Remember ?

Trang 6/6 đầuđầu ... 456
kết quả từ 31 tới 34 trên 34

Tựa Đề: Hòai Nam : Những ca khúc ngọai quốc lời Việt (1)- Dẫn Nhập

  1. #31
    Moderator
    saomai's Avatar
    Status : saomai v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jun 2008
    Posts: 2,146
    Thanks: 23
    Thanked 31 Times in 19 Posts

    Default MY WAY (Dòng Đời – Đường Đời), Claude François & Jacques Revaux, Paul Anka

    MY WAY (Dòng Đời – Đường Đời), Claude François & Jacques Revaux, Paul Anka
    Hoài-Nam



    Tiếp tục giới thiệu những ca khúc điển hình trong nền nhạc phổ thông được đặt lời Việt, kỳ này chúng tôi viết về bản My Way, được Nam Lộc đặt lời Việt với tựa Dòng Đời, và hai tác giả Nguyễn Đăng Hưng & Lê Ngọc Dũng với tựa Đường Đời.

    My Way có xuất xứ khá giống bản Seasons in the Sun đã được giới thiệu trong kỳ trước: cả hai đều là ca khúc nguyên tác tiếng Pháp được các công dân Mỹ và Gia-nã-đại đặt lời Anh và thu đĩa; có khác chăng chỉ là trong khi Seasons in the Sun được nhạc sĩ Mỹ đặt lời, ca sĩ Gia-nã-đại thu đĩa thì My Way được nhạc sĩ Gia-nã-đại đặt lời, ca sĩ Mỹ thu đĩa.

    [Theo thứ tự thời gian phát hành đĩa nhạc, lẽ ra chúng tôi phải viết về MY WAY (1969) trước SEASONS IN THE SUN (1974). Thành thật cáo lỗi cùng quý độc giả về sơ xuất này]

    My Way nguyên là bản Comme d’habitude của hai tác giả Pháp Claude François và Jacques Revaux, được Paul Anka đặt lời Anh, và Frank Sinatra thu đĩa cuối năm 1968. Mặc dù chỉ lên tới hạng 6 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100, My Way đã trở thành ca khúc “cầu chứng” của chàng ca sĩ Mỹ có biệt hiệu “Ol’ Blue Eyes”, và cho tới nay vẫn đứng hạng nhì trong danh sách những ca khúc của mọi thời đại được nhiều ca sĩ thu đĩa nhất, chỉ sau bản Yesterday của ban The Beatles.

    Trước hết, xin có đôi dòng về tác giả nguyên tác tiếng Pháp: Claude François và Jaques Revaux.

    Jacques Revaux


    France Gall và Claude François

    Jacques Revaux, sinh năm 1940, là một nhà viết ca khúc người Pháp. Ngoài bản Comme d’habitude viết chung với Claude François, ông còn là tác giả nhiều ca khúc ăn khách của nam ca sĩ Pháp Michel Sardou. Jacques Revaux cũng là người đồng sáng lập hãng đĩa Tremma Records, ngày nay là một chi nhánh của hãng đĩa Universal Music France.

    Về phần Claude François (1939-1978) mà chúng tôi đã nhắc tới trong bài viết về ca khúc Donna Donna được anh đặt lời Pháp, là một trong những tên tuổi được ái mộ nhất tại Pháp và các quốc gia nói tiếng Pháp trong hai thập niên 1960, 1970, chỉ đứng sau Johnny Halliday.

    Claude François ra chào đời tại Ai-cập, là con trai độc nhất trong một gia đình trung lưu gồm hai chị em. Cha cậu là một người gốc Pháp, làm quản đốc trong Công ty kênh đào Suez của Anh-Pháp, mẹ cậu, một người gốc Ý yêu nhạc cổ điển nên đã cho cậu học dương cầm và vĩ cầm từ nhỏ, tuy nhiên cậu chỉ say mê đánh trống!

    Năm 1956, xảy ra vụ khủng hoảng kinh đào Suez (Ai-cập quốc hữu hóa kinh đào này), ông bố đưa gia đình chạy về Monaco, rồi lâm bệnh không thể làm việc. Là người con trai duy nhất trong gia đình, tuy mới 17 tuổi, Claude François phải tìm việc làm: ban ngày làm thư ký ngân hàng, ban đêm chơi trống trong ban nhạc tại các khách sạn ở vùng nghỉ mát French Riviera (Côte d’Azur) bên bờ Địa trung hải.

    Thỉnh thoảng, Claude François cũng hát cho vui, không ngờ cái giọng mũi của chàng lại được nhiều người cho là độc đáo, và được mời hát thường trực tại một khách sạn ở thị trấn nghỉ mát Juan-les-Pin. Với số người ái mộ ngày đông, ít lâu sau, Claude François đã được mời trình diễn tại các hộp đêm sang trọng trong vùng, và qua năm 1957 quyết định bỏ hẳn nghề thư ký ngân hàng để chọn nghiệp cầm ca, bất chấp sự phản đối kịch liệt của ông bố.

    Năm 1959, trong thời gian trình diễn tại Monte Carlo (tiểu vương quốc Monaco), kinh đô cờ bạc của Âu châu, Claude François gặp gỡ Janet Woollacott, một vũ công gốc Anh xinh đẹp, và qua năm 1960, hai người kết hôn.

    Cũng tại Monte Carlo, Claude François được nhiều người khuyên lên Paris thử thời vận, và chàng nghe theo. Lúc đó, năm 1960, thể loại “rock and roll” của Mỹ bắt đầu làm mưa gió tại Âu châu, Claude François vừa hát cho một ban nhạc nọ để kiếm sống vừa dành dụm tiền bạc để tự thu đĩa một số ca khúc “thời trang” của Mỹ do chàng đặt lời Pháp. Đĩa thứ nhất, The Twist, thất bại thê thảm, nhưng đĩa thứ hai, Made to Love (Girls Girls Girls), thu cuối năm 1962, thành công ngoài sức tưởng tượng.

    Trong khi nguyên tác Made to Love (Girls Girls Girls) do Everly Brothers thu đĩa chỉ lên tới hạng 14 trong Billboard Hot 100 ở Hoa Kỳ thì phiên bản lời Pháp của Claude François với tựa Belles Belles Belles đã lên No.1 tại Pháp, bán được trên 2 triệu đĩa, và một sớm một chiều biến chàng thành một thần tượng trẻ.

    Chỉ có điều đáng tiếc là cô vợ Janet Woollacott hơi thiếu kiên nhẫn: hai tuần trước khi Belles Belles Belles được phát hành, nàng đã bỏ chồng để đi theo Gilbert Bécaud, đệ nhất danh ca của Pháp đương thời.

    [Gilbert Bécaud (1927-2001), xuất thân là một nhạc sĩ dương cầm được nữ danh ca Édith Piaf khám phá, sau trở thành danh ca kiêm diễn viên kiêm nhà soạn nhạc và nhà viết ca khúc nổi tiếng. Một trong những ca khúc nổi tiếng quốc tế của Gilbert Bécaud là “Et Maintenant”, được đặt lời Anh với tựa “What Now My Love”]

    Niềm cay đắng bị vợ bỏ sau đó đã được Claude François gửi gấm qua ca khúc Je Sais (Anh biết) năm 1964.

    Cũng trong năm 1964, Claude François bắt đầu cặp với France Gall, cô bé 17 tuổi mà qua năm 1965 sẽ đoạt giải Eurovision (giải Ca khúc Âu châu) với bản Poupée de cire Poupée de son (lời Việt: Búp bê không tình yêu).

    Tuy nhiên, mối tình được xem là lý tưởng trong làng ca nhạc Pháp ấy lại không suôn sẻ, có lẽ do hai người không hợp tính nhau. Năm 1967, Claude François vừa hoàn tất thủ tục ly dị cô vợ Janet Woollacott xong thì người tình France Gall cũng bỏ ra đi. Claude François sáng tác ca khúc Comme d’habitude (As usual – Như thường lệ) thay cho lời giải thích về nguyên nhân tan vỡ của cuộc tình: sống bên nhau nhưng không còn những khao khát, say mê, quan tâm, tận tụy, mong chờ… Mỗi ngày, cuộc sống nhàm chán ấy diễn ra, …như thường lệ!


    Phụ lục (1): Comme d’habitude, Claude François


    Năm 1968, trong thời gian nghỉ hè ở miền Nam nước Pháp, Paul Anka nghe được bản Comme d’habitude qua làn sóng điện, thấy “âm điệu hay hay” (lời Paul Anka) liền bay lên Paris gặp các tác giả để thương lượng tác quyền.

    Vì Paul Anka chỉ muốn sử dụng phần nhạc, các tác giả đã lấy tượng trưng 1 đô-la Mỹ kèm theo điều kiện: trong tương lai, một khi Paul Anka sử dụng phần nhạc này vào bất cứ việc gì mang tính cách thương mại, các tác giả sẽ được chia tiền lời.

    Qua tay Paul Anka, mấy tháng sau, Comme d’habitude trở thành My Way.

    Tới đây, xin viết về Paul Anka. Tính cho tới nay, Paul Anka vẫn được xem là nghệ sĩ lớn nhất gốc Gia-nã-đại (ông nhập tịch Mỹ năm 1990), thành công trong cả lĩnh vực ca nhạc lẫn điện ảnh, truyền hình.

    Sinh năm 1941 tại Gia-nã-đại, cha mẹ là di dân gốc Lebanese và Syrian, tới năm 16 tuổi, Paul Anka đã nổi tiếng khắp thế giới với bản Diana do chàng sáng tác và thu đĩa, đứng No.1 tại Gia-nã-đại, Hoa Kỳ, Anh Quốc, Úc-đại-lợi… mà chúng tôi đã giới thiệu trước đây. Tiếp theo là các bản Lonely Boy, Put Your Head on My Shoulder, Having My Baby…

    Năm 1962, Paul Anka bắt đầu sự nghiệp diễn xuất với một vai trong cuốn phim vĩ đại The Longest Day, kể về cuộc đổ bộ của Đồng Minh lên vùng Normandy, Pháp quốc, trong Đệ nhị Thế chiến; đồng thời viết và hát ca khúc có cùng tựa trong cuốn phim này.

    Video:

    The Longest Day by Paul Anka

    Về những ca khúc Paul Anka viết cho các nghệ sĩ bạn thu đĩa, trước My Way có She’s a Lady, ca khúc đã đem lại đĩa vàng cho nam ca sĩ Anh Tom Jones. Bước sang thập niên 1980, Paul Anka đã viết chung với Michael Jackson ít nhất hai ca khúc: This Is It và Love Never Felt Soo Good.

    Sức thu hút của những ca khúc do Paul Anka sáng tác không chỉ ở giai điệu mà còn qua lời hát: đơn giản, dễ hiểu, tác động mạnh nơi đối tượng thưởng thức. Xin lấy bản Papa do Paul Anka viết và thu đĩa năm 1974 làm thí dụ điển hình.
    Papa

    Everyday my papa would work
    To try to make ends meet
    To see that we would eat
    Keep those shoes upon my feet
    Every night my papa would take me
    And tuck me in my bed
    Kiss me on my head
    After all my prayers were said
    And there were years
    Of sadness and of tears
    Through it all
    Together we were strong
    We were strong
    Times were rough
    But Papa he was tough
    Mama stood beside him all along
    Growing up with them was easy
    The time had flew on by
    The years began to fly
    They aged and so did I
    And I could tell
    That mama she wasn’t well
    Papa knew and deep down so did she
    So did she
    When she died
    Papa broke down and he cried
    And all he could say was, “God, why her? Take me!”
    Everyday he sat there sleeping in a rocking chair
    He never went upstais
    Because she wasn’t there
    Then one day my Papa said,
    “Son, I’m proud of how you’ve grown”
    He said, “Go out and make it on your own.
    Don’t worry. I’m O.K. alone.”
    He said, “There are things that you must do”
    He said, “There’s places you must see”
    And his eyes were sad as he
    As he said goodbye to me
    Every time I kess my children
    Papa’s words ring true
    He said, “Children live through you.
    Let them grow! They’ll leave you, too”
    I remember every word Papa used to say
    I kiss my kids and pray
    That they’ll think of me
    Oh how I pray
    They will think of me
    That way
    Someday

    Phụ lục (2): Papa, Anka Paul



    Video:

    Lê Toàn – Cha Tôi (Papa)

    Ít lâu sau cuộc thương lượng tác quyền Comme d’habitude, Paul Anka có dịp ăn tối với Frank Sinatra, hiện diện còn có vài “Bố già”. Trong bữa ăn, Frank Sinatra, khi ấy mới hơn 52 tuổi, nói: “Tôi sắp giải nghệ đây. Tôi mệt mỏi lắm rồi”.

    Câu nói của Frank Sinatra đã ám ảnh Paul Anka; và đêm hôm ấy anh quyết định đặt lời Anh cho bản Comme d’habitude với chủ đề “the end is near” để Frank Sinatra thu đĩa. Kết quả là ca khúc My Way, nội dung là lời một người đàn ông luống tuổi cảm khái hồi tưởng lại đời mình, không một chút ân hận nuối tiếc về việc mình đã sống như thế nào, bởi ông đã sống một cuộc đời thật trọn vẹn, và tất cả những gì ông đã làm, đều làm theo ý mình, theo cung cách riêng của mình.

    Sau này, trước thành công của My Way do Frank Sinatra thu đĩa, ông bầu và chủ hãng đĩa của Paul Anka đã không tiếc lời chê chàng… ngu: một ca khúc hay như thế mà không chịu thu đĩa lại giao cho người khác. Paul Anka trả lời:

    “Ca khúc này tôi viết về Frank (Sinatra) và chỉ để Frank thu đĩa chứ không nhắm bất cứ một ca sĩ nào khác!”

    Muốn biết tại sao Paul Anka lại viết My Way riêng cho Frank Sinatra, xin có đôi hàng về con người, đường đời và sự nghiệp của chàng ca sĩ có biệt hiệu “Ol’ Blue Eyes”.

    Frank Sinatra tên thật là Francis Albert Sinatra, ra chào đời ngày 12/12/1915 tại Hoboken, New Jersey, cha mẹ là di dân gốc Ý theo Công giáo. Năm 15 tuổi, Frank Sinatra bỏ học, lúc đầu đi bỏ báo, về sau làm thợ tán đinh (riveting). Vừa đi làm, Frank Sinatra vừa tập tành ca hát. Năm 20 tuổi, Frank gia nhập ban tứ ca The Hoboken Four.

    Sau khi đoạt giải nhất của Major Bowes Amateur Hour, phát sóng trên hai hệ thống NBC và CBS, The Hoboken Four được ký một hợp đồng 6 tháng trình diễn trên sân khấu và đài phát thanh toàn quốc. Một năm sau, Frank Sinatra rời ban The Hoboken Four để hát cho nhiều ban nhạc nổi tiếng khác nhau, được lọt vào Top 10 của Billboard tổng cộng 23 lần.

    Năm 1943, Frank Sinatra quyết định tách ra hát solo, ký hợp đồng với hãng Columbia Records, và từ đó tên tuổi của ông lên vùn vụt, qua những ca khúc bất hủ như White Christmas, You’ll Never Walk Alone, More, I Can’t Stop Loving You, The Girl from Ipanema, Strangers in the Night, v.v…

    Frank Sinatra thu phục được cả thính giả yêu nhạc jazz lẫn thính giả thích nhạc pop. Ông được các nhà phê bình tặng biệt hiệu “The Voice” vì hội đủ cả bốn yếu tố: giọng hát đặc biệt, kỹ thuật hát, nghệ thuật hát, và cảm xúc thực sự khi trình diễn.

    Lấy bản Strangers in the Night làm thí dụ điển hình. Phần nhạc của ca khúc này nguyên là một nhạc khúc có tựa đề là “Beddy Bye”, trích trong phần nhạc đệm của cuốn phim hài kịch A Man Could Get Killed, do nhạc sĩ gốc Đức Bert Laempfert soạn. Nhận xét một cách tổng quát, phần nhạc đệm của cuốn phim này cũng không có gì nổi bật, nhưng sau khi nhạc khúc “Beddy Bye” được hai nhà viết ca khúc của Mỹ là Charles Singleton, Eddie Snyder đặt lời hát với tựa Strangers in the Night, Ernie Freeman soạn hòa âm phối khí, và được Frank Sinatra thu đĩa, đã trở thành một khuôn mẫu điển hình nhất của nền nhạc nhẹ (easy listening).

    Strangers in the Night đứng No.1 trên cả bảng xếp hạng Easy Listening lẫn Billboard Hot 100 (tính mọi thể loại), đồng thời cũng lên No.1 tại Anh quốc. Album Strangers in the Night (trong đó có ca khúc này) đã trở thành album bán chạy nhất trong sự nghiệp đơn ca của Frank Sinatra.

    Trong giải âm nhạc Grammy năm 1967, Strangers in the Night đã

    mang lại cho Frank Sinatra hai giải thưởng Nam ca sĩ trong năm và Đĩa nhạc trong năm, đồng thời cũng đem giải Grammy về hòa âm phối khí cho nhạc trưởng Ernie Freeman.

    Chính qua bản Strangers in the Night, Frank Sinatra đã được nhà phê bình âm nhạc đương đại uy tín bậc nhất (biệt hiệu “Dean of American Rock Critics”) Robert Christgau xưng tụng là “ca sĩ số một của thế kỷ 20”.

    Phụ lục (3): Strangers in the Night, Frank Sinatra


    Về diễn xuất, khởi nghiệp từ năm 1944, Frank Sinatra đã xuất hiện trong gần 50 cuốn phim điện ảnh và vô số show truyền hình, trong đó đáng kể nhất phải là vai anh binh nhì Angelo Maggio du côn nhưng chí tình với bạn trong phim From Here to Eternity (1953), ngày ấy chiếu ở Sài Gòn dưới tựa tiếng Pháp Tant qu’il y aura des hommes, tựa tiếng Việt là Thói Đời; vai trò này đã đem lại cho Frank Sinatra giải Oscar diễn xuất trong vai phụ.

    Trong sự nghiệp của mình, ngoài 13 giải âm nhạc Grammy, Frank Sinatra đã được trao tặng tổng cộng giải 4 Oscar (diễn xuất, soạn nhạc, và hát), 2 giải truyền hình Emmy, 3 giải Trái Cầu Vàng, và nhiều giải thưởng quan trọng khác.

    Về phương diện quốc gia, năm 1983, Frank Sinatra được trao tặng giải Kennedy Center Honors dành cho những nghệ sĩ trọn đời cống hiến cho nền văn hóa Mỹ; năm 1985, giải Presidential Medal of Freedom do Tổng thống Reagan trao tặng; và năm 1997, giải Congressional Gold Medal của Quốc hội Hoa Kỳ.

    Frank Sinatra còn được xem là nghệ sĩ có thế lực nhất ở Hoa Kỳ do những giao kết của mình. Ông là lãnh tụ của nhóm “Rat Pack”, còn gọi là “đảng Frankie”, quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Dean Martin, Sammy Davis Jnr., Peter Lawford (em rể TT Kennedy), Angie Dickinson… Nhóm này thường liên kết trong việc trình diễn và đóng phim; trong số đó có cuốn phim nổi tiếng Ocean’s 11 (tựa tiếng Việt: 11 Tên trộm ở Las Vegas) năm 1960, sau này được George Clooney và Brad Pitt thực hiện lại cũng rất ăn khách.

    Nhiều người tin rằng trong cuộc tranh cử Tổng thống năm 1960, ảnh hưởng của “đảng Frankie” đã góp một phần không nhỏ vào chiến thắng của ông John F. Kennedy trước đối thủ Richard Nixon của đảng Cộng Hòa!

    Thế nhưng tới năm 1970, mặc dù vẫn giữ đảng tịch Dân Chủ, Frank Sinatra bắt đầu thay đổi lập trường chính trị qua việc ủng hộ ông Ronald Reagan của đảng Cộng Hòa tái tranh cử chức Thống đốc California. Tháng 7 năm 1972, sau một đời ủng hộ các ứng cử viên tổng thống Dân Chủ, Frank Sinatra đã bỏ rơi Thượng nghị sĩ George McGovern vì lập trường thiên tả của ông ta, để quay sang ủng hộ ưng cử viên Richard Nixon của đảng Cộng Hòa.

    Ông nói với cô con gái út Tina, người đang hết lòng vận cho TNS McGovern: “Càng thêm tuổi đời, người ta càng trở nên bảo thủ”.

    Từ đó, Frank Sinatra trở thành người của Cộng Hòa.

    Tổng thống Ronald Reagan, Frank Sinatra và Nancy Reagan



    * * *

    Nhưng Frank Sinatra không chỉ giao kết với các chính khách, với các nhà lãnh đạo, mà còn quan hệ cả với các “Bố già Mafia” (xin nhắc lại: Frank Sinatra là người gốc Ý).

    Nhiều người tin rằng nhân vật John “Johnny” Fontane trong bộ truyện “The Godfather” (Bố già) của văn sĩ Mario Puzo chính là Frank Sinatra ở ngoài đời.

    [Trong bộ truyện “The Godfather”, Johnny Fontane là một nam ca sĩ kiêm diễn viên, con đỡ đầu của Bố già Vito Corleone. Vì thế, ngoài việc giúp vốn cho Johnny Fontane mở một hãng phim riêng, gia đình Mafia này còn nhiều lần sử dụng áp lực, thậm chí bạo lực, để Johnny được trao tặng các giải thưởng, trong đó có giải thưởng điện ảnh Oscar. Khi bộ truyện này được đạo diễn kiêm nhà sản xuất phim Mỹ gốc Ý Francis Ford Coppola dựng thành phim vào năm 1972, vì những “nguyên nhân tế nhị” , Johnny Fontane đã trở thành một nhân vật thứ yếu, và không còn nhiều điểm giống Frank Sinatra như trong bộ truyện nữa]

    Về phần văn sĩ Mario Puzo, trước những tin đồn nhân vật Johnny Fontane chính là Frank Sinatra, ông chưa bao giờ lên tiếng xác nhận, nhưng cũng chưa bao giờ… phủ nhận!

    Riêng FBI cho biết họ có lưu trữ những tài liệu về quan hệ giữa Frank Sinatra và các bố già Mafia, nhưng không tiết lộ gì thêm.

    [Năm 1998, trước yêu cầu của công luận chiếu theo đạo luật Freedom of Information Act, FBI đã phải công bố 2.403 trang tài liệu về Frank Sinatra mà họ lưu trữ. Qua những gì được công bố, người ta có thể kết luận Frank Sinatra đã có quan hệ cá nhân với một số “Bố già” Mafia, nhưng không liên đới trong các hoạt động của giới này. Ngược lại, theo nội dung một lá thư của ông Clyde Tolson, người từng giữ chức Phụ tá Giám đốc FBI, trong cuộc điều tra của nhà chức trách về sự thâm nhập của Mafia vào kỹ nghệ giải trí trong thập niên 1950, Frank Sinatra còn tình nguyện làm mật báo viên (informer) cho FBI]

    Về tính tình, Frank Sinatra cũng được mô tả là một con người khác thường. Với thế hệ đàn em, trong khi ca tụng (và thu đĩa) ca khúc Something của The Beatles (do George Harrison sáng tác) là “một trong những tình khúc hay nhất xưa nay” thì khi gặp ban The Rolling Stones trong thang máy, ông đã quay mặt đi chỗ khác.

    Với các phóng viên, ông thường dành cho họ nhiều ác cảm. Frank Sinatra cũng bị nhiều người hầu bàn xem là “hung thần”; có lần về thăm Ý, ông đã xé nát một tờ giấy bạc 5000 lire (tiền Ý) trước mặt họ!… Và còn nhiều hành động khác của Frank Sinatra khiến ông bị xem là một con người ngang tàng, phách lối.

    Nhưng bên cạnh đó, không ai có thể phủ nhận việc Frank Sinatra sống rất có tình, ít nhất cũng là với bè bạn, với những người đàn bà đã đi qua đời mình.

    Lấy thí dụ trường hợp nữ minh tinh Ava Gardner.

    Ava Gardner (1922-1990), từng được xưng tụng là người đàn bà đẹp nhất thế giới, và hiện nay vẫn nằm trong danh sách 25 nữ minh tinh tài sắc nhất xưa nay, là đời vợ thứ hai của Frank Sinatra (ông là đời chồng thứ ba của bà).

    Viết một cách chính xác, Frank Sinatra đã bỏ người vợ đầu tiên (Nancy Barbato) để đi theo Ava Gardner, một “mỹ nhân chết người” (femme fatale) thời bấy giờ. Ava Gardner cũng nổi tiếng là một phụ nữ “khác người”, cho nên cuộc hôn nhân (không con cái) kéo dài 6 năm (1951-1957) giữa hai thần tượng hàng đầu thời bấy giờ đã được mô tả vừa là thiên đường vừa là địa ngục, chưa kể việc bị Giáo hội Công giáo kịch liệt lên án.

    Tới đầu thập niên 1970, Ava Gardner bị khủng hoảng tinh thần, bỏ sang Anh sống buông thả, cặp với một tay đấu bò người Tây-ban-nha, rồi sang Úc sống (theo báo Úc, có khi bà say rượu, ngủ cả với tài xế tắc-xi!). Năm 1974, Frank Sinatra (lúc đó đang chung sống với đời vợ thứ tư, Barbara Marx) đã sang Úc trình diễn cốt để gặp vợ cũ, thuyết phục bà trở về Mỹ. Chính trong chuyến đi này, Frank Sinatra đã gây thù chuốc oán với giới truyền thông Úc khi ông mô tả các nữ phóng viên cứ bám theo ông giống như “gái đĩ” (hookers)!

    Những năm cuối thập niên 1980, khi Ava Gardner đau yếu và phá sản, chính Frank Sinatra đã “xin phép” bà vợ cũ chằn ăn cho mình được chi trả mọi phí tổn thuốc men, viện phí cho tới ngày bà qua đời.

    Frank Sinatra và Ava Gardner.

    * * *

    Bằng đó chất liệu đã quá đủ để Paul Anka viết My Way, viết về Frank Sinatra, viết cho Frank Sinatra.

    My Way

    And now, the end is near;
    And so I face the final curtain.
    My friend, I’ll say it clear,
    I’ll state my case, of which I’m certain.

    I’ve lived a life that’s full.
    I’ve traveled each and every highway;
    And more, much more than this,
    I did it my way.

    Regrets, I’ve had a few;
    But then again, too few to mention.
    I did what I had to do
    And saw it through without exemption.

    I planned each charted course;
    Each careful step along the byway,
    And more, much more than this,
    I did it my way.

    Yes, there were times, I’m sure you knew
    When I bit off more than I could chew.
    But through it all, when there was doubt,
    I ate it up and spit it out.
    I faced it all and I stood tall;
    And did it my way.

    I’ve loved, I’ve laughed and cried.
    I’ve had my fill; my share of losing.
    And now, as tears subside,
    I find it all so amusing.

    To think I did all that;
    And may I say – not in a shy way,
    “Oh no, oh no not me,
    I did it my way”.

    For what is a man, what has he got?
    If not himself, then he has naught.
    To say the things he truly feels;
    And not the words of one who kneels.
    The record shows I took the blows –
    And did it my way!

    Sau này, tháng 5 năm 1998, khi hay tin Frank Sinatra qua đời, Tổng thống Bill Clinton đã bày tỏ lòng thương tiếc, ngưỡng mộ, và mượn câu hát cuối trong bản My Way để kết luận: He did it. He did it his way!

    Phụ lục (4): My Way, Frank Sinatra





    Video:

    Frank Sinatra – “My Way


    Frank Sinatra thu đĩa My Way vào tháng 12/1968 và phát hành đầu năm 1969 trong album có cùng tựa. Nếu chỉ xét về số đĩa hát bán ra cũng như thứ hạng trên các bảng xếp hạng, My Way không thể sánh với Strangers in the Night thu đĩa trước đó 2 năm. My Way chỉ đứng No.2 trên bảng xếp hạng Easy Listening và hạng 27 trong danh sách Billboard Hot 100. Tại Anh quốc, My Way tuy tạo kỷ lục nằm trong Top 40 suốt 75 tuần lễ liên tục, cũng chỉ lên tới hạng 5 là cao nhất.

    Thế nhưng với người yêu nhạc khắp nơi trên thế giới, My Way đã được xem là ca khúc mang dấu ấn (signature song) của “Ol’ Blue Eyes”.

    Sau này, trong số hàng trăm ca sĩ nổi tiếng thu đĩa My Way, chỉ có một người duy nhất qua mặt Frank Sinatra – nhưng cũng chỉ qua mặt sau khi chết, và nhờ cái chết. Đó là “ông vua nhạc rock” Elvis Presley.

    Ngày còn sống, Elvis Presley chưa bao giờ thu đĩa My Way mà chỉ hát “live” trong các buổi trình diễn hoặc show truyền hình, và trước mỗi lần hát, Elvis luôn luôn nói đây là một ca khúc nổi tiếng của Frank Sinatra mà anh yêu thích.

    Tháng 9 năm 1977, vài tuần lễ sau khi Elvis Presley chết đột ngột, người ta mới lấy phần âm thanh trong show “Elvis In Concert” chiếu trên CBS-TV trước đó hơn hai tháng, thu vào đĩa hát để phát hành.

    Kết quả, My Way của Elvis Presley đã đứng hạng 22 trên bảng Billboard Hot 100 (của Frank Sinatra đứng hạng 27), No.2 trên bảng Billboard Country, và No.1 trên bảng Cash Box Country Singles.

    Phụ lục (5): My Way, Elvis Presley


    Video:

    Elvis Presley ~ My Way (BEAUTIFUL VERSION)

    Trở lại với Frank Sinatra, có thể nói, lúc đầu, My Way đã được ông xem như lời từ biệt khán thính giả; năm 1971, ông ngưng tất cả mọi hoạt động về ca nhạc.

    Nhưng niềm đam mê ca hát nơi cậu bé bỏ học năm 15 tuổi ngày nào vẫn còn đó: 2 năm sau, “Ol’ Blue Eyes” đổi ý, tiếp tục trình diễn trở lại, thu thêm nhiều album, và đạt thêm nhiều thành công, trong đó đáng kể nhất là bản New York, New York, trích trong cuốn phim có cùng tựa, nằm trong album Triology: Past Present Future (1980).

    Frank Sinatra tiếp tục lưu diễn khắp nước Mỹ và nhiều nơi trên thế giới cho tới năm 1996, năm ông bị nhập viện mấy lần vì lên cơn đau tim.

    Năm 1998, sau một cơn đau tim nặng, Frank Sinatra qua đời ngày 14 tháng 5, hưởng thọ 82 tuổi. Đêm hôm đó, hệ thống đèn chiếu sáng trên tòa nhà Empire State Building ở New York City đã được đổi sang màu xanh blue, và đèn đường ở Las Vegas đã được giảm độ sáng để tưởng niệm ông.

    Tang lễ của Frank Sinatra được cử hành theo nghi thức Công giáo trang trọng nhất tại Thánh đường Good Shepherd ở Beverly Hills, Los Angeles (ông đã “làm hòa với Chúa” – nguyên văn lời ông – vào những năm cuối đời) với hơn 400 nghệ sĩ và hàng nghìn người ái mộ tham dự.

    Ông được an táng bên cạnh cha mẹ; trong những thứ mà thân nhân chôn theo ông có kẹo ngậm Life Savers vị “cherry”, chocolate hiệu “Tootsie Rolls”, một chai rượu bourbon Jack Daniel’s, một gói thuốc lá hiệu Camel, một cái hộp quẹt Zippo…

    * * *

    Sau khi Frank Sinatra qua đời, My Way càng trở nên nổi tiếng, càng có thêm nhiều giai thoại.

    Tại Anh quốc, My Way đã trở thành ca khúc được sử dụng nhiều nhất trang các tang lễ.

    Tại Đức, trong lần duyệt binh cuối cùng trước lễ bàn giao chức vụ Thủ tướng cho bà Angela Merkel, ông Gerhard Schroder đã sử dụng bản My Way.

    My Way còn được đưa vào… chính trường, đó là “Học thuyết Sinatra” (Sinatra Doctrine) với ý nghĩa dí dỏm, vui đùa. Người đầu tiên sử dụng chữ “Sinatra Doctrine” là phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Liên Xô Gennadi Gerasimov, để đối lại “Học thuyết Brezhnev” (Brezhnev Doctrine).

    Như những độc giả từng quan tâm theo dõi tình hình chính trị Liên Xô từ thập niên 1960 trở về sau còn nhớ, sau khi lật đổ Tổng Bí thư Đảng CS Liên Xô Nikita Khrushchev và thanh trừng các thành phần “xét lại” vào năm 1964, tân Tổng Bí thư Leonid Brezhnev đã cho xiết chặt sự kìm kẹp đối với các nước cộng sản Đông Âu, tức các quốc gia trong Khối Varsovie (Warsaw Pact); đường lối chính sách này được gọi là “Học thuyết Brezhnev” (Brezhnev Doctrine). Hậu quả, mùa xuân 1968, xe tăng Liên Xô đã tiến vào Prague nghiền nát cuộc nổi dậy của sinh viên Tiệp Khắc…

    Nhưng mọi sự đã thay đổi sau khi ông Mikhail Gorbachev lên nắm giữ chức Tổng Bí thư.

    Ngày 25 tháng 10 năm 1989, ông Gennadi Gerasimov xuất hiện trên chương trình truyền Good Morning America để tham gia cuộc thảo luận về bài diễn văn quan trọng của Ngoại trưởng Liên Xô Eduard Shevardnadze đọc hai ngày trước đó, nhìn nhận và tôn trọng quyền tự quyết của tất cả mọi quốc gia trên thế giới.

    Trong cuộc thảo luận này, ông Gennadi Gerasimov đã phát biểu:

    “Ngày nay chúng ta đã có học thuyết Frank Sinatra. Ông ấy có ca khúc ‘Tôi đã làm theo đường lối của tôi’ (I Did It My Way). Như vậy, mọi quốc gia trên thế giới đều có quyền chọn một con đường riêng cho mình”.

    Khi được hỏi: có phải điều này có nghĩa là Liên Xô chấp nhận việc các quốc gia Đông Âu từ bỏ chế độ cộng sản, vị phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Liên Xô đã trả lời:

    “Đó là một điều chắc chắn…, thể chế chính trị của một quốc gia phải do chính người dân sống ở đó quyết định.”

    * * *

    Gần đây nhất, trong cuộc triển lãm xe hơi quốc tế Geneva Motor Show năm 2013, hãng xe Volkswagen của Đức đã sử dụng ca khúc My Way do Frank Sintra hát trong phần quảng cáo cho kiểu xe Volkswagen Golf GTI Mk7 nổi tiếng của họ cùng với hàng chữ “Often copied, never equalled”; họ giải thích như sau: cũng giống như ca khúc My Way của Frank Sintra, kiểu xe này thường bị nhái lại, nhưng không bao giờ có thể tương đương!

    Cuối cùng, viết về bản My Way chúng tôi không thể không nhắc tới một hiện tượng xã hội được gọi là “My Way killings” ở Phi-luật-tân, một quốc gia nói tiếng Anh, nơi mà ca khúc này rất được các nam công dân ưa chuộng, đặc biệt là trong các quán karaoke, nơi giới anh chị thường lên hát và… bắn lộn!

    Theo tờ New York Times, cho tới nay người ta cũng chưa thống nhất ý kiến với nhau về nguyên nhân đưa tới hiện tượng xã hội này. Phải chăng vì ý nghĩa “ngang tàng” trong lời hát của My Way, tay anh chị lên hát bị xem là có ý “khiêu khích” đối thủ cho nên mới xảy ra bắn lộn? Hay chẳng qua chỉ vì trong các quán karaoke ở Phi-luật-tân thường xảy ra bắn lộn, và My Way là ca khúc được hát nhiều nhất ở nơi đó, cho nên một người đang hát, hoặc vừa hát xong thì xảy ra bắn lộn chỉ là một sự vô tình trùng hợp?

    Nhưng riêng nguyên nhân bị bắn vì hát dở thì đã được chứng minh. Theo trang mạng Wikipedia, vào ngày 29 tháng 5 năm 2007, một thanh niên 29 tuổi đang hát My Way trong một quán karaoke ở San Mateo, tỉnh Rizal, thì bị nhân viên bảo vệ an ninh (security guard) của quán bắn chết tại chỗ. Sau khi bị bắt, nhân viên này khai với cảnh sát rằng anh thanh niên kia hát bản My Way quá dở, vừa trật “tông” vừa sai nhịp, nhân viên này đã mấy lần yêu cầu anh ta ngưng hát nhưng anh ta không chịu, bèn rút súng P.38 bắn chết.

    Theo thông tấn xã Anh Reuters, trong những năm trước đó đã xảy ra nhiều vụ bắn chết người liên quan tới My Way, vì thế sau khi xảy thêm vụ năm 2007, đa số các quán karaoke ở thủ đô Manila đã loại bỏ My Way ra khỏi danh sách ca khúc; đồng thời các thanh niên “nhà lành” cũng không mấy người dám hát My Way ở nơi công cộng nữa.

    [Trước năm 2007, qua đọc báo Úc chúng tôi cũng được biết một vụ bị bắn chết rất đáng buồn ở Phi-luật-tân chỉ vì hát My Way không “đạt”. Rất đáng buồn bởi nó không xảy ra trong quán karaoke mà trong một đám cưới tại gia. Thủ phạm là một tân khách mê bản My Way do Frank Sinatra hát]

    * * *

    Trở lại với My Way và Frank Sinatra, vào năm 1993, ông đĩa thu đĩa ca khúc này thêm một lần nữa, hát chung với nam danh ca tenor Ý Luciano Pavarotti trong album Duets, gồm 13 ca khúc do ông hát chung với các ca sĩ thuộc thế hệ đàn em, trở thành album có số bán cao nhất trong sự nghiệp của ông.

    Phụ lục (6): My Way, Frank Sinatra & Luciani Pavarotti

    Ngày 22 tháng 7 năm 1996, nhân dịp tới trình diễn tại Hoa Kỳ, The Three Tenors (Luciano Pavarotti, Placido Domingo, Jose Carreras) đã hát bản My Way tại vận động trường New York Giants ở East Rutherford, New Jersey. Ngồi hàng ghế đầu có Frank Sinatra, cựu Tổng thống George H. Bush và phu nhân Barbara.

    Sau khi The Three Tenors hát xong, Frank Sinatra đã đứng dậy vỗ tay, miệng nói “Bravo!”

    Đây là lần cuối cùng, Frank Sinatra xuất hiện trước ống kính truyền hình.

    Video:

    The 3 Tenors – My Way

    Trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam, My Way của Frank Sinatra không nằm trong số những ca khúc ngoại quốc được ưa chuộng nhiều. Theo suy nghĩ của chúng tôi, nguyên nhân có thể vì lớp thính giả lớn tuổi thích nhạc tình cảm êm dịu đa số học tiếng Pháp nhiều hơn tiếng Anh, cho nên ít người hiểu hết lời hát; ngược lại, đám trẻ, trong đó có bản thân chúng tôi, hiểu được lời hát thì lại không cảm nhận được ý nghĩa trong đó, bởi đường đời mới đi phân nửa, chưa thấy “…the end is near”, chưa chuẩn bị “…face the final curtain”.

    Ra hải ngoại, My Way được Nam Lộc đặt lời Việt với tựa Dòng Đời, và được Nguyên Khang thu đĩa. Nhận xét theo cảm quan cá nhân, chúng tôi cho rằng cả tác giả lời Việt lẫn ca sĩ trình bày đều rất đạt!

    Dòng Đời (Nam Lộc)

    Đời tôi và bao nổi trôi
    Vùi trong thời gian dần khuất nơi chân trời
    Bạn ơi buồn vui sầu bi
    Tình đến rồi đi
    Có những lần ướt mi
    Rồi bao hào quang chói chan ở trên thế gian
    Tôi cũng tường bước qua biết bao và có biết bao đời tôi đã bước qua
    Giờ đây nhìn tháng ngày qua
    Đời lững lờ trôi đôi lúc tôi sai lầm
    Dù cho dù tôi chỉ mong được mang niềm vui đến với cùng thế nhân
    Bạn ơi thời gian vút qua nếu có lầm lỗi chi xin mong được thứ tha
    Biết bao và có biết bao điều xin hãy thứ tha
    Nhìn lại thời gian bước chân dọc ngang
    Cuộc đời cho tôi đắng cay lầm than
    Nhiều khi cố nuốt nhiều lúc lặng im
    Để nghe tiếng nói đến từ trái tim
    Dù bao thách đố vẫn đứng hiên ngang
    Đường tôi vẫn cứ đi
    Tình yêu niềm vui sầu rơi
    Tràn dâng đầy vơi khi thắng khi thua người
    Và khi lệ không còn rơi
    Đời như cuộc chơi cứ ngỡ đùa giỡn thôi
    Giờ đây dù ai có khen có trách gì nữa đi
    Cũng xin được khắc ghi
    Với tôi chẳng hối tiếc chi đường tôi vẫn cứ đi
    Dòng đời trôi qua biết bao đổi thay
    Nhưng tôi vẫn mãi vẫn luôn là tôi
    Vì tôi đã sống với chính con tim
    Dù cho phút cuối có đến với tôi
    Thì xin nhắm mắt theo áng mây trôi
    Đời như chiếc lá rơi…
    Đường tôi đã bước qua…

    Phụ lục (7): Dòng Đời, Nguyên Khang


    Ngoài ra, còn có phiên bản lời Việt của hai tác giả Nguyễn Đăng Hưng – Lê Ngọc Dũng với tựa đề Đường Đời. Mặc dù cũng có chữ “đời” nhưng nội dung không liên quan gì tới nguyên tác My Way, mà viết về một kiếp sống buồn; lời hát buồn và đẹp, cho nên rất thích hợp với các giọng nữ.
    Đường Đời

    (Nguyễn Đăng Hưng – Lê Ngọc Dũng)

    Đời tôi buồn như dòng sông
    Sầu như mùa Đông không biết đôi môi cười.
    Người ơi dòng sông ngừng trôi
    Chờ nghe mùa Đông hát tình khúc xưa.
    Tình ơi đừng theo gió đưa khuất vào chốn xưa
    Như chưa từng nhớ mong.
    Nhớ ai nhìn khói thuốc bay và làm chiếc lá rơi
    Đời tôi từng giây phút nổi trôi
    Vùi trong thời gian mang những cơn u buồn.
    Buồn ơi này ta chào mi
    Đừng đem biệt ly cất từng bước đi.
    Và khi buồn lên ướt mi
    Thắm từng nét môi còn mơ gì đến tôi.
    Đến khi nhớ thương ai
    buồn tìm bên những phút giây.
    Một ngày được mang cánh chim thời gian
    Một đời tôi đi khắp nơi dọc ngang
    Và tôi sẽ tới một cánh rừng hoang
    Làm quen với lũ bướm vàng ngẩn ngơ.
    Nằm mơ dưới nắng chiều lững lờ đưa
    Vời tôi đến chốn xưa.
    Đời qua, đời lững lờ qua
    Tình cũng mờ xa như lá Thu rơi đầy.
    Giờ đây hàng cây ngày xưa
    Buồn nghe chiều mưa hát lời tiễn đưa.
    Người ơi mù trong bóng đêm
    Dưới trời lãng quên, chơi vơi một cánh dơi.
    Và tôi, cùng với đắng cay rồi như khói thuốc bay.
    Một ngày được như đám mây Thu
    Một đời tôi xin lãng du từ đây.
    Và tôi sẽ trốn vào mãi rừng cây
    Chờ giây phút cuối đến cùng với tôi.
    Rồi xin nhắm mắt buông hết đầy vơi
    Buồn theo chiếc lá rơi.

    Phụ lục (8): Đường Đời, Ngọc Lan


    Phụ lục (9): Đường Đời, Khánh Hà


    Hoài Nam


    ©T.Vấn 2015

  2. #32
    Moderator
    saomai's Avatar
    Status : saomai v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jun 2008
    Posts: 2,146
    Thanks: 23
    Thanked 31 Times in 19 Posts

    Default WOMAN IN LOVE (Khi Nàng Yêu), Barry & Robin Gibb

    Hoài Nam: NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT(44) – WOMAN IN LOVE (Khi Nàng Yêu), Barry & Robin Gibb



    Ca khúc cuối cùng chúng tôi gửi tới độc giả trong phần giới thiệu những ca khúc phổ thông điển hình được đặt lời Việt là bản Woman in Love, một sáng tác của hai anh em Barry và Robin Gibb do Barbra Streisand thu đĩa, được Anh Bằng (?) đặt lời Việt với tựa Khi nàng yêu, và Phạm Duy với tựa Đi tìm tình yêu.

    Được tung ra vào năm 1980, Woman in Love đã đứng No.1 tại Hoa Kỳ, Anh Quốc, Ái-nhĩ-lan, Gia-nã-đại, Úc-đại-lợi, Ý-đại-lợi, Tây-ban-nha, Pháp, Đức, Áo, Thụy-điển, Thụy-sĩ, Hòa-lan, Na-uy… Cho tới nay, Woman in Love vẫn được ghi nhận là đĩa single bán chạy nhất trong sự nghiệp của Barbra Streisand.

    Trước hết, xin được viết về tác giả: Barry và Robin Gibb, hai thành viên trong ban nhạc Bee Gees của Anh quốc – ban nhạc pop & rock chỉ đứng sau ban Beatles, về số đĩa bán ra cũng như mức độ phổ biến của các khúc do họ sáng tác.


    Bee Gees (hình chụp năm 1960)

    Bee Gees gồm ba anh em ruột: Barry (sinh năm 1946) và cặp song sinh Robin, Maurice (sinh năm 1949). Ra chào đời tại đảo Isle of Man, lớn lên ở Manchester trong một gia đình nghệ sĩ: ông bố Hugh Gibb là tay trống kiêm trưởng ban nhạc khiêu vũ Hugh Gibb Band, bà mẹ Barbara xuất thân là một vũ công kiêm ca sĩ.

    Năm 1955, tức là khi mới 9 tuổi và đang học tiểu học, Barry Gibb đã cùng với hai người bạn Paul Frost và Kenny Horrocks, thành lập ban nhạc rock The Rattlesnakes, trong đó Barry đàn guitar và hát, Robin và Maurice hát, Paul Frost chơi trống, Kenny Horrocks đàn bass.

    Tháng 5/1958, Paul Frost và Kenny Horrocks bỏ đi để thành lập một ban khác. Cuối năm đó, ba anh em cùng người chị Lesley, cậu út Andy mới sanh được cha mẹ đưa sang Úc lập nghiệp tại vùng Redcliffe, gần thủ phủ Brisbane của tiểu bang Queensland. Tại đây, ba anh em vừa đi học tại trường tiểu học Humpybong State School vừa ca hát (vẫn với danh xưng The Rattlesnakes) để kiếm tiền tiêu vặt.

    Năm 1960, The Rattlesnakes được Bill Goode, một nhà tổ chức các cuộc đua xe cho trình diễn xen giữa các cuộc đua tại trường đua xe hơi Redcliffe Speedway, sân khấu là cái sàn phía sau của một chiếc xe truck chạy vòng vòng, và thù lao là tiền khán giả ném xuống.

    Thời gian này, The Rattlesnakes được Bill Goode đổi tên thành “The BG”. Hai mẫu tự BG là viết tắt tên Barry Gibb, về sau “The BG” đổi thành “The Bee Gees”.

    [Theo lời truyền tụng trong dân gian, “BG” là viết tắt của “Brothers Gibb”, nhưng tiểu sử chính thức của The Bee Gees đã khẳng định “BG” là viết tắt tên người anh cả Barry Gibb]

    Cũng trong năm 1960, Bee Gees được trình diễn lần đầu tiên trên truyền hình, sau đó được mướn trình diễn thường trực tại các trung tâm nghỉ mát ở vùng biển Queensland. Thời gian này, Barry Gibb bắt đầu sáng tác, và tới năm 1963, được nam ca nhạc sĩ Col Joyce nổi tiếng của Úc giới thiệu với hãng đĩa Festival Records.

    Năm 1965, Bee Gees tung ra album đầu tiên có tựa “The Bee Gees Sing and Play 14 Barry Gibb Songs”, nhưng không gây được tiếng vang.

    Qua năm 1966, ông bố Hugh Gibb khuyên các con trở về Anh quốc bởi “Miệt Dưới” (Downunder, nước Úc) không phải nơi khởi nghiệp lý tưởng cho các mầm non. Trước khi các con lên đường, Hugh Gibb đã gửi một số băng thu (demos) các ca khúc của Bee Gees cho Brian Epstein (1934-1967), người đã có công tạo tên tuổi cho ban Beatles; nhưng vì quá bận rộn, Brian Epstein đã trao những cuộn băng này cho anh bạn Robert Stigwood.

    Có thể nói đây là sự sắp đặt của định mệnh, bởi qua năm 1967, Brian Epstein bất thần qua đời vào tuổi 32, nếu trước đó ông không trao “demos” của Bee Gees cho Robert Stigwood, không hiểu ba anh em nhà Gibb sẽ có cơ hội được giới thiệu tới khán thính giả Anh quốc hay không?!

    Robert Stigwood, sinh năm 1934 tại Úc nhưng từ năm 1954 đã sang Anh lập nghiệp. Ông được xem là một ông bầu ca nhạc và nhà sản xuất thành công nhất trong những năm cuối thập niên 1960 đầu thập niên 1970, với hai ban Cream và Bee Gees, với hai vở ca nhạc kịch “hippy” bất hủ Hair và Jesus Christ Superstar, với cuốn phim Saturday Night Fever ăn khách nhất của thời disco…

    Chỉ sau một lần nghe Bee Gees hát thử (audition) vào tháng 2/1967, Robert Stigwood đã cho họ ký hợp đồng 5 năm với hãng đĩa Polydor Records của Anh mà ông phụ trách việc sản xuất đĩa nhạc. Sau này Robert Stigwood hồi tưởng: ngay trong buổi gặp gỡ đầu tiên ấy, ông đã tiên đoán rồi đây Bee Gees sẽ trở thành ban nhạc pop & rock tạo ảnh hưởng không thua gì ban Beatles.

    Sau khi cho tăng cường thêm hai nghệ sĩ Úc – tay trống Colin Petersen và tay guitar Vince Melouney – để có một ban nhạc 5 người, Robert Stigwood bắt tay ngay vào việc thực hiện album đầu tiên của Bee Gees (ở Anh quốc): Bee Gees 1st.

    Giữa tháng 4/1967, Robert Stigwood tung ra đĩa single đầu tiên trích trong album này: New York Mining Disaster 1941. Vì Bee Gees chưa có một chút tên tuổi, Robert Stigwood đã nảy sáng kiến chỉ ghi tên ca khúc trên nhãn đĩa chứ không ghi tác giả cũng như ca sĩ, rồi gửi cho các đài phát thanh. Kết quả, một số người phụ trách chọn nhạc (DJ) đã cho rằng đây là một ca khúc mới của ban Beatles, và cho phát đi phát lại trên làn sóng điện, khiến New York Mining Disaster 1941 được lọt vào Top 20 ở cả Anh quốc lẫn Hoa Kỳ.

    Đĩa single thứ hai của Bee Gees, To Love Somebody, không cần phải “ngụy trang” nữa, và lần đầu tiên, tên tuổi của Bee Gees đã xuất hiện trên Top 10 ở Gia-nã-đại, Úc, Hòa-lan, Bỉ; riêng tại Hoa Kỳ, To Love Somebody lên tới hạng 17 trong Billboard Hot 100.

    Bản kế tiếp là bản Holiday, lên tới hạng 16 tại Hoa Kỳ. Cùng thời gian, album Bee Gees 1st được phát hành, đứng hạng 7 tại Hoa Kỳ và hạng 8 tại Anh quốc.

    Giữa năm 1967, Bee Gees sang New York trình diễn – chuyến lưu diễn đã để lại một sáng tác để đời: bản Massachusetts.

    Nguyên nhân đưa tới việc ba anh em Barry, Robin, Maurice Gibb viết bản Massachusetts chính là thành công của bản San Francisco (Be Sure to Wear Flowers in Your Hair).

    Như chúng tôi đã viết trong một bài trước đây, San Francisco (Be Sure to Wear Flowers in Your Hair) do John Phillips của ban Mamas & the Papas sáng tác, Scott McKenzie thu đĩa, tung ra vào tháng 5/1967 để quảng cáo cho đại hội nhạc trẻ ngoài trời Montery International Pop Music Festival tổ chức một tháng sau đó, và đã trở thành “nhạc thiều” bán chính thức của phong trào phản kháng văn hóa trong thập niên 1960 (the counterculture movement of the 1960s).

    Chính sự kiện các hippies trên khắp nước Mỹ kéo nhau về San Francisco (miền Tây) đã gợi ý cho ba anh em Barry, Robin, Maurice sáng tác bản Massachusetts trong lúc ngoạn cảnh New York City bằng tàu thủy. Nội dung ca khúc là lời kể của một chàng hippy ở Massachusetts (miền Đông) hăm hở tới San Francisco, nhưng tới nơi lại nhớ nhà – nơi mà “đèn điện tắt hết” vì mọi người đã bỏ sang San Francisco; cho nên trong ấn bản phát hành tại Anh quốc, bản Massachusetts được mang một cái tựa dài hơn: Massachusetts (The Lights Went Out in).

    Một điều lý thú là khi đặt bút viết bản Massachusetts , anh em Bee Gees mới chân ướt chân ráo tới New York City, thành phố duy nhất mà họ trình diễn trong chuyến lưu diễn đầu tiên tại Hoa Kỳ; tức là họ chưa hề đặt chân tới Massachusetts. Trong một cuộc phỏng vấn sau này, Barry Gibb cho biết sở dĩ họ chọn Massachusetts thay vì chọn một tiểu bang miền Đông khác chỉ vì “chữ Massachusetts nghe hay hay, là lạ”.

    Robin, Maurice và Bary Gibb

    Bản Massachusetts do Robin Gibb hát giọng chính, phát hành năm 1968 trong album thứ hai của Bee Gees. Robin Gibb có một giọng hát trong và rung (vibrato) rất độc đáo, thường đảm trách vai trò ca sĩ chính trong thời gian đầu – những năm cuối thập niên 1960 đầu thập niên 1970. Bary hát giọng phụ và đàn guitar, Maurice hát giọng phụ và đảm trách piano, organ, bộ gõ, guitar
    -Phụ lục (1): Massachusetts, The Bee Gees


    Massachusetts đứng No.1 ở Anh, Úc, hạng 11 ở Hoa Kỳ, bán được tổng cộng trên 5 triệu đĩa, trở thành một trong những đĩa single (45rpm) bán chạy nhất của Bee Gees.

    Tuy nhiên, với người yêu nhạc trẻ ngoại quốc ở miền Nam VN trước năm 1975, ca khúc đầu tiên của Bee Gees được biết tới và yêu chuộng là bản I Started a Joke, một ca khúc trong album thứ ba của họ, phát hành cuối năm 1968, cũng do Robin Gibb hát giọng chính, ngày ấy được Trường Kỳ đặt lời Việt với tựa Mùa đông em đi.

    -Phụ lục (2): I Started a Joke, Bee Gees



    Phụ lục (3): Mùa đông em đi, Duy Quang (trước 1975)

    Barry Gibb, người anh cả, thì có một giọng “R&B falcetto” độc đáo (R&B: giọng diễn tả; falcetto: giọng the thé, cao hơn giọng bình thường một bát độ – octave), thích hợp với những ca khúc mang âm hưởng R&B hoặc disco trong thập niên 1970, 1980.

    Phụ lục (4): Stayin’ Alive , Bee Gees

    Barry Gibb, người anh cả, thì có một giọng “R&B falcetto” độc đáo (R&B: giọng diễn tả; falcetto: giọng the thé, cao hơn giọng bình thường một bát độ – octave), thích hợp với những ca khúc mang âm hưởng R&B hoặc disco trong thập niên 1970, 1980.

    Phụ lục (5): How Deep Is Your Love, The Bee Gees



    How Deep Is Your Love được sử dụng làm tình khúc chính trong phim Saturday Night Fever (1977), cuốn phim ca nhạc bất hủ của thời disco, gồm những ca khúc do Bee Gees sáng tác, và cũng là cuốn phim đã giới thiệu chàng kép trẻ John Travolta tới khán giả.

    Rất nhiều ca khúc của Bee Gees viết riêng cho các ca sĩ nổi tiếng khác đã được lên Top, điển hình là:

    – Woman in Love (1980), viết cho Barbra Streisand, đứng No.1 trên cả hai bảng xếp hạng Adult Contemporary (Easy Listening) lẫn Billboard Hot 100 ở Mỹ, và hàng chục quốc gia khác trên thế giới.

    – Heatbreaker (1982), viết cho Dionne Warwick, đứng No.1 trên bảng xếp hạng Adult Contemporary ở Mỹ và No.2 ở Anh quốc. Album có cùng tựa của Dionne Warwick với đa số ca khúc do Bee Gees sáng tác đã lên tới No.3 ở Anh, và đoạt đĩa vàng ở Mỹ.

    – Islands in the Stream (1983) viết cho cặp nam nữ ca sĩ nhạc country Kenny Rogers & Dolly Parton, đứng No.1 trên cả ba bảng xếp hạng Billboard Hot 100, Adult Contemporary, và Country ở Mỹ.

    – Chain Reaction (1985) viết cho Diana Ross, trích trong album Eaten Alive gồm những sáng tác của Bee Gees, đứng No.1 tại Anh và Úc.
    Phụ lục (6): Islands in the Stream, Kenny Rogers & Dolly Parton
    http://t-van.net/wp-content/uploads/2015/09/06-Islands-in-the-stream-Kenny-Rogers-and-Dolly-Part.mp3
    Tới đây, xin có đôi dòng về Barbra Streisand, người hát bản Woman in Love.

    Sinh năm 1942, cho tới nay Barbra Streisand vẫn được xem là nữ nghệ sĩ thành công nhất trong cả hai lĩnh vực ca nhạc và điện ảnh. Barbra Streisand là một trong số hiếm hoi nghệ sĩ đoạt cả 4 đại giải của Hoa Kỳ: Oscar (điện ảnh), Grammy (âm nhạc), Emmy (truyền hình), và Tony (kịch nghệ).

    Người nào yêu cả ca nhạc lẫn nghệ thuật thứ bảy không thể không biết tới những cuốn phim để đời của Barbra Streisand, như Funny Girl (1968), The Way We Were (1973), A Star Is Born (1976), Gentl (1983)…

    Riêng trong lĩnh vực ca nhạc, tính cho tới nay Barbra Streisand đã đoạt tổng cộng 8 giải Grammy, bán ra tổng cộng 245 triệu đĩa hát (72.5 triệu tại Hoa Kỳ), tức là đã qua mặt Bee Gees, được ghi nhận là nữ ca sĩ có số đĩa bán cao nhất, và là nữ ca sĩ duy nhất nằm trong Top 10, được xưng tụng là Mother of All Contemprary Pop Divas, hoặc ngắn gọn hơn, Queen of The Divas.

    Ba nguyên nhân chính khiến Barbra Streisand thành công tới mức ấy là: giọng hát độc đáo – nghệ thuật diễn tả – và hát được nhiều thể loại: bán cổ điển, ca kịch, jazz, pop, thậm chí cả disco!

    Trước đây chúng tôi đã có lần giới thiệu bản The Shadow of Your Smile, một ca khúc bất hủ thuộc thể loại jazz qua tiếng hát Barbra Streisand, sau đây xin giới thiệu bản Memory, ca khúc chính trong vở ca nhạc kịch Cats của Andrew Lloyd Webber, sau khi được Barbra Streisand thu đĩa (1981) đã trở thành một trong những ca khúc có gốc sân khấu (theatrical songs) được ưa chộng nhất xưa nay.

    Phụ lục (7): Memory, Barbra Streisand


    Đầu năm 1980, Barbra Streisand nhờ Barry Gibb giúp mình thực hiện một album mới, kết quả là album có tựa đề “Guilty”, gồm 9 ca khúc trong đó có 4 bản do ba anh em Bee Gees viết chung, 5 bản còn lại do Barry viết với Robin, trong đó có Woman in Love.

    Album “Guilty” đứng No.1 ở cả Hoa Kỳ lẫn Anh quốc, riêng bản Woman in Love đã trở thành đĩa single bán chạy nhất trong sự nghiệp ca hát của Barbra Streisand, đứng No.1 tại Hoa Kỳ (3 tuần liên tiếp trong Billboard Hot 100, 5 tuần liền trong Adult Contemporary Chart), Anh quốc, Gia-nã-đại, Ái-nhĩ-lan, Úc, Pháp (No.1 của cả năm), Tây-ban-nha, Tây Đức, Hòa-lan, Thụy-điển, Thụy-sĩ.

    Với thính giả lớn tuổi, quen nghe những ca khúc thuộc thể loại bán cổ điển, jazz, blues, Woman in Love có thể không mang giá trị nghệ thuật cao cho bằng 5 ca khúc khác của Barbra Streisand cũng lên No.1.




    Chính Barbra Streisand đã gián tiếp xác nhận điều đó, và để chứng tỏ mình không chiều theo thị hiếu của khán giả, trong suốt hơn 30 năm trời, Barbra Streisand chưa bao giờ hát “live” bản này trên sân khấu. Mãi tới gần đây, trong chuyến lưu diễn Âu châu năm 2013, Barbra Streisand mới hát Woman in Love một vài lần theo lời yêu cầu của khán giả.

    Thế nhưng, đa số người ái mộ Barbra Streisand đều thuộc lớp tuổi “baby boomers” trở về sau, và với những thế hệ này, Woman in Love phải được xem là một trong những ca khúc ăn khách nhất của thời đại, một sự phối hợp tuyệt vời giữa tiếng hát đầy ma lực của Barbra Streisand và sức thu hút của nét nhạc Bee Gees, những nét nhạc độc đáo không thể lẫn lộn với bất cứ nhạc của một ai khác.

    Woman in Love

    Life is a moment in space
    When the dream is gone, it’s a lonelier place
    I kiss the morning goodbye
    But down inside, you know we never know why

    The road is narrow and long
    When eyes meet eyes and the feeling is strong
    I turn away from the wall
    I stumble and fall, but I give you it all

    I am a woman in love
    And I’d do anything to get you into my world and hold you within
    It’s a right, I defend, over and over again
    What do I do?

    With you eternally mine
    In love there is no measure of time
    We planned it all at the start
    That you and I live in each other’s heart

    We may be oceans away
    You feel my love, I hear what you say
    No truth is ever a lie
    I stumble and fall, but I give you it all

    I am a woman in love
    And I’d do anything to get you into my world and hold you within
    It’s a right, I defend, over and over again
    What do I do?

    Ohh, I am a woman in love and I’m talking to you
    I know how you feel, what a woman can do
    It’s a right, I defend, over and over again

    I am a woman in love
    And I’d do anything to get you into my world and hold you within
    It’s a right, I defend, over and over again

    Tới đây, cũng xin đề cập tới một giai thoại thiếu chính xác về bản Woman in Love do Barbra Streisand thu đĩa: khoảng giữa bài hát, khi lập lại câu “I stumble and fall – But I give you it all”, Barbra đã ngân chữ “all’’ dài tới 10 giây đồng hồ; và được các DJ (disc jokey – người phụ trách chọn nhạc trên đài phát thanh) ghi nhận là “đoạn ngân dài nhất trong một ca khúc đứng No.1” tính cho tới lúc đó; và phải đợi 12 năm sau, mới bị bản I Will Always Love You do Whitney Houston hát trong phim The Bodyguard (1992) qua mặt.

    Nhưng trên thực tế, trước đó, đã có tới 3 ca khúc đứng No.1 có đoạn ngân dài hơn Woman in Love, đó là các bản Lovely Day của Bill Withers, All Out Of Love của ban Air Supply, và Dim All The Lights của Donna Summer.

    Tuy nhiên, theo nhận xét của chúng tôi, và có lẽ của nhiều người khác, cho dù không dài nhất, tiếng ngân, và nghệ thuật ngân của Barbra Streisand trong bản Woman in Love phải được xem là phân nửa cái hay trong ca khúc để đời này.
    Phụ lục (7b): Woman in Love, Barbra Streisand

    Năm 1980, ngay sau khi Woman in Love do Barbra Streisand thu đĩa làm mưa gió khắp nơi trên thế giới, ca khúc này đã được đặt lời bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, trong đó sớm nhất là tiếng Pháp, Đức, Ba-lan, Hy-lạp. Trong bài này, chúng tôi chỉ đề cập tới phiên bản tiếng Pháp tựa đề Une Femme amoureuse do Eddy Marnay đặt lời, Mireille Mathieu thu đĩa.

    Tên tuổi của Eddy Marnay và Mireille Mathieu từng được chúng tôi giới thiệu trong loạt bài này, ở đây chỉ xin nhắc sơ lại.


    Eddy Marnay (1920-2003)

    Eddy Marnay (1920-2003) là một nhà viết ca khúc nổi tiếng bậc nhất của Pháp; trong số hơn 4000 ca khúc của ông (viết trọn vẹn hoặc chỉ đặt lời) có hai bản nhạc ngoại quốc lời Pháp rất nổi tiếng là Je N’ai Rien Appris (nguyên tác: Both Sides Now), và Une Femme amoureuse (nguyên tác: Woman in Love).

    Tới thập niên 1980, Eddy Marnay đã viết nhiều ca khúc giúp lăng-xê mầm non Céline Dion của Gia-nã-đại, trong đó có bản La Voix du Bon Dieu, ca khúc đã giúp Céline được hãng đĩa CBS Records ký hợp đồng.

    Còn Mireille Mathieu, sinh năm 1946, là một nữ ca sĩ huyền thoại của Pháp, thành công với cả những ca khúc bán cổ điển lẫn phổ thông, thường được xưng tụng là “Édith Piaf thứ hai của Pháp”. Tính cho tới nay, Mireille Mathieu đã thu đĩa trên 1.200 ca khúc bằng 11 ngôn ngữ khác nhau, và bán được 122 triệu đĩa. Tương tự bản La Dernière Valse (nguyên tác: The Last Watz) năm 1967, bản Une Femme amoureuse (Woman in Love) do Mireille Mathieu thu đĩa năm 1980 đã được ưa chuộng không chỉ tại các quốc gia nói tiếng Pháp mà còn ở nhiều nơi nói tiếng Anh.

    Une Femme Amoureuse


    Le temps qui court comme un fou

    Aujourd’hui voilà qu’il s’arrête sur nous
    Tu me regardes et qui sait si tu me vois
    Mais moi je ne vois que toi
    Je n’ai plus qu’une question
    Tes yeux, mes yeux
    Et je chante ton nom
    Si quelqu’un d’autre venait
    Je l’éloignerais et je me défendrais
    Je suis une femme amoureuse
    Et je brûle d’envie de dresser autour de toi
    Les murs de ma vie
    C’est mon droit de t’aimer
    Et de vouloir te garder
    Par dessus tout
    Hier, aujourd’hui, demain
    Font un seul jour quand tu prends ma main
    C’est comme un plan fabuleux tracé là-haut
    Pour l’amour de nous deux

    Qu’on soit ensemble longtemps
    Ou séparés par des océans
    Si un danger survenait
    Je l’éloignerais et je me défendrais

    Je suis une femme amoureuse
    Et je brûle d’envie de dresser autour de toi
    Les murs de ma vie
    C’est mon droit de t’aimer
    Et de vouloir te garder
    Par dessus tout
    Je suis une femme amoureuse
    Et je te parle clair, et tu dois savoir
    Ce qu’une femme peut faire
    C’est mon droit de t’aimer
    Et de vouloir te garder
    Je suis une femme amoureuse
    Et je brûle d’envie de dresser autour de toi
    Les murs de ma vie
    C’est mon droit de t’aimer
    Et de vouloir te garder
    Et de vouloir te garder


    Phụ lục (8): Une Femme amoureuse, Mireille Mathieu



    Tại Việt Nam, sau khi văn nghệ được “cởi trói” phần nào vào những năm cuối thập niên 1980, Woman in Love đã trở thành một trong những ca khúc ngoại quốc phổ biến và được yêu chuộng nhất. Riêng tại hải ngoại, theo sự hiểu biết của chúng tôi, đã ít nhất hai phiên bản lời Việt của Woman in Love : Khi nàng yêu (cuối thập niên 1980) và Đi tìm tình yêu (cuối thập niên 1990).

    Tác giả của Khi nàng yêu được ghi tên Internet có khi là Lê Minh Bằng, có lúc lại là Anh Bằng. Như chúng ta đều biết, “Lê Minh Bằng” là bút hiệu của bộ ba nhạc sĩ Lê Dinh – Minh Kỳ – Anh Bằng. Sau tháng Tư năm 1975, Minh Kỳ, nguyên là một đại úy cảnh sát của Việt Nam Cộng Hòa, bị chế độ mới bắt đi học tập cải tạo và đã thiệt mạng trong trại vì lựu đạn nổ ngày 31 tháng 8 năm đó.


    nhạc sĩ Anh Bằng

    Ra hải ngoại, nhạc sĩ Lê Dinh sống ở Gia-nã-đại, chúng tôi đã được đọc nhiều hồi ức về nền tân nhạc Việt Nam của ông, nhưng không nghe nói ông có những sáng tác mới, trong khi nhạc sĩ Anh Bằng định cư tại Hoa Kỳ, tiếp tục sáng tác, thường là phổ nhạc các bài thơ hoặc đặt lời Việt cho các ca khúc ngoại quốc nổi tiếng. Vì thế, chúng tôi cho rằng ghi tên tác giả của Khi nàng yêu là “Anh Bằng” có lẽ hợp lý hơn “Lê Minh Bằng”.

    Còn phiên bản lời Việt “Đi tìm tình yêu” chắc chắn là của Phạm Duy. Điều này đã được chính ông xác nhận trong hồi ký “Ngàn Lời Ca”của mình.

    Năm 1989, Khi nàng yêu đã được Ngọc Hương trình bày trong CD Dạ Vũ 004 (1989) của Trung Tâm ASIA cùng với lời hát trong nguyên tác (Woman in Love).

    Ít lâu sau, Ngọc Lan cũng thu đĩa Khi nàng yêu cùng với lời hát tiếng Pháp (Une Femme amoureuse).

    Riêng phiên bản lời Việt Đi tìm tình yêu của Phạm Duy thì được Khánh Hà thu đĩa cùng với lời hát tiếng Anh.

    Khi nàng yêu

    Kiếp sống sẽ cô đơn muôn vàn,

    Trái đất kia hoang tàn,

    nếu những mơ ước không còn

    Đôi khi em mong muốn xa vời, người mình yêu,

    nhưng đau thêm khi cố quên người.

    Thế giới vắng không gian u buồn

    Nếu hai tâm hồn, nước mắt ân ái soi mòn

    Em cho anh như anh khát khao, Tình yêu anh thấm sâu,

    Còn gì cho thêm nữa đâu ?

    Em như trăm ngàn thân cô gái

    Sẽ sống muôn cách trên đời

    Sao cho anh và em chung lối,

    Đi về ta có đôi, Người yêu hỡi, em còn đây,

    Mắt môi và trái tim còn đây. Buồn như lá thu.

    Với những phút yêu anh vô cùng

    Vẫn ghi trong lòng thấm như đóa hoa hồng

    Ngờ rằng tình nồng thắm ban đầu,

    Mình gần nhau nên yêu thương khó phai màu.

    Nhớ tiếng nói năm xưa anh thề,

    “Có nhau trong đời, phút giây cũng không rời,”

    Nhưng con tim kia anh đã thay,

    Tình yêu kia khói mây, Và lời anh theo gió bay.

    Ôi bao nhiêu lần em muốn nói

    Nói với anh những giấc mộng,

    Ngày nào mình ngập tràn hạnh phúc

    Sao bây giờ ta mất nhau..

    Đành chôn kín mối tình em,

    Nhớ thương hình bóng anh ngàn năm.

    Còn gì nữa đâu?
    Phụ lục (9): Khi nàng yêu (Woman in Love), Ngọc Hương


    Phụ lục (10): Khi nàng yêu (Une Femme amoureuse), Ngọc Lan


    Phụ lục (11): Woman in Love (Đi tìm tình yêu), Khánh Hà




    Hoài Nam

  3. #33
    Moderator
    Nguyen Huu Thien's Avatar
    Status : Nguyen Huu Thien v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jul 2014
    Posts: 687
    Thanks: 59
    Thanked 57 Times in 18 Posts

    Default

    Mời đọc thêm bài viết của Hoài Nam: "Xuân Điềm, Xuân Lạ, và cây đàn Tô-bia" trên HQPD

  4. #34
    Moderator
    Nguyen Huu Thien's Avatar
    Status : Nguyen Huu Thien v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jul 2014
    Posts: 687
    Thanks: 59
    Thanked 57 Times in 18 Posts

    Default

    Quý chiến hữu và độc giả yêu nhạc có thể tìm đọc (và nghe) những bài viết cũ cũng như mới nhất của tác giả Hoài Nam trên website văn học "T.Vấn & Bạn Hữu" (t-van.net)

    NHT

Trang 6/6 đầuđầu ... 456

Similar Threads

  1. Những Nhạc Phẩm Trữ Tình Ngoại Quốc
    By KiwiTeTua in forum Nhạc Ngọai Quôc
    Trả lời: 240
    Bài mới nhất : 07-24-2020, 11:22 PM
  2. Lục quân Việt Nam hành khúc
    By SVSQKQ in forum Hùng ca
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 09-15-2014, 06:25 PM
  3. Những tình khúc hay về miền Tây
    By Cowboy72A in forum Nhạc YouTube
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 07-13-2014, 03:57 AM
  4. Vụ Án Yên Bái Việt Nam Quốc Dân Đảng 1930
    By NHATRANG1970 in forum Anh Hùng Tử Sĩ
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 06-04-2014, 06:26 AM

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •