Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Đà Nẵng , SDIKQ , PĐ 213 Song Chùy Những Ngày Tháng Cuối .

Collapse
X

Đà Nẵng , SDIKQ , PĐ 213 Song Chùy Những Ngày Tháng Cuối .

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đà Nẵng , SDIKQ , PĐ 213 Song Chùy Những Ngày Tháng Cuối .

    Đà Nẵng / SĐIKQ / PĐ 213 / Song Chùy những ngày tháng cuối.


    Buổi sáng 29/3/75, có lẽ Trung tá Ng. Anh Toàn, một cựu pilot 213, Phi đoàn trưởng PĐ 239, là sĩ quan cao cấp nhất của SĐIKQ vẫn còn có mặt tại nhiệm sở phi đoàn trong phi trường Đà Nẵng. Tôi nghe tiếng ông trên tần số ra lệnh cho các trực thăng Hoàng Ưng phải tức khắc trở lại phi đoàn! Nhưng cuối cùng anh cũng ra đi, không biết bằng cách nào? Sau này, khi vào tới Sài Gòn mới có thêm tin nhiều sĩ quan cấp cao khác như Đại tá Ngô X. Báu [ TMP Nhân Viên / SĐIKQ ], Trung tá Ng. Ngọc Châu [Trưởng Phòng Kế Hoạch / KĐ51CT] cũng đều bị kẹt lại trong cuộc di tản của SĐIKQ khỏi Vùng I chiến thuật.

    Tôi và Huỳnh H. Nghị giật mình thức dậy sau một đêm ngon giấc trên bãi cỏ bên cạnh phi đạo của phi trường Non Nước [ Mable Mountain Air Field ] vì tiếng động cơ ồn ào của chiếc Chinook C-47 đáp xuống kế bên. Trung tá Nguyễn Văn Mai, PĐT / PĐ 247, liên lạc hỏi tôi: " Sao mày chưa đi?".

    Đêm qua, suốt một đêm bay lòng vòng trên Trời tránh pháo kích, mệt quá, buồn ngủ và xăng cũng cạn, nên tôi quyết định ở lại mặc cho các bạn bè hối hả dồn xăng từ tàu này [UH-1] qua tàu kia cho đầy rồi ầm ầm kéo nhau bay đi trong đêm tối, dù không biết sẽ đi về đâu? Mọi liên lạc với Hành Quân Chiến Cuộc Không Đoàn cũng như Sư Đoàn đều bị cắt đứt. Sau đợt pháo đầu tiên từ trong các vùng núi Đức Dục & Đại Lộc bắn tới thì cũng là lúc anh em tự động coi như hiệu lệnh cuối cùng để mạnh ai nấy đi, cất cánh rời khỏi phi trường. Đa số thuộc thành phần trực thăng, KĐ51CT. Các Không đoàn 41 và KĐ 61, fixed wings, đã di tản trước từ ngày 25/26/27 với lệnh lạc rõ ràng [?]

    Tôi cất cánh, đáp xuống khu bãi cát bên ngoài hàng rào phòng thủ phi trường gần bờ biển Mỹ Khê [ China Beach ] cho Nghị xuống theo tàu HQ di tản chung với các đơn vị TQLC. Trên bờ biển, dân và lính lô nhô dầy đặc như đàn vịt khổng lồ, đua nhau bơi ra tàu Hải Quân ở ngoài khơi. Hai ba chiếc trực thăng vì thiếu xăng đành bỏ lại, nằm nghiêng ngả sát bờ nước, một nửa skids đang lún dần dưới cát, cảnh tượng thê thảm!

    Còn lại mình tôi solo cùng với hai cơ phi xạ thủ Đương và Xiêm và một mớ anh em kỹ thuật theo tôi đêm qua lúc phi trường bị pháo kích. Một lúc sau, những người bạn kỹ thuật nghĩ sao nên đổi ý, xin xuống tìm đường về kiếm vợ con. Tôi đáp bên bờ ruộng đằng sau khu trường tiểu học mới xây, gần bộ tư lệnh Quân Đoàn I cho họ xuống thì cũng vừa lúc gặp Đ/úy Vui và Tưa đáp theo. Tr/úy Lương viết Cang và Vui bỏ tàu Tr/úy Tưa leo lên theo tôi. Chúng tôi trở về phi trường Đà Nẵng lấy thêm xăng nhưng thất bại , kho xăng đóng cửa , tiếng đạn bắn nhau lung tung bên khu doanh trại phía Westside [ Phước Tường ]. Tôi bùi ngùi ngắm nhìn phi đạo loang lổ lần chót rồi buồn bã bay đi. Đêm qua, lần đầu tiên phi trường Đà Nẵng phải lặng thinh chịu đựng một trận pháo ác liệt chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh bao năm qua với hàng ngàn hỏa tiễn 130 ly liên tục bắn phá .

    Trong khi các đơn vị A-37, F-5, C-7, C-47, L-19 được lệnh sửa soạn di tản thì các phi đoàn trực thăng như PĐ 213 vẫn còn thi hành các phi vụ như thường lệ. Đại úy Phạm anh Tuấn dẫn một biệt đội ra Huế thay thế cho tôi vào biệt đội Chu Lai [BTL / Sư đoàn 2BB] để bàn giao cho toán của Đ/úy Trần văn Hòa về lại Đà Nẵng.

    Trong vùng Quảng Ngãi, ngày 25/3, tôi và Lê tấn Đại còn thực hiện phi vụ HQ cuối cùng, tiếp tế và tải thương khẩn cấp cho tiền đồn Núi Tròn trong vùng núi phía Tây Bắc sông Trà Khúc , tỉnh Quảng Ngãi. Một tiền đồn lẻ loi đang bị tấn công vào giờ thứ 25 của cuộc chiến, không có tiếp viện! Nhiệm vụ chính yếu của tiền đồn ấy để bảo vệ trục lộ nối liền giữa hai quận Sơn Tịnh và Hà Thanh nhưng con lộ đã bị gián đoạn lưu thông từ mấy tháng qua và bây giờ tình hình càng thê thảm hơn trong cơn hấp hối. Đơn vị bạn cho hay bãi đáp chính không còn xử dụng được vì địch đã điều chỉnh sẵn tọa độ pháo kích. Sau khi biết còn một chỗ trống có thể đáp được, giữa những túp lều [tents] và hầm trú ẩn, tôi dẫn theo hai gunship của Đặng hữu Hào và Đào văn Tưa để hộ tống. Ba chiếc theo hàng dọc, bay thật thấp ngang tầm những hàng chuối ven bờ làng, cơ phi xạ thủ trong thế sẵn sàng tác chiến... Ở phía sau, Đặng Cường ngồi bên hông phải , thấy mấy thằng du kích ôm AK-47 hốt hoảng bỏ chạy vô nhà khi thấy trực thăng cứ lầm lũi đâm thẵng tới. Tôi nói Cường tha cho chúng, có lẽ vì thế chúng cũng không bắn lại khi chúng tôi vừa giảm tộc độ, móc đầu lên, khựng lại rồi lẹ làng hạ cần lái xuống bãi đáp giữa những căn lều xiêu vẹo vì sức gió của rotors. Phi vụ hoàn tất mỹ mãn, nhưng ngay hôm sau khi vùng Quảng Ngãi mất, có lẽ các chiến sĩ còn lại trên tiền đồn ấy cũng bị tiêu diệt hết! Thật tang thương cho những người chiến binh Bộ Binh! Những chiến sĩ vô danh của QLVNCH đã can trường chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng.

    Sau phi vụ ấy, buổi chiều tôi đổi toán dẫn anh em trở về Đà Nẵng cho Đại úy Phạm văn Vui leads toán mới ra thay thế. Không ngờ chỉ sau vài giờ, phi đoàn lại gọi tôi phải trở vào tiếp cho Vui vì BTL / SĐ2BB trong căn cứ Chu Lai đang bị tấn công. Khi chúng tôi bay trở lại thì toàn bộ căn cứ đang chìm ngập trong biển lửa. Khu Biệt Đội 213 trên đồi thông, khi chiều vẫn còn nguyên vẹn, bây giờ đã cháy thành bình địa. Văn phòng tư lệnh SĐ2BB cũng đang rực cháy. Kho xăng, kho đạn cháy nổ đùng đùng... Chỉ còn bãi đáp VIP trước sân cờ BTL khả dĩ đáp được nhưng binh sĩ dồn về dầy đặc. Tôi cản Đ/úy Vui không cho đáp nhưng anh ham mấy chiếc xe Honda, trước khi chạy Vui đã gom sẵn để ở khu biệt đội. Tôi đành chấp nhận theo. Quả thực chúng tôi vừa hạ cánh thì binh sĩ đã đu lên kín mít như xe đò Lục Tỉnh, không tài nài đủ sức cất cánh . Cứ bốc lên lại rớt xuống! Sau mấy lần thuyết phục rồi cũng thất bại . Nhiệm vụ chính yếu của tôi là phải bốc theo mấy sĩ quan tham mưu SĐ2BB còn kẹt lại, trong đó có Đại tá Tư lệnh Phó & Tham mưu Trưởng Sư Đoàn. Tướng tư lệnh Trần văn Nhựt đã một mình di tản trước ra Cù Lao Ré. Cuối cùng tôi đành bỏ lại phi cơ, cho phi hành đoàn gỡ theo khẩu M-60 và chiếc máy truyền tin PRC-25. Chúng tôi dẫn mấy sĩ quan BB theo đường bộ xuống khu bãi biển Kỳ Hà, rất may núp được dưới hầm một tảng đá rất lớn như mái nhà. Không biết do duyên may hay ý Trời phù hộ? Đại úy Tuấn bay chiếc gun, liên lạc được với Không Đoàn. Mãi gần 3 giờ sáng, một trực thăng của PĐ 257 Cứu Tinh mới vô bốc về. Ở nhà, trong khu cư xá Bắc Phạt, bà xã tôi, Duyên, khóc lóc hồi hộp lo lắng không biết số phận tôi ra sao ???

    Hôm sau, 26/3, cả phi đoàn dồn hết về hậu cứ không còn toán nào biệt phái, phi vụ cũng không có, anh em buồn bã chán nản. Toán thì nằm ngủ, toán thì đánh bài Giắt, toán chơi Domino... Cho hết giờ! Một số anh em có gia đình từ Huế Quảng Trị dẫn vô tạm trú cả trong phi đoàn như một đại gia đình di cư!

    Cả ngày chỉ có một phi vụ, Tôi vui mừng lại cất cánh bay vào căn cứ Nông Sơn trong vùng núi An Hòa / Đức Dục để bốc Trung tá Phất [BĐQ]. Tôi vẫn yên trí tình hình quanh vùng Đà Nẵng [ Biệt Khu Quảng Đà ] chắc còn bình thường nên bay một mình không cần gunship, tà tà bay vào không chút do dự như những ngày còn bình yên của các năm 70, 71... Vào tới phi trường An Hòa thì thấy dân chúng quang gánh lũ lượt từ trong các vùng thung lũng bao quanh Nông Sơn đi ra tấp nập mà không nghi ngờ gì hết. Đáp xuống BCH Biệt Động Quân trên núi Nông Sơn cũng không có dấu hiệu gì khác thường nhưng gió hôm ấy lớn quá, cánh quạt phi cơ không chịu ngừng, con tàu dập dình như muốn lao xuống núi. Tôi phải quay máy lại rồi cho cơ phi vào liên lạc với Trung tá CHT. Ông bảo tôi trở về Đà Nãng, khi nào họp xong Ông sẽ kêu... Nào ngờ chỉ 20 phút sau, tôi chưa kịp về lại phi trường thì đã có tin căn cứ Nông Sơn bị overun rồi. Có lẽ địch quân đã bao vây căn cứ từ lúc chúng tôi vào đáp nhưng vì chưa có lệnh tấn công nên chúng [VC] đã không nổ súng bắn chúng tôi . Nếu tôi chỉ chần chờ thêm vài phút nữa chắc chắn chúng tôi đã phải cùng chung số phận với các chiến sĩ BĐQ như phi hành đoàn 219 của các anh Bửu-Khánh trên đồi 31 trong mặt trận Hạ Lào trước đây. Lại một lần nữa tôi được che chở một cách kỳ diệu. Phải chăng đó thực sự là mạng số của mỗi người. Có lẽ cũng vì thế mà lần biệt phái chót ở Chu Lai, dù biết hiểm nguy nhưng Đặng Cường cứ xin tình nguyện bay theo tôi [ Lead] vì thày bói khuyên như thế [ Cường hiện đang ở Texas ].

    Mất căn cứ Nông Sơn, cửa ngõ từ các mật khu trong Trường Sơn ra vùng đồng bằng Quảng Nam tiến vào Đà Nẵng cũng rộng mở. Các lực lượng phòng thủ của Quân Đoàn I như SĐ3BB, Nhảy Dù, TQLC, SĐIKQ... Tất cả đều bị động, buông xuôi không phản kích ngăn chặn. Đà Nẵng mất, Vùng I và Quân Đoàn I cũng xụp đổ theo. Cái thế chiến lược Domino nếu biết ứng dụng cho mỗi vùng chiến thuật có lẽ hữu dụng hơn là cho toàn vùng Đông Nam Á.

    Cầu không vận Sài Gòn - Đà Nẵng với những chuyến bay C-130 thay phiên nhau liên tục đáp xuống phi trường ngày đêm suốt từ hôm 25/3 nhưng cũng không đủ đáp ứng nhu cầu của dân chúng. Bà con, đa số là gia đình binh sĩ tràn ngập vô phi trường, kín mít khu hậu trạm, nằm ngồi la liệt sát lề phi đạo. Thân nhân các anh em KQ thì đưa vô tạm trú trong các barracks ở cư xá để chờ chuyến bay. Mọi sinh hoạt càng thêm hỗn độn nhưng Tôi và Thiếu tá Tạ Thái, Phi đoàn phó 213, vẫn còn bàn chuyện phi đoàn sắp phải biệt phái tăng viện cho Pleiku. Sau đó chưa đầy 1 giờ thì pháo kích tới, hai anh em cũng phân tán từ giây phút ấy. Ba mươi tám năm sau tôi chưa bao giờ có dịp gặp lại anh. Tất cả đều là kỷ niệm làm tôi cứ tưởng mình vẫn trẻ mãi không già.

    Trong đời bay tôi hoàn toàn tin vào mạng số nên rất bình tĩnh trước mọi nghịch cảnh, nhờ vậy cũng đã thoát được rất nhiều hiểm nguy. Bây giờ suy gẫm lại tôi luôn phải cám ơn Trời đã phù hộ.

    Là một phi công thích bay slick hơn gunship, mỗi phi vụ đối với tôi là một chiến thắng. Chiến thắng trên những khó khăn của thời tiết và địa thế hiểm trở, chiến thắng giữa các hiểm nguy của chiến trường, chẳng cần phải tiêu diệt được bao nhiêu thằng VC mới gọi là chiến thắng. Không biết vì sao tôi say mê với tất cả vẻ đẹp quyến rũ của núi rừng miền Trung. Núi càng cao, LZ càng "HOT" thì sự thử thách càng hấp dẫn. Mỗi bãi đáp là một dấu vết kỷ niệm như không bao giờ quên.

    Có lẽ vì thế mà ngày chót, 29/3/75, tôi cứ quyến luyến không muốn rời xa Đà Nẵng cho đến buổi chiều khi Trời đã gần tối, chúng tôi mới cất cánh. Cùng lúc những toán dân quân bộ đội từ ven biển Hội An - Đà Nẵng đang kéo về về tiếp thu thành phố. Chúng tôi không bắn chúng và chúng cũng chẳng thèm bắn chúng tôi. Có lẽ chúng không bao giờ ngờ QLVNCH lại có thể buông xuôi dễ dàng như thế! Mỗi khi hồi tưởng lại chuyện xưa, lòng buồn đau vô cùng. Sau 38 năm dài nhiều người đã lãng quên, đi về VN như thường tình. Phần tôi, không biết có phải là người Viet Nam duy nhất chưa bao giờ có ý định trở về? Quê hương tôi chỉ có Sài Gòn và Miền Nam VN [South Vietnam]. Tôi sanh ra ở xứ Bắc Kỳ nhưng hai chữ Hà Nội luôn luôn xa lạ không bao giờ rung cảm được lòng tôi!!!

    Vào tới Sài Gòn, Không Đoàn 51 chiến thuật với 5 phi đoàn UH-1 nhưng chỉ đủ gom lại quân số để giữ lấy Phi Đoàn 213 - Song Chùy, di tản tiếp xuống Cần Thơ, sát nhập vào SĐIVKQ. Các pilots chán nản không ai còn tha thiết bay bổng nơi miền đất mới xa lạ. Với các biến chuyển bất ngờ của thời cuộc, ngày 22/4 TT. Nguyễn văn Thiệu từ chức... Một tuần lễ sau thì có lệnh buông súng đầu hàng. Chiến tranh tùy mỗi người, đã kết thúc hay chưa?



    Thuhoang và Song Chùy 213.
    Tháng 3 / 2013
    Last edited by khongquan2; 03-27-2013, 04:46 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X