Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Phụng Cầu Hoàng

Collapse
X

Phụng Cầu Hoàng

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Phụng Cầu Hoàng

    Phụng Cầu Hoàng

    Phương Nghi






    Thầy tôi hai mươi năm trước rất nghèo, ở tận cùng một con hẻm lầy lội bên cầu chữ Y. Nhà chín người, chỉ có một cái giường duy nhất dành cho bà cụ, tám người còn lại trải chiếu nằm dưới đất. Thầy dạy tôi chơi đờn thập lục. Tôi thương thầy từ cái buổi đầu tiên tôi bước vào căn nhà nửa tôn nửa lá đó. Thầy tôi ra mở cửa.

    Những người đang nằm ngủ ở gian trước thấy có học trò đến thì vội vàng cuốn mền chiếu lủi vào nhà trong. Tôi ngồi học. Không gian như mớ bùi nhùi với tiếng con nít khóc, tiếng rao hàng, tiếng chẻ củi rầm rầm, tiếng chưởi lộn, tiếng gà, tiếng vịt lẫn lộn với tiếng song lang và tiếng réo rắt của những bản Phú Lục, Kim Tiền, Hành Vân, Lưu Thủy...

    Thầy tôi hiền. Có lẽ vì vậy mà tôi thương? Hay vì lẽ gì tôi chẳng biết nữa. Tôi thường đến học vào buổi chiều, dạy xong, thầy chuẩn bị ăn cơm để tối vào đờn cho một đoàn cải lương lưu động. Tôi vào dàn đờn chơi với thầy. Những nhạc sĩ ngồi trong bóng tối sát sân khấu, mỗi người có một bóng đèn trái ớt tù mù kẹp vào giá nhạc để soi bản đờn. Thầy đang lui cui lên dây, thấy tôi vào thì ngẩng lên mỉm cười: "Ờ, em" rồi thôi, không nói gì nhiều. Tôi ngồi thụp xuống bên thầy, vừa say mê, vừa khâm phục. Tôi nói: "Thầy ơi, em muốn mai mốt cũng đi đờn gánh hát như thầy". Thầy tôi nói: "Em ráng lo học, có cơ hội thì ra nước ngoài. Gánh hát sống rày đây mai đó, cuộc đời lang bạt, rượu chè trai gái bừa bãi, chính thầy cũng không thích. Thầy thích dạy học trò và viết sách". Giờ giải lao thầy tôi vẩn vơ đâu đó có một mình, những diễn viên thì chưa thay áo diễn đã ngồi sòng. Một anh kép phấn sáp rất đậm, ngoạm trái xoài nhểu nhão, hết nhìn tôi lại nhìn thầy, cái ý dơ dáy lộ hết trong ánh mắt tung tẩy. Vãn hát tôi đến chào thầy rồi ra về. Thầy tôi xếp đờn cho vào hộp, vẫn chỉ nói có ít lời: "Ờ em, thôi về đi."

    Tôi muốn đờn giỏi như thầy nên rất cố công tập luyện. Thầy dạy tôi bản Phụng Cầu Hoàng. Thầy biểu: "Những chữ xự ở câu một và vài câu khác là để diễn tả lời nói có ý trách hờn của nàng Trác Văn Quân với chàng Tư Mã. Ngày nay sân khấu cải lương đổi xự thành xang, chữ này để diễn tả một tình cảm âu yếm khác, lệch đi sự nguyên thủy của bài." Chữ "xự" nghe nát ruột nát gan, nghe rất ai oán trong khi chữ "xang" thì lại bình lặng, chứa chan như bầu trời đằm thắm, như mặt nước bao dung. Về sau tôi cứ tự trách mình là đã không hỏi thầy tại sao nàng Trác Văn Quân lại giận chàng Tư Mã, giận như vậy là trước hay sau khi nàng đã trốn đi cùng chàng, chàng đã làm điều gì thất thố? Học trò ngày xưa ít dám hỏi, biểu sao nghe vậy. Trác Văn Quân giận? Vì lẽ gì? Tôi cố bắt chước đờn chữ "xự" cho thật sâu, thật não nuột như thầy nhưng không làm được, sửa tới sửa lui cũng chỉ nghe ra lạt nhạt, tầm thường. Tôi lúc ấy còn chưa biết yêu ai thì làm sao biết giận ai, làm sao nắn nót cho được cái nghiến răng, cái cau mày của một Văn Quân đa tình, đắm đuối.

    Tôi ít khi nào gặp cô, tức là người vợ của thầy. Một đôi lần tôi thấy bóng cô thấp thoáng trong gian bếp tù mù khói và tôi có cúi đầu chào. Cô bán chuối sấy, người hơi thấp, ô dề, tóc ngắn và thưa, trong khi thầy thì rất thanh tao, rất tài hoa, rất nghệ sĩ. Nhiều khi tôi cảm thấy tiếc, tiếc ngẩn tiếc ngơ vì cái sự không tương xứng ấy. Thầy với cô lại không có một mụn con nào. Thầy có hạnh phúc không? Tôi không biết. Tôi có cảm tưởng thầy là một Tương Như cô độc, lỡ thời, lạc vận, đêm đêm khắc khoải bên tiếng muỗi vo ve của căn nhà tum húm, lạc lõng trong cái xô bồ tạp nhạp của những pha chọc cười hạ cấp, những màn đánh kiếm, đeo mặt nạ, đu dây... Thầy bảo muốn đổi qua âm nhạc Tây phương chớ đeo đẳng mãi nhạc cổ truyền rồi trôi nổi theo gánh hát, muôn đời như cánh bèo vô định. Thầy mượn cây organ điện của ai về tập, được một dạo phải trả cho người ta, mua thì mua không nổi. Cái giấc Nam Kha thêm một lần eo sèo, áo não...

    Bản Phụng Cầu Hoàng còn dang dở thì tôi phải từ giã thầy ra đi. Tôi mếu máo: "Thầy ơi, em không muốn đi. Em muốn ở lại học cho giỏi như thầy rồi mai mốt em đi đờn với thầy. Thầy đi tới đâu em cũng đi theo". Thầy ôn tồn: "Đừng nghĩ vậy. Em đi đi. Qua bên đó gầy dựng tương lai, có điều kiện thì học đờn trở lại. Ở đây rồi làm gì? Chui vào gánh hát, ăn miễu ngủ đình suốt đời sao?" Thầy xé tờ nhật trình gói một mớ con nhạn và bốn sợi dây đờn đưa cho tôi tha thiết bảo: "Em giữ lấy. Qua bên đó lỡ mất nhạn, đứt dây thì có mà thay vào". Tôi ngồi xuống bên thầy nước mắt chực tuôn: "Thầy ghi địa chỉ cho em. Tới nơi em viết thư về liền cho thầy." Thầy cầm bút viết xong dặn dò chậm rãi: "Em có gửi thư về thì nhớ để tên cô ngoài bì thư, đừng để tên thầy". Tôi cúi đầu dắt xe đạp ra khỏi ngõ, nghe tiếng thầy cài lại then cửa ở bên trong. Bầu trời như rách ra giữa những sợi dây điện, dây phơi quần áo, những xóm nhà bẩn chật, những mái tôn, mái lá lau nhau gần cụng đầu. Chim én ở đâu bay về đen kịt...

    Tôi cầm gói giấy có những con nhạn và bốn sợi dây đờn của thầy đạp xe lên dốc cầu chữ Y trong buổi chiều chênh chao, đắng chát nhất đời tôi và mím môi quẳng tất cả xuống dòng nước. Tại sao nếu viết thư về thì phải để tên cô ngoài bì thư mà không được để tên thầy? Thầy không biết là tôi thương thầy như thế nào sao, mỗi một chữ tôi viết cho thầy có buộc tấm lòng nặng trĩu của tôi mà sao tôi phải để tên cô? Tôi dính dáng gì với cô hoặc cô dính dáng gì với tôi? Giữa dòng xe cộ bươn bả, bon chen, người người dẫm lên nhau mà đi, mà chạy, có ai để ý tới đứa con gái mắt đỏ hoe đứng tựa thành cầu nhìn dòng nước đục ngầu nhấp nhô rác rến cuốn những tâm tình của nó mất tăm, chìm lỉm. Tôi giận thầy. Lần đầu tiên tôi giận thầy, mờ mịt nộ khí như bầu trời sắp có cơn giông lớn. Tôi đấm tay lên thành cầu nói với dòng nước: "Đã đi là đi biệt, không hẹn buổi trùng phùng. Thầy đừng chờ đừng đợi. Ngã ba sông rộng từ đây. Mãi mãi không bao giờ gặp lại..."

    Tôi không gởi một bức thư nào về cho thầy. Một dòng cũng không. Một chữ cũng không. Cây đờn cũ nằm buồn thiu trong cái hộp phủ bụi trên gác nhà kho. Tôi bỏ bê nó mà rồi tôi cũng nhớ nó điếng lòng điếng dạ. Nó tội tình gì đâu. Thời tiết nóng lạnh thất thường làm thân đờn bị nứt một đường dài, đen xỉn, những vảy ốc xà cừ bong ra mà vẫn còn lấp lánh như kỷ niệm xưa chưa nỡ nhạt nhòa. Tôi không thể không nhớ thầy. Một đêm buồn rã rượi tôi lôi cây đờn ra, vặn trục, lên dây, gảy bản Phụng Cầu Hoàng, trong lòng bi ai, thổn thức. Trăng lu, gió lạnh... tôi chỉ có một mình... Ngọn đèn thắp dưới mái hiên lù mù, ám khói. Ngoài cửa sổ thoắt ẩn hiện một mỹ nhân ăn vận cổ trang, xiêm y phất phới, đi hài, cài thoa, một vạt tóc vắt ngang gương mặt đẹp não nùng nhìn tôi thương cảm. Tôi nhận ra người ấy là ai rồi. Tôi ngừng đờn ngước lên buồn bã: "Văn Quân...Chữ xự tôi đờn thế này đã đúng với cái tình cái cảnh của nàng ngày xưa chưa?"

    Hai mươi năm sau tôi tình cờ gặp lại thầy trong một đoàn nghệ thuật cổ truyền sang đây biểu diễn. Trên sân khấu thầy lại gảy bản Phụng Cầu Hoàng của ngày xưa với những chữ "xự" đã kết tụ trong trái tim tôi như những mảnh vàng ròng với tất cả niềm nhớ thương da diết. Những sôi sục ngày nào đã nguội lạnh. Đời tôi đã trải qua lắm nỗi đoạn trường. Tôi chạy đến ôm cánh tay thầy, trong lòng trào lên nỗi xót xa. Thầy tôi đã già. Già hơn xưa nhiều lắm. Tôi kể với thầy rằng tôi đã có chồng có con, rằng cái duyên của tôi với âm nhạc đã đứt đoạn từ buổi ra đi. Thầy tôi ngậm ngùi: "Sao em không viết thư về? Em đi rồi ngày nào thầy cũng ngóng ra cửa chờ người đưa thư".

    Tôi nhìn xuống không trả lời. Thầy không bao giờ hiểu cũng như tôi sẽ không bao giờ nói cho thầy nghe cái nguyên nhân vì sao tôi chẳng viết thư về. Không bao giờ tôi nói ra. Chuyện ấy đã trôi theo dòng nước dưới chân cầu chữ Y, vĩnh viễn không bao giờ tôi nhắc lại. Tôi lảng qua chuyện khác, hỏi thăm thầy về đời sống hiện tại, hỏi thăm cô. Thầy nói cô cũng được mời đi theo đoàn với thầy nhưng qua được mấy hôm thì ngã bệnh. Tôi ngỏ ý muốn đến chào cô. Thầy đưa tôi về căn nhà của một người trong đoàn mà thầy cô trú ngụ. Cô nằm trên giường, đi lại rất khó khăn, cạnh bên còn chai dầu và cái cây cạo gió.

    Cô cũng đã quá già. Mái tóc ngày xưa vốn đã thưa nay càng thưa hơn, lại bạc trắng. Cô chống tay ngồi gượng dậy, giọng nói mừng rỡ, ánh mắt hiền từ: "Lâu quá thầy cô không có tin tức gì của em. Em qua đây làm ăn sinh sống ra sao? Em có còn làm bánh? Cô nhớ hồi xưa em làm bánh rất khéo. Có lần em đem đến cho thầy một ổ bánh bông lan vừa ngon vừa đẹp. Cô nhớ mà".

    Tôi thảng thốt bàng hoàng. Bánh? Bánh nào? Có phải cái bánh đã lạc mất từ đời thuở nào trong trí nhớ lùng bùng của tôi, có phải cái lần do tình cờ nghe thầy thích bánh bông lan mà tôi đã làm đem tới. Cô còn nhớ? Nhớ làm gì? Cái tình của tôi hai mươi năm trước đã lắng sâu xuống tận đáy rồi, nay bàn tay nào lại khoắn lên lần nữa. Cô nhìn tôi mỉm cười, không nói thêm được vì mệt. Thầy đỡ cô nằm xuống rồi tiễn tôi ra cửa. Tôi hiểu rằng mình không có quyền. Tôi không thể... Chữ "thương" kia cũng có năm bảy đường. Tôi nhìn vào đôi mắt của người mà tôi từng nhớ nhung hết sức mà cũng trách hờn hết sức, nói: "Thầy. Những chữ xự trong bản Phụng Cầu Hoàng có thể đổi thành chữ xang. Từ nay em sẽ đờn chữ xang, không đờn chữ xự nữa". Thầy nắm tay tôi. Tôi nghe rõ xúc cảm trong lòng thầy và trong lòng tôi chan hoà như nước lớn dâng đầy mặt sông. Giọng thầy ấm áp bên tai tôi: "Thầy thương em lắm". Tôi sẽ nhớ suốt đời bốn chữ ấy. Tôi lảo đảo bước ra cửa. Giờ thì tôi đã rõ. Tôi biết là cô hiểu tôi. Và chính thầy cũng hiểu tôi, hơn ai hết, từ hai mươi năm trước...

    Tới lúc rồi đoàn hát cũng ra đi và tôi trở thành người đưa tiễn. Chưa bao giờ tôi nhớ tới ngày xưa hơn lúc này. Tôi giữ tay thầy trong tay tôi lần chót: "Thầy nhớ viết thư cho em". Tôi tưởng như trước mặt mình là cây cầu chữ Y, là những đốm nắng rơi xuống mặt nước cánh bèo, là ngã ba sông sụt sùi xa ngái. Tự nhiên tôi nhớ đến một câu trong vở hát mà tôi từng lẽo đẽo đi theo nghe thầy đờn, từng thụp xuống trong bóng tối sát bục sân khấu nghểnh cổ lên mê mẩn: "Thôi. Thế này thì cũng toại lòng nhau". Một người lên ngựa, một kẻ trông theo. Dàn đờn rớt chữ xang mùi rệu, mấy chị bán xôi, mấy cô gánh nước sụt sà sụt sịt. Có phải vậy không thầy? Thế này thì cũng toại lòng nhau. Trong vầng mây bồng bênh, bãng lãng ở chân trời tôi chợt như vừa nhìn thấy đôi mắt cong vút vời vợi của Văn Quân nhìn tôi trìu mến. Ngày xưa chắc nàng cũng đã đổi chữ "xự" thành chữ "xang" trong bản nhạc lòng muôn thuở ấy...

    12/2011


    (diendantheky.net)


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X