    Ý kiến ngộ nghĩnh khiến lũ trẻ reo lên. Chúng rủ nhau bắt đầu lập vịnh. Một đứa qua bên kia suối khuân đá, vô ý để cho hàu cắt rách gót chiếc dép Nhật. Kho của cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc không đủ dép cho trẻ em nên thằng bé phải mang một đôi dép quá khổ. Nó xanh mặt vì sợ bố mẹ mắng. Bạn nó mét:

    - Chú Văn Chung ơi! Thằng Minh làm rách dép rồi.

    Bé Minh mếu máo mang chiếc dép rách lại. Ông ta hỏi:

    - Cháu có bị cắt không?

    - Chưa bị, chú ạ.

    - Thế thì không việc gì. Cháu nên mừng. Cái hàu nào cắt dép cháu đâu?

    - Ở đằng kia. Chỗ viên đá tròn như quả bóng. Ông ra lệnh:

    - Hãy lấy con dao đến cạy đem về đây cho chú. Thằng bé ngơ ngác hỏi:

    - Ðể làm gì hở chú?

    Ông ta cười, nói như đùa:

    - Chú phải trừng trị nó.

    Lũ trẻ nghĩ chú Văn Chung sắp bày một trò mới, mặt mày đứa nào cũng rạng rỡ. Cả năm đứa bỏ cái vịnh làm dở, để chạy đi cạy cái hàu hỗn láo. Khi chúng đem cái hàu về, ông ta bảo thằng Minh:

    - Cháu mang dép vào!

    Thằng bé ngoan ngoãn vâng lời, đỏ mặt hãnh diện vì được làm nhân vật chính của một trò chơi nó đoán là sẽ hấp dẫn. Ông ta lấy que củi cháy dở trên cái bếp hoang gần gốc đước vẽ kích chân bé Minh lên mặt hai chiếc dép. Vẽ xong, ông bảo nó rút chân ra, rồi đưa cái hàu cho thằng lớn tuổi nhất:

    - Hãy lấy cạnh hàu cắt dép cho nó. Cách trừng trị khoan hồng nhất đấy.

    Lũ trẻ vỗ tay khâm phục cách “trừng trị thích đáng”. Một đứa rụt rè thưa:

    - Chú Văn Chung ơi! Sóng lớn quá, tụi cháu đắp bờ làm vịnh mà cát cứ chài ra. Làm mãi không được.

    Nó nói thêm để tránh lỗi:

    - Hôm nay gió lớn quá chứ!

    Ông ta bảo:

    - Gió lớn à? Tại sao các cháu không làm diều?

    Tôi hiểu ra rồi! Hiểu cái ma lực quyến rũ tuổi thơ về phía ông, hiểu vì sao lũ trẻ trên đảo cứ quấn quít bên ông. Có điều tôi chưa hiểu, là do đâu lũ trẻ dám đặt cho ông cái tên Văn Chung và ông vui vẻ chấp nhận. Tôi hỏi, và ông đáp:

    - Tại lúc hết chuyện chơi, tôi thường tìm chuyện khôi hài kể cho chúng nghe. Tôi tò mò hỏi:

    - Ông đi có một mình?

    Ông thản nhiên đáp:

    - Tôi chỉ còn một mình.

    Vẻ thản nhiên khiến tôi ngập ngừng. Nếu ông tỏ ra buồn rầu, tôi đã dễ dàng đi sâu vào những tâm sự riêng tây. Tôi lờ mờ đoán rằng ông thản nhiên vì đã tìm ra cách “trừng trị thích đáng” bao nỗi bất hạnh như đã trừng trị cái hàu giùm cho thằng bé.


    *

    Khỏi phải nói các bạn cũng biết là từ đấy về sau tôi gặp ông luôn. Tôi trở thành “tình địch” của chính con tôi. Buổi sáng tuy không hẹn trước, chúng tôi thường gặp nhau ở phông ten để súc miệng rửa mặt sớm hơn mọi người, rồi cùng ngồi bên nhau trên thân cây dừa ngã để ngắm núi. Ðảo này hình chữ W và chúng tôi ngồi giữa cái vòng tròn hở đầu tiên. Quanh chúng tôi, trước mặt, bên phải, bên trái, là sườn núi chót vót, rừng già chưa hề bị rìu búa vô phép nên thân cao và thẳng vươn lên hàng hàng lớp lớp từ thung lũng hẹp cho đến đỉnh. Sương đêm chưa tan hết. Những áng mây lạc vướng vào ngọn cây như bịn rịn với nhân gian. Ðỉnh núi khi thì cắt hình lên nền trời bàng bạc, khi thì nhòe mất sau sương khói; tôi đọc cho ông nghe hai câu đối định dán lên cột chùa vừa được các Phật tử trong trại tị nạn sửa chữa:

    Vượt biển tìm tự do, sống chết hai hàng lệ ứa. Lên non tạ Phật tổ, sắc không một áng mây bay. Tôi thật thà tỏ ý muốn ghi cả tên họ toàn gia đình mình bên chỗ lạc khoản của câu đối, để thay cho bản tạ ơn. Ông trầm ngâm một lúc rồi đưa ra ba gợi ý. Thứ nhất: Ông đề nghị sửa chữ “áng” trong câu thứ hai ra chữ “mảng”. Chữ ÁNG vững chải quá, chưa thật phù hợp với lẽ sắc không. Thứ hai: Ông không thích những hàng lệ, dù là những hàng lệ vui sau khi vượt được bao nhiêu gian nan để đến bến lợi. Thứ ba: Ông đặt câu hỏi: “Tại sao phải ghi tên vào lạc khoản?” Ðể làm gì? Sợ Phật quên chăng? Sợ đời quên chăng? Tô Thức há chẳng hỏi “Núi sông dài vô cùng mà người xưa thì nay đâu?”. Bắc chước Tô Thức để cố in dấu lên bụi thời gian chăng? Làm như thế có khác nào một ngọn cây rừng trên núi trước mặt muốn níu lại một sợi mây mong manh! Nhất là lúc vừa nhắc đến lẽ sắc không của đạo Phật. Hôm đó tuy trong lòng không vui, nhưng tôi phải nhận các gợi ý của ông đều đúng.

    Buổi chiều chúng tôi thường gặp nhau trên bãi biển. Nước thủy triều vào khoảng xế bóng rút xuống, để trơ một lũ đá vương vãi khắp đáy cát. Màu đá như rỉ sắt đáp lại màu chiều vàng vọt. Mặt trời lặn trước mặt chúng tôi, hướng những đám mây bạc sẽ trôi về quê. Tôi buồn lặng không muốn nói năng, còn người bạn mới của tôi vẫn giữ được vẻ an nhiên! Nhiều lần tôi muốn hỏi ông cách “trừng trị thích đáng” những nỗi bất hạnh, bí quyết để sống trọn được cuộc đời như thảnh thơi dạo chơi trong khoảng trăng thanh gió mát. Tôi cũng muốn hỏi ông vì sao không thích những hàng lệ. Câu trước tôi không hỏi vì thấy trước nó rắc rối quá, có thể vô tình khơi lại một vết thương mà ông muốn quên. Tôi chỉ có thể hỏi câu sau. Ông đáp:

    - Tôi không chịu đựng nổi những giọt lệ. Mỗi lần nghe tiếng trẻ con khóc, người tôi bàng hoàng nôn nao như sắp phát điên. Ông dợm kể điều tâm sự gì đó, sau lại thôi. Tôi chợt nhớ đến bức tranh “Anh hề” của Picasso. Tôi hỏi:

    - Ông có biết bức tranh nổi tiếng ấy không? Bạn tôi đáp: “Vâng”.

    Hình như bạn tôi hiểu tôi muốn nói gì, vì sau một phút ngập ngừng, ông ta hứa:

    - Hôm nào có hứng tôi sẽ kể cho ông nghe chuyện mưu sinh của tôi ở Sài Gòn. May ra lúc đó ông hiểu được vì sao tôi yêu trẻ con và ghét những “hàng lệ ứa”.


    *

    Sau ngày mất nước, giống như phần lớn bạn bè, tôi chẳng còn biết phải làm gì nữa. Vốn liếng không! Mưu chước bán buôn không! Những gì tôi có như lòng thành thực, tính yêu mến trẻ con, khát vọng được sống lương thiện… trở nên lẩm cẩm cồng kềnh vào buổi giao thời. Những kẽ hở của thứ luật pháp mù mờ trong lúc tranh tối tranh sáng, không phải ai cũng chui qua được. Ông biết đấy, phải khinh bỉ con người đến cùng cực (con người nói chung trong đó có cả mình) người ta mới dám mở miệng đề nghị hối lộ để khoan thai lọt qua các ngõ ngách. Thật vậy, phải biết đích xác không lầm lẫn kẻ ngồi đó là cái túi tham mới dám bắn tiếng. Tôi thì có thói quen xem mọi người đều đáng trọng. Thành thử đi đâu tôi cũng gặp những bộ mặt nghiêm nghị, xin làm gì cũng va đầu vào các bức tường nguyên tắc. Tôi thành thật nhận rằng mình không hợp với thời loạn, nên mỗi ngày mỗi thêm lúng túng. Vài người bạn có hảo tâm chỉ vẽ cho tôi một số nghề hái ra tiền. Tôi thử một vài lần, lần nào cũng thất bại. Những nghề quái ác ấy đòi hỏi cái lưng thật mềm, cái lưỡi lém lỉnh lật lọng và đôi chân dẻo chạy không biết mệt.

    Cuối cùng tôi tìm ra được một nghề phù hợp với bản tính của tôi: nghề bán bong bóng cho trẻ con.

    Ðó là một nghề ít vốn. Vài chục đồng bạc để mua bong bóng bán từng kí lô trong Chợ Lớn. Vài đồng bạc dây nhợ. Mượn cái ống bơm của bác thợ sửa xe đạp trước đường cái, chế biến một cái valve, xin đoạn trúc làm cây sào, bẻ đâu đó một chùm lá xanh, đồ nghề vốn liếng chỉ có vậy! Nơi hành nghề là Sở Thú, trước các lớp mẫu giáo và nhà giữ trẻ, trước các trường cấp 1, đường phố chính Sài Gòn chiều thứ bảy và chủ nhật. Sắm thêm một cái còi thổi ti toe, tôi vác sào bong bóng đủ màu sắc dạo khắp phố phường. Khách đi lại dừng bước nhìn tôi. Trẻ con reo vui khi trông thấy tôi. Chàng mua quả bóng mầu hồng có chữ Love để tặng người bạn gái e lệ, thay cho lời tỏ tình. Mẹ tặng con để thưởng một buổi chịu ngoan ngoãn giữ nhà. Tôi hớn hở mang mầu sắc cho cuộc đời, còn gì vui thú hơn. Có điều bất tiện là phần lớn bạn đồng nghiệp của tôi đều là trẻ con. Có thể nói khắp Sài Gòn chỉ có tôi là người lớn duy nhất làm nghề bán bong bóng. Khách mua nhìn tôi ngại ngùng… Nhiều người hỏi trước kia tôi làm gì. Ban đầu tôi thành thực trả lời. Tôi hưởng được sự thương hại, hàng có đắc hơn nhưng sau một ngày dạo khắp phố phường với sào bong bóng, lòng tôi chùng lại bớt vui. Tôi bắt đầu nói dối thì từ đó cũng bắt đầu cảm nhận vị chua chát của nghề nghiệp. Lòng tôi chùng lại, nghĩ đến chuyện bỏ nghề. Nhưng không bán bong bóng thì làm gì? Sửa xe đạp tôi chưa có đồ nghề. Bán nước bọt ở chợ trời thì không quen phấp phỏng sợ hãi và gian dối. Lại phải bán bong bóng vậy, nhưng để khỏi chịu đựng sự thương hại, tôi phải cải tiến.

    Tôi hỏi mượn một thùng hơi gaz để chế biến thành thùng hơi khí đá để bơm bong bóng. Vì phải đẩy thùng khí đá nặng nên tôi không bay nhảy khắp nơi như trước nữa. Tôi phải chọn những vị trí cố định như chợ búa, trường học. Nếu cần di chuyển, cũng di chuyển ít thôi. Bù lại, món hàng của tôi hấp dẫn hơn: những chiếc bong bóng biết bay! Bấy giờ đồng nghiệp của tôi toàn là người lớn. Nhiều khách hàng cũng là người lớn. Ước vọng bay lên cao, nhấc chân lên khỏi mặt đất là ước vọng chung của loài người không phân biệt lớn nhỏ. Vào các dịp lễ, tôi còn bán sỉ được cả trăm cái bong bóng để ban tổ chức làm vui mắt các đại biểu. Hóa ra kẻ đã lên cao rồi còn muốn lên cao nữa! Họ không biết bong bóng lên cao quá sẽ nổ hay sao?

    Thấy tôi làm ăn khấm khá, nhiều kẻ lỡ thời nhảy vào cạnh tranh, nên bát cơm độn chưa đầy của tôi phải bị sẻ làm năm làm bảy. Ðến một lúc hết có thể chia sẻ thêm nữa, tôi lại định chuyển nghề. Nghề gì bây giờ? Tôi có những điều thừa thãi và thiếu điều cần thiết, nên tìm mãi không ra được nghề gì sống lương thiện được! Chỉ còn có nghề bán bong bóng, nhưng một lần nữa phải cải tiến nó.

    Một hôm tôi nghe anh bạn thân phát tài mau chóng nhờ nghề đạp xe đi dạo mua răng vàng, bạc vụn, gọng kính, vỏ đồng hồ cũ, nghĩa là tất cả những thứ gì bằng kim khí đã phế thải. Ðồ nghề của anh là một lọ acide, một viên đá đen và cái túi vải nhỏ. Nhờ kinh nghiệm, anh có thể biết đích xác thứ đồ phế thải nào có pha vàng hoặc bạc và pha đến mấy phần. Gọng kính loại Rayban, nắp viết Parker 51 cũ, khung gương soi mặt, đồng bạc Ðông Dương từ 1945 trở về trước, hộp nữ trang đã móp méo, tất cả những thứ lỉnh kỉnh đó đều có thể chứa vàng hoặc bạc. Mua hàng với giá phế thải năm ba đồng rồi bán lại cho thợ phân kim với giá kim loại quí trên thị trường, anh bạn tôi phất cao trong vòng vài ba tháng. Dĩ nhiên một nghề thời trang như vậy mau chóng bị cạnh tranh, nên việc săn vàng ngày càng gian nan hơn. Anh ta bỏ Sài Gòn về rảo khắp vùng ngoại ô, rồi từ ngoại ô đi khắp các tỉnh. Tiền xe cộ ăn uống dọc đường không gì bù đắp được, anh thất bại cho đến lúc anh tìm được “người phụ tá đắc lực” là tuổi thơ. Anh bỏ tiền đi mua một lô đồ chơi trẻ con bằng nhựa như khỉ đánh trống, cóc biết nhảy, súng lục bắn ra nước, dép gắn còi mang đi kêu tò toe… Mang những thứ đồ chơi hấp dẫn ấy đến khu vực hành nghề anh đánh trống biểu diễn vài màn ảo thuật để kéo lũ trẻ tụ lại. Anh bảo chúng về nhà lục lọi tất cả những thứ bố mẹ vất vào góc tủ hộc bàn đem ra cho anh, để tùy loại mà anh đổi cho đồ chơi. Phương pháp đó quả nhiên công hiệu, và anh lại phất.

    Nghe chuyện anh, tối hôm đó tôi trằn trọc cả đêm không ngủ. Tôi cũng phải cải tiến nghề nghiệp, nhưng bằng cách nào đây? Cái hướng nên theo là biết cầu viện đến tuổi nhỏ. Nhưng hạng trẻ em nào? Ở đâu?

    Tôi lang thang khắp Sài Gòn tìm địa điểm hành nghề. Sở Thú? Những chùm bong bóng sặc sỡ đã chấp chới khắp nơi rồi. Trường học? Càng ngày các em càng rỗng túi, vài hào cha mẹ cho mỗi ngày chỉ đổi được một hai cái kẹo nhỏ làm bằng đường chảy. Cuối cùng tôi khám phá ra chỗ lý tưởng. Anh biết ở đâu không? Không phải là dân chuyên nghiệp anh không đoán ra đâu. Bệnh viện nhi đồng đấy.

    Phải! Bệnh viện nhi đồng 1 ở đường Trần Quốc Toản và bệnh viện nhi đồng 2 mới lập sau này khi người Pháp trả bệnh viện Grall lại cho nhà nước. Cải tiến của tôi là một bước thụt lùi về đạo đức, một thứ tạm thỏa hiệp với mánh lới mưu sinh. Tôi xấu hổ về chuyện đó lắm, nhưng biết làm sao. Cái bao tử xẹp không có lỗ tai để nghe đạo đức. Huống chi “cái mánh” của tôi có thể thông cảm được. Nó như thế này. Tôi đẩy bình khí đá đến sớm trước cửa bệnh viện nhi đồng, chịu khó bơm sẵn một số bong bóng dự trữ. Gửi tạm bình cho chị hàng quà nào đó giữ giùm, tôi vác sào bong bóng xanh đỏ biết bay đến chờ trước phòng ngoại chẩn. Ðứa trẻ nào đến bệnh viện mà khỏi chịu một nỗi đau đớn về thể xác. Ðứa vừa bị chích kim đau nhói cả mông. Ðứa bị nhổ răng đến buốt óc. Nhẹ nhất cũng xanh xám mặt mày trước đôi mắt “độc ác” của thầy thuốc. Và lẽ dĩ nhiên đứa nào được bố mẹ bồng ra khỏi nhà thương cũng mếu máo hoặc khóc thét. Tôi chỉ chờ có thế. Tôi vốn mẫn cảm đối với tiếng khóc trẻ thơ, nên vào những lúc như vậy, nhiều sức mạnh thôi thúc tôi bạo dạn. Thứ sức mạnh của tiềm thức từng khiến tôi bứt rứt xao xuyến không chịu nổi tiếng khóc của trẻ thơ và thúc giục tôi dỗ dành chúng. Thứ sức mạnh cụ thể của cơm áo hằng ngày. Tôi đi theo các bà mẹ. Lũ trẻ được bồng trên tay hãi hùng nhìn lại cửa địa ngục, nước mắt ràn rụa, miệng méo xệch đến tội nghiệp. Nhưng kìa, chúng đã trông thấy chùm bong bóng của tôi. Miệng chúng tròn lại, mắt chúng sáng lên. Tôi chỉ chờ có thế. Tôi se sẽ đi mau tới đưa sợi dây bong bóng cho chúng cầm. Ban đầu chúng hơi bỡ ngỡ. Có lẽ chúng nó hỏi thầm: “Thật thế sao? Thật sự trên đời còn có những người không độc ác như bọn đồ tể mặc áo trắng bịt mặt hay sao?” Tôi tô vẽ cho vui chứ có lẽ chúng hồn nhiên đón nhận niềm vui đột ngột. Tất cả niềm vui và quà ngon trên đời là của chung của tuổi trẻ. Chúng có quyền cầm lấy sợi dây buộc chiếc bong bóng xinh đẹp sặc sỡ mà không hề có mặc cảm phạm tội. Vì thế nước mắt khô mau trên má chúng. Và lũ trẻ cười thật tươi với tôi. Có niềm hạnh phúc nào lớn hơn không?

    Có thể cha mẹ chúng biết ngay, hoặc phải đi một đoạn đường xa họ mới chợt ngạc nhiên không hiểu vì sao con họ nín khóc. Họ quay lại. Họ nhìn thấy tôi. Rồi nhìn thấy chiếc bong bóng hợp thời bay lơ lửng trong tầm nhìn thích thú hớn hở của con họ. Anh nghĩ mà xem: Có ai nỡ tiếc một đồng bạc để bù đắp nỗi đau đớn con em họ vừa chịu? Nhờ thế, tôi bán nhanh được cả trăm chiếc bong bóng bay trong vòng một buổi sáng. Phòng ngoại chẩn chỉ làm việc từ 8 giờ sáng cho đến 11 giờ rưỡi trưa. Bấy nhiêu đã đủ cho tôi tìm đủ tiền lời mua gạo ăn hai ngày. Tâm hồn tôi thảnh thơi. Nghề nghiệp thật thích hợp với bản tính, số vốn ít ỏi và nhu cầu đời sống của tôi thời ấy. Tôi sống được mấy tháng hạnh phúc với một lương tâm tạm bình yên. Theo thời, tôi cũng phải sống bằng “mánh”. Nhưng như anh bạn mua đồ vụn của tôi, các mánh nhỏ ấy có thể tha thứ được. Nhưng rủi ro thay, một bà mẹ đem con nhổ răng ở bệnh viện nhi đồng 2 không có dư lòng độ lượng!

    Hôm đó, tôi hành nghề theo lối đã nói. Ðứa bé trai lên 5 bị nhổ răng, miệng còn ngậm một cục bông thấm máu. Em khóc đến nỗi nước mắt nhỏ ướt cả vạt áo trước. Lúc cầm dây chiếc bong bóng màu đỏ, em bé cố nín khóc để cười nhưng vẫn chưa thôi thút thít. Bà mẹ béo mập đầu quấn khăn theo lối các bà mệnh phụ miền Bắc bồng con băng qua đường tiến đến chỗ chiếc xe Lada trắng bảng xanh. Anh lái xe lo mở cửa sau chờ sẵn. Tôi lo ngại mất vốn khi thấy hai mẹ con đã đến gần chỗ xe đón mà người mẹ vẫn chưa biết mình mắc nợ. Kẹt quá, tôi giả vờ vấp ngã cho em bé cười. Nó cười thật. Cười thành tiếng. Bà mẹ ngạc nhiên quay lại. Khi hiểu chuyện, bà ta nổi giận. Gần như bà mẹ quát tôi:

    - Ai cho phép anh làm cái trò mánh mung đó! Nhét bong bóng vào tay con nít để tống tiền cha mẹ phải không. Chấm dứt ngay cái trò làm ăn bất lương đi, nghe chưa!

    Quát xong, bà mẹ giật cái dây bong bóng trên tay con quăng trả cho tôi. Anh đoán được rồi, chiếc bong bóng bơm khí đá bay mất lên không. Tàng me xanh trước bệnh viện Grall có ngăn dùm quả bong bóng lại cho tôi, nhưng cuối cùng nó cũng len lỏi qua cành lá thưa mà mất hút. Ðứa bé khóc thét lên, giọng lảnh lói thống khổ có lẽ còn hơn cả lúc bị nha sĩ cầm kềm nhổ bật cái răng hư ra khỏi nướu. Mặc cho con khóc, bà mẹ ấn nó vào xe, rồi đóng sập cửa lại. Tôi giận quá. Tiếng khóc làm cho máu trong người tôi sôi lên. Gai ốc nổi dọc theo xương sống. Tôi lo sợ, cảm thấy hình như chứng động kinh của tôi sắp tái phát. Tôi cố gắng dằn xúc động để làm một điều gì đó. Phải làm gấp, làm ngay điều gì đó, nếu không tôi sẽ ngất đi như hồi còn bị động kinh nặng. Anh biết tôi đã làm gì không?

    - Mắng vào mặt con mẹ độc ác!

    - Không. Quả thật tôi không dám.

    - Tặng em bé một chiếc bong bóng khác không lấy tiền?

    - Không. Tôi chưa đủ Phật tâm.

    - Vậy thì ông đã làm gì?

    - Tôi rút tặng bà mẹ một chiếc bong bóng. Cũng mất vốn đấy. Nhưng làm thế, tôi “đã nư” hơn. Tôi muốn nhắc cho con mụ nhớ rằng: đã có một thời con mụ là một cô bé tí xíu sợ nhổ răng và mê bong bóng.

    Ai lại không thế, phải không ông? Khi đứa trẻ sơ sinh vừa lọt lòng mẹ, nó giơ hai tay chới với và khóc thét lên. Từ xưa tới nay đã có quá nhiều cách giải thích.

    Ôn Như hầu trong Cung Oán Ngâm Khúc từ đó suy ra vực nước mắt của đời người, chán nản bảo:

    Thảo nào khi mới chôn nhau
    Ðã mang tiếng khóc bưng đầu mà ra.


    Các nhà phân tâm học nói đến “mặc cảm sợ té”. Sinh vật học thì giải thích: đứa trẻ chới với khóc thét vì đột ngột chuyển từ môi sinh lỏng (là cái bọc nước trong bụng mẹ) sang môi sinh khí. Tôi thì nghĩ lẩm cẩm thế này: đứa bé khóc vì sợ sắp bị nhổ răng, và đưa cả hai tay chới với để tìm dây bong bóng.

    Hỡi các em bé yêu dấu của tôi, các em có tìm được quả bong bóng nào không?


    Nguyễn Mộng Giác
    (trích trong tập truyện Ngựa Nản Chân Bon, nxb Văn Mới 1984)


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X