Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Người vợ lính.

Collapse
X

Người vợ lính.

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Người vợ lính.

    Người Vợ Lính

    TiênSha-LêLuyến


    ---oo0oo---


    1- Tâm bùi ngùi rời nghĩa trang Memorial Park Gainesville với những hàng mộ bia nằm im lìm, lạnh lẽo dọc hai bên lối đi, muôn đời vẫn hững hờ câm nín như cùng chịu chung số phận đau buồn của những con người đã lìa xa cõi trần, ra đi vĩnh viễn về thế giới hư không mà người đời thường nói ở đó không có tiền tài, danh lợi, quyền lực và hận thù.

    Cái chết đột ngột của chiến hữu Nguyễn Mến - một đàn anh trong quân đội, trên mảnh đất tạm dung mà chung quanh anh không có vợ con, không một người thân thuộc, chỉ có những chiến hữu cùng chiến đấu năm xưa và những đồng hương xa lạ, làm lòng Tâm xót xa không ít. Người huynh trưởng đã nằm xuống không có nửa lời trăn trối trong một ngày buồn, tại thành phố nhỏ bé nằm xa xôi tận cuối tiểu bang Georgia thuộc miền Ðông-Nam Hoa Kỳ. Tâm đã có mặt tại thành phố nầy trong phái đoàn phúng điếu của Khu hội Cựu tù nhân Chính trị VNCH. Tang lễ diễn ra thật đơn giản và lặng lẽ, không nước mắt, không một vành khăn tang tiễn đưa người quá cố. Sau vài lời phát biểu và cám ơn ngắn ngủi của vị đại diện Khu hội, đoàn người điếu tang tuần tự đi đến chào vĩnh biệt người bất hạnh lần cuối. Không khí nhà quàn nặng nề u uất như cô đọng nỗi đau buồn của một kiếp đời phù du.

    2- Tâm buồn bã ra về. Anh chầm chậm lái xe nhập vào con đường chính của thành phố, đại lộ Brown Bridge có hai hàng trụ điện chạy dài theo con đường và những bóng đèn sáng rực. Khu nghĩa trang im lìm nằm lùi phía sau và dần dần khuất dạng.

    Tâm bỗng dưng thấy cay cay nơi khóe mắt. Cuộc đời anh đã nhiều lần chứng kiến cái chết, đã bao nhiêu lượt đặt chân đến nghĩa trang và đã nghe không ít những tiếng khóc kể ai oán, thê lương đến não lòng của kẻ mất người thân. Và lần nào cũng vậy, nhìn bề ngoài con người tưởng chừng như lạnh lùng cứng rắn đó, thật ra bên trong là cả một trời bi lụy yếu đuối, khi nhìn những nắm nhang hắt hiu cháy lan tỏa thành những vòng khói định mệnh ngoằn ngoèo, mong manh mờ nhạt rồi tan loãng dần, hóa thành hư vô không thực như kiếp người ngắn ngủi. Thế nhưng lần nầy, anh thấy lòng đớn đau dai dẳng đến quặn thắt.

    Tâm thở dài. Anh hạ kiếng xe, đốt một điếu thuốc rít từng hơi dài như để đè nén nỗi bi thương đang dâng tràn cõi lòng. Khi xe vào freeway, Tâm tăng tốc độ, chiếc xe lao vun vút, ánh đèn pha quét sáng lòe trên mặt đường phẳng phiu dài hun hút, chập chùng đồi núi thoai thoải hai bên, tiếng gió thổi ào ào mát lạnh, Tâm thấy nỗi buồn phiền như lắng xuống, dịu dần. Anh say mê với tốc độ để tìm lại cho tâm hồn mình một thế quân bình, sau cái tang đột ngột của người đàn anh mới quen biết chưa được bao lâu trên đất Mỹ. Hơn bao giờ hết Tâm muốn làm cái gì đó để quên đi những nhức nhối, cay đắng của cuộc đời, của thân phận lưu vong để nỗi buồn chìm xuống, tan đi trong lòng những con người tưởng chừng như đã chai lạnh sau niềm đau thất trận và những bàng hoàng dồn dập của uất hận mất nước, tù đày, ly hương và tử biệt.

    3- Thời gian rồi tất cả cũng đã trôi qua, mọi người vẫn phải trở về với gia đình, với công việc, tiếp tục kéo lê cuộc sống nhàm chán ở nơi hãng xưởng xứ người, hầu có tiền để trang trải đủ thứ nợ nần và hàng tá việc cần tiêu xài khác mà chẳng biết mắc míu tự lúc nào, nhưng chắc chắn là bắt nguồn từ những ràng buộc tình cảm ở nơi quê nhà.

    Tâm cũng không ngoại lệ. Hàng ngày anh bận rộn với công việc sinh kế, về đến nhà Tâm lại lao ngay vào công việc chung của hội đoàn. Anh sốt sắng làm tất cả mọi việc được giao phó, bất kể thời gian nắng mưa, khuya sớm. Anh làm với sự tự nguyện, như một ức chế tâm lý cần được giải tỏa. Không ai hiểu thấu tâm tình của anh. Chỉ riêng anh mới hiểu rõ lòng mình và quyết định phải làm gì khi tận mắt chứng kiến, tận tai nghe được những uất hận, tủi nhục, đày đọa, bất công của những người không trực tiếp chống cộng sản, bị bạc đãi, hành hạ và lăng nhục. Họ chính là vợ con, là bạn bè, là đồng bào vô tội miền Nam, bị kẻ thù chụp mũ gán ghép là thân nhân trực hệ với những người đã tích cực tham gia chống phá cách mạng trước đây.

    Bạn bè ngoại cuộc mấy ai hiểu được lý do thầm kín trong lòng những người lính bất khuất, mang nỗi đau lạc loài vong quốc. Họ có tư cách, khí độ của một kẻ sĩ, của một người yêu nước chân chính. Mất cây súng, họ lập tức cầm cây bút để lập lại một chiến tuyến mới, một cuộc đối đầu mới, với một thế lực bạo tàn, chuyên chế đã tước đoạt lẽ phải và vùi dập thân xác họ, đày ải người thân của họ, ngay trên chính mảnh đất tổ quốc thân yêu của mình.

    Do vậy những lúc tình cờ bạn hữu thấy Tâm cật lực làm công việc “ăn cơm nhà vác ngà voi”, ai ai cũng ngạc nhiên tự hỏi không hiểu động cơ nào đã thúc đẩy anh nhiệt tình, tận tụy lao mình vào những công việc tuế toái của thiên hạ mà nhiều người thường e ngại tránh xa.

    Thời gian gần đây nhiều đoàn thể được ra đời, các tổ chức đấu tranh càng ngày càng phát huy ảnh hưởng và sức mạnh. Thành phần tham dự đại đa số là người chế độ cũ ra đi tỵ nạn chính trị trong ngày mất nước hoặc sau nầy theo diện HO. Họ trực tiếp chủ động hội họp, điều hướng các phương thức và tổ chức diễn đàn chống Cộng. Một số ít là thế hệ trẻ học sinh sinh viên, sinh ra ở trong nước và trưởng thành ở ngoại quốc. Họ tham gia cộng đồng theo lời bảo ban của gia đình hoặc theo ý thức của con tim, tự nguyện nhận lãnh trách nhiệm đứng vào hàng ngũ các tổ chức để “ Bảo tồn và phát huy văn hóa người Việt ở nước ngoài”, chống lại sức thu hút hội nhập kỳ dị của xã hội Mỹ, một nền văn minh hiện đại của cường quốc thế giới, nơi pha trộn nhiều chủng tộc, mầu da và nhiều thứ văn hóa, ngôn ngữ dị biệt. Nước Mỹ là hình ảnh một con bạch tuộc khổng lồ rất thông minh với nghìn cánh tay, nghìn con mắt, có năng lực tiềm tàng của sức mạnh kinh tế, khoa học, văn hóa, quân sự… vạn năng, có thể dễ dàng nuốt chửng tất cả mọi thứ nhận được từ bên ngoài, cả cái tốt lẫn cái xấu. Nó hủy hoại quá khứ con người, nó cải biến cái lạc hậu thành văn minh, nó nhào nặn con người biến thành kẻ khác, để trở nên một thứ máy móc như rôbô, chẳng hề có cảm tính.

    Ðã có những việc làm đáng phục ban đầu của lớp trẻ, tuy rằng vẫn cần phải cố gắng tích cực hơn nữa. Những lớp học tiếng Việt ra đời, những ngày giỗ Tổ, ngày tết, ngày hội lễ truyền thống, ngày kỷ niệm đất nước … luôn được tổ chức hàng năm, các lễ nghi quan hôn tang tế vẫn được duy trì trong đời sống người Việt ly hương. Ban đầu chỉ gói gọn trong cộng đồng, dần dần phát triển hướng ra rộng rãi bên ngoài xã hội như Hội Phát triển Văn hóa thế giới, ngày Cựu chiến binh, ngày Quốc tế Nhân quyền 10-12 ... Tuy rằng các tổ chức, đoàn thể của người Việt quốc gia chống cộng vẫn chưa đạt được mục đích tối thượng, nhưng cũng đã làm cho kẻ thù ở bên kia bờ đại dương lo ngại không ít.

    Thế nhưng bên cạnh những thành quả đáng khích lệ lại nẩy sinh ra nhiều phiền toái khác như nạn bè phái, tranh giành chức quyền … đã dẫn đến những phân hóa, rạn nứt trong cộng đồng người Việt hải ngoại tại nhiều tiểu bang, đã làm thối chí nản lòng không ít những người tài ba có tâm huyết, muốn đứng ra gánh vác chuyện cộng đồng, quê hương. Một số kẻ tiêu cực thì tỏ ra thờ ơ lạnh nhạt, sống tách rời tập thể để được nhàn nhã hưởng thụ và vô hình chung họ trở thành là người khán giả vô tâm, dửng dưng đứng nhìn những diễn viên đang tận sức trên sân khấu cuộc đời, mà những diễn viên đó không ai xa lạ lại chính là chiến hữu thân thiết đã một thời đứng chung dưới một bóng cờ, sinh tử cùng chia, cam khổ đồng chịu.

    Những người nghệ sĩ bất đắc dĩ như Tâm, dấn thân trên sân khấu cuộc đời chỉ duy nhất bằng vào tấm lòng chân chính và niềm tin tất thắng, thì dẫu có cay đắng bao nhiêu cũng vẫn mỉm cười an ủi và cương quyết phải làm tròn lời thề Tổ Quốc - Danh Dự - Trách Nhiệm của một quân nhân Quân Lực VNCH. Nghĩ vậy nên Tâm dồn hết mọi nỗ lực vào công việc chung cộng đồng.

    Ngoài công việc ở hãng, về nhà sau khi tắm rửa là Tâm ngồi vào bàn bắt đầu tập trung làm việc. Bạn bè đến chơi lúc nào cũng thấy anh chăm chỉ trước computer, lay-out từng trang báo, sửa bài, viết bài để hàng tháng phát hành tờ báo Nguyệt san của Hội Cựu Tù nhân Chính trị tiểu bang đúng hạn kỳ. Mọi khoản lợi tức thu được từ quảng cáo, đăng tin … đều được sung quỷ và công khai hóa minh bạch. Tất cả được dành dụm để lo cho các chiến hữu ốm đau, sống đơn chiếc, tai nạn … hay giúp đỡ anh em thương phế binh, cô nhi quả phụ còn kẹt lại ở quê nhà. Và cứ thế, Tâm miệt mài làm việc hàng tháng hàng năm, không ngơi nghỉ, không mệt mỏi, chán nản. Bạn bè đến chơi rất thán phục trước sự hy sinh của Tâm, và chính từ những việc làm âm thầm nầy đã tạo ra trong lòng các bạn cực đoan, quá khích, tiêu cực … le lói lên những ánh sáng lạc quan, tin tưởng vào tấm lòng chân thật, có lý tưởng niềm tin vào tương lai chính nghĩa. Và không biết tự bao giờ, việc làm của Tâm đã nhẹ nhàng len lén đi vào tâm thức của bạn hữu, rồi đến một ngày những người đó đã tự động tháo gở mọi nhận thức sai lệch và ấn tượng vị kỷ hẹp hòi không đúng trước đây, họ tự nguyện đứng vào hàng ngũ bên cạnh Tâm, tham gia vào các sinh hoạt tập thể, làm những công việc ý nghĩa như đối với cái chết đột ngột của người huynh trưởng bất hạnh cô đơn Nguyễn Mến.

    4- Một buổi chiều từ sở làm về. Nhà vắng vẻ như thường lệ, vợ Tâm còn bận việc ở hãng. Ðứa con gái út trước khi đến trường ghi lại cho anh mấy dòng nhắn tin: “Có một bà từ Florida phone đến xin được gặp đại diện báo Nguyệt san Tự Do của Hội Cựu Tù nhân Chính trị Georgia. Con trả lời hiện không có ai ở đây. Bà ta để lại số phone và nói sẽ gọi lại rất sớm.”

    Tâm sửa soạn đi tắm. Anh không mấy quan tâm về việc có người xin gặp. Ðảm nhận tờ báo một năm nay anh không lạ gì chuyện nầy, thỉnh thoảng vẫn có khách gọi đến nhà anh là nơi mượn tạm địa chỉ, số phone để đặt văn phòng cho tờ báo, họ xin đăng quảng cáo tìm người giúp việc, chăm sóc trẻ em, hay mua bán xe, nhà, tiệm .v.v... Bà nầy chắc cũng vậy. Tâm nghĩ thế rồi anh quên đi. Chuyện quảng cáo là của ông chủ nhiệm đảm trách, anh chỉ lo việc lay-out, viết bài, đọc bài là đã ngất ngư rồi, còn đâu thời giờ mà lo chuyện khác. Nếu bà ta có gọi lại, Tâm sẽ yêu cầu gọi thẳng số phone của ông chủ nhiệm là xong.

    Thế nhưng sự việc không giống như Tâm nghĩ. Khoảng bảy giờ tối hôm đó anh có điện thoại. Ðầu dây bên kia là tiếng nói của một phụ nữ miền Nam nghe còn trẻ nhưng chững chạc, rành mạch và đầy xúc động. Vị khách trình bày cho tòa soạn biết là tình cờ đọc được bản tin cáo phó của Hội về cái chết cô đơn của chiến hữu Nguyễn Mến, và họ chính là thân nhân của người bất hạnh, đã bị mất liên lạc từ rất lâu, lúc còn ở trong nước sau ngày tang tóc 1975 mãi đến bây giờ. Người phụ nữ kết thúc câu chuyện trong tiếng nghẹn ngào, và sau đó ngỏ ý muốn nhờ Hội hướng dẫn đến viếng thăm, cúng bái mộ phần người chiến sĩ Quốc gia quá cố chưa được bao lâu.

    Một thoáng buồn, nỗi nhức nhối lại hiện về. Tâm hình dung như thấy rõ gương mặt bình thản, hiền lành của người chiến hữu, và buổi chiều thê lương tiễn đưa lần cuối người chết cô đơn ra huyệt mộ. Anh thấy cuộc đời sao có lắm điều phi lý, bất công đến độ tàn nhẫn. Lúc còn sinh thời, huynh trưởng Mến trông mong một chút tình thương của mái ấm gia đình thì lại không có, đến khi xuôi tay nhắm mắt lìa đời thì người thân bỗng đâu xuất hiện bất ngờ. Tâm không hiểu linh hồn người chết có hiển linh nhận biết được điều đó hay không? nhưng chắc chắn người chết phải hiểu rõ lý do tại sao anh bị đẩy vào hoàn cảnh tứ cố vô thân đau thương như vậy. Anh cũng như Tâm hay bất cứ một chiến hữu nào khác cũng đều biết rằng họ phải mang thân lạc loài vong quốc bởi vì họ đã bị tước đoạt quyền sống, quyền làm người và không còn được dung thân ngay chính trên quê hương của mình. Ðó là nỗi đau, nỗi nhục và là niềm uất hận mà người lính VNCH nào còn có chút sĩ khí cũng phải luôn nhớ nằm lòng để quyết tâm nhập cuộc, đấu tranh đòi cho bằng được những gì thiêng liêng, cao quý mà tất cả con người được quyền thụ hưởng bình đẳng.

    5- Cuối tuần sau, một chiếc xe Van mang bảng số FL Florida đỗ xịch trước nhà Tâm. Trên xe, một trung niên khoảng ba mươi tuổi đang dìu một bà lão ngoài sáu mươi bước xuống. Tâm và vài người trong Hội TNCT đi theo sau. Cuối cùng là một cặp vợ chồng chừng bốn mươi đang mang đồ đoàn vào nhà. Họ vừa đi cúng mộ chiến hữu Nguyễn Mến trở về. Thêm một lần nữa, những người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa lưu vong đã chung thủy, tận tụy với nhau đến phút cuối cuộc đời.

    Chờ nhà hàng mang thức ăn đã order trước, bày biện hết ra bàn, cô Thủy, cháu gái của chiến hữu Nguyễn Mến mời mọi người có mặt an tọa và xin phép được phát biểu vài lời trước khi vào tiệc. Cô chỉ tay vào người đàn ông trung niên, bà lão và chàng trai đang ngồi kế bên, rồi bắt đầu thưa chuyện:

    - Ðây là chồng, mẹ và em trai của cháu. Vợ chồng cháu thay mặt gia đình xin cám ơn quý vị trong Hội đã hết lòng lo lắng, giúp đỡ cho dượng Mến đến phút an nghỉ cuối cùng của cuộc đời. Riêng với chú Tâm thì đã bỏ công đưa đón và cho phép gia đình chúng tôi mượn tạm ngôi nhà của chú để tổ chức một bửa cơm đơn sơ, trước là tưởng nhớ hương hồn dượng Mến và sau là tỏ chút tình kính mến đối với quý vị ân nhân trong hội. Gia đình cháu xin trân trọng cúi đầu cảm nhận tình nghĩa đó.

    Vợ chồng cô Thủy cung kính vòng tay cúi đầu hướng về mọi người thi lễ rồi cô tiếp lời:

    - Thưa quý bác, quý cô chú! riêng với mẹ cháu, một người sống cùng thời với dì dượng Mến, mà cũng là chứng nhân duy nhất trong cuộc bể dâu bi thảm kinh hoàng năm xưa, muốn được trình bày cùng quý vị một câu chuyện uẩn khúc, đau thương chưa hề được bày tỏ, có liên quan mật thiết đến số phận cuộc đời của dì dượng Mến mà mẹ cháu đã tận mắt chứng kiến. Và đó cũng chính là lý do mà vợ chồng cháu khẩn khoản mời cho được các bác, các chú trong Hội Cựu Tù nhân đến tham dự đông đủ hôm nay.

    Cô Thủy chấm dứt lời phát biểu và mời mọi người vào tiệc. Bữa cơm diễn ra trong không khí thân mật nhưng lắng đọng. Qua lời nói úp mở của thiếu phụ, trong lòng mọi người hiện diện như lảng vảng có điều gì gút mắc, chưa được giải tỏa. Như hiểu được sự suy nghĩ băn khoăn trong lòng những người chiến sĩ tóc bạc, do đó khi bữa cơm kết thúc sớm và lúc ngồi uống trà, bà Xuân - em dâu của chiến hữu Mến, xin phép mọi người được bắt đầu một câu chuyện. Giọng nói của bà lão tuổi ngoài sáu mươi bỗng như trẻ ra, nhưng bùi ngùi và phảng phất niềm thương đau lẫn căm hận ...

    *

    “Người đàn ông còn trẻ, khá đẹp trai và bảnh bao nhưng đã là một giáo sư chững chạc, đầy đủ tư cách phong độ của nhà mô phạm. Anh xuất thân từ một gia đình khá giả, có truyền thống gia phong nghiêm cẩn. Tính tình anh hiền lành, điềm đạm nhưng lại toát ra một sức thu hút kỳ lạ. Vào thời điểm khoảng giữa thập niên 60, anh là mẫu người lý tưởng có đầy đủ tiêu chuẩn: địa vị, danh vọng, giàu có và trẻ đẹp để cho những cô gái vừa đến tuổi tình yêu, mơ ước được nâng khăn sửa túi, trong số những cô gái mộng mơ đó có người là nữ sinh, học trò của anh. Họ thầm tơ tưởng về ông thầy trẻ đẹp nhưng chỉ để ấp ủ trong lòng, chẳng hề dám hé môi thổ lộ cùng ai. Trong bối cảnh lịch sử mà nền giáo dục vừa mới thoát khỏi chế độ phong kiến chưa được bao lâu, cửa Khổng sân Trình vẫn là một quá khứ nặng nề tư tưởng Quân Sư Phụ, thêm vào đó là cái bóng ma của những lề thói lạc hậu, cổ hủ còn nhan nhản trong mọi gia đình VN, thì chuyện tình yêu giữa thầy và trò vẫn là điều rất cấm kỵ của người đời. Vả lại, nhìn mặt ông thầy lúc nào cũng đạo mạo nghiêm khắc, nên đám nữ sinh cảm thấy sợ sệt thì còn nói chi đến chuyện yêu đương.

    Một ngày, trường học được bổ sung thêm một cô giáo mới. Có lẽ sự hiền dịu, trầm lặng và mái tóc thề mượt mà của cô giáo xinh đẹp vừa mới tốt nghiệp sư phạm, đã làm xao xuyến con tim người đàn ông luôn gò mình trong khuôn phép, vốn cũng ít lời như cô giáo. Và có lẻ đó là sự tương thông đầu tiên giữa hai con người xa lạ, khi được thầy hiệu trưởng giới thiệu để mọi người làm quen với cô giáo vừa mới đến nhậm chức.

    Cô giáo tên Hạnh chỉ nhận được cái gật đầu chào xã giao thờ ơ của người thầy trẻ, khác với sự săn đón vồn vã của nhiều bạn đồng nghiệp trang lứa. Rồi trong những buổi dạy kế tiếp, cô gái vẫn thấy ông giáo trẻ ngồi trầm tư trong góc phòng giải lao hay bận bịu với quyển sách, bên cạnh tiếng nói cười xôn xao của các thầy cô khác.

    Chính sự lặng lẽ của người đàn ông đã thôi thúc cô gái quyết định tìm hiểu làm quen và cô đang chờ đợi một thời cơ thuận tiện.

    Niên học qua mau nhưng dịp may vẫn chưa có. Cho đến mùa thi tú tài năm đó, khi tình cờ hai người được Ty Học Vụ phân công làm giám thị trường thi ở cùng một địa điểm, cùng một lớp thì Hạnh mới có dịp hiểu được tâm tình, suy nghĩ của người thầy trẻ tuổi nầy.

    Thì ra mái trường chỉ là nơi dừng chân tạm thời của anh, chứ chẳng phải là chốn dung thân đời đời của chàng trai vốn xem trọng tổ quốc, có hoài bảo ấp ủ trong lòng ước muốn cao đẹp của người thanh niên trong thời buổi đất nước loạn ly, chinh chiến. Hạnh thầm cảm phục suy tư của người đàn ông đồng nghiệp. Anh muốn vươn lên để tự mình tìm ra hướng đi đích thực cho cuộc đời hơn là cứ lặng lẽ chấp nhận kiếp sống an phận thủ thường. Anh yêu thích tự do như con người cần thiết dưỡng khí để sống, không muốn ngồi yên một chỗ để hưởng thụ cho hết kiếp người.

    *

    Cũng vào thời điểm gần cuối thập niên 60 nầy, tình hình đất nước rối ren nghiêng ngửa trên đầu sóng ngọn gió. Bên trong thì đảo chánh, chính quyền quân đội hổn loạn. Bên ngoài thì cộng sản gia tăng hoạt động tấn công, phá hoại. Những trận đánh kinh hồn với quân số cấp trung, tiểu đoàn mở màn, số thương vong cả hai bên gia tăng gấp nhiều lần những năm trước. Người dân sống thắc thỏm trong âu lo tai họa chiến tranh ập đến. Lệnh gọi nhập ngũ được chính quyền miền Nam triệt để áp dụng, kể cả các thành phần chuyên môn như hành chánh, giáo chức, công sở… cũng phải bắt buộc thụ huấn căn bản quân sự chín tuần.

    Ðầu niên học kế tiếp, trường của Hạnh thiếu hụt thầy dạy nghiêm trọng. Một số giáo sư trẻ nhận lệnh lên đường đi thụ huấn quân sự căn bản, trong số đó có người thầy mà cô giáo Hạnh đem lòng yêu mến.

    Thời gian trôi mau, rồi cũng chấm dứt chín tuần nơi “thao trường đổ mồ hôi”. Những chàng lính sữa lại lần lượt quay về trường tiếp tục công việc dạy học ngày xưa. Riêng trên bục giảng chỉ vắng bóng người giáo sư trẻ trầm lặng, hiền lành ngày nào. Nghe nói anh tình nguyện ở lại quân trường, tiếp tục hoàn tất nốt giai đoạn huấn luyện chuyên môn để trở thành người sĩ quan chiến binh chuyên nghiệp, quyết tung cánh chim bằng trả nợ núi sông.

    Quyết định bất ngờ của người thầy giáo trẻ là đề tài châm biếm của những kẻ chọn con đường an nhàn tấm thân hơn là lao mình vào chốn gian khổ, chết chóc. Nhưng điều đó cũng không bất ngờ bằng ngày họ nhận được lời mời đến dự lễ đính hôn của cô giáo Hạnh và người lính vừa mới ra trường. Từ nay họ vuột mất cơ hội tán tỉnh người đẹp. Hoa đã có chủ và Hạnh đã có nơi chọn mặt gởi lòng.

    Hạnh khép kín cuộc đời mình trong tình yêu nồng nàn của những cánh thư đi, về từ phương xa tiền tuyến, nơi mà những địa danh nghe rất xa lạ và ở đó có bước chân của những con người bất khuất, chưa bao giờ chịu cúi đầu trước nghịch cảnh định mệnh. Nơi đó có chàng trai dũng cảm, vì nghĩa lớn dân tộc dám gác lại tình riêng, hy sinh cả hạnh phúc ngày cưới đời mình để chu toàn nhiệm vụ người lính. Cô giáo Hạnh lẻ loi trong chiếc áo cưới cô dâu. Người yêu của nàng bận hành quân không kịp về mặc quần áo chú rễ trong lễ cưới của mình. Tuy buồn nhưng nụ cười của người con gái ngày lấy chồng vẫn tươi đẹp như đóa hoa hàm tiếu, niềm nở chào đón khách đến chung vui. Nàng hiểu và thông cảm cho lý do vắng mặt của chồng và nàng âm thầm tự hào về người mình yêu thương. Anh xứng đáng với tình yêu và lòng tin của nàng, của mọi người.

    Kể từ sau hôm đó, sân trường vắng bóng cô giáo trẻ xinh đẹp. Nàng đã đi theo chồng.

    *

    Khoảng thời gian nầy người dân Sài Gòn - Chợ Lớn vẫn còn xa lạ với chiến tranh. Họ mãi lo làm giàu và hưởng thụ hơn là để ý đến chuyện bom đạn đang cận kề. Có chăng chiến tranh mà họ cảm nhận được chỉ là những âm thanh ì ầm, thỉnh thoảng vọng về từ rất xa như tiếng sấm đất báo hiệu trước một cơn mưa trái mùa. Và họ vẫn cứ bình thản sống an nhiên tự tại, không phải lo lắng gì cả.

    Chỉ đến khi khói lửa Mậu Thân 1968 nổ bùng trên toàn cõi miền Nam, cả vùng thủ đô Sài Gòn và phụ cận, thì người dân mới bàng hoàng chợt nhận ra hiểm họa chiến tranh thật quá tàn khốc và ghê sợ đã đến rồi. Súng nổ, người chết, nhà cửa cháy rụi, trường học sập đổ, chợ búa đóng cửa, đường sá vắng tanh và thành phố như không có người. Việt cộng đơn phương bội ước, công khai vi phạm cam kết ngừng bắn trong 3 ngày tết, đồng loạt mở các cuộc tấn công bất ngờ vào khắp các tỉnh, thị, thành của miền Nam đúng vào giờ giao thừa. Ðặc biệt tại Huế, chúng đã tàn sát dã man hơn năm ngàn đồng bào vô tội trong những hố chôn tập thể. Riêng tại Sài Gòn-Chợ Lớn và các vùng chung quanh, đã có vài trăm nấm mồ oan khiên là nạn nhân của bọn đồ tể Bắc phương, chúng không ngần ngại đi xây vinh quang bằng xương máu của dân lành vô tội. Quân đội quốc gia gồm đủ các binh chủng: Dù, Biệt động Quân, Thủy quân lục chiến, Bộ Binh, Cảnh sát… từ khắp nơi đổ về cứu ứng thủ đô, mau chóng ổn định tình hình. Nhưng, Việt cộng vẫn tiếp tục gieo rắc tang tóc bằng các cuộc tấn công Mậu Thân lần thứ hai, để hỗ trợ cho phái đoàn Hà Nội của chúng trên bàn hội nghị hòa đàm sơ bộ đang diển ra tại Paris.

    Trong đoàn quân về giải vây thủ đô lần nầy có đơn vị Dù Mũ Xanh. Ðến lúc đó người dân Sài Gòn mới biết đến một binh chủng bí mật, vô cùng thiện chiến, đã được người đời thêu dệt nhiều huyền thoại hào hùng. Quả vậy, vừa được không vận từ Nha Trang vào chiến trường họ đã lập tức nhập trận. Ðơn vị Dù Mũ Xanh tổ chức tấn công cả ngày lẫn đêm, không cho địch quân có thời gian ngơi tay củng cố phòng thủ. Họ đơn phương giải quyết nhanh gọn chiến trường, không có yểm trợ của phi, pháo để tránh thiệt hại đến tính mạng, tài sản đồng bào và đánh động dư luận báo chí quốc tế săn tin, đang có mặt nhan nhản tại Sài Gòn.

    Một buổi chiều tháng sáu khi ánh hoàng hôn vừa buông xuống, trời sẫm đen một màu. Tại mặt trận hướng Tây-Nam đường Ngô tùng Châu, lợi dụng đêm tối, sáu toán Delta chia làm nhiều mũi tiến quân được lệnh xuất kích. Cánh quân ở gần xưởng dệt Nam Á do một sĩ quan trẻ tuổi thông thuộc địa hình dẫn đầu, lặng lẽ trườn mình về phía quân địch, bí mật đột nhập vào bên trong ngôi trường học mà chúng đã chiếm giữ và đào hầm hố làm vị trí phòng thủ, rồi thình lình mở cuộc tấn công bằng lựu đạn và xung phong đánh cận chiến tiêu diệt. Sự mạo hiểm, gan dạ và yếu tố bất ngờ đã đem lại chiến thắng. Ðịch hầu hết bị thương vong, một số ít sống sót rút chạy về hướng Ngã tư Xóm Gà khi trời chưa hừng sáng. Tất cả đồng bào, học sinh và thầy cô giáo bị chúng bắt làm con tin, được các anh lính Dù Mũ Xanh giải cứu. Nước mắt mừng vui chan hòa, họ tìm đến cám ơn vị sĩ quan chỉ huy và những người chiến binh can trường, đang sửa chữa lại vị trí chiến đấu và săn sóc mấy thanh niên bị giặc hành hạ thành thương tích. Lúc đối diện với người sĩ quan trẻ, họ bỗng thảng thốt như không tin vào mắt mình khi nhận ra vị ân nhân kia chính là người thầy giáo hiền lành năm xưa, đã tình nguyện dấn thân vào nơi bom đạn để muôn người được an lành, hạnh phúc. Họ thấy lòng xúc động bồi hồi và bỗng thấy nhỏ nhoi quá trước hành động dũng cảm và sự hy sinh cao thượng của một con người mà trước đây bị các bạn đồng nghiệp chế nhạo, giễu cợt.”

    Bà Xuân thở dài mặt đượm buồn. Mọi người chung quanh im lặng chờ đợi. Cho đến bây giờ họ vẫn chưa hiểu câu chuyện bà vừa kể có liên quan gì đến cuộc đời người quân nhân bạc mệnh mang tên Nguyễn Mến. Bà lão nhận ly nước từ tay cô con gái, uống vài hớp thấm giọng rồi tiếp tục câu chuyện với vẻ bùi ngùi xót xa:

    “Cô giáo Hạnh và tôi là hai chị em bạn dì ruột. Mẹ chị mất sớm, cha có vợ khác. Ông bà ngoại thương cháu côi cút mang về nuôi, nên chúng tôi có cơ hội sống gần gũi với nhau từ tấm bé. Do cùng trang lứa nên hai đứa hiểu rõ những xao động của con tim ngày còn trẻ. Tôi ra trường sư phạm sau chị một năm và về dạy cùng trường. Ngày chị Hạnh đi theo chồng tôi được điền vào chỗ của chị. Và gia đình tôi từ đó cũng dời về đây làm ăn sinh sống.

    Tết Mậu Thân kinh hoàng năm xưa, nhà tôi có ba người bị giặc bắt là: bố tôi, đứa em trai và tôi. Người dân bị chúng buộc phải phục vụ chiến trường như đào hầm, đắp công sự, tải đạn, tải người bị thương, ai có ý cưỡng lại không làm bị chúng đánh đập tàn nhẫn, thậm chí bắn bỏ.

    Sau giây phút mừng vui vì cuộc hội ngộ bất ngờ, tôi lại rầu rĩ lo lắng đến số phận của bố và em trai bị giặc bắt đưa đi đâu không rõ, trong khi tiếng súng đôi bên vẫn còn nổ dữ dội. Tôi đem sự việc trình bày với chồng chị Hạnh. Người anh rể suy nghĩ giây lát, rồi vội vàng gọi máy truyền tin liên lạc. Khoảng một tiếng đồng hồ sau, anh trở lại tìm tôi vui vẻ nói:

    - Anh đã liên lạc và biết chính xác tin dượng với em Ðạt được một đơn vị Dù mũ xanh chịu trách nhiệm tái chiếm các cao ốc, giải thoát bình yên rồi.

    Tôi la lên sung sướng, nước mắt trào ra ràn rụa. Mấy ngày qua thiếu ăn mất ngủ, tinh thần căng thẳng lo sợ mệt mỏi, nhưng khi nghe được tin mừng, lòng tôi bỗng nhẹ nhõm. Thấy sức khỏe tôi sa sút, anh đưa cho mấy viên thuốc bổ quân đội bảo tôi uống, rồi nói thêm:

    - Anh đã thông báo tin tức của em cho dượng biết rồi. Vậy em cứ yên tâm ở tạm đây, chờ tình hình yên hẳn anh sẽ cho người đón dượng và Ðạt cùng về nhà. Trước mắt là em và bà con phải ráng ăn ngủ một chút để mau hồi phục sức khoẻ. Trận chiến chưa biết lúc nào kết thúc nhưng mọi việc đã có chúng tôi lo, bà con yên tâm.

    Nói rồi anh đi về phía đám thầy cô dạy học ngày xưa. Nhìn bước chân vững chãi tự tin, khuôn mặt kiên nghị phong trần, bộ đồ trận rằn ri bạc màu sương gió, ngày đó lòng tôi bỗng thấy yêu chi lạ những người lính chiến và thầm nghĩ chị Hạnh tốt số, có được một người chồng lý tưởng, sống hết lòng vì nước vì dân.

    Lần đó anh có ơn trọng với gia đình tôi và nhiều người dân khác. Đám bằng hữu ngưỡng mộ và thân ái với anh hơn, suy nghĩ của họ cũng thay đổi khác xưa. Riêng với anh thì lúc nào cũng hòa ái, khiêm cung và thân thiện. Thời gian sau tôi có đôi lần gặp lại anh trong những dịp anh đưa vợ con về thăm ngoại và ba má tôi, và một lần về tham dự đám cưới ngày tôi xuất giá. Thời gian ấy anh đang nghỉ dưỡng thương. Vợ chồng anh có một cháu gái sinh vào khoảng năm 69,70. Sau đó tôi nghe Hạnh kể vào mùa hè đỏ lửa năm 1972 tại mặt trận An Lộc, mà người đời sau còn biết đến qua hai câu thơ lưu truyền của cô giáo Pha:

    “An Lộc địa sử ghi chiến tích,
    Biệt Cách Dù vị quốc vong thân.”


    chẳng may anh bị thương nặng, không còn khả năng có con được nữa. Chị Hạnh bùi ngùi tâm sự: “Ðời anh hy sinh lớn lao quá. Mình thiệt thòi cũng nhiều. Nhưng ý chí anh thì vẫn kiên định, tấm lòng anh vẫn sáng ngời, sắt son chung thủy với núi sông dân tộc, nên chi mình cũng thấy được an ủi và mãn nguyện đôi phần.”

    Giọng người đàn bà bỗng chùng xuống ray rức, nghẹn ngào và bi phẫn:

    “ Dòng đời với bao biến động lịch sử nối tiếp nhau diễn ra liên tục. Thời gian cứ nặng nề trôi qua, cuộc chiến chống cộng của quân dân miền Nam vẫn sục sôi oai hùng và chất ngất chính nghĩa, dẫu rằng khó khăn gian khổ trăm bề khi người bạn đồng minh bội ước bỏ rơi chiến hữu, nhưng người lính quốc gia vẫn không thoái chí sờn lòng, chùn bước sợ sệt, ngày đêm vẫn chắc tay súng canh giữ biên cương miền Nam, đối mặt với quân thù. Quả thật là:

    “Dẫu rằng vật đổi sao dời,
    Tử sinh cũng giữ lấy lời tử sinh.”
    (Kiều)

    Thế đó, anh và những người bạn chiến đấu của anh đã sống một đoạn đời xứng đáng, vẹn toàn đạo nghĩa làm người như thế. Cuộc đời các anh quả đáng sống, dẫu rằng cuối cùng thì tang tóc, thảm họa đã đổ ập đến với tổ quốc, dân tộc trong ngày tháng Tư đen 75. Mãi đến giây phút cuối cùng, dù biết rằng đang chiến đấu vô vọng, nhưng những người lính anh hùng của Quân lực VNCH vẫn quyết đánh tới cùng. Các anh từ phi cơ nhảy xuống đầu giặc, đột phá giải tỏa tỉnh lỵ Phước Long đang bị hai sư đoàn địch tấn công vây khốn nhiều ngày. Trong trận chiến không cân sức nầy, anh hiên ngang đứng xổng lưng, chỉ huy chiến sĩ quyết đánh cho kẻ thù tan tác, quyết giữ gìn từng tấc đất quê hương thân yêu, dẫu rằng thịt nát xương tan thì cũng xin lấy cái chết báo đền ơn sông núi. Cuối cùng sức cạn lực kiệt, bị địch vây hãm nhiều ngày, đạn dược, lương thực, thuốc men không được tiếp tế, các anh đành phải bó tay bị bắt ngay tại mặt trận khi Phước Long vừa thất thủ. Ðịch quân đánh đập, hành hạ anh tàn nhẫn vì tội ngoan cố không chịu đầu hàng, ra lệnh cho binh sĩ quyết chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và đã gây tổn thất nặng nề cho quân giặc.

    Ðến giai đoạn bi thương đó, các anh lại ngạo nghễ bước vào cùm gông nhà tù, bình tĩnh không hề sợ sệt, không hề nao núng. Các anh đã sống và tính toán sòng phẳng chuyện đời người, ngay cả với kẻ thù cũng vậy. Họ như những bậc quân tử mã thượng: thua bạc thì chung tiền, thua trận thì chung cả cuộc đời trong tử sinh, tù ngục. Người thầy giáo năm xưa quan niệm cuộc đời đơn giản, rạch ròi như một canh bạc lớn, đầy khí phách đảm lược và sòng phẳng như vậy đó.”

    Bà Xuân thở dài, lời nói day dứt phiền muộn:

    “Cơn hồng thủy bất ngờ phủ chụp lên đất nước vào Tháng Tư đen, ngày đại tang của đồng bào chiến sĩ miền Nam. Mẹ con chị Hạnh cũng chịu chung số phận, họ trở thành tứ cố vô thân ở xứ lạ. Trại gia binh ngày trước vui vẻ đến thế mà nay sao đìu hiu, buồn bã quá. Vợ con binh sĩ bảo nhau về quê lánh nạn hết, duy chỉ có Hạnh còn nấn ná ở lại hy vọng nhận được tin chồng.

    Năm tháng trôi qua, đất nước cứ hâm hấp nóng lên từng ngày trong cuộc đổi đời bi thảm. Hạnh cũng như người dân miền Nam, cảm nhận được những thay đổi trong đời sống qua lời nói, y phục, cung cách giao tiếp, đối xử. Cái gì cũng khác lạ, vừa ngốc nghếch quê mùa, vừa tự phụ xa cách, kênh kiệu thiếu thân thiện của những kẻ huênh hoang may mắn có được chiến thắng. Họ bàu nhàu trong những bộ quần áo lính rộng thùng thình, chiếc nón cối kệch cỡm và đôi dép râu dị hợm, nhớp nhúa, ngơ ngác giữa một miền Nam chan hòa ánh sáng tự do và ngập tràn sắc màu văn minh. Những người bộ đội miền Bắc giống như hình ảnh đần độn của thằng Bờm vừa được nắm xôi của kẻ gặp may trời ban cho. Họ không biết rằng chính họ đang đánh mất dần bản chất quý giá của một con người lương thiện, chân thật. Họ như người thượng lạc thành, thấy bồn cầu tiêu ngỡ là chổ rửa cá, thấy cần ăng ten TV cứ tưởng là nơi đặt bản doanh của địch, thấy tủ lạnh ngỡ là chổ cất đồ... và còn biết bao điều lạc hậu, ngu ngốc đáng nực cười của kẻ quê kệch học đòi làm sang, đang bị đời chê cười, khinh bỉ.

    Ấy thế mà họ lại có quyền sinh sát trong tay, tha ai giết ai, bỏ tù ai là do một tay họ quyết định, kể cả người chết đang yên nghỉ trong các nghĩa trang quân đội VNCH, họ cũng không từ nan cho xe ủi đến san bằng thành bình địa. Từ ngàn xưa, theo truyền thống đạo đức dân tộc, người Việt Nam quan niệm chết là hết, “nghĩa tử là nghĩa tận”. Cái chết là sự kết thúc hận thù, hay nói khác đi, sẽ không có hận thù đối với người đã chết. Ấy thế mà đảng cộng sản miền Bắc đã hành động điên cuồng, bất nhân. Tư tưởng và lương tri của họ đã không còn là của con người. Họ hiện thân là loài dã thú, chỉ biết duy nhất tham tàn, hung bạo chất chứa đầy ắp trong lòng sự hận thù.

    Sáu tháng sau ngày miền Nam sụp đổ, chị Hạnh bị cho nghỉ việc, không được tiếp tục đi dạy. Căn phòng của vợ chồng chị trong trại gia binh cũng bị công an chiếm đoạt, phút chốc mẹ con chị trở thành kẻ xó chợ đầu đường. Chị nhặt nhạnh ít đồ dùng, quần áo của hai mẹ con, ngậm ngùi từ giã mái ấm thân yêu, nơi chốn hương lửa đầu tiên của đời sống vợ chồng, có biết bao kỷ niệm ngọt ngào, vui vẻ với những người bạn lính thủy chung. Mẹ con chị Hạnh thu xếp đến ở nhờ nhà cô giáo Hương cũng vừa bị mất việc vì có chồng là một sĩ quan sư đoàn.

    Hai người đàn bà cùng trang lứa, có chung một hoàn cảnh cô đơn và niềm đau mất mát, sống lạc loài trong một xã hội bất công, bị áp bức, phân biệt đối xử nên họ có được niềm thông cảm để tìm lại gần nhau, nương tựa bảo bọc nhau mà sống nuôi con, nuôi hy vọng chờ chồng về. Hàng ngày thức dậy từ lúc mờ sáng, sau khi nấu xong nồi cơm, kho xong mớ cá vụn, dặn dò đứa lớn lo cho đứa bé, hai người đàn bà chân yếu tay mềm bắt đầu lăn thân vào chốn chợ đời cam go hiểm trá, kiếm sống qua ngày. Ðất nước nhiễu nhương, kinh tế khó khăn, người dân hầu như phải giành giật đủ thứ mới có thể sinh tồn. Hai người đàn bà xuất thân từ khuôn phép gia giáo, xem trọng lời dạy thánh hiền bỗng trở nên quá khờ khạo trước cuộc đời đầy rẫy điêu ngoa xảo trá. Họ mất nhiều hơn là được, nhưng vẫn phải cố gắng sống cho đạo nghĩa, không làm điều gì gian dối trái lương tâm, dầu phải chịu cảnh miếng đói miếng lưng.

    Ấy thế mà đâu được yên thân. Cứ đến kỳ họp dân phố, khối phố, hai chị luôn được phường khóm nêu tên nhiều lần, như là một điển hình có tính răn đe những kẻ ngoan cố không chịu đi vào khuôn phép sản xuất, muốn làm gian thương, ăn bám và nhiễu loạn nền kinh tế tập thể. Hai chị phải viết tường thuật kiểm điểm, phải chịu sự quản lý khe khắt của bọn cầm quyền sở tại, đồng thời hai chị cũng là thành phần nhân sự được huy động đầu tiên trong các đợt phát động phong trào lao động xã hội chủ nghĩa. Hai người đàn bà cô đơn rã rời trong cơn lốc xoáy cuồng loạn của chế độ. Sự sống của họ cũng tả tơi theo với cuộc đổi đời bi thảm. Họ thất thểu, bơ vơ giữa cảnh đời ô trọc với bầy con nhỏ tội nghiệp, đang khát sửa đói cơm từng bửa.

    Sau 75, người cộng sản hoặc ngu dốt không hiểu, hoặc phớt lờ không quan tâm gì đến những sinh hoạt cấp thiết của đời sống con người như: ăn, ở, học hành, làm việc, y tế … đang là mối âu lo hàng đầu của mọi người mà kẻ hứng chịu hậu quả là người dân và gánh chịu trách nhiệm nầy chính là đảng, là quân đội, là bọn cầm quyền độc tài vừa cưỡng chiếm miền Nam. Thế nhưng, oái oăm hơn nữa là trong những lần phát động phong trào kế hoạch hóa gia đình, hạn chế và phòng ngừa sinh đẻ, tên hai chị lại được gọi ngay trong lượt đầu tiên. Chân bước đến phường mà lòng hai người đàn bà thì đau khổ tràn ngập. Họ như bị lăng nhục, xúc phạm nhân phẩm nặng nề và họ có cảm tưởng như đang bị đùa cợt, chế giễu trước mọi người. Chồng đi tù ở đâu không biết mà hai chị vẫn phải bắt buộc thi hành kế hoạch ngăn ngừa sinh đẻ, vậy nghĩa là gì? Họ làm vậy có ngụ ý gì? Hai chị cố gắng nhẫn nại trình bày rõ ràng hoàn cảnh xa chồng để xin được chước miễn, nhưng những con người mở miệng ra là nhân danh cách mạng, luôn rêu rao hết lòng phục vụ dân, vì hạnh phúc nhân dân, mà mới nghe qua tưởng là đầy nhân ái, tình người nhưng thật ra lại quá bất nhân, đểu cáng. Có kẻ thô bỉ còn mở lời ong bướm ve vản, đùa cợt lả lơi. Uất ức hai chị bỏ về không chịu thi hành thì họ hăm dọa tống đi vùng kinh tế mới. Những tên công an răng vẩu môi thâm, mắt láo liên gian manh, ăn nói vô duyên sống sượng, lại có cớ tìm đến nhà hai chị tán tỉnh, ra điều nhân nghĩa dang tay cứu giúp kẻ hoạn nạn, nhưng kỳ thật là muốn phá hoại tấm lòng son sắt kiên trinh của hai người đàn bà thủy chung, để họ sớm quên đi hình bóng người xưa.

    Trong cơn tuyệt vọng, hai người đàn bà cô đơn tủi thân, chỉ còn biết ôm con vào lòng mà khóc. Ðám trẻ sợ hãi cũng òa khóc theo. Họ khóc cho lòng vơi bớt đau khổ, cho tâm hồn dịu đi những bầm dập, tan nát cuộc đời, nhưng những giọt nước mắt tủi hờn vẫn không thể nào gội sạch hết được bao nỗi oan khiên chồng chất bấy lâu. Họ phải cắn răng nuốt ngược đôi dòng lệ vào lòng, chống tay gượng đứng lên, cố gắng tiếp tục phấn đấu mà sống nuôi con, mà chờ đợi chồng về với nỗi đau ai oán đoạn trường. Cứ thế, họ lần lữa sống tạm bợ cho qua ngày đoạn tháng.”

    Khuôn mặt người già trở nên tư lự. Ðôi mắt hấp háy sau làn kính lão bỗng hoen ướt. Bà buồn bã nhìn ra vạt nắng cuối sân, môi mím chặt như cố ngăn tiếng khóc bật ra. Chờ một lát qua cơn xúc động, bà kể tiếp:

    Nhưng chừng đó chưa phải là kết thúc, định mệnh vẫn mãi ác nghiệt với chị. Một ngày, con gái chị Hạnh bị mắc bệnh sốt xuất huyết.

    Sau tháng Tư 1975, nhiều loại dịch bệnh xuất hiện hoành hành dữ dội khắp nơi, trở thành mối nguy cơ của xã hội. Hạnh bán tất cả những gì có thể bán được để chạy chữa thuốc thang điều trị cho con, nhưng bệnh bé vẫn không thuyên giảm. Ðến giai đoạn nguy kịch nầy rồi, vì sự sống của con gái chị đành gạt bỏ lòng tự trọng, điện tín gấp về gia đình bên chồng ở Sài Gòn cầu cứu. Mấy hôm sau hai người em của anh Mến đã có mặt tại Nha Trang. Họ không tiếc tiền để mong cứu được sinh mệnh cháu mình, nhưng thời buổi “bao cấp” ngăn sông cấm chợ, thuốc men chửa bệnh bị quản lý nghiêm ngặt, hàng giả nhiều hơn thật, nên cuối cùng rồi họ cũng không cưỡng được mệnh trời. Cháu gái đã vĩnh viễn ra đi, để lại nỗi đau và sự mất mát to lớn không có gì bù đắp nỗi trong lòng người mẹ trẻ, đã gánh chịu chung số phần nghiệt ngã của vận nước điêu linh.

    Sau khi chôn lẻ sống duy nhất của đời mình xuống ba thước đất, thì thần trí Hạnh cũng quay cuồng theo với dòng nước mắt tuôn tràn như mưa đổ. Từ đó nàng thành kẻ mất trí, nói cười một mình, mê sảng hoảng loạn với ảo giác, chẳng màng gì đến bản thân và mọi người chung quanh.”

    Kể đến đây bà lão không dằn được xúc động, sụt sùi khóc. Những người có mặt nghe câu chuyện quá sức bi thương cũng nước mắt rưng rưng, không khí chìm xuống nặng nề. Một lúc sau bà Xuân tiếp tục câu chuyện:

    - Gia đình chúng tôi may mắn vượt thoát được đến Mỹ, kể từ ngày đó bặt tin anh chị Mến. Mãi đến mười sáu năm sau tôi mới có dịp trở về quê hương. Ðất nước trải qua cuộc bể dâu tang thương, cảnh cũ đổi thay, bạn bè ngày xưa cũng thất lạc tứ tán, chẳng biết ai còn ai mất.

    Tôi nóng lòng muốn biết tin tức vợ chồng chị Hạnh, nên cố tâm đi tìm. Hỏi người địa phương, họ chỉ biết đại khái là gia đình cha mẹ thầy Mến khánh kiệt vì bị kiểm kê, đánh tư sản. Bỗng chốc họ mất hết, trở thành kẻ trắng tay nên tiếc của buồn rầu mà qua đời. Con cái thì lưu lạc khắp nơi. Cô con dâu bị tâm thần, không tiền thuốc thang, không ai chăm sóc nên cũng đã chết trong nhà thương điên. Riêng thầy Mến thì có nhiều tin đồn khác nhau, không biết chính xác thế nào. Có người bảo đã chết trong tù; Có tin đồn khác là sau khi ra tù trở về, thấy cảnh nhà tan nát đau thương, vợ con cha mẹ chết hết, nên buồn quá anh đã tự kết liểu đời mình; Lại có kẻ đoan chắc thấy thầy xuất gia đi tu. Tôi nghe mà bối rối quá, chẳng biết tin vào đâu.

    *

    Sau thời gian tìm kiếm, vào một buổi trưa khi trở về khách sạn tôi mệt mỏi quá nên cố dỗ giấc ngủ, nhưng hình bóng vợ chồng chị Hạnh cứ mãi lởn vởn trong đầu. Nghĩ chuyện đời sao thấy buồn da diết. Tôi trở dậy gọi taxi đưa đến thăm ngôi trường mình dạy năm xưa. Thời gian qua tôi đã trở lại đây nhiều lần, mấy lần trước là để dọ hỏi tung tích chị Hạnh, nhưng lần nầy thì đến để giã biệt một nơi chốn kỷ niệm trước khi về lại Mỹ. Trời đứng bóng nắng như đổ lửa, tôi không dám bước ra khỏi xe, chỉ bảo tài xế mở lớn máy lạnh và ngồi bên trong nhìn ra ngôi trường cũ, bồi hồi tấc dạ. Ðột nhiên anh tài xế trẻ lên tiếng hỏi tôi:

    - Thưa, bà muốn tìm ai ở ngôi trường nầy.

    Thấy người lái xe hiền lành lễ phép, trạc bằng tuổi con tôi nên tôi không ngần ngại nói sơ qua lý do. Nghe xong anh ta vui vẻ khoe:

    - Má cháu lúc còn trẻ cũng đã có thời gian dạy học ở trường nầy.

    Vừa nghe qua tôi vội vàng hỏi ngay:

    - Vậy má cháu tên gì và dạy ở đây vào năm nào? Cháu có nhớ không?

    Anh thanh niên trả lời ngay:

    - Cháu học tiểu học ở trường nầy. Lúc đó má cháu đang dạy môn Vạn vật và Ðịa lý cho các lớp trung học đệ nhất cấp vào thời điểm năm 68, 69.

    Tôi im lặng, tập trung suy nghĩ để nhớ lại từng người giáo viên dạy học năm đó, rồi dè dặt hỏi nhỏ:

    - Có phải má cháu tên là Duyên không?

    Người lái taxi reo lên gật đầu và sau đó theo yêu cầu

    của tôi, đã vui vẻ đưa tôi về nhà gặp mẹ cháu.

    Niềm vui bất ngờ không kể xiết khi gặp lại người bạn đồng nghiệp ngày xưa lúc tuổi đã về già, nhất là trong thời điểm hoàn cảnh nầy. Hai cô giáo trẻ năm nào, bây giờ tóc đã bạc và con cháu đã đầy đàn. Hai đứa chúng tôi hàn huyên đủ thứ chuyện và thi nhau khóc khi nhắc đến tên vợ chồng chị Hạnh. Bà giáo Duyên vẫn nhớ ơn thầy Mến đã giải cứu vợ chồng bà thoát khỏi tay giặc hồi tết Mậu Thân 68. Còn tôi khóc vì thương đời chị Hạnh và nhớ cả câu chuyện kỷ niệm kinh hoàng của ngày xưa.

    Bà Duyên cho biết đã bỏ dạy từ lúc Sài Gòn thất thủ, vì bà không lạ gì bộ mặt giả nhân giả nghĩa lưu manh của cộng sản. Lớp thầy cô ngày xưa cũng đã ra đi hết, trôi giạt tứ tán khắp nơi, từ đó đến nay bà chẳng còn gặp lại ai nữa. Khi được tôi tâm sự và biết rõ điều tôi đang quan tâm là tìm kiếm Hạnh, bà xin lỗi đi vào phòng trong một lát, rồi trở ra trao cho tôi một quyển sổ tay cũ kỹ. Tôi chưa kịp hiểu sự việc thế nào, thì thấy vẻ mặt bà Duyên đầy xúc động, mắt dõi nhìn về hướng trường xưa như hồi tưởng, rồi bà bắt đầu kể lại một câu chuyện vô cùng bi đát, thương tâm:

    Vào một buổi chiều mưa cách đây sáu năm, có một người con gái lạ tìm đến nhà và hỏi đích danh tôi, sau đó trao cho tôi quyển sổ tay nầy rồi lẳng lặng bỏ đi. Vì bất ngờ quá nên tôi không kịp hỏi han gì cô gái nên chẳng hiểu sự việc là như thế nào, tuy nhiên lúc mở quyển sổ ra xem, tôi ngạc nhiên xiết bao khi thấy rõ tên họ và địa chỉ của mình được ghi ngay ở trang đầu sổ.

    Những dòng chữ con gái mềm mại rất đẹp, dáng chừng quen thuộc như đã có lần nhìn thấy ở đâu đó, nhưng vì bất ngờ quá nên vẫn chưa kịp nhớ ra. Trên trang giấy trắng đã bị ố vàng màu thời gian năm tháng là những đoạn ghi chép đứt quãng, giống như một quyển nhật ký viết dở dang. Thỉnh thoảng là những lời văn độc thoại, tựa như dòng văn chương xuất phát từ nội tâm quá đau khổ của một người đàn bà cô đơn khốn cùng, đang lẻ loi vẫy vùng chống chọi một cách tuyệt vọng trong một xã hội tao loạn, nghiệt ngã, đầy dẫy bất công và cạm bẩy bủa giăng, nhưng vẫn một lòng kiên trinh nuôi con và thương nhớ người chồng bị tù đày nơi phương trời xa xăm nào đó. Lời viết như những dòng chảy xúc cảm, phản ảnh tâm lý chân thật của chính bản thân người lâm nạn, làm héo hắt lòng người và quặn đau từng khúc đoạn trường, khiến người đọc không thể nào cầm giữ nỗi những giọt nước mắt thương cảm dâng tràn.

    Lúc đầu mới đọc tôi chưa hiểu gì, nhưng khi mở dần đến những trang sau, tôi có cảm giác như gần gũi, đồng cảm hơn với người viết. Mặc dù không giống hoàn cảnh, nhưng cùng là thân phận đàn bà với nhau, do vậy tôi hiểu được những trăn trở, suy nghĩ trong lòng người viết. Và … khi đọc đến những dòng chữ cuối cùng của quyển sổ, thì đột nhiên tôi phát hoảng. Thì ra chủ nhân cuốn sách chẳng phải ai xa lạ, mà chính là người bạn gái thân thiết ngày xưa, cùng học chung một lớp, cùng dạy chung một trường. Hèn chi khi mới nhìn nét chữ đã ngờ ngợ thấy quen thuộc lắm. Ðến lúc đó thì tôi đã hiểu ra. Một quyển nhật ký với những lời tâm tình như san sẻ, chia sớt, để vơi bớt đi phần nào nỗi đau khổ thầm kín, đồng thời cũng thay cho một lá thư nhờ cậy, hay nói đúng hơn là một sự ủy thác tin cẩn của người bạn thân gặp cảnh ngang trái bất hạnh, nhờ cất giữ hộ.

    Sáng sớm hôm sau, lập tức vợ chồng tôi đi đến bệnh viện tâm thần. Nhưng đau đớn thay, đã quá muộn màng. Khi hỏi ra thì Hạnh đã qua đời trước đó hơn tuần. Một cái chết âm thầm và cô đơn, không bạn bè và không một người thân bên cạnh khi lìa đời. Cho mãi đến lúc tẩm liệm, người y công mới phát hiện ra quyển sổ tay được giấu kín trong thi hài. Sau đó một người nữ y tá ở bệnh viện tình cờ đọc được những lời trối trăn tuyệt mệnh của một kiếp má hồng bạc phận, nên thương tình tìm đến địa chỉ ghi trong sổ mà trao nó cho tôi, theo lời cầu xin của người đàn bà tội nghiệp là nạn nhân của một chế độ phi nhân, bạo ngược.”

    5- Bà Xuân nghẹn ngào ôm mặt khóc không thành tiếng. Ðôi vai gầy tuổi hạc run rẩy vì những giọt nước mắt bi ai, khóc thương cho nỗi khổ đau của người thân. Không khí trong nhà như đông cứng lại, ngột ngạt, bức bối và buồn bã. Mọi người ai ai cũng ràn rụa nước mắt. Có người quay mặt cố dấu ánh mắt căm hờn; Có người không kìm chế được phải khóc to thành tiếng, mặc dầu họ biết rằng nước mắt chẳng bao giờ có thể hóa giải được niềm đau của chiến tranh, ngục tù và tử biệt sinh ly, ngược lại có thể làm tăng thêm nỗi hận thù của một dân tộc bị quốc phá gia vong, mang thân lưu lạc khắp phương trời.

    Quả đau đớn thay, bài học kinh nghiệm lịch sử của dân tộc Việt Nam đối với hiểm họa cộng sản đã phải trả một giá quá đắt; Phải máu chảy thành sông, xương cao thành núi, phải chịu đói nghèo lạc hậu của hằng bao lớp con người tiếp nối qua nhiều thế hệ, trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Quả thật là một cái giá đắt ghê gớm, ngoài sự tưởng tượng và sức chịu đựng của nhân loại đang sống trên địa cầu.

    6- Hai tuần lễ sau.

    Hội Tù Nhân Chính Trị Việt Nam tiểu bang Georgia vừa nhận được một phong bì của bà Xuân gởi đến, trong đó có một lá thư cám ơn và một bài viết, kèm lời thỉnh cầu Hội cho đăng tải rộng rãi trên các báo chí.

    Nội dung bài viết, bà Xuân kể sơ lược sự nghiệp chiến đấu hào hùng và tinh thần bất khuất của người lính Quân Lực VNCH, có những chiến sĩ vô danh, những con người tưởng chừng như bình thường nhưng thật ra là rất vĩ đại, đã một lòng tận trung với Tổ quốc, sắt son với Dân tộc và thủy chung với đồng đội đến cuối cùng.

    Vào phần chính, bà Xuân phân tích rõ thủ đoạn và âm mưu thâm độc của Bắc bộ Phủ sau ngày cưỡng chiếm miền Nam, khi bí mật ban hành lệnh xuống các địa phương cho thực hiện quy mô kế hoạch “Hoa hồng đỏ”, mục đích nhằm ăn cướp tài sản người dân miền Nam và tiến hành trả thù, phá hoại gia cang, manh tâm bôi bẩn lòng chung thủy và giết chết cuộc đời của vợ con sĩ quan, viên chức VNCH, hầu hủy diệt tinh thần chống đối quyết liệt của những người dân quốc gia.

    Trong phần kết, bà lên án gay gắt chế độ cộng sản ác độc bạo ngược, đã không từ nan bất cứ thủ đoạn đê tiện, hạ cấp nào miễn hồ là đạt được mục đích, thu hết tài sản và tiêu diệt được kẻ thù và những người có quan hệ thân cận, dầu là đối với trẻ con, đàn bà hay những bậc già cả lớn tuổi. Bà Xuân kêu gọi chị em phái nữ, nhất là những người vợ lính, dù ở trong giai đoạn nào cũng đừng bao giờ quên đi những tủi nhục, bất công, cạm bẫy do đảng cộng sản viết kịch bản và chỉ đạo từ năm 1975; Phải quyết tâm đấu tranh dành lại quyền phụ nữ với đầy đủ nhân cách, lòng thủy chung và tình yêu quê hương, dân tộc son sắt.

    Kết thúc bài viết là những vần thơ bi hùng dành cho những người chiến sĩ quốc gia, có cùng một niềm đau thua trận, mất nước và bất hạnh như anh Nguyễn Mến - sống lưu vong và chết cô đơn trên xứ người:

    Anh, bây giờ bỏ cuộc chơi,
    Bây giờ bỏ cả những lời yêu thương.
    Bây giờ đứt gánh nửa đường.
    Làm thân vong quốc sầu vương đáy mồ
    ./-

    TiênSha-LêLuyến
    Atlanta, ngày tình nhân 2003.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X