Remember ?

Trang 2/4 đầuđầu 1234 cuốicuối
kết quả từ 7 tới 12 trên 19

Tựa Đề: Quân sử Không Quân

  1. #7
    Tn07's Avatar
    Status : Tn07 v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Dec 2012
    Posts: 161
    Thanks: 0
    Thanked 1 Time in 1 Post

    Default Quân sử Không Quân

    Trận Mậu Thân 1968 tại CCKQ Tân Sơn Nhứt
    và cái chết của cố Ch/Tướng Lưu Kim Cuơng

    Thiên Ân (viết theo lời kể của Ðại tá Phùng Văn Chiêu)


    LỜI NÓI ÐẦU:
    Khi viết về những chiến công của quân chủng Không Quân, người ta thường đề cao, ca tụng giới phi hành. Ðiều đó cũng không có gì lạ bởi vì phi hành là lực lượng chiến đấu, là sức mạnh chính của Không Quân. Nhưng nói như thế không có nghĩa là giới 'không phi hành' không góp phần công lao vào những chiến tích hào hùng của quân chủng. Những người lính kỹ thuật đã âm thầm đổ mồ hôi để bảo đảm an toàn cho người phi công, những chiến sĩ phòng thủ ngày đêm vững tay súng để bảo vệ vòng đai căn cứ, v.v...

    Trong Tết Mậu Thân 1968, hầu hết mọi căn cứ không quân trên lãnh thổ VNCH đều bị Việt Cộng tấn công, nhưng nặng nhất phải là căn cứ Tân Sơn Nhứt. Với lực lượng lên tới một trung đoàn, Việt Cộng tưởng sẽ tràn ngập căn cứ dễ như trở bàn tay, nhất là sau khi một tiểu đoàn gồm 300 tên đã lọt vào phi truờng. Nhưng trước sự chiến đấu quả cảm của những người lính 'không quân đánh bộ', Việt Cộng đã bị thảm bại, 187 tên bỏ xác tại trận, chưa kể một số khác được đồng bọn mang đi.

    Bài này được người viết đúc kết theo lời kể lại của Ðại tá Phùng Văn Chiêu - nguyên Chỉ huy trưởng Yếu Khu Tân Sơn Nhứt, không ngoài mục đích vinh danh những chiến sĩ phòng thủ anh hùng của quân chủng Không Quân 35 năm về trước.


    YẾU KHU TÂN SƠN NHỨT

    Năm 1955- 1956, Không Quân Việt Nam lần lượt tiếp nhận các căn cứ do Không Quân Pháp bàn giao lại. Tân Sơn Nhứt là căn cứ thứ ba (sau Nha Trang và Biên Hòa) nên được đặt trên Căn cứ 3 KQVN. Trên phương diện lãnh thổ, Căn cứ 3 thuộc Yếu khu Hạnh Thông Tây - Tân Sơn Nhứt. Yếu khu này gồm các yểu điểm sau đây:

    • Yếu điểm Hạnh Thông Tây
    • Yếu điểm TSN (Căn cứ 3 KQ)
    • Yếu điểm Trần Hưng Ðạo (tức Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH)

    Bộ chỉ huy Yếu khu đặt tại Tổng hành dinh Bộ TTM, Chỉ huy trưởng Tổng hành dinh kiêm Chỉ huy trưởng Yếu khu.

    Riêng Yếu điểm TSN gồm có:

    • Căn cứ 3 KQ
    • Căn cứ Hoàng Hoa Thám (Nhảy Dù)

    Bộ chỉ huy Yếu điểm đặt tại Bộ chỉ huy phòng thủ Căn cứ 3 KQ. Sĩ quan Phòng thủ Căn cứ kiêm nhiệm Chỉ huy trưởng Yếu điểm.

    Căn cứ 3 KQ có một vòng đai ngoài dài 21 cây số do Tiểu Ðoàn 2 Công Vụ (TÐ2CV), được Biệt khu Thủ đô biệt phái tới để bảo vệ phi trường. Vòng đai phía trong căn cứ do Ðoàn Phòng Vệ trách nhiệm, quân số vừa đủ để canh gác cổng ra vào và tạm thời đảm nhận nhiệm vụ của Quân Cảnh để đi tuần tiễu, chỉ còn lại chừng một tiểu đội để ứng chiến.

    Từ năm 1959-1960, địch quân bắt đầu gia tăng hoạt động trong Nam. Vì thế quân đội VNCH cũng được bành trướng để đối phó với tình hình mới. Tại TSN, Không Ðoàn 33 Chiến Thuật được thành lập (1965-66). Ðể làm giảm tiềm năng chiến đấu của KQ/VNCH, VC ra sức phá hoại căn cứ. Cùng với việc cho nội tuyến đặt bom phá hoại Phi cảng TSN, chúng pháo kích căn cứ quân sự bằng các loại súng cối 61, 82 ly, và cho đặc công lẻn vào phá hoại (năm 1966).

    Trước tình hình đó, Bộ TTM, Bộ Tư Lệnh KQ và các lực lượng Hoa Kỳ đồn trú trong Yếu khu nhận thấy cần phải cải tổ hệ thống phòng thủ lãnh thổ. Từ đó, Yếu khu Hạnh Thông Tây - Tân Sơn Nhứt bị giải tán để thành lập một yếu khu mới (Yếu khu TSN) và trao trách nhiệm cho KÐ33CT. Ban đầu, Trung tá Lưu Kim Cương từ chối vì công việc riêng của KÐ đã quá nặng rồi, không thể đảm trách thêm yếu khu.

    Tuy nhiên, Thiếu tá Phùng Văn Chiêu sau khi phân tách lợi hại, nhận thấy nếu KÐ33CT nắm yếu khu thì căn cứ TSN có thể được an toàn hơn trước vì KÐ trực tiếp điều khiển, toàn quyền sắp xếp mọi việc , sẽ an tâm hơn, nên đề nghị Trung tá Cương nhận trọng trách. Kết quả, KÐ33CT tiếp nhận Yếu khu TSN và đặt bộ chỉ huy tại Bộ chỉ huy Phòng thủ Căn cứ TSN.


    Chỉ huy trưởng Yếu khu: Trung tá Lưu Kim Cương; Chỉ huy phó kiêm Tham mưu trưởng: Thiếu tá Phùng Văn Chiêu. Ban tham mưu có các sĩ quan Ban 1, 2, 3 và Truyền tin do Biệt khu Thủ đô tăng phái.

    Các yếu điểm và chi khu quân sự trực thuộc Yếu khu mới này gồm có:

    1. Yếu điểm TSN, gồm có căn cứ KQ, căn cứ Nhảy dù (trại Hoàng Hoa Thám), khu vực dân sự và Phi cảng TSN.
    2. Yếu điểm Hạnh Thông Tây, có Trường Quân Cụ, các trại Cổ Loa (Pháo Binh), Phù Ðổng (Thiết Giáp), Cục Quân Y và Tổng y viện Cộng Hòa.
    3. Chi khu Gò Vấp.

    Vùng hoạt động được nới rộng, xa hơn tầm pháo kích 61 và 82 ly của VC:

    • Phía Bắc là Chi khu Gò Vấp đến đồng An Phú Ðông, cách căn cứ trên 4 cây số.
    • Phía Tây đến ranh Hốc Môn.
    • Phía Nam đến ranh Phú Lâm.
    • Phía Ðông là trại Trần Hưng Ðạo (Bộ TTM).

    Ngoài ra, còn có Tiểu đoàn 53 Ðịa phương quân được đặt dưới quyền sử dụng của Yếu khu để hành quân, và một Pháo đội 105 ly có trang bị hệ thống radar phản pháo, đặt ngay trong phi trường, cũng được đặt dưới sự điều động của Yếu khu.

    Từ khi có Yếu khu TSN, hoạt động trong căn cứ nhộn nhịp hơn vì có nhiều bộ tư lệnh và các đơn vị Không Quân, Lục Quân Việt - Mỹ đồn trú. Vì thế, Bộ chỉ huy Phòng thủ Căn cứ được phía Hoa Kỳ tăng phái một số sĩ quan và hạ sĩ quan đến phối hợp với phía VN, và trở thành Trung tâm Phòng thủ Hành quân Hỗn hợp (JDOC: Joint Defense Operation Center).

    Ngoài các cơ cấu nói trên, phía Hoa Kỳ còn yểm trợ ngân khoản để tuyển mộ 15 tình báo viên dân sự, tuyển từ hàng ngũ VC hồi chánh. Kể từ đó, lưới tình báo của yếu khu được phối trí rộng rãi, ra xa hơn để bao vùng. Lúc đó Ban 2 Yếu khu do Trung úy Nguyễn Hồng Phúc và tiếp theo là Ðại úy Huỳnh Khương An chỉ huy đã thu thập được nhiều tin tức chính xác, biết được ý định của địch từ bên ngoài để phá vỡ âm mưu của địch ở bên trong. Do đó các ổ nội tuyến trước kia từng phá hoại hai lần ở phi cảng, nay chuẩn bị tiếp tục phá hoại đều bị khám phá và bắt trọn ổ.

    Bên ngoài vòng đai, TÐ53ÐPQ cũng hoạt động tích cực, bao vùng, phục kích ở những khu vực mà VC có thể đặt súng cối để pháo kích. Kết quả đã bắt được một vài toán VC trong lúc chúng đang chuẩn bị pháo kích vào căn cứ TSN. Không thể hoạt động dễ dàng như trước, VC đổi chiến thuật, sử dụng hỏa tiễn 122 ly từ ngoài vòng kiểm soát của Yếu khu để bắn vào căn cứ.

    Mỗi buổi chiều, vào lúc 5 giờ, Thiếu tá Phùng Văn Chiêu, Chỉ huy phó Yếu khu, lại thay mặt Trung tá Lưu Kim Cương điều khiển phiên họp tại JDOC gồm tất cả các cấp chỉ huy và sĩ quan phòng thủ Việt - Mỹ để duyệt xét tình hình. Có thể nói JDOC này trung tâm hành quân độc đáo, kiên cố nhất thời đó, do Hoa Kỳ viện trợ xây cất và trang bị. Nóc và các bức tường dày 60 cm, hỏa tiễn 122 ly không thể xuyên qua nổi. Bên trong được trang bị những phương tiện truyền tin, liên lạc tối tân nhất.

    Có một lần Ðại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH, hướng dẫn một phái đoàn tướng lãnh (Tr/tướng Vỹ, Th/tướng Nhơn, Th/tướng Phong) và nhiều sĩ quan cao cấp thuộc Phòng 3 Bộ TTM đến thăm viếng và quan sát hoạt động trong JDOC. Lúc đó Trung tá Lưu Kim Cương bận tháp tùng Ðại tá Võ Xuân Lành sang Hoa Kỳ viếng thăm các cơ sở của Không Lực HK nên Thiếu tá Phùng Văn Chiêu thay thế đón tiếp phái đoàn. Sau khi tham quan, Ðại tướng Viên quay lại hỏi Th/tướng Phong rằng "Bao giờ anh mới xây cất được một Trung tâm Hành quân kiên cố như thế này cho Bộ TTM?". Thiếu tướng Phong dè dặt trả lời rằng chưa có đủ tiền!

    KẾ HOẠCH PHÒNG THỦ

    Và mấy tháng cuối năm 1967 (thời gian trước Tết Mậu Thân), tin tình báo do Yếu khu TSN thu thập cho biết chắc chắn VC sẽ mở một cuộc tấn công đại quy mô vào Sài Gòn trong ba ngày ngưng bắn nhân dịp Tết nguyên đán. Theo đó, Căn cứ TSN và Bộ TTM sẽ là những mục tiêu địch sẽ đánh chiếm trước khi tiến vào đô thành Sài Gòn. Nhưng tin tức được Yếu khu báo cáo đã bị Phòng 2 Bộ TTM và Biệt khu Thủ đô đánh giá rất thấp. Các nơi này cho rằng VC không có khả năng to lớn như vậy mà chỉ có thể đánh khuấy rối để gây tiếng vang mà thôi!


    Dù vậy, Yếu khu TSN vẫn đề cao cảnh giác, chỉ thị cho các đơn vị phòng thủ Việt - Mỹ chuẩn bị sẵn sàng. Mỗi buổi chiều, sau phiên họp tại JDOC, Thiếu tá Phùng Văn Chiêu lại đi thị sát vòng đai phòng thủ, nhất là tại các tuyến tiếp cận với dân cư, nơi VC có thể len lỏi trà trộn dễ dàng. Mặc dù đã làm việc tại BTL/KQ phụ trách hồ sơ kế hoạch phòng thủ của các căn cứ KQ trong thời gian 7 năm trời, và sau đó là 3 năm phòng thủ Căn cứ 3 (KÐ33CT), Thiếu tá Chiêu chưa bao giờ phải đối đầu với một cuộc tấn công lớn của VC, cho nên ông rất lo ngại. Ông chỉ biết làm tất cả những gì có thể làm và phó thác cho... định mệnh.

    Chiều nào ông cũng về nhà ăn cơm tối và thăm bà mẹ già đau yếu đã lâu năm. Trước khi trở vào trại, ông thắp nhang trước các bàn thờ Phật Bà, Quan Công và người vợ đã qua đời của mình.

    Lúc đó Thiếu tá Phùng Văn Chiêu rất dị đoan, tin tưởng vào lời các thầy tướng số cho rằng ông được Quan Công độ mạng, cho nên đêm nào ông cũng cầu xin ngài phò hộ, giúp ông giữ được căn cứ trong trường hợp VC mở cuộc tấn công thật sự. Không hiểu do đấng thiêng liêng, người khuất mặt mách bảo hay do linh tính mà Thiếu tá Chiêu đã quyết định bổ túc lại kế hoạch phòng thủ hiện tại mà trong bao năm qua chưa hề thay đổi.

    Ước đoán VC sẽ thọc mũi dùi tấn công vào tuyến Tây Nam (dọc theo Quốc lộ 1 từ Bà Quẹo đến cổng trại Hoàng Hoa Thám), tại cổng ra vào có pháo đài 51 (OF 51). Tuyến này do các lực lượng của TÐ2CV trấn giữ. Ðể được an tâm hơn, Thiếu tá Chiêu đã nhờ phía Không Quân Hoa Kỳ cho một bán tiểu đội phòng vệ (AP) trang bị tối tân (có phương tiện quan sát ban đêm) tới thay thế TÐ2CV để trấn giữ pháo đài 51.

    Phía bên trong, giữa hàng rào phòng thủ và bãi đậu phi cơ C-47 của Liên Ðoàn 33 Kỹ Thuật, Thiếu tá Chiêu phối trí một tuyến phòng thủ thứ hai, gọi là tuyến B, để ngăn chặn VC trong trường hợp TÐ2CV không giữ được tuyến ngoài. Lực lượng phòng thủ tại tuyến B vào khoảng 60 người. Vì hầu như tất cả đều chưa có kinh nghiệm chiến đấu , để cho họ yên tâm, Thiếu tá Chiêu đã nhờ phía Hoa Kỳ tăng cường cho tuyến B một tiểu đội AP trang bị vũ khí tối tân, có cả súng phóng lựu M79. Ngoài ra còn 5 xe GMC trang bị đại bác 20 ly phòng không phối trí rải rác dọc theo đường đai để tăng cường cho TÐ2CV, với mục đích nhờ tầm bắn xa của đại bác có thể chặn địch từ xa trước khi chúng đến hàng rào phòng thủ.

    Sau khi bố trí kế hoạch mới, Thiếu tá Chiêu thường xuyên đi kiểm soát bất thần, và trắc nghiệm phản ứng của các lực lượng ứng chiến, tập đi tập lại cho tới khi đạt được phản ứng nhanh nhất...
    Thời gian đó, Căn cứ TSN là nơi tập trung nhiều quân nhân và nhân viên dân sự Mỹ nhất trên lãnh thổ miền Nam. Quân nhân Mỹ (Không Quân và Lục Quân) 18.000 người; ban ngày số nhân viên dân sự Việt - Mỹ vào căn cứ làm việc là 23.000 người; phía Việt Nam, kể cả gia đình binh sĩ khoảng 5000 người. Tổng cộng 46.000 người, sinh hoạt như một thành phố.

    Một đêm nọ, Trung tá Lưu Kim Cương yêu cầu Thiếu tá Phùng Văn Chiêu hướng dẫn một phái đoàn 3 nhân viên báo chí Hoa Kỳ đi tham quan hệ thống phòng thủ của Căn cứ TSN và chứng kiến phản ứng của các đơn vị ứng chiến khi có báo động. Sau đó, họ hỏi liệu Yếu khu có thể chống nổi cuộc tấn công của 7 tiểu đoàn VC không? Thiếu tá Chiêu chỉ cười và trả lời 'Ðến lúc đó các anh sẽ biết'. Tuy nói vậy, nhưng trong lòng ông rất lo.

    TỔNG CÔNG KÍCH ÐỢT I:

    Theo thông lệ, vào mỗi dịp đầu năm âm lịch, VNCH và VC thỏa thuận ngưng bắn 3 ngày để binh sĩ hai bên về ăn Tết với gia đình. Tuy nhiên năm nay (Mậu Thân 1968), có tin VC sẽ tấn công nên tại căn cứ TSN, các đơn vị cho binh sĩ thay phiên nhau đi phép 25% quân số. Bù lại, các lực lượng Hoa Kỳ tình nguyện cấm trại 100% để đắp vào chỗ trống.

    Theo tin tình báo, VC đã cho từng toán nhỏ len lỏi vào các khu dân cư xung quanh căn cứ TSN và yếu điểm Hạnh Thông Tây. Cũng theo tin tình báo, lực lượng của chúng tham gia cuộc tổng tấn công gồm có:

    • 9 Tiểu đoàn đánh vào Ðô thành Sài Gòn
    • 7 Tiểu đoàn đánh vào Căn cứ TSN và Bộ TTM
    • 1 Tiểu đoàn đặc công
    • 12 Ðại đội do Sư Ðoàn 3 VC tăng phái để yểm trợ tổng quát.


    Ðúng 9 giờ sáng mùng một Tết Mậu Thân (31-1-1968), JDOC báo cáo VC đã tấn công cố đô Huế vào đêm 30 rạng mùng một Tết, và đã tràn vào thành phố. Tức thời, Thiếu tá Phùng Văn Chiêu cho lệnh báo động cấm trại 100%. Tất cả các đơn vị Việt - Mỹ đồn trú đều ở trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Thiếu tá Chiêu có hỏi Trung tá Cương xem ông có quyết định gì để bổ túc kế hoạch phòng thủ không, Trung tá Cương trả lời ông hoàn toàn đặt tin tưởng vào kế hoạch của Thiếu tá Chiêu, đồng thời cũng nói ông Chiêu ráng lo bảo vệ căn cứ vì bản thân ông còn rất nhiều công việc khác phải lo.

    Sau khi được tin có nhiều toán nhỏ của VC lần lượt trà trộn vào các xóm nhà dân trong yếu điểm Hạnh Thông Tây (tuyến Ðông Bắc) và khu vực Bà Quẹo, Ngã Tư Bảy Hiền (dọc Quốc lộ 1) nên ngay trong đêm mùng một Tết, yếu điểm TSN đã tổ chức một cuộc hành quân phối hợp giữa lực lượng phòng vệ do Trung úy Nguyễn Hữu Hạnh chỉ huy, Chuẩn úy Lành phụ tá, cùng với Ty Cảnh sát Quốc gia để xét sổ gia đình. Khoảng 10 giờ đêm, lực lượng hành quân báo cáo đã bắt nhiều người cư ngụ bất hợp pháp, tình nghi là VC. Trong khi đó, TÐ53ÐPQ cũng báo cáo có tin nhiều toán nhỏ VC đang tiến về phía phi trường.

    Mười hai giờ đêm, Biệt khu Thủ đô cho biết VC đặt súng cối từ Thủ Thiêm bắn vào dinh Ðộc Lập. Thiếu tá Chiêu đoán có lẽ đó là dấu hiệu khởi đầu cho cuộc tổng tấn công, ông liền ra lệnh cho Trung úy Hạnh rút ngay lực lượng đang hành quân trở về căn cứ và trao những người tình nghi cho Trung đội Cảnh sát Phi Cảng thụ lý. Ðồng thời ông cho 2 Trung đội Phòng vệ cùng tiểu đội AP đế trấn tuyến phòng thủ B. Lực lượng Phòng vệ còn lại để bảo vệ JDOC và tiếp tế đạn dược. Các xe GMC phòng không trang bị đại bác 20 ly và chi đội 3 chiến xa được bố trí dọc theo phía tây vòng đai tăng cường cho TÐ2CV.


    Ðể nắm vững tình hình, Yếu khu (Ðại úy Huỳnh Khương An) phái Trung úy Ðặng Lê Bia (SQ tình báo) và phụ tá là Trung sĩ I Vũ Ðức Thọ đi thám thính tại Yếu điểm Hạnh Thông Tây và Chi khu Gò Vấp. Khi xe jeep đi qua Hạnh Thông Tây thì bị B-40 của VC bắn cháy, Trung úy Bia tử thương, Trung sĩ I Thọ bị chúng bắt làm tù binh.

    3 giờ sáng, VC bắt đầu tấn công Tòa đại sứ Hoa Kỳ và Ðài phát thanh Sài Gòn. Kế tiếp là cổng 2 Bộ TMM (hướng đường Võ Tánh, trục Phú Nhuận - Trung tâm Tiếp Huyết).

    3 giờ 20, Ðài kiểm soát báo cáo có nhiều tiếng súng nhỏ từ tuyến Ðông Bắc (Hạnh Thông Tây) bắn vào khu nhiên liệu C-130 của Hoa Kỳ (parking khu Ðông trong căn cứ TSN). Ðồng thời, VC từ phía ngoài cổng 10 (TT Tiếp Huyết) bắn vào bộ chỉ huy của TÐ2CV để yếm trợ cho TÐ2/MTGP của chúng đang phối hợp với TÐ10 Ðặc Công tiến vào bằng ngõ sân golf. Có lẽ ý định của chúng là đánh vào hông phía Tây của Bộ TTM (giáp ranh với cổng 2 của khu MACV annex) nhưng vì không am tường địa thế nên lại tiến thẳng vào khu MACV. Tại đây, VC tấn công rất mãnh liệt nhưng đã bị lực lượng Hoa Kỳ và TÐ2CV phản công tiêu diệt: chúng đã phải để lại trên 80 xác chết và vũ khí đủ loại. Số sống sót chạy qua phía Ðông (hàng rào Bộ TTM) phối hợp với lực lượng đang tấn công cửa sau Bộ TTM (phía đường Võ Di Nguy).


    Ở tuyến Tây Nam, khoảng 5 giờ sáng, VC bắt đầu dùng súng đủ loại, kể cả súng cối, bắn vào pháo đài 51 (OF 51), cùng lúc ở phía ngoài dọc theo quốc lộ 1, 4 tiểu đoàn VC giàn trận yểm trợ cho một đơn vị thuộc TÐ10 Ðặc Công phá bãi mìn, và chiếm được pháo đài 51 (do một tiểu đội AP Mỹ trấn giữ).
    Lập tức, TÐ2CV gửi một trung đội có trang bị đại bác không giật 75 ly cùng 2 cố vấn Mỹ tới phản công, thêm vào đó còn có 6 đại đội Nhảy Dù từ trại Hoàng Hoa Thám tới tăng cường. Nhưng cũng không thể ngăn chặn được lực lượng quá đông của địch. Kết quả, TÐ 267 của VC đã lọt được vào căn cứ. Trong lúc hai bên cận chiến, VC đã chiếm được khẩu đại bác 75 ly của TÐ2CV rồi bắn lại gây cho một cố vấn Mỹ tử thương. Cùng lúc đó, Không Quân Hoa Kỳ cũng gửi một lực lượng AP tới để tiếp tay tái chiếm pháo đài 51, nhưng VC từ phía trong bắn ra dữ dội, phải cầm cự, chờ tới lúc chiến xa đến bắn phá mới cứu được các thương binh AP đem ra.

    Trong lúc hai bên giao tranh ngoài vòng đai thì TÐ267 VC (quân số từ 300 tới 350 ) đã lọt được vào căn cứ, tiến về phía parking C-47 của LÐ33KT, nhưng đã bị lực lượng Phòng vệ chờ sẵn tại tuyến B chặn lại.

    Trước đó, Thiếu tá Chiêu đã điều động chi đội 3 chiến xa của lực lượng phòng thủ chạy ra tuyến B để yểm trợ. Tại đây, chiếc của Thiếu tá Chiêu trấn giữ cánh trái, Ðại úy Chi, chi đội trưởng trấn cánh phải, chiếc còn lại trấn ngay giữa. Có chiến xa đến tăng cường, các binh sĩ phòng thủ cảm thấy an tâm hơn.
    Khi địch quân tiến vào tầm tác xạ, đại bác 57 ly, đại liên 12 ly 7 trên chiến xa, súng trường, trung liên, M79 của AP dưới đất đồng loạt khai hỏa. Trước hỏa lực mãnh liệt của lực lượng phòng thủ, VC đã phải khựng lại để bố trí, một số lớn chạy vào ẩn núp trong một nghĩa trang cũ ở phía trước của tuyến B.
    Lực lượng phòng thủ, kể cả các xạ thủ trên chiến xa, chưa từng đụng địch, hoàn toàn thiếu kinh nghiệm chiến trường, nên trước đó Thiếu tá Chiêu rất lo ngại. Tuy nhiên sau đợt phản công đầu tiên khiến VC phải chùn bước, tinh thần binh sĩ đã lên rất cao, chiến đấu gan dạ như lính tác chiến chuyên nghiệp!
    Sau này các tù binh VC bị quân ta bắt đã kể lại rằng trước khi tấn công vào Căn cứ TSN, các cấp chỉ huy của họ nói: các anh chỉ cần vào được căn cứ thì Không Quân sẽ buông súng đầu hàng hết vì họ không biết đánh giặc... Vì thế họ không thể ngờ lính KQ lại có khí thế chiến đấu cao như vậy!
    Trong lúc giao tranh, chiến xa của Ðại úy Chi bị trúng B40 khiến anh bị thương một chân (sau này tàn tật vĩnh viễn). Khoảng 15 phút sau, xe của Thiếu tá Chiêu cũng bị trúng B40. Sức nổ mạnh đã làm ông và Trung sĩ I Huề, xạ thủ đại liên 12 ly 7, ngã lăn xuống đất. Anh Huề bị thương một chân vì miểng B40, còn ông Chiêu bị miểng trúng mí mắt, máu chảy lênh láng.

    (Thiếu tá Chiêu và Ðại úy Chi cùng sử dụng loại máy Motorola cầm tay, mặt sau máy được xi bạc, có lẽ phản chiếu ánh đèn đường nên VC nhận ra vị trí chiến xa, và cũng có thể vì hai người đứng trên xe nên trở thành mục tiêu?!).

    Mặc dù hai chiến xa bị đạn nằm bất động nhưng vũ khí trên xe (đại bác 57 ly và đại liên 12 ly 7) còn sử dụng được nên hỏa lực vẫn tiếp tục ngăn chặn không cho địch vượt qua tuyến B để tiến vào các ụ C-47. Cũng may lúc đó trời đã tờ mờ sáng, Thiếu tá Chiêu liền gọi JDOC xin Phòng Hành quân Chiến cuộc KÐ33CT cho trực thăng võ trang lên xạ kích 3 tiểu đoàn VC đang giàn quân bên ngoài hàng rào (tuyến Quốc lộ 1) với mục đích trấn áp lực lượng của chúng để cho lực lượng phòng thủ bên trong tuyến B yên tâm phản công, đẩy lui TÐ 267 của VC.


    Khoảng 8 giờ sáng, đoàn chiến xa của một đơn vị kỵ binh Hoa Kỳ từ Củ Chi đến phối hợp với trực thăng võ trang tiếp tục truy kích 3 tiểu đoàn này và đơn vị yểm trợ là Tiểu đoàn 90 VC đóng tại hãng dệt Vinatexco có trang bị 12 súng cối đủ loại, ngoài ra còn có 7 phi công và 15 chuyên viên cơ khí của Không Quân Bắc Việt. Ý đồ của chúng là sau khi vào được TSN, sẽ chiếm dụng các phi cơ của KQ/VNCH để làm quân dân miền Nam thêm mất tinh thần!

    Cuối cùng TÐ267 của VC đã bị lực lượng phòng vệ đẩy lui, phải tháo chạy cùng với đám tàn quân của 3 tiểu đoàn yểm trợ phía bên ngoài.

    Trước đó, vào lúc khoảng 7 giờ sáng, Trung tá Lưu Kim Cương cùng toán cận vệ, hai Trung úy Chấn và Lộc thuộc Bộ tư lệnh KÐ, và thành phần còn lại của lực lượng phòng thủ như hai Trung úy Ðức, Ðạt, Chuẩn úy Thạch... ra tới nơi. Theo sau là một xe cứu thương để đưa Thiếu tá Chiêu, Ðại úy Chi, Trung sĩ I Huề vào Bệnh xá của KÐ để cấp cứu.

    Trung tá Cương thay thế Thiếu tá Chiêu chỉ huy cuộc phản công. Trong lúc giao tranh, ông bị một viên đạn súng trường của VC xuyên qua bắp đùi nhưng vẫn ở lại tiếp tục chỉ huy. Một điều đáng nói nữa là các sĩ quan như Trung úy Chấn, Lộc, Ðạt và Chuẩn úy Thạch... người thì leo lên xe thiết giáp, kẻ leo lên xe GMC sử dụng các loại vũ khí một cách thành thạo như các chiến sĩ thiện chiến để yểm trợ cho cuộc phản công.

    Phần Thiếu tá Chiêu, sau khi rời bệnh xá trở về JDOC thì được lệnh lên trình diện Thiếu tướng Trần Văn Minh, Tư lệnh KQ, để trình bày các diễn tiến và báo cáo tình hình . Khi thấy Thiếu tá Chiêu bị băng đầu, máu còn dính trên mặt, Thiếu tướng đã ra lệnh giải tán ngay cuộc họp các Tham mưu phó và sĩ quan thuộc BTL để mọi người về lo đối phó với tình hình.

    Từ BTL trở về JDOC, Thiếu tá Chiêu nhận thấy cần phải xin lực lượng tiếp viện. Nhưng Biệt khu Thủ đô trả lời rằng hiện không còn lực lượng trừ bị nào khác, vì thế Yếu khu TSN phải tự túc. Cùng lúc đó JDOC được Yếu điểm Hạnh Thông Tây và Chi khu Gò Vấp báo cáo thành Cổ Loa (Pháo Binh) và thành Phù Ðổng (Thiết Giáp) đã bị VC đánh chiếm hết, và xin tiếp viện. Thiếu tá Chiêu lại cầu cứu BKTÐ lần nữa và được trả lời: chờ có chỗ nào áp lực địch giảm, sẽ rút quân để tới giải vây cho các nơi này.

    (Mãi cho đến 3, 4 ngày sau, các lực lượng TQLC và Nhảy Dù mới đến đánh giải vây. Trung sĩ I Vũ Ðức Thọ, người bị VC bắt sau khi Trung úy Bia bị tử thương, nay cũng được giải thoát).

    Sau khi sắp xếp mọi việc ở JDOC, Thiếu tá Chiêu trở ra mặt trận tuyến B. Vừa ra tới cửa JDOC thì gặp Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, Phó Tổng thống, đến. Sau khi được Thiếu tá Chiêu cho biết Yếu khu TSN không xin được tiếp viện, ông không nghĩ ngợi, đã chỉ thị Ðại đội Nhảy Dù đang ứng chiến cho Phó TT ra ngay tuyến B để tăng viện.

    Khoảng 9 giờ 30 sáng, Thiếu tá Chiêu trở ra tuyến B. Trung tá Lưu Kim Cương vẫn đang chỉ huy phản công. Thiếu tá Chiêu lên một GMC trấn cánh phải vì sợ VC từ phía Tây Nam (Bà Quẹo) đến tiếp viện. Về phần Ðại đội Dù mà Thiếu tướng Kỳ cho mượn, thay vì ra trận thì lại bố trí dọc theo hàng rào phòng thủ của căn cứ Hoàng Hoa Thám (tức cánh trái của mặt trận).

    Lúc đó tại tuyến B chỉ còn lực lượng phòng vệ, 3 chiến xa (2 đã bất động) và 3 GMC trang bị phòng không 20 ly, vì Tiểu đội AP của Hoa Kỳ tăng cường đã được lệnh rút đi công tác nơi khác ngay từ lúc đầu, khi xe thiết giáp của Thiếu tá Chiêu và Ðại úy Chi bị trúng B40.

    Mãi tới khi lực lượng phòng vệ đã đẩy lui VC gần đến hàng rào phòng thủ tuyến Tây Nam thì Ðại đội Dù mới chạy ra tiếp viện. Sau này, trong buổi tiệc mừng chiến thắng tại CLB Huỳnh Hữu Bạc, khi được Thiếu tá Chiêu hỏi tại sao không ra tiếp viện sớm hơn, vị Ðại đội trưởng Dù cho biết lần đầu tiên thấy lính không quân đánh "bộ chiến" rất khá, lại chiếm ưu thế nên quân Dù không ra vội! Một lý do khác là họ sợ lính KQ chưa đánh giặc bao giờ, khi lâm trận sẽ bắn loạn xạ, có thể trúng nhầm binh sĩ của họ.
    (Sau này được biết thêm là trong trận Mậu Thân đợt 1, toàn bộ lực lượng Dù đã bị tung đi các nơi trong mặt trận Ðô thành, chỉ còn lại một số rất nhỏ để bảo vệ căn cứ Hoàng Hoa Thám. Và vì căn cứ này nằm ở cánh trái của mặt trận nên sợ khi VC đánh bọc cánh trái tràn vào căn cứ sẽ mượn đường đánh qua căn cứ KQ, do đó mà quân Dù phải bảo vệ Căn cứ Hoàng Hoa Thám bằng mọi giá).

    Khoảng 12 giờ trưa, toán VC cuối cùng của TÐ267 rút ra khỏi căn cứ (tuyến Tây Nam)...

    Cuộc tổng công kích đợt 1 của VC vào Sài Gòn chấm dứt ngày 23-2-1968. Ðịch để lại 5520 xác chết.

    Tổn thất của chúng trong trận đánh vào Yếu khu TSN như sau:

    • 187 xác để lại trong căn cứ, do lực lượng phòng thủ tuyến B bắn chết.
    • 82 xác nằm gần hàng rào phía ngoài (khu sân golf), gần cổng số 10 (TT Tiếp Huyết), do lực lượng Hoa Kỳ ở MACV và TÐ2CV thanh toán.
    • 693 xác phía bên ngoài căn cứ, do Thiết giáp Hoa Kỳ từ Củ Chi đến và lực lượng phòng vệ từ trong phi trường bắn ra, xa hơn nữa là do TÐ53 ÐPQ tiêu diệt.
    Tổng cộng: 962 tên bỏ xác tại trận.

    Tổn thất về phía quân bạn như sau:

    • Tử thương: 55 (Không Quân HK: 4, Lục Quân HK: 19, KQVN: 5, Lục Quân VN: 27)
    • Bị thương: 147 (KQHK: 11, LQHK: 67, KQVN: 12, LQVN: 57).

    Thăng thưởng trong Yếu khu:

    • Không Quân: Thăng cấp Ðại tá: Trung tá Lưu Kim Cương - Thăng cấp Trung tá: Thiếu tá Phùng Văn Chiêu - Nhiều sĩ quan cấp úy, hạ sĩ quan và binh sĩ thuộc lực lượng phòng thủ cũng được lên một cấp.
    • Lục Quân : Một số sĩ quan chỉ huy yếu điểm, chi khu, TÐ2CV, TÐ53ÐPQ và một số sĩ quan, HSQ, binh sĩ được lên một cấp.
    • Ðặc biệt, Ðại tá Cương và Trung tá Chiêu còn được Ðại tướng Tư lệnh Ðệ Thất Không Lực Hoa Kỳ trao tặng huy chương Anh dũng bội tinh Silver Star with V. Mười chiến sĩ KQ khác thuộc LÐ Phòng Thủ TSN được trao tặng Bronze Star with V.


    Cuộc phản công đẩy lui VC tại tuyến phòng thủ B trong căn cứ TSN phải được xem là một chiến thắng "vô tiền khoáng hậu" của các chiến sĩ phòng thủ. Ðịch bỏ lại 187 xác chết (chưa kể một số khác được đồng bọn mang đi) trong khi chỉ có 5 chiến sĩ KQVN hy sinh.

    Trong số này có những trường hợp đáng được đặc biệt đề cao là:

    • Trung sĩ I Huề , xạ thủ đại liên 12 ly 7 trên chiến xa , sau khi bị thương và được đưa vào Bệnh xá băng bó cầm máu, đã tình nguyện trở lại tuyến B để tiếp tục chiến đấu.
    • Một Hạ sĩ phòng vệ (không nhớ tên), nhà chỉ có một mẹ góa con côi, đang nghỉ phép ở nhà, khi nghe tin căn cứ TSN bị tấn công đã từ giã mẹ già trở về đơn vị để chiến đấu bên cạnh đồng đội.
    Cả hai chiến sĩ KQ nói trên đã anh dũng hy sinh tại tuyến phòng thủ B.

    • Trong số những chiến sĩ bị thương có Trung sĩ I Lữ Bá Phương thuộc Ban 2 Yếu khu TSN, đang đi công tác xa cũng chạy về tham chiến. Tinh thần của anh cũng rất đáng được đề cao.
    Ba chiến sĩ nói trên, cùng với những chiến sĩ KQ khác đã hy sinh hoặc bị thương trong trận này, xứng đáng được gọi là những anh hùng như bất cứ anh hùng phi hành nào trong quân chủng, nhưng trong suốt 35 năm qua lại chưa một lần được nhắc tên. Thật đáng buồn!

    TỔNG CÔNG KÍCH ÐƠT II:

    Mặc dù VC bị tổn thất nặng nề trong cuộc tổng công kích đợt 1, tới trung tuần tháng 4-1968 đã có tin cho biết chúng sẽ mở cuộc tấn công đợt 2. Tin tình báo còn cho biết Căn cứ TSN vẫn là một trong những mục tiêu hàng đầu của chúng.

    Theo sự ước đoán của Trung tá Phùng Văn Chiêu, nếu tấn công căn cứ lần nữa, VC sẽ không nhắm mũi dùi vào tuyến Tây Nam (pháo đài OF51) như lần trước, mà sẽ đánh vào các tuyến có nhiều dân cư sống bên ngoài hàng rào, như các tuyến Ðông Bắc (Hạnh Thông Tây), Ðông Nam (Ngã tư Bảy Hiền).
    Mặt Ðông Bắc, khu C-130 có kho nhiên liệu, do các lực lượng Hoa Kỳ và TÐ2CV trấn giữ, được tăng cường một đơn vị quân khuyển hàng đêm đi tuần dọc theo đường đai phòng thủ.

    Mặt Tây Nam tuy trống trải nhưng được quân ta tăng cường mạnh mẽ, và có một đơn vị Hoa Kỳ phối hợp với TÐ2CV giàn quân dọc đường đai nên VC cũng khó mà đánh vào tuyến này.

    Như vậy, nếu chúng muốn đánh vào căn cứ theo hướng Ðông Nam thì sẽ lợi dụng khoảng từ Ngã Tư Bảy Hiền tới trại Hoàng Hoa Thám. Do linh tính, Trung tá Chiêu đã đoán trước ý định của VC . Vì thế, chiều nào ông cũng điều động quân của TÐ2CV và 3 chiến xa chạy qua chạy lại trên tuyến Tây Nam, nhưng sau khi trời tối thì cho các GMC trang bị đại bác 20 ly ra thay thế, và rút thiết giáp vào trấn phía sau khu nhà dân ở Ngã Tư Bảy Hiền cùng với 2 Trung đội Phòng vệ. Trên nóc trường Quốc Gia Nghĩa Tử gần đó, một bán tiểu đội Quân Báo trang bị trung liên do Thiếu tá Huỳnh Khương An điều động.

    Sáng ngày 2-5-1968, khi trời còn tối, mọi người đang yên giấc thì có nhiều toán VC tập họp tại nghĩa trang Pháp thành một lực lượng khoảng một Ðại đội nhẹ. Bất ngờ, trung liên trên nóc trường QGNT, chiến xa và lực lượng phía bên trong rào đồng loạt nhả đạn, khiến chúng hoảng hốt, tiến thối lưỡng nan, đành nằm chịu trận, không dám đứng dậy hay chạy đi đâu cả. Tiếp theo, trực thăng võ trang do Phòng Hành quân Chiến cuộc KÐ33CT gửi đến tiếp ứng. Bị bốn mặt giáp công, toàn bộ lực lượng VC đã bị tiêu diệt.

    Trước đó, khoảng 7 giờ 30 sáng, Ðại tá Lưu Kim Cương đến JDOC thăm hỏi tình hình và hỏi Trung tá Chiêu xem ông có thể ra mặt trận được không. Trung tá Chiêu trả lời mục tiêu thanh toán gần xong rồi, nếu ông có ra thì cũng chỉ quan sát thôi, để cho lực lượng phòng thủ và thiết giáp giải quyết mục tiêu cũng đủ rồi. Vì thế Ðại tá Cương chỉ ra đứng trên đài quan sát gần cổng Phi Long đặt ống nhòm quan sát.

    Nhưng khi Trung úy Hạnh, chỉ huy lực Phòng vệ được lệnh JDOC cho xung phong thu dọn chiến trường, khi chạy ngang đài quan sát thấy Ðại tá Cương, một binh sĩ Phòng vệ đã la lớn 'Xung phong Ðại tá!'. Anh ta lập lại đến đôi ba lần. Tức thời Ðại tá Cương leo xuống đất. Rồi không biết vì muốn hòa mình, muốn làm gương cho binh sĩ, hoặc thấy trận chiến đã gần chấm dứt, ông hiên ngang chạy trước tiên, tay cầm súng lục bắn về phía nghĩa trang!

    Không may, có một tên VC thủ súng B40 vẫn còn sống. Y liền bắn một trái B40 trúng tấm mộ bia ngay bên cạnh Ðại tá Cương, sức nổ và miểng đạn đã chặt đứt một cánh tay của ông và gây thêm nhiều vết thương nặng khác, khiến ông tắt thở tại chỗ. Một phóng viên truyền hình Pháp chạy theo Ðại tá Cương cũng bị tử thương ngay bên cạnh ông.

    Trận đánh này, lực lượng ta chiến thắng một cách dễ dàng nhưng Ðại tá Tư Lệnh KÐ33CT lại hy sinh. Toàn thể quân nhân các cấp trong Yếu khu TSN vô cùng đau lòng, thương tiếc vị Chỉ huy trưởng anh hùng. Cố Ðại tá Lưu Kim Cương được vinh thăng Chuẩn tướng.

    Ðến nay dù đã 35 năm trôi qua, mỗi khi nghe lại bản Cho một người nằm xuống, mọi người vẫn còn bùi ngùi thương tiếc...

    Sau khi Chuẩn tướng Lưu Kim Cương qua đời, Trung tá Phùng Văn Chiêu trao quyền Liên đoàn trưởng 33 Phòng thủ cho Trung tá Lê Văn Triệu, còn ông thay thế Chuẩn tướng Cương trong 2 chức vụ Chỉ huy trưởng Yếu khu TSN và Khu quân sự TSN.

    Ðầu năm 1970, khi Trung tá Chiêu được lệnh đi nhận chức Không đoàn trưởng Yểm cứ Biên Hòa, hai chức vụ nói trên được trao lại cho Ðại tá Phan Phụng Tiên.

    NHỮNG UẨN KHÚC...
    Theo lời Ðại tá Phùng Văn Chiêu, sau này trong dư luận Không Quân không hiểu có người cố tình xuyên tạc hay vì một nguyên nhân nào khác, đã chỉ trích rằng: tại sao ngày đó Trung tá Chiêu không ra trận mà lại để cho Ðại tá Cương ra để rồi bị tử thương!

    Ðại tá Chiêu cho biết ông rất buồn trước dư luận này, nhưng trong suốt 35 năm qua, ông im lặng để mọi người muốn hiểu sao cũng được. Ðiều quan trọng đối với ông, chỉ cần vong hồn cố Chuẩn tướng Lưu Kim Cương biết là đủ rồi.

    Sau đó ít lâu, trong lễ tiễn đưa linh cữu cố Ðại tá Phó Quốc Trụ tại sân cờ BCH/TÐ2CV (Ðại tá Trụ tử thương vì bị trực thăng Mỹ bắn lầm tại Chợ Lớn), Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ (Phó tổng thống) đã nói với Trung tá Chiêu rằng cấp chỉ huy KQ chẳng còn bao nhiêu, đừng xung phong nữa, để cho các sĩ quan dưới quyền đảm trách, khi nào cần thiết lắm thì cấp chỉ huy mới phải ra tuyến đầu!

    Lời khuyên chân tình của một cấp lãnh đạo như Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ đã khiến ông Chiêu được an ủi rất nhiều trước những lời chỉ trích trong dư luận...

    Ngoài ra còn một việc mà cho tới nay, Ðại tá Chiêu vẫn thắc mắc và không thể quên, là trong cuộc tấn công đợt 1 của VC, ngoài các sĩ quan có trách nhiệm phòng thủ, có một sĩ quan bên Liên Ðoàn 33 Kỹ Thuật là Thiếu tá Nguyễn Dương, trong suốt thời gian trận chiến diễn ra ở TSN (1 tuần lễ) đã luôn luôn hiện diện, hướng dẫn cho binh sĩ dưới quyền kỹ thuật tác chiến, phân công, đôn đốc trong việc bảo vệ các ụ C-47 cũng như đáp ứng nhu cầu hành quân cấp bách.

    Nếu ngày đó TÐ267 của VC vượt qua được tuyến phòng thủ B, thì chỉ còn 50m nữa là tới các ụ C-47 và khu kỹ thuật, chắc chắn Thiếu tá Nguyễn Dương và anh em binh sĩ kỹ thuật sẽ bị chúng tiêu diệt.
    Sau đó, Ðại tá Lưu Kim Cương đã đề nghị thăng cấp Trung tá đặc cách mặt trận cho Thiếu tá Nguyễn Dương. Nhưng rồi trong số những vị Thiếu tá tiến ra trước mặt Thiếu tướng Tư lệnh KQ Trần Văn Minh để được gắn cấp bậc Trung tá nhờ công trạng trong Tết Mậu Thân đã không hề có Thiếu tá Nguyễn Dương mà có vài sĩ quan khác không thuộc KÐ33CT, cũng không có công trạng, nhưng lại được thăng cấp.

    Chuyện xảy ra đã 35 năm, Ðại tá Phùng Văn Chiêu không bao giờ muốn nhắc lại, nhưng vì có lời yêu cầu của Ban Thực Hiện Quân Sử Không Quân, cũng là Ban Biên Tập đặc san Lý Tưởng - Úc Châu, ông mới kể lại đầy đủ - chuyện vui cũng như chuyện buồn.

    Dĩ nhiên, sau 35 năm, ký ức của một người đã ở vào tuổi 'cổ lai hi' có thể không được đầy đủ và chính xác 100%. Vì thế, người viết xin chuyển đạt lời tâm tình của Ðại tá: nếu có những thiếu sót, hoặc vô tình làm buồn lòng một vài cá nhân trong quân chủng, ông chân thành cầu mong một sự thông cảm, và miễn chấp.


    Thiên Ân
    Melbourne, Australia, tháng 5/2003

  2. #8
    phitrang's Avatar
    Status : phitrang v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jun 2010
    Posts: 78
    Thanks: 0
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default

    Đọc bài viết này trong lòng cứ bùi ngùi tưởng nhớ đến các anh hùng vị quốc vong thân trong cuộc chiến vừa qua.

  3. #9
    Tn07's Avatar
    Status : Tn07 v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Dec 2012
    Posts: 161
    Thanks: 0
    Thanked 1 Time in 1 Post

    Default Quân sử Không Quân

    CÁI NÔI CỦA KHÔNG QUÂN VIỆT NAM CỘNG HÒA
    TRUNG TÂM HUẤN LUYỆN KHÔNG QUÂN NHA TRANG
    Đằng Vân


    Sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1975 cho đến nay vẫn còn nhiều uẩn khúc tuy rằng nếu xét cho cùng thì vẫn còn nhiều yếu tố mà chúng ta không lường được, nhất là trong khi quân lực chỉ là một trong những công cụ nằm trong tay những người lãnh đạo dùng để đạt được mục tiêu quốc gia, những trang thiết bị chúng ta dùng đều do bạn Ðồng Minh viện trợ nên khi họ đã đạt được một thỏa thuận nào đó trên bàn cờ quốc tế thì họ bỏ đi, nhưng với trên 50,000 quân nhân Mỹ và trên một triệu quân nhân Việt Nam đã hi sinh cho một "chính nghĩa đã mất", nước Mỹ, một cường quốc chưa bao giờ thua trận, đã có một trách nhiệm tinh thần sau cuộc chiến tại Việt Nam, nên nhân dân Mỹ đã hào phóng tiếp đón chúng ta hầu đền đáp một phần nào những mất mát đau thương mà quân dân ta phải hứng chịu.

    Nhưng riêng cho Không quân VNCH, ngày 30 tháng tư 1975 có thể nhìn dưới khía cạnh như một trang thanh niên đang ở lứa tuổi đôi mươi, lứa tuổi sung mãn nhất thì bị cố sát, đó là nhận xét của Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, khi viết phần nhập đề cho cuôn sách "Flying Dragons, the South Vietnamese Air Force" tác giả là Robert C Mikesh, một Sĩ Quan Ðiều Không Tiền Tuyến (Forward Air Controller) tại Việt Nam trong nhửng năm 60.

    Sự phát triển của KQVN gắn liền với những biến chuyển của thời cuộc, vào năm 1951 với 4 phi đoàn gồm những loại phi cơ quan sát bà già và vận tải cơ cánh quạt cũ kỹ thường dùng cho những phi vụ liên lạc, cho tới năm 1975 KQVN đã trưởng thành với hơn 60 phi đoàn phần lớn là phản lực cơ đủ loại hiện đại, đứng hàng thứ tư trên thế giới, sau Hoa Kỳ, Liên Sô và Trung Cộng, và từ quân số hơn 1,000 đã lên đến 70,000 người, từ cấp phi đoàn đã lên đến cấp sư đoàn KQ, với trên 2,000 phi cơ đủ loại.
    Ngay từ khi Quân Ðội Việt Nam được thành lập vào năm 1950, một Trung tâm huấn luyện Không quân, dưới sự bảo trợ của Không Quân Pháp, đươc thiết lập tại Nha Trang vào năm 1951 để đào tạo một số chuyên viên về bảo trì, về vô tuyến và những ngành khác cho KQVN, chủ yếu là có khả năng bảo trì loại phi cơ đơn giản như phi cơ Morane Saulnier 500 mà KQ Pháp dự trù sẽ chuyển giao cho KQVN, phi cơ MS.500 có thể nói là cái "phôi" của Không Lực VNCH, tuy rằng nó xấu xí, chậm chạp, tôc lực khoảng 60 mph, bộ bánh đáp dài thoòng thiếu thẩm mỹ nhưng chịu đựng được những vụng về của khóa sinh khi hạ cánh, hoặc những lồi lõm của những sân bay hành quân, nhưng đó là những bước đi chập chững của một Không Lực hùng mạnh nhất Ðông Nam Á sau này, khiến nhiều quốc gia sau này trên đà tiến triển đã lấy đó làm gương mẫu để thành lập Không quân của mình.

    Cùng thời gian này một số khóa sinh được tuyển chọn gởi đi du học tại các trường huấn luyện của Pháp như tại Salon de Provence (Học viện Không Quân Pháp), Avord (vận tải), Aulnat (bay vỡ lòng trên phi cơ Stamps), Rochefort và Chamberry (cơ khí), Auxerre(truyền tin) và tại Bắc Phi như Marrakech, Meknes, Khouribga, Blida và Fez (khu trục, oanh tạc, điều hành viên), sau này họ đều nắm những chức vụ quan trọng tiêu biểu như các niên trưởng Trần Văn Hổ, Nguyễn Xuân Vinh, Ðặng Đình Linh, Nguyễn Cao Kỳ, Huỳnh Hữu Hiền, Hà Xuân Vịnh, Nguyễn Ngọc Loan, Vũ Thượng Văn, Dương Thiệu Hùng ...

    Căn cứ Không Quân Nha Trang là một căn cứ lâu đời nhất trong các căn cứ quân sự tại Việt Nam, với ưu điểm về địa thế có núi và biển, khí hậu ôn hòa thời tiết tốt lý tưởng cho việc huấn luyện phi hành nên vào tháng ba 1952, khóa hoa tiêu quan sát đầu tiên được khai giảng tại Nha trang do các huấn luyện viên người Pháp đảm nhận gồm 14 khóa sinh (4 sĩ quan và 10 dân sự), những sĩ quan khóa sinh, những người tiên phong có vinh dự đưa màu cờ của Không Quân Việt Nam vào không gian góp mặt với Không quân thế giới là niên trưởng Nguyễn Ngọc Oánh, Võ Dinh, Từ Bộ Cam, Phạm Long Sửu Nguyễn Thế Anh cùng những bạn của khóa 1 hoa tiêu năm 1952. Trong khóa học, một tai nạn đáng tiếc đã khiến khóa sinh Nguyễn Tam Ðăng tử nạn khi đơn phi, anh được truy thăng Thượng Sĩ, mặc nhiên trở thành người đầu tiên hi sinh cho KQVN. Khi mãn khóa vị khóa sinh thủ khoa, Th/úy Phạm Long Sửu mang văn bằng hoa tiêu quân sự số 1 của KQVN, các khóa sinh dân sự tùy theo thứ bực khi thi mãn khóa được mang cấp bậc từ thiếu úy tới thượng sĩ. Với những chuyên viên kỹ thuật và nhân viên phi hành tốt nghiệp, sau một thời gian thực tập trong những đơn vị KQ Pháp, tháng 10 năm 1953, một trong những đơn vị đầu tiên được bàn giao cho KQVN là Ðệ Nhất Phi Ðoàn Quan Sát và Trợ Chiến đồn trú tại Tân Sơn Nhất, Ðại Úy Nguyễn Ngọc Oánh là vị chỉ huy trưởng đầu tiên của phi đoàn này.

    Về tổ chức KQVN chỉ được gọi là Phòng Không Quân trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu do Th/tướng KQ Pháp Cuffaut chỉ huy, sau Ðại Tá Sagon thay thế.
    Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân là một đại đơn vị trực thuộc Phòng Không Quân và đồn trú trong căn cứ không quân Pháp mang tên Base Aérienne No. 194 Nhatrang, TTHLKQ được gọi tắt là CIAVN (Centre d'Instruction Aérienne du Viet Nam)

    Căn cứ Không Quân Nha Trang còn có tên là căn cứ Colonna, bộ chỉ huy nằm tại địa điểm của TTHL sau này, còn TTHLKQ lúc đầu chỉ gồm trong khu U và mấy dẫy nhà bên cạnh phi cảng dân sự mà thôi. Vị chỉ huy trưởng Th/Tá Carret và hai sĩ quan phụ tá Ð/Úy Sai và Ð/Úy Nhiêu phụ trách Ðại đội Hành chánh và Khối Huấn luyện gồm ba trường: hoa tiêu, quan sát và cơ khí. Sân cờ và vừa là sân tập thao diễn cơ bản quân sự chỉ cách đường lộ có hàng rào kẽm gai nên những hành khách trên xe đò Nha Trang Cầu Ðá có thể nhìn thấy những sinh hoạt của TTHLKQ nhất là những buổi chào cờ vào sáng thứ hai mỗi tuần hoặc những buổi lễ mãn khóa.

    Trường Hoa tiêu do Tr/Úy Fatio phụ trách và Trường Quan sát do Tr/Úy Desbordes cùng một số hạ sĩ quan huấn luyện viên như Th/Sĩ Vallière, Th/Sĩ Tocken..., sau này được bổ sung thêm những hoa tiêu mới như Th/Úy Dương thiệu Hùng, Mai Văn Hạnh, Trần Bá Quy, Nguyễn Văn Khánh...

    Với những phương tiện huấn luyện cũ kỹ và có thể nói là thô sơ KQVN đã khắc phục được nhiều khó khăn lúc ban đầu, nhất là về mặt tinh thần khi các khóa sinh mới chân ướt chân ráo bước vào ngưỡng cửa của Không Quân đã phải chứng kiến và tham dự buổi đưa đám theo đúng lễ nghi quân cách của một bạn đồng đội mới tử nạn trong lúc đơn phi, máy truyền tin liên lạc giữa phi cơ và đài kiểm soát khi bay tập trong vòng phi đạo thường hay trục trặc nên khóa sinh phải dùng cờ hiệu xanh đỏ tại đầu phi đạo để báo cho biết là "được phép đáp" "clear to land" hoặc là "tống ga bay lại" "go around", sự việc trên đôi khi gây trở ngại cho những phi cơ khác khi đi và đến Nha Trang, nhất là phi cơ dùng cho huấn luyện lại không sơn màu vàng cho dễ nhận, khi phải thực tập đáp sân ngắn các khóa sinh phải bay xuống Trại Cá, một phi đạo nhỏ phía Tây thị xã Ba Ngòi, Cam Ranh, những ngày này thường được tổ chức như một buổi picnic, sáng sớm một số khóa sinh và các bạn cơ khí viên đi bằng đường bộ mang các dụng cụ cần thiêt để sửa chữa cùng với những y tá của bệnh xá với đồ ăn thức uống ...tuy vậy các khóa đào tạo hoa tiêu vẫn tiếp tục cho đến khi mãn khế ước với KQ Pháp và TTHL tiếp nhận loại Phi cơ Cessna L-19 vào năm 1956 sau khi các phi đoàn quan sát thay thế các phi cơ MS 500 bằng loại phi cơ mới này, về khía cạnh an phi TTHL đã có rất ít tai nạn trong khi huấn luyện, Th/Úy Trương Hiệp khóa sinh tử nạn năm 1955, Tr/Úy Nguyễn Đình Huệ huấn luyện viên và một khóa sinh tử nạn vào năm 67 khi vào cận tiến đường bay 30, phi cơ bị cuốn vào vòng gió xoáy của một chiếc vận tải cơ C-130's vừa mới cất cánh trước đó năm phút, nhưng thành phố Nha Trang lại phải chấp nhận những tai họa của những thành phố gần sân bay như vào tháng 8 năm 1965, một oanh tạc cơ B-57 Canberra của KQ Mỹ đã rớt vào ngay trung tâm thành phố trên đường Ðộc Lập gây tử thương cho hơn 12 thường dân, Phi hành đoàn đã nhảy dù vô sự, và cuối năm 1970, một chiến đấu cơ F-100's Super Sabre đáp khẩn cấp trên phi đạo 12 đã trườn qua tỉnh lộ Nha trang Cầu Ðá chém ngang một chiếc xe Lam không may vừa chạy tới khiến một số hành khách chết và trọng thương, một phi cơ của Hàng Không Việt Nam, hư thắng khi hạ cánh đường bay 30 phát hỏa khi đâm vào một xóm nhà trong khu Xóm Mới ...

    Ðầu năm 1955 các hoa tiêu huấn luyện tại Pháp bắt đầu về nước, việc bàn giao quyền chỉ huy KQVN cho các sĩ- quan Việt Nam được diễn ra vào ngày 1 tháng Bảy 1955 tại Nha Trang sau một buổi duyệt binh, Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã tuyển chọn Tr/Úy Trần Văn Hổ , đặc cách thăng cấp Th/Tá, giữ trách vụ chỉ huy KQVN, Phòng KQ trước kia nằm trong khuôn viên của Bộ Tổng Tham Mưu tại đường Trần Hưng Ðạo được chuyển về một khu biệt thự số 110 đường Testard, sau đổi tên là đường Trần Quý Cáp, rồi tới năm1957 được đổi danh xưng là Bộ Tư Lệnh KQVN và chuyển vào căn cứ Tân Sơn Nhất. Ngày 1 tháng Bảy là một ngày đầy ý nghĩa của KQVN, là ngày Không Quân VN trở thành một quân chủng riêng biệt tách rời khỏi Lục quân, là ngày KQVN tách rời khỏi KQ Pháp và quan trọng hơn cả, đó là ngày ra đời của KQVN.
    Một tuần lễ sau , Th/Tá Nguyễn Ngọc Oánh tiếp thu toàn bộ căn cứ Nha Trang, mang tên Căn Cứ 12 (căn cứ đầu tiên của KQVN) và KQVN bắt đầu đi vào giai đoạn phát triển, hàng ngàn sinh viên, học sinh ưu tú đua nhau gia nhập Không Quân vì lý tưởng cao đẹp cũng như hào khí của sĩ phu thời chiến luôn được nêu cao trong cuốn Ðời Phi Công của Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, cũng như những hình ảnh của "nghiệp bay" được thi vị hóa và mô tả như một bức tranh đẹp, "các anh sẽ cười vang trong khói súng và quay tròn trong mây biếc. Ánh lửa lòe bên cánh phải rực rỡ hơn màu hoa phượng và đồn địch nổ tung trời phải huy hoàng hơn vạn ánh nến liên hoan.."

    TTHLKQ bắt đầu tiếp nhận những trang thiết bị tối tân hơn, những phi cơ North American T-6G được dùng cho việc nâng cấp sau khi các khóa sinh qua lớp vỡ lòng trên phi cơ L.19, sau đó là loại Cessna Skywagon với cái tên quen thuộc là U.17, cho đến khi các phi đoàn quan sát mới được thành lập sử dụng thêm loại U.17 thì TTHL lại tiếp nhận loại Cessna Skyhawk 172 được cải biến là T.41D và sau cùng để huấn luyện chuyển tiếp lên các loại phản lực cơ A-37 và F-5, đang được trang bị cho các phi đoàn khu trục của KQVN một số phản lực cơ huấn luyện T-37 và trực thăng UH-1 được chuyển giao cho TTHLKQ, đồn trú tại căn cứ Phan Rang, Phi đoàn 920 với phản lực cơ T-37 do Th/Tá Ðàm Thiện Ngươn Phi đoàn Trưởng, là ngưỡng cửa của các hoa tiêu bước vào giai đoạn phản lực.

    Các trường khác được tuần tự thành lập theo đòi hỏi của nhu cầu như trường Anh ngữ chuẩn bị ngoại ngữ cho những khóa sinh sẽ đi du học và tu nghiệp tại Hoa Kỳ, trường Kỹ thuật, trường Truyền tin điện tử, trường Quân sự , truờng Quan sát, trường Mưu sinh và Thoát hiểm, nhiều lớp hoặc khóa học bổ túc được khai giảng tùy theo nhu cầu, trường Chỉ Huy và Tham Mưu Trung Cấp tiêu chuẩn hóa khả năng lãnh đạo các cấp Ðoàn trong Không Quân. Ngoài ra những hoạt động của Không Quân cũng gia tăng theo nhịp độ của chiến trường, nên TTHLKQ phải đưa các khóa sinh đi bay tập tại phi trường Dục Mỹ để dành phi đạo Nha Trang cho các đơn vị hành quân.

    Với phương châm "Luyện Cần Huấn Cẩn", TTHLKQ từ thuở ban đầu với những trang bị có thể nói là của thời "đồ đá" đã dần dần trưởng thành, đã đào tạo được hàng chục ngàn chuyên viên cho đất nước, góp phần vào việc bảo vệ tổ quốc và bầu trời, từ cái "Flintstone Airforce" ấy "Vietnamese Airforce" đã giật được giải "Topgun" khi thi đua với các bạn Ðồng Minh tại xạ trường Okinawa vào đầu thập niên 70. Ðược như vậy, thiết tưởng cũng là nhờ sự lãnh đạo khéo léo của những niên trưởng tài ba đã đem những kinh nghiệm trên chiến trường áp dụng và cải tiến các chương trình huấn luyện cho phù hợp với đà lớn mạnh của Không Quân.

    Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên của thời cuộc, niên trưởng Nguyễn Ngọc Oánh là vị Chỉ huy Trưởng đầu tiên và cũng là vị Chỉ huy Trưởng sau cùng của TTHLKQ Nha Trang.

    Ðã gần ba chục năm qua, thời gian trôi qua mau, nhưng chưa đủ để chúng ta không khỏi cay đắng ngậm ngùi nuối tiếc một sự mất mát to lớn cùng với những hi sinh của nhiều bạn đồng đội, để những hi sinh những mất mát này không phải là vô ích và tàn theo thời gian, thiết tưởng anh em Không Quân chúng ta, những người sống sót của một thời khói lửa trong cuộc đấu tranh vì một lý tưởng cao đẹp, vì lý tưởng tự do, có bổn phận và nhiệm vụ duy trì tình đồng đội, gìn giữ những truyền thống tốt đẹp của một quân chủng hào hùng, phảng phất đôi nét lãng mạn của những trang hiệp sĩ thời Trung cổ, đã không xá gì những hiểm nguy, xông pha nơi trận mạc, dẹp bất công và bạo tàn đem lại ấm no hạnh phúc cho toàn dân, để rồi tuy chúng ta chưa làm được gì cho đất nước thì con cháu chúng ta vẫn tự hào và hãnh diện vì cha ông chúng đã một thời đưa Tổ Quốc vào Không Gian.

    Virginia, mùa Ðông năm 2003
    Ðằng Vân

  4. #10
    Tn07's Avatar
    Status : Tn07 v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Dec 2012
    Posts: 161
    Thanks: 0
    Thanked 1 Time in 1 Post

    Default Quân sử Không Quân

    CÁC GIÁM ĐỐC TRƯỜNG
    Mệ

    Trong biến cố mất nước tháng 4 năm 1975, tôi và gia đình may mắn thoát nạn được,như tôi đã có kể lại trong bài viết Ngày Ra Đi. Chúng tôi hiện đang sống tại xứ Hoa Ky từ đó đến nay trên 26 năm, mỗi lúc chuyện trò với bạn bè, nhắc lại chuyện ra đi, tôi không khỏi bồi hồi xúc động khi nhớ tới các vị Giám Đốc Trường thuộc Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang, không những là bạn bè mà còn là những sĩ quan cao cấp cùng phục vụ sát cánh và lâu dài với tôi trong một đơn vị cho tới ngày mất nước.
    Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân là một trong chín đại đơn vị của Không Quân, có 8 trường chính:
    - Trường Chỉ Huy & Tham Mưu Trung Cấp
    - Trường Phi Hành T-37
    - Trường Phi Hành T-41
    - Trường Kỷ Thuật
    - Trường Truyền Tin & Điện Tử
    - Trường Mưu Sinh & Thoát Hiểm
    - Trường Quân Sự
    - Trường Anh Ngữ

    Theo tổ chức, TTHLKQ trên là Chỉ Huy Trưởng, dưới có Trưởng Khối Huấn Luyện, vị này có nhiệm vụ phối hợp giữa các trường, nhưng chính các Giám Đốc Trường là những vị điều hành trực tiếp các quân trường kể trên. Nếu so sánh theo bản cấp số thì các vị Giám Đốc Trường này ngang hàng với các vị Không Đoàn Trưởng của dơn vị tác chiến của các Sư Đoàn Không Quân.

    Hầu hết quân nhân Không Quân không ai không khỏi phải qua Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân một đôi lần để học quân sự hay chuyên môn nhứt là giai đoạn sau năm 1970, có chương trình Việt Nam Hóa Chiến Tranh, các quân trường ở đây đã tổ chức những khóa học dây chuyền mới có thể đạt được chỉ tiêu do Bộ Tư Lệnh Không Quân đề ra, có lúc số khóa sinh lên trên năm ngàn(5,000) quân nhân. Trách vụ của các vị Giám Đốc Trường này cũng nặng nề không kém trách vụ của các vị chỉ huy đơn vị tác chiến. Nhưng ngày mất nước ra đi, có đến 7 trong 8 vị Giám Đốc Trường đã kẹt lại, chịu biết bao đọa đày của hỏa ngục trần gian. Cho dầu so sánh với các cấp chỉ huy cao cấp của các đại đơn vị Không Quân khác, như Sư Đoàn 6 Không Quân, thì đây là một trường hợp quá đau thương. Nay số phận của các vị Giám Đốc Trường này ra sao?
    Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân có lệnh di tản, rời nơi đóng quân muôn thuở là thành phố Nha Trang ngày 1 tháng 4 năm 1975, về đồn trú trong Căn Cứ Không Quân Tân Sơn Nhứt. Thời gian tạm trú ở đây đúng một tháng thì mất nước.

    Từ ngày 22 tháng 4 năm 1975, Bộ Tư Lệnh Không Quân đã cho di tản gia đình quân nhân ra khỏi nước, ưu tiên là gia đình của các vị Tướng, các Tham Mưu Phó, các sĩ quan cao cấp thuộc Bộ Tư Lệnh Không Quân, thứ đến là gia đình của các hoa tiêu khu trục, rồi mới đến gia đình các sĩ quan các đơn vị; ưu tiên theo cấp bậc và chức vụ. Tính đến ngày 28 tháng 4 năm 1975, một số lớn gia đình sĩ quan cấp úy của các đơn vị khác đã được cấp cho phi cơ rời Việt Nam, riêng Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân chỉ có gia đình duy nhất của Chuẩn Tướng Chỉ Huy Trưởng được chính thức đi mà thôi, ngoài ra không có một gia đình nào khác trong đó có cả gia đình của vị Chỉ Huy Phó. Nên nhớ, việc sắp xếp chỗ cho đi do Đại Tá Đỗ Văn Ri, Chánh Văn Phòng Tư Lệnh điều khiển, chứ không phải do Phòng Chuyển Vận thuộc Tham Mưu Phó Tiếp Vận trách nhiệm như thường tình. Không biết Văn Phòng Tư Lệnh này đã căn cứ vào ưu tiên nào; giả dụ rằng Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân, ưu tiên kém hơn các đơn vị tác chiến như các Sư Đoàn Không Quân, thì mọi người cũng có thể chấp nhận được, nhưng những gia đình của các vị Giám Đốc này không thể di tản sau các dân sự, đa số là những người Trung Hoa Chợ Lớn. Chuyện này tôi đã nói ra ở bài "Ngày Ra Đi".
    Một điều hết sức khôi hài là Văn Phòng Tư Lệnh nắm quyền cấp phát cho máy bay di tản từ đầu cho đến ngày 28 tháng 4 năm 1975, lúc đó tình hình quá hỗn loạn, khi căn cứ Không Quân Tân Sơn Nhứt bị thả bom, mới trao trả sự điều hành chuyển vận này lại cho Phòng Chuyển Vận thuộc Tham Mưu Phó Tiếp Vận cùng bản danh sách hành khách ứ đọng với chỉ thị rằng "hãy tìm cách đưa hết số gia đình này đi". Còn gì mỉa mai cho bằng. Đêm đó, rạng ngày 29 tháng 4 năm 1975, lúc 4 giờ sáng, Căn Cứ Không Quân Tân Sơn Nhứt lại bị Việt Cộng pháo kích. Sáng ra Bộ Tư Lệnh Không Quân tan hàng, mạnh ai tự thoát thân, chỉ có mấy vị Tướng Không Quân được D.A.O. chấp nhận cho di tản bằng trực thăng ra Hạm Đội 7 Hoa Kỳ mà thôi. Một số sĩ quan thân tín trong đó có cả các vị Chánh Văn Phòng của mấy ông Tướng đi theo, đều bị chận lại ở cổng D.A.O.Và tới giờ phút nguy nan này mới thấy tình đời và quyền hạn. Dầu một vị Tướng quyền hành tột đỉnh cũng không thể bảo vệ được người Chánh Văn Phòng thân tín nhất, là cánh tay mặt của mình. Thật là quá nhục nhã. Có người nhanh chân chạy thoát được, cũng có những kẻ bị kẹt bị tù đày trên mười năm. Nhóm người này có ăn có chịu, chỉ tội nghiệp cho những sĩ quan cao cấp khác, ngày ngày chỉ trông ngóng tin từ trên đưa xuống để có thể đưa gia đình di tản, nhưng chẳng bao giờ tin lành đến với họ nên đành kẹt lại, trong số này có các vị Giám Đốc Trường sau đây:
    - Đại Tá Đặng Văn Hậu, Giám Đốc Trường Chỉ Huy & Tham Mưu Trung Cấp Không Quân, bị 13 năm tù. Đến Mỹ vào năm 1992 cùng với gia đình và hiện cư ngụ tại tiểu bang Virginia, vùng quanh Washington D.C.
    - Trung Tá Đàm Thiện Nguơn, Giám Đốc Trường Phi Hành T-37 ở Phan Rang, bị tù trên mười năm, sang Mỹ vào năm 1991, cư trú tại Quận Cam, California, được ít năm thì từ trần vì bệnh phổi.
    - Trung Tá Lê Bá Định, Giám Đốc Trường Phi Hành T-41, nếu có bị tù là ngoài ý muốn, vì anh ta không có ý định rời Việt Nam. Vì những ngày cuối tháng 4 năm 1975, tình hình nước nhà hết sức khẩn trương, ai cũng biết được, sắp mất nước đến nơi, nhưng anh Định đã bày tỏ ý kiến trong những buổi họp hằng ngày là, nếu có mất nước, anh ở lại vào bưng, tổ chức kháng chiến chống lại Việt Cộng. Bởi vậy, anh tỉnh bơ, trong lúc đa số các sĩ quan khác chạy đôn chạy đáo cố tìm cách cho gia đình di tản, nhưng đành bó tay. Tinh thần anh Định cao lắm làm mọi người thán phục và ngưỡng mộ. Không ai biết chắc chắn anh Định hiện thời ở đâu...Nhưng mọi người khen anh Định giỏi ngoại ngữ, nhất là Anh văn, đã từng làm thông dịch cho những buổi họp giữa các chính khách ngoại quốc và Việt Cộng nên đời sống anh được bảo đảm, khỏi bị chính quyền địa phương hăm dọa. Và nhờ dạy Anh văn nên anh có đời sống vật chất sung túc và giàu có nữa, nên càng không muốn rời Việt Nam. Nhưng cũng có nguồn tin cho rằng anh Định bị chính quyền Việt Cộng bắt buộc phải rời Việt Nam vì là thành phần tay sai cho gián điệp C.I.A. Cũng có thể đúng, vì đây là "chính sách vắt chanh bỏ vỏ" muôn thuở của người Cộng Sản. Trước đây, năm 1975, khi Việt Cộng mới chiếm miền Nam, rất ít người giỏi tiếng Anh nên mới dùng anh Định, nay sau hai mươi mấy năm, họ có người của họ nên không cần anh ta nữa, không có gì lạ.
    - Trung Tá Nguyễn Văn Kiên, Giám Đốc Trường Kỷ Thuật, bị kẹt lại không chịu trình diện để đi tù, nên đã dấu tông tích, cải trang làm nghề bán củi độ thân. Sau đó cùng con trai vượt biên và bị mất tích. Hiện gia đình chị Kiên đang sống ở San Diego, California.
    - Trung Tá Tạ Minh Đức, Giám Đốc Trường Truyền Tin & Điện Tử, bị tù trong một thời gian ngắn, nên không đủ tiêu chuẩn để sang Mỹ theo diện H.O (Humanitarian Operations). Ra tù, anh mưu sinh bằng nghề đóng guốc Dakao, hiện nay anh làm việc cho một tiệm thuốc Bắc. Nhìn trông anh, thấy hình dung anh khắc khổ lắm. Anh cho biết anh bị đau bao tử mấy năm nay, còn chị Đức thì đau chân, đi đứng rất khó khăn.
    - Trung Tá Nguyễn Minh Công, Giám Đốc Trường Mưu Sinh & Thoát Hiểm, bị tù gần 10 năm. Khi ra tù, anh Công bị đau nặng chỉ trong mấy năm thì qua đời. Tôi và anh Công là anh em kết nghĩa, khi nghe tin anh Công ở quê nhà bị khốn khổ, tôi hết sức đau buồn và lo lắng, nhưng cũng không giúp được gì thiết thực, ngoài những lời an ủi và món quà khiêm tốn mà thôi. Sau đó, nghe chị Công cùng các con cái đến được Mỹ, tôi rất vui mừng, nhưng không biết rõ hiện giờ gia đình chị Công ở đâu.
    - Trung Tá Nguyễn Văn Qui, Giám Đốc Trường Quân Sự, bị tù mười năm. Qua Mỹ giữa thập niên 90. Chúng tôi có liên lạc với nhau bằng điện thoại khi anh chị còn ở California. Sau đó anh rời đi sang Úc vì có con cái vượt biên và cư ngụ bên đó. Một điểm lạ là anh Qui đau bao tử kinh niên. Hồi trước anh chỉ ăn gạo lức và muối mè. Thế mà khi ở tù một thời gian dài dưới chế độ hà khắc cộng sản mà anh chịu đựng được, đúng là phép lạ.
    Vị giám đốc độc nhất thoát nạn tù đày cộng sản là Trung Tá Lê Bá Toàn, Trường Anh Ngữ, nhờ anh có người con đầu lòng là công dân Mỹ chính cống, sanh đẻ tại Mỹ khi chị Toàn cùng theo chồng sang Mỹ thời gian anh Toàn làm Sĩ Quan Liên Lạc từ giữa thập niên 50. Nhờ vậy mà Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam đã lo lắng cho gia đình anh chị Toàn sang Mỹ một cách thuận lợi. Gia đình anh chị Toàn hiện ở Houston, Texas.
    Nay nếu có ai bắt gặp tại Mỹ những gia đình sĩ quan thuộc TTHLKQ trước kia là chính họ vào phút chót đã tự động xoay xở lấy bằng đủ mọi phương tiện để thoát nạn, chứ gia đình họ không được BTLKQ cắp chỗ phi cơ cho đi như những gia đình của các sĩ quan khác.
    Biến cố nào cũng có sự mất mát và thiệt hại về nhân mạng và tài vật. Biến cố ngày 11 tháng 9 năm 2001 xảy ra tại New York thật thảm khốc và đau buồn, chết trên năm ngàn nhân mạng, thiệt hại hằng trăm tỷ đô la, đối với một nước giàu mạnh nhất thế giới với dân số trên 280 triệu người. Nhưng nếu so sánh về bách phân, thì sự thiệt hại của TTHLKQ quá to lớn, đến 7/8, trong biến cố mất nước tháng 4 năm 1975. Bảy trong số tám sĩ quan cao cấp, Giám Đốc Trường kẹt lại, bị tù đày trong hỏa ngục cộng sản. Ba trong bảy người này đã ra người thiên cổ. Bốn người còn tại thế ở ba lục địa khác nhau: Á, Mỹ, Úc với thân thể bệnh hoạn tiều tụy, và nhất là con cái học hành dở dang và lập gia đình muộn. Đáng buồn thay!

    Ngày 24 tháng 10 năm 2001
    Mệ

  5. #11
    Moderator
    SVSQKQ's Avatar
    Status : SVSQKQ v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Sep 2009
    Posts: 2,351
    Thanks: 0
    Thanked 1 Time in 1 Post

    Default Quân Sử Không Quân



    Niên trưởng Nguyễn Ngọc Oánh là vị Chỉ huy Trưởng đầu tiên và cũng là vị Chỉ huy Trưởng sau cùng của TTHLKQ Nha Trang.

  6. #12
    Tn07's Avatar
    Status : Tn07 v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Dec 2012
    Posts: 161
    Thanks: 0
    Thanked 1 Time in 1 Post

    Default Quân sử Không Quân

    Xin cám ơn SVSQKQ và quý NT đã giúp "nhuận sắc" và đóng góp phần hình ảnh để trang QSKQ được phong phú và đep mắt.

Trang 2/4 đầuđầu 1234 cuốicuối

Similar Threads

  1. Bạn Già Không Quân : Tưởng Niệm
    By chimtroi in forum Truyện VNAF
    Trả lời: 13
    Bài mới nhất : 01-09-2016, 12:25 PM
  2. Khóc Bạn Già Không Quân
    By khongquan2 in forum Quân Sử Không Quân
    Trả lời: 5
    Bài mới nhất : 01-17-2013, 03:44 AM
  3. Địa Phương Quân và Nghĩa Quân của QLVNCH
    By Longhai in forum Nhận Định Thời Cuộc
    Trả lời: 1
    Bài mới nhất : 12-09-2012, 06:09 AM
  4. Người lính Địa Phương Quân & Nghĩa Quân
    By Longhai in forum Chuyện Đời Lính
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 11-07-2012, 02:25 AM
  5. Hào Hoa Là Lính Không Quân
    By Luctuan in forum Tùy Bút
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 10-09-2012, 06:26 AM

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •