Remember ?

Trang 4/4 đầuđầu ... 234
kết quả từ 19 tới 23 trên 23

Tựa Đề: Chinh Chiến Điêu Linh - Kiều Mỹ Duyên

  1. #19
    Administrator
    PS khoá 72G's Avatar
    Status : PS khoá 72G v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Dec 2008
    Posts: 1,025
    Thanks: 0
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default Nhớ Rừng

    Chinh Chiến Điêu Linh
    Phóng sự chiến trường của nữ ký giả Kiều Mỹ Duyên

    NHỚ RỪNG
    Buổi sáng ngày 16 tháng 5 năm 1973, một buổi lễ kỷ niệm 8 năm thành lập Sư Đoàn 18 Bộ Binh được tổ chức trọng thể dưới sự chủ tọa của Trung Tướng Trần Văn Minh, Tư Lệnh Quân Đoàn III/Quân Khu III. Các đơn vị kết nghĩa, các vị Mạnh Thường Quân của Sư Đoàn 18, các đại diện của các quân binh chủng Hải, Lục, Không quân, các đại diện của ngoại giao đoàn... đến tham dự rất đông đảo.



    ( Sư đoàn 18 bộ binh và những ngày tử chiến ở An Lộc: hình Hồ Đinh nhabaoviethuong blogspot.com)

    Sau 8 năm trưởng thành trong khói lửa, Sư Đoàn 18 Bộ Binh đã lập được nhiều chiến công lẫy lừng. Tính đến ngày hôm nay, Sư Đoàn 18 Bộ Binh đã được 4 lần tuyên dương công trạng trước Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, mang dây biểu chương màu Quân Công Bội Tinh. Đặc biệt hai năm gần đây, Sư Đoàn 18 đã tạo thêm được nhiều chiến tích đáng kể và được thêm 3 lần tuyên dương công trạng nữa.

    Trong dịp này, Tư Lệnh Quân Đoàn III/Quân Khu III, Trung Tướng Trần Văn Minh trả lời các câu hỏi của báo chí về vụ tiền đồn Tống Lê Chân đang bị địch quân vây hãm như sau:
    - Tống Lê Chân là một tiền đồn khó chiếm được trước ngày ngưng bắn. Việt Cộng lợi dụng sau ngày ngưng chiến đã trắng trợn tấn công căn cứ này. Ta có nhiều biện pháp để giải tỏa Tống Lê Chân, như tiếp tế bằng thả dù, nhưng lương thực ở đây đã dự trữ đủ ăn 3 tháng. Việt Cộng mong cắt đường tiếp tế của ta, ta chỉ phản ứng tự vệ, không vi phạm hiệp định ngưng bắn. Sức pháo của Việt Cộng đã giảm hai phần ba. Mình thả bom chung quanh để tiêu diệt pháo của địch và giải tỏa lần lần. Tóm lại, Tống Lê Chân bây giờ không có gì trầm trọng lắm.

    Tướng Minh cũng cho biết, đến hôm nay chưa thấy triệu chứng gì để nói là Cộng quân sẽ đánh lớn ở Quân Khu 3 trong mùa mưa này.

    Tống Lê Chân là điểm sôi động nhất sau ngày ký kết hiệp ước ngưng bắn. Căn cứ này đang bị bao vây bởi một trung đoàn Cộng quân. Địch pháo vào như mưa, ngày này tiếp ngày khác. Gia đình binh sĩ trú đóng ở Tống Lê Chân đã được di tản ra khỏi vùng lửa đạn. Một số được đưa về trại gia binh Phan Hạnh. Một số được đưa về làng cô nhi Long Thành. Những người vợ, những người mẹ vừa hãnh diện với sự chiến đấu của chồng, của con mình tại tiền đồn Tống Lê Chân, nhưng đồng thời họ cũng phập phồng lo sợ từng giây, từng phút cho sự an nguy của những người thân yêu nhất đời mình đang tử thủ tại một tiền đồn xa xôi hẻo lánh, ngày đêm chịu từng cơn mưa pháo long trời, từng đợt tấn công lở đất của địch quân.

    Trấn đóng tiền đồn Tống Lê Chân là Tiểu Đoàn 92 Biệt Động Quân Biên Phòng, đa số binh sĩ của tiểu đoàn này là người Thượng.


    Khi chúng tôi đến trại Phan Hạnh, trong hội trường đã đầy những gia đình binh sĩ từ Tống Lê Chân di tản về, Áo quần còn lem luốc bụi đường. Trẻ con đông hơn người lớn. Những em còn bé được các bà mẹ đai sau lưng, các bà ngồi bẹp trên nền nhà nói chuyện với nhau, nét mặt người nào cũng có vẻ âu sầu. Tôi chợt thấy một người đàn bà trẻ đứng dựa tường khóc rưng rức một mình. Người đàn bà có nước da thật trắng, nổi bật trong bộ bà ba màu đen, tóc đen mướt xõa dài. Người thiếu phụ này có dáng dấp của một nữ sinh vừa rời ghế nhà trường. Tôi đến bên cạnh chị hỏi thăm, chị cắn môi cho khỏi khóc nữa và tâm sự:
    - Ba má tôi bị kẹt ở Bình Thạnh, Bình Long rồi không biết sống chết ra sao.
    Chị là vợ của Hạ Sĩ Nguyễn Văn Nhơn đang đóng ở Tống Lê Chân. Chị nói tiếp:
    - Tôi còn bốn đứa em ở đó, không đứa nào chạy thoát. Việt Cộng giữ lại hơn một năm rồi mà không có tin tức gì. Bây giờ tôi ở đây có một mình với đứa con nhỏ 4 tuổi, không có thân nhân nào hết.

    Chị Nhơn vừa khóc vừa kể, hai mắt chị đỏ hoe:
    - Chồng tôi đang đánh nhau ở Tống Lê Chân, tôi không nỡ bỏ anh mà đi, nhưng bị pháo quá, chồng tôi bảo tôi bồng con đi cho anh an tâm chiến đấu. Tất cả gia đình binh sĩ đều phải đi. Ngày đầu lên một chiếc C130, ngày sau có 4 chiếc Chinook đến chở tiếp. Hô đi là lên máy bay đi liền, chỉ kịp bồng con và mang theo mấy bộ quần áo.

    Chị Út, vợ của Thượng Sĩ Mai Văn Út thấy đồng tình, đồng cảnh, góp chuyện:
    - Ba má chồng tôi cũng vậy, bị kẹt hết rồi. Việt Cộng nó giữ lại, không cho ai đi hết. Tôi dọ hỏi hoài mà không được tin tức nào cả.
    Một bà khác than:
    - Về đây khổ quá cô ơi. Thứ gì cũng phải mua. Không có điện, buổi tối phải thắp đèn cầy hoặc đèn dầu. Nước đi gánh từng đôi mà phải trả tiền cho chủ giếng nữa, 40 đồng một phi.

    Nếu nước chuyền đến nhà thì 70 đồng một phi. Tôi ở núi rừng quen rồi, muốn dùng bao nhiêu nước cứ ra suối, đâu có tốn đồng nào, về đây thứ gì cũng tốn.

    Các bà tụ lại từng nhóm nhỏ, tâm sự với nhau về mỗi hoàn cảnh riêng của gia đình, hỏi thăm nhau về những thắc mắc trong cuộc sống tạm hôm nay. Những người đàn bà Thượng không nói được tiếng Việt ngồi với nhau thành một nhóm, họ ít nói, nét mặt người nào cũng có một vẻ buồn sâu kín. Họ lạc lõng giữa đám đông trong hội trường.

    Tiểu Đoàn 92 Biệt Động Quân Biên Phòng có trại gia binh ở ngay trong căn cứ Tống Lê Chân. Khi căn cứ này bị pháo kích dữ dội, Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng phải cho di tản các gia đình binh sĩ đi nơi khác để cho anh em binh sĩ rảnh tay và yên tâm mà chiến đấu với quân thù.

    Các gia đình ở Tống Lê Chân được đưa về ở nhờ trong trại gia binh Phan Hạnh của Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân. Trại Phan Hạnh có điện nước, nhưng không đủ cho những gia đình mới đến. Trại Phan Hạnh ở trên một ngọn đồi cao, nên vấn đề dẫn nước lên thật là một việc rất khó khăn. Nếu không đào giếng trong trại, thì nước sẽ rất khan hiếm.

    Trong đám mấy bà đang đứng góp chuyện với nhau, tôi chợt thấy một em bé đứng cạnh đó lắng tai nghe người lớn nói chuyện. Em đứng một mình, có vẻ bơ vơ giữa đám đông. Tôi đến bên em hỏi thăm:
    - Em nói được tiếng Việt không?
    - Dạ được, cháu là người Việt.
    Tôi thấy mến em ngay vì cách ăn nói lễ phép của em:
    - Em bao nhiêu tuổi rồi? Em tên gì và ba má em ở đâu?

    Đứa bé có đôi mắt thật to, nói chuyện rất chững chạc:
    - Cháu tên Lan, 13 tuổi. Ba má cháu chết rồi. Ba cháu chết ở Tống Lê Chân. Cháu có 6 đứa em nhỏ, má cháu dẫn các em cháu chạy trước, cháu chạy theo sau, rồi bị lạc. Sau nghe nói má cháu bị pháo kích chết. Còn các em cháu bây giờ không biết ở đâu.

    Tôi xoa nhẹ lên mái tóc em và muốn nói với em một lời an ủi, nhưng rồi tôi không nói được một câu nào. Tôi nghĩ khi tôi mở miệng nói ra một lời an ủi nào đó, thì không biết là em bé Lan này, hay chính tôi, ai sẽ là người khóc trước. Tôi nhìn em, giữa đám người chạy loạn đó, em thật quá nhỏ bé và tuổi đời của em còn quá sớm để phải gánh chịu một sự bất hạnh lớn lao như thế.
    - Bây giờ em ở với ai?
    - Cô áo đen kia nuôi em.

    Người đàn bà mặc áo đen mà em bé chỉ cho tôi là vợ của Thượng Sĩ Danh Quang. Chồng chị vẫn đang chiến đấu ở Tống Lê Chân. Ngày đêm chị van vái Trời Phật cho chồng chị được bình yên trước lằn tên, mũi đạn.

    Những người đàn bà Thượng có vẻ buồn bã hơn, hình như họ không hoà hợp được với khung cảnh ở đây. Một bà nói với tôi:
    - Chồng tôi chết trận rồi. Hai đứa con, một đứa chết, còn một đứa này.
    Bà chỉ vào đứa con đang đai trước ngực. Hình như đứa nhỏ đang bệnh. Tôi đặt tay lên trán em, thấy nóng hừng hực. Tôi hỏi:
    - Sao chị không đưa cháu đi bác sĩ?
    - Nó không đau gì, vì nó nhớ rừng đó. Chúng tôi ở đây bệnh quá.

    Những người Thượng ở đây, qua câu chuyện, ai cũng nhắc đến rừng xanh. Họ mới xa rừng mấy ngày mà đã thấy nhớ rừng đến bệnh rồi. Rừng xanh gắn liền với cuộc sống của họ. Biệt Động Quân Biên Phòng là hậu thân của Lực Lựợng Đặc Biệt. Đa số người Thượng thích vào Lực Lượng Đặc Biệt, vì vào lực lượng này, họ được sống tại quê cha đất tổ của họ, được sống với rừng xanh, với thiên nhiên và với đồng bào của họ.

    Phu nhân của Trung Tướng Trần Văn Trung cùng quý vị phu nhân, là những Mạnh Thường Quân của Sư Đoàn 18 Bộ Binh, bắt đầu phát quà cho các gia đình binh sĩ từ Tống Lê Chân về đây tạm cư. Mỗi gia đình được một phần quà gồm có một ngàn đồng tiền mặt và chiếu, soong, nồi, chén bát... Phu nhân của Trung Tướng Trần Văn Trung nói:
    - Bao giờ Việt Cộng còn ý định xâm lăng miền Nam, các anh chiến sĩ tử thủ Tống Lê Chân còn hăng say chiến đấu, là chúng tôi còn chia xẻ niềm kiêu hãnh và lo âu với các chị em.

    Sau khi phát quà xong, các bà ngồi lại thảo luận để tìm cách giúp đỡ cho 80 gia đình cũng từ Tống Lê Chân được đưa về tạm trú tại làng cô nhi Long Thành. Những gia đình người Thượng về đây, hầu hết đều cảm thấy bơ vơ, lạc lõng. Họ khó lòng hoà hợp được với cuộc sống của những người ở thành phố. Họ nhớ mái nhà sàn, họ nhớ miếng rẫy, họ nhớ rừng xanh, họ nhớ chồng, nhớ cha, nhớ con của họ đang ngày đêm chiến đấu ở Tống Lê Chân.

    Họ mong sớm được trở về. Chúng ta chia xẻ với họ những tâm sự đó, và mong có thể mang đến cho họ những nụ cười.

    Đó là những mong muốn đơn giản mà phu nhân của Trung Tướng Trần Văn Trung bày tỏ và đang cố gắng thực hiện. Từ lâu nay, bà vẫn âm thầm nhưng rất tích cực trong các công tác xã hội và từ thiện. Một người có tâm hồn đẹp như phương danh của mình: Nguyễn Hoài Nam. Nghe nói ngày xưa bà cũng là một trong những người đẹp của đất Thần Kinh.

  2. #20
    Administrator
    PS khoá 72G's Avatar
    Status : PS khoá 72G v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Dec 2008
    Posts: 1,025
    Thanks: 0
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default Giữa Vùng Đất Đỏ

    Chinh Chiến Điêu Linh
    Phóng sự chiến trường của nữ ký giả Kiều Mỹ Duyên



    Bản đồ trận Xuân Lộc....ongvove.wordpress.com


    Tôi đến thăm Sư Đoàn 18 Bộ Binh vào những ngày đầu của tháng 4 năm 1973. Chuẩn Tướng Lê Minh Đảo, Tư Lệnh Sư Đoàn là một người rất hiếu khách, bất cứ một nhà báo hay phái đoàn nào đến thăm sư đoàn điêu được tiếp đón rất niềm nở. Trong câu chuyện, Tướng Lê Minh Đảo nhấn mạnh niềm hãnh diện của sư đoàn là người lính của Sư Đoàn 18 Bộ Binh được trang bị bằng bốn ưu điểm: quân sự, tinh thần, khả năng và hoàn thành nhiệm vụ.

    Điều tôi thấy ngoài bốn điểm tốt mà Tướng Lê Minh Đảo vừa nêu lên, Sư Đoàn 18 còn nhiều vấn đề khác rất đáng khoanh thêm mấy điểm son nữa, đó là tinh thần xã hội, vấn đề cô nhi quả phụ và tử sĩ, vấn đề lương bổng của anh em thương bệnh binh đang nằm điều trị tại bệnh xá của sư đoàn, vấn đề nhà thương, trường học cho gia đình binh sĩ... đều được những giới chức thẩm quyền của sư đoàn lo lắng rất chu đáo.

    Tôi được Trung Tá Trưng, Tham Mưu Phó Chiến Tranh Chính Trị hướng dẫn đi thăm bệnh xá của sư đoàn. Bệnh xá của Sư Đoàn 18 Bộ Binh nằm giữa một vùng đèo heo hút gió, một vùng đất đỏ nắng bụi mưa bùn của tỉnh Long Khánh. Theo cấp số thì bệnh xá này chỉ có 40 giường, nhưng trên thực tế, con số đã lên đến 150 giường. Trong những khoảng thời gian cuộc chiến gia tăng, như hồi mặt trận An Lộc còn sôi động, thương binh chuyển về đây tràn ngập, bệnh xá phải để hai người nằm chung một giường.

    Tôi đã đi thăm nhiều bệnh xá của các sư đoàn khác, thường thường sự tổ chức chỉ đúng như bảng cấp số đã ấn định, còn bệnh xá của Sư Đoàn 18 lại giống như một bệnh viện dã chiến cấp vùng. Sự phát triển đã gấp bốn lần của bảng cấp số, nghĩa là có khả năng tiếp nhận một lúc khoảng 300 thương bệnh binh để điều trị.

    Bệnh xá này có được thành quả như ngày hôm nay là do công lao của Y Sĩ Thiếu Tá Thân Trọng Đàm. Ông phục vụ tại bệnh xá này từ ngày còn mang cấp Trung Úy. Theo nguyên tắc, một y sĩ ra trường phục vụ ở đơn vị hai năm là có thể xin về tổng y viện hoặc một nơi nào đó gần Sài Gòn, nhưng bác sĩ Đàm vẫn gắn bó với bệnh xá nằm giữa một vùng đất đỏ cát bụi mịt mờ.

    Bệnh xá của Sư Đoàn 18 đặc biệt thực hiện thêm được một trại sĩ quan, một trại giải phẫu và hồi sinh và một trại hộ sinh. Trung bình mỗi tháng khu ngoại chẩn khám trên một ngàn bệnh nhân. Mỗi ngày trung bình chụp hình phổi cho 100 tân binh quân dịch của sư đoàn. Phòng điện tuyến có thể chụp hình phổi, bao tử, tiết niếu, ngang với khả năng của một quân y viện.

    Mức độ bệnh nhân lên xuống tùy theo mùa và theo tình hình chiến trường. Ngoài khả năng, bệnh xá sẽ chuyển bệnh nhân về quân Y Viện Trần Ngọc Minh hay Tổng Y Viện Cộng Hoà. Nhưng bệnh xá rất cố gắng giới hạn trong vấn đề chuyển bệnh.

    Các trại bệnh đều khang trang sạch sẽ. Hiện có khoảng 100 bệnh nhân đang điều trị. Giường nào ra cũng được giặt trắng tinh, đồng phục của bệnh nhân đều sạch sẽ. Bệnh xá này hầu như tự túc đến mức tối đa. Không có máy giặt, nhân viên phụ trách giặt 300 bộ quần áo và hàng trăm tấm ra trải giường mà giặt bằng tay, thì đó quả là một sự cố gắng đáng khâm phục. Bệnh xá chỉ có 34 nhân viên phục vụ cho cả trăm bệnh nhân mỗi ngày trong tình trạng thiếu thốn, cái gì cũng phải tự túc.

    Đất Long Khánh mùa mưa không thể mang dép được, mà phải dùng guốc gỗ. Bệnh xá cung cấp guốc cho anh em thương bệnh binh. Trung Tá Trưởng Khối Chiến Tranh Chính Trị nói:
    - Guốc rất cần trong mùa mưa. Chúng tôi xin thùng đạn về đẽo guốc. Quai guốc làm bằng dây dù.

    Anh em cũng xin thùng đạn về đóng thành tủ sách. Tủ sách đã sẵn sàng, nhưng sách thì chưa có cuốn nào. Một bệnh nhân nói với tôi:
    - Nằm dưỡng bệnh ở đây buồn lắm cô ơi. Nhìn ra bên ngoài là cát bụi và núi rừng, nếu có sách đọc thì đỡ buồn lắm. Sách là món ăn tinh thần của tụi tôi đó.
    Tôi hỏi thăm anh:
    - Anh thích đọc loại sách gì?
    - Tiểu thuyết tình cảm, kiếm hiệp hay là sách gì cũng được. Miễn là có sách đọc cho đỡ buồn.
    Tôi hỏi Trung Tá Trưng:
    - Thưa Trung Tá, không có cách gì để lập tủ sách cho anh em thương bệnh binh sao?
    Trung Tá Trưng lắc đầu:
    - Chỉ có cách đi xin, chứ sư đoàn đâu có ngân khoản để mua sách.

    Sách báo quả thật là một nhu cầu cần thiết cho những người đang nằm trên giường bệnh. Thời gian nằm dưỡng bệnh, chữa thương tại bệnh xá là thời gian người lính tạm quên chiến trường, nhưng họ lại chuyển hướng suy nghĩ về gia đình nhiều hơn. Không phải bất cứ người thương bệnh binh nào cũng có gia đình ở gần để được thân nhân thường xuyên đến săn sóc, thăm viếng. Có nhiều người gia đình ở tận Vùng I, Vùng II, với mẹ già, vợ dại, con thơ, lương lính nuôi cả gia đình, có dư được đồng nào đâu để chi phí cho tiền xe, tiền ăn, tiền ở khi vào thăm người thân.

    Bệnh xá nằm trong một vùng gần rừng núi nên có khung cảnh thật vắng lặng, nhất là những buổi chiều mưa, bệnh nhân ngồi trên giường nếu không nhìn ra cửa sổ thì chỉ nhìn nhau. Màu áo xanh, khuôn mặt người nào cũng xanh mướt, những tiếng rên la vì đau đớn. Tất cả những màu sắc, âm thanh và sinh hoạt buồn nản đó ngày lại ngày, khiến cho tinh thần của thương bệnh binh dễ bị sa sút. Và sách báo có thể giúp cho họ qua được những khoảng thời gian buồn nản đó.

    Hướng dẫn đi thăm các trại bệnh, Thiếu Tá Y Sĩ Thân Trọng Đàm nói với tôi:
    - Chúng tôi có 5 trại bệnh, nhưng chỉ 2 trại có ti vi. Tội nghiệp bệnh nhân nào nằm điều trị tại các trại không có ti vi, buổi tối buồn lắm.
    Các trại bệnh cách nhau khá xa, nếu gặp mùa mưa, đất đỏ biến thành bùn rất lầy lội. Vì vậy ban đêm, thà bó gối ngồi trên giường tán gẫu với nhau còn hơn lặn lội qua xem ké ti vi, bước nhằm vũng bùn thì chỉ dở được bàn chân lên, còn đôi guốc đã dính sâu dưới lớp bùn, không thấy đâu mà moi lên được.

    Đến trại bệnh có ti vi, tôi thấy một cái ti vi nhỏ đặt trong một chiếc hộp bằng gỗ gắn trên tường, nắp hộp có ổ khoá. Tới giờ xem ti vi, phải có nhân viên trách nhiệm mở khoá. Xem xong đóng nắp hộp và khoá lại cẩn thận. Khi trở về phòng khách của Bộ Tư Lệnh, tôi nói về chiếc hộp đựng ti vi cho Chuẩn Tướng Lê Minh Đảo nghe. Ông nói:
    - Ai cho bất cứ gì cũng quý lắm. Tôi vẫn nói với anh em trong sư đoàn là ai cho gì cũng nhận. Một chai xì dầu cũng hữu ích cho một gia đình binh sĩ vậy.


    Pháo binh sư đoàn 18

    Sư Đoàn 18 Bộ Binh có một nghĩa trang nằm ở An Lộc. Những ngôi mộ ở đây chôn không ngay hàng thẳng lối. Nghĩa trang này không chỉ riêng cho những tử sĩ của Sư Đoàn 18, mà còn có các đơn vị khác nữa. Trước khi Sư Đoàn 18 rút đi, anh em trong sư đoàn lấy ván của thùng đạn, dùng sơn viết tên họ, đơn vị của những người đã vĩnh viễn đi vào lòng đất mẹ để làm mộ bia, những tấm mộ bia thô sơ được dựng lên bởi tình đồng đội rất là thắm thiết của những người còn tiếp tục chiến đấu.

    Chuẩn Tướng Lê Minh Đảo nhắc chuyện An Lộc với giọng thật ngậm ngùi:
    - Anh em chết ở An Lộc được bọc trong ponchos. Tôi nhớ chuyện anh lính Dù đang đào hố chôn bạn thì trúng đạn pháo kích gục ngay xuống hố của mình vừa đào xong. Bác sĩ Châu chạy xe ngang qua, thấy anh này còn thoi thóp, ông ngừng xe lại để cấp cứu, rồi ông cũng bị trúng đạn pháo mà chết bên cạnh xác anh lính Dù.

    Tôi cho anh em trong sư đoàn sửa sang lại nghĩa trang này trước ngày rút đi. Và hôm sau, trên đường di chuyển, khi đi ngang qua nghĩa trang, mọi người đều cúi đầu, nhớ đến ngày nào còn bạn bè đùa giỡn bên nhau, còn chiến đấu bên nhau, bây giờ rút đi, để lại một số nằm đây yên nghỉ. Mọi người, từ lính đến quan, ai cũng cúi đầu lặng lẽ bước đi. Ba lô và súng đạn không làm nặng đôi vai của người chiến sĩ, mà một sự mất mát nào đó làm tâm hồn họ chỉu nặng.

    Tôi được xem mấy tấm hình của nghĩa trang này. Nghĩa trang rất rộng, những ngôi mộ nằm không thành hàng lối, mộ bia tấm lớn, tấm nhỏ. Tướng Lê Minh Đảo nói tiếp:
    - Tôi có vẽ sơ đồ của nghĩa trang và lập danh sách của tử sĩ gửi về Bộ Tổng Tham Mưu, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị và một bản lưu ở sư đoàn để sau này khi đã yên, đường bộ đi được, thân nhân của các tử sĩ muốn đến thăm viếng hay cải táng có thể tìm được dễ dàng.

  3. #21
    Administrator
    PS khoá 72G's Avatar
    Status : PS khoá 72G v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Dec 2008
    Posts: 1,025
    Thanks: 0
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default Cuộc Chiến Miền Tây

    Chinh Chiến Điêu Linh
    Phóng sự chiến trường của nữ ký giả Kiều Mỹ Duyên


    Phi Trường Bình Thủy Cần Thơ

    Cuộc Chiến Miền Tây

    Mỗi toà soạn của báo dân sự được Bộ Tổng Tham Mưu cấp cho hai thẻ "phóng viên chiến trường". Những người do toà soạn đưa tên đều được An Ninh Quân Đội điều tra lý lịch rất kỹ càng trước khi trình lên Bộ Tổng Tham Mưu. Thẻ của phóng viên chiến trường có hai mặt, một mặt tiếng Việt, và một mặt tiếng Anh, cùng nghĩa: "Các đơn vị quân đội kể cả quân đội đồng minh giúp đỡ mọi phương tiện di chuyển, thực phẩm cũng như chỗ ăn, chỗ ở cho phóng viên này".

    Trên nguyên tắc là vậy, nhưng không phải bất cứ lúc nào và ở đâu, cứ chìa thẻ báo chí ra là có phương tiện ngay cho mình. Phương tiện di chuyển, nhất là máy bay quân sự, lúc nào cũng ưu tiên cho hành quân, tải thương, tiếp tế... còn dư ra mới có chỗ cho phóng viên. Phương tiện của quân đội mình lại eo hẹp, nhiều lúc phải nhờ vả bên quân đội đồng minh, hoặc là những người mình quen biết thì dễ dàng hơn.

    Tháng 3 năm 1971, tôi xin trực thăng từ Sài Gòn về Cần Thơ. Đây là lần thứ tư tôi về làm phóng sự ở miền Tây, một miền trù phú và có cuộc sống tương đối bình yên nhất ở miền Nam trong suốt mấy mươi năm chiến chinh đằng đẳng. Kể từ ngày Cộng Sản Bắc Việt đưa quân vào xâm lấn miền Nam, họ thừa hiểu rằng, miền Tây là kho lương thực trời cho vô tận, vậy mà họ không thể đụng đến, không thể xâm nhập, quấy rối nhiều như các vùng khác. Và đó cũng là một trong những câu hỏi chính của tôi trong lần về miền Tây này.

    Đến phi trường Cần Thơ, có xe đón và đưa tôi đi thăm một vài nơi đã định trước. Xe jeep mượn của Thiếu Tướng Nguyễn Văn Chức, Cục Trưởng Cục Công Binh. Tướng Chức đang có mặt ở Vùng IV, nên tôi liên lạc trước từ Sài Gòn để nhờ phương tiện. Tôi quen biết Tướng Chức từ lúc ông còn là Thiếu Tá Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 30 Công Binh Chiến Đấu đóng ở Hóc Môn. Lúc đó tôi là Hội Trưởng Hội Sinh Viên Học Sinh Hóc Môn, hội đã thăm viếng và ủy lạo các gia đình binh sĩ của Liên Đoàn 30 khi trại gia binh của liên đoàn bị pháo kích.
    Tôi đi theo một đại đội Chiến Tranh Chính Trị vào những làng xã nằm xa thành phố, những nơi mà người ta gọi là vùng xôi đậu để quan sát tình hình sinh hoạt, trong lúc các cán bộ Chiến Tranh Chính Trị khám bệnh, phát thuốc và quà cho đồng bào.

    Buổi chiều trở về Cần Thơ, tôi nhờ tùy viên của Tướng Chức đưa vào Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn IV để xin phỏng vấn Trung Tướng Ngô Quang Trưởng. Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn IV có vẻ trầm lặng hơn các Quân Đoàn khác. Không có cảnh phóng viên chiến trường trong và ngoài nước vô ra Phòng Báo Chí một cách tấp nập để xin phương tiện ra trận tuyến hoặc thu lượm tin tức chiến sự. Cũng không có những cuộc hội họp tham mưu khẩn cấp bởi tình hình chiến sự trong vùng. Có thể nói người ta nhìn thấy ở đây cái vẻ thanh bình của những năm đầu thập niên 60.

    Trung Tướng Ngô Quang Trưởng vừa bay thị sát mặt trận trở về. ‡ó là một trong những việc làm đều đặn mỗi ngày, khi còn ở Vùng I đầy sôi động cho đến lúc đổi về Vùng IV, ông cũng không thay đổi phương thức làm việc của ông chút nào. Mặc dù mới trở về sau một ngày mệt nhọc, Tướng Trưởng vẫn ngồi lắng nghe từng câu hỏi của người đối diện.
    Tôi đi thẳng vào vấn đề:
    - Thưa Trung Tướng, hôm nay tôi xin được phỏng vấn Trung Tướng về vấn đề bình định và phát triển ở Vùng IV.

    Khi mở đầu để xin phỏng vấn một lãnh vực thuộc về hành chánh dân sự với một vị tướng mà danh tiếng có được bằng vào những chiến công trên trận mạc, tôi nghĩ rằng ông sẽ buồn nản khi trả lời những câu hỏi về vấn đề này. Nhưng ngược lại, ngoài điều dự đoán của tôi, Tướng Trưởng cười vui vẻ:
    - Nhà báo nào, kể cả nhà báo ngoại quốc, khi gặp tôi ai cũng hỏi về chiến trận, cô là người duy nhất quan tâm và hỏi về vấn đề bình định phát triển.
    Tôi khởi đi từ nguyên nhân:
    - Thưa Trung Tướng, Cộng Sản Bắc Việt biết miền Tây là một kho lương thực đầy ắp và rất thèm muốn nguồn tiếp liệu này, nhưng tại sao họ không thành công ở miền Tây?
    Giọng của Tướng Trưởng trầm ấm, rõ ràng và nhỏ nhẹ. Những người làm việc với ông qua một thời gian lâu, chưa bao giờ nghe ông lớn tiếng dù là ngay những lúc có điều gì không vừa ý:
    - Chiến tranh Việt Nam phải lấy xã ấp làm nền tảng. Xã ấp vững thì ở trên mới vững. Xã ấp là nền móng, nền móng chắc thì những xây dựng ở trên mới bền.
    - Thưa Trung Tướng, muốn giữ yên xã ấp phải có một lực lượng quân đội mạnh để hỗ trợ. So với các vùng khác, Vùng IV không có nhiều đơn vị chủ lực trấn đóng, nhưng tình hình lại yên ổn hơn các vùng khác?
    - Miền Nam có 1 triệu 100 ngàn quân, trong đó có 500 ngàn Địa Phương Quân, Nghĩa Quân.

    Thường thường người ta đề cao đến chủ lực quân mà quên lãng Địa Phương Quân và Nghĩa Quân là một lực lượng đã góp sức rất nhiều trong việc bảo vệ lãnh thổ. Người lính Nghĩa Quân, Địa Phương Quân chiến đấu trong âm thầm, những công lao của họ ít người biết đến. Quyền lợi của họ cũng chẳng được bao nhiêu so với chủ lực quân, nhưng họ đã góp phần rất nhiều trong cuộc chiến. Để trả lời một phần nào câu hỏi vừa rồi, tôi kể cho cô nghe chuyện này.

    Lúc mới về nhậm chức Tư Lệnh Vùng IV, liên tiếp trong mấy tháng liền, mỗi buổi sáng Trung Tướng Ngô Quang Trưởng đọc báo cáo về tình hình và kết quả chiến trận trong đêm qua, đều thấy báo cáo của quận Chương Mỹ, tỉnh Chương Thiện là tỉnh có nhiều Việt Cộng xâm nhập quấy phá. Những báo cáo của quận này đều ghi chiến công bắt được Việt Cộng, lấy được vũ khí, và đêm nào cũng vậy.

    Trung Tướng Trưởng kể lại chuyện đó cho Thiếu Tướng Macown, Cố Vấn Trưởng của Quân Đoàn IV. Và một ngày không báo trước, hai vị tướng lãnh cùng bay xuống thăm quận Chương Mỹ. Tướng Trưởng nói với viên quận trưởng là ông muốn gặp người đã lập nhiều chiến công như trong báo cáo của quận.

    Trung Đội Trưởng Nghĩa Quân Nguyễn Văn Mới được lệnh trình diện. Trước mặt hai vị tướng, một ông già quắc thước, tóc bạc phơ, râu cũng bạc trắng và dài xuống ngực. Dáng người khỏe mạnh, nhanh nhẹn, hai mắt còn tinh anh, mặc một bộ đồ trận cũ đã bạc màu và gần sờn rách. Ông cụ khoảng 65 tuổi, chỉ huy một toán Nghĩa Quân 20 người đã lập nhiều chiến công nhất trong tỉnh Chương Thiện. Việt Cộng nghe đến tên là phải gờm và đã nhiều lần lên án ông.

    Trung Tướng Trưởng rất ngạc nhiên lẫn cảm phục. Ạng chân thành khen ngợi và gắn huy chương cho ông Mới. Tiếp theo, Thiếu Tướng Macown cũng gắn huy chương của quân đội Hoa Kỳ cho ông, với sự kính trọng lòng yêu quê hương và tinh thần anh dũng của một chiến sĩ lão thành như người Trung Đội Trưởng Nghĩa Quân quận Chương Mỹ này.

    Tôi không bao giờ có thể nghĩ rằng, một vị Tư Lệnh Quân Đoàn lại chịu khó ngồi đọc những tờ báo cáo hàng ngày từ một quận lỵ nhỏ bé trong vùng của mình. Không những đọc và còn ghi nhận để theo dõi và tưởng thưởng những người có công một cách xứng đáng. Tôi đã nhiều lần theo chân Tướng Trưởng đi thăm những tiền đồn heo hút ngoài Vùng I, và cũng đã nhiều lần phỏng vấn ông, nhưng cho đến hôm nay tôi mới hiểu thêm một điều: Tướng Trưởng không phải đơn thuần là một viên tướng của trận mạc, ông còn là một nhà tâm lý, một chính trị gia và một nhà lãnh đạo giỏi.

    Có lẽ Tướng Trưởng cũng biết tôi đang ngạc nhiên vì câu chuyện ông vừa kể, ông nói tiếp:
    - Ngày sau đó, tôi gọi cho Thiếu Tướng Trần Văn Trung, Cục Trưởng Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị để đề nghị đăng hình ông Nguyễn Văn Mới vào bìa của báo Chiến Sĩ Cộng Hoà số tới và đề cử ông vào phái đoàn chiến sĩ xuất sắc được đi thăm Đài Loan.

    Nếu cô muốn biết chi tiết về việc phái đoàn chiến sĩ xuất sắc đi Đài Loan, cô nên gặp Thiếu
    Tướng Nguyễn Duy Hinh, ông là trưởng phái đoàn trong chuyến đi thăm Đài Loan.
    Tướng Trưởng trở lại vấn đề và nhấn mạnh:
    - Từ trước đến nay, tôi vẫn đặc biệt chú ý đến thành phần Nghĩa Quân, Địa Phương Quân, họ rất can đảm, hy sinh âm thầm, là những người hết sức nhiệt tình với đất nước, như ông Mới, một anh hùng mà mấy người biết đến.
    - Thưa Trung Tướng, ai là người đặc trách về vấn đề bình định và phát triển ở Vùng IV?
    - Thiếu Tướng Hinh, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn. Tướng Hinh là một người tham mưu giỏi, kế hoạch rất hay. Ông hết sức nhiệt tình với đất nước. Mười sáu tỉnh miền Tây này được yên ổn là nhờ có Tướng Hinh. Những kết quả về chương trình bình định và phát triển có được hôm nay là của ông.

    Hôm đó tôi không được gặp Thiếu Tướng Nguyễn Duy Hinh ở Cần Thơ. Sau này mới có dịp hỏi thêm chuyện người Trung Đội Trưởng Nghĩa Quân của quận Chương Mỹ và chương trình Bình Định Phát Triển của Vùng IV.

    Tướng Hinh vui vẻ kể lại chuyện ông hướng dẫn phái đoàn chiến sĩ xuất sắc của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa qua thăm viếng Đài Loan:
    - Đến Đài Loan, phái đoàn được tiếp đón rất nồng hậu. Mọi người được choàng vòng hoa tại phi trường và được nhiều nhân vật như Tổng Trưởng Quốc Phòng Tưởng Kinh Quốc, Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị của Đài Loan tiếp đón. Phái đoàn được đi thăm viếng các cơ sở quân sự, thắng cảnh và dự nhiều buổi thuyết trình. Ngày hôm sau, Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng của Quân Đội Đài Loan tiếp đón và nói chuyện. Từ bàn chủ toạ trong hội trường nhìn xuống, vị Đại Tướng thấy ở hàng ghế của những chiến sĩ xuất sắc, có một chiến sĩ già râu tóc bạc phơ, liền bước xuống đến trước mặt chào hỏi và nắm tay đưa lên ngồi bên cạnh ghế của Đại Tướng. Người được cái vinh dự đó chính là ông Trung Đội Trưởng Nghĩa Quân Nguyễn Văn Mới. Phái đoàn có 10 người. Vùng IV chỉ có Thiếu Tướng Tư Lệnh Phó Quân Đoàn Nguyễn Duy Hinh và Trung Đội Trưởng Nghĩa Quân Nguyễn Văn Mới.

    Khi trở về, ông Mới có xin vào gặp Tướng Trưởng để cám ơn. Tướng Trưởng nói với ông:
    - Tôi không ban ân huệ gì cho ông cả. Tất cả những gì ông được ngày hôm nay là do chính ông làm ra.
    Người lính già rất xúc động, ông nói:
    - Tôi xin hứa với Trung Tướng, từ nay sẽ không có một tên Việt Cộng nào trong xã của tôi nữa.

    Thiếu Tướng Nguyễn Duy Hinh vào Nam năm 1951. Ông xuất thân từ khóa I Nam Định. Với chức vụ Tư Lệnh Phó Quân Đoàn IV, ông đặc trách về vấn đề Bình Định Phát Triển của miền Tây. Người ta nói Tướng Trưởng và Tướng Hinh làm việc với nhau rất ăn ý. Tôi hỏi Thiếu Tướng Hinh:
    - Thưa Thiếu Tướng, yếu tố nào làm cho Thiếu Tướng đạt được kết quả tốt đẹp trong chương trình Bình Định Phát Triển của Vùng IV?
    Thiếu Tướng Hinh đáp:
    - Sau biến cố Mậu Thân 1968, Việt Cộng bị tổn thất nặng nề, nên khi mình phát động chiến dịch Bình Định Phát Triển, các xã ấp được yên ổn, mình nắm được tình hình, dân theo mình và địch bị đánh lui qua biên giới. Lúc ở ngoài Bắc, tôi đã biết rõ Cộng Sản, có kinh nghiệm với Cộng Sản thời chống Pháp, đã thấy rõ cách tổ chức và đường lối của Cộng Sản. Một điều khác nữa là Tướng Trưởng và tôi làm việc với nhau rất hợp. Bởi vậy, kế hoạch nào cũng không gặp trở ngại.
    - Thưa Thiếu Tướng, người lính Địa Phương Quân, Nghĩa Quân đóng một vai trò như thế nào trong chương trình Bình Định Phát Triển ở miền Tây này?
    - Miền Tây không có những trận đánh lớn vì những đơn vị lớn của Cộng quân không xâm nhập được và đó chính là công lao của những người lính Địa Phương Quân, Nghĩa Quân. Họ chiến đấu cho quê hương và bảo vệ cho chính gia đình của họ đang sinh sống tại đó. Như ông Nguyễn Văn Mới, không phải chính mình ông là chiến sĩ, mà cả gia đình ông đều là những chiến sĩ chống Cộng.

    Tại miền Tây, Địa Phương Quân lập được nhiều chiến công lớn, như mặt trận U Minh, mặt trận Đồng Tháp. Và đặc biệt, ở miền Tây, Địa Phương Quân không phải chỉ hoạt động tại địa phương theo nguyên tắc, mà đã được tăng cường từ tỉnh này qua tỉnh khác, đôi lúc gánh vác, trám chỗ cho các đơn vị chủ lực phải tăng viện đến những nơi chiến trường đang sôi động.

    Người ta thường nói, có 3 yếu tố để thành công: thiên thời, địa lợi và nhân hoà. Theo như những điều mà Trung Tướng Ngô Quang Trưởng và Thiếu Tướng Nguyễn Duy Hinh cho biết, thì rõ ràng Vùng IV đã đạt được hai: Miền Tây là đồng bằng, không có rừng núi, nên dễ kiểm soát, đó là địa lợi. Người dân tin tưởng vào chính quyền, nghe và làm theo chính quyền, đó là nhân hoà. Cuộc chiến miền Tây là cuộc chiến nặng về chính trị hơn là quân sự.

  4. #22
    Administrator
    PS khoá 72G's Avatar
    Status : PS khoá 72G v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Dec 2008
    Posts: 1,025
    Thanks: 0
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default Chiều Dừng Quân Bên Biên Giới

    Chinh Chiến Điêu Linh
    Phóng sự chiến trường của nữ ký giả Kiều Mỹ Duyên


    Chiều Dừng Quân Bên Biên Giới

    Buổi sáng ở thành phố Huế không ồn ào, náo nhiệt như Sài Gòn. Thời tiết đầu mùa hè vẫn còn dịu mát. Mặc cho tình hình quân sự ngày càng căng thẳng và Huế bị pháo kích dữ dội, những lớp hè của bậc trung học đệ nhất cấp đã bắt đầu khai giảng. Trung Úy Hưng ngồi uống cà phê ở một quán cà phê trong thành nội. Cà phê ở đây nổi tiếng nhất Huế. Không biết có phải tại cà phê ngon hay vì mấy chị em cô chủ quán xinh đẹp, và quán lại tọa lạc trong một khung cảnh trữ tình của Đại Nội, vừa trang nghiêm vừa thơ mộng. Hưng không biết đơn vị của mình sẽ dừng quân ở đây bao lâu, cứ với tình hình này, chắc không thể lâu được. Thây kệ, được ngày nào hay ngày đó.

    Đã bao năm chinh chiến miệt mài! con người, bất kể tuổi tác, rồi cũng có một lúc nào đó, thấy thèm một sự yên nghỉ. Có những buổi chiều hành quân qua những buôn Thượng, nhìn làn khói trắng từ trong bếp của mấy căn nhà sàn bay lên giữa bầu trời lúc hoàng hôn, Hưng chợt muốn được dừng chân ở đây, cưới một cô sơn nữ nào đó, sống bình yên, phẳng lặng dưới mái nhà sàn, rồi sinh con đẻ cái.

    Sinh trưởng tại miền Nam và lớn lên nơi đó, đây là lần đầu tiên Hưng theo đơn vị ra hành quân tận miền Trung. Tháng 5 năm 1972, sau khi thành phố Quảng Trị lọt vào tay Cộng quân, đơn vị của Hưng, Pháo Đội F thuộc Tiểu Đoàn 2 Pháo Binh Thủy Quân Lục Chiến được lệnh rút về Huế dưỡng quân để chờ ngày phản công quân địch. Pháo Đội của Hưng đóng trong cửa Thượng Tứ và mới về đây được vài hôm.

    Tôi tình cờ gặp lại Trung Úy Hưng trong quán cà phê này. Anh đang ngồi uống cà phê với mấy người sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến, có lẽ cùng đơn vị. Khi đi ngang qua bàn, tôi dừng lại chào hỏi:
    - Chào Trung Úy Hưng. Cũng lâu lắm rồi mới gặp lại anh.
    Trung Úy Hưng quay lại, thấy tôi, anh rất ngạc nhiên:
    - Chị Duyên, chị mạnh khỏe?
    Tôi chào mấy người bạn của anh và đáp:
    - Cám ơn, vẫn bình thường. Anh ra đây lâu chưa?
    - Lâu rồi, từ Quảng Trị rút về. Đơn vị đang dưỡng quân gần cửa Thượng Tứ, chờ tái chiếm Quảng Trị.
    - Nhớ lần gặp anh hành quân ở Cao Miên, mới đó mà đã gần hai năm.
    Hưng gật đầu tán đồng:
    - Phải, mới đó mà đã gần hai năm rồi!

    Thời gian qua thật nhanh. Hồi đó Hưng còn là Thiếu Úy, sĩ quan tiền sát của tiểu đoàn. Tôi gặp anh đang dừng quân bên trấn Neak Leung trong một cuộc hành quân quy mô cấp quân đoàn của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa qua biên giới và đánh sâu vào trong lãnh thổ Cao Miên để tiêu diệt những căn cứ hậu cần của Cộng quân và đón cả trăm ngàn đồng bào về nước để tránh khỏi sự tàn sát của người Miên, trả thù vì Việt Cộng ngang nhiên xâm chiếm lãnh thổ của họ.

    Tháng 11 năm 1969, Bắc Việt đưa khoảng 40 ngàn quân xâm nhập và đồn trú trong lãnh thổ Cao Miên, dọc theo biên giới. Đầu năm 1970, lực lượng này đã tăng lên đến 60 ngàn người. Theo hãng thông tấn UPI, quân Bắc Việt đang di chuyển những số lượng quan trọng gạo và các loại thực phẩm khác xuyên qua lãnh thổ Cao Miên. Ngày 8 tháng 3, khoảng 1500 dân của tỉnh Sray Rieng, một tỉnh sát biên giới miền Nam Việt Nam đã biểu tình phản đối kịch liệt quân Bắc Việt ngang nhiên chiếm đóng nhiều nơi trên lãnh thổ của họ. Cộng quân nổ súng bắn vào đoàn người biểu tình. Dân Miên giận cá chém thớt, họ phát động phong trào tàn sát người Việt đang sinh sống trên xứ này.

    Ngày 12 tháng 4 năm 1970, Tướng Lon Nol sau khi đảo chánh lật đổ Thái Tử Sihanouk, đã tuyên cáo một chế độ Cộng Hòa đồng thời phát động chiến dịch chống quân đội Bắc Việt chiếm đóng lãnh thổ và chống luôn cả mọi người Việt ở Cao Miên. Hiện nay có khoảng 600 ngàn người Việt sinh sống trên đất Cao Miên đang bị đe dọa, vì Việt Cộng càng mở rộng các cuộc tấn công vào các đơn vị của Cao Miên thì người Miên lại càng căm thù Việt kiều bấy nhiêu. Hàng ngàn người Việt đã bị quân đội Miên tập trung lại để canh phòng và tra hỏi. Một số tình nghi có liên hệ với Bắc Việt bị bắt giữ. Chính quyền Nam Vang đã ban bố tình trạng giới nghiêm riêng cho Việt kiều và bắt làm căn cước đặc biệt.

    Ngày 10 tháng 4, hãng Reuter loan tin: “Khoảng 100 người Việt gồm đàn ông, đàn bà và trẻ con đã bị thiệt mạng và khoảng 200 người khác bị thương giữa hai lằn đạn giao tranh ác liệt của quân Bắc Việt và quân Cao Miên”.

    Ngày 16 tháng 4, cảnh sát Miên ập vào một ngôi làng gọi là Xóm Biên bắt hết đàn ông con trai Việt từ 14 tuổi trở lên đưa đến một nơi nào không ai biết. Nhưng những ngày sau đó, một vài phóng viên ngoại quốc và một vài vị tu sĩ Công Giáo đã nhìn thấy cả ngàn Việt kiều bị lùa lên tàu chở đi. Hai hôm sau, người ta đếm được khoảng 500 xác bập bềnh trôi dọc theo dòng sông. Những người này bị giết và thả xuống sông từ nhiều nơi khác nhau, đa số đều bị trói hai tay.

    Ngày 17 tháng 4, tại thị xã Takeo, lính Miên đã 4 lần xả súng bắn vào trại tập trung Việt kiều làm cho hơn 100 người thiệt mạng. Hằng đêm, tàu Hải Quân Cao Miên chở từng loạt người Việt đến cù lao rồi xả súng bắn bỏ. Những người còn lại sống trong tình trạng kinh hoàng, họ tìm cách trốn tránh, tìm đường trở về nước và một số bỏ theo Việt Cộng. Chính quyền Nam Vang không hề lưu ý đến sự can thiệp của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Giữa hai nước chưa có sự bang giao chính thức.


    Trong lúc đó, vùng tam biên bắt đầu dậy sóng. Quân Bắc Việt từ Lào kéo xuống dốc Cao Miên, và miền Nam cũng đã dàn quân dọc biên giới.
    Ngày 29 tháng tư năm 1970, một lực lượng đặc nhiệm gồm hơn 100 chiến xa và khoảng 15 ngàn quân của Việt Nam Cộng Hòa vượt biên giới tiến sâu vào trong đất Cao Miên. Lực lượng này đã kiểm soát được hai thị trấn Chipou và Prasaut mà quân Bắc Việt đánh chiếm hồi đầu tháng 4 vừa qua.

    Lực lượng đặc nhiệm từ ba mặt tiến vào. Cánh quân thứ nhất không gặp một sự kháng cự nào. Cánh quân thứ hai phải chạm súng dữ dội khi tiến chiếm một dãy những căn cứ tiếp liệu, trung tâm huấn luyện của địch. Cánh quân thứ ba xuất phát từ Kiến Tường và đánh qua biên giới.

    Cánh quân chiếm Chipou và Prasaut là một tiểu đoàn Biệt Kích người Việt gốc Miên, di chuyển theo 40 chiến xa M48 và được một tiểu đoàn Bộ Binh yểm trợ. Đơn vị Bộ Binh này đã tập trung người Việt trong vùng lại và hộ tống họ đến nơi đóng quân của bộ chỉ huy trung đoàn. Đồng bào được phát lương thực và chờ phương tiện đưa về nước.
    Tư Lệnh Hành Quân, Trung Tướng Đổ Cao Trí đã tuyên bố với các phóng viên tại Svey Tiep, một nơi cách biên giới Việt-Miên 24 cây số:
    - Mục đích cuộc hành quân là tiêu diệt Việt Cộng, phá hủy các cơ sở tiếp liệu để vô hiệu hóa hoạt động của chúng trong một thời gian dài.

    Về địa lý, lãnh thổ của Cao Miên có một giải đất nằm lọt vào sâu trong lãnh thổ của miền Nam và có hình dáng giống mỏ của con chim vẹt, nên vùng này có tên là vùng Mỏ Vẹt. Cái mỏ vẹt chỉ cách Hòn Ngọc Viễn Đông chưa đến 60 cây số, cho nên nếu không kiểm soát được Mỏ Vẹt, thì Hòn Ngọc Viễn Đông có thể bị “mổ” bất cứ lúc nào.

    Ngày 3 tháng 5, một cánh quân gồm Bộ Binh, Biệt Động Quân và Thiết Kỵ đã ác chiến dữ dội khi tiến vào mật khu Ba Thu trong vùng Mỏ Vẹt. Ba Thu là một trong những mật khu lớn và quan trọng của Cộng quân. Chiếm mật khu này, quân ta tịch thu được nhiều kho vũ khí, đạn dược của địch tích trữ bấy lâu nay.

    Sát với Mỏ Vẹt là vùng Lưỡi Câu, vì hình dạng giải đất này giống hình lưỡi câu. Người ta nghi ngờ đây là nơi trú đóng bản doanh của Trung Ương Cục Miền Nam hay cục R. Một lực lượng đặc nhiệm thứ hai gồm khoảng 9 ngàn quân với sự yểm trợ của Không Quân, Pháo Binh và Thiết Giáp đã tiến vào càn quét vùng Lưỡi Câu để lùng bắt Cục R.

    Tin tình báo cho rằng, bản doanh của Cục R cũng là bản doanh của Công Trường 7, và Trung Đoàn 66 là một trung đoàn chính quy tinh nhuệ nhất của Bắc Việt có nhiệm vụ bảo vệ Cục R. Nhưng khi lực lượng đặc nhiệm này tiến vào, có những dấu hiệu cho thấy địch quân đã rút ra khỏi vùng trước đó một, hai ngày. Cũng có giả thuyết cho rằng, bản doanh của Cục R có những hệ thống địa đạo dẫn vào những khu rừng rậm nằm sâu trong đất Miên.

    Ngày 10 tháng 5, một lực lượng thủy bộ gồm có 140 chiếc tàu của Hải Quân đủ loại, 300 chiến xa của Thiết Giáp và 5 trung đoàn Pháo Binh yểm trợ cho 8 ngàn Thủy Quân Lục Chiến và Bộ Binh tiến vào đất Miên dọc theo sông Cửu Long. Lực lượng này được chia ra làm hai mũi tiến công: một cánh trên bộ và một cánh trên sông. Cuộc hành quân có tên là Hành Quân Cửu Long và do Tư Lệnh Quân Đoàn IV, Thiếu Tướng Ngô Dzu chỉ huy.
    Hơn 300 chiến xa đã mở đầu cho cuộc hành quân xuất phát từ Kiến Phong ào ạt tràn qua biên giới. Khi băng qua những cánh đồng đất khô, đoàn chiến xa đã tạo một màn bụi mờ rộng lớn che phủ cả một vùng. Một lực lượng Thủy Quân Lục Chiến được trực thăng vận đổ xuống Neak Leung và đánh vào thị trấn này.

    Buổi sáng ngày 12 tháng 5 năm 1970, tôi đi từ Sài Gòn về Cần Thơ, rồi từ Cần Thơ đến Châu Đốc bằng đường bộ. Buổi tối tôi ở lại Châu Đốc tại nhà của một người bạn gái học cùng trường. Sáng hôm sau, ra bãi đáp ở tòa hành chánh Châu Đốc thật sớm để theo trực thăng qua Neak Leung.

    Neak Leung là một thị trấn nhỏ nằm gần biên giới Việt Miên. Hai dãy phố nằm dọc theo con đường chính chạy xuyên qua thị trấn và bên cạnh một dòng sông nhỏ, hai bên bờ sông trồng toàn cây thốt nốt. Khi tôi đến, lực lượng Thủy Quân Lục Chiến của Việt Nam Cộng Hòa đã đẩy lui Việt Cộng và hoàn toàn kiểm soát thị trấn này. Nhưng Neak Leung đã bỏ ngỏ kể từ ngày Việt Cộng tràn vào xâm chiếm. Dân chúng, đa số là người Việt và người Hoa, đã trốn đi nơi khác để tị nạn. Lực lượng Thủy Quân Lục Chiến trấn giữ ở đây đóng rải rác khắp thị trấn. Mỗi toán nhỏ vài người trong một căn nhà hay phố trống. Có toán đóng trong các vườn cây.

    Một nhóm Thủy Quân Lục Chiến đang đá banh giữa đường phố một cách thoải mái. Một vài căn nhà kế đó, có mấy gia đình người Miên vẫn liều ở lại trong thị trấn, họ nằm đu đưa trên võng căng trước nhà và thản nhiên nhìn mấy người lính Việt Nam đá banh.
    Trong lúc đó, các cấp chỉ huy của những đơn vị này đang nóng lòng chờ các cánh quân của Cao Miên đến bắt tay để bàn kế hoạch hành quân sắp tới, nhưng họ tiến quá chậm và rời rạc làm mất nhiều thời giờ.

    Một Thiếu Úy đến chào và ngỏ ý nhờ tôi mang dùm thư và một món quà nhỏ về Sài Gòn cho gia đình của anh. Tôi nhìn bảng tên và hỏi:
    - Thiếu Úy tên Hùng hay tên Hưng?
    - Tôi tên Hưng, Nguyễn Phục Hưng.
    - Tôi sẽ đưa tận nhà cho anh. Anh thấy tình hình ở đây như thế nào?
    - Chưa thấy đụng nặng, chỉ có pháo kích thôi.
    - Anh gặp đồng bào mình không?
    - Không thấy ai nhiều. Một số đã bỏ trốn từ ngày bị người Miên cáp duồn, một số bị bắt vào các trại tập trung hoặc đem đi nơi nào chẳng ai biết.
    - Khi quân mình đến đây, người Miên họ có thái độ như thế nào?
    - Người Miên đang thù Việt Cộng, mình vào đánh Việt Cộng, thì họ có cảm tình với mình hơn.

    Buổi trưa, anh em Thủy Quân Lục Chiến mời tôi ăn cơm gạo sấy. Sau bữa cơm, tôi rời Neak Leung đến Kompong Trach. Ngang qua một con sông, cây cầu đã bị Việt Cộng giựt sập khi rút lui cho khỏi bị truy kích. Một đơn vị Công Binh Chiến Đấu đang nối lại cầu. Xe phải dừng để chờ. Một vị sĩ quan Công Binh nói với tôi:
    - Có ông xếp lớn chỉ huy dưới sông.

    Tôi ngạc nhiên, xuống xe đến gần xem, nhưng nhìn mãi không thấy ông xếp lớn nào cả. Một lúc sau, tôi mới thấy Tướng Nguyễn Văn Chức, Cục Trưởng Cục Công Binh, mặc bộ đồ đen, đang đứng dưới sông, phụ nâng một cây đà lên cùng với anh em Công Binh làm cầu. Tướng Chức tóc hớt thật cao, nắng gió Cao Miên làm cho da ông đen sạm. Tôi biết ông từ hồi ông còn là Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 30 Công Binh Chiến Đấu mà chiều hôm nay suýt chút nữa không nhìn ra ông. Nắng và gió của Cao Miên nhuộm màu da người rất nhanh, tôi mới qua đây chưa đầy một ngày, nhìn xuống hai cánh tay, thấy đã đổi màu rõ rệt.

    Tiếng gió thổi, tiếng búa đập, tiếng người lao xao... khiến nơi đây ồn ào như một công trường. Tôi đứng trên bờ la lớn:
    - Chào Thiếu Tướng.
    Tướng Chức nhìn lên, thấy tôi cũng có mặt ở đây, ông có vẻ ngạc nhiên:
    - Chào cô Kiều Mỹ Duyên.

    Tôi cũng ngạc nhiên và cảm phục khi thấy một vị tướng đang xắn tay áo, lội xuống dưới sông làm việc với những người lính của mình giữa chiến trường.
    Từ Kompong Trach, tôi trở lại Neak Leung để phỏng vấn một số chiến sĩ trong lực lượng Hải Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Lực lượng hành quân này gồm khoảng 30 chiến hạm đã ngược dòng sông Cửu Long, dừng lại ở bến Neak Leung trước khi tiến lên Nam Vang.

    Từ Neak Leung, một chiếc tuần giang đỉnh đi trước mở đường, dẫn đầu là chiến hạm Vũng Tàu, và lực lượng Hải Quân này tiến vào thủ đô Nam Vang trước sự hâm mộ của hàng ngàn dân Miên đứng đầy bên bến tàu. Trong lúc đó, hàng ngàn người Việt đang ở trong các trại tập trung của Miên, vô cùng xúc động và hãnh diện khi nghe tin này. Họ mất mác quá nhiều: tài sản, sinh mạng, cả nơi sinh sống của họ. Nhưng nay đã được chút an ủi, được bù đắp bởi tình đồng bào và vòng tay che chở của quê hương.

    Khi Hải Quân Đại Tá Nguyễn Thanh Châu, chỉ huy trưởng cuộc hành quân, từ chiến hạm Vũng Tàu bước lên bờ, một phái đoàn của chính quyền Nam Vang đã chờ sẵn để đón tiếp.

    Ngày hôm sau, đoàn tàu tách ra một toán đi Kompong Cham, cách Nam Vang chừng 120 cây số, là một tỉnh có nhiều người Việt sinh sống, nằm ở thượng lưu sông Cửu Long. Đoàn tàu này gồm một chiến hạm 400 tấn, 10 giang đỉnh yểm trợ, và 10 giang vận hạm để chở đồng bào về. Trên đường đi, đoàn tàu phải giao chiến với các lực lượng Việt Cộng hai bên bờ, cho nên không thể ở lại Nam Vang cùng ngày được. Đoàn tàu đón được 4 ngàn người từ Kompong Cham và ở Nam Vang, 5 ngàn người sẵn sàng để hồi hương. Hàng ngàn người Việt đã sinh sống lập nghiệp ở đây, cũng có người sinh ra và lớn lên, xem mảnh đất này như một quê hương thứ hai, nhưng buổi sáng hôm nay, họ bỏ lại nhà cửa, cơ sở làm ăn, từ trong những tại tập trung ở Nam Vang, lúc sáng sớm tinh sương, đã khăn gói, bồng bế nhau sắp hàng trên bờ sông chờ xuống tàu. Những người lính Hải Quân đứng thành hàng dài để chuyển dùm đồ đạc, trẻ con, giúp những người tàn phế, già cả xuống tàu và phát thực phẩm.

    Khoảng xế trưa, Phó Đề Đốc Trần Văn Chơn, Tư Lệnh Hải Quân, đáp trực thăng ngay ở bến tàu và bước xuống chiến hạm Vũng Tàu thăm hỏi đồng bào tị nạn.

    Đúng 1 giờ chiều, đoàn tàu rời bến Nam Vang, mang theo hơn 9 ngàn đồng bào trở về quê nhà. Lực lượng Hải Quân đã hoàn thành cuộc hành quân ngược dòng Cửu Long để đón đồng bào về nước đợt đầu như một cuộc biểu dương thật rầm rộ, hào hùng và đẹp mắt chưa từng thấy từ trước đến nay trên dòng Cửu Long giang.

    Và tiếp theo, còn nhiều đợt khác sẽ được thực hiện để đón khoảng 100 ngàn đồng bào rải rác trên đất Miên về nước. Hiện nay, chính quyền Nam Vang đang còn giam giữ khoảng 30 ngàn người Việt sống một cách thiếu thốn, khổ cực và bị ngược đãi trong các trại tập trung. Hồng Thập Tự quốc tế phải cảnh cáo chính quyền Nam Vang là coi chừng một trận dịch sẽ lan tràn. Như một lời phúc đáp, những người đi lại trên phố Nam Vang đều thấy những tấm bích chương dán đầy đường, với nội dung bằng hai thứ tiếng, Pháp và Miên: “Việt Cộng còn đáng sợ hơn cả bệnh dịch nữa”.

  5. #23
    Administrator
    PS khoá 72G's Avatar
    Status : PS khoá 72G v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Dec 2008
    Posts: 1,025
    Thanks: 0
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default Chàng Từ Khi Vào Nơi Gió Cát

    Chinh Chiến Điêu Linh
    Phóng sự chiến trường của nữ ký giả Kiều Mỹ Duyên

    CHÀNG TỪ KHI VÀO NƠI GIÓ CÁT

    Đà Lạt đó, đất của những rừng thông ngàn năm thì thầm với gió. Đất của suối, của hoa và của những người con gái hai má đỏ hồng. Và ở đó, cũng là nơi xuất thân của những người trai luôn luôn tâm niệm nam nhi chí tại bốn phương, lấy hình ảnh oai hùng của kẻ gác ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo làm biểu tượng. Nhắc đến Đà Lạt là có cả ngàn điều để nhớ, trăm điều để thương.

    Con đường dốc quanh co, với hai hàng thông trồng dọc hai bên đường, một đầu là khu phố Hoà Bình, trái tim của Đà Lạt, một đầu là quân trường nổi tiếng, trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, nơi đào tạo những người luôn lấy hình ảnh của bốn chữ Tang Bồng Hồ Thỉ làm lý tưởng, cái biểu tượng hào hùng đó cũng là một trong những nghi thức không thể thiếu trong ngày mãn khóa: sinh viên thủ khoa của khóa, trước lễ đài, một chân quỳ gối, một tay cầm cung, một tay giương tên, bắn đi bốn hướng. Những mũi tên bắn đi từ những người trai Võ Bị đó, đã có nhiều mũi bắn vào tim giai nhân bốn phương. Gần nhất là những người con gái đôi má đỏ hồng của Đà Lạt. Người đến, đến từ muôn phương, người đi, đi về vạn nẻo, để lại nhiều thiên tình sử trong cái thành phố nhỏ bé này...

    Con đường từ phố Hoà Bình, một khu phố nhỏ, dễ thương, lúc nào cũng có hình ảnh của những đôi tình nhân khắp nơi đến. Đến tìm cái lạnh co ro, tìm sự gần gũi nhau hơn trong bầu trời sương mù của Đà Lạt. Con đường đổ xuống bên dưới chân phố, bọc theo hồ Xuân Hương, với cà phê Thủy Tạ, với những chiếc Pédalo lượn lờ trên mặt nước, đưa đôi tình nhân vào cõi mộng mơ. Qua khỏi hồ Xuân Hương, con đường bắt đầu có độ dốc cao dần, rồi đến nhà ga, cũng là Trạm Hàng Không Dân Sự. Qua khỏi nhà ga, một đường rẽ lên Trại Hầm, vùng đất của những trái mận no tròn, chỉ nhìn qua là muốn cắn ngay. Một đường cứ đi tiếp, sau chừng bốn, năm cây số đã vào địa phận của trường Võ Bị Đà Lạt. Quanh co qua những khu trồng rau xanh mướt, bên phải là hồ Than Thở. Chỉ nghe tên thôi cũng đủ tưởng tượng được cảnh hồ đẹp và buồn đến đâu. Qua khỏi hồ Than Thở, với những khúc lượn vòng trên những đồi thông là đến cổng trường. Một mối tình nào đó, bắt đầu sự gặp gỡ có thể trong quán cà phê, hay tại một gian hàng hoa trong chợ Hoà Bình, hoặc ngay trên những con đường phố Đà Lạt, để hẹn hò bên hồ Xuân Hương, đưa nhau đến đổ lệ bên hồ Than Thở, rồi chia tay nhau tại nhà ga, và biệt ly, nhớ nhung từ đây... Tất cả diễn ra trên con đường đó, và con đường có thể giản dị mà đặt tên: Con Đường Tình Sử.

    Đoạn đường từ hồ Than Thở đến cổng chính của trường là một đoạn đường rất đẹp. Đường tráng nhựa êm ái, chạy quanh co trong những đồi thông thật thơ mộng. Một trạm kiểm soát trước khi vào cổng chính mang tên cổng Thái Phiên. Cổng chính của trường nhìn ra đồi núi chập chùng. Cổng sau của trường, cổng Lý Thường Kiệt, ngõ ra khu phố Catina, một khu phố nhỏ mang tên một khách sạn lớn ở đây, khách sạn có từ thời Pháp thuộc. Một cổng phụ nối liền với trại gia binh của trường là cổng Mê Linh. Trường Võ Bị nằm trên một khuôn viên rất rộng. Từ cổng Thái Phiên đi vòng qua cổng Lý Thường Kiệt cũng phải mất gần mười lăm phút lái xe. Ngoài ba cổng chính trường còn có nhiều cổng không tên khác mà chỉ có sinh viên sĩ quan và Quân Cảnh 302 của trường biết mà thôi.

    Từ những cổng không tên đó, trong một đêm sương mù phủ xuống dày đặc, có những sinh viên sĩ quan đa tình, liều lĩnh lén rời trường để đến một nơi nào dưới phố, dưới một mái nhà, có người con gái đang ngồi trong khung cửa chờ mong. Những sinh viên sĩ quan dám đi qua những cổng không tên đó, thường thường đã là niên trưởng. Chứ các Cùi mới năm thứ nhất thì còn "cùi" lắm, khó lọt mắt xanh của người đẹp. Mà không có người đẹp chờ mong, thì chẳng lẽ liều lĩnh trốn ra khỏi trường chỉ đến dốc Duy Tân uống một ly sữa đậunành nóng rồi lại trở vào hay sao? Và để tiếp nối truyền thống đó, khi các niên trưởng gần đến ngày ra trường, cũng vui vẻ bàn giao lại cho đàn em những cổng không tên này, để rồi bao nhiêu mối tình đã nở và biết bao con tim đã héo mòn.

    Một người con gái kể cho tôi nghe chuyện tình của nàng, một Chinh Phụ Ngâm Khúc của người con gái mới hai mươi hai tuổi tròn.Buổi chiều từ trường về, Quyên nhận được thư Nguyên. Phong bì đóng dấu Bưu Điện Nha Trang, chứ không gửi qua Quân Bưu. Anh chàng lại trốn ra phố Nha Trang chơi rồi, Quyên nhủ thầm.

    “Quyên của anh,
    Ngày mai, thứ hai, anh làm lễ mãn khóa ở trường Dù. Đúng ra còn nợ trường này một saut nữa, nhưng saut cuối cùng để dành nhảy về trường mẹ. Sáng thứ ba, lúc 10 giờ, em đến ngoài cổng Mê Linh, nhớ mang theo ống dòm. Người nhảy xuống đầu tiên là Trung Tướng Chỉ Huy Trưởng. Người thứ nhì là anh: Thủ Khoa Khóa Dù. Em đứng chỗ nào cho dễ thấy, anh sẽ đáp ngay trước mặt em. Gặp nhau sau. Thương nhiều.”
    Thư Nguyên lúc nào cũng vậy, ngắn gọn và đùa cợt. Thủ khoa của khóa Dù! Thật là cứng đầu, nói mãi không chịu nghe. Ba mẹ đã hăm rồi, ra trường mà chọn mấy cái binh chủng đồ bông, đồ rằn để miệt mài ngoài chiến trận là đừng hòng gả con gái cho. Ba đã có lần nói thẳng với Nguyên: "Sống ở đời, khôn ngoan là ai sao mình vậy. Học đủ để ra trường là được rồi. Ra trường sẽ gửi gắm về làm ở thành phố cho an nhàn tấm thân, lại có thì giờ lo cho vợ con sau này". Nguyên cười, dạ dạ, rồi những lời khuyên bảo cũng như nước chảy qua đá trên thác Cam Ly.

    Nhớ lần đầu tiên gặp Nguyên, Quyên không hiểu tại sao sau này mình lại thương được người đã làm mình tức đến khóc được. Buổi sáng thứ bảy đó, Quyên và em trai đi phố mua sắm mấy thứ lặt vặt, rồi hai chị em vào Mê Kông uống nước. Buổi sáng cuối tuần nào khu phố Hoà Bình cũng đầy bóng dáng những sinh viên sĩ quan Võ Bị trong bộ đại lễ bốn túi mùa đông, dáng người thẳng, bước chân vững chải, nụ cười, ánh mắt tự tin.

    Buổi sáng hôm nay trời Đà Lạt thật đẹp, nắng rực rỡ trên những cành Mimosa đang bắt đầu nở hoa vàng. Khu phố nhỏ bé này có vẻ ồn ào hơn, vì hôm nay là ngày được ra phép đầu tiên của một khóa Võ Bị vừa xong thời gian huấn nhục, mới làm lễ gắn Alpha tối hôm qua. Lần ra phép đầu tiên cứ như là cọp sút chuồng, mấy anh chàng sinh viên sĩ quan vừa hung hăng, phá phách, vừa mang cái nét thật ngố trong bộ đại lễ mặc lần đầu.

    Tóc của mấy chàng còn ngắn đúng kiểu mẫu, cử chỉ cứng nhắc, nét mặt nửa ba gai, nửa còn khớp vì bị hành tận mạng trong những ngày huấn nhục vừa qua. Họ phá phách như là một truyền thống. Trường dễ dãi cho lần ra phép đầu tiên sau ngày lễ gắn Alpha, miễn là không quá trớn. Nguyên ngồi bàn kế bàn Quyên, cùng với mấy người bạn đồng khóa. Họ ăn uống, cười nói có vẻ thỏa thích với những giây phút tự do ngắn ngủi, rồi bắt đầu tìm những mục tiêu để phá. Mục tiêu của họ là những chàng trai híp-py, tóc để dài như con gái.


    (Sinh viên Học viện Sĩ quan Đà Lạt, nơi đào tạo sĩ quan chuyên nghiệp của QĐVNCH, theo mô hình trường Sĩ Quan Lục Quân West Point của Hoa Kỳ, chương trình học gồm 4 năm, tương đương văn bằng cử nhân.)

    Thanh niên Đà Lạt đã quen với truyền thống này rồi. Hễ cuối tuần mà có khóa Võ Bị nào vừa làm lễ gắn Alpha, ngày mai được ra phép là họ tránh không xuống phố, để "văn" và "võ" khỏi đụng nhau lôi thôi. Hoàng kẹt đi với chị nên đành chịu trận. Quyên ngồi im không nói gì, cho đến khi một người trong bàn của Nguyên đòi qua cắt tóc Hoàng thì Quyên phản ứng ngay. Quyên lấy bút, nhìn bảng tên trên ngực áo của anh chàng này, giọng thách thức:
    - Anh dám làm không?
    Nguyên nảy giờ chưa dự phần, vội đứng lên ngăn lại:
    - Thôi thôi, mình đi phố chơi, đừng chọc bà chằng này nữa.

    Quyên tức muốn phát khóc, trợn mắt nhìn thẳng mặt người vừa gọi mình là bà chằng. Vầng trán rộng, nét mặt cương nghị lẫn chút bướng bỉnh, dáng người dong dỏng cao và thẳng. Vài tuần nữa bớt cái nét ngố của một anh Cùi vừa mới gắn Alpha thì coi cũng được, Quyên nhủ thầm, nguýt dài một cái, đuôi mắt quét rụng cả mấy búp hoa của cành Mimosa chưng trên quầy.

    Làm như có duyên có nợ gì đó, những tuần kế tiếp họ lại đụng đầu nhau trong phở Tùng, trong cà phê Thủy Tạ... Và một buổi sáng thứ Bảy, mẹ bảo Quyên ra chợ mua vài ký mận để về Sài Gòn biếu bà con. Lựa mận xong, Quyên đang loay hoay không biết thế nào để bê mấy bao mận nặng chĩu này ra xe lam, thì một bàn tay đỡ nhẹ:
    - Tôi mang dùm cô về tận nhà.
    Và không cần biết Quyên có đồng ý hay không, Nguyên vẫy taxi. Quyên cũng không hiểu sao lúc đó mình lại thụ động như vậy. Riu ríu lên xe và để cho Nguyên mang mấy bao mận vào tận nhà, chào bác trai, chào bác gái, tự nhiên như quen biết đã lâu ngày.

    Bốn năm trôi qua. Đối với những người con gái đã yêu người trai Võ Bị, bốn năm, mỗi ngày tính bằng một tuần. Như vậy, bốn năm rút lại còn được bao nhiêu ngày? Và mỗi ngày gặp nhau được bao nhiêu giờ?

    Rồi Nguyên làm lễ mãn khóa. Chàng vẫn là thủ khoa của khóa. Vẫn giữ truyền thống của người theo nghiệp võ tự ngàn xưa. Trong lễ mãn khóa, chàng đã giương cây cung bắn bốn mũi tên ra bốn hướng, để biểu tượng chí tang bồng hồ thỉ của kẻ nam nhi. Rồi chàng rời Đà Lạt như một mũi tên rời dây cung, để lại cho Quyên khắp mọi nơi, mọi nẻo trong cái thành phố nhỏ bé lạnh lẽo đầy sương mù này, đâu đâu cũng là kỷ niệm...
    Những gì Quyên mong đợi bây giờ là những bức thư ngắn ngủi, từ những địa danh xa lạ gửi về. Thư mới nhận hôm qua cũng ngắn như một bức điện tín:
    “Quyên của anh,
    Vừa chiếm lại Quảng Trị. Trận đánh thật khốc liệt, dành nhau từng tấc đất. Xong rồi. Ngày mai xin 12 giờ phép, phóng xe vào Huế ăn tô bún bò cho biết cay đến đâu và nhìn xem nữ sinh Đồng Khánh đi học qua cầu Trường Tiền đẹp như thế nào. Mong em luôn luôn vui vẻ.
    Thương nhiều.”
    Nguyên đi biền biệt. Gót giày hành quân của chàng dẫm qua không biết bao nhiêu là địa danh. Mỗi năm được về phép mấy ngày, chia ra cho gia đình ở Sài Gòn vài ngày, cho Quyên ở Đà Lạt vài ngày, còn lại cho bạn bè. Nguyên được thăng cấp rất nhanh bởi những chiến công vẻ vang. Những hoa mai trên cổ áo của Nguyên là do chính tay Quyên thêu trong những lần Nguyên về phép. Cứ mỗi lần thêu thêm một hoa mai cho Nguyên là lòng Quyên lại chỉu nặng thêm một ít. Một câu nói nửa đùa nửa thật của người bạn học cùng lớp, mà mỗi lần nhớ đến, đã làm cho Quyên cảm thấy chới với như người mất đà vì bắt hụt vào chiếc bóng:
    - Lấy chồng Võ Bị thì chớ có lấy thủ khoa. Thủ khoa nào của Võ Bị cũng sớm được tổ quốc ghi ơn...

    Bước vào Võ Bị là Nguyên đã chọn con đường binh nghiệp. Suốt bốn năm miệt mài rèn luyện cả văn lẫn võ. Nguyên hãnh diện với sáu chữ: Sinh Viên Võ Bị Đà Lạt. Nguyên muốn mình xứng đáng với niềm hãnh diện đó, trong trường, ngoài quân sự và văn hoá, Nguyên học quyền thuật, kiếm thuật, học cỡi ngựa, chơi đàn, nhảy đầm rất đẹp, pha coctail rất ngon. Ra trận, Nguyên đánh giặc rất gan lì. Tất cả để giữ cái truyền thống của hai chữ "Đa Hiệu" mang trên vai. Và luật của tạo hoá là như vậy: truyền thống càng hào hùng, định mệnh càng khắc nghiệt.

    Quyên biết mình chỉ là sợi tơ, không thể nào buộc nổi một cánh chim bằng với hào khí đang còn ngất trời. Chỉ còn biết chờ, chỉ còn biết đợi. Đợi chờ cho đến ngày chim bằng mỏi cánh, hoặc là...

    Quyên không dám nghĩ đến. Không dám ích kỷ mong muốn Nguyên dừng chân bằng một sự hy sinh quá lớn. Mà thật sự thì Nguyên đã hy sinh, hy sinh cả một tuổi thanh xuân của chàng cho chiến trận, hy sinh cả một tình yêu như mật ngọt trong khung trời Đà Lạt mộng mơ này, để lăn mình vào nơi gió cát...

    Hết./.

Trang 4/4 đầuđầu ... 234

Similar Threads

  1. Những mẫu truyện ngắn...rất cảm động
    By Luctuan in forum Truyện ngắn
    Trả lời: 74
    Bài mới nhất : 05-21-2019, 07:58 PM
  2. Bay Trên Lửa Đan - Kiều Mỹ Duyên
    By hung45qs in forum TL Hội ngộ LK Kỳ 3
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 10-06-2010, 04:23 PM
  3. Duyên thề
    By saorơi in forum Nhạc Thơ Chọn Lọc
    Trả lời: 1
    Bài mới nhất : 06-16-2009, 11:23 AM
  4. Cái duyên Nam Bắc
    By chimtroi in forum Truyện ngắn
    Trả lời: 1
    Bài mới nhất : 09-20-2008, 11:56 PM

Tags for this Thread

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •