Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Trên Sân Bay Cỏ Ống

Collapse
X

Trên Sân Bay Cỏ Ống

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Trên Sân Bay Cỏ Ống

    Trên Sân Bay Cỏ Ống

    Đinh Đồng Kỳ



    Lời Dẫn Nhập:

    Tên tù biệt giam Việt cộng Lê quang Vinh trong pho "Côn Đảo ký sự & Tư liệu" trang 748 viết:

    "... Thế rồi cái ngày 29-4-75 đã tới và tình hình diễn biến trên nhà tù Côn đảo cũng thật là lạ lùng mau chóng. Suốt cả ngày 29, địch cho máy bay của chúng liên tiếp bay vòng trên khắp Côn Đảo, như thể chúng đang muốn thăm dò để phát hiện điều gì hệ trọng lắm đối với bọn chúng."

    Tên Việt cộng Mai Nguyễn cũng viết trong bài "Côn đảo ngày giải phóng", cùng pho sách trang 761:

    "...Ngày 29-4-75, bọn gác ngục, trật tự, an ninh lầm lì . Một sự im lăng căng thẳng đáng sợ bao trùm. Bầu trời Côn Đảo náo loạn bởi những chuyến bay quân sự các loại, lên xuống sân bay Cỏ Ống, chở quân tướng Ngụy di tản ..."


    ***

    Khoảng 3, 4 giờ chiều ngày 28-4-75, tôi vừa vào phòng ngủ Phi đoàn AC.119 Hỏa Long, chưa kịp quăng túi phi hành xuống giường, tôi chợt nghe vài tiếng nổ lớn thật gần, như thể bị dội bom - Tôi chạy vụt ra ngoài cửa, để kịp thấy một chiếc phản lực A.37, mang phù hiệu KQVNCH từ xa, sà xuống phía đầu phi đạo, thả một quả bom rồi múc vội lên cao - Họng súng phòng không của phi trường khạc từng tràng đạn đuổi theo chiếc A.37, nhưng không trúng. Rồi một chiếc nữa cũng chúi mũi buông rơi một quả bom ngay khoảng đất trống, sát phi đạo. Dàn phòng không lại đáp lễ từng loạt đạn chát chúa - Quá bất ngờ trước sự việc, bọn 5 đứa chúng tôi đứng ngẩn người trước cửa phi đoàn.

    Trung tá Hồng, Phi đoàn trưởng, từ trong chạy vụt ra buông một câu: "Thế này là loạn mất rồi", và phóng xuống hố chống pháo kích, được đào thành một dãy ngang hàng rào, dọc phi đạo. chúng tôi cũng phản xạ, nhảy xuống theo. Đợt oanh kích của 3 chiếc A.37 không kéo dài quá vài phút. Về sau này mới vỡ lẽ tên hoa tiêu phản thùng Nguyễn thành Trung, cất cánh từ phi trường Phan Rang, đã rơi vào tay giặc. Khi bóng ba chiếc phi cơ đã mất hút vào cõi xa, tôi mới lái chiếc Lambretta đi vào khu gia binh tìm quán cơm quen thuộc, có cô em người Phan Thiết thật dễ thương, với thân hình bốc lửa.

    Từ lúc này cho đến ngày hôm sau và cũng là ngày cuối cùng của phi trường Tân Sơn Nhất, dưới chính thể Cộng Hòa, sinh hoạt của phi trường cũng như Sư đoàn 5 KQ, đã hoàn toàn bị xáo trộn. Cũng như toàn thể miền Nam, căn cứ không quân lớn nhất của QLVNCH, đang sống từng giây phút phù du, từ buổi chiều lịch sử này, cho tới ngày hôm sau 29-4-75, trước khi sa vào tay giặc.

    Lùa vội phần cơm vào bao tử rỗng tuếch từ sáng, tính tiền xong, tôi lái xe phóng về khu cư xá sĩ quan độc thân, lấy chiếc cặp da đựng giấy tờ tùy thân, cùng xấp bản đồ phi hành, rồi trực chỉ phi đoàn, lên phiên trực đêm - Không ngờ rằng mình sẽ qua một đêm cuối cùng thi hành công vụ cho một đời quân ngũ.Khoảng 2 hay 3 giờ đêm ngày hôm sau, cộng quân bất chợt pháo kích phi trường, hình như từ phía Hóc Môn.
    Lần đầu tiên, kể từ ngày nhập khóa 1/69, tôi nếm mùi hứng đạn quân thù, rơi vào căn cứ với từng loạt nổ ì ầm, ngay sát gần kề. Chụp vội mũ sắt, tôi cùng vài thằngbạn chạy ra sân, nhảy xuống phòng tuyến tránh đại pháo. Bên hông đeo khẩu P.38 và giây đạn 40 viên cùng con dao găm, tôi nằm chịu trận cho đến khi hừng sáng.
    Xem đồng hồ tay thấy 7 giờ, lúc này cộng quân vẫn đều đều rót từng quả đạn vào Tân sơn Nhất. Nhìn lên vòm trời, bắt đầu sáng tỏ, với từng giải mây nhuộm nắng vàng óng ả, tôi bỗng thấy một chiếc Hỏa Long AC.119, tuần phi phía bên kia phi trường, với cao độ khoảng 1,000 mét, rồi đột nhiên khạc từng tràng đạn xuống phía dưới, âm thanh từ họng đại liên của máy bay tru lên như tiếng bò rống từng hồi - Bất chợt, tôi thấy một vệt sáng từ đất vọt lên phía phi cơ. Giặc đã đáp lễ bằng SA.7 tầm nhiệt.
    Ở xa, tôi chỉ thấy phi cơ múc lên cao, rồi một cánh lìa khỏi thân tàu, mũi chiếc AC.119 chúi xuống. Một tinh cầu rơi rụng vào giờ thứ 25 của cuộc chiến...

    ***

    Bây giờ là 9 giờ sáng ngày 29-4-75. Nhìn vào phi đoàn, bình thường lúc này đã phải có mặt sĩ quan hành quân cùng vài phi hành đoàn, giờ đây vắng như sân chùa Bà Đanh, dù ù lì đầu óc cách mấy, tôi cũng phải hiểu: Sử đã sang trang.
    Nhẩy lên khỏi miệng hố, tôi chạy ào vào phòng trực, chụp vội chiếc cặp da đựng bửu bối và vọt ra phi đạo, đã không còn tàu bay lên xuống.Từ phía xa, một chiếc Chinook tròng trành cất khỏi mặt đất, khoảng hơn đòn gánh, lố nhố người nhảy muốn bám lên trực thăng.
    Nhìn sang bên kia phi đạo, thấy còn một chiếc AC.119 của phi đoàn, tôi chạy vội tới tàu bay. Ngay lúc đó, từ xa tôi thấy Trần Cung, hỗn danh "Tử Cung", một thằng bạn đồng khóa cùng Danh Bệu cũng đang phóng tới.Ba thằng tôi kiểm qua loa, thấy bánh xe còn hơi là đủ, rồi lên tàu vào phòng lái đề máy. Tử Cung ngồi ghế trưởng phi cơ, Danh Bệu bên phải chỗ hoa tiêu phụ, tôi ngồi giữa hai thằng ngay sau cần ga, tay dở bản đồ tính toán phi trình - Động cơ nổ, hai cánh quạt uể oải quay dăm vòng rồi chạy đều. Mặc cho hai tên bạn kiểm soát phi cụ, tôi mải mê đọc bản đồ, tiên liệu đường dài từ Tân Sơn Nhất đến Utapao, một căn cứ Không quân Mỹ tại Thái Lan và Côn Sơn nằm cách Vũng Tàu 97 hải lý, tọa độ: 8 độ 47' 57'' Vỹ độ Bắc, 106 độ 36' Kinh độ Đông.Tử Cung kiểm soát áp xuất thủy điều và lăn bánh ra phi đạo. Từ trên phòng lái nhìn xuống, tôi đếm được khoảng hơn ba chục mạng Không quân cơ hữu và phòng thủ, ngồi chồm hổm, la liệt trên sàn tàu. Người duy nhất tôi biết mặt là Trung tá Khải, Trưởng phòng Tâm lý chiến Sư đoàn 5 KQ. Ông ngồi bất động, dựa lưng vào thành tàu phía phải, mắt đăm chiêu, lặng lẽ nhìn xuống, trông như một triết gia tư duy về kiếp người, hơn là một sĩ quan cao cấp đang mưu sinh, thoát hiểm. Họ nhảy lên tàu hồi nào tôi cũng không rõ.Chân đạp thắng tối đa, Tử Cung từ từ đẩy cần ga về phía trước, cho động cơ đạt vòng tua vài ngàn RPM, để kiểm soát toàn bộ đồng hồ bay - Tất cả bình thường!
    Phi trường nhộn nhịp nhất Đông Nam Á giờ đây vắng lặng như bãi tha ma. Phòng không lưu im bặt từ hồi nào. Vùng trời Tân Sơn Nhất hiu quạnh, không một bóng phi cơ......
    Chiếc AC.119 của chúng tôi đơn thân độc mã, phóng nhanh trên sân bay sâu hun hút. Cho tới bây giờ, tôi vẫn còn thắc mắc, không hiểu Vc bắn dở, hay cố tình né tránh, vì từ nửa đêm về sáng cho tới khi chúng tôi cất cánh, bọn chúng pháo kích đì đùng liên tục, mà không một quả đạn nào rơi trúng phi đạo. Chỉ cần một lỗ hổng trên đó là không một con tàu nào có thể rời mặt đất. Có lẽ đây là điểm duy nhất tôi không văng tiếng Đan Mạch mỗi khi nhắc đến "quý vị" từng mắc võng trên rừng Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, lê dép Bình Trị Thiên sang đánh đấm chúng tôi.
    Chắc mẩm còn ê càng khi chứng kiến tận mắt chiếc Hỏa Long phi đoàn bạn bị SA.7 đốn rơi sáng nay, Tử Cung cho con tàu lên thẳng và chỉ bình phi ở cao độ 15,000 bộ - Rồi gạt nhẹ cần lái, lấy hướng 231 độ Tây-Nam, trực chỉ Cần Thơ.Tuy khởi đầu chúng tôi bàn tính sẽ đáp xuống Utapao, nhưng khi bay ngang Cai Lậy và Sùng Hiếu, cả ba đồng ý rẽ trái lấy hướng Côn Sơn, vì hòn đảo này là một trong hai mục tiêu di tản của Không quân, được thông báo trong một buổi họp quan trọng nhất của quân chủng, vào khoảng tháng 3-1975 - Điểm hẹn tan hàng kia là Utapao, Thái Lan.
    Nhìn xuống dưới, tôi đã thấy thị xã Trà Vinh chênh chếch phía trái. Nếu bình thường, mỗi khi bay trên vùng 4 chiến thuật, nhìn ruộng lúa phì nhiêu và sông rạch hữu tình của miền Nam - Tôi luôn liên tưởng đến chiếc áo bà ba của người đẹp miền chín con Rồng, uốn khúc đổ ra biển Đông và mơ ước sánh đôi với một người tình trăm năm vùng lục tỉnh. Nhưng giờ đây, trên đường bôn tẩu căng thẳng đầu óc, tôi chỉ mong chóng đến điểm hẹn.
    Thế rồi con tàu bỏ xa sau đuôi ấp Cá Lóc, Giòng Dừa của bờ biển quê hương, để bồng bềnh trên vùng biển Đông xanh ngắt một màu - Không bao lâu, tôi đã thấy Côn Sơn, quần đảo phía xa xa. Hòn đảo nổi tiếng này, từ cao nhìn xuống, mang một hình dáng độc đáo nhất thế giới. Nó trông giống y đúc một con trâu nước nằm xõng xoài trên mặt biển - Lưng quay về đất liền - Bụng nhìn ra Thái Bình Dương. Mũi Con Chim là chân trước, nhỏ hơn - Chân sau mập ú là mũi Cá Mập. Bãi Đầm Tre là một khe biển nhỏ, làm thành chiếc mồm hơi hé mở. Vùng Cỏ Ống tạo nên khúc cổ con trâu - Sân bay Cỏ Ống chạy một đường dài, từ vịnh Đông Bắc, suốt tới bãi Đầm Trầu phía Tây.
    Tử Cung bắt đầu hạ thấp cao độ chỉ còn 3,000 bộ khi bay ngang Hòn Trứng, để vượt vịnh Đầm Tre và quẹo phải nhắm hướng đáp, vì bình xăng còn gần một nửa - Ở cao độ 1,000 bộ, Tử Cung bay dọc theo sân bay dò xét.Phi đạo Cỏ Ống nhỏ nhưng phẳng phiu, nối liên hai bờ biển Đông Tây. Phía Bắc hoang vu đồi núi. Phía Nam ngay cạnh sân bay là một vùng đất trống, rộng lớn. Có một căn nhà xây, được dùng làm phi cảng. Từ trên nhìn xuống, tôi đã thấy vài chiếc trực thăng rải rác nằm trên bãi đất phía trái, khoảng giữa sân bay - Phi hành đoàn đứng ngồi đây đó, giơ tay vẫy lia lịa.
    Sau khi xác định hướng gió, con tàu quay ngược trở lại vùng biển gần Hòn Cau, làm "landing check list", nhắm Cỏ Ống hạ dần tốc độ và cao độ, sửa soạn hạ cánh.Không hiểu vì gió đuôi, hay tốc độ cuối hơi cao, dù bánh đã chạm đất, con tàu vẫn còn vùn vụt trên một phi đạo không dài. Tử Cung mất bình tĩnh, đạp thắng thật gấp, bánh xe nghiến ken két trên mặt nhựa một khoảng dài, rồi nổ tung vì ma xát, Tử Cung thở phào nhẹ nhõm, đưa con tàu khập khễnh như con ngựa bị thương vào khoảng đất phía phải, gần cuối sân bay - Tôi là người cuối cùng rời khỏi máy bay.
    Nhìn chiếc AC.119 nằm chênh vênh một cõi trên bãi cỏ hoang, với 2 vỏ bánh xe cao su chỉ còn dính phân nửa vào niền sắt và cánh phải chúi xuống thấp, còn cánh trái nghểnh cao, tôi ngậm ngùi vỗ nhẹ vào thân tàu, từ biệt con chim sắt đã đưa tôi cùng hơn 30 chiến hữu rời xa vùng lửa khói, trong một ngày thê thảm của quê hương.Mặc cho mọi người băng qua mặt nhựa, nhốn nháo đi về phía "phi cảng", mặc cho cảm giác hoang mang, ngỡ ngàng, đang len lỏi vào từng góc hồn, bản tính giang hồ cố hữu trong tôi trỗi dậy, tay mân mê báng súng vẫn còn ngoan ngoãn nằm yên trong bao, cùng con dao găm bên cạnh, tôi lững thững đi về phía bờ biển cách đấy không xa.
    Từ ngày còn bé lắm, đã bao lần tôi được bố tôi ru vào giấc ngủ trưa, bằng câu hát: "Kìa xa xa nơi Côn Đảo ớ ờ" của Đỗ Nhuận, địa danh này đã đi vào hồn tôi từ thuở đó. Sau này lớn lên, tôi vẫn nuôi ý định sẽ phải vượt đại dương, đặt chân bằng được tới hòn đảo nổi tiếng này một ngày nào đó.
    Không ngờ khúc quanh định mệnh của tổ quốc lại đưa đẩy tôi tới nơi này trong buổi sáng ngày 29-4-75 - Tôi đang đứng trên bãi Đầm Trầu, sát đầu phi đạo phía Tây. So với những bãi biển nổi tiếng Hoa Kỳ như Miami, Clear Water, dù đẹp, nhưng đã bị hàng triệu bàn chân dẫm nát, bầy nhầy như thân xác người kỹ nữ ... - bờ cát mịn màng, trắng muốt, chạy dài từ đầu sân bay xuống bãi biển xanh trong vắt của bờ quê hương Côn Sơn, nhìn ngà ngọc, thanh tú tựa "trái mộng còn trinh nguyên..." của người con gái hậu phương, đón người chinh nhân trở về.
    Tôi lặng người đê mê trước cảnh sắc kỳ thú của biển trời, rừng cây và bờ bãi của Đầm Trầu, từng đợt sóng bạc đầu trào sôi, đập lên ghềnh đá, dìu tôi đắm chìm vào thiên nhiên, với những cảm xúc mênh mang hùng vĩ và sâu lắng. Chợt có tiếng động cơ phành phạch của trực thăng vang lên từ đầu sân bay vịnh Đông Bắc đưa tôi về thực tại giông tố ngày mất nước.
    Tôi vội quay trở lại, rảo bước nhắm hướng phi cảng - Tại đây tôi thấy lố nhố người - Đi lại gần, chẳng nghe ai gọi tên tôi và cũng không thấy bộ mặt nào quen - Tôi tự hỏi, bao thằng bạn đi đâu mất tiệt hết rồi. Tôi đếm được khoảng 70, 80 mạng... kẻ đứng, người ngồi trên lan can hàng hiên của dãy nhà một từng, được dùng làm phi cảng. Tuy không đến nỗi mang vẻ ủ dột, tang chế, nhưng nét mặt người nào cũng đăm chiêu, căng thẳng.
    Bất chợt, từ phía cổng xa xa, tôi thấy vài tốp người đi lại, phần lớn là Không quân cùng một số phụ nữ, y phục giản dị nhưng sạch sẽ kiểu Sàigòn - Thì ra một số đã bay ra Côn Sơn từ chiều hôm trước, đang rải rác mua đồ ăn trong làng Cỏ Ống cách đấy không xa .
    Bây giờ là 11 giờ trưa - Đã vài lần tôi nghe đài Sàigòn ra rả đọc thông cáo của Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu, yêu cầu các viên chức Mỹ rời Việt Nam.
    Bụng cồn cào đói, tôi cùng vài người bỏ khu sân bay, đi theo con đường dẫn vào thôn xóm tìm đồ ăn lót bụng.
    Làng Cỏ Ống có chừng hơn trăm nóc nhà. Trên khoảng đất khá rộng ngay trước đình làng, tôi đã thấy nhiều tốp Không quân và gia đình rải rác trú nắng, dưới những tàn cây cao, hay bao quanh nhiều gánh hàng rong của dân làng bán đủ món ăn chơi - Gia dĩ nhiều chỗ còn bán cả bia lạnh, chạy loạn kiểu này cứ như đi Picnic.Tôi cũng xà vào một gánh hàng cháo lòng, có cả món nhậu. Nhâm nhi càng cua luộc và nốc lon 33 lạnh, trong giây lát, tôi nhắm mắt tận hưởng không khí thanh bình của hải đảo cho đời lên men .Độ 3, 4 giờ chiều, tôi trở lại sân bay nghe ngóng tình hình - Tại đây tôi đã thấy 2 chiếc C.130 chễm chệ đậu trên bãi sỏi, cùng chục trực thăng nằm im lìm gần đó - Lực lượng hàng rong tại khu này cũng khá hùng hậu, cung cấp thực phẩm cho đoàn người bôn tẩu. Tổng số Không quân và gia đình rải rác đó đây, có lẽ cũng trên, dưới 200 người.
    Chiều xuống thật mau. Tôi lặng lẽ một mình một súng đi ra bờ biển, thưởng thức hoàng hôn dẫy chết trên biển khơi của ngày cuối cùng, trên phần đất quê hương còn tự do. Tôi trở lại khu phi cảng khi trời đã chạng vạng tối.Giờ đây, các gánh hàng rong đã lên đèn. Thực khách Không quân quây quần từng nhóm ăn uống khá tấp nập, từ bãi sân bay, rải rác trên đường mòn cho tới làng Cỏ Ống.... Cuộc đời thật biệt đãi dân hải đảo - Ở đâu trên đất liền, suốt bao năm chinh chiến có được cảnh tượng một số lớn lính tráng, phủ phê ăn hàng trong đêm tối mà không bị... du kích hỏi thăm sức khoẻ.Tôi lững thững đi vào làng tìm gánh hàng cháo lòng quen thuộc từ buổi trưa - Cũng từng đấy gánh hàng, nhưng trong đêm tối, ánh đèn le lói soi sáng đó đây, cho người ta ảo giác như đang chứng kiến cuộc họp lửa trại của hướng đạo sinh.
    Giờ đây đã hơn 30 năm, qua đi như cơn gió thoảng, tôi không còn nhớ mình đã qua đêm 29-4-75 tại Cỏ Ống như thế nào. Tôi chỉ nhớ đêm đó qua đi thật bình yên.Tờ mờ sáng hôm sau, 30-4-75, mới hơn 6 giờ, mọi người đã tụ họp tại khu đất ngay cạnh sân bay - Trên phi đạo, một chiếc C.130 đã chờ sẵn. Số người chờ khá đông, ai cũng tay xách, nách mang, ai đi, ai ở đây? Tuy không tranh cãi như mổ bò, nhưng cuối cùng, phải có hơn 20 hoa tiêu của một phi đoàn F.5, tình nguyện đứng ra dàn xếp chuyện lên tàu.Tôi phải công nhận dân phản lực chiến đấu hành sử rất gắn bó và kỷ luật - Để giành được nhiều chỗ trên tàu, họ ra lệnh mọi người xếp hàng 5 - Đồ đạc, súng ống phải bỏ lại hết, chỉ lên tàu người không.Biết rằng giờ quyết định đã điểm, từ trong hàng, tôi lẳng lặng đi ra bãi đất trống gần đó để "giã từ vũ khí" - Tôi ngậm ngùi cởi bỏ giây đạn quăng xuống đất. Nhìn khẩu P.38 chúi mũi xuống đám cỏ hoang, tôi xót xa như vừa giã biệt người tình. Khẩu súng này tôi nhận lãnh còn mới toanh, đến nỗi một lớp mỏng bột vàng chống sét còn bao phủ vùng báng súng - Nó đã gắn bó với tôi mọi lúc - Ngay cả những khi tôi "hành quân" một mình vùng Dốc Sỏi, Biên Hòa hay Đất Đỏ, Quang Trung hoặc khu Trung Tâm Tiếp Huyết và Tân Bình, gần cổng Phi Long.Chúng tôi ngồi dồn cục như cá mòi trên sàn tàu. Mọi người đều tay không, trừ tôi vẫn kè kè chiếc cặp da phi hành, nhờ một thằng bạn trong nhóm F.5 tảng lờ cho tôi xách lên tàu - Cho tới bây giờ, tôi vẫn còn giữ cặp da đó như một kỷ niệm di tản thân thương duy nhất. Cám ơn anh bạn F.5, tôi đã không còn nhớ tên.
    Chiếc C.130 gầm thét, lao nhanh trên sân bay Cỏ Ống, rồi bốc lên cao trực chỉ căn cứ Utapao, Thái Lan - Đồng hồ tay chỉ 10 giờ 30 sáng ngày 30-4-75.
    Ngồi lắc lư chịu trận trong thân tàu kín mít khoảng vài tiếng đồng hồ, chúng tôi đáp xuống Utapao trong một ngày thật đẹp, nhuộm nắng thủy tinh vàng. Trên đường đi từ phi cơ đến hangar tạm cư, chúng tôi chứng kiến cảnh lính Mỹ quét sơn xóa bỏ phù hiệu Không lực VNCH trên đuôi của các loại phi cơ của Không quân Việt Nam, đậu thành từng hàng - Một cảm xúc nghẹn ngào, u uất trào dâng trong lòng mọi người. Tới khu nhà được dùng làm Trung tâm di tản cho lính tàu bay rã ngũ, tôi đã thấy phe ta cởi trần trùng trục, ngồi chễm chệ trên lan can của một hangar khá lớn. Trong số này tôi nhận ra ngay Đại tá Tư lệnh phó SĐ.5 KQ Đinh Thạch On - Chỉ một tháng sau, tại Camp Pendleton, San Diego, CA, khi đứng xếp hàng trước lều cơm của Trung tâm di tản, Viẹât Nam, tôi nhìn thấy Chuẩn tướng Phan Phụng Tiên, Tư Lệnh SĐ.5 KQ, cũng đang đợi trong hàng cách tôi vài người.Mới ngày nào, còn rất gần, trong buổi chào cờ đầu tháng của Sư đoàn, ông ngồi trên xe Jeep, được hai xe quân cảnh hộ tống hú còi, rời Bộ tư lệnh đến sân cờ, rồi oai phong tiến tới bắt tay Ban Tham Mưu, trước khi duyệt hàng quân đứng im phăng phắc, trong tư thế nghiêm.Trong bộ đồ bay đen với khăn quàng cổ màu tím nhạt, mũ calô đội lệch trên mái tóc trắng phau, lủng lẳng khẩu Rouleau bên hông, ông mang dáng dấp một thiên thần, vừa bay bướm vừa uy nghi.
    Thế rồi vận nước nổi trôi, cuối cùng ông phải mang thân phận "người di tản buồn", trầm ngâm, co ro trong chiếc áo lạnh bộ binh, đứng đợi cơm trong hàng như bao nhiêu người, trong đó cũng có tôi, tên hoa tiêu hạng bét của Sư đoàn 5.KQ, dưới quyền chỉ huy của ông ngày nào.


    Lời kết:

    Còn một số KQ và gia đình phải qua một đêm nữa tại Cỏ Ống - Hôm sau, họ được một tàu Hải quân cập bến, đưa hết số còn lại đến Hoa Kỳ.
    Họ kể, khi tàu đã ra xa khoảng một cây số, họ chứng kiến tù nhân cộng sản được xổ lồng, túa ra đen kịt bãi biển, trước mặt thị trấn Côn Sơn, cạnh cầu tàu - Tổng số tù có tới hơn 7,000 tên.Lê Duẩn, Phạm Hùng, Tôn đức Thắng, Phạm văn Đồng, Lê đức Thọ và Nguyễn văn Linh, là những tên cốt cán, đã từng bị giam tại hải đảo này.
    Last edited by chieutim; 10-23-2013, 09:30 PM.

  • #2
    Bài viết hay


    THH chân thành cám ơn tác giả Đinh Đồng Kỳ về bài viết "Trên Sân Bay Cỏ Ống" trung thực. Hay. (do Dnchau post lên HQPD)
    Khiến tôi nhớ lại một thuở nào (dường như xa xôi lắm)... đã có lần gót giày mình dẫm lên những con đường xưa nơi Côn Sơn quạnh vắng.
    THH
    Last edited by Tinh Hoai Huong; 10-21-2013, 11:03 AM.
    Bút trần nào tả được lưu luyến!
    Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
    Tình Hoài Hương

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X