Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Ba Năm

Collapse
X

Ba Năm

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Ba Năm

    BA NĂM
    ***


    Kha Lăng Đa


    Vườn nhà tôi và vườn của Ba Năm cách nhau bởi hàng rào cây táo nhơn xanh thắm. Giữa rặng cây táo nhơn trổ hoa trắng trong mùa mưa, có một cây trâm đơm đầy trái tím. Hai mảnh vườn đều trồng cây mãng cầu ta, xen lẫn vài cây khế chua, khế ngọt, ổi, táo và chùm ruột.
    Ba Năm là người láng giềng thân tín của cha mẹ tôi. Ông rất yêu thương anh, chị, em tôi. Vì thế, cha mẹ tôi dạy chúng tôi phải gọi ông bằng ba Năm (Ba là cha, Năm là thứ bậc của ông trong dòng dõi, gia tộc). Năm tôi vừa tròn sáu tuổi thì Ba Năm đã quá tứ tuần. Ba Năm có tầm vóc cao khoảng một thước bảy, người hơi gầy, nước da ngăm đen. Khuôn mặt ông xương xương, tóc hớt ngắn gọn, mày rậm, mũi cao, trán rộng, đôi mắt hơi sâu nhưng rất sáng, môi dầy và thâm, có lẽ vì ba Năm hút thuốc rê liên tục, miệng rộng phát ra giọng đồng sang sảng. Ba Năm để râu năm chòm. Râu và tóc của ông đều điểm sương. Thân hình rắn chắc, tay chân gân guốc vì Ba Năm vừa là nông phu, vừa là thợ mộc, làm việc lao động nhiều. Ba Năm thường mặc quần áo bà ba đen, chân đi guốc vông.
    Ba Năm rất hiếu khách, vui vẻ và hòa nhã với mọi người.
    Ông sống an phận với ruộng lúa, vuờn cây, tuy không khá giả mấy nhưng ông rất trọng nghĩa, khinh tài, thường giúp đỡ người bị hoạn nạn. Gia đình tôi và bà con trong thôn xóm rất thương mến Ba Năm.
    Cổng vườn nhà Ba Năm được làm bằng gỗ rất đẹp mắt, phía trên có giàn hoa giấy trắng, đỏ đan nhau chi chít. Trước gian nhà ngói đỏ đã mờ vết rêu phong, Ba Năm đã xây một hòn non bộ giữa sân bằng đá san hô mà ông đã mướn ghe bầu chở từ Phan Thiết về. Trước hòn non bộ là một hồ nhỏ trồng hoa sen. Hồ nước thông vào một hang dưới chân núi được Ba Năm đặt tên là động Đào Nguyên. Trong hồ có nhiều cá chép vàng bơi lội nhởn nhơ. Con đường vòng quanh bờ hồ có nhiều triền dốc và cầu cống. Tượng ngư ông cầm cần câu, làm bằng đất nung được đặt trên một tảng đá lớn cạnh bờ hồ. Mảnh đất bên đường mòn dưới chân núi có tượng nông phu cày ruộng và mục đồng ngồi trên lưng trâu thổi sáo. Tượng tiều phu vác bó củi trên vai, được Ba Năm gắn trên cái cầu bắc ngang, phía trước cửa vào hang động. Trên núi có những chùa chiền mái cong với cổng tam quan. Tượng thú vật như cọp, nai, khỉ, chim công... được gắn rải rác trên hòn non bộ. Gần đỉnh núi, có hai tiên ông ngồi đánh cờ. Đặc biệt giữa hòn non bộ của Ba Năm có một thác nước chảy mãi không ngừng. Nước tuôn xuống cái hồ, trước lối vào động Đào Nguyên. Trước hòn non bộ là vườn hoa và cây kiểng của Ba Năm. Có nhiều loài hoa nở theo mùa, theo tiết như hoa lan, hoa lựu, hoa cúc, hoa mai. Ngoài ra còn có hoa dạ lý, đưa hương, thơm ngát cả vườn trong những đêm thanh vắng. Quỳnh hoa thẹn thùng, e lệ, nở hoa lúc nửa đêm. Giữa ngàn tía, muôn hồng của hoa vạn thọ, cúc bách nhựt, hoa mào gà, hoa huệ, hoa lài, hoa móng tay, hoa trang, mẫu đơn, thược dược và nhiều loài hoa khác, một bụi trúc xinh thắm đứng đợi gió về, cành lá phất phơ, che ngang mặt trăng rằm, trong đẹp như một bức tranh Tàu. Những cây chùm nụm trồng trong chậu sứ hình bát giác, Ba Năm uốn, tỉa cành rất khéo léo thành hình con nai, hình con công xòe cánh.
    Giữa vườn hoa, Ba Năm cắm một cây nọc gỗ cao khoảng hai thước. Trên đầu nọc, ông gắn một tấm ván vuông, cạnh dài một thước với những hình người làm bằng gỗ, đứng xay lúa, sàng gạo, giã gạo. Những người gỗ được gắn then chuyền vào một trục quay ở giữa. Trên đầu trục, có hai thanh gỗ tréo nhau thành hình chữ thập mà bốn điểm tận cùng được gắn bốn chiếc thuyền buồm để nhờ sức gió làm cho trục quay tròn, tác động vào then chuyền khiến người gỗ hoạt động. Hoạt cảnh nông gia này trông rất vui mắt, ai đi ngang qua nhà Ba Năm cũng đứng lại nhìn xem, mỉm cười thích thú.
    Ba Năm kể cho tôi nghe sự tích của động Đào Nguyên. Tôi cảm thấy hồn mình lâng lâng, mơ mộng, tưởng tượng mình như người dân đánh cá ở Vũ Lăng chèo thuyền ngược dòng sông, lạc vào động Đào Nguyên.
    Nghề thủ công của Ba Năm rất tinh xảo. Vào dịp Tết Trung Thu và Tết Nguyên đán, Ba Năm làm nhiều món đồ chơi của trẻ con để đem bán ở xóm chợ. Tôi thường phụ giúp đứa cháu nội của ông – tên là Đêm, mang đồ chơi ra chợ, bán. Đêm lớn hơn tôi ba tuổi, thân hình vạm vỡ, khỏe mạnh. Đêm rất vui vẻ, thông minh, tháo vát và cũng rất tinh nghịch. Vào mùa gió chướng của tháng cận Tết, Ba Năm làm cho Đêm và tôi một con ó, bề dài hai cánh hơn một thước, sườn bằng tre, phất giấy bạch rất mỏng. Trên đầu con ó có gắn nhiều cây cung lớn nhỏ lồng vào nhau mà dây cung là những sợi mây bề bản rộng khoảng sáu ly, được chuốt thật mỏng. Đó là cái “tù tu” thay vì sáo diều. Khi Đêm và tôi đem thả con ó lên trời bằng một dây nhợ dài cả trăm thước, những sợi dây cung xẻ gió, rung lên, phát ra một hợp âm trầm bổng nghe rất du dương.
    Hằng năm sau mùa gặt, Ba Năm trồng dưa hấu trên đất ruộng để bán trong dịp Tết. Dưa chín rộ vào giữa tháng Chạp. Tôi và Đêm ngồi trong chòi để giữ dưa. Cùng với nhiều cánh diều khác của đám trẻ trong thôn xóm, con ó của chúng tôi được thả lên giữa bầu trời xanh biếc, không gợn một áng mây. Chúng tôi chia nhau ăn những trái dưa gốc chín đỏ, ngon ngọt, lắng tai nghe tiếng “tù tu” quyện theo ngọn đông phong mát lạnh. Từng đàn chim én bay lượn ngoài ruộng dưa như báo tin mùa xuân sắp đến.
    Vào ngày 25, 26 tháng Chạp, các anh tôi giúp Ba Năm gánh dưa ra chợ, chất đống trong một gian hàng được che bằng vải bố. Tôi và Đêm hết nhiệm vụ giữ dưa, được Ba Năm cho tiền đi chợ Tết, đánh “bầu cua, cá, cọp”, đánh bông vụ rồi đi ăn hủ tíu ở quán của chị A-Muối bên hông Chợ.
    Ngoài con ó để thả bay cao trong mùa gió chướng, Ba Năm còn làm cho Đêm và tôi một chiếc thuyền buồm dài nửa thước để thả trong một cái ao bên đình làng giữa mùa mưa. Khi chiếc thuyền căng buồm, rẽ nước, chạy phăng phăng, tôi và Đêm lội theo phía sau, vói tay điều chỉnh dây lèo và bánh lái. Nhờ thú vui nầy mà tôi và Đêm bơi lội giỏi. Nhưng, một hôm vì quá say mê đuổi theo chiếc thuyền chạy rất nhanh trong gió lộng, tôi bị vọp bẻ, bắp thịt cả hai chân căng cứng, đau nhức như bị xé cơ, không cử động được. Đêm bỏ mặc cho chiếc thuyền bị lật úp, vội vã dìu tôi, lội vô bờ rồi xoa bóp bắp chân cho tôi. Sau khi hồi phục, hai chân cử động bình thường, tôi cảm động, cầm tay Đêm, nói:
    - Nếu không có mày cứu vớt, chắc tao đã thành “ma da” ở dưới ao đình.
    Giữa hàng rào cây táo nhơn phân ranh vườn nhà tôi và vườn nhà ba Năm, tôi và Đêm đã dọn một lỗ trống để chui qua, rủ nhau đi chơi rong vào những đêm trăng sáng, Chúng tôi thường đến nhà của cậu năm Thục ở đầu thôn để nghe ông thổi ống tiêu. Âm thanh tiếng tiêu lan xa trong ánh trăng vàng như vấn vương nỗi sầu mộng, nhớ thương. Đêm nào không nghe tiếng tiêu, tôi thao thưc, chờ mong. Những khi buồn, tôi thường chui lỗ rào để qua ngồi trên cái băng đá trước nhà ba năm, ngắm nhìn hòn non bộ. Những lúc phạm lỗi, bị cha mẹ đánh đòn, tôi chạy sang “tị nạn” ở nhà Ba Năm dể được ông an ủi và khuyên bảo:
    - Từ đây về sau, con hãy nghe lời ba má con dạy bảo. Có như vậy mới không bị đòn và sẽ thành người tốt.
    Những lúc ấy, má Năm thường lấy bánh ít nhưn dừa cho tôi và dỗ dành:
    - Con đừng khóc nữa. Má năm cho con bánh ít nhưn dừa nè! Đừng có hì hượm nữa nghe con.
    Tuy sống ở đất vườn, nhưng cha tôi làm nghề đánh cá. Cha tôi lái thuyền buồm ra khơi với năm người “bạn biển” lực lưỡng. Thuở đó, sở “đáy rạo” của cha tôi cắm giữa dòng hải lưu ngoài khơi, cách bờ khoảng sáu hải lý mang tên là “Hàng mới lạch”, được rất nhiều cá tôm. Gia đình tôi trở nên hưng thịnh, vui sống đời ấm no, hạnh phúc. Cha mẹ tôi có lòng nhân ái, làm việc thiện, việc nghĩa, biết chia cơm, sẻ áo cho người nghèo nên được dân làng mến thương. Bến thuyền ở ngoài xóm chợ, cách nhà tôi một cây số rưỡi. Tôi thường theo mẹ và các anh tôi ra bến, đón thuyền của cha tôi về vào những buổi chiều vàng hay những đêm trăng soi lấp lánh trên mặt biển quê hương. Nhiều ánh đuốc của thuyền đánh cá trở về soi bập bùng trên bến tấp nập ngư dân, đẹp như ý thơ của bài “Phong Kiều Dạ Bạc”:
    Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
    Giang phong ngư hỏa đối sầu miên...
    Sau cuộc hải hành, cha tôi thường chọn lựa cá, tôm để biếu Ba Năm. Dây thân ái giữa hai gia đình ngày càng thắt chặt. Nhà nào có đám giỗ, tiệc tùng thì nhà kia đến đông đủ để chung vui.

    Bỗng một tai họa xẩy đến cho cả thôn xóm mà gia đình tôi và gia đình ba Năm đang an cư lạc nghiệp bị cửa nát nhà tan. Vào một buổi sáng tinh sương, khoảng hai mươi người Việt Minh đặt ổ phục kích quân Pháp tại vườn nhà tôi vì hằng ngày, có một tiểu đội lính Pháp đẩy xe từ đồn bót của chúng cách đó một cây số, đến lấy nước ngọt tại giếng của gia đình tôi. Họ đã phong tỏa nhà tôi, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Cha mẹ tôi năn nỉ họ dời điểm phục kích đến chỗ khác nhưng họ không chấp thuận. Họ đe dọa nếu còn van xin nữa, họ sẽ giết chết.
    Khi trận chiến bùng nổ, gia đinh tôi, gia đình ba Năm và cả xóm phải chạy vào rừng ẩn trốn để thoát khỏi sự trả thù, tàn sát của quân Pháp. Lực lượng Việt Minh rút lui, quân tiếp viện của Pháp tràn vào đốt phá thôn trang. Sự nghiệp của gia đình tôi tiêu tan trong lửa đỏ. Cũng may cho gia đình tôi còn lại được chiếc thuyền đánh cá đậu ở bến, ngoài xóm chợ. Cô Năm của tôi đã điều động những người bạn biển tiếp tục ra khơi hành nghề để kiếm tiến mua lương thực, thuốc men... tiếp tế cho gia đình tôi.
    Hơn sáu tháng chạy giặc trong rừng sát sình lầy, ba Năm luôn kề cận gia đình tôi giúp đỡ, an ủi, sớt chia gian khổ, đau buồn. Mọi người luôn luôn lo sợ những trận càn quét của quân Pháp và luôn đặt mình trong tình trạng sẵn sàng chạy trốn khi nghe tiếng động cơ của máy bay “Đầm già” vọng lại từ xa. Mùa mưa trong rừng rậm có rất nhiều muỗi và “bù mắc” chực chờ hút máu người. Vậy mà khi chiếc phi cơ quan sát bay quần nhiều vòng thật thấp để săn tin tức, ai cũng chui vào bụi rậm, nằm im thin thít, muỗi cắn cũng không dám đập. Một hôm, Đêm bắt một con bù rầy lớn hơn ngón tay cái, cột chân nó vào một sợi dây nhợ rồi cột một cái vỏ ốc len nặng bằng trọng lượng của con bù rầy, hai vật cách khoảng một gang tay. Con bù rầy bay quanh cái vỏ ốc trông như cái quạt máy đang quay. Đêm cầm đầu dây, thòng con bù rầy vào giữa cái lu đã cạn nước để cho tiếng ù ù phát ra từ đôi cánh mỏng, dội vang trong lu và thoát ra ngoài, nghe giống như tiếng động cơ của máy bay “Đầm già” văng vẳng ở phía xa. Tôi đứng bên cạnh Đêm, mỉm cười thích thú. Đám người chạy giặc bỗng ngẩng đầu, nghe ngóng. Ba Năm cất tiếng báo động cho mọi người biết:
    - Bà con ơi, chuẩn bị ẩn trốn, con “đầm già” nó sắp tới!
    Giữa lúc mọi người gọi nhau ơi ới để chạy vào rừng hay xuống hầm trú ẩn thì ba Năm khám phá ra tiếng phi cơ “bà già” từ trong... cái lu cạn nước. Ba Năm nổi giận, tóm lấy Đêm bằng tay trái và đánh lia lịa vào mông nó bằng tay phải. Mẹ tôi đến năn nỉ, can ngăn, ba Năm mới chịu tha cho Đêm. Đến lượt tôi sắp bị cha tôi đánh đòn thì ba Năm xin tội cho tôi:
    - Nó đâu có lỗi lầm gì mà ông đánh nó, tất cả đều do thằng Đêm lớn đầu mà ngu!
    Quay nhìn Đêm và tôi, ba Năm răn dạy:
    - Ai cũng sợ máy bay “Đầm già”, sao tụi bay chơi ác vậy? Từ đây về sau phải chừa bỏ nghe chưa!
    Tôi và Đêm khúm núm trả lời:
    - Dạ!

    Vì muốn cứu những người thân yêu thoát khỏi cảnh đời tăm tối, cha tôi lén về làng, liên lạc với chú Chín Bởi, một người bà con đang làm thông dịch viên cho quân Pháp để nhờ chú ấy minh oan cho gia đình tôi, cho ba Năm và láng giềng. Kết quả là nhà tôi và cả xóm đều được hồi cư. Tổ ấm năm xưa không còn nữa, gia đình tôi và gia đình ba Năm phải ra xóm chợ tìm kế sinh nhai. Gia đình ba Năm tạm trú tại nhà của đứa con trai thứ ba. Người nầy là cha ruột của Đêm. Ba Năm tiếp tục hành nghề thợ mộc. Má Năm làm bánh, đem bán ở chợ. Gia đình tôi ở đậu nhà một người bà con trong một thời gian ngắn rồi dọn đến nhà mới của cha tôi mua được.
    Ba Năm nhớ xóm cũ, nhớ mảnh vườn xưa, nhớ hòn non bộ mà ông đã dày công tác tạo nên đưa gia đình trở về xóm rẫy. Để giúp cho ba Năm có thêm đất trồng cây ăn trái, tăng thêm tiền thu nhập cho gia đình, cha mẹ tôi đã chuyển nhượng lại đất vườn của nhà tôi cho ba Năm. Căn nhà lợp ngói âm dương ngày trước không còn nữa, ba Năm dựng lại một mái nhà tranh với hai cái chái bên hông và cái chái bếp rất rộng rãi. Ba Năm sửa chữa lại hòn non bộ y như cũ. Phá hàng rào cây táo nhơn ngăn cách hai mảnh vườn, ba Năm vui mừng có thêm diện tích đất để trồng thâm cây mảng cầu và ổi xá lị nhiều hơn.
    Đêm vẫn theo ông bà nội chớ không sống với cha mẹ. Tôi và Đêm đi học ở trường làng. Đêm học rất giỏi, viết chữ rất đẹp. Tôi học sau nó một lớp. Những ngày cuối tuần, tôi thường về xóm cũ để cùng Đêm đi thả ó, thả diều ngoài đồng hoặc đi thả thuyền buồm ở ao đình làng. Học hết lớp Nhứt, tôi qua Vũng Tàu dể học trường Trung học, còn đêm thì bỏ học để phụ giúp ba Năm làm vườn, làm ruộng. Ngày từ biệt để lên đường đi học ở tỉnh xa, cách quê mẹ Cần Giờ mười ba cây số đường biển, tôi được má Năm đãi ăn bánh ít trần thật ngon, được Đêm tặng cho một cây viết máy làm kỷ niệm. Ba năm cầm tay tôi bịn rịn, khuyên lơn:
    - Ra tỉnh con cố gắng học hành để được đỗ đạt, thành danh, làm rạng rỡ tông đường. Điều cần yếu là con phải biết vâng lời thầy, cô, vâng lời cha mẹ.
    Qua ba lần hè đến, tôi trở về làng cũ để sum họp với cha mẹ và anh, chị, em tôi. Lần nào tôi cũng vào thăm ba má Năm và cùng Đêm sống lại những kỷ niệm ngày xưa. Tôi có dịp thăm lại hòn non bộ của ba Năm. Chiếc thuyền buồm bé nhỏ đã chở tuổi thơ của tôi và Đêm trôi vào dĩ vãng. Chúng tôi đã đến tuổi hoa niên nhiều ước vọng cho tương lai.
    Vào một dịp nghỉ Tết, tôi trở về quê thì nhận được tin buồn, Đêm đã đi vào rừng theo bọn người mệnh danh là “Cách mạng giải phóng miền Nam” trong khi nó đã cưới vợ được vài tháng. Lúc đó, người anh ruột thứ sáu của tôi làm Trung đội trưởng Nghĩa quân đã nhờ người thân tín liên lạc được với Đêm. Anh tôi kêu gọi Đêm trở về với Chính Nghĩa Quốc Gia theo Chính Sách Chiêu Hồi, đích thân anh sẽ đến điểm hẹn để đón Đêm về. Anh hứa sẽ bảo lãnh cho Đêm. Đêm trả lời cho anh tôi biết: chờ một cơ hội thuận tiện, nó sẽ quay về. Nhưng rủi ro thay, giữa một đêm tối trời, Đêm đột nhập hàng rào ấp Chiến Lược để về thăm vợ, bị lực lượng Bảo An bắn chết. Nhận được hung tin, ba má Năm ngất xỉu mấy lần vì quá thương tiếc đứa cháu nội đã sống gắn bó với ông bà từ thuở nó còn ấu thơ cho đến ngày khôn lớn. Sau đó, người vợ trẻ của Đêm vội bước sang ngang.
    Hôm ấy nhằm ngày mùng Hai Tết, tôi và mẹ tôi đến thăm ba má Năm, má Năm, ba Năm vui mừng ôm tôi mà khóc vì nhớ Đêm. Sau khi thuật lại chuyện buồn, má Năm kể cho tôi nghe:
    - Thằng Đêm nó linh lắm đó con! Khi vợ nó lấy chồng khác, hồn nó theo phá hoài. Cứ mỗi lần vợ nó và thằng chồng mới ăn nằm với nhau thì bị... hồn ma của thằng Đêm giựt đứt dây mùng.
    Ba Năm chỉ chiếc thuyền buồm nhỏ đặt trên cái giá gắn trên vách, ôn tồn nói:
    - Chiếc ghe mà con và thằng Đêm thường đi thả ở ao đình, ba Năm treo trên vách để nhớ tụi bây.
    Chỉ đến con ó treo phía trên thuyền buồm, với đôi mắt rươm rướm lệ, ba Năm nghẹn ngào nói:
    - Đêm hai mươi tám Tết, ba Năm nằm chiêm bao thấy con về thăm. Sáng hôm sau, ba Năm lấy con ó để trên gác xuống coi thì thấy nó bị chuột cắn rách một cánh. Ba Năm liền ra chợ, mua giấy về phất lại con ó và treo nó gần chiếc ghe buồm. Thật đúng như chiêm bao, hôm nay con về... nhưng... lại... vắng... thằng Đêm.
    Miệng ba Năm bỗng méo lệch, nước mắt trào tuôn xuống đôi má hóp. Ba Năm nói đứt khoảng:
    - Ba Năm là người Quốc Gia, không bao giờ xúi giục con cháu theo Việt Cộng, không biết thằng Đêm nghe lời ai mà đi vào chỗ chết!?
    Tôi cố nén cơn xúc động nhưng lệ cũng ứa ra bờ mi. Ba Năm gạt nước mắt, hối má Năm dọn bánh mứt cho mẹ con tôi ăn. Sau khi thưởng thức hương vị ngày xuân, mẹ tôi và má Năm ngồi nhai trầu bỏm bẻm, trò chuyện với nhau. Ba Năm uống rượu đế, nhâm nhi đĩa tôm khô như để giải phá cơn sầu. Tôi xách con ó ra đường làng, trước nhà ba Năm, thả nó lên cho đôi cánh bọc gió với một sải tay dây nhợ rồi lần lần nới dây dài thêm. Đến khi con ó bay dừng lại trên cao, tôi đứng nép bên vệ đường nhìn nó, lòng miên man nhớ lại kỷ niệm êm đẹp của tôi và Đêm trong cái chòi nhỏ bên ruộng dưa, vào những ngày cận Tết năm xưa. Âm vang của tiếng “tù tu” giữa không trung như tiếng oán than, rót vào hồn tôi nỗi u hoài, nhớ thương bạn cũ. Tôi không ngờ Đêm lại ra đi vào vùng tăm tối và kết liễu mạng sống một cách quá oan uổng. Có phải chăng cái tên Đêm không sáng sủa làm ảnh hưởng đến cuộc đời của nó?! Tôi khẽ thở dài, cuốn dây nhợ lại và cho con ó xuống thấp dần đến tận cùng đường dây rồi mang nó vào nhà. Đó là lần thả ó cuối cùng của tôi nơi xóm cũ, làng xưa để giã từ kỷ vật của tôi và Đêm từ thời thơ ấu, rời xa mái trường, đi theo tiếng gọi của núi sông.

    Hai năm sau, tôi xin nghỉ phép, trở về quê, thăm gia đình, thăm ba Năm cũng vào dịp Tết. Buổi chiều của ngày Ba Mươi tháng Chạp xuống thật chậm trên xóm thôn đang thả khói lam bay ẻo lả. Nắng vàng như còn lưu luyến ngày xuân tươi, vương đọng trên cây cỏ, lá hoa. Tôi phụ ba Năm che bếp bằng mấy tấm “tôn” cho kín gió để má Năm bắt đầu nấu bánh tét trước sân nhà rồi bày tiệc bên hòn non bộ, uống rượu với mấy người láng giềng.
    Cội mai già đơm đầy nụ hoa hàm tiếu như chực chờ nở đúng giờ phút thiêng liêng đầu năm mới. Vườn hoa do bàn tay ba Năm vun bón đang tưng bừng khoe sắc thắm, lả lơi, cười cợt với đông phong. Mấy con cá chép trong hồ đớp mống làm rung rinh mấy lá sen non đang nhô mình lên trên làn nước trong veo. Bên bờ hồ, tượng ngư ông vẫn ngồi trầm ngâm, cầm cần, câu cá. Mục đồng cưỡi trâu, thổi sáo. Tiều phu vác bó củi, lom khom đi xuống núi. Thác nước vẫn đổ xuống trước cửa vào hang động Đào nguyên.
    Qua mấy lần rót rượu, ba Năm vui vẻ hỏi tôi:
    - Nghe má con nói: con là sĩ quan Không Quân, bay máy bay “đầm già” phải không con?
    Tôi đáp:
    - Dạ thưa ba Năm, phải.
    Ba Năm nhìn tôi mỉm cười:
    - Con còn nhớ hồi xưa mình chạy giặc trong rừng, thằng Đêm và con bắt bù rầy cột chân, cho nó bay xoáy vòng rồi thòng vào lu nước cạn để giả tiếng máy bay “đầm già” khiến bà con thất kinh hồn vía không?
    Hình ảnh cũ hiện về giữa hồn tôi. Trò chơi tinh nghịch “nhái” tiếng phi cơ thám thính của Pháp đã khiến Đêm bị ba Năm đánh một trận đòn nên thân. Cây bút máy của Đêm tặng cho tôi, tôi luôn giữ bên mình như một báu vật. Lúc còn đi học ở trường Trung Học Vũng Tàu, thỉnh thoảng tôi viết thư cho Đêm bằng cây bút do nó tặng cho tôi trong buổi chia tay.
    Ba Năm biết tôi buồn khi nhắc lại chuyện cũ nên rót rượu cho mọi người rồi nói:
    - Mình hãy cụng ly để tiễn đưa năm cũ!
    Tôi và những người láng giềng cùng hưởng ứng lời kêu gọi của Ba Năm trong bầu không khí đầm ấm, vui tươi. Đêm ấy, tôi ở lại tới phút Giao thừa để mừng tuổi Ba Năm, má Năm rồi trở về nhà tôi ở xóm chợ khi pháo khai xuân nổ vang khắp cả thôn làng. Những ngày sau, chiều nào tôi cũng cùng Ba Năm ngồi đối ẩm bên hòn non bộ để ngắm vườn hoa Tết đang xôn xao trong gió xuân về. Đến ngày tôi hết phép phải trở lại đơn vị, khi tôi đến từ giã, Ba Năm tiễn tôi ra ngõ, nắm tay tôi dặn dò:
    - Con hãy bảo trọng lấy thân. Khi nào nghỉ phép nhớ về thăm Ba Năm. Chúc con thượng lộ bình an.
    Tôi bước đi được một khoảng đường rồi ngập ngừng đứng lại, quay nhìn Ba Năm với nỗi luyến thương ngập lòng. Ba Năm vẫn còn đứng trông theo tôi. Thấy tôi quay lại, ông vẫy tay với tôi. Đông phong thổi lộng về làm trút đổ trận mưa hoa dưới cổng vườn, nơi Ba Năm dang đứng nhìn tôi.

    Gần hai năm ở phi trường Đà Nẵng – ải địa đầu của lính tàu bay, dạn dày sương gió của chiến trường miền Trung, tôi xin nghỉ phép thường niên, về thăm quê cũ vào dịp Tết Trung Thu để vui ngày đại hội “nghênh ông” theo truyền thống của dân ngư phủ làng tôi. Tôi mua trà sen và bánh Trung Thu để làm quà biếu Ba Năm. Nhưng khi tôi về đến mái nhà xưa thì được tin Ba Năm lâm trọng bệnh mà qua đời. Mẹ tôi xúc động kể:
    - Khi mẹ đến thăm, Ba Năm đã kiệt sức. Vậy mà Ba Năm vẫn nhắc đến con. Ba Năm chết được ba tháng thì Má Năm buồn rầu, sanh bịnh và chết theo Ba Năm. Mộ của hai người được chôn cạnh nhau, trong đất vườn. Con hãy mua hoa và nhang để vào viếng mộ Ba, Má Năm, đi con!
    Tôi nghe lòng mình đau đớn, tiếc thương Ba, Má Năm như người ruột rà trong gia tộc. Vội vã đi đến nhà Ba Năm, thấy cổng vườn hé mở, tôi bước vào và đảo mắt nhìn quanh. Trong vườn vắng lặng, không một bóng người. Mấy con chim sâu chuyền cành cây mãng cầu, buông tiếng hót bi thương. Tôi thấy hai nấm mồ của Ba, má Năm nằm bên cạnh con đường mòn từ cổng vào nhà. Tôi xúc động quỳ xuống, hai tay ôm choàng mộ của Ba Năm rồi đến mộ của Má Năm. Tôi đặt hai bó hoa tươi trước mộ và đốt nhang, cắm trước hai tấm mộ bia. Tôi nghẹn ngào, nói thầm:
    - Con về đây, sao Ba, Má Năm vội ra đi!
    Nước mắt tôi chảy xuống ướt má hồi nào tôi cũng không hay. Tôi lấy khăn tay lau lệ rồi đứng dậy, quay sang hòn non bộ. Tôi sửng sốt khi thấy hòn non bộ không còn nữa mà chỉ thấy trồng toàn là rau cải. Những cái chậu bình bát giác mà Ba Năm trồng cây chùm nụm làm kiểng và uốn, tỉa cành lá thành hình con nai, con công, nay cũng biến mất. Cội mai già ngày trước bị cưa mất nhiều nhánh và bụi trúc bị chặt mất nhiều cây. Cây lựu ngày xưa trổ hoa đỏ trong nắng hạ, nay đứng xơ xác, chơ vơ như tiếc thương người đã trồng và vun bón nó. Tôi còn đứng ngẩn ngơ trước cảnh đổi thay thì cha của Đêm từ ngoài cổng đi vào. Tôi cất tiếng chào hỏi:
    - Chào anh Ba, anh đi đâu về vậy anh Ba? Tôi tới không thấy ai nên đứng ngoài sân.
    Cha của Đêm mời tôi vào nhà. Tôi đến đốt nhang, cắm trên bàn thờ của Ba, Má Năm và Đêm rồi trao gói trà sen và bánh Trung thu cho anh Ba:
    - Tôi không biết tin Ba, Má Năm mất. Tôi mua trà sen và bánh TrungThu về biếu Ba, Má Năm. Xin anh Ba nhận món này để cúng Ba, Má Năm.
    Anh Ba nhận quà đặt lên bàn thờ và nói hai tiếng cám ơn nghe .. cộc lốc. Tôi nhìn lên vách, chỗ mà Ba Năm để chiếc ghe buồm và con ó thì thấy hai vật kỷ niệm ấy cũng không còn nữa. Hỏi ra, tôi mới biết anh Ba đã đem bán những chậu kiểng, chiếc thuyền buồm, con ó cho người láng giềng, còn hòn non bộ của Ba Năm, anh ta đã đập nát thành đá cuội để tráng xi măng nền nhà bếp! Cội mai già thì anh ta tỉa nhánh bán trong dịp xuân về. Tôi nghe lòng đau nhói trước một sự mất mát to lớn trong cuộc đời. Đối với tôi, những vật mà Ba Năm để lại còn quý hơn ngọc ngà, châu báu vì nó là kỷ niệm yêu thương của cuộc đời tôi đối với một người láng giềng mà tôi kính mến như thân phụ của tôi. Vậy mà đứa con trai của Ba Năm không nghĩ đến nghĩa tình đối với người thân đã mất, đành lòng đem bán kỷ vật của cha già chỉ vì ham tiền.
    Tôi ngao ngán, từ giã anh Ba rồi bước nhanh ra ngõ. Tiếng tiêu ai oán từ đầu thôn vọng lại khiến tôi đi chậm bước, thất thểu trên đường làng. Chạnh nhớ lần tiễn biệt cuối cùng, Ba Năm đứng ở đầu ngõ, vẫy tay với tôi, tôi quay lại nhìn cổng vườn để hình dung ông còn đứng nơi ấy, dõi mắt trong theo tôi. Gió Thu thổi lộng về, hoa giấy rôi lả tả như mưa trước cổng vườn nhưng người tôi yêu kính đã xa hình, vắng dạng.

    Kha Lăng Đa
    (Hoa Hướng Dương)
    Last edited by chieutim; 06-16-2013, 09:51 AM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X