Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Kỷ Niệm Tướng Phạm Ngọc Sang

Collapse
X

Kỷ Niệm Tướng Phạm Ngọc Sang

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Kỷ Niệm Tướng Phạm Ngọc Sang

    Kỷ Niệm Tướng Phạm Ngọc Sang
    Cựu Đại Tá Nguyễn Hồng Tuyền



    Bốn mươi năm sau...

    Từ năm 1957, ngày chúng tôi chở Tổng thổng Ngô Đình Diệm cùng phái đoàn đi kinh lý Cam Ranh, cộng thêm hai mươi năm sau ngày 30/4/1975 khi miền Nam tan đàn rã nghé, chúng tôi gặp lại ông cựu Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang sau mười bảy năm tù cải tạo nay được đoàn tụ với vợ con ở Westminster miền Nam Cali, mới hiểu rõ lý do vì sao ông tỏ ra tư lự trong buổi thuyết trình, khi nhận lệnh bay chở Tổng thống trên chiếc L19 đi viếng thị xã Cam Ranh.

    Trước ngày Tổng thống ra Nha Trang, chúng tôi họp với Thiếu tá Oánh, ông nói: "Không có ai đủ tài năng, trách nhiệm và kinh nghiệm lái cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm ngoài Thiếu tá Phạm Ngọc Sang." Chúng tôi cũng có gặp lại cựu Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan và cả Nguyễn Phúc Tửng (Le Chinui) và Ôn Văn Tài trong buổi cơm thân mật họp mặt ở nhà Vann Ba (Lèo) ở Martinez, CA.

    Trong một chuyến họp mặt Bô Lão Nam Cali chúng tôi, Tuyền và Tài ghé thăm Chuẩn tướng Sang tại cư xá mới hiểu rõ tâm sự của ông ngày đưa Tổng thống và phái đoàn viếng thăm Cam Ranh. Ông có hai câu chuyện muốn hỏi cùng Tài và tôi:

    "Thứ nhứt," Ông vừa nói vừa cầm cái chụp dưỡng khí vào mồm để thở trông như thể ông sắp lên phản lực cất cánh bay lên không gian. Có lẽ ngày xưa ông hút thuốc quá nhiều nên ngày nay hai lá phổi không còn sức giãn hồi nên phải dùng Oxy để thở. Sau khi hít một hơi oxy, ông tỉnh táo hơn, tuy nở một nụ cười nhưng mặt vẫn còn hơi cay cú và hỏi: "Ngày thuyết trình ai đã chỉ định tôi bay L19 cho Tổng thống vậy?"

    Ôn Văn Tài nhìn qua tôi như thầm bảo mầy trả lời đi Tuyền, vì trong buổi họp để giao trách nhiệm cho các huấn luyện viên bay chở VIP chỉ có Thiếu tá Oánh, Trung úy Thịnh và tôi. Tôi trình bày cùng Chuẩn tuớng như sau: "Câu chuyện phân minh chia ai bay với ai hôm đó Thiếu tá Oánh có hỏi ý kiến Quyền Tư lệnh KQ Trung tá Nguyễn Văn Hổ và Thiếu tá Huỳnh Hữu Hiền, Tham mưu trưởng cùng cả Khối hành quân và có ý kiến chung là không ai có đủ khả năng bay bổng ngoài Ông ra. Cho nên ông được ưu tiên bay cho Tổng thống mà thôi."

    Chuẩn tướng Sang bèn cười vui ra mặt và cho chúng tôi biết: "Tài Tuyền biết không, chúng nó muốn chơi Moi (*) đó, vì lúc đó ở phi đoàn chuyên chở VIP Moi chỉ chuyên trị C47 Dakota và chiếc phi cơ riêng Avro Commander của Tổng thống Ngô Đình Diệm mà thôi. Moi đâu có bay L19 nhiều đâu. Lúc đó, Moi tin tưởng các anh em ngoài nầy bay quá nhiều L19 rồi, không ngờ trong buổi thuyết trình Moi dự để xem ai lái cho Tổng Thống để Moi dặn dò vài câu. Không ngờ có tên Moi đầu tiên bay cho Tổng thống. Lúc đó trong lòng Moi muốn từ chối, nhưng vì thể diện, còn mặt mũi nào mà dám nói không bay cho Tổng thống!"

    Ông nói tiếp: "Các Toi (*) biết không, Moi chưa đáp sân bay Hàng Không Mẫu Hạm Cam Ranh (**) lần nào, vì có lần chở Thiếu tướng Lê Văn Tỵ ra thăm Cam Ranh bằng Marcel D’Assualt 315, ông thấy sân bay Cam Ranh chỉ có chừng ba trăm thước mà bị ngập dưới nước hết một trăm trước rồi ông bảo trở về ngay. Thành ra hôm đó Moi mới nhờ Tuyền Tài đáp trước để Moi liệu sức mà đáp. Moi theo dõi rất kỹ khi thấy hai anh em đáp xong cũng an toàn, Moi nhào xuống đáp ngay và cũng nhờ Tuyền đã bảo Moi thả sáu mươi độ cánh cản nên đáp êm rơ làm vui lòng Tổng thống mà riêng với Moi thì... thót dế!"

    Tôi vội trả lời, "Thấy Chuẩn tướng đáp quá đẹp và an toàn chúng tôi hoan hô hết cỡ. Lúc đó Trung úy Nguyễn Ngọc Loan đáp sau ông. Khi chúng tôi ngồi chung xe Jeep đi ăn cơm trưa, Loan mới có lời khen ngợi; "Dish Cụ", tao chỉ nghe Sang nó bay giỏi, hôm nay tao mới thấy nó bay L19 đâu chỉ có vài giờ mà đáp sân Hàng Không Mẫu Hạm Cam Ranh quá đẹp, nó giỏi thật! Ông bay sau nó mà lòng hồi hộp nên tim đánh thùng thùng hơn mấy thằng Maroc ban nhạc Tây đi diễn binh ngày 14 Juillet và dưới "tu..keo" (nói lái) hết chỉ còn tí tẹo. Nó mà rủi ro có bề gì Tổng thống đi đoong, cái thằng Oánh phải đứng mũi chịu sào mà chúng mình cũng bị vạ lây. Nếu còn thương tình mấy thằng nhóc phi công đầu xanh... cả triệu tội nầy, thì cũng cho cả lũ đi làm lao công chiến trường suốt đời, khiêng vác đạn dược cho xong. Còn nếu bằng không thì alê húp đi vào Chí Hoà ăn cơm tù cho mãn đời phi công các con ơi! "

    Sau khi nói rồi Loan cười khè khè... rất có duyên. Sau những lời trình bày chân thành của tôi, thấy gương mặt ông vui tươi trở lại.

    "Còn việc thứ hai, Moi muốn lấy lại lời nói lúc Tuyền Tài đem T6 G màu vàng về huấn luyện lại cho các anh em trong phi đoàn ELA có Moi bay nữa chớ! Sợ hôm nào chúng nó muốn Tổng thống bay thử trên T6 G thì Moi cũng phải dang lưng ra chiụ trận có phải không các Toi. Đó là lời nói mà Moi vẫn còn nhớ tới hôm nay. Có lần Moi hỏi: Các Toi có hút thuốc không? Dạ Thưa không. Các Toi không gan lỳ gì hết.. Hãy nhìn Moi hút thuốc đây nè, có chết thằng Tây đen Tây trắng nào đâu? Ông đưa hai ngón tay vàng khè đang cập một điếu thuốc còn phân nửa. Chỉ một cây diêm quẹt, từ sáng bước lên xe Jeep đi làm cho tới chiều về tới nhà mới dập tắt điếu thuốc trên môi. Thành ra hôm nay Moi mới ra thân thể nầy. Xin các Toi đừng hút thuốt như Moi ngày xưa. "

    "Thưa Chuẩn tướng chúng tôi xin vâng lời." Chúng tôi xin kiếu từ ra về để ông còn nghỉ ngơi. Ông đưa chúng tôi ra cửa cư xá. Chúng tôi đứng chào Chuẩn tướng theo lễ nghi quân cách. Ông đúng là một ông Tướng KQ anh hùng chiến trường chiến đấu tới viên đạn cuối cùng, bị giặc cộng bắt bỏ tù 17 năm.

    Đâu chừng mấy tháng sau Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang rơi vào Coma, Phu nhân và các con của ông đã nuôi chồng và cha trên ba năm trường, thật là một người vợ tuyệt vời và đàn con can đảm và hiếu thảo. Chúng tôi xin hoan hô Bà Phạm Ngọc Sang cùng các con cháu.

    Khi hay tin chẳng lành, phái đoàn chúng tôi từ Bắc kéo xuống Nam Cali thăm Ông lần cuối. Khi gặp Bà Sang có nói với tôi, như thể Ông còn nuối điều gì mà chúng tôi không được biết. Khi đó có Đại tá Phạm Hữa Phương (lúc còn sanh tiền) và Trung tá Nguyễn Văn Hai (Đen) có bảo tôi vào thăm: "Anh Năm nên thông báo Chuẩn tướng Tư Lệnh Sư Đoàn 6 biết là có cả Căn Cứ 60 Chiến thuật KQ Phù Cát về trình diện Chuẩn tướng đây."

    Tôi nắm tay Ông làm y lời các anh em cố vấn: "Nếu Chuẩn tướng còn nuối với anh em Phù Cát xin Chuẩn tướng bấm tay tôi cho biết là trả lời hiểu." Tay ông nhè nhẹ bấm tay tôi trả lời và miệng mấp máy mỉm cười. Lúc đó chúng tôi, một đám đứng bên ông không cầm được nước mắt khi nhìn ông mỉm cười. Chừng một giờ sau mặt ông tươi rói và dần dần đi nhẹ nhàng vào cõi hư vô...

    Chúng tôi viết những lời nầy với dòng lệ ứa trào quanh mi để tưởng nhớ đến người Anh Cả Sư Đoàn 6 KQ, một Tướng chiến trường anh dũng, xứng đáng cùng Trung Tướng Vĩnh Nghi đánh một trận cuối cùng với hai sư đoàn việt cộng ở Phan Rang.

    Gởi lời thăm Chị Sang và các cháu an vui. Chúng tôi nguyện cầu hương linh Chuẩn tướng sớm về cùng Đức Phật A Di Đà.

    Nguyễn Hồng Tuyền
    Ghi chú: (*) Moi, Toi là tiếng Pháp. Tôi, Anh hoặc Tao, Mày
    (**) Hàng Không Mẫu Hạm, chỉ sân bay quá ngắn.

    Source:http://daubinhlua.blogspot.com/2018/...cuu-ai-ta.html

  • #2
    Xuất thân của NT Phạm Ngọc Sang và những cánh chim đầu đàn...

    Đại đa số trong lớp hoa tiêu vận tải đầu tiên của Không Quân Việt Nam đều xuất thân từ trường Marrakech ở Morocco (Bắc Phi).

    Nguyên đây là trường huấn luyện căn bản quân sự & căn bản phi hành dành cho các khóa sinh hạ sĩ quan (trong không quân Pháp và nhiều thuộc địa của Pháp, hoa tiêu có cả cấp hạ sĩ quan), nhưng do nhu cầu đỏi hỏi, một số sĩ quan Pháp và thuộc địa đã được huấn luyện căn bản phi hành tại đây. Sau khi tốt nghiệp tại Marrakech, những khóa sinh được tuyển về ngành oanh tạc/vận tải sẽ được đưa tới trường Avord ở nội địa Pháp để học lái máy bay nhiều động cơ (từ 2 trở lên).

    Theo danh sách khóa sinh Marrakech do người Pháp ghi lại, trong số những người về ngành vận tải, Khóa 51D (bis) có các ông La Vĩnh Sinh, Lý Tri Tình, Ôn Văn Hiển (hạ sĩ quan), Khóa 51H có ông Lê Trung Trực (sĩ quan), Khóa 52F1 có các ông Huỳnh Hữu Hiền, Phạm Ngọc Sang, Huỳnh Minh Bon, Huỳnh Bá Tính, Đinh Văn Chung, Phan Phụng Tiên (sĩ quan), Nguyễn Hữu Chẩn (hạ sĩ quan), và Khóa 52F2 có các ông Nguyễn Cao Kỳ, Trịnh Hảo Tâm (sĩ quan), Lưu Kim Cương, Phan Thanh Vân, Bùi Đức Mỹ, Huỳnh Văn Hiến, Bùi Hữu Thế, Hạ Hầu Sinh, Nguyễn Phúc Tửng... (hạ sĩ quan).

    [Sau khi tốt nghiệp về nước, số hoa tiêu hạ sĩ quan nói trên đã được Trung tướng Nguyễn Văn Hinh, Tổng tham mưu trưởng Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, đặc cách thăng cấp Chuẩn úy]


    Sau khi tốt nghiệp hoa tiêu tại Avord trên phi cơ MD-312 Flamant, các khóa sinh sẽ được đưa tới trường oanh tạc Blida ở Algeria, Bắc Phi, hoặc các đơn vị vận tải trang bị phi cơ C-47 Dakota (“Dakota” là tên người Anh đặt cho kiểu phi cơ Douglas C-47 “Skytrain” của người Mỹ; người Pháp cũng gọi theo người Anh).

    Trường CIET:

    ...Các hoa tiêu được đưa tới các đơn vị trang bị vận tải cơ C-47 Dakota sẽ phải ngồi ghế phi công phụ ít nhất là 6 tháng, sau đó sẽ được gửi tới trường CIET (viết tắt của tiếng Pháp Centre d’Instruction des Equipages de Transport: Trung tâm Huấn luyện Phi hành đoàn Vận tải).




    Trường CIET nằm trong Căn cứ Không Quân Toulouse-Francazal ở miền nam nước Pháp, gần rặng núi Pyréneés ở biên giới Pháp – Tây-ban-nha, là nơi huấn luyện các phi công phụ của các đơn vị vận tải gửi đến thụ huấn để trở thành phi công chánh, có khả năng điều khiển phi cơ trong mọi điều kiện thời tiết. Trường đòi hỏi gắt gao về khả năng bay trời mù với một độ sai biệt rất nhỏ trong các động tác cận tiến và đồ hình (figures).

    Hai hoa tiêu vận tải đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp trường CIET là các ông Phạm Ngọc Sang và Huỳnh Hữu Hiền; người thứ ba là ông Lý Tri Tình.

    ...Sau khi về nước, các hoa tiêu được gửi tới các phi đoàn vận tải GT 1/64 Béarn, GT 2/62 Franche-Comté và GT 2/63 Sénégal thuộc Không Lực Pháp tại Viễn Đông để bay thực tập với tư cách phi công phụ trên phi cơ C-47 Dakota; một số khác phục vụ tại Phi Đoàn Tác Chiến & Liên Lạc được trang bị phi cơ MD-315 Flamant. Trong thời gian này, các hoa tiêu vận tải VN bay trên C-47 đã tham gia cầu không vận chuyên chở đồng bào di cư từ phi trường Gia Lâm (Hà Nội) và Cát Bì (Hải Phòng) vào Tân Sơn Nhất. (trích Ngành Vận Tải trong Không Lực Việt Nam Cộng Hòa)


    Last edited by Nguyen Huu Thien; 03-14-2019, 12:18 AM.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X