Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Một Đời Mũ Xanh

Collapse
X

Một Đời Mũ Xanh

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Một Đời Mũ Xanh

    Một Đời Mũ Xanh
    (Tái Chiếm Cổ Thành Quảng-Trị Ngày 16-9-72)
    Bút ký của Ngô Văn Ðịnh


    Lời tòa soạn:

    Kính thưa quý niên, huynh trưởng, quý độc giả,

    Ngày 22-09-2012 vừa qua, Hội Ái Hữu Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức Ontario đã tổ chức một đêm hội ngộ cùng quý đồng hương, quý đồng môn và quý chiến hữu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa với chủ đề "Đêm Alfa". Đêm Alfa được tổ chức với hai mục đích: thứ nhất là ghi lại với hoạt cảnh một vài hình ảnh do các hội viên thực hiện để nhắc nhớ thời gian thụ huấn, với những tuần lễ huấn nhục mà các tân khóa sinh phải vượt qua trước khi được gắn huy hiệu Alfa; thứ hai là để tưởng nhớ những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh cho tự do của đồng bào, đặc biệt là các chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến trong trận tái chiếm cổ thành Quảng Trị ngày 16-09-1972 mà năm 2012 là kỷ niệm tròn 40 năm.

    Chúng tôi xin được phép trích lại và giới thiệu đến quý niên, huynh trưởng, quý độc giả phần bút ký của Đại Tá Ngô Văn Định, người trực tiếp tham dự cuộc hành quân nầy. Lửa Thiêng 2013.

    Lời giới thiệu của Giao Chỉ - Vũ Văn Lộc: Chúng tôi có cơ hội gặp lại hai người bạn cùng khóa. Nhân dịp anh Ngô Lê Tĩnh từ Nam Cali lên San Jose chơi, bạn Ngô Sĩ Hùng đã chở Tĩnh đến thăm các di sản của Việt Nam Cộng Hòa mà chúng tôi sưu tầm được tại IRCC, Inc. Ðồng thời anh Ngô Văn Ðịnh cũng lái xe lên gặp bạn. Bốn anh em cùng khóa Cương Quyết Võ Bị 1954 có dịp gặp nhau; thật là hạn hữu khi chúng tôi gặp lại các anh bạn có cùng họ Ngô, cùng khóa nhưng không phải là họ hàng:

    Anh Tĩnh và anh Ðịnh đều có 21 năm tác chiến, bên là Dù bên là TQLC. Trong quân đội có một thành ngữ đặc biệt: "Xanh cỏ đỏ ngực". Nếu đi tác chiến mà suốt quanh năm chỉ có một nghề... ủi như xe ủi đất thì ngoài việc được vinh thăng cấp bậc tại mặt trận, chỉ còn lại con đường là chết hay là lấy huy chương. Chết thì mồ chôn xanh cỏ, mà sống thì huy chương đeo đỏ ngực. Trung tá Ngô Lê Tĩnh qua 21 năm mũ đỏ cũng là cây ủi của Nhảy Dù. Từ Tiểu đoàn 11 qua Tiểu đoàn 2. Người đã vào Hạ Lào và người đã đến cả Bình Long. Trận Bình Giả tháng 12,1964 đã đem cho Ngô Lê Tĩnh lon Ðại úy. Từ đó “Tĩnh con” lên lon hơi chậm hơn anh em nhưng đỏ ngực, được coi là người có nhiều huy chương nhất của Sư đoàn Nhảy Dù. Nói đến huy chương thì phải kể đến ngành dương liễu chứ sao vàng, sao bạc là những thứ không có xếp hạng trong cái thế vận hội chiến tranh. Với 16 ngành dương liễu, Trung tá Ngô Lê Tĩnh đã có lúc giơ tay với gần được cái đệ tam đẳng Bảo Quốc Huân Chương nếu Tướng Ngô Quang Trưởng chịu chơi thêm một tí nữa.

    Lúc còn đeo lon Ðại úy ở Tiểu đoàn 5 thì Tướng Trưởng đâu có lạ lùng gì với Ðại úy Ngô Lê Tĩnh. Riêng Ngô Văn Ðịnh với 21 năm mũ xanh, Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương, 22 Anh Dũng Bội Tinh với Ngành Dương liễu, cộng thêm 4 ngôi sao đỏ của 4 lần bị thương.

    Trong đời chiến binh, vinh dự lớn lao là được đóng vai trực tiếp tại chiến trường để hướng dẫn Tổng Thống, Tổng Tư Lệnh Quân Ðội thăm mặt trận. Ðó là trường hợp của Ngô Văn Ðịnh.

    Sau khi chỉ huy nỗ lực chính với 5,000 quân đánh thủng phòng tuyến Quảng Trị đêm 15 tháng 9, 1972, Ðại tá Ngô Văn Ðịnh có dịp đứng trên bờ thành của thị xã. Bên cạnh là Trung tá Ðỗ Hữu Tùng Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6 TQLC, đơn vị xung kích của mặt trận. Hai người nhìn tổng quát một vòng cái thị xã đổ nát mà mỗi thước vuông đều đo bằng bom đạn và tử sĩ.

    Lúc 12:45 ngày 16-9-1972, Lễ Thượng Kỳ chính thức cử hành ghi dấu QL/VNCH chiến thắng Quảng Trị sau 3 tháng đẫm máu với sự tổn thất của quân hai bên lên đến trên 10 ngàn người. Ngày 20 tháng 9, 1972, mặc dù phòng tuyến vẫn còn bị pháo kích lẻ tẻ, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu hạ cánh trực thăng xuống Hội Yên thuộc khu vực Hải Lăng. Ðại tá Ngô Văn Ðịnh lái xe Jeep của Tổng Thống Thiệu ngồi ghế trưởng xa để lái xe trên đường bộ vào Quảng Trị. Ngồi phía sau xe Jeep là Trung tướng Ngô Quang Trưởng, Tân Tư Lệnh Quân Đoàn I và Chuẩn tướng Bùi Thế Lân, Tân Tư Lệnh Sư Đoàn TQLC.

    Trên đường di chuyển, theo chương trình dự trù, xe chạy qua nhà thờ La Vang, lúc này hoàn toàn đổ nát, Đại tá Ðịnh ngừng xe, và Tổng thống Thiệu xuống quỳ gối cầu nguyện. Bức hình Tổng thống Thiệu quỳ tại thánh đường La Vang hoang tàn vì chiến tranh đã trở thành một poster lịch sử được phổ biến toàn quốc và cả thế giới. Tiếp sau đó Đại tá Ðịnh chở Tổng thống Thiệu vào thăm Cổ Thành Quảng Trị nơi đã ghi một chiến thắng lịch sử nhất của chiến tranh Việt Nam.

    Sau đây là bút ký của vị Lữ đoàn trưởng Thủy Quân Lục Chiến Ngô Văn Ðịnh kể lại từ đầu. Giao Chỉ.



    * * *

    Một trong các trận đánh đáng kể nhất chiến tranh Việt Nam khởi sự từ mùa hè đỏ lửa 1972.

    Trước khi đề cập tới ngày tái chiếm cổ-thành Quảng Trị, chúng tôi đi ngược lại giòng thời-gian khởi sự ngày 01 tháng 5, 1972.

    Tin tình báo cho biết quân Bắc Việt sẽ tác xạ 10 ngàn quả đại bác 130 ly vào cổ-thành và Thị-xã Quảng Trị ngày 1 tháng 5-72.

    Để tránh tổn thất nhân mạng nếu cuộc pháo kích xẩy ra. Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai, Tư Lệnh Sư Đoàn 3/Bộ Binh cho lệnh các đơn-vị di-tản để tránh pháo.

    Cuộc di-tản này lại trở nên một cuộc lui binh hỗn-loạn về hướng Mỹ Chánh. Dọc đường các đơn vị này cũng bị các đơn-vị Bắc-Việt pháo và chận đánh lẻ tẻ trên dường rút.

    Sự việc trên đã đưa đến hậu-quả là thành-phố và cổ-thành QuảngTrị bỏ ngỏ và đã bị quân-đội Bắc-Việt chiếm kể từ ngày 01-5-1972.

    Lữ Đoàn 369 do Đại Tá Phạm Văn Chung, Lữ Đoàn Trưởng lúc này đang trách-nhiệm án-ngữ tuyến sông Mỹ Chánh đã chỉ-huy các Tiểu Đoàn TQLC ngăn chặn được lực lượng địch tại sông Mỹ Chánh phía Nam Hải Lăng 15 cây số, và đánh tan các đơn-vị Việt-Cộng có ý-định di-chuyển về hướng Nam theo Quốc-Lộ 1. Nhờ vậy nên các đơn-vị trực-thuộc Sư Đoàn 3-Bộ Binh đã được an-toàn khi về tới Mỹ Chánh.

    Trong suốt tháng 5-1972, nhiều cuộc tấn-công cấp Trung Đoàn có chiến-xa tùng-thiết vào khu-vực bố-trí quân của LĐ-369 tại Mỹ-Chánh, nhưng đều bị TQLC và BĐQ đánh tan hoặc đẩy lui.

    Cũng thời-gian này nhiều cuộc hành-quân thăm dò vào khu-vực quận Hải Lăng đã được tổ-chức. Có những cuộc hành quân trực-thăng-vận, hành quân Thủy-Bộ vào khu-vực bờ biển Mỹ Thủy và đã có nhiều cuộc đụng-độ với cấp Trung Đoàn quân chính-quy Bắc-Việt ở khu-vực “Đường Phố Buồn Hiu” tức hương-lộ 555.

    Ngày 04-5-1972, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng được bổ-nhiêm chức-vụ Tư-Lệnh Quân-Đoàn 1 thay thế Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm.

    Thời gian này cũng là khúc quanh quan-trọng trong Binh-Chủng Thủy Quân Lục Chiến, Đại Tá Bùi Thế Lân Tư Lệnh Phó/Sư Đoàn được bổ-nhiệm giữ chức-vụ Tư-Lệnh Binh-chủng TQLC thay thế Trung Tướng Lê Nguyên Khang.

    Lúc này Quân-lực Mỹ đã chấm dứt tất cả những cuộc hành-quân trên bộ, chỉ còn lại một số Sĩ-Quan cố-vấn để liên-lạc yểm-trợ về vấn-đề phi-pháo xuất phát từ các hạm đội ở ngoài khơi Thái-Bình-Dương, cùng các phi-vụ B52 từ Guam và Thái lan.

    Tuyến sông Mỹ Chánh lúc này trở thành tuyến đầu của Quân Đoàn 1 do Đại Tá Phạm Văn Chung Lữ Đoàn Trưởng LĐ369/TQLC trách-nhiệm.

    Ngày 28-6 giai-đọan hành-quân tái-chiếm Quảng-Trị được bắt đầu.

    Các đơn-vị Dù, Thủy Quân Lục Chiến vượt-tuyến xuất-phát Mỹ Chánh tiến về Quảng Trị. Lực lượng Nhẩy Dù phía tây Quốc Lộ 1, TQLC phía Đông Quốc Lộ1. Trung tướng Ngô Quang Trưởng giao cho Nhẩy Dù vinh-dự tái-chiếm cổ-thành và thị-xã Quảng-Trị là hai mục-tiêu nằm trên trục tiến quân của TQLC.

    Có lẽ Trung-tướng Trưởng muốn dành vinh-dự đó cho Sư Đoàn Nhẩy Dù.

    Ngày 11 tháng 7, 1972, Tiểu Đoàn 1-TQLC được trực thăng vận (TTV) vào vùng Thôn Bích, La Nam, Triệu Phong, đông bắc thị-xã Quảng Trị chừng 2 cây số. Đây là một vị-trí quan-trọng, nếu chiếm được sẽ giúp dễ dàng hơn cho việc tái chiếm Quảng Trị.

    Một đoàn gồm 32 chiếc trực thăng đủ loại, 17 chiếc loại CH53 mới nhất của Quân- đội Hoa Kỳ (1972) chở được 60 người, 15 chiếc Chinook CH 46 chở 20 người được dùng để di-chuyển TĐ1/TQLC đến mục-tiêu. Khi tới bãi đáp một trực-thăng đã bị hỏa-tiễn SA7 bằn trúng làm nổ tung, quân số trên máy bay đều tử-nạn. Trong số 32 chiếc trục-thăng sử-dụng thì đã có 29 chiếc bị trúng đạn phòng-không, 1 nổ tung ở bãi đáp, 2 chiếc bị rớt (1 rớt xuống biển)

    TĐ1/TQLC do Thiếu Tá Nguyễn Đăng Hoà chỉ-huy đã bị tổn-thất nặng, hơn 200 người bị tử-thương và bị thương. TĐ phải đương đầu với lực-lượng hùng-hậu của đối-phương có nhiều chiến xa nhưng vẫn cố-thủ được vị-trí và chống-trả được những cuộc tấn-công của Quân Bắc-Việt.

    Sau gần 1 tháng Nhẩy Dù và Thủy Quân Lục Chiến đã tiến gần đến Quảng Trị, thời gian này cũng có nhiều cuộc đụng-độ mạnh hàng ngày và tổn-thất nhiều.

    Nhiều yếu-tố chính-trị liên-quan đến hiện-tình đất nước như Việt Nam hoá chiến-tranh, hoà-đàm Ba-Lê, phong-trào phản-chiến ở Mỹ khiến Tổng Thống và Quốc Hội Hoa-Kỳ làm đủ mọi cách để rút quân đội Mỹ ra khỏi cuộc chiến Việt Nam.

    Tổng Thống Thiệu muốn mau chóng chiếm lại Quảng Trị, nơi mà bọn Cộng Sản có ý định muốn dùng Quảng Trị để ra mắt chính phủ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.

    Tôi không hiểu vì lý do gì mà ngày 27-7-1972, Thủy Quân Lục Chiến được lệnh thay thế Nhẩy Dù để tái-chiếm Quảng Trị. Khi nhận lệnh thì mọi cấp chỉ-huy có những suy nghĩ khác nhau, nhưng cũng chẳng có thì giờ để hỏi tại sao.

    Tướng Bùi Thế Lân nhận-lãnh nhiệm-vụ khó khăn và quan-trọng này trên vai ông, ông cũng vừa mới nhận chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn được một thời gian ngắn. Nhưng tôi nghĩ, ông cũng hãnh-diện và kết quả của cuộc hành quân này sẽ có ảnh-hưởng đến đời binh nghiệp của ông.

    Sau khi họp bàn và thiết-kế, ông quyết-định dùng Lữ Đoàn-258 do Đại Tá Ngô-văn Định (Đồ Sơn) chỉ huy gồm 5 Tiểu Đoàn tác-chiến 1,2,5,6,9 và 1 Tiểu Đoàn Pháo Binh 105 ly TQLC để thay thế vào khu vực của Lữ Đoàn 2/Nhẩy Dù do Đại Tá Trần Quốc Lịch chỉ-huy ở phiá Tây-Nam cổ thành và Lữ Đoàn-147 do Đại Tá Nguyễn Năng Bảo (Bắc Ninh) chỉ-huy gồm 3 Tiểu Đoàn tác chiến 3,7, 8 và 1 Tiểu Đoàn pháo binh TQLC làm lực-lượng tấn-công ở phiá đông cổ thành. Lữ Đoàn-369 do Đại Tá Nguyễn Thế Lương (Lâm Thao) chỉ-huy, làm thành phần trừ bị cho Sư-Đoàn.

    Mục-tiêu Cổ-Thành được chia làm 2, LĐ-258 nửa Tây-Nam; LĐ-147 nửa Đông-Bắc. Chúng tôi cũng rất hãnh diện được tham dự vào cuộc hành quân có tính cách vô cùng quan trọng này, nhưng chúng tôi cũng có nhiều lo âu suy-nghĩ.

    Sự lo âu đây là lo âu chắc chắn là sẽ có tổn-thất lớn lao về nhân-mạng. Mục tiêu là một vị trí trọng yếu được Bộ Tư Lệnh/SĐ3 tổ chức phòng thủ rất kiên-cố trước khi Việt Cộng chiếm.

    Tôi đã có dịp vào họp tại Cổ thành trước ngày 01-05-72. Xung quanh là tường thành cao và có hào nước sâu bao bọc chung quanh.

    Lực-lượng địch trong khu-vực lại hơn ta gấp 4 lần có ưu-thế về pháo-binh tầm xa, 2 Trung-đoàn chiến-xa, nhiều đơn vị phòng không.

    Chúng lại có một kho tiếp vận vũ-khí và đạn-dược ở Đông-Hà, hàng ngày có nhiều tầu chở tiếp-liệu vào cảng Cửa-Việt để đưa chiến-cụ và vũ-khí vào cho các đơn vị của chúng ở Quảng Trị.

    Bên ta có ưu-thế về không-quân chiến-lược, chiến-thuật và hải pháo.

    Công tâm và trung thực mà nói thì cuộc tái chiếm Quảng Trị là một cuộc chiến kinh-hoàng nhất và tổn-thất nhiều nhất cho cả 2 bên trong chiến-tranh Việt Nam.

    Cũng có một số người vì lý do này hay lý do kia không công-bằng khi nói tới chiến thắng này. Quảng Trị hàng ngày có mưa bom, mưa pháo không ngừng nghỉ, địa-thế lúc nào cũng rung chuyển như là đang có động đất.Để đo lường được thế nào là cuộc chiến kinh-hoàng nhất thì phải dựa theo sự tổnthất. Sau 48 ngày kể từ ngày thay thế SĐ/Nhẩy Dù (27-7-1972) đến ngày hoàn-thành nhiệm-vụ, đã có trên 3500 quân-nhân TQLC hy-sinh, nhiều ngàn người bị thương.

    Trong khi đó, về phiá quân-đội Bắc-Việt thì các Sư Đoàn 308, 304, 325 và các Trung đoàn chiến-xa đã bị tổn-thất nặng nề. Riêng Trung-đoàn 48 phòng-thủ trong cổ-thành coi như bị xoá sổ: 5542 quân Bắc Việt bị chết tại trận, 83 bị bắt sống làm tù binh, vũ khí tịch thu được đủ loại chất thành đống.

    Tất cả 9 Tiểu Đoàn-TQLC đều trực-tiếp tham-chiến, được luân-phiên điều động lên tuyến dầu, do đó TĐ3 và TĐ6 đã vào được cổ thành và cùng cắm cờ Vàng 3 sọc đỏ lên tường thành ngày 15-9-1972.

    http://thuduc-ontario.ca/lt13/mot1.jpg

    Nhưng lễ thượng kỳ chính thì được tổ-chức vào hồi 12 giờ 45 ngày 16-9-72. Tin TQLC đã tái chiếm Quảng Trị được báo cáo về Saigon. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã triệu tập khẩn cấp nội các chính phủ để gửi điện khen ngợi đến Chuẩn tướng Bùi Thế Lân và toàn thể chiến sĩ TQLC đã lập chiến công oanh liệt nhất trong cuộc chiến. Ông cho biết sẽ ra thăm tất cả các anh em tại Quảng Trị. Ngày 20 tháng 9,1972, Tổng thống đã đến thăm TQLC ngay tại cổ thành.

    Tôi được vinh dự đã lái xe đưa Tổng Thống đến cổ thành, có Trung Tướng Tư Lệnh Quân Ðoàn 1 và Chuẩn Tướng Tư Lệnh TQLC tháp tùng. Phái đoàn có cả Ðại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Cao Văn Viên và các cấp trong chính phủ.

    Nhân dịp viếng thăm này Tổng Thống cũng ân-thưởng huy-chương và thăng-cấp cho nhiều quân-nhân trong Sư-Đoàn.

    Trong chiến thắng Quảng Trị quân Bắc Việt đã bị thiệt hại nặng.

    Tôi nghĩ rằng nếu Lữ đoàn 369 TQLC của Ðại tá Chung không chặn được các lực lượng quân Bắc Việt ở Tuyến Mỹ Chánh thì hành quân tái chiếm Quảng Trị đã không xẩy ra. Vì địch đã có khả năng tiến thẳng đến Huế và Ðà Nẵng từ đầu tháng 5 /1972.

    Có thể nói là nhờ chiến thắng Quảng Trị mà số phận miền Nam Việt Nam kéo dài được thêm 3 năm.

    Cựu Ðại Tá Gerald H. Turley là cố vấn TQLC rời Quảng Trị sau cùng trước khi thị xã lọt vào tay Cộng sản (01-05-72). Sau khi về Mỹ đảm nhiệm chức phụ tá Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, ông đã viết cuốn sách tựa đề là The Easter Offensive. Trong đó, Ông hết lời ca tụng cấp chỉ huy và quân nhân TQLC các cấp đã chiến đấu rất anh dũng. Trong những điều kiện gian khổ khó khăn, Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã đánh bại quân xâm lăng Bắc Việt được Nga-Tàu trang bị tối tân. Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam qua nhận định của tác giả, đã chiến đấu giỏi không thua bất cứ binh chủng TQLC nào trên thế giới.

    Nhân dịp viết lại kỷ niệm của trận đánh 30 năm trước, tôi xin gửi lời cảm ơn tới những người bạn TQLC Hoa Kỳ đã hết lòng giúp đỡ chúng tôi trong trận Quảng Trị 72.

    Sau khi các bạn Hoa Kỳ trở về Mỹ một thời gian, trong số sĩ quan cố vấn TQLC đã có 27 người thăng cấp Tướng: Trong số này có 5 vị được thăng cấp Đại Tướng 4 sao:

    1. Trung Úy Joseph Hoar, cố vấn phó TĐ2 cuối năm 1966.
    2. Đại Úy Anthony Zinni, cố vấn TĐ4 năm 1967.
    3. Đại Úy John Sheehan, cố vấn TĐ2 năm 1968-1969.
    4. Thiếu Tá Walter Boomer, cố vấn TĐ4 năm 1971.
    5. Richard Neal, cố vấn TQLCVN năm 1970.

    Thiếu Tá James D. Beans, cố vấn Tiểu đoàn 9 lên Thiếu tướng, Ðại Úy Ray Smith, cố vấn Tiểu Ðoàn 6, Ðại Úy Lawrence Livingston, cố vấn Tiểu đoàn 1 v.v... đều trở thành các tướng lãnh của Quân Lực Hoa Kỳ.

    Các vị này lần lượt đã chỉ huy các cấp Sư đoàn và Quân đoàn Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ trong cuộc chiến thắng vùng Vịnh năm 1991. Họ luôn luôn nói rằng chiến thắng mà họ có được là nhờ những kinh nghiệm học hỏi được khi làm cố vấn cho các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến ở Việt Nam. Ðó cũng là điều chúng ta hãnh diện.

    Trận Quảng Trị đã làm hao tổn nhiều xương máu nhất trong Quân sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và trong Binh chủng TQLC Việt Nam. Tuy nhiên, sự hy sinh lớn lao gấp bội của những người Việt Nam bên kia chiến tuyến cũng là điều đáng lưu ý. Hiện nay trong các bài báo của cộng sản Hà Nội đôi khi họ vẫn nhắc lại những ngày tháng kinh hoàng sống chết ở Quảng Trị.

    Về phần chúng ta, tôi mong được ghi lại cho thế hệ con em biết về chiến công oanh liệt của VNCH tại Quảng Trị ngày 16-9-72, một ngày phải được ghi vào lịch sử chiến tranh Việt Nam.

    Riêng tôi, lúc nào cũng hãnh-diện đã là một sĩ quan TQLC Việt Nam được tham dự vào những giờ phút vinh quang của trận Cổ Thành. Tôi rất may mắn vẫn còn được mang niềm hãnh diện Quảng Trị trong tuổi cao niên hiện nay. Không bao giờ tôi quên được 3,500 Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam chết ở thị xã và Cổ Thành. Hầu hết còn rất trẻ kể cả vị Trung tá Ðỗ Hữu Tùng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6 TQLC. Ðơn vị của anh là mũi xung phong chính của cuộc tấn công Quảng Trị. Anh đứng với tôi trong một tấm hình chụp sáng ngày 16 tháng 9, 1972. Ba năm sau, hai anh bạn trẻ cùng khóa 16 Võ Bị Nguyễn Xuân Phúc, Lữ đoàn trưởng và Ðỗ Hữu Tùng, Lữ đoàn phó 369 cùng mất tích trên bãi biển Ðà Nẵng ngày 29 tháng 3,1975. Cả hai mới ngoài 30 tuổi. Bài viết này dành tặng riêng cho các bạn cùng khóa Cương Quyết của tôi và cũng để tưởng nhớ Ðỗ Hữu Tùng và Nguyễn Xuân Phúc. Chẳng bao giờ chúng ta còn đứng bên nhau như thế nữa.

    Ngô Văn Ðịnh
    San Jose năm 2003
    Last edited by Phòng Trực; 09-17-2013, 07:41 AM.

  • #2
    Một Đời Mũ Xanh – Phần 2 VÀO NƠI GIÓ CÁT

    Một Đời Mũ Xanh – Phần 2 VÀO NƠI GIÓ CÁT
    Ngô Văn Ðịnh – Thủy Quân Lục Chiến VNCH

    Lời nói đầu: Sau đây là phần thứ hai của bài bút ký của cựu Ðại Tá Thủy Quân Lục Chiến Ngô Văn Ðịnh. Tài liệu này chia làm ba phần. Phần I Khóa Cương Quyết Ðà Lạt 54, ông viết về mối liên hệ với các bạn cùng khóa trong 21 năm quân ngũ. Phần II Vào Nơi Gió Cát, ông viết về 4 năm hành quân với tư cách Lữ Ðoàn Trưởng Lữ Ðoàn 258 TQLC và phần thứ III ông viết về trận Quảng Trị. Kỳ trước chúng tôi đã đăng phần thứ I và bây giờ tiếp theo là phần thứ II. Phần này được đặt tựa là “Vào Nơi Gió Cát.” Trong tác phẩm Chinh Phụ Ngâm, nguyên tác của Ðặng Trần Côn do bà Ðoàn Thị Ðiểm đã dịch Nôm với lời thơ trác tuyệt nguyên văn như sau: “Chàng từ khi vào nơi gió cát, đêm trăng này nghỉ mát nơi đâu?” Trước năm 1954, một cuốn tiểu thuyết của Lan Khai cũng đã được đặt tên là “Vào Nơi Gió Cát.” Mới đây cũng có một cuốn sách của chiến hữu TQLC với tựa đề tương tự. Và bây giờ một lần nữa, chúng tôi lại mời quý vị “Vào Nơi Gió Cát” với tác giả Ngô Văn Ðịnh.

    Chúng tôi xin nhắc lại, Ðại tá Ngô Văn Ðịnh với 21 năm quân ngũ là người suốt một đời chiến binh đã ở với Thủy Quân Lục Chiến. Lịch sử TQLC Việt Nam bắt đầu thành lập từ cuối năm 1954 và tan hàng 30 tháng 4-1975 thì ông Ðịnh là người đã có mặt từ phút đầu đến phút cuối. Cùng ở TQLC một lượt suốt 21 năm lịch sử chỉ có hai sĩ quan là Ngô Văn Ðịnh và Bùi Văn Phẩm đều thuộc khóa Cương Quyết Ðà Lạt 1954. Ông Ðịnh cũng là người lần lượt chỉ huy qua 4 Lữ đoàn TQLC trong các giai đoạn tổ chức, huấn luyện và hành quân khác nhau. Ðó là cuộc đời của một chiến binh một đời mũ xanh hiện cư ngụ tại San Jose.

    Người giới thiệu: Giao Chỉ – Vũ Văn Lộc (Trung đội 21)


    CÁC VỊ TƯ LỆNH TQLC: Trước khi viết về 4 năm hành quân với Lữ Ðoàn 258 TQLC, xin kể lại danh tính các vị tư lệnh mà tôi đã có dịp làm việc hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp trong 21 năm đội mũ xanh.

    1). Phạm Văn Liễu: Tháng 12 năm 1954, Ðại úy Phạm Văn Liễu Khóa 5 Võ Bị Liên Quân Ðà Lạt được Bộ Tổng Tham Mưu giao phó trách nhiệm thành lập Binh Ðoàn Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam.. Ðầu năm 1955 Ðại Úy Liễu được thăng cấp Thiếu Tá và rời khỏi chức vụ. Ông chỉ ở với TQLC trong thời gian ngắn trong vai trò tổ chức.

    2). Lê Quang Trọng: Ngày 1 tháng 6 năm 1955 Trung Tá Lê Quang Trọng, Khóa 2 Huế được chỉ định làm Chỉ Huy Trưởng TQLC đầu tiên. Bộ Chỉ Huy đóng tại trại Cửu long Thị Nghè, Gia Ðịnh.

    3). Phạm Văn Liễu: Ðầu năm 1956, Trung Tá Lê Quang Trọng được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Sư Ðoàn Khinh Chiến 11 ở Cần Thơ, ông bàn giao lại chức vị Chỉ Huy Trưởng cho Thiếu Tá Phạm Văn Liễu.

    4). Bùi Phó Chí: Tháng 11 năm 1956, Thiếu Tá Phạm Văn Liễu đi hoc khoá Bộ Binh Cao cấp tại Fort Benning bàn giao chức vụ Chỉ Huy Trưởng TQLC cho Ðại úy Bùi Phó Chí. Thời gian này Ðại úy Chí đang là Tiểu đòan trưởng Tiểu đoàn 1 TQLC kiêm Xử Lý Thường Vụ chức vụ Chỉ Huy Trưởng binh chủng (khoảng 1 tháng).

    5) Lê Như Hùng: Cuối năm 1956, Thiếu Tá Lê Như Hùng (Bộ Binh) thuyên chuyển về TQLC được bổ nhiệm chức vụ Chỉ Huy Trưởng TQLC chính thức thay thế Thiếu Tá Phạm Văn Liễu.

    6). Lê Nguyên Khang: Tháng 4 năm 1960, Thiếu tá Hùng bàn giao chức vụ Chỉ Huy trưởng TQLC cho Thiếu Tá Lê Nguyên Khang, Khoá 1 Nam Ðịnh. Thiếu Tá Lê Như Hùng về Tham Mưu Biệt Bộ Phủ Tổng Thống. Thăng cấp Trung Tá dưới thời Tổng Thống Ngô Ðình Diệm.

    7). Nguyễn Bá Liên: Bành trướng theo thời gian và sự lớn mạnh của quân đội, TQLC được nâng lên cấp Lữ Ðoàn, rồi Sư Ðoàn. Thiêú Tá Khang liên tục chỉ huy TQLC trong thời gian từ 1960 đến tháng 12 năm 63. Thiếu Tá Khang lên Trung Tá năm 62. Trung Tá Khang lên Ðại Tá tháng 12 năm 63 và đi làm Tùy viên Quân sự tại Phi Luật Tân. Trung Tá Nguyễn Bá Liên thay thế giữ chức vụ Chỉ Huy Trưởng TQLC.

    8). Lê Nguyên Khang: Ðầu năm 64 sau vụ tướng Nguyễn Khánh chỉnh lý thì Ðại Tá Khang trở về nước và giữ chức vụ Chỉ Huy TQLC thay Trung Tá Nguyễn Bá Liên đi làm Tùy Viên Quân sự tại Phi Luât tân. Ðại Tá Khang được thăng cấp Chuẩn Tướng, Thiếu Tướng và cấp bực sau cùng là Trung Tướng. Ông chỉ huy Lữ Ðoàn TQLC rồi lên cấp Sư Ðoàn TQLC cho đến tháng 5 năm 1972.

    9). Bùi Thế Lân: Tháng 5 năm 1972, Trung Tướng Lê Nguyên Khang Tư Lệnh SĐ/TQLC được bổ nhiệm làm Tham Mưu phó Hành Quân BTTM, bàn giao chức vụ Tư Lệnh TQLC cho Ðại Tá Bùi Thế Lân Tư Lệnh Phó SÐ. Ðại Tá Lân Khóa 4 Thủ Ðức được thăng cấp Chuẩn Tướng, rồi Thiếu Tướng. Ông làm Tư lệnh TQLC cho đến ngày 30-4-1975.

    Vào nơi gió cát.

    Ký sự hành quân của lữ đoàn 258 TQLC trong 4 năm gian khổ nhất của chiến trường (71 – 74)

    * * *

    Lữ-Ðoàn 258 là hiện-thân của Chiến-Ðoàn B do Trung Tá Tôn Thất Soạn Chiến Ðoàn Trưởng thành lập năm 1965.
    Chiến-Ðoàn-B đã có mặt trên khắp 4 Quân-Khu: Trận Ba Gia, tỉnh Quảng Ngãi cuối năm 1965. Trận Việt An, tỉnh Quảng Tín năm 1966. Hành quân Bồng Sơn và An Lão, tỉnh Bình Ðịnh năm 1967.

    Năm đó chiến đoàn đóng tại Dương liễu. Tôi là Thiếu Tá coi Tiểu Ðoàn 2 đóng cách khoảng 2 cây số. Tôi lên để họp hành quân. Sau khi họp xong, trời đã xế chiều, Trung Tá Soạn chiến đoàn trưởng mời tôi ở lại ăn cơm, nhờ vậy nên tôi đã thoát khỏi một cuôc phục-kích. Tôi cho tài xế về để khi nào tôi gọi thì sẽ lên đón. Trên đường về, xe Jeep bị phục-kích. Hạ Sĩ Danh bị VC bắt sống. Trực thăng tuần tiễu dọc QL1 quan sát thấy, nên báo cho Tiểu Ðoàn 2 đi cứu Hạ-Sĩ Danh. Chúng bắn chết Hạ Sĩ Danh trước khi phân-tán tẩu-thoát. Tôi còn nợ ông Soạn vì đã vừa được ăn cơm, vừa thoát khỏi bị bắt sống hoặc bị giết.

    Trong thời gian Trung tá Soạn giữ chức vụ Chiến Ðoàn Trưởng, các tiểu đoàn được tuyên dương nhiều lần. Ðầu năm 1970, ông Soạn lên Ðại Tá chỉ huy lữ đoàn 258 đầu tiên hành-quân vượt biên sang Kampuchia. Tháng 6 năm 70 thì Ðại-tá Soạn tham dự Khoá Chỉ Huy Tham Mưu tại Ðà Lạt, bàn giao Lữ-đoàn 258 cho Trung Tá Nguyễn Thành Trí.

    Ðầu tháng 7 năm 1971, tôi mãn-khóa Chỉ Huy Tham mưu ở Ðà lạt trở về, chưa được đi phép, đã được lệnh ra Quảng Trị. Vừa tới phi trường Quảng-Trị đã có trực-thăng chờ sẵn để đưa tôi tới 258 tại căn cứ Mai Lộc, để nhận lãnh chức vụ Lữ Ðoàn Trưởng thay thế Trung Tá Trí.

    Trung tá Trí cũng là hàng xóm sát vách với gia đình tôi ở trong trại Nguyễn văn Nho, Thị nghè, hai anh em không xa lạ gì nhau. Việc bàn-giao chỉ có khoảng 10 phút để ký biên bản và bắt tay từ giã. Gió Lào ở Mai Lộc buổi trưa làm rát mặt, bụi đỏ bao phủ khắp nơi. Khác hẳn với không khí ở Ðà-lạt, nơi mà tôi mới từ giã sau 6 tháng tham-dự khoá học.

    Tôi được Trung Tá Ðỗ Ðình Vượng bạn cùng khóa là Lữ Ðoàn Phó trình bày tình hình. Khu vực trách nhiệm của LÐ là một số căn cứ do TQLC Hoa Kỳ đã thiết lập trước đây nằm trên dẫy Trường Sơn chế ngự toàn vùng phía Tây Nam Bến Hải theo hình vòng cung. Hướng Tây là hướng mà địch có thể di-chuyển đến tấn công các vị-trí của ta trải dài từ Quảng Trị đến Gio Linh. Vòng cung Ðông Bắc là các đơn vị thuộc Sư Ðoàn 3 Bộ Binh. Ðơn vị này đồn trú trên các căn cứ từ Tân Lâm , Carroll , Cồn Thiên , cho tới Gio Linh.

    Khoảng cách từ Ðông-Hà đến Gio Linh chừng 18 cây số. Căn cứ Mai lộc nằm trong lãnh thổ quận Hương Hóa. Quận trưởng là Thiếu Tá Ðông; tôi đến thăm xã giao người bạn cũ đã cùng ở Tiểu Ðoàn 1 với tôi năm 1955. Quận ở đây nghèo nàn, dân chúng thưa thớt canh tác trà Xanh làm kế sinh nhai.

    Ngày tôi đến 258 có các Tiểu Ðoàn trưởng cấp Thiếu Tá là Nguyễn Xuân Phúc, Ðỗ Hữu Tùng, Lê Bá Bình, và Thiếu Tá Trần Thiện Hiệu coi Tiểu Ðoàn Pháo Binh.

    Tại căn cứ Mai Lộc có nhiều cố vấn TQLC, Bộ Binh, Pháo Binh tổng cộng trên dưới 10 người, không kể cố vấn của các Tiểu đoàn. Một số ở tại Lữ Ðoàn và khoảng 5 người ở trên căn cứ Sarge. Nơi đây họ có một máy viễn vọng kính hồng ngoại tuyến rất tối tân (Infra Red Night Vision Telescope). Về ban đêm có thể nhìn thấy những hoạt động của VC trong phạm vi 20 miles. Ðây cũng là loại quân dụng mới để trắc nghiệm trên chiến trường VN. Tôi được mời vào xem, họ giải thích rằng ban đêm máy đó có thể nhìn thấy được VC hút thuốc cách xa 20 dậm. Tôi mừng thầm vì như vậy ở đây khá yên tâm.

    Việc hoán đổi các đơn-vị tại các căn cứ đều bằng trực-thăng. Súng cối 160 ly của VC đã có yếu tố sẵn, thấy máy bay xuống là bắn ngay. Súng cối 160 ly là loại súng bắn chính xác và có sức tàn phá tệ hại nhất. Không một hầm nào tại các căn cứ của chúng tôi có thể chịu nổi sức công phá của pháo địch.

    Nhờ có ưu thế về máy bay tuần thám túc trực quan sát trên không phận nên địch chỉ có thể pháo khi nào thấy không có máy bao vùng. Về ban đêm phía ta còn có loại C130 trang bị đại liên 12.7 ly và hỏa châu, loại C-130 này còn có tên là Rồng Lửa sẽ đến bao vùng mỗi khi đưọc yêu cầu.

    Việc tiếp tế cho các đơn vị đều bằng phương tiện trực thăng theo định kỳ mỗi tuần một lần, nếu nhu cầu đặc-biệt thì sẽ do không-quân VN đảm trách. Mỗi lần tiếp-tế, tải thương đều phải có các trực thăng gunships đi bảo vệ.

    Tháng 8-71, căn cứ Bá Hộ bị pháo nặng nề, cùng lúc chúng tấn công mạnh vào căn cứ từ nhiều phiá. Nặng nhất là hướng từ Mai Lộc lên, có lẽ chúng sợ ta tiếp viện bằng đường bộ. Không-quân được gọi tới yểm-trợ tiếp-cận thả bom ngay hàng rào, địch thiệt hại rất nhiều, một số VC đã xâm nhập vào được bên trong, cận chiến đã diễn ra và chúng đã bị anh em cánh của Tiểu Ðoàn 6 tiêu diệt. Tuy nhiên, chúng tôi cũng bị sứt mẻ.
    Thấy tình hình bất-lợi cho ta, tôi chấp thuận cánh B rút khỏi căn cứ để tránh tổn thất. Ðịch đã bố trí mạnh ở hai đường từ căn cứ Sarge sang Bá Hộ và đường từ Mai Lộc lên. Hai con đường này trước đây vẫn được ta xử-dụng thường xuyên để thay đổi đơn vị. Phi cơ thả bom ngay vào trong căn cứ khi thành-phần cuối cùng của cánh B rút ra khỏi vị trí. Khi được báo là cánh B đã xuống được hết chân núi, tôi liên lạc trực tiếp được với Thiếu Tá Cảnh và nói anh em cố-gắng di chuyển về phía Tây Nam càng xa càng tốt.

    Việc rút khỏi căn cứ Bá Hộ vì áp lực qúa mạnh được báo cáo về Quân Ðoàn, đồng thời tôi xin trực thăng tiếp cứu, Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm cùng một tướng Mỹ và các SQ tham mưu đến Mai Lộc. Tôi thuyết trình tình hình. Tướng Lãm không nói và cũng không hỏi điều gì. Phía người Mỹ đồng ý tiếp cứu nhưng vì thấy Trung tướng Lãm không có ý kiến gì; tôi sợ người Mỹ có thể đổi ý kiến.

    Cuối cùng việc tiếp cứu được tiến hành. Trực thăng bốc quân rất nguy hiểm nhưng may mắn không có chuyện gì xẩy ra. Theo tôi nghĩ thì họ cứu mình là vì có cố vấn đi cùng. Nếu như không có cố vấn đi theo cánh B thì chắc là sẽ có nhiều lý do kỹ thuật để họ từ-chối.

    Sự suy nghĩ lúc đó đến bây giờ vẫn thấy đúng. Viết đến đây lại nhớ đến thời gian cuối năm 1968, tôi chỉ huy Tiểu Ðoàn 2 Trâu Ðiên hành-quân ở rừng già Tây Ninh. Ban đêm trong khi đang di chuyển, bị chạm địch, tiếp tục đụng độ và đã có thương vong. Tôi được cố vấn Mỹ thông báo là phải rút ra khỏi nơi này để 1/2 tiếng sau sẽ có B52 đánh. Ðang đụng trận, đêm tối như thế này mà lại bảo rời ra khỏi 3 cây số để đánh B52 thì thật là chuyện không thể làm đươc. Phần vì nhận cái lệnh bực mình, chẳng biết từ Quân Ðoàn hay từ đâu mà lại được gửi qua hệ thống cố vấn. Tôi thông báo lên chiến đoàn xin can thiệp. Viên cố vấn chờ câu trả lời của tôi. Phần vì quá mệt mỏi, sau một vài phút suy nghĩ, tôi trả lời ngắn gọn: “Tiểu Ðoàn đang đụng địch, đã có thương vong, tôi sẽ không đi đâu cả. Nếu không cho lệnh B52 di-chuyển đi mục tiêu khác được thì cứ việc ném. Tôi nói để anh báo lên hệ thống của anh là tôi không đi đâu cả, cứ việc thả bom”. Tuy nói mạnh như vậy thôi chứ tôi biết chắc 98% là có cố vấn Mỹ thì sẽ không khi nào họ dám ném bom xuống. Ðúng như vậy.

    Trở lại căn cứ Bá Hộ, trong khi rút, cánh B của Tiểu Ðoàn 6 chỉ đem được các thương binh nhưng tử-sĩ thì đã không mang theo được. Thật đau lòng cho chúng tôi phải bỏ xác mũ xanh ở lại. Ðến ngày hôm sau thì quân Bắc Việt cũng đã rút khỏi căn cứ vì bị phi pháo quá nặng. Trực thăng thăm dò nhiều lần ở ngay trên đỉnh Bá Hộ để xem có phản ứng gì không. Sau nhiều lần bay trên căn cứ không thấy còn hoạt động gì cuả địch, một tiểu đội tiền phong có một cố vấn đi cùng để liên lạc không yểm cho chính xác. Toán quân này được đổ xuống an toàn. Ðại Úy Lâm Tài Thạnh chỉ huy đại đội 1 đã di chuyển theo đường bộ từ Mai Lộc lên tái chiếm Ba Hộ cùng ngày.

    Do đó việc thu lượm các tử sĩ để đem về Mai Lộc được tiến hành theo kế hoạch đã định. Các tử-sĩ được để vào trong các Body Bags bằng nylon và đặt sẵn vào lưới, trực-thăng đến móc lưới đem về sân bay Mai-Lộc.
    Trong tổng số 23 tử sĩ, trong đó có Ðại úy Phạm Tuấn Anh Ðại Ðội Trưởng, khóa 21 trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, (anh là con của nhà tướng số Kim Sơn nổi tiếng ở Saigòn).

    Ðại Úy Quách Ngọc Lâm có nhiệm vụ làm thẻ ghi danh tánh tử sĩ trước khi đưa về Saigon, anh báo cáo là đã đếm được tổng cộng có 24 cái túi Nylon. Kiểm soát lại thì thấy túi thứ 24 chứa thi hài của một người mặc kaki vàng. Vì trong đêm tối nên anh em đã để nhầm thêm một tử-thi VC vào túi đó. Tử-thi Việt Cộng cũng đã được chôn cất tại Mai Lộc.

    Tại Mai Lộc có một cố vấn Bộ Binh Mỹ, anh này biết nói tiếng Việt rất rành rẽ, và có liên hệ tới một sự viêc xẩy ra như sau:
    Vào một đêm, không nhớ rõ là Tiểu-đoàn nào, báo-cáo tiểu-đội đi phục-kích đã bắn chết một tên Việt Cộng thu một AK 47 và một máy PRC 25. Câu chuyện chỉ đơn-giản như vậy, nhưng phiá cố-vấn Mỹ hỏi tôi về danh tính của tay Việt Cộng bị bắn chết đêm qua. Cố vấn nói với tôi rằng “Ông làm ơn cho người xem xét tên VC bị bắn đêm hôm qua có phải tên Thu không? Cứ mở cái nón cối ra thì sẽ thấy có tên Thu viết ở bên trong đó!”
    Tôi thắc mắc hỏi lại là tại sao ông lại biết người này tên Thu?
    Ông ta trả lời rằng hàng đêm tay cố vấn nói tiếng Việt vẫn điện đàm với một VC tên là Thu. Ðêm qua không liên lạc được nữa.
    Tôi cho lệnh đi kiểm soát sự việc ra sao, quả nhiên ở trong nón người này có viết tên Thu. Hai bên đã liên-lạc với nhau từ hồi nào, và do nguyên nhân nào thì tôi cũng không biết và cũng không hỏi vì nếu có hỏi cũng chưa chắc đã có được câu trả lời.

    Khoảng cuối tháng 9 tình hình lắng dịu, căn-cứ Bá Hộ đã được tu sửa cho kiên cố hơn . Vì học xong ở Ðà Lạt đi thẳng ra đơn vị Hành Quân, nên tôi đã không có dịp gần gia đình. Nay thấy tình hình tạm yên, tôi đón nhà tôi ra Mai Lộc cho biết vùng Hỏa Tuyến và cảm nhận trực tiếp những sự gian khổ của anh em chúng tôi. Hai cháu gái lớn ở nhà còn đi học, nhà tôi và cháu gái 3 tuổi ra Tân-Sơn-Nhất và được Không Quân cho quá giang bằng C-130 từ Saigon ra Quảng Tri. Những chiếc C-130 này đã được tháo hết ghế ngồi ngõ hầu có rộng chỗ để chuyên-chở quân dụng ra tiền-tuyến và thuận tiện chở thương binh cùng tử sĩ về Saigon. Ðó là chuyến bay đáng ghi nhớ của vợ con tôi.

    Tôi ra Quảng Trị đón và đưa nhà tôi và cháu đi một vòng phố thị xã Ðông Hà, ăn một tô mì rồi vào Mai Lộc. Tôi lên Bộ Chỉ Huy làm việc, hai mẹ con nằm trong hầm, không dám đi ra ngoài vì nóng và gió Lào bụi đỏ không chịu nổi.

    Mới đến được 1 ngày thì chúng tôi đã lại có lệnh hành quân . Cuộc hành quân này vào sâu hơn 20 cây số về hướng Tây dọc đường số 9 sang Lào. Vì ngoài tầm Pháo Binh diện địa nên pháo Binh cơ hữu của TQLC được trực-thăng vận vào chiến trường để yểm trợ hành quân. Trước khi Hành Quân, tôi và cố vấn trưởng bay quan sát.

    Trực thăng chở tôi đã bị bắn trúng đạn tại đuôi không bị gẫy, chỉ hư hại nhẹ, nhưng phải đáp khẩn cấp xuống gần Khe Sanh. Chỉ vài phút sau khi hạ cánh, tôi đã được trực-thăng Hoa Kỳ đến tiếp cứu ngay, rất may là không ai bị thương.

    Tôi không dám nói cho nhà tôi biết chuyện trực-thăng bị bắn trúng. Sáng hôm sau trước khi đi hành quân, tôi nhờ cố-vấn giúp cho phương tiện đưa nhà tôi và cháu ra Quảng trị để về lại Saigon.

    Với 3 đứa con nhỏ, chồng đi hành-quân không chắc có ngày về, tinh thần của nhà tôi không vững, cộng thêm vào những lần đã thay mặt tôi đi dự đám tang quá nhiều bạn bè tử-trận như anh Nguyễn Văn Nho, Dương Hạnh Phước, Nguyễn Bá Liên. Tinh thần đã sẵn yếu kém nên ngày càng trở nên suy sụp. Lại thêm kỳ thăm Mai Lộc với nhiều hình ảnh không đẹp. Bác sĩ ở VN phải cho uống thuốc an thần. Và từ đó nhà tôi không bao giờ dám vào vùng hành quân thăm tôi nữa.

    Lữ đoàn ăn tết năm Nhâm Tý 1972 tại C2. Ăn tết xong, được Sư Ðoàn 3 thay thế. Chúng tôi về hậu cứ nghỉ 4 tuần lễ.
    Giữa tháng 3-1972 lại trở ra vùng 1, hoạt động ở căn cứ Evans, nay đây, mai đó, Lữ Ðoàn dường như đã có mặt ở tất cả mọi nơi, mọi chỗ: Có ba trận đáng lưu ý:

    1) Ngày 1 tháng 4-72, Lữ Ðoàn được lệnh lên Ái Tử thay thế để bộ binh di chuyển về cổ thành Quảng Trị. Vừa tới, VC đã bắn cả ngàn quả đại bác 130 ly vào Ái Tử.

    2) Ngày 9 tháng 4-72, một Trung đoàn của địch được tăng cường Trung đoàn 202 chiến xa của Bắc Việt đã tấn công vào vị trí của Tiểu Ðoàn 6 TQLC ở căn cứ Pedro (Phượng Hoàng) và pháo vào. Toàn thể các Tiểu Ðoàn cũng như Bộ Chỉ Huy Lữ Ðoàn. Nhưng kết quả Trung-đoàn Bộ Binh Cộng Sản bị thiệt hại nặng, trung đoàn chiến xa của địch bị tiêu diệt hoàn toàn. Không một chiếc nào chạy thoát. Một chiếc bị bắt còn nguyên vẹn được đem về Saigon triển lãm trước toà Ðô Chánh. Ðây là lần đầu tiên trong cuộc chiến Việt Nam, quân đội Bắc Việt đã xử dụng chiến xa tại chiến trường Quân Khu 1.
    Sau đó lữ đoàn tham dự trận tái chiếm thị xã và cổ thành Quảng Trị ngày 16-9-72.

    Kể từ ngày 9-4 đến ngày 16-9-72. Trong 5 tháng tham chiến Lữ Ðoàn 258 đã chịu tổn-thất như sau :
    – Về phía ta có 637 tử thương và 3274 bị thương.
    – Về phía địch có 5442 chết và 83 bị bắt sống làm tù binh.

    3) Trận thứ ba là trận đánh chìm chiếc tầu quân vận của Hải Quân BV chở đạn dược và lương khô ở ngoài khơi bờ biển Mỹ Thủy, tỉnh Quảng Trị ngày 20 tháng 6 năm 74 hồi 9 giờ 57 phút. Chiếc tầu này chạy cách bờ hơn 1 cây số. Pháo binh thuộc cánh B, Tiểu Ðoàn 1 TQLC đã bắn chặn để tàu phải cặp vào Mỹ thủy. Chiếc tầu của địch đã không chịu vào mà còn xả súng bắn vào phía ta. Chiến xa M48 đã có mặt sẵn ở bờ biển, được lệnh khai hỏa bằng đại bác 90 ly. Chiếc tầu bị trúng đạn, quay một vòng rồi từ từ chìm xuống lòng biển, và một phần vẫn còn nổi trên mặt nước vì nơi đó biển không sâu lắm.

    * * *
    Tháng 12 năm 1974, tôi bàn giao Lữ Ðoàn 258 cho Ðại Tá Nguyễn Năng Bảo.
    Trong lúc này Lữ Ðoàn đóng tại ngã tư Hội Yên trên “dẫy phố Buồn Thiu”. Tôi từ giã 258 để về Sàigòn thành lập Lữ Ðoàn mới 468.

    Như vậy là tôi ở Lữ đoàn 258 TQLC 4 năm, có được về hậu cứ một lần vào khoảng 1 tháng. Trách vụ của Lữ đoàn trưởng chỉ là chỉ huy chiến thuật chứ không có quyền hành chánh tài chánh như các Trung Ðoàn Trưởng bộ binh và Lữ đoàn Nhẩy Dù.

    Thông thường tôi trách-nhiệm sinh mạng gần 4000 người, nhưng đôi khi có tới trên 5000 anh em, như trận tái chiếm cổ thành Quảng Trị năm 1972.

    Với trách vụ thật rất nặng nề như vậy, nhưng quyền hạn từ thăng thưởng, bổ nhiệm cán bộ, quản trị hành chánh hoàn toàn do cấp bộ Sư Ðoàn đảm trách.

    Tôi viết lại để các bạn biết thêm về câu chuyện một lữ đoàn TQLC trên đường hành quân.

    Lịch sử đã sang trang, mọi việc của ngày hôm qua thuộc về quá khứ, đã đi vào di vãng. Còn lại bây giờ chỉ có nhà tôi, có lẽ vì uống thuốc an thần quá nhiều nên ngày nay bị ảnh hưởng. Tám năm qua, quá khứ hiện tại và tương lai hoàn toàn mờ mịt. Nhà tôi sống như người có xác mà không có hồn. Phần tôi gần 30 năm không còn lữ đoàn nhưng ngày nay vẫn trực 24/24.
    * * *

    Ngô Văn Ðịnh – Thủy Quân Lục Chiến VNCH


    Nguồn:tqlcvn.org/tqlc/hk-motdoimuxanh2.htm

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X