HỌC LÀM NGƯỜI .

Ngày xưa, có một người thường rời nhà đi làm ăn xa, có khi phải lội suối trèo non, nhưng không nề khổ nhọc. Lần nọ, anh băng qua vách núi cheo leo rất nguy hiểm, sơ ý anh trợt chân té xuống vực sâu. Trong cơn nguy biến, anh đưa hai tay quơ quào giữa không trung, dịp may chụp được một rễ cây lòng thòng bên vách núi, mạng sống anh được bảo tồn, nhưng khổ nỗi người anh cứ treo lơ lửng lưng chừng không thể lên hay xuống.

Trong khi sự sống như ngàn cân treo đầu sợi tóc, không biết tính thế nào, chợt thấy đức Phật đứng bên sườn núi từ bi nhìn qua. Gặp được cứu tinh, anh vội vàng kêu:

- Đức Phật ơi! Xin ngài từ bi cứu con với!

Đức Phật từ tốn bảo:

- Ta sẵn sàng cứu ngươi, nhưng ngươi phải nghe theo lời ta, ta mới cứu ngươi lên được.

- Bạch ngài, đến nước này con đâu dám không nghe lời. Ngài nói cái gì con cũng nghe cả.

- Tốt lắm! Vậy thì ngươi hãy buông tay đang nắm rễ cây ra đi!

Anh ta nghe xong khởi nghĩ, nếu buông tay ra chắc chắn sẽ rớt xuống vực sâu muôn trượng, tan xương nát thịt, làm sao bảo toàn được sinh mạng?

Do đó, anh càng nắm chặt rễ cây hơn.

Phật bảo:

- Ngươi không chịu buông tay, làm sao ta cứu ngươi được?
Thế nhưng anh ta vẫn nắm chặt cành cây, đức Phật đành bỏ đi.


(Theo Tinh Vân thiền thoại)


Bài học đạo lý:

Bạn có nghĩ rằng mình cũng đang bám víu vào một sợi dây gì đó để sống không? Buông sợi dây đó ra mình sẽ chết, hoặc sống gần như chết? Thực ra, chúng ta không chỉ đang bám vào một sợi dây, mà nhiều sợi lắm, và mình nghĩ sợi dây nào cũng quan trọng đối với cuộc đời của mình hết, quan trọng đến nỗi mình bỏ cả cuộc đời để đeo đuổi, tìm kiếm. Đó là những sợi dây tài, sắc, danh, thực, thùy; sợi dây luyến ái, chấp thủ cái tôi và cái của tôi.

Người ta sẽ không thể nào tưởng tượng ra nổi làm sao thế giới này có thể tồn tại khi mọi thứ đều không, vô ngã; cũng như anh chàng kia làm sao dám buông tay ra được khi sự sống còn mong manh của đời mình đang treo lơ lửng trên đầu sợi dây, như ngàn cân treo đầu sợi tóc? Cho nên tất cả đều cố bám lấy những sợi dây của ngã tưởng để mà sống, và không tin rằng sự sống sẽ còn tồn tại nếu buông sợi dây ấy ra. Vậy mà Đức Phật khẳng định, cứ buông tay ra đi, không những anh được cứu thoát sự nguy khốn, mà còn có được cuộc sống mới tươi đẹp hơn nhiều.

Mười phương ba đời chư Phật đều có tướng lưỡi rộng dài. Đó là biểu hiện của sự thành tựu công đức không nói lời hư dối. Chư Phật nào dối gạt chúng sanh? Bảo anh buông tay ra đi, buông những sợi ngã tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng ra đi, thì chắn chắn được cứu sống, được giải thoát ngay liền. Anh không buông ra thì anh bị trói buộc, không phải Đức Phật không cứu, mà tự mình không muốn được giải thoát.

Cho nên, muốn giải thoát là phải dám chết một lần, nhà Thiền gọi là dám buông mình xuống vực sâu trăm trượng. Một lần chết là một phen quyết hạ thủ công phu. Buông mình xuống vực sâu trăm trượng không gì hơn là buông bỏ tất cả những danh văn, lợi dưỡng, những trói buộc của ngũ dục, lục trần, thỏng bàn tay trắng vào chợ như ý nghĩa đích của người xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không có gia đình, không có vật sở hữu.

Phải dám một lần buông bỏ thì mình mới thật sự sống. Bấy lâu nay mình cứ tưởng những công việc, địa vị, tiền tài, danh vọng…là sự sống, nào ngờ tất cả chúng đều là những sợi dây đang trói buộc cuộc đời mình, làm cho mình khổ, khổ như nỗi khổ của người bị nạn treo lơ lững trên vách núi kia. Buông tay ra khỏi những sợi ngũ dục ấy ra, mình sẽ được giải thoát, được thảnh thơi, tự do và an lạc. Các bạn hãy thử một lần đi!



.