Chúng tôi ở trại tập trung trong vườn xoài cầu Rạch Ngòi, cách chợ Long Xuyên chừng 5 cây số, chỗ ở người Hoa đăng ký đi nước ngoài theo diện bán chính thức bằng đường biển, vì vậy chủ tàu lo giấy tờ cho chúng tôi thành người Hoa cho đúng luật.
Chị chồng tôi người Mỹ Tho nhưng chị ra Nha Trang ở cùng gia đình tôi từ ngày tôi sanh đứa con đầu lòng, Chị ở cùng chúng tôi lúc tôi giàu sang đầy đủ đến năm 75 tôi mất hết tất cả nhưng chị lúc nào cũng một bên tôi, vẫn thương yêu lo lắng săn sóc mẹ con tôi. Đối với tôi chị hơn cả ruột thịt những lúc buồn nản tuyệt vọng khó khăn đều có chị một bên, tôi có thể ôm chị mà khóc mà cười tự nhiên không còn phân biệt chị chồng, với tôi chị rất quan trọng. Tôi đưa chị và 2 con theo ngân hàng Việt Nam Thương Tín Nhatrang di tản vào Saigon, chồng cũng đang tù ngoài miền Bắc.
Chúng tôi ở Long Xuyên cả năm nay rồi, dự định xuống ở 1 tuần lễ là đi nhưng giờ chót công an đòi thêm vàng, chủ tàu không chịu, tàu bị đình lại không biết lúc nào mới ra khơi. Chủ tàu cứ hẹn 5 tây, 10 tây, 15 tây v... v... đến nỗi ai cũng nói ông chủ đang chơi trò 5, 10 với khách.

Nếu các con vẫn ở trại tập trung, không hưởng được một cái tết dù còn hiện diện trên quê cha đất tổ, cảm giác bơ vơ lạc lỏng chợt đến se lòng tôi quặn đau. Hôm nay là 30 rồi, muốn cho chúng biết nhiều về quê hương xứ sở, phong tục tập quán của nước nhà, tôi bàn cùng chị chồng tôi.
- Tàu chưa đi bây giờ nên mình về quê ăn tết, để ngày nào đó những đứa trẻ còn nhớ được cái tết truyền thống của dân tộc mình.

Chuyến đi này có tôi, chị chồng và hai con nhỏ. Chị mừng ra mặt khi biết tôi quyết định về Mỹ Tho quê chồng ăn tết. Đoàn chúng tôi lúc này lên đến 5 người vì có Phong, tôi mới nhận là em cũng là người Việt đi cùng tàu.
Xe chở khách về Sài Gòn đã khởi hành từ sáng sớm, nên Từ Long Xuyên chúng tôi phải đi xe lôi ra Bắc Vàm Cống, qua Cần Thơ rồi lên phà Mỹ Thuận. Từ đó chúng tôi đi xe từng chặn, từng chặn, chạy đua cùng thời gian, phải làm sao kịp để đón giao thừa.
Rồi cũng tới Mỹ Tho, từ bến xe chúng tôi đi bộ thêm 3 cây số nữa mới đến nhà. Trước 75, gia đình chồng tôi ở gần Ty Điền Địa, cùng con đường với nhà vợ tổng thống Thiệu. Sau 75, chính phủ đều trưng dụng tất cả khu nhà đó, ba mẹ chồng tôi bắt buộc về quê xây căn nhà trên miếng vườn ông bà để lại. Lối về nhà phải đi ngang nghĩa địa, khí u tịch đượm hoàng hôn lặng lẽ quá nên 5 người chúng tôi vừa đi vừa chạy. Đến nhà, con trai tôi chạy một mạch vào trong.
- Thưa ông bà nội, con mới về.
- Ồ! Cháu nội tôi, nước mắt mẹ già tuôn trào.
Ông nội cũng nghẹn ngào. Cô út gạt lệ, lên tiếng.
- Nhà vừa mới rước ông bà xong, mời tất cả đi rửa tay rồi ăn cơm luôn.
Má gói bánh tét định mùng 3 kêu em đem xuống cho các chị đó.
- Út để chị coi lửa nồi bánh tét cho.
- Dạ, vậy em và chị Năm xào kẹo chuối.

Ba mẹ con tôi ngồi canh nồi bánh tét, trời se lạnh nhưng trong lòng ấm cúng. Lần đầu tiên được đẩy củi vào lò cho lửa cháy to, hai con tôi vô cùng thích thú, ngọn lửa bập bùng theo tiếng cười vang của chúng. Bà nội bước đến trao mấy củ khoai lang và chỉ cho hai cháu cách lùi vào tro nóng, bà nhìn 3 mẹ con tôi ăn khoai mà tình thương lai láng chìm trong đáy mắt. Mẹ kéo chiếc ghế đến ngồi gần, khuôn mặt mẹ hằn những vết chân chim và tóc đã bạc phơ. Cả một đời vất vả vì chồng vì con, đến tuổi này đúng ra phải được nghĩ ngơi để đàn cháu con nuôi dưỡng, thế mà vẫn còn những giọt lệ lăn trên đôi gò má nhăn nheo, nghĩ đến những đứa con trai ở trong lao tù nơi miền Bắc xa xôi và các cháu sắp ra đi, biết bao giờ gặp lại. Tôi thương mẹ quá, mẹ lúc nào cũng hy sinh cho thế hệ sau này, ngay cả chuyến đi này cũng là ý của mẹ muốn cháu nội có một tương lai sáng sủa.

Mẹ ơi ! tóc chiều đã bạc
Biết đâu. . . . . . . . mai nhỡ vô thường.
(Thơ Như Nhiên)

- Má kể sự tích bánh chưng, bánh dầy cho tụi con nghe đi.
- Ừ để má kể.

Hai cháu nghe kể chuyện chạy đến dành nhau ngồi vào lòng bà nội. Sương xuống nhiều hơn trong màn đêm se lạnh, hoa bưởi hoa cau và hoa mai trước sân nhà quyện vào nhau tỏa hương tinh khiết làm tôi ngất ngây cảm động. Ba chồng tôi và em Phong đã sửa soạn bàn thờ treo phong pháo dính trên cửa ngõ, chị Năm và em út cũng đã hoàn tất chảo chuối xào dừa, bốn người không hẹn mà đều đến ngồi quanh nồi bánh tét, câu chuyện lại chuyền qua tai từng người. Hai con tôi lim dim nhưng không ngủ, đang thưởng thức nhiều mẫu chuyện hay trong tình thương bao phủ. Chúng đã đón nhận thâm tình ruột thịt từ ông bà cùng dòng họ trên mảnh đất quê hương trong đêm ba mươi tết, hình ảnh này sẽ khắc ghi mãi trong tim, đó là chất liệu đùm bọc cho con tôi vui sống bất cứ nơi nào.
Giao thừa đã đến! Mọi người đều có mặt ở ngoài sân trước, bên gốc mai già ngòi pháo được châm, tiếng pháo nổ dòn, hai con tôi bịt tai và chúng cười to sung sướng.
Cả làng, đầu trên xóm dưới ròn rã tiếng pháo giao thừa cho không gian bừng sáng, mọi vật thức dậy với sự giao thoa của trời đất thiêng liêng trong khoảnh khắc diệu kỳ, cảm giác bình yên hạnh phúc ngập tràn và lan tỏa mọi nơi. Tất cả đều im lặng để cảm nhận khí xuân ấm áp buồng tim và hòa mình cùng phút giây lắng đọng với thiên nhiên khoác chiếc áo tinh khôi rạng rỡ.
Các thành viên trong gia đình lần lượt lên thắp nhang trên bàn thờ để nhớ và cảm ơn nguồn cội của mình. Giao thừa đã trôi qua yên tĩnh, năm mới đến, ai cũng cầu một năm an lành hạnh phúc trong nghi ngút hương trầm tống cựu nghinh tân. Hai con được nhận lộc lì xì mừng tuổi của mọi người thân, cả nhà quay quần bên bàn cổ giao thừa.

Mưa xuân lất phất bay nhẹ rây từng màn mỏng trên cây. Giao thừa quê chồng tôi thật giản dị nhưng là hành trang quí báu mà chúng tôi mang theo suốt cuộc đời còn lại trong những năm tháng xa cách quê nhà.
Ngày đầu năm chúng tôi đều vào chùa Vĩnh Tràn lễ Phật, một ngôi chùa cổ tuy nhỏ nhưng đẹp và thật trang nghiêm. Bà Nội dạy chúng tôi:

- Gặp ai cũng phải chắp hai tay lại, đầu cuối xuống, miệng nói A DI ĐÀ PHẬT. Khi vào chánh điện cũng phải chắp hai tay lại để thể hiện sự cung kính khi đảnh lễ. Khi lạy phải khom lưng cúi người xuống buông bỏ cái ta ngã mạng.

Ôi những lời dạy bảo của mẹ già như thấm sâu vào tận trái tim. Cảm ơn những ngày ở bên mẹ với một cái tết yêu dấu nơi quê chồng.


Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn khôn thành người.
(Thơ Đỗ Trung Quân)