Remember ?

Trang 3/3 đầuđầu 123
kết quả từ 13 tới 14 trên 14

Tựa Đề: Bạn Già Không Quân : Tưởng Niệm

  1. #13
    Moderator
    Hoanghac's Avatar
    Status : Hoanghac v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Sep 2011
    Posts: 771
    Thanks: 1
    Thanked 37 Times in 28 Posts

    Default Không Chiến

    Không Chiến
    ~~~



    Xin tạm hiểu khi phi cơ đánh nhau trên trời thì mình gọi đó là không chiến. Cái từ này tùy từng nước có sự mô tả khác nhau. Tây thì gọi đó là “combat tournoyant”, hay là quần thảo. Mỹ thì gọi đó là “dogfight”, không lẽ dịch là chó cắn đuôi, nhưng thật sự rất là giống chó cắn đuôi vậy khi chúng nó cắn nhau. Còn ở Trường Khu Trục, có lần chúng tôi đánh nhau giữa hai phe, mỗi bên 24 chiếc. Bắt đầu ở thế ngang nhau, cùng cao độ, ngược chiều nhau, và khoảng cách trong tầm nhìn thấy được, chúng tôi sáp lại gần nhau, nghĩa là quay đầu vào nhau, rồi cố cắt ngắn vòng quẹo thế nào để có thể nhắm bắn đối phương từ sau nhắm tới. Không lâu thì sẽ có trường hợp người cầm đầu toán có thể nhắm bắn phi cơ cuối cùng của phe kia. Quay phim mang về chiếu lại mà thấy rõ sau đuôi ghi chữ gì thì biết đó là phi cơ thuộc phe nào, và phe đó sẽ thua. Cái cảnh quần thảo giữa 48 chiếc Vampire V với nhau cũng hồi hộp lắm các bạn. Nó làm cho máu nóng trai trẻ sôi lên, mà nó cũng có khi làm cho ta cảm thấy lạnh ót khi bị ai đó bám miết vào phía 6 giờ, thật là khó chịu.


    Tổ chức lực lượng

    Không chiến thường xảy ra trên vùng tranh chấp dành ưu thế không phận để hoàn thành mục tiêu tiêu diệt đối phương. Các bạn xem các phim tài liệu Thế Chiến II, chắc đã thấy cảnh phi cơ Đồng Minh và phi cơ phe Trục đánh nhau ở chiến trường Âu hay Á. Có tấn công thì có phòng thủ.

    Sau này, khi tổ chức Không Quân được quy củ hơn thì ta thấy rõ rệt vấn đề công hay thủ đều có chuyên ngành. Ví dụ, khi phi cơ Mỹ tấn công trên vùng trời Bắc Việt thì Bắc Việt đưa hệ thống phòng thủ của mình ra để đối phó. Thành phần này gọi là Phòng Không. Và ta biết có Phòng Không bằng phi cơ, bằng hỏa tiển địa/không (SAM=Surface to Air Missile), hay bằng pháo phòng không. Nếu nói riêng về Phòng Không thì tổ chức từ nước nhỏ đến nước lớn cũng giống nhau, từ phòng không cho một hay nhiều yếu điểm cho đến tổ chức phòng không cho một vùng, và như trên đất Mỹ ta có tất cả 5 vùng phòng không. Thường thì các vùng phòng không có ranh giới trùng hợp với sự chia cắt lãnh thổ, vì có lãnh thổ mới có không phận. Đó là nói trên đất liền vì nó liên hệ đến chỉ huy lãnh thổ. Nếu như nước Việt Nam thì còn vùng ngoài biển và vì thế ta phải kéo cái rào ranh giới chúng ta ra khỏi đất liền một khoảng nữa mà chúng ta được biết theo quy ước quốc tế là ADIZ, có nghĩa là Air Defense Identification Zone. Máy bay nào xâm nhập trái phép vùng phòng không của chúng ta thì ta có quyền ứng phó tùy tình hình mức độ khẩn thiết của chiến tranh hay hòa bình. Tóm lại, từ đất nhà mà lên đánh nhau với kẻ địch từ ngoài đến thì ta gọi đó là phòng không.

    Nhiệm vụ của Hải Quân là bảo vệ biển. Sự đóng góp của họ vào phòng không lãnh thổ kết hợp với phòng không diện địa (Lục Quân) khi tàu chiến đậu ở các cảng quân sự. Còn khi ra khơi đánh nhau, Hải Quân có tổ chức riêng cho mình về phòng không dùng phi cơ hay hỏa tiễn và pháo phòng không của chính hạm đội.

    Còn đoàn phi cơ tấn công thì sao?

    Lấy chiến tranh Việt Nam làm thí dụ thì mỗi lần có đoàn phi cơ tấn công ra Bắc, phi cơ Mỹ chia làm nhiều đợt khác nhau với nhiệm vụ chính xác. Chủ yếu là phi cơ đánh vào các mục tiêu chỉ định, dù đó là phi cơ khu trục hay oanh tạc. Trước khi tấn công, có một đợt tiền kích nhằm đánh phá các hệ thống radar bằng vũ khí đặc biệt. Có radar dò tìm, có radar điều khiển nghênh cản, có radar riêng dành hướng dẫn hỏa tiển địa/không. Họ tiến vào từ ngoài ở cao độ thật thấp. Họ vừa chụp ảnh để tìm các mục tiêu cho các đợt tấn công sau này. Và họ đánh vào các đài radar bằng vũ khí hướng dẫn từ xa (guided missiles). Đối phương biết tần số VHF đang bị nhiễu thì họ tắt ngay tần số VHF và hệ thống sẽ hoạt động trên UHF. Phi cơ tấn công đều nắm các tần số đó và cứ thế để cho “homing” đến radar cần tiêu diệt. Sau các đợt tiền kích này thì coi như một số radar bất khiển dụng. Hệ thống radar còn lại phải có nhiều lỗ hỏng (gap) làm cho sự kiểm soát vùng trời có nhiều khiếm khuyết nguy hại. Phần còn lại mà các đoàn phi cơ tấn công phải làm là gây nhiễu loạn điện tử, như B-52 thường bắn ra “decoy” về một hướng nào đó trong khi phi cơ thật lại tấn công theo một hướng khác. Và chung quanh các đoàn phi cơ tấn công còn có phi cơ điện tử chuyên rải mạt sắt mà nhiều anh em tù đã nhìn thấy xung quanh phi trường Yên Bái để cho các radar lớn không còn khả năng hướng dẫn phi cơ của họ. Nếu tính từ một yếu điểm thì từ ngoài đi vào, đoàn phi cơ tấn công sẽ gặp trước nhất là phi cơ phòng không địch (Air Defense Aircrafts), rồi đến hỏa tiễn SAM (Surface to Air Missiles), rồi sau cùng là pháo phòng không (AAA=Anti Aircraft Artillery). Để đối phó, phi cơ tấn công đều được khu trục cơ bảo vệ mà nhiệm vụ chính yếu là hộ tống, nghĩa là truy kích phi cơ nào tấn công vào đoàn phi cơ đang tiến đến mục tiêu. Đoàn này sẽ không bao giờ thay đổi đội hình dù có bị pháo bắn lên thấy trước mắt hay phi cơ địch tấn công từ đâu cũng vậy, họ giữ đội hình tiến đến mục tiêu đã chỉ định. Nếu bạn biết sự phân công trên oanh tạc cơ hồi Thế Chiến II thì khi đã vào cận tiến rồi, người điều khiển oanh tạc cơ dẫn đầu chính là anh điều hành viên kiêm oanh tạc viên chứ không còn là trưởng phi cơ nữa. Còn các phi cơ bay theo thì phải giữ đội hình hợp đoàn. Có như thế mới tổ chức được sự oanh tạc toàn vùng chính xác theo kiểu trải thảm. Vì thế phải nhờ đến phi cơ hộ tống, cấm đoán mọi sự tấn công của phi cơ địch vào đoàn, và đó là cơ hội chúng ta có thể thấy được không chiến giữa phi cơ phòng không địch và phi cơ phản không (counter air) của đoàn tấn công. Phi cơ phản không là khu trục cơ theo tổ chức Mỹ nằm trong Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật (TAC=Tactical Air Command). Hoạt động kiểm soát và điều khiển không chiến trên vùng địch hiện nay được thực hiện từ loại phi cơ AWACS (Airborne Warning And Control System) vì không chiến thời nay không thể dùng mắt thấy mà phải nhờ đến phương tiện điện tử, radar để phát hiện sự dàn trận của địch và điều khiển phi cơ phản không phải làm gì. Đó là các phi cơ lớn có trang bị radar. Thêm vào theo nhu cầu không chiến còn có tổ chức tiếp tế nhiên liệu trên không, tổ chức tìm cứu và bảo vệ tìm cứu. Các tổ chức bên lề phi cơ đánh nhau rất phức tạp và đã thay đỗi rất nhiều từ Thế Chiến II đến giờ.

    Phi cơ phòng không nằm trong tổ chức Bộ Chỉ Huy Phòng Không (nay đã thay đổi thành Air Combat Command, gồm cả ADC và TAC). Họ dùng phi cơ chuyên về phòng không, như F-102, F-106… trước kia. Bắc Việt đã dùng MIG-17, MIG-21 là hai loại đáng kể nhất.

    Đặc điểm của loại phi cơ này là có tốc độ bay lên cao độ nhanh (rate of climb hay là vitesse ascensionnelle) mà ta thường đọc trên đồng hồ variometer, như Vampire V thì có thể thay đổi cao độ 24m/s, và chiếc Bearcat F-8F cũng có khả năng đó. Tốc độ này cần thiết vì khi khẩn cấp ta phải có phi cơ nghênh chiến ở một cao độ nào đó. Vì ở thế thủ nên mọi phản ứng nhanh giờ phút chót đều rất quan trọng. Bay lên cao độ cho kịp để còn có ưu thế đánh nhau mà ai cũng biết là ở cao độ cao hơn thì ưu thế tấn công tốt hơn vì ta có thể biến cao độ thành tốc độ (nghĩa là biến “énergie potentielle” thành “énergie cinétique”).

    Đặc điểm kế tiếp là phi cơ phải có vòng quẹo nhỏ, nghĩa là cho phép phi cơ quẹo gắt được mà không bị triệt nâng. Tây gọi đó là khả năng “manœuvrabilité”. Khả năng này khác với “maniabilité” có nghĩa là dễ điều khiển. Thường thì ta thấy các phi cơ có khả năng quẹo gắt được đều có cánh hình tam giác mà ta thường gọi là cánh Delta. Bạn thấy phần cánh trong có chiều sâu lớn sẽ bị triệt nâng trước trong khi đó thì ngoài đầu cánh vẫn còn sức nâng và còn giữ phi cơ tiếp tục đà bay quẹo của nó mà không làm mất cao độ. Nếu bạn có thể đến gần mà quan sát chiếc Convair F-106 làm ở San Diego thì bạn sẽ hết sức ngạc nhiên thấy rằng cánh của nó có tiết diện thay đổi từ trong ra ngoài. Tây gọi đó là “courbure variable”. Điều này tăng thêm khả năng làm cho triệt nâng chậm lại hơn nữa khi phía trong của cánh đã vào thế triệt nâng rồi vì gốc tới quá to lúc quẹo làm cho lớp không khí bốc rời khỏi mặt trên của cánh. Tại sao lại cần quẹo gắt hơn người ta? Vì như vậy mới đặt điểm nhắm bắn của mình phía trước phi cơ địch thì bắn mới trúng được. Ta gọi là bắn chận. Phần này thì mỗi phi cơ đều có khả năng khác nhau nhờ kết hợp được khả năng động cơ và khung phòng của nó.

    Chắc các bạn đều nghe nói về chiếc F-6F Hellcat trong Thế Chiến II ở chiến trường Thái Bình Dương. Người viết bài này hân hạnh được bay chiếc đó, coi như chiếc phi cơ một chỗ ngồi thứ hai của tôi. Khả năng bay lên thẳng đứng của nó rất là ly kỳ. Vì vậy, khi bị Zero đuổi thì F-6F cứ để hết ga bay thẳng đứng và chờ đợi. Chàng Zero bay theo hụt hơi rồi từ từ rụng xuống như tàu lá. Thế là anh F-6F làm cái “wing over” hay “renversement” mà tha hồ đuổi theo nhắm bắn, vừa có thế trên cao đánh xuống một con mồi đang cố gắng lấy lại thăng bằng sau một cuộc xoáy vòng (spin hay vrille). Người ta bảo rằng F-6F giỏi nhờ động cơ khỏe, nghĩa là đối với trọng lượng của nó thì động cơ có công suất thừa thãi. Cánh của nó rất rộng (wing span), chứ không hẹp như chiếc F-8F sau nó.

    Thêm vào đó, muốn quẹo được gắt thì độ nhị diện dọc phải to, là gốc hợp thành bởi cánh và bình ổn ngang. Lấy ví dụ chiếc vận tải cơ C-47 thì độ nhị diện dọc nhỏ, vì thế nó xoay trở chậm, nhưng trái lại nó bay rất đầm và đó là yêu cầu cho một vận tải cơ. Trái lại, lấy chiếc F-8F Bearcat thì ta thấy gốc đó rất to. Vì vậy, chiếc F-8F quẹo rất gắt và đáp ứng nhanh khi động đến các tay lái. Vậy thì khi bạn đánh nhau với ai, bạn nên biết đối thủ của mình có gì hơn hay kém mình. Còn bạn đánh nhau với một thằng bạn bay cùng loại máy bay với mình thì sao? Bạn chỉ cần nhớ một điều rất sơ đẳng là khi bạn về hạ cánh thì bạn ra “flaps” hay “volets” mà người thì dịch là cánh cản, người dịch là cánh tăng nâng. Khi bạn ra “flaps” thì bạn tăng độ nhị diện dọc. Nhờ thế, bạn quẹo vòng chót an toàn hơn là không có nó. Và khi đánh nhau, bạn cứ ra một tí cánh ấy (khi tốc độ giảm mới có thể ra được) thì bạn có thể thắng anh bạn của bạn rồi. Một cái khác nữa cũng làm cho bạn giảm tốc độ nhanh mà không cần giảm ga, đó là “speed brake” hay “frein de piqué”. Thường thì trong lúc quần thảo, người ta tránh giảm ga vì phản lực cơ không phản ứng nhanh như phi cơ chong chóng, giảm rồi lên lại phải mất thời gian mà một giây cũng là nguy hại trong cuộc chiến, nên tốt hơn hết là giữ nguyên ga mà ra “speed brake” rồi vào “speed brake” chứ đừng động tới tay ga, thậm chí có người quýnh lên kéo ga về rồi đẩy tới nhanh quá làm cho phản lực tắt luôn (compressor stall).

    Điều sau cùng mà tôi biết được là trên F-102 hay F-106 thời đó, có trang bị hệ thống điện tử để điều khiển nghênh cản ngay từ trung tâm phòng không chứ không cần phải ra lệnh trên tần số vô tuyến cho phi công thi hành, ngoại trừ giao trả quyền bắn hạ cho phi công khi có lệnh để nạp vũ khí và bắn, chiếu trên tình hình của radar trên máy bay. Và vũ khí tấn công dùng toàn hỏa tiễn không không chứ chẳng cần đến súng đại bác như trước kia. Một hệ thống radar tinh vi như vậy có tên là SAGE=Semi-Automatic Ground Environment.


    Còn loại phi cơ đi tấn công thì người ta tìm một giải pháp đa dụng (versatile aircraft), nghĩa là vừa có thể dùng để mang bom đạn tấn công, vừa có thể không chiến với phi cơ phòng không của địch. Cái thời mà Mc Namara làm Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ thì có nghiên cứu chế tạo một fighter đa dụng cho Hải Lục Không Quân Mỹ, gọi là TFX. Chiếc này có cánh cụp cánh xòe, bay nhanh trên tốc độ âm thanh khi xếp cánh lại, và có thể dũi cánh ra cho rộng để tăng nâng và cho phép mang nhiều bom ngoài cánh như trong bụng, thậm chí còn mang được bom nguyên tử loại nhỏ và thả theo chiến thuật bay lên rồi lộn về của hình “rétablissement” hay “immelmann”. Chủ yếu là làm giàu cho một hãng trúng thầu chiếc TFX này. Khổ nỗi nó quá đắt tiền nên không mang ra áp dụng. Robert Strange McNamara nghĩ rằng khi các quân binh chủng cùng dùng một loại máy bay thì vấn đề tiếp liệu hay tiếp vận nói chung sau này sẽ giản dị hơn vì một loại phi cơ có tối thiểu là 50,000 món hàng tiếp liệu về bộ phận thay thế. Nhưng rồi thì đầu voi đuôi chuột nên gỡ gạc bạn thấy chiếc F-111 ra đời để ai bay nó phải chịu cảnh chết non.

    Chiếc mà ta thấy ở chiến trường Bắc Việt có thể đương đầu với chiếc MIG-21 của Liên Sô là chiếc F-4 Phantom II. Từ lâu, chiếc MIG-21 là nữ hoàng không trung rồi. Trên đất Ấn Độ, chiếc F-101 Woodoo đã bị chiếc Super Mystère của Pháp chụp hình. Nhưng chiếc MIG-21 đã từng làm chúa tể mà chưa có chiếc nào thắng được. Trên chiến trường Việt Nam, F-4 cũng vất vả ở cao độ 40,000 bộ, vì ở cao độ đó, khi quẹo thì F-4 bắt đầu mất cao độ và MIG-21 vẫn giữ được ưu thế (power to weight ratio). Trái lại dưới 40,000 bộ thì hai bên đấu nhau vui vẻ, ai giỏi thì thắng. Bởi vậy, ta thấy trong mọi không chiến, khả năng của phi cơ rất quan trọng. Sau đó thì phải nói nhanh trí, có gan, và tinh thần quyết chiến quyết thắng thì mới tạo được thành tích.


    Chiến Thuật

    Sau đây, tôi xin hầu các bạn một số loại quần thảo giữa khu trục cơ với nhau.

    Cái gì cũng bắt đầu từ căn bản.

    Chiến Thuật Căn Bản là tìm cách vào vị trí thích hợp sau lưng địch để nhắm bắn. Nhắc lại hồi chưa sử dụng radar thì quan trọng nhất là “thấy trước làm cha”. Không nói ai cũng hiểu, thấy địch trước thì có thì giờ tạo điều kiện thuận tiện để tấn công.

    Tôi nhớ hồi tập quýnh nhau ở Biên Hòa trên Bearcat vào những năm 1957-58. Chúng tôi tham chiến với 4 chiếc là đi nghênh cản để đánh 2 chiếc làm oanh tạc cơ đi trên đường không đỗi hướng với 4 chiếc hộ tống chúng. Nhắc lại chuyện này thì có hai người tôi rất nhớ và nhớ hoài, đó là anh Phạm Long Sửu là người có cặp mắt thấy xa, chưa ai nhìn ra một đốm đen bằng đầu cây tăm xỉa răng mà anh ấy đã gọi to ơi ới “phi cơ ở 11 giờ cao”… Còn người kia là anh Phạm Phú Quốc, là người giữ vai hộ tống bao giờ cũng hoàn thành nhiệm vụ, nghĩa là chẳng ai tấn công được oanh tạc cơ giả mà anh hộ tống cả.

    Đánh nhau đòi hỏi nhiều hiểu biết không nên coi thường khi lâm trận. Đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa các hình nhào lộn cần dùng và phải dùng đúng lúc, với sự vận dụng khả năng phi cơ mình so với phi cơ địch và còn tận dụng sự biến thiên năng xuất động cơ và trọng lượng phi cơ, biến năng lượng này thành năng lượng khác như đã nói, biến cao độ thành tốc độ hay trái lại. Chỉ nghĩ đến gốc độ cần có tương đối giúp ta có vị trí tấn công nhanh, hay là giúp ta khi bị săn đuổi tránh được trong tích tắc sự nhắm bắn của địch bằng một cái đạp ngang trên lái hướng. Vì thế, kết hợp các yếu tố trên giúp ta lấy thế tấn công hay giúp ta thoát nạn khi bị bám đằng đuôi.

    Chiến Thuật Căn Bản phải có những nguyên tắc của nó.

    Bảo tồn năng lượng là nguyên tắc đầu tiên. Bay bất cứ máy bay nào phải biết giới hạn của nó, và khả năng tương đối với phi cơ mình đánh nhau. Lấy ví dụ, trước kia tôi dẫn một phi tuần 4 chiếc A-1H lên vùng biên giới Việt-Miên ở Pleiku vì phi cơ của ta đánh nhầm trên đất Cam-Bốt làm chúng nổi giận mang T-28 lên để đối phó với ta. Liên lạc với radar Pleiku thì tôi biết mình nằm bên nay biên giới, trong khi đó thì tôi đã bay bên kia biên giới khoảng 15 miles chiếu theo bản đồ. Đó là sai sót của radar trên vùng đồi núi. Vì T-28 có thể quẹo gắt hơn, xoay trở dễ dàng hơn, lên cao độ nhanh hơn, nên tôi luôn giữ 2,000 bộ cao hơn chúng. Vừa cao hơn vừa ở phía Đông của chúng vào buổi sáng nên chúng nhìn lên thấy mặt trời chiếu xuống khó chịu lắm. Chúng đâu dám bò lên vì chúng lên thì tôi lên, chúng bay lại gần biên giới thì tôi lấn sát chúng để lùa chúng về phía Tây trên đất của chúng, mãi cho đến khi tôi nằm trên đất chúng hơn 30 miles mà chúng cứ phải lùi. Nếu tôi muốn đánh thì cứ bổ xuống tấn công rồi múc lên cao thì chúng không thế nào rượt theo kịp. Trường hợp bị chúng rượt thì tôi sẽ bổ nhào xuống tăng tốc độ nhanh và bay thẳng thì chúng sẽ không theo kịp. Trái lại, nếu tôi bay T-28 thì tôi sẽ đánh nhau trong vòng quẹo, vì tôi sẽ quẹo được gắt hơn để bắn chận. Năng lượng là thế. Bạn lái A-1H tấn công từ trên cao xuống thì tôi đợi giờ chót mà quẹo gắt để bạn bị lố trớn (overshoot) và tôi sẽ roll back để bắn bạn, giống như A-1 của USN đã hạ được MIG ngoài Bắc Việt.

    Khả năng quẹo là nguyên tắc thứ nhì. Có hai yếu tố, bán kính vòng quẹo và tốc độ quẹo (nghĩa là bao nhiêu độ đổi hướng một giây chẳng hạn). Hai yếu tố này đều thay đổi khi tốc độ bay của phi cơ thay đổi. Bay với tốc độ 300 kts thì vòng quẹo to hơn bay với tốc độ 200 kts. Bay với tốc độ 300 kts khi tôi bay phi cụ trên T-33 thì với độ nghiêng 45 độ, muốn làm một vòng 360 phải mất 4 phút: đó là tốc độ thay đổi hướng bay tùy theo tốc độ bay. Chiếc T-6 thì chỉ bay với tốc độ 135 mph, có thể quẹo 360 độ trong vòng 1 phút. Nếu bạn bay với tốc độ 300 kts mà kéo 3 G thì làm 360 độ trong vòng 4 phút, nhưng kéo 4.5 G thì sẽ rút ngắn thời gian quẹo lại còn 3 phút chẳng hạn. Vậy thì khi đang bay với tốc độ 300 kts, thình lình bạn thấy có địch nhắm bắn từ hướng 7 giờ thì bạn làm gì? Break trái và tăng hết ga để thoát thân. Bạn biết bạn sẽ dùng tối đa G mà phi cơ cho phép, ví dụ T-33 là 7.5 G, và nếu bạn không tăng ga thì sẽ mất cao độ vì khi quẹo bạn làm tăng trọng lượng phi cơ (poids apparent) thì phải bù lại bằng ga, nghĩa là tăng năng suất động cơ thì mới tránh được không mất cao độ hay triệt nâng. Người ta cũng có thể dùng “speed brake” và tăng ga để thoát thân, như vậy vừa quẹo được gắt và giữ động cơ ở cơ chế cao mà lấy lại tốc độ khi vào “speed brake”. Một yếu tố ngoài lề là bạn chịu đựng được bao nhiêu G, vì phần đông, tới 4.5 G thường bị black out. Muốn chịu được nhiều G, thêm vào anti-G thì bạn cố tập thể dục cho bụng có cơ bắp cứng, và trước khi kéo, bạn phình bụng, xong thét lên thật to đúng khi bạn kéo nhiều G thì đoan chắc bạn sẽ không bị “black out” hay “voile noire” khi đối thủ của bạn không cầm cự được nữa.

    Thế tấn công là nguyên tắc thứ ba. Lúc nào hoa tiêu cũng ý thức được mà không cần suy nghĩ là gốc độ bay tới hạn mà vượt qua sẽ bị triệt nâng. Độ nghiêng tới hạn từng tốc độ mà khi vượt qua cũng làm cho mất sức nâng. Họ quen phi cơ của họ mà không cần ai nhắc là nghiêng bao nhiêu hay kéo bao nhiêu G là vừa phải với tốc độ và cơ chế động cơ nào đó. Rồi mới nói đến bảo họ đưa phi cơ họ lái vào phía đuôi của địch thế nào cho tốt để có thế tấn công. Thế đó gọi là thế đuổi bắt. Nếu mũi phi cơ tấn công chỉ về phía trước phi cơ bị săn đuổi chừng một thân máy bay thì người ta gọi là chận đầu. Còn nhắm ngay mũi phi cơ địch gọi là thế đuổi. Còn bay theo sau chừng một thân phi cơ địch thì chỉ là bay theo.

    Thế chận đầu giúp ta bay càng lúc càng gần lại phi cơ địch. Càng chận đầu nhiều càng xích lại gần nhau nhanh hơn. Nếu gốc độ chận đầu tính bằng gốc độ của chiều dọc phi cơ địch với chiều dọc phi cơ ta thì gốc đó gọi là gốc chận hay “angle off tail” AOT. Càng xích lại gần địch thì phải kéo nhiều G hơn để tránh bị bung ra ngoài vòng quẹo, hoặc giả ta sàng lên sàng xuống so với mặt phẳng ngang cũng làm cho ta khỏi bị trờ tới trước, nghĩa là kéo dài quỹ đạo bay mà không thay đổi khoảng cách giữa hai phi cơ (yo-yo sẽ được đề cập tới sau). Sở dĩ phải dùng thế chận vì khi bắn súng phải bắn chận đầu, để khi đạn bắn tới nơi thì phi cơ địch cũng trờ tới đó. Trên chiếc Vampire V mà tôi đã bay hồi 1956 ở Maroc, máy nhắm của nó có con quay (gyroscope) nên cho ta thấy một vòng tròn cố định của mũi phi cơ và một vòng tròn khác phía sau mà vòng này phải nằm trên phi cơ ta muốn bắn. Để cái vòng gyro đó trên phi cơ mà ta đuổi theo thật không dễ chút nào, vì ngoài sự chính xác của đà bay đuổi bắt còn có sự vùng vẫy của phi cơ địch cố tình thoát thân, lúc kéo nhanh lúc lơi vòng quẹo làm cho ta phải cố bám theo từng chút một. Thế chận này ta thường áp dụng khi tập họp sau khi cất cánh, và nó cũng rất nguy hiễm nếu ta không làm nhẹ nhàng và đúng lúc. Bạn thử nghĩ khi sáp lại gần thì bạn giảm ga, rồi bạn tăng độ nghiêng, rồi bạn đạp chân để né tránh sự va chạm sắp sửa xảy ra, đúng là một thế để vào xoáy vòng nếu bạn từ dưới bay lên trong đà tập họp với phi tuần trưởng. Đừng trách tại sao các phi tuần trưởng giật mình break đi mất vì sợ bạn tông vào. Nhưng địch thì tinh lắm. Chỉ đợi đúng tầm bạn có thế nhả đạn là chúng quẹo gắt thêm một tí thôi, đủ để làm bạn overshoot rồi kết thúc bằng một barel roll để lùi về phía 6 giờ của bạn mà thay đổi thế thượng phong.

    Thế đuổi là thế dùng để bắn hỏa tiễn không/không. Ở thế này phi cơ ta và phi cơ địch cũng có phần xích gần lại nhau nhưng rất ít, nhất là khi địch bay nhanh hơn ta thì phải lo thả hỏa tiễn càng sớm càng tốt. Về phần địch thì rất khó thấy được ta vì ở đúng 6 giờ với phần phản chiếu của phi cơ ta nhỏ nhất nhìn từ trước ra sau, thay vì nhìn ngang thì mặt phản chiếu có diện tích to hơn, nhất là khi phi cơ nghiêng cánh.

    Thế bay theo dùng khi chúng ta muốn lơi ra trong vòng đuổi bắt mà ta đã sáp lại quá gần. Khi ta lơi về phía sau nằm ngoài vòng quẹo của địch thì ta tăng được tốc độ trong khi đó thì địch cố quẹo gắt hơn và tự làm giảm tốc độ. Nếu ta nằm ở trên và khoảng cách tương đối xa thì địch sẽ cố quẹo gắt thêm lên. Còn nếu ta nằm dưới bụng của địch và gần địch thì địch không còn thấy ta nữa và phản ứng tự nhiên là quẹo về phía ngược lại để tìm coi ta ở đâu. Biết trước được các phản ứng tự nhiên đó giúp ta thắng lợi sau cùng.


    Đổi Mặt Phẳng của quỹ đạo bay sẽ cho phép ta thay đổi vị thế đối với địch mà không cần thay đổi cơ chế bay. Nếu cảm thấy gần địch quá thì có thể ngốc mũi cao làm cho cao độ tăng thì khoảng cách ta và địch sẽ tăng thêm. Mặt phẳng của quỹ đạo bay của ta so với quỹ đạo bay của địch hợp thành một gốc độ nào đó. Gốc độ đó càng lớn khi cách biệt tốc độ giữa ta và địch càng to. Ví dụ bạn đuổi một chiếc C-47 thì bạn múc lên xuống để giảm bớt tốc độ trờ tới của bạn. Còn nếu khi bạn đuổi theo một chiếc có khả năng quẹo gắt hơn bạn thì khi thấy họ tăng tốc độ quẹo làm bạn văng ra ngoài thì bạn dùng barrel roll mà chận đầu họ lại. Chừng đó không phải mũi phi cơ của bạn chận đầu mũi phi cơ địch mà là trục đứng của phi cơ bạn quay quanh phi cơ địch để từ thế bay theo trở thành thế chận đầu mà bạn có thể khai hỏa bằng súng được.


    Hình 1. Bay trong mặt phẳng khác hơn địch

    Thế ban đầu là vị trí hai bên khi mới gặp nhau.

    Thế ngang nhau khi ngay lúc gặp nhau thì không bên nào ở thế thượng phong.

    Thế thượng phong thường là khi thấy địch trước, nhờ thế tìm cách lấy thế thuận lợi để tấn công như cao độ cao hơn, tốc độ cao hơn, nằm giữa mặt trời và địch để địch khó nhận ra mình trước khi tấn công chúng. Từ trên cao đánh xuống còn có lợi sau khi đánh ta giải tỏa lấy lại cao độ và giữ thế thượng phong.

    Thế bất lợi khi phát hiện ra địch quá trễ nên địch đã ở thế thượng phong rồi. Ví dụ ta ở dưới hay ở hướng 12 giờ thấp của địch. Chỉ còn cách làm sao trở về thế ngang nhau. Còn nếu địch tấn công ta từ trên xuống hay bay nhanh chận đầu ta thì cố mà gài địch vào thế bị lố trớn (overshoot) để chuyển bại thành thắng. Bằng không tìm cách thoát thân nếu khả năng động cơ cho phép tăng tốc độ, hay chúi xuống thấp để lấy tốc độ và trốn sát mặt đất, hay bay quanh các đồi núi để gài địch va vào chướng ngại thiên nhiên. Tôi chính mắt thấy hồi Thế Chiến II, 4 chiếc zero đuổi theo một chiếc B-26 dọc theo sông Tiền Giang. Chiếc B-26 bay sát mặt sông nên họ chỉ còn nhìn lên trên mà chiến đấu vì mặt dưới đã có sông nước bảo vệ cho họ rồi. Trong đà tấn công từng chiếc một, có một chiếc zero khi chúi xuống bắn, chúi luôn xuống nước nổ tung.



    Nguyên tắc không chiến.

    Điều cần lưu ý là khi tấn công, ta phải làm sao bay vào mặt phẳng đang bay của đối phương, vào thế bay chận đầu để giảm khoảng cách ta và địch mà không bị lố trớn để tấn công địch một cách an toàn.

    Vòng quẹo chuẩn định nghĩa từ khả năng quẹo của phi cơ địch như sau: vòng tròn có bán kính nhất định với tốc độ đang bay, và tốc độ quay trên quỹ đạo tròn đó. Nếu địch tăng G thì sẽ làm cho vòng bay nhỏ hơn và tốc độ quay cũng cao hơn. Đối với một phi cơ đang bay như vậy, nếu ta có được vị trí giữa tâm của vòng tròn và phi cơ đó thì có nhiều lợi thế thắng lợi hơn vì nó sẽ không tài nào tấn công ta được vì không thể quẹo gắt hơn nữa. Đó là vị thế mà khi đánh nhau ai cũng muốn có được.

    Một khi đã lọt vào trong vòng tròn đó rồi, việc kế tiếp là làm sao vào mặt phẳng của quỹ đạo bay của nó, và giảm được sự xích gần lại con mồi tuy phải tránh bị lỡ trớn. Lý tưởng là bay sau con mồi với khoảng cách bằng bán kính vòng quẹo của nó thì nắm vững được phần thắng một cách an toàn.

    Khi giao chiến thì có thể có trường hợp như sau:

    -Khi gặp nhau ngược chiều thì hai bên cùng tách về một phía để bắt đầu vòng dogfight. Trong trường hợp này, ai có vòng quẹo nhỏ hơn sẽ thắng. Người ta thường giảm bán kính vòng quẹo bằng cách đổi mặt phẳng bay so với địch và thêm ga để tránh triệt nâng khi kéo mũi cao. Cách roll để giữ thế thượng phong cũng nhằm mục đích bay theo vòng bay nhỏ hơn địch.
    -Khi gặp nhau ngược chiều thì hai bên tách theo chiều khác nhau, nghĩa là bay theo hai vòng tròn khác nhau. Trong trường hợp này, ưu thế dành cho chiếc nào có tốc độ quay cao hơn (vitesse angulaire, quẹo nhiều độ trong một giây).



    Thế Đánh

    Đội hình hành quân. Ví dụ hai chiếc đang hợp đoàn hành quân thì tách rời ra xa nhau chừng một dặm hay cao độ cách nhau chừng 1,500 bộ. Chiếc dưới thấp làm mồi nhữ địch tấn công vào và dẫn dụ thế nào cho chiếc bay trên vào tấn công chúng sau lưng.

    Tách ngược chiều. Khi bị tấn công thì hai chiếc trong hợp đoàn tách ngược chiều, một quẹo sang trái và một quẹo sang phải. Địch chỉ phải theo một chiếc nào đó thì chiếc kia tiếp tục quẹo để vào phía sau của địch mà giải tỏa cho bạn mình.

    Tách mạnh khi bị tấn công từ sau lưng. Tách về phía của phi cơ tấn công. Cái tách này có lợi khi ta bay chậm hơn địch nên vòng quẹo nhỏ hơn, làm cho địch lố trớn. Điều này sẽ không đúng nếu ta lại tách về phía ngược lại. Ví dụ, địch tấn công từ trái thì phải tách về trái.

    Barrel roll để lấy lại thế công. Địch vừa tách bên trái thì tức khắc ta làm cái barrel roll bên phải và chấm dứt sau đuôi địch giống như ta vừa quẹo 90 độ trái. Nói khác đi, sau khi làm barrel roll phải, ta đã thực hiện cái quẹo 275 độ trên không gian 3 chiều mà thực tế giống như quẹo 90 độ trái. Vì ta đánh một vòng ở trên nên kết thúc ta nằm sau lưng địch.



    Hình 2. Barrel roll để lấy lại thế công

    Bổ xuống từ trên cao. Là thế đánh khi ta muốn tránh quần thảo với địch khi địch có vòng quẹo nhỏ hơn ta, như P-40 đánh với zero. Áp dụng thực tế, ta lấy thế từ trên cao, từ trong mây cũng được, phóng xuống bắn vào đuôi của một hợp đoàn dùng tốc độ nhanh trờ tới từ đàng sau và múc lên cao để núp lại trong mây hay lấy lợi thế chờ dịp tấn công khác.

    Low Yo-Yo. Thế đánh này áp dụng khi ta ở đàng sau xa mà địch đang quẹo trước mặt ta cùng cao độ. Ta cho phi cơ quẹo với mũi trút xuống lấy tốc độ khi phải chịu mất cao độ. Tốc độ gần lại tăng nhanh mà thế chận cũng dễ thực hiện. Khi cảm thấy gần tới rồi thì kéo lên cùng cao độ hoặc cao hơn để tránh bị lỡ trớn.


    Hình 3. Low yo-yo

    High Yo-Yo. Khi đang tấn công thì địch tách nên ta tránh bị lỡ trớn trờ tới trước. Dùng High yo-yo là cách giữ con mồi trong tầm tay. Ta kéo mũi cao, thay vì phải quẹo gắt. Quỹ đạo bay của ta dài hơn trong mặt phẳng khác nên không cần quẹo gắt với tốc độ nhanh, nhưng khi vọt lên rồi thì tốc độ đã giảm làm ta tuột về đàng sau địch tránh được lỡ trớn. Từ trên, chờ đúng lúc trở lại quỹ đạo bay của địch vào thế đuổi cùng cao độ. Nếu thấy còn lố trớn nữa thì tiếp tục làm cái high yo-yo khác.


    Hình 4. High yo-yo

    Scissors. Đây là một số thay đổi chiều quẹo liên tiếp giữa hai phe, cố tình tạo ra thế thượng phong dùng súng bắn đối phương. Kẻ bị đuổi bắt thì tránh sao không theo nhịp trở đi trở lại của địch, còn người muốn tấn công thì cố làm sao đi vào nhịp qua lại của đối phương. Phi cơ nào có vòng quẹo gắt hơn sẽ thực hiện điều mình mong muốn.


    Hình 5. Flat Scissors

    Ta phân biệt thế scissors trong mặt phẳng ngang gọi là Flat scissors. Khi bị tấn công mà trượt ra ngoài, lố trớn, nhưng ở tốc độ chậm thì chiếc trước đổi chiều quẹo hy vọng chiếc sau trờ tới trước để mình có thế nhắm bắn chận lại. Phi cơ tấn công cũng đổi chiều quẹo, cố giữ thế thượng phong đàng sau. Cứ thế mà hai chiếc bung ra rồi sáp lại, luôn xây lưng vào nhau, ai cũng cố gắng siết chặt vòng quẹo để kỳ gặp lại tới mình ở thế thượng phong để có thể nổ súng được.

    Rolling scissors hay vertical scissors xảy ra khi nào có sự tấn công từ trên cao xuống và bị lố trớn, thì chiếc vừa bị tấn công liền kéo mũi cao rồi vào thế bay ngửa để nhìn địch thủ trong thế hai chiếc kẻ ngốc người ngửa, rồi thì ở trên liền kéo xuống và ở dưới thì kéo ngược lên, cố làm sao mình nằm sau chiếc kia để tấn công bằng súng. Trong vụ này, có khi kéo lên kéo xuống, hai quỹ đạo bay chéo nhau với tốc độ đáng sợ, và chiếc nào có tỷ lệ công suất/trọng lượng cao hơn sẽ thắng cuộc (nghĩa là động cơ mạnh có công suất cao so với trọng lượng phi cơ).


    Trang bị vũ khí

    Trước khi kết thúc bài này, thiết tưởng nên đề cập đến vũ khí dùng để không chiến. Người ta có nhu cầu súng trên phi cơ hay không? Hỏa tiễn nào thích hợp để tiêu diệt địch?

    Chúng ta có thể tóm lược là ở chiến trường Việt Nam, người Mỹ nhận thấy vẫn còn cần đến súng. Vì lẽ quy luật chiến đấu bắt buộc phải chắc chắn không bắn nhầm bạn, nên phải sáp lại gần phi cơ ta đuổi bắt để nhận dạng bằng mắt thường (visual identification), và như vậy, nếu gặp phải địch thì đã quá gần để có thể dùng hỏa tiễn. Nếu địch chấp nhận giao chiến thì ta lại không có súng, làm sao sáp gần để đánh nhau.

    Họ cũng cho biết rằng các loại hỏa tiễn họ đã dùng ở chiến trường VN đều không thích hợp. Các loại như AIM-4 Falcon, AIM-9 Sidewinder thuộc loại tầm nhiệt, và loại hướng dẫn bằng radar là AIM-7 Sparrow đều lỗi thời vì chế tạo để bắn các loại phi cơ chậm như oanh tạc cơ Liên Sô. Dùng Sparrow mà bắn MIG thì sự phản chiếu radar của máy bay MIG quá nhỏ, không thể nào nhắm bắn chính xác được. Còn loại tầm nhiệt như Sidewinder thì bắn gần quá không được, bắn 7 chiếc thì may ra trúng một, và phi cơ MIG thì xoay trở nhanh nhẹn nên dễ thoát khỏi AIM-9.
    Riêng về KQVN ta thì có lần tôi nghe qua khi có người hỏi ta phải làm gì khi Trung Quốc đang chiếm Hoàng Sa. Có người lên tiếng mang F-5 ra đó nghênh chiến, có được không? Thì có người cười. Rồi có người hỏi, có thể nào mang AC-119 ra đó để yểm trợ không? Thật là không biết nói sao. Mỗi lần đến Sơn Trà, nhìn thấy MIG-21 cất cánh từ Hải Nam rồi bay thẳng vào Đà Nẵng thì lòng đau thắt. Khi tới rào ADIZ của ta thì chúng lại đổi hướng ra Hoàng Sa. Khi đến Hoàng Sa rồi thì chúng bay thấp xuống nên radar của Panama không còn thấy dưới 15,000 bộ nữa. Sau đó thì họ lại lên cao độ và bay thẳng về Hải Nam hạ cánh.


    Kỹ thuật hiện đại

    Nói về không chiến mà chỉ nói đến các loại máy bay cũ thì có vẻ lạc hậu. Ai cũng biết là người ta chỉ bàn về khả năng tàng hình của các chiếc F-22 Raptor và chiếc F-35 Lightning II. Hai chiếc này còn giải quyết cho cấp chỉ huy không chiến về vấn đề xác định bạn địch mà ta thường biết với từ ngắn gọn là IFF, nghĩa là Indentification Friend or Foe. Việc xác định nhanh chóng ngay trong phòng lái hoa tiêu là một việc đáng mừng, vì trong các trận không chiến từ trước tới giờ, vấn đề bắn nhầm phi cơ bạn là vấn đề hốc búa.

    Còn nếu ai đã từng thích thú với các video cho xem khả năng của hai loại phi cơ này thì xin các bạn lưu ý đến khả năng bay rất chậm trong thế ngốc mũi cao mà trước kia làm rất nhiều người lái giỏi phải mất mạng trên các loại phi cơ chong chóng hay phản lực. Đó là loại hình nhào lộn mà Tây gọi là Renversement, và Mỹ gọi là Wing Over. Loại hình này dẫn đến một hình nguy hiễm là Cloche, nghĩa là từ thế bay lên thẳng đứng cho đến tốc độ gần bằng không, rồi quay đầu bay trút xuống thẳng đứng. Nhưng rất nhiều lần phi cơ trút xuống đằng đuôi làm cho các cánh lái chiều sâu và các cánh lái nghiêng bị gẫy, hoặc phi cơ vào thế xoay vòng ngược (inverted spin) mà cao độ không cho phép giải tỏa kịp thời. Nhưng trên Raptor thì nó bay chậm chạp, lửng lờ như đùa giỡn, thật ly kỳ, vì nó có các bộ phận khung phòng và động cơ tiếp tay vào giữ cho máy đừng tắt, giữ cho khung phòng còn bay, dù với góc tới cực kỳ to lớn. Bù lại thì giá thành của mấy chiếc này thật kinh khủng.


    Hình 6. F-22 Raptor


    Hình 7. F-35 Lightning II

    Nếu bạn có dịp bay trên các loại này thì thật là diễm phúc của một hoa tiêu. Nghe đâu có vài nữ hoa tiêu gốc Việt đã làm cho ta hãnh diện trên các phi cơ này.

    Nhưng có điều bạn nên biết là bay phi cơ tối tân có nhiều cái… mất sướng. Ví dụ nó bị người ta điều khiển từ dưới đất hay từ một AWACS. Đang ngồi ngó trời ngó đất thì thình lình phi cơ tách 7 G làm cho tối mắt và có thể ngất đi một thời gian ngắn rồi tỉnh trở lại. Cái đó tôi không thích. Phi cơ bay nhanh quá thì khi đánh nhau, chiến thuật là của người điều khiển chứ không còn là của hoa tiêu nữa, vì ta dù có mắt thần cũng khó thấy địch được nữa. Rồi khi đã đến lúc cận tiến với phi cơ địch nằm ngay trước mũi thì bạn được lệnh lái đi để bắn hạ địch mà ghi thành tích đánh nhau. Cái đó cũng mất sướng. Có hôm tôi nhận được email của anh bạn họ Bồ, bảo rằng bây giờ tốc độ máy bay có thể như hỏa tiễn rồi kìa, thì tôi nghĩ rằng cái nghề lái máy bay không còn thú vị gì nữa, vì nó đã trở thành trò chơi game của con nít, nhưng phải học cho nhiều để hiểu, hiểu rồi để người ta điều khiển mình. Vì thế, khi xem airshow, tôi thích xem mấy chiếc máy bay cũ, động cơ nổ ồn ào, bay trong tầm mắt của tôi rất ngoạn mục. Cái thời xem F-8F đã qua rồi. Nay chỉ còn xem được cái bóng của em thôi, nhìn từ sau đít cũng không được rõ cho mấy.


    Thay lời kết

    Về không chiến, KQVN ta chưa có cơ hội rút kinh nghiệm. Nhưng ai đã từng bay một chiếc khu trục rồi cũng đã thèm thuồng những trận đánh nhau trên không. Bạn đọc đỡ bài này cho vui, chứ chẳng ai dám cho mình có kinh nghiệm trong lãnh vực này. Trong bài viết này, chúng tôi đã chua vào nhiều tiếng Anh hay tiếng Pháp để giúp chúng ta hiểu một vấn đề kỹ thuật mà chúng ta chưa thống nhất được tiếng Việt, vì vậy xin bạn đọc chăm chước cho. Thật tình vì Đại Hội Khu Trục Kỳ 2 này mà tôi bạo gan viết cho Đặc San Không Quân Bắc Cali một bài cho vui, xin quý bạn đọc miễn thứ nếu có gì sơ sót.

    Thành thật cám ơn quý bạn.

    Tarin65
    Tháng 1-2011
    Quán Gió Ngàn Mây

  2. #14
    Moderator
    Hoanghac's Avatar
    Status : Hoanghac v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Sep 2011
    Posts: 771
    Thanks: 1
    Thanked 37 Times in 28 Posts

    Default Thả Bay Trên Vùng Trời Cát Bi

    Thả Bay Trên Vùng Trời Cát Bi
    ~~~





    LTS. Đây là câu chuyện của một hoa tiêu khu trục Pháp tên J. Rajau (tốt nghiệp khóa 1945 trường Võ Bị Không Quân Pháp, “VBKQP”), kể lại chuyến bay đầu tiên của ông tại phi trường Cát Bi, Bắc Việt, trên phi cơ F-8F Bearcat trước khi nhận lãnh các phi vụ hành quân. Câu chuyện cho thấy sự “ngỡ ngàng” của các hoa tiêu “thượng phiên” và sự “bất cần” của các hoa tiêu “hạ phiên”, may mắn sống còn và hối hả về nước. Nhớ lại tinh thần chiến đấu của các hoa tiêu Mỹ trong cuộc chiến tại Việt Nam từ 1965 đến 1973, so với hoa tiêu Pháp trước kia cũng chẳng có gì khác biệt. Họ chỉ đợi ngày xong 100 phi vụ hành quân mà còn giữ được mạng sống để trở về gặp lại gia đình, ngoài ra, chẳng có gì quan trọng đối với họ, kể cả những kinh nghiệm chiến đấu của họ cũng không được sử dụng lại trên chiến trường nếu không trở lại chiến đấu thêm một nhiệm kỳ khác. (Tarin65)


    Liên Phi Đoàn khu trục Languedoc của chúng tôi dự trù thay thế Liên Phi Đoàn Khu Trục Saintonge ở Hải Phòng. Ở thời điểm đó, người ta sắp xếp thay cả một đơn vị, từ cấp chỉ huy trở xuống, từ quan tới lính. Liên Đoàn chúng tôi được thành lập tại Oran, Maroc, dưới sự chỉ huy của Thiếu Tá Brunschwig*. Chúng tôi bay được khoảng 50 giờ trên phi cơ P-47 chuyên tập duợt về các cách yểm trợ diện địa và tấn công ngăn chận địch theo kiểu đánh assault. Với hành trang 50 giờ này, cọng với số 40 giờ bay trên phi cơ Spitfire tại Trường Khu Trục Mecknès, tổng cộng tôi được 90 giờ bay trên loại phi cơ một chổ ngồi. Tuy vốn liếng bay bổng chưa được là bao, nhưng trước mặt các cơ trưởng, tôi cứ tưởng mình như Guynemer**.

    Liên Phi Đoàn Languedoc chúng tôi dự trù xuống tàu Pasteur với đầy đủ trang bị vũ khí cá nhân và hành lý sẽ khởi hành vào tháng 12. Tàu Pasteur là loại du thuyền đường xa đi Viễn Đông, có khả năng chở đến ba ngàn người. Chuyến này là một chuyến hải vận quân sự nên đã chở đến năm ngàn người. Đến tháng 12 rồi mà chẳng thấy bóng dáng tàu Pasteur đâu cả.


    Tin tức cho biết là tàu Pasteur bị hỏng một chân vịt. Với cái nhìn của chúng tôi, là “áo liền quần” hay “mậu phi” cũng thế, thay chong chóng thì cứ lấy từ các phi cơ đang kiểm kỳ mà ráp vào chiếc bị hỏng chong chóng để có bay ngay trong vòng vài giờ, tục gọi là canibaliser***. Nhưng chân vịt tàu thủy thì không đơn giản như vậy, tàu nào, chân vịt nấy, không có thể chuyển hoán khơi khơi. Do đó,vụ thay chân vịt làm chậm mất hai tháng. Nhưng chương trình luân phiên đã dự trù một khoảng thời gian bản lề khá nhiều, hai tháng trễ cũng không hề hấn gì. Có lẽ bọn “Saintonge” sẽ coi thời gian chờ đợi quá lâu chăng? Khi chúng tôi đến nơi, sự tiếp đón vô cùng nồng hậu cũng chứng minh được sự sốt ruột của họ. Đó là vào khoảng đầu năm 1952.

    Tôi còn nhớ rất rõ khi chúng tôi đến Vịnh Hạ Long. Té ra vùng nhiệt đới là thế này: lạnh buốt xương, sa mù bao phủ, mây bay là là sát mặt biển, một luồng gió thầm lặng làm co rút gân cốt, và cái Vịnh Hạ Long bao phủ một màn sương ảm đạm. Tàu lớn quá to để ngược dòng sông vào cửa Hải Phòng, nên chi, người ta xếp chúng tôi như mấm, vừa người vừa đồ đạt, súng óng, chật nức cả con tàu đổ bộ loại L.C.T cũng có, hay L.C.N. hay L.C. gì đó, có thứ nào đi thứ nấy. Tàu có một lỗ hỏng to chính giữa. Khi lướt sống, cả tấn nước ập vào làm ướt cả hành trang rồi thoát ngã nào đâu mất. Thật không biết ngành hàng hải làm việc thế nào, thật khó mà tin nếu không phải chính mắt mình trông thấy. Có lẽ nhu cầu hành quân quá khẩn cấp không cho phép họ làm khác hơn được.

    Như thế, chúng tôi đến Hải Phòng, lạnh buốt và ướt như chuột. Các bạn đến đón chúng tôi với sự nồng nhiệt khác thường làm chúng tôi cũng thấy ấm lòng. Chẳng mấy chóc, chúng tôi được đưa vào Câu Lạc Bộ, và chỉ 15 phút sau, trên tay mỗi người một ly rượu “Cordon Rouge”. Ở đây, truyền thống hoa tiêu khu trục chỉ uống “Cordon Rouge”, hoặc giả “Gnac Soda”****. Và họ không đủ thì giờ để kịp nói thêm điều gì. Chiều tà phủ xuống một màn đen... (say mướt). Họ túm giường cho chúng tôi và hẹn gặp lại “hừng sáng” bên cạnh chiếc Bearcat*****.

    Ngày hôm sau, trời cũng chẳng khá hơn. Sau vài câu khơi màu ngắn gọn (briefing supposed to be brief), họ quyết định thả bay tập thể. Cứ theo hệ thống quân giai, từ chỉ huy trưởng trở xuống. Vì tôi là cấp “út” nhất nên được bay vào lúc 11 giờ sáng.

    Tôi cất cánh, trong đầu đầy ấp lời khuyên của các anh tiền nhiệm, của các niên trưởng:”Nếu anh không vào ngay chân đáp khi vừa hỏng bánh, bánh sẽ không chịu vào nữa”; “Nếu có tống ga bay lại, hãy từ từ, thận trọng”; “Coi chừng ngẫu lực, khi cất cánh phải nhớ chỉnh lái hướng ba khất bên phải(right rudder trim), bằng không, bạn sẽ kết thúc giữa ruộng”; vân vân và vân vân...Tựu trung, tôi chẳng có vấn đề gì về lái máy bay, nhưng họ đều quên nói cho tôi điểm chính yếu. Điều đó là: sau khi vào chân đáp, tôi ngoái đầu nhìn về phía sau, tôi không còn thấy phi đạo đâu cả, mà chỉ có mênh mông... mênh mông là nước. Thật tình mất cả phương hướng! Đâu cũng thấy nước giữa các con đê nhỏ như hình một bàn cờ “dame”. Chỉ mới nhìn về phía sau thì phi cơ chợt chui vào mây thấp dầy đặc lúc nào không biết. Tôi liền đẩy nhanh cần lái về trước làm cả người tôi vội lơ lửng trong phòng lái. Máy bay lại được dịp thăng tốc nhanh 40 kts nhưng tôi liền thấy lại đất. Thế là tôi giảm tí ga. Rồi tôi lại lay hoay rối trí với vòng phút và ga (vấn đề overboost). Đảo 180 độ sang trái, tôi cố tìm lại sân bay.

    Tôi nghĩ rằng bay ngược lại chừng một phút ở cạnh gió xuôi này, tôi có nhiều hy vọng tìm lại phi trường Cát Bi. Nhưng mà mình cất cánh ở hướng nào nhỉ! Đang lúng túng, con ngựa sắt lại lên cơn chứng liên tục(vì chưa rành chỉnh các cánh lái) nên làm tôi lặng hụp đùa giởn với trần mây thấp. Phải có thêm thời gian, ôi! Thượng Đế hãy cho tôi thêm thời gian để chỉnh lại tất cả các “trim”, vòng phút, tay ga, vv...vv. Khi đâu đó chỉnh tề, nó bay đầm một tí. Còn tôi thì... hoàn toàn bị lạc, không biết mình đang ở đâu, trên là mây, dưới toàn là nước... mẹ ơi! Tôi bay qua lắm con sông, nhưng sông nào là sông nào, vì nhánh nhỏ nhất cũng bằng con sông Rhône ở Pháp(vì nước lủ nên mặt sông như rộng ra). Sông cùng khắp, sông tứ hướng! Tôi nhẹ nhàn giữ vững tay lái, chậm rãi, ngoan ngoãn... Rồi phi trường xuất hiện, tôi thoát nạn. Từ giờ, tôi không để mất phi trường nữa, nên cứ làm vòng tròn bên trái ở cao độ 500 bộ, mắt bám chặc vào đài kiểm soát phi trường. Vì phải thực hiện một phi vụ một tiếng bay, nên phải bay vòng chờ tới giờ xin vào đáp. Phải đấm đá tí ti vì khi trần mây quá thấp nên chui ra chui vào mãi. Vừa đến giờ, tôi hấp tấp gọi đài kiểm sóat xin chỉ thị hạ cánh. Người thả bay tôi chỉ chờ có lúc này vì anh trực sẵn ở đầu phi đạo coi tôi đáp. Ông cho biết tôi đáp như “thợ”. Thế mà tôi tin lắm. Ở tuổi đó, người ta tin bất cứ điều gì!

    Chúng tôi đều là thiên thần, cả liên phi đoàn chúng tôi là như vậy. Các bạn của tôi cũng nhiều ít làm như tôi, phải đấm đá giữa mây thấp và mặt nước. Có một chàng, không tiện nêu tên, lại có ý nghĩ bay ra biển khi bị lạc, vì biển rất gần, chỉ có vài chục cây số thôi. Cũng là một ý kiến! Nhưng khi chàng bay trở về đất liền, chàng lại nhầm phi trường. Chàng đã làm vòng bay trên phi trường Đồ Sơn(nghe đâu bãi biển Đồ Sơn rất đẹp, và người cũng đẹp) đang trong thời gian xây cất. Đài kiểm soát Cát Bi(nơi phải đáp) chẳng để ý gì cả và còn cho phép hạ cánh theo kiểu “múc”(peel-off) và chờ đợi anh ta ở vòng chót mà chàng đang làm vòng chót cách đó 12 cây số. May thay, chàng tống ga bay lại khi thấy mình “hố” rồi...

    Chiều lại, tôi bay một lần nữa. Lần này khá hơn. Tôi có thể làm vài vòng quẹo gắt, làm hình số 8 trên mặt phẳng đứng (lazy eight). Ngày hôm sau, các hoa tiêu cũ nức nở khen tặng chúng tôi: ”các cha lái thật tài tình!”. Nói y như rằng, họ chẳng còn gì để dạy bảo chúng tôi nữa. Rồi họ dẫn các cấp chỉ huy của chúng tôi đi hành quân để am tường thể thức hành quân ở chiến trường này. Và quan trọng nhất là họ có thể bắt đầu sửa soạn “va-li” mà “chuồn” cho gắp. Họ còn bảo “ai có nhắn gì về gia đình”, họ sẵn sàng, “đừng ngại”.

    Ngày hôm sau, trời gần như đẹp hẳn. Tôi bay phi vụ thứ ba trên phi cơ này và là phi vụ hành quân đầu tiên. May mà mọi việc đều suông sẻ. Suông sẻ cho tất cả mọi người, trừ Thiếu Úy Léger đã mãi mãi ra đi ngay trong phi vụ hành quân đầu tiên mà cũng là phi vụ cuối cùng của anh ta. Chẳng ai biết tự sự ra sao, nhưng theo tôi nghĩ, thả bay hấp tấp như vậy thật có nhiều điều không ổn...


    GHI CHÚ:

    *Thiếu Tá Brunschwig đã tử trận ở Việt Nam. Sau này lấy tên ông đặt tên cho khóa 1953 của Trường VBKQP tại Salon-de-Provence, khóa mà Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan theo học.
    **Guynemer là tên một thần tượng Không Quân Pháp trong Đệ I Thế Chiến. Tên ông được đặt cho khóa đầu tiên của Trường VBKQP vào năm 1935. Ông Nguyễn Văn Hinh, một tướng lãnh ba sao trong Không Quân Pháp là người Pháp gốc Việt, đã tốt nghiệp Khóa thứ hai của trường này, khóa tên Astier de Villate-1936.
    ***”canibal” là một giống dân Phi Châu ăn thịt người. “Canibaliser” có nghĩa là “làm thịt” một chiếc máy bay bất khả dụng để lấy bộ phận rời cứu vãn một phi cơ khác.
    ****”Gnac Soda” là “Cognac” pha “Soda” để giải khát ở Việt Nam. Cognac là loại Brandy phổ biến ở Pháp, nhưng người Pháp chỉ dùng uống một ly nhỏ để tiêu cơm vào buổi tối.
    *****Theo truyền thống quân đội Pháp, khi người bạn uống say, ta phải diều họ về phòng, đặt lên giường, đấp chăn ấm để tránh bị lạnh và ngủ say đến sáng, không biết trời trăng gì cả.



    Tarin65

    http://www.oocities.org/tarin65/thabay.htm

Trang 3/3 đầuđầu 123

Similar Threads

  1. Hoa Kỳ có tự-do tư-tưởng?
    By vinhtruong in forum Trang Vinhtruong
    Trả lời: 2
    Bài mới nhất : 10-02-2013, 04:35 AM
  2. Khóc Bạn Già Không Quân
    By khongquan2 in forum Quân Sử Không Quân
    Trả lời: 5
    Bài mới nhất : 01-17-2013, 03:44 AM
  3. Nhạc Kỷ Niệm Của Một Thời Quân Ngủ !
    By TAM73F in forum Video ca nhạc Việt
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 12-08-2012, 08:03 PM

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •