Thông báo

Collapse
No announcement yet.

C. O. C. C.

Collapse
X

C. O. C. C.

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • C. O. C. C.

    C. O. C. C.

    Hồ Viết Yên


    Mấy ngày hôm nay Nam California bị cháy. Cháy dữ dội, lửa khói rực Trời. Hơn 2.000 lính cứu hoả, trực thăng, máy bay đã được điều động, nhưng không thể kiềm chế được ngọn lửa. Tất cả các đài truyền hình đều chiếu hình ảnh cháy và nói về cháy từ ngày này qua ngày khác liên tục suốt ngày đêm. Cháy hừng hực, cháy phừng phừng, cháy luôn cả nhà dân và đe dọa mạng sống con người. Nhìn cảnh những gia đình thu xếp đồ đạc, lo chạy di tản, tránh thần hỏa thật quá tội nghiệp.

    California có hai biến họa luôn luôn rình mò, chờ chực để tàn phá và làm khổ con người, đó là động đất và cháy rừng. Biết bao trận động đất lớn nhỏ đã xảy ra, biết bao cảnh cháy rừng thường xuyên tiêu hủy nhân mạng và tài sản con người hàng năm. Thêm vào đó, California cũng là một tiểu bang với nạn thất nghiệp cao, sưu cao thuế nặng, vật gíá leo thang, nhà cửa mắc mỏ… Thế nhưng dân chúng vẫn không sao xa lánh hoặc rời bỏ mảnh đất này được. Nhiều người cho rằng thời tiết ấm áp quanh năm là lý do chính để mọi người đổ dồn về đây, bất chấp động đất, cháy rừng hay vật giá leo thang.… Thật không hiểu nổi.

    Nghĩ về lửa, về di tản, về thần hỏa, nó gợi cho tôi nhớ về quê hương vào những năm tháng cuối cùng. Cuối cùng của một đời quân nhân và cuối cùng của một đời binh nghiệp. Đối với tôi và các bạn đồng ngũ, chúng tôi đã được gì và mất gì??. Chúng tôi không hối tiếc, không quản ngại hy sinh. Vì khi dấn thân là chúng tôi chấp nhận dâng hiến cuộc đời cho một lý tưởng… Chúng tôi hãnh diện với con đường mình đã chọn… Con đường dù tràn ngập chông gai và gập ghềnh với những viên đạn vô tình sẵn sàng xả nát tim gan nhưng đó là con đường đúng và oanh liệt…

    Nghĩ về lửa, nó cũng đưa tôi về với quãng đời binh biến của 37 năm trước, của mùa hè đỏ lửa. Mùa của kinh hoàng tột độ, mùa của tang thương và nước mắt, mùa của hận thù, tận diệt giữa những con người mang cùng dòng máu. Hãy đọc Phan Nhật Nam qua đoản bút sau đây để thấy rằng lửa chiến tranh, lửa hận thù do con người tạo nên cũng tàn bạo và man rợ khôn cùng. Đoản bút này đã được diễn đọc trong một băng nhạc phát hành bởi trung tâm Asia với chủ đề về lính

    “Đã từ lâu… Lâu lắm, người dân của ba miền đã qua những mùa hè trong cạn đáy khắc khoải để hy vọng tiếp tục đời sống với mơ ước chỉ đầy chén cơm. Nhưng mùa Hè năm nay, 1972 tất cả hy vọng và mơ ước nhỏ nhoi tội nghiệp kia tan vỡ trong tận cùng kinh ngạc. Bao năm qua, chiến tranh đã quá nặng độ, chiến tranh quá dài, dài thê thảm, dài đau đớn tràn ngập. Người dân Việt mong mỏi đi qua thêm một mùa, một năm, chiến tranh lắng dịu và được sống sót. Nhưng, 30 tháng 3 ở Đông Hà, 24 tháng 4 ở Tân Cảnh, 7 tháng 4 ở An Lộc, 1 tháng 5 cho Huế và Quảng Trị… Hoài Ân, Tam Quan, Bồng Sơn, Bình Giả, Đất Đỏ… Toàn thể những địa danh nơi hốc núi, đầu rừng, cuối khe suối, tận con đường, tất cả đều bốc cháy, cháy hừng hực, cháy cực độ…Mùa Hè 1972, trên thôn xóm và thị trấn của ba miền đồng bốc cháy một thứ lửa nhân tạo, nóng hơn, mạnh hơn, tàn khốc gấp ngàn lần, vạn lần khối lửa mặt trời sát mặt. Lửa ngùn ngụt. Lửa bừng bừng. Lửa kêu tiếng lớn đại pháo. Lửa lép bép nức nở thịt da người nung chín. Lửa kéo dài qua đêm. Lửa bốc khói mờ trời khi ngày sáng. Lửa gào chêm tiếng khóc của người. Lửa hốt hoảng khi cái chết chạm mặt. Lửa dậy mùi thây ma. Lửa tử khí trùng trùng giăng kín quê hương thê thảm khốn cùng.

    Kinh khiếp hơn Ất Dậu, tàn khốc hơn Mậu Thân, cao hơn bão tố, phá nát hơn hồng thủy. Mùa Hè năm 1972- Mùa Hè máu. Mùa Hè của sự chết và tan vỡ toàn diện. Mùa Hè cuối đáy điêu linh. Dân tộc ta sao nỡ quá đọa đày!”`.

    Và những bản nhạc, những câu thơ về một thời binh biến đã được lần lược trình bày. Những hình ảnh cuộc chiến năm xưa lại từ từ hiện về trong tâm trí. Nó gợi cho tôi một kỷ niệm nho nhỏ, khó quên, và muốn được ghi lại cùng chia sẻ với các bạn trong đời bay bổng.

    Hôm đó, sau một ngày bay từ sáng sớm tới chiều, đổ quân, tiếp tế, chở dân, chở lính vào ra Chơn Thành, An Lộc, Phước Long. Thành phố An Lộc đang bị Việt Cộng bao vây và chúng quyết chiếm cho bằng được thành phố huyết mạch này.. Một thành phố phải chịu hàng ngàn quả đại pháo mỗi ngày, thêm vào đó là súng cối, súng cá nhân liên tiếp nhả đạn vào lòng thành phố. Nhưng các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà đã anh dũng chống trả mãnh liệt để bảo vệ từng tất đất và sinh mạng cho người dân.. Hình ảnh khói bay ngập trời và âm vang bom đạn cứ mãi xoay vần trong tâm trí tôi… Liệu mình có còn thấy được một ngày bình an trên quê hương chăng..

    Tôi bước vào phòng hành quân ghi sổ bay, thì Th/tá Nguyễn văn Hoa trưởng phòng hành quân đến. Ông bảo tôi gặp văn thư phi đoàn và nhận sự vụ lệnh về trình diện Bộ Tư Lệnh KQ (BTLKQ). Tôi ngỡ ngàng không biết mình bị chuyện gì đây! Lòng tôi hơi xôn xao và một chút lo âu đến với tôi, nhưng vì mệt và ngại nên tôi không muốn hỏi thẳng Th/tá Hoa. Sau khi làm xong thủ tục, ghi chép xong báo cáo cho những công việc của phi hành đoàn thực hiện trong ngày. Tôi đến gặp anh văn thư phi đoàn (lúc đó hình như là Hạ sĩ quan Lê). Tôi nhận sự vụ lệnh đã được ký sẵn từ tay Lê để về trình diện BTLKQ.


    Mấy tháng nay tình hình căng thẳng, Việt Cộng mở những trận đánh lớn từ Chơn Thành đến An Lộc qua Phước Long, rồi Ban Mê Thuộc, Komtum, Quảng Trị, những trận chiến thật tàn khốc. Hàng ngàn quả đạn bắn vào thành phố, số người chết đếm không biết là bao nhiêu. Chúng tôi thì bay mệt nghỉ, bay không ngày nghỉ ngơi, bay phờ cả người, ngày nào về cũng phải kiểm lại tàu coi bị bao nhiêu lỗ đạn để kịp sửa chữa cho phi vụ ngày mai. Ngoài những phi vụ tiếp tế, đổ quân còn chở hàng ngàn người dân từ An Lộc, Chơn Thành về Lai Khê để tránh bị Việt Cộng pháo kích giết hại. Vùng trách nhiệm của Phi đoàn 237 là vùng 3 chiến thuật, nhưng vì những phi đoàn khác chưa thành lập kịp nên PĐ237 phải gánh thêm trọng trách cho vùng 2 và vùng 4. Về sau lại thêm vùng 1. Chúng tôi phải thay phiên nhau đi biệt phái: biệt đội Pleiku, biệt đội Cần Thơ và biệt đội Đà Nẵng để hổ trợ, tiếp tế, chuyển quân cho các đơn vị bạn.

    Mình đã làm gì?!!! bị ai báo cáo?!!! Mà đến nỗi phải về trình diện BTLKQ. Tôi cố gắng kiểm điểm lại những phi vụ mình bay nhưng không tìm được lý do. Tôi định hỏi Th/tá Hoa, hy vọng anh cho biết, để chuẩn bị tinh thần hầu trả lời khi bị hỏi. Thời gian này khi đi bay hành quân có chở người hay đồ tiếp tế cho quân bạn cũng đều bị An Ninh KQ theo dõi, dù đồ tiếp tế đó hay những người được đưa lên tàu đều do quân bạn sắp xếp và yêu cầu.

    Tôi nhớ lại chuyện 1 người bạn tôi bị vợ chê là “Pilot gì ! không bằng thằng lơ xe đò” vì khi người bạn tôi đưa chị ra gởi 1 người bạn của 1 phi đoàn khác cho chị theo tàu về Cần Thơ thăm gia đình thì bị người bạn đó từ chối, vì sợ bị cho vào hồ sơ chở người bất hợp pháp. Lúc nghe chuyện đó tôi hơi có phần bất mãn với người bạn đã từ chối không cho vợ của bạn mình đi. Nhưng sau đó, 1 thời gian không lâu thì chính bản thân tôi cũng bị mời lên phòng an ninh KQ Biên Hoà và được chính vị Th/tá trưởng phòng an ninh đích thân hạch hỏi nhiều điều. Sau khi nghe tôi trả lời qua loa cho có, thì vị Th/tá trưởng phòng có vẻ không bằng lòng và đưa ra trước mặt tôi 1 tập hồ sơ khá dày và cho biết đã liệt kê rõ rệt, chi tiết những sinh hoạt của tôi: nào bay ở đâu, chở những gì, lúc nào ăn ở đâu, vào ngày nào, trong bàn có bao nhiêu người, uống bia hay rượu, tốn bao nhiêu tiền cho bữa ăn. Không chỉ ăn ngoài phố mà ngay khi ăn trong câu lạc bộ sĩ quan cũng được ghi chú rõ ràng vào hồ sơ đen. Tôi cũng được cho biết sự theo dõi này đã liên tục trong nhiều tháng, và thêm nữa tất cả nhân viên trong phi đội của tôi đều đã bị trình diện và lấy khẩu cung. Ngay cả phi đội phó của tôi là Tr/uý Nguyễn Vĩnh Châu cũng bị gọi lên để hỏi về tôi. Khi tôi nghe đến Đại Bàng Châu cũng đã bị hỏi, thì tôi thấy không có gì để nói thêm vì ĐB Châu và tôi đi đâu gần như cũng có nhau, vì chúng tôi cùng phi đội và thân thiết với nhau. Nhưng lúc đó tôi mới giựt mình, không biết mình theo Việt Cộng từ bao giờ mà bị theo dõi kỹ như vậy!! Tôi lúc đó là 1 Phi Đội Trưởng trẻ, 23 tuổi, cấp bậc Đại Úy nên tôi cảm thấy bị sỉ nhục hay bị xúc phạm đến danh dự và lý tưởng của tôi, hơn là sợ sệt bởi những lời hăm doạ và từ đó mỗi lần tôi nghe anh em trong phi đoàn hay những phi đoàn bạn bị mời lên phòng an ninh KQ thì tôi chỉ mỉm cười và nghĩ tới 1 đám ăn không ngồi rồi, làm chuyện ruồi bu và thông cảm hơn cho những người bạn “Pilot không bằng thằng lơ xe đò” của tôi.

    Đến khi Biên Hoà di tản, “cháy nhà thì lòi mặt chuột”. Mấy tên Việt Cộng nằm vùng trong căn cứ KQ Biên Hoà lộ bộ mặt thật, trong đó có 1 tên Đại Uý coi cổng số 1 và 2 của phi trường Biên Hoà cũng chường mặt nằm vùng ra. Thì ra an ninh KQ Biên Hoà chỉ giỏi quấy rầy cái đám “Pilot không bằng thằng lơ xe đò” này, mà ngày ngày phải đối đầu với những phi vụ vào sinh ra tử, nên không còn thì giờ hoặc không đủ khả năng để theo dõi những tên Việt Cộng nằm vùng, nằm ngay trong phi trường. Địch ở trong ta mà ta đếch biết…..

    Qua tới xứ tạm dung này, từ những ngày tháng vừa mới đến, tìm được nhau. ĐB Châu hay kéo vài anh em lái xe từ Houston qua San Antonio để cùng tôi ăn uống, tán dóc cho hết 2 ngày cuối tuần rồi lại lái xe về. Tới cuối năm 1977 tôi qua California thì gặp lại Tr/uý Đoàn văn Lập đến từ xứ lạnh và gặp thêm nhiều bạn bè. Nhưng tôi và Thiên Bằng Lập lại tiếp tục cuộc vui như xưa, thường hẹn nhau ăn nhậu từ tối cho tới khi mặt trời mọc mới từ giã nhau. Thỉnh thoảng cũng có vài người bạn lính đồng minh ngày xưa trong binh chủng Thuỷ Quân Lục Chiến Mỹ cũng đến tham gia cuộc vui, cũng ăn rau răm, cũng xơi hột vịt lộn và cũng uống cho tới khi mặt Trời mọc mới về. Ăn uống và vui chơi với nhau từ lúc còn độc thân, chưa vợ, chưa con, cho đến nay con cái đã trưởng thành, đã hơn 30 mấy năm rồi mà chưa thấy một ông CIA hay một bà FBI nào mời lên hỏi tiền đâu mà ăn nhậu dữ vậy!!! Chắc họ đang dồn tâm trí lo theo dõi, tìm kiếm đám khủng bố, ăn cơm Mỹ mà mưu mô tìm cách giết hại dân Mỹ, hơn là theo dõi đám ăn nhậu vui chơi nhưng làm tròn bổn phận công dân, đóng thuế ê càng như chúng tôi.

    Tôi đứng đó suy nghĩ một hồi lâu và thấy có hỏi anh Hoa cũng chẳng ích lợi gì, thì thôi cứ mặc kệ, chuyện gì tới thì tới. Sống chết còn có số phần, huống chi bị phạt. Có bị lột lon thì mất lon, hay bị lột cánh bay thì nhiều khi lại là điều tốt, vì tự nhiên mình được mang chữ “THỌ” sau lưng. Tôi lên xe về phòng lấy ít đồ cần thiết rồi lên đường về SaiGòn. Tối đó tôi rủ vài người bạn ra bến Bạch Đằng ngồi uống bia lai rai, ăn ít hột vịt lộn nóng hổi mà tôi ưa thích, và nói chuyện đời cho tới gần giới nghiêm mới về nhà.

    Sáng hôm sau, tôi dậy sớm, mặc quần áo chỉnh tề và vào trình diện BTLKQ trong căn cứ Tân Sơn Nhất. Một ngạc nhiên đến thích thú khi tôi được biết BTLKQ cho tôi đi nghỉ dưỡng sức ở Đài Loan. Trái với những gì tôi lo nghĩ suốt tối hôm qua. Tôi sẽ được tháp tùng theo 1 phi hành đoàn qua Đài Loan để nhận chiếc C-47 vừa được overhaul xong. Tôi được giới thiệu với Tr/Tá Tuấn (nếu tôi nhớ tên không sai) là người trưởng đoàn dắt chúng tôi đi Đài Loan và cũng là Trưởng Phi Cơ, Đ/uý Kim (hay khiêm) là Co-pilot, 1 Th/Tá là Navigator, 1 Tr/sĩ là Cơ Phi và 1Tr/sĩ là Áp Tải. Tin vui này đã làm cho tôi quên đi chuyện lo lắng hôm qua. Tôi thật sự không còn nhớ tới nữa.

    Chúng tôi được chỉ thị là sẽ có 1 phi cơ quân sự đưa chúng tôi qua Đài Loan và công việc mà chúng tôi cần phải xúc tiến gấp cho xong là thủ tục xuất ngoại và đổi tiền. Chuyến bay sẽ được thông báo sau. Tr/Tá Tuấn ra chỉ thị cho chúng tôi mỗi ngày đều vào đây gặp nhau rồi cùng đi làm giấy tờ và cũng để biết chuyến đi có gì thay đổi vào giờ phút cuối.

    Tình hình chiến sự mỗi ngày càng gia tăng dữ dội trên khắp các miền đất nước và lệnh của T. T. Thiệu cấm xuất ngoại cho mọi thành phần kể cả quân đội, ngoại trừ những người già cần xuất ngoại để chữa bệnh. Thế là “nội bất xuất và ngoại bất nhập”. Chúng tôi không đi được nhưng phải vào trình diện mỗi ngày cho đến khi có lệnh mới. Mỗi ngày lên trình diện rồi về. Đến hơn 7 ngày rồi mà vẫn chưa đi. Tôi bất đầu hơi buồn chán. Tôi muốn lên Biên Hoà chơi với bạn bè 1 bữa nên sau khi được cho phép về, tôi liền phóng lên Biên Hoà. Khi bước vào phòng hành quân thì gặp ngay Th/tá Hoa.

    Anh hỏi tôi: đi về rồi hả?

    Tôi trả lời anh: chưa đi được vì lệnh của T.T. cấm xuất ngoại.

    Anh hỏi tôi: như vậy Yên lên đây làm gì?.

    Tôi hỏi: Th/Tá cho tôi bay lại được không? khi nào có lệnh đi, thì tôi sẽ về lại BTLKQ.

    Anh Hoa quắc mắt nhìn tôi rồi nói: tụi nó bay thở không ra hơi, bị bắn tơi bời mỗi ngày mà chú đòi xin đi bay!! Và anh tiếp thêm: chú đi về ngay!! anh cho Quân Cảnh nhốt chú ngay bây giờ.

    Tôi gật gật đầu và nói dạ dạ rồi đi qua câu lạc bộ phi đoàn chào thăm bạn bè, rồi ra xe trở về lại Sài Gòn. Trên đường về tôi nghĩ đến anh Hoa. Tôi biết anh thương tôi và không muốn tôi bị nguy hiểm nên đuổi tôi về, vì anh rõ hơn ai hết về tình hình chiến trường trong lúc này.

    Thêm cả tuần lễ nữa, cứ lên trình diện rồi lại về và cuối cùng thì lệnh của Tr/Tướng tư lệnh KQ Trần văn Minh cho chúng tôi đi bằng Air Việt Nam và để tránh cho sự dòm ngó của mấy nhà báo (hại), chúng tôi phải mặc đồ thường phục khi lên máy bay và đem theo bộ đồ bay trong vali để mặc cho chuyến về. Tr/Tá Tuấn lại muốn tất cả phải mặc đồ vest để giữ thể diện cho quốc gia làm tôi phải chạy gấp qua tiệm may của ông Chú tôi bên Thị Nghè nhờ may gấp cho bộ đồ vest.

    Hai ngày sau thì chúng tôi lên phi trường dân sự Tân Sơn Nhất để đi Hồng Kông. Khi đi qua hàng rào quan thuế và an ninh, tôi đã bị nhiều cặp mắt nhìn tôi rất lạ và bị xét giấy tờ kỹ hơn những người khác. Đến khi lên chiếc Boeing 727 của Air Việt Nam thì ngoài 6 người chúng tôi ra, tất cả đều là người ngoại quốc và cả chiếc Boeing lớn như vậy mà chỉ có trên 20 hành khách, tha hồ cho mọi người chọn chỗ ngồi. Chúng tôi ngồi phía trước gần phòng lái và tôi ngồi phía sau Tr/Tá Tuấn khoảng 3 hàng ghế. Sau khi máy bay cất cánh khá lâu , tôi thấy mấy cô chiêu đãi viên hàng không (CDVHK) cứ đi qua, đi lại nhìn chúng tôi, rồi đi vào phòng lái, nhiều lần như vậy. Tôi nghe nói Tr/tá Tuấn hình như cũng có quen biết với vị trưởng phi cơ, (sau này tôi có nghe qua tên hình như là Đại tá Phương hay Phong của KQ nếu tôi nhớ không lầm), nên tôi nghĩ không có gì lạ. Nhưng rồi 1 cô CDVHK đi đến trước tôi và hỏi: tôi là con của ai? và thân phụ tôi tên gì? Sau khi tôi nói cho cô biết thì cô đi vào phòng lái. 1 lúc sau cô lại đến hỏi tôi là muốn biết tên thật của tôi và ba má tôi, và tôi cũng thành thật trả lời như đã cho cô biết và cô lại đi vào phòng lái. Khá lâu, thì cô đi ra và phía sau cô là viên phi công. Viên phi công sau khi bắt tay và chào thăm Tr/tá Tuấn thì ông bước đến và hỏi tôi như câu hỏi của cô CDVHK đã hỏi tôi lần thứ hai, và tôi cũng trả lời như trước, thì ông nhìn tôi thật kỹ, rồi đi vào phòng lái. Tới bây giờ thì tôi hiểu, trong hoàn cảnh cấm xuất cảnh, mà có 1 tên còn nhỏ, mà lại theo 1 phi hành đoàn đi xuất ngoại như vầy thì chắc là Con Ông Cháu Cha được gởi đi ra ngoại quốc, hầu tránh bị động viên. Tôi ngồi đó cảm thấy thích thú và mỉm cười.

    Đến Hồng Kông chúng tôi chuyển sang 1 chuyến bay khác để đi Đài Loan. Tôi ở Đài Bắc chơi trong những ngày phi hành đoàn đi Đài Nam để bay test chiếc C-47. Tôi có thì giờ để đi chơi đây đó. Tôi thích nhất là thăm được viện bảo tàng nằm ở ngoại ô Đài Bắc, trên 1 sườn đồi với những đồ vật cổ kính và quí giá của các vị vua được mang sang từ Trung Hoa lục địa, khi Trung Hoa lục địa bị rơi vào tay Cộng Sản.

    Những ngày vui cũng qua, chiếc C-47 được mang về Đài Bắc và thủ tục giấy tờ để đem về VN đã xong. Khi cất cánh rời Đài Bắc rồi, thì Tr/Tá Tuấn hỏi tôi có muốn bay C-47 không? Thì tôi trả lời muốn. Sau khi ông chỉ cho tôi những điều cần thiết thì ông cho tôi lên ngồi trên ghế của ông và tôi đã bay cho tới khi vị Navigator gọi Hồng Kông xin đáp thì tôi mới rời và trả ghế lại cho Tr/tá Tuấn. Nhờ ngồi ghế của Tr/tá Tuấn và được giữ cần lái nên tôi thấy thì giờ qua mau và nhìn thấy được biển Trời bao la.

    Tôi không biết thời gian ở Hồng Kông có trong chương trình là bao lâu hay có gì trục trặc mà chúng tôi ở tại Hồng Kông hơn 1 tuần. Trong suốt thời gian ở đây tôi được 2 thanh niên người Hoa biết nói tiếng Việt, gốc ở Chợ Lớn đến khách sạn, hướng dẫn đi mua đồ, đi chơi, và thăm viếng nhiều thắng cảnh. Trong 1 bữa đi chơi tôi có hỏi anh hướng dẫn viên là trong trường hợp nào đã đưa đẩy các anh đến xứ Hồng Kông này!! thì anh cho tôi biết có nhiều thanh niên như anh đang sống tại đây, sanh đẻ, và lớn lên ở Chợ Lớn. Đến khi tới tuổi đi lính thì cha mẹ sợ các anh bị chết, nên đã trả tiền cho tàu buôn để các anh được trốn dưới gầm tàu sang đây lánh nạn. Đến đây sống nhờ nhà bà con hay bạn bè của cha mẹ. Vì không có giấy tờ hợp pháp để có thể đi làm được, nên các anh sống nhờ tiền cha mẹ gởi qua, và làm nghề đưa mối buôn bán, kiếm thêm chút tiền hoa hồng. Sau những ngày vui chơi, giờ đã đến lúc trở về VN, về với bổn phận, về với nhiệm vụ.

    Tôi trở về trình diện phi đoàn và tiếp tục cùng với anh em thực hiện những phi vụ được giao phó hằng ngày. Sau này khi có dịp ngồi nói chuyện với anh Hoa và tôi đã hỏi anh: lý do nào tôi được BTLKQ cho đi nghỉ dưỡng sức ở Đài Loan? thì anh cho biết, những tháng trước đó số giờ bay mà phi đoàn báo cáo lên BTLKQ hằng ngày rất cao, nên để tưởng thưởng cho phi đoàn thì BTLKQ mới cho chuyến đi đó. Tôi lại hỏi anh: lý do nào tôi được chọn? Anh nói: bộ chỉ huy phi đoàn họp lại và thấy anh em ai cũng xứng đáng được sự tưởng thưởng này, nhưng chỉ có 1 người được đi thì không biết phải cho ai? Nên cuối cùng, bộ chỉ huy phi đoàn quyết định cộng hết giờ bay của tháng trước, của từng nhân viên phi hành, và nếu ai có số giờ bay cao nhất thì sẽ được đi. Anh nói tiếp: hầu hết anh em đã bay trên 200 giờ trong tháng đó. Nhưng riêng số giờ của tôi và Tr/uý Mã qưới Trung (biệt danh Mr. Trung Horse) là cao nhất, tôi hơn ĐB Trung 2 giờ. Tôi biết trong tháng đó ĐB Trung đã phải nghỉ 1 ngày không bay được, vì bị áo giáp trước ngực quá nặng, đè lên bọng đái nên đi tiểu bị ra máu, phải đi bác sĩ, chứ nếu không bị bệnh thì chắc tôi không được làm C.O.C.C. (như mọi người đã nghĩ).

    Cảm ơn các Niên Trưởng là những cấp chỉ huy trực tiếp của chúng tôi. Các anh đã chia sẻ gánh nặng, mệt nhọc, nguy hiểm với chúng tôi trong những phi vụ đi thì có, về thì không biết, cũng như đã đối xử công bình và tốt với chúng tôi như anh em, trong lúc chúng tôi phục vụ dưới quyền các anh. Ngày hôm nay dầu ở nơi nào, hoàn cảnh ra sao, chúng tôi vẫn luôn kính trọng và quí mến các anh …

    Hồ Viết Yên
    10/2009
    Last edited by chimtroi; 10-17-2013, 01:02 AM.

  • #2
    Thưa các. Chiến. Hữu. , hôm nay tôi nhìn thấy. Chữ. C O C. C (. Trước. 75 Gọi La. Con. Ông. Cháu. Cha ) đấy. ! Ám chỉ mấy Thằng Có. Quan. Hệ bà con , hoặc ruột thịt. Của. Các. Quan. ... Không dấu gì các. Chiến. Hữu. : Tôi cũng ở. Nhóm. Đó ! Nhày. Xưa nghe nó. Nhục ,,, lắm. , Nhưng. Vì thơi cuộc. ,,, Đành. Chịu đấm ăn xôi ! Cho qua !
    Có những Buổi sáng : tôi đi bộ qua. Bộ. T. L. K. Q thấy Thằng. Đ. Q. CƯờng đánh. Tenis với Tướng. MINH. Tôi cũng nghĩ ". Mây chắc. Cũng. C. O. C. C " như. Tao La cùng ! Nhưng rồi một thời gian Tôi hiểu ra. Rằng. ; Các. Đan. Anh mình rất Thoải. Mái , Ngoai giờ làm việc thì. ". Bình. Đẳng ". Và. Vui vẻ. Trong. Tình. Huynh. Đệ
    Chiề.n Hữu nào. Có đi. Club Mây. Bôn. Phuong. Ở. Huỳnh. Hữu Bạc thì biết ... Vô tư ... Thoải mái ... Nhảy nhót Nhưng. Quân. Kỷ Là : Trên. Hết ! Không riêng gì. S. Đ. 5 Hay. Bộ. T. L

    Khi tôi ra. N. T. 73 Tôi. Vào. C. L. B. Sĩ. Quan. S. D. 2 Ngày đó tôi
    Thật. Ngu. Ngơ Vì. Tôi vào. Như chốn Không người ! Khi vào. Thì. Có. Ông. Lương. Trong. Đó (. Đ T. Lượng. Ngày đó. Là. SĐ Truong S. Đ. 2. KQ Ở. N. T Anh tôi ra. N. T. Thăm. Tôi Nói ". Tao qua Thằng Lượng Gởi nó cho. Em , ". Ở đây ngày nào Đỡ ngày đó. ". Chiến. Tranh.MÀ !!! Ai sống thêm được ngày nào.thì Hay ngày đó. Nếu. Là. C. O. C. C. Thì cũng. May. Biết. Mấy ! (. C. O. C. C Là vậy )

    Comment


    • #3
      C O C. C. Là. Viết. Tắc. Chữ. Con. Ông. Cháu. Cha. Đó ! TTRUO. 75. Ai có trong đanh sách nầy. Thì Thuộc hàng. Ưu. Đãi. Dựa. hơi
      Sống Yên. Thân đấy ! Tôi ! Cũng vậy ! Nhưng đâu dám nói ra. ! Vì. Bây. Giò Có. Nói. Cũng Chẵng. Lơi. Ích. Gì. ! Không. Biết. COC C. Của. Hô. Viêt. Yên Có Đồng. Nghĩa với. C. O. C. C của tôi. Không ? Nếu không. Thì. Mong. Anh. Thứ. Lôi. Và. Giải. Thích cho. ,

      Comment


      • #4
        Kính anh Lethucthang,
        Nếu anh không nói ra tui cũng nghi nghi anh chắc là COCC, bởi nếu là thường dân muốn vào KQ/VNCH mà điền đơn xin gia nhập theo cách viết của anh bây giờ thì bị loại ngay từ đầu là cái chắc, ai đọc cho nổi ??? Ít hàng mong anh thông cảm và nếu còn tình với KQ thì xin chú ý cách viết đúng chính tả và câu văn suông sẻ một chút để em cháu nó đừng cười mình, xấu hổ cả đám. Lời thật mích lòng mong anh thứ lỗi. Ninhgia.

        Comment


        • #5
          Như tôi được biết thì chữ đúng là " con ông cố đạo , cháu ông cha ", xuất hiện từ thời Pháp thuộc . Nhưng dần dà , trong dân gian đọc trại thành "con ông cháu cha " .

          thân mến

          Comment



          Hội Quán Phi Dũng ©
          Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




          website hit counter

          Working...
          X