Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Biến cố lịch sử không thể nào quên

Collapse
X

Biến cố lịch sử không thể nào quên

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Biến cố lịch sử không thể nào quên

    Biến cố lịch sử không thể nào quên
    ~~~~





    Khi bài viết của tôi xuất hiện trên mặt báo thì chỉ còn vài ngày nữa là tới ngày 13 tháng 12.

    Ðây là ngày mà cách đây 33 năm chế độ Cộng Sản Ba Lan đã ban hành tình trạng thiết quân luật, một sự kiện lịch sử kinh hoàng mà kể từ khi chế độ Cộng Sản sụp đổ vào năm 1989, không năm nào người Ba Lan không tưởng niệm.

    Sau chuyến hành hương về thăm tổ quốc Ba Lan của Ðức Giáo Hoàng Joan Paolo II vào tháng 6 năm 1979, tháng 8 năm 1980 phong trào phản kháng Công Ðoàn Ðoàn Kết ra đời.

    Ngày 24 tháng 9 năm 1980, Công Ðoàn Ðoàn Kết nộp đơn xin đăng ký hoạt động tại tòa án thành phố Warsaw, nhưng đã bị từ chối với lý do điều lệ của Công Ðoàn Ðoàn Kết không phù hợp với Hiến Pháp. Công Ðoàn Ðoàn Kết đe dọa sẽ tổng đình công. Ðích thân thủ tướng đương nhiệm phải đứng ra giải quyết. Cuối cùng đạt được thỏa thuận là Tòa án Tối Cao Ba Lan đồng ý đăng ký công nhận Công Ðoàn Ðoàn Kết là tổ chức hợp pháp, nhưng Công Ðoàn Ðoàn Kết phải điều chỉnh lại điều lệ, trong đó công nhận Hiến Pháp hiện hành và vai trò của đảng Cộng Sản đối với nhà nước Ba Lan.

    Phong trào Công Ðoàn Ðoàn Kết phát triển nhanh chóng, quy tụ gần 10 triệu thành viên bao gồm mọi tầng lớp xã hội: công nhân, nông dân, trí thức, sinh viện đại học, v.v... trở thành một lực lượng đối lập mạnh. Dưới sự lãnh đạo của Công Ðoàn Ðoàn Kết những cuộc đình công bãi công đòi dân chủ và cải thiện đời sống nổ ra liên tiếp trên toàn quốc

    Lo sợ lực lượng này có thể gây ra cơn bão làm sụp đổ chế độ, nhà cầm quyền Cộng Sản Ba Lan đã đưa ra biện pháp bạo lực nhằm ngăn chặn.

    Ðêm 13 tháng 12 năm 1981, Ðại Tướng W. Jaruzielski, người đứng đầu đảng và nhà nước Cộng Sản Ba Lan, chủ tịch Hội Ðồng Quân Sự Cứu Nguy Dân Tộc, công bố thiết quân luật hay còn gọi là tình trạng chiến tranh, trên cả nước.

    70 ngàn binh sĩ quân đội, hàng chục ngàn lính dự bị đặt trong thế sẵn sàng, 30 ngàn viên chức thuộc Bộ Nội Vụ, 1750 xe tăng và 1400 xe bọc thép, 500 chiến xa, 9000 xe ô tô, một số phi đội máy bay trực thăng và máy bay vận tải, đã được huy động cho đợt đàn áp. Liên lạc điện thoại bị vô hiệu hóa, giới nghiêm từ 19 giờ đến 6 giờ sáng, cấm công dân thay đổi nơi cư trú, ngưng phát hành báo chí (trừ báo của đảng và quân đội), phá sóng radio nước ngoài phát vào Ba Lan, đình chỉ công dân xuất cảnh, tạm thời đóng cửa các trường học,... 25% binh lực được tập trung trong và xung quanh thủ đô Warsaw.

    Một chiến dịch đàn áp các nhà hoạt động đối lập được tiến hành với quy mô chưa từng có. 10 ngàn an ninh, mật vụ tham gia chiến dịch “Cây thông” bắt giữ những người được cho là nguy hiểm đối với an ninh quốc gia, đưa họ tới các nhà tù và những trung tâm giam giữ đã được chuẩn bị trước.

    An ninh Ba Lan còn được hỗ trợ tích cực bởi an ninh của Ðông Ðức thông qua nhóm tác chiến của Stasi tại Warsaw và KGB của Liên Xô.

    Chỉ riêng trong tuần đầu tiên của thiết quân luật, trong các nhà tù và trại giam đã có khoảng 5 ngàn người. Trong suốt thời kỳ thiết quân luật (gần hai năm), có khoảng 10 ngàn người bị bắt giữ trong 49 trại giam trên cả nước, đa số gồm các nhà lãnh đạo của Công Ðoàn Ðoàn Kết, trí thức liên kết với họ và nhà các hoạt động đối lập dân chủ. Bốn ngàn người trong số này đã bị buộc tội và có án tù, hàng ngàn công nhân bị sa thải. Khoảng 100 người chết do bị bắn hoặc bị đánh đập.

    Không khí khủng bố bao trùm, xã hội ngột ngạt. Có tới gần 2900 người tự tử trong năm 1981. Hàng trăm ngàn người dưới 35 tuổi đã bỏ chạy khỏi Ba Lan sang các nước phương Tây. Một cuộc exodus vĩ đại không khác gì cuộc vượt biên tị nạn Cộng Sản của người dân miền Nam Việt Nam sau 30 tháng 4 năm 1975.

    Tuy nhiên, ngay trong thời gian thiết quân luật, các cuộc biểu tình vẫn nổ ra.

    Trong ngày Quốc Tế Lao Ðộng, 1 tháng 5, 1982, hàng chục ngàn người đã xuống đường phản đối tình trạng thiết quân luật với biểu ngữ “Thiết quân luật là bất hợp pháp.”

    Ngày 31 tháng 8, 1982, người Ba Lan đồng loạt xuống đường tại 34 tỉnh thành. Hơn 5,000 người đã bị bắt giữ, 3,000 người bị tòa án buộc các tội khác nhau, một số tờ báo bị đóng cửa (như tờ “Kultura,” hay “Czas”) và 800 nhà báo bị sa thải.

    Thế giới lên án mạnh mẽ và cô lập Ba Lan. Mỹ và nhiều nước phương Tây tuyên bố bao vây kinh tế Ba Lan và thúc đẩy viện trợ tiền bạc, vật chất cho Công Ðoàn Ðoàn Kết.

    Ngày 22 tháng 7 năm 1983, nhà cầm quyền Cộng Sản đã buộc phải chấm dứt tình trạng chiến tranh và giải thể Hội Ðồng Quân Sự Cứu Nguy Dân Tộc.

    Ngày 13 tháng 12 năm 1981, đánh dấu một giai đoạn bi thảm của lịch sử Ba Lan. Sau khi chế độ Cộng Sản sụp đổ vào năm 1989, Tòa án Hiến Pháp của Ba Lan năm 2011 đã phán quyết việc ban hành tình trạng chiến tranh vi phạm các nguyên tắc về tính hợp pháp của chính Hiến Pháp của nhà nước Cộng Sản lúc bấy giờ.

    Ông A. Kwasniewski, một cựu bộ trưởng Ba Lan thời Cộng Sản, tổng thống Ba Lan dân chủ hai nhiệm kỳ (1995-2005) đã phát biểu rằng, “Có nhiều ngày kỷ niệm chúng ta không được quên. Bởi vì nếu làm khác đi, chúng ta sẽ tạo ra một lỗ hổng trong nhận thức xã hội mà từ đó có thể sinh ra các loại bệnh tật.” Năm 2001, nhân dịp ngày lễ tưởng niệm 13 tháng 12 với tư cách một người trong cuộc, ông đã xin lỗi nhân dân Ba Lan về tình trạng chiến tranh.

    Tác giả chính của tình trạng thiết quân luật, Tướng W. Jaruzelski vào năm 2009 trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình TVN24 đã xin lỗi về sự chịu đựng kinh hoàng của người Ba Lan do tình trạng thiết quân luật gây nên. Tuy nhiên, ông nói rằng, tình trạng thiết quân luật ra đời là điều chẳng đặng đừng, nó đã ngăn ngừa được sự can thiệp của quân đội Liên Xô vào Ba Lan. Nhưng sự đàn áp dã man lực lượng đối lập đã phủ nhận bao biện của ông, không giúp được ông thoát khỏi cáo buộc về trách nhiệm trước tòa án. Một tiến trình tố tụng được xem đi xét lại, hủy bỏ, rồi lại tiếp tục của tòa án các cấp diễn ra triền miên suốt từ năm 1991 đến lúc ông qua đời vào tháng 5 năm 2014.

    Từ sự đàn áp phong trào đối lập của nhà cầm quyền Cộng Sản Ba Lan chúng ta có thể kết luận rằng, bộ máy đàn áp của các chế độ Cộng Sản nào ở mọi nơi đều giống nhau. Sử dụng bạo lực tàn bạo, trấn áp lực lượng đối lập để giữ chế độ là bản chất của mọi nhà nước độc tài.

    Từ những năm 1956, khi một trăm ngàn người xuống đường ở thành phố Poznan, 10 ngàn binh sĩ Ba Lan dưới sự chỉ huy của Tướng Liên Xô Stanislav Poplavsky đã dìm cuộc biểu tình trong biển máu.

    Sau các cuộc đàn áp tiếp theo của nhà cầm quyền Cộng Sản Ba Lan trong những năm 1970, 1972, tình trạng thiết quân luật trong năm 1981 là đỉnh cao của sự khủng bố.

    Chế độ Cộng Sản Việt Nam cũng giống Cộng Sản Ba Lan, không ngừng đàn áp các hoạt động dân chủ, nhân quyền, nhưng về quy mô điều động lực lượng mang quân phục nhà nước và về số người bị bắt giữ thì kém hơn nhiều. Tuy thế phương pháp của nhà cầm quyền Việt Nam thâm độc hơn một bực.

    Ðó là, công an mặc thường phục giả dạng côn đồ xã hội đen hoặc công an sử dụng côn đồ xã hội đen thực để quậy phá, sách nhiễu, đánh đập những người bất đồng chính kiến, hoặc những người tham gia các hoạt động dân chủ. Một hình thức ném đá giấu tay rất đểu cáng, lưu manh! Bằng cách này nhà cầm quyền ngăn chặn được nạn nhân tố cáo, khiếu nại công an vi phạm pháp luật.

    Chị Bùi Thị Minh Hằng, anh Huỳnh Ngọc Tuấn bị ném đồ dơ bẩn vào nhà. Các blogger Nguyễn Hữu Vinh, Lê Quốc Quân, Nguyễn Hoàng Vy, v.v... bị côn đồ hành hung dã man. Chị Trần Thúy Nga bị đánh gãy chân. Gần đây nhất, nhà báo Trương Minh Ðức bị đánh nguy kịch phải nhập viện hay ông tổng lãnh sự Pháp tại Sài Gòn Emmanuel Batallan bị tấn công. Tất cả mọi vụ việc đều bị nhà cầm quyền làm ngơ, không điều tra xem xét, không một kẻ tội phạm nào bị vạch mặt và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

    Ôn lại biến cố ngày 13 tháng 12 năm 1981 tại Ba Lan để chúng ta không ảo tưởng về một chế độ Cộng Sản nào, rằng Cộng Sản Châu Âu ít xấu hơn Cộng Sản Châu Á. Tuy nhiên, phương pháp hành động có sự khác biệt. Nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam thuộc hàng chợ búa, lưu manh, mọi rợ và hèn hạ. Chống cự lại một bộ máy bị côn đồ và lưu manh hóa khó hơn nhiều lần đối diện với những sư đoàn lính chính quy, hiện đại.

    Lê Diễn Ðức
    (http://www.diendantheky.net)


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X