Biệt Đoàn 83 và Phi Đoàn 522

Trong quá trình biên soạn loạt bài Ngành Khu Trục trong KLVNCH, vì các nguồn tài liệu tham khảo do một số tác giả ghi lại khác nhau, chúng tôi đã cố gắng liên lạc với nhiều vị niên trưởng tên tuổi từng phục vụ tại Biệt Đoàn 83 để tìm hiểu về đơn vị đặc biệt này, và liên hệ giữa Biệt đội khu trục A-1 của Biệt Đoàn với Phi Đoàn 522 khu trục A-1 (trước khi PĐ-522 trở thành Phi Đoàn phản lực siêu thanh F-5 đầu tiên của KQVN vào tháng 6/1967).

Thế nhưng càng tìm hiểu, chúng tôi càng sa vào “mê hồn trận”. Khi bày tỏ tâm tư với một vị NT trong ngành khu trục mà bản thân rất quý trọng, chúng tôi đã được ông khuyên, đại ý như sau:

Biệt Đoàn 83 và Phi Đoàn 522 là hai đơn vị đặc biệt trong một giai đoạn bất ổn chính trị, bị chi phối bởi nhiều yếu tố phức tạp. Vì thế, có những sự thật không nên tìm hiểu, những sự kiện không nên mổ xẻ, những câu hỏi không nên đặt ra.

Thành thử mặc dù trong lòng vẫn còn “ấm ức”, cuối cùng chúng tôi đã phải kết thúc phần này một cách vô thưởng vô phạt, và... vô tích sự, như sau:

“Biệt đội khu trục của Biệt Đoàn 83 và Phi Đoàn 522 khu trục là những lực lượng tác chiến được thành lập để thi hành những phi vụ đặc biệt, hoặc bí mật.”


Nay đọc lại bài “Nhớ Cả Khung Trời Mây Trắng Bay!” của NT Trần Ngọc Nguyên Vũ, chúng tôi mới vơi bớt “ấm ức”, bởi ngay chính tác giả - một phi công khu trục kỳ cựu từng phục vụ tại Biệt Đoàn 83 - cũng đã phải dừng lại ở một giới hạn cần thiết.

Sau đây chúng tôi xin phép trích đăng phần viết về Biệt Đoàn 83 của tác giả:

Biệt Đoàn 83! Đơn vị đầu đời:

Biệt Đoàn 83! Cái tên nghe vừa bí mật lại vừa hào hùng và lãng mạn. Nhưng chiếc áo không làm nên thầy tu, một cái tên không tự nó tạo ra huyền thoại mà là do những người mà phong độ và việc làm của họ đã đi vào huyền thoại tạo nên...những cái tên như Cò Trắng: Nguyễn Cao Kỳ, Phan Thanh Vân, Lưu Kim Cương, Nguyễn Ngọc Khoa, Nguyễn Văn Tâm... Thần Phong: Nguyễn Văn Tường, Huỳnh Văn Vui, Nguyễn Huy Cương, Nguyễn Thế Tế, Nguyễn V. Quý, Nguyễn Quốc Phiên, Trần Bá Hợi, Nguyễn Quốc Thành, Nguyễn Ngọc Thức... Long Mã: Hồ Bảo Định, Nguyễn Văn Nghĩa, Đỗ Văn Hiếu, Nguyễn Quý An, Nguyễn Văn Thắng, Phạm Công Khanh... Queen Bee Trương Văn Vinh...


Từ trái: các NT Nguyễn Văn Tường (Tường mực), Nguyễn Quốc Phiên (Phiên rách), Lưu Kim Cương (Cương khểnh), Nguyễn Ngọc Khoa (Khoa đen, cận ảnh), và Nguyễn Huy Cương (Cương khào). Chú thích của NT Trần Bá Hợi

Những người mà ngày đêm vẫn thản nhiên đi-về trên quãng đường sinh - tử để thi hành những công tác cực kỳ khó khăn và nguy hiểm... Những công việc họ làm tưởng chừng như chỉ được nghe kể trong những câu chuyện thần thoại... Họ chính là những người đã viết ra một pho "huyền sử" được mang tên là "Biệt Đoàn 83".

Hồi còn ở ngoài dân sự, tôi thường hay ghé phòng đọc sách của Trung Tâm Văn Hoá Việt Mỹ ở góc đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ để mượn những tạp chí có bài viết đăng hình ảnh của KQVNCH. Tôi say mê nhìn ngắm chiếc áo bay đen có thêu tấm huy hiệu "Thần Phong" và ước ao sau này mình được mặc nó... Khi ra nhập KQ và được huấn luyện để trở thành một phi công khu trục, rồi được thuyên chuyển về BĐ83, tôi tưởng mình đang nằm mơ... nhưng giấc mơ ấy đã trở thành sự thật...

Khi viết bài này tôi không viết "lịch sử của Biệt Đoàn 83" vì tôi không đủ tư cách mà chỉ viết theo cảm nhận và những trải nghiệm riêng của mình... "Biệt Đoàn 83"! Một đơn vị mà từ sự thành lập đến cách điều hành nhân sự quá phức tạp. Phạm vi hoạt động của nó trải khắp lãnh thổ hai miền Nam Bắc, vượt qua biên giới Lào, Thái, Miên..và liên quan đến nhiều tổ chức khác nhau...

Từ "Sở Liên Lạc" của Trung Tá Kính thuộc "Tổng thống phủ" thời "đệ nhất Cộng Hoà" đến "Nha Kỹ Thuật" của Đại Tá Nu thuộc phòng 7 của bộ Tổng Tham Mưu thời "đệ nhị Cộng Hoà" tới các cơ quan MACV, MACSOG của Hoa Kỳ. "Biệt Đoàn 83" tuy là một đơn vị KQ nhưng lại không thuộc quân số của BTL KQ, nó có thể coi như là một "Bộ Tư Lệnh KQ" thu nhỏ, nó sở hữu hầu hết các loại phi cơ của Không Lực VNCH thời bấy giờ, từ vận tải, trực thăng, quan sát đến khu trục...

Sự có mặt của "Phi Đoàn Khu Trục 522" cạnh BĐ cũng đã gây ra sự "hiểu lầm" cho giới quan sát thời bấy giờ. Thật ra thì PĐ 522 không thuộc quân số của BĐ mà thuộc quân số của "Không Đoàn 33 Chiến Thuật". Hầu hết những "nhân vật gạo cội" của Biệt Đoàn ngày xưa đã không còn nữa. Hiện nay người duy nhất có đủ uy tín để viết về BĐ 83 là Trung Tá Nguyễn Ngọc Khoa, nhưng ông đã "rửa tay gác kiếm" giã từ "giang hồ" từ lâu...