Lời hứa năm xưa

( Viết Về Một Người Bạn )


Ngô Xuân Tâm


Năm 1976, tôi phải chuyển từ trại tù cải tạo T.9 qua trại T.4 Hoàng Liên Sơn. Đây là một trại giam đa số là tù nhân thuộc các thành phần An Ninh, Tình Báo, Chiến Tranh Chính Trị, Cảnh Sát Đặc Biệt và một số thành phần được coi là “ác ôn” của VNCH. Vì thế tôi đã được gặp nhiều người bạn cùng ngành hoặc các bạn thân quen khi công tác khi ở trong quân đội. Đặc biệt là may mắn gặp người bạn “nối khố” đã từng học chung với nhau từ những lớp đệ ngũ tới đệ nhất trung học tại Sài-Gòn. Đó là Tuấn Ròm. Tất cả bạn bè chúng tôi đều gọi như thế vì hắn lúc nào cũng ốm nhách và cao lêu nghêu, mặc dù hắn là con nhà giàu, được ăn sung mặc sướng. Nhưng ai cũng phải công nhận trong con người Ròm đó đã chứa một bộ óc khá thông minh và một trí nhớ đáng nể. Tuấn Ròm là một học sinh nổi tiếng học giỏi của trường. Lớp nào hắn cũng dẫn đầu. Tuấn không bao giờ “học gạo” như những học sinh khác, trái lại hắn học rất “tà tà” nhưng thi đâu đỗ đấy. Hơn nữa hắn còn là con người hoạt bát, tính tình khiêm nhượng, ăn nói, lý luân vững vàng, đã làm tất cả thày cô giáo và bạn bè trong trường mến nể.

Năm 1961, tình hình chính trị miền Nam lúc bấy giờ có nhiều bất ổn, làm xáo trộn và ảnh hưởng đến việc học hành của sinh viên, học sinh. Trong tình hình đó, sau nhiều ngày đêm suy nghĩ, với tuổi chúng tôi trước sau gì cũng phải nhập ngũ, nên tôi và Tuấn rủ nhau “xếp bút nghiên theo việc tòng quân” tình nguyện với tư cách động viên, vào học khóa 12 Sĩ Quan Thủ Đức. Sau 9 tháng được ra trường (8/1962) tôi được chọn theo học một ngành chuyên nghiệp quân đội. Còn Tuấn thì tình nguyện về một đơn vị tác chiến, mặc dù Tuấn được ưu tiên chọn ngành vì điểm thi ra trường của hắn rất cao. Nhưng như Tuấn nói: “Đi lính là phải: 1 là xanh cỏ – 2 là đỏ ngực, chứ hắn không chịu học ngành nghề để “sáng xách ô đi – tối xách ô về”. Quan niệm của Tuấn khi đi lính là phải đánh giặc, một là chết (xanh cỏ), hai là huy chương nhiều (đỏ ngực) để sớm lên lon.

Kể từ khi ra trường, được bổ nhiệm về các đơn vị. Tôi và Tuấn mỗi người một ngả. Chỉ thỉnh thoảng cần thiết lắm mới viết cho nhau vài dòng thăm hỏi.

Mãi đến năm 1974, trong cuộc họp khóa 12 Thủ Đức tại Sài-Gòn tôi và Tuấn mới gặp lại nhau. Bấy giờ Tuấn đã là một Trung Tá Trung Đoàn Trưởng của một trung đoàn bộ binh và hắn đã vang danh đánh giặc từ lúc là Đại Đội Trưởng, Tiểu Đoàn Trưởng và nay là Trung Đoàn Trưởng.

Chúng tôi gặp nhau trong trại tù này thật bất ngờ, cả hai mừng mừng, tủi tủi ôm chầm lấy nhau :

- Tao tưởng mày thoát rồi chứ, ai ngờ lại gặp nhau ở đây ! Tôi lên tiếng trước.

Tuấn chỉ cười và đáp laị :

-Tao ở đây từ khi trại mới lập, nhà cửa này là do chúng tao đi đốn cây, cắt tranh về tự làm lên đấy. Thôi, có mày về đây ở chung “đội” với tao là vui rồi.

Thế rồi chúng tôi tiếp tục cuộc sống kiếp tù đầy tại trại tù này. Trại lúc đó có khoảng gần 400 tù nhân, được phân phối ở trong 6 dẫy nhà tranh. Mổi nhà chia ra làm 2 đội, và mỗi đội có từ 30 đến 40 người, do một tên “quản giáo” phụ trách. Khi ra ngoài lao động thì mỗi đội có 3, 4 cảnh vệ mang súng theo canh giữ.

Ngày ngày khi trời vừa sáng, dù mưa nắng, giá rét , bão bùng. Chúng tôi không đi rừng đốn gỗ, chặt tre thì vác cuốc đi làm cỏ, đào hốc trồng sắn; không lội xình làm cỏ lúa thì đi cắt lá cây, cuốc cỏ về làm “phân xanh” trồng trọt. Tất cả đều phải làm theo chỉ tiêu do bọn quản gíao ấn định. Công việc thật cực nhọc với ngày hai bữa ăn, mỗi bữa vài củ khoai hay ít lác sắn khô với một muỗng nước muối chưa đủ mặn! Vào dịp Tết hay những ngày lễ lớn của địch, chúng tôi mới đươc ăn lưng chén cơm gạo mốc với mấy miếng thịt hoặc da trâu vừa bằng đốt ngón tay là cảm thấy mừng rỡ lắm rồi !

Một hôm Đội của tôi được phân công đi đốn nứa về làm nhà kho. Từ trại tới khu rừng nứa phải đi bộ chừng hơn 2 tiếng đồng hồ. Tới nơi bọn “quản giáo” và cảnh vệ vào một gốc cây lớn, nhóm lửa sưởi ấm. Còn chúng tôi được phân tán vào rừng chặt nứa, sau khi đã nhận chỉ thị như: giờ tập trung, địa điểm và các tiêu lệnh do quản giáo ấn định.

Tôi và Tuấn cùng vào chung một khu rừng. Chặt nứa đủ số ấn định xong, mồ hôi đứa nào cũng ướt đẵm hai lần áo, dù trời đang gía rét của vùng thượng du Bắc Việt. Chân tay chúng tôi ai nấy rã rời, mệt mỏi; gan ruột cồn cào vì đói bụng! Do may mắn gặp khu rừng nhiều nứa không phải tìm kiếm nên chúng tôi làm đủ chỉ tiêu rất sớm. Còn nhiều thời giờ, chúng tôi bàn nhau đi “cải thiện”, nghĩa là đi tìm cái gì có thể ăn được cho đỡ đói lòng. Chúng tôi đem giấu bó nứa của mình vào bụi râm, rồi cùng nhau đi tới con suối, nơi có đám sắn trồng dọc theo hai bên bờ. Tới nơi, hai đứa hì hục đào bới vài bụi thì đã có một số củ, đem đến tảng đá lớn bên bờ suối, lột vỏ, rửa sạch cùng ngồi ăn một cách ngon lành.

Đã lâu lắm chưa có dịp nào “cải thiện” thoái mái và ngon lành như hôm nay. Sắn được lột vỏ rửa sạch trắng ngần trông nõn nà như da người con gái. Khác hẳn với các lần trước phải ăn lén lút, vội vàng, ăn luôn cả vỏ còn dính đất. Vì còn thời giờ nên chúng tôi vừa ăn vừa lim dim đôi mắt tận hưởng cái vị ngon ngọt của sắn, vừa thì thầm nói chuyện. Những chuyện mà chúng tôi thường đề cập mỗi khi có dịp là chuyện các món ăn, chuyện tìm cách trốn trại, chuyện quyết tâm sống-còn chờ ngày trở về để làm một cái gì có ích cho gia đình và đất nước.

Đang miên man vừa ăn, vừa vẽ mộng thì nghe tiếng động. Tưởng rằng đám cảnh vệ đi kiểm soát. Chúng tôi hoảng hồn định phóng chạy thì nghe tiếng hô :

- Đừng chạy ! Chạy tao bắn.

Không còn kịp nữa ! Chúng tôi đành ở nguyên tại chỗ. Một người đàn ông đầu tóc bù xù, mặt mũi hốc hác từ bên tảng đá xuất hiện với cây súng săn, đi tới chúng tôi :

- Đừng sợ, tôi biết các anh là tù chính trị. Mỗi lần các anh vào đây là khoai, sắn của chúng tôi bị phá. Sáng nay thấy các anh vào hướng này là tôi lập tức lên canh chừng, nhưng vẫn không kịp với các anh !

Tuấn nhanh miệng hơn tôi :

-Thưa bác, xin bác tha lỗi vì chúng cháu đói quá !

Người đàn ông nhìn chúng tôi và nhìn những củ sắn đang ăn dở. Ông ta từ tốn :

-Tôi biết, thôi ngồi xuống ăn cho hết đi. Đừng đem về chúng nó thấy, chúng nó đánh chết! (chúng nó đây là bọn quản giáo và cảnh vệ).

Cả hai chúng tôi cùng thốt lên lời cảm ơn một lượt và tiếp tục ngồi xuống tảng đá. Người đàn ông đi lại mé nước sâu rửa mặt, uống vài bụm nước, rồi trở lại ngồi cạnh chúng tôi. Ông hỏi :

- Các anh ở trong miền Nam bị đưa ra đây hồi nào ?

Tuấn vẫn nhanh nhẩu :

- Dạ, chúng cháu được đưa ra đây gần 2 năm rồi.

Ông ta gật gật cái đầu hỏi tiếp :

- Các anh bị bắt có bị chúng nó đánh nhiều không ?

Tuấn khoa tay :

Chúng cháu tự trình diện cải tạo chứ không phải bị bắt.

- Không phải bị bắt ? Tự trình diện cải tạo ? Ông ta lẩm bẩm như có điều khó hiểu, rồi tiếp :

- Nghe nói các anh đều là sĩ quan của quân đội miền Nam phải không ?

Tuấn gật đầu :

- Dạ phải. Cũng có cả các viên chức cao cấp của các ngành khác như Cảnh Sát, Hành Chánh , Đảng phái v,v…

Thấy tôi từ nẫy chưa lên tiếng, ông chỉ vào tôi hỏi:

- Còn anh làm cấp bực gì ?

- Dạ cháu là Thiếu Tá, và tôi chỉ vào Tuấn: Còn bạn cháu đây là Trung Tá.

Ông ta lại gật gật cái đầu bù xù, nói với chúng tôi :

- Ôi ! Quan Tư và Quan Năm cả. Khốn khổ ! Các anh ráng giữ gìn sức khỏe để may mà còn có cơ hội trở về với gia đình. Ngày tù của các anh chắc còn lâu lắm. Tôi cho các anh hay : Tôi trước kia chỉ là Caporal Chief (Hạ Sĩ I) của quân đội Pháp. Sau 1954 cũng bị chúng bắt đi cải tạo 6 năm, rồi bị chỉ định cư trú taị đây cho đến bây giờ ! Chúng tôi ở ngoài này mong mỏi, tưởng rằng các anh ở trong đó sẽ ra cứu chúng tôi, cứu dân miền Bắc thoát khỏi chế độ này. Nào ngờ …!!! Ông ta bỏ lửng câu nói, đưa mắt quan sát chung quanh một vòng rồi tiếp :

- Thế là hỏng cả rồi ! Nhưng dù sao cũng ráng sống. Biết đâu một ngày nào đó …,! Thôi, tôi dặn các anh đừng trốn trại ở vùng này. Trốn không thoát đâu! Các anh biết đấy, đã có nhiều anh bỏ trốn nhưng rồi cũng bị bắt lại, và bị chúng đánh đập, hành hạ cho đến chết, nếu còn sống thì cũng thân tàn ma dại chẳng còn làm được gì !

- Dạ cảm ơn bác. Tuấn trả lời.

Sau một hồi nói chuyện. Chúng tôi thấy người đàn ông này thành thật và cảm thấy gần gũi ông ta hơn. Tôi hỏi :

- Gặp và nói chuyện với bác, chúng cháu mừng lắm. Xin bác vui lòng cho biết tên hoặc thứ để chúng cháu dễ xưng hô.

- Các anh cứ gọi tôi là Giáo Bàng. Tên tôi là Bàng. Ngoài công việc ruộng rẫy để sống, tôi còn dạy các trẻ em trong vùng để chúng biết ít chữ, nên người ta thường gọi tôi là Giáo Bàng.

Tôi hỏi tiếp :

- Chắc ông Giáo năm nay cũng gần 60 mươi rồi nhỉ ?

- Làm gì lắm thế. Tôi năm nay chưa tới 50 đâu anh ạ.

Thì ra ông Giáo Bàng chỉ hơn tôi và Tuấn chừng 10 tuổi. Vậy mà trông ông ta già hơn tuổi qúa nhiều. Rõ ràng hoàn cảnh thiếu thốn, cơ cực nó tác động đến con người như thế !

- Bác chỉ hơn chúng tôi khỏang hơn chục tuổi, ấy thế mà trông bác già qúa. Tuấn đã đổi cách xưng hô là chúng tôi (thay vì chúng cháu) cho phải cách. Tuấn định nói thêm gì đó thì tôi ngắt :

- Đã đến giờ phải về. Chúng tôi cảm ơn bác đã thương và cho ăn bữa sắn no nê. Chúng tôi hứa với bác sẽ nhớ những gì bác dặn và gói ghém những gì bác mong muốn. Chúng tôi thề nếu còn sống và có cơ hội nhất định phải làm gì cho đất nước và người dân thoát cảnh khốn khổ này! Sau khi nghiêm chỉnh hứa những lời trên, chúng tôi từ giã với ông Giáo Bàng.

Tới cuối năm 1978, tôi và Tuấn lại phải xa nhau vì chuyển trại. Tôi thì bị đưa về trại Phú Sơn 4. Còn Tuấn thì tôi không biết đi đâu. Mãi đến một năm sau, khi tôi bị chuyển về trại T.6 (Nghệ Tĩnh) mới hay tin Tuấn đã về ở trại này và đã trốn trại với 2 người bạn tù khác. Hai người này đã bị bắt lại, sau đó bị đưa đi đâu không ai biết. Còn Tuấn nghe nói hình như đã bị bắn chết trong rừng (?). Nghe tin âý tôi vô cùng đau đớn vì mất một thằng bạn, thằng Tuấn Ròm mà tôi luôn thương mến.

Bẵng một thời gian dài theo năm tháng, với những đắng cay, tủi nhục suốt 14 năm trong các trại tù cải tạo. Khi ra tù lại khổ sở, lo âu, thấp thỏm hàng ngày vì bị kìm kẹp, dòm ngó của bọn công an đia phương, và đặc biệt là những ngày chờ đợi đi Mỹ. Giờ đây tôi đã “thoát cũi xổ lồng”, được an tòan định cư trên xứ sở tự do này theo danh sách H. O6 vào cuối tháng 4 năm 1991.

Vào một dịp đi thăm bà con tại miền Nam Cali, tôi và bà xã đi mua sắm ít thực phẩm Việt Nam mà ở các tiểu bang khác ít người Việt không có bán. Tại bãi đậu xe, tôi thấy hai vợ chồng và người con gái cũng vừa bước ra khỏi chiếc Mercedes đời mới bóng loáng. Nhìn người đàn ông tôi ngờ ngợ quen quen. Tôi dụi mắt ngó sửng và nghĩ không lẽ là thằng Tuấn? Người kia thấy tôi cũng nhìn chằm chặp. Như có một hấp lực nào đó đã kéo chúng tôi đi lại gần nhau. Người đàn ông kia hỏi :

- Xin lỗi, anh có phải tên Tâm không ?

- Đúng, còn anh có phải là Tu. ấ..n, tôi ngập ngừng hỏi lại ?

Tức thì Tuấn ôm choàng lấy tôi. Chúng tôi cùng ôm nhau mừng rỡ! Sau đó cả hai giới thiêu vợ con. Tôi hỏi:

- Nghe nói mày trốn trại ở T.6 Nghệ Tĩnh và đã bị bắn chết trong rừng? Đâu ngờ mày còn sống và bây giờ sang trọng, mập mạp giống Mỹ quá! Vừa nói tôi vừa lắc lắc hai bờ vai chắc nịch của Tuấn và cười sung sướng.

Tuấn có vẻ tự hào :

- Thế mới tài chứ ! Tao không ngờ mình gặp nhau ở đây. Nghe nói bạn bè qua đây cũng nhiều, nhưng tao bận làm ăn và cũng chẳng muốn mất thời giờ bạn với bè làm gì nên không gặp ai cả ! Thế rồi, Tuấn kể lúc trốn trại, khi vượt biên, qua Mỹ vào năm 1984 và bây giờ có nhà, có xe, các con đều học hành đỗ đạt. Kể xong Tuấn hỏi lại tôi:

- Thế mày lúc này ở đâu, làm gì, gia đình con cái ra sao?

Tôi cho Tuấn biết lúc này tôi đã nghỉ hưu, đang hoạt động trong một hội đoàn đấu tranh của những anh em CTNCT.

Vừa nghe xong Tuấn phán :

- Ôi ! Sao không lo làm ăn, vui vẻ với gia đình, con cháu. Tham gia mấy thứ Hội nọ, Đoàn kia làm gì cho tốn phí thời giờ ! Giờ này mà còn tranh đấu, trâu đánh để ăn cái giải gì ?

Nghe Tuấn thốt ra những lời lẽ ấy tôi thật hụt hẫng, bất ngờ. Đột nhiên tôi cảm thấy nóng mặt, hai lỗ tai lùng bùng, mất bình tĩnh đáp lại :

- Mày đòi ăn cái giải gì bây giờ ? Có hơn 80 triệu cái giải… rút quần của người dân khốn khổ nơi quê nhà, mày có muốn ăn không? Tôi giận đỏ mặt, muốn chửi thề thêm, nhưng vì trước mặt vợ con hắn tôi đành kìm lại, và tìm cách cáo từ trong cái bắt tay lỏng lẻo, lạnh lùng.

Tôi bước đi vôi vã trong nhiều ý nghĩ. Thật không ngờ, một thằng bạn nối khố cùng chia sẻ ngọt bùi, cay đắng; cùng lý tưởng, và thân thiết từ hồi còn học trung học. Một thằng bạn đã từng vang danh trong các trân mạc; đã từng bị đói khát, bị đánh đập, đầy ải qua các trại tù của địch mà giờ này lại thốt ra được những lời lẽ ấy !!!

Tôi tự hỏi: Không lẽ sự giầu sang, hạnh phúc cá nhân đã làm cho hắn quên đi lý tưởng, quên cả bổn phận và trách nhiệm đối với đồng đội, đồng tù đã hy sinh để hắn có được ngày hôm nay !.

Tôi như lẩm bẩm một mình: Tuấn ơi, mày còn nhớ chăng những toan tính, những ước mơ khi còn ở trong các trại tù ? Mày còn nhớ những trận đòn thù của địch đã hơn một lần còn hằn trên thân thể của mày? Mày còn nhớ những lời hứa với Giáo Bàng bên bờ suối, với những củ sắn của ông ta đã thêm sức cho mày được tới hôm nay ? Mày có hay chăng tổ quốc đang sắp mất vào tay kẻ thù Trung Cộng và đồng bào trong nước, trong đó có thân nhân, chiến hữu của mày còn đang khốn khổ bởi bọn CS cầm quyền bán nước, hại dân !!!


Ngô Xuân Tâm