Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Một Ngày Không May!

Collapse
X

Một Ngày Không May!

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Một Ngày Không May!

    Một Ngày Không May!



    Đà Nẵng vào mùa mưa, bầu trời thường ảm đạm, trần mây thấp, tầm nhìn xa rất giới hạn, nhưng không vì thế mà làm giảm đi sự hoạt động hiệu quả của các phi đoàn trực thăng vùng hoả tuyến.

    Chúng tôi cất cánh lúc bình minh, khi ánh mặt trời ban mai còn cố len lỏi qua trần mây, rọi tia sáng yếu ớt xuống phi trường và thành phố Đà Nẵng còn đang ngái ngủ. Bốn chiếc trực thăng UH-1 bay theo đội hình diamond bập bềnh hướng về đèo Hải Vân trên đường ra Quảng Trị. Vì mây từ trên cao bao phủ đến tận chân đèo nên chúng tôi phải đổi hướng về phía Đông ra biển, bay vòng theo đèo, trở vào Lăng Cô rồi theo quốc lộ 1 lên phía Bắc để trực chỉ Huế, Quảng Trị.

    Dự định là như thế nhưng khi từ biển vào đất liền, sương mù che kín khắp vùng không thấy quốc lộ 1 ở đâu. Theo lịnh của lead, hợp đoàn đổi sang đội hình hàng dọc. Lúc đầu, sương mù vài chỗ hơi loãng mới thấy được màu xanh lờ mờ của ruộng đồng hay cây cối bên dưới lướt ngang qua nhưng càng bay nó càng dày đặc.

    Chúng tôi mò mẫm bay, chiếc sau không thấy chiếc trước, không biết được khoảng cách của chiếc trước bao xa nhưng nhiều khi hơi ấm phát ra từ ống phản lực của chiếc trước theo gió len vào cabine làm ai cũng lo sợ. Có lẽ không có gì hồi hộp và lo âu hơn như hoàn cảnh hiện tại của chúng tôi. Trong trường hợp này mới thấy người dẫn đầu và người bay cuối là tương đối an toàn, còn những người bị kẹt vô giữa là thập phần nguy hiểm vì có thể ủi vào chiếc trước mà cũng có thể bị chiếc sau đâm xầm vào đuôi. Hy vọng lead sẽ sớm phát hiện được quốc lộ 1 hay một khu trống trải nào để dẫn hơp đoàn xuống đáp tạm chờ sương mù tan.

    Bay như vậy chỉ có vài phút thôi mà chúng tôi bắt đầu panic vì sợ sẽ đụng nhau, nên có phi hành đoàn nào đó lên tiếng trên tần số xin lead rời hợp đoàn để mạnh ai nấy thoát ra khoảng trống mong sẽ được an toàn hơn. Leader chấp thuận theo đề nghị, thế là mỗi chiếc tuần tự báo cáo để rời đội hình rồi lấy hướng bay ra biển, vì dù sao cũng còn thấy lờ mờ, chứ quẹo trái thì sương mù trong dãy Trường Sơn còn tệ hại hơn. Chúng tôi nhắm hướng Đông vừa bay, vừa lo, vừa mừng và hy vọng không bị chiếc nào trong hợp đoàn lủi ngang hông.

    Khi đã ra đến khoảng không gian ít mờ mịt hơn, ráng mở to mắt nhìn chung quanh để canh chừng xem có thấy ánh đèn beacon chớp nháy hay bóng dáng chiếc nào gần mình mà còn né tránh. Lần mò theo bờ biển, lấy hướng đến Huế rồi ra Quảng Trị. Trao đổi với nhau trên tần số nội bộ, biết chúng bạn đều an toàn và hẹn gặp nhau ở Quảng Tri, nỗi lo âu của chúng tôi tan biến, thay vào đó một cảm giác nhẹ nhàng, khoan khoái như vừa trút được gánh nặng mặc dù thời tiết lên phía Bắc cũng còn nhiều trắc trở!

    Khi đến gần Huế thì lại đụng đầu với cơn mưa tầm tả và nặng hạt đến độ quạt nước được mở tối đa mà vẫn không thấy gì trước mặt, thỉnh thoảng phải thò đầu ra để nhìn, chấp nhận bị ướt và gió tạt vào mặt khó thở. Tàu bay chậm như tuấn mã phi nước kiệu vì chỉ thấy lờ mờ phía trước. Đoạn đường chưa tới 100 km từ Đà Nẳng ra Huế mà thời tiết của dải đất hẹp miền Trung này thay đổi bất thường do một bên là núi rừng và một bên là biển! Ông trời thật là khắc nghiệt và bất công với dân trực thăng, sao cứ bắt chúng tôi phải chịu muôn vàn nguy hiểm! Ngoài mặt trận thì do bay thấp và chậm nên thường xuyên là mục tiêu cho phòng không địch, đáp tiếp tế hay tải thương thì thường bị pháo kích còn trên đường bay thì phải đối đầu với thời tiết vì phi cơ it được trang bị phi cụ để bay xuyên mây.

    Đến Quảng Trị thì trời quang mây tạnh. Từng chiếc một xuất hiện cuối chân trời và lần lượt đáp an toàn để bắt đầu một ngày làm việc cho Sư đoàn 1 Bộ binh.

    Sau khi thoát chết vì thời tiết, các phi hành đoàn được tiểu khu mời ăn sáng, uống cà phê và dự thuyết trình cho chương trình ngày hôm đó. Món ăn chơi đầu tiên là đổ đại đội trinh sát của tỉnh xuống một làng nằm hẻo lánh về phía Tây, bên bờ Nam sông Thạch Hãn. Đến trưa, sau giờ cơm, hợp đoàn bị xé lẻ ra từng chiếc để đi tiếp tế cho các đơn vị bạn.

    Chúng tôi lãnh nhiệm vụ tiếp tế cho tiền đồn nằm heo hút trên triền núi cao chớn chở, nơi mà người lính gác có thể thò tay ra bốc khi mây mù bay qua và bãi đáp nằm chênh vênh bên sườn núi, một mặt là vách đá với bao cát làm lô-cốt chen lẫn những cần ăng-ten cao nghệu, còn mặt kia là thung lũng sâu thăm thẳm, vách núi xanh rì dựng đứng, chỉ nhìn thôi cũng đủ rợn người. Thật tội nghiêp cho những người lính trấn thủ lưu đồn, quanh năm chỉ làm bạn vơi gió núi mây ngàn để cố giữ gìn mãnh đất miền Trung thân yêu này không bị rơi vào tay bọn cs tham tàn!

    Con tàu nặng trĩu với gạo, thuốc men, đạn dược và những thứ linh tinh khác bay vòng trên cao nhìn xuống bãi đáp là một mỏm núi bé tí tẹo như cái hộp quẹt có vẽ chữ H màu đỏ đang bị mây mỏng che lấp, chờ cho mây qua để vào đáp. Con tàu đang tiến về mỏm núi, cái hộp quẹt dâng lên khi tàu xuống thấp và đến gần, khói màu tím đánh dấu bãi đáp do anh lính dưới đất liệng ra đang cố vươn lên, nhiễu loạn không phương hướng, tan rất nhanh chứng tỏ gió giật mạnh.

    Khoảng cách ngắn dần, chúng tôi tập trung tinh thần và khả năng để đáp cho an toàn. Con tàu vừa đến bên bờ vực thẳm chỉ còn mươi thước nữa là sẽ nằm nhẹ nhàng trên mỏm đá mà diện tích chỉ bằng vài chiếc chiếu ghép lai. Bỗng con tàu bị bốc thẳng đứng như có một bàn tay khổng lồ nhấc lên, nó xoay ngang rồi cắm mũi đâm xuống thung lũng xanh dờn dưới kia. Thật ra tàu vừa bị cơn gió lốc đánh mạnh vào vách núi tạo nên luồng gió mạnh nâng bỗng lên cao, do đó chúng tôi phải vội vã cho tàu quay ngang rồi cắm đầu xuống thung lũng để lấy tốc độ, bay một vòng ra xa rồi từ từ đưa tàu lên cao để cố gắng vào đáp lần khác, hy vọng sẽ không bị nâng lên hay giật xuống vì những cơn lốc quái ác nữa!

    Lần này thì con tàu ngoan ngoãn nằm yên trên bãi đáp mà cánh quạt quay tít chỉ cách mấy cây ăng- ten chừng một thước và nguyên cái đuôi phi cơ thì doi ra đong đưa ngoài thung lũng.

    Tuy khó khăn nhưng với sự cố gắng, chúng tôi đã hoàn tất hai lần tiếp tế, khiến cho những người lính Bộ binh đóng đồn rất mừng và lên tinh thần, còn lính Không quân thì hài lòng vì đã làm tròn nhiệm vụ.

    Sau phi vụ tiếp tế hoàn tất, riêng tàu của chúng tôi được tiểu khu trả về sớm hơn vì phải ghé đáp tại sân bay Đại Nội ở Huế để đón một số hành khách đi Đà Nẵng. Những chiếc kia vẫn ở lại chờ nhiệm vụ khác. Phi cơ vừa tắt máy tại bãi đất trống của Tiểu khu, một chiếc trực thăng khổng lổ của Mỹ loại Skyscrane chuyên môn bốc những container nặng và kềnh càng lù lù xuất hiện, hai anh cơ phi và xạ thủ phải vội vã cột cánh quạt và chưa kịp đậy chiếc máy phản lực thì gió lốc của chiếc skyscrane đã thổi cát sỏi đá bay rào rào vào phi cơ UH-1, tội nghiệp anh cơ phi cố lấy thân mình che cái intake của máy phản lực bị sức gió quá mạnh làm anh phải bám chặt nếu không thì có thể bị hất xuống đất!

    Trước khi cất cánh để về Huế, chúng tôi đã kiểm soát lại tàu và nhất là intake của chiếc máy phản lực xem có bị hư hại vì cơn lốc sõi, đá, cát bụi mù trời ...

    Lúc bay qua trên cửa biển Thuận An, thấy có mấy chiếc tàu Hải Quân neo ở dưới, chúng tôi cho phi cơ bay thật thấp ngang qua cột cờ của những chiếc tàu để chào, biểu diễn vài đường bay lã lướt, đón nhận những cái vẫy tay nồng nhiệt của các thuỷ thủ đoàn Hải quân rồi cất vút lên cao vào đáp sân bay Đại Nội.

    Khi hành khách đã an vị, tàu bắt đầu cất cánh, vừa lên cao độ khoảng trăm mét thì một tiếng nổ rất to giống như tiếng mìn nổ khiến ai cũng giật mình, trong mấy giây đầu không biết chuyện gì xảy ra nhưng ngay lập tức tàu bị tuột tua, rớt xuống nhanh, chúng tôi biết ngay là động cơ trục trặc. Phản ứng tự nhiên là áp dụng ngay phương thức Autorotation đã từng thực tập nhiều lần; nghĩa là khi động cơ bị tắt, phi công chỉ có duy nhất một cơ hội để đáp nhờ vào sự quay tự do của cánh quạt tạo ra bởi tốc độ bay xuống của phi cơ. Nếu ở trên mặt nước thì phải làm phương thức Ditching như chúng ta đã thấy qua video do những phi công trực thăng của KQVNCH làm khi di tản ra ngoài hạm đội 7 của Mỹ vào cuối tháng Tư đen của năm 1975. Còn nếu tàu bị tắt máy trên rừng già rậm rạp không có chỗ trống thì phương thức mà phi công phải làm là cho mũi phi cơ chúc xuống để tạo tốc độ cho sự quay tự do của cánh quạt (vì lúc này động cơ không còn quay cánh quạt nữa) khi gần đến ngọn cây rừng, phi công phải kéo mũi phi cơ dựng đứng lên để triệt tiêu tốc độ do đó đuôi phi cơ sẽ rớt xuống trước, nhờ tàn cây rậm rạp nâng đỡ thân tàu... May ra còn sống sót nếu tàu không cháy!

    Trong trường hợp của chúng tôi, vì không đủ cao độ để chọn lựa bãi đáp, đành phải đáp thẳng về phía trước. Thật là may mắn, con tàu ngừng hẳn khi vừa xuống bên mé hồ rau muống... Nếu chỉ tới thêm một vài thước nữa thôi thì cả con tàu và mọi người đều rớt xuống hồ, hoặc máy bị nổ sớm hơn khi chúng tôi đang bay lượn trên mấy chiếc tàu của Hải quân thì chắc không còn ngồi đây mà viết những dòng ký ức này!

    Sau tai nạn, chúng tôi kiểm soát lại phi cơ thì thấy động cơ phản lực nổ toát ra như trái đu đủ bị cắt một phần dọc, để lòi ra trong ruột của động cơ những bộ phận cong queo, gãy nát. Đó là hậu quả của mấy viên sỏi mà chiếc tàu skyscrane của Mỹ đã thổi vào nằm kẹt sâu ở trong máy mà lúc kiểm soát bằng mắt chúng tôi không phát hiện được, lúc này mới rơi ra và bi hút vào turbine phá hỏng máy, tiếng Mỹ gọi là FOD (foreign object damage). Chúng tôi đã từng bay trực thăng H-34, đây là loại trực thăng trang bị động cơ nổ radial engines sức mạnh trên 1500 mã lực. Tuy nó bay chậm hơn UH-1 nhưng sức chịu đựng rất cao và nhiều khi động cơ bị bắn, chảy dầu vẫn an toàn bay về chứ không dễ bị hư hại như động cơ phản lực mong manh của UH-1.

    Hôm đó mọi người phải chờ tàu khác để về lại Đà Nẵng muộn màng. Thật là một ngày không may cho chúng tôi!

    Cali
    Last edited by khongquan2; 11-12-2013, 04:22 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X