Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Những Ngày Cuối Năm Không Vui ở Lộc Ninh

Collapse
X

Những Ngày Cuối Năm Không Vui ở Lộc Ninh

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Những Ngày Cuối Năm Không Vui ở Lộc Ninh

    Những Ngày Cuối Năm Không Vui ở Lộc Ninh

    Đỗ Văn Phúc



    Để tưởng niệm linh hồn các chiến sĩ hy sinh tại Lộc Ninh cuối năm 1971

    Trưởng Ban 3 Trung Đoàn, Trung Úy Nguyễn Văn Quốc vén tấm poncho che nắp hầm, nhìn ra. Sương mù đang xuống, mỗi lúc mỗi dày hơn dù đã gần trưa rồi. Thấy anh Trưởng Ban 2 cũng đang ló đầu ra, anh quay sang, lầu bầu: “Thế này thì đánh đấm gì được. Không biết cái bọn Việt Cộng có ngọ ngậy gì không?” “Chúng nó mà khôn thì ôm mấy con hộ lý ngủ cho đã cái đời rồi Sinh Bắc Tử Nam” Dù sao, hai anh ban 2 và ban 3 này cũng phải rán mò vào phòng Hành Quân xem thử tình hình ra sao.

    Hơn một tuần nay rồi, bầu trời từ màu xám xịt nay phủ một lớp sương mù dày đến nỗi đứng cách nhau vài thước mà không thấy được nhau. Không gian như ngưng đọng, và hoạt động của đơn vị cũng như bị khựng lại. Máy bay không lên vùng, các đơn vị không di chuyển, xe cộ không qua lại. Đường trong căn cứ trơn như bôi mỡ. Vốn là những con đường đất đỏ hẹp và gồ ghề xuyên qua các lô trong rừng cao su Lộc Ninh, sau những trận mưa lớn, đất bột đã nhào với nước trở nên bùn lầy dẻo quẹo. Không ngày nào mà không có vài chiếc xe trợt xuống ven đường do tài xế chẳng thể nào điều khiển được tay lái.

    Trung Đoàn 8 hành quân Lộc Ninh từ đầu tháng 10, 1971. Các tiểu đoàn được tung ra cả một vùng rộng lớn kéo dài về phía Bắc cho đến biên giới Việt Miên. Bộ Chỉ Huy Hành Quân Trung Đoàn đóng trong một khu đất gần nhà cũ của giám đốc đồn điền. Trung Úy Phúc, Đại Đội Trưởng Đại Đội Chỉ Huy cho lao công đào binh cất ba căn hầm lớn bằng gỗ vuông 20x20, thùng phuy và bao cát. Hầm sâu ngập ba phần tư dưới mặt đất. Bên trên có hai tầng vừa PSP vừa bao cát 5 lớp để đủ sức chống nổi loại đại pháo và hoả tiễn 122 ly. Trong ba hầm này, cái lớn nhất làm hầm chỉ huy, kế đến là phòng họp vừa là phòng ăn cho các sĩ quan. Cái nhỏ nhất là hầm của Trung Đoàn Trưởng. Đại đôi Chỉ Huy và một Pháo đội 105 li đóng sát đó ở vòng thứ hai với những căn lều dã chiến. Đại Đội Trưởng ĐĐ Chỉ Huy nhờ có nhân lực dồi dào, nên cũng được một cái hầm nhỏ nhắn tương đối ấm cúng. Thiếu Tá Nguyễn Văn Tâm [1], Trung Đoàn Phó thì ở chung hầm với Phúc. Bên ngoài là vòng đai phòng thủ chính do Đại Đội Trinh Sát và một tiểu đoàn trừ đảm trách. Phúc trực tiếp chỉ huy bốn trung đội súng nặng trang bị các loại Đại liên, cối 81 ly, đại bác không giật 75 ly, 106 ly. Ngoài ra còn chỉ huy về hành quân và phòng thủ các quân nhân cơ hữu của Trung Đoàn Bộ.


    Phúc rời Tiểu Đoàn 4/8 về coi Đại Đội Chỉ Huy đã 5 tháng nay và đang chờ về Không Quân mà theo Ban 1 thì chậm lắm là đầu năm tới là có lệnh thuyên chuyển. Sau trận Snoul khốc liệt mà tinh thần sắt đá đến đâu cũng có ít nhiều giao động; Phúc làm đơn xin về Lực Lượng Đặc Biệt vì nghĩ rằng tác chiến đâu cũng hiểm nguy, chi bằng xin ra LLĐB là binh chủng chỉ toàn anh em tình nguyện mà anh đã có một thời phục vụ với tư cách thông dịch viên. Nhưng cũng duyên may gặp lúc các quân chủng Hải và Không Quân đang cần các sĩ quan tốt nghiệp từ trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị, Bộ Tổng Tham Mưu gửi văn thư hỏi ý kiến và Phúc đã chốp ngay cơ hội, xin về Không Quân. Ông Tâm thương Phúc, cứ tỉ tê dụ dỗ: “Mày về Không Quân không có tương lai đâu. Ở lại đi, chờ tao lên Trung Đoàn Trưởng, tao lăng xê cho coi Tiểu Đoàn mà lên lon vù vù.” “Thôi ông ơi, có mà lên bàn thờ sớm.” Phúc đùa.

    Nhờ có sương mù nên các sĩ quan được kéo dài giấc ngủ thêm một ít thời gian; vì giờ họp tham mưu được trễ đi một tiếng đồng hồ. Ở hành quân, chỉ có Ban 3 và Đại Đội Chỉ Huy là cực. Trung Úy Nguyễn Văn Quốc [2], Trưởng Ban 3, phải thức gần như thâu đêm bên dàn máy truyền tin để theo dõi từng động tịnh của các đơn vị bên ngoài. Trung Úy Phúc coi Đại Đội Chỉ Huy thì chịu trách nhiệm đôn dốc phòng thủ, tiếp vận, an ninh và tất cả mọi việc tạp dịch của căn cứ.

    Lộc Ninh mùa đông buồn da diết. Ban ngày, ai không có việc gì làm thì thả bộ ra chợ, kéo nhau vào các quán sinh tố tán tỉnh các cô gái da trắng má hồng. Phúc thì lúc nào có dịp là mò ra nơi đóng quân của đơn vị cũ thăm bạn bè. Sau bữa cơm tối, các sĩ quan thường tụ tập một hầm nào đó chuyện vãn và có khi bày ra một chầu tứ sắc mà mỗi lệnh chỉ 1 đồng gọi là giải trí giết thì giờ.

    Sáng thứ Ba, không rõ từ đâu, một con chó hoang chạy lọt vào căn cứ. Nó đứng trước hầm Hành Quân, chỉa mõm vào trong mà hú lên từng hồi nghe rất rợn người. Nhìn cách đứng của nó, hai chân trước chùn lại như trong tư thế phòng thủ; cái đuôi quặp lại giữa hai chân sau. Con chó tỏ ra sợ sệt như nó đang đối diện một cái gì đó mơ hồ trước mặt nó mà những đôi mắt người không thấy được. Nó tru lên từng hồi dài nghe dựng cả tóc gáy. Sĩ quan An Ninh, Chuẩn Úy Sung [3], biệt danh Sung Lựu Đạn, chụp cái chổi chạy ra đuổi. Chó chạy vòng vòng một hồi rồi cũng quay về chỗ cũ mà tru. Vài người đã bắt đầu bàn tán về một điểm gở sắp xảy ra. Phúc chẳng nói chẳng rằng, rút súng lục ra bắn vào đầu con chó hai phát rồi kêu lao công đào binh xách đi chôn. “Đ.M. chỉ tin dị đoan. Chó tru mùa đông là chuyện thường. Lính ra trận chứ có phải đi picnic đâu? Khi nào mà không có đánh nhau, không có chết chóc!”

    Nói cứng miệng như thế, nhưng trong lòng, Phúc vẫn liên tưởng đến những điều không lành bất thường sắp xảy ra. Chuyện cột cờ gãy không thể đơn giản giải thích lý do về kỹ thuật, gió bão … Nó thường là một điềm rất xấu cho đơn vị. Cột cờ tại toà nhà Chỉ Huy Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị bị gãy thì theo sau là một loạt các biến cố làm chết và bị thương cả chục sinh viên sĩ quan. Trước hết là các đợt Việt Cộng tấn công vào trường làm chết sinh viên và hàng chục tu sĩ đang theo học căn bản, theo đó là vụ nổ lựu đạn cướp mất mạng sống vài sinh viên khác mà cho đến về sau, không ai điều tra cho hết ngọn nguồn. Chuyện những câu nói buột miệng của Đại Úy Trung, Trưởng Ban 3 Tiểu Đoàn 1/8, mà theo đó là cái chết của Cố Trung Tá Tiểu Đoàn Trưởng Châu Minh Kiến [4]… Trong mỗi con người, có một giác quan thứ sáu mà cường độ mạnh yếu tùy từng người, từng hoàn cảnh mà đột phát. Khi người anh rể của Phúc tử trận tại một chiến trường vùng 4 Chiến Thuật, nơi quê nhà ở miền Trung cách xa hàng ngàn cây số, Phúc đã cảm nhận khi bất ngờ có một luồng điện chay qua tim đau nhói và bồi hồi.

    Vài hôm sau, mưa đã dứt hẳn. Con đường nhầy nhụa hôm trước nay đất khô cứng. Xe cộ đã lưu thông trở lại bình thường. Các đoàn xe tiếp tế, xe pháo binh chở đạn liên tục ra vào căn cứ. Sương mù cũng tan hẳn. Hoạt động hành quân rộn lên. Dàn máy trong hầm chỉ huy suốt ngày vang lên những ám thoại, lệnh lạc, báo cáo. Tiếng phi cơ thám thính OV-10 Bronco lại vo ve trên bầu trời. Hàng loạt đạn 155 ly từ căn cứ yểm trợ hoả lực bắn qua đầu có đủ sức mạnh ném tung người lính ra khỏi chiếc võng ni lông. Quốc ngày nào cũng phải bay C-n-C[5] ít nhất vài tiếng đồng hồ để quan sát và yểm trợ quân bạn. Từ Trưởng Ban 3 Tiểu Đoàn 4/8, Quốc được điều động về làm Trưởng Ban 3 Trung Đoàn mà không qua các giai đoạn làm Tiểu Đoàn Phó, Tiểu Đoàn Trưỏng như truyền thống các binh chủng Dù, Thủy Quân Lục Chiến[6]. Tuy vậy, Quốc đã chứng tỏ khả năng học hỏi và thích ứng nhanh chóng nên rất được tin cậy. Dáng người nhỏ nhắn, cách đi ngiêng nghiêng lệch về một bên, khuôn mặt nhiều nhăn nhó hơn tươi vui; nhưng anh em sĩ quan trong đơn vị ai cũng mến Quốc. Trong 5 ban, chỉ có ban Hai, ban Ba, và ban Tư là luôn luôn có mặt ở chiến trường. Trưởng ban 1 là Thiếu Úy Lô Đức Tân thì trụ trì ở Căn Cứ Lai Khê. Ban 5 thì ở đơn vị tác chiến cũng chẳng giúp được việc gì. Ngoại trừ hai cô Thiếu Úy Thảo và Trung Sĩ Hoa, Trợ Tá Xã Hội đang săn sóc khu gia đình binh sĩ ở Phú Lợi, và một anh Đại Đức Tuyên Úy Thích Minh Phương (mà anh em đặt tên là Thích Muôn Phương) cứ nhởn nhơ trong căn nhà một goá phụ có hai cô con gái xinh xinh làm thợ may ở trong làng Lai Khê – là một khu dân cư nằm lọt trong căn cứ vốn trước đây là một đồn điền cao su.


    Quá khuya, đang ngon giấc thì có ai đó nắm vai lắc lắc. Phúc bật dậy.

    - Gì thế?

    - Thằng 1/8 chạm. Toán tiền đồn bị đặc công xâm nhập. Đang đánh loạn xà ngầu, chưa biết ra sao.

    - Ở đâu?

    - Gần căn cứ Alfa.

    Căn cứ Alfa gần Quốc lộ 13 nơi biên giới Việt Miên, trở thành tiền đồn của Việt Nam. Nơi đây thường có một đơn vị cấp Tiểu đoàn trú phòng, không xa trại A-341 Lực Lượng Đặc Biệt ở Bù Đốp. Từ sau khi Sư Đoàn 5 rút quân khỏi Snuol hồi giữa năm 1971, các sư đoàn 7, 9 chính quy Cộng Sản được bổ sung, trang bị lại và hành hoành bên kia biên giới, trên lãnh thổ tỉnh Kratie của Cộng Hòa Khmer. Họ tạo những áp lực nặng nề lên Sư Đoàn 5 Bộ Binh vốn cũng chưa hồi phục sau tổn thất nặng nề chưa từng có trong quân sử đơn vị. Thời điểm này, quân bộ chiến Mỹ đã hoàn toàn rút khỏi miền Nam. Một sư đoàn Việt Nam nay phải phân tán thật mỏng trên một khu vực hành quân rộng lớn mà trước đây có hai sư đoàn Mỹ, một sư đoàn VN cùng gánh vác, thì phải thấy hết cái hiểm nghèo như thế nào.

    Tuy không có nhiệm vụ gì về hành quân, Phúc vẫn mặc vội áo quần, khoác thêm cái field jacket và chạy vào hầm chỉ huy để nghe ngóng. Anh ngồi xuống gần Thiếu Tá Tâm, hỏi nhỏ:

    - Đến đâu rồi, Thiếu Tá?

    - Mất cả trung đội tiền đồn, Tiểu đoàn báo cáo mất liên lạc vô tuyến từ hơn một giờ nay.

    Hàng chục đôi mắt đổ dồn vào chiếc loa nhỏ cạnh bàn truyền tin, nơi Trưởng Ban 3 đang gào lên từng hồi cố gắng liên lạc với Ban 3 Tiểu đoàn 1/8. Trung Tá Trung Đoàn Trưởng Mạch Văn Trưòng không dấu nỗi nét lo âu, bồn chồn. Ông quay qua, quay về trên chiếc ghế bành làm bằng gỗ thùng đạn pháo binh. Hết hỏi ban Ba lại thúc ban Hai.

    - Chúng nó ngủ quên hay sao mà bọn Việt Cộng vào hốt trọn thế?

    - Tôi đã nhắc chúng nó gài mìn Claymore dày đặc vào.

    - Bọn đặc công bây giờ chúng nó tinh ma lắm. Mìn bẫy thế nào chúng cũng chui qua tuốt.

    Quả thế, chiến trường là nơi hai đối thủ thi thố vũ khí và khả năng nhậy bén và nhanh chóng nhất. Đó là vì sự sống còn của cả hai bên. Mỗi thứ vũ khí, mỗi chiến thuật mới thường chỉ có tác dụng tối đa một thời gian, rồi đối phương cũng tìm ra được phương cách hoá giải hay làm giảm hiệu quả. Mìn Claymore là loại mìn chống biển người được trang bị cho QLVNCH vào giữa thập niên 1960. Nó vưà gọn, nhẹ (trọng lương 3.5 cân Anh), vừa an toàn cho quân bạn. Nó được cấu trúc theo hình trăng lưỡi liềm mà phần cong hướng về phía địch là một lớp gồm 700 viên bi thép có đường kính 1/8 inch. Sau lớp bi này là 1.5 cân Anh chất nổ C-4. Claymore được kích hoả bằng một ngòi nổ (fuse) nối liền với một con cóc bấm (detonator) bằng hàng chục thước dây điện. Tầm sát thương là 250 mét, tầm hiệu quả cao nhất là 50 mét. Quân bạn phía sau tuy an toàn, nhưng phải được che chở vì sức nổ cũng có khả năng gây thương tích.

    Ban đầu, quân ta xử dụng mìn Claymore đúng như đã được hướng dẫn trong sách vở. Họ gài mìn quanh phòng tuyến, hay tại các giao lộ tình nghi có sự di chuyển của địch. Khi có sự phát hiện địch quân thì bấm cóc cho nổ mìn. Dần dần, khi bị đặc công Việt Cộng biết cách bò vào, quay ngược hướng mìn vào phía quân bạn; quân ta lại sáng chế thêm dây bẫy, hoặc kết hợp thêm bẫy bằng lựu đạn M-26. Dây bẫy rất nhỏ, căng ra ở vị trí thấp cách mặt đất chừng 1 mét. Một đầu dây cột vào gốc cây nào đó, đầu kia có miếng cách điện, kẹp giữa hai càng có bọc miếng đồng để dẫn điện của một cái kẹp phơi áo quần bằng gỗ. Cách gài bẫy là làm cho đối phương dù cắt dây, làm cho dây chùng lại hay căng thêm cũng kích hoả. Thế nhưng đã có lần chúng tôi được tận mắt xem các cách gỡ mìn bẫy do một đặc công Việt Cộng chiêu hồi biểu diễn. Anh ta chỉ dùng một cọng cỏ lau, rất nhẹ và nhỏ để tìm ra các dây bẫy; dù rằng trong rừng rậm rất vướng víu. Rồi từ đó, anh ta vuốt nhẹ theo chiều dài hai bên dây bẫy lần đến trái nổ để vô hiệu hoá nó. Một đặc công thuần thục có thể gỡ một trái mìn trong vòng vài phút ngay trước mũi súng đối phương, nhẹ nhàng, im lặng không một tiếng động.
    Chuyện mất đứt một trung đội tiền đồn còn nóng hổi, thì trưa hôm sau, trên bầu trời Lộc Ninh, hai chiếc F-5 từ Căn Cứ Không Quân Biên Hoà lên yểm trợ quân bạn lại gặp tai nạn. Các quân nhân đứng xem từ căn cứ Lộc Ninh có thể chứng kiến rất rõ ràng cảnh một chiếc phản lực bay sau quẹt cánh vào chiếc bay phía trước. Một chiếc cháy, một chiếc đâm đầu xuống một khoảnh rừng xa xa nào đó. Cả một khối cầu lửa bùng lên giữa không trung. Chúng tôi chỉ thấy độc nhất một chiếc dù bung ra. Qua liên lạc với Sĩ Quan Không Yểm, Trung đoàn nhanh chóng cho lệnh đơn vị bộ binh gần đó nhất đến ngay lục soát để hòng cứu kịp phi công vừa nhảy dù ra.

    Trung Úy Quốc bần thần thấy rõ. Không khí trong các bữa cơm nặng nề, chỉ nghe tiếng chén bát, lùa cơm. Ăn xong, ai về hầm nấy lặng yên chẳng thì thào bàn tán sau bữa ăn như thường nhật. Tối hôm đó, trong khi các sĩ quan ngồi trò chuyện trong hầm của Phúc, thì Quốc ghé qua nhưng không vào. Anh thò khuôn mặt hốc hác mà nói:

    - Nè Phúc, mai mốt mày về Sài Gòn, nhờ mày đem cái đàn về cho má tao nghe.

    - Đã có lệnh lạc gì đâu. Chắc phải chờ hết hành quân.

    - Mày nhớ đó. Đem đàn về nhà cho tao.

    Quốc đi. Ai cũng lạ về thái độ của Quốc. Người này nhìn người kia như muốn nói điều gì đó mà không ai dám phát ra.

    Không đến 10 phút sau, lại thấy khuôn mặt Quốc thò vào.

    - Mày chớ quên. Cây đàn tao để góc phòng hành quân. Thằng Hải đang mượn chơi.

    - Nhắc hoài hả mầy, làm như mày muốn trối chắc?

    Phúc bổng ân hận vì buột miệng nói một điều không hay.

    - Về ngủ đi cho lại sức. Mấy hôm nay thấy mày rả rượi rồi đó. Chừng hành quân về con Nhàn nó không nhìn ra đâu.

    - Tụi mày sướng quá, chẳng có gì lo nghĩ. Tao cả trăm mối, nhắm mắt mà tâm trí để đâu đâu.

    - Thôi, ngủ ngon.

    Đám sĩ quan giải tán, chẳng có gì thú vị trong khung cảnh như thế này.


    Từ khi Sư Đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ rút về nước, việc yểm trợ trực thăng bốc quân, đổ quân, bay C-n-C hoàn toàn do các phi đoàn của Không Quân Việt Nam từ Biên Hoà đảm trách. Một toán sĩ quan liên lạc có mặt 24/24 tại Trung đoàn bộ. Mỗi ngày thường xuyên có vài ba chiếc trực thăng bay C-n-C cho các đơn vị trưởng của Trung đoàn. Những ngày còn ở đại đội tác chiến, Phúc cũng bay C-n-C nhiều, mà do các phi công Hoa Kỳ cấp cao hơn lái. Họ rất lịch sự. Tuy đa số là Đại Úy, nhưng lễ độ nghe một anh Trung Úy Việt Nam “ra lệnh” mà không tỏ ý khó chịu. Một tiếng “yes, Sir” hai tiếng “yes, Sir”. Có lúc bay gần hết giờ tăng phái, nhưng nếu anh sĩ quan Việt yêu cầu bay thêm một vòng sà xuống thấp hơn, các anh cũng vui vẻ mà không cằn nhằn. Phúc chưa bay với các phi công Việt Nam, nhưng cũng biết các anh rất can đảm và hết lòng với chiến hữu.

    Đại đội 8 Trinh Sát được lệnh an ninh bãi đáp cho trực thăng đáp bất ngờ để thả xuống một sĩ quan tiền sát pháo binh. Lệnh lạc rắc rối sao đó, mà nghe như có lúc xác định, có lúc hủy bỏ. Trung Úy Hùng - tự Hùng Đầu Lâu, vì trên ngực anh có xăm một cái đầu lâu to tướng - chỉ huy Trinh Sát cũng từ Tiểu Đoàn 4/8 về. Các đại đội trinh sát bộ binh, từ cấp trung đoàn cho đến cấp sư đoàn, là các đơn vị xuất sắc nhất; nơi tập trung những chiến binh can trường, thiện chiến được chọn từ các đơn vị khác. Nhưng chức năng chính yếu – như tên gọi của nó – là hành quân thám sát theo từng toán nhỏ để theo dõi địch tình cung cấp tin tức cho phòng 2; trong khi các chỉ huy lại có khuynh hướng xử dụng như những đơn vị xung kích, tăng cường cho những mặt trận nóng bỏng. Do đó, có rất nhiều bất lợi dẫn đến tổn thất đáng tiếc.

    Chiếc trực thăng UH1-B đảo qua đảo lại vài vòng để chờ nghe Đại Bàng Trinh Sát báo cáo về an ninh bãi đáp. Đó là một khoảng trống rất hiếm hoi giữa rừng già Bình Long. Vì thế, địch quân thường chấm sẵn các toạ độ này để hể nghe tiếng trực thăng đáp là sẵn sàng pháo kích vào. Trung Úy Hùng đã báo về Trung Đoàn tình hình an ninh bãi đáp từ hơn một giờ qua. Rồi lại có lệnh hủy bỏ việc thả sĩ quan tiền sát. Hùng đã cho rút quân và di chuyển về mục tiêu mới. Giờ này, lại có lệnh từ Trung Úy Quốc kéo trở lại LZ. Cái giọng Bắc Kỳ khàn khàn của Hùng lầu bầu: “Đ.M. đi rồi đứng, Đứng rồi đi. Lệnh với chả lạc. Ai mà xoay sở cho kịp. A lê hấp, chúng mày kéo trở lại giùm tao. Nhanh lên, chim sắp hạ cánh rồi. Mau! Mau!”

    Trực thăng giảm dần cao độ và đáp xuống. Quốc có thể nhìn thấy những người lính bộ binh đang chạy lúp xúp vào các hướng quanh khoảng trống để bố trí. Người Sĩ quan tiền sát pháo binh và người mang máy vừa đặt chân xuống đất thì:

    Oành!

    Một tiếng nổ chát chúa vang lên ngay lườn chiếc phi cơ. Có lẽ do một vài tên Việt Cộng ẩn núp rất gần bắn vào. Hai người vừa xuống bị bắn ra xa cả chục mét, nằm bất động. Phi cơ bốc cháy vì có lẽ trúng bình xăng. Hai phi công và một vài quân nhân nhảy ra kịp chạy nhanh vào bìa rừng. Anh xạ thủ đại liên chết ngay tại chỗ. Riêng Quốc, bị trúng nhiều mảnh đạn vào thân thể. Anh cố xoay sở tháo chiếc đai nịt an toàn. Lửa cháy bùng lên nhanh, hắt từng cơn nóng vào người. Quốc ngạt thở và tuyệt vọng, dẫy dụa cho đến khi ngọn lửa trùm hết cơ thể anh.

    Chiếc trực thăng nổ thêm nhiều tiếng nổ phụ rồi cứ thế, như một ngọn đuốc giữa cái nhìn bất lực đau xót, bàng hoàng của trăm binh sĩ xung quanh.

    Năm ngày sau biến cố đó, Trung Úy Phúc nhận điện thoại từ Lai Khê của Thiếu Úy Tân báo tin lệnh thuyên chuyển đã về tới. Tân đang làm Công Vụ Lệnh gửi lên cho Trung Đoàn Trưởng ký để Phúc về trình diện Bộ Tư Lệnh Không Quân vào cuối năm sau 15 ngày phép thưởng.

    Phúc đã tháp tùng trên chuyến xe tang chở thi hài người Trưởng ban Ba về với gia đình lần chót. Anh đã làm đúng như lời dặn của Quốc, đem chiếc đàn Guitar về cho mẹ Quốc làm kỷ vật cuối cùng,



    [1] Thiếu Tá Nguyễn Văn Tâm, khoá 19 Trường Võ Bị Đà Lạt, sau làm Trung Đoàn Trưởng TĐ31, SĐ 21 Bộ Binh, và Quận Trưởng ở Vùng 4.
    [2] Cố Đại Uý Quốc tốt nghiệp khoá 23 Trường Bộ Binh Thủ Đức.
    [3] Thiếu Úy Sung sau này ở tù chung nhà với Đại Úy Phúc tại Hàm Tân Z-30C.
    [4] Mời đọc bài Một Ngày Trong Mật Khu Tam Giác Sắt.
    [5] Command and Control. Thuật ngữ quân sự.
    [6] Thường các Trưởng ban 3 phải được chọn từ các vị chỉ huy cấp dưới xuất sắc nhất trong đơn vị.
    Last edited by chieutim; 10-25-2013, 08:03 AM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X