Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Đầu sông cuối sông

Collapse
X

Đầu sông cuối sông

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đầu sông cuối sông


    ĐẦU SÔNG CUỐI SÔNG.
    ***
    Kha Lăng Đa




    Đông ngồi thơ thẩn trên bờ sông, mắt buồn xa xăm nhìn theo những cụm lục bình trôi theo dòng nước chảy lững lờ. Chiều xuống chầm chậm trong làn sương khói vương vấn mặt trường giang. Những áng mây nhuộm màu hồng pha tím của ráng nắng hoàng hôn, lộn bóng giữa dòng sông nước lớn. Tiếng bìm bịp kêu nghe não nuột ở khúc sông xa như tiếc nuối một ngày đẹp trời sắp tắt lịm cho màn đêm buông xuống mông lung.
    Đã một tháng trôi qua, chiều nào ở đơn vị trong phi trường Trà Nóc về mái nhà cạnh dòng sông Bình thủy, Đông cũng ngồi mong chờ bóng dáng người con gái chèo xuồng ba lá mà Đông đã gặp gỡ rồi ôm ấp nỗi nhớ thương. Đông thầm ưu tư, thắc mắc, chẳng biết tại sao nàng không chèo xuồng qua khúc sông nầy nữa, hay là nàng đã sang ngang!? Nhiều khi Đông tự trách mình quá đa tình, lãng mạn, mới gặp giai nhân một lần đã mắc bệnh tương tư trong khi người con gái kia chưa có một lời hò hẹn với chàng. Đông mang canh cánh bên lòng một tình yêu đơn phương.
    Chỉ có Hiệp là người bạn đồng đội và ở chung một căn nhà mướn cạnh bờ sông mới hiểu được nỗi lòng của Đông. Hiệp đã nhiều lần an ủi Đông:
    - Mầy đừng có buồn nữa, để từ từ tao sẽ tìm ra tông tích
    người con gái ấy cho mầy. Hôm nào rảnh rỗi, tao sẽ lấy xe Honda chở mầy xuống phía Nam bờ sông tìm kiếm nhà nàng.
    Nghe Hiệp nói, Đông như uống được liều thần dược chữa căn bệnh tương tư của chàng đã đến thời kỳ trầm trọng. Hình ảnh Hạnh, người con gái chèo xuồng bỗng hiện rõ trong tâm tưởng của Đông. Khuôn mặt nàng đẹp phúc hậu, đoan trang, miệng cười duyên dáng với hai má lúm dồng tiền, mái tóc huyền buông xuống gần tới eo thon. Cô gái quê này có làn da trắng như bông bưởi, mặc áo bà ba trắng, quần đen, đội nón lá mà dung nhan đã làm cho anh “lính hào hoa” phải đắm lụy, tưởng chừng như đã yêu nàng từ kiếp trước. Đông đã vẽ bức tranh Hạnh đang chèo xuồng trên sông bằng sự vận dụng óc tưởng tượng và nghệ thuật hội họa mà Đông đã học được. Bức tranh được Hiệp và nhiều người bạn khác của Đông khen đẹp. Đông nâng niu, giữ gìn như một báu vật của đời chàng.
    Đông nhớ lại cách nay một tháng, trong trận túc cầu giao hữu đơn vị của chàng đấu với sinh viên Cần Thơ, Đông là cầu thủ ở hàng tiền vệ. Sau trận đấu, Đông về nhà, tắm sông bình Thủy, bơi lội ra giữa dòng,bỗng đâu bị “vọp bẻ” cả hai chân, vì bắp thịt đã vận động thái quá. Đông đang chới với giữa dòng sông thì may mắn thay có một người con gái đang chèo xuồng ba lá vừa tới gần chàng. Đông kêu cứu:
    - Cô ơi! Tôi đang bị “vọp bẻ”, cô cứu giùm tôi! Cho tôi nắm be xuồng... một chút.
    Cô giá quẹo mũi xuồng về phía Đông đang lay quay như con gà con bị rớt xuống nước. Nàng bảo Đông:
    - Anh hãy nắm mũi xuồng để tôi đưa anh vô bờ.
    Dược người dẹp cứu tử khi sắp bị chết đuối, Đông vội vàng chụp lấy be xuồng. Nàng con gái hỏi:
    - Nhà anh bên nào?
    Đông chỉ vào bờ sông, nói dứt quãng vì sự căng cứng bắp thịt của đôi chân khín chàng bị đau đớn:
    - Nhà tôi... ở phía tay phải... của cô
    Cô gái chèo xuồng vào bờ sông. Gần đến chỗ cạn, cô ta hỏi:
    - Anh dứng được không?
    Mắt vẫn nhìn cô gái, Đông trả lời:
    - Tôi dứng được rồi, xin cám ơn cô đã cứu mạng. Nếu không nhờ cô đến kịp chắc là tôi bị chết đuối. Xin lỗi, cô cho biết quý danh.
    Cô gái hơi e thẹn:
    - Dạ, em tên Hạnh.
    Đông lại hỏi:
    - Nhà cô ở gần đây không?
    Nàng chỉ về phía Nam của dòng sông, nói bằng giong trong trẻo:
    - Nhà em ở trong đó, cũng bờ phía bên này, cách đây hai cây số. Xin chào anh, em về kẽo trời tối.
    Đông nghe niềm luyến lưu, nuối tiếc đang dâng lên trong lòng trước buổi gặp gỡ ngắn ngủi rồi lại chia ly. Cô gái vừa quay xuồng, Đông nói vói theo:
    - Tôi tên là Đông, cám ơn cô thật nhiều. Tôi mong sẽ gặp lại cô để đền ơn.
    Nàng quay lại, tươi cười, nhìn Đông:
    - Không có chi, anh đừng có bận lòng lo lắng.
    Chiếc xuồng ba lá rẽ nước lướt ra giữa dòng sông rồi trực chỉ hướng Nam mà Đông còn ngẩn ngơ nhìn theo bóng dáng Hạnh đẩy đưa tay chèo cho đến khi nàng khuất dạng ở khúc quẹo phía sông xa.
    Kể từ ngày ấy, Đông bỗng mất ngủ, biếng ăn. Nhiều khi buồn nhớ Hạnh, Đông ngồi ngắm bức tranh cho vơi bớt nỗi u hoài. Chàng và Hạnh chỉ cách nhau mấy cây số mà tưởng chừng như kẻ ở đầu sông, người ở cuối sông.Hiệp thường đọc một bài cổ thi để trêu ghẹo Đông:
    “Quân tại Tương giang đầu
    Thiếp tại Tương giang vĩ
    Tương tư bất tương kiến
    Đồng ẩm Tương giang thủy”
    Vậy mà Đông lại thích bài thơ cổ nầy vì nó mang tâm sự của Đông. Đông hy vọng có ngày sẽ được gặp lại Hạnh để bày tỏ nỗi lòng và sẽ tặng Hạnh bức tranh người con gái chèo xuồng với hình dung rất giống Hạnh. Đông mơ ước đựơc Hạnh đáp lại tình yêu chân thật của chàng rồi đôi lòng cùng hòa nhạc điệu ái ân. Những đêm rằm, trăng soi bóng lung linh trên dòng sông phẳng lặng, Đông sẽ cùng Hạnh ngồi trên nhịp cầu ván ở ven bờ, nguyện thề mãi mãi yêu nhau. Rồi đám cưới của đôi uyên ương đã gặp gỡ và yêu nhau trên dòng sông Bình Thủy được tổ chức, có bạn bè đồng đội của Đông đến dự rất đông đủ. “Tác ráng” kết tụi, treo hoa sẽ đưa đàng trai xuôi dòng, qua nhà đàng gái rước cô dâu về khi hoa lục bình nở rộ trên mặt nước sông xanh. Ước mơ bao giờ cũng đẹp, khiến lòng Đông nghe rộn ràng, xao xuyến. Nhưng, hiện tại, Đông chưa gặp lại Hạnh thì làm sao tính được chuyện tơ duyên, không lẽ cứ mãi chờ đợi một bóng hình đã bặt tăm như con cá lội giữa trường giang. Đêm nào nằm trăn trở, không ngủ được, Đông cũng nghe giọng ru con u buồn của một thiếu phụ bên nhà hàng xóm mà lòng thêm nặng nỗi sầu trong sự khắc khoải, chờ mong:
    “Sông dài, cá lội biệt tăm
    Phải duyên chồng vợ, mười năm cũng chờ”.
    Nỗi nhớ thương ngày càng cao chất ngất, Đông nhứt định đi tìm Hạnh ở bờ sông phía Nam theo lời chỉ dẫn của nàng. Trọn ngày chúa nhựt, Hiệp cưỡi xe Honda chở Đông chạy theo con đường hương lộ dọc bờ sông rồi rẽ vào thôn ấp để tìm kiếm, nhưng vẫn không thấy bóng dáng của nàng. Chiều hôm ấy về tới nhà, Đông như người bị đánh mất hết niềm tin yêu trong cuộc sống, ra ngồi buồn rũ rượi bên bờ sông vắng lặng. Đến lúc trăng lên, sương rơi thấm lạnh, Đông mới đi vào nhà. Hiệp đã bày sẵn thức ăn với cả chục chai bia, mời Đông uông để giải sầu. Ngồi đối ẩm với bạn mà mắt cứ nhìn vào bức tranh treo trên vách để tưởng mơ về Hạnh. Hiệp cười nhìn Đông:
    - Mày giống như chàng thư sinh Tú Uyên tương tư nàng Giáng Kiều trong truyện Bích Câu Kỳ Ngộ. Đừng buồn nữa cưng” ơi, tao sẽ chở mày đi tìm nàng lần nữa, chắc sẽ tìm ra thôi. Cụng ly, uống mọt trăm phần trăm đi “cưng”!
    Trong lần thứ hai đi tìm Hạnh, Hiệp và Đông cưỡi xe chạy xa hơn lần trước, cách nhà gần ba cây số. Đến con đường mòn sát bờ sông, bỗng Đông thấy một chiếc xuồng ba lá giống như chiếc xuồng của Hạnh. Đông bảo Hiệp ngừng xe lại và chỉ chiếc xuồng, vui mừng nói:
    - Đây là chiếc xuồng của nàng. Có lẽ nhà nàng ở gần đây thôi.
    Hiệp cũng thấy vui lây theo Đông:
    - Hy vọng là hai đứa mình không bị lầm lẫn vì ở miệt này có nhiều xuồng ba lá. Mình chạy xe chầm chậm để “dọ thám” nha mậy!
    Gần đến một cái quán nhỏ trước một ngôi nhà lợp ngói móc, Đông thấy một cô gái mặc áo bà ba trắng, tóc dài ngang lưng, giống y như Hạnh đang đứng bán hàng. Đông hồi hộp, tim đập mạnh, người muốn run lên khi hận ra cô gái ấy chính là Hạnh. Đông vỗ vai Hiệp, hân hoan nói:
    - Ghé vào quán ngay đi! Người con gái mặc áo bà ba trắng, tóc dài chính là nàng đó.
    Sau khi dựng xe trước sân nhà, Hiệp và Đông vội vã đi vô quán. Quán giải khát và bán hàng tạp hóa, chỉ có ba cái bàn nhỏ và trên mười cái ghế. Đông và Hiệp ngồi trên hai cái ghế đẩu ở bàn trong cùng với dụng ý nhìn cho rõ dung nhan cô chủ quán. Hạnh nở nụ cười tươi, phô hai hàm răng trắng tinh và hai má lúm đồng tiền, gật đầu chào khách rồi dịu dàng hỏi:
    - Thưa hai anh dùng chi?
    Đông nhìn nàng mà ngỡ như đang nằm mơ, cố trấn tĩnh nói:
    - Cô cho hai ly trà-đá-chanh-đường.
    Lúc nàng bâng hai ly nước ra đặt lên bàn, Đông liền hỏi:
    - Xin lỗi, cô Hạnh còn nhớ tôi không?
    Hạnh ngạc nhiên vì có người lạ lại biết tên mình nên nhìn thẳng vào mặt Đông để cố nhận dạng và đào sâu trí nhớ. Gương mặt bỗng trở lại vẻ tươi tắn, nàng mỉm cười, nói:
    - Tôi nhớ ra rồi, mấy tháng trước anh bị “vọp bẻ” ở khúc sông gần cầu Bình Thủy kịp lúc tôi chèo xuồng đến và đưa anh vô bờ, phải như vậy không anh?
    Đông mừng rỡ nói:
    - Đúng như vậy. Tôi tưởng cô quên rồi chớ. Tôi và bạn tôi đi tìm, thăm cô rất khổ nhọc gian lao, nay mới gặp được. Cô khỏe không cô?
    - Dạ khỏe. Cảm ơn anh. Còn anh?
    Hiệp ngó giáo dác thấy không có ai, bèn trả lời:
    - Đông không được khỏe đâu cô ơi! Từ ngày gặp cô nó biếng ăn, mất ngủ, chiều nào cũng ra ngồi trên bờ sông, chờ cô chèo xuồng đi ngang. Ba tháng nay cô vắng bóng, nó mắc bệnh tương tư, ngồi tưởng tượng vẽ hình cô đang chèo xuồng rồi treo lên vách ngắm nhìn mãi, tội nghiệp nó lắm cô ơi!
    Hạnh bụm miệng cười, đôi má ửng hồng nhưng trong ánh mắt bộc lộ niềm xúc động. Đông ngồi cúi đầu bẻn lẻn, vói tay véo đùi Hiệp. Hạnh nói lảng sang chuyện khác:
    - Em thường đi xe “Lam” lên chợ Bình Thủy. Thỉnh thoảng em mới chèo thuyền ba lá đi chợ. Em là gái quê mùa có xứng đáng chi đâu mà các anh nghĩ... đến.
    Bỗng một đứa bé trai kháu khỉnh, trạc bốn tuổi từ nhà đi ra quán, ôm chân Hạnh, nói bằng giọng đả đớt, nhõng nhẽo:
    - Má ơi! Má! Con đói bụng quá, má lấy cơm cho con ăn.
    Hạnh cúi xuống hôn đứa bé:
    - Ừ để má lấy cơm cho con ăn.
    Quay sang nhìn Đông và Hiệp, nàng nói:
    - Xin lỗi hai anh ngồi chơi.
    Nàng dẫn đứa bé đi vô nhà trong khi Đông há hốc nhìn Hiệp:
    - Trời ơi! Nàng đã có con.
    Hiệp nhìn Đông bằng ánh mắt thương hại, lắc đầu nói:
    - Mầy xui quá Đông ơi! Chắc mầy có tên trong “Sổ đoạn trường”!
    Đông buồn bã cúi mặt. Hiệp nhìn bạn rồi buông tiếng thở dài. Hạnh ở trong nhà vừa đi ra đến quán thì có tiếng kêu của một chàng trai từ ngoài vườn vọng vào:
    - Hạnh ơi, ra đây anh nhờ một chút.
    Hạnh lúng túng cáo lỗi với Đông và Hiệp rồi lật đật đi ra vườn. Một bà lão bước ra thay thế Hạnh, đứng trông coi quán. Đông nói nhỏ với Hiệp:
    - Người đàn ông mới cất tiếng gọi từ ngoài vườn chắc là chồng nàng.
    Hiệp trả tiền nước cho bà lão rồi cùng Đông bước ra khỏi quán khi nắng chiều đang thoi thóp trên những cây dừa cạnh bờ sông. Ngồi trên yên xe cho Hiệp chở về nhà, Đông nghe nỗi tuyệt vọng làm cho cơ thể như rã rời, quằn quại. Hy vọng như khói sóng trên sông bị tan đi khi ánh mặt trời lên. Mới gặp lại nhau mà đã nghìn trùng cách biệt. Tiếng lòng định cạn tỏ cùng ai, nay đành câm lặng với khối tình sầu đè nặng tâm tư.
    Hiểu được tâm trạng của Đông,Hiệp lại an ủi và khuyên lơn bạn:
    - Chuyện vợ chồng là chuyện nợ duyên. Tao biết mày bị tiếng sét ái tình và đã yêu Hạnh tha thiết. Nhưng nó đã có chồng, có con rồi thì mày nên cố quên nó đi. Không lẽ trên này chỉ có một người con gái độc nhứt để cho mày yêu sao? Nhiều em học Anh Văn với tụi mình ở Hội Việt Mỹ rất là đẹp và
    thơm muốn làm quen với mày sao mầy không tiến tới lại khổ tâm đi yêu một nàng thôn nữ đã có chồng. Mầy nên sáng suốt, cứng rắn, đừng quá yếu mềm để phải chuốc lấy nhiều phiền lụy. Với tình bạn thân yêu, chân thật, tao khuyên mầy nên nghĩ lại. Những lời của Hiệp thật là chí lý khiến cho Đông nghĩ ngợi miên man. Nỗi lòng của Đông đang bị giằng co giữa tình yêu vô vọng và sự tìm quên lãng. Điều mà Đông thường nghĩ đến là chỉ có thời gian mới là liều thuốc nhiệm mầu xoa dịu vết thương lòng của chàng vì sự khổ đau dày vò, cấu xé. Quá nhớ thương Hạnh, nhiều lần Đông muốn đi bộ đến quán cũ để gặp nàng, nhưng đi được một quãng đường, Đông lại đổi ý, quay về.
    Một buổi sáng ngày thứ Bảy, đi chợ Bình Thủy để mua thức ăn, Hiệp trở về nhà với vẻ mặt tươi cười, hớn hở, Đông hỏi:
    - Sao bữa nay mầy vui quá vậy?
    - Tao gặp Hạnh
    Gương mặt khô héo, ủ dột của Đông bỗng trở nên rạng rỡ. Chàng rối rít hỏi Hiệp:
    - Thiệt không mậy? Thiệt không mậy?
    Hiệp đặt cái tụng đệm đựng thực phẩm xuống đất, sôi nổi kể:
    - Tao gặp Hạnh bán hai giỏ ổi xá lỵ. Nàng có dẫn theo thằng con trai nữa. Tao đến chào thì nàng nhận ra tao ngay. Nàng hỏi thăm mầy. Tao nói sau khi tao và mầy đi tìm gặp Hạnh và biết được nàng đã có chồng con rồi thì mầy thất tình, đau khổ và ngã bịnh. Nàng nói: Hai anh hiểu lầm rồi! Thằng nhỏ gọi em bằng má chính là con trai của người chị ruột em. Khi sinh nó ra chưa đầy một tháng thì chị của em bị bịnh sản hậu mà qua đời. Chính tay em và má em nuôi thằng nhỏ tới bây giờ. Năm nay nó được bốn tuổi. Tội nghiệp cho nó mồ côi cha mẹ. Sau khi chị của em chết được hai năm thì người anh rể của em đi lính Địa Phương Quân, bị tử trận ở Vị Thanh. Vì em nuôi nấng đứa cháu côi cút từ khi nó còn đỏ hỏn nên lúc lớn lên nó gọi em là má. Hôm nọ hai anh đến quán, em chưa kịp giải thích thì hai anh đã ra về. Đêm đó em nằm trằn trọc, ray rứt vì biết hai anh đã hiểu lầm.
    Tao mới hỏi tiếp: Lúc tôi và Đông ngồi uống nước trong quán, người đàn ông nào ngoài vườn cất tiếng gọi Hạnh? Nàng trả lời:
    - Đó là anh Ba của em. Người chị đã qua đời là chị cả rồi tới ảnh thứ ba, còn em là út. Kể xong nàng cười thật là có duyên. Sau đó có người đến mua sỉ hết hai giỏ ổi, nên nàng từ giã tao để đón xe Lam về nhà. Trước khi lên xe, nàng gởi lời thăm mầy và nhắn với tao, bảo mầy đừng buồn nữa. Nàng hỏi tao với mầy làm nghề gì? Tao cho nàng biết tụi mình là lính Không quân, chuyên sửa chữa máy bay. Nàng nói: Anh của nàng rất thích đi lính Không quân. Nàng còn hẹn ngày mai chủ nhật, nàng sẽ đem ổi ra chợ bán nữa.Trước khi cân bán hai giỏ ổi, nàng lựa hai trái ngon nhứt, gởi tặng mầy. Có lẽ nghe tao nói mầy đau khổ vì đã yêu nàng nên nàng cảm động. Vậy ngày mai, mầy chuẩn bị ra chợ gặp em. Hết buồn rồi phải hôn?
    Đông nắm tay Hiệp, miệng cười toe toét:
    - Cám ơn mầy nhiều lắm Hiệp ơi! Tao hết buồn rồi. Mầy là vị “cứu tinh” của tao.
    Đông có cảm tưởng như mình sắp chết vì bị đắm chìm trong biển sầu tình ái nay được hồi sinh. Đông yêu đời, cười nói huyên thuyên khi Hiệp trao cho chàng hai trái ổi của Hạnh gởi tặng. Đông cầm hai trái ổi dưa lên mũi để hôn như hôn gò má người yêu.
    Ngoài kia, dòng sông Bình Thủy đang dâng lên con nước lớn, xô dạt đám lục bình về họp bến, nở đầy hoa tím ở mé bờ trước nhà. Tiếng ai hát bên kia sông vẳng đến trong một bản nhạc trữ tình. Tiếng bìm bịp kêu mừng ở khúc sông phía Nam. Niềm vui trong tâm hồn Đông cũng chan hòa như con nước lớn ngập trường giang khi nghĩ đến ngày mai sẽ được gặp lại người mình yêu và chắc sẽ được nàng yêu.

    KHA LĂNG ĐA
    ( Hoa Hướng Dương)


    Last edited by chieutim; 08-26-2013, 09:39 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X