Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Vượt Tuyến Mỹ Chánh

Collapse
X

Vượt Tuyến Mỹ Chánh

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Vượt Tuyến Mỹ Chánh


    Trong khi quân lưc VNCH quyết chiến để chiếm lại thành phố Quảng Trị dù chỉ còn là một đống gạch vụn hoang tàn đổ nát sau nhiều trận mưa pháo, thành phố Quảng Trị được dời về Mỹ Chánh. Nói là thành phố nhưng chỉ có mấy dãy nhà bằng tole cất lên vội vã cho ngưòi dân tạm trú mà thôi và sông Mỹ Chánh là chiến tuyến địa đầu của miền Nam lúc bấy giờ.
    Tháng Năm năm 1972 đoàn trưc thăng vận phi đoàn 213 gồm có bốn chiếc Slick (trực thăng vận) và hai gunship (trực thăng võ trang) đến làm việc cho Sư đòan Dù mà Bộ Tư Lệnh tiền phương đóng tại căn cứ Sully thuộc xã An-Hoà, thuờng gọi là cây số 17 cách Huế 17 cây số. Chúng tôi bị bắt buộc phải hành quân trực thăng vận đổ bộ một trung đội thuộc tiểu đoàn 81 biệt kich Dù vào tận sào huyệt của đối phương, đặt đại bản doanh phiá tây đại lộ Kinh hoàng và phía bắc sông Mỹ Chánh.
    Đây là một vụ ‘’nướng quân’’ mà chúng tôi đành chấp nhận hy sinh vì người ta - thượng cấp - cố bắt chước Hoa Kỳ đổ bộ vào Sơn Tây cướp tù binh. Nhưng trước khi Người Mỹ làm việc nguy hiểm ấy họ có đủ tin tức tình báo, không ảnh chính xác và những pilot thi hành nhiệm vụ được thực tập một cách kỹ càng trách nhiệm của mỗi người trong mỗi giai đoạn. Ngoài ra họ còn có thám thính cơ U-2 siêu đẳng quan sát và theo dõi trên không, cũng như toàn bộ lực lượng không quân Thái bình dương và Đông Nam Á sẳn sàng trên trời để kịp thời can thiệp và tiếp cứu. Còn chúng tôi như Kinh Kha sang Tần, hoàn toàn không có bất cứ tin tức hay không ảnh nào, cũng không có sa bàn để nhận diện địa thế và càng không hiểu biết gì về đối phương cũng như lực lượng của họ.
    Khi vào họp với Chuẩn tướng Lê Quang Lưỡng, Tư Lệnh binh chủng Dù, trong lúc họp tướng Lưỡng nói rằng: ‘’Các anh có hai phi tuần B52 đánh trước và khu trục cơ A37 cùng với Cobra cuả quân đội Hoa Kỳ yểm trợ". Còn trung tá Trương Văn Vinh tiền nhiệm phi đoàn trưởng 213 của của chúng tôi thì phát họa chương trình hành quân chưa từng có trong quân sử: ‘’Bây giờ chúng ta bay tới điểm xuất phát, từ đó bắt đầu xâm nhập vào đất địch."
    Chúng tôi hỏi :
    - Điểm xuất phát là đâu. Ông trả lời:
    - Khi tới Mỹ Chánh rồi từ đó các anh xuất phát .
    Một vị trung tá mà nghe ngóng và mường tượng đâu đó danh từ ''điểm xuất phát '' chứ thực ra ông chưa hiểu điểm xuất phát là gì. Điểm xuất phát là nơi bí mật mà các cánh quân từ các nơi âm thầm di chuyển về để từ đó tung ra cuộc hành quân tấn công chớp nhoáng vào quân địch. Chẳng hạn điểm xuất phát của không quân khi đánh ra Quảng Trị là căn cứ Đà Nẵng mà ban đêm những phi đoàn khu trục cơ từ Biên Hoà, Pleiku hay những nơi khác âm thầm hội tụ về đó để có đủ lực lượng rồi từ đó mở cuộc hành quân ồ ạt tấn công. Hoặc điểm xuất phát của không quân Hoa kỳ là ở Thái lan, Phi luật Tân, Đệ thất hạm đội cùng xuất phát để tập trung vào chiến trường nào đó. Còn chúng tôi có cái gì là bí mật đâu khi sáu chiếc trực thăng rần rộ đáp taị căn cứ Dù, rồi cũng rần rộ cất cánh ai mà không thấy, không biết. Vậy đâu là điểm bí mật để đồng loạt mở cuộc tấn công. Cũng không có ai theo dõi để sẵn sàng tiếp ứng. Về phía địch tình hoàn toàn bị bưng bít ‘’nơi đó không có gì hết, chúng ta chỉ đổ quân vào lấy tin tức mà thôi‘’. Phải có địch hoạt động mới có tin tức chứ chỗ không người thì lấy tin tức cuả ai (?)
    Sau khi họp xong chúng tôi lặng lẽ ra tàu, biết rằng bị người ta xếp đặt đưa lên dàn hỏa thiêu tàn nhẫn nhất cuả những vị chỉ huy. Đi bên cạnh trung tá Vinh tôi nói ‘’Nhứt tướng công thành vạn cốt khô'' đó trung tá. Ông yên lặng tránh né. Bốn chiếc slick chở bốn tiểu đội 81 Biệt kich dù và hai gunship yểm trợ mà không có một phi tuần B52 hay bóng dáng khu trục cơ, Cobra nào hết như lời hứa ‘’ẩu‘’.

    Khi ra ụ tàu, hai chiếc gunship AH-1H (Attack helicopter ) đậu cuối dãy và khi đi ngang qua bốn chiếc slick, trong số những co-pilot và phi hành đoàn đang chờ đợi ở đó, đặc biệt Th/u Nguyễn Duy Khương, người co-pilot cùng tôi hành quân vào Bastogne tháng trước, đứng chào tôi theo quân kỷ. Ðiều nầy làm tôi khá ngạc nhiên và nói:
    - Sao hôm nay anh khách sáo quá vậy?
    Chúng tôi cùng trao nhau vài câu hỏi thông thường với nụ cười héo hắt vì tôi hiểu, phi vụ nầy nguy hiểm còn hơn đội đá vá trời. Nhưng sau đó tôi bất giác chợt rùng mình tự hỏi: "Có chuyện gì đây, Anh giã biệt tôi hay tôi giã biệt anh?"
    Trong quân đội có rất nhiều chuyện xảy ra trùng hợp với nhau thường gây ra cảnh gãy cánh giữa đường. Có thể nói chúng tôi rất tin dị đoan và sợ những cảnh chào hỏi bất thưòng đó. Nếu chẳng thế thì SĐ10 BB không đổi thành SD 18 và Phi đoàn 213 (hai lần con số xui 13) chúng tôi cũng xém bị xoá sổ vì hy sinh quá nhiều trong mùa hè năm 72 mà Bộ Tư Lệnh KQ có nhận được đề nghị đổi thành phi đoàn 216 (chín nút) nhưng vì trái với thông thường hai số sau cùng phải là số lẽ và cũng không thể xếp hàng sau phi đoàn 215 nên không được chấp thuận.
    Xin cho tôi kể thêm chuyện bên lề về một tấm hình được chụp đón mừng chúng tôi trở về từ Biên Hòa sau khi biệt phái theo bước chân người lính Dù tham dự chiến truờng Cao miên năm 71. Những người có mặt trong tấm hình đó hy sinh từ trên xuống dưới gần hai chục phi công kéo theo những phi hành đoàn của họ, có khi mang theo sinh mạng của nhiều quân nhân chuyên chở trên tàu. May mắn tôi kéo anh Nguyễn Quang Minh (hiện ở USA) đang trong hàng thứ hai hay thứ ba bỏ hàng đi ra ngoài nên hai đứa tôi không có trong tấm hình oan nghiệt đó và hôm nay, anh Nguyễn Quang Minh làm co-pi của tôi .
    Bây giờ thì chẳng phải ‘"chín tầng gươm báo trao tay" nhưng quân lệnh nặng như núi và chúng tôi đành phải "gieo thái sơn nhẹ tựa hồng mao" thôi. Sáu con tàu bắt đầu cất cánh theo đội hình hàng dọc phiá tây quốc lộ 1. Đại úy Nguyễn Văn Chiến leader bay bên trái đội hình phía rừng núi, tôi bay chiếc thứ hai yểm trợ phía sau bên phải phía quốc lộ. Bay như vậy tôi đựơc an toàn hơn nhưng nghĩ nếu có chuyện gì xảy ra anh em sẽ quẹo gắt ra quốc lộ trở về thì không tránh khỏi đụng nhau, nên tôi báo với anh Chiến:
    - Charlie, tôi bay qua bên trái sau anh đó để cho có hai cái gun vững hơn. Chiến trả lời:
    - OK.
    Thế là tôi bay sang bên trái bảo vệ cánh nặng nề nhất .

    Trung tá Trương văn Vinh bay CNC là cánh chim đầu đàn, nhiệm vụ Commandant và control phải dẫn dắt chúng tôi đến nơi đến chốn thi hành nhiệm vụ, thế nhưng đoàn tàu bay gần tới Mỹ Chánh thì ông tuyên bố: ’’bây giờ các anh xuất phát‘’ và âm thầm rút lui.
    Vừa bay sang qua bên trái tôi bị một tràng AK bắn lên và tàu bị trúng đạn nhưng chưa biết bị trúng ở đâu, tình trạng tàu bình thường, nên tôi không báo với leader mà vẫn tiếp tục cuộc hành quân, điều nầy làm tôi ân hận mãi về sau, vì anh em chúng tôi, hai phi hành đoàn cùng hai tiểu đội 81 BK Dù hy sinh sau đó vài phút. Đoàn tàu đang tiến dần vào tử địa mà tôi tin chắc rằng hai vị chỉ huy kể trên điều biết rõ chúng tôi trên đường vào cõi chết. Chẳng bao lâu, một vệt sáng xanh dờn từ phía bên kia bờ Mỹ Chánh vừa vọt lên. Anh Chiến vội la lên:
    - S A7, break.
    Những phản lực cơ bay nhanh xé gió vượt mấy bức tường âm thanh còn không tránh nổi thì làm thế nào chúng tôi có thể tránh né được loại hỏa tiễn tầm nhiệt ác ôn nầy được. Trong khi đó hợp đoàn slick bay sát nhau để hai chiếc gunship dễ dàng cover (bảo vệ). Bay như vậy quờ quạng đụng nhau cũng chết còn nói gì tránh hỏa tiễn. Tiếng báo động của anh Charlie chưa dứt, một chiếc phát nổ ngay lập tức bên cạnh chúng tôi nhanh đến nỗi ngỡ ngàng và sự sợ hãi còn lãng du đâu đó chưa kip về. Bản năng tự nhiên của những người bay Gunship, anh Chiến chúi xuống đánh thẳng một loạt rocket vào nơi hỏa tiễn SA 7 vừa bay lên còn để lại một làn khói mỏng như vòng tròn khói thuốc lá chưa kịp tan trong bầu không khí còn lành lạnh hơi sương.

    Tiếng đồng hồ vừa gõ ‘’tíc‘’ mà chưa kịp gõ tiếng ‘’tắc’’ thì trước mặt chúng tôi là một vách tường lửa đối phương như những giếng phun nước pha ánh đèn màu rực rỡ thẳng lên trời. Ðạn phòng không tự hủy nổ trên cao như pháo bông, dĩ nhiên họ không quên chiếu cố chúng tôi, nhất là những khẩu RPD kéo từng tràng ngọt ngào như bất tận. Con tàu của anh Chiến bây giờ bị đạn phòng không bao phủ với cả ngàn ánh lửa chớp tắt lung linh như cây mùa xuân giữa ban ngày, cộng thêm với những mảnh vụn của con tàu slick vừa nổ còn bốc lửa tủa ra trong không gian cùng với các thiên thần mũ đỏ và Phi Hành đoàn chiêc slick cuả anh On và Phấn chưa kịp gọi hai tiếng "mayday".
    Tôi cũng nhào tới đánh vào hàng rào phòng không đủ loại dọc theo dòng Mỹ Chánh. Vừa đánh tôi vừa hét:
    - Charlie coi chừng.

    Bây giờ tới phiên tôi gặp đại họa. Khi đánh rocket tôi không biết nút điều khiển rocket đang ở vị trí rafale nên mấy chục trái rocket tự động nối đuôi nhau ồ ạt tuôn ra khiến con tàu như khựng lại như chiếc lá rơi la đà vì sức phản hồi của mấy chục trái rocket nối đuôi nhau, tôi muốn ngưng để dzọt cũng không được. Phóng lao đành phải theo lao. Tiếp theo là chiếc slick thứ hai bốc cháy thành cột khói trắng kéo dài chừng hai ngàn thước mới đâm đầu xuống đất. Khi trái rocket cuối cùng rời dàn phóng lao ra, tôi tạt ngang qua chui vào làn khói cùa chiếc slick thứ hai của anh Sỹ và anh Khương vừa bị bắn cháy còn để lại, hình như linh hồn các anh chưa muốn vội tan để làm thành bức màn mây dầy đặc để bảo vệ nhũng phi hành đoàn còn lại và nhất là tôi. Vừa chui ra khỏi làn mây khói nhưng vẫn còn trong vùng hiểm địa (death zone), dù đối phương không thấy tôi nhưng vẫn bắn đuổi theo, đạn bay vòng cầu trên cao rơi xuống chung quanh như người ta rải hoa mừng đại hội. Vừa lúc ấy, anh Chiến vòng trở lại đánh gỡ cho tôi tháo lui.

    Tuy nhiều giờ bay gunship nhưng chưa bao giờ tôi dám đánh rafale kiểu đó vì tàu không đủ sức chiụ đựng. Một lần trên chiến trường Đại Lộc tôi quyết định thanh toán mục tiêu cuối cùng là khẩu RPD cho quân bạn vượt sông Thu Bồn trong tỉnh Quảng Nam cũng chỉ có sáu trái mà còn ớn lạnh.
    Những chiếc trực thăng võ trang của chúng tôi không có chiếc nào có cửa nẻo gì hết, ngay cả cửa cockpit cũng được gỡ ra để pilot tiện bề thoát ra trong trường hợp đáp khẩn cấp. Không như những chiếc khu trục skyraider hay A37 mà rocket được gắn trên cánh ít ra cũng cách pilot vài sãi tay. Trên trực thăng hai dàn rocket gắn phía sau sát hông tàu và khi khai hỏa, rocket từ sau lưng lao tới chỉ cách pilot chừng hai gang tay. Khi rời dàn phóng nó bung bốn cánh sau đuôi vừa bay tới vừa xoáy với vận tốc cực mạnh tạo ra tiếng rú kinh hồn cũng như khối lửa xoáy hình trôn ốc sáng lòa trước mặt, nhất là ban đêm những khối lửa ấy càng khủng khiếp. Cũng vì không có cửa nên tàn rocket bay túi bụi vô tàu mà có thằng pilot gunship nào chiến bào không bị cháy nhiều lỗ. Có khi nó còn chui vô cổ áo, lọt xuống lưng như bị tàn thuốc lá dúi vào da đành phải trân mình chịu trận, may mà có nón bay nếu không trên đầu chúng tôi có nhiều dấu đốt như những vị Cao Tăng đắc đạo.

    Bây giờ đây mấy chục trái rocket điên khùng đó đủ làm tôi bấn loạn, tôi chỉ biết đẩy cần lái tới chống lại sức phản hồi, con tàu như bị cuốn theo hằng chục khối lửa xoay vòng trước mặt và mặc kệ khói ùa vào tàu mịt mù và tàn rocket chớp nháng như bầy đom đóm đêm khuya, tôi cũng không dám làm bất cứ maneuver nào khác, chỉ cần tàu nghiêng nghiêng một chúc thì rocket thụi sau lưng liền.
    Có lẽ nhờ trận rafale bất đắc dĩ ấy mà bầy rocket bao một vùng rộng lớn, đối phương cũng phải từ chết tới bị thương hay ít ra cũng quăng súng bò càng dưới đất giảm đi phần nào áp lực tôi mới còn có dịp ngồi đây. Khi tôi bay vòng trở ra vừa lúc anh Chiến vòng trở lại đánh gỡ cho tôi tháo lui.
    Con ngựa chứng nầy đánh bạo khỏi chê, nhưng cũng thường hay đánh bán mạng. Không biết sau nầy có bà nào cởi được trên lưng con ngựa chứng ấy không?
    Hai chiếc chúng tôi đang bay ngược chiều mà từ xa ổng cứ phóng rocket ào ào từng cặp bay ra sát bên cạnh tàu làm tôi phải thất kinh hồn vía, thêm vào phòng không đuổi theo từng chùm lửa đỏ ối hai bên như dàn bươm bướm di cư khiến người tôi cứng như khúc gổ, hét lên:
    - Trời ơi đánh cái kiểu gì kỳ vậy !.
    Giọng Huế đặt sệt :
    - Mẹ nọ đang đuội theo mầy.

    Bay về đến vùng an toàn, xót xa hai phi hành đoàn gãy cánh. Chúng tôi bay một vòng nhỏ nhìn về phiá chiến trường còn nhiều tiếng nổ và khói cuồn cuộn bốc lên cao.
    Anh Chiến nói :
    - rocket mầy bặn đó, chắc trúng kho hay hầm đạn gì của nó rồi. mầy gan dữ quá hỉ.
    Tôi trả lời:
    - Tính đánh hai trái dứt thằng đang thổi vô hông của ông thôi, ai dè rocket ở vị trí rafale hoảng quá.

    Về căn cứ Dù cả hai chiếc cùng bị trúng đạn nhiều nơi và vài đầu đạn AK hay RPD gì đó còn kẹt lại. Tuy chưa đến đỗi nào nhưng cũng phải nằm ụ vài ngày vá víu .
    Trung tá Vinh không hề tỏ vẻ xúc động trước sự hy sinh tức tưởi cuả đàn em để lo tổ chức cấp cứu hai phi hành đoàn vừa bị hạ cùng với hai tiểu đội 81 Biệt kích Dù, biết đâu có người còn sống sót mà còn hỏi tôi ‘’anh có đánh trái rocket nào không‘’.
    Trung Tá Cao Quang Khôi đương kim Phi đoàn Trưởng Phi Đoàn 213 hay tin vội bay ra kiếm Trương Văn Vinh và chửi thề:
    - Đ M anh giết đàn em tôi hả?

    Hai vị chỉ huy hai đức độ, hai tư cách con người. Một người bảo vệ đàn em còn một kẻ nướng quân đưa đàn em mình vào cõi chết không chút xót xa. Nếu ai đó có viết nhật ký cuộc đời oanh liệt của mình xin đừng quên ghi thêm chuyện ''nướng quân trên dòng sông Mỹ Chánh'' và nhiều vụ nướng quân khác nữa để rồi sau đó kẻ nướng quân đào ngũ trước đoàn quân đang trút giọt máu cuối cùng. Người quân nhân chỉ biết thi hành trước, đợi đầu thai rồi mới có quyền khiếu nại sau mà.



    Song chùy 11
    Phi Đội Trưởng PĐ Gunship/PĐ213
    Tháng giêng , năm 2005
    Last edited by chieutim; 07-19-2013, 12:42 PM.

  • #2
    Bạn bè chúng tôi hy sinh trên chiến trường đã đành, nhưng bị nướng quân như thế nầy cũng không ít. Cố Th/tá Trần Lê Tiến hy sinh trên trên đỉnh Checkmate phía Tây nam Cố đô Huế để sau đó nghe Ðại tá Toàn tham mưu trưởng SÐ1BB nói:
    - Các anh rớt một chiếc là may, tuị nó đầy dưới đất, tôi chỉ cần một chiếc đáp được trên đỉnh thôi.
    Như vậy người ta quyết định nướng hết sáu chiếc chúng tôi trong ngày đó rồi. Nếu người ta chân thành một chút đừng che dấu sự thật để chúng tôi áp dung chiến thuật và kỹ thuật bay riêng để hoàn thành trách nhiệm dù phải hy sinh cũng như chúng tôi tiếp tế tiền đồn Bastogne giữa vòng vậy của địch mà Tướng Nguyễn Văn Phú nói: ‘‘Tôi không muốn ra lệnh cho anh em nhưng nếu thấy cách nào có thể giúp được anh em mình trong đó cầm hơi kéo dài được lúc nào hay lúc ấy". Tiếc thay và anh hùng thay Ông đã tuẫn tiết cho tròn khí tiết của bậc anh hùng vốn rộng lòng hiếu sinh.

    Chỉ lời nói chân tình và biết qúy mạng sống của sĩ tốt, chúng tôi đã đột nhập vào Bastogne bất chấp mọi hiểm nguy chứng tỏ chúng tôi không hèn trốn tránh trách nhiệm. Còn che đậy hay gạt gẫm chúng tôi để bị chết oan uổng trong cuộc hành quân mà người ta còn đang nặng đầu óc bên bàn mạt chược hay bữa tiệc linh đình nào đó, không đạt được mục đích gì hết. Trên đỉnh núi Cối xay ở Thượng Ðức tỉnh Quảng Nam, người ta cũng nói tình hình yên tĩnh, nhưng sau đó bị phục kich ngay tại bãi đáp và các chiến sĩ Biệt Động Quân phải lao mình ra đánh cận chiến với đối phương ngay khi bốn con tàu vừa chạm đất, phi hành đoàn Thiếu uý Lưu và Lãm bị VC đâm chết.

    Một anh sao đêm

    Thêm một vụ nướng quân khác. Một vị Thiếu tá Tiểu Đoàn Trưởng thuộc SÐ2BB của tướng Trần Văn Nhựt chạy kiếm tôi nói:
    - Trời ơi, anh làm sao cứu đàn con tôi với, đưa tụi nó vô đó chết hết, trong đó có cả sư đoàn việt cộng đông như kiến.
    Tôi nói:
    - Cuộc hành quân nầy ở cấp Sư đoàn do 72 điều động (72 là biệt danh của tướng Trần văn Nhựt) ngoài khả năng quyết đinh của chúng tôi. Trên chúng tôi còn có CNC nữa.
    Khi viết những dòng nầy tôi còn nhớ rất rõ dù đã hơn ba mươi năm qua, hình ảnh người chiến sĩ dày dạn chiến trường, sạm nắng phong sương bước những bước đi não nề, thất thểu sau khi tôi từ chối lời yêu cầu cứu đàn con anh. Người chỉ huy đáng kính và thương lính mình như con dại ấy bây giờ hồn ở nơi đâu? Chính tôi cũng có ý định muốn cứu Tiểu đoàn ấy nhưng chỉ thoáng qua, bằng cách yêu cầu chiếc slick đầu tiên sau khi đáp xuống, PHĐ chạy ra khỏi tàu và bỏ lại tàu ở đó, tôi sẽ xuống cấp cứu, và như vậy thì xem như cuộc hành quân phải hủy bỏ. Nhưng mà đâu có pilot nào dám bỏ con tàu lại chiến trường và chính bản thân chúng tôi rồi không biết sẽ ra sao nữa, nếu có người biết được, đó là chưa kể đền những rủi ro khi PHĐ rời bỏ con tàu, như những con chim không còn cánh.
    Tôi cũng ngỡ ngàng vì cuộc hành quân cấp tiểu đoàn (64 tiểu đội ) mà chỉ có 5 chiếc slick và 2 gunship thôi. Ðúng ra chúng tôi cần có pháo binh, khu trục oanh tạc dọn bãi trước và ít nhất cũng 20 chiếc slick chuyển quân và 4 gunship bảo vệ để đợt đổ quân đầu tiên ít ra cũng được một đại đội tương đối đủ khả năng làm bàn đạp và bảo vệ bãi đáp cho nhũng đợt tiếp theo sau. Hơn nữa, tiểu đoàn phài hành quân nghi binh vừa bảo mật trong vùng nào đó để chúng tôi đến từng nơi bốc đi thay vì gom hết lại phi trường Ðức Phổ vùng xôi đậu, ban đêm hoàn toàn bất an ninh. Chỉ cần đối phương có một khẩu cối 82 ly đâu đó khai hỏa thì phi trường Ðức Phổ với nhiều trăm người quy tụ tại đó chắc xảy ra cảnh tắm máu. 7 giờ 30 sáng chúng tôi có mặt mà mãi đến 1 giờ trưa cuộc hành quân cũng chưa thể bắt đầu được, mọi người đã phải chờ đợi trong nao núng vì sợ bị pháo kích vào phi trường.

    Chúng tôi cầm vận mạng của tiểu đoàn gần bốn trăm người trong tay mà không được briefing để hiểu biết tình hình diện điạ hầu tìm cách bay bổng riêng theo chiến thuật trực thăng vận với từng điạ hình thế trận, khiến tôi phài tự hỏi chúng tôi có phài là những quân nhân đầu đội ‘‘Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm" cũng như ai, hay chỉ là hạng tài xế xe đò, chắc hẳn bề trên cũng nghĩ như vậy. Chúng tôi không gặp bất cứ quan chức thẩm quyền nào có quyền để hỏi tình hình đối phương trong cuộc hành quân phi chiến thuật phi binh pháp nầy, mặc dầu người người tới lui tấp nập với nhiều bông mai trắng trên vai, huy chuơng đầy trên ngực. Ngay cả CNC Th/ tá Trương Văn Hoàn là đàn anh PÐ 213 của chúng tôi cũng không thấy đâu hết. Tôi nóng ruột lấy hai chiếc gunship lên vùng quan sát điạ thế và bãi đáp chuẩn bị cuộc chuyển quân.

    Bãi được cấp trên chọn lựa là một khoảng trống eo hẹp nằm trong thung lũng giữa rừng thiêng núi thẳm, với bãi đáp như vậy chúng tôi không thể nào áp dụng được hết tuyệt kỷ cách đáp nhanh chóng nhảy diều hâu được. Hơn nữa rất dễ dàng bị phục kích tại bãi đáp thập phần nguy hiểm khi con tàu và Bộ binh vừa nhảy xuống ngoài khoảng trống. Tôi quyết định chọn bãi đáp là khoảng trống cuối lưng của dãy núi dài hẹp không xa. Như vậy xem như chúng tôi thực hìện một chút gì để nghi binh đánh lạc hướng đối phương. Những phi công của chốn núi rừng cũng dễ dàng phát huy hết sở trường của họ với cách bay thấp tuỳ theo cây rừng cao thấp để tránh né phòng không hạng nặng vì loại nầy nòng dài, tầm bắn cao và xa nên cần phải có xạ trường. Bay thấp như vậy chúng tôi đã làm mất hiệu năng của họ rồi chỉ còn chấp nhận loại súng cá nhân của địch mà thôi. Còn pilot thì cũng chỉ cần một vài giây đồng hồ họ có thể giảm tốc độ từ hai trăm cây số còn vài chục cây số giờ để vào bãi đáp. Hơn nữa bộ binh ở trên đồi cao nhiều lợi thế, đối phương không dám liều lĩnh tấn công từ dưới lên. Hai chiếc gunship ngoài việc quanh vùng bảo vệ chặt chẽ bãi đáp và lúc nào cũng bao vùng để sẵn sàng giúp đỡ quân bạn vừa nhảy xuống. Sau đó tôi trở về hướng dẫn đoàn trực thăng chuyển quân vào.

    Ðoàn trực thăng vận bay theo đội hình bậc thang và bay thật thấp trên ngọn cây rừng và sắp xếp thời gian cho nhũng chiếc trực thăng chuyển quân đáp từng chiếc một, chiếc nầy vừa cất cánh thì chiếc khác nhanh chóng nhảy vô liền để không mất thời gian tính. Chúng tôi phải bay liên tục nhiều đợt chuyển quân mãi đến tối mịt vẫn chưa xong. Lại một lần nữa cuộc hành quân phi quân sự và binh pháp phơi bày quá rõ, vì hành quân trực thăng vận phải xong it nhất vài giờ trước khi trời tối để bộ binh vừa nhảy xuống có đủ thời gian thám sát, di chuyển đào hố cá nhân và bố trí phòng thủ, đàng nầy họ vừa nhảy xuống giữa rừng thẳm âm u trong bóng tối đưa bàn tay ra còn không thấy, chẳng khác nào thả đàn dê trước miệng hổ. Tội nghiệp.

    Tôi thật sự ngao ngán quá cho cuộc hành quân không có yếu tố quân sự sơ đẳng theo những bài học quân trường từ sự bí mật, bất ngờ, nhanh chóng và ồ ạt đều không có. Ðêm bắt đầu buông xuống, những con tàu đáp khó khăn và tôi phát hiện có nhiều tiếng súng gần xa báo tình hình bất ổn, hơn nữa vì trời tối chúng tôi không còn thấy rõ bãi nên không thể bay nhanh đáp bạo được. Tôi báo cáo lên CNC yêu cầu ngưng phi vụ nhưng CNC ra lệnh chúng tôi tiếp tục chuyến cuối cùng dù vẫn không thấy CNC ờ đâu hết. Cuối cùng chiếc Thiên Ưng 7 của phi đoàn 239 biến thành ánh sao băng khi nghe vang trong vô tuyến:
    - Mayday, mayday.
    Tôi rùng mình nhìn qua bên cạnh một khối lửa xanh dờn đang vùn vụt lướt trong màn đêm trời không ‘‘xanh như màu áo". Tôi hét lên:
    - Tắt máy làm Force landing.
    Lời tôi lạc lõng trong bóng đêm vô tình. Một vì sao rơi, rơi về với lòng đất mẹ.

    Nhớ lại từ khi Không quân VN có cả ngàn chiếc trực thăng đủ loại đứng vào hàng thứ ba trên thế giới, những tưởng quân lực VNCH nắm được thế thượng phong chủ động chiến trường tung những cưộc hành quân xa với lực lượng hùng hậu đưổi hổ về rừng hay tìm địch vây địch mà đánh, trái lại càng lúc càng co cụm chiếm những đỉnh cao mà không thấy địch, xây thành làm mục tiêu cho đích pháo kích, tấn công. Mỗi ngày trực thăng phải phân tán mỏng thành từng nhóm nhỏ năm sáu chiếc cho các Sư đoàn điều chi để tiếp tế cho những tiền đồn đó, rồi cũng không biết quy tụ thành lực lượng mạnh khi cần thiết. Nếu biết và am tường chiền thuật trực thăng vận, tập trung lực lượng trong vài giờ gần 100 chiếc slick và trực thăng gunship tại Ðà Nẵng bảo vệ cùng khu trục ngăn cản đối phương chắc hẳn cuộc triệt thoái Thủy Quân Lục Chiến ở Thừa Thiên không đến đỗi tắm máu. Tiếc thay!!!

    Sau mùa hè đỏ lửa Phi đoàn 213 khánh tận, chịu sự hy sinh quá nhiều đến đỗi từ đó mổi chiều về vợ con thân nhân của chúng tôi kéo nhau tới cổng phi trường hay tới phi đoàn dõi mắt trông chờ từng chiếc trực thăng vỗ cánh tành tạch trở về với những nỗi vui mừng lẫn lo sợ pha trộn của

    ‘‘ Thuở trời đất nổi cơn gói bụi
    Khách má hồng nhiều nổi truân chuyên"


    mà trong đó bao người thiêu phụ đã biến thành "tượng đá ôm con".

    Khi viết những giòng nầy không biết vị Thiếu tá tiểu đoàn trưởng thuơng lính như con cái ấy và nhũng người lính trong tiểu đoàn đó còn ai không! Xin chia buồn với thân nhân, gia đình hai phi hành đoàn và hai tiểu đội 81 Biệt kích Dù vuợt tuyến Mỹ chánh, thân nhân Thiên Ưng 7, Tiểu đoàn thuộc SÐ2 BB kể trên. Tôi xin cúi đầu tưởng niệm tất cả anh linh của những anh hồn ngưởi tử sĩ hội nhập với hồn thiêng sông núi.

    Song chùy 11

    Tháng giêng, năm 2005
    Last edited by chieutim; 07-19-2013, 12:23 PM.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X