Câu chuyện bài hát "Tình Quê Hương" của Đan Thọ ( phổ thơ của Phan Lạc Tuyên)

Trích từ tác giả Hoài Nam:

...Tình khúc nổi tiếng đầu tiên của Đan Thọ là "Tình Quê Hương", phổ từ bài thơ có cùng tựa của Phan Lạc Tuyên. Thế nhưng lẽ ra tình khúc được đánh giá là "để đời" ấy lại chết yểu chỉ vì nguyên nhân chính trị. Nguyên Phan Lạc Tuyên là một sĩ quan trong quân đội VNCH, sau hiệp định Geneve 1954 tham gia chiến dịch bình định nhắm mục đích ổn định đời sống dân chúng và loại bỏ mọi ảnh hưởng của việt minh còn sót lại ở miền Nam, chủ yếu là các vùng đồng quê hẻo lánh.
Trong bài thơ mở đầu bằng câu "Anh về qua xóm nhỏ, em chờ dưới bóng dừa", Phan Lạc Tuyên đã mạnh dạn xử dụng hai chữ "giải phóng" để diễn tả nhiệm vụ của mình. Không mai cho Đan Thọ, tình khúc nầy vừa bắt đầu được ưa chuộng thì vào năm 1961, đại úy Phan Lạc Tuyên tham gia cuộc đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Thất bại ông Tuyên đào thoát sang Cam Bốt và sau đó theo cộng sản. Cùng thời gian, mặt trận giải phóng miền nam được thành lập để chống lại chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cho nên bản "Tình Quê Hương" bị khai tử cũng là lẽ đương nhiên. Năm 1975, trong lúc còn tranh tối tranh sáng, bản nầy đã được một số người hát trở lại, nói rằng đây là ca khúc viết về giải phóng, nhưng sau đó bị nhà cầm quyền cộng sản ra lệnh cấm bởi xuất xứ của bải thơ cũng như quá khứ của tác giả. Người Sài Gòn ngày ấy chẳng có ai thương tội Phan Lạc Tuyên mà chỉ buồn lây trước nỗi oan khiên mà Đan Thọ và tình khúc nầy phải hứng chịu dưới cả hai chế độ. Thật đáng buồn khi mà tác phẩm nghệ thuật cũng không có chỗ dung thân...