Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Lần đầu được thăm nuôi

Collapse
X

Lần đầu được thăm nuôi

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Lần đầu được thăm nuôi

    LẦN ĐẦU ĐƯỢC THĂM NUÔI

    Tất cả chúng tôi có 37 người từ Trại Quảng Ninh được chuyển về Trại Mễ - Phủ Lý - Hà Nam Ninh. Một Trại được xây dựng từ thời Pháp để lại, nó được bọc kín bằng tường gạch xung quanh và chia làm hai khu rõ rệt. Khu ngoài gọi là “Khung” dành cho Bộ Chỉ Huy của Trại, Cán Bộ Quản Giáo, Vệ Binh đều ở trong khu này. Khu trong được ngăn cách với khu ngoài bằng một bờ tường gạch, chính giữa có một vọng gác thật cao để quan sát sinh hoạt của khu trong. Chính giữa khu trong có một sân bằng đất dùng để các người tù được ngồi chơi hay đi dạo trong những giờ được thả ra khỏi phòng ngủ.

    Các buồng giam của khu trong, không thấy các buồng bắt đầu bằng số thứ tự 1, 2 ở đâu, tôi chỉ thấy số nhỏ nhất bắt đầu bằng 12, 13… cho đến số 23. Ngoài ra còn có một khu biệt giam cũng nằm ở khu trong nhưng tách biệt riêng ra một chút. Khu biệt giam này cũng đặc biệt lắm, một phòng chiều ngang chừng một mét hai hay một mét rưỡi, chiều dài khoảng hai mét, phía dưới là cái bệ bằng ximăng dùng làm giường ngủ cho tù nhân, trên bệ xi măng này có một cái “còng” bằng sắt, nửa vòng tròn phía dưới nằm dính chặt với nền ximăng, nửa vòng trên nối liền với nửa vòng dưới bằng một bản lề. Người tù khi bị nhốt vào phòng biệt giam sẽ bị đặt hai ống chân vào vừa vặn với cái còng ấy. Người ta ụp nửa vòng sắt trên lại vừa đúng với hai ống chân và khoá lại bằng một cái khóa thô sơ. Tùy theo tội trạng mà có buồng biệt giam có hai còng hay một còng. Hai còng tức là thêm một cái nữa trên cổ của tù nhân.

    Nhìn vào buồng biệt giam đã thấy lạnh người vì sự chật chội tối om thiếu ánh sáng và bẩn thỉu của nó, đặc biệt khi bị giam ở đây thì người tù bị nằm bất động, mãi cho đến khi nào được mở cửa đưa thức ăn vào và được mở còng để được ăn khi đến giờ. Những ai bị biệt giam sau bốn ngày tự nhiên bị tê cóng chân tay và bị lở loét vì cái còng sắt quái ác.

    Chúng tôi, 37 người đến Trại Mễ vào lúc hơn 10 giờ đêm, con đường dài từ Trại Quảng Ninh về Trại Mễ - Phủ Lý không biết dài bao nhiêu cây số nhưng xe chạy từ bốn giờ sang mà phải tới 10 giờ đêm mới đến. Họ nhét tất cả chúng tôi vào hai buồng 12 và 13, tức là một buồng 18 người và một buồng 19 người. Diện tích mỗi buồng chỉ vỏn vẹn chiều ngang 4 mét rưỡi, và chiều dài 8 mét. Có một đường đi nửa mét nằm chính giữa buồng ngăn đôi hai bệ xi măng cao 40 centimet dùng làm chỗ ngủ cho 18 người. Mỗi chúng tôi đêm xuống giăng mùng riêng cho từng người và phải nằm nghiêng thì mới đủ chỗ.

    Sáng bảy giờ có hai người tù thuộc dạng “cải tạo tiến bộ” gọi là “Trật Tự viên” gồm có anh Hồng Khắc Lê Minh và Nguyễn Xuân Thu, cả hai được sự tin tưởng của Bộ Chỉ Huy Trại cho giữ nhiệm vụ mở cửa buồng, đóng cửa buồng, điểm danh, và quan sát theo dõi mọi sinh hoạt của tù nhân. Hai anh này mới đầu cũng là trại viên như chúng tôi nhưng có những hành động hay “biểu hiện” gọi là “cải tạo tiến bộ” nên được giao nhiệm vụ như nói ở trên, và dĩ nhiên phải là thành phần biết xu nịnh với cán bộ đúng mức. Cả hai đều có bằng Tiến sĩ của VNCH, không một ngày đi lính.

    Vì Trại Mễ chỉ nhốt những thành phần yếu sức lao động hay bệnh tật như 37 người của cả Đoàn 776 từ Yên Bái chuyển về Quảng Ninh và từ Quảng Ninh được chuyển về đây sau khi bị áp lực sắp xảy ra trận đánh “Trung Cộng dạy cho Việt Nam một bài học”, cho nên chúng tôi không đi lao động mà được thả ra sân để đi lại dưới ánh nắng mặt trời, trưa 11 giờ 30 được lãnh phần ăn rồi tất cả vào trong buồng và khóa cửa buồng lại sau khi điểm danh từng người xong.

    Chúng tôi ăn cơm trưa và tối trong buồng, đến 2 giờ lại được mở cửa buồng tiếp tục cho ra ngoài sân đến 6 giờ lại vào buồng trở lại, và dĩ nhiên mỗi lần vào được người “trật tự viên” kèm với một Cán Bộ Quản Giáo điểm danh rất kỹ.

    Như đã nói ở trên, rằng vì là thành phần già yếu bệnh tật, trong khi di chuyển từ Yên Bái về Quảng Ninh và kể cả đến Trại Mễ, trên mui hai chiếc xe Molotova đều có mang theo hai chiếc quan tài đề phòng dọc đường có người chết thì có cái mà liệm. Chính vì đau bệnh nặng như thế cho nên thành phần chúng tôi được đưa về Trại Mễ hoàn toàn không phải đi lao động, mà sáng chiều được thả ra khỏi buồng để phơi nắng.

    Cái không khí tẻ nhạt buồn chán cứ đều đều xảy ra mỗi ngày, và tất cả đều không hy vọng được thả tự do, cũng không có hy vọng nào cho nên chấp nhận hiện tại. Một bữa, bộ chỉ huy Trại thông báo cho phép đưọc viết thư thăm gia đình và thông báo cho gia đình địa chỉ trại giam cũng như những nhu cầu về áo ấm, một ít thực phẩm khi được chính quyền địa phương cho phép đi thăm nuôi.

    Tôi đã liên tưởng đến việc gặp người thân trong vài tháng tới, nhưng không thể biết là ngày tháng nào. Tôi nghĩ ra cách gởi thư “chui” để tỏ bày những ý nghĩ thật của mình cho gia đình biết mà trong thư gởi về gia đình bằng đường bưu điện qua sự kiểm duyệt của Quản Giáo không bao giờ được phép nói ra. Thư do Quản Giáo kiểm duyệt tuyệt đối chỉ được viết “sức khoẻ tốt, học tập tốt, lao động tốt”.

    Lúc còn trên miền Cao Nguyên Yên Bái Hoàng Liên Sơn, Trại có phát cho mỗi trại viên một cái mền do Trung cộng sản xuất. Khi về đến Trại Mễ tôi nhờ một người bạn biết nghề may quần áo, cắt cái mền ra và tôi đã may từng ngày một trong vòng hai tháng thì xong cái áo lạnh. Mỗi đêm sau khi bị nhốt vào chuồng, đợi mọi người ngủ hết tôi mới dám may phần nào có những tấm vải đã viết thư xong, lót vào chính giữa hai lớp mền (cái áo lạnh được may bằng hai lớp). Phần lưng chiếc áo lẫn hai mảng trước đều có những lá thư cũng bằng vải đính bên trong.

    Trong những lá thư “chui” kiểu này, tôi nói tất cả sự thật về đời sống trong tù và khuyên người vợ hãy tìm cách vượt biên, đừng trông chờ ngày trở về của tôi vì chuyện ngày về là vô định. May xong chiếc áo tôi dự tính khi nào vợ ra thăm nuôi sẽ xin phép Bộ Chỉ Huy Trại cho vợ mang về nói là “tặng cho người Mẹ với tấm lòng biết ơn Mẹ, một món quà dành cho Mẹ”, nhưng kỳ thật “quà tặng cho Mẹ” chỉ là phương tiện chuyên chở những lá thư “chui” mà tôi tin tưởng không bao giờ bị phát giác.

    Chuyện tôi may chiếc áo lạnh thì mọi người xung quanh ai cũng thấy, ai cũng biết là để tặng cho Mẹ khi người vợ ra thăm, nhưng may bên trong có những lá thư viết trên vải mỏng kèm theo là hoàn toàn bí mật, chỉ mỗi mình tôi biết. Ngay cả những người bạn thân tín nhất tôi cũng đề phòng, vì nó rất là quan trọng, nếu lộ ra tôi sẽ bị “cùm” trong các buồng biệt giam như đã nói ở trên. Chính vì sự bí mật ấy mà tôi chỉ may trong khi các người tù đã ngủ, vì đèn trong phòng được thắp sáng suốt đêm.

    Tôi rất dạn và thích mạo hiểm, phần lớn là để giúp những bạn tù gởi được những tin nhắn về cho gia đình họ qua đường thăm nuôi. Tôi thông báo các bạn ai muốn gởi thư về gia đình, viết trên một mảnh giấy nhỏ hạn chế diện tích bằng một lòng bàn tay. Có tất cả 34 mảnh thư, tôi xếp nhỏ mỗi cạnh bằng hai ngón tay.

    Gần hai tháng trời liên tục suy nghĩ cách nào để mang những xấp thư này ra an toàn và trao cho vợ mang về Sài Gòn gởi bưu điện đến cho từng nhà các bạn.

    Hết chỗ này đến chỗ khác, tôi đều cảm thấy bất cứ chỗ nào cũng không an toàn. Phàm mình làm việc gì gian thì cũng đều thấy sợ bị lộ, giấu trong ve áo, dưới lòng bàn chân, trong quần lót cũng đều có thể bị khám xét và phát giác, vì những đợt thăm nuôi trước tôi họ vào đều kể người cán bộ đứng bên cạnh quan sát nhìn “người Trật Tự” là anh Hồng Khắc Lê Minh, hay Nguyễn Xuân Thu khám xét rất kỹ, chỗ nào cũng mò vào bất kỳ ở đâu.

    Tôi lờ mờ đoán sẽ có ngày người vợ từ miền Nam lặn lội ra đây thăm chồng 30 phút, trải qua bao nhiêu là gian truân khó khăn dọc đường, lần đầu tiên đặt chân đến miền “Đất Bắc XHCN” đầy lọc lừa trộm cướp, tôi nhắm mắt lại và thở ra ngao ngán, nhưng những nhu cầu về vật chất lại lấn át sự lo lắng khôn cùng.

    Tôi rất cần thêm dinh dưỡng để sống còn khi cái thây ma chỉ còn chừng 35 - 36 ký lô, mà lúc ở Trại Quảng Ninh tôi không còn bước đi được nữa, chỉ có nằm suốt ngày.

    Nhưng thức ăn cũng chỉ là điều chưa phải tất yếu, tôi khao khát gặp mặt người vợ, mới vừa cưới nhau đúng một năm thì tôi chui vào tù. Người con gái đợi chờ tám năm kể từ ngày quen đến ngày cưới. Sau khi cưới lại chịu cảnh chia xa tiếp và lần này không có định mốc thời gian xum họp. Cái khao khát tình cảm và tinh thần của một con người lớn mạnh và mãnh liệt trong cuộc sống gian truân khắc nghiệt của đời sống tù tội và kể cả đời sống thường nhật ngoài đời sau khi mất Nước của từng người dân có chồng, cha đi “cải tạo”.

    Hai tháng chờ đợi ngày Vợ đến thăm, hầu như trong đầu tôi chỉ nghĩ về chuyện thăm nuôi, và cảm xúc lúc nào cũng chực chờ bên cạnh tưởng như đang được gặp mặt, cùng với sự hồi hộp về chuyện chuỳển cái áo lạnh và xấp thư của các bạn ra khỏi nhà tù sao cho suông sẻ. Nhức đầu nhất là giấu mấy chục mảnh thư của bạn bất cứ chỗ nào cũng thấy sẽ bị phát giác. Nếu khám xét trước khi cho ra gặp gia đình mà bị tìm thấy những lá thư này thì xem như quay gót trở vào phòng, bị cấm thăm nuôi, người vợ hay gia đình sẽ cảm nhận nỗi đau ra sao khi vượt đường dài hơn một ngàn cây số mà không được gặp mặt, và có thể quà cáp cũng không được nhận.

    Tôi lo lắng suốt ngày đêm tìm chỗ để giấu mà không tìm ra được chỗ nào cho yên tâm, tuy nhiên tôi cũng phải giữ đúng lời hứa sẽ mang ra cho được như là một cử chỉ giúp những người bạn tù đang khốn khổ. Cuối cùng tôi quyết định táo bạo dùng sợi giây thun cột chặt 34 mảnh thư ấy vào trong ống quyển của cái chân, phải gần chỗ gót bàn chân sau khi anh Hồng Khắc Lê Minh đến tìm tôi thông báo “ tôi chuẩn bị thăm nuôi”.

    (Cũng xin nói thêm rằng một năm sau khi đặt chân đến Hoàng Liên Sơn, trong lúc lên núi cao phát quang chuẩn bị trồng khoai mì, tôi đã bị té ngã và lăn nhào xuống chân núi, làm chấn thương thần kinh toạ cốt và bị liệt chân trái từ ngày ấy đến khi thả ra khỏi nhà tù, tôi phải chống nạng. Ngày trở về tôi bước lê với cây nạng gỗ, vai mang cây đàn guitar tôi tự làm trong trại và cầm một bó bông muốn tặng vợ trong ngày đầu tiên bước vào nhà sau khi ra trại. Người hàng xóm nhìn thấy tôi không nhận ra và cứ tưởng là một người “đi ăn xin hát rong độ nhật” mà sao lại có bó bông.)

    Chuẩn bị xong xuôi cho những mảnh thư “chui”, tôi cầm lấy cái áo lạnh đã may, mang theo và chống nạng đi cùng với Hồng Khắc Lê Minh ra cạnh bức tường ranh giới của hai khu vực Trại Giam. Ở đây đã có một tên “Cán Bộ Tư Tưởng” là Trung Uý Hiến đứng chờ sẵn. Tên Hiến ra lệnh cho Hồng Khắc Lê Minh bắt đầu kiểm tra thân thể tôi.

    Lê Minh bảo tôi giở cái mũ ni che tai ra khỏi đầu (vì lúc này là mùa đông lạnh lắm), tất nhiên trên đầu trống trơn, tay Lê Minh vò bóp nhiều lần trong lớp vải dày của cái mũ ni. Lê Minh bảo tôi cởi hết ba lớp áo ra từng cái một, và Lê Minh vò bóp từng cái ve áo, cái túi áo, cổ áo xem có giấu gì trong từng phân vuông trên mỗi cái áo. Bảo tôi bỏ đôi dép ra khỏi chân để khám trong đôi dép. Giai đoạn cuối cùng, tên Cán Bộ bảo “cởi chiếc quần ra”, tôi nghĩ trong bụng “thôi xong rồi, có lẽ họ sẽ thấy ngay đống thư cột một cục ngay dưới ống quyển và họ sẽ giận dữ, nạt nộ lên lớp ca bài ca con cá và tống khứ tôi trở lại phòng là cái chắc, và vợ tôi hay còn ai nữa tôi chưa biết đi cùng trong cuộc thăm nuôi này sẽ có những giọt nước mắt lăn dài trên má khi được thông báo tôi “vi phạm nội quy” thăm nuôi và đã bị cấm không được gặp.”

    Tôi tin tưởng như có bàn tay vô hình ngay lúc ấy đã phù trợ cứu tôi. Hồng khắc Lê Minh thấy tôi cởi chiếc quần ra một cách khó khăn vì chỉ xử dụng được một tay trái, còn tay phải phải cầm giữ cây nạng gỗ, khi tôi tuột được chiếc quần xuống đến hai bàn chân, đang định cho ra khỏi bàn chân thì hắn bảo thôi tới đó được rồi. Hú hồn, nếu tuột hết ra thì đống thư “chui” sẽ hiện ra trước mắt chàng Cán Bộ nổi tiếng hắc ám nhất trại. Chiếc quần đủ để che lấp cái đống thư còn đang cột chặt xung quanh ống quyển. Hồng Khắc Lê Minh tự nhiên bảo tôi “thôi được rồi”, tôi tưởng như có một bàn tay vô hình nào đó đã cứu giúp tôi thoát nạn. Hắn dùng hai bàn tay xoa nắn trên khắp chiếc quần đùi tôi đang mặc mà không bảo tôi cởi nó ra, chắc sợ “công xuất tu sĩ” chăng ?

    Lúc nãy khi nghe “Cởi quần ra!”, tim tôi đập nhanh hơn và hồi hộp nhiều vì biết được chuyện gì sẽ xảy ra nếu lộ, tuy nhiên tôi sẽ chấp nhận tất cả mà không hề hối hận. Nhưng sau khi nghe tên Cán Bộ Trung Uý Hiến thốt ra “thôi được rồi cho anh ta mặc áo quần vào”, tôi mới thực sự nhẹ nhõm và mừng vô cùng. Tôi nghĩ số phần của tôi còn may mắn.

    Ăn uống thiếu thốn còn da bọc xương, bị bắt cởi hết áo quần ra trong thời tiết giá lạnh mùa đông miền bắc chừng 4 hay 5 độ C, đối với người tù hết sức lực là điều oan khiên lắm rồi, như là một thủ tục tra tấn trước khi gặp được vợ sau 5 năm xa vắng. Sau khi mặc áo quần xong xuôi, tôi bắt đầu xin phép cho tôi được mang cái áo lạnh này ra để cho vợ mang về tặng cho người Mẹ. Tôi nói: “Thưa cán bộ, đây là cái áo lạnh tôi đã may nó trong ba tháng, và là tình cảm của người con dành cho Mẹ, xin phép cho tôi được gởi về biếu cho Mẹ.”

    Tên Trung Uý Cán Bộ Tư Tưởng trợn con mắt ếch lên ngạc nhiên nói: “Không được, anh không được phép mang bất kỳ cái gì ra lúc thăm nuôi, nếu mang ra là anh đã vi phạm nội quy của Trại”. Người trật tự viên Hồng Khắc Lê Minh thì im lặng và chờ lệnh kế tiếp. Tên Cán Bộ không ra lệnh cho Lê Minh cầm chiếc áo lạnh vào buồng ngủ cho tôi mà lại nhìn vào mặt tôi, hất hàm nói: “Anh mang trả cái áo lại trong buồng.”

    Tôi buồn xo và chấp nhận thất bại không gởi được cái áo ra ngoài, nhưng đã mừng vừa được thoát nạn với mấy chục lá thư “chui”. Tôi bang bang chống nạng đi nhanh vào buồng 13 của mình, quăng cái áo lên sạp ngủ rồi quay trở ra thật nhanh trong khi các câu hỏi, thắc mắc của đám bạn tù nhao nhao theo sau “đại khái khám rồi sao lại được vào..?”

    Sự sai lầm của tên cán bộ là đáng lẽ phải ra lệnh cho tên Trật Tự Viên cầm cái áo trở vô phòng mới phải, vì cả cơ thể của tôi đã khám xét xong rồi, giờ đi vào phòng và trở ra thì hóa ra xem như chưa khám xét (biết đâu có giấu cái gì khi được đi vào phòng thì sao).

    Nhiệm vụ của Hồng Khắc Lê Minh đến đây là chấm dứt, phần còn lại do Trung Uý Cán Bộ Tư Tưởng dẫn tôi đi ra phòng thăm nuôi của Trại để gặp thân nhân trong 30 phút theo quy định Trại. Tôi chống nạng bước theo sau tên trung uý, khi đi ngang chính giữa khoảng sân rộng của Bộ Chỉ Huy Trại, thình lình tiếng chuông điện thoại reo bên trong căn phòng, một trong những dãy nhà của Chỉ Huy Trại.

    Tại sao điện thoại reo đúng lúc quá, nếu không có điện thoại reo thì bằng cách nào mà tôi chuyển được đống thư “chui” còn cột chặt dưới ống quyển để bỏ lên túi áo ngõ hầu khi gặp vợ mới dẽ dàng chuyền tay qua cho vợ được. Giống như có ai đó đã cứu tôi. Điện thoại reo, tên cán bộ nói “anh chờ ở đây một chút” và hắn nhanh chân bỏ đi về hướng đó. Một cơ hội bằng vàng đã giúp tôi thực hiện di chuyển các lá thư từ dưới ổng quyển lên túi áo. Tôi bèn làm bộ như có kiến cắn chân, liền bỏ cây nạng gỗ xuống đất và ngồi xuống gãi chân. Tôi gãi ngay cái ống chân có xấp thư đang cột trong đó và kéo nhanh ra, tay vo tròn trong lòng bàn tay chưa bỏ vội vào túi áo. Mắt tôi đảo nhanh xung quanh xem có ai đang nhìn mình không, tên cán bộ nghe điện thoại cũng chưa ra, tôi giả như lau trán bằng cách móc trong túi áo trên ra một cái khăn tay ngỏ đã chuẩn bị trước. Tôi làm bộ dùng khăn tay lau trán nhưng kỳ thật nhét nhanh xấp thư vào trong khăn tay ấy. Khăn tay này dùng để lau nước mắt cho vợ vì biết thế nào cũng chảy nước mắt khi nhìn thấy hình hài tàn tạ của chồng. Và chính khăn tay này là vật bao che đám thư “chui” khi tôi trao cho vợ.

    Tôi đã làm một cách trót lọt chuyển thư từ ống quyển gói lại trong khăn và bỏ vào túi áo trước khi tên cán bộ trở lại đưa tôi đi tiếp. Dãy nhà dùng để thăm nuôi lợp bằng tranh vách đất, một phòng trống trơn từ sau ra trước đặt một cái bàn hình chữ nhật bằng gỗ cũ kỹ thô sơ, có hai cái ghế dài hai bên bàn, một cái ghế chiếc đặt ngay đầu bàn dùng cho tên cán bộ Hiến ngồi chình ình ở đó để nghe mọi lời nói giữa tù nhân và gia đình trao đổi với nhau.

    Hắn chỉ cho tôi ngồi ghế đối diện với vợ và người chị vợ đi cùng để ra thăm tôi, chưa nói được lời nào đã thấy đôi mắt của vợ đỏ hoe, và từng giọt nước mắt lăn dài trên má. Gặp mà khóc vì xúc động cũng có mà có lẽ không ngờ nhìn thấy tôi tàn tạ ốm đến như thế này và cái bất ngờ là cây nạng gỗ. Tôi cũng xúc động không kém, nghẹn cuống họng đắng nghét, chỉ kịp thốt “Chị Hai và Em” trong lời chào..

    Hắn nói như ra lệnh : “Anh phải nói to cho tất cả đều nghe, và để hai tay lên bàn. Anh được phép gặp gia đình trong 30 phút, tôi sẽ báo trước cho anh biết khi nào hết giờ thăm. Anh chị “khẩn trương lên.” Tôi đang “nặng nợ” với một đống thư của bạn nhờ chuyển về, tình cảnh này làm sao lấy thư từ túi áo để trao cho vợ được đây?

    Tất cả những câu chuyện hỏi qua hỏi lại cũng chỉ có hỏi thăm sức khoẻ và công việc tại nhà chứ không nói được gì hơn. Anh chàng Trung Uý Hiến này coi bộ “ khoái” con gái miền Nam vì nước da trắng, cách ăn nói rất dịu dàng mềm mỏng, nhất là cách ăn mặc rất À La Mode, Áo Mantau của một thời VNCH chưa phai nhạt. Người chị vợ còn rất trẻ và đẹp đã làm tên Cán Bộ như bị hút hồn. Chị tôi nói với hắn: “Nhờ ơn Cán Bộ mà em tôi được khoẻ mạnh, cám ơn Cán Bộ nhiều lắm!” Anh chàng đã phải lòng gái miền nam bằng những lời tán tỉnh khô cằn của trai Bắc kỳ Cộng Sản thiếu tính lãng mạn nịnh đầm. Hắn ta bày tỏ chỉ bằng cách “cho anh Trãi qua ngồi cùng bên với gia đình cho thân mật.”

    Thiệt là một cơ hội bằng vàng hiếm có, ít ai được như vậy, một dấu hiệu dễ dãi để chiếm cảm tình bà chị của tôi và anh ta dồn hết thời gian còn lại dùng cho việc “tán gái” với bà chị và ít để ý đến tôi nữa. Nhân cơ hội những giọt nước mắt của vợ còn đang lăn dài trên má, tôi đưa tay lên túi áo, không quên vo tròn và nắm chặt cái khăn lại để cho đống thư không bị rớt ra, tôi lau nuớc mắt cho vợ như một cử chỉ rất tự nhiên, sau đó tôi vất chiếc khăn lên bàn trước mặt mọi người.

    Trong lúc hắn say sưa nói chuyện với bà chị của tôi, mà dường như chị cũng hiểu ý cho nên cố tình chăm chú đẩy đưa câu chuyện giữa anh chàng Cán Bộ háo sắc hầu tôi được thoải mái hơn. Tôi kề miệng vào tai vợ nói nhỏ: “trong khăn có thư, em lấy cất đi, đừng làm rớt thư ra ngoài”.

    Vợ tôi không lấy khăn ngay, phải chần chừ một lúc để không bị nghi ngờ, sau đó cầm gọn chiếc khăn lên lau mặt rồi làm như quên tuởng là khăn của mình nên bỏ vào cái xắc tay. Thế là công việc chuyển thư đã trót lọt.

    Ngay lúc này Trung Tá Nhã, tên Trại Trưởng bước vào. Tên Trung Uý đứng lên giới thiệu: “Thưa đồng chí, đây là gia đình của anh Trại Viên Nguyễn Trãi được thăm nuôi hôm nay”, và hắn giới thiệu với chị cùng vợ tôi: “Đây là Đồng Chí Trại Trưởng”.

    Chị và vợ tôi đứng lên chào một cách lịch sự và tỏ lời cám ơn Cán Bộ Trại Trưởng đã ưu ái cho chúng tôi được gặp em của chúng tôi hôm nay. Phải thành thực nói rằng, từ ngày Miền Nam bị mất vào tay CS thì lần đầu các tay CS này được nhìn thấy tư cách, phong độ, sự lịch thiệp tao nhã của người dân Miền Nam làm cho hai tên Cán Bộ đang đứng trước mặt thán phục và tấm tắc khen khợi. Họ biểu lộ thiện cảm ra mặt bằng những lời tâng bốc khen ngợi liên tục.

    Một điều rất mắc cười đến trơ trẽn là Tên Trại Trưởng Nhã chưa bao giờ gặp tôi, biết tên tôi là gì nhưng lại mở miệng nói rằng: “Các chị biết không, anh này hồi mới về yếu lắm. Bây giờ nhờ sự chăm sóc của Trại, anh ta đã khoẻ hẳn ra nhiều lắm rồi đấy!”

    Dĩ nhiên bà chị và vợ cám ơn “nhờ ơn Cán Bộ chăm lo chu đáo”. Hai anh chàng ta tỏ ra sung sướng lắm. Tôi lợi dụng không khí dễ dãi này bèn đứng lên nói với tên Trại Trưởng: “Thưa cán bộ, sáng nay tôi có mang ra khỏi Trại một cái áo lạnh do chính tay tôi may trong thời gian ba tháng, đây là một tình cảm thiêng liêng mà tôi dành cho mẹ, một món quà tinh thần. Nhưng khi ra khám xét thì Cán Bộ Hiến không cho mang ra. Vậy xin Cán Bộ giúp đỡ cho tôi được gởi về tặng người Mẹ của tôi đang nhớ thương ở nhà.”

    Tên Trung Tá tỏ vẻ thú vị cùng ngạc nhiên nghe tin này, quay qua anh chàng Cán Bộ Tư Tưởng hỏi: “Áo đâu rồi?”, tên Trung uý Hiến trả lời: “Thưa đồng chí, sáng nay anh Trãi có mang ra, nhưng tôi không đồng ý và bắt mang trả lại trong buồng rồi”. Trung Tá Nhã như muốn tỏ ra hào phóng và nịnh đầm trước đàn bà để lấy cảm tình nên nói “Thôi cho chị mang về đi”. Tôi thấy như nhẹ ngàn cân và mừng trong bụng vì được cho mang áo về. Tôi nghiêng đầu nói thầm với vợ : “Có thư bên trong áo, lột ra mà đọc”.

    Tôi không nhớ đã hết giờ thăm chưa, nhưng tên Trung Uý nói: “Anh Trãi khẩn trương lên còn tranh thủ vào trong mà lấy áo, đã hết giờ rồi”. Tôi mừng quá, thế là tôi bang bang đi thật lẹ vào buồng của mình để vơ vội chiếc áo quăng lên chỗ nằm sáng nay. Các người bạn nhìn thấy tôi hết sức ngạc nhiên “Sao lại vào đây rồi còn được ra trở lại ?”, tôi không trả lời, chỉ lo đi nhanh ra khu nhà thăm nuôi cũng khá xa nơi mình ở.

    Khi tôi cầm trên tay chiếc áo lạnh bước vào căn phòng thăm nuôi đứng trước mặt tên Cán Bộ Tư Tưởng thì nét mặt của hắn sa sầm giận dữ, màu mặt đỏ gay thét lớn “Tại sao anh lại vào trong trại lấy cái này ra đây ?” Tôi rất tự nhiên bình tĩnh trả lời: “Thưa cán bộ, chính cán bộ bảo tôi “còn tranh thủ vào lấy áo lạnh nữa” kia mà.”

    Bây giờ hắn mới vỡ lẽ ra rằng hắn bị hố, chính hắn nói thế nhưng kỳ thật phải là tên Trật Tự viên đi lấy áo chứ không phải tôi, vì tôi đi vô trại thì làm sao ai biết tôi có giấu gì trong áo ? Bản chất của CS là nghi ngờ, trước cái chẳng đặng đừng và đứng trước mặt gia đình tôi, hắn không thể sỉ vả áp đảo hay miệt thị tôi cho nên hắn cầm chiếc áo trên tay và bảo tôi đi theo hắn.

    Trung Uý Hiến đi dến cuối dãy nhà vì biết nơi này nói gì gia đình tôi cũng không nghe thấy. Hắn bắt đầu nạt nộ to tiếng, đổ tội cho tôi cố tình đi vào trong trại để lấy áo ra. Tôi cứng rắn trả lời một cách cả quyết: “Chính cán bộ bảo tôi “ khẩn trương” lên rồi còn “tranh thủ” vào lấy áo chứ tôi đâu có tự ý đi vào trại”. Hắn vẫn cho rằng tôi vào trại một mình là đã phạm nội quy, và làm sao biết được có gì bên trong áo? Tôi biết chắc tất cả các thư viết trên vải khi khám bằng cách vò nhầu lớp nỉ bên ngoài không bao giờ biết được có gì bên trong, chỉ trừ khi phải xé áo ra thì tôi đầu hàng. Tôi tháu cáy tên trung uý bằng cách đưa một cách dứt khoát và mạnh bạo chiếc áo trước mặt cho hắn và nói “Đây, cán bộ cứ khám nó đi xem tôi có giấu gì không ?”

    Trước sự dứt khoát khá mạnh của tôi - chính là điều làm hắn tiến thoái lưỡng nan – hắn lúng túng không biết làm cách nào mà trong đầu thì vẫn nghi ngờ và cho tôi là vi phạm nội quy vì không thể tự mình đi vào trại không có ai đi cùng. Đang lúc cả hai người cùng lớn tiếng thì tên Nhã Trại Trưởng đi ngang ngoài sân, nghe thấy bèn rẽ vào và hỏi “Có chuyện gì vậy?” Tên Trung uý Hiến nói ngay: “Thưa đồng chí, anh Trãi tự đi vào trong Trại mang cái áo này ra”. Tôi cuớp lời: “Thưa Cán Bộ, đúng như Cán Bộ cho phép gia đình tôi mang cái áo này về cho Mẹ tôi, và chính cán bộ Hiến bảo tôi đi vào lấy áo ra tôi mới lấy. Cán bộ không tin thì cứ khám nó đi”. Thấy tôi cứng giọng của một người ngay không sợ lẽ phải và một lần nữa thách thức tên Trại Trưởng “Cán Bộ không tin hãy khám nó đi !”

    Trung Tá Nhã đang trong cái thế khó xử, không khám thì không được mà khám thì làm sao mà khám trong khi gia đình người ta đang chờ, ông ta bèn nói gỡ gạt: “Tôi tưởng cái gì quý giá chứ cái này có gì mà phải gởi về?” Tôi liền đáp trả: “Thưa cán bộ, như tôi đã nói ban đầu, nó không có giá trị vật chất, nhưng đối với tôi nó rất có giá trị về tinh thần, nó là tình cảm của người con dành cho người Mẹ đang nhớ thương từng ngày, và chính từng mũi kim là tình yêu thương của tôi dành cho người Mẹ. Nếu Cán Bộ còn nghi ngờ thì tôi đồng ý không gởi nữa, nhưng tôi phải trả lời làm sao đây khi lúc nãy Cán Bộ đã đồng ý cho gởi bây giờ lại nói không đối với chị và vợ của tôi ? “

    Tôi đã đánh trúng tâm lý tên cán Bộ Trại trưởng, lúc nãy trước mặt chị và vợ của tôi nói bao nhiêu là điều tốt mà người thân của “cải tạo viên” phải mang ơn, bây giờ mới đó không lẽ đã nuốt lời và thay đổi? Tên Trại Trưởng suy nghĩ một chút bèn hất hàm về anh chàng trung uý như ra lệnh: “Thôi cho ảnh mang về đi”. Vậy là tôi chiến thắng trong sự hậm hực của tên Trung Uý đành phải chấp nhận lệnh của Trại Trưởng. Hắn trở lại chỗ người chị vợ và vợ đang ngồi chờ, vẻ mặt vẫn còn hậm hực và trơ trẽn nói: “Anh Trãi đã tự động vào trong lấy cái này, theo đúng nội quy là không được, nhưng Trại vẫn thông cảm cho các chị mang về, đó là sự quan tâm của chúng tôi.”

    Tôi chia tay trong sự nhẹ nhõm vì thoát nạn, nhưng vô cùng ngậm ngùi khi giây phút giã từ. Tôi nhìn nhanh trên khuôn mặt hai người đã thấy những nét không bình thuờng. Tôi quay gót đi vào trại mà lòng đau như xé ra từng mảnh vụn.

    Thương biết chừng nào, yêu biết chừng nào… đã vượt nghìn trùng gian khổ để đến đây được nhìn mặt chồng, mặt em… Tôi cám ơn vô vàn và đâu biết lời nào để diễn đạt tình cảm lúc này của tôi dành cho hai người…

    Nguyễn Trãi


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X