Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Kỳ Quan Mẹ

Collapse
X

Kỳ Quan Mẹ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Kỳ Quan Mẹ

    KỲ QUAN MẸ
    Võ Ý




    BÀ CỤ SINH NĂM TÂN HỢI. Ông Quang nhớ trong đầu cuộc cách mạng Tân Hợi bên Tàu xảy ra vào năm 1911, cho nên khi có người hỏi về tuổi của cụ thì ông trả lời như cái máy là, bà cụ sinh năm Tân Hợi 1911. Tính đến năm 2007, cụ bà Tâm Thí (pháp danh của cụ) thọ 97 tuổi ta, 96 tuổi tây. Nên nhớ là phải tính theo tuổi ta để cụ vui và để thấy gương mặt cụ hân hoan hãnh diện với tuổi thọ của mình.

    Ông Quang về Sàigòn thăm Mẹ nhân ngày đầu xuân Đinh Hợi. Thay vì làm lễ thượng thọ ở nhà hàng, ông lại đến chùa để xin một lễ Cầu An cho cụ. Ông cũng mua chim phóng sinh để hồi hướng công đức cho cụ trong lễ này. Dự định của ông được bà xã tán đồng nên ông rất là vui. Dự định đó cũng làm đẹp lòng cụ nữa vì cụ thích kinh kệ từ khi góa bụa kể đã trên 60 năm rồi. Ông Quang muốn thể hiện chút hiếu đạo của mình đối với Mẹ bằng cách báo hiếu pháp. Việc phóng sinh nằm trong cách báo hiếu đó.

    Ông nghe băng kinh thuyết giảng về lợi ích của việc phóng sinh, việc cứu một sinh mạng là phước báu vô cùng nên ông quyết định gieo trồng công đức nầy để kính dâng lên Mẹ mặc dù có sự bàn ra của ông bạn mà ông nhờ mua chim. Ông bạn cho rằng mình mua chim phóng sinh, người bẫy chim tìm bắt chúng lại và đem đi bán thì ích lợi gì qua cái vòng lẩn quẩn đó chứ? Ông Quang mượn ý của bài giảng trả lời rằng, việc phóng sinh có cái lợi ích của việc phóng sinh, việc bắt chim có cái hậu quả của việc bắt chim. Gieo nhân nào thì gặt quả đó.

    Cuối cùng, ông bạn cũng giúp mua một trăm con chim sẻ loại thật khỏe để khi tháo lồng thì chúng có thể bay xa bay cao khỏi bị bắt trở lại.

    LÚC ĐẦU, ÔNG QUANG nhờ đứa cháu gái gọi bằng cậu chở ông đến chùa Sư-Nữ Vĩnh Phúc thuộc quận Hưng Thạnh gần nhà. Vì là ngày giáp Tết nên Sư-Bà bận hội nghị tổng kết thành tích cuối năm. Một ni-cô trẻ ra mời hai cậu cháu vào phòng khách ngồi đợi. Tiếng loa bên phòng hội nghị vọng lại chát chúa. Ông Quang nghe chối tai và bừng tĩnh liền bảo cháu gái chở ông ra về. Cô cháu ngạc nhiên không hiểu chuyện gì và ông Quang cũng không tiện giải thích. Còn ni-cô thì chạy theo mời hai cậu cháu nán ở lại vài phút vì Sư-Bà sắp trở về. Thấy tội nghiệp ni-cô trẻ, ông Quang chắp tay đãnh lễ:

    - Mô Phật! Thưa ni-cô, lần nầy chưa thuận duyên, hy vọng lần sau, mong ni-cô hỉ xả!

    Trên đường về, bên tai ông Quang còn văng vẳng tiếng loa chát chúa trong hội trường chùa Sư-Nữ. Lòng ông băn khoăn tự hỏi: Không biết trong năm qua, chùa Vĩnh Phúc đã thi hành đúng chủ trương đường lối gì của nhà nước vậy cà? Chả lẻ mấy sư-nữ nầy đã nhạt mùi son phấn lại đi say mùi...độc đảng?

    Ôi thiện tai thiện tai !?

    Ông Quang tìm đến chùa Giác Ngạn ở Phú Nhuận cũng với ý định xin thầy trụ trì một lễ Cầu An cho Mẹ. Trước 1975, cụ bà Tâm Thí vẫn thường lui tới lễ bái ở chùa này vì gần nhà. Một thanh niên nói giọng Bắc cho biết sư trụ trì đã đi cúng lễ. Ông Quang tò mò:

    - Sư trụ trì là người miền nào vậy ?
    - Miền Bắc
    - Chú là sa-di chùa nầy?
    - Vâng, nhưng nay đã hoàn tục rồi! Nói xong thì cười nhẹ để lộ hàm răng đóng bợn vàng khói thuốc.
    - Thế mấy Sư người Nam trước kia còn ở đây không ?
    - Còn, nhưng mấy Sư đó không có trách nhiệm!

    Ông Quang kiếu từ ra về.
    Bước đi nặng nề.
    Lòng ngổn ngang oan khiên dâu bể.

    Rồi ông theo bà xã đến thăm chùa Pháp Hoa ở Bình Thạnh. Bà xã cho biết Sư trụ trì chùa nầy có phép thần thông. Trước đây, nếu có ai dự định vượt biên hoặc có người thân đã vượt biên nhưng không biết tin tức tốt xấu như thế nào, nếu thành tâm đến xin gặp Sư, hầu như 99% sự việc thành bại ra sao đều được Sư phán như thần.

    Trong lúc bà xã vào chánh điện lễ bái, ông Quang thơ thẩn ngoài sân chùa để ngắm cây cảnh. Ông “tỉnh ngộ” ngay khi đứng trước một bảo tháp trong khuôn viên chùa với hàng chữ: “Di tích lịch sử nầy tri ân những biệt động thành đã xã thân vì sư nghiệp giải phóng Miền Nam!”

    - Mô Phật! Liệu câu kinh tiếng kệ trong chùa Pháp Hoa có là nước cam lồ có thể dập tắt ngọn lửa sân hận đang phừng phực trong lòng một quân nhân phật tử dốt nát kinh kệ tồi tệ giáo lý như con chăng?
    - Mô Phật! Có thật một kẻ cướp nếu tự nguyên quăng đồ đao là có thể thành Bồ Tát ?
    - Mô Phật! Liệu những biệt động thành ghi danh trên bảo tháp nầy sẽ vãng sanh trong khi họ vẫn giữ trong tâm trí chủ nghĩa tam vô ?
    - Mô Phật! Thiện tai! Thiện tai!!

    ÔNG BÀ QUANG đến thăm một cháu gái khác đang bán cửa hàng trà trong chợ Thị Nghè, cháu Ngọc Hạnh là Phật tử lâu đời của Tịnh Xá Trung Tâm Gò Vấp. Qua lời giới thiệu của cháu, hai ông bà đến thăm Tịnh Xá. Một vị sư trẻ tiếp đón ân cần và ghi nhận ước muốn của ông bà Quang.

    Sau khi đã thuận thảo ngày giờ và các chi tiết trong lễ Cầu An và Sớt Bát cho cụ bà Tâm Thí, vị sư dặn dò:

    - Đạo hữu nhớ viết một bài tác bạch!
    - Bạch thầy, con không hiểu tác bạch là gì?
    - Là những suy nghĩ của mình về lễ Cầu An cho Mẹ, mình nghĩ sao viết vậy mới hay!
    - Bạch thầy, con sẽ cố!

    Ông Quang thông báo sự kiện cho mọi thành viên trong đại gia đình biết để chuẩn bị tham dự buổi lễ Cầu An vào lúc 10 giờ sáng ngày mồng hai Tết Đinh Hợi. Cháu Ngọc Hạnh đảm trách liên lạc Tịnh Xá, mua sắm hoa quả hương đèn và ứng tịnh tài để tiến hành lễ Cầu An và bửa cơm gọi là Xớt Bát (chia xớt bát cơm?) cho đại gia đình của cụ bà Tâm Thí và tất cả Phật tử tham dự buổi lễ nêu trên.

    Lễ Cầu An đã cảm kích lòng cụ.
    Cụ nôn nóng bồn chồn như trẻ nít, hết mân mê bộ quần áo ưng ý nhất lại trằn trọc thâu đêm. Ông bà Quang và cô em Phúc Vĩnh nhìn nhau mỉm cười mà lòng dạt dào một niềm thương kính Mẹ, thương kính vô cùng...

    Buổi lễ diễn ra thật trang nghiêm.
    Ngoài đông đảo thiện nam tín nữ xa gần, còn có khoảng 20 tăng ni chứng minh buổi lễ. Sau một thời kinh, vị sư chủ lễ dáng người cao lớn nhu hòa, thuyết giảng bài pháp nói về công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ và đạo hiếu của người con. Vị sư nhắc đến pháp danh Tâm Thí nhiều lần.

    Cụ ngồi tĩnh lặng trên chiếc xe lăn, chắp tay trước ngực thành kính nghe kinh nghe pháp. Mỗi lần nghe nhắc đến pháp danh của mình, cụ vừa xá vừa niệm Nam Mô A Di Đà Phật! Ông Quang đứng sau lưng Mẹ, vừa canh chừng sự an toàn cho cụ vừa lắng lòng theo câu kinh tiếng kệ và lời pháp nhủ.

    Ngay sau khi lễ tất, vị sư chủ lễ bất ngờ mang một bó hoa tươi xinh đẹp đến tặng cụ với lời chúc thọ nhân ngày đầu năm mới:

    - Nam Mô A Di Đà Phật! Cụ sống đến tuổi nầy thật là hiếm. Hiếm là ở tuổi nầy mà cụ vẫn khỏe mạnh tinh tường. Lại càng hiếm là cụ vẫn niệm Phật hàng ngày. Đó là phước báu. Nhân ngày đầu năm, xin Mười Phương Chư Phật gia hộ cho cụ sống thọ đến 108 tuổi là tốt vô cùng!

    Cụ ngước lên, gương mặt hân hoan như trẻ được quà, một tay nhận bó hoa, một tay vẫn chắp trước ngực, cúi đầu đảnh lễ:

    - Mô Phật! Con xin cám...ơn thầy! Mô Phật! Mô Phật!
    Giọng cụ không rõ ràng, hình như có chút xúc động nghẹn ngào...

    Buổi lễ kết thúc đúng ngọ. Chư tăng và Phật tử chuẩn bị thọ trai.

    LỜI TÁC BẠCH không có duyên đọc trong lễ Cầu An để dâng Mẹ, mà lại đọc trong lễ Tiễn Ông Bà vào chiều mồng ba Tết Đinh Hợi trước các con dâu cháu chắt của cụ bà Tâm Thí.

    “...Hẳn quý vị đều biết, trên thế giới có rất nhiều kỳ quan. Theo chúng tôi, kỳ quan đẹp nhất trên đời nầy là Kỳ Quan Mẹ. Hôm nay, gia đình chúng tôi vinh hạnh được chia xẻ những nét đẹp tiêu biểu về Kỳ Quan Mẹ của chúng tôi....

    Mạ mồ côi từ thuở ấu thơ, được một ông cậu đem về nuôi đã là phúc, chứ làm sao có đủ điều kiện cắp sách đến trường ? Khi đến tuổi tròn trăng, Mạ bị bạo bịnh, may nhờ một thầy lang trong làng tận tình chữa khỏi. Mạ đền đáp ơn cứu tử bằng cách về làm dâu cho thầy. Ông thầy chính là ông nội của chúng tôi.

    Ba Mạ chung sống được 12 năm sinh được ba con thì gãy gánh.
    - Năm 1945, Ba mất. Mạ thủ tiết thờ chồng, một mình tần tảo nuôi ba con ăn học.
    - Năm 1960, hai con trai từ giã Mạ theo nghiệp kiếm cung.
    - Năm 1975, hai con trai rơi vào vòng lao lý dưới mỹ từ “học tập cải tạo” Mạ lại tần tảo nuôi các cháu bữa cháo bữa rau
    - Năm 1984, Mạ ngã té, nứt xương chậu bên phải.
    - Năm 1989, Mạ ngã té, nứt xương chậu bên trái và gãy cổ tay trái.

    Những thương tật đó tồn tại và gây khó khăn cho Mạ trong việc đi đứng cho đến ngày nay. Gần một thế kỷ, đời Mạ đã bị chi phối bởi bốn cái khổ do Đức Bổn Sư Thích Ca vạch ra, trong đó có cái khổ sinh ly tử biệt.
    - Thuở ấu thơ, Mạ buồn khổ với tử biệt của đấng sinh thành.
    - Năm 1945, Mạ buồn khổ với tử biệt của người bạn đời yêu dấu.
    - Năm 1960, Mạ khổ sinh ly hai người con trai đáp lời sông núi.
    - Năm 1975, Mạ khổ sinh ly hai người con trai đi tù cải tạo, đứa 6 năm, đứa 13 năm.
    - Năm 1982, Mạ khổ sinh ly người con trai cả vượt biển cho đến ngày nay.
    - Năm 1992, Mạ khổ sinh ly người con trai thứ đi HO cho đến nay...

    Cả một đời chìm nổi trong tử biệt sinh ly, cơ cực trong chinh chiến triền miên..., vậy mà Mạ vẫn như cây tùng trước bão, vẫn khiêm cung tồn tại với Đất Trời và với con cháu, là bởi đâu?

    - Xin thưa, là bởi Mạ bền bỉ chịu đựng mọi tai ương bằng tất cả tấm lòng tha thiết với con cháu và...niệm Phật!

    Nhớ lại khoảng giữa năm 1992, gia đình chúng con chuẩn bị đi HO10, biết lòng chúng con ái ngại trước tình cảnh thương tật của Mạ, Mạ an ủi:

    - Thôi con hãy yên lòng ra đi để mưu tìm cuộc sống mới với chúng bạn anh em và cũng để cho các con của con có cái tương lai, còn phần Mạ thì đã có Chư Phật độ...cho Mạ rồi!

    Nói xong thì Mạ không giữ được giọt lệ vô lượng hy sinh.

    Ngày nay hầu như nhà nào tại Sàigòn cũng trang trí những câu liểng hay thư pháp nói về công ơn của Cha Mẹ như : “Đi khắp thế gian không ai sánh bằng Mẹ, Gian khổ cuộc đời ai gánh nặng hơn Cha; Chi cho bằng cơm với cá, chi cho bằng Mạ với con..”.

    Chúng con chợt nhận ra rằng, những thư pháp bày bán ngoài đời và băng kinh Vu Lan mà Mạ nghe hằng ngày là những chỉ dấu mà thế gian và Mạ muốn răn dạy đạo hiếu cho tất cả mọi người con trong đó có chúng con.

    Thưa Mạ kính yêu,

    Vào cuối đời mà Mạ vẫn không trút bỏ được nỗi khổ sinh ly. Sinh ly hai người con trai. Trai thì trung hiếu làm đầu. Trung thì chúng con vẫn giữ, nhưng hiếu thì làm sao chu toàn khi chúng con không cận kề bên Mạ? Em gái chúng con, cô út Phúc Vĩnh, cũng nặng gánh gia đình với các con và các cháu nội ngoại của cô ấy, vậy mà vẫn lo phụng dưỡng Mạ từ sau 1975 cho đến nay, nghĩ mà biết ơn cô ấy vô cùng và cũng vô cùng hỗ thẹn về thực tế bất hiếu của mình.

    Những giây phút cận kề bên Mạ là một trong những giây phút hạnh phúc và an lạc nhất đời. Chúng con thấy bờ giác như ẩn hiện đâu đây...Đạp xe ra chợ mua cháo đậu đen với cá bống kho tiêu cho Mạ ăn sáng, là một hạnh phúc. Tự mình đi chợ mua các thứ về xào mì thật mềm và Mạ ăn khen ngon, là một hạnh phúc. Thắp hương trên bàn Phật, bàn vong để Mạ tụng kinh mỗi sáng, là một hạnh phúc. Tắm rửa giặt giũ thuốc thang cho Mạ, là một hạnh phúc.

    Những hạnh phúc phút giây nhỏ nhoi quá làm sao lấp cho đầy cả một đời hy sinh của Mạ?

    Chúng con chợt nhận ra một điều đơn giản là ngồi lắng nghe Mạ kể chuyện đời của Mạ, những chuyện xa lắc xa lơ và đã kể nhiều lần, nhưng lần nào Mạ cũng kể say sưa những tận cùng gian nan những chất ngất chịu đựng mà Mạ đã trải qua, cũng là một cách báo hiếu. Nhưng điều đơn giản nầy cũng quá hiếm hoi đối với Mạ thì thử hỏi đến bao giờ chúng con mới không bận lòng về công ơn dưỡng dục sinh thành ?

    Con lại hứa hẹn sẽ về bên Mạ đến hết cuộc đời. Lời hẹn vẫn còn là ước hẹn nên Mạ lại trông ngóng mong chờ và đời Mạ vẫn là tử biệt sinh ly!...”


    CỤ LẮNG NGHE bài tác bạch do ông Quang nghĩ sao viết vậy, hai mắt cụ mơ màng nhưng lòng cụ chắc hẳn reo vui. Hễ nghe và nhớ một cảnh đời nào, cụ lại hân hoan hỏi, “con viết đó hả ?”, rồi như để tưởng thưởng ông con, cụ lại niêm hai tiếng Mô Phật!

    Trong không khí sum vầy ngày mồng ba tết, ông Quang nhẫm được mấy vần thơ về Mạ và ông muốn theo mốt thời thượng của bà con Sàigòn là nhờ viết “thư pháp” mấy vần thơ để treo trong nhà, gọi là để tôn vinh Kỳ Quan Mẹ của mình. Ông nghĩ rằng, mấy vần thơ sớm muộn gì cũng vận vào đời ông...

    Bước lui bước tới nôn nao
    Bước luân hồi đó trước sau cũng về
    Mẹ ơi con lạc bến mê
    Mà bờ giác chỉ cận kề Mẹ thôi...



    Võ Ý
    Saint Louis, MO, Vu lan 2007
    Corona, CA, Xuân 2009
    Last edited by chieutim; 08-29-2013, 08:05 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X