Remember ?

Trang 8/8 đầuđầu ... 678
kết quả từ 43 tới 44 trên 44

Tựa Đề: Truyện Ngắn của Tiểu Tử

  1. #43
    Moderator
    Hoanghac's Avatar
    Status : Hoanghac v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Sep 2011
    Posts: 771
    Thanks: 1
    Thanked 37 Times in 28 Posts

    Default

    Chuyện giả tưởng
    Tiểu Tử





    (Đây là một chuyện giả tưởng. Viết dưới dạng… kiếm hiệp để thấy cái chất hoàn toàn giả tưởng của nó.
    Vậy, nếu có trùng hợp với ngoài đời là sự ngẫu nhiên ngoài ý muốn của tác giả).


    …Gã tên là Nguyễn Văn Mít (Tên giả đó. Sau này, trong khi tung hoành trên chốn giang hồ, gã còn thay tên đổi họ… lia chia để đánh lạc hướng kẻ địch. Cho nên, cả hai phía hắc bạch chẳng biết đâu mà mò!) Người ta truyền tụng rằng gã thuộc giòng dõi mấy đời khoa bảng, chớ thật ra ông nội của gã là nhà nông. Điều này giải thích tại sao gã sanh ra đã biết căm thù địa chủ. Sự căm thù đó thể hiện qua lập luận rất tà giáo sau đây: tất cả những thằng có ruộng đều là địa chủ, mà hễ là địa chủ là phải ác ôn, tất cả những người làm ruộng đều là bần nông, mà hễ là bần nông thì phải thay trâu để cày bừa. Cái lý luận của Mít đưa đến khẳng định: để không còn có người bóc lột người, phải lôi bọn địa chủ – lớn nhỏ hầm-bà-lằng – xuống làm bần nông hết (Sau này, khi Mít đã gồm thâu một phần thiên hạ và lên làm minh chủ võ lâm, hắn đã áp dụng "chiêu số đấu tố địa chủ" một cách bừa bãi, giết hại không biết bao nhiêu sanh linh thuộc cả hai phe hắc bạch, gây sóng gió trên chốn giang hồ một dạo!)

    Mặc dầu có gốc nhà nông nhưng Nguyễn văn Mít lại không thích làm ruộng. Gã lý luận : tại vì mình làm ruộng mới sanh ra giới địa chủ. Và gã cũng không thích đi học, bởi vì nhà trường đẻ ra trí-thức, trí-thức đẻ ra bất công (Mấy thằng có chút chữ nghĩa lúc nào mà không ăn trên ngồi trốc?) bất công đẻ ra bè phái, bè phái đẻ ra…v.v.. Cho nên sau khi biết đọc biết viết sơ sơ, gã bỏ đi "giang hồ tầm sư học đạo" để thực hiện cái mộng của hắn: làm bá chủ võ lâm! (Bàn về trí thức, giáo chủ Bắc phái – một hệ phái hắc đạo lừng danh giang hồ – đã tuyên bố một câu xanh dờn:
    "Trí thức không bằng một cục phân". Thật đúng với tư tưởng của Mít ta. Cho nên sau này Mít đã tìm đến thọ giáo với vị giáo chủ đó hết một thời gian, học được những quái chiêu vô cùng tàn khốc. Như chiêu "trăm hoa đua nở", khi phát chiêu người nghiêng nghiêng như cành liễu đong đưa, hai tay dang ra như đón chào, từ lòng bàn tay chưởng phong tuông ra thật nhẹ nhàn mang theo mùi thơm ngọt ngào mời mọc như mùi rượu "trúc diệp thanh"… làm địch thủ ngất ngây, nhắm mắt bước vào vòng chưởng lực! Ghê gớm vậy đó!)

    Một hôm, Nguyễn văn Mít dừng chân ở một quán nước nằm cạnh bìa rừng. Trong khi xì xụp húp tô nước vối nóng hổi, gã nghe (Cái… nghề nghe lén này, gã là số một!) hai tên có vẻ đạo tặc ngồi ở bàn bên to nhỏ mà tay vẫn không rời đốc kiếm:

    - Đại huynh liệu đến chùa Thiếu Lâm có biết đường dẫn tới Tàng Kinh Các không?

    - Ta đã có mang theo sơ đồ, ngươi yên tâm. Ta chỉ cần ngươi nhanh tay hạ thủ mấy tên sư đứng gác quanh đó. Còn bên trong ta sẽ lo liệu.

    - Nghe nói ở đó chứa rất nhiều võ công bí kíp lưu truyền tồn trữ từ mấy mươi đời. Người giang hồ nói chỉ cần học được một pho thôi cũng đủ làm cho bốn phương cao thủ võ lâm nể mặt.

    - Ngươi nói đúng. Nhưng mà…

    Tên này bỗng liếc sang Mít, làm tô nước vối trong tay của gã xuýt rơi xuống bàn. Mít vội vã húp lia húp lịa không kịp thổi (Mới ra giang hồ, còn kém bản lãnh là cái chắc!). Tên "đại huynh" đứng lên:

    - Ta đi thôi! Đường còn xa.

    Rồi cả hai khoác bọc hành lý, bước ra khỏi quán.

    Đợi cho chúng đi một đỗi, Mít trả tiền rồi cấp mã-tấu lẽo đẽo theo sau. Vừa đi vừa suy nghĩ: "Mình muốn tầm sư học đạo mà thiên địa mênh mông biết sư ở mô? Thời may gặp hai tên này gợi ý cho mình lên chùa Thiếu Lâm thọ giáo. Kệ nó! Mình cứ tạm cạo đầu làm sư làm tiểu một thời gian rồi sau đó xuống núi mặc tình mà tung hoành". Rồi gã lại suy nghĩ: "Mà mình phải thủ tiêu hai tên đạo tặc này mới được. Kẻo chúng nó lên… làm rùm trên đó thì sức mấy mà mấy thằng trọc không nghi mình nằm vùng?" (Xưa nay, Mít thù địa chủ, ghét trí thức, và không ưa thầy tu. Cho nên mới gọi ông sư là "thằng trọc". Mít lý luận: "Bọn này là bọn đứng ở kẽ giữa, nghĩa là không theo phe nào hết. Vậy là không theo phe ta. Phải xem chúng như thành phần nguy hiểm"). Nghĩ đến đó – đến hành động thủ tiêu hai tên đi phía trước – Mít hâm hở cầm chắc mã tấu, nín thở nhón chân chạy theo. Gã định từ phía sau "phụp" cho mỗi đứa một phát (Cái trò… đánh lén hạ cấp này cũng là "nghề" của gã, bởi vì gã chủ trương "mọi" phương tiện đều tốt, quân tử tiểu nhân là cái… khỉ gì?) Chưa kịp ra tay, gã đã nghĩ lại: "Chúng nó hai thằng. Mình mới phụp thằng đầu thì thằng kia đã phụp lại mình rồi. Không ổn! Không ổn!". Vậy là gã dừng lại, núp sau góc cây, tìm một phương kế khác. Vốn tánh khôn ranh xảo quyệt, nên chỉ cần vài phút sau là gã đã nghĩ ra một quỷ kế để đưa gã vào làm đệ tử Thiếu Lâm mà không tốn công sức và… nước bọt để xin xỏ, lại còn được lòng tin cẩn của các "sư tiền bối" nữa là khác! Quỷ kế đó như sau: xin cùng đi với hai tên kia cho có bạn trên đường dài; trong khi chuyện trò, mình thổ lộ tâm tình rằng thì là mình chán mùi tục lụy nên muốn lên chùa Thiếu Lâm để qui y đầu Phật (Thế nào chúng nó cũng nói rằng chúng nó cũng muốn lên xem thắng cảnh ở trên đó!); lần hồi mình làm thân với chúng nó để đánh tan mọi nghi kỵ ngờ vực; đến chùa, mình lạy xin qui y, nhưng…"bỏ nhỏ" với mấy sư rằng bọn nó có gian ý, bằng cớ là trong người thằng "đại huynh" có tấm sơ đồ để xâm nhập Tàng Kinh Các… Thế là xong chuyện !

    Vậy mà xong chuyện thật! Nguyễn văn Mít đã được một vị sư chùa Thiếu Lâm nhận làm đệ tử (Đời thứ mấy gã cốc cần biết). Hằng ngày, ngoài việc tập luyện võ nghệ, gã phải nấu nước pha trà và quét dọn chánh điện. Mới đầu gã thấy thích thú. Nhưng sau một tuần trăng gã bắt đầu càu nhàu:"Bắt trèo lên tuột xuống lau chùi mấy tượng phật muốn… hộc xì dầu mà chỉ mới dạy đứng trung bình tấn và thở khí công. Cứ đà này thì còn lâu mình mới thành cao thủ".

    Một hôm, gã bỗng nhớ lại câu chuyện của hai tên đạo tặc định đột nhập Tàng Kinh Các. Rồi gã suy nghĩ: "Tại sao mình không lén vào đó … 'chôm' đại một pho rồi tuột xuống núi chạy về xứ? Học thẳng trong sách có phải nhanh hơn không?" Lại suy nghĩ: "Tàng Kinh Các thì mình biết ở đâu rồi. Nhưng muốn vào đó không phải dễ? Phải qua hai thằng trọc ngồi ngay cửa vào và tránh mấy thằng khác đi tuần rỏn chung quanh. Mặc dù mình được các sư tin cẩn, nhưng không có lý do mà đi lẩn quẩn gần đó chúng nó cũng sanh nghi. Phải đẻ ra một cái cớ, hay đợi một cơ hội...". Mấy hôm sau, cơ hội đã đến với Mít: chú tiểu quét dọn Tàng Kinh Các ngã bịnh, Mít ta – người đã được phương trượng gọi là "cứu tinh của Thiếu Lâm Tự" sau vụ tố cáo hai tên gian tặc – được cắt đi thay thế. Được lịnh, lòng Mít như… mở cờ, nhưng ngoài mặt thì cứ tỉnh bơ như chẳng có chuyện gì quan trọng (Đây cũng là điểm cốt cán của con người Mít: nhìn bên ngoài ít ai đoán đúng trạng thái ở bên trong. Cho nên sau này, trong những kỳ đại hội quần hùng, biết bao nhiêu cao thủ võ lâm đã lầm Mít. Họ đã ôm hun Mít – hồi này đã đổi tên là Xoài – "thấm thiết tình huynh đệ chi giao" để rồi ít lâu sau tử vong trong chưởng phong của gã!) Vậy là sáng bữa đó, Mít – mặt hiền như bụt – cấp chổi cầm khăn vào Tàng Kinh Các.

    Sau khi kính cẩn châm trà cho vị sư già đang ngồi đọc sách trên bồ đoàn đặt ngay giữa đại sảnh, Mít lui cui quét dọn lau chùi, miệng như lâm râm niệm Phật mà mắt thì…láu liên. Gian phòng này không rộng bao nhiêu, nhưng sách nằm trên kệ thì đầy tường. Ngoài ra, còn nhiều ngã vào bên trong nhưng bị đóng lại bằng những cánh cửa to có khoá. Mít nghĩ: "Mẹ nó! Biết quyển nào mà lấy!" Nhưng khi nhớ lại những gì đã nghe lén ở quán nước, gã tự nhủ: "Quyển nào mà chẳng dạy võ công. Cứ xem pho nào vừa… tầm tay mà cũng đừng to quá để lận lưng không thấy cợm… là đớp". Thế là sau khi để ý đến một quyển kinh đúng… tiêu chuẩn gã cứ lau đi lau lại vòng vòng để… rình "thằng trọc" ngồi kia. Lâu sau, vị sư già – chừng như mỏi mệt – chấp tay nhắm mắt. Đợi một lúc, gã khúm núm thưa nhỏ: "Bạch sư cụ… ". Gã… bạch mấy lần mà sư ông vẫn làm thinh. Gã mừng rỡ… phóng lại chỗ để cái khăn lau làm dấu khi nãy, rút lấy quyển kinh nhét lẹ vào lưng. Nhìn lại sư cụ thấy vẫn chấp tay nhắm mắt thở đều. Gã từ tốn cấp chổi cầm khăn nhẹ nhàng đi ra mà nghe trong lòng đang… thổi kèn đánh trống! Đêm đó, gã "tuột" xuống núi, không quên mò lại kẹt đá lấy thanh mã tấu mà gã đã cất giấu trước lúc gã lên chùa xuống tóc qui y (Hành động của gã ở chùa Thiếu Lâm – gọi nôm na là lừa thầy phản bạn – người trên chốn giang hồ chẳng ai hay biết. Các nhà sư được lịnh nín khe. Có lẽ sợ mất mặt. Mãi về sau này, một vị sư… phản tỉnh đã "xì" ra, nhưng lúc đó Mít – đổi tên là Hà văn Ổi – đã là giáo chủ của một môn phái, nên… hồ sơ được xếp vào văn khố!)

    Xuống núi, sau khi chạy đến tờ mờ sáng thấy đã khá xa, Mít lủi đại vào một bìa rừng núp xem động tĩnh. Thấy êm rơ nên gã bèn trèo lên một cành cây to rút quyển sách ra coi. Quyển sách đó đã bị mọt ăn mất trang bìa và mấy trang đầu. Bên trong cũng bị lủng rất nhiều lỗ nhưng vẫn còn nhiều chữ và hình vẽ. Gã sung sướng quên cả mệt nhọc, nhét quyển sách vào ngực, tựa lưng vào thân cây suy nghĩ miên man:

    "Vậy là chẳng mấy chốc mình sẽ thành cao thủ. Phải là cao thủ mới lập ra môn phái, mới chế ngự được quần hùng, mới gồm thâu được thiên hạ, mới thanh toán hết địa chủ, mới đè đầu được lũ trí thức, mới nắm cổ mấy thằng trọc, mới… mới … " Rồi gã ngủ thiếp đi… ngon lành!

    Vậy là trên đường về xứ – bây giờ gã đã đổi tên là Lý văn Xoài – mỗi ngày Mít (Xin lỗi. Tôi vẫn phải dùng tên Mít để độc giả dễ dàng theo dõi câu chuyện, kẻo không, sẽ không còn biết ai là ai nữa!) trốn vào một nơi vắng vẻ mở sách ra học. Mới đầu còn hơi khó hiểu, khó làm. Thêm phần sách bị mọt đục nên phải khổ công mò mẫm. Nhưng nhờ mấy chương đầu còn nhiều hình vẽ với những mũi tên chỉ dẫn nên lần lần gã cũng hấp thụ được. Nội công của gã càng ngày càng thâm hậu, và gã đã có thể đào khoét sâu dưới đất một cái hang có ngõ vào được bít lại, rồi gã nằm dưới đó mấy hôm mà không… chết! (Sau này, trong công tác nghiên cứu các tuyệt kỹ võ lâm, ngài Ku-Ba-Móp của xứ Nga-la-tư có đặt giả thuyết rằng gã đã ngậm mấy viên nhựa… á phiện để chịu đựng. Giả thuyết chưa được kiểm chứng nhưng vẫn… lưu hồ sơ!)

    Khi về đến xứ thì gã đã có thể phóng mã tấu mà không nghe… tiếng gió (thế mới chém lén kẻ địch được!) và trong bóng tối gã vẫn xuất chiêu trúng đích dễ dàng (thế mới là… hắc đạo!) Có điều là những chiêu thức của gã phần nhiều thật quái dị. Lý do là khi đọc tới những hàng chữ bị mọt ăn mất gã cứ… ráp đại những hàng chữ còn lại với nhau cho nó… xong chuyện! Ví dụ như khi gã học chiêu "Đao thức trực chiếu", trong sách có mấy dòng chữ bị mọt đục, gã đành đọc "nhảy" nên khi phát chiêu, đường mã tấu lại đi… cong cong chớ không đi thẳng! Ngay như chiêu "Chẻ trúc", rất tầm thường mà trên giang hồ ai ai cũng biết, đường mã tấu của gã đang đi xuống bỗng dừng lại – chỗ này sách bị mọt đục – rồi rút về như thâu thức – lại mọt đục mất mấy hàng – chợt lại… chém tiếp, chém tiếp! Cho nên cao thủ võ lâm chỉ thấy ở gã toàn là quái chiêu thôi (Vài chục năm sau, chính những chiêu thức "không giống ai" đó đã làm cho mấy "đại cao thủ" của xứ Đại Hùng Kê và xứ Đại Bàng bị thân bại danh liệt).

    Về xứ, gã rút vào một cái hang đá ở vùng cao nguyên để tiếp tục luyện tập võ công. Lâu lâu, gã… xuất hang để "tiếu ngạo giang hồ", thâu nạp đồ đệ và để kết giao với các giáo phái khác hầu có thêm vây cánh. Hồi này, quê hương của gã vẫn bị thống trị bởi xứ Đại Hùng Kê, cho nên gã dùng chiêu bài "cứu quốc" để quy tụ quần hùng, bởi vì gã biết rằng ai ai cũng muốn "viết lại trang lịch sử" giống như phong trào "Phản Thanh phục Minh" ở bên Tàu thuở trước. Trong thâm tâm của gã muốn mượn tay quần hùng để diệt bọn Đại Hùng Kê, rồi sau đó gã sẽ chế ngự quần hùng để gã lên làm võ lâm bá chủ là cái mộng của gã xưa nay! Về phía quần hùng thì họ xem Nguyễn văn Mít tức là Xoài (Nhưng bây giờ đã đổi tên là Hà văn Ổi) như một nhân vật có khả năng liên kết tất cả các phe hắc bạch, bởi vì sau mấy lần luận kiếm, họ nhận thấy đường… mã tấu của gã không thuộc một môn phái nào cả (Cái thế "vô sư môn" của gã hoá giải mọi tranh chấp phe phái vốn dĩ là nguồn chia rẽ xưa nay của giới võ lâm). Vậy là toàn thể quần hùng nhất tề "đứng lên cứu nước" dưới sự lãnh đạo của Mít (tức là Hà văn Ổi). Quyển bí kíp bị mọt đục vậy mà đã giúp gã "làm nên sự nghiệp".

    Trở lại chuyện luyện tập võ công của Mít – ở trong hang, dĩ nhiên – gã tuyên bố với đệ tử và quần hùng rằng ở hang để đừng bị ràng buộc bởi vật chất xa hoa và gã ở một mình để dễ tập trung tư tưởng ngày đêm tìm đường cứu nước. Vậy là mọi người rút lui êm lặng mà lòng thán phục con người đã quá hy sinh vì đại nghĩa đó! Chẳng ai biết rằng gã đang cố gắng học cho chóng hết quyển bí kíp võ công đó để còn tiêu hủy nó đi hầu xoá tan dấu vết. Gã còn nghĩ: "Ngày nào mà quyển bí kíp còn, là ngày đó sanh mạng của mình vẫn không yên. Sẽ có những thằng khốn nạn tìm cách giết mình để cướp bí kíp. Hoặc sẽ có những thằng mất dạy lén ăn cắp trong lúc mình sơ hở. Loại đệ tử phản thầy thời nào mà không có? Nguy hiểm! Nguy hiểm! Sách mà lọt vào tay chúng thì thế giới này sẽ… loạn tới đâu?". (Phải lý luận như thế mới là… đỉnh cao trí tuệ! Điều gì "ta" làm, cái gì của "ta", hay … lấy về cho "ta" đều đúng đều tốt, đều có chánh nghĩa. Còn những gì "của lũ chúng nó" đều sai, đều xấu, đều ngụy hoàn toàn!)

    Thấm thoát mà Mít đã học gần hết quyển sách. Bây giờ nội lực gã rất thâm hậu, võ công gã đã vào mức thượng thừa. Mỗi chiêu phát ra là cả mười hai thành công lực đẩy tới! Từ xa, gã có thể phá sập một nhịp cầu đúc hay đánh lật một đoàn xe lửa nặng cả ngàn tấn mà chỉ xử dụng công lực của… một ngón tay ấn xuống cái nút đỏ! (Ngày xưa, Đoàn Nam Đế bên Tàu có môn "nhứt dương chỉ" lừng danh giang hồ, nhưng so với môn "độc chỉ công" này của gã thì chẳng thấm vào đâu cả). Còn "thần sầu quỷ khóc" hơn nữa là gã chỉ cần dang hai tay… hốt một cái là "cát bay đá chạy, nhà sập cây ngã". Môn này gọi là "Bình địa thức", là môn mà gã thường dùng nhứt để đánh dấu nơi nào gã đã đi qua…

    Hôm nay, gã dứt điểm quyển bí kíp. Chiêu thức cuối cùng này, bởi vì gã đã vượt mức thượng thừa, chỉ cần đọc đến đâu là tự nhiên tâm ý phát huy đến đó. Hai tay gã đưa tới đưa lui càng lúc càng nhanh. Chưởng phong nghe o o… Vách đá bốn bên và trên trần bể vụn ra nhỏ, rơi rào rào… Gã chấp tay thâu thức, trầm khí đan điền, rồi vừa cười to vừa hét lớn: "Ha! Ha! Ta đã thành công! Ta đã thành công!" Tiếng của gã dội trong vách đá, nghe vang vang tiếp nối một cách thật là ma quái…

    Gã cầm quyển sách lên, vừa lật nhanh mấy trang mới học xong vừa suy nghĩ: "Từ quyển sách nhỏ này ta sẽ tạo nên một môn phái vĩ-đại!" Bỗng gã thấy ở trang cuối có mấy dòng chữ nhỏ. Gã đưa lên đọc: "Đến đây là hết quyển Thượng dạy về môn Đả Phá. Xin đọc tiếp quyển Hạ dạy về môn Xây Dựng để phát huy toàn bộ pho võ thuật Thái Bình Thư này". Gã ngạc nhiên thốt: "Thì ra còn một quyển nữa mà ta không biết. Tiên sư nó! " Suy nghĩ một lúc, gã bỗng cười khẩy: "Xây dựng là cái khỉ gì mà mấy thằng trọc vẽ vời? Với công lực thiên hạ vô địch của ta, chuyện di sơn đảo hải ta còn làm được thì chuyện gì mà ta không làm được? " Rồi gã cười to ngạo nghễ, đập hai bàn tay vào nhau: quyển sách tan thành mảnh vụn…

    Thời gian sau, Mít tái xuất giang hồ với cái tên mới là Hà Văn Ổi, lập môn phái Hồng Kỳ giáo thâu nhận đệ tử, chiêu dụ quần hùng, đánh đuổi bọn bạch chủng Tây Vực, gồm thâu thiên hạ rồi lên làm võ lâm chí tôn với khẩu hiệu "Muôn năm truờng trị"…


    * * *

    Rồi ba mươi năm sau…

    Thanh mã tấu "trấn giáo" của Nguyễn Văn Mít (tức Xoài, tức Ổi…) đã truyền qua mấy đời chưởng môn. Vị nào cũng là "đại cao thủ", nhưng không có vị nào đẻ ra được môn võ công mà giới giang hồ gọi nôm na là "Xây Dựng". Cho nên, Hồng Kỳ giáo chỉ biết có "Đả Phá" dài dài…


    http://daihocsuphamsaigon.org/index.php/van/80-tieutu/2345-chuyengiatuong

  2. #44
    Moderator
    Longhai's Avatar
    Status : Longhai v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Mar 2009
    Posts: 3,036
    Thanks: 0
    Thanked 24 Times in 8 Posts

    Default Đám Cưới Ngày Xưa

    Đám cưới ngày xưa



    Tiểu Tử


    ‘Ngày xưa’ ở đây là thời tôi còn nhỏ – những năm 1935/40 – Tôi muốn kể lại một cái đám cưới ở quê tôi thời đó, để thấy hình ảnh thật thà dễ thương của Việt Nam hồi chưa bị… ô nhiễm chất ngoại lai!

    Bên đàng trai là ông Cả làng Bình Trước. Vì ổng thứ bảy nên thiên hạ gọi là ông Cả Bảy để tránh kêu tên. Làng này nằm cách tỉnh lỵ mười lăm cây số. Bên đàng gái là ông Cả làng Thới An nằm ngay trong thị xã. Người ta gọi ổng là ông Cả Dừa, vì ổng có vựa buôn bán dừa khá lớn trong vùng. Cũng là ‘Ông Cả’ hết, nhưng ông Cả Thới An vẫn oai hơn ông Cả Bình Trước nhờ dựa hơi vào ‘tòa tỉnh’, còn ông Cả Bình Trước dầu không có tiếng nhưng lại có miếng nhờ ruộng vườn màu mỡ minh mông trải dài. Như vậy cũng ‘môn đăng hộ đối’!

    Chú rể là con trai thứ nhì của ông Cả Bảy. Cậu nầy – người nhà gọi là Cậu Ba – học hết lớp nhứt rồi ở nhà làm ruộng. Cô dâu là con gái út của ông Cả Dừa, sau tiểu học có đi Sài Gòn học hai năm trung học rồi về phụ người chị Hai bán vải trong chợ nhà lồng thị xã.

    Ông mai là thầy giáo Kiến, nhờ là bà con của hai bên nên mọi sự đều được dễ dàng… Tuy vậy, ổng cũng gặp chút khó khăn khi tính chuyện đám cưới! Nguyên do là ông Cả Dừa đòi đàng trai đến rước dâu ‘bằng một con heo đứng’ – nghĩa là heo sống – Nghe như vậy, ông Cả Bảy nói: “Cũng đúng chớ! Tập tục ông bà để lại làm sao thì mình cứ làm theo y chang như vậy mới là phải đạo!”

    Vậy là ổng ra lịnh cho người nhà đạp xe vô xóm truyền rao kiếm heo. Mà phải ‘heo lang’ – nghĩa là heo trắng – cỡ trộng trộng ‘kẻo không người ta cười mình’. Nghe tin, mấy chủ heo đem heo tới nhà cho ông Cả lựa. Người ở gần thì cột một chân con heo, dẫn bộ đi ụt ịt. Người ở xa thì cột chùm bốn chân con heo rồi để lên bọt-ba-ga xe đạp chở đi. Sân nhà ông Cả coi giống như chợ heo với heo đứng heo nằm kêu la eng éc!

    Chọn được con heo vừa ý, ông Cả giao trách nhiệm giữ heo cho thằng Đực là cháu kêu ổng bằng chú, ổng nuôi trong nhà từ nhỏ. Ông Cả giải nghĩa: “Mầy lanh lợi nên tao giao con heo cho mầy chăm sóc. Từ đây đến ngày rước dâu, mấy phải kè theo nó, nuôi vỗ cho nó tươi tắn mạnh dạn, bởi vì nó là lễ vật dẫn đường đám rước dâu, mầy hiểu hôn?” Sau đó, thằng Đực đạp xe xuống trại hòm mời bác Ba thợ mộc chở thùng đồ nghề lên đóng cái cũi để ngày rước dâu khiêng con heo. Mặc dầu bác Ba chuyên đóng hòm nhưng nhờ khéo tay và ‘có con mắt’ nên bác đóng cái cũi có song bằng gỗ tạp coi cũng đặng và khi đẩy con heo vô đứng thử thấy cũng rộng rãi thoải mái.

    Sáng sớm ngày rước dâu, thằng Đực tắm rửa con heo sạch sẽ, vừa lau khô ráo thì thầy Chơn – đệ tử thầy Năm Vàng dưới chùa – cũng vừa đạp xe đến, theo lời nhắn của ông Cả, mang theo cái mộc gỗ có chữ ‘Song Hỉ’ to bằng bàn tay và hộp son tàu. Chắc thầy đã quen làm vụ này nên chỉ một thoáng là thầy đã đóng xong mấy dấu đỏ lên mình con heo lang. Trước khi trở về chùa, thầy dặn: “Đừng cho con heo nằm. Cứ giữ cho nó đứng chừng nửa giờ là son khô hè!” Một lúc sau, thằng Đực lùa heo vô cũi, đóng sập cửa rồi cột lại bằng sợi kẽm nhỏ. Xong, nó đi thay quần áo: quần trắng, khăn đóng áo dài đen chỉnh tề, bởi vì nó sẽ phụ chú Tư Bộn – người gia nhân tin cẩn của ông Cả – khiêng con heo đi đầu đám rước dâu!

    Đám rước dâu đi bằng xe ngựa (hồi thời đó xe hơi rất hiếm). Cứ bốn người là chung một cỗ xe, đàn ông theo đàn ông, đàn bà theo đàn bà. Chỉ có chú rể là ngồi riêng một xe với khai trầu rượu và mấy mâm lễ vật. Đặc biệt, xe chú rể được kết bông hoa có tua có tụi bằng vải đỏ và bằng bông hoa tươi! Và đặc biệt là con ngựa nào cũng mang đầy lục lạc trên đầu trên cổ và ở đỉnh đầu có một chùm lông chim màu sắc hực hỡ. Thành ra, khi ngựa lúc lắc đầu thì lục lạc khua leng keng và khi ngựa chạy thì lục lạc kêu rổn rẻng nghe rất vui tai hào hứng!

    Giờ rước dâu được ấn định là đúng ngọ nên ông Cả Bảy đã canh giờ để đoàn rước dâu có đủ thời gian đi hết mười lăm cây số là đến cách nhà đàng gái độ hai mươi thước ngừng lại cho bà con bước xuống xe sửa soạn.

    Người lớn trẻ con mấy nhà nằm dọc theo đường chỗ đoàn xe ngựa đậu, kéo nhau ra đứng coi, chỉ trỏ. Thấy chộn rộn, mấy con chó cũng chạy ra đường thi nhau sủa rân!

    Trong lúc ông Cả và ông mai lăng xăng sắp xếp ai đứng sau ai đứng trước, thằng Đực và chú Tư Bộn đã khiêng cái cũi con heo đặt xuống đường, chờ. Đằng nhà đàng gái có mấy người chạy ra nhìn rồi chạy vô, sau đó một người chạy ra châm điếu thuốc đốt dây pháo treo trên cành vú sữa gie ra ngoài đường. Pháo nổ điếc tai. Bầy chó hè nhau sủa mấy tiếng rồi cụp đuôi chạy trốn! Con heo hết hồn, vừa kêu eng éc vừa nhảy lồng lộn làm bể tung cái cũi. Nó phóng ra, chui ngang hàng rào bông bụp nhà bên cạnh, chạy tuốt vô phía sau. Thằng Đực và chú Tư Bộn la chói lói: “Con heo sẩy! Con heo sẩy!” Mọi người nhốn nháo, cũng la theo inh ỏi! Mấy người đàn bà hết hồn vội vã trèo lên xe ngồi lại như hồi mới tới! Mấy người đang đứng coi trước nhà cũng chạy vào rược theo con heo. Đàn ông trong đám rước dâu đều chạy ùa vô, vừa chạy vừa cột hai vạt áo dài lại cho khỏi bị vướng víu. Nghe vẳng ra từ phía vườn cây sau nhà ‘Nó đây! Nó đây nè!’ … ‘Nó chạy qua sàn nước!’ … ‘Nó kia kìa!’ … ‘Chụp! Chụp!’ … ‘Nó đó! Nó đó!’ … Mấy con chó trong nhà chắc cũng rượt theo nên nghe sủa rân. Rồi chắc có con chó bị ai đạp hay bị heo lấy mũi húc nên nghe kêu ẳng ẳng. Lại nghe ‘Coi chừng nó chui qua nhà thầy Năm. Chận cái lỗ hàng rào lại! Chận lại!’ … ‘Rồi! Rồi! Xáp vô! Xáp vô!’ … Sau đó, chỉ còn nghe có tiếng con heo kêu eng éc như bị thọc huyết! Chó cũng thôi sủa, người cũng thôi la. Một lát, thấy thằng Đực và chú Tư Bộn khiêng tòn ten con heo nằm ngửa bằng một đòn tre xỏ giữa bốn chân heo cột thành một chùm! Đi theo sau là những người trong đám rước dâu, người nào người nấy quần áo xốc xếch lấm lem son đỏ và bùn đất!

    Ông Cả và ông mai soát lại tình hình để ‘tính tới’ thì thấy thiếu mất chàng rể ! Mọi người hết hồn! Lại chạy trở vô khu vườn rược heo hồi nãy, vừa chạy vừa gọi lớn ‘Cậu Ba ơi! Cậu Ba!’ Vườn cây trái nầy khá rộng nên nghe tiếng gọi túa ra nhiều chỗ. Bỗng nghe ‘Tui đây! Tui đây!’, rồi có người hỏi ‘Lạm gì trỏng vậy?’… ‘Tui kiếm cái khăn đóng’ … ‘Kiếm ra chưa?’ … ‘Chưa!’ Im lặng một lúc, rồi nghe ‘Đây nè!’ … ‘Đâu vậy?’ … ‘Trên nhánh cây mận nè!’ … ‘Thôi! Đi ra! Lẹ đi! Kẻo Cả đợi!’

    Thấy đám rước dâu ‘tả tơ’ quá nên bà già chủ nhà mời hết vô nhà ‘uống miếng nước’ và để lau chùi quần áo mặt mày. Thằng Đực và chú Tư Bộn thì khiêng con heo trở vô tắm rửa cho nó bên cái giếng nằm phía sau hè. Họ cũng không quên cho con heo uống nước bằng cái chậu sành để gần miệng giếng. Trong khi đó, ông Cả nhờ bà chủ nhà cho người gọi ông thợ mộc hàng xóm qua sửa lại cái cũi, cũng may chỉ sút đinh sơ sơ thôi!

    Xong xuôi, ông Cả mới hỏi bà chủ nhà: “Thím có biết ai ở gần đây có con dấu Song Hỉ để đóng son tàu lên con heo không?” Bà già trả lời: “Dạ! Để tôi biểu thằng nhỏ ở nhà đạp xe qua chùa thỉnh thầy Ba qua làm vụ nầy cho!”

    Vậy là độ nửa giờ sau, con heo lang mang dấu đỏ đứng yên ổn trong cũi và đám rước dâu sắp xếp hàng ngủ chỉnh tề đợi ông mai đi ‘đánh tiếng’ cho đàng gái. Một lúc lâu thấy ổng trở lại mặt mày tiu nghỉu: “Họ nói quá giờ rồi, họ không tiếp!” Mọi người đều lắc đẩu kêu Trời, chắc lưỡi liên hồi rồi bàn tán góp ý ồn ào. Ông Cả đá vô cái cũi làm con heo giật mình rống lên eng éc. Ổng hét: “Thôi! Im hết! Đi dìa!” Một con chó đứng gần đó bỗng sủa mấy tiếng làm ông Cả nổi sùng, quay qua đá nó một cái làm nó kêu ẳng ẳng cúp đuôi chạy thẳng vô nhà! Mọi người đều im re, kẻ trước người sau leo lên xe. Mấy anh đánh xe dẫn ngựa quay đầu lại. Cử động của mấy con ngựa làm lục lạc khua vang. Ông Cả lại hét lớn: “Mẹ bà nó! Tụi bây lột hết lục lạc cho tao! Vui vẻ gì nữa mà nhả nhạc rùm trời!” Từ đây về Bình Trước, chỉ còn nghe tiếng móng ngựa gõ lóc cóc khô khan trên mặt đường nhựa …

    Vài ngày sau, ông mai chạy đi chạy về để dàn xếp hai bên. Cuối cùng rồi cũng êm thấm: lễ rước dâu được ấn định lại vào ngày mười sáu âm lịch tháng tới, nhưng lần nầy đàng gái không đòi ‘heo đứng’ mà chỉ xin ‘một con heo quay’, bởi vì ông Cả Dừa nhứt định phải có đốt pháo để ổng ăn mừng ngày vu qui của cô con gái út!


    Tiểu Tử

Trang 8/8 đầuđầu ... 678

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •