Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Bói Kiều Đầu Năm

Collapse
X

Bói Kiều Đầu Năm

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Bói Kiều Đầu Năm

    Bói Kiều Đầu Năm

    February 16, 2015




    Nguyễn Mạnh Trinh

    Tháng Giêng là tháng ăn chơi. Đó là ở đất nước ta ngày xưa. Còn bây giờ, ở hải ngoại hay trong nước, đời sống tất bật đã làm hao mòn đi những tập tục đáng yêu của dân tộc. Cuối năm đầu Tết, nhìn lại một năm, hướng về tương lai, dân ta thường có lệ xem bói cầu may để hy vọng một năm mới tốt đẹp. Bói Kiều cũng là một trong tập tục đáng yêu ấy. Quẻ bói là cầu khấn sự linh thiêng của cụ Tiên Điền Nguyễn Du, văn hào vĩ đại của văn học Việt Nam, hướng vọng về ni sư Giác Duyên, đạo cô Tam Hợp về tình trạng hiện tại của mình và để biết cách tu tập, ứng xử thế nào cho cuộc sống của tương lai năm tới.

    Không có tài liệu chính xác về thời gian nào mà Truyện Kiều được dân gian dùng làm sách để bói toán nhưng chắc chắn rằng cuộc đời của Vương Thúy Kiều trong Đoạn Trường Tân Thanh của cụ Nguyễn Du với những trầm luân khổ ải, những long đong kiếp người có thể là những tấm gương soi của số phận với định mệnh đã được an bài.

    Truyện Kiều được khắc in bản chữ Nôm đầu tiên vào cuối thế kỷ thứ 19 và bản in chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ 20.

    Trước khi trở thành sách để bói toán, Truyện Kiều đã đi qua những giai đoạn được dân chúng học thuộc lòng qua truyền miệng, được dùng nguyên văn hoặc phóng tác sửa đổi vần điệu trong các cuộc hát hò đối đáp giữa trai gái trong sinh hoạt thường ngày và lưu lại trong các bài ca dao. Rồi ở giới trí thức các nhà nho thì vịnh Kiều, lẩy Kiều, tập Kiều. Khi sức hấp dẫn cuốn hút Truyện Kiều đã chinh phục sự say mê của cả dân tộc thì tác phẩm ấy đã thành một gia tài đáng kể trong tâm hồn Việt Nam. Một cách cụ thể, Truyện Kiều đã thành người bạn thân thiết cho những ai gặp cảnh ngộ phong trần, những hoàn cảnh éo le khốn đốn. Thuyết tài mệnh tương đố rồi cũng là kết cuộc có hậu đoàn viên.

    Tuy nhiên tất cả câu chuyện là những quãng đời luân lạc, với nhân vật Vương Thúy Kiều tràn đầy bức bối nội tâm, của một người phụ nữ cam chịu nhiều đắng cay oan khuất.

    Hình như Bói Kiều nảy sinh từ buổi giao thời của xã hội Việt Nam, khi trật tự cũ cổ truyền vừa bị phá bỏ và trật tự mới chưa được hình thành rõ rệt, khi chế độ khoa cử cũ bị bãi bỏ và hệ thống giáo dục khoa bảng mới còn sơ khai. Lúc ấy xã hội Việt Nam bị ảnh hưởng giữa hai cuộc thế chiến và khi cao trào giành độc lập đang mạnh mẽ trong dân chúng.

    Nhân ngày đầu Xuân, chúng tôi tuy rất say mê Bói Kiều nhưng lại ít kiến thức hiểu biết để đi đến sự sâu xa của nguyên lý Kiều. Dù sao cũng bạo gan cố gắng thành tâm tìm hiểu để tin tưởng vào sự an bài của những đấng tối cao, mà điển hình là anh linh của văn hào Nguyễn Du, tác giả Đoạn Trường Tân Thanh.

    Trả lời câu hỏi có thể nói sơ lược Bói Kiều là thế nào và có bao nhiêu cách Bói Kiều? Theo chúng tôi biết có nhiều cách bói Kiều. Một trong những tài liệu xưa cũ nhất là “Sách Bói Tập Kiều Kiến Nghiệm” của một nhà nho không đề tên tác giả. Sách cũng dựa vào Bát Quái, Thập Can, Ngũ Hành, Tam Kỵ,… của phép bói quẻ Dịch tương tự như Mai Hoa Dịch Số của Thiệu Khang Tiết đời Tống bên Trung Hoa. Các việc muốn cầu khẩn để hỏi được xếp theo 18 điều theo bát quái và thập can.

    Người bói chọn một trong 18 điều để xem quẻ bói. Lấy hai đồng tiền (tiền xưa gọi là đồng trinh hay tiền bây giờ là đồng xu đồng cắc) gắn vào đĩa để xem sấp hay ngửa. Sấp cả hai là Âm tức Địa, ngửa cả hai là Dương tức Thiên. Nếu một sấp một ngửa là vừa Âm vừa Dương, tức Nhâm.
    Sau khi đã có những Tam tài chọn một trong ngũ hành Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ rồi kết hợp chữ đầu về bát quái và thập can rồi hiệp với tam tài và ngũ hành sẽ có 4 bảng tra số để tìm một câu ứng nghiệm. Toàn sách bói này chỉ gồm 270 câu lục bát (tức 540 hàng) cho 270 số mục. Tức là chỉ sử dụng có 1/7 văn bản Truyện Kiều. Truyện Kiều tức Đoạn Trường Tân Thanh có tổng cộng 3254 hàng tức 1627 câu lục bát.

    Đây là cách bói rắc rối, phiền toái tuy có tính chuyên nghiệp bói toán nhưng ít được phổ biến vì sự phức tạp và đòi hỏi nhiều chi tiết trung gian khi xem quẻ nên ít được thông dụng,

    Hình như còn có nhiều cách Bói Kiều khác. Một phương pháp Bói Kiều khác mà thông thường các nhà sư Làng Mai hay dùng. Theo một tài liệu được phổ biến thì:

    “Muốn tham vấn phải tới trước bàn thờ Phật Tổ để lạy 3 lạy thật cung kính rồi ngồi xuống đặt tay vào thành chuông, thở ba lần rất chánh niệm rồi đưa tay vào chuông bốc lên một quẻ. Cụ Nguyễn Du cũng như ni sư Giác Duyên đều là tổ tiên tâm linh và nghệ thuật của tất cả chúng ta. Tổng cộng có 210 quẻ, mỗi quẻ gồm hai câu lục bát.
    Quẻ ấy được trao lại cho vị đoán quẻ. Vị này là người có kiến thức về Truyện Kiều, có khiếu tâm lý và nhận xét và nhất là có kiến thức Phatä pháp và tu tập. Quẻ được ngâm lên và mọi người chú tâm vào những câu thơ lục bát đang đọc, nên có tiếng đàn phụ họa giọng ngâm. Thời gian này là để vị đoán quẻ chiêm nghiệm. Coi quẻ thì đọc trong hai câu lục bát, có thể một là nhân hai là quả. Quả có thể đã phát sinh trong hiện tại hay là điều ước trong tương lai. Nhân là lời khuyên của cụ Nguyễn Du về cách hành xử để tu tập cho sự chuyển hóa hay thực hiện. Thí dụ như “trong như tiếng hạc bay qua” là tâm an tĩnh của mình được xem là quả hiện tại. Nhân của quả ấy là dường gần rừng tía, dường xa bụi hồng, nghĩa là đã biết thân cận với Tam Bảo và xa lìa những môi trường nguy hiểm.
    Cũng thế như ở các quẻ 48 và 78, câu 8 là nhân, câu 6 là quẻ và ở các quẻ 93 và 100, câu 6 là nhân và câu 8 là quả. Có khi trong một câu 8, bốn chữ đầu là nhân, bốn chữ sau là quả hay ngược lại. Nghĩa lý trong quẻ không cần đi theo nghĩa lý Truyện Kiều. Ví dụ: Lòng còn gửi áng mây vàng không hẳn phải giải là đương sự còn tưởng nhớ quê hương mà có thể giải là lý tưởng tu học vẫn còn vững mạnh, bồ đề tâm vẫn còn vững mạnh vì mây vàng ở đây có thể được xem là lý tưởng cao siêu của đạo Phật…

    Tuy nhiên, phương cách Bói Kiều theo lối nhân gian thông dụng hơn và mỗi buổi đầu Xuân thường được chọn như một cách bói toán dễ dàng nhất. Dân chúng có một cách bói giản tiện, trực tiếp và phong phú hơn nhiều và là cách bói còn phổ thông cho đến ngày nay. Giản tiện vì chỉ cần một cuốn sách Kiều, không cần dụng cụ và bảng tra khảo nào khác cũng như những danh mục của quẻ Dịch như bát quái, thập can, tam tài, ngũ hành. Trực tiếp vì người đi thẳng vào tác phẩm không qua một trung gian nào khác. Phong phú vì toàn văn Truyện Kiều dược sử dụng với đầy đủ 3254 hàng tức 1627 cặp lục bát.

    Hình như trong mỗi câu Kiều đều có sức chứa vô cùng lớn lao về thế thái nhân tình khiến gặp bất cứ cảnh ngộ nào trong đời người ta cũng tìm thấy một câu Kiều tương ứng, như là một định mệnh, một sự an bài cho mình của đấng linh thiêng đang ngự trên cõi cao xanh huyền bí. Và vì thế cho nên đã tạo dựng được sức quyến rũ đầy ma lực đầy kỳ bí của thiên truyện Đoạn Trường Tân Thanh mà cụ Nguyễn Du đã gửi gấm nhiều tâm sự của thời đại mà cụ đã sống.
    Phương cách bói rất đơn giản và thuận tiện.

    Thứ nhất, là có một cuốn sách có in đầy đủ văn bản Truyện Kiều, bằng chữ Nôm hoặc chữ Quốc ngữ đều được.
    Thứ hai, là quyết định muốn xin một quẻ bói về vấn đề gì đang quan tâm, thắc mắc, hồ nghi và muốn được chỉ dẫn. Tất cả những vấn đề ấy đều có thể hỏi, nếu muốn đi vào chi tiết minh bạch càng tốt nhưng chỉ một vấn đề thôi.
    Thứ ba, người xin quẻ ngồi ngay ngắn nghiêm trang tập trung tinh thần để xin quẻ mong sự chứng thực của đấng tối cao. Khấn 3 câu: Lạy vua Từ Hải / Lạy vãi Giác Duyên/ Lạy tiên Thúy Kiều.

    Thứ tư, xưng họ tên tuổi và ngày tháng năm xin quẻ bói cũng như vấn đề muốn xem. Việc xưng này có thể thành tiếng nói, hoặc âm thầm trong lòng chỉ có mình hay biết.

    Thứ năm, chọn trước một tay làm chuẩn, tay trái hay tay mặt đều được nhưng phải chọn trước để ấn định một tay. Rồi định thần an tĩnh sau một vài phút cầm sách và dùng hai ngón tay cái mở sách ra. Ngón tay cái của bàn tay phải hoặc trái đã được chọn mở ngay vào trang nào và hàng nào thì lấy từ đó xuống đủ bốn hàng làm quẻ bói. Mỗi quẻ bói phải bắt đầu bằng câu lục và kết thúc bằng câu bát. Nội dung của lời chỉ bảo chất chúa trong 4 hàng 2 cặp lục bát đã được chọn. Có thể nhờ người hiểu biết về lý số để giải thích triệu quẻ cũng như nói ra những lời chỉ bảo của đấng linh thiêng.

    Trong văn học Việt Nam, nhà văn Ngô Tất Tố trong tiểu thuyết về khoa cử “Lều Chõng” đã có một đoạn viết về Bói Kiều, khi nhân vật cô Ngọc đang trên đường vu quy về nhà chồng là anh Khóa Đào Vân Hạc mơ ngày chồng mình bái tổ vinh quy: “Ngồi trên võng, nhìn lên những người đi trước cô sực nhớ đến câu chuyện mà mình bói được độ nọ:
    “Vội vàng sắm sửa lễ công
    kiệu hoa đón gió, đuốc hồng ruổi sao
    Bàu hàng cổ vũ xôn xao
    Song song đưa tới trướng đào sánh đôi”
    Cô mỉm cười và tự hỏi mình: “Có lẽ bốn câu ấy ứng vào cái việc hôm nay đây rồi. Rồi cô nghĩ luôn bốn câu nữa mà cô cũng bói được trong bữa hôm ấy và cô tự hỏi: không hiểu bốn câu này là nghĩa làm sao?”

    Cụ Ngô Tất Tố là một thâm nho và tiểu thuyết “Lều Chõng” của cụ là tác phẩm viết về khoa cử nổi tiếng nhất của văn học Việt Nam thời tiền chiến cùng với các tác phẩm như “Bút Nghiên” của Chu Thiên Hoàng Minh Giám, hay “Nguợc Đường Trường Thi” của Nguyễn Triệu Luật…

    Trong lịch sử Việt Nam, cũng có nhiều giai thoại về Bói Kiều mà tác giả Đặng Minh Phương trích trong hồi ký của cụ Trần Trọng Kim, Phạm Khắc Hòe, và nhật ký của Lê Văn Hiến:
    “Năm 1944 quân Nhật ở Việt Nam sợ các ông Trần Trọng Kim, Dương Bá Trạc, Trần Văn Ân, Đặng Văn Ký có thể bị Pháp bắt nên họ chuyển các ông sang Singapore. Tại đây đời sống quá kham khổ nên sau một thời gian các ông muốn trở về nước. Ông Dương bá Trạc nói: “Tôi thường không tin bói toán nhưng tôi nghiệm thấy Bói Kiều hay lắm. Khi xưa tôi đi thi Hương, bói một quẻ biết là đỗ, mà rồi đỗ thiệt. Sau bị đầy ra Côn Nôn, lại một hôm bói một quẻ, đoán là sắp được về, mấy ngày sau quả là được về thật”. Ông Trần Trọng Kim nói: “Vậy bây giờ ông thử bói một quẻ xem” sáng hôm sau ông Dương Bá Trạc nói, “Chúng ta sắp được về. Tôi bói Kiều được hai câu này:
    Việc nhà đã tạm thong dong
    tinh kỳ giục giã đã mong độ về
    Theo ý đó chúng ta sắp được về.
    Ít lâu sau các ông đều được về nước. Riêng ông Dương bá Trạc chẳng may bị bệnh nặng nên đã qua đời ở Singapore.”

    Bắt chước người xưa, trong Chương Trình Tản Mạn Văn Học trên Hồn Việt TV và Little Sài Gòn Radio, Nguyễn Mạnh Trinh và Nhã Lan đã thực tập xem một quẻ Bói Kiều như một cách học lóm để làm vui trong buổi đầu Xuân:

    Nguyễn Mạnh Trinh: Phương pháp thì hay và rõ ràng như vậy Liệu Nhã Lan dám thành tâm xin một quẻ bói Kiều đầu năm không?
    Nhã Lan: Nhã Lan có thể xem bói giùm người khác được không?

    Nguyễn Mạnh Trinh: Theo lẽ thì cũng hơi sái nhưng dù sao với sự thành tâm thì chắc anh linh của cụ Tiên Điền Nguyễn Du cũng phù trì cho. Vả lại, ở trên truyền thanh và truyền hình, để cho bao nhiêu người cùng thành tâm xin quẻ thì đại diện để xin lời chỉ dẫn cho muôn người thì cũng là điều hợp lý. Bây giờ, Nhã Lan hãy tập trung tinh thần và xin quẻ theo những chỉ dẫn ở trên. Muốn linh nghiệm thì lòng phải an tĩnh gạt bỏ mọi tạp niệm ra khỏi đầu óc và thành kính trong khi khấn nguyện.
    Hãy tưởng tượng ngay lúc này đang có bàn thờ để rót rượu thắp nhang đặt quyển Truyện Kiều quay về phía trái tim rồi chắp tay trước quyển Kiều hướng mặt vào sách nhưng mắt thì hướng vào cõi linh thiêng để khấn vái.
    Nhã Lan:
    Lạy vua Từ Hải
    Lạy vãi Giác Duyên
    Lạy tiên Thúy Kiều.
    Tôi là Nguyễn Nhã Lan, sinh quán ở Bắc Ninh, Việt Nam hiện cư ngụ tại Orange County, Hoa Kỳ, thành tâm xin một quẻ cho người bạn thân là Hoàng Thị Tâm…

    Nguyễn Mạnh Trinh: Chỗ ngón tay của Nhã Lan đã bấm vào hàng chữ khi giở sách lần thứ nhất:
    Không ham địa vị giàu sang
    không ước mà được chẳng cần mà nên
    tình yêu cần tránh đảo điên
    khen ai khéo nết thành duyên vợ chồng
    Và lần thứ hai là:
    Tấc lòng cố quốc tha hương
    đường kia nỗi nọ ngổn ngang bời bời
    cánh hồng bay bổng tuyệt vời
    đã mòn con mắt phương trời đăm đăm
    Đó là những lời mà Cụ Nguyễn Du đã chỉ bảo trong quẻ. Cô Hoàng Thị Tâm tuổi gì và hiện sinh sống ở đâu?
    Nhã Lan: Tâm hiện đang sống ở Little Sài Gòn và tuổi con cọp, Canh Dần.

    Nguyễn Mạnh Trinh: Tuổi Canh Dần sinh năm 1951, năm nay sao mộc đức chiếu mạng. Theo quẻ bói Kiều này thì công việc mà Nhã Lan cầu nguyện cho cô Tâm thành công rực rỡ. Giống như quẻ của cô Ngọc trong “Lều Chõng” tuy ở tiền vận, là thân phận của người lưu lạc tha phương nhưng vẫn mong cầu ở tương lai những điều tốt đẹp. Tuy có “mỏi mòn con mắt phương trời đăm đăm” nhưng vẫn có ngày “cánh hồng bay bổng tuyệt vời”. Nhớ nhung cố quốc vẫn là nỗi niềm không nguôi. Là “đường kia nỗi nọ ngổn ngang bời bời”. Trong bối cảnh của loạn ly mà những câu sau mô tả như “đêm ngày luống những âm thầm/ lửa binh đâu đã ầm ầm một phương / ngất trời sát khí đằng đằng/ lửa binh đâu đã ầm ầm một phương” và hậu vận là những kết quả đẹp như đã mong chờ toàn là những chuyện vui ứng vào trong cuộc sống. Những kiệu hoa, đuốc hồng, trướng đào mô tả tới những niềm vui tình cảm, một quẻ tuyệt vời cho cô Hoàng Thị Tâm. Cụ Tiên Điền Nguyễn Du đã cho rằng: “cái tâm kia mới bằng ba cái tài” thế là “Không ham địa vị giàu sang/ không ước mà được không cần mà nên/ tình yêu cần tránh đảo điên/ khen ai khéo nết thành duyên vợ chồng”. ..
    Nhã Lan: Tới phiên anh Trinh xin quẻ đầu năm rồi đó và biết đâu Nhã Lan lại có dịp đóng vai một người có linh ứng với những người trên trước để nói rõ ràng những vận sự xảy đến cho tương lai?

    Nguyễn Mạnh Trinh: Tôi xin một quẻ Bói Kiều và nhờ “maitre” Nhã Lan giải mã giùm. Nói đùa vậy thôi, chứ chắc Nhã Lan cũng không dám làm “maitre” đâu, phải không?
    Tôi cũng xem giùm cho một người khác tuy không quen biết tôi nhưng rất nhiều người Việt Nam muốn biết hậu vận của y và tôi cũng đại diện mọi người để xin các đấng linh thiêng cho biết về tương lai của nhân vật này ra sao. Đó là “đồng chí X tức thủ tướng Việt gian Cộng sản Nguyễn Tấn Dũng mà danh hiệu này do những đồng chí của y ám chỉ. Không biết theo Nhã Lan quẻ này có linh ứng không?
    Nhã Lan: Cụ Tiên Điền Nguyễn Du đã chứng nghiệm lòng thành của anh. Vậy anh hãy khấn nguyện để các bậc linh thiêng mách bảo cơ trời.

    Nguyễn Mạnh Trinh: Lạy vua Từ Hải/ Lạy vãi Giác Duyên/ Lạy tiên Thúy Kiều. Tôi là Nguyễn Mạnh Trinh sinh quán tại Bắc Ninh Việt Nam, hiện ngụ tại Orange County, thành tâm xin một quẻ cho một nhân vật chính trị hiện là thủ tướng Cộng sản Việt nam, tên là Nguyễn Tấn Dũng sinh quán Cà Mau cư ngụ tai Bắc Bộ Phủ Hà Nội sinh ngày 17 tháng 11 năm 1949”.
    Nhã Lan: Quẻ bói Kiều này thần thánh dạy như sau:
    Hàn huyên chưa kịp giãi giề
    Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao
    Người nách thước kẻ tay đao
    Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi”
    Và phần sau là:
    Cho hay muôn sự tại trời
    phụ người chẳng bõ khi người phụ ta
    mấy người bạc ác tinh ma
    mình làm mình chịu kêu mà ai thương

    Nguyễn Tấn Dũng tuổi Mậu Tý, hạn diêm vương tiền thân là một tên công an với tượng hình rất đúng “người nách thước kẻ tay dao/ đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi”. Từ vị trí của một sai nha lên làm thủ tướng một nước nên những trò mánh mung hung bạo, những thủ đoạn bán nước đê hèn, những hành động tham nhũng ám muội đã là cái nhân mà hắn phải chịu cái quả về sau. Bốn câu lục bát là cái quả mà Nguyễn Tấn Dũng phải chịu khi làm ra cái nhân bạc ác: “cho hay muộn sự tại trời/ phụ người chẳng bõ khi người phụ ta/ Mấy người bạc ác tinh ma/ mình làm mình chịu kêu mà ai thương” rất đúng ở trường hợp này.

    Quẻ bói đầu năm đã linh ứng và như thế số phận của Nguyễn Tấn Dũng và cả chế độ Cộng Sản cũng sẽ đến ngày tàn lụn theo. Xin anh linh của văn hào Nguyễn Du và hồn thiêng sông núi phù trợ theo y như quẻ bói Kiều đầu năm này.

    Nguyễn Mạnh Trinh


    nguồn : thoibao


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X