Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Truyện đọc : Mùa Biển Động

Collapse
X

Truyện đọc : Mùa Biển Động

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Truyện đọc : Mùa Biển Động

    Mùa Biển Động
    Tác Giả : Nguyễn Mộng Giác


    Tập 1 & 2 : Người đọc : Tiếu Ngạo ( http://thuvienaudio.net/diendan)
    Tập 3-5 : Người Ðọc: Hiền Dũng (http://www.hotmit.com)




    *Mùa Biển Động Tập 1 - Những Đợt Sóng Ngầm (13 chương)
    *Mùa Biển Động Tập 2 - Bão Nổi (26 chương)
    *Mùa Biển Động Tập 3 - Mùa Biển Động (35 chương)
    *Mùa Biển Động Tập 4 - Bèo Giạt (50 chương)
    *Mùa Biển Động Tập 5 - Tha Hương (61 chương)

    Lời thưa trước với bạn đọc
    Toàn bộ trường thiên tiểu thuyết Mùa Biển Động không phải là một bộ tiểu thuyết lịch sử. Tác giả không có khả năng, mà cũng không có ý định ghi lại các biến chuyển lịch sứ Việt Nam từ 1963 đến nay. Tác giả chỉ mong ước ghi lại biến chuyển tâm trạng của một thế hệ thanh niên trong giai đoạn đó mà thôi. Cho nên mặc dù tác phẩm có mô phỏng một số mẫu sống, một số nhản vật, một số sự kiện lịch sử có thật, nhưng Mùa Biển Động chỉ là sản phẩm của tưởng tượng. Nhũng người từng tham dự vào các biến động lịch sử trong giai đoạn này chắc chắn thẩy rõ điều đó.

    Sở dĩ có lời thưa này, là vì cho đến nay, vẫn còn rất nhiều bạn đọc không muốn phân biệt giữa sự thực lịch sử và sự thực tiểu thuyết.
    Đâu là sự thực của đời sống? Đó là điều tác giả quan tâm trước tiên khi dự định viết bộ trường thiên tiểu thuyết này.
    Nguyễn Mộng Giác

    Last edited by chimtroi; 08-03-2021, 11:36 PM.

  • #2

    Nhà văn Nguyễn Mộng Giác qua đời tại Mỹ ngày 02-7-2012 sau một cơn bệnh dài, là tác giả hai bộ trường thiên tiểu thuyết Mùa biển động, tiểu thuyết thời sự, sáng tác tại Hoa Kỳ 1982-1989 ( gồm 5 tập, dài 1800 trang ) và bộ tiểu thuyết lịch sử Sông Côn Mùa Lũ, viết trong nước, 1978-1981( gồm 4 tập, dài 2000 trang ) là hai bộ tác phẩm đồ sộ nhất trong ngành tiểu thuyết Việt Nam.


    TIỂU SỬ TÁC GIẢ:

    - Sinh năm 1940 tại Bình Định, miền Trung Việt Nam.
    - Học trung học ở trường Cường Để Qui Nhơn, trường Võ Tánh Nha Trang và trường Chu Văn An Sài Gòn.
    - Học một năm ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn rồi ra Huế học Đại học Sư phạm ban Việt Hán.
    - Tốt nghiệp thủ khoa Đại học Sư phạm Huế năm 1963, khóa Nguyễn Du.
    - Dạy học tại trường Đồng Khánh Huế (1963-1965), trường Cường Để Qui Nhơn (1965-1973)
    - Là Chánh Sự Vụ Sở Học Chánh tỉnh Bình Định (1973-1974) và làm chuyên viên nghiên cứu giáo dục Bộ Giáo Dục, Sài Gòn (1974-1975).
    - Bắt đầu viết văn năm 1971, đã cộng tác với các tạp chí Bách Khoa, Văn, Thời Tập, Ý Thức.
    - Vượt biển tị nạn năm 1981 qua ngả Nam Dương, đến định cư tại Hoa Kỳ cuối năm 1982.
    - Cộng tác với các báo Đồng Nai, Việt Nam Tự Do, Người Việt, Văn, Văn Học Nghệ Thuật.
    - Chủ bút tạp chí Văn Học, California, Hoa Kỳ, từ 1986 đến tháng Tám /2004.
    - Ông từ trần lúc 10 giờ 15 phút tối ngày 2 tháng 7 năm 2012 tại tư gia, thành phố Westminster - Orange County, thọ 73 tuổi.

    Danh sách tác phẩm:

    1. Tác phẩm xuất bản tại miền Nam trước năm 1975:

    - Nỗi băn khoăn của Kim Dung ( tiểu luận, nxb Văn Mới, Sài Gòn 1972 )
    - Bão rớt ( tập truyện ngắn, nxb Trí Đăng, Sài Gòn 1973 )
    - Tiếng chim vườn cũ ( truyện dài, nxb Trí Đăng, Sài Gòn 1973 )
    - Qua cầu gió bay ( truyện dài, đăng trên tạp chí Bách Khoa từ số 350 đến số 357, nxb Văn Mới, Sài Gòn, in thành tập năm 1974 )
    - Đường một chiều ( truyện dài, Giải thưởng Trung tâm Văn bút Việt Nam, 1974, nxb Nam Giao, Sài Gòn 1974 )

    2. Tác phẩm xuất bản ở hải ngoại:

    - Ngựa nản chân bon ( truyện ngắn, nxb Người Việt, Hoa Kỳ 1984 )
    - Xuôi dòng ( tập truyện ngắn, nxb Văn Nghệ, Hoa Kỳ 1987)
    - Mùa biển động ( trường thiên tiểu thuyết, nxb Văn Nghệ, Hoa Kỳ, xuất bản từ 1982-1989) gồm tất cả 5 tập:
    . Những đợt sóng ngầm, 1984
    . Bão nổi, 1985
    . Mùa biển động, 1986
    . Bèo giạt, 1988
    . Tha hương, 1989
    - Sông Côn mùa lũ ( trường thiên tiểu thuyết, 4 tập, viết từ năm 1977-1981 )
    - Nghĩ về văn học hải ngoại ( tiểu luận, nxb Văn Mới, Hoa Kỳ 2003 )
    - Bạn văn, một thuở…( tạp luận, nxb Văn Mới, Hoa Kỳ 2005 )


    GIỚI THIỆU TÁC PHẨM:

    Tác phẩm Mùa biển động đã được độc giả hải ngoại đón tiếp nồng nhiệt. Tập một, Những đợt sóng ngầm, in năm 1984, đã được tái bản nhiều lần, Bão nổi (1985) cũng vậy ; tập ba mang tên toàn bộ Mùa biển động, 1986, đã tái bản. Bèo giạt in năm trước, 1988, thì năm sau tác giả cho in tập cuối, dài nhất, là Tha hương.
    Tiểu thuyết Mùa biển động là một biến cố quan trọng trong nền văn chương Việt Nam ở hải ngoại, cần được chào đón xứng đáng, và cần được phân tích, thảo luận, phê phán cặn kẽ, bên ngoài cái vòng khen chê tùy hứng và lẩn thẩn, hay cuồng nộ theo những định kiến chính trị hay phe phái.
    Bài này giới thiệu từng tập một, theo giá trị ở thời điểm xuất bản, và cuối cùng sẽ có phần tổng luận về năm tập. Để bạn đọc có thể đặt Mùa biển động vào thể loại văn học của nó, tôi có bài khác, về tiểu thuyết trường thiên nói chung – đăng kèm.
    Nguyễn Mộng Giác sinh năm 1940 tại Bình Định, đã có tác phẩm in tại Sài Gòn trước 1975 : Ba truyện dài, hai tập truyền ngắn và một tiểu luận. Vượt biển năm 1981, ông khởi viết Mùa biển động ngay từ trại tị nạn Kuku, và viết tiếp tại Hoa Kỳ. Nguyễn Mộng Giác có một sức viết, một ý chí lao động nghệ thuật đặc biệt : trong tám năm tha hương, phải làm nhiều nghề vất vả để sinh nhai, ông đã xuất bản năm truyện dài, hai tập truyện ngắn3 và viết nhiều bài nghiên cứu văn học giá trị. Từ 1985, ông chủ trương tạp chí Văn học nghệ thuật, từ 1986 đổi tên là Văn học, hiện nay là tờ báo văn nghệ Việt Nam thuộc loại đứng đắn và hay nhất, so với nhiều tạp chí khác cả trong lẫn ngoài nước. Khi viết xong – nghĩa là rảnh nợ Mùa biển động - Nguyễn Mộng Giác có tâm sự : « Từ bảy năm nay, tôi vừa viết vừa lo đánh máy, vừa tự bỏ tiền in mấy bộ truyện dài này, trong khi vẫn phải dành thì giờ cho việc kiếm sống… Xin bạn đọc hiểu cho rằng đây là tim óc tôi, là mồ hôi của tôi, là máu của tôi »4. Một gương cần mẫn, một tình yêu văn nghệ, một cống hiến cho tiếng nói dân tộc, ở mức ấy, ở một người Việt lưu vong, đáng cho nhiều người suy nghĩ.
    Nguyễn Mộng Giác là người di tản, độc giả của ông, trước hết là người di tản. Tác phẩm của ông phản ánh thế giới quan của người bỏ nước ra đi ; ông không mấy cảm tình với chế độ cộng sản, điều đó dễ hiểu và không quan hệ gì với nghệ thuật.
    Mùa biển động kể lại đời sống, vật chất và tinh thần, một thế hệ thanh niên đồng lứa tuổi với Nguyễn Mộng Giác, quay chung quanh mươi nhân vật nam và nữ, thuộc ba gia đình ở Huế. « Tôi muốn qua cuộc đời thăng trầm của ba gia đình, phản ánh giai đoạn có nhiều thăng trầm bể dâu nhất của người miền Nam, từ lúc chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ đến ngày tôi vượt biên » 4 – 1981.
    Nhân vật chính của Nguyễn Mộng Giác toàn là những thanh niên trí thức thành thị, phần nhiều thuộc thành phần khá giả, bị cuốn vào những cơn bão của lịch sử, trong non hai mươi năm. Tác giả đưa vào tiểu thuyết những sự kiện có thật, nhân vật có khi trùng tên thật của nhiều người thật, nhưng khẳng định rằng Mùa biển động không phải là tiểu thuyết lịch sử mà chỉ là « biến chuyển tâm trạng của [một] thế hệ thanh niên trưởng thành trong chiến tranh […], cuối cùng trôi nổi theo một nhân vật chính đến chỗ tha phương »5 (nhưng cuối cùng, các nhân vật chỉ « tha hương » mà không «tha phương »).

    Hai tập đầu, Những đợt sóng ngầm (1984) và Bão nổi (1985), gợi lại phong trào tranh đấu miền Trung khoảng 1964-67 với những biểu tình, xô xát, tuyệt thực, hội thảo, bàn thờ Phật xuống đường, xe tăng lựu đạn đàn áp…. Không khí tiểu thuyết sôi nổi, biến cố dồn dập, các nhân vật thường xuyên dao động trong thời sự nóng bỏng, được tác giả phản ánh dồi dào, trung thực. Nhưng cái hay là tâm trạng của một lớp thanh niên : họ làm chính trị hàng ngày, hàng giờ, với lập trường, quan điểm, vì cơn bão lịch sử đã thổi tạt họ vào một đám cháy, chứ bản thân họ không phải là những con người chính trị. Và sự lựa chọn của họ, chỉ tự do trong chừng mực nào đó, trong những điều kiện xã hội nào đó mà thôi.
    Khi hai tập đầu ra mắt, đã có một số người phản ứng mãnh liệt trên vài tờ báo chống cộng ở Bắc Mỹ. Đại khái họ chê trách Nguyễn Mộng Giác o bế những nhân vật thân cộng, sau này theo Mặt trận giải phóng, như Tường, bôi bác quân đội Sài Gòn qua nhân vật Lãng, và cả chế độ Sài Gòn nữa, và tác giả đã đánh bóng cho phong trào Phật giáo, v.v... Khi sự công kích trở thành thô bạo, đã có nhà văn lên tiếng bênh vực Nguyễn Mộng Giác, và ông cũng có lần trả lời, đại ý rằng bộ tiểu thuyết chưa xuất bản toàn bộ, vậy không thể đánh giá lập trường tác giả qua hai cuốn đầu tiên.
    Thật ra thì Nguyễn Mộng Giác đã viết Những đợt sóng ngầm và Bão nổi với tất cả tấm lòng tha thiết với kỷ niệm, với tất cả những mất mát của bản thân ; nếu ông có nâng niu sự cố này hay nhân vật kia, thì đó cũng là tình cảm thường tình của người mẹ với những đứa con – dù là con hư. Mà dù trong thâm tâm Nguyễn Mộng Giác có nuôi nấng chút tình cảm nào đó với phong trào tranh đấu miền Trung 1964-67, thì cũng chưa chắc gì ông đã tán thành quan điểm chính trị và phương pháp hành động của phong trào đó. Nguyễn Tuân, khi đề cao tài chém treo ngành của một đao phủ hay lòng yêu nghệ thuật của một cai ngục, không chắc gì đã ưa nghề đao phủ hay cai ngục. Thậm chí, viết văn, đôi khi chỉ là cách vân vê một vết thương trong đời mình.
    Nhà văn Nhật Tiến yêu thích hai tác phẩm này là có lý do sâu sắc .

    Nhưng dường như Nguyễn Mộng Giác cũng thấm đòn. Đến Mùa biển động, tập 3 (1986, không có tên riêng), ông đã thận trọng hơn, chừng mực hơn, « giữ võ » kỹ hơn. Động tác chỉ xảy ra mấy ngày Tết Mậu Thân 1968 tại Huế, với những trận đánh, những vụ « xử lý » chôn người mà mọi người đều biết ; tác giả mô tả cảnh thảm sát ở một chương áp chót và giải thích hiện tượng đó ở chương cuối, như một tư liệu. Nhắc lại những tàn bạo của các đơn vị Mặt trận giải phóng tại Huế, Nguyễn Mộng Giác chỉ nêu lên một sự thật lịch sử, một trong nhiều sai lầm của phe giải phóng, nhưng thuộc loại tàn bạo nhất. Nhưng cũng là một cách chứng tỏ rằng ông không phải là người thân cộng, với những ai cần biết rõ điều đó để an tâm.
    Về cuộc tổng công kích Mậu Thân 1968 tại Huế, ngày nay ta có nhiều tác phẩm tư liệu : từ Giải khăn sô cho Huế (1969), Tình ca cho Huế đổ nát (1967) của Nhã Ca, đến bút ký của một số nhân vật đã từng sống trong Mùa biển động như Hoàng Phủ Ngọc Tường (Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu, 1971), hay Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Quang Hà, Tô Nhuận Vỹ (Huế những ngày nổi dậy, 1979), hoặc của tướng Lê Chưởng, chính ủy mặt trận Huế thời đó (Đất nước vào xuân, 1979). Đây là những chứng từ có giá trị lịch sử và văn chương. Ngoài ra còn có những hồi ký mặt trận của các tướng Lê Tự Đồng, Trần Quý Hai. Có lẽ Nguyễn Mộng Giác chưa đọc, chỉ dựa vào hồi ký của tướng Lê Minh và cuốn The battle for the Tet 1968của Keith William Nolan.
    Tuy nhiên Mùa biển động III là một cuốn sách hay, qua thuật kể chuyện trầm tĩnh, chừng mực và hấp dẫn. Tác giả khéo gạn lọc những chi tiết làm nổi bật tâm lý của người Huế trung bình lúc đó. Chúng ta lại có dịp so sánh để thấy đặc tính của ba thể loại văn chương : Hoàng Phủ Ngọc Tường viết bút ký, Lê Chưởng viết hồi ký, Nguyễn Mộng Giác viết tiểu thuyết. Họ khác nhau không phải chỉ ở « lập trường » hay vị trí quan sát, hay cách nhìn, mà còn ở hành văn, ở thể loại. Điểm cuối cùng này về mặt văn học, tôi rất thích thú.

    Đến Bèo giạt, tập 4, dường như Mùa biển động đã đưa Nguyễn Mộng Giác đến Tiền Đường. Nợ tình đã trả xong trong hai cuốn đầu, ân oán cũng đã phân minh với cuốn 3, tác giả phát triển tài năng của mình thoải mái. Trước hết, ông đổi không gian : từ Huế, động tác chuyển vào Qui Nhơn, và phần nào Sài Gòn. Thời gian cũng im ắng hơn : kỷ niệm Mậu Thân đang kéo da non thành sẹo, người ta lo lắng cho hòa bình. Chuyện xảy ra từ 1968 đến Hiệp định Paris 1973 : Ngữ, nhân vật chính, một hạ sĩ quan đã làm việc tại tòa tỉnh trưởng Thừa Thiên, được chuyển vào Sài Gòn, học thêm, thi tú tài, vào trường sĩ quan Thủ Đức, rồi được về làm việc tại tiểu khu Quy Nhơn. Không khí chính trị bớt căng thẳng : không còn những đấu tranh sôi nổi của hai tập đầu, cũng không còn sự ngột ngạt giữa hai lằn đạn như trong tập 3. Bèo giạt là sự chờ đợi, suốt thời gian hòa hội Paris. Cuộc tranh chấp chính trị, giới hạn trong phạm vi cá nhân, quyền bính và địa phương, không phản ánh được sự chuyển mình của miền Nam lúc đó ; ngược lại, các nhân vật sống nhiều hơn đời sống riêng tư của mình : tình yêu, tình gia đình, tình bạn xen kẽ vào những chương trình thời sự. Lời kể chuyện nhẹ nhàng, linh hoạt, hấp dẫn hơn, « tiểu thuyết » hơn ; các nhân vật thoát ly phần nào ra khỏi từ trường của thời đại, đã xê dịch, sinh hoạt, đối thoại tự nhiên hơn. Về phương diện kỹ thuật, Bèo giạt có những ưu điểm nhất định.
    Những ưu điểm đó cần được trả giá : trước hết là sự chênh lệch so với ba tập trước. Từ một không khí nặng trĩu thời cuộc đè bẹp định mệnh, những nhân vật như Tường, Ngô, Nam, bước sang Bèo giạt người đọc như hụt hẫng khi nghe các ông trung tá, đại tá, giữa những canh mạt chược, đàm luận về cách làm tỉnh trưởng : tỉnh lớn phải thế này, tỉnh nhỏ phải thế kia. Trong khi đó, những năm 1970-73 miền Nam đang đi vào khúc quanh quyết định : hòa hội Paris, chính sách Việt Nam hóa chiến tranh, mặt trận Trị Thiên, mùa hè đỏ lửa, cuộc đấu tranh tại các đô thị chống tham nhũng, độc tài… Tác giả có viện lý do không viết tiểu thuyết lịch sử đi nữa, thì người đọc vẫn mong đợi nhiều âm vang hơn của thời sự, dù chỉ là thời sự của tỉnh Bình Định, một địa phương quan trọng, thời đó có nhiều sự cố.
    Để vớt lại nhược điểm đó, tác giả đưa ra nhiều nhận định tổng quát về chính trị : về chế độ Ngô Đình Diệm (tr. 1076), về tác dụng vụ tấn công Mậu Thân (tr. 1080) – cả hai nhận định đều không mấy liên quan đến Bèo giạt, có liên quan là những ý kiến về chương trình bình định nông thôn (tr. 1068), tiếc rằng những trang viết này vừa dài dòng, vừa sơ lược và nằm ở ngoại vi tiểu thuyết.
    Tóm lại, Bèo giạt dễ đọc hơn ba cuốn trước nhờ lối kể chuyện của tác giả. Nhưng cũng như toàn bộ Mùa biển động, tác phẩm mang nặng tâm tình của tác giả - một Nguyễn Mộng Giác bớt say đắm và trầm tĩnh hơn.
    Mà kỷ niệm vẫn thiết tha, đằm thắm : tiếng cửa sắt mở hé ở tòa soạn Bách Khoa ; tiếng đánh máy chữ lóc cóc giữa tiếng ì ầm của máy in, ở tòa soạn báo Văn, hai chữ « tình thân » ở cuối thư, vẫn còn gợi nhiều âm hưởng da diết đối với nhiều người, trong đó có Nguyễn Mộng Giác, có cả tôi : chúng tôi bắt đầu yêu, yêu cuộc sống, yêu văn chương qua những âm hưởng đó. Và nay, đọc lại Nguyễn Mộng Giác, sau bao nhiêu mùa biển động, bầu trời trong tôi bỗng ánh ỏi rất nhiều tiếng chim vườn cũ.


    29 tháng giêng 1990

    ĐẶNG TIẾN
    Last edited by chimtroi; 08-02-2014, 09:45 AM.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X