Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Nghe “Strange Fruit” (Trái lạ) nghĩ về nạn phân biệt chủng tộc ngày nay tại Mỹ

Collapse
X

Nghe “Strange Fruit” (Trái lạ) nghĩ về nạn phân biệt chủng tộc ngày nay tại Mỹ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Nghe “Strange Fruit” (Trái lạ) nghĩ về nạn phân biệt chủng tộc ngày nay tại Mỹ

    Phương Tôn – Nghe “Strange Fruit” (Trái lạ) nghĩ về nạn phân biệt chủng tộc ngày nay tại Mỹ

    Người ta thường nói, nhạc Việt Nam nghe thường rất buồn nhưng đối với tôi có một loại nhạc nghe còn buồn không kém, buồn chết được, đó là loại nhạc Jazz cổ điển (khác với loại nhạc Jazz mới ngày nay), loại nhạc phổ biến trong người Mỹ da đen nô lệ ở vùng miền nam nước Mỹ. Trời sinh loại nhạc này dường như để dành cho người da đen ở Mỹ hát. Nghe mấy ông bà này ca, rên rĩ thì “não cả ruột”. Tuy nhiên, buồn thì có buồn nhưng thích thì vẫn cứ thích (như thích nhạc sến Việt Nam vậy, càng buồn lại càng thích), đặc biệt với bà ca sĩ Billie Holiday khi hát bài “Strange Fruit” (Trái lạ) vào năm 1939 (“Lạ” đây là lạ thiệt chứ không phải cái kiểu bạn “16 chữ vàng, 4 tốt” nó đánh cho tơi tả mà vẫn gọi là người… lạ!). Nói đúng ra, bà ta không hát mà lại… rên. Tiếng ca của bà cất lên như những lời ai oán gọi hồn, những oan hồn vất vưởng chưa siêu thoát ở vùng các bang miền nam nước Mỹ, nơi một thời những người da đen bị người da trắng thượng đẳng dùng làm nô lệ và đối xử còn không bằng một con.. chó hoang.
    Trái lạ

    Cây phương Nam cho ra trái lạ

    Máu vướng trên lá, máu thấm rễ cây

    Xác người đen theo gió lung lay

    Trên cành dương, xác là trái lạ!



    Cảnh thôn dã của miền Nam hào hiệp

    Đôi mắt lồi và cái miệng quăn queo

    Hương mộc lan ngọt ngào tinh khiết

    Ngờ đâu mùi thịt cháy quyện hoà theo.



    Đây là trái cho loài quạ mổ

    Cho mưa đọng, cho gió lay

    Cho đến ngày thối rữa

    Cho đến lúc rụng rơi

    Đây đúng là mùa trái lạ đắng cay!

    (Bản dịch Việt ngữ của một người bạn không muốn nêu tên)
    Strange Fruit

    Southern trees bear a strange fruit
    Blood on the leaves and blood at the root
    Black bodies swingin’ in the Southern breeze
    Strange fruit hangin’ from the poplar trees

    Pastoral scene of the gallant South
    The bulgin’ eyes and the twisted mouth
    Scent of magnolias sweet and fresh
    Then the sudden smell of burnin’ flesh

    Here is a fruit for the crows to pluck
    For the rain to gather
    For the wind to suck
    For the sun to rot
    For the tree to drop
    Here is a strange and bitter crop

    Với Strange Fruit, Billie Holiday khóc than cho những người da đen bị trói vào cây – với một sợi dây quấn quanh cổ. Bị treo lòng thòng trên nhưng thân cây với những “tội lỗi” không ngờ được: Một anh da đen đi ngang hàng với một phụ nữ da trắng cũng đủ bị đám người da trắng thượng đẳng lôi treo cổ trên cành cây, hôn một phụ nữ da trắng thì không những bị treo cổ mà còn bị chúng phanh thây…

    Billie Holiday chứng kiến điều đó khi sống ở thời điểm mà bọn da trắng thượng đẳng Ku Klux Klan hoành hành gần như không bị cản trở ở phía nam nước Mỹ. Thời mà người da đen tại các bang miền nam Mỹ bị xử hình công khai dễ dàng còn hơn một con chó mang bệnh dại. Và bà đã cất tiếng hát, mô tả về một giai đoạn đen tối, nhục nhã của Mỹ quốc. Bà cất những lời ca ai oán cho những người bị giết và cũng như là một cách trị liệu tâm lý cho chính mình.

    Billie Holiday vẫn còn tiếp tục cất tiếng hát cho những người da đen bị giết oan uổng, bà vẫn tiếp tục hát để góp phần trong các cuộc đấu tranh Dân quyền tại Mỹ vào các thập niên 50 và 60. Tiến trình đấu tranh cho Dân quyền dù chậm nhưng vững chắc và kết quả cuối cùng là một Barack Obama, tổng thống da đen đầu tiên của Mỹ. Một vị tổng thống mà rất nhiều người Việt tị nạn tại Mỹ, những người tự nhận là người vác những ngọn cờ tranh đấu cho Nhân quyền và Dân quyền Việt Nam, gọi là “thằng tổng thống nhọ nồi”!

    Tưởng chừng chỉ có một đám nhỏ người Việt có tư tưởng kỳ thị chủng tộc, màu da cực kỳ ngu xuẩn như vậy, tưởng chừng một trang sử đen tối nhất của Mỹ quốc đã được lật qua nhưng không ngờ những ngày qua, trên các mạng xã hội đã rộ lên tấm hình một người da đen bị cảnh sát dẫn đi trên đường phố Galveston thuộc bang Texas. Donald Neely, 43 tuổi, hai tay bị trói ngược sau lưng với một sợi dây bị cảnh sát cỡi ngựa dẫn đi trên đường phố vì can tội trộm cắp. Donald Neely người da đen. Cả hai viên cảnh sát người da trắng. Một trong hai viên cảnh sát dẫn Neely đi với sợi dây thong thả như dẫn một con bò vào lò sát sanh.
    Hình ảnh một người da đen bị cảnh sát da trắng trói tay dẫn đi như một con bò đã nói lên một phần của sự kỳ thị chủng tộc màu da tại Mỹ hiện nay. Đáng tiếc, nó sẽ không dừng ngang đó, nếu ta biết rằng, trong quá khứ cho đến nay đã có vô số người da màu bị cảnh sát da trắng Mỹ tấn công, đặc biệt là người Mỹ gốc Phi châu. Và cũng đã có vô số người da màu bị cảnh sát da trắng Mỹ giết oan uổng. Theo thống kê đáng tin cậy cho thấy ( https://www.pnas.org/content/116/32/15877 ) nguy cơ một người da đen bị cảnh sát Mỹ giết chết cao hơn 3,7 lần so với một người da trắng.

    Với con số 500 người Mỹ gốc Phi châu bị cảnh sát Mỹ bắn chết trong năm nay, với một tổng thống “racist” như ông ta từng không ngần ngại thừa nhận, thường xuyên thúc đẩy sự phân biệt chủng tộc bằng tweet và các bài phát biểu trong các cuộc vận động tranh cử, bằng cách “bơm cho ngọn lửa Quyền Lực Da Trắng cháy bùng lên (“fanned the flames of white supremacy”) theo lời ông Joe Biden cựu Phó Tổng thống Mỹ, bằng cách bênh vực những tên khủng bố da trắng thì bức ảnh của Donald Neely bị trói tay dẫn đi giữa phố như một con bò không thể xem là bức ảnh lịch sử vì đây không phải là chuyện lạ và dù sao, Donald Neely vẫn còn “may mắn” được sống.

    Hình ảnh của Donald Neely tại Galveston được thu chụp chỉ một ngày sau vụ tấn công khủng bố phân biệt chủng tộc ở El Paso đưa ra một thông điệp rõ ràng: Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là một quốc gia được xây dựng dựa trên chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, một quốc gia nơi cảnh sát vẫn bình thản trói tay một người da đen dẫn đi giữa đường phố một cách công khai, bất chấp mọi cuộc thảo luận, phản đối phân biệt chủng tộc .

    Hình ảnh từ Galveston biểu hiện của một quốc gia đã xóa bỏ chế độ nô lệ vào năm 1865, nhưng trong đó người da đen vẫn ít nhiều không được luật pháp bảo vệ đúng mức. Bức ảnh biểu hiện của một đất nước chưa vượt qua sự phân biệt chủng tộc mãi cho đến ngày hôm nay. Nhưng bức ảnh lại trở thành một bức ảnh lịch sử vì nội dung của nó không thể nào nhấn mạnh hơn và rõ ràng hơn: Một người đàn ông da đen bị trói với sợi dây thòng. Hai người da trắng ngồi chễm chệ trên lưng ngựa. Đó là một hình ảnh mà mọi người đều nghĩ chỉ còn thấy trên màn ảnh trong các phim tài liệu và sẽ không bao giờ nhìn thấy ngoài đời thực tế nữa. Một hình ảnh được lập lại từ quá khứ đau buồn. Hình ảnh một thực tế cay đắng từ một trăm năm trước, vào thế kỷ 19. Đây là những ngài da trắng thượng đẳng, kia là những tên nô lệ da đen.

    Vậy thì các ông bà, những người da vàng tự xem là “những người tị nạn chính trị chân chính” trên đất Mỹ, là những người Mỹ còn hơn… Mỹ trắng, những người cứ ngỡ mình mới xứng đáng được nhận vào sống trên đất Mỹ nên họ chống những người dân nhập cư khác một cách hận thù như thể mình chưa bao giờ bỏ nước ra đi vì Tự do, Nhân quyền bị cướp mất, đời sống không còn được bảo đảm, có bao giờ nghĩ hình ảnh từ Galveston sẽ không dừng với người da đen mà nó sẽ có thể xảy ra với bất kỳ một người da vàng nào đó? Có bao giờ nghĩ, họng súng liên thanh nhả đạn hàng loạt của những tên khủng bố da trắng cực hữu như ở Dayton và El Paso1 vừa xảy ra sẽ không phân biệt kẻ nào là người Mỹ da vàng sùng bái Trump, người nào không? Từ mục tiêu bắn giết là người da đen nay bọn khủng bố da trắng đã chuyển sang tàn sát người gốc Mễ và một ngày nào đó bọn chúng cũng có thể nhắm đến người da vàng. Tại sao không?

    Cầu mong sao sẽ không bao giờ có một Billie Holiday người Việt phải than khóc:

    Cây Mỹ trổ những quả lạ

    Máu trên lá, máu dính nơi rể cây

    Những thân hình đong đưa trong gió .

    Như trái cây lạ treo trên cành

    (Nhái theo Strange Fruit)

    Phương Tôn

    Tháng 8. 2019



    1El Paso nằm ở biên giới với Mexico và có khoảng 680.000 cư dân. Phần lớn dân số là người gốc Tây Ban Nha. Nhiều người chết có gốc Mỹ Latinh, tám nạn nhân là công dân Mexico. Theo các cơ quan có thẩm quyền, việc truy tố không chỉ tập trung vào cáo buộc giết người, mà còn tập trung vào “tội ác thù ghét” (hate crime). Ở Mỹ, hate crime là một hành động nhắm vào những người có nguồn gốc, màu da hoặc khuynh hướng tình dục nhất định. Nghi phạm Patrick Crusius, kẻ xả súng giết 22 người tại El Paso xác nhận cùng cảnh sát, mục tiêu của hắn ta là nhắm vào người Mễ Tây Cơ. Trong một “Manifest” dưới tên “The Inconvenient Truth” nghi phạm còn cho biết hắn ta muốn “đoàn kết” với tên Brenton Tarrant, khủng bố da trắng cực hữu đã từng xông vào hai nhà thờ hồi giáo tại Christchurch, New Zealand vào ngày 15.3.2019 tàn sát 51 người khi họ đang cầu nguyện tại đây.

    <iframe width="854" height="480" src="https://www.youtube.com/embed/Web007rzSOI" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>

    Billie Holiday-Strange fruit- HD

    A magic song from a magic voice


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X