Remember ?

Trang 9/9 đầuđầu ... 789
kết quả từ 49 tới 52 trên 52

Tựa Đề: Trang Truyện Ngắn - Hai Hùng SG

  1. #49
    Hai Hùng SG's Avatar
    Status : Hai Hùng SG v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Sep 2018
    Posts: 128
    Thanks: 0
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default Chiếc Camera Bay

    Chiếc Camera Bay.

    Hai Hùng SG.


    Thằng Bảo ngắm nghía cái hộp đựng chiếc Camera bay mới cáu cạnh, đây là phần thưởng do tía cho nó bởi nó có kết quả học tập tốt trong năm lớp Tám, nó liên tưởng rồi đây mình sẽ có dịp ngắm thôn xóm từ trên cao cho thỏa lòng mong ước bấy lâu nay, mỗi khi có dịp đi chơi đâu đó, nó được ngồi trên máy bay hàng ghế thuộc hạng Business, thỉnh thoảng nó thấy mấy chú Pilot mặc đồng phục thật đẹp, trên cái nón kết có gắn phù hiệu của cánh bay bằng đồng kim loại sáng trưng, điều này khiến cho tăng thêm phần oai phong, cũng từ đó trong đầu nó lúc nào cũng muốn trở thành phi công như những người phi công này.

    Bảo tháo cái hộp đựng Camera ra, theo sơ đồ chỉ dẫn kèm theo nên chẳng bao lâu nó ráp xong chiếc Camera bay, cầm cái remote sau khi lắp pin xong Bảo ra khoảng sân trống trước nhà rồi điều khiển cho Camera bay thử, cứ tưởng như mô hình điều khiển trực thăng đồ chơi, không ngờ chiếc Camera rất nhạy và mạnh nên khi Bảo nhấp cái cần điều khiển hơi mạnh tay khiến chiếc Camera bay vút lên cao, tâm lý lần đầu sợ Camera bay mất nên Bảo điều chỉnh hạ độ cao cũng nhanh không kém khiến chiếc Camera hạ cánh cấp tốc làm cho chiếc Camera rơi nhanh xuống đất, cũng may phước nó đáp xuống bụi cỏ rậm rạp rồi vướng lên đó và bị treo lủng lẳng, nếu không có bụi cỏ này Camera rơi thẳng xuống nền xi măng thì sẽ "tan xác" là cái chắc.

    Thằng Bảo đang chới với với cú hạ cánh thần sầu này, nó chưa kịp hoàn hồn thì đã nghe tiếng thằng Long bạn nó la lên:

    - Trời ơi! Mầy lái máy bay kiểu gì thấy ớn vậy thằng quỷ, chơi cái này phải thật bình tĩnh, mầy mà bộp chộp thì "máy bay" bể tan nát không kịp mua cái mới đâu nghe mậy.

    Hơi tự ái, thằng Bảo liền "Sực" lại thằng Long liền:

    - Cha chả, mầy hay dữ hen, có chơi lần nào chưa mà tài lanh tài lẹt dữ thần (dậy).

    Đúng là thằng Long chưa bao giờ có trong tay chiếc Camera bay, bởi nhà Long nghèo, ba má chạy ăn từng bữa thì tiền đâu mà mua đồ chơi "Thứ dữ" này cho nó, có điều Long thường lân la qua khu phố nhà giàu nên nó được đám nhóc tì con "Đại gia" cho nó bay thử nhiều lần, chơi riết rồi quen nên điều khiển chiếc Camera bay theo ý mình đối với Long còn dễ hơn ăn kẹo, Long trả lời:

    - Chèn ơi! Tuy tao không có tiền mua cái thứ này, nhưng tao chơi nó cũng khá lâu rồi, tao nói để cho mầy hiểu thôi, tao sẽ chỉ mầy bay thử rồi mầy sẽ quen thôi mà.

    Bảo thấy thằng Long nói rất chân tình với ý tốt cho mình, nên nó không còn "quê cơ" sau câu chê trách của Long, Bảo làm hòa:

    - Thôi tao biết rồi, tại mới chơi lần đầu tao chưa quen tay, thôi mầy chỉ sơ cho tao đi, tao bay ngon lành rồi sẽ bao cho mầy một ly Trà sữa liền.

    Nghe tới Trà sữa thằng Long khoái chí trong lòng, bởi đây là món giải khát "thời thượng" của mấy cô cậu ngày nay, Long bèn nói:

    - Hai đứa mình ra phía đất trống ở nghĩa địa thì bay không sợ vướng víu nhà cửa, dây điện hoặc cây cối, ra đó khi đạt độ cao rồi thì mình muốn bay lòng vòng vô xóm dễ ẹt hà.

    ***

    Nghĩa địa cuối xóm là khu đất của tư nhân, nghe đâu có lệnh phải di dời vì trong thành phố không còn để nghĩa trang gần các khu dân cư, một là ô nhiểm hai nữa tâm lý sống gần người chết thiên hạ không khoái lắm, khu đất rộng mênh mông nơi này lúc trước trẻ em hay tụ tập thả Diều, đến nay thì bọn trẻ không còn được chơi trò này nữa, vì hướng Diều bay khi lên cao Diều hay chạm vào đường dây điện cao thế, nhà chức trách sợ tai nạn có thể xãy ra khi Diều vướng vô dây điện Cao thế nên hạ lịnh cấm tiệt, từ đó trở đi những cánh Diều no gió đã lùi vào dĩ vãng, còn chăng trong ký ức bao thế hệ của những người từng ở nơi này.

    ***

    Chiều nay bầu trời trong xanh, gió nhẹ hiu hiu thổi, thật lý tưởng để cho thằng Long hướng dẫn cho thằng Bảo tập bay Camera.

    Hai thằng nhóc cụ bị đầy đủ cho buổi bay thử này, thằng Bảo mang theo nào bánh kẹo, nước suối đóng chai, thằng Long đem theo bịch bánh Cai do chị Hai nó mới chiên nóng hổi, nó còn "Lận" thêm hai trái Ổi chín cây kèm theo gói muối ớt, chị Hai thằng Long thấy vậy bèn hỏi:

    - Mần cái vụ gì mà đem theo đủ thứ vậy Long.

    Long kể cho chị Hai nó biết cuộc hẹn chiều nay với thằng Bảo, biết vậy chị còn dúi cho Long tờ giấy Hai mươi đồng để hai đứa muốn mua gì thêm thì tùy ý, Long cảm động nói với chị Hai của mình:

    - Sao chị tốt với tụi em quá (dậy), mơi mốt lớn lên em đi làm có tiền em trả lại cho chị nha.

    Chị Hai của Long với đôi mắt vui vui nói với Long:

    - Nhà có hai chị em, chị không thương em thì thương ai bây giờ...

    Qua hướng dẫn của thằng Long, chiếc Camera bay hôm nay được thực hiện theo hình thức Live Camera, khi điều khiển Camera bay trên cao thì hai đứa sẽ theo dõi hình ảnh qua màn hình điện thoại cầm tay, bao nhiêu hình ảnh sống động bên dưới sẽ được hai đứa nhận diện đầy đủ, thằng Bảo thầm nghĩ mình có phước khi sống trong thời buổi kỹ thuật số nên nó mới được hưởng những tiến bộ kỹ thuật này của loài người, chẳng bù ngày xưa cha ông muốn có những điều kiện như hiện nay chỉ là giấc mơ không tưởng.

    Khi Camera bay lên cao, thằng Long cho nó bay lòng vòng trên những con hẻm trong xóm của mình ở, hình ảnh hiện ra thật rõ nét, khi Camera bay ngang qua cửa sổ nhà con Hương bạn học cùng lớp với thằng Long, hai đứa ngó thấy con Hương đang ngồi học bài thật chăm chỉ vì sắp diễn ra kỳ thi học kỳ một của năm nay, Long thì thích thú nhìn cô bạn gái của mình, còn Bảo thì sợ sệt nói với thằng Long:

    - Mầy bay kiểu này coi chừng con Hương biết được thì nó la mình chết luôn đó, nhìn chuyện riêng tư của người ta là không tốt đâu.

    Nghe Bảo nói vậy Long hơi "Nhột" nó định lái Camera đi hướng khác, nhưng bất chợt khi Camera hướng tầm nhìn xuống phía dưới trước của nhà của Hương, hai đứa nhìn thấy một thằng nhóc lạ hoắc cứ lấp ló từ căn nhà bên cạnh để nhìn chiếc xe đạp của Hương dựng trước sân nhà, một ý nghĩ lóe lên trong đầu của thằng Long, nó quay sang nhìn thằng Bảo, rồi làm như thần giao cách cảm khiến hai đứa đồng thanh nói lên cùng một câu:

    - Ăn trộm.

    Giao chiếc Camera lại cho thằng Bảo tự bay, thằng Long ba chân bốn cẳng chạy u về khu xóm nghèo của mình, nó chạy đến con hẻm nhà Hương chưa kịp quẹo vô đã thấy thằng "Đạo chích" đang chạy chiếc xe ra đến, máu "Anh hùng mã thượng" trong người thằng Long sôi lên Sùng sục, nó nhảy lên tung chân đá một cước thật mạnh vào hông tên trộm, bị đòn bất ngờ tên trộm té bò càng xuống đất, chưa kịp hoàn hồn hắn bị Long giơ tay chém xuống bả vai hắn làm hắn rú lên lăn mấy vòng dưới đất, xui xẻo cho hắn đụng phải tay Đệ tứ đẳng Huyền đai của môn phái nào đó mà thằng Long theo học khổ luyện biết bao năm trời giờ mới có dịp áp dụng, lúc này thì người nhà con Hương phát hiện mất xe đạp, từ trong hẻm chạy ra la làng lên, khi ra tới đầu hẻm má của Hương chứng kiến được sự việc, bà cảm ơn thằng Long rối rít, lúc này bà con mới túa ra, trong lúc lộn xộn tên trộm nhanh chân chạy mất khiến một ông bực tức:

    - Mẹ tổ nó, tui ra kịp là thằng ôn hoàng hột vịt lộn này chết với tui, ghét nhất là đám trộm cướp này đó.

    Bà Ba bán bánh mì ngay đầu hẻm khen ngợi khiến Long nở lỗ mũi thật to:

    - Chèn ơi! cái thằng Long này anh Hùng thiệt luôn nghe bà con, thằng Quỷ kia nó bự chà bá, dậy mà thằng Long "Đớp" nó cái một, tao thưởng bây một tháng ăn bánh mì khỏi trả tiền nghe Long.

    Nhưng nhiêu đó chưa ăn thua gì, vì thằng Long khoái chí nhất là được con Hương an ủi khi bàn chân của Long hơi bị rướm máu do va chạm với tên trộm:

    - Anh Long có đau không ? Dô nhà em để em rửa vết thương cho, cảm ơn anh nếu không có anh thì em đâu còn xe đạp để đến trường.

    Lúc này thì Bảo cũng thu hồi Camera rồi chạy về xóm xem tình hình như thế nào, nó thấy con Hương đang âu yếm nhìn thằng Long, khi ấy chiếc xe đạp còn nằm chỏng chơ dưới đất.

    Bảo biết được chuyện thằng Long ngăn được tên trộm qua chiếc Camera bay của tía mình tặng thật ý nghĩa, và nhất là Long chiếm được cảm tình đặc biệt của Hương qua câu chuyện này khiến niềm vui của Bảo được nhân đôi qua chiếc Camera bay thần kỳ này...


    Hai Hùng SG.
    ( Đêm 18/12/2018 )

  2. #50
    Hai Hùng SG's Avatar
    Status : Hai Hùng SG v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Sep 2018
    Posts: 128
    Thanks: 0
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default Tui làm "Thầy Thuốc"

    Truyện vui vui

    Tui làm "Thầy Thuốc".

    ( Hai Hùng SG )

    *

    Tui chơi thân với thằng Khanh nó có phước vô cùng vì nó được làm rể "Đông sàng" của bác Sáu "Cơ khí", nhà bác Sáu cũng gần nơi vợ chồng thằng Khanh ở nên thỉnh thoảng bác Sáu ghé chơi, anh em tụi tui thường "Gầy sòng" với bác Sáu cho vui, khi thì bia Sài gòn, sang sang chút nữa thì mua bia Tiger lon giải khát với dĩa lòng heo xào cải chua, khi thì con gà xé phay, lúc thì tôm hấp nước dừa, thậm chí làm nguyên con vịt quay "Đắc Hùng" ở chợ An nhơn ngon số sách luôn, nhiều khi "Gió mái" yếu yếu ( chưa tới ngày lãnh lương) đôi khi tụi tui ráp với bác Sáu bằng "Nước mắt quê hương"( rượu đế dưới Bến tre gửi lên) với cóc ổi , khô mực . V.v... Nói cho cùng những lúc gặp nhau bày ra tiệc nhậu để cùng nhau nói chuyện trên trời dưới đất cho vui để sống cho hết kiếp ở trọ trần gian này.

    ***

    Cuối tuần nọ, tui ráng mần cho xong "Bổn phận sự" của người sống trong gia đình, như dọn dẹp nhà cửa, giặt hai thau đồ bự tổ bà chảng rồi phơi vắt vẻo trên sào dây kẽm treo lủng lẳng trong sân nhà, (cũng may phước khoảng thời gian này sức khỏe tui còn ngon lành, giống như chiếc xe GMC mới đưa ra sử dụng nên đèo dốc cheo leo cỡ nào tui cũng vượt qua, chứ như hiện nay thì coi như thua luôn vì lớn tuổi sức khỏe hao mòn theo thời gian, tuy nhiên tui không ngồi ôm cái tuổi già để chờ ngày về với đất đâu nhe, tui cứ lạc quan mà sống vì mấy đứa bạn ở nước ngoài nó nói với tui "Sáu mươi chưa gọi là già, sáu mươi thì chỉ mới qua dậy thì", vậy đó nên tui cứ sống và sống ), sau khi phơi phóng xong cái đám quần áo tui vô nhà nói với "Má bầy trẻ":

    -Anh xuống nhà thằng Khanh chơi một chút, nghe nói có bác Sáu gái má vợ nó ở Bến tre lên chơi, nó "Phon Line" cho anh tức thì nè.

    Để chứng minh mình không có ba xạo đặt chuyện để đi chơi, tui chìa cái tin nhắn trong cái máy nhắn tin cho má bầy trẻ xem, không cần xem má bầy trẻ nói tui đi nhanh rồi về đừng nhậu nhẹt nhiều phí sức không tốt, tui ừ hử cho xong nhưng một khi gặp ông già vợ của thằng Khanh thì "Không say không về" được đâu.

    Tui lấy xe chạy xuống nhà thằng Khanh, vừa chạm cái cổng nhà nó tui gặp "Chiến hữu" đã tề tựu đông đủ, nào là Long Đầu bạc, Tài ợ, anh Trí bạn tui và thằng Đầy đồng nghiệp của thằng Khanh cũng có mặt, dựng xong chiếc xe tui vô nhà chào hai bác Sáu cho phải phép, sau một hồi thăm hỏi lẫn nhau, tui thấy một đứa con trai chừng như là em vợ của thằng Khanh nó đến cúi đầu chào tui khiến tui sửng sốt vô cùng, vì thời buổi sau này trẻ em cũng không còn chào hỏi kiểu như vậy nữa, thậm chí trong xóm gặp nhau có đứa còn "Giương mắt ếch" ra nhìn chẳng thèm chào một câu, nên tui sửng sốt với thái độ chào hỏi cung kính của thằng Út con bác Sáu tui mới thấy kính nể bác hơn nữa vì bác đã dạy dỗ con cháu trong nhà cái nề nếp lễ phép từ ngàn xưa của dân tộc mình .

    Tiệc rượu bày ra, sau một hồi ăn uống no say bác Sáu nỗi hứng lên bác mời tụi tui:

    -Thôi (dầy) nè! Năm nay dưới tui thâu hoạch vườn tược cuối năm có nhiều món ngon lắm, mấy chú em xuống dưới chơi một chuyến biết nhà cho (dui) nha. Coi dưới quê nghèo nghèo mà ấm cúm lắm nghe mấy chú.

    Nghe bác Sáu nói, đứa nào cũng hăm hở nhận lời làm cho hai bác Sáu vui bụng quá chừng, thằng Út nó khi "Xừng xừng" trong người vì mấy lon bia nó nghe tía mời mấy bạn của anh rể nó, nó chêm vô:

    -Mấy anh (dìa) chơi đi, em hái dừa Xiêm cho mấy anh uống mát đã luôn, ngọt ve kêu luôn đó mấy anh, em bắt mấy con vịt nấu cháo đãi mấy anh no cành bụng luôn.

    Bác Sáu trai ghẹo thằng Út:

    -Tía bây, vịt tao nuôi để bán Tết bây lấy cái gì mà mần thịt đãi mấy chú này hả.

    Biết tía nói chơi cho vui, nhưng thằng Út "Đóng phim" luôn:

    -Chèn ơi! Con mần thịt mấy con thôi tía ơi, đàn vịt cả "Thiên" (ngàn con) luôn nhiêu đó giống con mèo rụng vài cọng lông đuôi thôi mà tía.

    Có hơi men trong người nên tui dạn dĩ góp ý:

    -Thằng Út nói vậy trúng rồi bác Sáu, kệ mà con cháu bác cả bầy nè mấy con vịt đâu có nhiêu há bác, có gì tụi con góp lại tiền vịt đền bù lại cho bác cho vui.

    Nghe nói góp tiền vịt, bác Sáu rầy tui quá chừng:

    -Chú Hùng bây nha, mần như tui kẹo kéo lắm hả, tui ghẹo thằng Út thôi, còn cá dưới mương trước nhà nữa, thôi cứ xuống đi rồi tính, nói trước bước không qua há mấy chú.

    Cả bàn nhậu vỗ tay rân rời khiến bác Sáu gái nằm trong buồng chạy ra góp ý :

    -Ông nhà tui nói chí phải á mấy chú, dưới Lương Quới tui ôi thôi cây trái gà vịt cua cá nhóc hết sợ mấy chú không có sức mà ăn đó.

    Thằng Đầy nghe vậy nó khoái chí bèn góp lời:

    -Bác Sáu đừng lo, có con bao chót có nhiêu đồ ăn đãi tụi con ngày đó bác dọn hết lên con "thầu" hết cho.

    Ông Long đầu bạc nghe thằng Đầy khoe cái bụng "Tạ Hầu Đôn" của mình với bác Sáu, ông Long rầy nó :

    -Đầy em, khiên nhường chút đi, bây nói (dậy) bác Sáu dọn lên bây ăn không hết là khó coi lắm nghe.



    Thế là mọi người đồng thống nhất ngày hăm ba tháng chạp sẽ thuê một chiếc xe mười bốn chỗ ngồi cùng nhau về thăm quê của bác Sáu ở Xã Lương Quới ,Bến tre.

    ***

    Cũng khá lâu tui chưa về thăm lại Bến tre, nơi tui từng đặt chân đến như Chợ Bến tre, huyện Châu thành ..Vv... Nhưng Lương Quới thì tui chưa có dịp ghé thăm.

    Đúng hẹn hăm ba tháng chạp cả đám tụi tui ngồi xe về thăm quê nhà của bác Sáu, tụi tui mua bia, bánh trái để làm quà cho gia đình bác, nhà bác Sáu nằm bên trong vườn nên xe không thể đưa anh em tụi tui đến tận nhà, tụi tui đi bộ qua cây cầu đúc nhỏ rồi lội bộ gần cả mấy trăm thước mới đến nhà bác Sáu, căn nhà ván đơn sơ nhưng sạch sẽ ngăn nắp, bác sơn màu xanh nước biển nên căn nhà nổi trội khác với các căn nhà lá của bà con kế ranh đất của bác.

    Do biết được tụi tui xuống nên nhà bác Sáu canh thời gian dọn sẳn thức ăn trên bàn, sau khi rửa ráy mặt mũi tay chân tụi tui nhập tiệc cùng gia đình bác Sáu, sau khi uống vài lon bia tui thấy hình như còn thiếu thiếu điều gì, chừng như tiềm thức nhắc nhở tui mới biết mình trông mong gặp thằng Út để tặng cho nó cuốn sách mà nó thích xem, tui mới hỏi bác Sáu:

    -Ủa nãy giờ con không thấy thằng Út nhà mình vậy bác Sáu.

    Bác Sáu chưa trả lời thì thằng Út từ trong buồng nó xuất hiện, tui giật mình vì nó bị tai nạn gì mà cánh tay phải băng bột từ trên vai xuống tận cổ tay, tay nó được treo bằng sợi dây vải quàng qua cổ nó, tui định hỏi nhưng bác Sáu đã lên tiếng trước :

    -Chèn ơi! Thằng Út này năm cùng tháng tận còn gặp xui, nó lấy cái Câu Liêm đi hái dừa để cho kịp thương lái dô thu mua, nó làm cái giống gì mà lưỡi Cáu liêm tuột ra khỏi cái cán rớt xuống trúng vai và tay máu ra đầm đìa, may là ra y tế xã kịp thời bằng không cũng thấy "ông bà ông vãi" luôn rồi đó mấy chú.

    Thằng Út nghe tía nói nó cãi lại:

    - Lâu ngày cái chốt lưỡi Câu liêm nó bị mục gặp quài dừa già cứng quá nên nó tuột ra chứ con đâu có mần gì đâu mà tía nói (dậy).

    Bác Sáu nói:

    -Thì thấy bây bị (dậy) tao nói (dậy) chứ có thêm bớt gì cho bây đâu mà cự nự, hỗm rày kêu tập giơ cái tay lên xuống cữ động cho nó quen mà hổng chịu nghe lời, bây mần biếng nó xụi lơ luôn đừng có khóc nghe bây.

    Thằng Út than van:

    - Tía biết nó còn đau lắm hông, ai không muốn tập nhưng nó đau chịu không thấu, để (dài bữa) nữa đi tía.

    Bác Sáu phủ đầu tiếp:

    -Tao thương bây tao nhắc bây như kêu đò (dậy) đó, bây cứ lần lữa miết có tật luôn đó nghe.

    Rồi bác Sáu quay sang tui bác phân bua :

    -Chú Hùng coi, nó cứ (dậy quài) (dợ chồng) tui rầu dễ sợ, không biết có cách gì giúp cho tay nó cữ động lại bình thường tui cảm ơn dữ lắm.

    Nghe bác Sáu nói vậy, tui bổng dưng có cái ý nghĩ tiếu lâm, mục đích của tui là cố ý ghẹo thằng Út cho vui thôi, khi bác Sáu nghe tui nói nhỏ trong tai cho bác nghe, bác ngờ ngợ muốn xác nhận lại từ tui :

    - Chú nói chơi hả, phải có thuốc hoặc phương pháp trị liệu gì chứ nó như chú sao mà hết được.

    Tui củng cố niềm tin cho bác Sáu, tui nói chắc như "Đinh đóng cột":

    - Ậy cái đó là chữa mẹo đó bác Sáu, ngày mai bác mần thử đi, theo thời gian bác điều chỉnh độ cao, con bảo đảm với bác một thời gian không lâu tay thằng Út cữ động lại bình thường thôi mà .

    Bác Sáu nghe tui quả quyết như vậy bác cũng cười cười, tui nghĩ chác bác nghe cho vui thôi chứ dễ gì bác chịu thử theo cách tui chỉ cho bác.

    Tàn tiệc tụi tui ra về , mỗi người ráng sức vác những món quà quê mà bác Sáu tặng tụi tui, ra đến xe ai nấy mệt nhoài nhưng vui vô cùng vì sức nặng của những món quà này cũng là sức nặng tình cảm bác Sáu dành cho mọi người.

    Tui thầm nghĩ nếu có dịp sẽ quay trở lại nơi này để thăm bác Sáu khi có thể...

    ***

    Chừng hai tháng sau, kể từ ngày thăm quê nhà bác Sáu, tụi tui lại có dịp hội ngộ với vợ chồng bác Sáu và thằng Út. Điều tui mừng nhất là tay thằng Út đã trở lại cữ động bình thường, chực nhớ cách mình bày cho bác Sáu cách chữa trị cánh tay của thằng Út, tui hỏi bác Sáu:

    -Bác Sáu có áp dụng phương pháp con chỉ bác Sáu cho tay thằng Út tập cữ động không.

    Bất chợt bác Sáu cười khanh khách, một cách cười mà từ hồi biết bác Sáu đến giờ tôi chưa từng thấy, bác cười đã rồi nói với tui:

    -Tui không ngờ chú Hùng mầy hay thiệt nhe, đúng là chữa bịnh theo tâm lý. Tui áp dụng y chang như chú, đúng một tháng là tay nó giơ cao khỏi đầu cái một, thậm chí lúc khỏe rồi nó còn cắc cớ hỏi tui, :

    -Nay không tập nữa hả tía.

    Tui đỗ quạu nói với nó :

    -Mẹ tổ nó, bây (dớt) tao gần hết cả chục con vịt rồi, thôi bỏ qua đi tám .

    Đến đây tới phiên tui cười nghiêng ngả khiến đám bạn ngồi gần đó không biết hai bác cháu tui mắc chứng gì mà cười dữ thần ôn như vậy, thăng Tài ợ hỏi tui :

    -Ông Hùng mắc chứng gì cười ớn chè đậu ấy (dậy)?.

    Tui thuật lại đầu đuôi câu chuyện bày bác Sáu cho thằng Út tập cữ động cánh tay như sau:

    Bác sáu lấy sợi dây lát cột vài tờ giấy bạc năm mươi ngàn lên cây đòn tay ở dưới mái tole thấp nhấp phía trước nhà, lúc đầu cho thòng xuống thật thấp sao cho thằng Út cố giơ cánh tay đau lên để lấy tiền, nếu nó lấy được tiền bác phải bắt nó giơ tay lên xuống khoảng chục lần, qua hôm sau bác rút lên cao một chút, càng ngày càng lên cao, càng ngày số tiền treo càng nhiều để đánh vô lòng tham cho thằng Út cố gắng lấy tiền, vậy đó mà thằng Út đã vượt qua nỗi đau và nó đã cữ động cái tay bình thường.

    Bác Sáu thấy tay út cưng hoạt động lại như xưa, và số tiền để "Câu nhử" cánh tay của thằng Út cũng khá nhiều, tuy vậy bác mừng thầm trong bụng và bác thầm cảm ơn ông "Thầy thuốc" Hai Hùng SG có chiêu chữa bệnh độc nhất vô nhị trên cõi đời này.

    Bác Sáu và thằng Khanh bạn tui giờ đã xa rời nhân thế, bên kia thế giới nếu có thì tui chắc rằng bác sẽ tiếp tục cười khanh khách khi nhớ lại câu chuyện tôi kể trên đây.

    Bác Sáu ơi! Khanh ơi! Hãy yên nghỉ nơi cõi Vĩnh hằng nhé.

    Ngày Giáng sinh 2018

  3. #51
    Hai Hùng SG's Avatar
    Status : Hai Hùng SG v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Sep 2018
    Posts: 128
    Thanks: 0
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default Con heo đất

    CON HEO ĐẤT

    *

    Thấy bác Tư xách cái giỏ đệm đi chợ để mua sắm đồ Tết, thằng Hoàng từ trong bếp chạy ra sân nó đưa tay níu cái giỏ rồi nói với bác Tư:

    -Má đi chợ nhớ mua đồ cho con mặc Tết nghe má, quần áo con cũ mèm hết rồi, Tết mà không có đồ mới thì buồn lắm.

    Nghe thằng Hoàng nói vậy bác Tư lấy tay xoa lên đầu nó rồi bác nói:

    -Má cũng tính mua hà tiện chừa tiền để mua cho con một bộ đồ mặc Tết, nhà mình nghèo nên thiếu trước hụt sau con ơi.

    Nghe bác Tư nói vậy, thằng Hoàng kéo bác Tư đi về phía căn buồng bên trong nhà rồi nó nói:

    -Má chờ con một chút, con có cái này phụ với má mua đồ Tết nè.

    Bác Tư ngạc nhiên vô cùng, vì thằng Hoàng tuổi "ăn chưa no lo chưa tới" thì nó lấy cái gì để phụ với mình mua đồ Tết nên bác Tư hỏi nó:

    -Hoàng nè, con nói phụ với má là phụ cái gì, tiền bạc ở đâu con có, cha chả có làm gì quấy hông mà có tiền (dậy) ông con?

    Không trả lời liền cho bác Tư, thằng Hoàng nhanh tay lật cái rương bằng gỗ ra, nó khệ nệ ôm con heo đất để lên bàn rồi nó hí hửng nói với bác Tư :

    -Đây gia tài của con nè, con không có mần gì bậy bạ đâu má ơi, tiền ba cho con đi học, con không có xài con bỏ hết vô ống heo, chắc cũng khá lắm rồi má.

    Bác Tư ngạc nhiên vô cùng, bác không ngờ thằng Hoàng lại biết để dành tiền bằng cách này, bác kéo thằng Hoàng vào lòng và hôn lên mái tóc của nó, rồi tự dưng đôi mắt bác đỏ hoe vì xúc động, bác nói :

    -Con giỏi ghê má không ngờ con tập tính tốt này từ bao giờ, dậy đó ông bà mình nói "tích tiểu thành đại" con thấy không, giờ thì muốn mua gì cũng có tiền.

    Thằng Hoàng cười sung sướng vì được bác Tư khen một cách thật tình, nó lấy cây búa đóng đinh của ba nó để đập con heo, bụp..bụp, con heo vỡ toang rồi những đồng tiền xu, tiền cắc rơi đầy trên nền xi măng văng ra tung tóe, Hoàng lấy hai tay lùa những đồng tiền lại rồi bổng dưng gương mặt nó thất thần vì toàn tiền cắc, tiền giấy thì không còn lấy một tờ, trước tình trạng này nó thảng thốt kêu lên:

    - Ủa sao kỳ vậy cà, sao tiền lẻ không (dậy)? Tiền giấy không còn tờ nào má ơi!

    Bác Tư cũng lấy làm lạ khi nghe thằng Hoàng nói như vậy, nhưng bán tín bán nghi bác Tư gặng hỏi lại nó:

    -Con có nhớ cho kỹ là có bỏ tiền giấy vô con heo không, bây có nhớ lộn không, nếu con bỏ tiền giấy vô đó thì làm sao mất được .

    Thằng Hoàng tức tối nó nói cho bác Tư biết:

    -Con có bỏ tiền giấy (dô) rõ ràng, giấy hai mươi đồng, mười đồng, năm đồng, đủ hết má ơi chưa kể giấy một và hai đồng nữa, chắc chắn có ai (dô) nhà mình lấy tiền của con rồi.

    Nghe thằng Hoàng khai ra những tờ giấy bạc mười và hai mươi đồng, bác Tư hết hồn và đánh dấu hỏi to tướng vì tiền đi học mỗi ngày được giỏi lắm năm cắc bạc, thường thì bác Tư trai cho nó chừng hai ba cắc thì lấy đâu ra thằng Hoàng lại sở hữu các tờ giấy bạc có mệnh giá lớn như vậy, một là thằng Hoàng lấy cắp của ai hoặc làm chuyện mờ ám nào đó mới có số tiền lớn kia, bác Tư bắt đầu truy vấn nó:

    -Hoàng nè, con nói thiệt cho má nghe, tiền đâu con có giấy mười đồng, hai chục, bây khai mau nếu cố tình nói dóc má đánh tróc đít luôn nghe chưa.

    Nói rồi bác Tư làm bộ giận dữ rút cây roi mây vắt bên vách lá ở hông nhà, bác nhịp nhịp cây roi lên mặt bàn nghe chan chát thấy phát ớn nhằm răn đe thằng Hoàng, thằng Hoàng không ngờ vừa bị mất tiền vừa bị má mình nghi oan mình làm điều bậy bạ gì đó mới có số tiền lớn kia, không muốn má mình hiểu lầm nó khai ra tuốt tuồn tuột :

    -Dạ thưa má, sở dĩ con có những tờ tiền lớn kia là do ông Năm và ông Bảy ở nhà Cô Ba bán quán cho con đó.

    Bác Tư nghĩ thằng Hoàng cố tình nói dóc để chạy tội và che giấu nguồn gốc những tờ giấy bạc kia, bác Tư gầm gừ :

    -Mắc chứng gì ông Năm (dới) ông Bảy cho bây số tiền lớn kia, nói thiệt liền không thôi ăn "bánh tét nhưn mây" nghe con.

    Điềm tĩnh vì thằng Hoàng biết rõ số tiền kia nó có được do nó "làm công" cho hai ông hàng xóm, chớ nó nào có làm chuyện bậy bạ đâu mà phải sợ sệt nên thằng Hoàng kể lể :

    -Má ơi, mấy lúc con với anh Cuộc Mù qua nhà cô Ba quán chơi thì ông Năm với ông Bảy kêu con với anh Cuộc đấm lưng và bóp tay bóp chân cho ông, rồi hai ông cho tiền tụi con, ban đầu hai đứa con không dám lấy vì mỗi khi đến chơi tụi con nằm lên bộ ván ngựa mát cả cái lưng, đã vậy cô Ba quán còn cho bánh ăn chơi nữa, khi hai ông nhờ tụi con đấm bóp mà lấy tiền coi sao đặng, nên con và anh Cuộc mù không lấy tiền, ông Năm và ông Bảy giận nói nếu cho tiền không lấy thì không cho qua nhà chơi nữa, ông Năm nói riết tụi con đành lấy tiền rồi để dành thành ra nhiều lắm đó má.

    Nghe thằng Hoàng nói vậy bác Tư thở phào nhẹ nhõm, rồi bác tiếc nuối :

    -(Dậy) là mất tiền thiệt rồi, ai cả gan vô nhà mình lấy tiền của bây, mà cũng kỳ nếu trộm thì nó rinh luôn con heo mất đất rồi, chứ mắc gì mà nó chừa lại cho bây tiền cắc kia chứ.

    Câu hỏi lởn vởn trong đầu, của bác Tư và thằng Hoàng trùng khớp với nhau, họ nghi vấn ba người có thể là thủ phạm, trong đó gồm một người lớn và hai thằng nhóc tì trong xóm.

    ***
    Bà Năm là người mà hai má con bác Tư đặt nghi vấn nhắm tới, bà thường ghé nhà bác Tư chơi, bà Năm cũng hoàn cảnh nghèo y như nhà bác Tư, tuy vậy thỉnh thoảng bà Năm mang qua cho Bác Tư con cá, trái bầu, tình nghĩa lối xóm chan hòa, những lần bà Năm qua chơi lắm lúc thằng Hoàng lôi con Heo đất ra nhét tiền vô trước mặt bà, bây giờ mất tiền thì bà Năm nằm trong diện nghi vấn trong đầu nhà bác Tư cũng là điều hiển nhiên, tuy có lòng nghi ngờ như vậy, nhưng bác Tư cũng áy náy trong lòng bởi cái nghĩa cái tình của bà Năm dành cho nhà mình trước sau thật gắn bó, người bị nghi vấn tiếp theo là thằng Ngọc, cũng là người bạn thân tình với thằng Hoàng vô cùng, vì mỗi khi chơi (búng thun), hoặc (tạt hình) hai đứa hùn vốn với nhau, nhiều khi thua hết vốn thằng Hoàng dẫn thằng Ngọc vô buồng nơi để cái rương gỗ, nó lôi con heo đất ra để móc tiền đi mua dây thun hoặc hình nên Ngọc nhà ta được có tên trong thành phần nghi ngờ "chôm" tiền của thằng Hoàng, người còn lại là thằng Hướng, người chót trong danh sách nghi ngờ trên, vì có lần chú Hai "Cắc chú" đẩy xe cà rem đứng ngay chỗ cả đám đang chơi "tạt lon", lúc này trời nắng gay gắt nên Hoàng nhà ta thèm cây cà rem đậu xanh của chú Hai bán, nó rủ rê thằng Hướng vô nhà lấy tiền, cũng con heo đất đó, vậy mà hôm ấy thằng Hoàng móc hoài mà chẳng có xu nào rớt ra, thằng Hướng bày cách cho thằng Hoàng lấy cây nhíp nhổ râu của bácTư trai ra để thò vô cái khe trên lưng con heo kẹp tiền móc ra dễ ẹt, vì lẽ này cho nên thằng Hướng dính vô vụ mất trộm tiền của thằng Hoàng là điều khó mà chối cãi.

    Nghi ngờ như vậy nhưng muốn mở lời hỏi han thì bác Tư rất e ngại, bác nghĩ hỏi thẳng quá thì mất lòng, còn chọn cách nói xa nói gần nhiều khi bà Năm và hai thằng nhóc kia không hiểu, sau khi phân vân so tính thiệt hơn bác Tư chọn cách nói gần nói xa để "Điều tra" vụ này.

    Hăm ba tháng chạp chợ búa làng quê bắt đầu chộn rộn, phía ngoài đường lộ những chiếc xe bò, xe ngựa chở đồ hàng bông, rau cải, hoa quả, từ trong vườn ra chợ, con đường đất đỏ trước nhà thằng Hoàng suốt đêm nghe tiếng xe bò xe ngựa qua lại liên hồi, tiếng "cút kít " cú bánh xe hòa lẫn tiếng leng keng của mấy cái chuông treo trên cổ con bò con ngựa lúc nào cũng khua vang, đã vậy thỉnh thoảng tiếng của những ông điều khiển xe bò xe ngựa, vang lên cùng tiếng roi đánh chan chát trên lưng các con vật này.

    Các bà các cô người "Di cư" gánh những gánh rau muống cao nghệu họ đi thoan thoát trong đêm sương, tiếng chiếc đòn gánh và hai chiếc gióng ở hai đầu kêu kẽo kẹt theo nhịp bước chân của họ, những âm thanh ấy tạo nên sự hối hả của mọi người làm cho các gia đình sống ven con đường phải thức sớm để lo những việc cho ngày tết.

    Tình cờ gặp nhau ở đầu xóm, bác Tư thấy bà Năm cầm cây đèn hột vịt từ trong hẻm trờ tới, bác Tư bắt chuyện:

    -Chị Năm cũng đi chợ sớm há, tui cũng đi chợ nè, chị gửi cây đèn cho nhà ông Hai đi, từ đây ra chợ cũng gần sáng rồi, chị cầm theo mắc công lắm, có gì tui nắm tay dẫn chị đi cho.

    Trên đường ra chợ, bác Tư hỏi dò về con heo đất, bác Tư kể lể thằng Hoàng bày đặt nuôi heo đất mần chi, tiền không có xài mà bày đặt dành dụm chi cho mắc công, nghe bác Tư đả phá việc nuôi heo đất, bà Năm lên tiếng:

    -í cháu nó mần dậy tốt chứ chị Tư, kệ nó thằng Hoàng bỏ nhiêu hay nhiêu chị ơi, thằng Thành nhà tui nó không được cái tánh như cháu Hoàng đâu, có nhiêu tiền nó thồn hết (dô) họng hà chị.

    Rồi vô tình bà Năm hỏi tiếp:

    -Cháu nó nuôi heo được lâu mau rồi chị, chắc bộn bạc há.

    Sẳn dịp bác Tư "xổ" luôn :

    - Nó mới đập heo hôm qua đó chị Năm, chèn ơi nó thấy heo toàn bạc cắc không hà, thằng Hoàng nó nhét tiền giấy (dô) cũng bộn, (dậy) mà đập ra không còn một tờ.

    Bà Năm nghe vậy bà nói ngay:

    -Chèn mẹc ơi, (dậy) là có cái quân nào nhám nhúa tay chưn "ẳm" tiền của thằng Hoàng rồi, cái thứ gì bất nhơn quá dậy cà.

    Nghe bà Năm rủa xả tên "Đạo chích" nào đó quá mạng, bà Tư nghĩ chẳng phải bà Năm là thủ phạm, vì nếu bà Năm có lòng tham thì chẳng lẽ bà tự chửi mình hay sao, nghĩ vậy bác Tư thấy nhẹ lòng vì bà Năm được loại ra khỏi vòng nghi vấn này...

    Đêm giao thừa, bà Tư cũng gói được vài đòn bánh tét, bà bắt nồi bánh trên mấy cục gạch làm ông Táo trước sân nhà, bà Tư nổi lửa lên, ánh lửa cháy bập bùng bên cái không khí se se lạnh của đêm trừ tịch, thằng Ngọc, thằng Hướng , thằng Hoàng xúm xít quanh nồi bánh, bà Tư vừa canh lửa vừa hỏi dò hai thằng nhóc kia vụ con heo đất của thằng Hoàng, hai thằng nhóc thề bán mạng tụi nó chẳng bao giờ lấy cắp tiền của Hoàng vì biết nhà Hoàng nghèo đồng cảnh ngộ với mình thì lòng dạ nào ăn cắp tiền của bạn..

    Vậy là số tiền giấy của thằng Hoàng "ra đi" không hẹn ngày trở lại, tên trộm vô hình nào đó cao tay ấn không để lại dấu vết gì khiến cho việc "Điều tra" của bác Tư đi vào bế tắc .

    Bác Tư quan niệm với câu lầm thầm :

    "Thôi thì của đi thay người, ai mà lấy tiền của thằng Hoàng mình chắc họ cũng khỗ cực như mình nên mới mượn tạm"

    Bác Tư cho rằng việc gì cũng có nhân quả, gieo nhân nào thì gặt quả nấy vì bác Tư thường nghe sư bà ở tịnh thất gần nhà rao giảng như vậy, bác Tư thanh thản trong lòng kêu thằng Hoàng đem trái dưa hấu nhỏ cắt ra cho lũ nhóc ăn lấy hên để bước qua năm mới ....

    ***
    Ông Hướng treo dây pháo dài gần hai trước trên (ban công) nhà mình, tiếng pháo nhà ông nổ vang cả góc phố, sắp đến giao thừa chuẩn bị dọn bàn thiên ngoài trời để cúng, chợt ông thấy dáng của ai y như ông Hoàng, chừng nhìn kỹ đúng là ông Hoàng bạn chí cốt ngày xưa đã xa cách mấy mươi năm giờ mới gặp.

    Mời bạn vô nhà , bên tách trà thơm, bên bánh mức ngon ngọt ông Hướng thiết đãi bạn mình chu đáo, hỏi han hoàn cảnh thì ông Hoàng cho biết từ khi đi vùng Kinh tế mới, đến nơi sơn lâm chướng khí đời sống kham khổ nên một thời gian sau hai bác Tư lần lượt qua đời, còn lại một mình Hoàng cố gắng làm lụng sống đắp đổi qua ngày, gần tết sau mấy mươi năm xa cách, tiềm thức thúc đẩy Hoàng quay về xóm cũ, vật đổi sao dời làng xóm người cũ không còn được lại bao nhiêu người, phần đông người từ phía miền ngoài di dân về nhiều nên lạ hoắc lạ huơ.

    Gửi cho bạn một ít tiền để gọi là quà tết, Hoàng quay lại vùng Kinh tế mới sinh sống, ông Hướng từ lúc biết hoàn cảnh thằng bạn thời con nít của mình đang lâm vào hoàn cảnh khốn khó nên ....

    ***
    Ông Hướng xuống xe đò, theo chỉ dẩn của ông Hoàng nên sau một hồi hỏi thăm người dân họ cũng chỉ ra được nhà ông Hoàng, được chú em nhỏ cho quá giang nên ông Hướng không phải lội bộ vô đến nhà ông Hoàng, sau khi lên mấy đoạn dốc, xuống một vài khe suối ông Hướng đến "căn nhà" của ông Hoàng, nghe tiếng kêu ông Hoàng tất tả chạy ra sân đón thằng bạn ngày xưa đến sơn lâm cùng cốc để thăm mình, đôi bạn mừng mừng tủi tủi khi nhắc lại chuyện ngày xưa trong xóm nghèo, mấy mươi năm qua tình cảm họ vẫn như ngày nào, sau một hồi cơm nước đạm bạc, hai bạn già ra ngoài sân ngồi uống trà nơi cái bàn làm bằng tre nứa, ông Hướng bổng nhắc lại con heo đất của ông Hoàng, sau khi dò hỏi kỹ lưỡng xem ông Hoàng và bác Tư có tìm ra chút manh mối nào không, ông Hướng nghe ông Hoàng nói :

    -Trời đất, chuyện lâu lắc dậy mà ông còn nhớ nữa hả, mất tiền tui ấm ức lắm chứ, nhưng má tui nói thôi kệ con ơi của đi thay người, mình còn đôi bàn tay mình sẽ làm lụng có tiền lại thôi, nghe má khuyên dậy tui cũng nguôi ngoai và quên phức lâu lắm rồi .

    Ông Hướng thở hắt ra một cái thật nhẹ ông trả lời:

    -Chèn ơi, cũng là kỷ niệm đáng nhớ đó ông ơi, bác Tư hỏi tui (dới) thằng ngọc (dụ) này, tui áy náy ghê luôn, lúc đó tui cố làm ra vẻ (dô can) mà bác Tư cũng tin nữa.

    Hớp ngụm nước trà, rồi đưa mắt nhìn lên bầu trời thấy vài vì sao lấp lánh trên không, hít thật mạnh vào buồng phổi làn không khí trong lành của bầu trời đêm miền sơn cước, ông Hướng khẽ nói:

    -Hoàng nè, hôm nay mình cố tình lên đây (dới) ông là ( dì)...

    Nghe ông Hướng nói lấp lửng, nóng ruột vì biết bạn mình sắp nói ra điều gì hệ trọng, ông Hoàng thúc giục :

    -Có gì ông ông cứ nói đi, ai ăn thịt ăn cá ông đâu mà ông sợ:

    Nghe đến đây, tự dưng hai hàng nước mắt rươm rướm ông Hướng nói:

    -Tui lấy tiền trong con heo đất của ông ngày xưa chứ ai, tui không dám nhận đã (dậy) còn để thằng Ngọc (dà) bà Năm mang tiếng nữa, mà tui nói dóc cũng có căn lắm nên bác Tư tin hà rầm.

    Đến đây thì ông Hoàng cười nhẹ với bạn mình, ông vỗ vai ông Hướng rồi nói:

    -Chuyện nhỏ này tui bỏ qua và quên nó lâu rồi, thôi thì ông nói ra nên tui mới nói nha. Má tui biết ông lấy tiền tui chứ đâu, ban đầu tui tính đòi ông dữ lắm, nhưng má nói, thôi con thằng Hướng nó cũng là bạn tốt, nhiều khi nó cần tiền làm gì đó nên nó lấy của con, coi như nó mượn của con đó, nó không trả lại cho con thì sau này cũng có người khác cho con thứ khác.

    Nghe xong ông Hướng ngạc nhiên rồi hỏi :

    - Trời, mà sao bác Tư biết hay (dậy):

    Ông Hoàng kể tiếp:

    -Chắc bữa lấy tiền ống heo tui ông cũng không bình tĩnh, ông để lại một vật chứng tố cáo mình mà ông chẳng hay, má tui thấy ông để quên lại nên biết ngay là ông.

    Ông Hướng hỏi tiếp:

    - Là vật gì :

    Ông Hoàng chậm rãi kể:

    - Ba tui cho ông cái Bông vụ (xà beng) giống cái của tui, có điều trước khi cho ông má tui nói phải sơn cái chấm trên đầu Bông vụ cho khác màu, để lúc hai đứa chơi chung biết màu mà phân biệt, cái của ông màu vàng, tui màu xanh, hôm đó ổng để quên kế bên con heo đất của tui, má tui bả có máu thám tử bả đoán ngay chóc luôn.

    Đến đây thì thật sự ông Hướng hoàn toàn kính phục tài năng bà đức độ của bác Tư gái, ông Hướng móc trong túi cái bao thơ dầy cộp đưa cho ông Hoàng, rồi ông nói tha thiết:

    -Hoàng nè, đây là số tiền tui coi như bù đắp lại lỗi lầm của tui khi còn thơ dại, ông nhận cho tui (dui), tui dự tính từ lâu rồi hôm nay mới có dịp thực hiện.

    Nói xong ông Hướng ôm chầm ông Hoàng ghì chặt vào mình hệt như hai anh em ruột thịt sau bao ngày xa cách...

    ***

    Trước mộ phần hai bác Tư, ông Hướng và ông Hoàng thắp nhang cung kính khấn vái, ông thì ăn năn xin tha thứ lỗi lầm, ông thì xin ba má cho mình kết nghĩa anh em suốt đời với người bạn cố tri ngày xưa. Làn khói mong manh bay nhẹ trong gió, tàn nhang uốn cong queo như thể hai bác Tư mãn nguyện và chấp nhận điều cầu xin của hai "trẻ".

    Bất chợt hai cánh bướm nhỏ vờn bay quanh mộ phần của hai Bác Tư khiến cho hai ông bạn già càng tin tưởng rằng cha mẹ mình đã chứng cho lời cầu nguyện kia bà họ mượn đôi bướm ngầm báo cho họ biết điều tốt đẹp kia .

    Lại một cái Tết sắp về trên quê hương, hai ông bạn già lại có dịp gặp nhau để hàn huyên tâm sự, ông Hướng tậu sẳn con heo đất thật bự, nó được sơn và dát vàng, ông bỏ vô đó những tờ giấy bạc mới tinh để tặng cho ông bạn mình, tuy co heo này nhẹ hổng nhưng nó rất "nặng" để ghi dấu lại những ngày xưa thân ái, tuy ai cũng nghèo nhưng tình nghĩa lúc nào cũng sâu nặng vô phương.

    Hai Hùng SG

    Những ngày cuối cùng 2018

  4. #52
    Hai Hùng SG's Avatar
    Status : Hai Hùng SG v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Sep 2018
    Posts: 128
    Thanks: 0
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default

    Dạ không nhớ anh ơi . mấy chục năm rồi nhiều khi tên tui còn không nhớ nữa . 😂

Trang 9/9 đầuđầu ... 789

Similar Threads

  1. Dấu Nhớ Tình Yêu
    By KiwiTeTua in forum Nhạc YouTube
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 10-17-2015, 08:00 AM
  2. Có Một Tình Yêu
    By KiwiTeTua in forum Nhạc YouTube
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 10-12-2015, 07:45 AM
  3. Hoài Niệm Dấu Yêu
    By chieutim in forum Nhạc Thơ Chọn Lọc
    Trả lời: 3
    Bài mới nhất : 09-13-2015, 08:22 AM
  4. Tình Yêu
    By Trần Hòa in forum Truyện ngắn
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 09-10-2015, 02:31 AM
  5. Cho Mẹ Hiền Yêu Dấu
    By khongquan2 in forum Truyện ngắn
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 08-16-2015, 04:55 PM

Tags for this Thread

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •