Thông báo

Collapse
No announcement yet.

30.4 : Viết về phía "triệu người buồn"

Collapse
X

30.4 : Viết về phía "triệu người buồn"

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • 30.4 : Viết về phía "triệu người buồn"

    Những bài viết cho chủ đề 30 tháng 4 rất đáng suy ngẫm trong trang "Lá thư Úc Châu" do anh NNS sưu tầm và phổ biến. Xin giới thiệu cùng quý NT và bạn đọc.


    Viết về phía "triệu người buồn"

    Sinh Lão Tà

    Cuộc nội chiến Mỹ kết thúc năm 1865, với những cái chết của của khoảng 750.000 binh sĩ và một số lượng thương vong dân sự nhiều triệu người. Không lâu sau khi Tướng Lee đầu hàng, khi được hỏi nên đối xử với phe thất trận như thế nào, Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln trả lời: “Hãy để họ thoải mái".
    Tổng thống Abraham Lincoln, lãnh tụ bên thắng cuộc, ngay sau cuộc chiến đã coi đoàn quân thua cuộc của tướng Robert. E. Lee là một đoàn quân thất trận nhưng oai hùng. Người Mỹ, sau cuộc chiến vẫn đứng hòa hợp và tự hào chung dưới một màu cờ. Dẫu rằng, vẫn có những khó khăn để hòa hợp, nhưng quá khứ vẫn mờ dần, không bên nào bị lãng quên dù họ là người thắng hay thua.

    Tôi không phải là người yêu nước Mỹ đến mức cuồng tín như nhiều người, dù tôi biết, nước Mỹ có một nền Dân chủ Tự do đáng ngưỡng mộ. Tôi chỉ tìm hiểu về nước Mỹ qua những bài học lịch sử và phần nhiều hiểu biết về cuộc nội chiến Mỹ qua tác phẩm “Cuốn theo chiều gió” của Margaret Mitchell. Câu chuyện của lịch sử đã khép lại, nước Mỹ đã là một đất nước may mắn khi họ không có những năm tháng hậu chiến đau buồn hay ly tán.
    Không đa dạng chủng tộc như nước Mỹ, chúng ta cùng một giống nòi, nhưng rốt cục đã không được may mắn như họ.

    Tôi sinh ra trong một gia đình miền Bắc. Cha tôi là một quân nhân, đã để lại chiến trường một phần máu thịt. Những cuộc chiến tranh đã lấy đi của gia đình tôi nhiều thứ. Tôi hiểu, mỗi người có một cuộc sống tuổi trẻ của mình, không ai hơn ai. Cha tôi cũng vậy, ông đã bỏ lại tuổi trẻ của mình ở chiến trường và cương quyết ngăn cản con trai mình đi theo con đường binh nghiệp.
    Tôi, hồi nhỏ, chỉ biết về miền Nam qua những bài học lịch sử. Ở trong những bài học đó, tôi mường tượng ra cảnh người Mỹ tràn ngập miền Nam với súng ống và máy bay, đánh phá tan tác những vùng đất mà tổ tiên tôi đã ngàn năm mang gươm mở cõi. Lớn lên, vào miền Nam và ở đó rất lâu, tôi mới hiểu điều tôi đã học không hẳn chính xác. Nhưng tôi xin không bàn về mục đích, nguyên nhân và bản chất cuộc chiến ấy. Đó là việc của các nhà làm sử.
    Hầu như gia đình miền Nam nào cũng phải hứng chịu trong thời kỳ hậu chiến. Đó là những ly tán sau Hiệp định Geneve chia cắt 2 miền, những cuộc tù cải tạo dài đằng đẵng, những chiến dịch cải tạo công thương nghiệp, những vụ vượt biên, những đứa trẻ sinh ra, lớn lên sau cuộc chiến và khó xin công việc vì lý lịch xấu… Những câu chuyện tôi nghe gần 20 năm nay đã để lại trong lòng những người trải qua chúng tổn thương khó hàn gắn.
    Kì lạ là bản thân tôi cũng phải hứng chịu những tổn thương hậu chiến của họ. Lúc mới vào miền Nam, tôi bị kỳ thị vì giọng nói miền Bắc của mình. Tôi đi ra đường thì bị chửi bới, đi học thì bị bạn bè bắt nạt, mua hàng thì luôn phải trả giá cao... Nhiều người miền Nam khi ấy bảo với tôi rằng, giá như không có ngày 30/4/1975, họ sẽ hạnh phúc hơn bây giờ nhiều.

    Khi có internet, tôi dường như đã xác tín điều này. Cuộc chiến tranh ấy đằng sau những xe tăng, súng ống còn là những nhà tù, thuyền nhân, trại tị nạn...
    Bạn bè tôi kể lại, họ thậm chí từng bị cha mẹ mình tát vào mặt khi hát những bài hát ngợi ca cách mạng, có người còn bị cấm đeo khăn quàng đỏ, có người lên đến đại học vẫn cương quyết không vào đoàn thanh niên...
    Từ đó, tôi nhắc đến ngày 30/4 bằng 2 chữ “thống nhất” chứ không phải bằng 2 chữ “giải phóng”. Người ta chỉ thực sự được “giải phóng” khi người ta cảm thấy hạnh phúc với thành quả sau cuộc giải phóng.

    "Triệu người buồn" và giấc mơ Mỹ

    Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi nói về ngày 30/4 đã cho rằng: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”.
    “Triệu người buồn” ấy cũng là giống nòi Việt. Họ hoặc đã rời đất nước này ra đi, hoặc vẫn ở lại trong lòng mang ít nhiều ấm ức.
    Nỗi ấm ức ấy có lẽ không phải vì họ đã trở thành công dân của một nước Việt Nam thống nhất. Toàn vẹn lãnh thổ là khát vọng của cả dân tộc, ngày 30/4/1975 là ngày khát vọng ấy trở thành hiện thực. Có điều, cách "trở thành hiện thực" ấy đã tốn quá nhiều xương máu bởi sự thiếu thiện chí của cả hai bên. Nỗi ấm ức ấy có lẽ bởi những tổn thương hậu chiến quá lớn.
    Những nghĩa trang tử sĩ không người thăm viếng. Hàng triệu người lính Việt Nam phía bên kia chiến tuyến đã bị lãng quên. Không ai trong số những người lính ở cả 2 bên ấy muốn cầm súng bắn vào đồng bào mình, nhưng họ đã phải bắn. Bao giờ cũng vậy, ngày chiến thắng là sự hả hê của một bên và nỗi thất vọng của bên còn lại. Nhưng nếu nỗi thất vọng chỉ dừng lại ở đó, có lẽ, đã không có “triệu người buồn”.
    Những danh từ “Ngụy quân”, “Ngụy quyền” vài năm nay tôi đã thấy ít dùng, trước đây thì rất phổ biến trong các cuốn sách giáo khoa Lịch sử. Những danh từ này nhà cầm quyền nước ta học của Trung Quốc, những người cộng sản Tàu gọi những người Quốc dân đảng là “ngụy”.
    Ngụy là giả dối. Không ai giả dối cả trừ những kẻ đẩy đất nước vào chiến tranh, cuộc chiến ấy chỉ có kẻ thắng - người thua và đồng bào luôn là những người thất bại khi phải đổ máu xương.
    Lỗi không phải của họ, lỗi là của một vài cá nhân trong lịch sử.

    Con trai của một người lính như tôi ngày hôm nay vẫn làm bạn thân với con trai của một người lính Việt Nam Cộng hòa. Dẫu rằng 38 năm trước, cha tôi và cha bạn còn phải cầm súng bắn vào nhau.
    Đã 38 năm, vì những điều không mong muốn mà ngày 30/4 năm nay vẫn là ngày đất nước có “triệu người buồn”. Gia đình của bạn tôi cũng vậy. Nỗi buồn ấy nếu chỉ nằm trong một số gia đình như gia đình bạn, cũng sẽ chẳng thấm vào đâu. Nhưng khi nỗi buồn ấy kéo dài cho đến những thế hệ sinh ra sau cuộc chiến thì đó là nỗi bất hạnh cho cả dân tộc.
    Còn nỗi bất hạnh dân tộc ở lại trong những bài thơ, status thở than của những người Việt Nam bên phía “triệu người buồn”. Họ sống trên đất nước cha ông mà mơ một giấc mơ Mỹ. Ở đó từng có Abraham Lincoln với sự ngợi ca về một đoàn quân thất trận oai hùng.
    Giả sử, chỉ giả sử thôi, ngày 30/4 năm ấy, kẻ thắng cuộc là phía bên kia, có lẽ tôi cũng đã là một thành viên của phía “triệu người buồn” như bạn mình.
    Vậy nên, tôi cũng chẳng thể lấy làm vui.

  • #2
    Trí thức và độc tài

    Trí thức và độc tài

    Ts Nguyễn Hưng Quốc


    Đọc lịch sử các chế độ độc tài, từ độc tài phát xít với những Hitler và Mussolini đến độc tài cộng sản với những Stalin, Mao Trạch Đông, Pol Pot, Nicolae Ceauşescu, và Kim Chính Nhật (bây giờ là Kim Chính Ân) hay độc tài quân phiệt với những Saddam Hussein, Muammar Gaddafi, Robert Mugabe…chúng ta không thể không ngạc nhiên.
    Có rất nhiều điều để ngạc nhiên.

    Thứ nhất, tất cả các tên độc tài, dưới nhiều nhãn hiệu khác nhau, đều vô cùng tham lam và độc ác. Chúng thâu tóm toàn bộ quyền lực trong tay và với quyền lực vô tận ấy, giết vô số người, từ những kẻ thù thực sự đến những kẻ thù tưởng tượng, trong đó phần lớn là chính dân chúng ở nước chúng.

    Thứ hai, tất cả đều mắc bệnh huyễn tưởng, tự xem vị thế và quyền lực của mình như một thứ gì thuộc về thiên mệnh; và vì thiên mệnh, chúng nằm ngoài hoặc nằm trên không những luật pháp mà còn cả các nguyên tắc đạo lý thông thường của con người. Giết người, thậm chí, giết vô số người, với người khác, là tội ác; với chúng, là thiêng liêng và cao cả.

    Thứ ba, vì căn bệnh huyễn tưởng ấy, rất nhiều nhà độc tài trở thành lố bịch, không khác những tên hề. Ceauşescu tự xưng mình là “Thiên tài của vùng Carparthians”, một vùng núi rộng lớn ở Trung Âu, kéo dài từ Slovakia qua miền Nam Ba Lan, miền Tây Ukraine đến tận phía Đông Bắc của Romania. Còn vợ của ông, Elena, người được cử làm Phó Thủ tướng, thì được tuyên truyền như một “Quốc mẫu”, một nhà khoa học vĩ đại (dù bà thực sự bỏ học từ năm 14 tuổi, và tất cả các cái gọi là “công trình khoa học”, kể cả luận án tiến sĩ của bà, đều do người khác viết). Rafael Trujillo, nhà độc tài ở Dominican Republic từ 1930 đến 1938 và từ 1942 đến 1952 thì tự xem mình là Thượng đế. Ông ta ra lệnh cho mọi nhà thờ trong nước phải khắc câu “Chúa ở trên Trời, Trujillo ở dưới Thế” (God in Heaven, Trujillo on Earth) và mọi bảng xe đều khắc câu “Trujillo vạn tuế”. Francisco Macias Nguema, nhà độc tài ở Equatorial Guinea từ năm 1968 đến 1979 cũng thế. Cũng tự xưng mình là Thượng đế. Dưới thời ông, biểu ngữ chính trong nước ghi “Không có Thượng đế nào khác ngoài Macias Nguema”. Saparmurat Niyazov, Tổng thống xứ Turkmenistan từ năm 1990 đến 2006 thì ra lệnh đổi tên 12 tháng trong năm theo tên ông và người thân trong gia đình của ông. Ông cũng viết sách và ra lệnh bất cứ người dân nào, để được thi lấy bằng lái xe, cũng phải thuộc lòng nguyên cả cuốn sách của ông.

    Thứ tư, tất cả đều giả dối, đều sử dụng vô số huyền thoại láo khoét để biến mình thành thần tượng, thành những lãnh tụ anh minh, đầy viễn kiến, mở ra những chân trời mới cho đất nước hoặc cho cả nhân loại. Những huyền thoại ấy nhiều khi rất ngây ngô, ví dụ chuyện Kim Chính Nhật điều khiển đội tuyển bóng đá Bắc Triều Tiên trong giải World Cup 2010 bằng cách chỉ dẫn từng đường đi nước bước trong suốt trận đấu cho huấn luyện viên Kim Jong-Hun qua một chiếc điện thoại di động vô hình!

    Nhưng cả bốn điều “đáng ngạc nhiên” trên đều không đáng ngạc nhiên bằng hai điều này:

    Một, mặc dù tham lam, độc ác, mắc bệnh huyễn tưởng và giả dối như vậy, những tên độc tài ấy lại cầm quyền, hơn nữa, cầm quyền một cách tuyệt đối, trong thời gian rất dài, có khi cả đời hoặc nhiều đời, hết đời con đến đời cháu, chắt.

    Hai, dù đầy khuyết điểm như vậy, những tên độc tài ấy vẫn được nhiều người, kể cả giới trí thức, thậm chí là trí thức xuất sắc ở Tây phương, ngưỡng mộ và hết sức bênh vực cũng như góp phần tuyên truyền cho chúng một cách nhiệt tình.

    Trong hai điều trên, điều thứ hai quan trọng hơn. Giải thích điều thứ nhất, người ta có thể nói: Bởi các nhà độc tài đã xây dựng được một bộ máy tuyên truyền hữu hiệu đủ để nhồi sọ tất cả mọi người và một bộ máy quyền lực mạnh mẽ đủ để nghiền nát bất cứ người nào dám chống đối. Nhưng không có một bộ máy xã hội và chính trị nào có thể tồn tại độc lập. Vấn đề chính là ở con người, tức ở khía cạnh thứ hai, chúng ta vừa nêu ở trên: Tại sao người ta lại khiếp sợ và ngưỡng mộ các tên độc tài đến như vậy? Tại sao người ta lại để cho các tên độc tài dễ dàng lừa dối mình đến như vậy?

    Trên thế giới, cũng có nhiều người từng ngạc nhiên như vậy. Có thời, những kẻ như Hitler, Mussolini, Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Fidel Castro, thậm chí, Kim Chính Nhật đã trở thành thần tượng của nhiều trí thức và văn nghệ sĩ Tây phương. Đạo diễn Oliver Stone khen Fidel Castro là một kẻ “rất vị tha và đạo đức. Một trong những người khôn ngoan nhất trên thế giới.” Một đạo diễn khác, Steven Spielberg, cho “gặp gỡ Fidel Castro là tám giờ quan trong nhất” trong cuộc đời của ông.
    Trước đó, ở Ý, Gabriele D’Annunzio, một nhà thơ lớn, cũng như nhiều nhà thơ thuộc trường phái Vị Lai khác, từng là những kẻ ủng hộ nhiệt thành Mussolini. Ở Đức, Hitler không thiếu người ngưỡng mộ, kể cả một trong những triết gia lớn nhất của thế kỷ, Heidegger, một trong những họa sĩ lớn nhất của thế kỷ, Salvador Dali, một trong những nhà thơ lớn nhất của thế kỷ, Ezra Pound. Nhà văn Na Uy từng đoạt giải Nobel năm 1920, Knut Hamsun, cũng rất ủng hộ Hitler.

    Đối với các nhà độc tài cộng sản, số trí thức ngưỡng mộ nhiều hơn hẳn. Nhà văn Anh George Bernard Shaw (1856-1950) suốt đời ủng hộ Lenin, Stalin, và cả Hitler nữa. Cả Andre Gide và Doris Lessing đều từng ủng hộ Stalin tuy cả hai, sau đó, tự nhận là mình lầm. Picasso, Bertolt Brecht, Pablo Neruda, W.E.B. Du Bois, Graham Greene, v.v. cũng đều ủng hộ Stalin; trong đó, có người vừa ủng hộ Stalin vừa ủng hộ Mao Trạch Đông.
    Jean-Paul Sartre cũng từng là người ủng hộ Stalin và chế độ cộng sản rất nồng nhiệt. Ông là tác giả của một câu nói gây rất nhiều tai tiếng: “Mọi kẻ chống cộng đều là chó” (every anti-communist is a dog). May, sau đó, ông thay đổi thái độ. Khi quân đội Sô Viết xâm lăng Hungary vào tháng 11 năm 1956, ông lên án Liên Xô kịch liệt. Sự phê phán của Sartre đối với Liên Xô càng mạnh mẽ hơn nữa vào năm 1968 khi quân đội Xô Viết trấn áp dân chúng Czechoslovakia trong sự kiện được gọi là “mùa xuân Prague”. Trước năm 1975, trong chiến tranh Việt Nam, ông là người tích cực ủng hộ miền Bắc và lên án Mỹ một cách gay gắt. Sau năm 1975, chứng kiến thảm cảnh của người Việt Nam vượt biển, ông lại lên tiếng phê phán chính quyền Việt Nam và kêu gọi chính phủ Pháp cứu giúp người tị nạn.

    Chúng ta lại phải tự hỏi: Tại sao nhiều người trí thức lại dễ dàng bị các nhà độc tài lừa bịp đến như vậy? Tại sao họ lại nhẹ dạ và cả tin đến như vậy?
    Nhớ, trước đây, trong những lần về Việt Nam, tôi gặp khá nhiều văn nghệ sĩ và trí thức ở miền Bắc. Nhiều người kể lại, trước phong trào đổi mới, đặc biệt, trước năm 1975, họ gần như tuyệt đối tin tưởng vào giới lãnh đạo và chế độ. Trong các buổi học tập chính trị và văn hóa, họ lắng nghe cán bộ giảng bài như nghe những lời thánh phán. Họ cắm cúi ghi chép rồi về nhà, đọc lại một cách thành kính. Sau này, cũng theo lời họ, đọc lại các cuốn sổ tay cũ, họ thấy những ý kiến trong ấy rất hời hợt, thậm chí, ngô nghê. Họ tự hỏi: Tại sao thời ấy họ lại xem những ý kiến ấy như những lời vàng ngọc như vậy? Chính họ, họ cũng không biết rõ câu trả lời. Tất cả đều cho: Đó chỉ là hậu quả của việc nhồi sọ.
    Lại nhớ, mấy năm đầu sau 1975, một số trí thức Việt kiều ở Pháp về thăm nước rồi viết bài đăng tải trên báo chí ở Paris. Họ khen Việt Nam không tiếc lời. Trong lúc người Việt Nam đói đến xanh xao mặt mũi, họ khen đời sống rất sung túc. Trong lúc cả hàng chục ngàn người bị bắt đi cải tạo và con cái họ không được vào đại học, họ khen “chính quyền cách mạng” thực tâm hòa giải, không có bất cứ một chính sách kỳ thị nào đối với những người thuộc chế độ cũ trước đó. Trong lúc cả hàng triệu người bất chấp nguy hiểm tìm cách vượt biên tìm tự do, họ cho Việt Nam là một quốc gia dân chủ và ao ước một ngày nào đó được về nước sống hẳn (dù trên thực tế, không bao giờ họ về cả!)

    Trí thức trong nước bị nhồi sọ. Nhưng còn trí thức ngoài nước thì sao?
    Trong lúc loay hoay tìm cách trả lời cho câu hỏi ấy, cũng như câu hỏi về sự nhẹ dạ và cả tin của trí thức thế giới nói chung, tự dưng tôi nhớ đến mấy câu thơ của Nguyễn Quốc Chánh trong bài “Tao là đứa bé ngoẻo trên lưng Linda Lê”:

    “Có 3 thứ không thể kết hợp với nhau nổi. Đó là: Thông minh, Lương thiện & Cộng sản":

    (i) Một người thông minh & lương thiện thì không thể cộng sản,
    (ii) Một người thông minh mà cộng sản thì không thể lương thiện, &
    (iii) Một người lương thiện mà cộng sản thì chắc chắn không thông minh.”


    Những câu thơ ấy ám ảnh tôi đến độ tôi không thể nghĩ tiếp được nữa.
    Đành dùng chúng thay cho lời kết luận của bài viết.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X