Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Chiếc Áo Bay Cho Hoạ Mi

Collapse
X

Chiếc Áo Bay Cho Hoạ Mi

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Chiếc Áo Bay Cho Hoạ Mi

    CHIẾC ÁO BAY CHO HOẠ MI
    ***

    Kha Lăng Đa




    Khi Phi Đoàn 122 được thành lập, anh Trần Trọng Khương, con chim đầu đàn đã đặt tên cho đơn vị của mình là Phi Đoàn “Thần Tiễn”- 122.

    Anh đã nhờ anh Thái Văn Bá thuộc Phi Đoàn 114 vẽ phù hiệu cho đại gia đình Thần Tiễn. Tôi còn nhớ rõ phù hiệu hình tròn, nền xanh màu không gian, đường cong màu vàng nằm giữa tượng trưng cho dòng sông Hậu uốn khúc dưới trời chiều. Số 122 được vẽ thành một mũi tên màu đỏ. Hai bên mũi tên hình dạng đặc biệt là đôi cánh trắng tượng trưng cho Ngành Phi Hành, phía bên trái, phía trên, có hình một ngôi sao, tượng trưng cho sao”Nam Tào”.

    Anh Khương gọi tôi vào văn phòng để góp ý về phù hiệu này:

    - Anh thấy thế nào cho tôi biết ý kiến. Theo tôi “Thần Tiễn” mang ý nghĩa mũi tên thần trong lịch sử An Dương Vương xây thành Cổ Loa, nhờ chiếc móng của thần Kim Quy mà nỏ thần chỉ cần bắn một mũi tên mà giết được vô số địch quân. Trên thực tế, một quả rocket của chúng ta bắn ra sẽ làm trời long đất lở. Nếu chúng ta chỉ điểm chính xác thì “mũi tên hiện đại” của ta đâu kém gì mũi tên thần của An Dương Vương cuối đời Hùng Vương lập quốc?

    Tôi hoàn toàn đồng ý với anh Khương phù hiệu của đơn vị mang ý nghĩa lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam vào.

    Phù hiệu này chúng tôi chưa được mang trên ngực áo thì có sự thống nhất của Bộ Tư Lệnh Không Quân. Tất cả Phi Đoàn quan sát đều mang phù hiệu hình con chim cú với đôi ánh mắt sáng như đèn pha, chỉ khác nhau ở số của Phi Đoàn. Danh hiệu của Phi Đoàn 122 được đổi lại là “Họa Mi” (Skylark) và Phi Đoàn bạn 116 kề cận đơn vị tôi mang tên là “Sơn Ca”. Trong những phi vụ liên lạc mà đích thân anh Khương thi hành, hoặc anh Phước (Phi Đoàn Phó), anh Hảo (Trưởng Phòng Hành Quân) vẫn xưng danh hiệu “Thần Tiễn 01”, “Thần Tiễn 02”, “Thần Tiễn 03”.

    Qua 4 năm bay yểm trợ cho Sư Đoàn 7, Sư Đoàn 9 Bộ Binh, Biệt Khu 44, các Tiểu Khu Châu Đốc, Cao Lãnh, Mộc Hoá, Vĩnh Long, Vĩnh Bình và Đặc Khu Phú Quốc, Phi Đoàn 122 đã đạt được nhiều thành quả tốt đẹp nên giữa năm 1974, vào một buổi sáng, anh Khương gọi tôi vào văn phòng của Phi Đoàn Trưởng để bàn bạc về một dự tính trong tương lai của anh. Dự tính nầy rất là... ”Tâm lý chiến”! Lúc ấy ở Sài Gòn có hai ca sĩ nổi tiếng là Họa Mi và Sơn Ca, trùng tên với đơn vị của tôi và Phi Đoàn bạn 116. Anh Khương có vẻ tự tin “kế hoạch” của anh nắm chắc sự thành công rực rỡ, sẽ khiến mọi người đều cảm thấy thích thú. Anh tươi cười nói:

    - Nầy, “ông” sĩ quan Chiến Tranh Chính Trị, tôi có cái này hay lắm. Phi Đoàn chúng ta mang tên là“Họa Mi”, tôi muốn Phi Đoàn Họa Mi phải có tiếng hát của Họa Mi. Anh hiểu ý tôi nói chưa?

    Tôi cũng “thông manh” lắm, chợt hiểu ý “Con Chim Đầu Đàn”, liền đáp:

    - Thưa Trung Tá, có phải Trung Tá muốn đơn vị mình kết nghĩa với ca sĩ Họa Mi chăng?

    Anh Khương mừng rỡ vỗ bàn nghe cái “phành”:

    - OK! Nói sao mà đúng quá! Đúng là sĩ quan Chiến Tranh Chính...”Chị” của tôi đó!!

    Tôi cười, đáp:

    - “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” mà Trung Tá. Bây giờ Trung Tá đặt kế hoạch kết nghĩa với “nàng” như thế nào đây? Đơn vị ta đã đoạt giải nhất trong Sư Đoàn khi khai triển và thi hành kế hoạch “Chân Trời Mới” nên kế hoạch này phải thành công luôn thì mới được. Nhưng liệu nàng có đồng ý không?

    Anh Khương hân hoan nói:

    - Tôi chắc nàng sẽ nhận lời. Tôi đã có địa chỉ của Họa Mi. Tôi giao anh lãnh trách nhiệm đi gặp nàng để mời nàng kết nghĩa với Phi Đoàn của mình. Tôi sợ anh sẽ “run” khi gặp người đẹp nên phái Thiếu Tá Trương Hải Yến và Đại Úy Kiệt theo hỗ trợ cho anh. OK?

    Tôi thấy vui vui trong công tác của mình vì vừa được gặp giai nhân lại vừa có dịp về Sài Gòn để du hí, nhậu nhẹt với Yến “Fulro” và Kiệt “Gà” là hai người bạn chí thân của tôi. Tôi mạnh dạn trả lời:

    - Thưa Trung Tá, tôi rất OK!

    - Vậy mới phải là sĩ quan Chiến Tranh Chính “Chị” chớ! Anh hãy nắm vững cách đo để sửa một chiếc áo bay vừa vặn cho nữ ca sĩ Họa Mi mặc, có gắn phù hiệu của đơn vị mình. Kỳ tới mình tổ chức dạ vũ mừng Sinh Nhựt của Phi Đoàn 122 vào ngày 15-4 năm tới (1975). Tôi sẽ mời Họa Mi xuống ca và nàng sẽ mặc chiếc áo bay do Phi Đoàn mình trao tặng.

    Sau buổi nói chuyện với anh Khương, tôi về nhà nằm mơ tưởng đến ngày gặp người đẹp mà nghe mát gan, mát phổi! Tôi sẽ cầm thước dây đo vòng ngực no tròn của Họa Mi, đo cái eo thon “lưng thắt tò vò” của nàng mà lòng ngây ngất, tưởng tượng phải chi vòng tay của tôi là cái thước dây. Rồi tôi đo bề ngang của đôi bờ vai thon xinh xắn. Hương tóc nàng thơm như mùi hoa dạ lý làm tôi xao xuyến tâm hồn. Đo đến chiều dài từ vai xuống ngang thắt lưng, đo chiều dài tay áo, tôi sẽ nắm tay nàng. Ôi! Bàn tay trắng như ngọc như ngà, mười ngón tay búp măng tuyệt đẹp! Chắc tôi sẽ muốn xỉu khi choàng thước dây để đo vòng mông của nàng. Tôi nghe nóng ran cả người như vừa uống “một trăm phần trăm” ly rượu đế Thủ Thừa khi hình dung đến lúc phải đo phần . . . đáy quần. Tôi sẽ ngồi chồm hổm hay ngồi ở tư thế chân chống chân quỳ phía trước của nàng, tay trái đè đầu thước dây ngang rốn nàng, tay phải nắm phần thước dây ngay chỗ cuối cùng và phía trước của tấm thân lộ lên những đường cong tuyệt mỹ. Phần này tôi phải đo rất kỹ vì nếu đo dài quá thì đáy quần sẽ xệ xuống, mất sự hấp dẫn khi nàng mặc áo bay vào. Tôi sẽ đo đến vòng đùi của nàng và chiều dài từ thắt lưng xuống chân. Ôi! Bàn chân trắng muốt mà những kẻ tình si không ngần ngại quỳ xuống hôn nó để “request” một chút xíu tình yêu. (Tôi thì lúc đó có vợ con rồi chả dám “nàm” như vậy!)

    Đo xong chiếc áo bay cho nàng, chắc lúc đứng lên tôi sẽ mất thăng bằng như một anh chàng “Pai-lốt” bị “vertigo” vì tưởng tượng quá mức.

    Mấy hôm sau, anh Khương gặp tôi ở phòng họp Phi đoàn, vỗ vai tôi hỏi:

    - Sẵn sàng chưa? Ngày mai tôi sẽ cắt một chiếc Cessna cho Thiếu Tá Yến lái chở anh và Đại Úy Kiệt đi Sài Gòn gặp Họa Mi.

    Tôi hứng chí trả lời:

    - Dạ, sẵn sàng rồi Trung Tá. Cách đo áo tôi đã nghĩ rất kỹ lưỡng, còn “bài bản” để mời nàng kết nghĩa, tôi đã soạn xong và học thuộc lòng như ăn cháo. Trung Tá có cần tôi “đóng kịch” cho Trung Tá xem không?

    Anh Khương cười xòa:

    - Tôi tin anh rồi. Tuy ít nói nhưng nói đâu thì dính đó! Nhớ giữ bí mật nhé, đừng cho ai biết bởi vì tôi muốn tạo cho anh em một sự bất ngờ lý thú.

    - Tôi đâu có dám tiết lộ việc này vì vợ tôi biết, chắc chắn sẽ không cho tôi đi Sài Gòn để gặp Họa Mi. Bả sợ tôi mê ẩu thì kẹt lắm!

    Anh Khương cười ngất, nhìn tôi:

    - Vậy thì chắc chắn ngày mai nhé!

    - Dạ!

    Tối đến, tôi và Yến cùng Kiệt ngồi nhậu lai rai trước nhà tôi để bàn định chương trình gặp nữ ca sĩ Họa Mi và sau đó sẽ đi du hí Sài Gòn. Đến khuya, khi Yến và Kiệt kiếu từ ra về thì đứa con trai vừa tròn ba tháng của tôi bị nổi cơn sốt. Nó nóng mê man khiến tôi và vợ tôi phải thức cả đêm để đắp khăn lông thấm nước cho nó hạ nhiệt.

    Tôi thở dài khi nghĩ đến công tác phải thi hành trong ngày mai sẽ gặp trở ngại. Sáng mai chắc chắn tôi phải đưa con tôi đi bác sĩ để chữa trị vì sợ nó sẽ lâm chứng sốt xuất huyết hay sốt tê liệt. Thôi thì đành chịu cụt hứng. Nỗi lo âu của tôi đã xô đuổi những hình ảnh đẹp khi gặp gỡ Họa Mi. Tôi phân vân, tiếc nuối, cuối cùng quyết định ở nhà để đưa con đi khám bệnh. Tôi vào Phi đoàn thật sớm để gọi điện thoại trình bày hoàn cảnh của tôi cho anh Khương thông cảm. Tôi đề nghị anh Khương cắt Thiếu Tá Nguyễn Chánh Hảo, Trưởng Phòng Hành Quân thay thế tôi đi gặp Họa Mi vì anh Hảo trông cũng rất “ăn khách” (biệt danh là “Babilac” hay Hảo “sữa”). Thế là anh Hảo đã cướp đi cái nghề đo áo bay của tôi, đặc biệt là đo trên một thân hình ngà ngọc của một giai nhân.

    Chiều về, Yến và Kiệt đến nhà tôi tường thuật lại việc đi mời Họa Mi kết nghĩa với Phi Đoàn. Yến cho tôi xem một bức hình quảng cáo của Tín Nghĩa Ngân Hàng, trong đó Họa Mi mặc áo bà ba trắng, quần đen, choàng khăn rằn, vậy mà trông duyên dáng và hấp dẫn làm sao! Họa Mi nhận lời mời kết nghĩa với Phi Đoàn chúng tôi và hứa sẽ xuống phi trường Trà Nóc thăm anh em trong đơn vị trong đêm dạ vũ mừng sinh nhựt.

    Kể lại chuyện anh Hảo đo kích thước để sửa áo bay cho Họa Mi, Kiệt nói:

    - Trong lúc cầm thước dây đo vòng ngực, vòng eo, vòng mông cho Họa Mi, anh Hảo run quá trời. Họa Mi hỏi ảnh có vợ chưa? Ảnh trả lời chưa có vợ. Họa Mi hỏi ảnh sống với ai, ảnh trả lời sống với. . . má nghe yếu xìu! Theo mầy, mầy sẽ trả lời thế nào?

    - Tao sẽ nói với Họa Mi là tao đã có gia đình và xin nhận nàng làm em gái hoặc em nuôi!

    Yến phì cười:

    - Để làm chi vậy?

    - Để chiêm ngưỡng dung nhan của “em gái” như chiêm ngưỡng một tác phẩm nghệ thuật do trời ban bố cho loài người, nhứt là mấy thằng nhậu như mình.

    Chiếc áo bay màu cam của Họa Mi còn nằm ở tiệm sửa áo bay ngoài phố Cần Thơ thì bao biến cố của đất nước dồn dập xảy ra. Sau “dịch” di tản, chúng tôi phải miệt mài trên các mặt trận Mộc Hóa, Tháp Mười và vòng đai phi trường Trà Nóc. Không ai nói đến chuyện dạ vũ, ăn chơi nữa mà thay phiên nhau gìn giữ phần đất còn lại của miền Nam. Trong đơn vị có 3 Phi Hành Đoàn gồm 6 anh em: Hiệp, Phú, Bời, Vinh, Đình, Toản bị hỏa tiễn tầm nhiệt SA-7 bắn rớt. Chúng tôi phải túc trực bay ngày, bay đêm khi hữu sự. Những nụ cười đã biến mất trên những khuôn mặt trẻ trung trong đơn vị. Ai cũng lầm lì, nghĩ ngợi. Đến ngày 30 tháng Tư năm 1975, chúng tôi rẽ lối, chia đàn, mỗi người mỗi ngã trong niềm đau thương uất hận.

    o O o

    Tôi bị giam cầm trong ngục tù cộng sản 7 năm. Lúc về đời, tôi phải sống vất vưởng, khổ nhục, lầm than bên lề xã hội chủ nghĩa nghèo nàn, lạc hậu hơn 10 năm. May mắn thay! Tôi và gia đình được đi định cư ở Hoa Kỳ theo diện Cựu Tù Nhân Chính Trị mà người ta gọi là “Diện H.O"...

    Khi vừa đến Mỹ, tôi hỏi thăm tin tức anh em Phi Đoàn 122 qua Toà Soạn Đặc San Lý Tưởng của Tổng Hội Không Lực VNCH ở hải ngoại mới hay tin anh Khương đã vĩnh viễn nằm xuống trên miền đất tạm dung. Tôi ngậm ngùi, thương tiếc một người anh cả yêu kính mà tôi đã cùng anh chiến đấu qua 3 đơn vị: Phi Đoàn 114, 110 vá 122. Những năm tháng sống lưu vong trên đất nước Hoa Kỳ, anh đã đi họp với Lực “Lượng Kháng Chiến Fulro” vào năm 1981 để mong kết hợp với họ thành một tập thể xâm nhập, áp dụng chiến thuật du kích làm tiêu hao lực lượng địch, tấn công các trại tù để giải cứu anh em Cựu Quân, Cán, Chính bị Việt Cộng giam cầm.

    Hay tin bọn hải tặc Thái Lan cướp bóc các tàu vượi biển tìm tự do và hãm biếp phũ nữ Việt Nam, anh đã tự nguyện lái tàu “Alkuna” đi cứu vớt đồng bào ta ở Biển Đông. Anh định cắt boong tàu để biến cải thành phi đạo cho phi cơ L19 bay quan sát và tìm ghe tàu của thuyền nhân vượt biển. Chí lớn vẫn còn mang nặng, lý tưởng Quốc Gia Dân Tộc luôn nung nấu bầu nhiệt huyết trong những việc làm vì đại cuộc, nhưng trời xui anh lâm bệnh ngặt và đã từ trần vào ngày 14-9-1992 tại San Diego, để lại sự tiếc thương vô biên cho thê nhi và anh em đồng đội, nhứt là những người đồng hành, nuôi chí lớn như anh !!

    ****

    Mỗi lần nghe tiếng hát của Họa Mi, tôi lại tưởng một kỷ niệm đã lấp chìm trong quá khứ qua bao năm dài dâu bể. Người anh cả yêu kính của Phi đoàn Họa Mi đã an giấc ngàn thu trên miền đất tạm dung. Anh chưa được nghe Họa Mi hát tặng con chim đầu đàn và tất cả anh em của Phi đoàn 122 khi nàng mặc chiếc áo bay theo sự mong muốn của anh. Con chim thứ hai, Phi đoàn phó Từ Công Phước cũng đã nằm xuống vĩnh viễn trong ngục tù cộng sản. Con chim thứ ba, trưởng Phòng Hành Quân Nguyễn Chánh Hảo, người đo áo bay cho em gái Họa Mi hiện đang sống trên đất Mỹ. Tôi có gặp anh trên điện thoại một lần khi mới đến Hoa Kỳ. Tội nghiệp, anh đã trở thành độc thân vì chị Hảo đã chết trong một tai nạn. Tôi muốn nói nửa “tếu” nửa buồn gửi đến anh: “-Tại vì anh Hảo nói dối với Họa Mi là anh còn độc thân để “lấy điểm” với nàng nên bây giờ anh trở thành độc thân thật sự rồi đó!”

    Anh chàng Kiệt “Gà” chuyên môn nuôi và đá gà nòi, bây giờ cũng ở “Mẽo”, nhưng anh rất ít gọi điện thoại đến tôi. Riêng anh chàng tướng cao dong dõng, da ngăm đen, tóc không cần chải là ông Trương Hải Yến, giống hệt mấy chú “Fulro”, không biết giờ này lưu lạc hà phương. Có phải chăng anh buồn thế sự, tự phế võ công rồi đi sống ở hang động hay trong “Tuyệt Tình Cốc”?

    “Người em gái” Họa Mi có biết rằng anh vẫn hình dung em đẹp tuyệt vời trong bộ đồ bay màu cam có gắn phù hiệu “Tổ Quốc Không Gian” và phù hiệu của Phi đoàn 122. Bao nhiêu tình cảm của người anh cả Trần Trọng Khương và anh đã ấp ủ trong chiếc áo bay có thêu tên “Họa Mi” nhưng rất tiếc là em không mặc được nó để cho bọn anh chiêm ngưỡng và nghe tiếng hát trong vắt như thủy tinh của em trong đêm dạ vũ mừng sinh nhựt của Phi Đoàn 122- Hoạ Mi. Nhưng đêm dạ vũ ấy đã bất thành và mãi mãi còn nằm trong sự nuối tiếc của anh./.

    Kha Lăng Đa
    Last edited by Phòng Trực; 04-30-2013, 03:00 AM.

  • #2
    Nhà thơ Lè Phè Kha Lăng (KQ Hồ Danh Lịch) đã vẽ một logo khác cho Phi Đoàn 122, có danh hiệu là Thần Tiễn dưới thời Trung Tá Trần Trọng Khương, cố PĐT/PĐ122. Còn hình vẽ con cú vọ là logo tổng quát của 08 Phi Đoàn Quan Sát do Bộ Tư Lệnh quy định, chỉ cần thay đổi con số, như 110, 112, v.v... (KQ Thái Văn Bá vẽ)

    Comment


    • #3
      ...Khi Phi Đoàn 122 được thành lập, anh Trần Trọng Khương, con chim đầu đàn đã đặt tên cho đơn vị của mình là Phi Đoàn “Thần Tiễn”- 122.

      Anh đã nhờ anh Thái Văn Bá thuộc Phi Đoàn 114 vẽ phù hiệu cho đại gia đình Thần Tiễn. Tôi còn nhớ rõ phù hiệu hình tròn, nền xanh màu không gian, đường cong màu vàng nằm giữa tượng trưng cho dòng sông Hậu uốn khúc dưới trời chiều. Số 122 được vẽ thành một mũi tên màu đỏ. Hai bên mũi tên hình dạng đặc biệt là đôi cánh trắng tượng trưng cho Ngành Phi Hành, phía bên trái, phía trên, có hình một ngôi sao, tượng trưng cho sao”Nam Tào”...




      Trung Tá Trần Trọng Khương lái tàu Alkuna cứu vớt đồng bào VN trên Biển Đông.

      (HQPD chân thành cám ơn NT Hồ Danh Lịch đã gởi tặng những bức hình bổ túc cho bài viết)

      Comment



      Hội Quán Phi Dũng ©
      Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




      website hit counter

      Working...
      X