Remember ?

Trang 2/2 đầuđầu 12
kết quả từ 7 tới 10 trên 10

Tựa Đề: QUÂN LỰC HOÀNG GIA ÚC trong CUỘC CHIẾN VIỆT NAM

  1. #7
    Administrator
    khongquan2's Avatar
    Status : khongquan2 v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: May 2011
    Posts: 2,165
    Thanks: 217
    Thanked 24 Times in 8 Posts

    Default Lực Lượng Úc & Sư Đoàn 18BB Ở Phước Tuy

    Lực Lượng Úc & Sư Đoàn 18BB Ở Phước Tuy

    Vương Hồng Anh

    ---oo0oo---



    Australia Centurion Tank

    * Lược ghi hoạt động của lực lượng đặc nhiệm Úc tại Việt Nam từ 1965 đến 1969:

    Trong số trước, chúng tôi đã trình bày về sự phối trí các đơn vị của Lực lượng Đặc nhiệm Úc Đại Lợi tại Việt Nam từ 1965 đến 1969. Như đã trình bày, vào tháng 5/1965, đơn vị đầu tiên của Úc được gửi đến Việt Nam là tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn Hoàng Gia Úc, tiếp đó là lực lượng Đặc nhiệm 1 và Liên đoàn Yểm trợ Tiếp vận 1, cùng với phi đoàn 3 Không vụ đặc biệt lần lượt đến Việt Nam trong năm 1966. Đến tháng 10/1967, lực lượng Úc Đại Lợi tại Việt Nam có trên 8 ngàn quân thuộc đủ ba quân chủng Hải, Lục, Không quân, trong đó có hơn 6,500 thuộc các đơn vị Lục quân.

    Trong thời gian tham chiến tại Việt Nam, các đơn vị bộ chiến chủ lực thuộc Lực lượng Đặc nhiệm Úc được phối trí hoạt động tại tỉnh Phước Tuy, bộ chỉ huy hành quân đặt tại rừng cao su ở Núi Đất, phía Bắc của Bà Rịa. Ngoài ra, có vài đơn vị hoạt động trong tỉnh Biên Hòa. Về Không quân, các phi đoàn đóng tại Vũng Tàu, Sài Gòn và Phan Rang, Hải quân hoạt động chung với Đệ Thất Hạm đội Hoa Kỳ, còn bộ tư lệnh quân đội Úc tại Việt Nam đặt bản doanh ở Sài Gòn. Theo thỏa thuận giữa chính phủ Úc và chính phủ Hoa Kỳ, lực lượng Úc đặt thuộc quyền điều động của bộ Tư lệnh Lực lượng Đồng Minh do tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại VN tổng chỉ huy.

    * Các tư lệnh Quân đội Úc tại Việt Nam:

    Vị tư lệnh đầu tiên của lực lượng Úc tham chiến tại Việt Nam là chuẩn tướng O.D Jackson, đến tháng 4/1966, khi quân số Úc tại Việt Nam gia tăng, bộ Quốc phòng Úc đã cử thiếu tướng K. Mackay giữ chức tư lệnh thay thế tướng Jackson, vị tướng này được bổ nhiệm làm tư lệnh Lực lượng đặc nhiệm số 1, bản doanh đặt tại Núi Đất, Phước Tuy. Sau tướng Mackay, các vị tư lệnh kế tiếp là:

    Thiếu tướng D. Vincent (1967), thiếu tướng A.L Mac Donald (1968), thiếu tướng R.A Hay (1969), thiếu tướng C.A.E Fraser (1970, và cuối cùng là thiếu tướng D.B Dunstan năm 1971. Vị tư lệnh phó là một chuẩn tướng Không quân, ngoài chức vụ tư lệnh phó, vị tướng này còn chỉ huy Không lực Hoàng gia Úc tại Việt Nam.

    * Lực lượng đặc nhiệm Úc & Sư đoàn 18 BB VNCH tại Phước Tuy:

    Từ 1966 đến 1969, các đơn vị Úc Đại Lợi đã tham dự nhiều cuộc hành quân tại Phước Tuy và Biên Hòa dưới nhiều hình thức: hành quân phối hợp với các đơn vị VNCH và Hoa Kỳ, hành quân độc lập, lập nhiều chiến tích, trong đó có một số trận đánh lớn như: trận Long Tân tháng 8/ 1966, trận đánh cuối tháng Giêng 1968 khi các đơn vị Úc được lệnh hành quân trong tỉnh Biên Hòa để ngăn chận CQ xâm nhập vào khu vực Long Bình trong cuộc tổng tấn công Mậu Thân giai đoạn 1; cuộc hành quân tảo thanh CQ quanh hai căn cứ Úc trong tỉnh Biên Hòa vào tháng 5/1968 khi CQ mở cuộc tổng tấn công giai đoạn 2 vào nhiều khu vực tại miền Nam; cuộc hành quân Good Wood trong 9 tuần lễ từ thượng tuần tháng 12/1968 đến 10/2/1969 tại vùng ranh giới Phước Tuy, Biên Hòa và Long Khánh.

    Đến năm 1970, ngoài các hoạt động hành quân, các đơn vị thuộc Lực lượng Đặc nhiệm 1 Úc được giao thêm nhiệm vụ huấn luyện các đơn vị Việt Nam đồn trú trong tỉnh Phước Tuy. Theo kế hoạch phối hợp giữa bộ Tổng tham mưu QL.VNCH và bộ Tư lệnh lực lượng Úc, các đơn vị thuộc Sư đoàn 18 Bộ binh đã lần lượt tham dự chương trình tái huấn luyện trong 6 tuần lễ do các toán đặc nhiệm Úc phụ trách. Tuần lễ cuối, đơn vị này sẽ đi hành quân chung với đơn vị Úc. Đến tháng hai năm 1970, có tất cả 5 tiểu đoàn và 1 đại đội đã được huấn luyện xong. Chương trình huấn luyện này tạm ngưng khi Sư đoàn 18 Bộ binh tham dự cuộc hành quân ngoại biên tại Căm Bốt vào tháng 5/1970.

    Giữa năm 1970, toán cố vấn huấn luyện lưu động đến các tỉnh huấn luyện cho các đơn vị Địa phương quân để gia tăng trách nhiệm cho các đơn vị này khi các đơn vị Đồng minh bắt đầu giảm quân. Các quân nhân trong toán huấn luyện này sống và hoạt động chung với các đại đội Địa phương quân rải rác trong toàn tỉnh Phước Tuy.

    Một trung tâm huấn luyện về kỹ thuật tác chiến trong rừng được xây dựng nơi đóng quân của tiểu đoàn 8, trung đoàn Hoàng gia Úc khi đơn vị này trở về nước vào tháng mười một năm 1970. Trung tâm được điều hợp bởi 23 cố vấn Úc. Một số trung đội trưởng, đại đội trưởng các đơn vị bộ chiến VNCH đã được gửi đến trung tâm dự khóa huấn luyện dài 6 tuần lễ về chiến thuật tác chiến, hành quân nơi rừng rậm.

    Tháng 11/1971, cùng với kế hoạch rút quân của lực lượng Hoa Kỳ, các đơn vị Úc được lệnh chuẩn bị rời chiến trường Việt Nam. Ngày 25 tháng 11/1971, bộ trưởng Quốc phòng Úc chính thức thông báo kế hoạch rút quân này.

    * Đơn vị 1 Công Dân Vụ Úc Đại Lợi:

    Trong suốt thời gian tham chiến Việt Nam, ngoài nhiệm vụ hành quân tảo thanh CQ trong vùng trách nhiệm, các đơn vị còn tham gia các công tác dân sự vụ. Thành tích về hoạt động này được ghi nhận như sau:

    Vào khoảng giữa năm 1967, một đơn vị đặc biệt được thành lập và gửi sang Việt Nam, hoạt động trong đội hình của Lực lượng đặc nhiệm. Đơn vị này có nhiệm vụ giúp đỡ dân chúng và mang danh hiệu đơn vị 1 Công Dân Vụ Úc Đại Lợi. Trong những tháng sau đó, đơn vị này đã soạn thảo nhiều chương trình nằm giúp đỡ dân chúng. Trong năm 1968, ngân khoản dành cho chương trình dân sự vụ là 150 ngàn đô, sau đó tăng lên 230 ngàn đô trong năm 1970. Gần 174 ngàn đô được sử dụng để thực hiện 55 dự án, trong đó có việc xây thêm lớp học, lập một nhà máy sản xuất những sản phẩm xi măng ở Long Toàn. Đầu năm 1970, đơn vị này bắt đầu xây dựng dự án lớn nhất trong năm, xây cất 1 trường học với 12 lớp tại Bầu Trâm.

    Ngoài đơn vị 1 Công Dân Vụ, tất cả các đơn vị khác trong Lực lượng Đặc nhiệm được lệnh của bộ Tư lệnh Quân đội Úc tại Việt Nam là phải có trách nhiệm trong việc xây dựng, bảo trì các dự án nâng cao đời sống của dân chúng trong vùng hoạt động của từng đơn vị. Vào tháng 10/1969, một dự án được thực hiện chung nhằm sửa chữa, tu bổ bệnh viện Bà Rịa. Trong chương trình này, đội 17 Xây cất thuộc đơn vị Công binh Hoàng gia Úc được giao trách nhiệm xây dựng nhà bếp, phòng ăn, phòng tắm, nhà vệ sinh, hệ thống thoát nước, dẫn nước, thoát nước, sửa đường đi trong khu vực bệnh viện.

    Ngoài các đơn vị Lục quân tham gia chương trình Dân Sự Vụ, phi đoàn 2 Không lực Hoàng gia Úc ở Phan Rang cũng như thực hiện những hoạt động dân sự vụ nơi địa phương và tại Sài Gòn, bộ Tư lệnh Quân đội Úc đã giúp đỡ rất nhiều trong vấn đề trẻ cô nhi. Tổng kết chương trình Dân sự vụ trong gần 7 năm tham chiến tại Việt Nam, ngoài các hoạt động nêu trên, các đơn vị Úc đã xây 600 căn nhà trong các trại gia binh của QL.VNCH, sửa sang lại trục lộ 2, con đường chính từ Nam ra Bắc trong địa bàn tỉnh Phước Tuy, xây cầu bê tông cốt sắt bắc qua sông Rái trên lộ 23 từ thị xã Bà Rịa đi đến quận Đất Đỏ, Xuyên Mộc, cung cấp 13 máy lấy nước bằng gió trời cho 13 làng trong tỉnh Phước Tuy.

    * Những đơn vị Úc được tuyên dương công trạng:

    Ngoài huy chương Danh Dự của Tổng thống Hoa Kỳ ban cho đại đội D, tiểu đoàn 6 trong trận Long Tân năm 1966, các đơn vị Úc Đại Lợi đã được ân thưởng nhiều huy chương khác của Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ. Không chỉ có những đơn vị Lục quân, Hải quân và Không quân cũng được ân thưởng huy chương. Năm 1971, tiểu đoàn 8 và phi đoàn 2 Không lực Hoàng gia Úc được ân thưởng huy chương của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Tiểu đoàn 8 còn được ban thưởng huy chương Anh Dũng Bội Tinh với nhành Dương liễu cho thời gian phục vụ từ tháng 11/1969 đến tháng 10 năm 1970, đặc biệt trong trận đánh diễn ra đồi Long Hải.

    Trong tổng số số 50 ngàn quân nhân Úc đã tham chiến tại Việt Nam từ 1965 đến 1971 (nhiệm kỳ 1 năm), có hơn 1 ngàn quân nhân được ân thưởng huy chương.

    * Tổn thất trên chiến trường:

    Trong thời gian tham chiến tại Việt Nam, sự tổn thất của lực lượng Úc Đại Lợi được ghi nhận như sau:
    - Tử trận: 423 quân nhân (trong đó có 4 Không quân, 4 Hải quân)
    - Tử nạn: 71 quân nhân (bao gồm 8 Không quân, 4 Hải quân)
    - Mất tích: 2 quân nhân.

    (Biên soạn dựa theo bản tin chiến sự hàng ngày của Tổng cục Chiến tranh Chính trị QL.VNCH, hồi ký của đại tướng Westmoreland, tài liệu Quân sử Úc và của tạp chí KBC).

    Source: "https://vietbao.com/a48340/luc-luong-uc-su-doan-18bb-o-phuoc-tuy"]https://vietbao.com/a48340/luc-luong-uc-su-doan-18bb-o-phuoc-tuy"

  2. #8
    Administrator
    khongquan2's Avatar
    Status : khongquan2 v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: May 2011
    Posts: 2,165
    Thanks: 217
    Thanked 24 Times in 8 Posts

    Default Quân Úc: Trận Chiến Đông Nam Phần 67-69

    Quân Úc: Trận Chiến Đông Nam Phần 67-69

    Vương Hồng Anh

    ---oo0oo---


    Trong số trước, chúng tôi đã lược trình về hoạt động phái bộ cố vấn và lực lượng đặc nhiệm Quân đội Úc tại Việt Nam từ năm 1962 đến năm 1967. Như đã trình bày, tháng 7/1962, một phái bộ cố vấn Úc gồm 30 sĩ quan, hạ sĩ quan Úc đã đến Việt Nam để cùng với các toán cố vấn Hoa Kỳ tham gia chương trình huấn luyện binh sĩ VNCH. Vài năm sau, phái bộ cố vấn này tăng lên 100 quân nhân. Đến năm 1965, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thống Hoa Kỳ Johnson về kế hoạch yểm trợ quân đội VNCH bảo vệ lãnh thổ, ngăn chận làn sóng xâm nhập của quân CSBV, cùng với các nước Đại Hàn, Tân Tây Lan, chính phủ Úc Đại Lợi đã gửi quân sang Việt Nam. Đơn vị đầu tiên đến Việt Nam là tiểu đoàn 1 trung đoàn Hoàng Gia Úc với đơn vị yểm trợ.

    Từ năm 1965 đến 1967, lần lượt có thêm hai đơn vị Lục quân tham chiến đó là Lực lượng đặc nhiệm 1 và Liên đoàn Yểm trợ Tiếp vận 1. Về Không quân, có 5 phi đoàn gồm 1 phi đoàn trực thăng Iroquois, hai phi đoàn chuyển vận Gercules, 1 phi đoàn oanh kích, 1 phi đoàn thám thính kiểm báo. Về hải quân có 1 pháo hạm HMAS hoạt động chung với Hạm đội 7 Hoa Kỳ.

    * Lực lượng Úc từ 1967-1969:

    Đến năm 1967, lực lượng Quân đội Úc tại Việt Nam vào khoảng 6,300 quân nhân, riêng Lục quân có 5,000, trong đó có 3 ngàn quân thuộc lực lượng đặc nhiệm. Các đơn vị chính của Quân đội Úc trong thời gian này là tiểu đoàn 2 và 7 R.A.R, phi đoàn 1 Dịch vụ đặc biệt, phi đoàn A, trung đoàn 3 Thiết kỵ, trung đoàn 4 Bộ binh, 1 đơn vị Pháo binh Hoàng gia Úc, phi đoàn 1 Địa không và đơn vị Công binh Hoàng gia Úc. Trong số quân nhân này, có khoảng 40% là hiện dịch, thành phần còn lại là quân nhân trừ bị, hoặc thuộc thành phần tình nguyện với thời hạn ngắn.

    Đến tháng 10/1967, chính phủ Úc Đại Lợi tuyên bố sẽ tăng thêm quân để tổng số sẽ hơn 8000 quân nhân gồm đủ Hải, Lục, Không quân. Kế hoạch tăng quân được thực hiện trong 2 tháng 11 và 12. Trong đợt tăng quân này có các đơn vị Lục quân sau đây:

    - Tiểu đoàn 3, trung đoàn Hoàng gia Úc, cùng với đơn vị yểm trợ tổng cộng 1,200 quân nhân.
    - Chi đoàn chiến xa 50 tấn Centurion, với quân số 250 người.
    - 125 quân nhân đủ cấp bậc làm việc trong bộ chỉ huy tùy theo nhu cầu.

    Đến năm 1968, tiểu đoàn 2, 7, và 3 được thay thế bởi các tiểu đoàn 1,4 và 9. Sau khi hết nhiệm kỳ, các tiểu đoàn này được thay thế bằng các tiểu đoàn 5,6,8 trong năm 1969. Đến cuối năm 1969, tất cả 9 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn Hoàng gia Úc-một trung đoàn đặc biệt có nhiều tiểu đoàn nhất so với các trung đoàn khác của Quân đội Úc- đều đã phục vụ tại Việt Nam, riêng các tiểu đoàn 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 đã phục vụ tại Việt Nam đến hai đợt luân phiên.

    * Chiến tích đầu tiên của một đại đội Úc Đại Lợi:

    Trong thời gian tham chiến tại Việt Nam, các đơn vị đặc nhiệm của Úc được phối trí hoạt động tại Miền Đông Nam phần, địa bàn trọng điểm là tỉnh Phước Tuy. Theo tài liệu của bộ Quốc phòng Úc, tất cả các tiểu đoàn đều đã lập chiến tích. Đơn vị đầu tiên ghi chiến tích là đại đội D, tiểu đoàn 6 trong phiên nhiệm đầu tiên. Chiến công của đại đội này được ghi nhận như sau:

    - Ngày 8 tháng 8/1966, lực lượng Úc mở cuộc hành quân Holswirthy tại tỉnh Phước Tuy, trong những ngày đầu chỉ có những cuộc chạm súng lẻ tẻ, đến ngày 18/8/1966, trong khi khai triển đội hình để tảo thanh và truy kích CQ ở khu rừng cao su, đại đội D tiểu đoàn 6 đã đụng độ với 1 trung đoàn CSBV. Mặc dù bị áp đảo về quân số đông gấp 10 lần, nhưng toàn quân sĩ đại đội đã tử chiến để giữ vững trận tuyến cho đến khi các đại đội bạn đến tiếp cứu bằng thiết vận xa. Đối phương buộc phải rút lui, để lại trận địa 245 xác CQ, phía đại đội D có 17 binh sĩ tử trận, 21 bị thương, về phía đơn vị tiếp ứng có 1 binh sĩ thuộc chi đội 3/1 Thiết quân vận tử trận.

    Trận đánh này diễn ra trong thời gian đại tướng Westmoreland giữ chức tư lệnh Lực lượng Hoa kỳ kiêm tư lệnh Lực lượng Đồng Minh tại Việt Nam. Đại tướng Westmoreland đã ghi lại cuộc chiến đấu của đại đội D như sau: Mùa hè 1966, quân Úc đụng trận lớn với địch. Lúc ấy một đại đội đang lục soát trong rừng cao su thì chạm trán với một lực lượng địch ước chừng 1,500 quân (quân số của 1 trung đoàn CSBV). Trong ba giờ đồng hồ, dưới cơn mưa tầm tã nên không thể nhờ đến phi cơ yểm trợ. Lúc quân Úc gần hết đạn dược, trực thăng Úc bất chấp đạn địch bắn lên đã nhào xuống tiếp tế thêm đạn. Rất may nhờ mưa lớn và tiếng súng rền vang nên hai đại đội Thiết giáp tiến sát đến bên hông mà địch không phát giác kịp. Bị phản công mãnh liệt, địch buộc lòng phải tháo chạy, bỏ lại 265 xác chết (tài liệu của Úc nêu ở phần trên ghi là 245), bên Úc có 17 binh sĩ bị thiệt mạng, trong đó có 6 người tử trận ngay trong loạt đạn đầu của cuộc giao tranh.

    * Lực lượng Úc và các trận đánh trong hai năm 1967, 1968:

    Mùa hè 1967, ngày 13/6, lực lượng Lục quân Úc đã mở cuộc hành quân mang tên là Broken Hill để truy lùng CQ ở Phước Tuy, trong hơn 10 ngày của cuộc hành quân không có các trận giao tranh lớn, chỉ có những cuộc chạm súng nhỏ, tuy nhiên các đơn vị Úc đã tảo thanh một vùng rộng lớn trong vùng hoạt động, nhờ thế, CQ đã không tiến hành các cuộc pháo kích quấy rối các căn cứ Úc.

    Cũng trong năm 1967, trong kế hoạch hành quân bình định, lực lượng Úc đã có nhiều cuộc hành quân phối hợp với các đơn vị của Sư đoàn 18 Bộ binh- sư đoàn trách nhiệm khu chiến thuật gồm các tỉnh: Phước Tuy, Bình Tuy, Long Khánh và Biên Hòa.

    Trong Tết Mậu Thân 1968, vào cuối tháng Giêng, một thành phần chủ lực của Lực lượng đặc nhiệm Úc được lệnh hành quân trong địa phận tỉnh Biên Hòa để chận đường tiếp tế của CQ vào khu vực Long Bình, Biên Hòa và Sài Gòn. Trong vòng 5 tuần lễ, lực lượng Úc đã loại ra ngoài vòng chiến 220 CQ. Cũng trong thời gian này, trong địa phận tỉnh Phước Tuy, một đại đội thuộc tiểu đoàn 3 được thiết vận xa yểm trợ đã được điều động nhanh chóng để phối hợp với một đơn vị bộ chiến VNCH giải tỏa áp lực của CQ tại thị xã Bà Rịa.

    Trong đợt 2 cuộc tổng công kích của CQ trong năm Mậu Thân 1968 diễn ra vào tháng 5, tiểu đoàn 1 và tiểu đoàn 3 Úc được lệnh truy lùng CQ quanh hai căn cứ hỏa lực Coral và Balmoral thuộc tỉnh Biên Hòa. Hai tiểu đoàn này được sự yểm trợ của các đơn vị thuộc trung đoàn 12 Bộ binh và 1 chi đoàn thuộc trung đoàn 3 Thiết kỵ. Ngày 13 tháng 5, trong những giờ phút đầu tiên, căn cứ hỏa lực Coral bị CQ pháo kích bằng súng cối và hỏa tiễn, sau đó bị tấn công bằng bộ binh thuộc hai trung đoàn 141, 165 CSBV. Mục tiêu chính mà CQ nhắm đến là các khẩu đại bác trong căn cứ và vị trí đặt súng cối của tiểu đoàn 1. Trong trận pháo kích này, 1 đại bác và 2 súng cối bị hư hại, ngay sau đó lực lượng Úc đã phản ứng kịp nhanh chóng, loại ngoài vòng chiến 58 CQ, bắt sống 3 tù binh.

    Ngày 16 tháng 5, CQ mổ trận tấn công thứ hai vào căn cứ Coral. Mở đầu trận đánh, đối phương đã pháo kích dữ dội sau đó tấn công bằng 1 tiểu đoàn bộ binh. Quân trú phòng đã quyết chiến, chận đứng được các đợt xung phong của địch ngay tại hàng rào phòng thủ, CQ để lại trận địa 34 xác chết cùng 1 tù binh. Từ ngày 17 đến 22 tháng 5, hai tiểu đoàn 1 và 3 Úc bắn hạ thêm 18 CQ trong các trận đụng độ nhỏ.

    Ngày 28 tháng 5, căn cứ Balmoral bị tấn công. Được sự yểm trợ hỏa lực của Pháo binh và trực thăng võ trang Gunship, quân trú phòng đã đẩy lùi được cuộc tấn công của địch, hạ tại trận 46 CQ, bắt sống 7 tù binh. Ngày 30/5, một đại đội của tiểu đoàn 1 tuần tiễu ngoài căn cứ CQ tấn công. Đối phương từ các vị trí giao thông hào với công sự kiên cố, đã tập trung hỏa lực bắn xối xả vào đội hình của đại đội. Chiến xa và thiết vận xa đã tiếp ứng kịp thời, đẩy lùi được cuộc tấn công của địch, hạ tại trận 29 CQ.
    Đến ngày 5,6 tháng 6, các đơn vị thuộc Lực lượng đặc nhiệm Úc trở lại căn cứ chính ở Núi Đất. Trong suốt cuộc hành quân này, lực lượng Úc có 26 quân nhân tử trận và 110 người bị thương.

    Từ thượng tuần 12/1968 đến 9/2/1969, Lực lượng Đặc nhiệm Úc Đại Lợi đã mở cuộc hành quân mang tên là Goodwood trong vùng ranh giới Phước Tuy, Biên Hòa và Long Khánh. Sau 9 tuần lễ hành quân, các đơn vị Úc đã loại ngoài vòng chiến 235 CQ, tịch thu 138 súng cá nhân, 31 súng cộng đồng, 73,000 đạn đủ loại, 490 lựu đạn, 220 kg thuốc nổ, 10 tấn gạo, 400 kg muối, phá hủy hơn 2 ngàn hầm hố của CQ. (Biên soạn dựa theo bản tin chiến sự hàng ngày của Tổng cục Chiến tranh Chính trị QL.VNCH, hồi ký của đại tướng Westmoreland và tài liệu của tạp chí KBC).


    Source: "https://vietbao.com/a24656/quan-uc-tran-chien-dong-nam-phan-67-69"

  3. #9
    Administrator
    khongquan2's Avatar
    Status : khongquan2 v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: May 2011
    Posts: 2,165
    Thanks: 217
    Thanked 24 Times in 8 Posts

    Default Quân Tân Tây Lan Và Thái Trên Chiến Trường Việt Nam

    Quân Tân Tây Lan Và Thái Trên Chiến Trường Việt Nam

    Vương Hồng Anh

    ---oo0oo---


    Trong số trước, VB đã lược trình về hoạt động của các đơn vị thuộc Lực lượng Đặc nhiệm Úc Đại Lợi tham chiến tại Việt Nam từ 1965 đến 1971. Như đã trình bày, trong cuộc chiến đấu bảo vệ lãnh thổ, chống làn sóng xâm nhập ồ ạt của quân CSBV vào Miền Nam, Quân đội VNCH được sự tiếp ứng của lực lượng Hoa Kỳ và lực lượng Đồng minh gồm các binh đoàn tác chiến thuộc Quân đội các nước: Đại Hàn, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Thái Lan. Sau đây là lược ghi về hoạt động của các lực lượng Tân Tây Lan và Thái Lan tham chiến tại Việt Nam.


    * Các đơn vị Tân Tây Lan trong đội hình của Trung đoàn hỗn hợp Hoàng Gia Úc-Tân Tây Lan:

    Giữa năm 1965, hưởng ứng lời kêu gọi của Hoa Kỳ, chính phủ Tân Tây Lan đã cử một pháo đội gồm 4 khẩu đội 105 ly, 15 quân xa, với quân số 108 người sang Việt Nam. Đơn vị này được hải vận đến Sài Gòn vào ngày 26 tháng 7/1965, và đã được bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đón tiếp trọng thể trong một buổi lễ tổ chức tại bến Bạch Đằng, dưới sự chủ tọa của vị tham mưu trưởng Liên quân QL.VNCH lúc bấy giờ là thiếu tướng Linh Quang Viên (thăng trung tướng 1967), trước sự chứng kiến của đông đảo phóng viên các nhật báo, đài phát thanh Sài Gòn, các hãng thông tấn quốc tế có phái viên hoạt động tại Việt Nam. Sau phần nghi thức quân cách, vị sĩ quan chỉ huy pháo đội đã trình diện đơn vị lên vị chủ tọa và quan khách, rồi hướng dẫn vị tham mưu trưởng QL.VNCH duyệt hành quân của pháo đội. Cách thức chào kính và quân phục của quân nhân Tân Tây Lan gần giống với quân nhân Úc, vì cả hai nước này đều thuộc khối Liên Hiệp Anh và cùng thừa nhận uy quyền của Nữ hoàng Anh qua sự đại diện của vị Toàn quyền, do đó nhiều đơn vị Úc và Tây Tây Lan đều có thêm 2 chữ Hoàng gia trong danh hiệu.


    Trở lại với lễ đón tiếp đơn vị đầu tiên của Quân đội Tân Tây Lan tham chiến tại Việt Nam, báo chí tại Sài Gòn đã dành cho pháo đội này một sự trân trọng khi loan tin và đăng hình ảnh về buổi lễ này ở trang nhất, ngoài ra đài phát thanh Sài Gòn và đài Quân Đội VNCH đã tường thuật chi tiết trong phóng sự đặc biệt.

    Sau đơn vị Pháo binh đầu tiên, trong ba tháng cuối năm 1965 và trong hai năm 1966, 1967, có thêm một số đại đội Bộ binh khác của Lục quân Tân Tây Lan được điều động sang Việt Nam. Riêng về Pháo binh, ngày 17/10/1967, đơn vị Pháo binh thứ hai được gửi đến Việt Nam với quân số 170 người, nâng tổng số quân Tân Tây Lan tham chiến lên 546 quân nhân. Theo sự thỏa thuận giữa hai chính phủ Úc và Tân Tây Lan, trong thời gian tham chiến tại Việt Nam, các đơn vị Tây Tây Lan chiến đấu chung với các đơn vị Úc thuộc Lực lượng Đặc nhiệm 1. Trong đội hình của lực lượng này, luôn luôn có sự phối hợp giữa 1 tiểu đoàn Úc và một hay hai đại đội Tân Tây Lan. Các thành phần thuộc binh đoàn hỗn hợp này mang thêm danh hiệu là Trung đoàn Hoàng Gia Úc/Tân Tây Lan (ANZAC), sau danh hiệu của tiểu đoàn.

    Trong thời gian từ 1965 đến 1970, một số đơn vị Tân Tây Lan đã tham dự nhiều cuộc hành quân do bộ chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm Úc tổng chỉ huy, trong đó có một số cuộc hành quân quy mô như: hành quân Holsworthy vào tháng 8/1966, hành quân Broken Hill tháng 6/1967 tại Phước Tuy, hành quân giải tỏa áp lực CQ quanh các căn cứ Úc tại Biên Hòa trong năm 1968, hành quân Goodwood trong 9 tuần lễ tại ranh giới Phước Tuy, Biên Hòa và Long Khánh từ thượng tuần tháng 12/1968 đến ngày 10/2/1969.

    Cũng cần ghi nhận rằng, do quân số ít, nên các đơn vị Tân Tây Lan ít khi hành quân độc lập mà thường tham dự các hành quân phối hợp với lực lượng Úc và chịu sự chỉ huy tổng quát của các đơn vị trưởng Úc, do đó các chiến công của quân nhân Tân Tây Lan ít khi được nhắc đến. Trong các bản báo cáo về kết quả hành quân, bộ chỉ huy các binh đoàn của Úc luôn luôn xem đơn vị Tân Tây Lan như là một thành phần thống thuộc, và các bản tin chiến sự về các cuộc hành quân phối hợp do phát ngôn viên Quân sự của Úc phổ biến cho báo chí thường chỉ ghi là cuộc hành quân do lực lượng Úc tổ chức, và không nhắc đến sự tham dự của các đơn vị Tân Tây Lan.


    Ngoài các hoạt động phối hợp với lực lượng bộ chiến Úc, quân nhân Tân Tây Lan được giao thêm một số nhiệm vụ khác trong Lực lượng đặc nhiệm hoặc đơn vị tiếp vận. Đến năm 1971, chính phủ Tân Tây Lam giảm quân xuống còn 1 đại đội trong binh đoàn hỗn hợp ANZAC.

    * Đại tướng Westmoreland nhận xét về khả năng tác chiến của liên quân Úc-Tân Tây Lan:

    Trong cương vị tư lệnh Lực lượng Đồng minh tại Việt Nam từ 1965 đến tháng 5/1968, đại tướng Westmoreland đã nhận xét về khả năng tác chiến của quân đội Tân Tây Lan như sau: Lực lượng Tân Tây Lan ngang bằng với lực lượng Úc Đại Lợi. Người Úc và Tân Tây Lan cũng hợp tác thành lập một phi đội Không quân đặc biệt để yểm trợ các đơn vị có khả năng đánh cận chiến và tuần tiểu đường dài. Thành tích của họ thật thần kỳ. (Riêng về quân đội Úc chiến đấu tại Việt Nam, đại tướng Westmoreland đánh giá là rất thiện nghệ. Vị tướng này đã hết lời khen ngợi khả năng chiến đấu của các đơn vị Úc mà theo ông trong chiến tranh du kích thì “quân đội Úc chẳng khác nào quân đội Đức thời hậu Versailles, theo đó cấp nào cũng có khả năng chỉ huy theo cấp số của mình).

    * Lực lượng Thái Lan trên chiến trường Việt Nam:

    Thái Lan là quốc gia thứ năm gửi quân sang tham chiến tại Việt Nam. Đơn vị Thái Lan đầu tiên đến Sài Gòn vào ngày 20 tháng 9/1967 là một tiểu đoàn của Trung đoàn Mãng Xà Vương (tên bằng tiếng Anh là Queen’s Cobra, các bản tin chiến sự do Tổng cục Chiến tranh Chính trị QL.VNCH phổ biến cho báo chí ghi là Trung đoàn Mãng Xà Vương). Đến ngày này, tổng số lực lượng Đồng minh tại Việt Nam được ghi nhận như sau: Hoa Kỳ: 465,000 quân, Đại Hàn: 45,000 quân, Liên quân Úc-Tân Tây Lan: 6,400 quân, Phi Luật Tân: 2,000 quân (lữ đoàn Dân sự vụ). Những ngày cuối tháng 9 và thượng tuần tháng 10, các đơn vị thuộc Trung đoàn Mãng Xà Vương lần lượt đến Việt Nam. Đến ngày 17 tháng 10/1967, toàn bộ Trung đoàn Mãng Xà Vương gồm 2,300 quân nhân đã được chính phủ VNCH tiếp đón trọng thể tại ấp Phú Hội, quận Nhơn Trạch, tỉnh Biên Hòa. Trung đoàn này được giao trách nhiệm phụ trách bình định khu vực này. Sau Trung đoàn Mãng Xà Vương, chính phủ Thái Lan tiếp tục gửi quân sang tham chiến tại Việt Nam theo tiến trình như sau:


    Ngày 28/10/1967, bộ trưởng Nội vụ Thái Lan tuyên bố sẽ gửi thêm 12 ngàn quân sang tham chiến tại Việt Nam. Ngày 14 tháng 11/1967, Thái Lan chính thức công bố sẽ gửi sang Việt Nam một lực lượng chừng 20 ngàn quân do Hoa Kỳ võ trang. Ngày 18 tháng 12/1967, thủ tướng Thái Lan tuyên bố: Chánh phủ Hoa Kỳ đã được thông báo là 15,000 chí nguyện quân Thái Lan chờ huấn luyện để sang chiến đấu tại Việt Nam. Chiến cụ Hoa Kỳ sẽ được chở tới Thái Lan cho đoàn quân này. Ngày 12 tháng 1/1968, trong dịp ghé ngang Sài Gòn, thủ tướng Thái Lan tuyên bố tại phi trường Tân Sơn Nhất là Thái Lan sẽ gửi thêm 12 ngàn quân. Đó là dự tính của chính phủ Thái Lan, thế nhưng trong thực tế, tính đến cuối năm 1967, lực lượng quân đội Thái Lan tại Việt Nam có khoảng 4,400 quân, và đến giữa năm 1968, tổng quân số Thái Lan khoảng 11 ngàn người. Đến ngày 22 tháng 11/1969, Thái Lan quyết định gửi thêm 2,000 quân sang Việt Nam.

    Trong hồi ký Bản Tường Trình Của Một Người Lính, khi đánh giá về hoạt động và khả năng chiến đấu của lực lượng Thái Lan, đại tướng Westmoreland đã ghi lại như sau:
    Sự nhiệt thành của người Thái trong công cuộc chiến đấu chống lại phiến quân Cộng sản cũng đã thể hiện khi chính phủ Thái công bố gửi chí nguyện quân sang Việt Nam. Tại Thủ đô Vọng Các đã thu hút 5 ngàn người tình nguyện, trong đó có cả con trai của thủ tướng đương quyền. Người này sau đó sang phục vụ tại Việt Nam thật.


    Trung đoàn Chí nguyện quân đầu tiên của Thái lấy tên là Mãng Xà Vương đến Việt Nam vào mùa hè 1967 (thật sự đơn vị đầu tiên của trung đoàn đến VN vào tháng 9/1965-chú thích của VB). Tôi (đại tướng Westmoreland) bố trí cho trung đoàn này làm quen với tình hình bằng cách để hoạt động chung với Sư đoàn 9 Bộ binh Sài Gòn đóng tại hướng Đông Nam Sài Gòn và giữ một phần trách nhiệm trong kế hoạch bảo vệ tỉnh Biên Hòa. Sau đó, lực lượng Thái Lan tăng lên 11 ngàn người, được cải danh thành Sư đoàn Báo Đen do thiếu tướng D.Yose làm tư lệnh.

    Vì người Thái chỉ được huấn luyện chừng mực nào đó nên họ không mấy hăng hái trong các cuộc tấn công địch, nhưng nếu bị tấn công thì họ chiến đấu rất anh dũng. Vào khuya một đêm nọ, trước Giáng sinh năm 1967, một tiểu đoàn CQ tấn công vào một đại đội Thái (hoạt động chung với Hoa Kỳ), nhân viên truyền tin của đại đội này là một binh sĩ Hoa Kỳ, hạ sĩ nhất Ralph O’ Connor. Qua sáng hôm sau tôi đến thăm lại trận địa, thì thấy xác CQ nằm ngổn ngang. Mọi người đều ca ngợi công lao của hạ sĩ Connor trong việc gọi phi pháo yểm trợ. Anh không chỉ làm nhiệm vụ của một nhân viên truyền tin mà còn giúp cho viên đại đội trưởng trong đồn điều khiển các cuộc đánh trả những cuộc tấn công của địch. (Biên soạn dựa theo các bản tin chiến sự hàng ngày của Tổng cục Chiến tranh Chính trị QL.VNCH phổ biến cho báo chí, hồi ký của đại tướng Westmoreland-nhà xuất bản Sự Thật, tài liệu của KBC).


    Source: "https://vietbao.com/a51241/quan-tan-tay-lan-thai-tren-chien-truong-vn"

  4. #10
    Administrator
    khongquan2's Avatar
    Status : khongquan2 v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: May 2011
    Posts: 2,165
    Thanks: 217
    Thanked 24 Times in 8 Posts

    Default

    40 năm trận đánh tại căn cứ Hoả Lực "Coral" và "Balmoral"

    MX Trần Như Hùng Chuyển Dịch
    ---oo0oo---


    Trong kỳ Tổng công kích Tết Mậu Thân đợt 2 của CSBV, tháng 5/1968. Lực lượng đặc nhiệm số 1 của Úc (The 1st Australian Task Force- LLĐN1) có nhiệm vụ tăng cường 2 Tiểu đoàn BB, 1RAR và 3RAR, đến vùng lãnh thổ khoảng 20 km phía Bắc Biên Hòa với nhiệm vụ chặn đứng con đường xâm nhập của Cộng quân vào khu quân sự Long Bình hoặc tiến về thủ đô Sàigòn. Để yểm trợ cho các cuộc hành quân lục soát, ngăn chặn của 2 Tiểu đoàn này, 3 căn cứ hoả lực được thiết lập. Đó là các căn cứ hoả lực “Cogee”, “Coral” và “Balmoral”.

    1.Trận đánh tại căn cứ “Coral”

    Căn cứ "Coral" nằm ở vị trí khoảng 7 km phía Bắc quận Tân Uyên. Ngày 12/5/1968, quân Úc bắt đầu đổ bộ đến địa điểm trú đóng và xây dựng hệ thống phòng thủ cho “Coral”. Vì hoạt động công khai giữa ban ngày với các chuyến trực thăng liên tục đáp xuống bãi đất trống, thả ra từng toán, từng toán bộ binh và quân cụ, cơ giới Úc chắc chắn không thể nào không bị Cộng quân theo dõi và ghi nhận và lập tức chúng đã hoạch định cuộc tấn công, hẳn là những mong với yếu tố bất ngờ sẽ dành được chiến thắng.

    Công việc đào giao thông hào, lập hầm hố và các ụ súng đang xúc tiến thì 3 giờ 30 sáng hôm sau, ngày 13/5/1968, “Coral” bị VC tấn công. Bằng chiến thuật cơ hữu “tiền pháo hậu xung”, VC tưởng nắm chắc ưu thế khi quân Úc chưa xong công sự bố phòng và quả thật quân Úc có hơi nao núng lúc đầu vì bất ngờ. Trục tấn công của Cộng quân đi qua ngay vị trí các khẩu pháo của Pháo đội 102 Dã chiến và Trung đội súng nặng, gồm súng cối và đại liên của TĐ 1RAR. Cộng quân tập trung hoả lực và nhân lực cố chiếm cho bằng được các ụ súng cối và đại bác. Tình hình nguy ngập khiến vị Trung Uý Trung đội truởng TrĐ súng nắng xin bắn đạn chống biển người ngay trên đầu. Các binh sĩ Úc nằm rạp mình xuống đất, cố dán sát cơ thể cxuống mặt đạt trong lúc những chùm mũi tên thép từ đạn pháo binh nổ chụp xé gió ghim thẳng vào những tên bộ đội VC đang hung hăng tràn lên . Dù vậy, VC vẫn hung hãn tràn tới, và TrĐ súng nặng phải bỏ vị trí cùng với 1 khẩu đại bác Howitzer 105 ly M2A2 của Pháo đội 102. Tuy nhiên quân Úc nhanh chóng phản ứng và được sự yểm trợ hùng hậu của các phi cơ Hoả Long AC-47, đến 6 giờ 30 sáng đánh bật được VC ra khỏi căn cứ, lấy lại được vị trí và thu hồi khẩu 105 ly còn nguyên vẹn. (Khẩu súng này hiện được trưng bày tại Viện Bảo tàng Chiến tranh Úc ở Canberra) Kết quả có 11 quân nhân Úc tử thương, 28 bị thuơng, địch quân bỏ lại 52 xác ngay tại phòng tuyến.

    Ngày 14/5, vừa tiếp tục củng cố công sự, quân Úc vừa cho mở rộng các cuộc tuần tiễu lục soát ngay bên ngoài chu vi phòng thủ và liên tục chạm súng với các chốt của Cộng quân. Có thêm 3 binh sĩ TĐ 1RAR tử thuơng trong các trận chạm súng này.

    Quân Úc vừa chiến đấu nhưng vẫn tiếp tục hoàn tất việc bố phòng nên sang ngày 15/5 thì căn cứ hoả lực “Coral” đã hoàn tất mọi công sự phòng thủ, sẵn sàng đối phó với bất cứ cuộc tấn công nào của Cộng quân, cả pháo kích lẫn bộ chiến.

    2 giờ 15 sáng ngày 16/5/1968, Cộng quân mở trận cường tập vào căn cứ “Coral” lần nữa với 1 lực lượng ước đoán lên tới khoảng 3 tiểu đoàn chính quy Bắc Việt. Tới lúc này căn cứ đã được bổ sung chi đội A Thiết vận xa thuộc Trung đoàn 3 Thiết Kỵ Úc phối hợp cùng các Đại đội của TĐ 1RAR Vẫn bằng chiến thuật xung phong biển người sau khi pháo kích ồ ạt, thoạt tiên Cộng quân đánh thủng được 1 phần khu vực phòng thủ của ĐĐ A/ TĐ 1RAR nhưng chúng không giữ được và bị quân Úc phản công buộc phải rút lui. Sau 4 giờ chiến đấu, quân úc đẩy lui cuộc tấn công với 5 quân nhân hy sinh và 19 bị thương. VC bỏ lại 34 xác nhưng vết máu vương vãi và các dấu kéo lê trên mặt đất cho thấy số thuơng vong của VC cao hơn thế rất nhiều. Ngoài ra quân Úc khi tảo thanh chung quanh căn cứ đã phải thu nhặt nhiều mảnh co thể chân tay của cán binh VC bị bắn tan tành trong cuộc tấn công, chứng tỏ con số thuơng vong thật sự của Cộng quân tuy khó có thể biết chắc là bao nhiêu nhưng rất cao.

    Sau đó tình hình tạm yên tĩnh được ít ngày. Phía Úc ra sức tu bổ, củng cố công sự và tiếp tục tung ra các toán tuần tiễu và phục kích bên ngoài căn cứ. Tuy nhiên dấu vết hiện diện của Cộng quân ở khu vực quanh căn cứ “Coral” đã ít hẳn. Ngày 22/5 địch lại mở cuộc pháo kích bằng súng cối và hoả tiễn nhưng các pháo thủ của pháo đội 102 Dã chiến nhanh chóng phản pháo, khóa họng các ổ súng và hoả tiễn của địch. Đồng thời những cuộc phản pháo này cũng gây thiệt hại cho các toán bộ binh VC tập kết chuẩn bị tấn công khiến chúng phải bỏ ý định.

    Ngaỳ 23/5, Bộ Chỉ Huy LLĐN1 cho tăng cường 1 chi đội Chiến xa Centurion thuộc Chi đoàn C, Trung đoàn 1 Chiến Xa Úc (1st Armoured Regiment ) cho “Coral” . Ngày 26/5, quân Úc mở cuộc hành quân Nhị thức, phối hợp chiến xa và bộ binh tuần tiễu , khám phá và phá huỷ nhiều hầm thuộc hệ thống địa đạo, giao thông hào Cộng quân đã lập từ nhiều ngày để chuẩn bị các trận tấn công kế tiếp. Tuy thỉnh thoảng VC tiếp tục pháo kích lẻ tẻ vào căn cứ theo chiến thuật bắn rồi chạy, nhưng tình hình tại căn cứ hoả lực “Coral” được kể là hoàn toàn yên tĩnh từ đó, coi như quân Úc đã hoàn toàn kiểm soát tình hình.

    2. Trận đánh tại căn cứ “Balmoral”

    Để tạo thế ỷ dốc và nhằm chủ động hơn nữa trong việc ngăn chặn hoạt động của Cộng quân, ngày 24/5/1968 BCH/LLĐN1 Úc quyết định lập thêm căn cứ hoả lực đặt tên là “Balmoral” khoảng 4 km ruỡi phía Bắc căn cứ “Coral”. Căn cứ này do TĐ 3RAR trú đóng. Ngày 25/5 4 chiến xa Centurion của Chi đội 2, Chi đoàn C, Trung đoàn 1 Chiến Xa (1 Armoured Regiment ) được 1 Trung đội BB tùng thiết bảo vệ từ Coral tiến vào Balmoral. Trên đường di chuyển đơn vị hỗn hợp này đã khám phá, tấn công và phá huỷ nhiều hầm hố của Cộng quân . Trong quân sử Úc, đây là lần đầu tiên kê từ Đệ Nhị thế chiến, chiến xa Úc chiến đấu trực tiếp với sự yểm trợ cuả bộ binh.

    Chẳng bao lâu khi toán chiến xa tiến vào căn cứ Balmoral, rạng sáng ngày 26/5/1968 Cộng quân tập trung quân mở cuộc tấn công. Tương tự như trận đánh ở căn cứ Coral truớc đó, Cộng quân lại dùnh chiến thuật cố hữu tiền pháo hậu xung. Đồng thời các ổ súng cối 82 ly của VC cũng tập trung bắn xối xả vào Coral để ngăn chặn việc yểm trợ hoả lực cho Balmoral. Trung đoàn 165 Chủ lực của Cộng quân trong màn đêm, xung phong định phá cổng căn cứ (khoảng trống ở phía Bắc dùng làm đường ra vào căn cứ của chiến xa và thiết kỵ)

    Tuy nhiên nỗ lực này của Cộng quân hoàn toàn là vô vọng vì lập tức phi cơ yểm trợ thả hoả châu soi sáng để các phi tuần Hoả Long AC-47 vào vòng chiến yểm trợ cho hoả lực trực xạ của thiết giáp và bộ binh Úc phòng thủ. Nhận định của các sĩ quan Úc là Cộng quân đã liều chết khi chọn mũi tấn công là khu vực trống trải phía Bắc (nơi có cổng ra vào căn cứ, hẳn là chúng nghĩ sẽ dễ dàng hơn là 3 mặt còn lại đều có bụi rậm và cây cối che phủ). Duới lưới đạn dày đặc của quân Úc , các đợt xung phong của Cộng quân bị chặn đứng , chúng không thể tiến sát cổng căn cứ Balmoral và khi trời gần sáng hẳn phải thổi kèn thu quân rút lui.

    Mặc dù chỉ có 6 xác Cộng quân bỏ lại trận địa nhưng những vết máu kéo lê chi chít mọi ngả trên huớng về phía cổng bắc của căn cứ Balmoral cho thấy Cộng quân đã kéo theo rất nhiều xác chết và đồng bọn bị thuơng. Phía Úc có 2 quân nhân hy sinh và 14 bị thuơng.

    Ngay trong ngày 26/5, Chi đội 1 , Chi đoàn C Chiến xa , phối hợp cùng ĐĐ D của TĐ 1 RAR từ căn cứ “Coral” được tung ra lục soất khu vực có các hầm hố Cộng quân đã bị quân Úc khám phá và tấn công trong lúc di chuyển về “Balmoral” 2 ngày trước. Khi tiếp cận khu vực toàn bụi chồi rậm rạp này, các chiến xa dùng loại đạn bi “canister” (tương tự như đan shotgun cỡ lớn) để phát quang, làm lộ rõ các hầm hố VC, rồi mới dùng đạn nổ bắn trực xạ vào những hầm hố này. Đoàn quân phối hợp tiến dần sâu hơn vào khu trú ẩn của Vc gặp phải sức kháng cự của địch, tuy nhiên hoả lực chống trả dữ dội không gây trở ngại nào cho đà tiến của những chiếc chiến xa Centurion này. Các con cua sắt tràn lên vừa bắn, vừa dùng sức nặng đè bẹp nhiều hầm hố trong khi bộ binh tùng thiết bám sát theo sau, dùng hoả lực cá nhân, kể cả súng phun lửa, thanh toán nốt mục tiêu. Trong lúc đó, pháo binh và súng cối từ căn cứ “Coral” liên tục nhịp nhàng bắn chặn yểm trợ cho cuộc hành quân. Cuộc hành quân nhị thức này kéo dài 4 tiếng đồng hồ và khi lực lượng hỗn hợp đã tiến quá xa, khỏi tầm yểm trợ hiệu quả của pháo binh, lo ngại một cuộc vây chặn của địch có thể xảy ra, Bộ chỉ huy LLĐN1 quyết định chấm dứt. Pháo binh và súng cối tiếp tục bắn chặn hậu để bảo vệ cuộc rút quân về căn cứ Coral.

    Kết quả thật tuyệt vời. Không một chiến binh Úc nào bị thuơng và tinh thần chiến đấu lên đến cao độ. Cả 2 đơn vị Thiết giáp và Bộ binh Úc đều hài lòng với kết quả phối hợp nhị thức mỹ mãn này.

    *
    Để phục hận, 2 giờ rưỡi sáng ngày 28/5/1968 Cộng quân lại liều lĩnh mở đợt tấn công thứ nhì vào căn cứ Balmoral Thoạt tiên chúng nổ súng nghi binh vào vị trí của ĐĐ A/TĐ 3 RAR nhưng ngay sau đó, 1 lực lượng lớn ồ át xung phong vào vị trí của ĐĐ D/TĐ 3RAR ở mặt kia của căn cứ, tức phía có cổng chính căn cứ, một vùng đất bằng và trống trải. Đấy là điều khiến phía quân Úc ngạc nhiên vì không ai nghĩ VC lại điên rồ lập lại lỗi lầm chết nguời của chúng 2 đêm trước. Và tuơng tự như lần đầu, các làn sóng biển người VC bị hoả lực Úc chặt gãy như rạ. Duới hoả lực áp đảo, Cộng quân bị chặn đà tiến, các cán binh chỉ còn nuớc nằm bẹp trên mặt đất chĩa súng lên bóp cò theo phản xạ, vì thế không gây thiệt hại cho quân Úc. Một số VC nằm bẹp dưới các hố bom, hố đạn pháo chung quanh căn cứ và không chém vè được vì hoả lực Úc liên tục ngăn chặn.

    Khi mặt trời lên, quân Úc từ căn cứ Balmoral bung ra lục soát và tảo thanh. Một số VC bị thuơng hoặc quá sợ hãi còn nằm lại thoạt tiên tìm cách chống cự nhưng đều bị bắn hạ hoặc bị bắt. Quân Úc bắt 7 tù binh và đếm được 42 xác VC bỏ lại tại chỗ.

    Tương tự như trận đánh 2 đêm trước, trước nhiều mảnh vụn của tử thi VC vuơng vãi không thể thu nhặt, quân Úc phải dùng xe ủi dọn sạch khu vực và chôn cất thi thể VC rong một số hố tập thể. Dấu máu kéo lê khắp nơi cho thấy chúng cũng đã phải kéo theo nhiều xác đồng bọn.

    Sau ngày 28/5/1968 Cộng quân ngưng hẳn không còn dám mở thêm cuộc tấn công nào vào 2 căn cứ Coral và Balmoral nữa, nhưng các cuộc hành quân tuần thám và lục soát của quân Úc quanh 2 căn cứ vẫn có những cuộc chạm súng lẻ tẻ.

    Trận chạm súng đáng kể là vào ngày 30/5/1968 khi ĐĐ C/TĐ 1RAR được Thiết vận xa M 113 chuyển vận để mở cuộc lục soát khu rừng gần Coral . Ngay khi vừa xuống xe và bắt đầu tiến quân, binh sĩ Úc bị bắn xối xả từ 1 số công sự VC ngầm trong rừng trong khi 1 đơn vị Cộng quân tìm cách tiến lên khóa đường về của quân Úc. Ngay lập tức 2 chiến xa Centurion trong căn cứ được lệnh tiến nhanh đến yểm trợ giải vây. vừa tiến vừa bắn các quả đạn bi, chiến xa thổi tung các bụi rận bộc lộ vị trí những hầm chốt VC. Trực thăng vũ trang được cấp tốc điều động tới và dưới hỏa lực hùng hậu của các phi tuần Cobra, quân Úc chặn đứng VC và rút về căn cứ an toàn. Kết quả có 1 binh sĩ Úc tử thuơng, 7 bị thuơng, phía địch quân uớc lượng khoảng từ 25 đến 45 tên chết tại trận.

    Đầu tháng Sáu 1968 khi tình hình chiến trường thay đổi, quân Úc được lệnh rút kkhỏi 2 căn cứ hoả lực Coral và Balmoral. Đơn vị cuối cùng ra khỏi căn cứ vào ngày 6/6/1968.

    Tổng cộng trong suốt thời gian này, phía Úc có 25 quân nhân tử thuơng đổi lại ít nhất 300 Cộng quân bị bắn hạ.

    *
    Các đơn vị Úc và đồng minh tham dự vào những trận đánh ở 2 căn cứ hoả lực này gồm có:

    Bộ Chỉ Huy LLĐN số 1 (The 1st Australian Task Force)
    Chi đoàn A , Trung đoàn 3 Thiết Kỵ (3 Cavalry Regiment)
    BCH/Trung đoàn Pháo Binh Dã Chiến 12HQ ( 12 Field Regiment ) gồm các đơn vị cơ hữu của Pháo đội Chỉ Huy, Pháo đội Dã chiến 102 Úc, Pháo đội Dã chiến 161 Tân Tây Lan; và Pháo đội A, TĐ 35 Pháo Binh Hoa Kỳ.
    Chi đoàn C, Trung đoàn 1 Chiến Xa (1 Armoured Regiment )
    Toán Sửa chữa và Tiếp Liệu Tiền Trạm của Trung đoàn 1 Chiến Xa (1 Armoured Regiment )
    Tiểu đoàn 1 Trung đoàn Bộ Binh Úc, 1RAR (1st Battalion, Royal Australian Regiment )
    Tiểu đoàn 3 Trung đoàn Bộ Binh Úc, 3RAR (3rd Battalion, Royal Australian Regiment )
    Đại đội Công binh Úc (Squadron, Royal Australian Engineers)
    Một phần TĐ5/2 Pháo Binh Hoa Kỳ
    Phi đoàn quan sát (độc lập) 161 (Independent- Reconnaissance Flight )
    Đơn vị thuộc Đại đội Truyền tin 104 Úc
    Đơn vị quân xa Trung đội 2 Đại đội 5 quân xa Úc.

    Sau nhiều năm vận động, cuối cùng năm nay 2008, giới Cựu chiến binh Úc tham chiến tại VN đã thuyết phục được chính quyền Liên bang công nhận trận đánh tại 2 căn cứ hoả lực Coral và Balmoral là trận đánh xứng đáng được kỷ niệm vì thể hiện được ý chí chiến đấu dũng cảm, tinh thần đồng độ tuyệt vời cũng như khả năng chỉ huy và tác chiến cao độ cuả quân nhân các đơn vị tham dự trận đánh này.

    Tối ngày 12/5/2008 vừa qua, trong buổi lễ tiếp tân trọng thể và cảm động tại trụ sở Nghị viện liên bang để chính thức kỷ niệm 40 năm trận đánh, Thủ tuớng Kevin Rudd đã thay mặt toàn thể dân Úc ngỏ lời tri ân và vinh dnah những chiến binh Úc tham dự trận đánh ở 2 căn cứ hoả lực “ Coral” và “Balmoral”. Bài diễn văn của ông được kết thúc như sau:

    Đêm nay, trong cương vị là Thủ Tướng Úc, tôi xin được bày tỏ lòng cảm phục trước sự chiến đấu trong tinh thần phục vụ đất nuớc của quý vị trong trận chiến lừng lẫy này.
    Đối với tinh thần phục vụ của quý vị, tôi xin chân thành cám ơn.
    Đối với thân nhân các tử sĩ đã hy sinh và đang hiện diện nơi đây, tôi xin bày tỏ lời thành kính phân ưu.
    Đối với những người đã từng phục vụ trong cuộc chiến Việt nam nhưng công sức chiến đấu đã không được các chính quyền tiền nhiệm công nhận và vinh danh, tôi xin thành thật bày tỏ lòng hối tiếc.
    Chúng ta không thể nào bù đắp được những gì quý vị đã phải trả khi tham chiến lúc ấy.
    Thế nhưng, đêm nay, tôi long trọng tuyên bố, đất nuớc, chính phủ và nhân dân Úc từ nay sẽ vinh danh xứng đáng tất cả những chiến sĩ đã bỏ mình trong các trận đan1h ở 2 căn cứ “Coral” và “Balmoral” 40 năm truớc.

    Thưa quý vị cựu chiến binh tham chiến ở Việt Nam, đêm nay tôi rất vinh dự được chủ tọa buổi tiếp tân này để vinh danh quý vị.

    Đã có lắm tranh luận, bàn cãi về mặt chính trị chung quanh cuộc chiến Việt nam, nhưng không hề có bất cứ một cãi vã nào về giá trị của những chiến binh hãnh diện với bộ quân phục Úc đã chiến đấu trong cuộc chiến đó.

    Nhân kỷ niệm 40 năm trận đánh “Coral” và “Balmoral” cả đất nuớc này chào kính quý vị với lòng trân trọng.


    MX Trần Như Hùng Chuyển Dịch

    Source: "http://www.tqlcvn.org/tqlc/tl-40nam-trandanh-coral-balmoral.htm"

Trang 2/2 đầuđầu 12

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •