Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Huế Của Một Thời

Collapse
X

Huế Của Một Thời

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Huế Của Một Thời

    Huế Của Một Thời
    Đường Xưa Thành Nội


    ---&&&---


    (Tặng những người Huế tha hương.)

    Khi người bạn hỏi tôi qua điện thọai, ”Này, cái trường Thiếu sinh quân ngày xưa của Đệ Nhị Quân khu, nằm ở đường Bộ Tham hay đường Bộ Thị?” Tôi khựng người trong một thoáng mới trả lời được, vì phải bắt bộ nhớ làm việc trong mấy giây để phủi bớt đi lớp bụi thời gian cho quá khứ hiện ra. Nếu bạn đọc có trong tay bản đồ du lịch của Huế ngày nay thì dễ thông cảm với người viết trong mấy dòng hòai niệm này.

    Việc nhà có số phố có tên chỉ có từ khi Pháp đô hộ Việt Nam, phát triển đô thị theo mô thức phương Tây. Ở đâu không biết, chứ riêng trong Thành Nội -- tức Kinh thành Huế -- nhà có số đến trước phố có tên. Phải từ 1945 mới thấy những con đường trong Thành Nội được đặt tên theo kiểu mới, còn trước đó, người ta chỉ gọi theo thói quen. Trên con đường, hễ thấy có cái gì đó nổi bật, có thể chỉ dẫn mọi người một cách dễ dàng, người ta lấy ngay vật ấy làm tên đường. Như đường Âm Hồn, tức Lê Thánh Tôn ngày nay, chẳng hạn.

    Thời tôi còn trai trẻ, cái tên Âm Hồn rất thông dụng, nghe dễ sợ đối với người lạ, vì gợi ra cảnh hồn ma bóng quế, nhưng đối với mấy chàng, Âm Hồn lại là con đường dễ … thương, vì có nhiều người đẹp. Chả thế mà trong hồi ký Thượng Tứ ngày xưa, nhớ nhớ... quên quên, tác giả Quế Chi Hố Đăng Định , dù nay đã hai thứ tóc trên đầu, vẫn còn nhớ và kể tên vanh vách các người đẹp nay đã lên chức bà, không bà nội cũng bà ngọai. Cũng như cái tên Quán cơm Âm phủ vậy, nghe âm u rùng rợn, tưởng như phải ăn cơm chung với cô hồn các đẳng, nhưng thực tế lại là một nhà hàng có thức ăn ngon, thực đơn độc đáo, người đã nếm rồi cứ muốn trở lại ghé thăm, không phải chỉ một lần. Mà sao lại gọi là đường Âm Hồn? Muốn biết, phải tới ngay góc đường Lê Thánh Tôn và Mai Thúc Loan, sẽ thấy ở đó có một cái miếu nhỏ, sát ngay bên đường, gọi là Miếu Âm Hồn. Ngày 23 tháng Năm năm Ất Dậu (5/7/1885), kinh đô Huế thất thủ, vua Hàm Nghi phải rời cung điện chạy ra vùng rừng núi Quảng Bình, cầm đầu cuộc kháng chiến Cần vương. Khi quân Pháp từ Mang Cá đánh ra, phối hợp cùng quân Pháp từ Tòa Khâm sứ bên kia sông Hương – chỗ Đại học Sư phạm bây giờ -- đổ quân đánh vào, quân lính và dân chúng chết như rạ, sau đó người ta phải đào hố chôn tập thể. Mấy chục năm sau, người ta phát hiện được một hố như thế, bèn hốt cốt đem cải táng ở chân núi Ngự Bình, rồi lập miếu thờ, hàng năm cứ tới ngày 23 tháng Năm lại tổ chức cúng tế rất long trọng. Truyền thống đó vẫn còn giữ được cho tới bây giờ, dù biết bao thế hệ đã qua đi. Cái miếu tuy nhỏ nhưng nổi tiếng nên được dùng để chỉ con đường chạy ngang trước miếu, thành ra đường Âm Hồn.

    Từ ngoài cửa Thượng Tứ - Tây gọi là Mirador VIII -- đi vô, con đường thẳng tắp một mạch từ Thương Bạc cho tới Cầu Kho, ra đến cửa Hậu (Mirador I), ngày nay có tên là đường Đinh Tiên Hòang, trước 1975 là Đinh Bộ Lĩnh ( Bộ Lĩnh hay Tiên Hòang cũng chỉ là một ông họ Đinh ở Hoa Lư, nhưng chắc nghe Tiên Hòang có “khí thế” hơn Bộ Lĩnh nên đổi cho nó oai?!) Xưa kia con đường này có nhiều tên: đọan từ Thương Bạc vô đến cửa Thượng Tứ, ngắn ngủn, lại mang tên Tây, Rue de la Citadelle, nhưng dân Huế chỉ quen gọi là đường Thượng Tứ. Đọan này tuy ngắn nhưng có hai tiệm chụp hình nổi tiếng, từng chụp ảnh cho cung đình, nào Nam Phương Hòang hậu, nào vua Bảo Đại, nào triều đình …, đó là Tôn Thất Dung và Tăng Vinh; sau 1945 còn họat động một thời gian rồi mới chấm dứt. Đường Thượng tứ còn được người ta nhớ với tiệm ăn Lạc Thành và bánh “khoái” Lạc Thiện. Lạc Thành thì đóng cửa đã lâu, nhưng Lạc Thiện vẫn còn sống hùng sống mạnh và hấp dẫn du khách.

    Từ cửa Thượng Tứ vào Hộ Thành thì có tên là đường Hộ Thành, đọan chạy ngang hồ Tịnh Tâm có tên là đường Tịnh Tâm, còn đọan từ Cầu Kho đi vào, không nhớ có mang tên đường Cầu Kho hay không. Nay ai nhớ, xin nhắc giùm! Từ cửa Thượng Tứ đi vào, vừa vô khỏi cửa, sẽ gặp con đường chạy sát chân thành cắt ngang, đó là đường Thượng Thành. Rẽ ngay về tay trái một đọan, nơi chỗ Tỳ Bà Trang do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba sáng lập, ngày xưa là trụ sở của Tam Pháp Ty hay Tam Pháp Bộ Hình, cơ quan xử án tối cao của Nhà Nguyễn, nơi bất cứ lúc nào dân cũng có thể tới đánh trống kêu oan để được thu nhận đơn, và cứu xét theo thủ tục khẩn cấp. Cái vụ đánh trống kêu oan nổi tiếng hơn cả là vụ bà Bùi Hữu Nghĩa. Ông Bùi Hữu Nghĩa, người tỉnh An Giang, đậu Thủ khoa thi Huơng năm 1835, đời Minh Mạng, làm Tri huyện, bị vu oan, mất chức, bị đày làm lính. Bà Bùi Hữu Nghĩa đã từ Vĩnh Long đi ghe ra Huế, đến Tam Pháp ty đánh trống đăng văn để nộp đơn kêu oan cho chồng, cứu được chồng thoát nạn.


    Cửa Thượng Tứ

    Từ cửa Thượng Tứ đi vô một đọan, có con đường cắt ngang, mang tên Tống Duy Tân. Con đường này, ngày xưa, đọan tay trái chạy ngang trước Quốc Tử Giám -- sau làm trường Trung học Hàm Nghi – có tên là đường Quốc Tử Giám; còn đọan bên tay phải, chạy ngang trước Tam Tòa, mang tên là đường Tam Tòa. Khuôn viên Tam Tòa này cũng tang thương biến đổi dữ lắm. Đầu tiên, đó là phủ của vua Minh Mạng khi đang còn là Hòang tử, rồi làm Thái tử, sau vua cho người em, một thời gian, lại lấy đất xây chùa Giác Hòang. Rồi Tây chiếm, làm trại lính khi thất thủ kinh đô (7/1885). Sau đó, ngưòi ta xây ba tòa nhà, tòa ở giữa dành cho Viện Cơ Mật, tòa bên trái làm Musée Economique (Bảo tàng Kinh tế), tòa bên phải là cơ quan cố vấn của Bảo hộ cạnh 6 bộ của triều đình, gọi là Delégations aux Ministères, mấy ông gọi là Nha Hội lý. Và đấy là lý do có cái tên Tam Tòa. Cũng về phía này, nơi khu vực trường Trần Quốc Tỏan ngày nay, xưa kia là Viện Thượng Tứ với hai đơn vị kỵ binh là Khinh Kỵ Vệ và Phi Kỵ vệ, khiến cho cái tên cửa Đông Nam bị quên lãng để trở thành cửa Thượng Tứ, và cái thành ngữ ngựa Thượng tứ đã trở thành một cách nói quen thuộc của Huế một thời để chỉ mấy cô gái ham chơi, trắc nết.


    Viện Cơ Mật trong Khu Tam Tòa

    Nói theo kiểu Mỹ, qua khỏi “block” Quốc Tử Giám, sẽ gặp khu vực của Viện Bảo Tàng Khải Định, nay là Viện bảo tàng Cổ vật Huế. Qua khỏi “block” này là đường Đinh Công Tráng, tức đường Tôn Nhơn ngày xưa, vì chạy ngang trước Phủ Tôn Nhơn, cơ quan quản trị Hòang tộc, lập ra từ đời Minh Mạng. Kế cận phủ này, phía tay phải là vườn hoa Ba Viên, cây cao bóng mát, đối diện, có hiệu Thuận Xương nằm ngay bên đường Hộ Thành, nổi tiếng một thời ở Huế, thua chi tiếng tăm nhà bách hóa Sears của xứ Hoa Kỳ (!) Đối với mạ tôi, cái gì bà mua sắm ở Thuận Xương là số một, dù đó là cái rựa để chẻ củi! Trước 1975, trong dãy phố Thuận Xương này có tiệm ăn Lưu Hương nổi tiếng với những món lươn. Chừ nghe vẫn còn nhưng hình như đổi chủ (?). Mùa lạnh, đi coi phim về, ghé đây mà ăn một tô cháo lươn, nghe thiệt là ấm bụng, và về nhà ngủ ngon...

    Như đã nói, Thành Nội chính là Kinh thành Huế xưa, nên ta không lấy làm lạ khi nhiều con đường, nhiều khu vực, có tên mang âm hưởng triều đình, dù triều đình chẳng bao giờ chính thức đặt tên như thế cho những con đường. Tòan là sản phẩm của dân địa phương.

    Từ ngã tư Đinh Công Tráng/ Đinh Tiên Hòang tiếp tục tiến về phía bắc, sẽ gặp các con đường Hàn Thuyên, xưa là đường Bộ Học , Nguyễn Chí Diểu tức đường Lục Bộ, Đặng Dung tức đường Bộ Tham, và Nguyễn Biểu, tức đường Bộ Thị; Có người ngày nay hỏi: gọi là đường Lục Bộ thì dễ hiểu, vì ngày xưa, từ đời Minh Mạng (1820-1841) có 6 Bộ -- tức Lục Bộ -- của triều đình, là Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công, đặt trên con đường này [1] Nhưng sao lại gọi là Bộ Tham và Bộ Thị? Làm gì có các bộ như vậy?

    Cái này, muốn trả lời, phải đi vô cơ cấu tổ chức của các bộ ngày trước mới hiểu được. Cầm đầu mỗi bộ là một Thượng thư (Bộ trưởng). Phụ tá Thượng thư có Tả và Hữu Tham tri (tương đương Thứ trưởng ). Kế đến là Tả và Hữu Thị lang (tương đương giám đốc các Nha). Vì thế, con đường chạy ngang công đường của 6 bộ (Bộ đường) gọi là đường Lục Bộ; con đường chạy ngang công đường của các Tham tri 6 bộ gọi là đường Bộ Tham; và con đường chạy ngang trước công đường các Thị lang là đường Bộ Thị. Người Thành Nội xa xứ lâu ngày có khi lẫn lộn đường này với đường kia, nhưng có một điều rất dễ nhớ, ấy là vị trí của Bộ Lại chính là tòa nhà xưa, dùng làm quận đường của Quận Thành Nội . Làm dân Thành Nội, chẳng lẽ chưa một lần tới quận xin thị thực bản sao giấy tờ hay răng?

    Khi Bộ Học (Giáo Dục) được lập ra dưới đời Duy Tân (1907-1916), người ta lấy phủ cũ của vua Dục Đức làm trụ sở. Con đường chạy ngang trước bộ được gọi là đường Bộ Học, tức Hàn Thuyên ngày nay, con đường có nhiều người đẹp và quán cà-phê Dung, một thời sinh viên tới lui, nay không biết còn không.

    Nếu con đường Thượng thành chạy ngang trước Tỳ Bà Trang có hai hàng cây mù-u xanh ngắt thì hai bên đường Hộ Thành là những cây nhỡn (nhãn) lớn, làm mồi cho mớ tiểu yêu đứng hàng thứ ba vào mỗi độ hè về. Dù là thế hệ đàn anh (trước 1945) hay đàn em (sau 1945) ai muốn ăn trộm nhãn cũng phải có bè có bạn, đứa leo cây bẻ cành, đứa canh chừng tuần sát (thời còn vua) hay cảnh sát (sau 1945), đứa lo tẩu tán tài sản!

    Ngã tư Mai Thúc Loan/Đinh Tiên Hòang là một ngã tư nổi tiếng của Thành Nội: Ngã tư Anh Danh. Chẳng có anh nào tên Danh có sự nghiệp lớn lao để lấy làm tên cả. Anh Danh là gọi tắt tên của một ngôi trường đào tạo quan võ của Nhà Nguyễn, gọi là trường Anh Danh Giáo Dưỡng. Nơi ngã tư này có một trạm biến điện, trường Anh Danh nằm ngay góc đó.

    Cũng ngay góc này có toà nhà xưa, ngày trước là dinh của quan Trung Quân Đô thống, chức quan võ cao cấp nhất của triều đình, thời Khải Định, mà vị quan cuối cùng là Trung Quân Đô thống Nguyễn Hữu Tiễn, chồng của công chúa Ngọc Sơn, con gái thứ hai của vua Đồng Khánh. Người Huế thuở đó thường gọi ông là Cụ Trung hay Cụ Đô, mà tư dinh của ông nay là Ngọc Sơn Công chúa từ, trên đường Nguyễn Chí Thanh, một nhà vườn điển hình của cố đô, một địa điểm hấp dẫn du khách.

    Sen hồ Tịnh Tâm nổi tiếng cả nước, khỏi phải nói, chỉ có cái tên Hộ Thành nghe lạ tai một chút. Hộ Thành là cơ quan gìn giữ an ninh và trật tự bên trong kinh thành, tức Thành Nội, cầm đầu là một Đề đốc. Cụ Đề Hộ Thành rất có uy, vì dưới tay cụ có lính tuần sát, lớ xớ làm mất an ninh trật tự là cụ cho lính bắt nhốt ngay; bên trong Nha Hộ Thành có nhà tạm giam, tục gọi lao Hộ Thành. Một lần cả xóm tôi rần rần chạy ra đường coi, tôi cũng bu theo. Thì ra, ông Lý Thường, Lý trưởng phường Huệ An, khăn đen áo dài, tay kẹp dù, tay xách nồi đất nấu nước chè, đang cùng với mấy người nữa dẫn một người đàn bà, bị trói hai tay, xuống Hộ Thành giao cho cụ Đề, vì người đàn bà này bị bắt quả tang bỏ thuốc độc (?) vào nồi nước chè của một nhà kia, khi giả vào xin nước uống. Sau Cách mạng tháng 8 (1945), khi vua không còn, có lần đi học về, tôi và lũ bạn đứng coi người ta dẫn “ hai tên Việt gian” vô lao Hộ Thành. Cả bầy đả đảo Việt gian quá cở, nay nghĩ lại không biết gian hay ngay giữa thời buổi nhiểu nhương khó nói lúc đó. Vào thập niên 1960, vị trí Hộ Thành được dùng làm cơ sở cho trường Nữ Trung học Thành Nội.

    Từ Hộ Thành đi vô, sẽ gặp hồ Tịnh Tâm bên tay trái, lầu Tàng Thơ bên tay phải, rồi qua cầu Kho sẽ dẫn đến ba ngã, cửa Hậu, Mang Cá và vùng Lương Y, nơi có thằng bạn nối khố ở cho tới ngày theo vợ ra riêng, và cũng từ đó tôi không có dịp lui tới nữa, cũng hơn 40 năm!

    Ngay cả con đường Mai Thúc Loan kia, ngày xưa là đường Đông Ba vì dẫn ra cửa Đông Ba, Tây gọi là Mirador IX , có tên chính thức là Chính Đông nhưng hầu như ít ai thèm nhớ. Từ khi nhà nước xây hai bên đường những ngôi nhà kiểu mới, bán lại cho công chức Nam triều, đa số là các ông Thừa phái, nên cũng có nhiều người gọi con đường này là đường Thừa Phái! Từ cửa Đông Ba đi vô, gặp ngay con đường chạy sát bờ thành cắt ngang, phía bên trái gọi là đường Nhà thương, vì có một nhà thương nhỏ nằm trên đó, còn phía bên phải có tên là đường Chợ Xép, vì có cái chợ nhỏ, Chợ Xép. Ngày nay, cả hai con đường đều mang tên chung là đường 68.

    Bước chân đến Huế, cái đập vào mắt du khách trước tiên là Kỳ đài cao sừng sững. Người Huế chẳng bao giờ dùng hai chữ Kỳ đài, cái đó để cho sách vở, giấy tờ. Họ cứ Cột cờ mà gọi. Vì thế, con đường chạy ngang dưới chân Kỳ đài được gọi là đường Cột Cờ, ngày nay mang tên là Ông Ích Khiêm. Cũng con đường Ông Ích Khiêm này, ngày xưa, tùy mỗi đọan mà mang một tên khác nhau. Chẳng hạn, đọan gần Quan Tượng Đài -- tức đài quan sát thiên tượng của cơ quan Khâm Thiên Giám – được gọi là đường Nam Đài. Dân không cần biết đến Quan Tượng Đài là cái chi, họ thấy có một cái đài dựng lên trên mặt thành phía nam, trông đẹp đẽ, dễ thấy, nên gọi là Nam Đài, thành chết tên.

    Cũng trong cái góc kinh thành phía tây nam này có đàn Xã tắc nên có đường Xã Tắc. Cái đàn Xã tắc này, bây giờ thì nhà cửa phủ hết, chứ ngày xưa, rất trang nghiêm, là nơi vua phải lo cúng tế hàng năm. Đàn thờ thần Xã Tắc là vị thần coi giữ đất đai, mùa màng, đem lại sự an ổn cho đất nước. Hai chữ xã tắc, vì thế còn có nghĩa là đất nước, tổ quốc. Điểm độc đáo của đàn này là khi lập nó vào năm 1806, vua Gia Long đã ra lệnh cho 23 trấn và 4 doanh (tỉnh ngày nay) từ Nam Quan đến Cà Mâu đều phải lựa chỗ đất sạch, lấy mẫu dâng về Kinh để hiệp lại làm nền tầng trên cùng của đàn, tượng trưng sự thống nhất lãnh thổ của đất nước. Thật là một việc làm trân trọng và đầy ý nghĩa.

    Chung quanh hoàng thành tức Đại Nội có 4 con đường bao bọc. Con đường chạy song song với bờ thành Đại Nội phía đông là đường Hiển Nhơn, vì chạy ngang trước cửa Hiển Nhơn, cửa phía đông của Đại Nội, dành cho phái nam vô ra.. Đám tang của vua cũng đi ra cửa này, vì Ngọ Môn chỉ dành cho vua đang tại vị. Có điều tôi không nhớ rõ là đường này được đổi tên làm đường Đòan Thị Điểm khi nào. Hai bên đường, phía Quốc Tử Giám, là hai hàng phượng vỹ; còn phía Lục bộ, là hai hàng cây muối, cho bóng mát mùa hè và những chùm trái muối chi chít, nhỏ như hột cườm, mà lũ nhóc hái làm đạn để bắn súng chế tạo bằng ống hóp, nghe nổ lốp bốp rất vui tai.. Các đường Lục bộ, Bộ Tham, Bộ Thị đều thẳng góc với đường Hiển Nhơn, và các cụ, các quan xưa kia đều do đường này mà vô trong Nội (Đại Nội) chầu vua. Qua khỏi ngã ba Đòan Thị Điểm/ Đặng Thái Thân một đọan ngắn, bên tay phải là trường nữ tiểu học Đòan Thị Điểm, trường cấp 1 đầu tiên dành cho con gái. Nguyên nó mang tên Tây là École des Jeunes Filles , có lẽ được đổi tên thành Đòan Thị Điểm sau khi Nhật đảo chánh Pháp (9/3/0945). Trường được xây trên khuôn viên của Viện Đô Sát cũ.

    Trong cùng một khuôn viên, giới hạn bởi bốn đường ngày nay là Đinh Tiên Hoàng, Ngô Sĩ Liên, Đòan Thị Điểm và Nhật Lệ mà có đến 3 cơ quan đâu lưng vào nhau, xây mặt ra ba hướng khác nhau, là: Nha Hộ Thành, Viện Đô Sát và Quốc Sử Quán. Con đường nhỏ chạy ngang trước Quốc Sử Quán, nối liền đường Hộ Thành (Đinh Tiên Hòang) và đường Hiển Nhơn (Đòan Thị Điểm) được gọi là đường Sử Quán, sau gọi là đường Ngô Sĩ Liên. Trong khuôn viên của Quốc Sử Quán có một cái giếng nước rất trong – dân gọi là giếng Sử Quán -- mùa hè không bao giờ cạn, pha trà rất ngon, tục truyền là giếng xưa của làng Diễn Phái cũ, mà đất bị sung công để làm kinh thành.

    Về phía nam, chạy ngang trước cửa Ngọ Môn là đường Ngọ Môn, nay gọi là đường 23 tháng 8. Có lẽ người ta muốn nhắc lại ngày 23/8/1945, cái ngày vua Bảo Đại làm lễ thóai vị, trao ấn kiếm tượng trưng vương quyền cho Việt Minh, chấm dứt chế độ quân chủ cuối cùng của Việt Nam sau 143 năm trị vì (1802-1845). Các đường Ngọ Môn, Cột Cờ đều được trồng mù u. Lá mù u xanh quanh năm, nhưng bọn trẻ không quan tâm tới vẻ đẹp đó. Trái mù u mới là cái hấp dẫn, cứ tới cuối tuần hai ba đứa cùng xóm rủ nhau đi lượm trái mù u đem về gọt sạch vỏ, phơi khô, làm bi đánh chơi. Thuở đó, bi thủy tinh cũng có, nhưng đó là thứ xa xỉ của con Tây và con nhà giàu.

    Về phía tây, đường Ngọ Môn chấm dứt bằng đường Chương Đức, tức Lê Huân, con đường bọc phía tây Đại Nội, chạy dài ra đến Ngự Hà, con sông đào cắt ngang kinh thành, với hai cống Tây thành thủy quan và Đông thành thủy quan, cho phép nước lưu thông từ tây sang đông. Ngày xưa, khi đất Tây Lộc còn là nơi lập trường thi Hương và thi Hội thì cứ đến mùa thi, con sông Ngự này đậu đặc thuyền của sĩ tử và thân nhân từ các nơi về kinh, nghe mệ ngọai tôi kể lại như thế, vì kỳ thi Hương cuối cùng mở ra năm 1918, tôi chưa mở mắt, làm chi biết!

    Cũng giống như đường Hiển Nhơn ở phía đông, con đường phía tây được gọi là Chương Đức vì chạy ngang trước cửa Chương Đức, cửa phía tây của Đại Nội, dành cho phái nữ vô ra. Đám ma của các bà Thái hòang Thái hậu (bà nội vua) và Thái hậu (mẹ vua) đều đưa qua cửa này. Đời xưa, chữ nghĩa cùng mình. Hể đàn ông thì phải lấy việc làm tỏ cái lòng nhơn hậu là chính , còn đàn bà thì phải làm sáng cái đức hạnh của mình, nên mới đặt tên cửa Hiển Nhơn và Thể Nhơn dành cho phái nam, và cửa Chương Đức, Quảng Đức dành cho phái nữ. Ngày hè nóng nực, các bà trong nội cung muốn ra sông Hương hóng mát hay tắm mát thì theo cửa Chương Đức ra khỏi Hòang thành, rồi theo cửa Quảng Đức mà ra khỏi Thành Nội. Năm 1944, tôi được xem đám bà Tiên Cung, mẹ ruột vua Khải Định, bà nội của vua Bảo Đại, là do bu theo ông anh bên ngọai, đứng chen chúc hai bên đường Chương Đức để xem cái đám to chưa từng có. Trong vụ thất thủ kinh đô năm 1885, vua Hàm Nghi cùng tam cung lục viện đã được phò ra cửa Chương Đức, rồi theo cửa Hữu mà thóat ra khỏi kinh thành.

    Về phía bắc, đường Chương Đức thẳng góc với các đường Lý Thiện, kiệt Lý Thiện, và Cầu Đất. Đường Lý Thiện nay là Trần Bình Trọng, còn Kiệt Lý Thiện tức Đặng Trần Côn, là con đường nhỏ hơn, chạy song song với đường Lý Thiện, cách một quảng ngắn về phía bắc. Nói được rành rẽ như thế cũng là nhờ thằng bạn cũ nhắc tuồng chứ hơn 40 năm xa Huế, nhiều hình ảnh chỉ còn là những bóng mờ. Thuở còn học trường Việt Anh, tức Nguyễn Tri Phương sau này, cứ mỗi buổi sáng, mưa cũng như nắng, tôi đều phải tạt vào đường Lý Thiện, nơi có nhà ông Lý Dục, Lý trưởng phường Huệ An cũ (kế ông Lý Thường), để rủ mấy thằng bạn đi cùng cho vui đường xa; cứ vậy 4 năm ròng của thời học Đệ nhất cấp, tức cấp 2 ngày nay. Nhà ở trong Thành Nội, vậy mà đứa nào cũng phải lội bộ qua tuốt bên kia sông Hương để học. Chỉ những đứa con nhà gìàu mới có xe đạp, và mãi đến khi đậu trung học, Thầy tôi mới cho chiếc xe đạp để làm học trò trường Quốc Học! Lại nói lang bang rồi; cái đường này có tên Lý Thiện, chẳng phải để kỷ niệm tên của một ông họ Lý tên Thiện nào đâu. Lý Thiện là tên của một đơn vị đông trên trăm người, gồm 3 đội, tuyển từ dân làng Phước Yên, Thừa Thiên, vốn nổi tiếng nấu ăn khéo, để chuyên lo việc nấu cỗ cúng tế và yến tiệc của triều đình -- chứ không phải cho vua, vì vua có một đội quân đầu bếp riêng, gọi là Thượng Thiện. Hồi đầu triều Nguyễn, Lý Thiện đóng ở phía đông Đại Nội, đến đời Minh Mạng (1821) mới đời về nơi này.

    Gọi là đường Cầu Đất – nay là Nguyễn Thiện Thuật -- vì đường này dẫn đến một cây cầu xây bằng gạch bắc qua hồ, dẫn vào cửa Chương Đức. Khu vực cận kề đường này là khu Cầu Đất, cũng có nhiều người đẹp, khiến Quế Chi không quên kể trong bảng phong thần, xin cứ đọc Thượng Tứ ngày xưa, nhớ nhớ...quên quên sẽ gặp. Giữa thập niên 1960 trở về trước, trên đường này có một cái chợ nhỏ nhóm vào buổi sáng, gọi là chợ Cầu Đất. Khi tôi lớn lên, trên con đường này còn hiện hữu hai cơ sở, nguyên là chỗ trú đóng của hai đơn vị quân đội thời trước, đó là Vệ Hậu Ngũ và Vệ Tả Tam. Khoảng thập niên 1960, người ta phá bỏ những ngôi nhà đổ nát của Vệ Hậu Ngũ, lập ra một cái chợ để thay thế cho chợ Cầu Đất thường nhóm một cách mất trật tự. Điều buồn cười là chợ có bảng hiệu khá lớn, bằng tôn, viết chữ xanh, đề Chợ Vệ Hậu Ngũ –nhiều người đọc mà không hiểu cái chi -- dựng trên hai cột trụ bề thế. Có người hỏi tôi, “ Răng không gọi Chợ Cầu Đất, mà lại lại gọi Chợ Vệ Hậu Ngũ, nghe mệt tai quá!”, tôi cười, “Qua bên Thành phố mà hỏi.”

    Đi về phía Bắc một đổi, sẽ gặp Vệ Tả Tam. Niên khóa 1946-1947, vệ Tả Tam được dùng làm trường sở cho trường tiểu học Trần Cao Vân mới thành lập. Nhà tôi ở gần đó, nhưng khi vệ còn lính tráng nên không được vào. Đến khi có người bà con được bổ dụng làm Cai trường, mới theo chân ông ta vào xem, thì té ra là cơ sở làm thuốc súng để cung cấp cho bộ phận Hỏa lịnh ở Cột Cờ, dùng để bắn ống lệnh. Ngày xưa, thuốc súng của ta là một hổn hợp gồm ba thứ, được giả nhỏ và trộn đều với nhau, ấy là lưu hùynh, diêm tiêu và than thầu đâu (sầu đông). Còn thấy cả cối chày giả than, lưu hùynh, và rất nhiều nong phơi thuốc súng. Thuốc súng bám kín mặt nong như được trét bằng hắc ín. Bọn trẻ chúng tôi cạy thuốc súng đó ra, đem giả nhỏ rồi làm pháo đốt chơi!

    Song song với đường Chương Đức là đường Nhà Đồ -- trước 1975 có tên Cường Để, nay là Nguyễn Trãi -- chạy từ cửa Nhà Đồ ở phía nam cho đến cửa An Hòa ở phía bắc. Trong Thành Nội, có hai con đường chạy theo hướng bắc nam, rất dài, rất thẳng, ấy là đường Hộ Thành ở phía đông và Nhà Đồ ở phía tây. Đầu đường Nhà Đồ này là nhà của một thằng bạn thân, từ hồi còn tiểu học. Một bữa tới chơi, vì quên khóa, mất béng ngay chiếc Velo Solex, lọai xe gắn máy nhẹ của Pháp thời thập niên 1960, buồn ngẩn ngơ cả tuần.

    Hai bên đường Chương Đức, tức Lê Huân, trồng tòan phượng vỹ, mùa hè trông thật là rực lửa. Không hiểu sao giữa những hàng phượng vỹ đó, đoạn gần ngã ba Yết Kiêu/Lê Huân lại chen vào một cây sấu. Có lẽ cũng lâu đời lắm, vì nó cao, to, bọn trẻ chúng tôi không leo lên được. Tới mùa sấu chín, chỉ có nước sắm ná cao-su (giàng thun) xúm vào mà bắn, họa may có trái bỏ vô miệng. Chỉ ngửi mùi sấu chín cũng đủ chảy nước miếng cục! Từ Quảng Nam trở vô, không thấy có lọai cây này.

    Đi về phía bắc, đường Chương Đức, tức Lê Huân, gặp đường Cửa Hữu tức Yết Kiêu. Trong ký ức tuổi thơ của tôi, đây là con đường chính trổ về phía tây nhưng khá vắng vẻ, nhà nào cũng có vườn rộng, chỗ nào không nhà cửa thì thấy mọc tòan bụi rậm, đầy cây ngũ sắc và cây mâm xôi. Khi đi qua khu Tân Miếu, miếu thờ vua Dục Đức, do vua Thành Thái (1889-1907) lập nên, thấy sao âm u quá; sau 1945, chỉ còn là đống gạch vụn. Trong khu Tân Miếu này, hồi xưa có nhà thầy Trợ Đ., một ông giáo tư, dữ có tiếng, con nít đứa nào nghe cho đi học thầy Trợ Đ. thì mặt mày méo xẹo, nhưng cha mẹ lại rất tín nhiệm. Tôi được hân hạnh học hè với thầy năm lên lớp Ba hay lớp Nhì chi đó, và được chứng kiến cảnh thầy trị mấy anh học trò lười thật là ấn tượng, nào mỗ bụng, bỏ rọ thả giếng, dọa quì xơ mít v.v., nhiều đứa sợ khóc ròng, thảm thiết, tôi cũng sợ, nhưng nay nhớ lại, thấy buồn cười, vì tòan là đòn phép dọa dẫm chứ thầy không có ác tâm hành hạ con nít.

    Qua khỏi đường cửa Hữu một quảng ngắn, thì đường Chương Đức gặp đường Hòa Bình, nay là Đặng Thái Thân, con đường bao mặt bắc của Đại Nội. Cửa Hòa Bình xây năm 1811, đời Gia Long, là cửa phía bắc của Đại Nội, ban đầu có tên là Củng Thần, sau vua Minh Mạng đổi làm Địa Bình (1821) rồi Hòa Bình (1833) và giữ nguyên cho tới ngày nay. Đại Nội có bốn cửa, Ngọ Môn là cửa dành cho vua, có tính cách nghi lễ; Hiển Nhơn thì dành cho phái nam, còn Chương Đức thì dành cho phái nữ, riêng cửa Hòa Bình tuy bề ngòai khiêm tốn hơn các cửa khác nhưng lại là cửa hỗn hợp, đa dụng. Vua vào ra Đại Nội thường dùng cửa này, nhất là từ khi có xe hơi (đời Duy Tân, 1907-1916), vì xe có thể đến tận thềm, nơi vua ở. Con đường, vì thế mang tên Hòa Bình, mãi cho đến sau tháng 3/1975 mới đổi làm Đặng Thái Thân như hiện nay.

    Ngôi nhà nơi tôi sinh ra và lớn lên nằm trên con đường này nên mỗi đổi thay của nó cứ như hằn trong ký ức. Đường Hòa Bình được giới hạn bởi đường Đoàn Thị Điểm và đường Lê Huân (Chương Đức), ngày xưa rất vắng vẻ và nổi tiếng nhiều ma, không phải tôi chỉ nghe người ta đồn mà còn nghe cả chuyện ma do mạ tôi kể lại. Hai bên đường, trước 1945, là hai hàng dương liễu cổ thụ, gốc to phải hai người ôm mới hết, bóng lá rậm rạp, nhiều âm khí. Một lần, cây dương cao nhất bị sét đánh gãy đôi. Mẹ tội kể khi sét đánh, người ta (?) thấy một bóng trắng nhảy qua cây dương khác, bà bình luận “con tinh đó dữ lắm, tránh được cả búa Thiên lôi!” Sau, người ta đốn hết hai hàng dương này và trồng lại bằng cây nhỡn (nhãn). Con đường vì thế, trông sáng sủa hơn và không nghe ai kể chuyện ma nữa.

    Ngày nay thì nhà cửa mọc lên liên tục từ đầu cho tới cuối đường, chứ trước kia, nhất là trước 1945, con đường Hòa Bình chỉ có hai xóm nhà ở hai đầu đường, một ở chỗ giáp với Đoàn Thi Điểm, chừng năm nhà với cái đình Phường Trung Hậu, phía sau là nhà nhạc sĩ Ngô Ganh; và một xóm khác, chỗ giáp với đường Lê Huân, với võn vẹn bốn nhà. Giữa hai cụm nhà này là một khỏang trống lớn gồm hai vạt đất rộng mênh mông gọi là Hậu Bô (chứ không phải Hậu Bổ, như có người Pháp đã viết sai), chia đôi bởi đường Canh Nông tức Phùng Hưng. Hồi trước, người Pháp lập Sở Canh Nông (Service Agricole) phía bên phải con đường nên mới sinh ra cái tên đó. Khu Canh nông là một vườn bách thảo Lũ con nít chúng tôi thường vào đó kiếm mủ cây bút-bút làm banh đá chơi, rủ nhau hái sòai, gọt vỏ quế, và chạy vắt giò lên cổ để trốn mấy ông phu làm vườn Canh nông. Hậu Bô là nơi vua ra tập ngựa, cưỡi ngựa dạo chơi, nghĩa là vùng cấm địa, nên ngày xưa có hai bức tường lớn và dài, chạy từ thành Đại Nội ra cho đến đường Mã Khái, tức Thạch Hãn và Nhật Lệ ngày nay, để ngăn cách xóm nhà dân và nơi vua giải trí. Gọi là Mã khái vì hồi xưa có Mã khái sở , là tàu ngựa của vua nằm trên đường này. Trên đường này cũng có tàu voi. Ngay nơi góc đường Phùng Hưng/ Nhật Lệ này, bên này đường là một cái miếu nhỏ và bên kia đường là cơ sở đầu tiên của Trường Bá Công, tìền thân trường Kỹ thuật Huế. Cái miếu rêu phong núp dưới hai cây bàng cổ thụ, có tên chính thức là Thạch thần tướng quân miếu. Khi tôi còn ở Huế vẫn thấy địa phương thờ cúng, nay không biết còn hay không. Quanh gốc bàng, la liệt ông táo, bình vôi. Đó là miếu thờ hai pho tượng bằng đá của Nguyễn Văn Thành và Lê Văn Duyệt, hai danh tướng của vua Gia Long, mà gốc gác việc thờ phụng hai pho tượng này đã là đề tài tìm hiểu của nhà Huế học thời danh Léopold Cadière.

    Khi người ta phá bỏ hai bức thành ngăn khu vực Hậu Bô, không biết vôi gạch đổ vào đâu mà chỉ còn lại cái móng. Vào mùa lụt, khi nước dâng ngập cả khu mênh mông như biển nhưng nước chỉ ngang lưng, bọn trẻ chúng tôi trong xóm rủ nhau đóng bè chuối, ra đó tha hồ chèo chống, đùa nghịch.

    Bây giờ nhớ lại thì tôi thấy vị trí xóm nhà của tôi thật là tiện lợi vì có nhiều cái thú hơn các xóm khác trong Thành Nội. Ngày hè, tha hồ đá banh và thả diều, vì có đất trống ngay trước mặt nhà; sân bay Thành Nội ở sau lưng, vạt đất Hậu Bô trống trải, tha hồ xem máy bay lọai bà già của vua Bảo Đại, của ông Sáu ông Năm gì đó cất cánh hạ cánh.

    Cơ sở xây dựng kiên cố đầu tiên trên vạt đất Hậu Bô này, phía Đoàn Thị Điểm, là trường Trung học Tư thục Đào Duy Từ, xây dưới thời Tổng thống Diệm, hình như của Hội Đồng hương Quảng Bình, nay là Trung tâm Gíao dục Kỹ thuật Tổng hợp Thành Nội. Sau biến cố Mậu Thân (1968), hàng dãy chung cư vách ván lợp tôn được hối hả dựng lên cho những gia đình mất nhà mất cửa vì bom đạn, nhất là những người tạm trú trên thượng thành cửa Thượng Tứ. Con đường Hòa Bình từ đó không còn một chỗ trống, nhất là khi dãy nhà của mấy ông sĩ quan xuất hiện ven đường Mã Khái.

    Hồi đầu thế kỷ 20, khi Tú Xương chứng kiến sự thay đổi của Nam Định dưới tác động của tự nhiên, đã cảm thán rằng :

    Sông kia rày đã nên đồng,
    Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai.
    Đêm nghe tiếng ếch bên tai,
    Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.


    Trong hồi ức của tôi. sự đổi thay không đến từ thiên nhiên; tất cả đều do con người, là những lớp sóng phế hưng của thời đại tác động qua năm tháng . Trong giòng đổi thay đó cũng thấy mình trong ấy, thấp thóang bóng buồn, vui...Cũng may vẫn còn cái tên Thành Nội để mà nhớ. Nếu có đồng hương nào đọc những giòng này mà thấy người viết nói sai, nói bậy, nói thiếu, xin làm ơn chỉ giùm, rất lấy làm biết ơn./

    Võ Hương An
    huonganvo@yahoo.com

    [1] Đường Đinh Tiên Hòang chia các đường Lục Bộ, Bộ Tham và Bộ Thị thành hai cụm. Cụm bên trái, thuộc các bộ Lại (nội vụ), Hộ (tài chánh, kinh tế), Lễ (lễ nghi và giáo dục) ; và cụm bên phải thuộc các bộ Binh (quốc phòng), Hình (tư pháp), Công (công chánh và kiến thiết).


    Last edited by khongquan2; 11-23-2013, 07:42 AM.

  • #2
    KHI MÔ ANH GHÉ HUẾ



    Khi mô anh đến Huế
    Nhớ thăm giòng tên em
    Nước sầu từ vạn cổ
    Ngày xa nhau vẫn in

    Khi mô ngang Bạch Hổ
    Ghé nhà Nội em xưa
    Ngồi xem quỳnh còn nở
    Đúng mười hai giờ khuya

    Khi mô lên Bầu Vá
    Hôn giùm cồn Giã Viên
    Hỏi thăm vồng khoai sắn
    Có gặp trăng chúng mình ?

    Khi mô ghé Đồng Khánh
    Lỡ phượng hồng quên anh
    Nhắc lại tên o nớ
    Phượng sẽ ôm dỗ dành

    Khi mô anh thử đếm
    Nhịp , vài , cầu giữ nguyên
    Ánh mắt ai nhiều chuyện
    Sau nón e ấp tình

    Khi mô anh thong thả
    Tìm dấu vết Hoàng Cung
    Một thời ai áo tím
    Đã tặng anh trọn hồn

    Mai này có ghé Huế
    Nhớ mang lòng anh theo
    Mở lại trang hoài niệm
    Bóng nụ hôn ban đầu

    Khi mô băng Thượng Tứ
    Lượm giùm hoa muối rơi
    Kết thành tên người cũ
    Vẫn thương anh muôn đời !

    Khi mô anh về Huế
    Đừng quên tên giòng sông !

    đht

    (Gửi một người rất có duyên với Huế)

    Comment


    • #3
      Giã Từ Cố Đô
      Sáng tác: Phạm Mạnh Cương
      Trình bày: Ngọc Hạ
      ---&&&---

      Một sớm mưa nhiều tôi rời thành xưa
      Sông nước tiêu diều nhỏ lệ buồn đưa
      Hắt hiu tâm hồn vì không có ai
      Tiễn mình đi một lần thôi
      Tháng năm bẽ bàng tình duyên

      Nghe tiếng chuông chùa ngân vọng từ xa
      Sao thấy trong lòng một trời quạnh hiu
      Nước mưa vô tình làm hoen mắt ai
      Núi Ngự như chặn đường đi
      Vấn vương con đò bến xưa

      Bóng dáng một người
      Biết chừ ở mô?
      Mà tìm không thấy
      Nhớ những năm xưa
      Tà áo tím hồng tạ từ mấy câu

      Xa cố đô rồi nghe lòng sầu vương
      Trăng nước đêm nào Vỹ Dạ mờ sương
      Tháng năm âm thầm vọng về cố đô
      Để tìm bóng người tình xưa
      Để nghe những lời tiễn đưa

      Bóng dáng một người
      Biết chừ ở mô?
      Mà tìm không thấy
      Nhớ những năm xưa
      Tà áo tím hồng tạ từ mấy câu

      Xa cố đô rồi nghe lòng sầu vương
      Trăng nước đêm nào Vỹ Dạ mờ sương
      Tháng năm âm thầm vọng về cố đô
      Để tìm bóng người tình xưa
      Để nghe những lời tiễn đưa

      Tháng năm âm thầm vọng về cố đô
      Để tìm bóng người tình xưa
      Để nghe những lời tiễn đưa



      Comment


      • #4
        O Huế - Cao Duy

        O Huế
        thơ: Việt Hải
        nhạc: Hà Lan Phương
        trình bày: Cao Duy


        Tháng Giêng vào tuổi xuân sang
        (xuân sang là xuân sang)
        O ni yêu Huế miên man thương người
        Tôi ni vốn mến tiếng cười
        O ni bên nớ, xinh tươi duyên hồng

        O ơi nếu đã có chồng
        Chồng O có giống tấm lòng như tôi
        O nì, tôi vốn mồ côi
        Suốt đời ế vợ thuộc nòi tình si

        O à, làm phước dùm đi
        Thương ai chẳng đặng, ôn nì mang ơn
        Tình tôi cao vút tà lơn
        Nguyện thương O Huế như đờn độc dây

        Đờn cò nhịp điệu nghe hay
        Chung tình một nhịp, muôn ngày bên nhau
        O nì chung bước ngày sau
        Duyên mình trọn kiếp, nhiệm màu tình O



        Last edited by BachMa; 07-02-2013, 04:51 PM.

        Comment


        • #5
          Bên dòng sông Hương - Khái Hưng

          Bên dòng sông Hương

          Khái Hưng



          Vĩ Dạ là một khu rất yên tịnh ở vùng sông Hương núi Ngự.

          Chiều đến thả thuyền từ bến Ðông Hà theo dòng sông đi xuôi xuống phía dưới, vượt qua cù lao Bộc Thanh, lữ khách sẽ nghe tiếng ồn ào ở trong chợ, ở trên cầu, tiếng còi ô tô, tiếng nhạc xe kéo dần dần một lúc xa, rồi bỗng có cái cảm giác vừa rời chốn thị thành huyên náo mà đi tới một nơi thôn quê tịch mịch. Ðối diện với đầu mỏm cù lao ấy là xóm Vĩ Dạ.

          Mấy tháng trước hai vợ chồng một người Bắc đưa nhau đến xóm ấy thuê nhà ở. Gia nhân duy có một tên đầy tớ. Ðồ đạc chỉ trơ trọi một cái giường, một cái bàn và bôn cái ghế. Ðến như sự giao dư thì vợ chồng nhà ấy ít lắm: chẳng mấy khi có người quen thuộc đến chơi. Những người láng giềng thường thì thào bảo nhau: vợ chồng nhà ấy đến ở đây làm gì? Có người tò mò hỏi anh đầy tới thì cũng chỉ biết rằng ông khách lạ ấy đậu cử nhân luật, trước làm nghề viết báo và soạn sách ở Hà Nội.

          Cái nhà hai vợ chồng người ấy thuê tuy nhỏ và không gác nhưng có vườn rộng bao bọc chung quanh. Chiều chiều mặt trời tà phản chiếu ánh vàng vào lá cây mít sáng loáng và gió thổi rì rào trong đám lá thông xanh tươi xen lẫn với những cành xoan đầy hoa tím nhạt, càng làm tăng vẻ bí mật và khiến ai qua lại trông vào tưởng đó là một cái vườn bỏ hoang, vì cổng trước, cổng sau thường thấy đóng.

          oOo

          Thực vậy, thuê cái nhà ấy, Vinh Sơn chỉ muốn lánh cuộc đời phiền phức để cùng người yêu được hoàn toàn hưởng hạnh phúc ái tình. Vì thế chàng mới đưa bạn vào tận Huế tìm đến ở một xóm hẻo lánh quạnh hiu.

          Từ ngày ở Pháp về, và ngắm xã hội Việt Nam, từ những tục lệ bó buộc cho chí cách sinh hoạt khuôn sáo, chàng lấy làm khó chịu, tiếc cái thời kỳ ở Paris. ở đấy, chàng đã tiêm nhiễm những cử chỉ khoáng đạt, những tư tưởng khoáng đạt, khiến chàng lúc nào cũng được khoan khoái dễ chịu, và chẳng cần phiền lụy đến ai, chẳng bị ai làm phiền lụy đến mình.

          Một hôm, tình cờ chàng gặp Diễm Lan, cựu nữ sinh viên trường Sư phạm, một trang tân tiến, cực kỳ mỹ lệ, đã nổi tiếng lãng mạn khắp Hà Thành.

          Rồi hai người cùng nhau lăn lóc trong cõi tình. Rồi không những Vinh Sơn không được nhà cho phép cùng người yêu kết hôn, mà lại còn bị anh em bạn bè và những người quen thuộc chế giễu, khinh bỉ.

          Nghe những lời bình phẩm, chàng chỉ cườị Vì thực ra chàng chẳng cần gì trinh tiết, chẳng cần gì tứ đức tam tòng. Chàng cho những cái đó không có liên quan đến ái tình, không có dính dáng đến hạnh phúc. Yêu là yêu chứ không là gì khác nữa. Nhưng cứ bị dư luận eo hẹp rầy rà mãi, chàng cũng khó chịu.

          Một ngày kia, bỗng vắng bặt bóng Vinh Sơn và Diễm Lan ở các phố Hà Nội. Hai người đã đưa nhau đi ẩn, hay nói cho đúng đi tìm một cảnh thích hợp với ái tình. Cảnh ấy là sông Hương.

          oOo

          Trong tháng đầu, cái nhà ở bến Vị Dạ chỉ là một tổ uyên ương. Hai người không lúc nào rời nhau, khi cùng nhau đọc sách dưới ánh đèn, khi cùng ngồi ở bực gạch ngắm cảnh hoàng hôn trên sông Hương, hay đi chơi thuyền trên làn nước trong xanh, yên lặng, êm đềm, uốn éo, dịu dàng như cô gái Thần Kinh.
          Last edited by khongquan2; 07-02-2013, 04:29 PM.

          Comment


          • #6
            Tím Huế
            ---&&&---

            O ơi, O để quên nì
            Nón bài thơ với tình si tui chờ
            Tui qua Đồng Khánh thẫn thờ
            Áo O tím cả câu thơ tui rồi

            Hôm tê Thành Nội mưa rơi
            Nón O vừa đủ che đôi chúng mình
            Răng O cúi mặt mần thinh ?
            Tay vân vê áo, cho tình tui vương

            O nì, tiếng Huế dễ thương
            Tui ưng chi lạ nên tương tư nhiều
            Bằng lăng tim tím đường chiều
            Tui nhung nhớ lắm hương yêu tím hồn

            Tui ra Thiên Mụ nghe chuông
            Chuông ngân bên nớ, răng cuồng tim tui ?
            Mai này trên nẻo ngược xuôi
            Trong tui Tím Huế cả đời còn vương...



            Diêu Linh



            Comment


            • #7
              Nét Xuân Gái Huế Đài Các, Sâu Lắng, Dịu Dàng

              Nguyễn Văn Toàn


              (Pháp lý) – Một chiều xuân lãng du bên dòng Hương Giang, du khách bất chợt bắt gặp một tà áo tím, một mái tóc thề, một tiếng dạ thưa “ngọt lịm ai mê say” hẳn không khỏi bâng khuâng, nuối tiếc, nhớ nhung khi xa Huế. Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn. Câu thơ này có lẽ hợp nhất khi nói về Huế, một xứ sở của những o con gái với “nét dịu dàng pha lẫn trầm tư”.

              “Kim Long có gái mỹ miều”


              Kim Long trước đây là đất Hà Khê, một vùng đất long mạch, đắc địa. Cho nên, mảnh đất này của xứ Huế được đánh giá là một trong những vùng địa linh nhân kiệt bậc nhất. Ở xứ phồn hoa đô hội này, con trai hẳn là thân anh hùng, những cậu học trò hiếu học, những đứa con hiếu thảo; con gái thì cũng sẽ mặn mà, nết na, xinh đẹp, dịu dàng. Lo sợ khí thiêng của vùng đất, vào thời Bắc thuộc, Cao Biền, một tướng sĩ người Hán biết pháp thuật đã dùng phép yêu thuật trấn đi nhằm để Giao Chỉ của người Việt yếu kém, không có vua đúng nghĩa, mãi mãi nội thuộc Hán tộc. Khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đến trấn giữ vùng đất Thuận Hóa, nghe lời đồn của dân gian về bà tiên mặc áo đỏ, chúa đã cho dựng chùa Thiên Mụ để hóa giải sự trấn áp “long mạch” của Cao Biền, mở đầu cho sự hưng thịnh của dòng tộc học Nguyễn với chín chúa mười ba vua. Dưới thời các chúa Nguyễn Phúc Lan và Nguyễn Phúc Tần, Kim Long trở thành thủ phủ của chúa Nguyễn và là nơi phồn hoa Đô hội bậc nhất Đàng Trong. 51 năm sau, khi chúa Nguyễn Phúc Trân đưa thủ phủ về Phú Xuân (1687) để tránh lũ lụt, Kim Long trở thành nơi những người hoàng tộc, các gia đình quan lại lập phủ thờ, nhà vườn. Chỉ tính riêng ở thôn Phú Mộng hiện nay còn gần như nguyên vẹn 60 ngôi nhà rường cổ.

              Lớn lên trong các gia đình danh gia vọng tộc, biết làm các nghề thủ công truyền thống (như dệt lụa), uống được thứ nước nguồn trong vắt đoạn giữa sông Hương, lại ngày ngày nép mình dưới những tán cây trái xum xuê bên trong những khu nhà vườn im mát, con gái Kim Long trắng trẻo, nuột nà đến xiêu lòng bao gã trai si tình. Thực tế, con gái Kim Long xưa và nay đều có dáng người mảnh khảnh, mái tóc thề ôm trọn bờ vai, đôi mắt đen to tròn, ánh nhìn day dứt, lại phảng phất nét lạnh lùng. Ngày xưa, mái tóc thề là biểu hiện cho sự trinh khôi của những cô gái xứ Huế. Khi chưa có chồng, tóc con gái Huế thông thường là buông xoã tự do. Tóc phủ xuống bờ vai, xuống lưng người và nhiều khi hơn thế, có những người còn rũ xuống gót chân. Khi đã có người thương, mái tóc thề càng nói lên sự chung thủy của cô gái Huế đối với chàng trai, nghĩa là luôn “một lòng một dạ”, không có “ý chi” với ai khác nữa.

              Giọng nói của những cô gái Kim Long lại nhỏ nhẹ, dễ thương, điển hình cho âm giọng trọng tình cảm của người Huế. Một nhà thơ đã viết một cách hình tượng “Em ơi giọng Huế có chi. Mà trong hoa nắng thầm thì cơn mưa” chính là muốn nói đến giọng nói của những cô gái Kim Long đài các, diễm lệ đó. Thậm chí, chỉ một tiếng “Dạ thưa” ngọt lịm của những cô gái Kim Long thôi cũng đủ để mê say lòng người. Bởi thế, không chỉ những lãng tử háo cầu muốn chiêm ngưỡng dung nhan mỹ lệ mà đến cả những bậc quân vương xứ Huế cũng không tiếc thời giờ để đến Kim Long tìm cho bằng được người trong mộng.

              Đã hơn 100 năm nhưng giai thoại về vua Thành Thái cải trang thành một người dân bách tính liều mình lên Kim Long tìm chọn quý phi vẫn được người dân xứ Huế nhắc đến. Người đời kể lại rằng, vào một ngày xuân, vua Thành Thái vi hành lên Kim Long kiếm tìm khắp nơi vẫn chẳng gặp ai vừa ý, vua đành thuê một chiếc đò ra về. Đò vừa ghé vào, mới bước lên, nhà vua trông thấy cô lái đò đôi má ửng hồng rất có duyên. Lòng xao xuyến, mê mẩn, vua liền hỏi: “Nì, o tê! O có muốn lấy vua không?”. Cô lái đò nhìn ông khách lạ đời thỏ thẻ nói: “Đừng có bậy bạ mà họ lấy đầu chừ!”. Lại càng thấy đáng yêu hơn, vua dấn tới: “Tui nói thiệt đó, o có muốn lấy vua thì tui làm mối cho!”. Câu chuyện còn dài nữa nhưng kết cục thì ai cũng rõ, cô gái lái đò Kim Long kia đã “vô Nội”, làm quý phi cho ông vua yêu nước chống Pháp.

              Chính vì yêu nước, vua Thành Thái đã lập ra một đội nữ binh đặc biệt, khoảng 200 cô, đa số là những o con gái Kim Long mỹ miều nhằm che mắt Pháp (đánh lạc hướng giặc rằng mình cũng là một vị vua mê sắc dục tột cùng) để mưu đại sự. Việc tuyển mộ và huấn luyện được tổ chức hết sức bí mật. Nhà vua cho lính cận vệ thân tín đến tiếp xúc với những cô gái Kim Long và gia đình các cô. Nếu được chấp thuận, vua cho “dàn cảnh” bắt cóc, bằng cách hẹn ngày giờ và địa điểm gặp gỡ, rồi lính cận vệ, hoặc chính nhà vua đem xe song mã đến đón họ và đưa vào cung cấm. Để bảo mật, các cô gái bị “bắt cóc” thường được đưa vào Tử Cấm Thành bằng cửa Hữu của thành Nội, gần làng Kim Long, vì con đường chạy dọc theo bên ngoài Hoàng thành dẫn đến cửa Hữu rất vắng vẻ vào ban đêm, hai bên đường lại không có nhà cửa của dân chúng.

              Cũng vì vậy, các cô gái Kim Long được tuyển mộ ưu tiên nhiều hơn cả. Bởi thế dân gian lan truyền câu ca: “Kim Long có gái mỹ miều/ Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi” cũng nhằm ám chỉ về cả hai điều phi thường này của vua Thành Thái, một vị vua xem trọng tình cảm hơn là sự xếp đặt trong hôn nhân và lòng yêu nước vô hạn.

              Thực tế, các cô gái Kim Long được làm vợ vua rất nhiều. Chẳng hạn, Vĩnh Quốc Công Nguyễn Hữu Độ có ba cô con gái và cô nào cũng rất xinh đẹp, một gả cho vua Đồng Khánh, một gả cho em vua Hàm Nghi, còn lại người con gái út Nguyễn Hữu Thị Nga rất mỹ miều nên vua Thành Thái hay đi xe song mã đến nhà chơi. Sau này, bà Nga cũng được vua Thành Thái đưa vào cung, phong làm huyền phi, sinh hạ được hai người con. Hiện nay, Kim Long vẫn còn lưu dấu tích tên xóm Cồn Súng, Thượng Dinh, Trung Dinh, Hạ Dinh hay Nghinh Xuân, nơi ở của cung tần mỹ nữ một thời. Kim Long cũng là nơi tập trung hầu hết các phủ đệ của họ hàng bên vợ các vua nhà Nguyễn như phủ Đức Quốc Công Từ, phủ Vĩnh Quốc Công…

              “Nữ sinh Đồng Khánh thơ ngây”

              Năm 1917, ngay tại kinh đô Huế phong kiến, trường Đồng Khánh, ngôi trường nữ đầu tiên của 13 tỉnh Trung kỳ được xây dựng dưới sự hiện diện của vua Khải Định. Những tiểu thư khuê các từ các vùng Đập Đá, Nam Giao, Bến Ngự, Đông Ba, Vĩ Dạ, Kim Long… của Huế nhân dịp này bước ra khỏi chốn “màn che trướng rũ” và trở thành những cô nữ sinh Đồng Khánh duyên dáng trong chiếc áo dài tím, đồng phục quy định của trường.


              Từ xưa, chiếc áo dài là trang phục gắn bó với truyền thống văn hóa, đời sống của đất Thần kinh. Hình ảnh tà áo dài đã trở thành biểu tượng của người con gái Huế, quyến rũ biết bao lữ khách dạo qua. Trong chiếc áo dài tím, những cô nữ sinh Đồng Khánh càng cảm nhận được niềm tự hào đức hạnh và ý thức giữ gìn đức hạnh ấy. Bởi trong tà áo dài, các cô nữ sinh Đồng Khánh ai cũng buộc phải khép nép, chỉ có thể ngồi thẳng, bước ngắn, đánh nhẹ tay, khó có thể nói cười thoải mái. Màu sắc tím đồng phục của những cô nữ sinh Đồng Khánh lại càng làm cho nét Huế thêm duyên dáng và mặn mà. Thậm chí, chiếc áo dài tím đã trở thành biểu tượng của cô gái xứ Huế, có phần nhỉnh hơn so với chiếc áo tứ thân và chiếc áo bà ba của những cô gái hai miền Bắc Nam. Bởi vậy, trong bài hát “Cô gái nữ sinh Đồng Khánh”, tác giả đã không tiếc lời để ca ngợi vẻ đẹp “hoa nhường nguyệt thẹn” này:

              Cô gái nữ sinh Đồng Khánh kia ơi
              Khi gió mới lên làn tóc tung tăng
              Xõa ngang bờ vai khi tuổi dạy thì
              Đôi môi hồng thắm duyên là nên duyên
              Mắt tròn như mộng say đời xinh tươi
              Cô là tất cả trời đẹp xứ Kinh.


              Còn nhà thơ Mai Văn Hoan thì dành tặng cho những cô nữ sinh Đồng Khánh những vần thơ đầy ngưỡng mộ:

              Nữ sinh Đồng Khánh qua đò
              Xui dòng Hương cất giọng hò xa xôi
              Gió vờn tà áo khẽ lay
              Nữ sinh Đồng Khánh thơ ngây mỉm cười
              Nữ sinh Đồng Khánh nhớ ai
              Mi cong khẽ chớp mắt nai thẫn thờ.


              Bên cạnh chiếc áo dài, chiếc nón lá, đôi guốc mộc cũng là những người bạn đồng hành thân thiết của những o nữ sinh Đồng Khánh. Chiếc nón không chỉ che mưa che nắng cho mấy o, mà còn thực hiện chức năng làm đẹp, góp phần làm tăng thêm nét duyên dáng phụ nữ Huế. Chính vì thế, các chàng trai nếu nhìn thấy một cô gái Huế đội nón lá thì ai cũng ước thầm:

              Nón nghiêng, bóng nắng dáng thơ ngây
              Gặp anh nón hỡi đừng nghiêng xuống
              Cho anh trông mắt ngọc mày ngài.


              Đôi guốc mộc, như nhà thơ Tố Hữu từng nghe thấy lúc ở Huế thuở thanh niên, thì càng làm cho những cô nữ sinh Đồng Khánh thêm nhẹ nhàng, duyên dáng, uyển chuyển:

              Em đi gót nhẹ xanh hồn cỏ
              Và hơi thở mềm sương khói bay.


              Đến nay, trong dân gian vẫn lưu truyền câu truyền khẩu: “Học trò xứ Quảng ra thi, thấy cô gái Huế chân đi không đành” để nói lên vẻ cuốn hút của những cô nữ sinh Đồng Khánh sâu lắng, dịu dàng. Câu nói này không hề sai, bởi những cô nữ sinh Đồng Khánh không những là những tiểu thư đài các, thông minh, các o còn có dung nhan cực kỳ xinh đẹp. Nên kết quả:

              Ai ra xứ Huế không ít nhiều mộng mơ
              Khi nhìn thấy bên bờ Hương Giang nên thơ
              Cô gái nữ sinh Đồng Khánh ra về
              Mà lòng không thấy xuyến xao
              Mà lòng chẳng thấy dạt dào
              Muốn phút nhớ bâng khuâng
              Với tình yêu Cố Đô.


              Vẻ đẹp tỏa sáng của sinh viên Đại học Huế

              Sau những cô gái ở miệt vườn Kim Long và những cô nữ sinh Đồng Khánh (giờ là trường THPT Hai Bà Trưng), từ sau năm 1957 Huế có thêm những cô nữ sinh viên Đại học Huế với vẻ đẹp tri thức tô vẻ thêm cho mình. Thế hệ nào Đại học Huế cũng có những giai nhân của riêng mình. Giai nhân thì tất nhiên có không ít người mê. Một người đẹp có hàng chục người “bước theo gót hài” là chuyện bình thường. Bởi thế, muốn “cưa đổ” các nàng, các chàng trai đều phải thuộc lòng tiểu sử của những cô gái ấy, nắm bắt sở thích và quan điểm sống của các cô, phải “trường kỳ mai phục” với quyết tâm cao độ thì họa may mấy cô mới để mắt đến.


              Hiện nay, cuộc thi Miss Đại học Huế không những đã được tổ chức thường niên mà còn rất chuyên nghiệp. Dĩ nhiên, những cô sinh viên tham dự Miss Đại học Huế ai nấy cũng rất xinh đẹp, mặn mà, khó mà lựa chọn ai là người thắng cuộc cuối cùng. Như năm nay, trong số 20 đóa hoa tươi thắm “mười phân vẹn mười” của Đại học Huế, cô sinh viên Nguyễn Thị Như Ý (trường Đại học Kinh tế Huế, cựu học sinh trường THPT Hai Bà Trưng (Đồng Khánh) đã vượt lên trong đêm chung kết, giành được vương miện Hoa khôi Miss Đại học Huế 2012 với câu trả lời thông minh trong phần thi ứng xử. Đó là: “So với sinh viên trên toàn quốc thì sinh viên Huế có nét khác biệt là được nuôi dưỡng trong nền văn hóa Huế. Vẻ đẹp duyên dáng của sinh viên Huế được thể hiện trong tính cách vốn là phẩm chất của con người sống trên đất Cố đô”.

              Ở Huế, các gia đình có con gái mới lớn đa phần tư tưởng vẫn còn phong kiến. Họ quan niệm sự kín đáo, khép nép của phụ nữ Huế là ở mọi nơi mọi lúc. Do đó, trong nhiều cuộc thi sắc đẹp trong nước, vẻ đẹp mỹ miều, thơ ngây của những cô gái Huế ít khi xuất hiện. Nhưng với làn sóng hội nhập văn hóa vùng miền, những cô gái Huế cũng đã bắt đầu bước vào vũ đài tôn vinh sắc đẹp và kết quả đã khiến cho cả nước kinh ngạc trước vẻ đẹp của mình. Đó là vào năm 2010, khi mới 19 tuổi, cô gái xứ Huế Tôn Nữ Na Uy, cháu đời thứ 12, hệ nhất, dòng dõi Nguyễn Kim, sinh viên khoa Tài chính ngân hàng, trường đại học Kinh tế Huế đã đi thi Hoa hậu Việt Nam và lọt ngay vào Top 20. Dù không giành được vị trí cao nhất nhưng Tôn Nữ Na Uy đã khiến cho cả nước biết đến vẻ đẹp của con gái Huế e ấp, dịu dàng.

              Trong bài hát của mình, nhạc sĩ Võ Tá Hân đã viết:

              Giữ chút gì rất Huế đi em
              Nét duyên là trời đất giao hòa
              Dẫu xa, một mai anh gặp lại
              Vẫn được nhìn em say lá hoa
              Giữ chút gì rất Huế hiền ngoan
              Xin em chớ cắt mái tóc thề
              Để cho gió thổi bay suối tóc
              Và mùa đông ấm đôi vai gầy.


              Vẻ đẹp của những cô gái Huế là vậy, rất quý báu và quá xứng đáng để yêu thương. Và rõ ràng chẳng ai muốn mất đi hình tượng đẹp đẽ này cả, nhất là đối với các du khách đến Huế với mong muốn chiêm ngưỡng, ngắm nhìn cho kỳ được những cô gái Huế mặn mà, duyên dáng và thủy chung, son sắt.


              Nguyễn Văn Toàn
              Huế, ngày 8/1/2013
              Last edited by khongquan2; 11-23-2013, 09:39 AM.

              Comment


              • #8


                Một Lần Về Thăm Huế
                ---&&&---

                Thăm Núi Ngự, Sông Hương, Cầu Gia Hội
                Viếng Nội Thành, bến Thừa Phủ, Kim Long
                Ngẩn ngơ nhìn trong một chuyến về thăm
                Thấy Huế đẹp, Huế thơ nên quyến luyến

                Qua Đồng Khánh nhìn sân trường xao xuyến
                Huế muôn đời ưa cám dỗ thi nhân
                Bóng dáng nào hò hẹn khách dừng chân
                Hay là tại nón bài thơ ai đội

                Trải vạt áo dài thi ca muôn thuở
                Xỏa mái tóc huyền thi nhạc giao duyên
                Môi ai cười vành nón lá che nghiêng
                Nghe vướng vấp bước chân người khách lạ

                Hôm nay Huế nằm nghe mưa tầm tã
                Mưa suốt ngày mưa Huế lạ lùng chưa


                Yên Sơn
                (thanphongkingwood)

                Comment


                • #9


                  Đồng Khánh Huyền Trân Xưa
                  ---&&&---

                  Tôi nhớ mãi một "mai tê" Đồng Khánh
                  Một mai tê... dễ sợ: Lạnh xa mù
                  Mai tê rồi bóng xế trăng lu
                  "Con ve kêu mùa Hạ, biết mấy thu gặp chàng!"

                  Huế có già mô mà níu kéo thời gian
                  Lo chi rứa nỗi đá mòn sông cạn
                  Bảy trăm năm những mùa trăng ly tán
                  Sông nước Chàm miền châu Rí, Châu Ô

                  Công chúa -- tóc xanh Đồng Khánh – ngày xưa
                  Ruỗi ngựa đá qua mấy bờ trong đục
                  Ngày Chiêm Quốc, đêm mơ về bến Việt
                  Mắt Huyền Trân còn đẫm lệ Khắc Chung

                  Điệu ca Hời đòi đoạn nao lòng
                  Sên phách gõ giọng Nam Bình kể lể
                  Có phai cũ khi nửa đời xa Huế...
                  Ngõ sau nhìn, quê mẹ có vời trông?

                  Tôi, Đồng Khánh... mai tê, thời son trẻ
                  Đã xa quê từ dâu bể mưa nguồn
                  Hái niềm vui tan tác giữa cơn buồn
                  Nhớ rưng rức nỗi tha phương dồn tụ

                  Đồng Khánh ơi, Huyền Trân xưa đó
                  Lắm tang thương vùi dập Huế vô chừng
                  Sông, nước, biển, trời... nơi mô cũng có
                  Nhưng não nùng làm Huế đẹp rưng rưng

                  Khi ở Huế thấy Huế buồn chi lạ
                  Xa Huế rồi thấy Huế quá mênh mông
                  Trong nỗi nhớ một cũng là tất cả
                  Khi thương yêu tất cả sẽ vô cùng.


                  Trần Kiêm Đoàn

                  Comment


                  • #10



                    Cô Nữ Sinh Đồng Khánh
                    ---&&&---

                    Cô gái nữ sinh Đồng Khánh kia ơi
                    Cô đi về đâu tan buổi học rồi
                    Cô xuôi Đập Đá hay về Nam Giao
                    Cô về Bến Ngự hay về Đông Ba
                    Cô về Vỹ Dạ hay ngược Kim Luông
                    Khi gió mới lên làn tóc tung tăng
                    Xõa ngang bờ vai khi tuổi dậy thì
                    Đôi môi hồng thắm duyên là nên duyên
                    Mắt tròn như mộng say đời xinh
                    Cô là tất cả trời đẹp xứ Kinh

                    Ai ra xứ Huế không ít nhiều mộng mơ
                    Khi nhìn thấy bên bờ Hương Giang nên thơ
                    Cô gái nữ sinh Đồng Khánh ra về
                    Mà lòng không thấy xuyến xao
                    Mà lòng chẳng thấy dạt dào
                    Muốn phút nhớ bâng khuâng
                    Với tình yêu Cố Đô

                    Cô gái nữ sinh Đồng Khánh kia ơi
                    Cô đi về đâu sau buổi học rồi
                    Tôi mơ một bóng khi về đơn côi
                    Áo dài dáng đẹp khi còn buông lơi
                    Ghi một kỷ niệm cuộc đời trong tôi


                    Thu Hồ

                    Comment



                    Hội Quán Phi Dũng ©
                    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




                    website hit counter

                    Working...
                    X