Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Phỏng Vấn Nhà Văn Trường Sơn Lê Xuân Nhị

Collapse
X

Phỏng Vấn Nhà Văn Trường Sơn Lê Xuân Nhị

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Phỏng Vấn Nhà Văn Trường Sơn Lê Xuân Nhị

    Phỏng Vấn Nhà Văn Trường Sơn Lê Xuân Nhị












    LTS: Trong số những cây viết nổi tiếng ở hải ngoại, Nhà văn Trường Sơn Sơn Lê Xuân Nhị là người có một vị trí đặc biệt: viết nhanh, viết nhiều, viết rất lôi cuốn. Dù viết truyện ngắn hay truyện dài, truyện về những kỷ niệm trong quân ngũ thời chiến tranh Việt Nam, hay tiểu thuyết “đen” về xã hội mafia tại Mỹ... ông đều tạo được một bản sắc riêng, khiến độc giả, ở góc độ này hay góc độ khác, khi đọc truyện đều phảng phất thấy lại màu sắc, hương vị của quê nhà, cùng cái “riêng” của tác giả qua các nhân vật... Truyện của TSLXN bao giờ cũng giản dị, dễ hiểu, nền hầu hết mọi người đều “nghiền” đọc truyện của ông, không khác gì “nghiền” truyện kiếm hiệp của Kim Dung... Suốt thời gian mười năm qua, Sàigòn Times đã nhiều lần hân hạnh giới thiệu các truyện ngắn, truyện dài của nhà văn TSLXN, và thường xuyên nhận được qua điện thoại, thư, email... lòng ái mộ cùng những thắc mắc của đông đảo độc giả dành cho ông. Đáp ứng lòng ái mộ của độc giả, nhân dịp năm hết tết đến, Sàigòn Times đã dựa vào những thắc mắc của độc giả viết thành một số câu hỏi gửi tới nhà văn TSLXN để ông tâm tình, hé lộ một chút “riêng tư” cùng qúy độc giả. Sàigòn Times chân thành cảm ơn nhà văn TSLXN, và sau đây xin trân trọng giới thiệu cùng qúy độc giả “tâm tình” của ô Từ một sự tình cờ đầu tiên với truyện ngắn “Phi Đoàn 114” cách đây hơn chục năm, đến nay, anh đã viết hàng chục ngàn trang gồm đủ truyện dài, truyện ngắn, và trở thành một nhà văn có tác phẩm bán chạy nhất tại hải ngoại. Anh có nghĩ đó là số mệnh không nhỉ" Và nếu có, anh thấy mình may mắn hơn, được thượng đế ưu đãi hơn"

    TSLXN: Thưa anh, anh nghĩ đúng. Đúng là số mạng và tôi là kẻ được Thượng đế ưu đãi hơn, đúng hơn là được may mắn hơn rất nhiều người. Sau hơn 10 năm cầm bút bây giờ nhìn lại, tôi phải công nhận như thế. Viết mà có người chịu đọc đã là một may mắn. Người đọc mà thích thì là may mắn lớn hơn nữa. Và có sách bán chạy, kiếm được một số ít lợi nhuận đem về nhà thì quả là một đại may mắn.

    SGT: Nhiều độc giả thủy chung theo dõi những sáng tác của anh suốt thời gian hơn chục năm qua, từ truyện ngắn “Phi Đoàn 114” đến các truyện ngắn trong tập truyện Đất Khách Trời Quê, Trôi Theo Vận Nước, rồi những truyện dài như Xếp Al Capone, Phát Súng Ân Tình, và hiện tại, truyện dài Ngài Chủ Tịch đang đăng trên Sàigòn Times, họ đều cảm thấy, dù là truyện dài hay truyện ngắn, truyện viết về Việt Nam hay viết về mafia của nước Mỹ, tất cả đều có một cái “chất”” rất đặc biệt của TSLXN. Anh nghĩ sao về suy nghĩ này của độc giả"

    TSLXN: “Cái chất đặc biệt của TSLXN,” theo sự nhận xét của độc giả, tôi nghĩ có thể đúng. Tôi viết văn không giống ai cả. Có lẽ vì suốt đời tôi, tôi rất ghét những cái gì giả tạo, kệch cỡm, nặng phần trình diễn, dối trá, bề ngoài v.v... Lúc mới cầm bút viết thử vài bài, tôi cũng không bao giờ nghĩ mình sẽ thành một nhà văn vì tôi nghĩ sao thì viết vậy, chỉ cốt ý muốn đem những suy tưởng của mình viết ra trên giấy, nhiều khi còn sợ không biết mình viết có trúng văn phạm không nữa. Nhưng tôi luôn luôn tuân theo một quy luật căn bản là, văn phải tươi sáng rõ ràng, dễ hiểu dễ đọc, không cầu kỳ, không làm dáng, không làm khách, không chơi chữ, không làm ra vẻ như ta đây có một kiến thức uyên bác siêu việt. Muốn tả con gà thì dùng những chữ gì rõ ràng nhất, dễ đọc nhất, và ngắn nhất để tả con gà, chứ không cầu kỳ, vòng vo tam quốc một lúc mà người đọc đọc xong cũng không biết mình muốn tả con gà hay con vịt, hoặc... con chim. Hơn nữa, tôi là một người có óc trào phúng, (như nhiều người đã nói, “ông lúc nào cũng đùa được, chẳng bao giờ coi việc gì là quan trọng”), và muốn đem sự trào phúng vào truyện mình viết. Nhưng trào phúng là con dao hai lưỡi. Nếu làm cho người ta cười được thì hay, nhưng ngược lại, nó sẽ trở thành lố bịch. Nụ cười phải thật là đơn sơ, dễ dàng, để nó tự động đến chứ không gượng ép. Nếu không thấy cười được thì tốt nhất là đừng đem nó vào.

    SGT: Có những nhà văn chỉ viết truyện dài và ngược lại cũng có những người chỉ viết truyện ngắn. Và năm ngoái, khi nhận xét về truyện dài, truyện ngắn, với cô Quỳnh My (nguyệt san Hồn Quê), nhà văn Hồ Đình Nghiêm có ví von với lời của cô bán bia ôm, “Dài thì em sợ, mà ngắn quá ngó cũng nản!” Anh là người viết cả truyện dài lẫn truyện ngắn mà truyện ngắn đã dài, truyện dài lại càng dài, và dài nhiều hay dài ít, truyện nào cũng được độc giả ái mộ, chẳng ai sợ mà cũng chẳng ai nản. Vậy theo anh, truyện dài và truyện ngắn, truyện nào viết dễ có duyên như truyện của anh"

    TSLXN: Cám ơn về lời khen của anh. Đối với tôi, truyện nào viết cũng... dễ viết cả. Điều quan trọng là mình phải diễn tả hết được những gì mình muốn nói. Dài, ngắn, không phải là điều làm cho tôi bận tâm. Nhưng thường thường thì tôi phải rút ngắn lại rất nhiều vì nếu không thì truyện ngắn của tôi sẽ trở thành.... truyện dài. Tôi không bao giờ viết hết được những gì mình muốn nói. Văn chương không bao giờ chuyên chở hết tư tưởng của tôi được. Truyện dài hay truyện ngắn cũng vậy, tôi luôn luôn bắt đầu bằng một ý tưởng nhỏ. Nhưng khi đã dựng nên nhân vật rồi thì nhân vật của tôi thường là.... viết dùm cho tôi. Tôi chỉ ghi lại những diễn biến trên bàn máy điện toán. Về truyện ngắn thì khó nhất luôn luôn là 2 trang đầu tiên. Có khi tôi phải bỏ tới, bỏ lui, sửa qua sửa lại cả hàng chục lần. Có nhiều khi phải quăng luôn vào sọt rác, không thể tiếp tục được. Nhưng sau 2 trang đầu rồi thì 10 ngón tay tôi thường không đánh máy kịp những suy tưởng của mình... Có một điều tôi để ý là, một truyện ngắn thất bại luôn luôn là một thai nghén hoặc một chuẩn bị cho một truyện ngắn khác hay hơn câu truyện mình đang cố gắng viết nhưng không được. Vì thế, nếu ai muốn viết văn, tôi đề nghị phải viết liền, viết luôn tay vì, như người ta thường nói, “Không có một cố gắng nào là một cố gắng vô ích cả.” Có thể mình không viết được câu truyện, nhưng mình cũng học được một kinh nghiệm về viết, hoặc làm nẩy sinh một tư tưởng mới. Lần lần, mình sẽ viết được đều tay.

    SGT: Trong số những truyện anh sáng tác, truyện Ba Người Phi Công Tỵ Nạn là một truyện ngắn. Nhưng sau đó, anh viết tiếp 3 truyện ngắn khác, cũng về cuộc đời của 3 người phi công, là truyện Ba Người Phi Công Vào Đời, Ba Người Phi Công Tranh Sống, và Ba Người Phi Công Ăn Tết. Như vậy, anh có nghĩ bốn truyện ngắn đó gộp lại thành 4 chương của một truyện dài được không"

    TSLXN: Cám ơn anh đã nhắc tới 3 người phi công. Tập truyện dài “Ba Người Phi Công Tị Nạn”, một tổng hợp của 4 truyện ngắn, vừa được cho in thành sách và có bán ở nhà Sách Saigon Bookshop ở Cabramatta, Úc, cũng như những nhà sách khác tại Mỹ. Đây có thể nói là một tác phẩm vui nhộn nhất, tếu nhất, cười nhiều nhất và ăn ý nhất của tôi. Tôi không biết sẽ có bao giờ mình còn có thể viết được những tác phẩm ăn ý như thế nữa hay không.

    SGT: Đông đảo độc giả đọc những truyện ngắn về Ba Người Phi Công đều rất thích thú và muốn biết kết quả cuộc săn tìm người tình của ba chàng phi công sẽ đi đến đâu. Không biết anh có ý định viết tiếp truyện Ba Người Phi Công thành một trường thiên tiểu thuyết cỡ như Phát Súng Ân Tình"

    TSLXN: Chuyện này có lẽ phải chờ một thời gian mới biết được vì viết “Ba người phi công” không dễ như viết Phát Súng Ân Tình. Bộ Phát Súng Ân Tình, nếu muốn, tôi có thể kéo dài đến 20 cuốn hoặc nhiều hơn mà vẫn hấp dẫn vì tôi luôn luôn biết biến hóa và nắm vững được bố cục. Nhưng “Ba người phi công” thì chứa đựng nhiều kỷ niệm, nhiều nụ cười hồn nhiên, nhiều niềm vui cũng như nỗi buồn của những người lính trẻ miền Nam sau ngày mất nước. Một phần của “Ba người phi công” là phản ảnh của cuộc đời sống thật chúng tôi: bơ vơ, buồn, uất nghẹn, và cuối cùng, cô đơn. Tôi muốn bộ “Ba người phi công” là một tác phẩm hay và quý. Sau này, biết đâu chừng, khi con cháu mình đọc lại, chúng nó sẽ phần nào hiểu được tâm trạng của một “thế hệ lính trẻ” của miền Nam anh dũng...

    SGT: Cách đây hơn 30 năm, khi trò chuyện với nhà thơ Viên Linh, nhà văn Bình Nguyên Lộc đã cho biết: “Nghề văn Việt Nam hơi buồn. Mình viết văn ngoài các mục đích thiển cận, có một mục đích là muốn thiên hạ biết ý và lòng mình ra sao. Nhưng trung bình chỉ có lối ba ngàn người tìm biết thì thất vọng lắm. Dân ta đông tới 30 triệu, còn 29 triệu 9 trăm 97 ngàn người khác không thèm biết mình, thì tủi thân quá. Nhưng bạn hữu tôi an ủi tôi rằng tuy vậy mà số người đọc báo cọp và sách cọp đông lắm, nên tôi cũng hả dạ phần nào. Những ông đọc cọp chỉ giết chủ báo và chủ nhà xuất bản, chớ tôi thì có lợi về tinh thần. Tôi cũng bị thiệt hại lây vì các ông chủ báo, chủ nhà xuất bản kiếm tiền không được, không nuôi tôi no ấm lắm, nhưng dù sao cũng có một tí lợi tinh thần đã nói.” Qua đoạn văn tôi vừa trích, xin hỏi anh, nghề văn Việt Nam ở hải ngoại buồn hay vui" Ở hải ngoại, tình trạng đọc sách cọp có “đông lắm” không" Trong tư cách vừa là nhà văn lại vừa là nhà xuất bản, anh nghĩ sao về lời nhận xét của nhà văn Bình Nguyên Lộc"

    TSLXN: Văn chương hải ngoại, thật ra thì số lượng người đọc không bao giờ được như ý mình mơ ước, nhưng nói buồn thì cũng không đáng gọi là buồn. Tôi xin đưa ra vài con số. Những nhà văn khét tiếng của Mỹ như Tom Clancy hoặc John Grisham, mỗi tác phẩm mới in ra không tới 2 triệu cuốn, so với một dân số của Mỹ gần 300 triệu người. Xem thế thì biết chuyện này không phải chỉ xảy ra cho người Việt Nam mà còn ở khắp mọi nơi trên thế giới. Lý do đơn giản là văn chương không có sức hấp dẫn bằng Ti-vi hoặc chiếu bóng hoặc thể thao. Vì biết được cái quy luật căn bản này cho nên tôi không mơ ước nhiều lắm. Bán được bộ truyện nào thì tôi mừng cho bộ truyện đó. Về vấn đề đọc cọp, thì tôi đã biết từ lâu và nếu ai còn nhớ thì trong cuốn tiểu thuyết Al Capone 5, tôi có dành nguyên trang để đăng một câu như sau: “Đọc sách mượn hay đọc sách mướn là hại bạn và hại tác giả.” Tôi biết nhiều cuốn truyện của tôi được chuyền tay nhau nhiều khi đến cả chục lần, bìa rách bươm ra, tơi tả.

    SGT: Truyện của anh hầu hết đều tái bản hai, ba lần trong một thời gian rất ngắn. Thậm chí có nhiều cuốn tái bản tới lần thứ tư. Trong khi đó thì cộng đồng người Việt hải ngoại chỉ có trên dưới 2 triệu người, lại sống rải rác khắp nơi trên thế giới. So với tỷ lệ, 30 triệu người chỉ có khoảng 3000 người tìm biết tác phẩm của một nhà văn có tiếng tăm như Bình Nguyên Lộc, và hiện tại, tại Việt Nam, với dân số 80 triệu nhưng số lượng sách in trung bình 1000 hoặc 2000 cuốn cho một tác phẩm, và nếu có tác phẩm nào tái bản tới lần thứ hai, thứ ba thì được coi là hiện tượng lạ. Vậy anh có thấy nhu cầu đọc của người Việt hải ngoại cao hơn nhiều, phải không anh" Theo anh, đâu là nguyên nhân" Nội dung của một tác phẩm, trong đó có sự phát triển của các tình huống, các nhân vật trong truyện, có thường ám ảnh anh trong những lúc ngoài lúc ngồi vô bàn viết hay không"

    TSLXN: Tôi đồng ý với anh là nhu cầu đọc sách của người Việt ở hải ngoại mình cao hơn ở trong nước. Lý do dễ hiểu văn chương trong nước là văn chương bị kềm kẹp, làm sao phát triển nổi. Cũng cám ơn anh về lời khen. Nếu tôi nhớ không lầm thì bộ Phát Súng Ân Tình của tôi tái bản đến lần thứ sáu hoặc bảy, bộ Al Capone đến năm lần. Trong những lần tái bản đầu tiên, tôi luôn luôn trình bày lại, đề thêm vào là tái bản lần thứ hai, thứ ba, coi như là một hãnh diện. Nhưng sau đó thì làm biếng quá, khi hết sách, tôi chỉ gọi điện thoại cho nhà in, nơi còn giữ hình chụp của kỳ trước, bảo họ in thêm 500 hay 1000 cuốn, khỏi phải layout lại cho mất công. Thú thật với anh, có nhiều khi, tôi tự hỏi mình, không biết tại sao độc giả lại nghiền sách của tôi như thế" Có nhiều người bảo đọc truyện của ông nghiền như nghiền á phiện, cầm lên rồi thì không bỏ xuống được. Cũng có người gọi vào sở lấy nguyên một ngày nghỉ để nằm nhà đọc sách của tôi. Có một người (tôi có tên và địa chỉ) đọc bộ Phát Súng Ân Tình của tôi đến.... 8 lần, biên thư cho tôi, kể hết những sơ sót của tôi trong sách. Những sơ sót mà tôi thấy, nếu không đọc đến 8 lần thì người ấy không thể biết được. Đây hoàn toàn là sự thật, tôi không thêm bớt. Trả lời câu hỏi nguyên nhân, tôi nghĩ, là truyện phải hay. Phần tôi, tôi có một vài quy tắc căn bản mà tôi luôn luôn áp dụng khi viết. Trước hết, là phải dám “chặt không nương tay.” Những gì mình viết mà thấy nó thừa thãi, không hay, thì phải bỏ liền, đừng thương tiếc. Cái lỗi của đa số người viết là sau nhiều giờ đồng hồ ngồi vật lộn với chữ nghĩa, đọc lại họ biết nó không hay nhưng họ không dám cắt bỏ. Tôi thì khác. “Mày lạng quạng thì ông cho một đường vào sọt rác liền tút suỵt, không on đơ gì cả. Sorry,... words.” Nguyên tắc thứ hai, truyện mình viết phải biến hóa như giòng nước chảy. Một đoạn văn mới phải chứa đựng một cái gì mới, có thể là bất ngờ, nhô ra một vài chi tiết nhỏ, một âm mưu, một tình trạng khó khăn để độc giả phải suy nghĩ, chờ đợi, hồi hộp... Nếu được, chêm một vài câu để độc giả phải cười lên thích thú hoặc tiếc ngẩn tiếc ngơ. Điều cuối cùng, như đã nói, là văn chương phải đơn giản và rõ ràng. Nếu mình viết mà mình không hiểu mình muốn nói gì thì ai hiểu được mình đây" Trở lại phần cuối cùng của câu hỏi, các nhân vật trong truyện có thường ám ảnh tôi trong những lúc ngoài lúc ngồi vô bàn viết hay không, tôi xin trả lời là có. Tôi nghĩ, nhà văn là một người làm việc 24/24. Nhân vật của truyện dài thì ít ám ảnh tôi hơn bởi tôi đã quá quen thuộc với “nó”, biết từng cá tính, từng tật xấu, cái hay, cái dở của “nó” nên khi ngồi vào bàn thì chữ nghĩa bay ra đánh máy không kịp. Nhưng nhân vật của truyện ngắn thì luôn luôn ám ảnh tôi vì mình chưa thân thiết với nó nhiều.

    SGT: Là một nhà văn, theo anh, cái gì đáng yêu nhất, cái gì đáng ghét nhất, và cái gì đáng sợ nhất"

    TSLXN: Đáng yêu nhất là được độc giả gọi điện thoại cho mình vào lúc nửa đêm, giọng như muốn khóc, chửi mình, bảo tại sao ông tàn nhẫn quá, ông cho cô ấy chết một cách thảm thương như thế. (Brenda trong Phát Súng Ân Tình). Đáng ghét nhất là mình... tự khen mình. Chưa hết ở đây. Đáng tởm nhất là bẻ cong ngòi bút. Đáng sợ nhất là viết không có người đọc. Và đau thương nhất là không dám viết những gì mình nghĩ...

    SGT: Thông thường anh ngồi vào bàn viết khi nào" Anh có thói quen nào đặc biệt mỗi khi ngồi viết" Như phải hút thuốc, cà phê, uống rượu, nghe nhạc"...

    TSLXN: Tôi viết bất cứ lúc nào có chút thì giờ rảnh. Đã từ lâu, tôi tập được cho mình một cái thói quen là hễ ngồi xuống thì chữ phải chạy ra trên màn ảnh. Thói quen này mới đầu khó tập nhưng sau vài năm thì quen đi. Nhưng lúc viết thú nhất của tôi vẫn là vào lúc 2, 3 giờ sáng, lúc vợ con còn ngủ yên, tứ bề vắng lặng. Tôi thức giấc, pha một bình trà thật đậm và ngồi xuống trước máy điện toán và bắt đầu thoát ly ra khỏi cái thế giới mình đang sống, bước vào cái thế giới mà mình dựng lên. Tôi thích viết trong sự thinh lặng, nghe tiếng nước chảy róc rách từ cái bồn phun nước nhỏ ở bên cạnh, với một ly trà thật đậm.

    SGT: Nhà văn Hồ Đình Nghiêm tâm sự với tạp chí Văn Học, khi ngồi vào bàn viết là “loay hoay, thờ thẫn, chong đèn thức khuya, lộn hồn mất vía” để cuối cùng phải ráng giữ lời hứa, viết cho xong một truyện ngắn. Với anh, khi ngồi vô bàn viết, anh thấy sung sướng hạnh phúc hay phải vất vả, vật lộn với nhân vật, với nội dung câu truyện"

    TSLXN: Tôi đồng ý với nhà văn Hồ Đình Nghiêm. Hồi mới cầm bút, tôi nghĩ viết văn là thú tiêu khiển rất... cực nhọc mà anh Nghiêm đã nói, tôi khỏi cần phải nói thêm. Nhưng sau một thời gian thì cầm bút đối với tôi đã trở thành một nghề. (I consider myself a writer by profession.) Vì thế, tôi đã đặt cho mình một kỷ luật để tuân theo. Mỗi ngày, tôi phải viết ít nhất 1000 chữ truyện dài tiếng Việt, 500 chữ tiếng Anh. Nhưng thói quen này nhiều khi phải thay đổi vào những dịp gần Tết vì có khi tôi viết luôn một ngày 8 ngàn chữ để cho kịp đăng báo. Còn ngồi vào bàn viết thấy sung sướng hạnh phúc hay vất vả, thì cũng tùy. Nếu hai ngày mà tôi không viết được chữ nào thì cảm thấy mình.... có tội. Và sau đó khi được ngồi vào bàn máy, mở máy lên, tôi cảm thấy hạnh phúc sung sướng lắm. (Tôi viết luôn cả ngày Noel, cả ngày Tết, cả khi đi nghỉ mát, đi tắm biển.) Nhưng viết đều đều thì đôi lúc cũng chán, nhưng không nhiều. Khi mệt mỏi hay chán nản, tôi phải giải trí bằng cách chơi game hay viết computer program. Tôi thấy viết computer program rất hay vì nó tập cho mình cách suy luận, nó thử thách và kích thích trí não mình.

    SGT: Đời sống thường nhật của anh và độc giả, bằng hữu, gia đình vợ con... có ảnh hưởng gì đến việc sáng tác của anh hay không" Xin anh cho một hoặc hai thí dụ"

    TSLXN: Ảnh hưởng nhiều, thưa anh. Ví dụ, nếu tôi đã không là một phi công, đã không từng vào sinh ra tử thì tôi không thể nào viết nổi “Phi Đoàn 114”. Nếu không từng tham gia yểm trợ những cuộc hành quân, thì tôi không thể nào viết về những trận đánh được. Đồng thời, tôi là một người rất quý bạn bè, và bạn bè tôi toàn là lính, mà phải là lính biết uống rượu. Thỉnh thoảng, tôi phải đi nhậu một trận cho thật say với bạn bè để tìm cảm hứng và đề tài. Trong những buổi nhậu này, tôi học được rất nhiều từ bạn bè. Nói về vợ con thì tôi nghĩ có ảnh hưởng nhưng ảnh hưởng một cách khác. Đó là tôi phải cám ơn vợ tôi để yên cho tôi viết vì tôi làm việc hầu như suốt ngày suốt đêm.

    SGT: Trong những truyện dài của anh, những nhân vật chính trong truyện thuần túy là sản phẩm của tưởng tượng, hay là cảm hứng từ những người thật ở ngoài đời" Thí dụ như nhân vật Linh trong truyện Phát Súng Ân Tình"

    TSLXN: A, Linh là một nhân vật có thật và đặc biệt. Cám ơn anh đã hỏi câu hỏi này... Năm 1975, lúc tôi mới đến Mỹ, trong một buổi họp mặt do hội từ thiện tổ chức ở Kansas City, tôi được dịp gặp gỡ một vài phụ nữ Việt Nam đã theo chồng Mỹ sang đây trước. Ở Việt Nam, người ta thường gọi những người đàn bà này là Me Mỹ và có một cái nhìn khe khắc về họ. Nhưng khi tiếp xúc và nói chuyện với họ, tôi thấy họ là những người đàn bà thật là cao cả và đáng phục. Đa số lấy chồng Mỹ để nuôi gia đình, nhưng cũng có người lấy vì tình yêu thật. Điều lạ lùng tôi ghi nhận là, không ngờ những người đàn bà này lại là những người có lòng yêu nước cao độ... Trong số những người phụ nữa mà hội từ thiện mời tới để “ủy lạo” chúng tôi vào những ngày đầu tiên nơi đất khách, có một người nổi bậc lên như con Thiên Nga giữa bầy vịt. Nàng rất đẹp và có đôi mắt thật là buồn. Buồn như một đám mây lạc loài ở trên trời. Tên nàng là Linh. Tôi và Linh gặp nhau rồi là cứ quấn quít bên nhau như không muốn rời nhau, nói cười nghiêng ngả và thân tình như đã yêu thương nhau lâu ngày. Và chuyện này xảy ra ngay trước mặt người chồng Mỹ của nàng. Khi chia tay, nàng cho tôi số điện thoại và dặn dò mấy lần, nói tôi phải gọi cho nàng để nàng chở tôi đi mua sắm vì hồi đó tôi chưa có xe. Tôi mừng lắm nhưng về nhà suy nghĩ lại, biết rằng nếu tôi gọi, hai người sẽ trở thành tình nhân trong khi nàng đã có chồng nên tôi không muốn. Dù rất cô đơn, tôi không muốn đi phá hoại hạnh phúc kẻ khác... Vì nàng không có số điện thoại tôi (hồi đó mới sang tôi chưa bắt điện thoại) nên tôi bặt tin nàng luôn cho đến ngày hôm nay. Từ đó, linh hồn tôi bị người đàn bà tên Linh ám ảnh. Tôi không thể nào quên được đôi mắt buồn và nụ cười tha thiết của nàng. Cặp đùi của nàng nữa chứ... Tha lỗi cho tôi. Khi tôi viết Phát Súng Ân Tình, chuyện xảy ra ở Kansas City và tôi liền “nhét” Linh vào. Có một vài độc giả đã biên thư cho tôi, chửi rủa tôi thậm tệ khi tôi đã “hạ giá” con người Linh xuống thành một người đàn bà bủn xỉn trong câu truyện. Tôi không biết tại sao tôi lại đập vỡ thần tượng của mình như thế. Có lẽ, tôi làm thế để cho tôi bớt... nhớ nàng đi chăng" Tôi không biết nhưng tôi biết chuyện này: Linh ở ngoài đời cao cả hơn và đẹp hơn Linh ở trong truyện nhiều... Giờ này, không biết nàng đã lưu lạc nơi đâu. Ôi, “những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ...” (thơ Vũ Đình Liên)

    SGT: Theo anh, giữa cốt truyện và cá tính nhân vật, cái nào quan trọng hơn" Cốt truyện sẽ nhào nặn cá tính nhân vật, hay cá tính nhân vật sẽ dẫn dắt những diễn biến của cốt truyện"

    TSLXN: Tôi nghĩ cốt truyện quan trọng hơn. Vì không có cốt truyện thì không có nhân vật được. Nhưng khi mình đã tạo nên nhân vật (căn bản trên cốt truyện) rồi thì phải để cho nhân vật mình nặn ra sống theo bản năng của nó. Nếu nó là một thằng dâm tặc thì hãy để cho nó.... hiếp dâm vài người. Nếu nó là người tốt thì hãy cho nó đi nhà thờ hay chùa đọc kinh cầu nguyện hằng ngày. Từ đó, mọi chuyện sẽ xảy ra dễ dàng và tình tiết trở nên hấp dẫn.

    SGT: Thông thường, tác phẩm của một nhà văn được nhìn nhận như là một ký thác của nội tâm. Nếu vậy, trong những tác phẩm anh đã viết, tác phẩm nào, nhân vật nào, sự kiện nào được coi là ký thác nội tâm của anh" Đọc truyện của anh, người đọc có cảm tưởng anh là người viết rất nhanh, rất nhiều, và lúc nào cũng đầy ắp những điều chưa nói. Như vậy trước khi sáng tác một truyện dài hay truyện ngắn, anh có hay băn khoăn về 3 câu hỏi “Viết cái gì" Viết cho ai" Và viết như thế nào"” như những nhà phê bình văn học thường đặt ra"

    TSLXN: Phần đầu của câu hỏi, về tác phẩm nào hoặc nhân vật nào được coi là ký thác nội tâm nhiều nhất, tôi phải nói là “Ba Người phi công tị nạn.” Ngoài ra, tất cả những truyện ngắn khác cũng phần nào mang tâm trạng của tôi. Truyện ngắn mới nhất, “Căn Nhà Của Thinh”, cũng mang tâm trạng của tôi là luôn luôn muốn sống một cuộc đời vị tha, với một lòng dạ cao cả và bao la như trời đất... Phần thứ hai, về 3 câu hỏi, “Viết cái gì, viết cho ai...” thì thú thật, tôi không nghĩ tới. Tôi viết đơn giản lắm, chẳng bao giờ băn khoan mà cũng chẳng sợ gì ai. Khi viết một truyện ngắn, tôi bắt đầu bằng một ý tưởng nhỏ. Thế là tôi ngồi vào bàn máy, vẽ sơ ra bối cảnh và nhân vật trong đầu rồi bắt đầu nhào nặn nó lên... Nếu nó hay thì tốt, còn dở quá thì tôi quẳng luôn vào sọt rác.

    SGT: Nói đến câu hỏi “Viết cho ai” của tạp chí Văn Học, nhà văn Song Thao cho biết, “Cứ coi tôi như một anh đầu bếp đi chợ mua thịt cá, lựa rau lựa dưa, bắt thêm củ hành củ tỏi mang về xào xào nấu nấu. Cứ coi người đọc như những thực khách vào một nhà hàng. ông thích thế này, bà thích thế kia, bá nhân bá tính, mặn nhạt tùy người. Tôi dọn ra một món ăn, người khen người chê, người thích người không thích. Tôi cố nấu nướng sao cho mọi người đều hài lòng, càng nhiều càng tốt. Nhưng anh đầu bếp cũng có vấn đề của anh đầu bếp. Nấu nướng lâu ngày ngửi mãi thức ăn mình nấu cũng đâm chán. Chán mà chẳng bỏ được.” Vậy thưa anh, nhìn vào mối quan hệ giữa “thực khách” và “đầu bếp”, anh thấy anh có nhu cầu phải làm “mọi người đều hài lòng, càng nhiều càng tốt” hay không" Và tâm trạng của nhà văn Song Thao, “Nấu nướng lâu ngày ngửi mãi thức ăn mình nấu cũng đâm chán. Chán mà chẳng bỏ được”, có bao giờ là tâm trạng của anh"

    TSLXN: Tôi phần nào đồng ý với nhà văn Song Thao. Đôi khi nhìn cái màn ảnh cũng thấy chán lắm, nhưng không bỏ được. Vì thế, tôi luôn luôn tìm cách làm cho nó trở nên hấp dẫn. Nếu mình chán những gì mình viết ra thì hãy tưởng tượng, độc giả sẽ chán như thế nào khi đọc văn mình" Tôi luôn luôn cố gắng để những gì mình viết ra luôn luôn là tươi mát, vui vẻ, hấp dẫn.

    SGT: Anh là một trong số rất ít nhà văn kiêm luôn nhà xuất bản thành công tại hải ngoại. Vậy xin anh chia xẻ một số kinh nghiệm, đâu là thuận lợi, đâu là khó khăn và lý do nào khiến anh mới là nhà văn đã kiêm luôn nhà xuất bản"
    Tôi trở thành nhà xuất bản bởi vì, nói ra mà không ngượng, hồi tôi mới viết sách, chẳng có nhà xuất bản nào chịu in sách của tôi cả, ngoại trừ nhà xuất bản Đông Phương của anh Quốc Nam. Chuyện này dễ hiểu bởi mình là một người vô danh, nhà xuất bản không muốn phiêu lưu, bỏ tiền ra để in sách của một người chưa ai biết tới. Bị từ chối, tôi suy nghĩ mấy ngày và sau khi đi nghiên cứu cách thức xuất bản và in ấn, tôi thấy việc xuất bản là một chuyện rất dễ dàng ở một thời đại điện toán, với những điện thoại và fax đầy dẫy. Đồng thời, tôi cũng tìm ra chìa khóa của ngành xuất bản. Đó là sách mình bán phải hay. Tất cả những chuyện khác đều là chuyện phụ. Áp dụng sự suy nghĩ trên, tôi tự thành lập lấy nhà xuất bản để in sách của mình. Và nếu ai đọc sách của tôi thì thấy bìa sách tôi chỉ in một màu mà thôi. Lý do là in một màu giá rẻ hơn tới gần ngàn đô la. Nhiều người cười, bảo tôi bìa in như thế thì ai mà thèm mua. Tôi chỉ cười. Nhưng sau vài tháng thì ai cũng công nhận những gì tôi làm là đúng. Người ta mua sách để đọc. Nếu có bìa màu thì tốt nhưng không có cũng được, miễn là truyện phải hay. 1000 cuốn Xếp Al Capone 1 của tôi bán hết veo chỉ trong vòng không tới 4 tháng. Tôi xin chia xẻ vài kinh nghiệm của tôi. Muốn trở thành một nhà xuất bản, không khó, và có hai chuyện quan trọng mình phải làm được: Thứ nhất là trình bày và in ấn, thứ hai là phát hành. Trong thời buổi máy điện toán này, việc trình bày rất dễ dàng, ai cũng làm được. Mình có thể layout trong MS Word, ghi số trang, đầu đề rồi in ra, vẽ thêm một cái bìa rồi đem tới nhà in là xong việc. Vấn đề thứ hai là phát hành thì khó hơn, bởi vì không phải nhà sách nào cũng chịu mua sách của mình. Hồi tôi mới ra nhà xuất bản, tôi đến nhà sách địa phương và phải năn nỉ một lúc thật lâu mới được ông chủ tiệm cho tôi chưng sách của mình. Chỉ có chưng thôi mà phải năn nỉ đến muốn gẫy lưỡi, nói gì đến chuyện tiền bạc. Nhưng tôi không hề lấy thế làm buồn vì chuyện này dễ hiểu: Sách thì nhiều mà chỗ trong tiệm thì ít. Nhưng một khi sách mình đã có độc giả rồi thì chỉ cần một cú điện thoại là nhà sách họ lấy một lần cả trăm cuốn. Chuyện này cũng dễ hiểu bởi sách bán được thì người ta phải mua để bán lại, có thế thôi. Vì thế, nếu có ai hỏi tôi, có nên xuất bản sách hay không thì câu trả lời là nên lắm, vì mình để dành được rất nhiều tiền. Tôi không biết các nhà xuất bản trả cho các nhà văn bao nhiêu một cuốn nhưng nếu tôi nhớ không lầm, ngay cả những nhà văn nổi tiếng như Nguyễn Ngọc Ngạn chỉ được trên dưới hai hoặc ba ngàn đô la một cuốn. Trong khi đó, nếu mình xuất bản lấy, thì số lợi nhuận sẽ nhiều lần lớn hơn. Và sách tôi luôn luôn giao COD (Cash On Delivery) cho những nhà sách ở Mỹ, nghĩa là khi họ nhận sách, họ phải ký check trả tiền liền. Ở những nhà sách ngoài nước Mỹ thì tôi thường hỏi International Money Order trước rồi gởi sách sau. Nhưng tóm tắt lại, như đã nói, chuyện quan trọng nhất là sách phải hay. Phải đặt độc giả là đối tượng quan trọng nhất.

    SGT: Chắc anh cũng biết, gần đây, CSVN cũng ve vãn một số nhà văn hải ngoại và đã cho phép xuất bản tại VN một số tác phẩm của họ. Trong số những truyện của anh có nhiều truyện thuộc loại best-seller mà giới buôn sách tại VN không thể không chú ý. Anh nghĩ sao, nếu một ngày nào đó, có người đến gặp anh đề nghị xuất bản sách của anh tại VN"

    TSLXN: Tôi không biết CSVN ve vãn nhà văn nào, nhưng nếu họ gặp tôi và đề nghị xin phép xuất bản thì tại sao không nhỉ" Đây là một dịp tốt để cho dân mình thưởng thức văn chương hải ngoại. Nhưng tôi không nghĩ họ dám cho xuất bản sách của tôi vì cuốn nào của tôi (ngay cả cuốn Al Capone) cũng chống cộng và chửi cộng. Tôi thách thức họ dám cho xuất bản sách của tôi.

    SGT: Trong tương lai, anh có dự định gì đặc biệt trong sáng tác, xuất bản"

    TSLXN: Lúc sau này, tôi sáng tác bằng tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt. Tôi đã viết xong một tiểu thuyết (Serious Novel) về chiến tranh Việt Nam bằng tiếng Anh khoảng nửa triệu chữ và đang thương lượng để bán. Đồng thời, theo lời đề nghị của agent, tôi cũng đã bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết thứ hai, viết về cuộc đời của một tay mafia... Việt Nam, tương tự như cuốn Phát Súng Ân Tình. Phần tiếng Việt, thì tôi sẽ viết cho xong bộ Ngài Chủ Tịch mà tôi nghĩ phải 7, 8 cuốn mới xong được. Về xuất bản, tôi sẽ gom hết tất cả những truyện ngắn của mình rồi cho in thành sách, khoảng 4 hoặc 5 cuốn.

    SGT: Anh thường đọc những loại sách ngoại ngữ nào" Có sự thay đổi nào giữa thú đọc sách xưa và nay"

    TSLXN: Tôi thường đọc tiểu thuyết và lịch sử, hoặc tài liệu. Về tiểu thuyết, classic, tôi mê nhất John Steinbeg. Cũng có đọc vài truyện chiến tranh của Hemingway và Erick Maria Remark. Về các văn chương hiện đại, tất cả những tác phẩm của các nhà văn sau đây hễ mới ra là tôi mua liền: Thứ nhất là John Grisham (nhà văn này có nhiều cuốn tôi đọc đến 3 lần), thứ nhì là Micheal Crighton, thứ ba là Tom Clancy, thứ tư là Mario Puzzo, tác giả the Godfather, đã chết. (Tôi không thể nào đọc được Stephen King). Về lịch sử, tôi nghiên cứu nhiều về tội ác của các nhóm mafia, và về các tài liệu của đệ nhị thế chiến và chiến tranh Việt Nam. Phải công nhận rằng Hoa Kỳ là một quốc gia trẻ nhưng có cả một kho tàng lịch sử không thua bất kỳ một quốc gia nào. Nói về thú đọc sách xưa nay có gì thay đổi không thì phải ghi nhận, kinh nghiệm sống mình nhiều hơn nên mình tuyển lựa những gì mình đọc kỹ càng hơn. Tôi không có thì giờ để đọc những bài chửi bới, những xuyên tạc. Điều đáng buồn, lúc sau này hình như 95% những gì tôi đọc là bằng tiếng Anh.

    SGT: Những tác giả ngoại quốc nào ảnh hưởng đến khuynh hướng và nghệ thuật sáng tác của anh" Còn tác giả Việt Nam thì sao"

    TSLXN: Tác giả ngoại quốc thì tôi mê nhất là John Steinbeg. Ông này viết rất tếu và rất sâu sắc. Ngư Ông Và Biển Cả của Hemingway là một kiệt tác. Về tác giả Việt Nam, hồi xưa tôi chỉ mê vài người, đó là Duyên Anh, Dương Hùng Cường, Phan Nhật Nam, Nguyễn Hiến Lê, Nguyên Vũ, Lệ Hằng và Ngọc Thứ Lang. Đặc biệt Ngọc Thứ Lang, sau này đọc lại những tác phẩm như the Godfather và nhiều cuốn 007, tôi thấy truyện dịch của Ngọc Thứ Lang dịch còn hay hơn cả nguyên bản bằng tiếng Anh. Đây là một hiện tượng rất lạ nhưng có thật, tôi không biết phải cắt nghĩa như thế nào. Nói về ảnh hưởng, tôi nghĩ Ngọc Thứ Lang ảnh hưởng đến văn phong tôi mạnh nhất. Tiếp đến, Nguyễn Hiến Lê dạy cho tôi cách viết văn trong sáng, ngắn, gọn, rõ ràng. Cách đối thoại trong văn của Duyên Anh thì không ai qua mặt được. Tôi học được cái tếu, ngạo mạn khinh đời của Dương Hùng Cường. Và học sự dịu dàng, êm ái, lãng mạng thì phải nói là từ Lệ Hằng. Trong một tác phẩm của Lệ Hằng, tôi nhớ mãi lời ông cha gì đó nói với người tình của mình “Làm sao người ta có thể sống nổi nếu cuộc đời chỉ toàn là những bổn phận, những con số, và những quy luật...” Tuyệt vời. Hồi đó trong phi đoàn chúng tôi thường truyền tay nhau cuốn “Tóc Mây” và “Mắt Tím.” Phần Phan Nhật Nam, nhiều đoạn tôi học thuộc lòng.

    SGT: Anh có suy nghĩ gì về những tác giả Việt Nam xưa và nay, trong nước và hải ngoại"

    TSLXN: Đây là một... touchy subject, (Tôi xin lỗi phải dùng tiếng ngoại quốc vì tạm thời, tôi chưa tìm ra chữ có nghĩa tương đương. Thành thật xin lỗi quý độc giả về kiến thức bé nhỏ của tôi. Có thể dùng câu: Đây là một vấn đề rất dễ... xúc phạm chăng"). Nnhưng anh hỏi thì tôi nói. Từ ngày sang Mỹ, tôi thấy những tay lão tướng như Duyên Anh, hay Lệ Hằng, hay Phan Nhật Nam và nhiều nhà văn khác hình như không còn viết được nữa. Tôi xin lỗi phải viết như thế, mong quý vị lão tướng tha lỗi cho tôi. Duyên Anh không có tác phẩm nào hay hơn Điệu Ru Nước Mắt, hay Thằng Vũ. Lệ Hằng không sinh thêm được đứa bé nào kháu hơn “Mắt Tím”, “Tóc Mây.” Đọc Phan Nhật Nam bây giờ không còn thống khoái như ngày xưa đọc “Dấu Binh Lửa”, “Dọc Đường Số Một” hay “Mùa hè Đỏ Lửa.” Có lẽ tại vì tôi già đi nên cảm nhận của mình nó khác, nhưng đó là sự nhận xét của tôi. Về những nhà văn mới nổi sau 75 thì tôi mê nhất là Nguyễn Ngọc Ngạn, nhưng hình như lúc sau này tôi không thấy tác phẩm nào mới của anh Ngạn nữa. Ở trong nước thì hồi xưa tôi có đọc Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh và Dương Thu Hương. Vì không biết nhiều về họ nên tôi không dám phê bình nhưng phải công nhận, đây là những nhà văn có tài.

    SGT: Trên phương diện viết nhanh, viết nhiều và viết lôi cuốn, không biết trong số những nhà văn Việt Nam xưa và nay, có ai như anh, viết những cuốn trường thiên tiểu thuyết dài cả chục tập, mà độc giả hầu như ai cũng say mê, vừa đọc vừa sợ hết không nhỉ"

    TSLXN: Tôi xin cám ơn anh rất nhiều về lời khen và thành thật mà nói, tôi biết truyện của tôi viết nhiều người thích đọc nhưng không biết nó hay đến cỡ nào. Nếu hay được như thế thì thật là một đại phúc cho tôi. Trở lại câu hỏi, không biết có nhà văn Việt Nam nào viết nhanh viết nhiều như tôi thì tôi thấy ông Xuân Vũ viết cũng nhanh lắm, và truyện cũng hay.

    SGT: So sánh về độ dài và mức lôi cuốn của truyện, nhiều người đã so sánh truyện của anh với tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, Tam Quốc Chí của La Quán Trung. Anh thấy sự so sánh này thêá nào"

    TSLXN: Tôi thấy sự so sánh ấy là quá đáng anh ạ. Tôi cám ơn độc giả đã “dám” so sánh truyện của tôi như thế nhưng thật lòng, tôi không bao giờ dám nghĩ tác phẩm của mình có một chỗ đứng ngang hàng với các tiểu thuyết của đại lão tướng của thế giới như Kim Dung và La Quán Trung. Truyện của Kim Dung chắc chắn sẽ đi vào văn học sử không phải chỉ của Trung Quốc và còn cả thế giới. Bộ Tam Quốc Chí của La Quán Trung là kho tàng văn chương vô giá của nhân loại, cổ kim chỉ có một chứ không có hai. Tác phẩm của tôi chỉ là những pho truyện dài giải trí, có thể có hấp dẫn nhưng tầm thường, chẳng có giá trị văn học gì, thật không bao giờ dám đem ra so sánh với tác phẩm của hai vị kia.

    SGT: Anh có thích làm thơ và có bao giờ làm thơ không"

    TSLXN: Thơ... nguy hiểm, bí hiểm, tàn bạo và khó khăn vô cùng. Cổ kim, thiên hạ đã làm hàng tỉ tỉ bài thơ, nhưng anh nhìn lại xem thử có bao nhiêu bài thơ hay" Theo tôi thì chỉ chừng trăm bài. Một người thi sĩ, may mắn lắm, suốt đời chỉ làm được một vài bài thơ hay mà thôi. Như Thế Lữ có “Hổ Nhớ Rừng”, Xuân Diệu và Huy Cận cũng chỉ có dăm ba bài nổi bật. Đằng Phương Nguyễn Ngọc Huy với bài “Anh Hùng Vô Danh,” Hồ Dzếnh với hai câu bất hủ ngàn đời “Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở, Đời hết vui khi đã vẹn câu thề...” Hình như TTKH chỉ để lại cho đời được 3 bài thơ. Nhưng điều lạ lùng là thơ, nếu đã hay thì hay tuyệt, làm rung động hàng ngàn thế hệ... Vì biết thơ khó làm lắm nên tôi không dám đụng tới, chỉ đứng xa xa mà nhìn. Hơn nữa, tôi không chịu được sự ràng buộc của vần bằng, vần trắc, của những chữ cuối phải giống nhau của luật làm thơ.

    SGT: Anh là một trong những nhà văn được nhiều độc giả ái mộ, và sự ái mộ đó trải dài theo thời gian và xem ra càng ngày càng nhiều, gồm đủ các thế hệ. Xin anh kể một, hai kỷ niệm rung động giữa anh và độc giả"

    TSLXN: Như đã nói, có một lần, nửa đêm, chuông điện thoại reo, và đầu giây bên kia là một độc giả trung thành, giọng như khóc, chửi bới tôi thậm tệ vì đã để cho Brenda chết trong cuốn Phát Súng Ân Tình. (Chính người này cách đó mấy năm cũng đã chửi bới tôi vì đã “hạ giá” Linh, biến Linh thành người đàn bà bủn xỉn keo kiệt.) Tôi phải bỏ ra 10 phút đồng hồ để.... an ủi ông độc giả này. Tôi cũng thường nhận được nhiều lá thư khen và mỗi một lá thư từ độc giả đến là một phần thưởng rất lớn cho tôi. Tôi còn giữ một thùng thơ của độc giả và thỉnh thoảng lấy ra xem lại. Đây là những giây phút rất là sảng khoái cho tôi.

    SGT: Trả lời tạp chí Văn Học, nhà văn Nguyễn Ý Thuần có so sánh, viết văn với ông “cũng như làm tình, trước hết để thỏa mãn mình, sau đến đối tượng”. Anh đồng ý"

    TSLXN: Tôi đồng ý.

    SGT: Phi công nổi tiếng hào hoa. Chắc chắn anh có nhiều người tình,và tình nào cũng đẹp. Xin hỏi anh trong số những người xưa, những ai biết trước, có một ngày anh sẽ là nhà văn" Và có ai hiện giờ ở VN hay hải ngoại biết được anh là TSLXN"

    TSLXN: [Cười...] Phi công nào hào hoa chứ phi công này thì chẳng hào hoa tí nào cả. Đọc Ba Người Phi Công Tị Nạn, có người đề nghị tôi nên sửa lại là “Ba người phi công.... ế vợ.” Trở lại vấn đề hào hoa, ai đọc Truyện Ba Người phi công, chắc có nhớ đoạn Trang mắng tôi, “Anh là một người không chịu lo tán gái mà chỉ lo toàn những chuyện đâu đâu...” Chuyện này thì có thật vì mặt mày tôi coi cô hồn nhưng rất nhát gái - dùø rất mê gái. Thường thì con gái phải tán hoặc mời mọc tôi trước thì tôi mới dám tiến tới. Tất cả những cuộc tình của tôi đều bắt đầu như thế cả... Nhưng trên đời này làm gì có truyện tình đẹp anh" Bởi nếu hai người yêu nhau và lấy nhau thì “Đời mất vui khi đã vẹn câu thề.” Còn nếu dang dở thì cả đời cứ đau khổ mà nhớ đến nhau thì đẹp cái chỗ nào" Trả lời câu hỏi ngày xưa, có ai biết tôi sẽ trở thành nhà văn không thì câu trả lời là, tôi không biết, hoặc không nhớ, anh ạ. Lúc này đã có tuổi rồi, đầu óc dễ quên. Câu hỏi, hiện giờ có ai ở Việt Nam hay hải ngoại biết tôi là Trường Sơn Lê Xuân Nhị thì tôi nghĩ, không ít thì nhiều, chắc chắn thế nào cũng có. Nếu người bạn nào đó biết tôi và có đọc được những giòng này, xin cho tôi gởi một lời thăm hỏi chân thành, cầu chúc may mắn và khang an thượng thọ.

    SGT: Cùng với sự phát triển của computer, CD-ROM, Internet, văn chương thế giới, trong đó có văn chương VN sẽ đi về đâu trong thời gian 25 năm nữa" Anh nghĩ cùng với viễn ảnh đó, mối quan hệ giữa văn học Việt Nam hải ngoại và văn học trong nước sẽ biến đổi như thế nào"

    TSLXN: Ở Mỹ bây giờ, người ta nói nhiều đến chuyện E-book, nghĩa là sách xuất bản trên internet, người đọc muốn mua thì trả tiền và download sách. Stephen King là người đầu tiên mở tiệm sách này nhưng hình như không thành công lắm. Nhiều tác giả mới ra lò cũng mở Webside và cho đăng sách của mình. Về việc văn chương Việt Nam sẽ đi về đâu thì câu trả lời rất dễ là ngày nào còn CS thống trị quê hương thì văn học cùng văn chương sẽ chẳng đi về đâu cả. Tệ hơn, nó sẽ bị lụn bại vì bị kềm kẹp. Cổ kim ở Việt Nam cũng như trên thế giới chưa có triều đại nào... ngu như triều đại CS này. Trong khi đó, nền văn chương Việt Nam ở Hải ngoại cũng không sáng sủa gì lắm bởi lớp trẻ lớn lên, ít đứa nào còn biết nói tiếng Việt, kể gì đến chuyện đọc hay sáng tác. Không biết ai ra sao chứ tôi thấy bi quan lắm. Anh cứ nhìn số lượng độc giả ngày càng èo uột của các tạp chí văn chương hải ngoại thì biết.

    SGT: Xin hỏi anh câu cuối cùng. Nếu anh có được 3 ước mơ sẽ thành tựu trong vòng 10 năm tới, anh chọn 3 ước mơ gì"

    TSLXN: Tôi năm nay đã ngoài 50, (52 thì đúng hơn), sức khỏe tốt, có một gia đình hạnh phúc, con cái tử tế, công ăn việc làm vững chãi. Ngoài ra, nghề tay trái là nghề viết văn coi như cũng là thành công, có chút tiếng tăm trong thiên hạ. Vì thế, nhìn lại thì tôi thấy mình cũng may mắn lắm rồi, chẳng còn dám đòi hỏi hay mơ ước gì thêm cho cá nhân tôi. Nếu có được 3 điều mơ ước thì điều thứ nhất là tôi phải nhìn về quê hương Việt Nam nghèo khổ mà cầu mong cho chế độ bạo tàn phải được đổi thay để đồng bào tôi, dân tộc tôi bớt lầm than khổ cực. Điều ước thứ hai, tôi ước mong cho người bạn tôi, Lý Tống, hiện đang ở tù ở Thái Lan sớm được tự do. Điều thứ ba, tôi mong bán được cuốn sách tiếng Anh của tôi để thế giới có một cái nhìn trung thực hơn, đỡ khắt khe hơn với cuộc chiến đấu mà chúng ta đã chiến đấu để chống CS bạo tàn.
    .
    . Kính chúc quý vị độc giả và quý báo một năm mới an lành và thịnh vượng...

    Sưu tầm
    Last edited by gunship; 07-31-2013, 02:29 AM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X