Remember ?

kết quả từ 1 tới 6 trên 274

Tựa Đề: Góc Truyện Tình HOÀI HƯƠNG...

Hybrid View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1
    Tinh Hoai Huong's Avatar
    Status : Tinh Hoai Huong v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: May 2009
    Posts: 1,081
    Thanks: 58
    Thanked 58 Times in 17 Posts

    Default Từ Cổ THÀNH đến Nha Trang tuyệt diễm

    Thưa anh Hoàng Yến thân & qúy mến,
    Dạ vâng, điều anh ghi ở trên nầy rất đúng ạ.
    Chẳng biết Hoài Hương ngớ ngẩn lú lấp thế nào, mà quên tiệt v/v ở Nha Trang đặc biệt ngoài Quân-trường Không Quân (TTHLKQ- QLVNCH), Quân-trường Hải Quân Nha Trang, còn có các trường quân sự:
    1/ Trung tâm huấn luyện Lam Sơn: ...
    2/ Trung tâm huấn luyện Dục Mỹ: ...
    3/ Trường Hạ sĩ quan Đồng Đế: ...
    Hoài Hương xin chân thành cảm ơn anh Hoàng Yến đã tế nhị nhắc nhở. Vâng, xin mời anh Hoàng Yến & qúy độc giả đón xem v/v nầy.
    *
    Hôm nay mở files, thì... té ra trong phần 1/ 2/ 3... ghi trên (về các TTHL tại Nha Trang); THH đã có bài viết v/v ấy ở một chương khác ạ. Tuy nhiên, nhờ anh Hoàng Yến nhắc nhở, để đáp lại tấm thịnh tình của qúy vị, HH xin đăng bài viết bổ túc về "Cổ Thành NHA TRANG..."
    Kính bút,
    Hoài Hương

    ***

    Từ Cổ THÀNH đến Nha Trang tuyệt diễm
    Tình Hoài Hương
    *

    Trời xám xịt, ảm đạm với từng cuộn mây đen phủ chụp lấy Cây Cẩy, xe chạy càng chậm như rùa bò khi đến Cổ Thành*, là một quần thể lục giác, có lối kiến trúc quân sự độc đáo, quy mô theo phương pháp Vauban, {do ông kỹ sư Công-binh quân sự nổi tiếng của Pháp: tên Vauban (1633-1707) tên thật của ông là Sébastien Le Prestre} Cổ Thành có hào sâu chắn bờ thành cao 3 mét rưỡi, bên trong thành đắp làm hai bậc cấp rộng và cao. Muốn về Nha Trang phải qua miền Cổ Thành nầy. Từ trong ca dao xa xưa Việt Nam đã có:
    Khánh Hoà biển rộng non cao
    Trầm hương Vạn Giã yến sào Nha Trang
    Tỉnh Khánh Hoà đậm đà mưa nắng
    Non chồng nghĩa nặng nước chứa tình thâm
    Ngọn gió bay phảng phất hơi trầm
    Mây xây tháp bút trăng dầm bến ngân (1. cd)

    Thời xa rất xưa khoảng thế kỷ 17 đã thấy có tên “cửa Nha Trang” do ông Đỗ Bá biên soạn. Một bản đồ ở niên đại cuối thế kỷ 17 năm Giáp Ngọ, Niên Bình Nam Đồ của Đoan Quận công Bùi Thế Đạt cũng thấy ghi tên "Nha Trang Hải môn". Trong thư tịch cổ Việt Nam có những tài liệu đề cập đến địa danh này. Thời Pháp thuộc Nha Trang chỉ là một “chef lieu”, sau 7 tháng Năm 1937, toàn quyền đông dương nâng Nha Trang lên hàng “commune”, cho đến 27 tháng Giêng 1958 thì có nghị quyết số 18-BNV bãi bỏ chức “Thị-xã”. Do vùng Nha Trang bao la mênh mông từ đất liền, hải đảo, đảo biển xa xôi chằn chịt, nên miền đất nầy được chia thành Nha Trang Đông & Nha Trang Tây, do Tổng-thống Ngô Đình Diệm ấn ký.
    Nha Trang xa Sài Gòn (441km, tính trên đường bộ, & Nha Trang đi đến Cam Ranh xa 45km). Thành phố Nha Trang duyên dáng thơ mộng nằm trên một đồng bằng khá rộng đã phân hoá, và được bồi đắp phù sa bên cạnh sông Cái và sông Quán Tường, rồi nước chảy ra biển cả:
    Suối Tiên nước chảy lững lờ
    Tiên đi đâu, để bàn cờ rêu phong
    Nước mây vắng vẻ tăm mòng
    Bền gan nay vẫn rày mong mai chờ (cd)

    Ven biển Nam Trung Bộ thuộc Tỉnh Khánh Hoà (& thành phố Nha Trang) phía Bắc giáp Tỉnh Phú Yên, gần sát nách là Ninh Hoà. Nam giáp Tỉnh Ninh Thuận. Tây là sườn Đông của dãy trường sơn giáp Đắc Lắc & Lâm Đồng. Đông giáp biển Đông. Biển Khánh Hòa trong đó bao gồm cả quần đảo Trường Sa nằm ở điểm cực Đông Việt Nam. Tóm lại Nha Trang là một thành phố rất thuận tiện về mọi mặt, là vị trí địa lý tiện nghi trên đường thủy, đường hàng không, & trục giao thông đường bộ qua quốc lộ 1C, quốc lộ 1 A quan trọng xuyên qua mọi miền đất nước Việt Nam khá thuận lợi. Quốc lộ 26 nối Khánh Hòa Đắc Lắc và các tỉnh Cao Nguyên Trung Phần. Có hai con sông lớn chảy qua Tỉnh là sông Cái & sông Dinh. Đặc biệt Khánh Hoà có 5 suối nước nóng vẫn trữ lượng cả triệu mét khối nước uống, và chữa bệnh. Ngoài ra Khánh Hòa có hệ thống xe lửa nối dài từ Phan Rang chạy xuyên qua các miền tới Cà Mau & đồng thời ra tới Bến Hải. Khánh Hòa có nhiều hải cảng và phi cảng náo nhiệt, đông đúc, đồ sộ, thì đã có:
    Ông Trần Đường giữ đèo Dốc Thị
    Ông Trịnh Phong trấn nơi biển Cù
    Ông Nguyễn Khanh lo việc quân nhu
    Ba ông một bụng nghìn thu danh truyền (cd)

    Từ Cam Ranh đi tới Nha Trang về hướng Bắc tuyệt đẹp với miền cát trắng mịn đầy hấp dẫn... là một tiềm năng khá tốt mang tính chất nhiệt đới gió mùa, nên khí hậu Nha Trang ôn hoà trung bình 25/oC & đại dương thông thoáng, thênh thang, bao la, mênh mông, do thế mùa Đông chỉ se lạnh, mùa mưa bắt đầu từ tháng 9 (thường là ba tháng), mùa hè mát mẻ hơn các vùng khác. Biển dài 7m gần sát thị thành, nên dù mùa khô nhưng khí hậu dễ chịu:
    Anh đứng ở Nha Trang
    Trông sang xóm Bóng
    Ánh trăng lờ mờ, lượn sóng lăn tăn
    Gần nhau chưa kịp nói năng
    Bây giờ sông cách, biển ngăn ngại ngùng!
    Biển sâu con cá vẫy vùng
    Sông sâu không dễ mượn dòng đưa thư
    Anh nguyền cùng em:
    Bao giờ Hòn Chữ bẻ tư
    Biển Nha Trang cạn nước, anh mới từ duyên em. (cd)

    Phố biển thơ mộng của Tỉnh Khánh Hòa đã nở hoa đèn, thì có nhiều cặp tình dìu nhau lượn ven biển: Những SVSQ Hải-quân, & chàng Hải Quân áo xanh áo trắng oai sang, hiên ngang sánh vai cùng nàng thiếu nữ mặt hoa da phấn, họ âu yếm cười vui trên đường thênh thang. Hợp với SVSQ Không-quân & anh Không-Quân hào hùng, áo bay xám áo bay vàng cam với em kiều diễm thủng thỉnh dạo bước dập dìu thuở xuân tình, khiến thành phố biển càng nôn nao xao xuyến ngẩn ngơ thi vị thay:
    Bãi biển Nha Trang mịn màng trắng trẻo
    Nước trong leo lẻo, gió mát trăng thanh
    Đêm đêm thơ thẩn một mình
    Đố sao cho khỏi vương tình nước mây. (cd)
    Hoặc:
    Em một sáng trường tan về trước ngỏ
    Chiều Ba Làng thuyền xa bến nhấp nhô
    Mắt em buồn nhìn vọng hướng Hòn Khô
    Có cô gái nghìn năm nằm xỏa tóc
    Anh tay trắng nhưng vòng tay ngà ngọc
    Em diễm kiều nhưng mơ mộng bình thường
    Ngày gặp nhau nghe thương quá là thương
    Em gái sắc anh trai tài lưu luyến
    Tay trong tay đưa em về trên biển … (2)

    Mưa bụi mù mù bay bay nhạt nhòa trong bóng tối mờ mờ, ngoài xa xa ngư thuyền tấp nập nhấp nhô trên sóng, những chùm đèn câu mực nhỏ li ti long lanh khi tỏ khi mờ. Thuyền lênh đênh trên mặt sóng không hiểu vừa vào bến đỗ, hay đang ra khơi nơi Hòn Tre như bức lũy thành ngăn gió đại dương, bãi cát phẳng lì, tơi mịn dưới làn nước mát rượi. Nào Đồng Muối Hòn Khói, Hòn Hèo, Hòn Son, Hòn Bà, Hòn Yến. Hòn Tằm... Vân vân… Ôi sao có bao nhiêu là "Hòn” dễ thương... ấy nhỉ!?
    Đứng ở Hòn Chồng, trông sang Hòn Yến
    Lên Tháp Bà, về viếng Sinh Trung
    Giang Sơn cẩm tú chập chùng
    Đôi ta gắn bó thủy chung một lòng (cd)

    Phố thị hải dương thơ mộng, nhiều đại lộ khang trang sạch sẽ dẫn qua Xóm Mới ở trong nội thành tới Xóm Bóng, Xóm Cồn. Nhà cửa, ghe thuyền tấp nập dưới ánh mặt trời, đa số cư dân là người Kinh, kế đến là dân tộc Hoa, Raglai, Gietiêng, Eđê, Tày, Chăm, họ sinh sống trên đất cát, cồn cát. Biển xanh thẳm màu ngọc bích lóng lánh, dạt dào sóng vỗ vào mỗi buổi hoàng hôn hay bình minh. Miền cát trắng thơ mộng với đá granit, ven biển đất mặn có phèn, đôi vùng có đất xám bạc màu. Tuy thế ngoài phong thổ thuộc về nơi thắng cảnh hữu tình và du lịch, Nha Trang là nơi sản xuất dồi dào nhiều loại thủy hải sản, tôm giống. Trại nuôi trai trên biển lấy giống, lấy ngọc. Tài nguyên biển rất phong phú cho ta nhiều hải sản quý: sản xuất cả vạn tấn muối, tôm giống, tôm thịt, cá đủ loại, sò, ốc, chim yến, v.v... Rừng Khánh Hòa có nhiều loại gỗ qúy hiếm: lim, hương, pơmu, trầm hương, kỳ nam... Khoáng sản: cát trắng, nước khoáng, than bùn, cao lanh, imenhich, đá granit. Có những trang trại: sản xuất đường mía, bia, nước ngọt. Thủy tinh kính phẳng. Khu công nghiệp Agar, Alginate. Công xưởng đồ sộ đóng tàu, thuyền, ghe:
    Khánh Hoà là cái xứ trầm hương
    Non cao biển rộng người thương đi về
    Yến sào mang nặng tình quê
    Sông sâu đá tạc lời thề nước non (1. cd)

    Hải Học Viện cách xa Nha Trang 6km (Ngư nghiệp Đông Dương năm 1922) là Viện Hải dương học chuyên nghiên cứu về biển & động vật trong biển. Ngoài các trường Tiểu-học, Trung-học, ... có trường Hải Quân (Nha Trang Naval Training Center) tọa lạc tại đường Duy Tân, (cạnh TTHL KQ) nơi đào tạo Hạ Sĩ Quan, Sĩ-quan, thủy thủ Hải quân của Việt Nam Cộng hòa, mệnh danh là Trường Sĩ quan Hải-quân, hoặc Trung tâm huấn luyện Hải-quân Nha Trang gồm có: Trường Sĩ-quan Chỉ-huy và Cơ-khí. Trường Sơ-đẳng chuyên nghiệp. Trường Trung-đẳng chuyên nghiệp. Trường Tân binh Hải-quân. Ngoài ra Nha Trang có: 1/ Trung Tâm Huấn Luyện Lam Sơn… 2/ Trung Tâm Huấn Luyện Dục Mỹ… 3/ Trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế… (Ba trường kể trên đã có ở mục kế tiếp & TTHL SVSQ Không-quân đã có bài viết riêng biệt về phần nầy ở những chương khác, cùng tác giả).

    Đến cửa thành Nha Trang, việc đầu tiên đập vô mắt du khách là pho tượng rất bệ vệ to lớn đồ sộ uy nghi: "Kim Thân Phật Tổ" ngự trên đỉnh Hòn Trại Thủy. Chùa Bửu Phong về hướng Nam, chùa Hải Đức. Trong hơn khoảng hai mươi ngôi chùa ở Nha Trang, thì có chùa Long Sơn kiến trúc độc đáo xây dựng 1940, chùa an ngự ở quốc lộ 1A dưới chân Hòn Trại Thủy trong nội thành Nha Trang, là đề huề to lớn nhứt. Nhà thờ đá xây trên cao tít từ năm 1928 với 10 hạng mục hấp dẫn, công trình xây dựng tuyệt mỹ, ba quả chuông to và đồng hồ cổ lắp trên tháp xưa, nay còn nguyên vẹn.

    Nào Bãi Dâu, Bãi Cát Tiên... Từ cảng Cầu Đá đi thuyền tới Bãi Trũ trên đảo Hòn Tre chừng 15 phút, nơi đây vẫn giữ nguyên vẹn nét đẹp hoang sơ êm đềm mà phóng khoáng, với bãi cát mịn và trắng chẳng có nơi nào mịn màng mượt mà sánh kịp, là một bãi tắm rất lý tưởng, phong cảnh thiên nhiên hữu tình nên thơ. Hồ cá cách Cầu Đá không xa trên đảo Bồng Nguyên (Hòn Miễu) được ngăn lại để chăm cá bằng hệ thống kè đá tinh tế quy mô, ngỏ hầu nuôi sinh vật sống trong biển, giữa hồ xây nhà thủy tạ, bãi cát mịn nước trong và sạch.

    Viện Pasteur (1891) lớn nhứt do chính bác sĩ Yersin thành lập. Ông Yersin sinh tại Pháp, cha ông là người Thụy Sĩ, mẹ người Pháp. Ông Yersin lớn lên thi đậu tiến sĩ, ông viễn du đến Việt Nam, tận tụy cống hiến đời mình cho khoa học, thành công trong việc trị bệnh dịch hạch. Ông là một trong những nhà thám hiếm đầu tiên khám phá ra thành phố Đà Lạt thơ mộng. Theo di chúc mộ ông xây đơn giản, người ta liệm ông nằm sấp, mặt ông gục xuống tay ôm chặt đất Việt Nam vô lòng, đầu quay về hướng biển: Alexandre Yersin (1863 -> 1943), ở khu Suối Dầu. Nơi miền đất Việt Nam thân yêu nầy, là quê hương thứ hai của ông Alexandre Yersin. Bội phần kính trọng & ngưỡng mộ lắm thay!

    Đứng dưới quốc lộ 1A ngoái lên tít trên cao là Tháp Bà đồ sộ nằm ở phía Bắc của thành phố Nha Trang, thuộc Phường Vĩnh Phước, tháp ngự trên ngọn đồi cao, dưới chân đồi là cạnh cửa sông Bóng. Tháp xây bốn tầng, một kiệt tác từ thời vua Chàm Harivácman, xây năm 813 đến 817 mới hoàn tất ngày 20 đến 23 tháng 3 âm lịch. Tại tháp Bà chính từ bốn góc tháp nầy có bốn tháp nhỏ. Mặt ngoài các tháp có nhiều gờ, trụ, đấu trang trí hoa văn, lòng tháp rỗng tới chóp đỉnh có nhiều phù điêu, hình tượng người, hoa, thú... Tháp chính tạc tượng tròn chạm nổi thần Ponagar cao 2m6 bằng đá hoa cương đen, bà ngồi trên bệ đá ở đài sen (vợ của thần Siva), thân tháp có thần Tênexa, tiên nữ, các con thú, v.v...
    Tháp Bà có lễ hội tưng bừng náo nhiệt đông đúc vô cùng, để tưởng nhớ nữ thần Po Ino Nogar, các buổi lễ tiến hành long trọng, tôn nghiêm, họ ca ngợi bà mẹ Ponagar đã duy trì giống nòi, có công tạo dựng ra xứ sở Chăm. Mỗi năm vào mùa hội, họ thay xiêm y cũ của "bà mẹ", rồi chu đáo tắm rửa tượng thần, tẩm nhiều nước hoa thơm, đội mũ vương miện mới cho nữ thần, mặc xiêm y mới. Họ cầu xin an cư lạc nghiệp, thanh bình, ấm no:
    Ai về xóm Bóng quê nhà
    Hỏi thăm điệu múa dâng Bà còn không?

    Sau nghi thức cúng tế, họ trang trọng dâng hương trầm nghi ngút, dâng những điệu múa nhịp nhàng uyển chuyện, dâng hoa, cùng nhau hát bộ, rồi ăn uống linh đình. Chín mười người Chăm da nâu thẫm, mặc toàn đồ trắng, quấn khăn trắng ngồi dưới chân đồi bên mé lộ 1A bán thuốc làm bằng rễ cây. Họ hiền lành chất phác nhẹ nhàng vui tươi cười nói chào mời khách, nhưng trong đôi mắt họ chất chứa một nỗi buồn sâu thẳm, nỗi buồn đau của những kẻ đã bị cướp mất quê hương. Dưới chân tháp Bà là xóm Bóng đầy dẫy ghe thuyền chi chít lênh đênh bềnh bổng trên sóng nước.

    Tại Nha Trang có nhiều lễ hội: truyền thuyết về lễ hội Cá Voi cứu vua Gia Long trên biển. V.v... Nhìn xa chút nữa là Hòn Chồng như một quần thể hải đảo xinh xinh, xếp lớp những khối to lớn nằm chông chênh trên khối nhỏ xiu xíu. Trên một khối đá lớn có in dấu một bàn tay to dị thường. Tương truyền rằng: thuở xưa có một ông khổng lồ ngao du sơn thủy vô tình ghé tạt qua đây, ông ta tình cờ nhìn thấy bầy tiên nữ đang vui vẻ tắm và đùa giỡn nơi sóng nước trong xanh, ông ta say sưa nhìn ngắm họ mãi mê, đến nỗi ông ta bị trợt chân té xuống biển. Ổng liền chụp tay ở tảng đá nầy, mà “bò” lên và trở thành “hòn chồng”. Mấy cô tiên hoảng hốt chui vô hốc đá, hóa ra “hòn vợ” nép mình bên Bãi Dương trải dài thật nên thơ xiết bao. Ha ha ha... Thế thì:
    Bao giờ Hòn Chữ bể tư
    Biển Nha Trang cạn nước anh mới từ nghĩa em
    Trai gái yêu nhau mượn hình ảnh con đèo,
    Cái Hòn để tỏ tình, thề thốt.
    Anh thương em đặng nghĩa vuông tròn
    Mấy sông cũng lội mấy hòn cũng qua (cd)

    Sau một đêm ăn cơm với thức ăn đặc sản miền duyên hải tuyệt ngon và khá rẻ:
    Yến sào hòn Nội
    Vịt lội Ninh Hoà
    Tôm hùm Bình Ba
    Nai khô Diên Khánh
    Cá tràu Võ Cạnh
    Sò huyết Thuỷ Triều
    Đời anh cay đắng đã nhiều
    Về đây ngọt sớm, ngon chiều với em. (cd)
    Khoai lang hòn Chúa
    Đậu phụng hòn Dung
    Chồng đào vợ mót đổ chung một gùi. (cd)

    Hai mẹ con vào ngủ trong khách sạn Hoàng Yến. Suốt ngày ngồi trên xe chật chội, một chân thòng xuống nền xe, một chân co lên ghế, cằm tựa trên đầu gối một cách phiền não, tôi quá mỏi mệt, tê buốt. Mong sớm hết một ngày đi đường xa nhọc nhằn, nên vừa tắm rửa xong, leo lên giường, thì hai má con liền thi nhau ngáy khò khò, tôi ngủ một giấc dài đến năm giờ sáng, không cựa quậy.
    *
    Tình Hoài Hương

    (1) ca dao
    (2) Thơ Lê Chiến
    (*) Từ năm 1960 -> đến năm 1975 - bối cảnh ở thời điểm nầy, hầu như ít thay đổi. (Hoài Hương đã điều chỉnh bài viết trong quyển tập “Soạn Bài Dạy” & trích đăng trong truyện dài "Khi Định Mệnh Cúi Nhìn" cùng tác giả).
    Rất trang trọng và chân thành cảm ơn qúy vị nhạc sĩ & nhiếp ảnh gia đã post hình, nhạc… trên internet, tôi xin mạn phép chuyển tải nhạc & hình, (nếu có copy right) vô bài viết, ngỏ hầu tăng thêm phần phong phú hóa hình ảnh sống động, từ tài nghệ độc đáo của qúy vị; qua quê hương Việt Nam cẩm tú của chúng ta.
    Đa tạ!
    *
    Bút trần nào tả được lưu luyến!
    Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
    Tình Hoài Hương

  2. The Following 7 Users Say Thank You to Tinh Hoai Huong For This Useful Post:

    BachMa (08-11-2020), hoang yen (08-26-2020), khongquan2 (08-18-2020), KiwiTeTua (08-11-2020), KQ_NT (08-11-2020), muahong (08-16-2020), tranbienman (08-16-2020)

Similar Threads

  1. Góc Thơ Tình Hoài Hương
    By Tinh Hoai Huong in forum Trang Thành Viên
    Trả lời: 419
    Bài mới nhất : 09-06-2020, 04:02 AM
  2. Góc Thơ VUI Tình HOÀI HƯƠNG
    By Tinh Hoai Huong in forum Vui cười
    Trả lời: 136
    Bài mới nhất : 08-22-2019, 06:04 PM
  3. Góc... Cafe_Coc
    By PhiLan in forum Tham Luận
    Trả lời: 168
    Bài mới nhất : 01-04-2017, 05:44 PM
  4. Đọc truyện Lữ Quỳnh
    By Hoanghac in forum Truyện ngắn
    Trả lời: 3
    Bài mới nhất : 02-02-2013, 04:49 PM

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •