Còn rất nhiều điều để nhớ
Phạm Thiên Thu


Anh yêu dấu tháng tư về rồi đó
Màu phượng xưa như máu đỏ sân trường
Tháng tư về ta mất nhau từ độ
Loạn binh đao - Đất Nước phủ màu tang
1.
Vạt nắng cuối tháng tư vẫn còn vương vất khoảng sân trước nhà có dàn hoa Sử quân tử cho dù trời đã trở màu chiều khiến không khí dường như ngột ngạt hơn, không khí khó chịu này làm Quỳnh bất chợt nhớ đến những ngày tháng tư của khoảng bốn mươi năm trước, ngày mà Quỳnh đang ở vào cái tuổi “Bẻ gãy sừng trâu”…
- Chị Quỳnh có điện thoại nè, tiếng cô em gái làm Quỳnh trở lại thực tại.
- Ai vậy Như.
- Hình như là chị Phúc, em không chắc lắm, nghe giọng hơi lạ một chút, chị nghe đi.
- Alo, Quỳnh nghe đây, ai vậy?
- Tao nè nhỏ, mày làm gì đó, có rảnh nói chuyện nhiều được không?
- Cứ nói.
- À, tao đang tính vô trong đó thăm mày đây.
- Sao hên vậy, ai coi mấy đứa cháu cho mà đi?
- Thì khi cần cũng phải đi chứ, con chúng nó thì chúng nó coi chứ cứ làm Oshin hoài sao đặng, bộ mày không muốn gặp tao sao mà nói cái giọng đó.
- Ừ, thì hỏi thế thôi chứ sao không muốn gặp.
- Xí quên, kỳ này tao không đi một mình đâu ạ! Ở lại nhà mày được chứ?
- Không một mình thì mấy mình cũng được mà, muốn ở bao lâu thì ở, chỉ sợ mày ở chưa nóng đít đã đòi về thì có.
- Có cơm nuôi tao không?
- Dư sức qua cầu, cứ việc vô mấy mình thì vô, mà đi với ai vậy?
- Thì bồ tao chứ ai.
- Cái gì, bồ nào???
- Nói giỡn chơi chứ tao đi với ông Tới, mày nhớ ông Tới phi đoàn 114, bồ bà Loan lớp mình hồi đó chứ.
- Ông Tới lái máy bay bà già đó hả?
- Cái con khỉ nhỏ này, máy bay quan sát L 19 của người ta mà suốt ngày gọi là bà già, sao mày giống mấy thằng “vẹm” vậy.
- Nè, cấm nói tao giống mấy thằng khỉ trong rừng đó nghen, cắt đứt giây chuông à nghen, mà sao mày đi với bồ bà Loan.
- Bồ bả ngày xưa còn bé, bây giờ bồ tao được không? nói giỡn chơi chứ mày quên là tao với ông Tới là bà con cô cậu sao.
- Ừa há, tao chờ mày với ổng đó nha.
- Ừ, tao sẽ vô sớm đó, bye nha.
- Ừa, bye.
2.
Đang thắp nhang trên bàn thờ Ba và Quân thì có tiếng chuông gọi cửa, Quỳnh vội vã bước ra cổng thì thấy ngay Phúc đang tay xách nách mang cùng một người đàn ông mái đầu bạc trắng nhưng khuôn mặt trông còn khá phong độ, đúng gốc Pilot, Quỳnh vồn vã chào:
- Anh Tới phải không? Hai anh em làm gì mà tay xách nách mang dữ vậy? Đưa tao xách phụ cho.
Phúc vừa bước vào nhà, vừa trả lời:
- Thì tao mang bánh tráng Bình Định cho mày đây, còn nem chả, chả cá nữa.
- Bánh tráng thì OK còn nem chả trong này thiếu giống gì mà đem cho nó nặng, để sức cho nó khỏe, tao có ăn đâu mà mày mua.
- Mày tức cười thiệt, bộ mình mày ăn sao, tao mua nem chợ Huyện chứ có mua nem chua Thủ Đức đâu mà mày la, với lại tao mua cho con Như em mày, tao mà không mua có mà chết với nó . . . bỏ vô tủ lạnh ba cái chả đi, còn nem để ngoài cũng được. Tao đi tắm cái đã, nóng muốn chết đây.
- Mày vô phòng tao, còn đưa anh Tới lên phòng trên lầu.

3.
Cơm nước xong, mấy anh em kéo nhau lên sân thượng ngồi uống trà, anh Tới hỏi:
- Sao cô Quỳnh nhận ra anh hay thế, mấy chục năm rồi còn gì.
- Con nhỏ này có trí nhớ tốt lắm chứ không như em đâu, Phúc nói:
- Tốt gì đâu, chẳng qua nó báo là vào với anh nên em nhận ra ngay chứ gặp ngoài đường chắc gì em biết là anh.
- Cô nói cũng phải, anh già nhiều phải không?
- Thì tụi em cũng có trẻ gì đâu, có điều anh cũng không thay đổi là bao, chỉ có tóc là bạc thôi chứ vóc dáng cũng còn được, chỉ hơi bệ vệ một chút chứ đám bạn em đứa nào cũng có cái thùng nước lèo, có đứa bự tới nhìn không ra luôn.
- Tại anh bị diabetes nên lúc sau này ăn kiêng, gạo lứt muối mè hết một dạo khá lâu chứ không thì cũng không thua ai đâu, chán thiệt, sao mình già là cái bụng cứ mập ra trước thế không biết.
- Thì đàn bà tụi em cũng vậy, mấy ông thì còn đổ thừa bia bọt chứ mấy bà có rượu chè gì đâu mà bụng cũng bự thâý ớn, chỉ có mấy bà mình hạc xương mai, hay mấy cô nàng “thủy chung như nhất” thì mới có cái bụng người mẫu mà thôi.
- Lâu lắm anh mới về VN, ra Qui Nhơn thấy lạ quá chừng luôn, đi lang thang qua trường cũ của các cô, thấy nhớ ngày xưa quá.
- Em nhớ hồi đó, phi đoàn 114 của anh biệt phái ra QN có ba chiếc xe Jeep, chiều nào mấy ông cũng chất nhau lên xe đi tán gái, Quỳnh nói:
- Ừ, mấy ông Pilot có tiếng là bay bướm mà, Phúc tiếp lời:
- Bay bướm vậy mà có thằng nào cua được hai cô đâu, nhất là cô Quỳnh, ngày xưa cô là kiêu lắm đó, bọn chúng nó đánh cuộc xem thằng nào cua được cô là mấy thằng kia phải chung mấy chầu đó.
- Ấy, anh nói sai rồi nghen, tại hồi đó nó chê mấy ông lái máy bay bà già, nó có mấy thằng bạn lái A 37 hay F5 gì gì đó, mà con nhỏ này cũng ngộ nghen, nó chỉ làm bạn chứ không có bồ ông nào hết nha, Phúc chêm vào:
- Đâu có, con này nói bậy; hồi đó em không dám quen Không Quân vì sợ Bay Bướm, bướm bay nên em cứ phải “Kính nhi viễn chi” thế thôi chứ ai chê ai đâu, hồi đó em xấu xí thí mồ, mấy ông toàn khoái mấy cô nàng đẹp gái, biết nhảy đầm, ví dụ như anh hồi đó quen chị Loan chứ tụi em anh nào có thèm mà nói.
- Anh đâu có biết, chỉ nghe mấy thằng cùng biệt phái kháo nhau có cô bé tóc dài nhất trường Trinh Vương dễ thương nhưng kiêu kỳ lắm.
- Mấy ông đó ba xạo thì có, em nhớ hồi đó phi đoàn 114 có ba chiếc jeep, ba số cuối là 079, 080, 081 chiều nào mấy ổng cũng cày nát cái thành phố bé bằng cái lỗ mũi của tụi em để cua gái, em sợ mấy ổng còn hơn sợ cọp.
- Đúng là Quỳnh có trí nhớ tốt nghen, hồi đó phi đoàn anh biệt phái ra QN chỉ có vỏn vẹn ba chiếc Jeep mang ba số cuối y chang em nhớ đó.
- Con này nó ghét pilot cũng phải, em nhớ ngày xưa có lần bọn em đi tắm biển ở tận bãi gần MACV cho nó vắng mà hôm đó lại bị mấy ông trực thăng quậy cho một trận, anh Tới nhớ hồi đó thỉnh thoảng mấy ông trực thăng cứ lái thấp gần mặt biển đó, rồi cái bãi chỗ MACV cũng trống, có thể đáp xuống được, hôm đó con Quỳnh đang cởi váy xuống tắm thì không biết ông nào lái ngay trên đầu nó, cánh quạt làm bay vèo cái váy, may mà em chạy chụp lại kịp chứ không thì bay xuống nước luôn, Phúc tiếp lời:
- Ừ, lần đó là vào mùa hè đỏ lửa, không biết anh Tới có nhớ không, trước đó tụi em chỉ biết có PĐ 114 của anh, mãi sau này thỉnh thoảng thấy một vài ông PĐ 215 thì phải, xuất hiện trên xe của PĐ 114. Mùa hè đỏ lửa thì em đã vào đại học rồi, hè mới ra QN chơi em thường tắm biển buổi sáng, hôm đó sáng dậy trễ nên chiều hai đứa em đi ra bãi mới gặp cái anh chàng nghịch ngợm đó, tuy nhiên em cũng thông cảm, vì có lẽ lúc đó ổng đang nhớ tới bài thơ “chiều trên Phá Tam Giang” của Tô Thùy Yên “chiếc trực thăng bay là mặt nước. Như cơn mộng nhanh...” nên ổng chọc tụi em cho dzui, mà Phúc nó cứ nói thế chứ em nào có ghét Không Quân bao giờ, thật ra là chỉ sợ cái tính bay bướm mà thôi.
- Bây giờ già hết cả với nhau rồi em nói thật, hồi đó em khá là lãng mạn nên em rất yêu binh chủng Không Quân, yêu cái hào hùng “... đi không ai tìm xác rơi” của các anh, mà đã yêu thì đâu có chọn lựa, yêu vô điều kiện mà, ai mà tính F5 hay A 37 hay Trực Thăng hay L19 gì đâu, chẳng qua là không phải duyên của mình thì không đậu lại.
- Em cũng công nhận là hồi đó tụi bạn lớp em khoái mấy ông khu trục hay F gì gì đó vì cứ nghĩ mấy ổng giỏi hơn vì đi học ở Mỹ, còn cũng có hơi chê L19 hay trực thăng, nhưng em nghe anh chàng Paul, bạn ông thiếu tá Bé nói Trực Thăng mới giỏi đó, theo KQ Mỹ thì khi họp là Trực Thăng luôn được xếp vào ngồi vị trí số một đó. Mà anh Khiêm em cũng nói Trinh sát mấy ảnh cũng nhờ sự can trường của Trực Thăng nhiều lắm, có những khi đụng trận mà tụi vẹm đông, bắn rát quá, các anh Trực Thăng mà không can đảm thì BB các anh ấy nguy to. Anh Khiêm em còn nói KQ còn có khẩu hiệu “không bỏ anh em, không bỏ bạn bè” phải không anh.
- Anh nghĩ binh chủng nào của Quân Lực VNCH cũng vậy, Trinh Sát cũng có bao giờ bỏ lại đồng đội đâu, có điều là Không Quân tụi anh điều này nổi bật hơn mà thôi, giống như một Slogan phải thuộc nằm lòng.
- Quỳnh vào Sài Gòn học đại học nên đâu có biết mấy phi đoàn trực thăng ở Phù Cát, và cuộc đổ bộ bằng Trực Thăng của các Phi đoàn: 243, 229, 235, 219, 215 đâu nhỉ, cuộc đổ bộ này được coi như trận “Normandie thu nhỏ” của Đồng Minh trong Đệ Nhị Thế Chiến đó, khoảng tháng tám năm 1972, trong chiến dịch Bắc Bình Vương của Trung đoàn 40 Sư Đoàn 22 Bộ Binh tái chiếm Bồng Sơn và Tam Quan.
- Em không biết gì nhiều dù tin tức chiến sự thì ngày nào cũng nghe, nhưng em không nhớ nhiều vì em cũng chỉ là sinh viên, theo dõi chiến sự qua radio mà thôi, có lo lắng cho bạn bè, người yêu ngoài chiến trường, hồi hộp chờ thư, ngày nào cũng ngóng ông đưa thư thôi...
- Vậy mà cô Quỳnh cũng biết nhiều chuyện của KQ lắm phải không, anh nghe Phúc nói.
- Em có biết gì nhiều đâu, nghe kể thì biết thế thôi, ví dụ như anh Trần Thế Vinh là bạn học của ông anh con bác em, nhà ở Tam Hà với nhau, em cũng có để ý gì đâu, nhưng khi anh ấy rớt máy bay và được hát “Này mặt trời nhỏ bé phương nam, mặt trời từng sưởi ấm cô đơn... cho quê hương yên vui ngày loạn... này mặt trời hãy khóc đi thôi, vì người tình của nắng lên ngôi, con chim xanh bao la tình người... thành vị thần Trần Thế Vinh quang” thì tự nhiên có nhiều chuyện về anh ấy được nghe kể và mình đâm ra thương ổng quá chừng.
- Hay thật, Quỳnh còn nhớ cả bài hát này sao, vậy mà hồi đó không chịu làm người yêu Pilot thì kể cũng lạ.
- Em đã nói với anh là em sợ cái mác bay bướm đó của mấy ổng, ngay cả anh cũng vậy, hồi đó em nghe Phúc kể bà Loan rủ nó đi kiếm anh hoài đó, hồi tụi em ra Nha Trang vô không đoàn 62 kiếm anh, em thấy cả mấy bà kiếm anh một lúc, em thấy không cũng đủ chết khiếp nói chi đến chuyện yêu.
- Thì ra tại em nhát phải không? nói vậy chứ bọn anh thằng nào cũng “có hiếu với bồ” lắm ạ.
- Để em xin keo lại đã.
- Thiệt mà, ví dụ như anh đây...à, mà lúc này Quỳnh làm gì, còn đi dạy không?
- Em chỉ còn dạy ít thôi, già rồi nên cũng mệt mỏi, đi dạy cho vui, cho thấy mình còn có ích cho đời đôi chút, còn anh thì sao?
- Anh retired rồi nên mới có giờ về VN, cũng định không bao giờ trở về chốn xưa, vì có quá nhiều chuyện không còn nhớ hay chính xác là không muốn nhớ tới nữa, nhưng cuối cùng rồi cũng về, chẳng hiểu nổi mình ra sao nữa.
- Em nghe nói những người đi khỏi VN vào những ngày tháng Tư năm 1975 thường không muốn về vì họ quen với cuộc sống phương tây rồi nên sợ từ cái nóng nắng cho đến cái bụi bặm của đất nước mình...
Cuộc sống tiện nghi cũng làm họ sợ nhiều thứ lạc hậu còn sót lại ở VN. Còn những người đi sau này thì cũng không muốn về vì nhiều lý do khác nhau, mà em thấy họ suy nghĩ cũng không sai, về làm gì cái xứ sở đã đọa đày mình, coi mình như kẻ thù đến độ biết rằng có khi phải bỏ xác ngoài khơi mà cũng phải đi, em thấy họ cũng có cái lý của họ khi không trở về…
- Cô Quỳnh cũng “máu lửa” ghê nhỉ, vậy mà cô dạy trường Quân Y thì sao?
- Em dạy để có dịp nói chuyện đất nước, quá khứ và tương lai, ngoài chuyên môn ra em còn mong mình có thể thổi vào tâm hồn những người trẻ hôm nay một chút gì đó của Bà Trưng, bà Triệu, của Hưng Đạo Đại Vương, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ, và cả những tư tưởng đạo đức phải có trong môi trường sư phạm.
- Con này nó cứ như vậy nên không dạy trường nào được lâu, Phúc chen vào, em có cảm tưởng nó đang lội ngược dòng.
- Tao hỏi mày chẳng lẽ thiên hạ đục thì mình cũng phải đục theo hay sao.
- Cả cái xã hội này nó như thế, mày làm sao thay đổi được.
- Tao nghĩ rằng thà thắp lên một ngọn đèn còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối, vả lại đâu phải lúc nào đám đông cũng đều đúng.
- Tao biết như thế, nhưng mày thấy có cuộc đấu tranh nào thành công đâu, mày thấy thằng cháu mày, thằng Trần Vũ An Bình đó, có làm khỉ gì ngoài mấy cái bài hát mà cũng bị 6 năm tù đó, thời này đâu phải thời xưa mà tầm vông đánh tây, giờ lại thêm chiêu bài hòa giải hòa hợp, thêm cái truy điệu các liệt sĩ chống bọn tàu phù ở Hoàng Sa, truy điệu cả chiến sĩ VNCH của HQ 10 tuẫn tiết năm 1974...
- Đã gọi là chiêu bài mà nhiều ngưởi VN còn ngây thơ tin... tao đồng ý điều đó không những nên làm mà cần phải làm để anh linh những người Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa được mỉm cười ở trên cao, nhưng tin chúng thật tâm thì quá ngây thơ, ngay cả những bà vợ của các người này có người cũng tin sái cổ, cả cái ông bác sĩ Trần Thành Trai cũng tuyên bố vung vít trên báo về cái chuyện này, tao không tin, tao không thích cái đám tướng bỏ quân lại để trốn ra nước ngoài, tao cũng không thích lão Khiêm lão Thiệu nhưng tao phải công nhận lão Thiệu nói một câu không hề sai : “đừng NGHE những gì... NÓI mà hãy nhìn những gì... LÀM” rõ ràng cả bao nhiêu sĩ quan bị lừa vào cái trại tù khổng lồ. Tao cũng ghét thằng Mỹ, ghét cái lão Kissinger luôn.
- Con này nó khùng, cộng sản thì ghét mà Mỹ cũng không ưa, mày ưa ai?
- Tao không ưa vì sự bỏ rơi đồng minh của Mỹ, cái thằng Kissinger đểu cáng đó đã gọi các chiến sĩ của mình là “lũ chó” khi nó nói chuyện với thằng Lê đức Thọ khi thấy quân dân miền nam vẫn anh dũng chống trả lại dù mỗi người lính chỉ còn mấy viên đạn, CS thì tao ghét là lẽ đương nhiên, không phải vì việc tan cửa nát nhà của riêng gia đình tao mà tao ghét , nhưng cả mấy chục triệu dân VN đang ở trong cái nhà tù khổng lồ, bộ mày không thấy sao. Tao không ưa chúng vì lẽ đó thôi.
- Con nhỏ này nóng lên là vung vít gọi thằng này thằng kia tùm lum, cô giáo gì mà dữ như bà chằng.
- Có những lúc cần phải mặc cà sa, cũng như khi đi với lũ ma, quỷ thì phải mặc áo giấy, có cần thiết phải lịch sự với những kẻ giày xéo quê hương mình không???
- Vậy mà mày vẫn trụ được ở cái trường Quân Y đó hơn chục năm còn gì.
- Tao trụ ở đó, sống cho sinh viên nó thấy nhân cách của một người thày được giáo dục trong môi trường nhân bản của Việt Nam Cộng Hòa khác với người thày được đào tạo trong môi trường đỏ của chúng nó, mày thấy đồng lương chết đói đó có đáng cho tao trụ lại đó không... nhưng tao vẫn cố ở lại để cho học trò thấy được sự khác biệt giữa con người của hai chế độ, bằng chứng là bao nhiêu sinh viên ra trường, đến giờ này vẫn còn trở lại thăm tao, ngay cả những đứa con ông cháu cha, cha mẹ chúng là đảng viên, là cán bự đó, phải sống với sói mới cảm hóa được chúng, tao không có tham vọng thay đổi thế giới, tao chỉ cố sống sao cho bọn con cái chúng nhận ra sự khác biệt mà thôi.
- Thôi đi hai cô, nói chuyện có lạc đề không đó...
- Con khỉ nhỏ này vẫn vậy anh ạ, lúc nào cũng lý tưởng hóa cuộc đời, em nghĩ ngày xưa nó nên học luật hay làm chính trị thì đúng hơn là làm thày giáo, Phúc nói:
- Thì ngày xưa tao cũng nghĩ như vậy, và tao đâu có học sư phạm. Làm thày là do hoàn cảnh đẩy đưa, nhưng bây giờ tao thấy làm thày mới đúng đó mày... mày nghĩ coi, làm bác sĩ mà ngu dốt hay thiếu lương tâm, coi lương tháng trọng hơn lương tâm thì cùng lắm chết một hay vài bệnh nhân, làm tướng mà dốt thì thiêu đốt vài sư đoàn là hết cỡ, nhưng làm một “thằng thày”, có nghĩa là một người thày thiếu nhân cách, một người thày chỉ biết có đồng tiền như những người thày của cái xã hội này thì làm hư biết bao nhiêu thế hệ mày có biết không???
- Thôi, cắt, cắt, đi ngủ thôi, sáng mai còn bao nhiêu việc phải làm nữa.
- Thôi thì đi ngủ, chắc hai anh em cũng mệt lắm rồi phải không?
- Chúc hai cô ngủ ngon nha.
- Chúc anh ngủ mơ thấy phi đoàn 114 ngày xưa nghen.
- Cám ơn Quỳnh.
Lên giường thật lâu mà Quỳnh vẫn trằn trọc vì những điều mấy anh em trao đổi với nhau lúc chiều, thật ra cũng không có gì nhiều, nhưng vì đã lâu Quỳnh đã tập tịnh khẩu, chỉ thỉnh thoảng nói xã giao dăm ba câu với đồng nghiệp nên cứ nghĩ chẳng có gì để nói, chẳng có gì để nhớ, nhưng hôm nay, khi gặp lại cô bạn cũ và nhất là ông anh Không Quân xưa thì quả thật thấy là có nhiều điều để nhớ, để thương và để ngậm ngùi, ngậm ngùi thương nhớ cho một quá khứ vàng son đã bị bức tử một cách oan uổng... Ôi Việt Nam Cộng Hòa của tôi, ôi Màu Cờ Vàng yêu dấu!!!
Phạm Thiên Thu



My fishing club at Fort Rucker



Trong chín tháng thụ huấn phi hành tại Fort Rucker. Ngoài những kỷ niệm bay bổng bao năm vẫn còn ghi dấu trong tâm hồn còn có những bạn bè đã cùng nhau chia sẻ những niềm vui trong sinh hoạt thường nhật mà cho đến nay đã hơn 40 năm tôi vẫn không thể nào quên. Ở Fort Rucker cũng có một mess hall tương tự như Lackland. Chỉ khác một điều, tại Lackland mình trả tiền cho bữa ăn ngay khi bước vào cửa rồi có thể get line lấy thức ăn mấy lần cũng được. Có khi một người ăn tới ba phần cho một bữa. Nhưng ở Fort Rucker không được như vậy. Ngay đầu chỗ xếp hàng để lấy thức ăn là quầy tính tiền. Ai còn đói muốn ăn thêm cũng không sao nhưng phải trả thêm tiền lần nữa !!
Chắc anh em ai cũng biết đồ ăn của Mỹ nhiều chất béo, ăn vào là no ngay. Nhưng ra khỏi nhà ăn về tới phòng là lại thấy đói bụng. SVSQ thời đó lãnh được 270USD/tháng. Trả tiền phòng hết 30USD còn lại hơn hai trăm mà phải ăn uống chi tiêu làm sao để mỗi tháng có thể dư ra chút đỉnh để dành sau này về nước còn có vốn để... mua xe, lấy vợ nữa. Ít có chàng nào dám ăn chơi xả láng. Vả lại, ăn uống ở mess hall cũng chán ngấy chả kém gì cơm Đàm chí Hùng ở tent city mà lại hao tốn. Cho nên khi đến Fort Rucker được vài tuần, ai cũng lo tìm bạn bè hợp tính tình sở thích để cùng nhập vào một băng "góp gạo nấu cơm chung" với nhau cho vui. BOQ ở Fort Rucker nhiều phòng có bếp nấu ăn riêng khá thuận tiện. Do đó, tôi và ba đứa bạn kết thành một nhóm hùn tiền đi chợ hàng tuần. Rồi chia phiên nhau nấu nướng tùy theo thời khóa của từng người sao cho thuận tiện. Riêng tôi, không có khiếu nồi chảo nên giữ chân rửa chén cho cả bọn.
Một hôm nhân dịp cuối tuần, một đứa trong nhóm đề nghị đón taxi đi hồ Tholocco chơi. Đến nơi thấy có nhiều người câu cá quanh hồ. Bọn tôi chợt nảy ra ý nghĩ sao mình không câu cá để kiếm thêm khẩu vị cho bữa ăn cần kiệm hàng ngày của mình. Thế là bọn tôi hỏi thăm chỗ mua giấy phép câu cá, cần câu và mồi. Cái shop này nằm bên bờ tây của hồ nên chúng tôi thuê một cái xuồng nhôm nhỏ có gắn máy để qua bên kia. Nhân tiện chạy vòng vòng quanh mặt hồ và câu cá luôn thể. Ngay lần hành nghề đầu tiên chúng tôi câu được khá nhiều. Lúc trả xuồng, anh chàng Mỹ là nhân viên trông coi việc cho thuê mấy chiếc xuồng và chăm sóc khu vực có mấy cầu tàu bên mạn đông trầm trồ thán phục khi thấy giỏ cá của bọn tôi. Chúng tôi hỏi anh ta có thích ăn cá không và cho anh ta vài con cá khiến anh chàng thích quá. Những lần sau khi bọn tôi đến mướn xuồng. Anh chàng vui vẻ trò chuyện với bọn tôi. Dặn dò không nên cho xuồng chạy đến khu vực nào trên hồ vì không an toàn. Chúng tôi lại cho anh chàng một ít cá khi trả xuồng vào buổi chiều. Những lần sau đó anh này cho biết tiền cho thuê xuồng hàng ngày anh ta nộp cho cơ quan quản lý hồ nên từ rày về sau anh sẽ không lấy tiền thuê xuồng của bọn tôi nữa. Miễn là chúng tôi cho anh ta cá mang về ăn là được rồi. Vừa cười anh vừa nháy mắt với bọn tôi và đưa cho chúng tôi bình xăng để đổ vào máy. Từ đó, những bữa cơm của chúng tôi trở nên ngon lành hơn khi có những con cá chiên dòn. Mỗi tội không có nước mắm để chấm.
Một hôm vừa lúc chúng tôi chuẩn bị ăn cơm thì có tiếng gõ cửa. Đó chính là **"cù lũ" Hưng!! Ông ta muốn gặp thằng Hùng đầu bò (cũng là đầu bếp chính) trong bọn tôi có chuyện cần. Nhân bữa cơm nên nó mời ông ta dùng bữa luôn với chúng tôi. Thấy cơm nước cũng khá hấp dẫn và chúng tôi mời thật tình nên ông ngồi ăn với chúng tôi. Trong bữa ăn ông hỏi cá ở đâu mà nhiều vậy. Chúng tôi nói là tự câu lấy ở hồ Tholocco. Ông nói mình cũng đi câu hàng tuần và đề nghị cuối tuần sẽ lái xe đón chúng tôi đi câu cho vui. Từ đó "cù lũ" nhập băng ăn cơm chung với chúng tôi. Cả bọn cũng khoái vì ông có chiếc xe cà tàng nhưng rất thuận tiện cho việc đi chợ và đi câu hàng tuần của chúng tôi. Bọn tôi chi tiền xăng còn cù lũ làm tài xế khỏi mướn taxi nữa.
Vì có nhiều kinh nghiệm hơn bọn tôi nên ông bảo không cần mướn xuồng đi câu nữa. Nếu vào buổi sớm, ông đưa chúng tôi đến cái đập ở cuối mạn nam hồ Tholocco. Nếu chiều tối thì câu ở những cầu tàu cạnh nơi chúng tôi mướn xuồng. Nhờ vậy chúng tôi câu được khá hơn và thêm nhiều loại cá. Chính vào một buổi tối đi câu đã xảy ra một chuyện khá thú vị mà hồi đó chỉ có chúng tôi biết với nhau thôi. Tối đó tôi phải ôn bài vì sắp có một cuộc thi quan trọng không tham dự mà chỉ nghe bạn bè kể lại. Cầu tàu nơi bọn tôi thường câu có rất nhiều người nhưng cá ít cắn câu. Vì câu cơm gạo nên một đứa trong bọn đề nghị chuyển địa điểm qua cái cầu tàu cũ cách đó một quãng về hướng bắc. Cầu tàu đó cũng có đèn rọi sáng mặt hồ nhưng không có ai ngồi câu. Quả nhiên cá ở chỗ đó khá nhiều, tha hồ giật mệt nghỉ. Đang say sưa hí hửng với chỗ câu mới. Bỗng đèn pha chiếu sáng cả bọn từ một chiếc xe cảnh sát. Một chàng police bước ra yêu cầu tất cả lên bờ. Thấy chúng tôi là khóa sinh ngoại quốc. Anh chàng giận dữ hỏi ai cho các anh câu ở đây?? Các anh có thấy cái bảng cấm kia không?? Vừa nói anh vừa chỉ vào tấm bảng để ngay trước cầu tàu. Dĩ nhiên, khi bước lên cầu tàu ai cũng thấy cả nhưng cho rằng tối rồi chả ai trông coi nên mình làm đại. Anh còn nói sẽ gọi cho sĩ quan liên lạc đến ngay để xử lý chuyện phạm pháp của bọn tôi. Nghe chàng ta nói vậy cả bọn bấm bụng không dám cười vì anh ta vừa nói xong thì cũng là lúc nhận ra cù lũ của bọn tôi vừa thu dọn đồ nghề bước lên sau chót. Anh ta ngạc nhiên thốt lên, sao colonel lại câu ở đây?? Chỗ này có bảng cấm câu mà. Cù lũ giả bộ ngạc nhiên và nói: - Ủa vậy sao?? Hồi nãy tối quá chúng tôi không để ý thấy. Chỉ thấy có đèn như những chỗ kia nên đâu biết có bảng cấm. Mà tại sao lại cấm câu ở một chỗ câu tốt như vậy? Chắc anh chàng police cũng hiểu ông già vờ nhưng không lẽ lại làm căng với xếp nên phân bua rằng vì cầu tàu này đã cũ. Có chỗ ván và chân cầu đã bị mục nên vì lý do an toàn nên cơ quan quản lý hồ đã đặt bảng cấm mấy tháng nay. Anh yêu cầu từ giờ trở đi chúng tôi không nên câu ở đây nữa.
Câu mãi luẩn quẩn quanh hồ cũng chán. Một hôm chính cù lũ đề nghị tuần này sẽ đi câu xa. Ông sẽ đưa chúng tôi xuống bờ biển Panama City để câu ở đó. Từ Fort Rucker đi xuống đến nơi mất khoảng bốn giờ lái xe. Bọn tôi chuẩn bị từ tờ mờ sáng. Cù lũ lái xe đến là chất đồ nghề lên chạy đi đổ xăng rồi thẳng tiến hướng Nam. Thật là không có gì tả nổi niềm vui của bọn tôi khi được đi câu ở đây. Trên bãi biển có những bờ đá được xây từ trong bờ ra mãi ngoài xa cho mọi người ngồi câu. Phải nói rằng câu cá biển đã thật vì cứ quăng ra kéo vào là có cá. Thậm chí một giây cột hai lưỡi câu lúc kéo vào dính đủ hai con cá chim hay bạc má thiệt bự. Ngoài ra còn câu được nhiều loại cá khác nhau nữa. Chẳng hạn như cá mòi, chúng bơi dưới biển trông như đang có mưa rào trên mặt nước. Cột một chùm ba lưỡi câu ba ngạnh chờ thấy đàn cá quăng câu ngay chỗ đó rồi kéo vào chứ không cần mồi. Không lần nào không dính. Có khi còn dính hai ba con một lúc. Loại cá mòi nhỏ này có thể làm mồi sống câu cá lớn hơn. Hoặc chiên dòn nguyên con chấm nước mắm (cũng là nhờ cù lũ chở đi chợ mãi bên thành phố Atlanta, GA. mới mua được một chai bé tí) ăn cũng rất hao cơm. Những con cá ngừ to bằng bắp chân. Một khi câu được phải chiến đấu cả nửa tiếng để đưa nó lên bờ. Chỉ có ai đã từng câu mới biết. Không như cá nước ngọt, cá biển chúng chống cự rất mạnh mẽ khi bị dính câu. Ở dưới biển chúng mạnh không thể tả nhưng một khi bị kéo lên khỏi mặt nước lại chết mau hơn cá nước ngọt. Thường chúng tôi câu từ lúc đến cho tới chiều muộn mới về. Thùng đá đựng cá mang theo lúc nào cũng đầy ắp. Vì số lượng chúng tôi câu quá nhiều. Ăn không hết nên chúng tôi chia cho bạn bè. Mỗi chiều tối thứ bảy thấy xe của bọn tôi về là anh em chờ sẵn để được chia cá.
Vì một mình cù lũ có bằng lái xe nên dù đi về cả tám tiếng, ông cũng phải ráng. Một vài lần do quá mệt, có lúc ông loạng quạng suýt đâm vào lề. Sau một lần như vậy, ông nói lần sau chắc phải rút về sớm vì lái xe đường xa ban đêm trong lúc mệt mỏi không được an toàn. Từ việc này, tôi bỗng nảy ra ý nghĩ là tìm chỗ ngủ lại qua đêm. Tài chánh của bọn tôi không cho phép mướn khách sạn. Do đó tôi đề nghị chui xuống một gầm cầu mà tôi đã thấy trên đường về những lần trước. Ngay lần sau đó chúng tôi dừng lạ̣i tìm đường xuống chân cầu. Không ngờ đó thật là một chỗ dừng chân lý tưởng để ngủ qua đêm. Vì dưới gầ̀m cầu có thể đậu xe thoải mái. Và nhất là chúng tôi còn khám phá ra đó là một chỗ câu ghẹ thật tuyệt vời. Khi thấy một vài người đàn ông da đen câu ghẹ dưới gầm cầu. Chúng tôi thấy rất dễ dàng. Chỉ với một miếng thịt gà cột trong một cái giỏ lưới hay cái lồng nhựa. Quăng bẫy xuống dưới giòng sông cho nó chìm xuống đáy một vài phút rồi kéo lên. Con ghẹ khi đã say mồi nhất định bám cứng miếng mồi lúc bị kéo lên cho đến khi nằm trên mặt đất mới bỏ chạy nhưng quá muộn. Thế là bọn tôi quay trở lại phố tìm mua giỏ lưới, thùng đựng ghẹ và đèn pin để có thể hành nghề ngay đêm đó. Mồi để câu là những đầu cá vừa câu ngoài biển. Cù lũ cứ việc nằm trên xe ngủ thoải mái. Còn bọn tôi chia làm hai ca. Mỗi ca hai đứa phụ nhau câu ghẹ. Đến sáng là vừa một thùng đầy. Tuần đó chúng tôi lần đầu tiên từ ngày sống ở Mỹ được nhậu một chầu ghẹ thoải mái nhớ đời.
Sau này có lần chúng tôi còn đi câu trong một khu nghỉ mát giành cho nhân viên của Fort Rucker ở Choctaw Beach, Florida trong một dịp long weekend. Hoặc cùng cù lũ đi câu ngoài khơi vịnh Pensacola do trường tổ chức và đài thọ. Tàu có máy dò cá họ chở khách trong bờ ra tít ngoài khơi xa. Khi dò ra khu vực nào có cá họ chạy đến đó cho mọi người câu. Cần câu và mồi do tàu cung cấp và mỗi người khách có một số riêng. Cá người nào câu được họ sẽ bỏ vào ngăn lạnh có số người đó. Khi tàu dừng, mình có thể thấy rõ đàn cá đang bơi bên dưới và thả mồi xuống câu. Lần đó, tôi là người câu được con cá mú to nhất tàu. Nhưng cũng là lần đầu tiên trong đời nếm mùi say sóng khủng khiếp. Vì gặp ngày biển động, khi tàu dừng lại bị nhồi lên hụp xuống liên tục. Chỉ chịu đựng được khoảng nửa tiếng tôi và nhiều người khách bắt đầu say sóng. Thả mồi xuống câu mới được một hai con cá là phải vội vàng chạy vào trong để ói. Rồi nằm vật ra trên một tấm phản cho bớt choáng váng. Cứ như vậy, ói đến không còn thứ gì trong bụng nhưng vẫn phải nôn ra không kềm chế được. Thật là kinh hoàng!!
Những kỉ niệm này trong thời gian sống ở Fort Rucker tôi chẳng thể nào quên. Giờ đây chuẩn bị trở về lại chốn xưa. Đã hơn 40 năm, tôi chưa gặp lại một ai trong số bạn câu cá của tôi ngày ấy. Riêng cù lũ Hưng sau một lần gặp ở phi trường TSN khi đón một người bạn khóa sau. Ông cũng vừa hết nhiệm kỳ sĩ quan liên lạc để về nước. Tôi còn gặp lại ông một lần nữa khi tôi lang thang ở ngã tư Phan đình Phùng - Lê văn Duyệt để kiếm mua một chiếc xe đạp làm cẳng sau ngày 30- 4 đổi đời của miền Nam. Tôi chỉ chào hỏi ông một vài câu rồi chia tay nhau. Chắc rằng sau đó ông cũng như tôi sẽ phải trải qua những năm tháng trong trại tù CS. Không biết giờ đây ông có còn sống hay không vì lâu nay tôi dù để tâm dò hỏi tin tức của ông mỗi lần Không quân họp mặt nhưng vẫn chưa biết được gì.


Bentonville, AR 09- 02- 15
CanhBang Purple hat 74- 30
**"Cù lũ" một cách binh bài xập xám. Cũng là tiếng lóng để gọi các xếp lớn. Ở đây ám chỉ trung tá Phạm lương Hưng theo cách gọi của khóa sinh Fort Rucker thời đó.


Thơ Trần Thanh Quang

Chân dung
Ta thân ngựa một đời rong ruổi phố
móng khua vang đánh thức mấy con đường
máu luân lạc trong trái tim loang lổ
cõi ta bà sao cứ mãi vấn vương
ta thân ngựa một đời mơ bóng núi
bóng mù xa mà bóng lại gần
chân rời rã lòng còn ôm gối mộng
ở nơi nào ta vét chút tình thân
ta thân ngựa một đời mơ về biển
mộng phù du in dấu cát phiêu bồng
chân nghiệt ngã trước hồn nhiên của sóng
hạt muối nào mặn chát giữa hư không
ta thân ngựa một đời làm thân ngựa
bờm rụng rơi theo gió thốc của đời
cỏ rũ mục trên thảo nguyên xa tít
biết khi nào ta ngã ngựa em ơi !

Hành Trình
Những chuyến xe đời long lóc đi qua
để lại khói đen bùn nhơ và cỏ rác
dăm nụ cười khan vài lời thô thốc
rớt xuống ta nỗi chết muôn trùng

buổi sáng hoàng hôn rớt trên mặt người dưng
bình minh trong ta nói lời hoan hỉ
những khúc thức trường canh giai điệu
biến tấu ca từ xô lệch nhân gian

chốn xa xăm em ngân khúc thiên đàng
em tránh nỗi đau né lời rao giảng
ta ngập ngụa trong thánh kinh xa lạ
đạo đức giải lên ngôi xé toạc tim người

đôi khi thấy đời như một cuộc chơi
sinh – tử – thiệt – hơn vờn trên sân bóng
kẻ thủng lưới chưa hẳn người chiến bại
bục vinh quang đừng thắm máu con người.