Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tri Ân và Xin Lỗi

Collapse
X

Tri Ân và Xin Lỗi

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tri Ân và Xin Lỗi

    Tri Ân và Xin Lỗi


    Nguyễn Trần Diệu Hương


    Mùa hè năm 2015, chúng tôi gặp nhau, không còn thơ dại như hồi học chung, chỉ vỏn vẹn sáu người, khoảng một phần mười của sĩ số lớp học ngày xưa. Nhưng tình bạn từ thời mẫu giáo, từ thời Trung học vẫn còn. Như vậy là vui lắm, mỗi năm gặp nhau một lần, được thăm quý Thầy Cô thời Trung học, thấy mình được trở về thời 16 tuổi, dù trong khoảnh khắc cũng vui lắm rồi.

    Dạo đó Cô giáo Quốc văn năm lớp sáu cho làm một bài Luận với đề tài "Em sẽ ra sao trong năm 2015 ?". Mấy chục cái đầu, vài chục tư tưởng… nhỏ tưởng tượng đủ thứ. Không ai tưởng tượng ra mình họp lớp ở xứ người, với các lớp đàn anh, đàn chị nhiều hơn là lớp bạn cùng khóa của mình.

    Hầu hết điều chúng tôi tưởng tượng chuyện xảy ra 2015 không đúng. Một trong những điều đúng là chúng tôi vẫn còn được gặp nhau sau hơn 25 năm rời Trung học. Chung là Bác sĩ, Long là Kiến trúc sư như mơ ước từ lúc Tiểu học. Và quan trọng hơn hết chúng tôi đã thực hiện đúng lời hứa với lòng.

    ***

    Mùa hè năm đó, về Cù Lao Phố ở Biên Hòa chơi, tắm sông Đồng Nai, chúng tôi thường bơi thi với đủ kiểu bơi sãi, bơi chó, bơi ngửa, bơi ếch..., ai giỏi kiểu nào thì bơi kiểu đó, miễn là về đến đích trước.

    Chúng tôi chọn khúc sông vắng để tha hồ la hét, đùa giỡn, không sợ làm phiền lòng những người thích yên tĩnh. Vậy mà bao giờ cũng có một anh thanh niên trẻ ngồi trên bờ sông với cái kính mát che nửa khuôn mặt hướng về phía chúng tôi. Lúc đầu chúng tôi còn ngại ngùng khi thấy "khán giả không mời mà đến" luôn hướng mắt về phía mình. Lâu dần, thấy anh ta chỉ im lặng ngồi quan sát, hiền lành vô hại, chúng tôi vẫn chơi đùa như không gian khúc sông đó của riêng mình.

    Thường thì chỉ có tụi con trai tắm sông, tụi con gái đứng trên bờ vừa làm giám khảo, vừa làm cổ động viên. Có một lần duy nhất, hai tay bơi giỏi nhất lớp về đích gần như ngang ngửa. Cả bọn chia làm hai phe, lúc đầu còn nhỏ nhẹ, về sau hăng quá, khoa tay, múa chân, gân cổ cãi nhau, tranh phần thắng cho gà nhà. Không ai nhường ai, bên nào cũng cho là "gà của mình" thắng, "gà" bên kia là "gà... nuốt dây thun".

    Cuối cùng chúng tôi đến hỏi ý kiến khán giả thầm lặng luôn ngồi dựa gốc cây hướng mắt về phía chúng tôi. Thành phần thứ ba bao giờ cũng sáng suốt, không có thiên kiến, và không thiên vị.

    Chúng tôi kéo đến gần "khán giả thầm lặng", nhao nhao :

    - Chú ơi, Chú theo dõi cả hai đội bơi từ đầu, Chú thấy đội nào về đích trước Chú ?

    - Bên kia mắt quáng gà, cận thị không thấy mình thua phải không Chú ?

    - Chú cho ý kiến đi Chú, bên kia nhất định không chịu thua.

    - …

    Đợi chúng tôi ngưng khiếu nại, khán giả trung thành và thầm lặng ở bến sông trả lời :

    - Trước hết, các em cho tôi lên chức Chú hơi sớm ! Khoảng vài năm trước, chắc tôi cũng bằng tuổi các em bây giờ. Thứ hai, tôi rất tiếc không góp ý ai thắng cho các em được vì tôi không thấy gì hết. Mắt tôi bị hư trong một trận đánh lớn ở An Lộc hai năm trước. Các em có nghe nói đến những từ : "Mùa Hè đỏ lửa", "An Lộc kiêu hùng" phải không ?

    Chúng tôi há hốc, miệng, trợn tròn mắt kinh ngạc, ân hận. Tụi con gái còn rơm rớm nước mắt. Bỗng nhiên chợt thấy mình gần giống một nhân vật hợm hỉnh khoe đồng hồ với một người bạn mù trong chuyện "Tâm Hồn Cao Thượng" của Edmond De Amicis, Hà Mai Anh dịch.

    Cả bọn, từ con trai đến con gái, đều lắp bắp không thành lời :

    - Xin lỗi, chân thành xin lỗi Chú, ngàn lần xin lỗi, tụi cháu không biết.

    Người thanh niên trẻ cười hiền hòa :

    - Các em không có lỗi vì tôi đeo kính đen lúc trời đang nắng, nhưng tôi sẽ buồn vì các em cứ gọi tôi là Chú.

    - Xin lỗi đã làm cho anh buồn, và cảm ơn anh không bắt lỗi tụi em.

    - Không sao, dù bom đạn lấy mất đôi mắt tôi, nhưng nghe tiếng các em nô đùa, tôi cũng vui vì ít nhiều sự hy sinh của tôi đã góp phần vào sự bình yên của nơi này, góp phần giữ cho các em niềm vui của tuổi thơ.

    ***

    Đó là mùa Hè năm 1974. Chỉ một năm sau, là biến cố 30 tháng 4. 1975 rất buồn của đất nước, chúng tôi cũng bị cuốn theo cùng vận nước, lưu lạc khắp nơi. Và không bao giờ có dịp gặp lại người thương binh đã bỏ cặp mắt lại chiến trường An Lộc.

    ***

    Xin được viết vài dòng riêng cho người thương binh năm đó. Không biết bây giờ anh còn sống, hay đã "trả xong nghiệp" như anh đã nói với chúng tôi, bầy học trò nhỏ tắm sông ở Cù Lao Phố năm xưa. Nếu anh còn sống, hy vọng có ai đó đọc cho anh nghe những dòng này.

    Thưa Anh, chỉ có cơ hội nói chuyện với anh một lần, chưa kịp hỏi tên Anh, nhưng tụi em thấy mình nợ anh nhiều lắm. Trong hạnh phúc, thành đạt của tụi em bây giờ có một phần xương máu của anh, có phần đóng góp của cặp mắt anh bỏ lại An Lộc năm 1972.

    Từ bao nhiêu năm qua, chưa hề nói với ai, ngay cả nói với nhau, giữ đúng lời tự hứa với lòng, không hẹn mà tụi em cùng đóng góp mỗi năm cho quỹ ủng hộ thương phế binh, cho 11 lần Đại Nhạc Hội cảm ơn Anh, mặc dù tụi em chưa bao giờ đến tham dự Đại Nhạc Hội. Cũng như anh năm xưa, ngồi thầm lặng ở một góc sông nghe tụi em chơi đùa nhớ lại thời học trò của mình. Mỗi năm, không hẹn, mà tụi em cùng thầm lặng đóng góp, và nhớ lời anh kể với tụi em năm nào, nhớ tới thái độ chịu đựng, coi "chiến tranh như tai trời ách nước" của anh.

    Năm nay, lần đầu tiên xin viết ra chuyện này, vì đã 42 năm từ ngày chiến tranh chấm dứt, các chú các anh thương phế binh chắc cũng "đã trả xong, hoặc sắp xong nghiệp", không biết tụi em còn có cơ hội góp phần trả nghĩa bao nhiêu năm nữa?

    Xin viết lại chuyện này vào những ngày sắp có "Đại Nhạc Hội Cảm ơn anh lần thứ 11" ở San Jose CA để góp phần nhắc mọi người cùng góp bàn tay. Và xin được coi như một lời xin lỗi chân thành lần thứ hai của tụi em vì chuyện không biết anh đã để lại đôi mắt ở chiến trường.

    Ngàn lần tri ân, và ngàn lần xin lỗi.


    Nguyễn Trần Diệu Hương
    California đầu tháng 8. 2017

    Nguồn Việt Báo


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X