Remember ?

kết quả từ 1 tới 6 trên 274

Tựa Đề: Góc Truyện Tình HOÀI HƯƠNG...

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #34
    Tinh Hoai Huong's Avatar
    Status : Tinh Hoai Huong v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: May 2009
    Posts: 1,081
    Thanks: 58
    Thanked 58 Times in 17 Posts

    Default Sự Hổ Thẹn của “Mít Đót”


    Tháng Tư Đen
    Nhạc: Trần Lê Việt
    Lời: (LT) Lê Xuân
    Tiếng hát: Việt Long
    Sự Hổ Thẹn của “Mít Đót”


    Như đã có lần tôi hầu chuyện cùng quý vị rồi; nay tôi xin thưa tiếp: Từ đời tam cố đại xa xôi… thuở trăng sao hoa lá lao xao đong đưa còn tươi rói trên cành, thì dòng họ tôi giàu sang danh giá tri thức ra phết! Thế nên tôi danh chính ngôn thuận là một “công tằng mỹ nữ” cao sang, qúy phái và đài cát, được yểu điệu vác cặp, ung dung tự do tự tại theo thầy học... nào là: Tam cương (vua và tôi, cha và con, vợ và chồng). Ngũ thường, gồm: Nhân: (lòng thương người). Lễ: (những phép tắc). Nghĩa: (có tình nghĩa, lẽ phải đạo con người). Trí: (sự hiểu biết, khôn ngoan). Tín: (không gian dối, giữ đúng lời, có uy tín). Do đời sống ở trong đại gia đình mình quá đầy đủ, nên tôi không thích bất cứ thứ gì. Vậy mà mấy tay anh chị ngoài Bắc các bác, mới vô Nam lại mê tít thò lò:
    Đeo đồng hồ hai cửa sổ không người lái,
    Mở truyền hình kênh phát sóng thông tin.
    Ông cán bộ đang “quy hoạch” quy trình,
    Đang báo cáo tình hình năm nay tốt.
    Chị “quán triệt phương án” từng chút,
    Rồi xuống nhà, “hồ hởi” uống cà phê,
    Kiểu cái nồi ngồi trên cái cốc chị mê,
    Xong đâu đó, chị chiên con sâu mỡ. (1)

    Nguyên do:
    Tuy thất thoát thật to, lại được coi là cái lỗi rất nhỏ.
    Vì thế VIỆT NAM ta, từ từ biến thành một đất nước nho nhỏ.
    Trong cái đất nước nho nhỏ, lại có những ông lãnh đạo thật to.
    Trong những ông lãnh đạo thật to, lại có những cái đầu quá nhỏ.
    Những cái đầu quá nhỏ, lại có những túi tham thật to.
    Những túi tham thật to, lại có những hiểu biết rất nhỏ.
    Và những hiểu biết rất nhỏ, lại gây hại cho đất nước thật to. (2)

    Bây chừ, trước tiên: gia đình tôi sau ngày 30-4 đã vô phúc rơi vô… “hang ổ gốc mít đót” (bà con lối xóm ám chỉ cả nhà tôi thấp hèn, chuyên môn nghề đi “mót… đít”). Cũng phát sinh nguyên thuỷ từ chữ: “Phú Lăng Sa A Na Mít” mà ra đấy! Số phận tôi quá vô duyên, vô phước, bạc bẽo bị lọt… vào khu 18 thôn vườn trầu làm chi, mà nay rơi tủm xuống tận đáy xã hội khốn cùng, nơi toàn thứ dữ… có cán bộ nồng cốt:
    Cái xứ gì đâu chán gớm ghê
    Thịt thà lãnh đạo đớp ê hề
    Thằng dân rau cỏ và khoai sắn
    Ăn để mà sống, chẳng dám chê (*)

    Bằng hai bàn tay búp măng xưa, nay thô cứng, tôi trở thành dân ruộng đi vét rạch, đào kinh dẫn thủy nhập điền: Trồng thơm, trồng mía, trồng ngô, khoai, trồng dưa leo, trồng bí bầu… Ôi! đủ thứ trồng trồng, trọt trọt, trỉa trỉa... hầm bà làng xí cấu, tùm lum tà la; vẫn không xong: mặc dù vất vả khó nhọc trăm bề, tôi luôn nuôi hy vọng, ước ao xây mộng: "mình sẽ trở về với thời huy hoàng xa xưa chút xíu". Dù chỉ là mơ mộng thế thôi, vẫn không thể. Vì:
    Người con gái hôm nay mặc quần đỏ
    Vì hôm qua đã mặc chiếc quần đen
    Đen và đỏ là hai màu rồi đó
    Cũng như đời, đường hai nẻo xuống lên
    Người con gái hôm nay mặc quần trắng
    Vì hôm qua đã mặc chiếc quần hồng
    Hồng và trắng là hai màu bẽn lẽn
    Cũng như núi và rừng đều rất mực chênh vênh.
    Người con gái hôm nay mặc quần tím
    Vì hôm qua đã mặc chiếc quần vàng
    Vàng và tím là hai màu mỉm miệng
    Mím môi cười và chúm chím nhe răng
    Người con gái hôm nay mặc quần rách
    Vì hôm qua đã mặc chiếc quần lành
    Lành và rách đều vô cùng trong sạch
    Bởi vì là lành rách cũng long lanh (Bùi Giáng)

    Tôi mới mấp mí kề tuổi "hâm" mà tưởng chừng như mình đã già khọm tới tuổi “sáu bảy mưi” ; nên tôi chỉ muốn bước xề tới hố tử thần! Khi người ta tới tuổi 40 thấy chết còn xa, 50 thấy chết từng năm, qua 60 thấy chết từng tháng. 70 thấy chết từng ngày. Ai thọ tới 80 nói: "chết là hết". Vậy mà tôi đếm cái chết từng ngày, từng tháng; khi tôi mới tới tuổi "hâm đi hâm lại"?! Tôi cứ bắt chước Adam và Eva trong vườn “địa... ngục tân thời”, hoặc giống ông bà thuỷ tổ loài người cổ đại tiền sử, thiệt giống lũ khỉ đột, là xong ngay một đời thê nữ trong căn nhà hoang phế, dưới tận đáy xã hội chủ nghĩa, không thèm muốn ước ao gì hết. Thôi cũng đành!

    Vấn đề: tự-trọng. Danh dự. Sự hổ thẹn hay liêm-sỉ -ở thời buổi 1975 - 1995 nầy- là cái quái gì! Âu chỉ là lớp sơn đỏ mỏng dính, hào nhoáng phết phủ bên ngoài, để che đậy lớp rỉ sét khô mục thối um ở bên trong. Lòng tôi chùng xuống, hội nhập với bao phiền não đắng cay. Lo âu. Khắc-khoải. Hãi hùng về vấn đề gạo cơm, tạm trú tạm vắng. Hơn là chuyện... không có ăn mà ở lỗ. Thật ra, ở nơi nầy hầu như ai ai cũng chả có “tấm mền lá” như ông "Trần Minh khố chuối" thời tiền sử đã dùng lá che bụm chim. Thì; ngày nay hơi sức đâu tôi còn nhớ đến sĩ diện nữa không biết! “Thấp thỏm” chi, mà mình nhớ tới chuyện “ruồi bu bên đít” í hỉ! Sau khi Việt Nam đã mang "ranh rự" bởi danh ngữ hoà bình, tự do, thống nhất, độc lập rồi, thì thế giới tự do dân chủ của người Việt Nam mỗi ngày một gò bó, teo tóp co rút lại. Việt Nam biến thành một nhà tù bao la khổng lồ, dài lê thê, dài ngoẵng. Sự tù đày trong ngục tù "cải tạo" vô cùng trắng trợn dã man, gông cùm, đói khát, chết chóc từ Ải Nam Quan xuôi miền Bắc, chạy dọc xuống miền Trung, lan tràn đến miền Nam, chạy ra tới biển cả trùng dương trên các đảo Phú Quốc. Côn Sơn… Đâu đâu cũng có muôn trại tù “học tập cải tạo” nườm nượp mọc lên như nấm.

    Ai chết mặc ai! Đảng và nhà nước có công “giải phóng dân miền Nam thoát khỏi nanh vuốt Mỹ”, thì hoà bình, thống nhứt từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau... rồi đất nước sẽ có tự do, là “nhức nhĩ”. Kế đến, đảng uốn nắn con người trong chế độ tư sản mại bản phải “đổi mới tư duy”, “cải tạo tư tưởng”, “cách mạng toàn diện” một con người mới, không phải chỉ một sớm một tối; là xong đâu nhá. Mà phải kiên trì huấn luyện trường kỳ, dẽo dai dài hạn: “mười năm trồng cây, trăm năm trồng người” đấy là gì! Người dân ở vòng tù ngoài chẳng hơn gì trai tráng trí thức ở tù “cải tạo” bên trong. Ở vòng ngoài nôn na gọi là “tù ngoài địa bàn xã hội chủ nghĩa", nhiều người được "mở mắt ra" liền kiếm đủ cách đi vượt biên bằng đường bộ, đường biển, tìm tự do trước cái chết, vẫn hơn sống thấp thỏm trong quê hương xiết đổi kinh hoàng:
    Chung quy chỉ tại vua Hùng
    Sinh ra một lũ dở khùng dở điên.
    Đứa khôn thì đã vượt biên.
    Những thằng ở lại chả điên cũng khùng.
    Bác Hồ chết phải giờ trùng
    Nên bầy con cháu dỡ khùng dỡ điên.
    Thằng tỉnh thì đã vượt biên.
    Những thằng ở lại nửa điên nửa khùng.
    … Trung kỳ có những thằng khôn,
    Nó đi cửa trước nó luồn cửa sau.
    Suốt ngày cứ nghĩ làm giàu
    Nó đi đúng chỗ, nó thâu đúng người
    Nghị quyết nó thuộc mười mươi
    Nhưng chỉ xử dụng những nơi nó cần. (1)
    ***
    Chúng tôi đã rớt xuống vực thẳm sâu hun hút, úp mặt xuống tận đáy xã-hội chủ-nghĩa. Dẫu vậy, các con trai tôi học hành ưu tú, xuất sắc. Hai con lớn dưới mười tuổi, nhưng ba giờ sáng các con đã thức dậy, lo chạy bộ đến lò bánh bò, lò cà rem, xa khoảng bốn cây số. Các con ngồi co ro cúm rúm ngoài vỉa hè, để chầu chực khi chủ mở cửa, con hy vọng có hàng bán chạy rong mời khách. Tháng nắng ngày mưa các con đều khổ cực lầm than như nhau. Ngày ế-ẩm, bánh bò bị thiu, cà rem chảy nước, chúng tôi lặng-lẽ ngồi ở góc nhà, nhịn khát, nhịn đói, khóc thầm. Vì chồng, cha, là lính “ngụy” bị ở tù “cải tạo” (tôi dùng chữ "cải tạo" phải có hai ngoặt kép). Ai dám giúp! Nhưng, thiệt khổ là hầu như đa số dân lành cũng không có ăn, không có mặc, thì lấy gì mà ai giúp ai!?

    Ba năm sau, thì con trai đầu Dzũng và con trai kế Tuấn mỗi buổi sáng các con nhịn đói đi học, trưa ăn qua loa tí khoai sắn cầm hơi, rồi hai con đi bán bánh bò, cà rem, tối tối con trai trưởng theo chủ ra tận Long Khánh, Hàm Tân, Phan Thiết… con cùi cụi vác trấu thuê, vác bó mía thuê. Con leo lên nóc nhà dỡ tôn, dỡ nhà, do chủ là bạn của Luật mua, chủ & tớ dù chẳng phải là mua thứ đồ lậu quốc cấm gì, đã nộp thuế ở các trạm thu ngân, mà vẫn lén lút đem đi Sài Gòn bán. Con làm bất cứ việc gì dù nặng nhọc, khổ sở, miễn sao con có tiền đem về cho mẹ mua gạo, để nuôi nhau sống lây lất qua ngày. Ngày hè không đi học, các con nhịn đói phải đi nông trường Nhị Xuân lo trồng thơm, trồng mía không công cho nhà nước. Hoặc con làm dân công thủy lợi đi đào kênh rạch trên Lê Minh Xuân. Tối về, đảng phát cho một tờ phiếu, dân tự vét tiền túi ra mua gạo, mua mắm (dĩ nhiên!). Rồi năm sau con trai thứ ba Huy vác thùng cà rem theo hai anh đi bán, khi thùng mút đựng cà rem cao tới ngực con. Bán cà rem ngày càng ế-ẩm hơn, vì chỉ có mấy bộ đội thích ăn cà rem bỏ trên cái dĩa cho chảy nước ra. Người dân “thắt lưng buộc bụng” không dám ăn thứ “cà lem xa xí phẩm” ấy. Các con tôi luôn đem bánh bò bị thiu, cà rem chảy về, ăn trừ cháo. Riết rồi cụt vốn, hết sạch trơn tiền vốn, dù một thùng cà rem tiền vốn vỏn vẹn chỉ có năm đồng. Năm đồng (tiền Hồ) rất khiêm nhường eo hẹp vẫn không có, thì nói gì gia đình tôi có tiền lời nhỏ nhoi, để độ nhật qua ngày! Thế là đói rã ruột:
    Từ khi ta có bác Hồ.
    Nhân dân chẳng được ăn no ngày nào.
    Lương chồng, lương vợ, lương con.
    Đi ba buổi chợ chỉ còn lương tâm.
    Lương tâm đem chặt ra hầm.
    Với rau muống luộc khen thầm là ngon. (2)

    Các con đi học luôn luôn đứng đầu lớp, nhưng con vẫn đi bán cà rem phụ mẹ lo cho gia đình mình, mẹ cảm động và thương các con yếu ốm biết ngần nào! "cả nhà ta" đều là "dân chuyên nghiệp bán cà rem" nhưng trong Huyện nầy chẳng có ai bì kịp việc học, việc làm của các con, vì các con kiếm sống bằng một nghề lương thiện và trong sạch, chính đáng ở chỗ các con dù đã khôn lớn, nhưng các con đi bán khi gặp bạn "đồng môn" vẫn vui tươi, hiền hoà, thân thiện, các con chẳng hề cảm thấy xấu hổ, vì nghề "bán cà rem" thấp hèn. Mẹ chân thành cám ơn và trân trọng biết ơn, ghi ơn các con, mẹ rất hãnh diện vì từ thuở nhỏ các con đã nên người hữu ích. Mẹ mong rằng:
    Phượng hoàng ở chốn cheo leo.
    Sa cơ lỡ vận phải theo đàn gà.
    Bao giờ gió thuận mưa hòa.
    Thay lông đổi cánh lại ra phượng hoàng. (1)
    ***
    Mót nhặt những bọc ni lông đựng tạp uế thì ôi thôi: ở bên trong đựng đủ thứ tanh hôi lúc nhúc dòi bọ, bẩn thỉu dơ dáy vô cùng, chỉ nghĩ lại vẫn muốn ói ra mật xanh mật vàng. Nhiều lần mấy mẹ con phơi bọc ni lông ngoài cánh đồng khô trời nắng chang chang, bị cơn gió lốc xoáy cuốn thốc mọi thứ lên trời, bọc ny lông bay tứ tán tản mác khắp nơi. Chúng tôi đứng dưới đất, dậm chân, bứt tóc, vò đầu, ngửa mặt nhìn lên mà khóc rống giữa bầu trời bao la. Tôi hận trời hận đất quá “ác”: Trời sáng và trời tối không phải là đối địch nhau, mà để toả sức sống cho nhau. Dù thế nhưng tại sao đối với cảnh khốn cùng nầy, tôi đau khổ thế nầy, nên hậm hực nói: "Trời ác làm vậy"! Ông không chừa cho tôi một lối thoát! khi ông làm mưa giông sấm sét, vô tình đánh chết ai đó, thì không ai mở miệng nói:
    - “Trời ác”. Trái lại người ta chỉ đổ tội: do “người ấy ác”, mới bị Trời đánh, Trời hành. Bi giờ thì sao đây?

    Người khôn của khó, vì miếng cơm manh áo, dần dần nơi ruộng lúa có đầy người chết đói trong khu xóm C, cũng bắt chước mẹ già con thơ chúng tôi, họ kéo nhau ùn ùn nườm nượp lẽo đẽo đi theo bà cụ “mót” đủ thứ. Thế nên ruộng đồng ngày càng khan hiếm, không còn con cá lòng tong, chả có con cua, con cáy, con ếch, con nhái, con dế, cào cào… nào sống yên. Hạt lúa rơi, rau, củ, v.v… đều sạch trơn, chẳng còn chi, chớ nói “hạt ngọc lúa” Trời ban, mà buồn. Ngậm nhúm cháo trong miệng, ít khi tôi nuốt trôi, hai hàng nước mắt tuôn trào!

    Hồi xa xưa lúc cha mẹ tôi phú qúy, vinh sang, có nhiều lần tôi theo ba tôi đi qua Lào, Miên, đi cả Thái Lan. Ba tôi là danh y thuở ấy, ba đi ra ngoại quốc học hỏi thêm về y học nước ngoài, chính ba tôi đã trị bệnh cho vua Lào, vua Cao Mên nơi xứ người. Tuy còn quá nhỏ nhưng có trí khôn, tôi đã có dịp nếm thử: Nhứt điểu. Nhì ngư. Tam xà. Tứ tượng, ui chà ngon hết sẫy, ngon nhức nhĩ. Bi chừ nhớ lại tôi vẫn thèm. Ngày nay thì tôi đã già kinh nghiệm: “Nhứt sĩ, nhì nông, hết gạo chạy rông. Nhứt nông nhì sĩ”! Vì:
    Ai sinh ra cái củ mì?
    Hỏi: Để làm gì? Đáp: Để mà ăn!
    Nước nhà mãi mãi khó khăn.
    Dân mình mãi mãi phải ăn củ mì.
    . . . Đảng béo mà dân thì gầy.
    Độn bắp, độn sắn biết ngày nào thôi?
    Nhân dân thì chẳng cần lo.
    Nhà nước lo sẵn bo bo mỗi ngày.
    Hãy chăm tay cấy tay cầy.
    Nhịn ăn nhịn mặc chờ ngày vinh quang. (2)

    "Mẹ già con côi" làm việc bần cùng tệ mạt đến thế, đôi bàn tay, bàn chân cả nhà tôi bắt đầu ngứa rần rần, sưng húp, phù to, chảy máu đỏ loét, vì mót nhặt bọc ni lông dơ bẩn! Sự dơ bẩn tầm thường nhứt ở tận đáy "xã hội chủ nghĩa Việt Nam": đã ăn sâu vô da thịt, tổn thương trầm trọng đến đời sống tôi quá rùng rợn. Đôi bàn tay, bàn chân của tôi sần sùi, tê nhức, bại xuội, càng cảm thấy đau đớn; đau đớn vì tuyệt vọng, hơn vì thê thiết khốn đốn, hoặc ruột gan cồn cào đói khát. Mất hết rồi thuở “trăng sao hoa lá thơ thẩn ngự trong hồn". Có chăng là còn những đêm không đèn nến ngồi ngoài trời: hai bàn tay quơ đập lia lịa mà muỗi vẫn vo ve từng đàn bu quanh vô người đốt thỏa thích, rồi mấy nơi bị ngứa rần, mình phải gãi cho đã, lại sưng u to, biến dạng ra ung mủ dày cui. Thú thật là do:
    Đôi dép râu dẵm nát đời son trẻ.
    Nón tai bèo che khuất nẽo tương lai. (2)

    Nơi vùng đất phì nhiêu màu mở xưa kia trù phú là thế, nay nghèo nàn cằn khô nóng bức; lại là nơi có quá nhiều ruồi, gián, muỗi, rệp, rận chí... bu quanh bòn rút hút máu người khô đét ốm tong ốm teo, chả ai có chất dinh dưỡng. Nhà nào cũng chứa nước trong cái chum đen đen không nắp đậy, những con lăng quăng lặn xuống đáy chum nhiều vô số. Bọn trẻ nghèo thường làm cái vợt vải mùng, để vớt lăng quăng cho mấy con cá bảy màu, cá ba đuôi ăn, (chúng bòn nhặt nhịn ăn dành dụm từng xu, để mua ít con cá sống, mà làm trò giải trí nhỏ nhoi). Trong chum có loại côn trùng màu đỏ huyết mình nhỏ như sợi chỉ, một đầu nó bám chặt vô chum, một đầu kia ngúc ngoắc theo nước lượn sóng nhấp nhô, thấy mà sợ! Tôi không dám xài cái chum đựng nước dự trữ lâu ngày. Muỗi lại truyền cả xóm bệnh sốt rét, mà thuốc ký ninh không có. Ai đau bệnh gì, khi đi khám bệnh cũng chỉ dùng: lá sống đời, xuyên tâm liên, hoàng bá, cắt cánh, hay cam thảo, là đại sang rùi.

    Đa số dân hầm bo bo mất cả buổi lại tốn nhiều củi, bo bo ăn cứng thay cơm, vì nhà nước không bán gạo, nên ta đành làm "dân niên xô" (Liên Bang Xô Viết) ban đầu trên loa phóng thanh kêu cả Ấp đi mua bo bo, ai nấy đều cảm thấy hí hửng mừng rỡ như vớt được của lạ! Bởi lẽ là chưa có ai từng thấy bo bo bao giờ! không ai biết cách xử dụng, nấu nướng quá mất thì giờ. Về sau người nầy truyền khẩu, truyền tai cho người kia biết, phải xay bo bo mà nấu nướng pha chế đủ thứ kiểu, nếu chê bo bo thì đói rã rời, chịu sao nỗi! Nhưng phải là "dân thứ xịn" cơ! nghĩa là "ta lao động tốt" mới có tem phiếu mua bo bo à nha. Thế là món bo bo hầm nguyên hột với muối, ăn chán & chê, vì khó nuốt và không hợp khẩu vị với dân Việt Nam. Bo bo đem đi ra máy xay lúa xay nhuyễn thành bột, về nhà nhồi nước sôi cán bột thành từng lá mỏng, xắt thành sợi nấu cháo bánh canh + muối. Khi tôi khuấy bột bo bo làm bánh xèo ăn với rau chắm nước muối, sang tí thì có nước mắm ớt tỏi đường. Có nhiều lần tôi vo viên bột bo bo, giả làm bánh bao, xíu mại là những hột đậu phụng và ít củ sắn (củ đậu). Ăn bo bo không ngờ nó lại bị nóng kinh khủng, không như gạo nấu thành cơm, hoặc bột gạo. Vì thế ai nấy đều sinh ra ghẻ lở tùm lum, ai ai cũng bị nóng ruột nóng gan cồn cào, rôm sảy, ghẻ ngứa, lở loét, da thịt mủ nhớt nhờn chảy ra rít rít lầy lụa, hôi tanh khắp thân thể. Nhứt là ở mấy đầu kẽ tay, kẽ chân mông háng thì… bầy nhầy máu mủ, kinh khủng lắm.
    Thuốc điếu phải mua bông.
    . . . Hết gạo ăn bo bo.
    Học trò không có tập.
    Độc Lập với Tự Do .
    Nằm co mà hạnh phúc! (2)

    Kể cả “cán bộ bạn dân” cũng ngứa ngáy, khó chịu nhức nhối, họ đứng ngồi nhúc nhích không yên khi "họp hành bầu bán"! Nay tôi mới hiểu tại sao trước khi tôi "bị"... thì "mấy ổng mấy bả" đã được đảng "ưu tiên" phát bo bo cho ăn trước dân, nên bi giờ họ càng "lậm", như chó thiến bị nhét mãnh chai, như đứng trên tổ kiến lửa, họ ngồi họp hành, thì hai tay bận móc móc, gãi gãi ở chỗ ngứa lia lịa, quỉ tha ma bắt thiệt! Càng gãi càng ngứa rần! Hai tay liên tục đánh đờn… bùm búm bum… tằng tắng tăng... từng tứng tưng... và vỗ muỗi như vỗ cái trống cơm bộp bộp bộp riết… Từng đám da sần sùi đỏ ửng, từng cục máu mủ lầy nhầy, sưng húp. Bầy ruồi o o o… bu quanh người có ghẻ chóc tha hồ hút máu mủ, rồi chúng lang thang bay đi khắp bốn phương trời, tha bệnh truyền nhiễm sốt rét lây qua cho kẻ khác càng mau ác liệt hơn.

    Ngao ngán nhìn nhau lợm giọng muốn ói và muốn nổ con mắt. Kinh tởm quá! Hầu hết mọi người trong xóm nghèo của tôi đều bị ghẻ chóc. Nạn chuột, gián, ruồi, muỗi, rệp, chí, rận: thì ôi thôi sinh sôi nẩy nở lúc nhúc, tràn lan! Chẳng có cách gì tiêu diệt chúng! Ai cũng như ai “cùi” rồi không sợ “hủi”; nên “ta” hết co ro cú rú, hết biết mắc cỡ, xấu hổ, e thẹn làm gì cho mệt! Chẳng ai sợ lây căn bệnh gớm ghiết nầy, họ rủ nhau ra bờ sông tắm gội, rửa ráy, kỳ cọ. Họ ngâm mình trong nước cả giờ, vẫn không thấy “đã ngứa”. Rồi họ leo lên ngồi trên bờ kè phơi nắng, kỳ cọ. Họ tự nhiên lột quần dài áo cánh ra phơi trên bụi cây. Đàn ông có phần dễ chịu "thái mái" khi ở trần, mặc quần đùi lỏng dây thun xề xệ. Đàn bà cũng "thổn thển" ở trần, chỉ mặc xì líp cũ mèm! Họ hong khô người dưới trời nắng như thiu đốt, ai nấy lo cúi xuống lột từng lớp vảy trên các mụt nhọt ửng đỏ. Tiện thể một công hai ba chuyện: họ tắm, giặt giũ, không có xà bong, tiêu tiểu cũng trong dòng sông đó. Chính từ nơi vừa tắm rửa, ngâm mình, họ gánh hai thùng nước về nhà, để dành uống nước mát. (!?)

    Tôi hình dung họ giống những con khỉ đột trọc lóc đầu, mặt đỏ đít chai ưa gãi sột sột trong sở thú. Tôi không dám nhìn họ, phải lờ ngó lơ đi chỗ khác và lắc đầu muốn gãy cần cổ, mà ngao ngán, nhưng với trí tưởng tượng phong phú của mình, nếu tôi phì cười... thì họ tính sao đây, có lẽ họ... rượt tôi chạy có cờ về nhà buông gàu xuống cái giếng nước do tự mấy đứa con mới đào lên chăng? Dù cả đời tôi trọng danh dự và tình, còn cả đời “các bác ấy” không trọng chi ngoài lo âu về tiền! Vốn dĩ quá nghèo hèn, nhưng tôi muốn bình lặng, an ổn khi đổi đời đi lượm lặt móc moi mọi thứ. Kể từ đó trong làng trên thôn dưới đã "thân thương" đặt cho tôi cái biệt danh thiệt bình dân giáo dục: "mít đót”:
    Ở với Hồ Chí Minh.
    Cây đinh phải đăng ký.
    Trái bí cũng sắp hàng.
    Khoai lang cần tem phiếu. (2)
    ***
    Khi mấy cán bộ “mượn tạm” (của dân đã trốn ra nước ngoài), họ để lại biết bao của nổi: nào nhà lầu xe hơi, xe honda, đất đai và của chìm còn chôn dấu kỹ trong nhà, chưa kịp đào bới moi móc lên. Công an, bộ đội, cán bộ có cần câu tà lọt điềm chỉ, rủ nhau đến nhà dân làm biên bản tịch thu gia sản. Rồi ít lâu sau nhà nước lại làm biên bản chia chác nhau bốc thăm: nhà cửa, xe cộ, ti vi, tủ lạnh, máy móc điện tử, bàn ghế, giường nệm, thậm chí cả cái quần xà lỏn cũng bị bốc thăm, hầu hưởng xái thừa của “tàn dư đế quốc” để lại. Người thân ruột thịt của tôi (và chính tôi) ở trong những ngôi nhà đồ sộ, có chút máu mặt, thì coi chừng bị chụp mũ, gài là: ở lại để phản động liên lạc làm “ăng-ten” móc nối với tư sản. Bị "đôi mắt cú vọ bạn dân" dòm ngó, lưu ý, “hỏi thăm sức khỏe”, thì dân ngu khu đen phải chìa hai tay ra, cúi đầu biếu không, cho không, dâng hiến nhà nước.

    Như trường hợp ông bà Tư Cóc (chị tôi) có năm người con trai đều có vợ con đùm đề, gia đình họ chả có ai đi Tây, đi Mỹ, đi Đức gì cả, anh chị Tư có ba cái nhà đồ sộ, một nhà họ đang ở. Một nhà cho con ở, một nhà cho thuê. Nhưng công an phường khóm buộc anh Tư Cóc phải lên “Thành” làm giấy “dâng hiến” nhà nước... cho “đi đứt” hai cái nhà. Thì, ít lâu sau có vợ chồng người Tàu (chủ đồn điền cà phê giàu nổi tiếng, gồm mười sáu người: vợ chồng con cháu), do nhà nước cần trưng dụng ngôi biệt thự của họ, nên gia đình ông ta “được” nhà nước đẫy họ về ở chung đụng chui rúc đông đen trong khu đất nhà anh chị Tư. Nếu khán chỉ, cán bộ công an không ngại ngần tống khứ họ ra đường, hay “nhân đạo” cho xuống ở bên xó chuồng trại gia súc sau hông nhà.

    Anh Tư Cóc được thành ủy phát tấm giấy khen, ưu tiên hộ trong nhà họ được mua duy nhứt một lần: nửa ký thịt ba chỉ, một ký ruột heo, một ký gạo nếp, ký thèo lèo cứt chuột, hai mét vải nội hoá màu mè hoa lá cành. Cũng ưu tiên lắm, nên chị Tư Cóc được mua hai (2) mét vải dù đen. Trong khi đó cán bộ Ấp ưu tiên gấp 10 thường dân Nam-bộ. Cán bộ cấp Huyện ưu tiên gấp 20 lần Ấp. Cán bộ cấp Thành thì ôi thôi… ưu đãi gấp 20 lần cán bộ Huyện. Cứ thế, mà làm tính nhân lên (tôi phải ghi rõ con số: 1, 10, 20 cho chính xác mà nhân, mà cộng, thay vì viết thành chữ: một, mười, hai mươi, không thể nhân cộng nhập nhằng).
    * * *
    Tình Hoài Hương


    (1) Hp-TnT
    (2) Thơ sưu tầm lượm lặt đó đây
    Bút trần nào tả được lưu luyến!
    Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
    Tình Hoài Hương

  2. Xin cám ơn Tinh Hoai Huong

    BachMa (08-16-2020), hoang yen (08-01-2020), philong51 (08-01-2020), SVSQKQ (08-01-2020)

Similar Threads

  1. Góc Thơ Tình Hoài Hương
    By Tinh Hoai Huong in forum Trang Thành Viên
    Trả lời: 419
    Bài mới nhất : 09-06-2020, 04:02 AM
  2. Góc Thơ VUI Tình HOÀI HƯƠNG
    By Tinh Hoai Huong in forum Vui cười
    Trả lời: 136
    Bài mới nhất : 08-22-2019, 06:04 PM
  3. Góc... Cafe_Coc
    By PhiLan in forum Tham Luận
    Trả lời: 168
    Bài mới nhất : 01-04-2017, 05:44 PM
  4. Đọc truyện Lữ Quỳnh
    By Hoanghac in forum Truyện ngắn
    Trả lời: 3
    Bài mới nhất : 02-02-2013, 04:49 PM

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •