Remember ?

Trang 2/2 đầuđầu 12
kết quả từ 7 tới 8 trên 8

Tựa Đề: Thư Bằng Phong Đặng Văn Âu gửi nhà văn Phan Nhật Nam

  1. #7
    Moderator
    Nguyen Huu Thien's Avatar
    Status : Nguyen Huu Thien v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jul 2014
    Posts: 687
    Thanks: 59
    Thanked 57 Times in 18 Posts

    Default

    Chuyện bên lề, đọc chơi cho dzui:

    “Chuẩn tướng” - “Tướng Lữ đoàn” - “Tướng một sao”

    Tuần này nhân việc có thêm một người Việt tỵ nạn cộng sản được thăng cấp Chuẩn tướng ở xứ Cờ Huê (Chuẩn tướng Châu Lập Thể, tên Mỹ là Lapthe Flora), chúng tôi xin được bàn loạn về từ Hán – Việt “Chuẩn tướng” mà từ trước tới nay nhiều người cho là thiếu chính xác, nghe rất ư là “dzô dziên”, đã gây tranh cãi bất phân thắng bại giữa một số nhà ngôn ngữ học của miền Nam VN ngày ấy.

    Chỉ tại ông Nguyễn Cao Kỳ

    Dù được khen hay bị chê, cựu Thiếu tướng Không Quân Nguyễn Cao Kỳ, nguyên Phó Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, cũng đã trở về với cát bụi, chúng tôi nhắc tới tên ông trong bài viết này chỉ với mục đích cho độc giả TVTS biết nguồn gốc của cấp bậc (trong nước gọi là “quân hàm”) “Chuẩn tướng” trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH), mà ông được “vinh dự” nhận lãnh đầu tiên.

    Ngược dòng thời gian, trong cuộc đảo chính năm 1963 lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm, cả hai vị Tư lệnh Hải Quân, Không Quân đều không chịu tham gia, nhưng trong khi Đại tá Hồ Tấn Quyền, Tư lệnh Hải Quân, bị thuộc cấp hạ sát theo lệnh của đám tướng lãnh đảo chính, thì Đại tá Huỳnh Hữu Hiền, Tư lệnh Không Quân, chỉ bị ép buộc từ chức.

    Theo một số sĩ quan Không Quân kỳ cựu, sở dĩ đám tướng lãnh đảo chính không dám “thịt” Đại tá Huỳnh Hữu Hiền là vì ông xuất thân là một phi công khu trục tài ba, vào năm 1956 đã đứng ra thành lập Đệ Nhất Phi Đoàn Khu Trục của KQVN, rất được thuộc cấp kính trọng, nếu thịt ông, rất có thể các phi công khu trục sẽ có phản ứng thất lợi.

    Thời gian này, Trung tá Nguyễn Cao Kỳ, xuất thân là một phi công vận tải, đã bị mất chức Chỉ huy trưởng Liên Phi Đoàn 1 Vận Tải, đang chờ được bổ nhiệm vào một chức vụ ngồi chơi xơi nước nào đó ở Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân ngoài Nha Trang. Theo hồi ký của cựu Trung tá Không Quân TĐC, biết được tâm trạng bất mãn của Trung tá Nguyễn Cao Kỳ, nên khi được Đại tá Đỗ Mậu (trong phe đảo chính) tham khảo ý kiến, ông TĐC đã đề nghị ông Mậu móc nối ông Kỳ đại diện Không Quân tham gia đảo chính.

    Sau cuộc đảo chính, các tướng tá tham gia đều được lên một cấp, Trung tá Nguyễn Cao Kỳ được vinh thăng Đại tá, chính thức nắm giữ chức Tư lệnh Không Quân (trước đó, Đại tá Đỗ Khắc Mai được chỉ định tạm thời làm “Quyền Tư lệnh Không Quân” trong thời gian hơn 2 tháng).

    Ba tháng sau đó, nhờ hết lòng hậu thuẫn Trung tướng Nguyễn Khánh trong cuộc “chỉnh lý” lật đổ Dương Văn Minh vào đêm 30/1/1964, Nguyễn Cao Kỳ trở thành đàn em đắc lực của ông “tướng Râu Dê” này, và cho dù cái lon Đại tá trên vai chưa kịp “rửa”, ông Nguyễn Cao Kỳ đã đòi tướng Nguyễn Khánh phải gắn lon tướng cho mình ngay.

    Cho tới lúc đó QLVNCH còn theo quy chế cấp bậc của Quân Đội Pháp, trong đó cấp nhỏ nhất trong hàng tướng (Général) là “Général de Brigade”, mang 2 sao, người Việt gọi là “Thiếu tướng”.

    Nghĩa là nếu được lên cấp tướng, Đại tá Nguyễn Cao Kỳ sẽ trở thành Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ với 2 sao trên ve áo.
    Nhưng đề nghị gắn lon Thiếu tướng cho Đại tá Nguyễn Cao Kỳ của Trung tướng Nguyễn Khánh đã bị đại số các tướng lãnh khác phản đối kịch liệt. Bí thế, ông “tướng Râu Dê” bèn chế thêm cấp bậc “tướng một sao” (tương tự như trong quân đội Hoa Kỳ) để gắn cho ông “tướng Râu Kẽm”!

    Cấp bậc mới này được Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH gọi là cấp “Chuẩn tướng”. Chữ “Chuẩn” ở đây là lấy từ cấp bậc “Chuẩn úy”.

    Mở các tự điển Hán - Việt, chúng ta thấy chữ “chuẩn” có ba nghĩa:

    (1) khuôn mẫu, thí dụ: tiêu chuẩn, (2) đã được chấp thuận, thí dụ: chuẩn y, phê chuẩn, (3) sắp sửa, thí dụ: chuẩn bị.

    Chữ “Chuẩn” trong cấp bậc “Chuẩn úy” mang nghĩa (3).

    “Chuẩn úy” được dịch từ chữ “Aspirant” trong quân đội Pháp, được người Pháp định nghĩa là “cấp bậc cao nhất trong hàng hạ sĩ quan”. Trong khi đó, cấp bậc tương đương với “Aspirant” trong quân đội Hoa Kỳ là “Warrant Officer” (WO) thì lại được người Mỹ định nghĩa là “cấp bậc thấp nhất trong hàng sĩ quan”.

    Nhưng dù theo định nghĩa người Pháp hay người Mỹ, danh xưng cấp bậc “Chuẩn úy” trong tiếng Việt nghe cũng... yếu xìu, cho nên dù trên giấy tờ ghi cấp bậc là “Chuẩn úy” và trên cổ áo mang “quai chảo”, các vị “Chuẩn úy” thường được quân nhân dưới quyền cũng như đại đa số dân chúng miền Nam ngày ấy xưng hô là “Thiếu úy”, tức là ngang hàng với các vị sĩ quan mang “một mai vàng” (lon Thiếu úy).

    Nhưng dù cấp bậc “Chuẩn úy” có nghe yếu xìu, nó cũng có cơ sở, ít nhất cũng là theo định nghĩa của người Pháp (một hạ sĩ quan CÓ THỂ, hoặc SẮP được lên Sĩ quan), nhưng đem chữ “chuẩn” ấy ghép với chữ “tướng” để chế ra cấp bậc “Chuẩn tướng” thì không ổn, bởi vì nó chỉ có nghĩa là “chuẩn bị lên tướng”.

    Trong quân đội, cái gì cũng phải minh bạch, dứt khoát, một là “tướng”, hai là “tá”, chứ không có chuyện “tá sắp lên tướng”!
    Cũng chính vì tính cách “lèng èng” của danh xưng cấp bậc “Chuẩn tướng” mà Bộ TTM đã tìm cách thăng cấp một số Đại tá thâm niên, hoặc có nhiều công trạng lên thẳng Thiếu tướng, trước khi cấp bậc “Chuẩn tướng” chính thức ra đời. Người cuối cùng lên thẳng Thiếu tướng là Đại tá Cao Văn Viên, Tư lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù, được gắn lon Thiếu tướng ngày 3/3/1964 sau khi ông bị thương (nhẹ) tại mặt trận Bời Lời.

    Hơn một tháng sau, ngày 8/4/1964, Đại tá Nguyễn Cao Kỳ được Trung tướng Nguyễn Khánh gắn lon “Chuẩn tướng” (một sao). Để việc gắn lon tướng cho ông Nguyễn Cao Kỳ đỡ “kỳ”, trong dịp này, người ta còn gắn sao cho vài vị Đại tá trẻ nữa.

    Với nhiều vị tướng thâm niên trong QLVNCH, cái lon “Chuẩn tướng” được chế ra để gắn cho Đại tá Nguyễn Cao Kỳ chỉ là lon “tướng lèo”!

    Tướng Lữ Đoàn?

    Các vị ấy cho rằng cái lon “Chuẩn tướng” (1 sao) gắn cho Đại tá Nguyễn Cao Kỳ là “tướng lèo” bởi vì trong Quân Đội Pháp không hề có cập bậc “tướng 1 sao” mà nhỏ nhất là “tướng 2 sao” (Thiếu tướng).

    Thế NHƯNG – chữ “nhưng” cực kỳ quan trọng – trong khi người Pháp gọi các vị “tướng 2 sao” của họ là “Général de brigade”, thì người Mỹ cũng gọi các vị “tướng 1 sao” của họ là “Brigadier General”, tức “Général de brigade” trong tiếng Pháp.

    “Brigade” trong tiếng Anh cũng như tiếng Pháp có nghĩa là “lữ đoàn”, một đơn vị quân đội có quân số vào khoảng 4.000 người.
    “Brigadier” có nghĩa là “Lữ đoàn trưởng”, “Brigadier General” dịch sát nghĩa là “tướng cấp Lữ đoàn trưởng”.

    Việc người Pháp gọi “tướng 2 sao” của họ là “Général de brigade” và người Mỹ gọi “tướng 1 sao” của họ cũng là “Brigadier General” (Général de brigade) thật ra cũng chẳng chết con giáp nào, nhưng với miền Nam VN thì có “vấn đề”: trước kia đã dịch “Général de brigade” (2 sao) của Pháp là “Thiếu tướng” nay dịch “Brigadier General” (1 sao) của Mỹ là gì?

    Câu trả lời, như chúng tôi đã viết ở trên, chính là chữ “Chuẩn tướng”.

    Nhưng, lại chữ “nhưng”, trước đó (trước khi ông Nguyễn Cao Kỳ được gắn 1 sao), có ít nhất một tác giả biên soạn tự điển Anh – Việt uy tín là cụ Nguyễn Văn Khôn đã dịch “Brigadier General” (1 sao) của Mỹ là “Thiếu tướng”.

    Có kẻ trong đám hậu sinh khả ố biết một không biết hai đã chê cụ Nguyễn Văn Khôn dịch sai mà không chịu hiểu rằng khi cụ biên soạn cuốn tự điển Anh - Việt này, làm gì đã có từ “Chuẩn tướng” trong ngôn ngữ của người Việt, cho nên tiếng Pháp “Général de brigade” được dịch là “Thiếu tướng” thì nay tiếng Anh “Brigadier General” không dịch là “Thiếu tướng” thì dịch là gì?!

    * * *

    Trở lại với thời gian năm 1964 và Chuẩn tướng Nguyễn Cao Kỳ, có lẽ mặc cảm bởi chữ “Chuẩn” yếu xìu ấy, ông đã không dấu diếm việc mình rất thích thú được phía đối tác Hoa Kỳ gọi là “Air Marshal” (tiếng Pháp: Maréchal de l’Air: Thống chế Không Quân, 3 sao), một danh xưng cấp bậc không hề có trong Quân đội Hoa Kỳ. Người Mỹ gọi ông Nguyễn Cao Kỳ là “Air Marshal” có lẽ vì biết ông được Không quân Pháp đào tạo, dù ông chỉ mang 1 sao, vẫn cho ông đứng ngang hàng với “Thống chế Pétain”, “Thống chế Tưởng Giới Thạch” để ông phổng cái lỗ mũi.

    Hiện nay trên Internet vẫn còn những trang mạng ghi ông Nguyễn Cao Kỳ là “Air Marshal”.

    Như vậy, nói chuyện trước mắt, nếu chúng ta gọi hai Brigadier General Lương Xuân Việt và Châu Lập Thể là “Chuẩn tướng”, danh xưng cấp bậc mà chính ông Nguyễn Cao Kỳ xưa kia đã không muốn bị gọi, e rằng không đủ trân trọng.

    Nhưng, lại chữ nhưng, nếu không gọi hai ông là “Chuẩn tướng” thì gọi bằng gì? Tướng 1 sao? Tướng lữ đoàn...

    Câu trả lời xin để các nhà ngôn ngữ học riêng chúng tôi sẽ chỉ gọi hai ông một cách ngắn gọn là “Tướng Lương Xuân Việt”, “Tướng Châu Lập Thể” – chữ Tướng viết hoa dù hơi cộc lốc nhưng vẫn còn dễ nghe hơn là “Chuẩn tướng”!

    Hơn nữa, truyền thông Anh Úc, Mỹ vẫn thường gọi các vị tướng của họ một cách ngắn gọn là “General” (Tướng) mà đâu có ai cho là xách mé, hoặc thiếu trân trọng?!

    Khi nào hai ông được gắn thêm một sao nữa, chúng ta sẽ gọi một cách đầy đủ là “Thiếu tướng”.

    LNĐ Tháng 6/2016
    (nguồn: Tivi Tuần-san, Úc châu)

  2. #8
    nguyenphuong's Avatar
    Status : nguyenphuong v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jul 2012
    Posts: 645
    Thanks: 40
    Thanked 16 Times in 6 Posts

    Default

    HỒI ĐÁP THƯ CỦA BẠN VÕ Ý


    BẰNG PHONG ĐẶNG VĂN ÂU

    Thành phố Westminster, Ngày 30 tháng 6 năm 2016

    Bạn Võ Ý thân mến,

    Lẽ ra sau khi đọc cái email của bạn nhận xét về bức thư tôi viết cho Phan Nhật Nam, tôi bước sang nhà bạn để giải thích cho bạn rõ tình tiết. Nhưng vì bạn gửi email cho nhiều người thì tôi cũng viết thư này đưa lên mạng để có nhiều người đọc. Và tôi vẫn sử dụng hai chữ “thân mến” để cho người đọc thấy rằng chúng ta tuy không đồng quan điểm, không đồng nhận thức, nhưng vẫn ứng xử với nhau thân tình, có văn hóa.

    Trong sinh hoạt dân chủ, sự đối thoại là rất cần thiết để học hỏi, trao đổi lẫn nhau kiến thức, quan điểm, lập trường nhằm tìm ra con đường cứu nguy dân tộc. Chúng ta không có mục đích tranh cử, tranh giành chiếc ghế quyền lực mà cần phải bôi bác lẫn nhau giống ông Trump và bà Hillary Clinton. Qua bức thư bạn thay mặt Phan Nhật Nam để viết bài nhận xét bức thư tôi gửi cho bạn Phan Nhật Nam, bạn đã dùng lời lẽ khá lịch sự là điều đáng quý và đáng để làm gương cho những người tranh luận phải nghiêm túc, phải có văn hóa. Có nhiều người tưởng rằng khi viết tiếng Việt thì người Mỹ không đọc, nên họ dùng ngôn ngữ “đầu đường xó chợ” một cách vô trách nhiệm. Tôi quan niệm rằng dù chúng ta thua trận (bất cứ vì lý do gì) thì chúng ta cũng cần phải giữ phong cách ứng xử có văn hóa để người Mỹ từng giúp đỡ Đất Nước mình không khinh dân tộc mình. Tôi từng đọc những bài viết của cựu sĩ quan xuất thân trường Võ bị Quốc Gia Đà Lạt, Liên trường Võ khoa Thủ Đức mạt sát nhau mà cảm thấy vừa xấu hổ, vừa đau đớn. Tôi tin rằng người Mỹ có một cơ quan theo dõi báo chí Việt ngữ để tìm hiểu “người bạn đồng minh của họ” thuộc hạng người như thế nào. Chẳng qua, người Mỹ có văn hóa, nên họ lịch sự im lặng; chứ trong thâm tâm họ rất khinh những lời nói thô lỗ của người Việt Nam mình.

    Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn viết cuốn “ĐEM TÂM TÌNH VIẾT LỊCH SỬ” giúp cho tôi hiểu được một giai đoạn lịch sử mà hồi đó mình quá nhỏ để hiểu biết. Tôi bắt chước ông Nguyễn Mạnh Côn, bèn tiếp nối công trình của ông Côn để giúp cho thế hệ con, em mình biết được một số sự kiện đã xảy ra trong thời đại của mình, mà những nhà viết sử chuyên nghiệp (như bạn Trần Gia Phụng) đã viết ra không đúng. Là một người không hiểu biết về Tổng thống Ngô Đình Diệm, lại tham gia vào đảng Đại Việt, một đảng chống Tổng thống Diệm thì tôi cũng nhắm mắt chống luôn. Nhưng khi có nhiều tài liệu và thực tiễn xảy ra trước mắt, tôi nhận thấy Tổng thống Ngô Đình Diệm không đáng bị nguyền rủa như một số phần tử thiếu lương thiện đã làm. Tổng thống Diệm đã nằm xuống từ 53 năm, nhưng tôi còn nhắc lại vì kẻ hậu sinh cần phải công minh với lịch sử. Nếu chúng ta bất minh, thì sự tranh đấu của chúng ta sẽ trở nên vô nghĩa hoặc nếu giành được chính quyền thì cái chính quyền đó cũng giống như bọn cầm quyền Việt Cộng mà thôi.

    Cũng thế, Tướng Kỳ về nước không phải để làm ăn buôn bán với Việt Cộng hay thông đồng với Việt Cộng nhằm mục đích kiếm chút địa vị. Tôi đã nói trước với Tướng Kỳ rằng nếu ông về VN thì băng đảng Việt Tân sẽ tìm đủ mọi cách bôi nhọ thanh danh ông. Quả nhiên, Đại tá Nguyễn Xuân Vinh – Cựu Tư Lệnh KQVNCH, Chủ tịch Tập thể Chiến sĩ, một cơ sở ngoại vi của Việt Tân – liền lên đài RFA mạt sát Tướng Kỳ trong khi ông Kỳ còn ở Thái Lan, rồi sau đó giáo sư Vinh ra Tuyên Cáo cũng bằng cái giọng khinh miệt “Nguyễn Cao Kỳ không có căn bản học vấn”. Tôi nhận thấy sự khinh miệt của giáo sư Vinh chê ông Kỳ “không có căn bản học vấn”, tức là ông Vinh coi cái Tập thể dưới sự lãnh đạo của mình đều là những phần tử “không có căn bản học vấn”. Điều đáng tiếc là những anh em chiếc sĩ từng đem xương máu bảo vệ Tổ Quốc mà kẻ đứng ra lãnh đạo mình thì khinh miệt mình, nhưng vẫn cúi đầu phục vụ, tôi cảm thấy đau và nhục cho các cựu chiến hữu của tôi. Nếu giáo sư Vinh nhận thấy Tướng Kỳ làm điều khuất tất, nịnh bợ kẻ thù, làm mất chính nghĩa Quốc gia, thì tại sao với tư cách Chủ tịch Tập thể không dùng địa vị của mình để tổ chức buổi họp Ban Chấp Hành, rồi mời ông Kỳ đến điều trần như sinh hoạt dân chủ một cách nghiêm túc, mà lại lẩn tránh, trong khi ông Kỳ tuyên bố sẵn sàng trả lời những thắc mắc của ông cựu Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn, của giáo sư Vinh và các chiến hữu?

    Đó là câu hỏi của tôi đặt ra cho giáo sư Nguyễn Xuân Vinh để cho những người Chống Cộng sau này biết cách mà ứng xử; chứ đừng chửi người ta xong thì trốn tránh. Nên nhớ, muốn cho cộng sản đừng khinh thì hàng ngũ Chống Cộng trước hết phải có nhân cách. Tôi chỉ đòi hỏi giáo sư Vinh nên ứng xử xứng đáng là vị Chủ tịch Tập Thể Chiến Sĩ có uy quyền; chứ tôi không bênh vực hay tâng bốc Thiếu tướng Kỳ.

    Bạn Võ Ý không nhận thấy vị Chủ tịch Tập thể mà bạn dốc tâm phục vụ là hèn và thiếu nhân cách sao? Khi ở trong nước, còn chiến đấu dưới cờ, vì kỷ luật Quân Đội, chúng ta không dám ra mặt chống lại Đại tướng Nguyễn Khánh, từng kéo mấy ông Tướng ra Vũng Tàu để viết bản Hiến Chương, có tên gọi là Hiến Chương Vũng Tàu, xong đem ra công bố thì bị sinh viên biểu tình đả đảo Nguyễn Khánh. Thế là Đại tướng Nguyễn Khánh cũng tung quả đấm tay lên trời hô lớn: “Đả đảo Nguyễn Khánh! Đả đảo Nguyễn Khánh”. Lúc bấy giờ, tôi đã đánh giá ông Nguyễn Khánh là Đại tướng Phường Tuồng; nhưng đành phải đứng trong hàng ngũ Quân Đội; chứ không thể đào ngũ. Tôi đau hết sức! Nhưng nay thấy Đại tướng Khánh, từng là Quốc trưởng VNCH mà lại đầu quân cho Chính phủ Lưu Vong Nguyễn Hữu Chánh để được phong Quốc Trưởng, thì tôi tự cảm thấy mình bị sỉ nhục. Người Lính nào không cảm thấy nhục là vì họ không coi danh dự Người Lính không ra gì!

    Khi nhìn bức ảnh chụp giáo sư Vinh ngồi trên chiếc xe Hoa Kỳ bỏ mui trần (décapotable) dựa ngửa vào lưng ghế, một tay gác lên thành xe, có hai ông sĩ quan đi bộ hầu hai bên (một vị là Trung tá Trần Thiện Hiệu, TQLC), trong cuộc diễn hành Ngày Quốc Hận 30 Tháng 4 (mà Việt Tân đổi tên là Ngày Tự Do cho Việt Nam) ở Hoa Thịnh Đốn, tôi cảm thấy nhục cho Quân Lực VNCH vì có hai vị cựu sĩ quan tác chiến đi hầu một ông cựu Đại Tá đào ngũ. Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh bắt chước dáng điệu bệ vệ của một lãnh tụ ngồi trên xe diễn hành, tôi càng thấy thương xót cho ông quá chừng chừng. Đâu có danh giá gì mà diễn trò khó coi vậy?

    Bạn Phan Nhật Nam tặng tôi cuốn sách “Những Sự Thật Cần Được Nói Ra”. Bắt chước Phan Nhật Nam, tôi cũng viết ra một số sự thật mà tôi biết; chứ tôi không sùng bái Tổng thống Ngô Đình Diệm hay Tướng Nguyễn Cao Kỳ.

    Cái việc Tổng thống Ngô Đình Diệm không chấp nhận lời yêu cầu của Đức Cha Lê Hữu Từ giữ lực lượng võ trang Bùi Chu – Phát Diệm riêng, không sát nhập vào Quân Đội Quốc Gia, là điều rất ít người biết. Tôi viết ra sự kiện ấy để phản bác luận điệu của Việt Cộng vu cho Tổng thống Diệm là người dành đặc quyền cho Công Giáo và đàn áp Phật giáo.

    Cái việc Tướng Kỳ ký một “Affidavit” gửi cho Tòa Án Alexandria, Virginia, nhìn nhận trách nhiệm ông là người ra lệnh cho Tướng Loan có quyền xử tử đặc công Việt Cộng mà không vi phạm quy ước Genève là điều rất ít người biết. Tôi viết ra sự kiện này cũng để cho bọn xấu biết rằng Tướng Kỳ không phải là người “đâm sau lưng chiến sĩ”. Lúc nào ông Tướng Kỳ cũng bảo vệ anh em, giống như trước cái chết của KQ Phạm Đăng Cường, ông đã hài tội Mặt Trận HCM là một băng đảng, mà các Tướng khác đều im lặng !

    Tôi không có bằng chứng để buộc tội Mặt Trận HCM là thủ phạm giết nhà báo Đạm Phong và vợ chồng Lê Triết. Nhưng tôi nghi, sự im lặng của Mặt Trận cũng như sự hốt hoảng của Việt Tân, sau khi cuốn phim “Terror In Little Saigon” ra mắt, là phản ứng của kẻ có tội. Tôi nghi Nguyễn Xuân Nghĩa, cháu của Mười Cúc Nguyễn văn Linh, Tổng Bí thư Việt Cộng, tham gia Mặt Trận HCM để làm quân sư là có chủ đích, nhưng không có bằng cớ để viết ra. Nhưng sau khi cuốn phim “Terror In Little Saigon” ra mắt, Nguyễn Xuân Nghĩa tiết lộ rằng ông ta tha mạng cho Đỗ Ngọc Yến, Chủ báo Người Việt, (tức là Mặt Trận có K-9) thì tôi hiểu chủ đích của ông Nghĩa là nhằm tạo ảnh hưởng trong giới truyền thông. Tôi viết bài “Nguyễn Xuân Nghĩa, Anh Là Ai?” để hỏi đương sự nói sự thật (chứ không buộc tội), nhưng đương sự không trả lời; tức là đương sự có điều khuất tất.

    Tôi đăng bài “Vàng Rơi Không Tiếc” của Đào Vũ Anh Hùng trên Giai phẩm Lý Tưởng, mà bị Mặt Trận đòi tịch thu và gọi điện thoại dọa giết, tôi có phản ứng chống lại dù bị hy sinh. Thời gian đó, Nguyễn Xuân Nghĩa là Tổng Tuyên Huấn của Mặt Trận, buộc lòng tôi phải nghĩ Nguyễn Xuân Nghĩa có mục đích diệt truyền thông tự do giống như Việt Cộng độc quyền truyền thông.

    Tôi đã sang nhà Ý, hỏi tận mặt Phan Nhật Nam nghĩ gì về câu tuyên bố của Trúc Hồ, Tổng Giám đốc SBTN “Chúng ta đòi lật đổ chế độ Cộng sản là sai …” thì Nam vừa quay đít đi, vừa đáp: “Trúc Hồ là thằng con nít, biết gì chính trị!” Tôi nhận thấy thái độ của Nam vừa trịch thượng vừa khiếm nhã. Thái độ đó Nam đối với ai khác là quyền của Nam; nhưng đối với tôi, Nam không được làm như vậy. Bởi vì trước năm 1975, Nam và tôi từng bàn bạc với nhau mưu đồ chuyện Cứu Nước; bây giờ tôi đặt cho Nam câu hỏi đó cũng là vì chuyện Đất Nước. Tôi không có ý định làm khó Nam. Tôi chỉ muốn biết quan điểm của Nam trong vấn để được nhiều người Chống Cộng nêu lên về Trúc Hồ. Truyền thông là khí giới vô cùng lợi hại. Nó có thể giết chết một con người, giết chết một chế độ. Hành vi của mấy tên Việt Cộng giả làm sư, chui vào Phật giáo gây rối, nhưng Việt Cộng tuyên truyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo là để giết chết chế độ, mà bọn trí thức vẫn tin theo.

    Tôi đã từng khuyên Phan Nhật Nam hãy đứng ngoài cuộc tranh chấp giữa tờ Người Việt và tờ Saigon Nhỏ của bà Hoàng Dược Thảo. Vì đó là cuộc tranh chấp thương mại; chứ không phải vì quan điểm, lập trường chính trị. Lời khuyên đó, tôi nghĩ là thiện chí nhằm mục đích bảo vệ thanh danh của bạn mình. Nhưng Nam không nghe.

    Sau khi ký giả Bùi Dương Liêm phỏng vấn Nguyễn Thanh Tú, con trai ký giả Đạm Phong, có nhiều sự thật phơi bày:

    1/ Trúc Hồ lợi dụng hai bài nhạc của Việt Khang để gây quỹ giúp Việt Khang. Lợi tức thu được nửa triệu đô la; mà Trúc Hồ chỉ thí cho Việt Khang 250 đô la. Tôi cho việc làm của Trúc Hồ là tán tận lương tâm.

    2/ Nhật báo Người Việt kết cấu với Việt Tân. Vì tờ Người Việt không đăng bất cứ điều gì liên quan đến sự mờ ám của Đảng Việt Tân.

    Từ lâu tôi đã nghi ngờ những Đại hội gây quỹ “Cám Ơn Anh” của Trúc Hồ, vì có nhiều nguồn dư luận đòi Trúc Hồ phải minh bạch tài chánh; nhưng không được đáp ứng. Chẳng hạn, trong một tờ quảng cáo Đại Nhạc Hội yêu cầu các nhà hảo tâm gửi tiền yểm trợ về cho SBTN, tôi cũng nghi tại sao tiền không gửi về cho Hội Thương Phế Binh VNCH, mà lại gửi cho SBTN, thì ai kiểm soát? Tôi cũng nghi tờ Người Việt có mối liên hệ chặt chẽ với Việt Tân. Bởi vì bài viết nào của tôi đặt vấn đề với Việt Tân thì tờ Người Việt ỉm đi, không chịu đăng. Lẽ ra vì tình đồng nghiệp, tờ Người Việt phải giúp Nguyễn Thanh Tú – con nhà báo Đạm Phong – đi tìm công lý cho cha mới phải. Đằng này, Người Việt im lặng trước lời yêu cầu của Tú, thì tôi nhận thấy tờ Người Việt quá vô cảm và không thực hiện đúng vai trò truyền thông “Fair – Balance – Accuracy” để tạo NIỀM TIN nơi độc giả.

    Sau năm 1975, chúng ta khám phá ra nhiều phần tử tưởng là “quốc gia” mà hóa ra “nằm vùng”. Cho nên ngày nay nhận thấy những hành vi mờ ám, không trong sáng của Trúc Hồ, ta phải hoài nghi để khỏi sụp lỗ thôi. Tổng thống Thiệu vừa vỗ vai Pham Xuân Ẩn, vừa khen một cách trịnh trọng: “Nếu Miền Nam có chừng mười nhà báo như Phạm Xuân Ẩn thì Miền Nam sẽ vững như bàn thạch”. Kết quả là gì như bạn đã biết đó.

    Nếu sự hoài nghi được nêu lên và đối tượng trả lời một cách rõ ràng, minh bạch, ta mới hết nghi. Nếu lời tố giác của Nguyễn Thanh Tú mà Trúc Hồ lên tiếng kiện vì bị vu khống, chắc chắn tôi đã không viết thư cho Nam.

    Tôi từng riêng tư góp ý một cách chân thành với Nam, nhưng Nam chẳng thèm nghe; mà còn có thái độ khinh khỉnh, ắt tôi phải lên tiếng công khai, vì Phan Nhật Nam là một nhà văn, nhà truyền thông, nên tiếng nói của Nam sẽ có ảnh hưởng trong Cộng Đồng. Đâu còn là chuyện anh em trong nhà đóng cửa dạy nhau? Thư tôi viết cho Nam là có mục đích kéo tay Nam ra khỏi sự cộng tác với một Tổng Giám Đốc Truyền thông tán tận lương tâm, ăn quịt tiền tác quyền của tác giả (đang là nạn nhân cộng sản). Nếu Nam cứ tiếp tục phục vụ, ắt Nam a tòng với bọn xấu làm hoen ố chính nghĩa đấu tranh của người Việt chống Cộng. Đó là cách tôi bảo vệ thanh danh cho Nam. Tại sao bạn nghĩ là tôi đểu cáng, xỏ xiên?

    Bạn Võ Ý thân mến,

    Phan Nhật Nam là nhà văn nổi tiếng, trở thành người của quần chúng. Nam từng khoe Nam giỏi tử vi, giỏi tướng số trong nhiều cuộc nhậu có đông đảo người tham dự, thì tôi nhờ Nam xem tướng mạo Nguyễn Xuân Nghĩa là con người như thế nào, đâu có gì là sai? Đâu có gì gọi là châm biếm Nam? Còn chuyện Nam có bố mẹ đi theo cộng sản là do Nam viết ra cho công chúng biết; chứ đâu phải là chuyện riêng tư mà Nam tiết lộ với tôi, rồi tôi bạch hóa như là điểm chỉ? Một người có bố mẹ đi theo Việt Cộng mà người con chống Việt Cộng một cách quyết liệt như Nam là điều đáng quý lắm chứ! Bạn Ý nghĩ rằng 4 chữ “thân mến” mà tôi dùng trong thư tôi viết cho Nam là không thân mến chút nào, thì đấy là cảm giác của bạn thôi! Anh em dù khác nhau về nhận thức, khác nhau về tư duy, vẫn là anh em; chứ đâu phải là kẻ thù? Nếu bạn Võ Ý gán những chữ “đều cáng”, “điểm chỉ” cho tôi mà tôi đoạn tuyệt bạn thì tôi đâu còn là bậc trượng phu nữa? Tôi vẫn coi Võ Ý là bạn của tôi để đùa cợt, để khi trái gió trở trời còn chạy qua, chạy lại với nhau chứ! Nếu Ý không tin, bạn hãy thử nhấc điện thoại “hú” một tiếng là tôi sang ngay.

    Tôi có kết tội Nam là cộng sản đâu mà bạn phải “khẳng định PNN vẫn giữ vững lập trường quốc gia dân tộc, làm việc có lý tưởng, và trung hậu với các chiến hữu của mình (còn sống hay đã hy sinh).” Tôi chỉ khuyên Nam đừng làm việc cho Trúc Hồ và đừng giao du với Nguyễn Xuân Nghĩa mà bị mang tiếng với đời thôi! Chúng ta, bạn và tôi, chủ trương Chống Cộng triệt để, tại sao bạn lại chỉ cho tôi vào đường link của tờ báo Việt Cộng chuyên môn nói láo để tìm sự thật: (Luuquangphổ/xuântn/ấtdậungày25/01/2005) – www.nhandanvietnam.org/view.php?storyid=252.

    Bạn viết: “Theo tôi, dù lưu lạc quê người, chiến dịch Tìm Về Tổ Ấm của Việt Nam Cộng Hòa trước kia vẫn còn sáng rực chính nghĩa đó bạn à!”. Có phải bạn cho rằng lâu nay tôi viết những bức thư cho ông Nguyễn Xuân Nghĩa, cho ông Trần Quang Thuận là một kẻ lạc đường như Việt Cộng, nên bạn khuyên tôi phải “Tìm Về Tổ Ấm của Việt Nam Cộng Hòa trước kia vẫn còn sáng rực chính nghĩa”? Tôi nghĩ rằng câu nói của bạn là có hậu ý để ám chỉ tôi đang làm lợi cho cộng sản, nên phải quay về Tổ Ấm? Tôi đang đi tìm SỰ THẬT; chứ tôi không soi mói những người có tinh thần Quốc Gia.

    Ngoài ra, có đoạn văn này của Ý thì tôi cần bàn này: “Tôi không có ý kiến về các hoạt động của ông Nguyễn Xuân Nghĩa, báo Người Việt và đảng Việt Tân. Nếu những cơ quan và cá nhân nầy vi phạm luật pháp nước Mỹ thì chúng ta nên dành quyền tố tụng đó cho luật pháp Mỹ. Nếu tôi nhận được bằng cớ tội phạm của những đối tượng nầy, đương nhiên tôi sẽ thể hiện trách nhiệm của một công dân. Có thể BPĐVÂ đang sưu tầm những bằng cớ “trục lợi bất chánh” hoặc “khủng bố” khác, tôi mong bạn sớm có trong tay những bằng cớ giá trị để sớm nhờ luật pháp trừng trị những kẻ phản bội và bưng bô cho cộng sản”.

    Không! Chính quyền Hoa Kỳ không có đạo luật nào cấm người tị nạn Việt Nam nào hô hào Kháng Chiến bịp! Nhưng chúng ta phải chống bọn Kháng Chiến Bịp vì nó làm mất Niềm Tin của đồng bào và làm hại đến chính nghĩa đấu tranh cho Tự Do Dân Chủ của Việt Nam. Do ý thức đó, tôi chống Mặt Trận HCM. Bạn không chống Mặt Trận là quyền của bạn, không ai được phép chê trách bạn. Bởi vì cuộc đấu tranh này là cuộc đấu tranh của lương tâm. Đâu ai có thề bắt người khác phải làm như mình?

    Tôi đã từng viết Mặt Trận HCM (cha đẻ Việt Tân) làm Kháng Chiến giả, chiến hữu Chủ tịch đã chết, nhưng Nguyễn Xuân Nghĩa vẫn cho đăng trên tờ báo Kháng Chiến những thư của Chủ tịch từ chiến khu quốc nội gửi lời thăm các cháu nhi đồng trong dịp Tết Trung Thu, thăm đồng bào trong dịp Tết Nguyên Đán; phịa những trận đánh đồn Công An cộng sản sát nách Sàigòn để lạc quyên, tức là giết chết Niềm Tin của đồng bào. Nguyễn Xuân Nghĩa dùng lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ để dán vào các lon tiền lạc quyên đặt lây lất ở nơi chợ búa, tiệm ăn thì còn gì cái ý nghĩa thiêng liêng “Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ” mà bạn và tôi thường tôn vinh? Xin hỏi bạn, trong trường tranh đấu Chống Cộng, điều bạn quan tâm hơn hết là điều gì? Luật pháp Hoa Kỳ không có điều khoản nào cấm người dân dẫm đạp lá cờ. Ngay cả ai muốn dùng lá cờ “Sao Sọc” (Stars & Stripes) của Mỹ may quần tắm để mặc cũng được, không vi phạm pháp luật. Nhưng nếu có ai dùng “Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ” may quần tắm mà bạn thản nhiên, không quan tâm, thì tôi coi sự Chống Cộng của bạn có vấn đề! Cái nhìn của bạn và của tôi đối với hành vi của Nguyễn Xuân Nghĩa khác nhau là ở điểm đó.

    Ngay cả “Sư Quốc Doanh Việt Cộng” hoạt động Phật sự trong chùa cũng không vi phạm luật pháp Hoa Kỳ, nhưng tôi lo lắm. Cho nên khi bạn viết bài “Chùa Tôi Thầy Tôi”, tôi liền khuyên bạn không nên dùng danh dự của một vị Trung tá KQ VNCH để bảo đảm uy tín ông sư Giác Đẳng mà mình chưa nắm vững lý lịch. Tôi nghĩ mình chơi với bạn, thì mình nên cảnh tỉnh bạn mình thận trọng, bởi vì thủ đoạn của cộng sản rất khó lường. Nếu để mặc cho bạn cứ thoải mái sa lầy thì mình đểu quá! Cũng như tôi khuyên giáo sư Nguyễn Xuân Vinh đừng nhận cái chức Chủ tịch Tập Thể Chiến Sĩ, vì tôi nghi Hoàng Cơ Định dựng ra TTCS có âm mưu dùng nó làm ngoại vi cho Việt Tân, giống như Đoàn Thanh niên Phan Bội Châu. Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh không nghe lời tôi, nên vị cựu Tư Lệnh KQVNCH, vị giáo sư Đại học bị rất nhiều người khinh bỉ cái tội háo danh, vô tư cách.

    Những hoạt động Chống Cộng ở hải ngoại có tính cách hình thức “treo cờ, cuốn cờ, phủ cờ” như nhà báo Sức Mấy Đinh Từ Thức nhận định. Tập Thể Chiến Sĩ tổ chức Đại Hội để được dịp mặc quần áo lính, đeo huy chương có tính nặng phần trình diễn; chứ không hề có một chiến thuật, chiến lược gì cả để chống lại sự xâm nhập của cộng sản vào Cộng Đồng. Đó là điều mà Nghị Quyết 36 của cộng sản rất mong muốn.

    Bạn khen Trúc Hồ đã làm 9 kỳ Đại Hội Cám Ơn Anh và khuyên tôi nên mua vé tham dự kỳ Đại Hội thứ 10 sẽ được tổ chức vào Tháng 7. Có phải bạn có ý trách tôi đứng ngoài công tác từ thiện của Trúc Hồ? Thế bạn không nhớ tôi đã âm thầm kêu gọi anh em đóng góp giúp nhạc sĩ Việt Khang, mà bạn cũng có đóng góp và tôi đã báo cáo đầy đủ chi tiết đến anh em. Số tiền đóng góp của anh em lên đến 3 ngàn đô la, đã được giao tận tay người nhận; chứ không phải chỉ có 250 đô la như Trúc Hồ. Đi tham dự Đại Hội thì có dịp giải trí và phô trương hành động thiện nguyện của mình. Với sự hưởng ứng của bạn bè tin tưởng ở mình, tôi cũng đã âm thầm làm được công tác hữu ích vậy. Cho nên bạn khỏi cần khuyên tôi nên đi dự Đại Hội 10 của Trúc Hồ tổ chức!

    Chúng ta thường trò chuyện với nhau nhiều lần mỗi buổi sáng uống café ở Câu Lạc Bộ Royal Garden, Ý biết tôi là người chẳng về phe ai cả. Phan Nhật Nam là bạn, Võ Ý cũng là bạn. Khác cách nhìn về một vấn đề là chuyện thường. Nếu chúng ta yêu nước, mà thấy Việt Tân làm chuyện mờ ám, mà thấy truyền thông đứng về một phía, không lên tiếng bênh vực cho con một nạn nhân đi tìm công lý cho cha mình, thì tôi lên tiếng để cảnh giác bạn mình, thế thôi! Chia phe, chia đảng làm gì? Ăn cái giải gì đâu, hả Ý? Chẳng lẽ mình thấy sự sai trái của một tổ chức băng đảng Kháng Chiến mà mình im tiếng, thì hóa ra mình sợ hay vô cảm hay sao?

    Cám ơn bạn đã cho tôi biết Phan Nhật Nam bị mổ. Tôi sẽ gọi điện thoại cho nó để sang thăm nó. Tuy Nam là nhà văn nổi tiếng, nhưng tôi không hề có mặc cảm thấp kém hơn Nam để phải dùng lời lẽ xỏ xiên, đểu cáng. Tôi dư sức tranh luận một cách nghiêm chỉnh với Nam về vấn đề Đất Nước. Như tôi cũng từng viết rằng tôi sẵn sàng đối đáp với kẻ nào lịch sự, nhã nhặn đặt vấn đề cho tôi; chứ không hề trốn chui, trốn nhủi như các ông Nguyễn Xuân Nghĩa, ông Trần Quang Thuận. Tôi yêu cầu bạn Phan Nhật Nam phải trả lời trước công luận để bạn mình chứng tỏ với quần chúng độc giả rằng Nam không làm điều gì khuất tất. Cây ngay đâu sợ chết đứng?

    Bạn Võ Ý thân mến của tôi ơi!

    Tiếng gọi này là chân thành; chứ không phải đểu đâu nhé! Tôi từng trầm tư để nghe bạn đọc thơ tỏ lòng nhớ vợ, thương con khi bạn ở trong tù. Điều đó chứng tỏ tôi chia sẻ nỗi đau của bạn; chứ không dửng dưng vô cảm.

    Chúng ta dù thua trận; nhưng chúng ta không bắt chước Đặng Dung mài gươm dưới trăng mà than thở. Chúng ta quyết không là con hổ nhớ rừng để ngậm mối căm hờn trong cũi sắt. Chúng ta mất súng, nhưng còn cây bút để trừ ác diệt tà. Những bài viết thẳng thắn của tôi được nhiều độc giả viết email, gọi điện thoại khen tôi can đảm. Không phải đâu! Tôi chả có gì là can đảm cả. Tôi chỉ là một Phật tử rất tin vào lời dạy của Đức Phật: Bi, Trí Dũng. “Nếu kẻ thù giết ta thì xác thân ta chết; nhưng linh hồn ta bất diệt”. Thế thì việc gì ta phải sợ bị bọn Kháng Chiến Bịp hãm hại mà phải im tiếng?

    Bạn hãy đọc thư này đi, xong gọi tôi sang nhà để uống với nhau một chum trà, một cút rượu để tạm nguôi ngoai nỗi nhục mất nước, để truyền lại cho thế hệ tương lai cái nghĩa khí của thân trai thời loạn đã một thời hiến dâng cho Đất Nước, ta nhất quyết “Không Bỏ Anh Em, Không Bỏ Bạn Bè”. Cách chúng ta ứng xử với nhau như thế thì hàng con cháu sẽ không khinh chúng ta đã thờ ơ đối với vận nước, đối với bọn nhân danh Kháng Chiến Giải Phóng Việt Nam, mà lại là kẻ đi lừa, dùng tiền để khống chế truyền thông.

    Thư tôi viết cho Nam là để nâng cao nhận thức của quần chúng độc giả nhằm giúp họ hiểu rằng hòa giải hòa hợp dân tộc là trách nhiệm của kẻ thắng trận đối với nhân dân trong nước. Chúng ta bây giờ là người Mỹ, không có nghĩa vụ gì để hòa hợp hòa giải với bọn cầm quyền thô bạo, man rợ. Ta chỉ cần bảo cho bọn cầm quyền cộng sản hãy bỏ cái Nghị Quyết 36 đi, hãy trở về với Dân Tộc thì lúc đó mới đem vấn đề hòa giải hòa hợp ra bàn.

    Tôi nhấn mạnh lại với Ý một lần nữa: Đây không phải là cuộc tranh cãi lời qua tiếng lại của kẻ đua tranh ai phải ai trái giống như bọn thất phu, làm cho thiên hạ chê cười. Trước sau, ta vẫn là đấng trượng phu trong khúc ngâm Hồ Trường đầy hào khí, nghe Võ Ý, bạn của tôi.

    Thân ái,

    Bằng Phong Đặng văn Âu,
    Email address: audang033@gmail.com;
    Điện thoại: 714 – 276 – 5600.

Trang 2/2 đầuđầu 12

Similar Threads

  1. Hai ngày gác linh cữu Hoàng Văn Nhạn.
    By bebau in forum Liên Khóa SVSQKQ
    Trả lời: 4
    Bài mới nhất : 07-10-2016, 02:54 PM
  2. Luận về Tháng Tư Đen - TS Phan Văn Song
    By saomai in forum Chuyện 30.4
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 04-29-2016, 06:17 AM
  3. Phan thị Bé & Nguyễn Phùng Phong - Trùm Buôn Người
    By KiwiTeTua in forum Video, clip ngắn
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 03-30-2016, 10:57 PM

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •