Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Bút Ký Nguyễn Viết Trường

Collapse
X

Bút Ký Nguyễn Viết Trường

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Bút Ký Nguyễn Viết Trường


    CHIẾN CÔNG CUỐI CÙNG

    Nguyễn Viết Trường

    Đời sống Quân ngũ đối với một Quân nhân Tác Chiến thời Binh lửa ngập tràn Quê hương, trong cuộc Chiến Tranh tương tàn Việt Nam, ai cũng có những chiến công của riêng mình, ít hay nhiều không đáng kể, mà qua đó đã chứng minh được sự hy sinh, và tinh thần đấu tranh cho Hòa Bình Dân Tộc của cả một Thế Hệ làm Trai sinh ra, lớn lên trong một đất nước Điêu Linh Chinh Chiến…
    Trong phạm vi của bài viết tự truyện này, cho phép tôi được thuật lại một chiến công cuối cùng của tôi, vào thời điểm những ngày hấp hối của Chính Thể Việt Nam Cộng Hòa ( cuối tháng 04 năm 1975).


    Một tháng trước ngày nước mất, tôi và anh Nguyễn ngọc Di thuộc Phi Đoàn Thần Ưng 116, đã được lệnh của Quân Đoàn IV Quân Khu IV và Sư Đoàn IV Không Quân, phải túc trực thường xuyên tại Căn Cứ Không Quân Trà Nóc, để bay những Phi Vụ khẩn cấp và đặc biệt, hầu phát giác, ngăn chặn và tiêu diệt sự có mặt của Phiến Cộng trong âm mưu tiến chiến Cần Thơ và Phi Trường Trà Nóc của bọn cướp nước này.
    Chúng tôi là những Phi Công mang hai Chỉ Số, nên trong mọi Phi Vụ, chúng tôi được phép bay một mình trong các Phi Vụ Hành Quân.
    Vào một chiều cuối tháng tư, tôi được lệnh cất cánh để Bao Vùng và Quan Sát tìm kiếm những âm mưu xâm nhập của Việt Cộng vào Cần Thơ.
    Khoảng 05:00 chiều hôm đó, sau một thời gian bay bao vùng, tôi phát giác phía Tây Bắc Ô Môn, trên những dòng sông uốn khúc có khoảng trên 120 chiếc thuyền đủ loại, đang di chuyển về hướng Phi Trường Trà Nóc.
    Thấy khả nghi, tôi báo cáo và xin xác định quanh vùng này có cuộc Hành Quân nào không? Và vị trí Quân Bạn có gần hướng đi của những chiếc thuyển này không?
    Sau khi được báo cáo không có cuộc Hành Quân nào gần đó, và cũng không có Quân Bạn gần đó, tôi quyết định sẽ tìm ra sự thật những chiếc thuyền này là Dân hay là Địch, trước khi có những hành động thích nghi với bối cảnh lúc ấy.
    Sau một hồi Quan Sát, tôi nhận định đoàn thuyền đủ loại này đã không thể là của Quân Bạn thì cũng không thể là của Dân Chúng được, mà chính là của Địch Quân, trong lúc tôi chưa có quyết định dứt khoát, thì trên tần số tôi nhận lệnh trực tiếp của Tướng Nguyễn khoa Nam cho phép tôi toàn quyền hành động tiêu diệt đoàn thuyền này, vì đó chính là đoàn thuyền của Việt Cộng, chúng có ý định tấn công Phi trường Trà Nóc vào buổi tối hôm đó.
    Sau khi nhận được Lệnh này, tôi bay lên cao và bay ra khỏi tầm quan sát và nghi ngờ của đoàn thuyền, tôi đợi đoàn thuyền đi vào khúc sông mà hai đầu sông tẽ ra làm đôi, đến lúc đó tôi mới quay trở lại vùng để mở cuộc tấn công.
    Trong thời gian chờ đợi, tôi liên lạc với hai đơn vị Pháo Binh gần nhất, cho tọa độ và nói họ sẵn sàng đợi lệnh mới khai hỏa, mặt khác tôi liên lạc với phòng Hành Quân Chiến Cuộc xin cung cấp tối đa các Phi Tuần Khu Trục, và được họ cho biết sẽ thỏa mãn tối đa cho tôi những Phi Tuần Khu Trục cánh quạt AD5, AD6 Biệt Phái.
    Theo kinh nghiệm Chiến Trường của tôi, thì hiệu quả của các Khu Trục Cánh Quạt rất tốt vì số bom đạn và giờ hoạt động trên vùng của các Khu Trục Cánh Quạt vừa mang nhiều bom lại bay được nhiều giờ.
    Thời tiết chiều hôm đó thật quang đãng, bầu Trời trong xanh và gió êm, rất thuận tiện cho tôi thi hành nhiệm vụ.
    Khi chiếc cuối cùng của đoàn thuyền lọt vào khúc sông có hai đầu tẽ hai, tôi bắt đầu Điều Chỉnh Pháo Binh nổ chặn hai đầu của khúc sông định mệnh này.
    Tôi thấy đoàn thuyển bắt đầu rối loạn, một số Việt Cộng tháo chạy lên hai bờ, vừa lúc ấy có hai Phi Tuần lên vùng, tôi ngưng Điều Chỉnh Pháo Binh, và liên lạc với hai Phi Tuần Khu Trục, tôi mô tả mục tiêu thật rõ ràng, ngắn gọn và khúc triết, khi được biết những đoàn thuyền này sẽ tấn công Phi Trường, thì những Phi Công Khu Trục rất hăm hở quyết thanh toán hết bọn Việt Cộng ác ôn này,
    Tôi đề nghị một Phi Tuần sẽ đánh hai bên bờ sông, và một Phi Tuần sẽ đánh ở hai đầu khúc sông định mệnh này.
    Vỉ “tứ bề thọ Địch” nên Địch Quân chỉ còn là miếng mồi ngon cho hai Phi Tuần Khu Trục kế tiếp tiêu hủy trọn vẹn hơn 120 chiếc thuyền.
    Quang cảnh lúc ấy khói lửa ngập tràn…
    Sau khi thanh toán mục tiêu, tôi báo cáo cho Trung tâm Hành Quân Không trợ, Phòng Hành Quân Chiến Cuộc biết kết quả.
    Trước khi rời vùng về đáp Phi Trường Trà Nóc, tôi quay nhìn lần cuối hiện trường, cả một dòng sông nhuộm đỏ máu Quân Thù, mảnh vỡ của những chiếc thuyền trôi lềnh bềnh trên sông…
    Chiến tranh là thế đấy, mình không diệt họ thì họ sẽ diệt mình….
    Tướng Mạch văn Trường theo lệnh của Tướng Nguyễn khoa Nam đã cùng các Phóng Viên đài truyền hình Cần Thơ đáp trực thăng xuống ngay hiện trường, hình ảnh nơi đây được trực tiếp chiếu trên màn hình TV Cần Thơ, theo báo cáo của phía Bộ Binh thì :
    • Hơn 120 chiếc thuyền đủ loại bị bom đạn phá hủy
    • Hàng tấn vũ khí và đạn dược tịch thu được
    • Đếm được 92 xác của Cộng Quân, số bị nát thây không kể.
    Sau đó, tôi được Lệnh của Tướng Tư lệnh Quân khu Nguyễn khoa Nam là chính tôi phải trình bày tự sự trên đài truyển hình để dân chúng vững niềm tin vào Quân đội.
    ( Một chi tiết khá ngộ nghĩnh mà tôi đến nay vẫn còn nhớ, tôi đã có nói với Trưởng phòng Hành Quân, của Phi Đoàn Thần Ưng 116, là thiếu tá Bùi kiêm Điền (Khóa 61), tôi lên đài truyền hình, sẽ đeo kính đen khi trình bày. Thiếu tá Điền hỏi tôi tại sao vậy? Tôi đáp: Vì tôi còn có nickname là Trường kính Đen mà! )
    Sau đó, tất cả các Phi Công tham chiến trận đánh này đều được tưởng thưởng huy chương .
    Riêng tôi được tưởng thưởng Huy Chương Anh Dũng Bội Tinh với nhành Dương Liễu và được lên Lon Đặc Cách.
    Đáng tiếc, chưa kịp khao Lon cùng các Chiến Hữu, thì ngày 30 tháng 04 đã đến.
    Sáng 30 tháng 4 năm 1975 oan nghiệt, tôi vẫn còn đang bay Quan sát trên vùng trời Cần Thơ, được chứng kiến sự hỗn loạn tại căn cứ Không Quân Trà Nóc, và sự ra đi đầy máu và nước mắt của một số Phi Công Trực Thăng.
    Sau khi thấy Chuẩn tướng Nguyễn hữu Tần lên Phi Cơ tháo chạy ra nước ngoài, tôi đã lấy chiếc Phi cơ của anh Vũ hiếu Mưu từ Cà Mau trở về Trà Nóc đáp, rồi rủ anh Lê xuân Phong cùng đi, tôi cất cánh và nhắm hướng Thái Lan trực chỉ.
    Tôi bay được khoảng nửa đường bay, anh Phong đề nghị với tôi, quay trở lại đáp Phi trường Long Xuyên, rồi liên lạc với toán quân của Hòa Hảo, để tiếp tục đánh trả bọn cuớp nước.
    Đề nghị này thật hợp với tâm trạng của tôi lúc đó, nên tôi đã quay về đáp Phi trường Long Xuyên.
    Một quyết định mang đến đời tôi nhiều khổ đau tột đỉnh.
    • Tôi đã gặp lại người bạn thân nhất của tôi là anh Nguyễn ngọc Trung, anh từ Sóc Trăng
    cùng anh Hiệp đáp Long Xuyên, với viên đạn thù còn nằm sâu trong óc, anh đã là một Sĩ Quan Không Quân thuộc Sư Đoàn IV KQ tử trận sau cùng trong cuộc Chiến tương tàn Nam Bắc.
    • Tiếp đến tôi đã bị đi tù Cải Tạo tại miền Bắc nước Việt “mút mùa lệ thủy”,
    tiếp nữa là ở tù vượt biên, và sau nhiều lần vượt biên không thành, cuối cùng rồi cũng sang được đất Hoa Kỳ vào năm 1991 trong Chương Trình Tỵ nạn Chính Trị HO8.
    • Sau cùng là đã chịu cảnh Gia Đình tan nát, vợ tôi đi vượt biên đã bị bọn ác ôn Thái Lan
    làm nhục và chúng đã đang tâm chặt vợ tôi ra làm nhiều khúc khi nàng kháng cự lại chúng. Tin này do vợ tôi báo mộng với mẹ và đứa con gái đầu lòng cùng một đêm sau một thời gian dài biệt vô âm tín.
    Tôi viết câu chuyện này để nhớ lại và khắc ghi những dữ kiện đã xảy ra trong cuối đời Quân Ngũ của tôi..
    Đó cũng là Thân phận của một người Trai thời loạn.


    KQ: NGUYỄN VIẾT TRƯỜNG

  • #2
    Quán Vĩnh Ký / Cần Thơ - Nguyễn Viết Trường


    QUÁN VĨNH KÝ / CẦN THƠ


    NGUYỄN VIẾT TRƯỜNG


    Ai đã đặt chân đến Cần Thơ mà không biết gì về quán Vĩnh Ký là cả một sự thiếu sót, nhất là dân nhậu! Không những dân sự mà đủ mọi sắc Lính đều “khoái” ghé quán này trước là nhậu lai rai, sau là thưởng thức những món ăn tuyệt vời tại nơi đây, nào là rùa, rắn, cá, chim, chuột, chồn v..v..
    Ôi thôi nếu cái bụng của Quý vị mà lớn như bụng của ông Bành Tổ thì mới thưởng thức một lúc hết những món ăn ở quán này! Còn bụng cỡ KQ Huỳnh quốc Hải (PĐ116) … thì cũng thưởng thức được vài món là cùng…Nhưng có điều món nào cũng “khoái khẩu” cả, nên thực khách dù là khách quen đi nữa, mỗi lần đến đây mà phải chọn món thì cũng “phân vân” lắm lắm …
    Quân nhân thuộc Sư Đoàn IV KQ thì hầu hết là biết quán này, mà biết “kỹ” nữa mới “ghê” chứ! Không tin quý vị cứ thử hỏi ông Liên đoàn Trưởng Vũ Khí xem?

    Người viết chỉ dám nhớ lại theo trí tưởng tượng và với sự “hà hơi tiếp sức” của KQ Nguyễn đức Cường mới dám viết bài nói về quán Vĩnh Ký này, rất mong Quý đọc giả “tạm” hài lòng vì cũng là dịp nhớ lại “ những ngày xưa thân ái” ý mà!
    Nhất là với “tài tử đẹp trai” Lương thế Hùng đã có lời yêu cầu trong buổi họp đầu năm của BTC Đại Hội 2 SĐ4KQ, nên người viết vui vẻ đáp ứng ngay.

    Xin được bắt đầu nha Quý vị?

    Sau khi “dung dăng dung dẻ” với người tình, sóng bước dọc theo bến Ninh Kiều, và thề sống thề chết với nhau, hai ta lần tìm một quán ăn để “nhớ đời”, có lẽ vào quán Vĩnh Ký là đúng nghĩa nhất!
    Quán nằm trong một con hẻm cụt, thực khách sẽ thấy bên trái cuối đường hẻm có một cái quán trông sang phía bên phải là một bãi đất trống, tha hồ mà đậu xe, tấm bảng hiệu với chữ Vĩnh Ký đủ sức đánh thức dịch vị của khách tiết ra rồi…
    Bước chân vào quán thực khách sẽ thấy quán được thiết trí làm hai nơi ăn nhậu, một là ở dưới nhà hai là ở trên lầu, quán nửa nằm trên đất, nữa nằm trên nước , có lẽ chủ nhà làm thêm nên mới có diện tích như vậy ? Chiều ngang của quán khoảng 03 thước, chiều dài khoảng 15 thước.
    Dưới nhà hay trên lầu thì chủ nhân cũng kê 3 hàng dọc bàn ghế để khách ngồi ăn nhậu, ngồi dưới thì trông phía sau là bếp, phía trước là cửa ra vào, nhưng ngồi trên lầu trông phía sau thấy trên mái nhà gần đó rong rêu mọc đầy, có rau càng cua mọc tràn lan, ai thích ăn, chủ quán sẽ “chiều” liền, trông phía trước sẽ thấy bãi đất trống thực khách đậu xe.
    Quầy tính tiền nơi tầng dưới thường xuyên có mặt chủ quán hay người con trai chủ quán, chủ quán tuổi độ chừng 50, dáng người mập mạp, mặt tròn tròn, đeo kính trắng, hay mặc áo sơ mi ngắn tay, để ngoài quần, cậu con trai độ chừng hai mươi mấy thì phải, dáng nhỏ con hơi khòm khòm,
    Bếp được thiết trí bằng sàn gỗ trên mặt nước sau nhà, độ chừng 4 hay 5 người làm trong bếp, toàn là những tay “chiến tướng”, món nào làm ra cũng “hết xảy con cào cào”! Sau bếp chủ nhân có chỗ ngâm tôm ngay dưới nước, tôm càng mà nướng thì chao ôi ngon ơi là ngon….Thật là hết biết!!!
    Nếu khách là dân hay đến đây thì thường là gọi món rùa đầu tiên, trong lúc chờ đợi rùa được mang ra, nhà hàng đã đặt lên bàn của thực khách ( tùy số người ) đĩa rau tươi đủ loại, như rau răm, ngò gai, rau rắp cá, rau húng, rau tía tô, rau kinh giới v..v.. có cả chuối chát sắt mỏng, có cả khế và khóm nữa, trông mà phát thèm, chén nước mắm me có rắc thêm mè, mắm me ở đây làm cũng cầu kỳ lắm, me chín tách hột ra cho vào một cái chén, rồi đổ nước lạnh đun chín để nguội vào, dầm me lấy nước chua, cho nước mắm nhĩ vào, thêm tỏi ớt đâm nhuyễn, đổ thêm một ít bột ngọt và đường vào, tất cả quậy đều lên, thành một hỗn hợp sao cho vừa ăn, sau đó thì xả đem phi vàng lên rồi đổ vào cho thêm mùi thơm gia vị, trước khi mang ra cho khách thì rưới lên một ít mè đen, trên bàn luôn có sẵn ớt hiểm nữa, rùa hàn nên lạnh tì vị, do đó món rượu, ớt hiểm cay xé cổ tê lưỡi và tỏi, không thể thiếu khi ăn món rùa...
    Món rùa hay lươn mà chấm nước mắm me kiểu này thì chỉ có ở quán Vĩnh Ký thôi!
    Sau đó chẳng bao lâu thì rùa được mang ra, cách làm rùa cũng công phu lắm, thoạt tiên dùng dao hay búa bén chặt hai bên vỏ, nơi tiếp giáp mu rùa và yếm rùa, đứt ra có máu chảy, kế đó cho vào nồi nước sôi, lấy ra liền để làm lông, làm lông nghĩa là lột bỏ cái lớp da nhám xù xì, kể cả những cái móng chân sắc nhọn, cũng lột được lớp vỏ cứng, dùng đũa hay que đút vào yết hầu rùa để đẩy cái đầu rùa ra, đổ thêm nước sôi để lột hết da cổ, đầu của rùa.
    Sau khi làm lông xong, thì tùy ý của thực khách mà nhà bếp thực hiện những món như rùa rang muối, khìa, áp chảo, xào lăn, nấu cà ri hay xé phay hoặc chưng thuốc bắc.
    Rùa rang muối thì sau khi làm lông, lúc đó rùa vẫn còn sống, rùa được đặt vào một cái nồi đất có nắp, trong nồi có sẵn lớp muối hột dầy, bắc lên bếp đun, khi những hạt muối hột hết kêu tách tách tức là lúc rùa đã chín, để thêm ít phút nữa rồi bắc xuống bếp, rùa được đặt trên một cái đĩa lớn, nhà hàng mang ra đặt đĩa rùa lên bàn, rồi dùng một con dao tây nhọn tách yếm vàng ra, dùng dao thọc xung quanh bên trong mai, để lấy thịt ra, xẻ làm 4, mỗi người một cái đùi, lòng , trứng rùa, khoét đầu rùa ra, lấy ra 4 cái chân và cái đuôi, sắp ngay ngắn như hình con rùa, để thực khách từ từ dùng, con rùa được dốc ngược để lấy trứng, (nếu gặp con cái có trứng), và lấy gan mật ra, gan mật chỉ để cho thượng khách hay chủ xị trong bàn dùng, vì là phần ngon nhất, bổ nhất của con rùa, thực khách có thể ăn cả lớp vỏ bọc ngoài, lớp vỏ này trong bụng rùa thì mềm, nhưng ra ngoài thì hơi cứng, nhưng ăn cũng khoái khẩu lắm!

    Nghe lời “phán” của Nha sĩ Định thuộc SĐ4 KQ, thì ăn cái vụ này bổ răng số một đấy nhé!

    Vị thượng khách hay chủ xị, được vinh dự ăn gan mật rùa, nhưng phải nuốt trọng, và chiêu bằng một ly rượu mạnh ( sec) mới “đã”! đã ăn rùa thì phải yêu cầu chủ quán cho ăn loại rùa yếm vàng, mới chắc thịt, béo và ngon và nhất là phải uống kèm rượu mạnh, cũng xin lưu ý Quý vị, ăn món này chính là món chồng ăn mà vợ khen hay đấy.
    Bởi thế mà phái mày râu “khoái” ăn món rùa là vậy! Mà hình như Phái nữ cũng khuyến khích chúng ta ăn món này đó Quý vị ơi?

    Sau đó nên ăn món rắn ri voi, rắn này thuộc loại rắn nước, bằng cườm tay, được bầm luôn cả xương, da, loại này chỉ ăn cá để sống, nên vùng nào thấy nhiều cá, chắc chắn có loại rắn ri voi. sào với miến và nấm mèo, ăn với bánh mì hay bánh phồng tôm, thì quên cả đường về không chừng!


    Hinh minh hoạ internet

    Bụng bắt đầu lưng lưng, thôi thì mời quý khách dùng món cá lóc nướng nha?
    Cá lóc phải nướng với than mới ngon và bắt miệng, vừa thơm, vừa béo ngậy lại dòn da, ăn kèm với rau đủ loại, cuốn bánh tráng, với bún, hành phi và đậu phọng, ôi ngon ơi là ngon quý vị ơi!
    Nhưng xin lưu ý thực khách, khi thấy con cá lóc bị mực, nghĩa là có những lằn đen đen trong sớ thịt, thì chẳng nên ăn, mà hãy gọi thay con khác nha Quý vị.

    Hay chúng ta ăn thử món Tôm càng với rau càng cua trộn dầu dấm cũng ngon đáo để đấy.

    Nếu không phải là dân Vùng IV, thì xin mời thực khách dùng thử món chuột đồng hay ếch chiên bơ, súc với bánh tráng?

    Có một món làm vang danh quán Vĩnh Ký nữa, chính là món cơm tay cầm.
    Món này thật là “bá chấy” đó Quý vị ơi! Gạo thơm được nấu trong một cái nồi bằng đất, có thịt gà, thịt heo cùng nhiều thứ gia vị, nấu chung với gạo cho đến khi cạn nước là xong.
    Cơm tay cầm phải nấu có dề cơm cháy vàng, nước thịt mỡ chảy thấm xuống cơm cháy, khi ăn nó dòn dòn, beo béo, lại ngon ngậy…Ăn với xì dầu mới đúng “gu”…

    Ăn gì thì ăn, đã vào quán này, thì phải uống rượu Tây, rượu Napoléon, hay rựợu Hennessy nắp đen mới đúng gu “dân chơi thứ thiệt” nha bà con…Chủ quán vốn là dân điệu nghệ, nên quán có khá nhiều loại rượu mạnh khách ưa dùng, có cả bia, bia hộp hay bia chai cũng có, Sô đa thì “luôn có mặt trên từng cây số”.
    Ăn uống no say, khi ra quán thực khách thấy nhà cửa xe cộ có ngả nghiêng thì cũng đừng có hốt hoảng, “trự” nào ra quán thì cũng vậy thôi…Vì có vậy mới là dân nhậu thứ thiệt chứ!
    Ăn nhậu chính là cái thú trên đời của dân Cần Thơ, mà đã nhậu thì phải biết quán Vĩnh Ký…
    Đặc biệt dân nhà banh “lắm túi nhiều phẹc ma tuya” đa số đều đã ít nhất một lần đến nhậu tại quán Vĩnh Ký rồi thì phải?
    Đó cũng là lý do mà người viết muốn đề cập tới trong bài viết này./.


    NGUYỄN VIẾT TRƯỜNG

    Comment


    • #3
      Thưa Anh Trường
      NP quê ở Bến Tranh, là bạn học của H,bà xã anh, nhà đối diện bên sông. Trước kia, khi còn ở VN, cậu 11 ( hay 12) của H và P hay trò chuyện cùng nhau, vài lần ông có nhắc anh, và P nói P có biết anh qua những bài anh viết mà được người khác đưa lên ở đâu đó. Nay anh đã là thành viên của HQPD, NP xin chào mừng.
      Kính mến,
      N Phương

      Comment


      • #4
        Ồ ,như dzậy là nguyenphuong quê ở Bến Tranh Mỹ Tho?bên ngoại tui cũng dân Bến Tranh thuộc xả Thân cữu Nghĩa ,không biết nguyenphuong có biết chổ này không?, còn bạn nói là bạn học của bà xã anh Trường ,theo DQY biết thì bà xã hiện nay của anh Trường là Th..em gái của người bạn thân của DQY ,lúc nhỏ ở Đà Nẵng ,sau 75 đi tù về DQY gặp lại thì 2 vợ chồng anh Trường có sạp bán giày ,guốc ở chợ Bến Thành Sài gòn ,tụi này quen thân lâu lắm rồi ,tôi biết cô Th.. từ khi còn nhỏ ngoài Đà nẵng.

        Comment


        • #5
          Một chặng đường đời

          Xin cám ơn 02 anh (Phương và Đức), 2 anh đều nói đúng cả. Tôi có 02 bà xã, Bà thứ nhất tên HẠNH, Bà thứ hai tên NGỌCTHOA. Sau khi H mất, tôi lập gia đình với T. Mong có dịp gặp 02 anh.
          ...Bài viết của tôi sau đây là dịp để làm sáng tỏ hai ý kiến mà anh PHUONG và anh DUC đã góp ý.
          Trân trọng.
          KQ NGUYEN VIET TRUONG



          MỘT CHẶNG ĐƯỜNG ĐỜI


          NGUYỄN VIẾT TRƯỜNG



          KQ: Nguyễn viết Trường


          Tôi ra khỏi trại tù khổ sai ( mà Việt Cộng gọi là Tù Cải Tạo) Vĩnh Quang ( Vĩnh Phú ) ở miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa, sau nhiều năm bị đọa đầy cả về thể chất lẫn tinh thần, lòng như chai đá sau những dằn vặt, oan trái của cuộc sống…Nhưng tinh thần thì lại thật vững vàng, sẵn sàng chờ đợi những gì sẽ xảy ra cho mình… Lòng tự nhủ lòng:
          Phải sống …Phải thoát ra khỏi vũng lầy của nhân thế, và sẽ phải tự tạo cho mình một tương lai sáng sủa, vì các con, vì danh dự phải sống hiên ngang với đời…
          Ngày tôi vào trại tù khổ sai, hành trang mang theo là hình ảnh vợ trẻ và hai đứa con dại ngơ ngác trước bao diễn biến khôn lường của cuộc sống mới. Sau ba năm ly biệt thì được tin vợ đã lập gia đình mới, với một người đàn ông lớn tuổi đã có mấy mặt con, lúc đó lòng tôi như tê dại, có những đêm tôi trùm mền, với ngọn đèn dầu tự tạo, len lén lấy những lá thư của thân nhân gửi đến mang ra đọc, nghiên cứu, và tự nhận ra được:
          Mình đã thật sự mất người mình thương yêu từ đây?
          Trong cùng cực của nỗi nhớ, của đớn đau, tôi đã thấy rõ được bản thân, cũng chính vì những ngang trái của đời mình mà tôi đã phát sinh một triết lý sống cho bản thân:
          “Phải lạc quan mà sống, phải thương mình hơn chút nữa, khi gặp chuyện chưa thể giải quyết ngay thì hãy bỏ sang một bên, sẽ có lúc giải quyết được thôi!
          Luôn tâm niệm đừng nên quan trọng hóa vấn đề nào cả.
          Người ta làm được mình sẽ làm được!
          Nếu có quyết tâm thì chuyện gì cũng sẽ có kết quả khả quan”
          Cũng chính cái triết lý tự tạo đó (dĩ nhiên đó cũng là góp nhặt những kinh nghiệm sống của những người đi trước) mà tôi đã giữ vững được tinh thần và thể chất trong suốt thời gian còn lại trước khi ra khỏi trại tù khổ sai!

          Biết hoàn cảnh của tôi, bạn bè trong tù cũng vô cùng ái ngại dùm, vì với hai việc làm mà tôi đã khai trong bản tự khai:

          -Một là:
          Đã giải cứu được 07 quân nhân Không Quân Hoa Kỳ trong cuộc hành quân lịch sử Hạ Lào (Lam Sơn 119) chỉ trong nửa ngày, trong lúc Hoa Kỳ đành bó tay sau hai ngày ba đêm mà giải cứu không thành công…Tôi trở thành là Chiến Sĩ Xuất Sắc của Quân Chủng Không Quân và được tưởng thưởng đi du ngoạn Đài Loan, Hồng Kông sau đó…
          Báo stars and stripes của Hoa Kỳ và báo của Không Đoàn 74 có đăng hình ảnh và bài phóng sự về sự kiện này.

          -Hai là:
          Đã tiêu diệt 92 Cộng Quân (những xác không toàn thây chưa tính), tịch thu hàng tấn đạn dược, vũ khí, phá hủy một trăm hai muơi chiếc thuyền đủ loại của địch quân, nên đã đập tan được âm mưu tấn công Phi Trường Trà Nóc của chúng, vài ngày trước khi Miền Nam rơi vào tay bọn cướp nước (30 tháng 04 năm 1975)…
          Tôi đã lên đài truyền hình Cần Thơ trình bày tự sự và được đặc cách lên lon ngay sau đó
          Thì chắc chắn ngày về của tôi sẽ là vô vọng…
          Nhưng trong cái rủi cũng có cái may, cuối cùng thì tôi cũng được bọn cướp nước thả cho về, sau bao tháng năm tù khổ sai tại miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa…
          Ngày ra trại, đối với anh em khác chắc họ vui lắm? Nhưng riêng tôi lại như thấy dửng dưng một cách kỳ lạ!
          Bao nhiêu đồ dùng cá nhân và quà thăm nuôi tôi để lại cho “những bạn con Bà Phước” (nghĩa là những người không có ai tới thăm nuôi), và không quên gửi lại họ những lời chúc lành chân tình nhất …
          Tôi về đến Saì Gòn, thì trời đã tối, bằng phương tiện xe ôm, tôi đã chạy qua nhà mình, nhìn lên lầu, đèn vẫn còn sáng, chẳng hiểu hai con tôi giờ đã ngủ chưa? Và vợ tôi chắc còn thức? Đèn còn mở kia mà! Nàng đang làm gì? Nàng có biết chăng ngoài đường, tôi đang bàng hoàng đứng nhìn vào nhà, mà không vào được!
          Một nỗi lạnh thấm buốt thịt da, quặn đau trái tim và làm mờ đôi mắt…Nghĩ cho cùng, vào làm chi? Khi sẽ phải chứng kiến cảnh nát lòng…
          Sau một hồi suy nghĩ, tôi nói với người lái xe ôm hãy cho tôi về nhà Cha Mẹ tôi, như vậy là thượng sách. Người mở cửa cho tôi vào là Mẹ tôi, Bà cụ thật mừng khi thấy tôi bình an trở về nhà, những hành động lúng túng mở khóa cửa, nói không nên lời, đã cho tôi hiểu ra được Mẹ tôi thương tôi lắm, dù xa xôi cách trở, vạn dặm cách ngăn, Mẹ tôi cũng đã từng lặn lội thăm nuôi tôi, những ngày tôi còn trong lao tù khổ sai tại miền Bắc…
          Tôi nhẹ ôm lấy người mà nước mắt lưng tròng, khóc cho phận mình sao quá long đong, để Mẹ cứ phải quan tâm nhiều đến mình như vậy?
          Mọi người trong nhà hiểu được tâm trạng của tôi, ai cũng khuyên tôi nên nghỉ ngơi một thời gian cho khoẻ, ăn uống tẩm bổ vào cho “lại” người, rồi muốn tính gì thì tính.


          Nguyễn viết Trường chụp chung với gia đình sau bị đi khi Tù Cải tạo về

          Tôi cũng cảm thấy như vậy là đúng, nên cố nén thương đau mà tự lo sức khoẻ cho mình trước đã!
          Nhớ lúc còn ở trong các trại tù khổ sai, chúng tôi thường có những bữa cơm hàm thụ trước giờ ngủ, làm như vậy để giúp nhau quên đói, nói là hàm thụ vì chỉ là tưởng tượng mà thôi!
          Cả bọn nằm yên, lắng nghe một người kể…Đại khái người kể sẽ đặt mình vào vị trí của người đi chợ, mua thức ăn, làm đồ ăn, và mời mọi người cùng ăn! Dĩ nhiên khi ăn sẽ bình phẩm lung tung cho rộn ràng vậy mà …
          Ôi! Những ngày đó, chẳng riêng gì tôi mà hầu hết mọi người, ai cũng cầu mong nếu được thả, việc đầu tiên sẽ là: Thưởng thức một tô phở cho đỡ thèm trước đã!
          Nay được thả cho về nhà, cái mong muốn ấy trong hiện tại thật quá đơn giản, quá dễ dàng, nhưng tôi lại chẳng thiết thực hiện, mà dành những thời gian đầu cho những suy nghĩ, tính toán cho cuộc sống tương lai của mình, vì thế đã khiến tôi ngày đêm trằn trọc khôn nguôi…
          Trước tiên, tôi nhờ cô em gái thu xếp cho tôi gặp lại hai đứa con, thoạt đầu, hai con tôi cũng ngỡ ngàng lắm, không nhận ra tôi là ai, nhưng sau khi biết sự thật, tôi chính là Ba của chúng, thì chúng mừng lắm, sung sướng hiện rõ trên nét mặt thơ ngây, ngoan hiền.
          Tuy lòng nát tan nhưng tôi vẫn phải vui cười gượng gạo và hẹn ngày xum họp…
          Tôi gặp lại vợ tôi (nay đã là vợ người khác) thấy nàng đang bụng mang dạ chửa sắp sanh đứa con thứ hai cho người chồng mới, nên chẳng biết nói gì hơn là thỏa thuận với nàng, sẽ tự nuôi hai đứa con của tôi, khi tôi có cuộc sống ổn định, nàng cũng đồng ý như vậy, nên tôi cũng thấy an tâm và an ủi phần nào…
          Một thời gian sau khi trao lại hai đứa con cho tôi, nàng đã đi vượt biên bằng đường thủy, nhưng không được may mắn, nàng cùng hai đứa con sau với chồng mới, đã thọ nạn trên biển Đông….
          Thật oan trái cuộc đời,
          Dù sao, với tôi, nàng đã từng là người con gái tôi yêu, rồi lấy làm vợ và đã có hai mặt con với nhau! Nên tôi cầu mong sao, bên kia thế giới, nàng sẽ được an lành, hạnh phúc hơn?
          Ôi sao trên đời này, đời người lại có nhiều thảm cảnh đến thế!


          Những ngày xưa thân ái (Nguyễn Viết Trường và Vợ Lê kim Hạnh)

          (Di ảnh của nàng, đã được người vợ sau của tôi, tự động chọn ngày tốt và đặt trên bàn thờ, để thờ, và lấy ngày giỗ là ngày nàng ra đi vượt biên…Nghĩa cử này thật hiếm quý! Và đã làm tình cảm hai con riêng của tôi với người vợ sau này mỗi ngày một gắn bó keo sơn hơn thêm…)
          Thành phố và Quận bắt tôi phải đi vùng “kinh tế mới”, nhưng tôi cứ gan lỳ không đi, Mẹ tôi phải đút lót cho Công An khu vực đều đều, nên tôi mới tiếp tục lén lút được cư trú bất hợp pháp tại nhà của Cha Mẹ mình.
          Tình hình Xã Hội lúc bấy giờ thật phức tạp, chỉ cần một điếu thuốc thôi cũng đủ mua chuộc được một “thằng” (hay “con”) cướp nước, nên do vậy những người như tôi mới còn “tồn tại” tại thành phố!
          Hầu hết những Quân Nhân Chế Độ cũ, sống một cuộc sống khó khăn vất vả, sau khi ở trại tù khổ sai ra, người nào yếu bóng vía, thì đành phải đi vùng kinh tế mới, nhưng một thời gian sau, cũng phải trở về thành phố kiếm sống qua ngày, Chính Quyền sở tại, luôn tìm mọi cách gây khó dễ, tia sáng hy vọng cho cuộc sống tương lai của hầu hết mọi người chúng tôi, chỉ là đào thoát ra nước ngoài bằng nhiều cách khác nhau.
          Riêng tôi sau một thời gian nghiên cứu tình hình xã hội, tôi thấy sự hiện hữu của một người đàn bà trong cuộc sống hiện tại của tôi là bức thiết, do đó tôi đã mạnh dạn quen biết một số phụ nữ, mong có một lá chắn cho cuộc sống của mình, trước khi tính những chuyện xa hơn, tiêu chuẩn kén chọn của tôi là:
          Người đàn bà tôi sẽ cùng chung sống phải là người biết làm ăn, tháo vát, đã có kinh nghiệm về cuộc sống “đá vàng”, biết được khổ đau trong cuộc sống tình cảm và vật chất…Vì có như vậy, khi gặp nghịch cảnh mới khó bị chao đảo, và không bỏ tôi vì những lý do thường tình trong cuộc sống đọa đầy này!?
          Trời Phật chẳng phụ lòng người, tôi đã gặp được người phụ nữ đó!
          Chúng tôi gặp nhau, hợp tính hợp nết và quyết định sống chung với nhau sau vài tháng quen biết, nàng đã ly thân với chồng hơn ba năm rồi, hai người đã có hai con với nhau, chúng hiện vẫn còn ở với bà nội, còn nàng sống chung với gia đình một người bạn gái gần nhà Cha Mẹ tôi, hàng tháng vẫn cấp dưỡng cho hai con và thường xuyên săn sóc chúng.
          Được biết nàng đã từng phụ mẹ chồng buôn bán giày dép trên đường Lê Thánh Tôn thời gian còn làm dâu, nên tôi hàng ngày ra các khu giày dép, để tham khảo nghiên cứu và làm quen với bạn hàng ở đó, hầu khi bắt tay vào làm ăn sẽ không bị bỡ ngỡ.
          Tôi thấy khu buôn bán giày dép bình dân thì ở đường Lê Thánh Tôn, đa số khách hàng là những con buôn đường xa hoặc những người lao động ít tiền, hoặc giới trung lưu, khu buôn bán giày dép sản xuất từ nước ngoài, loại hàng cao cấp, thì ở đường Tạ Thu Thâu, dân có tiền, như cán bộ Việt Cộng, hoặc những người có thân nhân ở nước ngoài gởi tiền về cho, họ thường mua hàng ở khu này.
          Sau khi nắm chắc mọi chuyện, tôi quyết định sẽ bán và sản xuất loại giày dép đắt tiền duới dạng giày dép ngoại quốc, và là loại cho phụ nữ, vì chỉ nữ giới mới thích thời trang, mua sắm thường xuyên là thú thời thượng vào thời điểm này mà!,
          Thoạt tiên, tôi mua một đôi giày phụ nữ sản xuất tại Italy, tự tay tháo ra, sắp xếp thành từng bộ phận, nghiên cứu từng công đoạn hình thành, và sự khác biệt về mẫu mã, chất lượng, cách cấu trúc và nhiên liệu giữa đôi giày ngoại và nội, sau đó tôi gặp một người thợ sản xuất giày dép nội tên Cương, và đề nghị hợp tác làm ăn, người thợ này là một thanh niên có học thức, đang học đại học thì phải bỏ học để làm ăn vì hoàn cảnh gia đình, anh thấy tôi phác họa chương trình làm ăn khúc triết và có “lý” như vậy, nên đã đồng ý liền…
          Thế là chúng tôi bắt đầu thực hiện, mỗi bộ phận của đôi giày phụ nữ được trao cho từng nhóm thợ riêng biệt, sau khi hoàn tất từng bộ phận, sẽ gom lại và trao cho một nhóm thợ “gà nòi” của chúng tôi để lắp ráp thành những đôi giày sẵn sàng xuất xưởng, hàng làm ra bán dưới dạng hàng cao cấp, bán có bảo đảm nên dù bán cao cách mấy người mua cũng hài lòng, …Dân mua sỉ, mua hàng của chúng tôi xong, họ chở ra biên giới và bán lại cho con buôn, dưới dạng hàng ngoại (dĩ nhiên nhãn hiệu đã được tôi cho thay đổi để phù hợp với yêu cầu),
          Có nhiều lúc tản bộ trên đường Tạ thu Thâu, tôi thấy hàng của mình bày bán với giá trên trời dưới đất, làm tôi cũng phải phì cười một mình…,
          Vợ chồng tôi có một gian hàng ở đường Lê Thánh Tôn, nhưng sau đó, chúng tôi di chuyển vào trong chợ Bến Thành, và có hai gian hàng bán giày dép, nằm ngay khu trung tâm của chợ, nên rất đắt khách, hàng sỉ làm ra không kịp để tiêu thụ, con buôn nào chậm tay là không có hàng để lấy, vợ tôi có “gian” buôn bán nên tôi “phất” lên rất mau, mặt hàng bán lẻ cũng được khách hàng chiếu cố rất nhiều, đa số nghệ sĩ đương thời cũng mua giày dép ở gian hàng của vợ chồng tôi như: Bạch Tuyết, Phượng Liên, Ngọc Huyền bên Cổ nhạc, Ngọc Bích, Cẩm Vân, bên tân nhạc, Mai Phương bên kịch nghệ, điện ảnh v.v…..
          Vợ chồng tôi trở nên giàu có chỉ sau một thời gian ngắn, trong thời gian này, bất cứ khi nào gặp anh em “Cải Tạo”, hay những chiến hữu Không Quân, hoặc những người kém may mắn, vợ chồng chúng tôi đều sẵn sàng giúp đỡ tận tình, thậm chí còn đưa vốn cho làm ăn. Một số người đó tôi cũng thường gặp lại khi sang bên Mỹ này.
          Tôi còn nhớ dạo ấy có một tối, đang ngồi xem T.V cùng gia đình, con mèo tôi nuôi đã đẻ ngay duới chân tôi, lần đầu thấy mèo đẻ trước mặt tôi cũng ngạc nhiên lắm, cả ba con mèo con mới sanh tôi đều cắt lấy “nhau”, ngâm rượu, rồi đem phơi khô, một cái cho em ruột tôi, một cái đưa cho vợ, còn một cái tôi giữ bên mình…Người xưa thường nói có được “nhau” mèo là hên lắm, mà có ba cái là chẳng bao giờ sợ nghèo!
          Chẳng biết điều này có đúng không? Nhưng phải nói từ đó về sau tiền vô như nước, mọi chuyện đều hanh thông…
          Hai cái “nhau” tôi cho em tôi và vợ tôi, chẳng hiểu sao về sau, họ làm mất lúc nào không biết! Chỉ có tôi là còn giữ được cái “nhau” cuối cùng đến bây giờ!
          Ngày gia đình tôi đi Mỹ theo diện HO, nhà cửa xe cộ và vật dụng trong nhà vợ chồng tôi đều tặng không cho một số người thân, sau khi đã chuyển một số tiền qua Mỹ cho anh tôi giữ hộ,
          Gia đình sang Mỹ theo diện Tỵ Nạn Chính Trị, (H.O), với một vợ, một chồng và bốn đứa con gái gồm hai con riêng của tôi, một con riêng của vợ tôi ( một đứa cháu trai nữa của vợ tôi, còn ở lại với bố của cháu, nhưng về sau, khi bố cháu bằng lòng ký giấy cho phép xuất cảnh, thì tôi cũng đã bảo lãnh cho cháu sang Mỹ xum họp gia đình ) và cuối cùng là một đứa con của tôi và vợ tôi…


          Nguyễn viết Trường và vợ Võ thị NgọcThoa

          Nói một cách khác, gia đình tôi gồm: Con em, con anh, con chúng ta…
          Tuy khá phức tạp như vậy, nhưng nhờ hồng phước Trời Phật cho, nên gia đình thuận hòa trên dưới, các con tôi thương yêu nhau chân thành, và trong nhà không bao giờ có tiếng bấc tiếng chì.
          Thật muôn vàn đội ơn Trời Phật…
          Vì tôi đã từng sống ở Mỹ những năm trước đây, ( khi ra nhập Quân Chủng Không Quân, ngành Phi Hành (năm 1964), được Chính Phủ VNCH gửi đi học lái máy bay T28 tại Texas, Hoa Kỳ (đầu năm 1965) và tôi lại học hỏi được kinh nghiệm sống của bạn bè, người thân, nên tôi ý thức được mình sẽ phải làm gì cho phù hợp với nếp sống mới.
          Thời gian mới đầu, các con tôi vì còn trẻ, nên chúng dễ thích hợp ngay với cuộc sống hiện tại, còn Vợ tôi ngoại ngữ chưa rành, lại phải bó mình trong bốn bức tường cả ngày, nên tủi thân khóc hoài, nàng cứ đòi về lại Việt Nam vì ở bên này xa lạ quá …
          Nhưng thời gian sau, có công ăn việc làm rồi, thì mỗi khi tôi nhắc lại chuyện này, nàng đều lảng tránh, làm như không có chuyện đó xảy ra !
          Tôi khẳng định với các con mình:
          Sống ở Hoa Kỳ không sợ đói, ai siêng năng cần mẫn sẽ thành công, và có hai con đường sẽ đem lại tương lai sáng sủa là: Học hay làm thương mại,


          Tự Do là đây! Ngày đầu trên đất Mỹ, HO8

          Và để làm gương cho gia đình, tôi đã xung phong đi làm và đi học, từ nhà tôi đến chỗ làm việc, đi bộ nhanh hơn đi xe, lại làm trong tiệm thuốc tây của người anh lớn tôi, nên tôi rất thoải mái, thời gian sau đã có được cái bằng Pharmacy Technician, lúc đó, vừa đi làm, tôi lại vừa học thêm nghề thiết trí nội thất, nhưng sau, có vợ chồng một người bạn, rủ về để điều hành một trường tư thục, do vợ chồng anh thành lập, dạy sau giờ học cho các học sinh từ lớp 01 đến lớp 12…
          Tôi đồng ý liền, vì trường này lại gần hơn tiệm thuốc tây của ông anh lớn tôi, vốn biết Trời cho mình có được đầu óc tổ chức, nên tôi rất hài lòng và thích thú về công việc điều hành ở trường này.
          Chúng tôi chủ trương, đem văn hóa Việt Nam vào trường học, nên ngoài vấn đề Trí dục, chúng tôi còn chú tâm về cả Đức dục nữa, tuy học sinh gồm người Mễ, người Hoa, người Việt, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn là các em đã đi vào khuôn phép. Phụ huynh có con em học ở trường này cũng hài lòng, khi thấy con em mình lễ độ, biết chào hỏi người lớn tuổi hơn mình và nhất là tiến bộ về học vấn trông thấy…
          Ngoài ra chúng tôi còn mở lớp dạy Việt ngữ, lớp dạy Nhạc, lớp dạy Võ Thiếu Lâm, lớp dạy Vũ dân tộc, được mọi người tham gia nhiệt tình.
          Trường thành lập được một đoàn vũ dân tộc gồm 40 em học sinh của trường, đoàn vũ này đã có trình diễn trong những Đại nhạc hội gây quỹ giúp những người cùi ở Việt Nam, hay trong ngày kỷ niệm ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, và các tổ chức Xã Hội khác trong Cộng Đồng…
          Trong năm 2003, tôi đã hợp cùng anh em trong trường, (với tư cách là Trưởng Ban Tổ Chức). Chúng tôi đã mạnh dạn làm người tiên phong, đứng ra tổ chức hội chợ Tết Los Angeles, hội chợ thành công mỹ mãn, lôi cuốn mấy chục ngàn người xa gần đến tham dự…


          Trưởng Ban Tổ chức Hội chợ Tết năm 2003: Nguyễn viết Trường đang phát biểu

          Nhưng thời gian sau đó, tôi đã phải ngưng hợp tác với những người bạn có lòng này. vì vấn đề sức khỏe của mình.
          ( Thời gian trong lao tù Cộng sản, sức khỏe của tôi đã bị tiêu hao quá nhiều do lao động khổ sai, nên ảnh hưởng khốc hại đến lúc này )
          Hơn nữa, lúc đó, các con tôi, năm đứa thì ba đứa đã có chồng con, cuộc sống gia đình của chúng ổn định và hạnh phúc, tôi đã trở thành ông ngoại của bảy (07) đứa cháu kháu khỉnh dễ thương, (đến nay thì tôi có 09 cháu ngoại và 01 cháu nội…)
          Vợ và các con tôi, không muốn tôi bơi trải nữa, mà hãy dưỡng già cho khỏe, nên tôi quyết định nghỉ hưu, những lúc rỗi rảnh tôi thường lại nhà các con các cháu vui vầy xum họp, cũng hay tham gia vào những sinh hoạt của Quân chủng Không Quân cũ của mình, hoặc thỉnh thoảng cùng vài người bạn già rủ nhau đi ăn sáng, uống cà phê, nói chuyện đời...
          Để lưu lại chút ít gì mang sắc thái văn nghệ cho đời mình, cho các con, các cháu, cho đời, nên tôi cũng lại thường viết văn làm thơ, góp mặt trên vài tờ nhật báo, tuần báo của cộng đồng, làm chủ nhiệm kiêm chủ bút cho những Đặc San Phi Đoàn 116, cũng cùng nhạc sĩ Lê Vũ (cựu giảng viên Quốc gia Âm nhạc Saìgòn) sáng tác những bản nhạc: Ca ngợi tình yêu…


          Ban văn nghệ Hương Trinh/ Ban nhạc trường Chu Văn An ( thập niên 60 )
          Nguyễn viết Trường, Nguyễn văn Quan, Phạm ngọc Cung, Nguyễn Quốc Hùng
          trùng phùng tại CaLi ( Hoa Kỳ) năm 2003
          Năm 2006, do yêu cầu của bạn bè, tôi đã mở lớp dạy kèm cho con cái họ, (với sự phụ giúp của đứa con gái út của tôi), nhưng chỉ từ lớp 01 đến lớp 08 mà thôi, tại tư gia, vào buổi chiều, sau giờ các cháu học ở trường học về…
          Thấy công việc nhàn nhã, chỉ ba tiếng mỗi ngày, nên vợ và các con tôi cũng chẳng phản đối, tuy vậy…Ngày nào mà tôi làm biếng, không đi tập thể dục, thể thao, ở Bally, là ngày ấy thế nào cũng được nghe “giọng oanh vàng thỏ thẻ” đến “điếc” tai của “nội tướng” tôi…
          Thời gian cứ nhẹ nhàng lướt trôi, đến năm 2008 thì tôi hoàn toàn ngưng mọi chuyện dạy học tại gia, bắt đầu nghỉ hưu thật sự, công việc của tôi ngoài việc giữ gìn sức khỏe, thời gian còn lại muốn làm gì tùy mình, tôi viết văn nhiều hơn, cùng sáng tác nhạc chung với anh Lê Vũ nhiều hơn, liên lạc và vui cùng bạn bè nhiều hơn, thỉnh thoảng nếu ai mời làm M.C cho các chương trình Hội ngộ của Không Quân thì cũng vui vẻ nhận lời, tôi chú tâm đến những việc làm mang tính nhân đạo, huynh đệ chi binh nhiều hơn,
          Có hai việc tôi cảm thấy hài lòng và bạn bè ưu ái, đó là đã “gồng mình” đứng ra hô hào anh em Không Quân, bạn bè thân quen, mỗi người một ít, góp gió thành bão, được một số tiền 4000 Đô la, gửi cho vợ Trung tá Bùi quang Kinh, để chị có cơ hội từ Mỹ trở về miền Bắc VN bốc mộ, thiêu hài cốt của chồng và mang về Mỹ để thờ phụng. (Trung tá Kinh, là cựu Phi đoàn trưởng PĐ116, bị đi Tù cải tạo tại miền Bắc VN và đã chết tại đây)
          Và tôi đã giúp đỡ, tìm kiếm dùm cho em gái của một người bạn cùng khóa là Cao đức Châu tìm lại hài cốt của anh mình, sau mấy chục năm vô phương thực hiện được.


          Gia đình hạnh phúc trong lễ Đính Hôn con gái út: Nguyễn ngọc ThanhThảo tại tư gia

          Sau cơn mưa Trời lại sáng, phải! Có lẽ đúng như vậy? Qua biết bao nhiêu bão táp cuộc đời cũng đến lúc Trời Phật cho tôi sống đời êm ả, nhàn nhã trước khi xuôi tay nhắm mắt…
          Nhưng sao tôi vẫn cứ thấy canh cánh bên lòng nỗi niềm tâm sự:

          Quê hương còn đó? Mà mình vẫn còn đây! Biết có ngày nào, được trở về sống hoặc chết trên mảnh đất ruột thịt của mình?
          Ngày ấy, chỉ còn những người dân Việt gắn bó, đoàn kết một lòng xây dựng lại Quê Hương cẩm tú …


          KQ: NGUYỄN VIẾT TRƯỜNG
          Last edited by TRUONG VIET NGUYEN; 02-02-2018, 01:07 PM.

          Comment


          • #6
            Anh Trường ơi ,DQY tui là đực rựa thì gọi là anh đúng rồi, còn NGUYEN PHUONG ( bạn học của chị Hạnh ) là LADY mà sao gọi là anh ?

            Comment


            • #7
              Đọc câu chuyện của Anh N V Trường, thật sự đau xót,thương cảm cho thân phận người tù cải tạo . May mắn anh đã về được với gia đình, dù hạnh phúc đầu tiên không trọn vẹn. Chắc chắn vì tấm lòng thương yêu, thông cảm cho hoàn cảnh của bạn P ( LKH ) mà anh được Phật Trời ban tặng người vợ thứ hai hiền thục, giỏi giang, hết lòng với chồng con. Thật ngưỡng mộ gia đình vô cùng hạnh phúc của anh chị. Kính chúc anh chị lúc nào cũng mạnh khoẻ, an hưởng niềm vui bên con cháu.
              Kính mến,
              N Phương
              TB : P là bạn gái của LKH, học chung lớp Tiếp liên và học chung trường Lê Ngọc Hân ở Mỹ Tho, phiá sau nhà H là nhà P cách nhau con sông BĐ

              Comment



              Hội Quán Phi Dũng ©
              Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




              website hit counter

              Working...
              X