Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tiếng đàn tranh của mẹ

Collapse
X

Tiếng đàn tranh của mẹ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tiếng đàn tranh của mẹ

    TIẾNG ĐÀN TRANH CỦA MẸ
    ****

    Kha Lăng Đa

    (Kính dâng hương hồn mẹ tôi )


    Nhớ một lần tôi thức giấc giữa đêm khuya, thấy mẹ tôi ngồi khảy đàn tranh dưới ánh đèn dầu leo lét.
    Khi ấy tôi vừa lên sáu tuổi nhưng đã biết xúc cảm vì âm hưởng của tiếng đàn ảo não. Đến bây giờ nhớ lại, tôi vẫn ngỡ âm điệu của tiếng đàn trầm bỗng, nhặt khoan như còn văng vẳng bên tai tôi. Tiếng đàn buồn như mưa rả rích ngoài hiên trong đêm trường cô tịch. Tiếng đàn như thở than tình cảnh cô đơn, như vấn vương nỗi u hoài, thổn thức.
    Đang gởi tâm tư vào cung đàn, mẹ không biết tôi đang nhìn mẹ với niềm yêu thương dào dạt. Đôi mắt mẹ như giăng màn lệ mỏng, loang loáng ánh đèn khuya. Mẹ tôi buồn và khảy đàn tranh trong đêm ấy vì cha tôi đi phiêu bạt giang hồ gần nửa năm vẫn chưa về. Mẹ tôi thẫn thờ trông đợi, mang nặng niềm thắc thỏm, lo âu.
    Khi cha tôi về, cả nhà hớn hở vui mừng. Trong bữa tiệc vui cùng bằng hữu, cha yêu cầu mẹ đàn một bản cho mọi người thưởng thức. Mẹ tôi tươi cười, so dây đàn rồi khảy một điệu với âm thanh dìu đặt, du dương. Tiếng đàn nhẹ nhàng như quyện theo những cánh bướm lượn ngoài luống hoa trước nhà và trong như màu nắng mai. Gương mặt mẹ rạng rỡ, đôi môi như mỉm cười. Tôi nghe lòng cũng hân hoan theo mẹ. Chắc hôm nay cha tôi về nên niềm vui của mẹ hòa trong tiếng đàn êm trôi như dòng sông xanh giữa mùa Xuân tươi mát. Sau này tôi hỏi tên bản đàn ấy, mẹ tôi trả lời:
    - Đó là bản “Song Phi Hồ Điệp”.
    Năm ấy đến ngày giỗ của ông ngoại tôi, mẹ u sầu ngồi trước bàn thờ dạo lên cung điệu nghe nỉ non, ai oán. Cha tôi, anh, chị, em tôi và bà con họ hàng đều ngồi im lặng nghe tiếng đàn của mẹ. Gương mặt người nào cũng đượm vẻ buồn. Sau khi đàn xong, mẹ treo cây đàn bên cạnh bàn thờ.
    Tôi còn nhớ, trong khi mọi người ăn giỗ, mẹ tôi đã kể lại ngày xưa ông ngoại tôi rất thích nghe cổ nhạc miền Nam nên cho mẹ tôi đi học đàn tranh. Mẹ tôi cả ngày quấn quít bên bà ngoại không muốn rời xa nửa bước nên mẹ không chịu đi học đàn. Ông ngoại phải dỗ dành mẹ mãi mới được. Mẹ miễn cưỡng vâng lời cho ông ngoại vui lòng chớ sáng nào trước khi đi học đàn, mẹ cũng bịn rịn, ôm bà ngoại mà khóc. Ông ngoại khuyên nhủ, vuốt ve rồi bồng mẹ đặt lên lưng ngựa để đưa đến nhà ông thầy dạy đàn cách xa nhà ngoại mấy dặm đường.
    Vậy mà mẹ tôi đã làm vui lòng ông ngoại, cố gắng học đàn. Mẹ kể:
    Năm lên 13 tuổi, mẹ đàn được nhiều bài bản kể cả những bản “oán” rất dài và rất khó đàn, khó nhớ như bản “Tứ Đại Oán”, “Bình Sa Lạc Nhạn”, “Giang Nam”, “Trường Tương Tư”. . . Những đám cưới, đám tiệc có đàn ca tài tử, ông ngoại thường được mời dẫn mẹ đến để đàn. Người ta coi rất đông. Họ chen nhau để nhìn mặt người khảy đàn tranh vì lúc đó mẹ là một đứa bé gái, còn các cây đàn khác do các ông nhạc sĩ lớn tuổi đàn.
    Tôi đã biết được nguyên do mẹ tôi đàn trong ngày giỗ của ông ngoại tôi. Lần nào đàn một bản để “cúng” ông ngoại, mẹ cũng khóc vì nhớ thương hai đấng sanh thành đã vĩnh viễn lìa xa mẹ.
    Rồi bỗng tai biến xảy đến cho gia đình tôi. Lực lượng Việt Minh về phục kích lính Pháp tại vườn nhà tôi. Khi hai bên giao tranh, cả gia đình tôi cùng người láng giềng phải chạy vào rừng để ẩn trốn. Khi Việt Minh rút lui, quân Pháp ồ ạt tràn vào, triệt hạ luôn cả thôn ấp của tôi. Nhà tôi bị chúng lấy hết đồ đạc và đốt cháy. Cây đàn tranh của mẹ tôi đã hóa thành tro than trong biển lửa kinh hoàng !
    Nhờ một người bà con làm thông dịch viên cho Pháp minh oan cho gia đình tôi nên cha mẹ tôi cùng người hàng xóm được phép hồi cư. Cha tôi cất lại một căn nhà mới ở xóm chợ chớ không về trên nền đất cũ nữa.
    Mẹ tôi sớm hôm gian khổ phụ giúp cha tôi tạo lại sự nghiệp cho gia đình được ấm no, hạnh phúc.
    Một hôm tôi nhắc lại chuyện nghe mẹ đàn giữa đêm khuya, mẹ tôi ngạc nhiên hỏi:
    - Lúc đó con mới vừa lên 6 tuổi mà sao con còn nhớ?
    - Con nhớ rõ lắm, mẹ đàn buồn khiến con muốn khóc.
    Tôi đề nghị mẹ mua cây đàn tranh mới. Mẹ tôi lắc đầu buồn thảm:
    - Mẹ không muốn đàn nữa vì mỗi khi đàn thì mẹ nhớ ông ngoại, bà ngoại. Không cầm được nước mắt. Mẹ bỏ đàn đã lâu, tay mẹ đã cứng khó mà đàn hay được. “ Thần Hỏa” đã thiêu rụi cây đàn tranh là chấm dứt cái nghiệp đàn của mẹ, vả lại bây giờ mình là dân làm ăn mà còn đàn địch sợ người ta cười.
    Kể từ đó, mẹ tôi không đàn nữa. Thỉnh thoảng tôi gợi lại những bản đàn của mẹ. Mẹ thường xướng âm một vài điệu mà mẹ còn nhớ cho tôi nghe. Ngoài những chữ Xề, Liu, Lìu, Xê, Xể, Xang, Xảng, Xự còn có chữ á,á nghe rất . . buồn cười. Tôi hỏi mẹ:
    - Sao bản đàn có chữ Á, Á nghe ngộ vậy mẹ?
    Mẹ tôi cười đáp:
    - Chữ Á là chữ đặc biệt của bản đàn tranh.
    Âm hưởng tiếng đàn tranh của mẹ tôi đã khiến tôi yêu thích cổ nhạc miền Nam từ thời niên thiếu.
    Năm lên 14 tuổi, vào những dịp nghỉ hè, tôi đi học đàn, ca cổ nhạc nhưng rất tiếc là không có cơ hội học đàn tranh như mẹ tôi mà tôi lại sử dụng cây lục huyền cầm!
    Tôi đàn không giỏi mà ca cũng không hay nhưng mẹ tôi rất thích nghe tôi ca qua tiếng đàn của bè bạn láng giềng. Lần nào tổ chức đàn ca “tài tử” tại nhà tôi, mẹ cũng là một khán thính giả ái mộ tôi nhiều nhứt. Tôi cố gợi hứng cho mẹ luyện lại ngón đàn tranh.
    - Phải chi mẹ đàn cho con ca thì thích biết mấy!
    Mẹ tôi mỉm cười, nói:
    - Mẹ lớn tuổi rồi, hai tay đã cứng ngắc mà đờn cái nỗi gì nữa. Mẹ chỉ thích nghe tụi con đàn ca thôi!
    Hết bậc tiểu học ở trường làng, tôi phải xa quê nhà để tiếp tục theo học trường trung học ở tỉnh. Hè nào trở về mái nhà xưa để sum họp với mẹ, mẹ cũng nấu cho tôi ăn những món mà tôi thích khẩu nhứt. Tôi lại mời bạn bè cũ đến nhà, đàn ca cho mẹ nghe. Những cuộc họp bạn đàn ca của tôi và bằng hữu để làm vui lòng mẹ tiếp diễn từ mùa hè này sang mùa hè khác cho đến lúc tôi giã từ mẹ để bước vào đường chinh chiến thì mấy năm tôi mới về thăm mẹ một lần. Lần nào về phép tôi cũng quy tụ bạn bè đến để đàn ca cho mẹ thưởng thức.
    Những kỷ niệm xưa vẫn còn in đậm giữa tâm hồn tôi. Bây giờ, sống nơi hải ngoại, tôi hằng mong ước một ngày về thăm mẹ cho thỏa lòng thương nhớ. Mẹ cũng mỏi mòn chờ đợi tôi về.
    Tôi đã ghi âm giọng ca của mình vào băng nhựa, qua tiếng đàn của một nhạc sĩ nổi tiếng ở Sài Gòn với nhiều bản cổ nhạc miền Nam, gởi về cho mẹ, để mẹ nghe lại được tiếng ca quen thuộc của một đứa con đang ở tận chân trời, góc biển. Mẹ yêu cầu tôi gởi thêm cho mẹ một cuốn băng đặc biệt với những bài ca vọng cổ do tôi tự biên soạn và tự ca mà mẹ đã được nghe nhiều lần khi tôi còn sống ở quê hương.
    Tôi dự định Hè năm sau, vợ chồng tôi sẽ về Việt Nam để làm lễ chúc thọ cho mẹ. Trước khi về làng cũ, tôi sẽ ghé lại Sài Gòn, nhờ các danh cầm, trong đó chắc chắn phải có cây đàn tranh cùng hòa tấu cho tôi ca để thu vào băng nhựa những bài ca của tôi được mẹ yêu thích.
    Trong lễ chúc thọ, tôi sẽ dâng cho mẹ cuốn băng này và sẽ đặt nó vào “cassette” cho mọi người đến dự tiệc thưởng thức giọng ca “tài tử” của một “ca sĩ nghiệp dư” ở Mỹ Quốc về. Chắc mẹ sẽ vui mừng, cảm động đến tuôn rơi nước mắt. Tôi sẽ dâng cho mẹ những món cao lương mỹ vị và chính tay tôi sẽ đút cho mẹ ăn từng muỗng vì mẹ đã già, chân yếu, tay run. Tôi sẽ gợi hứng cho mẹ xướng âm vài đoạn trong những bài bản mà mẹ còn nhớ được. Chắc tôi sẽ bật cười khi nghe những tiếng á . .á. . trong bản đàn tranh.
    Nhưng dự tính chưa thực hiện được thì bất ngờ mẹ tôi lâm trọng bệnh và qua đời trong khi tôi không về nhìn được mặt mẹ lần cuối. Tôi không vẹn tròn chữ hiếu với mẹ tôi! Niềm hối hận ray rứt cả cuộc đời tôi không bao giờ nguôi được.
    Những năm tháng trước khi mẹ tôi mất, tuy sống ở tha phương nhưng mỗi lần nhớ mẹ, tôi nghe lòng mình còn được an ủi là sẽ có ngày về quê để gặp lại mẹ. Bây giờ, mỗi lần nhớ mẹ, tôi nghẹn ngào, đau xót vì biết rằng không bao giờ tôi được gặp lại mẹ tôi nữa!
    Ngày xưa, xa lìa tổ ấm để đi vào cuộc đời sương gió, những lần bị hoạn nạn, bị phiền não, bị thất bại, bị đắng cay, tủi nhục, tôi cũng về bên mẹ để được mẹ xoa dịu những nỗi đau thương bằng giọng nói hiền hòa, êm ái, để được mẹ nhìn bằng ánh mắt trìu mến, bao dung. Bây giờ tôi biết tìm đâu nguồn yêu thương vô bờ bến của mẹ tôi!
    Suốt đời mẹ hy sinh cho chồng, con, không quản ngại sự nhọc nhằn đau khổ. Mẹ tôi là một người mẹ Việt Nam vẹn toàn tứ đức, tam tòng. Mẹ sốt sắng trong việc làm từ thiện, cứu giúp người bất hạnh, cứu cả loài vật gặp nạn tai, để đức lại cho các con được hưởng về sau.
    Tôi đã mất đi một người mẹ nhân từ mà tôi mãi mãi tôn thờ. Tôi cầu nguyện xin Thượng Đế cho tôi được làm con của mẹ ở kiếp sau để tôi sẽ đền bù những thiếu sót trong bổn phận làm con của tôi ở kiếp này.
    Trong những buổi hoàng hôn, những buổi hừng đông trước khi đến hãng làm việc, tôi cũng đốt nhang trước bàn thờ và nhìn di ảnh của mẹ tôi trong nỗi thương tiếc vô cùng.
    Mỗi lần nghe tiếng đàn tranh qua băng, đĩa cổ nhạc miền Nam là tôi nhớ đến hình ảnh mẹ tôi ngồi khảy đàn tranh ngày trước. Hình như tiếng đàn tranh của mẹ còn vang vọng dư âm trong suốt cuộc đời tôi.
    Tôi sẽ thực hiện một cuốn băng nhựa với giọng ca của tôi qua những bài vọng cổ mà mẹ đã yêu cầu dù bây giờ mẹ đã an giấc ngàn thu. Tôi sẽ về Việt Nam để thăm mồ mẹ và trước bàn thờ mẹ, tôi sẽ mở máy “cassette” cho tiếng ca của tôi theo khói hương nghi ngút gởi đến mẹ ở cõi xa.
    Tôi sẽ đi học cấp tốc đàn tranh trong thời gian về thăm quê hương. Tôi sẽ mua một cây đàn tranh đem về đất Mỹ để treo bên bàn thờ mẹ tôi. Trong những đêm nhớ mẹ hay những ngày giỗ, tôi sẽ đàn một bản trước bàn thờ mẹ cũng như ngày xưa mẹ đã đàn để tưởng niệm ông bà ngoại trong ngày giỗ hàng năm./.
    Kha Lăng Đa
    (Hoa Huệ Trắng)


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X