Remember ?

Trang 3/46 đầuđầu 1234513 ... cuốicuối
kết quả từ 13 tới 18 trên 274

Tựa Đề: Góc Truyện Tình HOÀI HƯƠNG...

  1. #13
    tranqu1991
    tranqu1991's Avatar

    Default

    Bài viết chất lượng và mình thích nội dung này Like mạnh

  2. #14
    Tinh Hoai Huong's Avatar
    Status : Tinh Hoai Huong v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: May 2009
    Posts: 1,081
    Thanks: 58
    Thanked 58 Times in 17 Posts

    Default

    Trích Nguyên văn bởi hieunguyen11 View Post
    Nói giỡn chớ:

    Tình cuối nhiều khi cũng dễ thương
    Nghe ai khuyên đó chớ chán chường
    Tình cuối dù như cơm nếp nhão
    Đói lòng hơn cả gạo Nàng Hương

    Hieunguyen11
    Anh Hieunguyen11 thân kính,

    A ha!... "Rét" rồi răn???
    Xin tặng anh mấy câu thơ của THH sau đây nè: (thì chị nhà hổng "ngắt, nhéo" nữa ha!

    . . .
    Đong tình cũ mỗi đêm thu sáng nguyệt
    Ánh trăng vào rọi chiếu cánh song khuya
    Nghe cô đơn sao rơi lạnh bốn bề
    Tan sầu héo cung đàn ơi nguyệt quyện.

    Sương gậm nhấm hương tình đêm rớt muộn
    Tiếng rì rào sóng vỗ cuối biển khơi
    Bóng ai về ẩn dấu nụ cười tươi
    Kề môi má trao những lời xa vắng.

    Vui tan hợp ánh trăng ta uống cạn
    Bạn tình ơi hãy dừng bước phương này
    Như vầng trăng lả lướt Đào Nguyên mây
    Tình cuối tuyệt hơn tình đầu xưa ấy.

    *


    Tình Hoài Hương
    Bút trần nào tả được lưu luyến!
    Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
    Tình Hoài Hương

  3. #15
    Tinh Hoai Huong's Avatar
    Status : Tinh Hoai Huong v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: May 2009
    Posts: 1,081
    Thanks: 58
    Thanked 58 Times in 17 Posts

    Default

    Trích Nguyên văn bởi PhiLan View Post




    Hối hận khi anh đã lỡ lời
    Chấp chi lời nói để vui chơi
    Em đừng chống nạnh nhìn anh nữa
    Khi giận... nhìn em đẹp... rạng ngời...

    Ẹc...
    Anh PHLAN thân kính,
    Cám ơn anh đã ghé đọc truyện & ghi lại hình ảnh vui nhộn cùng lời Thơ hay nhé.
    Tình thân,
    THH
    Bút trần nào tả được lưu luyến!
    Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
    Tình Hoài Hương

  4. #16
    hieunguyen11's Avatar
    Status : hieunguyen11 v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: May 2011
    Posts: 2,230
    Thanks: 0
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default

    Trích Nguyên văn bởi PhiLan View Post




    Hối hận khi anh đã lỡ lời
    Chấp chi lời nói để vui chơi
    Em đừng chống nạnh nhìn anh nữa
    Khi giận... nhìn em đẹp... rạng ngời...

    Ẹc...
    Anh Philan ơi đừng lo. Giận cái gì mà giận:

    Đàn bà cần phải có đàn ông
    Nếu không xả láng mất lưng ong
    Để ông chắc lưỡi khen ai đẹp !
    Ai sẽ mỉm cười cám ơn ông


    hieunguyen11

  5. #17
    Tinh Hoai Huong's Avatar
    Status : Tinh Hoai Huong v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: May 2009
    Posts: 1,081
    Thanks: 58
    Thanked 58 Times in 17 Posts

    Default Giữa Anh & Em là …


    Giữa Anh & Em là …
    Cánh Hồng Nhung Đầy Gai

    Tình Hoài Hương
    ***


    Đà Lạt có lữ quán Thanh niên rất rộng lớn an toạ trên ngọn đồi cao. Lữ quán có đầy đủ tiện nghi dành cho đoàn thể, công, cán, chính, sinh viên học sinh và giới cần lao. Câu Lạc Bộ lữ quán bán cơm bình dân, giá rẽ. Hội trường rộng mênh mông, đầy đủ phòng ốc cho mọi giới thuê mướn, hội họp, ở trọ. Dưới chân đồi lữ quán là đường Hàm Nghi, nhìn xuống dưới thấp là phố Phan Đình Phùng khá dài chạy từ ngã ba Duy Tân đến cuối Ấp Số Bốn.

    Từ lữ quán Thanh Niên nhìn về góc phải là khu Số Bốn, có “thành phố buồn” nơi an nghỉ của bao người “chán sống”, họ quyết vĩnh viễn ra đi không thèm ngoảnh lại thế trần ô trọc... Đối diện với đỉnh đồi lữ quán là khu Domain de Marie. Bên trái là ngả ba chùa Linh Sơn an tọa trên một ngọn đồi rợp bóng cây, gần sát trường Trung-học Bồ Đề. Đi lên khỏi ngọn đồi cao, sẽ thấy trường nữ Trung-học Bùi Thị Xuân. Đứng sau lưng trường nầy nhìn qua viện Đại Học Đà Lạt uy nghi, xa thật xa là trường Lycée Yersin.

    Một buổi canh khuya gần rạng sáng chủ nhật, các trường trong Thị xã Đà Lạt , các Quận, Hạt đã tập trung lên lữ quán Thanh Niên. Bởi do qúy ông bà hiệu-trưởng cẩn thận chấp hành thông tư của Phó Tỉnh-trưởng Nội An, bắt học sinh đến chầu chực từ năm giờ sáng. Ôi! Thầy cô tưởng mấy ông bà bự sẽ đến dự lễ lúc sáu giờ sáng ấy chắc!? Dạ thưa!… giờ nầy qúy vị đó còn "úm" trong nệm ấm chăn êm, sức mấy ngu dại gì mà đi làm cái chuyện khờ me! Học sinh không dám cải lệnh thầy cô, thì ráng nai lưng ra chịu rét! Chiều hôm qua dưới sân cờ thầy cô tuyên bố học sinh sẽ bị trừ mười điểm trong học bạ, nếu em nào vắng mặt, dù bất cứ lý do gì. Các em học sinh sợ một phép, không chấp hành sao được.

    Trời trở lạnh kinh khủng, cho nên mọi người ai nấy đều co ro, cúm rúm xuýt xoa run rẩy. Họ đứng chịu trận dưới bầu trời tối mờ ướt đẫm sương khuya. Đom đóm nhấp nháy bay chập chờn thành một chuỗi sao xinh xinh. Họ thở ra từng làn khói, mặt mày ai nấy đều xám xịt, xanh lét như màu lá vẽ trên khung lụa ướt. Nước sương mọng dính từng chùm tóc rối trên trán. Mấy đầu ngón tay ngón chân ai ai cũng bị teo tóp. Học sinh đứng như thế khoảng ba giờ liền có hàng ngũ chỉnh tề, dần dần không ai bảo ai, mọi người ngồi bẹp xuống bãi cỏ trước sân lữ quán, mặc sương giá thấm ướt đủng quần, người duỗi thẳng chân, người co tay giật cẳng, vặn mình kêu răn rắc, người gục đầu lên gối, ôm bộ giò mỏi mệt cứng đơ mà ngủ gà ngủ gật, (dân chúng thức dậy lúc bốn giờ sáng, đến nơi nầy chầu chực suốt gần năm giờ liền). Mãi đến hơn chín giờ sáng, thì loa phóng thanh ngừng phát nhạc hòa tấu, xướng ngôn viên vặn lớn haut parleur, thông báo mọi người chỉnh tề, chờ đón quan khách.

    Có thiệp mời đến lữ quán, nên Nam đi chung phái đoàn, anh ngồi trên khán đài nói chuyện với Tuấn. Đám học sinh đau khổ ngồi bệt dưới đất coi thật bệ rạc, dĩ nhiên họ tức lộn ruột lộn gan, vì nụ cười của một thanh niên trẻ trung nhất trong phái đoàn ấy. Sau ngôi sao sáng chói của đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân, thì “chàng” là thí điểm, là bình phông, là cái rốn vũ trụ, để các cô cậu học sinh choai choai dé dé xiú xíu nho nhỏ ngẩn ngơ nhìn vào… Một số ít bạn trai gái của Mười có biết “nàng” là người yêu của “chàng”, nên họ cố ý châm chọc, đay nghiến phê bình Nam, khiến bọn con trai càng cay cú rủa sã Nam trắng trợn. Họ muốn cho Mười mất mặt. Nhóm học sinh chỉ chỏ Nam, hậm hực cay cú, không ngại nói huỵch toẹt ra giữa đám đông nhiều ngôn ngữ chẳng hay ho chút nào, mà không hề ngượng miệng:
    - Thằng nào mặt còn hôi sữa, ngồi chễm chệ đó, bắt tụi mình chào đón hắn vậy?
    - Nó chả ra cái thớ gì, mà bố láo.
    - Phì phèo hút thuốc, coi cà chớn, dễ giận thấy mẹ à.
    - Tao muốn lên dộng một cái, cho nó lọt xuống đài ghê.
    - Lát nữa, thì mày nhừ đòn với chúng tao, nghe con!
    Mười rất bực bội khó chịu, nhưng nhớ lời ba dặn nàng:
    - Thấy người hung ác, con im lặng chỉ ngả mũ cúi chào, "kính nhi viễn chi" mỉm cười, mà lẹ bước đi xa. Nghe.

    Thế nên Mười im re. Không biết họ ganh tức cái nỗi gì? Buổi lễ kết thúc lúc một giờ. Mười cảm thấy khó chịu, buồn bực trong lòng, ấm ức tức tức muốn điên, Mười lầm lũi ra về. Xế chiều Nam đến nhà anh chị của Mười để dạy thêm cho Mai, Mười... môn Toán, Lý, Hoá. Học xong, cất sách tập vào cặp, Nam đã kể lại chuyện bọn học sinh ban sáng là: Trương Anh, Điều, Thiên, Tuấn Anh, Khôi, Lang, Bích, đã chận đường để gây sự, đòi khiêu chiến với Nam. Anh thật sự ngạc nhiên, vì Nam không hề quen biết bọn họ, mà bọn ấy nói: "nghinh há". Vã lại, Nam nghinh làm gì với hạng người bặm trợn, du côn du kề, cô hồn hết biết, hỉ.

    Nam có nghe Mười kể sơ sơ về bọn họ ở trong lớp ưa quậy tưng trời đất. Nam có biết về trình độ thấu hiểu học thức của họ chỉ vừa đến đấy, đến đấy thôi. Nhưng về việc yêu đương, côn đồ, ma lanh, gian trá, thì họ tiến nhanh rất xa. Mặt trơ trán bóng, tính tình lông bông, buông thả tình cảm trong những hộp đêm rẻ tiền, họ dang díu lăng nhăng với gái ăn sương, rồi hèn hạ trắng trợn đi rêu rao trong lớp, cười ha hả; giống tên ma cô ở đầu đường xó chợ, lại hoan hỉ tự hào ta là kẻ hào hoa lả lướt bay bướm dày dạn, sành sỏi nhất. Dẫu sao… là con trai lêu lổng chuyên đi cua gái, thì cừ khôi, chứ sao người đời ưa gọi chúng là “mặt chai mày đá” hì? Họ thành công vì đã làm cho các cô sợ hãi và tức cành hông, với kiểu trợn mắt phun khói thuốc lá phù phù vào mặt người đối diện. Họ bắt chước nhau bĩu môi, cà nghinh cà bật, so vai nhún lên nhún xuống, thân nhô lên hụp xuống đi kênh kênh ra oai cho khác đời. Họ tự xưng "là ông, là bác”, và thích nghe “đàn em” kêu mình là “đại ca”.

    Nam nghĩ đó là đứa trẻ miệng còn hôi sữa tự kiêu, khinh bạc. Mỉa mai thay cái thứ ngu như bò tót, mà cứ nghĩ mình là đại ca, là cha là bác thiên hạ. Ở đâu trồi ngoi ra từ trong lớp nầy lại tập họp cái bọn du thủ du thực, mặt mày chẳng sáng sủa, chả đôn hậu, chẳng đẹp hơn ai, có thể nói là dị hợm xấu xí. Bọn “ngưu đầu mã diện, đá cá lăn dưa” như vậy, như vậy đó, vậy đó… mà cứ tưởng bở ta đây là "yên hùng mã tấu", ưa dợt le nổi đám nổi đình, càng làm ô danh đa số học sinh đoan chính. Nam dại gì mà dây dưa vào chứ.
    *

    Ở gần nhà chị Ba, Tuấn Anh là bạn học cùng lớp với Mười, hắn tới nhà chị Ba và tò le mách lẽo với chị, hắn không tiếc lời chỉ trích, nhạo cười Nam là tên hèn nhát, mà bày đặt kênh đời! Chuyện nhỏ không ra gì ấy đã đến tai các chị. Thế là hai bà chị lên án Nam dữ dội, nào là:
    - Nam ở trong băng quậy, chuyên môn đi đánh lộn, giành gái giếc, đàng điếm…

    Hai bà chị của Mười không chịu tìm hiểu nguyên nhân dữ kiện, mà chỉ nhìn sự kiện xảy ra trước mắt, rồi vội vàng kết luận. Thật buồn thay! Mấy hôm nay Mười buồn bã vô cùng, chán trường, chán lớp, nhất là chán đám bạn bè cư xử thiếu tế nhị, ganh ghét ra mặt. Họ cố ý ngồi trước mặt Mười, dùng lời lẽ thô tục để bêu rếu Mười và Nam, cốt cho mình mất mặt giữa đám đông. Rõ ràng họ muốn gây hấn, Mười hổ thẹn cúi gầm mặt xuống, hai giọt lệ rung rinh trên khoé mắt (vì Mười lầm tưởng họ là mấy bạn thân quen, tử tế). Nhớ khi trước chưa xảy ra chuyện, MườI nhìn họ sao mà dễ chịu thế! Bây giờ, họ đã tự lột mặt nạ ra lúc nào, khiến Mười kinh hãi, sợ họ hết biết, không dám xớ rớ lại gần chạm mặt! Thầy Đệ văn võ song toàn còn khiếp sợ họ, muốn rút lui không dạy lớp nầy, huống gì ai.

    Hôm nay Mười đã cúp cua hai giờ toán, Nam và Mười đi lang thang suốt đường Hoàng Diệu, Duy Tân, lên Phạm Phú Thứ, Huỳnh Thúc Kháng, Pasteur. Đi trên các nẽo đường, Nam đọc chuyện Bonjour Tristesse của Francoise Sagan. Bà nầy theo chủ thuyết hiện sinh. Mười không thích chủ thuyết ấy tí nào. Vì: không vì nguồn cội, không vì tha nhân, không vì người yêu qúy, mà chỉ vì chính mình. Thì thật quá ích kỷ. Ngồi trên hàng rào xi măng, bên khu biệt thự vắng. Mở tập học cuả Mười ra, Nam hỏi:
    - Chiều nay, em cúp cua hả?
    - Mười "dạ" lí nhí trong cổ họng. Nam lắc đầu, nói tiếp:
    - Ôi trời! Cái gì đây. Em?
    Mười giật mình, nhìn vào hướng chỉ tay cuả Nam, không dám cười, nàng cúi đầu nói nhỏ:
    - Hai con… oóc toọt.
    - Vì sao vậy?
    - Lâu lắm rồi, em lỡ dại quậy phá trong lớp. Không thuộc bài nữa. Nên bị...
    - Nếu em không hiểu bài nầy, thì sẽ không hiểu bài khác. Em hiểu không? À, hiểu rồi... làm ơn cho anh mượn cây thước kẻ.

    Mười sợ Nam, chứ em không sợ cây thước kẻ đâu anh. Hai mái đầu xanh chụm lại dưới hàng cây giao nhánh bên đường, cùng chia sẻ học bài một hồi lâu. Khi thấy Mười thực hiểu bài, Nam cười, khen:
    - Em của anh thông minh, nhưng phải cái tội… em "lì và lười" kinh khủng.
    Hờn mát, Mười ôm cặp bỏ đi. Nam đi theo sau Mười, gọi:
    - Đứng lại! Một tiếng. Hai tiếng. Ba tiếng… Đứng lại!
    - …
    - Không đứng lại thì anh... đi theo em luôn.

    Nhưng đi ngược lại phiá cổng sắt, Nam mở cửa vào ngôi biệt thự kế cạnh. Mười chưng hửng đứng ở ngoài. Không hiểu Nam tán hay ho thế nào, mà người gác dan đã cắt cho chàng năm cành nhung hồng tuyệt đẹp. Nam đến bên Mười, đầu chàng nghiêng nghiêng, miệng cười chúm chím, Nam đặt hoa giữa làn môi hai người, họ ỏn ẻn cười tình, cả hai ríu ra ríu rít hôn lên đóa hoa hồng thơm ngát. Qua kẽ hở đều giữa những phiến lá răng cưa xanh xanh, Mười e e thẹn thẹn, nhìn nhìn, liếc liếc, hít hít, hôn hôn.

    Hơi thở Nam ấm nồng... ngất ngây len len lỏi lỏi từ bờ môi nầy, chuyền sang vành môi kia; quyện với hương hoa hồng thoang thoảng thơm thơm, khiến Mười càng ngây ngây, ngất ngất... bừng bừng nhột nhạt rờn rợn đến dại khờ. Chàng quàng tay qua vai nàng dìu nhau đi về lối nhà, và hai bạn chia tay ở đầu con dốc đứng cong cong uốn lên uốn xuống, khi phố núi giăng mắc sương mù dày đặc đã lên đèn.

    Các bè mây xô xô đẫy đẫy, gặp gỡ nhau trên bầu trời vàng tím buổi hoàng hôn xiên xiên lảo đảo. Chiều lụi tàn dần dần trong ánh sáng mờ mờ, đục đục. Gió nhè nhẹ phe phẫy hàng bông giấy đong đong, đưa đưa quệt lui quệt tớI bên gó tường vi. Chim chóc hót líu lo, ríu rít chuyền cành chen nhau vào tổ ấm.
    Cắm mấy cánh nhung hồng vào lọ sứ, nàng đem đặt trên phòng khách. Thay áo quần xong, Mười vừa ngồi vào bàn ăn, thì chị Khánh cho biết:
    - Chị đã đến trường em học hồi chiều.
    Mười bủn rủn cả tay chân, thân thể chân tay hầu như lảo đảo muốn rụng rời. Chị Khánh giận dữ la mắng, tra hỏi Mười đủ thứ chuyện. Dù có nói thế nào, chị Khánh vẫn không tin việc Mười cúp cua hôm nay, là do tự ý mình thấy chán trường, chán bạn bè trong lớp. Chứ hoàn toàn không hề có chuyện do Nam xúi giục. Nhưng chị Khánh quả quyết chính là do Nam rủ rê xúi giục, nên Mười mới trốn học đi lêu lỗng, phá phách trong lớp. Chị có trăm lý do để buộc tội Nam dụ dỗ em của chị. Mười không có cách gì thuyết phục, hay gây dựng niềm tin trong lòng chị. Chị đùng đùng nổi giận, phẫn nộ thực sự, sự phẫn nộ bùng nổ như lửa cháy; làm tiêu tan căn nhà tình yêu lý tưởng đơn sơ trong sáng của Nam Mười chỉ trong nháy mắt.

    Mười biết mình có lỗi trong việc nghỉ học, nên không dám dùng ngày giờ ngắn ngủi còn lại đi gặp Nam, hầu chia sẻ, và xóa đi nỗi đớn đau trong lòng. Mười thấy lòng vỡ tan từng mãnh vụn, Mười không dám nghĩ tới ngày mai sẽ ra sao, khi chị Khánh buộc Mười bốn điều:
    - Đi nói lời tuyệt giao với chàng.
    - Nghỉ học.
    - Chị trả Mười về Huế ở với cha mẹ.
    - Chị đã đánh điện tín gọi má vào rước Mười về quê.
    Chị nói:
    - Nếu thằng Nam thực sự yêu thương mầy, thì trong vòng mấy ngày nay, khi ba má lên tới Đà Lạt, là thằng Nam lo liệu mà tới đây làm đám hỏi. Nghe. Còn bây giờ, tao cấm cửa.

    Trời! Đi hỏi vợ, chứ có phải chỉ là một món hàng trao đổi tầm thường, không cần chuẩn bị gì cả sao ta? Mười ứa nước mắt, ấm ức khóc thầm trong lòng. Mình không có quyền hạn về mọi quyết định cho chính bản thân. Không trách chị quá khắt khe, độc đoán, hay Mười nghi ngờ lòng chị mến thương em. Mười chỉ kinh ngạc là chuyện đâu đến nỗi nào to tát đến thế. Ví dù em bỏ học vài giờ, thì chưa đến nỗi nào bị thất học, khiến chị có thể nghiêm cấm và cương quyết bắt buộc em đủ mọi điều. Chị chỉ la mắng em, răn đe em đây là lần đầu tiên, cũng có thể là lần cuối cùng em sẽ không dám tái phạm. Sau đó, nếu chị thấy em tính nào vẫn tật ấy, em không sữa đổi, thì chị quyết chí ra tay, vẫn chưa muộn kia mà! Nhưng... Vấn đề chính không phải là ở chỗ đó, nhân chuyện Mười bỏ học hai giờ, thêm chuyện em còn trẻ mà yêu thương Nam, thì chị muốn trả Mười về cho ba má “coi chừng nó”, để chị khỏi có trách-nhiệm-vụ, lo cái bổn-phận-sự là nuôi em. Khỏi mang tiếng với gia đình chồng là nuôi "báo cô".

    Sự thật thì ba má vẫn gửi ngân phiếu vào cho Mười đóng tiền ăn học. Làm chị, thì chị Khánh phải biết lúc nào chị nên cứng rắn, lúc nào chị nên ôn hòa, ngọt ngào thân thiết; thì em cúi đầu kính phục và ngưỡng trọng chị. Cách xử sự của chị quá gay gắt, khắt khe, khiến lòng Mười càng đau đớn, tái tê hơn. Em sợ gia đình chị vì em mà ồn ào, nhưng em không phục chị! Phần Nam, anh ta không thể tự biện hộ điều gì cả, khi chị Khánh không muốn tiếp Nam. Thấy chàng, chị im lặng, mặt chị lạnh như tiền, chị đùng đùng đóng cửa lớn cái “rầm”, rồi chị hầm hầm quày quả bỏ đi.
    ***


    Tình Hoài Hương
    Bút trần nào tả được lưu luyến!
    Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
    Tình Hoài Hương

  6. #18
    Tinh Hoai Huong's Avatar
    Status : Tinh Hoai Huong v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: May 2009
    Posts: 1,081
    Thanks: 58
    Thanked 58 Times in 17 Posts

    Default 12 - Xa... Nhớ ... Nhiều... !


    12.- Xa... Nhớ ... Nhiều... !
    Tình Hoài Hương
    ***


    Tình yêu đã đem lại cho lứa đôi niềm an thư, vui vẻ, hạnh phúc trong mấy ngày, rồi cũng đem đến cho nhau bao nỗi ưu buồn, lo âu và run sợ. Do có gay gắt đột ngột giữa chị Khánh và chuyện hai người yêu nhau, nên chàng không xuống nhà chị Khánh nữa, mà “hai anh chị nhỏ” lén lén lút lút hẹn nhau ở nhà anh chị Tuế. Việc anh chị Tuế bao che “chứa chấp nàng, và chàng” có nghĩa là chị Hách cho họ ngồi nói chuyện với nhau trong phòng khách thôi, cũng khiến chị Khánh nổi giận hơn. Chị Khánh gọi chị Hách (vợ anh Tuế) qua nhà la cho một trận. Thế là con nhỏ hết đường đi. Chị Khánh dồn cô em vào ngỏ cụt không lối thoát, tiến thối lưỡng nan rồi.

    Đêm đêm nằm úp mặt xuống giường con nhỏ khóc ướt gối. Khi nhỏ chạy qua được bên nhà chị Hách, chàng đã đợi con nhỏ ở đó ba giờ liền. Nam và Mười đi lên giáo đường “con gà”, hai cô cậu quỳ bên nhau cầu nguyện thật lâu, mong cho lòng thanh thản, dịu êm đôi chút. Nhỏ không thể ngăn dòng nước mắt uất nghẹn tuôn trào. Nàng thì thầm van xin cùng Mẹ Maria cho mình thoát khỏi đắng cay, xin gìn giữ tình yêu bền chặt, lâu dài.

    Khi quá lo âu, đau khổ, buồn phiền, run sợ cùng tuyệt vọng, người ta thường tìm đến Đấng Tối Cao nhiệm mầu, xin Ngài mở rộng vòng tay từ ái. Ngài là nơi an hoà, bình yên, yêu thương tuyệt diệu, là điểm tựa vững chắc miên viễn. Chàng cũng rướm lệ, uất ức, buồn phiền khi qùy trong giáo đường. Nam lấy khăn tay lau khô hàng nước mắt trên má nàng, và tự lau nước mắt. Ra khỏi giáo đường nàng và chàng đến văn phòng hội quán, nơi chị Hách làm việc, chàng giúp chị đánh máy thật nhanh, chị Hách mừng lắm. Mấy chị em buồn rầu chuyện trò nho nhỏ, chị khuyên nhủ hai em cố chịu đựng, lo gắng học hành cho có tương lai. Chị nồng nhiệt an ủi, vỗ về hai em. Chiều đến, ba chị em chia tay, mỗi người đi mỗi nơi.

    Nam trằn trọc trên giường, chàng vắt tay lên trán nghĩ ngợi mông lung, đăm đăm nhìn qua khung cửa sổ đóng kín. Nam không thấy gì hơn là nỗi tức giận, buồn phiền. Nam muốn đến nói thẳng, nói thật, nói với chị Khánh. Nhất là Nam sẽ nói nhiều với nàng khi ngày chia tay gần kề, chàng sẽ nói với người con gái, tha thiết hơn là bạn thân, dù em chưa là vị hôn thê, chưa là vợ anh, rằng:

    - Anh yêu Mười – Em quan trọng hơn thế gấp ngàn lần, trong đời của Phương Nam nầy. Bởi vì Mười chính là Tình Yêu. Và, anh đã yêu em nhiều, yêu nhiều lắm! Cho dù mai đây anh sẽ xa xa xa... Mười. Nhưng anh luôn nhớ nhớ nhớ... Mười. Anh mãi thương thương thương... Mười. Nhiều! Nhiều! Nhiều...!

    Tình yêu, là hạnh phúc duy nhất trong cuộc đời anh, sao bây giờ vô cùng mong manh bé nhỏ, đau buồn đến thế!? Như đám mây hồng thoáng bay qua nơi tầm tay, Nam không thể làm cho lòng mình yên vui thanh thảng lại tháng ngày hồn nhiên, nên thơ, yên vui xưa cũ. Hở em!? Nhưng sao hôm sau, khi chàng gặp Mười trong chốc lát thì những lời định nói: ngọt ngào như trái dâu chín nép bên lá xanh, bỗng dưng rụng rời, khô héo, tóp teo vì dâu đã bị hong khô trên giàn bếp!

    Bây giờ Nam không nói được, mai kia giữa Sài Gòn và Đà Lạt, hay giữa Sài Gòn và Huế xa xôi nghìn trùng, sẽ ngăn chia biết bao sông núi ao hồ, tít mù ngót nghìn cây số đường trường, xa xăm đến tận chân trời mút tầm mắt, đường dài như vô tận. Mười và Nam sẽ bị ngăn cách bởi không gian, thời gian, bởi đỉnh núi rất hiểm trở, biển đèo, hồ ao, sông ngòi vạn dặm, chia lìa bởi vực thẳm cheo leo hun hút. Mặt cách mặt, lòng xa lòng. Biết ra sao ngày sau!? Bây chừ muốn nói; mà chàng sẽ nói gì đây?

    Buổi trưa ngày thứ mười ba, Nam thấy Mười cùng mấy bạn đi học về ngang qua cầu Bá Hộ Chúc như mọi khi, Mười không cười nói tung tăng vô-tư-lự như trước, nàng lầm lũi bước đi bên bạn. Bỗng chàng thấy hai chị Lê, Khánh, từ trong ngỏ Đoàn thị Điểm đi ra, hai chị đứng sững lại chỉ chỏ con nhỏ em, họ nhìn Mười chằm chằm. Nam không hiểu Mười có thấy hai chị không, mà nàng cúi đầu lẫn trong các bạn đi lên con dốc Bà Triệu để về nhà? Tựa lưng bên cầu Bá Hộ Chúc, cây cầu gỗ đen sì như tương lai hắc ám của hai người bạc phận. Chàng nhìn theo bóng Mười mãi.

    Khi bóng Mười dần khuất sau dốc vòng cao, Nam quay người chống hai tay lên thành cầu, cúi nhìn khá lâu xuống con suối chảy siết dưới chân cầu. Nước chảy qua cầu cuộn sóng, cuốn theo cây lá bồng bềnh lênh đênh trôi trên mặt. Tự dưng chàng cảm thấy buồn bã, đơn điệu, trống vắng vô ngần; một sự đau đớn phiền muộn nặng nề, đầy tức giận phủ chụp xuống tâm hồn Nam, khiến chàng buông nhiều tiếng thở dài. Nam quên tiệt, và không thể ngờ bên kia quán cóc cô Lượm, có hai bà chị của Mười còn đứng như trời trồng, họ đang dán mắt nhìn Nam, theo dõi từng cử chỉ nhỏ nhặt nhất của chàng.

    Nam đến chào gia đình anh chị Lê, chị Khánh, chị Hách, để ngày mai chàng về Sài Gòn. Còn Mười thì xin phép chị Khánh cho mình đi nói chuyện "dứt khoát với Nam". Ngày cuối cùng sánh bước bên nhau. Nam âu yếm hôn lên đôi mắt nàng ứa lệ. Chàng không thổn thức như nàng, nhưng hai hàng lệ từ trong tuyến nước mắt Nam tự động lăn trên má, uất nghẹn. Vì, nhiều điều không thể nói hết, vì bao trăn trở ưu phiền, lo lắng buồn đau, tức giận chính thân Nam chưa đem đến cho Mười điều vui, chàng mong Mười là người trước tiên cần an hòa trong tâm hồn. Sau là để hai chị lớn của Mười thấu hiểu, thông cảm, yêu thương cô em của họ hơn.

    Dòng lệ chảy từ đôi mắt dấu yêu từng nén lại nỗi nghẹn ngào, uất ức có tác dụng mạnh hơn cả ngàn lời chia tay. Nỗi đau của Mười, Nam, đột ngột bất ngờ phủ chụp xuống đầu, khiến họ không thể chịu nỗi cuộc chia tay, chưa hẹn ngày tái ngộ ở phương nào? Họ không lường chuyện gì sẽ xảy ra từ phía trước. Nơi Mười sẽ đến, nơi chàng quay về chốn phồn hoa đô hội cũ? Nơi họ sẽ sống thấp thỏm lo âu, khắc khoải, bồn chồn, mòn mõi, quắt quay nỗi đau, nỗi nhớ, nỗi thương yêu và, nỗi ân hận dày vò.

    Ngồi trên đám cỏ bồng bềnh ở góc đường Phạm Phú Thứ, hai bạn nhìn xuống nhà thờ Tịnh Tâm. Họ cảm thấy rã rời, đau đớn, cái đau tâm hồn làm dại khờ thể xác. Nam và Mười, không muốn cất bước dìu nhau đi nhặt trái thông khô, hái hoa hoặc lượm lá vàng rơi, đem về ép trong trang sách. Mặc dù thả bộ trên con đường rợp bóng cây, nhặt lá hái hoa là điều hai người cùng yêu thích. Họ nhìn xe cộ, người người qua lại rải rác.

    Thỉnh thoảng có nhiều đôi trai gái nắm tay nhau cười vui tung tăng trên đường. Không hiểu chàng nói điều gì, khiến cô gái cười dòn tan, đầy vui thích. Có lẽ họ là những cặp tình hạnh phúc thực sự, không rơi vào hoàn cảnh khắc nghiệt, gia đình họ không lấy “quyền huynh thế phụ”, buộc em chấm dứt đủ mọi thứ. Nhất là buộc em nghỉ học trong lúc mùa thi cử sắp đến, mất cả niên học, chẳng còn cơ hội đến trường. Nghĩ vậy, nàng và chàng càng tủi thân, thương cảm biết mấy! Nam cầm tay Mười, âu yếm nói:
    - Nếu gia đình quyết định về việc em ra Huế, thì cho anh biết gấp. Nhé.

    Mười gật đầu im lặng. Chàng ôm chặt Mười trong vòng tay thư sinh, như sợ Mười sẽ xa mình, cô nhỏ sẽ tan biến vào giấc mộng trắng toát tuổi học trò. Nam dặn dò:
    - Giữ liên lạc thường xuyên nhe. Chờ đợi anh, đừng nãn lòng nhe. Lúc nào buồn, nhớ viết thư thật dài, kể cho anh nghe về mọi sinh hoạt của em, qua đó, anh có thể an lòng. Tình yêu của anh. Hạnh phúc của anh là ở nơi nầy.

    Nam chỉ tay lên ngực nàng, nơi Mười đeo một mặt dây chuyền vàng, có khắc chữ NM. Đó là lời trao yêu tha thiết, chân thành nồng nhiệt, lời hứa hẹn đầy ắp ân tình trìu mến, tương kính như tân. Bằng cử chỉ dịu dàng, thân ái và trân trọng, Nam đắm đuối hôn lên môi Mười, nụ hôn có nhiều vị đắng, vị cay, vị chua, vị mặn, vị nồng: từ hai hàng nước mắt lăn xuống đôi má phớt hồng và bầu bĩnh, để bù đắp lại bao ngày trống vắng, chia lìa mai đây.

    Xa! Xa! Xa... là xao xuyến, nhớ nhung ngẩn lòng. Là mến tiếc bâng khuâng. Là lo lắng băn khoăn, bồn chồn ray rứt. Là bất ổn đớn đau trong lòng nhiều lắm! Là quạnh vắng nhớ thương, mòn mõi đợi trông. Là suy tư đắm chìm về từng kỷ niệm, vui buồn xếp lớp lăn tăn trong tiềm thức. Là kéo dĩ vãng về với hiện tại, để sống cho tương lai. Là ước nguyện và hy vọng trùng phùng một thuở bên nhau. Là nguồn yêu thương chân thật, an ủi nhất. Là điểm tựa cuối cùng, trong muôn điều đắng cay, đau khổ, vừa ập đến. Và, thực tế là xóa sạch nỗi hận không ngờ, tẩy bỏ niềm đau buồn đột ngột, làm bàng hoàng, vò xé, ân hận, thương tổn tình yêu ít nhiều. Ôi! Còn đâu nữa những tiếng cười hồn nhiên rơi trên từng giọt mực tím trái mồng tơi? Còn đâu sự ân cần âu yếm, gọi nhau bằng "bậu" mà xưng là "qua". Hoặc ngọt ngào xưng "đây" goị "đấy". Hay là “ta” với “mình” ríu ra ríu rít âu yếm thủ thỉ thì thầm bên tai:
    - Thôi! Em hãy về bên con sông Hương điệp trùng xa cách, em uống nước thượng nguồn, sẽ nhớ người anh hậu giang. Em như con cò hiu hắt đơn độc, nép mình bên bờ ruộng khô lững thững côi cút đi tìm mồi. Em ơi! Anh muốn mình hóa thành bóng mây bồng bềnh, lang thang phiêu lãng cùng Mười bay về vùng trời quê hương của em, hai đứa mình sẽ cùng nhau nhìn con đò nho nhỏ êm êm lướt nhẹ trên dòng sông xưa, mà có lần Mười thân thiết gọi:
    - Con thuyền hoa chở Mười đi gặp Nam".

    Chúng ta sẽ cùng nhau tìm lại dĩ vãng hoang dại, có một thời thân thương xiết đỗi mến yêu dưới mái nhà ấm áp, gợi nhớ bữa cơm chiều thân mật. Anh sẽ về tìm em, nơi phương trời xa xôi vạn dặm ấy, nơi xứ lạ phương xa mà anh chưa hề biết đến. Anh sẽ về tìm em, dù xa xôi và muôn vàn cách trở. Anh sẽ về bên em, dù bất cứ giá nào!

    Quá thương yêu Mười, Nam càng ôm chặt nàng vào lòng, dường như chàng sợ mất em. Nam muốn ghì xiết Mười như con sên suốt kiếp bám chặt vào ốc vỏ. Những giờ phút cuối trong giờ chia tay thật yên lặng, buồn bã, đầy xúc động bên nhau. Hai người thong thả đứng dậy, từ từ dời gót như còn cả tương lai và chân trời trước mặt, họ không vội vàng chi. Một giờ trưa. Họ dìu nhau đi thật chậm trong lòng phố thênh thang. Cúi đầu trên mái tóc nàng, một tay chàng xách valy, một tay Nam ôm bờ vai người yêu bé nhỏ.

    Nam, Mười, đứng khuất sau bức tường, trên bến xe cũ ở đường Hàm Nghi. Họ ngắm nhìn nhau, không thốt lời nào. Hình như trải qua bao nhiêu đắng cay, buồn phiền, trong tích tắc thời gian nóng bỏng nhất, cổ họng họ đã tuôn trào mật đắng. Đắng nghét. Không còn hơi sức thốt nên lời. Chàng lấy mũi dao nhỏ, trong cái kéo bấm móng tay, khắc vào bức tường:
    Phương Nam Thương Mười
    * * *

    Rồi việc gì sẽ đến, đã đến dưới buổi hoàng hôn lảo đảo! Má nàng từ Huế vào Đà Lạt trên chuyến xe tốc hành đêm mười lăm tháng Chạp áp Tết cổ truyền. Mới vài năm xa mẹ hiền, mà nay má già lắm! Ở chốn quê nhà lam lũ, một nắng hai sương, má vất vả trăm chiều, lặn lội sớm hôm tần tảo, để kiếm tiền nuôi Mười ăn học. Mười vô cùng ân hận, một sự hối lỗi khẩn thiết, rất chân thành, phát xuất tự đáy lòng.

    Mười biết má buồn lắm! Khiến lòng nàng càng tái tê, càng dày vò! Má ơi! Hãy nhìn con, nói lời tha thứ, cho con chạy đến ngã vào lòng mẹ hiền, như con hoang đàng trong thánh kinh, được vòng tay cha nhân ái rộng mở đón mừng. Con muốn được như vậy. Má ơi! Mười nghỉ học, nàng cảm thấy như ngồi trên ổ kiến lửa, ngu si thọc tay vào tổ ong quậy phá, khiến chúng đốt sưng vù. Càng hơn nữa Mười như tên tội phạm đứng trên giàn hỏa thiêu, bồn chồn sợ hãi tột đỉnh, nàng giống như tên tử tội thấy người khác thọc ngọn dáo nhọn sắt cạnh vào tim mình.

    Phòng ăn treo bức ảnh đại gia đình họ tộc, từ ông bà cố trở xuống hàng con, cháu, chắt. Dường như từ những khung ảnh lạnh lẽo, nhiều người ngồi trên đó, luôn dõi mắt nhìn đàn con, cháu, chắt, nhắc nhở họ thường xuyên nhớ phong tục tập quán cổ truyền, đạo lý gia phong tổ tiên dòng dõi Nhà Trần, Nhà Ngô. Bữa cơm thịnh soạn họp mặt ở nhà chị Khánh có đầy đủ con, cháu, để mừng mẹ từ xa đến. Trên bàn ăn tươm tất các thứ đã sắp sẵn: Củ hành tím phi vàng, hai tô nước mắm me (gồm có: tỏi vàng óng với ớt chỉ thiên chín đỏ rất cay, đã bằm nhuyển, nước mắm me dốt thì me đâm nát lọc lấy nước), dĩa xoài tượng xắt mỏng còn vỏ, dĩa điều vàng, dĩa giá sống, kèm mấy miếng chanh, dĩa sung và chuối chát, ớt trái tươi rói. Hai dĩa bánh tráng, tô nước trong để nhúng bánh tráng, ba dĩa bún. Mấy dĩa rau gồm: xà lách, đọt đinh lăng, lá đọt sộp, đọt vạn thọ, lá xoài non, lá sung, quế, dấp cá, tía tô, ngò, húng cây, húng lũi, hẹ, cần ta, cải cốm, cần nước, tần ô... Thịt gà thịt vịt thịt bò thịt heo, kể cả thịt dê thì ê hề... Ôi là đủ thức ăn ngon làm sao kể xiết.

    Ăn uống xong xuôi, khi Mười bưng chè đậu xanh đánh lên, ăn tráng miệng, thì chị Khánh mở đầu buổi họp gia phong, hạch hỏi tình yêu của Nam Mười, rồi nói:
    - Má liệu đem nó về. Không khéo nó có bầu rồi. Con thấy nó giã lá thuốc ngãi cứu, uống mấy ngày nay đó.

    Như có ai vừa tạt gáo dầu sôi bỏng. Đớn đau kinh khủng, khiến Mười lịm đi, để chống đối lời lăng nhục đó, Mười bèn trợn trừng mắt lườm nguýt chị, mặt bừng bừng đỏ, nàng nhún nhẹ đôi vai, và trề môi ra. Mặt chị Khánh đỏ như trái gấc, chị quắt đôi mắt sáng, sắc như dao cau, hướng về phía em, chị "hừ" một tiếng lớn, nghe thật ớn lạnh. Có ai trong đời mà không trải qua năm, bảy lần hỗn láo với người lớn không nhỉ? Mười phải bảo vệ tình yêu và danh dự. Cho dù nàng biết cử chỉ đó người lớn cho là “mất dạy” cách mấy đi chăng nữa.

    Bởi chưng, chưa bao giờ Nam có lời nói kém nhã nhặn, chớ nói chi đến cử chỉ thất thố, suồng sã với Mười. Chưa bao giờ! Nam và Mười yêu nhau, mối tình hồn nhiên nên thơ rất trong sáng, chưa một lần quá trớn, lăng loàn. Vả lại chuyện vợ chồng có gì mà gấp rút, khi tuổi đời hai ta còn quá trẻ dại? Điều đó, giữa Nam và Mười, là sự thật trong sáng trăm phần trăm. Mười tôn trọng sự thật. Toà án lương tâm không bao giờ cắn rứt mình, mà toà án trong gia tộc nầy, sẽ khiến Mười khắt ghi nỗi hận, và anh chị nếu có ai vu oan cho Mười, sẽ người ấy sẽ ân hận mãi về buổi họp hôm nay.

    Chị Khánh đánh giá con người và tình yêu sai lầm rồi. Không có gì sỉ nhục bằng nghĩ xấu cho một mối tình đẹp đến thế! Phải chăng, đa số anh chị thường mang định kiến không tốt về tình yêu? Tại sao họ nghĩ nông cạn đến độ cứ yêu nhau; là phải làm đến cái chuyện tầm bậy tầm bạ ấy? Mười thương Nam quá! Nơi chân trời xa xôi, chàng giữ mối thiện cảm, duy trì lòng mến mộ các anh chị, có ngờ đâu, họ nhìn anh ở một góc cạnh xấu nhất. Họ đang đóng đinh mối tình dẫy chết của chúng mình. Đó anh!
    Chị Lê trợn mắt lên, chị xỉ vào mặt Mười, la:
    - Mi ghê gớm thiệt. Để tao coi mi có lá gan bê lớn? Hắn dạy mi rứa đó hả?

    Thấy tình trạng căng thẳng quá, Mười sợ, nên từ từ len lén đứng dậy, nàng thu dọn chén bát trên bàn, mặt Mười cúi gầm xuống và im lặng. Chị Khánh lại la, khi Mười định bưng chồng chén xuống bếp:
    - Cuốn gói theo hắn đi? Cút xéo ngay. Cho ăn học uổng quá!
    Liếc nhìn hai chị, rồi nhìn má, Mười trả lời:
    - Con không muốn ở đây, sợ phiền anh chị thêm.
    Chị Khánh trợn mắt, đứng lên, tay chống ngang hông:
    - Đi ra khỏi nhà ngay.
    - Em chờ má đi luôn.

    Cả nhà nghĩ Mười có ý chế nhạo, trêu tức, hỗn hào, thách thức họ. Duy chỉ có anh Tư, vốn dĩ là người trầm tĩnh, thâm thúy, tế nhị nhất. Anh lịch sự, ôn tồn nói:
    - Việc gì phải đi đâu. Muốn nên người, dì cần ở đây, ăn học tử tế. Chịu tất cả quy luật trong gia đình nầy.
    - Em đã quyết định rồi.
    - Tùy ý dì. Thế cậu ấy còn ở đây không?
    - Ai cơ?
    Chị Khánh quát tháo:
    - Thằng Nam chớ ai. Nói nó lập tức đem mày đi đi.
    - Em không có ý định đó. Tụi em thương yêu nhau đứng đắn, đàng hoàng, không tầm thường, không tầm bậy, tầm bạ, như chị nghĩ. Sao chị cứ vu oan cho em?
    - Chuyện rành rành như ban ngày, còn chối leo lẻo nữa há, trả treo nè... Trả treo nè...

    Liền với câu mắng nhiếc ồn ào la hét, chị Khánh xấn tới bên Mười, chị thắng tay cho mấy cái tát nẩy lửa vào giữa mặt, khiến Mười chảy máu mũi. Chồng chén bát kiểu trên tay Mười rơi loảng xoảng xuống nền gạch, vỡ nát.

    Mười bưng mặt đầy máu mũi chạy vào phòng, nàng nằm vật lên giường, nghiến chặt hàm răng chịu đựng đau đớn, tay chân bủn rủn, rụng rời. Như nọc rắn cắn vào thân, trong tích tắt, nọc đủ làm bầm tím, rồi tái méc, xanh lướt đi, không vì máu mũi chảy trên nền áo trắng thư sinh. Máu chảy từ trong trái tim Mười đau đớn, quặn xiết đầu đời, dội ngược lên lứa tuổi ô mai, mận dòn khế ngọt. Lỡ chân còn gượng được, chứ lỡ lời đến bật máu ra, thì thôi. Còn chi nói nữa! Lời chị nói như ngọn giáo lạnh lùng, thọc qua lồng ngực nóng rang, khiến Mười quay quắt, đau hơn những cái tát. Máu mũi đã chảy ra, lằn tay đỏ bầm in trên hai má nàng nóng rần rần khắp thân thể, làm tê bại chân tay. Rồi máu cũng có lúc khô, ngừng chảy, không còn thấy tì vết. Thời gian sẽ xóa hết mọi dấu vết bầm tím sưng húp.

    Nhưng... tuyệt nhiên lời nói của các chị dẫu có lâu ngày, vẫn hằn in sự sỉ nhục. Thì, không có cách gì tẩy xóa, kỳ cọ, không cách gì lấp đầy, tan biến được. Không bao giờ! Mười nhớ có một lần còn rất nhỏ, hồi ấy Mười lên khoảng bảy tám tuổi, hôm đó chị Khánh đi chợ về nhà trễ, ở nhà người bếp bị đau, bà ta chưa nấu cơm. Chị Khánh sai Mười đi nhóm bếp nấu cơm. Loay hoay mãi, Mười không thế nào gài đỏ bếp lửa. Chị Khánh càng la to, thì Mười càng sợ run, tay chân quýnh quáng Mười không thể nhóm bếp được. Chị Khánh tức lắm, chị giật đôi đũa sắt mà Mười đang gắp than, chị đánh mạnh lên đầu em mấy cái. Máu chảy thấm ướt cổ. Mười đau quắt quay, đau điếng, nên Mười khóc lớn. Chị bồi thêm mấy cái tát tai vào má cô em nữa. Mười run sợ, vụt đứng dậy chạy ra khỏi bếp. Con bé núp trong xó vườn mà thút thít khóc. Mười lấy tay bụm đầu mãi, đến khi máu ngừng chảy qua kẽ tay, máu khô và bết lại với tóc. Không hiểu tại sao hồi xưa chị Khánh hay nói:
    - "Tụi bây mà học hành cục cứt gì. Hồi nhỏ, cha mẹ không cho tao đi ăn học ngày nào, vậy mà tao biết viết, biết đọc làu làu như ai. Ngày nay, tụi bây được cha mẹ cho đến trường, mà học hành chẳng ra cái quái gì".

    Như Nam đã nói, đôi lúc Mười "lì" quá! Không chịu ra nói rõ phải trái, về việc quen chàng, việc học hành của mình. Lì lợm như vậy thì thôi đi. Vả lại, Mười nói gì cũng bằng thừa. Ai tin mình, khi lỗi Mười trốn học hai giờ, còn sờ sờ trong học bạ! Mặc kệ. Mười không muốn ở lại đây, thở than, xin xỏ, năn nỉ, rồi anh chị em tiếp tục phạm sai lầm, nghi kỵ, xem thường phẩm giá con người, chị đánh đập em như con chó, oán trách giận dữ, hành hạ đối xử với nhau như kẻ thù. Tình cảm gia đình, anh, chị, em, đã có vết rạn bên ngoài khung ảnh đại gia tộc đang treo trên tường, trong phòng ăn rồi. Tất cả anh, chị, em, không ai có thể xóa tan sự đau đớn, tủi nhục, nỗi muộn phiền quắt quay, ấn tượng không tốt đẹp, về tình máu mủ ruột thịt, sự thất học và có học, xua tan sự cứng rắn ra khỏi lòng Mười. Họ không bao giờ hiểu cô em nghĩ gì về họ? Họ không hiểu lý do. Và, Mười không tầm thường như thế. Mười sẽ giữ nguyên nhân sâu xa thầm kín nầy cho đến chết. Phải! Làm sao họ hiểu nỗi em?

    Mười đi từ giã bạn vội vàng. Cô chủ tiệm chụp hình Mỹ Dung sửng sốt, đầy xúc động, băn khoăn, cầm tay Mười nói lời chia tay, ngấn nước mắt trào ra bốn khóe mi. Cậu Kỳ ngạc nhiên không kém, cậu thẳng thắng trách mấy bà chị họ sao độc đoán và hủ lậu, không chừa cho em một con đường thoát.

    Tài, Phú, Ngữ đã về Sài Gòn. Chỉ còn Vinh và Lễ ở lại căn nhà thơ mộng bên sườn dốc Hai Bà Trưng, nhìn lên đồi hoa qùy. Lễ nói:
    - Mười à! Phú rất buồn, thất vọng về điều gì đó.
    Vinh nhìn Mười giây lát, ngập ngừng nói:
    - Có lẽ, bọn nầy sẽ không ở Đà Lạt nữa.
    Mười giật mình, vụt hỏi bạn:
    - Vì chuyện của tôi, anh chị muốn xù nhau sao!?
    - Không phải. Tôi về Sài Gòn làm việc, và kết thúc sự học.
    - Có vậy chứ, không thì tôi buồn gấp ngàn lần.
    * * *

    Nam viết một bức thư dài mười trang giấy tiễn đưa Mười trên đoạn đường thiên lý định mệnh, xa mù xa. Mười dõi mắt nhìn từng chùm hoa anh đào đan trên cành, ngắm từng bụi cỏ bờ cây, như muốn ghi dấu tình yêu mến vào đáy lòng. Đà Lạt thân yêu ơi! Mình thật sự xa rời nơi chôn nhau cắt rốn rồi. Thương biết mấy ngày thơ ấu, Mười chạy lon ton theo ba, đi câu cá trên Cam Ly Hạ, đôi má hồng hồng bầu bĩnh, men theo bờ suối bắt ốc, hái hoa, đuổi bắt chuồn chuồn, bươm bướm. Mình ưa nằm lăn trong cánh rừng lá rộng, lá kim, cạnh bờ tre, nứa, lồ ô, bên cỏ bồng, đôi mắt nai tơ, nhìn lên trời xanh, băn khoăn hỏi:
    - Ba ơi! Mây với sương, có giống nhau không?
    - Không. Mây là mây, mà sương là sương.
    - Mây có chở mình về Huế không?
    - Hỏi cái chi mà tào lao, lác lác rứa hè! Huế có cầu Trường Tiền, sông Hương núi Ngự, lăng tẩm đẹp lắm. Vài năm nữa, ba cho cả nhà về Huế, ở đó luôn.
    - Mà ở đó, có đẹp như ở Đà Lạt không? Ba!
    - Đẹp lắm!
    - Xa Đà Lạt, con nhớ lắm.

    Thế mới biết, từ trong huyết quản, từ trong tư tưởng, từ trong tiềm thức, từ buổi thiếu thời, Mười đã có tình hoài hương, tình yêu thiên nhiên, quyến luyến chốn xưa biết ngần nào. Chính câu nói ngây thơ, trò chuyện lẩm cẩm, nên đi đâu, ba ưa dắt con gái út theo, nói chuyện, nghe đỡ buồn.

    Chị Lê mua vé xe hãng Phi Lực cho mẹ con Mười về Huế vào giữa ngày hai mươi tháng chạp. Chợ búa vào mấy ngày cận Tết, đông đúc người qua kẻ lại, chật như nêm, ồn ào náo nhiệt, rộn rịp khác thường. Bến xe phức tạp đủ mọi người bán mua mời chào, chen lấn. Xe cộ dập dìu bon chen, cố tranh nhau một đoạn ngắn để khỏi trễ giờ, xe đưa má con Mười trở về một thời xuân trẻ quê xưa, xuôi Trung cập rập vào ngày cuối năm. Thật buồn da diết!
    ***

    Tình Hoài Hương
    Bút trần nào tả được lưu luyến!
    Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
    Tình Hoài Hương

Trang 3/46 đầuđầu 1234513 ... cuốicuối

Similar Threads

  1. Góc Thơ Tình Hoài Hương
    By Tinh Hoai Huong in forum Trang Thành Viên
    Trả lời: 419
    Bài mới nhất : 09-06-2020, 04:02 AM
  2. Góc Thơ VUI Tình HOÀI HƯƠNG
    By Tinh Hoai Huong in forum Vui cười
    Trả lời: 136
    Bài mới nhất : 08-22-2019, 06:04 PM
  3. Góc... Cafe_Coc
    By PhiLan in forum Tham Luận
    Trả lời: 168
    Bài mới nhất : 01-04-2017, 05:44 PM
  4. Đọc truyện Lữ Quỳnh
    By Hoanghac in forum Truyện ngắn
    Trả lời: 3
    Bài mới nhất : 02-02-2013, 04:49 PM

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •