Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Người Em Gái Đi Tìm Anh Ở Tù

Collapse
X

Người Em Gái Đi Tìm Anh Ở Tù

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Người Em Gái Đi Tìm Anh Ở Tù

    Người Em Gái Đi Tìm Anh Ở Tù
    Ánh Nguyệt


    Xin được cái giấy thông hành từ xã đến huyện mất nửa tháng trời còn được bồi thêm lời chỉ thị:

    - Nhớ đi đúng một tuần về để đi tấn công đồng cỏ nhé.

    - Dạ vâng, Chú đừng lo con sẽ về đúng thời gian cho phép. Lời ông trưởng thôn nói như đinh đóng cột đấy.

    - Đợt này con đi, mẹ với chị sắm đồ ăn ít thôi. Con đi tìm mấy trại mà xa hoắc, ở rải rác khắp tỉnh Quảng Ngãi có nước về bò mẹ ạ!

    Mẹ nhìn tôi mà lo lắng trong lòng. Còn cha tôi thì đi tìm ở trại Kỳ Sơn nhưng chưa về.

    Chị thì đi tận Trà My giáp giới Trà Bồng, Quảng Ngãi. Cứ nghe bộ đội trên núi về nói có trại này trại nọ là đi tìm, bất kể xa gần.

    Chị đã về được hai tuần, nằm nhừ như vừa trải qua một cơn đau thương hàn, tả tơi thấy mà thương chị quá!

    Khi Quảng Ngãi kêu gọi các viên chức chính quyền và sĩ quan chế độ cũ tập trung học tập; quân giải phóng họ nói đi vài ngày thôi. Chị Thống có vào gặp được anh Hoành rồi, anh bảo chị về đi chắc rồi em sẽ được về sau. Chị đưa anh 3.000 đồng và chiếc nhẫn 2 chỉ vàng 24k. Thế mà chờ mãi anh chẳng về.

    Tìm đến những gia đình bạn anh hỏi thì nói những tuần kế tiếp họ bắt anh biệt giam ở Công an Hoàng Hoa Thám, Quảng Ngãi; rồi đưa đi các trại cải tạo, không biết trại nào?

    Thư từ không cho gởi, hai chị em về lòng buồn vô hạn, biết nói sao cho cha mẹ bớt lo. Mẹ lại khóc ngày khóc đêm, mẹ sợ lắm.

    Cha mẹ khóc hết nước mắt cho anh Tri cũng bị Cộng sản bắt, rồi anh vĩnh viễn không trở về.

    Nỗi đau mất con như mụt măng đang vươn mình trong ánh nắng mặt trời, thì ai mà không đau đớn chứ!

    Những thứ đồ lương khô, bột đậu các loại mẹ rang xay trộn đường, cá khô, con gà rô-ti, vài tán đường đen, xôi... thế mà nặng trịch.

    Lúc đó chẳng có xe đò, xe thồ chi cả, chỉ tự túc mà đi thôi. Cái xe đạp giàn đầm, qua mấy mùa mưa nắng, sao lại thân thương chi lạ. Nó hình như cũng có tâm hồn! Bình thường hay bị trật cóc mà nay lại bon bon trên đường đầy ổ gà, từ Tiên Phước đến Tam Kỳ dài hai mươi cây số. Những giọt mồ hôi bắt đầu thi nhau chảy đầy xuống cổ, thấm ướt cái lưng rồi đó. Tôi không ngán, chỉ sợ chiếc xe yêu quý xẹp lốp thì có nước ngồi khóc.

    Hai bên đường vắng teo. Từ quê xuống Tam Kỳ, nhà cửa sơ sài, hoa dại lơ thơ dọc hai bên con đường vương thơm gợi nhớ những ngày thơ ấu.

    Nhìn những cánh đồng cỏ cao ngút buồn thiu. Lâu lâu, vài ba chàng bộ đội nón cối đi về cái xóm đìu hiu, nhìn mình không chớp mắt.

    Kệ tía, ta chả sợ các ngươi nữa. Đời còn gì để sợ thế chứ.

    Chưa tới hai mươi mà mình già đanh, già điếc. Đến Tam Kỳ sau hơn hai giờ đạp xe vì đường xá hư hỏng nhiều quá. Chẳng muốn ăn, chỉ khát nước thôi. Có đem theo chai nước, đã tu hết khi đến Kỳ Long. Tam Kỳ, thành phố nhiều kỷ niệm tuổi học trò với những tà áo trắng khi tan trường. Nay lạnh ngắt, quạnh hiu, tiêu điều, buồn man mác. Đến đầu cầu Tam Kỳ, dừng xe bơm lốp rồi đi tiếp. Dặm trường sương khói mở trước mắt. Những cây số được đếm theo phút, băng băng trên đường nhựa nắng cháy. Vào đến ngã ba Sơn Tịnh, tất cả tám bốn cây số đi xe đạp. Cũng có bốn hay năm lần trật sên chứ chẳng chơi! Ù hai lỗ tai vì mệt.

    Chẳng có ai biết cho mình ta! Người yêu không, bạn bè không. Cô đơn trăm phần trăm, độc hành trên bước đường đi tìm anh cải tạo. Tâm trạng như ở tuốt trên ngọn cây tránh lụt. Hỏi những tên mũ cối dọc trên đường đi, họ nói Quảng Ngãi có trại Hành Tín, tập trung cả sĩ quan (Ngụy Quân với Ngụy Quyền). Ở Nghĩa Hành đi lên, đi đến đâu nhờ họ chỉ nhé.

    Trời tối thui rồi mà chẳng biết ngủ đâu? Thế mình quên là mình con gái mất, đâu phải là trai mà dạn dày thế kia chứ! Đến được trại Hành Tín mù mịt tối. Người đi thăm nuôi chừng năm mươi đến bảy mươi người. Ai nấy đều lo lắng đợi chờ cho mau sáng để ngày mai gặp thân nhân.

    Có cục xôi mẹ gói để riêng, ăn gần hết. Xuống cái suối nho nhỏ bụm nước mà nốc, nước ngọt ngon lành chạy vào tận xương. Lòng khó tả nổi lúc đó. Nhiều người đem bánh ú, khoai lang nấu ra ăn. Rồi tìm góc có bụi chuối mà nằm, không biết có ngủ được hay thao thức? Bầy muỗi, con nào cũng to tướng, bay vo ve, nghe rợn người. Đêm đó sao lâu sáng chi lạ. Tiếng gà rừng gáy, tiếng quốc kêu lạc bạn tình, tiếng dế than rỉ rích... đủ thứ tiếng côn trùng buồn não nuột!

    Sáng sớm, ai nấy đã dậy ngồi chờ, rồi đi tìm nước rửa mặt. Sương mù giăng mờ như Đà Lạt. Núi rừng nhấp nhô, bàng bạc sương mai dày đặc. Lâu lâu nghe những giọt nước trên lá cây rơi tí tách, nhẹ nhàng, mơ hồ cho nỗi buồn tan theo sương khói. Đến tám giờ, tất cả được cán bộ quản lý trại ra hướng dẫn, đọc nội quy thăm nuôi. Mình trông ngóng thấy cả đoàn các anh kể cả những bác đã già, lần lượt đi ra từng hàng dọc. Mình nhìn từng người xem có anh Hoành không. Xa quá không chộ rõ. Thấy các anh ốm tong teo, mặc đồ cũ hoắc, chân mang đôi dép su, đội nón cời, thảm ơi là thảm.

    Lần lượt cán bộ gọi tên theo giấy thăm nuôi. Nhiều người gặp người thân mừng lắm. Lúc đó, có ông già chắc là Ngụy Quyền được gọi, nhưng mà gọi lộn nên ông đứng mãi không ai thăm. Hết hai mươi phút, ông trở vào trại, chắc lòng buồn không thể tả. Còn mình cũng thế, không có anh Hoành. Cán bộ lại chỉ cho cái trại nữa là trại Ba Gia, Đồng Ké, Từ ngã ba Sơn Tịnh đi lên, cứ hỏi họ sẽ chỉ. Mình với vài ba người không gặp thân nhân, có một ông đi tìm con là Chuẩn úy, người Sàigòn, cũng buồn không kém. Trên đường trở lại ngã ba Sơn Tịnh chắc đến chiều mới tới.

    Đường núi cong queo dốc, lau lách cọ vào người cứa đứt, mà sau về nhà mới thấy đau. Những vết cắt như dao lam rạch tứ tung. Đồ ăn càng đi càng bốc mùi, bởi trời nắng. Xe đạp thì gởi ngoài xa cách chừng hơn mười cây số chứ đi đuờng rừng sao đạp được. Mệt quá nhất là đống đồ thăm nuôi, càng đi càng nặng; hết đội đến ôm rồi vác, quẹo cái cổ mất toi.

    Đến ngã ba Sơn Tịnh chắc ba giờ chiều. Phải đi tiếp không trễ mất, về cho kịp đi tấn công đồng cỏ nữa.

    Đêm đó ngủ ở chuồng trâu của dân trụ bám. Họ chửi bới nào là đồ nguỵ ác ôn, chết mẹ cho rồi. Đủ thứ những lời độc địa lôi ra để chửi cho đã cái cổ họng. Nghe buồn thúi ruột.

    Mình phải quyết tâm mới được. Vào quán ăn bún giò heo, một tô không thấm thía vì cái tô tí ti mà bao tử còn cồn cào. Nhưng ăn nhiều thì mệt đi cũng không nổi. Với lại còn phải để tiền nếu gặp, cho ảnh. Con đường Sơn Tịnh lên Ba Gia nghe nói khoảng ba mươi ki-lô mét. Dọc đường gió bụi thổi lướt qua, người đi lưa thưa, nhiều bộ đội hơn là dân.

    Thấy ba bộ đội đi trước mình tiến nhanh để cho kịp và đi theo chân khỏi bị lạc. Không ngờ mới hỏi một câu thì được trả lời bằng cái giọng Bắc Kỳ nặng trịch, không mấy thiện cảm:

    - Đi mãi sẽ tới.

    - Ngụy quân, Ngụy quyền... Đến bữa nầy không dẹp bỏ còn ăn mặc thế!

    - Đồ văn hóa đồi trụy!

    Mình lặng thinh biết trả lời sao bây giờ...

    Bộ đồ thun bông cỏ màu vàng, ôm thân hình gọn đẹp thế kia, mà nói là tàn dư Mỹ-Ngụy! Chẳng hiểu cái chế độ tân thời sẽ đưa dân chúng đến đâu đây. Lòng tin hoàn toàn suy sụp. Nghĩ thế nhưng chân vẫn bước theo vì một mình đi cũng ngán. Lòng tự nhủ, đám cháu “cụ Hồ” mới giải phóng, chắc đàng hoàng, không giở trò hiếp đáp con gái. Cứ nghĩ đẹp cho các chú bộ đội trong giai đoạn lịch sử sang trang nầy đi rồi hãy hay.

    Đường mù khơi rồi hai tên bộ đội cũng rẽ lối. Một mình đi trong ánh nắng chiều tà sao tê tái dâng tràn. Tiếng chặt tre lùm tre sát bên đường, dòm lên thấy cha sồn sồn đội mũ cối đứng trên cái thang cao khoảng năm mét đang chặt bì bộp. Bỗng tiếng xe gắn máy từ sau chạy tới. Người đó hỏi:

    - Sao mày, nó chết chưa? Tên chặt tre trả lời:

    - Đéo mẹ, chưa chết.

    - Đánh cho nó chết đi mày, để làm gì.

    - Đồ ác ôn chó chết, lấy đá đập vào đầu nó cho rồi, chừ đang ở đâu dậy?

    - Thì ở bờ sông cả ngày nầy

    - Đéo mẹ, đập cả buổi mà nó ngáp chưa chết.

    Nghe mà muốn xỉu, chân bước không nổi. Chừ hỏi ai bây giờ? Họ giết người nào thế? Nỗi sợ hãi dâng cao. Đừng là anh tôi, lạy trời... (sợ quá nghĩ thế, chứ anh mình đâu làm gì mà đến nỗi nó giết). Mãi đến tối tôi mới đến trại Ba Gia. Đông người thăm nuôi. Họ đi cả mấy ngày để chờ ngày chủ nhật mới cho thăm. Người đi tìm lần đầu như mình cũng nhiều, ai nấy lo nơm nớp. Cán bộ thông báo đem giấy thăm nuôi nộp để mai gọi tên theo thứ tự, ai trước thăm trước.

    Nhìn đoàn tù đi làm về ra sông tắm rửa. Bộ đội giữ tù đông bằng người đi thăm, súng ống mang sẵn sàng trên tay, miệng thì la hét inh ỏi, bắt tù cải tạo nhanh lên. Còn mấy anh tù cứ lén dòm thử coi có gia đình mình đi thăm đó không.

    Nhìn xa xa ai mà giống anh Hoành quá. Mừng thầm trong bụng. Đêm đó cũng ngủ ngoài chuồng bò lần nữa. Dân trụ bám họ bị thâm nhiễm đảng Cộng sản quá nên cứ gặp thân nhân đi thăm cải tạo là chửi khéo. Có người chửi trước mặt. Những tấm tranh cùn lót lưng nằm cho đỡ cấn. Cả hàng phụ nữ nằm riêng, êm ru không động đậy, tâm trạng lo âu đủ điều. Muỗi tha hồ cắn hút máu. Khuya nghe tràng súng nổ, rồi tiếng hô đứng yên không được chạy, bắn bể đầu. Thế là cả dãy đàn ông đàn bà chúng tôi ngồi nhổm dậy, nhìn về dãy trại bên kia con sông nhỏ. Đèn lập loè hiu hắt, cán bộ trại giam chạy thình thịch, chắc mấy anh tù trốn trại.

    Sáng mai chờ đến giờ thăm nuôi. Không được kêu tên chi cả. Cán bộ nói không có đây, chắc ở trại Sơn Nham, cách đây ba chục ki-lô mét trở lên. Cô cứ vừa đi vừa hỏi là họ sẽ giúp cho. Thất vọng nữa rồi.

    Thế là lên đường bỏ lại sau lưng trại Ba Gia, bên tê con sông thơ mộng. Núi rừng xanh thẳm chìm trong sương mai bãng lãng.

    Đi lên cao hơn hướng trại Sơn Nham gặp toàn bộ đội, du kích địa phương. Cũng nhiệt tình chỉ, nhưng họ đi bỏ lại một mình trên con đường vắng hoe, cõng đồ ăn chừ nghe hôi nhiều rồi đấy. Nhờ khi sáng có nấu cơm với mấy chị đi thăm chồng, ăn lót bụng chứ không trưa nay chắc đi không nổi. Trước mắt là con đường sỏi đá, dần cao lên. Hoa sim tím ngút trời, gió hây hây. Nhìn xa xa có đoàn người cõng gùi đi xuống, rồi phía sau mình cả đoàn tù cải tạo chừng một trăm người, cán bộ đi hai bên mang súng giữ lăm lăm. Tiến gần trước mắt mình, cả đoàn thiếu nữ người thượng trẻ trung, cỡ tuổi như mình, mang giỏ sau lưng, mặc váy xà-rông đặc biệt không có mặc áo, để nguyên si phần trên đầy đặn tuyệt vời không thể tưởng tượng, giống như một bức tranh, quá đẹp, quá hấp dẫn. Các cô hồn nhiên, vừa đi vừa cười, nói chuyện, nhảy nhót trên đường đá sỏi như chim sáo.

    Núi rừng sim tím làm lòng mình say đắm. Từng tốp mấy anh đi ngược chiều, để hai con mắt về các cô gái đó, dù trên lưng cõng một thùng nước mắm cỡ năm chục ký, có anh cõng một bao gạo. Mấy anh có lẽ cũng mệt ngất ngư rồi. Nhiều anh đi cà niểng vì mang dép cao su cụ Hồ không quen và hơn nữa đi về thị xã cõng lương thực xa 140km đường bộ cả đi lẫn về, băng rừng lội suối. Mình theo dõi thử có anh Hoành không? Nhưng đều lạ lẫm, nhiều anh dòm mình như dò tìm người thân? Tất cả đều bỏ sau lưng đường đồi xa hun hút.

    Đến dòng sông Sơn Nham khá rộng lớn phải đi đò. Hồi đó, chỉ vài đồng trả cho người lái đò là qua sông. Nhìn nước sông trong vắt trôi xuôi, buồn man mác.

    Qua sông rồi thì một trời gian nan hiện ra phía trước. Đi theo du kích coi tù, họ đi nhanh như sóc, mình đuối đơ. Nào leo dốc, bám dây leo ven dòng sông, rễ cây chằng chịt nghiêng xuống vực. Đi một đoạn là đến suối, có cây to được bắc ngang để đi qua. Thôi thì mình bò vậy, sợ té quá. Nhìn xa xa có cả dãy nhà, bầy trẻ ở truồng ở trần đen thui thui, đang nô đùa hồn nhiên. Nhìn lên nhà sàn thấy có phụ nữ vừa mới sinh đang nằm mặt nhìn ra đường mòn dòm người qua lại. Đứa bé mới sinh đỏ hỏn, còn có các cô phụ nữ mặc toàn đồ đen rách tả tơi. Thấy mà thương lắm, họ cười để cả hàm răng đen kịt, trông ngắn củn như bị cưa.

    Tục các sắc tộc là họ thích tốt khoe, xấu che; nên chi các cô chưa chồng để trần bộ ngực căng đầy.

    Tạm biệt dãy nhà sàn đơn sơ, nhưng với họ cuộc sống bình thản lạ lùng như con suối mùa xuân êm đềm, mộc mạc. Sống chỉ cần săn bắt thú rừng và cá dưới khe, rau rừng, tiả lúa bắp là đủ. Đêm đến họ đốt lửa cả đêm, để các con thú dữ khỏi mò tới và cho ấm nhà. Đối với họ, niềm vui hợp quần là trên hết. Họ vui chơi, nhảy múa dưới ánh trăng hay ngọn lửa bập bùng, lốp đốp nổ, hoà lẫn tiếng cồng chiêng đến thâu đêm.

    Đi mãi mà chưa tới. Cứ gặp bộ đội là hỏi đến chưa? Họ nói gần tới nhưng sao lâu kinh khủng. Băng qua con suối, hay dòng sông, con nước mát lạnh, bầy cá niên chạy tới đớp vào chân. Rêu xanh mượt, chạy theo dòng nước cuốn nhẹ nhàng, lắc lư theo con nước. Màu xanh rêu nguyên thủy, dài hơn suối tóc cô thôn nữ, từng mảng, từng mảng, êm đềm uyển chuyển, mình nhẹ bước. Bỗng một cái rầm trơn ơi là trơn, cả người ướt như chuột lột nhưng cảm giác mát lạnh chạy khắp thân. Vì đi lâu thân nhiệt tăng cao, thôi thì cho ngập luôn. Đi tiếp, cán bộ theo sau cỡ ba người, có người thanh niên trẻ nhỏ con hơn là người Quảng Ngãi. Họ thốt lên:

    - Đ.M., cho mấy thằng Ngụy Quân, Ngụy Quyền đó ở tù thí xác, mục gông đi nhé. Nó đã hưởng sướng nhiều rồi, tụi nó có vợ đẹp Đ... sướng...

    Mình lặng im không dám nhìn, sợ quá. Họ có biết đâu mình là em gái cơ chứ! Mà anh tôi thật sự có sướng chi đâu he, đời binh ngũ, ai nói sướng bao giờ!

    Mình nhớ có mấy lần ảnh về thăm nhà, đi xe thồ vừa đến ngõ chạy bay vào nhà xin tiền mẹ trả tiền đi xe. Có khi đi chiếc vespa màu xanh nổ bì bụp hay bị chết máy, bảo đàn em tụi mình ra đẩy toát mồ hôi hột. Đợt sau anh về tóc dài thòng, mẹ cha hỏi, anh nói đi hành quân nên không có thời gian cắt tóc. Có khi anh về nhìn trên tay không thấy chiếc nhẫn. Khi ra trường được nhận đeo để kỷ niệm của SVSQ/CTCT Đà Lạt. Chị hỏi, anh nói cuối tháng chưa lãnh lương em cầm. Chắc có lẽ ngày thất trận, nhẫn đang ở nhà cầm đồ không chừng.

    Nhìn xuống chân kinh khủng quá! Những con vắt đen thui búng búng, đo đo, ngoe ngoẩy thấy khiếp. Bên chân kia, máu chảy tùm lum. Chắc những con vắt uống máu no nó tự rớt. Ôi sợ quá phải chạy thôi. Nhưng đồ thăm nuôi đội trên đầu nặng quá, chừ cái cổ cứng đơ không quay được mà cũng không cúi xuống được, như người máy rô-bốt .

    Tôi mừng húm. Bên kia con suối, đi băng qua rừng lau sậy, trên dốc cao là trại mới làm. Có số anh đi chặt cây, ôm lá về làm thêm. Đương nhiên ai nấy đều dòm mình không chớp mắt và sợ quản giáo hét nữa. Ai cũng trông người nhà lên thăm cả...

    Nộp giấy để ngày mai thăm, mình hỏi cán bộ:

    - Tôi mới đi lần đầu không biết ở đây có anh NĐH không?

    - Có anh H người Quảng Nam.

    Trời ơi là mừng! Cú nầy tôi sẽ được cha mẹ thương hơn nữa rồi, thành tích số một đấy nhé.

    Nói là chỗ để thân nhân gặp thăm nuôi chứ thật ra, y cái chuồng bò của các bản làng. Vì mới tới, họ làm bằng nứa. Cái ghế là những cái cây bằng cổ tay dài nẹp lại ngồi tạm. Cái bàn cũng thế nhưng nhiều cây hơn. Đêm hôm đó ngồi chù hu, rồi nằm trên đống lá khô có ai đó ngồi trước nên mòn, chờ trông cho mau sáng. Nhìn ánh trăng thanh soi bóng xuống dòng sông êm ái, hiền hòa, thơ mộng vắng tanh. Trại này ở tận cùng của dãy núi Sơn Nham hút gió, đi lại vất vả.

    Đêm hôm đó nằm nghe tiếng chim kêu khuya từng chặp, tiếng gà rừng gáy te te, tiếng nước róc rách, ếch nhái kêu trong sương khuya buồn tê tái. Không có ai đi thăm cả. Chỉ mình tôi, mà cũng không đúng chủ nhật. Bị cán bộ la sao không đi ngày quy định. Mình nói đi hai trại rồi vì đi tìm nên không biết.

    Mờ sớm mình nhìn trên dốc có tiếng người đi. Ôi đúng rồi, anh tôi. Đi trước là cán bộ quản giáo chiều hôm qua thu giấy.

    Mừng nước mắt chảy dài không dám thốt nên lời. Ước chi để tôi ôm anh, để nước mắt tha hồ chảy cho khoẻ tâm hồn. Anh hỏi cha mẹ khoẻ không? Tôi trả lời cho nhanh để anh mừng là cả nhà đều khoẻ cả anh ạ! Chưa chi cán bộ nói cho thăm mười lăm phút thôi, nói gì thì phải nói to nhé. Cha Bắc Kỳ chắc có phần dễ chịu hơn. Nhìn anh như vừa qua cơn đau thì phải, nước da vàng, bủng. Anh vừa vui là gặp mình vừa buồn là thấy em gái lội suối băng rừng đến thăm thật gian khổ, anh rơm rớm nước mắt. Anh nói anh mới bị đau nên được cho ở nhà dọn dẹp vệ sinh. Mình cũng nói đi tìm anh cả tám, chín trại, cha đi chị đi em đi.

    - Chứ không nhận được thư anh gởi sao mà đi tìm?

    - Có nhận được mô, nên mới đi tìm như thế chứ!

    Anh nói:

    - Tội cho Cha mẹ quá em ạ! Anh chưa làm gì được để đền đáp công sinh thành nuôi dưỡng anh ăn học mà giờ đây già còn vất vả vì con.

    Mắt anh ngấn lệ làm mình cũng rơm rớm nước mắt rồi nói lảng đi:

    - Anh có ăn uống được không khi đau ốm như thế?

    Anh nói anh ăn được. Mình nghĩ chắc húp nước cháo loãng quá (Khi anh về mới biết là đau ở trại xin nước vo gạo mà húp chứ cháo chi có).

    Mười lăm phút trôi đi nhanh chóng. Cán bộ nói:

    - Đã hết giờ cho phép. Anh H lo thu xếp đồ. Còn thân nhân, nhớ là nội quy cho thăm ngày chủ nhật thôi đấy. Mà mỗi tháng mới được thăm một lần nhé.

    Anh đứng dậy bỏ đồ ăn vào ba lô. Mình ứa nước mắt. Chắc có dùng được chi trong đó không nữa, sợ bị hư cả rồi. Anh nói:

    - Em về nói với cha mẹ, chị em là anh vẫn khoẻ nghe, đừng lo cho anh. Em giữ gìn sức khoẻ, có đi học lại không?

    - Dạ không, em cũng tham gia công tác điạ phương.

    - Chúc em của anh làm công tác được tốt (Cố tình cho cán bộ nghe).

    - Dạ cám ơn anh. Anh cũng thế, học tập tốt để mau về anh nhé.

    Đường về cũng lối đi ấy nhưng giờ đây thơ mộng chi lạ. Bỏ lại sau lưng những núi non trùng điệp, thung lũng hoa vàng bên bờ suối; tiếng chim hót bên tai chào mào gọi bạn tình hót hay chưa từng nghe mà bây chừ mới thưởng thức, ngọt ngào thánh thót, du dương, luyến láy. Thượng Đế ban cho chất trữ tình trong giọng hót như người nhạc sĩ chơi Piano thực thụ sành điệu đến mê hồn làm lòng mình xao xuyến lạ lùng.

    Một mình men theo bờ sông lối mòn nhỏ hẹp phải chạy thôi không thì những con vắt nó búng lên thì khiếp lắm (Con gái hay sợ những con không đáng sợ, như nhà văn Duyên Anh đã nói thế). Cười một mình cho quên con đường gian khổ một tí không sao!

    Ổng nói bọn con gái sợ con giun, con sâu, con nhện nhưng con trai thì không sợ (đáng nể nhỉ). Tuổi học trò trong ta và những ước mơ cháy bỏng đã tàn lụi. Còn gì đây, tương lai ư? Sự nghiệp ư? Tình yêu ư? Thôi quên đi tất cả như ngọn cây qua muà giông bão.

    Đi một đoạn, nhìn thấy anh tù chắc được ra ngoài hái rau. Anh đang mải miết rượt theo con rắn mối đang chạy vào lùm lau sậy để trốn. Anh ngượng ngùng khi thấy tôi nhìn cảnh anh đuổi bắt như người tiền sử săn mồi. Anh ốm yếu, buồn thiu khổ ải. Trong lòng anh chắc mong người nhà đến thăm khi thấy mình.

    Làm sao chia nổi tình thương đây, hỡi Thượng Đế? Ngài ơi! Con người do Ngài sinh ra. Nỗi nhọc nhằn khổ ải nầy, Ngài có thấu chăng?

    Con đường được phủ kín bởi rừng cây cao rộng, lá vàng muôn thứ còn mềm ẻo lả dưới chân bay bổng mà lòng bời bời sung sướng được gặp anh Hoành.

    Đến ngay đoạn hôm qua, chỗ con suối nhỏ, rồi đến chỗ lùm tre, nghe người nói chuyện phía sau lưng vừa đi tới. Mình nhìn quay lại thì thấy cảnh tượng rợn người, có bốn người khiêng một người trên cái chõng tre có đắp tấm chiếu, chân lòi ra ngoài xanh lè, dính bùn đất thảm thương. Hỏi ra là cái anh hôm qua bị đập ở bờ sông, họ trả thù cá nhân. Nghe nói anh ta hồi Quốc gia làm Quân cảnh, bắt con trai gia đình có người đi núi, bắt đi lính rồi chết. Chừ trả thù đem đập đầu bằng đá tu-lăng đến chết, cho người nhà đem về chôn. Kinh hãi hơn là nghe nói ở sông Trà Khúc, một tuần có vài ba người bị giết bằng chém, đập đá... Thả trôi sông...

    Khi về đến nhà tôi cười. Cha mẹ nhìn ba-lô xẹp lép là biết đã tìm được anh H. Cha mẹ tôi như hồi sinh. Chị tôi như hết cơn đau kiệt quệ. Em tôi nhảy mừng quýnh như ai cho chục bao kẹo sau mười năm thèm ngọt.


    Ánh Nguyệt
    Em gái NT2 Nguyễn Đình Hoành


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X