CHƯƠNG 10



Giang Đoàn Trục Lôi



Tuấn về nước gần cuối năm 1971, chọn đơn vị phục vụ là Giang Đoàn 91 Trục Lôi. Căn cứ hiện thời của đơn vị nằm cạnh Sở Hàng Hà bên Thị Nghè. Giang đoàn này nghe tên thì có vẻ nguy hiểm ghê gớm lắm, nhưng thật ra là một đơn vị bán tác chiến. Tuấn đến trình diện đơn vị mới vào một buổi sáng mùa Thu. Nhìn vài giãy doanh trại nhỏ xíu tọa lạc ngay ven sông, san sát những bụi dừa nước thấp và cầu cập tàu là những pontoon sắt ghép lại, Tuấn hơi thất vọng. Chàng đã chọn một đơn vị giang đoàn tại ngay Sài Gòn với mục đích có thời gian làm quen với đời lính và ổn định lại cuộc sống cá nhân của mình. Hơn nữa, chàng không muốn chọn một đơn vị tác chiến khi chưa có chút gì về kinh nghiệm chiến đấu, hoặc mới ra trường đã mút mùa lênh đênh theo những chuyến tuần dương dài hạn. Tuấn chỉ đợi khoảng mươi phút thì người hạ-sĩ Bí Thư ốm tong ra mời vào trình diện vị Chỉ-Huy-Trưởng của đơn vị. Tuấn sửa lại bộ tiểu-lễ trắng cho chỉnh tề, đội mũ casket ngay ngắn lại, rồi bước vào văn phòng, giơ tay lên chào theo lễ nghi quân cách, xưng tên tuổi và số quân. Ông Thiếu-Tá Chỉ-Huy-Trưởng chào lại rồi ngước nhìn Tuấn từ đầu đến chân, hỏi vài câu chuyện xã giao, sau đó ông đưa Tuấn qua giới thiệu với vị Đại-Úy Chỉ-Huy-Phó. Chỉ-Huy-Phó cũng có gia đình ở Đà Lạt, nên câu chuyện trở nên thân quen với đề tài xoay quanh thành phố đó. Chỉ-Huy-Phó dẫn Tuấn đi thăm doanh trại, giới thiệu chàng với vài sĩ-quan, hạ-sĩ-quan và nhân viên chính yếu của đơn vị. Ban đầu, Tuấn còn xa lạ với nếp sống cùng sinh hoạt trong đơn vị, nhưng chỉ vài ngày sau, chàng điều chỉnh lối sống của mình để phù hợp với công việc một cách thật nhanh chóng và dễ dàng.

Tuấn được chỉ định đảm nhận chức vụ một trong bốn Phân-Đoàn-Trưởng, coi sóc một phân đoàn trục-lôi-đỉnh gồm 6 chiếc tàu sắt rà mìn. Công tác thường nhật của Tuấn là trông coi cho thủy-thủ-đoàn của mình bảo trì tàu bè, chăm sóc tinh thần kỷ luật và nhận công tác rà mìn với các sĩ quan khác. Nhiệm vụ chính của đơn vị là rà mìn Sông Lòng Tào, Sông Soài Rạp và Sông Đồng Nai để bảo đảm sự an toàn cho tàu buôn và các chiến hạm hải quân di chuyển trên các thủy trình này từ Vũng Tàu vào Sài Gòn hoặc lên Biên Hòa. Ngoài nhiệm vụ rà mìn, giang đoàn còn được xử dụng rà mìn hộ tống các xà lan chở bom đạn từ Kho Đạn Thành Tuy Hạ lên Biên Hòa cùng tham dự trong những cuộc hành quân hỗn hợp với các thành phần Hải, Lục, Không Quân ở khắp nơi nếu cần.

Trục-lôi-đỉnh có hai loại: tàu gỗ được chế tạo đặc biệt để rà mìn, hoặc loại tiểu đĩnh đổ bộ LCM bằng sắt được biến cải thành. Trong công tác rà mìn tiêu biểu, trục-lôi-đỉnh thường kéo theo đằng sau một cặp xích mà những mắt xích được hàn với ngạnh thép thành hình xương cá. Một đầu xích rà mìn được buộc vào giây cáp và gắn vào một cái phao hình con cá, trên lưng cắm cờ đỏ. Khi rà mìn, nhân viên quay trục cáp, thả phao và giây cáp gắn xích rà mìn xuống sát lòng sông rồi kéo theo tàu. Xích rà mìn sẽ cắt đứt giây điện nối từ quả mìn neo ngoài sông và bộ phận kích hỏa trên bờ. Hai tàu rà mìn chạy song song sát bờ sông cũng kéo giây cáp gắn tấm lưới đan bằng sợi fiber giăng ngang qua sông để rà những quả thủy lôi thả trôi hoặc neo tại vị trí cố định trên sông. Công tác rà mìn thường nhật chỉ đơn giản như vậy. Tuy nhiên, trong những chuyến công tác rà mìn hộ tống các xà lan chở bom và đạn dược từ Kho Đạn Thành Tuy Hạ lên Biên Hòa theo Sông Đồng Nai, công tác được hoạch định qui-mô hơn với sự phối-hợp của giang đoàn Tuần Thám hộ tống và các đơn vị Địa Phương Quân án ngữ hai bên bờ sông trong suốt thủy trình đi qua. Một sĩ quan thâm niên, thường là Chỉ-Huy-Trưởng hoặc Chỉ-Huy-Phó của giang đoàn tham dự, luân phiên nhau chỉ huy lực lượng phối hợp. Trong trường hợp đó, lực lượng gồm 3 cặp trục-lôi-đỉnh rà mìn và 4, 5 cặp giang-tốc-đỉnh PBR hộ tống và yểm trợ cho những chiếc tàu dòng kéo theo sau hơn trăm thước giây cáp những xà-lan kết với nhau chở đầy bom đạn. Đội hình hộ tống cũng hơi thay đổi. Một cặp trục-lôi-đỉnh thả xích rà mìn đi tiên phong mở đường được yểm trợ bởi một cặp PBR, thành phần kế tiếp cũng tương tự như vậy. Cặp trục-lôi-đỉnh thứ ba thả lưới rà mìn cũng được yểm trợ bởi hai PBR. Một hoặc hai chiếc tàu dòng kéo nhiều xà lan chở bom đạn đi giữa đoàn, và cuối cùng là hai cặp PBR nữa đi đoạn hậu.

Tuấn dùng số tiền dành dụm được sau chuyến du học, mua một chiếc xe Honda 50cc làm phương tiện di chuyển và ở tạm tại nhà ông bác họ gần ngã ba Trương Minh Giảng và Kỳ Đồng trong thời gian đầu phục vụ tại Giang Đoàn Trục Lôi. Tuấn thích hợp với không khí đại-gia-đình của đơn vị, trong đó, dù hệ thống quân giai và quân phong quân kỷ vẫn phải duy trì nhưng sĩ quan, hạ-sĩ-quan và nhân viên coi nhau như anh em cùng đối xử với nhau một cách thân tình. Điều Tuấn thích nữa là căn cứ đóng cạnh khu Thị Nghè đông dân cư và sinh hoạt phố phường cũng tương đối nhộn nhịp. Những ngày nghỉ, chàng chỉ phóng xe vài phút qua khỏi đoạn đường có hai giãy phố thấp thì đã đến cầu Thị Nghè và bên kia cầu là thành phố Sài Gòn hoa lệ. Dần dà, Tuấn trở nên quen thuộc với nhiệm vụ và bổn phận của mình cũng như thân thiết hơn với tất cả sĩ quan cùng nhân viên trong đơn vị. Chàng cảm thấy đời sống cũng như công tác tại đơn vị này rất thoải mái, chứng tỏ rằng sự chọn lựa đơn vị đầu tiên trong đời binh nghiệp của chàng là hợp lý.

Về nước đã hơn một tháng rồi, Tuấn vẫn chần chừ, nửa muốn đến thăm Tâm, nửa lại không. Mặc dầu Tuấn nhớ nàng quay quắt và tò mò muốn biết đời sống mới của Tâm bây giờ ra sao, nhưng chàng cũng ngại gây xáo trộn cho đời nàng nên phân vân mãi. Cuối cùng, nhớ quá, chàng quyết định ghé tới tìm Tâm theo địa chỉ nàng đã cho năm ngoái. Tuấn dừng lại trước một ngôi nhà gạch, nhiều cây lá, trước nhà có cổng rào sắt. Tuấn hồi hộp bấm chuông. Một bà đứng tuổi, tóc vấn trần ra mở cổng:
-Cậu tìm ai?
Tuấn hỏi thăm:
-Xin lỗi bà, đây có phải là nhà của cô Tâm không ạ?
-Dạ phải, cô Tâm không có ở nhà.
Tuấn mừng vì đến đúng nhà nhưng hơi thất vọng vì không gặp Tâm, chàng hỏi thêm:
-Chừng nào thì cô Tâm về hả bà?
-Khoảng năm giờ. Cậu muốn tìm cô Tâm có chuyện gì không? Có Bà tôi ở nhà.
Tuấn bỗng thấy một bà tuổi trung niên, mặc bộ đồ màu mỡ gà mở hé cánh cửa hỏi vói ra:
-Việc gì thế bà Năm? Bà Năm ngoái cổ lại trả lời:
-Cậu ấy hỏi thăm cô Tâm.
-Mời cậu vào chơi đã.
Bà Năm mở rộng cánh cổng sắt để Tuấn dắt xe vào. Chàng dựng chiếc xe Honda sát hàng rào rồi bước trên con đường đá sỏi dẫn vào nhà.

Nhìn gương mặt hiền hậu, dáng dấp sang trọng và có nét giống Tâm, Tuấn đoán bà ấy là mẹ của nàng, nên gật đầu chào rồi bước vào cửa. Mẹ Tâm dẫn Tuấn vào phòng khách và mời chàng ngồi. Sau khi ngồi xuống bộ sofa da màu ngà trong phòng khách, Tuấn tự giới thiệu:
-Thưa bà, cháu là Tuấn, bạn học cũ của Tâm ở Đà Lạt.
Mẹ Tâm vồn vã:
-À cậu Tuấn! Con Tâm có nói chuyện với tôi về cậu. Cậu về nước khi nào vậy?
Tuấn nhìn mẹ Tâm trả lời:
-Cháu về Sài Gòn được hơn tháng rồi bác.
Mẹ Tâm gật gù, nhìn chàng. Tuấn nhích người, ngồi dựa sát vào lưng ghế, kéo lại ống quần cho thẳng thớm rồi chàng thong thả tiếp luôn:
-Tâm có cho cháu biết về tin buồn của bác trai khi cháu còn bên Mỹ. Cháu xin chia buồn với bác và gia đình.
Mẹ Tâm thở dài thấp giọng:
-Cảm ơn cậu. Nhà tôi không may mất sớm khiến gia đình thật bối rối. Cũng may là có bạn bè của Nhà tôi giúp đỡ và con Tâm trở về nên nhà cửa đỡ trống vắng.
Ngưng vài giây, mẹ Tâm lại hỏi:
-Thế cậu bây giờ đóng ở đâu?
-Cháu đang làm việc bên Thị Nghè, cạnh Sở Hàng Hà bác ạ.
Mẹ Tâm ồ một tiếng rồi nói:
-Cũng gần nhỉ! Gia đình cậu ở đây hay vẫn ở Đà Lạt?
-Vẫn ở Đà Lạt, Bác.
-Ông bà cụ vẫn khỏe chứ, phải không cậu?
-Cảm ơn bác, mẹ cháu vẫn bình yên. Lâu rồi cháu chưa có dịp về Đà Lạt.

Bà Năm bưng khay nước đặt trên mép bàn chân quỳ làm bằng gỗ gụ hình quả trám, trên đặt khung kính dầy. Bà lấy hai ly nước ngọt đặt trên hai cái khay nhỏ, đẩy một ly về phía mẹ Tâm, một ly cho chàng. Bà cẩn thận đẩy ly nước tránh chậu lan đang nở hoa thơm ngát đặt giữa mặt bàn.
Mẹ Tâm nhìn chàng bảo:
-Mời cậu dùng nước đi.
Tuấn nói cám ơn rồi nhấc ly nước, mời mẹ Tâm, uống một hớp rồi đặt ly xuống. Mẹ Tâm cũng chậm rãi nhấp nước. Tuấn bây giờ mới có dịp quan sát chung quanh. Trong phòng khách, chiếc tủ kính dài thấp kê sát tường, cũng bằng gụ, bên trong chưng vài tượng điêu khắc nhỏ bằng ngọc bích, cái quạt bằng ngà voi cùng vài chiếc lọ và bát đĩa cổ trong đó chàng biết được chiếc bình thời Khang Hi rất phổ thông. Ngay trên tủ kính, treo bức họa "Bữa Tiệc Ly" của Chúa Giê Su với mười hai tông đồ. Bức tranh sơn mài cảnh "Trẩy Hội Đền Hùng" thời xưa trông rất cổ kính treo trên tường phía bên chàng ngồi. Trên tường bên kia treo một bức tranh khảm xà cừ "Mai Lan Cúc Trúc" lóng lánh nối liền với nhau thành một bức khảm to. Phía dưới, cạnh đầu ghế sofa gần cửa sổ là chiếc bàn nhỏ cùng kiểu chân quỳ với bàn giữa phòng khách. Trên đặt một chậu tùng kiểng Nhật Bản tỉa thành những tàn lá cao thấp, che cho cặp hạc trắng co chân đứng bên gốc tùng cổ thụ.

Tuấn nhìn khung hình gia đình phóng to đặt trên mặt tủ kính, lướt qua ảnh mọi người rồi dán mắt vào hình Tâm, nhưng hỏi tránh:
-Anh Hòa có thường về thăm gia đình không hả bác?
-Nó cũng mới về hồi Ba nó mất. Ở nhà hơn một tháng rồi trở qua Mỹ lại. Nó bảo năm cuối bậc Cử Nhân bài vở quá nhiều.
-Anh ấy sắp xong Cử Nhân, bác nhỉ?
-Cuối năm nay thì xong. Sau khi ra trường, tôi bảo nó về trông coi công việc làm ăn, nhưng nó muốn học lên Master nữa thì phải.
Tuấn tế nhị:
-Có chí như anh ấy, điều gì cũng đạt được dễ dàng bác ạ. Hai năm nữa sẽ qua nhanh lắm.
Mẹ Tâm chặc lưỡi:
-Công ty đang cần người chăm sóc. Con Tâm hiện giờ, những lúc rảnh rỗi cũng vào giúp làm sổ sách giấy tờ, còn phần điều hành vẫn giao cho người phụ tá của Nhà tôi trước kia. Cậu nghĩ coi, người nhà mình mới tin cậy hoàn toàn được chứ?
Tuấn gật đầu đồng ý:
-Đúng rồi bác! Chẳng ai tin cậy được như người nhà. Tuy nhiên, có Tâm giữ sổ sách kế toán thì bác khỏi phải lo lắng gì.
-Có nó tôi cũng yên chí, nhưng rồi ...
Mẹ Tâm chợt yên lặng, bỏ lửng câu nói. Tuấn đoán được ý nghĩ của bà, nhưng nói lảng sang chuyện khác:
-Tâm dạo này ra sao hả bác? Vừa học vừa làm việc chắc là bận rộn lắm?
Mẹ Tâm lại thở dài:
-Con Tâm rất buồn khổ khi ba nó mất. Cả mấy tháng nó cứ thừ người, ăn lấy lệ, chả nói năng gì cả làm tôi lo sợ.
Tuấn cảm thấy áy náy:
-Chắc Tâm thương nhớ bác trai quá.
Mẹ Tâm lại tiếp:
-Cũng may mà nó xin vào được Văn Khoa. Việc làm là phụ, nhưng bài vở nhiều nên nó cũng bận rộn. Còn cậu đã lập gia đình chưa?
Tuấn cười gượng:
-Cháu còn lông bông lắm nên chưa dám nghĩ đến chuyện hôn nhân bác à!
Mẹ Tâm đồng tình:
-Đúng đấy cậu. Kiếm được người đàng hoàng cũng khó. Con trai hay con gái cũng vậy. Tôi thấy bây giờ trai gái mới lớn lên chúng đua đòi, ăn diện quá thể.
Tuấn đưa đẩy:
-Gặp được người tốt đã khó, còn phải có duyên với nhau nữa, phải không bác?
Mẹ Tâm nhìn chàng kỹ hơn, giọng ân cần:
-Cậu nói phải đó. Con Tâm nó thương cậu, nhưng nó không có duyên với cậu, nên việc chẳng thành. Cậu đừng buồn làm gì! Người như cậu chả thiếu gì bạn đâu.

Vừa dứt câu, Tuấn nghe tiếng xe hơi dừng trước nhà, tiếng cửa xe đóng lại và rồi hai tiếng chuông reng khiến chàng tự nhiên thấy hồi hộp. Bà Năm trong nhà chạy ra mở cổng. Tiếng bà Năm vọng vào:
-Cậu Huyến. Mời cậu vào. Nhà cũng đang có khách.
Giọng đàn ông chững chạc:
-Khách nào vậy bà Năm?
-Có cậu gì bạn cô Tâm trước kia ở Đà Lạt.
Không nghe tiếng trả lời. Mẹ Tâm cũng yên lặng lắng nghe. Tiếng chân bước trên sỏi lạo xạo. Bà Năm trở vào nhà với một người đàn ông trung niên trong bộ quân phục màu cứt ngựa, cầu vai màu huyết dụ nổi bật ba bông hoa mai vàng sáng chói.
Mẹ Tâm vồn vã hơn:
-Cháu Huyến. Ngồi chơi đi cháu. Đây là cậu Tuấn, bạn học với con Tâm ở Đà Lạt.
Huyến nhìn chàng, giơ tay:
-Hân hạnh biết anh.
Tuấn nhìn Huyến mỉm cười, đứng dậy bắt tay Huyến:
-Nghe Tâm nhắc đến anh luôn, giờ mới được gặp.
-Hai cháu ngồi đi.
Huyến ngồi xuống sofa bên phía mẹ Tâm. Bà Năm đem ra cho Huyến ly nước. Huyến người tầm thước có khuôn mặt khắc khổ. Thỉnh thoảng Huyến lén nhìn chàng soi mói. Mẹ Tâm lên tiếng pha loãng bầu không khí đột nhiên ngột ngạt:
-Hôm nay cháu tới sớm vậy Huyến? Con Tâm chưa về.
Huyến quay sang mẹ Tâm:
-Cháu muốn rủ Tâm đi phố chọn ít hàng vải cho Tâm may áo.
Đưa mắt nhìn chàng, Huyến tiếp:
-Còn khoảng hai tuần nữa thôi bác.
Mẹ Tâm ái ngại, nhìn Tuấn dò xem phản ứng:
-À cậu Tuấn biết không. Huyến và con Tâm sắp làm đám hỏi, rồi để mãn tang sẽ làm đám cưới. Tuấn cố dấu xúc động, nhìn mẹ Tâm rồi Huyến:
-Cháu xin chúc mừng bác, anh Huyến và Tâm.
Huyến xã giao:
-Nếu anh rảnh, hôm đó mời anh đến chung vui?
Tuấn nhìn Huyến đáp:
-Tôi sẽ rất vui. Tuy vậy, tôi chưa dám hứa trước anh Huyến à. Nhiều khi phải đi công tác. Anh biết đó! Lính tráng mà. Nhất là lính biển.

Tuấn nói chuyện với mẹ Tâm và Huyến một hồi nữa, ý muốn đợi Tâm về. Mẹ Tâm cũng dè dặt hơn trước. Huyến ít nói. Hỏi thì trả lời, không thì chỉ ngồi nghe chuyện, vẻ mặt thường lầm lì khiến không khí đôi lúc nặng nề thêm. Máy lạnh trong nhà chạy rè rè cũng giảm bớt phần nào ngột ngạt và quạt trần quay nhè nhẹ làm rung rinh những cánh lan vằn vèo như những con bạch tuộc nhỏ khiến căn phòng khách có vẻ sống động hơn thật sự. Đồng hồ treo tường vừa điểm bốn tiếng. Thấy nói chuyện xã giao với Huyến và mẹ Tâm đã lâu, Tuấn đứng dậy kiếu từ, không quên gửi lời thăm hỏi Tâm và hẹn có dịp sẽ ghé thăm.

Tuấn phóng xe lên Chợ Bến Thành. Sài Gòn lúc nào xe cộ vẫn nườm nượp. Tiếng động cơ của đủ loại xe cộ nổ ầm ầm không ngưng nghỉ. Khói xe hơi, khói xe gắn máy phun mù mịt như màn sương trắng xanh trong ánh nắng chói chan. Mặc quần áo dân sự, chỉ chốc lát là áo trắng của chàng đã dính đầy bụi khói đen thui. Lái xe giữa phố phường, len lách trong giòng xe cộ mà Tuấn chẳng cầm trí được. Chàng nghĩ đến Tâm, đến cuộc đối thoại vừa rồi. Chàng hơi mặc cảm về địa vị của mình: Một sĩ quan mới ra trường, lương ba cọc ba đồng, chưa có nơi ăn chốn ở riêng tư, sao so sánh được với Huyến. Tuấn hơi buồn. Chàng thở dài: Cố quên Tâm đi.




CHƯƠNG 11

Niềm Vui Hội Ngộ



Vừa họp sĩ quan xong, Tuấn bước ra khỏi Phòng Hành Quân đơn vị thì nghe nhân viên trực nhật gọi giật giọng:
-Chuẩn Úy Tuấn!
Chàng quay lại. Thằng em trực nhật nói tiếp:
-Có một cô tìm ông nãy giờ. Trông hết sẩy!
-Xạo hoài mày!
-Thật đó ông thầy.
Tuấn ngạc nhiên, nheo mắt nghĩ ngợi: Ai vậy kìa?
Thằng em nhỏ giọng tiếp luôn:
-Cô ấy đợi bên Sở Hàng Hà, Chuẩn Úy.
Tuấn cảm ơn nó rồi bước ra cổng qua Sở Hàng Hà.

Bước lên khỏi bậc tam cấp trước cửa Sở Hàng Hà, Tuấn thấy Tâm đứng tần ngần trong đó. Trước mặt là người chàng yêu dấu bằng xương bằng thịt đã xa cách bao lâu nay. Tuấn đã nhớ nàng quắt quay, đã mơ tưởng đêm ngày và đã mong đợi từng giây gặp lại. Tuấn muốn chạy đến ôm nàng thật chặt để thấy rằng chàng vẫn có Tâm như thuở ban đầu gặp gỡ, vẫn còn nàng như lúc mới bỡ ngỡ nói tiếng yêu đương. Nhưng sao ngôn ngữ Tuấn vụng về, đôi chân hóa thạch để chỉ lặng nhìn người yêu của chàng đứng kia thật gần mà đang thoát tầm tay.

Tâm vừa quay lại, nhìn thấy Tuấn, nàng nghẹn ngào không nói nên lời. Tuấn của nàng đó sao? Nàng tưởng rằng đã mất chàng từ lâu và chẳng bao giờ gặp lại lần nữa. Thế mà chàng đang đứng trước mặt, chỉ vài bước chân là nàng sẽ nằm trong vòng tay yêu thương của chàng mà từng đêm nàng hằng mơ ước. Có phải anh đã trở về từ giấc chiêm bao nào, cho em ngỡ ngàng cuống quít, cho em đắm đuối tâm tư và xôn xao nỗi nhớ?

Tuấn và Tâm như vừa chợt tỉnh cơn mê. Tuấn bồi hồi quá, cố trấn tĩnh gọi nhỏ:
-Tâm.
-Anh Tuấn.
-Sao Tâm biết anh ở đây?
-Me em nói chuyện.
Tuấn bước đến bên Tâm, nắm bàn tay mềm mại và nhìn đăm đắm vào đôi mắt đẹp như nhung của nàng. Tim chàng đập rộn rã trong lồng ngực. Những ngón tay Tâm run nhẹ nằm yên trong tay Tuấn. Tâm hít một hơi dài dằn bớt xúc động, rồi ngước nhìn chàng trách yêu:
-Anh tệ quá! Sao biệt tăm tới giờ mới đến em?
Tuấn hằng mong đợi lời trách móc đầy yêu thương này của Tâm từ lâu:
-Anh bận Tâm ạ! Chân ướt chân ráo về đơn vị mới, anh phải vừa học hỏi công việc làm của mình vừa đi công tác liên miên.
-Khổ lắm không anh?
-Chẳng đến nỗi nào.

Tâm dạo này hơi ốm. Tóc nàng cắt cao hai bên, đuôi tóc dài hơn, uốn cong ra ngoài chấm vai, phô chiếc cổ cao đeo sợi giây vàng nhỏ xíu có hình thánh giá. Tâm mặc váy màu đậm có sọc ca-rô nhiều màu chết đan vào nhau, áo lụa trắng. Cổ tay nàng đeo một cái đồng hồ vàng nhỏ và trên vai cái sắc da giây choàng qua cổ như những lần đi chơi với chàng ở Đà Lạt. Trông nàng vẫn xinh xắn như xưa, chỉ đôi mắt là hơi quầng sâu.
Tuấn âu yếm:
-Anh nhớ em quá!
Tâm nói nhỏ vừa đủ cho chàng nghe:
-Em nhớ anh còn hơn thế nữa.
Tuấn như chợt nghĩ ra điều gì, chàng chần chừ rồi buông nàng ra:
-Đến thăm, không gặp em mà chỉ gặp mẹ em và anh Huyến. Buồn muốn chết!
Tâm nhìn chàng tội nghiệp:
-Hôm đó, mãi tới gần 6 giờ em mới về. Nghe bà Năm bảo có bạn học cũ ở Đà Lạt đến thăm, thoạt tiên em không biết là ai, vào nhà mẹ nói rõ mọi chuyện. Em mừng ghê nhưng cũng buồn vì không gặp anh, nên anh Huyến rủ đi phố, em viện cớ nhức đầu hoãn lại hôm sau. Biết anh ở Sở Hàng Hà, em mới tìm dịp tới kiếm anh đấy.
Tuấn nghe nói cảm động, chỉ muốn có dịp tâm sự cho vơi bớt nỗi nhớ thương chồng chất từ lâu. Chàng nhìn chung quanh, rồi quàng tay sau lưng Tâm, nói nhỏ:
-Ở đây không tiện, mình ra ngoài kiếm chỗ nào ngồi nói chuyện, nhá Tâm?

Tuấn và Tâm ngồi uống nước trong một quán lụp sụp bên cạnh Sở Hàng Hà. Tâm thuật sơ qua mọi chuyện xảy ra trong thời gian chàng ở Mỹ. Thỉnh thoảng, nàng ngưng lại vài giây để trấn tĩnh cơn sóng gió trong lòng. Kể xong, Tâm ngừng lại nghỉ giây lát. Nàng dùng hai ngón tay vuốt nhẹ những giọt nước đọng ngoài thành ly nước ngọt vài lần, lên tiếng trách:
-Đang buồn vì Ba mất, lại nhận được thư anh bảo hãy quên nhau, em chỉ muốn điên lên. Sau mấy thư em gửi, anh không trả lời, em nghĩ có lẽ anh quen người khác, quên em rồi, em vừa buồn khổ vừa giận, chỉ muốn chết cho xong nợ.
Tâm chớp mắt nhè nhẹ, cố ngăn những giọt lệ đang ứa ra trong khóe mắt. Tuấn đặt tay lên bàn tay Tâm vuốt những ngón tay búp măng thon nhỏ của nàng an ủi:
-Đừng buồn anh nhá Tâm! Anh yêu em và vẫn yêu em như ngày xưa. Không có gì làm thay đổi tình cảm anh đã dành cho em. Em biết không! Dạo đó em là tất cả những gì quý nhất anh có. Mất em, anh cũng buồn, cũng khổ không kém gì em cả. Nhưng suy nghĩ mãi, anh thấy đó là giải pháp tốt nhất cho em lúc ấy. Hơi cải lương một tí, nhưng có thể nói là vì yêu em nên anh hi sinh tình yêu của mình. Hai mắt Tâm đã đỏ hoe, nàng để mặc cho những giọt nước mắt nóng hổi lăn xuống má, rơi xuống bàn. Tuấn áp đầu Tâm vào vai chàng, nghe lòng dâng lên niềm thương yêu mênh mang. Tuấn muốn ôm ghì lấy nàng, hôn lên mắt, môi nàng, khắp thân thể nàng, để uống những giọt nước mắt mằn mặn đang rơi đó, để tan biến vào nhau như hai dung dịch cùng chuẩn độ, để san bằng cho nhau tất cả niềm thương nỗi nhớ nhưng nhức bao lâu nay. Đợi cơn xúc động qua đi, chàng nâng mặt Tâm lên, nhìn sâu vào đôi mắt đẫm lệ thăm thẳm của nàng khích lệ:
-Chúng mình cố gắng Tâm ạ! Chúng mình vẫn còn nhau cơ mà? Khi nào anh chưa bị "thủy táng" thì anh vẫn còn dịp ghé thăm em. Không thành vợ chồng thì mình thành anh em hay bạn bè vậy.
Tâm cười gượng, lấy khăn trong sắc tay thấm nước mắt. Nàng hỏi nhỏ:
-Có trễ quá không anh?
-Em muốn nói về điều gì?
-Thay đổi tình trạng hiện tại.
Tuấn lo thầm:
-Không nên Tâm ơi! Chuyện đã qua nó thuộc về quá khứ rồi. Hiện tại là sắp đến đám hỏi của em và anh Huyến. Anh thấy anh Huyến có căn bản tốt, sẽ bảo đảm được hạnh phúc cho em.
Tâm khẽ lắc đầu:
-Nhưng em không yêu anh Huyến.
-Tình yêu có thể đến sau. Dù bây giờ không yêu đi nữa, sau này, sống với nhau có con cái rồi, mình cũng vì tình nghĩa. Huống chi, hai bên gia đình đã hứa hôn.
-Em muốn sống đúng với lòng mình anh ạ.
-Nhiều điều mình muốn nhưng không làm được. Có khi không muốn mà vẫn phải làm. Em nên vâng lời ông anh này chứ?
Tâm không trả lời, tay mân mê chiếc thánh giá trước ngực, mắt nàng buồn rười rượi. Tuấn thấy thằng em trực lấp ló. Nó chỉ tay vào đồng hồ đeo tay của nó nhắc Tuấn nhớ tới giờ đi công tác rà mìn. Tuấn nhìn nó gật đầu. Nói chuyện với Tâm vài phút nữa rồi chàng trả tiền nước, dìu Tâm đứng dậy, vừa đi vừa nói:
-Anh vui lắm khi gặp lại em, hiểu được lòng em. Chúng mình là bạn thân, là anh em. Em có thể tâm sự mọi chuyện với anh mà không phải nghi ngại gì cả. Tới giờ anh đi công tác rồi. Em về vui. Anh sẽ đến thăm khi rảnh rỗi, Tâm nhá!
Tới chỗ dựng xe, Tâm mở khóa cổ xe, ngồi lên yên, sửa váy lại cho gọn ghẽ, nhìn Tuấn định nói điều gì nhưng lại đổi ý lặng thinh. Tuấn viết số điện thoại của đơn vị vào một mảnh giấy nhỏ đưa Tâm, rồi cầm tay nàng:
-Anh vẫn yêu em. Cần thì cứ gọi cho anh.
Tâm bỏ mảnh giấy vào sắc tay, nổ máy xe, nói nhỏ với chàng:
-Em yêu anh. Em về.

Tâm bịn rịn mãi mới cho xe từ từ chạy qua những gian nhà lụp sụp hai bên đường về hướng Sài Gòn. Tuấn nhìn theo cho đến khi màu áo trắng của nàng chìm khuất sau khúc quanh của giẫy phố thấp, mới lững thững bước vào trại như người mất hồn. Chàng thật sự mất Tâm rồi. Lòng Tuấn sao trống trải mênh mang buồn.

Tuấn trở về Phòng Hành Quân, mặc chiếc áo giáp chắn đạn vào người, khoác giây đeo khẩu Colt 45 lên vai, cầm tập hồ sơ và bản đồ công tác rồi bước vội xuống cầu tàu. Những chiếc trục-lôi-đỉnh đã nổ máy xình xịch chờ đợi, phun ra đằng sau đuôi tàu lớp khói mỏng quyện trên mặt sông đang đầy. Giòng nước nhỏ dưới hầm máy được bơm ra ngoài thành giòng bên sườn tàu, thỉnh thoảng lại bị đứt quãng như bị bóp nghẽn bởi tiếng kẽo kẹt, nhức nhối của giây thừng nghiến vào móc buộc trên cầu tàu. Tuấn dừng lại vài phút, ngắm những chiếc trục-lôi-đỉnh cặp thành hàng sát nhau, che chở bởi những phao nổi màu cam và bánh xe hơi treo hai bên thành tàu để tránh xây sát hoặc móp bể vì cọ sát khi tàu dập dình trên mặt nước. Chàng đã quen thuộc với những chiếc tiểu đĩnh dầu giãi nắng mưa và nhóm nhân viên giàu tinh thần trách nhiệm này. Nhân viên chào kính khi thấy Tuấn đến, chàng giơ tay chào lại rồi quay sang Trung-Sĩ-Nhất Chính hỏi:
-Mọi việc sẵn sàng chứ anh Chính?
Chính cười tươi, giơ ngón tay cái lên ra dấu, nhìn chàng trả lời:
-Đã sẵn sàng hết rồi Chuẩn Úy. Tôi đã lãnh khẩu phần lương khô công tác cho ông thầy rồi. Ông đi trên tàu tôi cho vui?
Tuấn gật đầu rồi bước xuống chiếc trục-lôi-đỉnh do Chính làm thuyền trưởng. Chàng nhấc ống liên hợp của máy truyền tin PRC25 gọi các trục-lôi-đỉnh khác nhận báo cáo về tình trạng sẵn sàng, liên lạc với đơn vị bạn trên bờ, rồi báo cáo với Phòng Hành Quân giờ khởi hành công tác rà mìn.

Lần lượt, từng chiếc trục-lôi-đỉnh màu xám nhạt theo nhau tách bến ra sông trong đội hình hàng dọc. Đến vị trí ấn định, Tuấn ra lệnh cho các tàu vào đội hình rà mìn: từng cặp trục-lôi-đỉnh chạy song song, mỗi chiếc sát một bờ sông và tất cả nhân viên đều được đặt trong tình trạng tác chiến suốt thời gian công tác. Nhân viên trên cặp trục-lôi-đỉnh dẫn đầu đoàn tàu quay trục cáp thả xích rà mìn và phao hình con cá há miệng đỏ lòm, nhe răng nhọn hoắt xuống sông, trên lưng cắm cây cờ đỏ, đuôi nhọn phất phới theo gió. Cặp tàu kế tiếp thả lưới và phao, còn cặp thứ ba chạy theo đội hình hàng dọc giữa sông, hộ tống cho hai cặp tàu đang rà mìn kia, hoặc dự bị nếu cần, sẽ thay thế cho những chiếc gặp trở ngại.

Trong khi công tác, tới giờ ăn thì nhân viên trên tàu nấu cơm gạo sấy, chế biến thức ăn với thịt hộp thành bữa cơm tuy đạm bạc nhưng thân tình và ngon miệng. Những lần bọn Tuấn được ghe câu cho thêm tôm, cá tươi thì bữa ăn trở nên thịnh soạn hơn. Nhiều khi, ngồi trên phòng lái với Chính, nhìn nhóm nhân viên trên tàu vừa ăn vừa cười đùa vui vẻ, Tuấn nhận thức được niềm vui hiện tại của mình: tình đồng đội của nhân viên trong đơn vị cùng bổn phận, trách nhiệm và những vui, buồn của kiếp lính biển. Thành quả đạt được trong những công tác rà mìn tuy không oanh liệt như chiến công của các đơn vị chiến đấu, nhưng mỗi chuyến rà mìn hộ tống xà-lan an toàn đã giúp chuyển vận vũ khí và đạn dược cần thiết đến các đơn vị Hải, Lục, Không Quân bạn. Những quả mìn hay thủy lôi của địch bị trục-lôi-đỉnh phá hủy đã góp phần bảo đảm sự an ninh cho tàu bè di chuyển trên thủy lộ quan yếu nhất của miền Nam này.

Tháng ngày công tác rà mìn trên sông rạch êm đềm trôi. Những hình ảnh mộc mạc như bụi dừa nước, đám lục bình hoặc ánh đèn le lói xuyên qua khe nhà sàn dọc bờ sông, giọng ầu ơ ru con trên ghe câu hay tiếng xành xạch của chiếc ghe máy chở đồ gốm chạy ngang qua thường gợi trong lòng Tuấn niềm trống vắng và cô quạnh. Vì thế, một biến cố khác thường dù nhỏ xẩy ra cũng gây sôi nổi cho bọn Tuấn. Một lần, lá cờ nửa đỏ nửa xanh với ngôi sao vàng chính giữa của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam xuất hiện trên cây trong khu rừng gần bờ trên Sông Đồng Nai. Lá cờ thù nghịch khiêu khích thêm lòng căm phẫn, Chính nhìn Tuấn ngầm hỏi ý, chàng gật đầu và Chính đã nâng khẩu M16 triệt hạ bằng một loạt tiểu liên đốn gẫy nguyên cả cành cây treo cờ trong tiếng reo hò cổ võ của nhân viên. Thỉnh thoảng, những chiến hạm hải quân hay thương thuyền ngoại quốc vào, ra Sài Gòn cũng làm thay đổi khung cảnh đơn sơ trên Sông Lòng Tào. Thông thường, tuy không mấy bận rộn với công tác rà mìn hàng ngày, nhưng Tuấn phải cảnh giác đề phòng những biến cố có thể xảy ra đã giúp chàng quên đi dáng dấp Tâm cùng những kỷ niệm cũ trong chốc lát. Sau đó, hình ảnh cô liêu và âm thanh buồn buồn trên sông nước càng làm Tuấn thấm thía nỗi cô đơn hơn.

Tâm đã làm đám hỏi đơn giản với Huyến. Theo lời yêu cầu của Tâm, nại lý do ba nàng mới mất, đám hỏi nàng chỉ tổ chức thu hẹp trong phạm vi gia đình với vài người bạn thật thân. Tuấn cũng tới chia vui với nàng. Hôm đó, Tâm thẫn thờ nhưng gượng gạo làm vui. Người vui nhất có lẽ là mẹ nàng và gia đình bên Huyến. Tuấn đã cố dấu tình cảm riêng tư mà tự nhiên vui vẻ với mọi người. Tuy vậy, tình yêu vừa mất đối với Tuấn là niềm mất mát quá lớn, đã khiến chàng, dù cố quên, cũng khó nguôi ngoai nỗi buồn. Đám hỏi xong, tuy nhớ Tâm, Tuấn cố tránh không gặp nàng nhiều, để nàng chấp nhận hoàn cảnh, lấy lại sự bình yên trong tâm hồn và sửa soạn cho tương lai chung của nàng với Huyến.




CHƯƠNG 12

Anh Rót Cho Khéo Nhé!



Tuấn làm việc tại Giang Đoàn 91 Trục Lôi đóng cạnh Sở Hàng Hà khoảng gần nửa năm thì đơn vị được lệnh di chuyển về Căn Cứ Hải Quân Cát Lái, cách Sài Gòn chừng mười cây số.

Căn Cứ Hải Quân Cát Lái khá rộng lớn, là nơi đồn trú của Bộ-Tư-Lệnh Lực Lượng Trung Ương, Bộ-Chỉ-Huy Giang Thuyền, Bộ-Chỉ-Huy Người Nhái và Toán Tháo Gỡ Chất Nổ, hai Giang Đoàn Trục Lôi và Giang Đoàn Tuần Thám. Trong căn cứ cũng có Khu Gia Binh cho gia đình binh sĩ, Câu-Lạc-Bộ, Bệnh Xá và cả sân chơi tennis nằm trong khu vực Bộ-Chỉ-Huy Giang Thuyền.

Hoạt động hàng ngày của Tuấn ở căn cứ này cũng không khác gì hồi chàng còn ở Sở Hàng Hà. Điều thoải mái hơn là giang đoàn được chiếm ngự ba dãy phòng ốc thấp khang trang, chia thành nhiều khu vực riêng rẽ cho mỗi ban: Hành Quân, Nội Vụ, Tiếp Liệu, Cơ Khí, v.v. Nhân viên có phòng ngủ, phòng ăn rộng rãi, ngăn nắp hơn. Cầu tàu, nơi cập bến cho những phân đoàn trục-lôi-đỉnh cũng được xây chắc chắn và kiên cố cạnh bờ sông không có những bụi dừa nước mà mỗi khi thủy triều xuống phơi gốc dừa trên lớp bùn đen thui như ở Sở Hàng Hà. Tuy đời sống tại đây thoải mái hơn, trong thời gian đầu, Tuấn nhớ phố phường Thị Nghè và không khí đơn vị cũ, nên đã ghé về vài lần thăm nơi có ghi kỷ niệm và hình ảnh Tâm một lần đến thăm.

Đổi về Căn Cứ Cát Lái được một thời gian ngắn thì đơn vị đề nghị Tuấn đi dự khóa huấn luyện Tác Xạ Pháo Binh ở Căn Cứ Hải Quân Bình Thủy dành cho các sĩ quan hải quân. Một vị Đại Úy Pháo Binh giàu kinh nghiệm, giảng dạy những lý thuyết căn bản về yểm trợ pháo binh. Đó là những kỹ thuật nhắm hướng, điều chỉnh, gọi pháo và phối hợp với lực lượng bạn trong trường hợp cần làm nhiệm vụ của người lính tiền-sát-viên hướng dẫn các khẩu đại bác pháo kích mục tiêu địch. Sau mấy tuần lễ học lý thuyết, Tuấn và nhóm sĩ quan cùng khóa được đưa đến vùng Tịnh Biên, Châu Đốc để thực tập.

Căn Cứ Pháo Binh nơi Tuấn thực tập nằm trên một đỉnh đồi cao sát biên giới Cao Miên. Đứng trên đồi, nhìn qua biên giới, Tuấn thấy đồi núi xanh thẫm xa xa bao quanh vùng đồng bằng hoang vu màu vàng nhạt rải rác cây cối. Dùng ống nhòm quan sát kỹ hơn, Tuấn thấy những cây thốt-nốt trông như cây dừa to trong vùng oanh kích tự do lỗ chỗ hố đạn. Bên tay trái thuộc vùng đất Việt Nam là Kinh Vĩnh Tế thẳng tắp dài mút mắt, sáng loáng như giát bạc dưới ánh nắng mặt trời. Con kinh đào nổi bật trên những ô màu xanh, màu vàng của đồng lúa phì nhiêu, cò bay thẳng cánh trải dài đến tận chân trời. Nhìn khung cảnh thanh bình dưới chân đồi, Tuấn chợt mơ ước đến ngày chấm dứt cảnh tương tàn và dân lành được sống ấm no với bát cơm, khoanh cà trên ruộng lúa nương khoai của họ, để khỏi phải kinh hoàng vì những tiếng pháo kích của hỏa tiễn Cộng Sản hay giật mình vì đại bác phản pháo của bên ta từ đỉnh đồi này bắn đi. Tuấn nhìn lại chung quanh căn cứ, bên cạnh chàng là hai khẩu đại bác 105 li màu ô-liu hướng mũi súng qua biên giới, che chở bằng công sự phòng thủ chất mấy lớp bao cát. Gần đó là một dẫy nhà thấp lợp tôn, cũng chất bao cát trên nóc và chung quanh, là nơi đồn trú của toán pháo binh trách nhiệm. Tất cả bọn Tuấn phải đeo ống nghe bên tai để liên lạc và giảm bớt tiếng nổ đinh tai nhức óc của pháo bắn đi. Tuy vậy, cuộc thực tập rất thú vị đối với Tuấn vì mỗi sĩ quan khóa sinh đều được cơ hội tự điều chỉnh và gọi pháo bắn vào những mục tiêu do vị Đại Úy Pháo Binh chọn.

Tới lượt chàng, mục tiêu là cây thốt-nốt hướng 290 độ. Tuấn quan sát mục tiêu bằng ống nhòm, ước định tầm xa, chấm tọa độ trên bản đồ, rồi ra lệnh:
-Khẩu độ 320. Cao độ 035.
-Thuốc nạp 2.
Anh lính pháo binh lập lại lệnh và gắn ống thuốc súng vào khẩu đại bác. Tuấn lại tiếp:
-Đầu đạn chạm nổ.
-Sẵn sàng...
-Bắn!
Tiếng đạn départ rít lên, tiếng nổ chát chúa truyền vòng quanh vùng núi đồi như ma gọi. Nòng súng giựt lại, mặt đất rung nhẹ. Tuấn giương mắt chăm chú nhìn mục tiêu qua ống nhòm đeo trước ngực. Vài giây sau, chàng thấy cụm khói trắng tỏa lên trước mục tiêu về bên trái một chút, và rồi tiếng nổ nhỏ mới vọng về.
Tuấn lại ra lệnh:
-Phải 50. Xa 100. Điều chỉnh.
Anh lính pháo binh gióng lại hướng súng, điều chỉnh lại cao độ một cách nhanh nhẹn, thuần thục.
-Sẵn sàng...
-Bắn!
Tiếng đạn pháo lại rít lên và quả đạn vút đi rèn rẹt trong không khí. Lần thứ hai, quả đạn rơi đúng hướng nhưng xa hơn mục tiêu. Thêm một lần điều chỉnh tầm xa nữa, quả đạn rơi đúng ngay mục tiêu ấn định. Vị Đại Úy Pháo Binh thấy vậy gật gù và Tuấn sung sướng bỏ ống nhòm xuống, đứng nhìn đồng bạn tuần tự thay phiên bắn tập. Tuấn nghĩ điều chỉnh pháo binh tác xạ rất thích thú vì phải tính toán làm sao để quả đạn rơi ngay điểm ấn định. Khóa Tác Xạ Pháo Binh này thật hữu ích cho Tuấn vì những nguyên tắc căn bản gọi pháo hoặc yểm trợ pháo cũng áp dụng cho hải pháo trên chiến hạm. Tuy nhiên, để trả lời câu hỏi của một sĩ quan khóa sinh, vị Đại Úy Pháo Binh cho biết những "con gà cồ" hiện nay của ta khó mà chọi lại những khẩu đại pháo 130 li mới của Cộng Sản với tầm xa hơn 30 cây số. Ông cũng nêu ra một điều khác biệt giữa pháo binh Việt Nam Cộng Hòa và pháo Cộng Quân là tuy có tầm xa hơn, nhưng pháo địch chẳng cần đến yếu tố chính xác. Thỉnh thoảng, chúng pháo kích vài quả vào thành phố, dù là chỉ giết hại thường dân vô tội, cũng sẽ làm xôn xao dư luận và gây hoang mang cho dân chúng. Vị Đại-Úy Pháo Binh đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng về sự chính xác của pháo binh bên ta trong lúc tác xạ và trích đoạn kết bài thơ Làng Tôi của Yên Thao làm một ví dụ:

Hỡi anh đồng đội
Người bạn pháo binh
Đã đến giờ chưa nhỉ?
Mà tôi nghe như trại giặc tan tành
Anh rót cho khéo nhé!
Kẻo nhằm nhà tôi
Nhà tôi ở cuối thôn Đoài
Có giàn hoa lý có người tôi thương.

Tuấn cười thầm nhớ đến câu vè dí dỏm:

Ai ơi đừng lấy pháo binh
Đêm đêm nó thụt rung rinh cả nhà.

Trở về lại Căn Cứ Cát Lái, với sinh hoạt đều đặn trong đơn vị, Tuấn cảm thấy cô đơn, nhớ Tâm nhiều hơn, nhớ phố phường Sài Gòn hơn. Tuấn cũng vừa nhận được tin Vinh đã tốt nghiệp khóa Sĩ Quan Không Quân về nước, hiện đang phục vụ tại Sư Đoàn 3 Không Quân đồn trú tại Căn Cứ Không Quân Biên Hòa. Vinh giờ đây là sĩ quan hoa tiêu trực thăng, không đúng như mộng ước làm phi công phản lực F4 của nó. Đức cũng vừa nhập ngũ khóa Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Thế là cả ba đứa bọn chàng đã lần lượt bị cuốn hút vào cơn bão chiến tranh, mỗi đứa một cách. Tuấn quyết định đi tìm một phòng trọ ở Sài Gòn làm chỗ nghỉ ngơi và nơi gặp mặt của bọn chàng những khi về phép. Muốn vậy, Tuấn phải dạy kèm tại tư gia để kiếm thêm ít tiền trang trải tiền thuê phòng, ăn uống, v.v.

Tuấn ghé vào sạp báo mua tờ nhật báo Sài Gòn Mới, đọc mục quảng cáo, khoanh tròn những nơi chàng muốn tới xem. Sau mấy chỗ không vừa ý, Tuấn đến một căn nhà 5 tầng trong con hẻm sạch sẽ trên đường Trương Minh Giảng. Căn nhà khang trang, cao hơn mặt đường, chiều ngang hơi hẹp, sân trước nhỏ có rào sắt và mỗi tầng đều có ban-công. Nói chuyện với bà chủ nhà, Tuấn được biết gia đình bà chủ ở Cần Thơ. Tại đây, ngoài gia đình cô Lệ thuê suốt lầu 5, chỉ có bà chủ, cô con gái lớn và bà quản gia cư ngụ mà thôi. Cô gái lớn con bà chủ đang học ngành Kinh Doanh ở Viện Đại Học Đà Lạt, thỉnh thoảng mới về nhà. Bà chủ cũng bận công việc doanh thương xa, nên rất vui vẻ để Tuấn thuê căn phòng nhỏ trên sân thượng với giá rẻ, sau khi biết chàng trước kia cũng học ở Viện-Đại-Học Đà Lạt. Tuấn hài lòng với căn phòng trọ có giàn hoa giấy ngoài sân thượng tương đối rộng rãi. Chàng mừng hơn nữa khi được bà chủ nhà giới thiệu dạy kèm cho mấy chị em con cô Lệ, người láng giềng kế bên dưới phòng chàng. Thật là lưỡng tiện! Từ đó, những ngày nghỉ hoặc mỗi lần về phép, Tuấn và bạn chàng tụ họp tại đây. Đức cũng dạy kèm một học sinh trường Lê Bảo Tịnh và thỉnh thoảng, thay Tuấn dạy đám con cô Lệ để phụ thêm vào ngân quỹ vốn nhỏ nhoi của bọn chàng. Đời sống Tuấn trở nên thoải mái và ổn định hơn.




CHƯƠNG 13

Cạm Bẫy Cuộc Đời



Tuấn cầm quyển sách toán xuống nhà cô Lệ thì con bé Hoa, gái út của cô Lệ nắm tay Tuấn bảo:
-Anh Tuấn ơi, chị Kim bệnh.
Tuấn nhìn nó hỏi:
-Bệnh gì vậy?
-Chị trùm mền rên hừ hừ trong phòng.
Tuấn đi vào phòng khách, thật ra là phân nửa mặt tiền giãy lầu cô Lệ thuê, sát ban-công, ngăn cách với phòng ngủ bởi vách tường ngăn chỉ trừ lối đi. Thằng Phát và Việt chào Tuấn.
Phát nói:
-Chị Kim sốt, anh Tuấn.
-Không sao. Khỏi bệnh học bù cũng được.

Tuấn mở quyển tập của Phát ra coi xem tuần trước chàng đã dạy những gì, và kiểm soát bài tập chàng dặn Phát làm trong tuần đó. Kim học đệ tam và Phát học đệ lục trường Thánh Thomas nằm trên đường Trương Minh Ký. Cô Lệ ly-dị chồng vì anh chồng bỏ bê gia đình đi mèo mỡ lăng nhăng, lương lính chỉ đem cờ bạc, nhậu nhẹt tối ngày với bạn bè. Cô Lệ phải đi làm sở Mỹ từ sáng sớm tới gần nửa đêm mới về nhà để nuôi bốn đứa con nhỏ. Cô không có thì giờ chăm sóc con cái nên mấy đứa nhỏ học hành ngày càng bết bát lại hay lêu lỏng ngoài đường. Đó là lý do cô Lệ nhờ Tuấn chỉ dạy thêm về bài vở cùng dẫn dắt chúng. Là chị cả trong nhà, mặc dù mới mười sáu tuổi, Kim lo cơm nước, giặt giũ quần áo và giờ ăn giấc ngủ cho các em thay mẹ. Tuấn tội nghiệp nàng vì tuy hoàn cảnh chật vật và thiếu tình phụ tử, Kim tỏ ra rất ngoan và đảm đang. Chàng thường an ủi Kim và chăm sóc chị em nàng như những đứa em ruột của mình. Kể từ lúc Tuấn bắt đầu kèm chị em Kim học, chưa khi nào chị em nàng bỏ một buổi học nào. Hôm nay là lần đầu tiên Kim vắng mặt, Tuấn nghĩ có lẽ nàng ốm nặng chăng?

Tuấn giảng về phương trình bậc nhất chứa một ẩn số, cách nhận diện ẩn số, cách giải phương trình và cho vài ví dụ để Phát hiểu. Sau khi chắc chắn là Phát đã hiểu rõ ràng, Tuấn ra bài tập cho Phát làm. Tuấn cũng xem xét bài vở của thằng Việt, em kế Phát đang học lớp nhất và con Hoa lớp ba rồi cắt nghĩa bài học ở trường cho chúng nó hiểu thật rành rẽ. Những gì khó hiểu, chàng giảng đi giảng lại nhiều lần, lấy ví dụ cụ thể, giản dị để chúng dễ hiểu hơn. Theo thời-khóa-biểu, Tuấn dạy con cô Lệ mỗi buổi hai tiếng đồng hồ vào những ngày chàng được ở nhà. Giờ giấc có thể linh động tùy theo những công việc chàng cần phải làm trong ngày đó. Hai giờ học đã qua. Sau khi ra bài tập cho thằng Phát, toán đố cho thằng Việt, toán cộng, trừ cho con Hoa, chàng dặn con Hoa phải học thuộc lòng bảng cửu chương. Tuấn thu xếp sách lại rồi lên phòng của mình. Chàng lục tủ kiếm thuốc cảm aspirin đem xuống nhà đưa cho thằng Phát, bảo nó cho Kim uống hai viên mỗi lần, hai lần một ngày.

Trời chiều đã bớt nóng nực hơn. Tuy thế, căn phòng của Tuấn trên sân thượng không gắn máy lạnh, từ buổi trưa cho đến xế chiều thường oi bức vì mặt trời chiếu qua khung cửa sổ lớn. Tuấn đứng dậy mở tung cửa ra ngoài sân thượng cho gió mát lùa vào. Chàng xuống lầu tắm rửa vì phải dùng chung phòng tắm với gia đình cô Lệ. Tuấn thay quần áo, định ra Nhà Sách Khai Trí kiếm mua vài quyển sách tham khảo.
Tuấn vừa tháo giây xích khóa bánh xe Honda vào khung rào sắt của sân trước, con Hoa đã chạy vội xuống réo om sòm:
-Anh Tuấn. Chị Kim làm sao á.
Tuấn khóa xe lại rồi chạy lên lầu 5. Con Hoa dẫn Tuấn vào phòng ngủ của gia đình nó. Chàng hoảng hốt khi thấy Kim nằm thẳng cẳng trên cái đi-văng thấp, mắt nhắm nghiền, mặt đỏ bừng, từng lọn tóc bết vào bên má đẫm mồ hôi, chiếc mền len quân đội vẫn đắp trên người.
Giọng con Hoa lo lắng:
-Chị Kim chết không hả anh Tuấn?
Tuấn để tay trước mũi Kim thấy hơi thở nàng thật nhẹ.
-Chị Kim không chết đâu. Xỉu thôi à. Phát và Việt đâu rồi?
-Hai ảnh ra ngoài hẻm.
Tuấn đoán là Kim bị sốt quá cao nên xỉu chăng. Chàng kéo chiếc mền ra để giảm bớt nhiệt độ rồi chạy lên lầu rút vội khăn và lấy hộp thuốc aspirin xuống. Tuấn vặn nước lạnh, vò khăn, vắt bớt nước rồi đem vào phòng lau mặt mũi cho Kim, xong gấp khăn làm đôi đắp ngang trán nàng. Tuấn kéo màn chắn dọc theo lối đi lên phòng khách vào một góc và đem chiếc quạt máy từ ngoài phòng khách vào cắm điện quạt cho Kim mát. Con bé Hoa bồn chồn, đứng ngồi không yên, chỉ sợ chị nó chết. Mắt Kim vẫn nhắm nghiền nhưng mặt bớt đỏ dần. Tuấn lại giặt khăn, lau mặt và cổ cho Kim lần nữa. Một lát sau, Kim quay đầu nhè nhẹ, tỉnh dần lại, rồi nàng từ từ mở mắt ra, thấy Tuấn, Kim thều thào:
-Anh Tuấn.
Tuấn ngại Kim hiểu lầm, giải thích:
-Kim bị xỉu nãy giờ. Bé Hoa gọi anh vào.
Con Hoa thấy chị nó tỉnh lại, mừng rỡ cứ quấn quít bên chị. Tuấn lấy khăn ra, sờ trán nàng, thấy đã bớt nóng. Chàng hỏi:
-Kim cảm thấy thế nào?
-Đã đỡ rồi.
Tuấn bảo con Hoa lấy cho chàng ly nước. Chàng quay lại nói với Kim:
-Kim uống viên thuốc cảm cho đỡ sốt nhá?
Kim gật đầu. Tuấn đỡ lưng Kim ngồi dậy trên đi-văng. Kim mặc đồ bộ mỏng, mồ hôi ướt đẫm lưng. Đưa Kim hai viên aspirin, chàng bảo uống với ly nước con bé Hoa vừa đem vào. Uống xong, Kim nằm xuống, kéo mền đắp ngang người:
-Em lạnh.
Tuấn vói tay tắt quạt điện. Thấy Kim đã tỉnh, Tuấn định ra phố nên hỏi lại:
-Kim khỏe hơn nhiều chứ?
-Dạ khỏe. Cám ơn anh nhiều.
-Không có chi. Giúp nhau là chuyện thường mà Kim. Kim nằm nghỉ cho khỏe, anh ra tiệm sách một lát. Tới khuya, em hãy uống thêm hai viên aspirin nữa trước khi đi ngủ.
Kim chớp mắt, gật nhẹ.
Tuấn dặn con Hoa trông chừng chị nó. Con bé gật đầu lia lịa. Tuấn bước ra ngoài lên phòng chàng. Xuống nhà, Tuấn gặp thằng Phát và Việt vừa đi chơi về, bà quản gia cũng đã về và đang dọn dẹp ở nhà dưới. Tuấn không biết nghĩ sao lại trở lên phòng chàng, thay quần áo ra không đi nữa.

Kỳ về phép kế tiếp, Tuấn đang sửa soạn bài vở xuống dạy chị em Kim thì nghe tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Tuấn ra mở cửa, con Hoa thò đầu vào hỏi:
-Anh Tuấn có đi đâu không?
-Không. Sắp đến giờ học rồi.
-Chừng nào anh Tuấn dạy tụi em?
Tuấn nhìn đồng hồ đeo tay, nói:
-Một tiếng nữa.
Con bé khép cánh cửa rồi đi xuống. Vài phút sau, lại nghe tiếng gõ cửa, Tuấn hỏi vọng ra:
-Gì nữa bé Hoa?
Không nghe tiếng trả lời. Tuấn đứng dậy ra mở cửa. Kim đang quay mình đi xuống, tay cầm quyển vở cuốn tròn lại. Thấy Tuấn, Kim xoay người, ngước mặt nhìn chàng:
-Anh Tuấn. Anh rảnh không?
-Rảnh Kim. Có gì vậy?
-Em muốn nhờ anh giảng bài tuần trước. Tuấn nói:
-Chút nữa anh giảng cũng được.
-Em không muốn anh tốn thì giờ nên bây giờ hỏi anh bài kỳ trước, chút nữa, anh dạy bài mới, đỡ mất công hơn.
-Cũng được Kim. Anh xuống ngay.
-Mấy đứa nhỏ ồn ào lắm. Anh dạy em trên này được không?
Tuấn ngần ngừ vài giây:
-Thôi cũng được.
Kim bước vào phòng. Tuấn bảo nàng để cửa mở cho mát. Kim đưa cái khăn cho chàng:
-Khăn của anh, em giặt sạch rồi.
Tuấn cầm lấy cái khăn được xếp gọn ghẽ. Cái khăn chàng đã dùng lau mặt cho Kim tuần trước khi Kim ốm. Tuấn nhìn Kim hỏi thăm:
-Kim hết bệnh rồi chứ?
-Hết rồi anh.
Tuấn chỉ ghế cho nàng ngồi, rồi chàng lấy bài tuần trước giảng cho Kim. Kim yên lặng chăm chú lắng nghe. Nhìn Kim, Tuấn thấy nàng hơi khác vì nàng mặc váy ngắn, áo poulo trắng, không phải đồ bộ như những lần trước. Hình như Kim cũng trang điểm sơ sài. Tuấn thấy Kim lớn và đẹp hẳn ra vì nàng có khuôn mặt trái soan, mắt nâu to và chiếc mũi cao thẳng. Giảng bài cho Kim xong xuôi. Kim cảm ơn rồi nói:
-Không có anh, em chắc chết mất.
Tuấn cười xòa:
-Làm gì Kim. Sốt quá Kim chỉ xỉu đi rồi tỉnh lại chứ làm sao mà chết được.
-Con Hoa lay em mãi mà không thấy em cựa quậy gì, nó tưởng em chết rồi, sợ quá nên gọi anh đó.
-Chuyện nhỏ nhặt có chi đâu mà Kim phải thắc mắc. Nếu anh đau ốm thì em cũng giúp anh vậy.
-Nhưng em cảm thấy như mắc nợ anh một cái gì ấy.
-Đừng nghĩ đến nữa Kim. Thôi đến giờ học rồi, mình xuống nhà đi.
Tuấn và Kim xuống phòng học nhà nàng thì bọn em Kim đã ngồi đợi sẵn...

Một hôm, thằng Phát đàn đúm với mấy đứa choai choai hút xì-ke bỏ học. Kim nói chuyện đó với Tuấn. Tuấn cũng buồn. Chàng hiểu tâm trạng buông xuôi và buồn tủi của những đứa trẻ thiếu tình thương, thiếu sự chăm sóc của cha mẹ như chị em Kim. Tuấn không muốn chị em nàng sa ngã vào hố lầy nghiện ngập và những cám dỗ tai hại cho tương lai của chúng. Buổi học tới, Tuấn hỏi nhỏ Phát: -Anh nghe nói em bỏ học đi chơi với bọn hút xì-ke, phải vậy không?
Phát có vẻ ngượng ngùng, chối biến:
-Đâu có. Em chỉ đi chơi không à. Đâu có xì-ke!
-Anh chỉ dặn vậy thôi. Những đứa bạn xấu có thể làm mình hư hỏng theo chúng, nên chi, các em phải chọn người tốt mà kết bạn. Việc quan trọng trước tiên là cố gắng học hành để sau này mình có thể bảo đảm tương lai cho chính mình và gia đình mình được.
Chị em Kim ngồi im lặng nghe. Chúng nó nể Tuấn bởi vì không những chàng kèm chúng học mà còn thông cảm tâm trạng của chúng. Tuấn thương chúng nó như em chàng vậy. Thuở nhỏ, Tuấn đã sống trong hoàn cảnh túng thiếu, mẹ chàng cũng phải khổ cực kiếm từng đồng nuôi con khôn lớn. Hoàn cảnh của chị em Kim cũng tương tự như chàng. Điều khác biệt là chị em nàng đang sống trong một xã hội băng hoại với tâm trạng "sống vội" của thanh thiếu niên giữa thời buổi chiến tranh này. Nhiều lúc giá trị luân lý, đạo đức không còn, mà nhường chỗ cho quan niệm đua đòi, hưởng thụ vật chất nhất thời. Tuấn tự nhiên hết hứng thú dạy nữa. Giảng moral chị em Kim một hồi có lẽ hữu ích hơn, Tuấn nghĩ vậy, nên quyết định:
-Tuần này, anh để các em có thời giờ ôn lại tất cả những gì mình học từ trước. Có điều gì không hiểu thì hỏi anh. Kỳ tới, mình sẽ học chương mới. Hôm nay, chúng mình nói chuyện gẫu với nhau cho vui? Mấy đứa em Kim mừng rơn, dạ thật nhanh. Thằng Phát lên tiếng hỏi:
-Mình nói chuyện gì vậy anh Tuấn?
-Đủ thứ chuyện. Bất kỳ chuyện gì các em muốn. Tự do nói những gì các em nghĩ.
Kim mở lời trước:
-Xì-ke là gì hả anh?
Tuấn nghĩ cần phải giải thích rõ vấn đề này cho chúng hiểu nên trả lời:
-Nói chung, xì-ke là những loại thuốc cấm, rất hại cho tinh thần và cơ thể con người như là cần sa, thuốc phiện, héroin, bạch phiến, v.v. Thuốc được bán trái luật cho những người nghiện dùng.
Phát thắc mắc:
-Xì-ke trông như thế nào anh?
-Có loại trông như bột trắng, có loại đựng trong lọ như nước, có loại như thuốc lá vậy. Người nghiện mua xì-ke với giá rất đắt về chích vào mạch máu, hít vào mũi hoặc hút như thuốc lá.
Con Hoa lau chau:
-Xì-ke ngon không anh Tuấn?
-Xì-ke không phải là thức ăn mà là hóa chất độc hại. Người nghiện phải cần thuốc liên tục, nếu không có, họ bị cơn nghiền hành hạ khổ sở lắm.
Kim xen vào:
-Chết không anh?
-Chết, nếu dùng quá liều.
Ngưng một lát để chị em Kim suy nghĩ rồi Tuấn nhìn vào mắt chúng, đặt câu hỏi:
-Tại sao mình phải tốn tiền bạc chích xì-ke để xì-ke vật chết mình?
Bọn em Kim nhìn nhau, Kim lên tiếng:
-Những người đó ngu quá!
Tuấn gật đầu, nhìn khắp lượt từng khuôn mặt non nớt đang nghệt ra dường như thấm ý, giọng chàng đanh thép hơn:
-Ngu nhất là những người không có tiền, phải ăn cắp hoặc cướp của giết người lấy tiền chích xì-ke. Tội của họ nặng lắm. Cảnh sát sẽ bỏ tù hay xử tử nữa.
Chị em Kim nhìn nhau, con Hoa lè lưỡi làm ra vẻ sợ sệt:
-Eo ơi! Dễ sợ.
Tuấn lại nhẹ giọng, đánh đòn tâm lý:
-Nên chi, các em đừng chơi với người hút xì-ke. Mình có thể bị vạ lây, cảnh sát bỏ tù mình luôn. Cha mẹ làm việc cực khổ nuôi con ăn học, mình phải biết thương cha mẹ, phải cố gắng học để trở nên người tốt, đúng không các em? Anh thuở bé cũng có nhiều điều buồn tủi lắm và có hoàn cảnh tương tự như các em vậy, nhưng anh biết thương mẹ anh nên không hư hỏng.
Kim nói nhỏ:
-Anh kể cho chúng em nghe được không?
Tuấn gật đầu, chậm rãi:
-Năm 1954, sau khi ba anh mất sớm, mẹ anh di cư vào Nam chẳng đem theo được gì ngoài hai đứa con nhỏ. Hồi đó, anh chưa đầy hai tuổi, em gái của anh mới được mấy tháng. Gia đình anh sống chung mấy năm trong căn nhà nhỏ với một gia đình khác có bốn đứa con trai đều lớn hơn anh...
Con Hoa cắt ngang:
-Mình cũng có bốn chị em.
Kim suỵt suỵt cho nó yên lặng:
-Anh kể tiếp đi?
Tuấn nhớ đến mẹ chàng, người mẹ suốt đời tần tảo vì con cái. Mặc dù sinh trưởng trong một gia đình Nho Giáo, con cụ Đồ Văn, mấy đời dạy học tại Làng Bãi Trữ, Tỉnh Ninh Bình, mẹ chàng là con gái trưởng phải giúp đỡ gia đình và chăm sóc cho các em nên chẳng được học hành bao nhiêu. Tuy thế, mẹ chàng nhận thức rõ rệt được tầm quan trọng của sự học nên một đời mang hoài bão nuôi con ăn học thành người.
Tuấn lại kể tiếp:
-Anh bắt đầu lớp Mẫu Giáo và hằng đêm sau giờ cơm tối, anh ngồi học chung với bốn đứa kia bên ánh đèn Hoa Kỳ lù mù nhỏ xíu trên bàn ăn. Đêm nào, anh cũng bị hà hiếp, không bị xé sách vở, lấy cắp bút mực, che mất ánh đèn thì cũng bị đánh đập và mắng chửi là "đồ con nhà mồ côi."
Thằng Phát tức tối, cất giọng hằn học:
-Sao anh không uýnh bọn nó?
Thằng Việt nghiến răng:
-Em uýnh chúng nó bể mặt.
Kim buồn cười:
-Ảnh còn nhỏ xíu, làm sao uýnh lại bốn đứa lớn. Mấy đứa mày ngu quá!
-Mẹ anh không muốn hiềm khích với gia đình kia nên khuyên anh đi ngủ rồi sáng mai dậy sớm học. Từ đó trở đi, vào mỗi buổi sáng, khi mọi người còn say giấc ngủ thì mẹ anh đã gọi anh thức giấc và dậy anh học những vần i, tờ đầu tiên trong đời, trước khi gánh hàng ra chợ.
Tuấn dừng lại, nhìn chị em Kim. Kim nhìn lại chàng với ánh mắt thông cảm:
-Hồi nhỏ, anh cũng bị bắt nạt quá.
Mắt thằng Việt long lên:
-Em đi học võ, đứa nào ăn hiếp là em uýnh bể đầu, sặc máu mũi.
Tuấn cười, nhìn thằng bé tính hào hiệp nhưng nóng như Trương Phi này khuyên:
-Mình không cứ một chút là đánh người khác. Biết võ nghệ mình lại càng phải khiêm nhường hơn. Chỉ nên dùng võ trong trường hợp phải tự vệ thôi.
Thằng Phát vẫn chưa hài lòng:
-Không lẽ để chúng nó hiếp đáp mình hoài hả anh Tuấn?
Tuấn nhỏ nhẹ:
-Tìm giải pháp ôn hòa trước. Nhiều khi mình nên nhịn nhục. Không thể tránh được xô xát thì lúc đó mình bắt buộc phải tự vệ.
Ngưng lại vài giây, nhìn mấy đứa em Kim, Tuấn ôn tồn nói thêm:
-Anh cũng cùng hoàn cảnh như các em, cũng thiếu tình phụ tử, nhà nghèo và mẹ anh không có nhiều thì giờ chăm sóc con cái. Anh thương mẹ anh vô cùng và chẳng bao giờ quên được lời an ủi khích lệ của mẹ anh những lúc anh buồn tủi vì bị hà hiếp.

Chị em Kim nhìn nhau có vẻ buồn buồn. Lát sau, Kim mới lên tiếng:
-Nhiều lúc tụi em buồn lắm, anh Tuấn biết không? Khi tủi thân quá, em chẳng biết nói với ai.
-Tâm sự với má em cũng được?
Kim lắc nhẹ đầu:
-Má đi làm hoài, tới khuya lắc mới về, em thấy má mệt nên không muốn làm rầy má nữa. Với lại, nhiều chuyện em khó tâm sự cùng má được.
Tuấn ân cần khuyên:
-Mỗi người có một hoàn cảnh riêng, có niềm vui nỗi buồn riêng. Càng khổ, mình càng phải phấn đấu hết sức với khả năng của mình, Kim ạ! Anh coi các em như em của anh vậy. Nếu tin anh, gặp điều gì khó nghĩ, các em có thể tâm sự với anh, nếu anh giúp được, anh sẽ không từ chối đâu. Các em đừng ngại gì hết.

Bốn chị em Kim ngồi lặng thinh, nhìn Tuấn như một ông anh lớn với ánh mắt ngưỡng mộ. Kim nhìn chàng thật thân thiết. Thằng Phát xoay xoay cái bút chì trong tay, cúi đầu nghĩ ngợi. Thằng Việt và con Hoa chụm đầu vào nhau thì thào điều gì đó. Tuấn moral đã đủ nên cho chị em Kim nghỉ học. Chàng lên phòng, sửa soạn ra





CHƯƠNG 14

Dạ Vũ Giáng Sinh



Về Cát Lái gần một năm thì đơn vị thay Chỉ-Huy-Trưởng và rồi Chỉ-Huy-Phó mới. Chỉ-Huy-Phó mới thuyên chuyển về là Đại Úy Huân, xuất thân từ Khóa 17 Nha Trang. Với tính tình cởi mở, dễ hòa đồng và trẻ trung, ông Phó mới đã tạo được không khí làm việc hăng say và thoải mái hơn. Cùng thời gian ấy, một nhân viên Giám Lộ tên Tân cũng được đổi về đơn vị. Tân trông bụ sữa, cao lớn đẹp trai, nhiều tinh thần trách nhiệm, rất nghệ sĩ và tình cảm. Từ đó, ngoài Thiếu Úy Khiết, Tuấn có thêm hai người bạn thân mới nữa. Thiếu Úy Khiết, Khóa 19 Nha Trang, trở thành người bạn thân nhất của Tuấn từ dạo chàng vừa về Giang Đoàn 91 Trục Lôi. Khiết hiền lành, xuề xòa, giàu tình cảm và cũng văn nghệ một cây. Ông Phó mới tính vui vẻ, thân mật với biệt tài độc tấu tây-ban-cầm nhạc Classics và Flamenco. Tuấn, Khiết và Tân trở nên thân cận một cách dễ dàng. Hơn thế nữa, Tuấn coi Tân như một người em tinh thần. Những lúc buồn vì nhớ Tâm hoặc có nhiều lo nghĩ trong lòng, Tuấn thường tâm sự, đàn hát với Khiết và Tân hoặc chuyện trò, đi chơi tennis với Đại Úy Huân. Nhiều khi rảnh rỗi, Tân đã chỉ cho Tuấn cũng như nhiều nhân viên trong đơn vị những bước nhảy thật bay bướm.

Mùa Noel năm đó, đơn vị tổ chức Lễ Giáng Sinh có văn nghệ và dạ vũ. Nhân viên được phép dẫn gia đình và thân nhân vào tham dự chung vui. Chỉ-Huy-Phó còn độc thân nên dẫn theo ba cô cháu gái: Thiên Hương, Thu Thủy, Phương Quỳnh cùng cô bạn của Hương là Thanh Vân. Ông Phó hãnh diện giới thiệu ba cô cháu xinh đẹp với tất cả nhân viên. Ba cô cháu ông Phó nổi bật trong đêm văn nghệ Giáng Sinh năm ấy. Mỗi người mỗi vẻ: Thiên Hương là chị cả có vẻ chững chạc, khôn khéo. Thu Thủy thì trầm lặng, kín đáo. Phương Quỳnh là em út, hơi thấp hơi hai chị nhưng xinh nhất trong ba chị em. Tuấn có dịp nói chuyện xã giao với cháu ông Phó và thân nhân của nhân viên một lúc rồi ra ngoài tiếp tục việc trực nhật của mình.

Ngồi trong Phòng Hành Quân ở giẫy nhà song song với phòng tổ chức dạ vũ, Tuấn nghe Thiếu Úy Khiết, Tân và nhiều người khác trình bầy những nhạc phẩm thật đặc sắc. Tuấn nghĩ, có lẽ Khiết và Tân được nhiều điểm nhất trong đêm nay, đặc biệt từ ba cô cháu ông Phó. Tuấn cảm thấy hơi ghen với Khiết và Tân mặc dù hai người là bạn thân của chàng. Tuấn đứng dậy, bước đến cạnh cửa sổ nhìn qua Phòng Dạ Vũ. Tiếng nhạc dặt dìu một bản Slow, chàng nghĩ tới những người nào đó đang dìu ba cô cháu ông Phó mà tự nhiên hơi buồn. Nhiều người lầm tưởng chàng "đắt bồ," nhưng thật sự chàng cô đơn quá. Tâm đã ngoài tầm tay của chàng. Tuấn cảm thấy lòng quạnh quẽ, chàng thở dài, bước ra ngoài cửa. Tuấn bỗng dưng vui lên khi nhìn thấy Thanh Vân và Thiên Hương đang đi dạo bên ngoài. Tuấn tiến về hướng hai nàng, hỏi xã giao:
-Vân và Hương không ở trong đó nhảy vài bản cho vui?
Thanh Vân đưa tay đỡ cao tóc sau gáy:
-Trong đó nóng và ồn ào quá, chú à.
Hương lơ đãng nhìn bầu trời trong xanh, nắng chiều đang nhạt dần nói:
-Ngoài này mát mẻ khoảng khoát hơn nhiều.
Tuấn nhìn Hương và Vân chậm rãi:
-Hương và Vân vui chứ? Có thân nhân chung vui, buổi văn nghệ nhộn hẳn lên. Tôi nghe Thiếu Úy Khiết và Tân hát hay quá!
Hương nhìn Tuấn:
-Rất tiếc chưa được nghe chú hát. Cháu nghe nói chú nghệ sĩ tính lắm.
Tuấn khiêm nhượng:
-Tôi chỉ giỏi hét thôi.
Thanh Vân mời mọc:
-Chú vào hát vài bản cho mọi người thưởng thức?
Tuấn cười:
-Hát với Khiết thì tôi bị lu mờ thêm Vân ạ. Hẹn dịp khác vậy.
Nói xong, Tuấn nhìn sang phía Hương bắt gặp ánh mắt nàng nhìn lại. Thiên Hương không sắc sảo như Phương Quỳnh nhưng có nhiều nét dễ thương hơn. Thanh Vân hơi ngăm nhưng cũng rất có duyên.
Thanh Vân hỏi:
-Sao chú không dẫn bồ vào chung vui?
-Còn mồ côi mà. Đang định nhờ Vân và Hương giới thiệu đây.
Thanh Vân cười cười:
-Chú thì thiếu gì?
-Vân không thấy tôi chỉ có một mình sao? Đâu có hai mình như người khác?
-Tại chú không muốn?
-Muốn mà không có thì đúng hơn.
Hương xen vào:
-Chú kén quá?
Tuấn nhún vai:
-Tôi có là gì đâu mà kén chọn hả Hương? Chắc chưa có duyên với ai đấy thôi?

Điệu nhạc vừa chuyển qua kích động với bài Thủy Thủ và Biển Cả. Vân đổi đề tài:
-Đời thủy thủ cũng thú hả chú?
Tuấn gật đầu:
-Thú mà vô định lắm.
-Sao vậy chú?
-Đi biển hoài khó làm được việc gì khác, Vân à.
Hương giờ mới lại lên tiếng:
-Chú dự định làm gì thêm nữa sao? Cháu nghe chú Huân nói công tác bận rộn lắm.
Tuấn trầm ngâm giây lát rồi chậm rãi đáp:
-Ai cũng có những hoài bão muốn đạt được trong đời. Lính biển cứ biền biệt mấy tháng mới về bến. Nghỉ được dăm bữa nửa tháng lại đi, Hương và Vân thấy không? Muốn học tiếp cũng khó. Muốn tạo dựng hạnh phúc gia đình, chăm sóc con cái cũng chả được gần, nói chi đến nguy hiểm bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra.
Hương tỏ vẻ thông cảm:
-Chú Huân tới nay vẫn còn độc thân là vì thế. Cháu có ba người chú đang phục vụ trong quân đội nên cháu hiểu lính hơn, chú ạ! Lính nào cũng có những vui, buồn riêng, tuy nhiên, Hải Quân đỡ nguy hiểm, phải không chú?
-Nói chung thì vậy, nhưng nhiều đơn vị tác chiến cũng nguy hiểm lắm.
Hương an ủi:
-Thời chiến mà. Trực tiếp hay gián tiếp, ai cũng khổ chú nhỉ?
Thanh Vân xin kiếu để vào gặp Thủy trong Phòng Dạ Vũ có chút việc. Tuấn đề nghị dẫn Hương thăm một vòng doanh trại. Hương nhìn Tuấn gật nhẹ đầu, thoáng chút e lệ. Hai người sánh bước bách bộ quanh căn cứ, vừa đi vừa chuyện trò. Chỉ còn hai người, Tuấn và Hương trao đổi những quan niệm cùng ý tưởng riêng tư một cách tự nhiên và dễ dàng hơn. Tuấn được biết Hương đang học Đại Học Sư Phạm vì thích nghề gõ đầu trẻ. Nói chuyện với Hương, Tuấn cảm thấy thú vị và tâm đầu ý hợp về nhiều điểm. Nàng hiền lành thiết tha nhưng có vẻ cương nghị và tự lập. Hương có nhân-sinh-quan vững vàng, muốn sống một cuộc đời bình dị nhưng có lý tưởng. Qua giọng nói chân tình, chững chạc, qua những mẩu đối thoại, Tuấn tìm thấy nơi Hương hình ảnh một người vợ hiền có thể giúp chồng thành công, một người "đầu ấp tay gối" mà cũng là "cộng-sự-viên" đắc lực. Tuấn cảm thấy dễ tâm sự, thân thiết và tin cậy Hương dù là lần đầu gặp nhau. Tuấn nhớ tới Tâm và buổi ban đầu gặp gỡ đã gieo trong lòng chàng bao luyến nhớ và cảm tình sâu đậm. Chàng cũng có ấn tượng ban đầu tốt đẹp đó ở Hương, người con gái lạ mà chàng chỉ mới quen biết vài tiếng đồng hồ. Không nói ra, nhưng Tuấn nghĩ bụng: Tình cảm của mình chắc lại sóng gió vì cô cháu ngược đời này mất thôi.
Khi Tuấn và Hương quay trở lại chỗ cũ thì Thanh Vân cũng đang luẩn quẩn bên ngoài. Tuấn đứng chuyện trò với Hương và Vân một lát nữa rồi mời hai nàng trở vào tham dự tiếp Chương Trình Dạ Vũ.

Buổi Văn Nghệ Giáng Sinh thật vui và hào hứng. Dạ Vũ Giáng Sinh tàn, ông Phó đưa cháu về rồi mà nhiều sĩ quan trẻ còn ngẩn ngơ trông theo mãi.

Trong phòng ngủ, tối hôm đó, nhóm sĩ quan trẻ chỉ nằm mơ mộng và nói chuyện về các cháu gái của ông Phó với nhiều cảm tình đặc biệt. Tuấn lẳng lặng nằm nhắm mắt nghe chuyện tới hai giờ sáng mới ngủ thiếp đi.





CHƯƠNG 15

Đóa Hồng Sinh Nhật



Cả nhà đều yên giấc trong đêm khuya thanh vắng. Hương nhìn đồng hồ trên bàn ngủ, đã hai giờ sáng, nàng nhẹ nhàng chổi dậy khỏi giường, tới bên cửa sổ, nhìn xuống khung sân sau. Cây Táo Thái Lan sai trái đứng im lìm bên cạnh chuồng bồ câu. Cặp bồ câu thỉnh thoảng lại gù gù nho nhỏ. Ánh trăng thành phố soi khắp không gian trước mắt nàng một màu bàng bạc hiền dịu. Hương ngước nhìn bầu trời Sài Gòn trong xanh, êm ả, lấp lánh muôn vì sao khuya, nhớ đến buổi tiệc Giáng Sinh trong Giang Đoàn Trục Lôi vừa qua. Hình ảnh chàng thanh niên cao ráo, đẹp trai và thật dễ mến chập chờn trong đầu óc nàng. Hương đã có dịp nói chuyện với Tuấn và tìm thấy ở chàng mẫu người nàng mong muốn. Chàng nhiều nghị lực và cao vọng, cởi mở mà chân tình. Chàng có tâm hồn khoáng đạt, thanh cao dù rằng chàng cũng chỉ mơ ước được sống một cuộc đời bình dị như nàng. Hương chưa hiểu nhiều về cuộc đời riêng tư của chàng, nhưng cũng có ít nhiều khái niệm về nhân-sinh-quan qua đối thoại và một cách gián tiếp, qua nhận xét của chú Huân viết trong quyển sổ tay về những nhân viên trong đơn vị mà nàng vô tình đọc được. Nàng trằn trọc, khó ngủ mấy hôm nay vì những ấn tượng tốt đẹp ban đầu đó. Mình phải tìm hiểu chàng kỹ càng và xem tâm tình chàng thế nào. Hợp nhau thì mới dễ tiến xa hơn chứ tình cảm không thể một chiều và gượng ép được. Dù chàng cho biết vẫn còn độc thân, nhưng biết đâu chàng đã có người yêu? Lịch thiệp như chàng thiếu gì cô gái muốn chiếm được trái tim chàng? Hương tự nhiên hơi buồn, từ trước tới giờ, chưa ai khiến nàng phải nghĩ ngợi đến mất ngủ mấy hôm nay như lần này. Nàng nhớ ánh mắt nhìn trìu mến thiết tha, nhớ nụ cười đôn hậu và giọng nói từ tốn trầm ấm của chàng. Dù chàng tỏ ra có nhiều thiện cảm đối với mình, nhưng có thể chỉ xã giao và không săn đón như những người nàng đã gặp trước kia. Hương cảm thấy tự ái nàng bị va chạm. Chị em nàng được tiếng là hoa khôi ở Gia Long. Bao chàng trai có nhiều điều kiện hơn chàng, với tương lai, sự nghiệp đầy hứa hẹn ngấp nghé mà bọn nàng vẫn dửng dưng. Tuấn chỉ là một sĩ quan trẻ, một người lính biển như chú Huân. Tuy rằng chàng thật dễ mến nhưng tại sao mình lại nghĩ về chàng và nhớ chàng nhiều thế? Đó chỉ là cảm tình do sự mến mộ hay tình yêu phát sinh từ sự luyến ái gái trai? "Con tim có những lý do của nó mà lý trí không thể nào hiểu được." Hương nghĩ như thế và nhất quyết kiếm dịp và thời gian tìm hiểu chàng thêm. Chú Huân có thể là nhịp cầu giao cảm giữa nàng và Tuấn. Hương cảm thấy nhức đầu, mắt cay sè, nên quay về giường cố dỗ giấc ngủ.

Một buổi sáng Thứ Bảy nắng đẹp, Hương, Thủy và Quỳnh ra phố chợ mua sắm ít vật dụng cần thiết để trang trí nhà cửa và thực phẩm để nấu nướng. Hương đã ngỏ ý với bố mẹ cho phép mời bạn bè cùng lớp và hai cô em họ, con Dì Uyên đến chơi. Nàng cũng đã dặn chú Huân mời Tuấn tới cùng với chú từ tuần trước.

Sau cơm trưa, mấy chị em xếp đặt bàn ghế ngoài phòng khách. Hương trải tấm khăn bàn trắng, viền hoa lỗ chỗ ngoài riềm lên chiếc bàn lớn hình chữ nhật. Giữa bàn, nàng chưng hai mươi đóa hồng nhung Đà Lạt đỏ thẫm cắm trong bình hoa bằng thủy tinh trong suốt. Màu đỏ nhung của hoa nổi bật trên nền trắng trông sang trọng và dễ thương vô cùng. Mấy đứa em họ của Hương cũng tới sớm giúp nàng nấu nướng thức ăn và sắp xếp. Mọi người vừa làm việc vừa chuyện vãn cho đến gần chiều tối mới xong xuôi. Hương vào phòng trang điểm sơ lại vừa lúc bạn bè nàng cũng lần lượt đến, chào hỏi, đùa giỡn huyên náo ngoài phòng khách.

Khoảng 6 giờ chiều, Chú Huân và Tuấn về nhà bằng xe Jeep của chú. Nhân viên tài xế thả chú Huân và Tuấn xuống trước cổng nhà. Chú Huân dặn nó đến đón trước giờ giới nghiêm. Thằng em tài xế vâng dạ, chào hai người xong lái xe chạy đi.
Hương ra mở cổng, chào chú Huân và Tuấn. Nàng nói:
-Hai chú về trễ quá, tụi cháu đợi nãy giờ.
Chú Huân nhìn quanh cười vui, cao giọng chọc chạch:
-Làm cái gì mà trang trọng quá dzậy. Có cả hoa hồng nữa?
Hương trách lấy lệ:
-Chú chỉ nhớ tới ai không à, chứ có để ý gì đến lũ cháu này đâu?
Tuấn đoán ra được phần nào, nhưng giả bộ hỏi xã giao:
-Dịp gì vậy Hương?
-Sinh nhật của Hương, chú.
Tuấn ồ một tiếng nhỏ, khách sáo đưa đẩy:
-Tệ quá! Chú không biết hôm nay là sinh nhật của Hương nên chẳng có gì. Thôi thì chúc Hương một tuổi nữa thật vui, thật như ý.
Hương cười tươi:
-Cảm ơn chú. Già thêm một tuổi thì có. Hai chú về được là quý lắm rồi.
Khôi, anh bạn học với Hương cũng đứng lên chào hỏi xã giao vài câu. Tuấn để ý thấy hôm nay Hương mặc váy màu xanh nước biển đậm và cái áo ngắn tay màu trắng điểm lấm tấm hoa nhỏ màu phấn nhạt làm tăng nước da trắng hồng của nàng lên. Trông nàng tươi mát và trẻ trung. Chú Huân là người trong nhà nên không dè dặt gì, lảng vào nhà trong.

Hương mời Tuấn ngồi chơi nơi chiếc ghế mây, rồi nàng đi rót nước cho chú Huân và chàng đặt lên cái bàn nhỏ bên cạnh. Tuấn thoáng thấy màn cửa lên phòng khách rung rinh, he hé, bóng người thấp thoáng và tiếng người suỵt suỵt ở nhà trong. Tuấn ngồi vài phút thì bố mẹ Hương theo sau là chú Huân bước ra, nên chàng đứng dậy chào. Chú Huân giới thiệu chàng cùng bố mẹ Hương. Bố Hương thân mật bắt tay Tuấn rồi ngồi xuống tiếp chuyện. Bố mẹ Hương cũng còn trẻ, người tầm thước, độ khoảng ngoài bốn mươi là cao. Trong lúc chuyện trò thì chị em Hương và hai cô em họ cùng bạn bè Hương đem thức ăn ra sắp trên bàn. Thức ăn đã dọn ra đầy bàn chung quanh bình hoa hồng. Mẹ Hương ghé tai nhắc nhỏ với bố nàng bữa cơm chiều đã sẵn sàng. Bố Hương đưa tay mời chú Huân và Tuấn xong đứng dậy, lại gần bàn ăn, nhìn qua một lượt, rồi hướng về mọi người đang đứng chung quanh, bố Hương bảo:
-Thôi chú Huân và các cháu cứ dùng cơm tự nhiên với nhau cho vui.
Hương nhìn Bố, ngập ngừng:
-Bà và bố mẹ cũng...
Bố Hương cười gạt ngang:
-Bố mẹ vào dùng cơm chung với bà nội. Bọn trẻ ngồi với nhau thân mật hơn chứ có bố mẹ lại mất vui đi. Chú Huân đại diện được rồi.
Nói xong, bố mẹ Hương bước vào nhà trong.
Bọn trẻ bắt đầu ồn ào. Trong đám, chỉ có Khôi, Tuấn và chú Huân là phái nam, còn lại toàn là con gái. Hương xếp chỗ ngồi ở đầu bàn cho Tuấn. Đầu bàn đối diện là chú Huân. Hương ngồi cạnh Tuấn bên phải. Các em Hương và bạn bè trám vào những ghế còn trống. Thấy mọi người vẫn còn ngượng ngùng, Hương lên tiếng:
-Chú Huân lớn nhất chủ tọa chứ?
Chú Huân cười:
-Sinh nhật của mày chứ của tao đâu? Tao chỉ dựa hơi thôi.
Ông nhìn mọi người quanh bàn tiệc:
-Toàn lũ cháu, chỉ có ông Tuấn là người mới. Mày giới thiệu mọi người chứ Hương?
Hương chỉ từng người giới thiệu với Tuấn. Ngoài chị em Hương còn có Thanh Vân mà Tuấn đã gặp trong đơn vị, Ngọc Lan và Hồng Mai con Dì Uyên, Phương và Khôi bạn học đã quen biết gia đình Hương từ lâu. Mọi người bắt đầu tự nhiên hơn, vừa ăn vừa nói chuyện, đùa giỡn vui vẻ.

Hương săn sóc Tuấn thật chu đáo. Tuấn cũng galant, gắp thức ăn cho nàng, khen bình hoa hồng đẹp, khen thức ăn ngon. Hương không nhận công, trả lời:
-Mẹ, các em và bạn cháu nấu đấy, chứ cháu nấu nướng dở ẹc à!
Tuấn đùa:
-Hương khiêm nhượng quá! Chú ăn thì giỏi chứ nấu vụng lắm, chỉ biết nấu mỗi món trứng luộc dằm nước mắm là ngon tuyệt. Khi nào có dịp, chú sẽ trổ tài cho Hương coi.
Hương mỉm cười thẹn thùng.
Quỳnh phân bua:
-Chú Tuấn biết không! Sinh nhật của cháu có bao giờ được bình hoa hồng đẹp như thế này đâu.
Chú Huân cười khì:
-Tao đã bảo sinh nhật năm nay nó làm đặc biệt quá mà. Những năm trước, chỉ có một nồi chè, một cái bánh hay mì, phở là cùng. Năm nay, chỉ thiếu món vòi voi, môi đười ươi, bàn tay gấu là đủ tám món "bát trân" rồi.
Mọi người cười rộ, nhìn Hương với ánh mắt ranh mãnh khiến nàng mắc cở đỏ hồng hai má. Tuấn đánh trống lãng:
-Mẹ và các em Hương nấu nhiều món ngon quá!
Thủy nói không nghĩ ngợi:
-Nấu mệt hơn đi nhà hàng.
-Dĩ nhiên!
Hương tiếp theo:
-Đỡ tốn kém hơn nhiều.
Tuấn tán dương:
-Nhà hàng cũng chỉ nấu được như thế thôi. Chú thấy tổ chức tại nhà ấm cúng và thân mật hơn.
Chú Huân nheo mắt nhìn chàng trêu:
-Ông nịnh đầm bỏ mẹ.
Tuấn hơi mắc cở, chống chế:
-Ngoại giao mới đúng, Chỉ Huy Phó. Nếu không, về đơn vị lãnh mấy củ thì suốt đời lận đận.
Mọi người lại cười, khiến Tuấn đỏ mặt.
Phương xoay sang trêu Hương:
-Hoa hồng nhung tượng trưng cho tình yêu nồng nàn, phải không mi?
Hương lườm bạn:
-Chắc được tặng hoa hoài sao mi rành quá vậy Phương? Tao thấy đẹp thì mua chứ biết gì đâu!
-Mi ngây thơ, vô số tội! Mua hoa hồng nhung là tao đi guốc trong bụng mi rồi, Hương ơi!
Hương cười ngượng ngập:
-Tao nghi mi đi guốc trái quá.
Khôi liếc nhanh qua Hương rồi ngồi trầm ngâm ngắm những nụ hồng thật trang nhã rải đều đặn quanh miệng bình thủy tinh. Hương mặt cứ đỏ au vì bị bạn bè trêu chọc, nàng đổi chiến thuật bằng cách lờ đi, không đối đáp đôi co nữa mà chỉ nói chuyện nho nhỏ với Tuấn. Mọi người lại vừa ăn vừa chuyện vãn vui vẻ.

Ăn uống, dọn bàn xong xuôi, Hương đề nghị đem đàn nhạc ra hát. Chú Huân sở trường về nhạc Classics và Flamenco nên ông độc tấu bài "Romance d'Amour," "Leyenda" và bài "Recuerdos de la Alhambra" thật réo rắt. Ngọc Lan và Phương Quỳnh hát khá hay. Quỳnh đơn ca thêm một nhạc phẩm ngoại quốc lời Việt "When We Were Young" rất dễ thương. Tuấn đệm đàn cho Quỳnh hát, nhưng đàn chưa vững, chàng đuổi Valse muốn hụt hơi. Theo lời yêu cầu, Tuấn rủ Hương hòa chung bản "Tình Khúc Tháng Sáu" của Ngô Thụy Miên thì lại bị yêu cầu hát tiếp Tình Khúc Tháng Bảy, Tình Khúc Tháng Tám, v.v. Bài hát gợi cho chàng một cảm giác khó tả: niềm vui từ một tình cảm mới đang phát sinh xen lẫn với tiếc nuối cho tình yêu đầu thơ mộng vừa mất. Đôi khi Tuấn bắt gặp hình ảnh Tâm nơi Hương và bàng hoàng chợt nhận thấy rằng bóng dáng Tâm đã chiếm ngự một phần lớn đời chàng, một mảnh "puzzle" đã tìm được và ráp nối trong "puzzle cuộc đời" của chàng. Hương có phải là một mảnh lớn khác trong puzzle cuộc đời đó hay không? Chàng chưa biết, nhưng Tuấn cảm thấy gần gũi, hiểu nàng một cách dễ dàng và thân quen với không khí đầm ấm, cởi mở nơi đây. Đàn hát chán, mọi người lại ngồi tán gẫu lan man đủ thứ chuyện. Trời khuya dần, lần lượt từng người cáo từ ra về. Riêng Tuấn và chú Huân còn được dịp chuyện vãn thêm với chị em Hương cho tới gần giờ giới nghiêm vì đợi thằng em tài xế của chú Huân trở lại đón về đơn vị.

Những tháng ngày sau đó, khi rảnh rỗi, Tuấn thường tới nhà Hương chơi vào buổi chiều. Không khí gia đình ấm cúng, thuận thảo và cởi mở khiến chàng cảm thấy dễ hội nhập và hòa đồng với sinh hoạt của gia đình nàng. Chàng và Hương xin phép đi chơi với nhau hoặc cùng với mấy chị em bát phố, bơi lội, ăn uống, xem phim, v.v. Bố mẹ Hương ngầm chấp nhận Tuấn như người trong nhà, có lẽ như chú Huân vậy. Hương và các em nàng vẫn quen miệng gọi chàng bằng "chú" chả vì, chàng là bạn của chú Huân mà. Tuấn cũng xưng "chú" với nàng một cách tự nhiên. Chàng cảm thấy càng ngày càng có nhiều cảm tình với Hương, khi xa thì nhớ vu vơ, lúc gần nhau, lòng chàng lại rộn rã.

Chiều Chủ Nhật, thấy rạp Rex chiếu phim hay, Tuấn rủ Hương và Thủy, Quỳnh đi coi phim. Cả bọn đến rạp Rex đúng vào thời gian trình chiếu phim "Doctor Zhivago" phỏng theo quyển tiểu thuyết mang cùng tên của nhà văn hào Nga Boris Pasternak. Đây là loại phim tình cảm lồng khung trong bối cảnh xã hội thời Cách Mạng Vô Sản ở Nga, loại phim mà Tuấn và Hương đều thích xem. Trong lúc chị em Hương đứng đợi, vừa nói chuyện vừa liếc mắt nhìn những tờ quảng cáo dán trên tường, Tuấn đứng xếp hàng mua vé. Sau khi lấy vé, Tuấn mua thêm thức ăn vặt đem vào rạp hát.

Tuấn và Hương ngồi bên nhau coi phim, thỉnh thoảng lại thì thầm nho nhỏ. Thủy và Quỳnh cũng mải mê với tình tiết éo le của truyện phim. Tới giờ tạm nghỉ giữa phim, đèn bật sáng, Tuấn và Hương bàn về chuyện tình của nàng con gái tên Lara với Doctor Zhivago. Thủy chen vào, thú thật:
-Cháu chưa hiểu rõ cốt truyện.
Tuấn giảng giải:
-Chuyện phim nói lên sự thay đổi về xã hội và đời sống vật chất cũng như tình cảm của người dân thuộc chế độ Nga Hoàng cũ trước sự thay đổi về chính trị trong cuộc Cách Mạng Vô Sản ở Nga. Hương góp ý kiến:
-Cuộc cách mạng đã ảnh hưởng đến lối sống, lối suy nghĩ và hành động của người dân Nga nhiều quá. Chuyện tình buồn ghê hả chú? Omar Shariff đóng vai Doctor Zhivago và Julie Christie trong vai Lara thật xuất sắc.
Tuấn gật gù:
-Nhà đạo diễn tài ba David Lean quay phim này cũng rất tốn kém.
Quỳnh hỏi:
-Phim dài mấy tiếng đồng hồ hả chú Tuấn?
-Hình như ba tiếng hay sao ấy.
Còn nhiều thì giờ chờ đợi, Hương bèn lôi kẹo bánh, nho khô ra phân phát cho mọi người rồi vừa nhai vừa nói chuyện...

Đèn lại tắt để chiếu tiếp phim. Hương tìm tay Tuấn trong bóng tối và dúi vào giữa lòng bàn tay hai viên kẹo. Tuấn nhìn qua nàng, ánh sáng trên màn ảnh chiếu khuôn mặt nàng mờ ảo. Chàng bóc giấy, đưa lại nàng một cục kẹo rồi bóc viên kẹo kia bỏ vào miệng ngậm. Viên kẹo có mùi rượu Rhum thơm thơm, cay cay, nồng nồng. Tuấn ghé sát tai Hương thấp giọng:
-Kẹo ngon Hương.
Hương thì thào:
-Cháu để dành cho chú đấy.
-Các em có phần chưa?
Hương khôi hài:
-Chúng nó còn vị thành niên, không được ăn kẹo có rượu chú à! Kẹo này chỉ dành cho người lớn thôi.
Tuấn trêu:
-Chú có cô cháu gái lớn quá. Chừng nào cho chú uống rượu thật đây?
Hương mắc cở ậm ừ:
-Chưa có ai khiêng rượu tới chú ơi.
Tuấn hỏi dò:
-Chú thấy Khôi có vẻ cảm cháu nặng rồi đấy.
-Khôi chỉ là bạn thôi. Học cùng lớp với cháu và Thủy.
-Bạn rồi bồ mấy hồi. Tình bạn trai gái biến thành tình yêu dễ dàng lắm.
Hương khẳng định:
-Cháu thì khác. Khôi là bạn, không hơn không kém.
Giọng Tuấn hân hoan hơn:
-Chắc điều kiện của cháu khó quá hở?
-Không hẳn chú ạ! Cháu dễ có cảm tình với người mà cháu nể phục. Cháu cũng không đòi hỏi gì về giàu sang, tiếng tăm hay địa vị cả.
Nãy giờ, Tuấn đã bỏ dở mất vài đoạn phim. Hương cũng như chàng chả để ý nhiều đến sự gián đoạn đó, vẫn thì thầm nói chuyện.
-Cháu đã chấm được ai chưa?
-Mới có cảm tình, nhưng cháu chưa biết rõ người đó thế nào.
-Sao không tìm hiểu thêm về anh ta?
-Cháu cũng đang cố đó chứ.
Viên kẹo tan gần hết, chất lỏng rượu vỡ trong miệng hơi nhặng nhặng, cay nồng hơn. Mùi rượu Rhum xông lên mũi vẫn không xua được mùi Chanel số 5 thoang thoảng làm Tuấn rạo rực. Tuấn và Hương lại lặng yên, mắt dán lên màn ảnh theo dõi đoạn kết thật buồn của cuốn phim. Phim hay và cảm động!

Phim vừa dứt, đèn bật sáng, tiếng ghế xập lại, tiếng người di động ồn ào. Cả bọn ngồi nán lại đợi người ra bớt để khỏi phải chen lấn. Mặt Hương đỏ hồng. Tuấn vươn vai, bẻ đốt ngón tay vài cái rồi đứng dậy cùng ba cô cháu bước dần ra ngoài rạp hát. Hơi nóng bên ngoài phả vào mặt Tuấn rát rạt. Thủy vẫn còn ấm ức về chuyện phim:
-Chú Tuấn! Zhivago chết thật buồn.
Hương cũng đồng tình:
-Tội nghiệp! Thấy người yêu mà lúc chết không gặp mặt nhau.
Quỳnh thắc mắc:
-Sao Zhivago không gọi Lara?
Tuấn trả lời:
-Zhivago bị bệnh tim, tình cờ thấy Lara sau một thời gian dài mất liên lạc, ông ấy xúc động mạnh, lên cơn đau tim, đâu gọi được gì nữa.
Quỳnh nói thêm:
-Đứa con gái của Zhivago và Lara xấu quá. Cha mẹ đẹp vậy mà con gái thì xấu.
Thủy đáp gọn:
-Phim mà! Tuấn tiếp theo:
-Với lại chắc lao động cực khổ trong chế độ mới nên nhan sắc tàn phai đi.
Hương nói :
-Cháu thấy buồn vì đời sống con người bị cuốn theo sự đổi thay của xã hội nhiều quá.
Tuấn cười:
-Thế mới có phim hay chứ. Chắc khóc hết nước mắt rồi, phải không?
Hương vênh mặt:
-Cháu đâu dễ khóc vậy chú!
Một phút qua, không ai nói thêm câu nào, Quỳnh lên tiếng hỏi:
-Bây giờ tới mục gì, chú Tuấn?
Hương đùa:
-Về nhà nấu cơm, rửa chén chứ mục gì nữa?
Tuấn nhìn đồng hồ đeo tay cười:
-Còn sớm mà! Mình qua Tân Định ăn thạch chè Hiển Khánh cho mát. Trời nực quá! Các cháu nghĩ thế nào?

Cả bọn ra lấy xe. Tuấn đạp máy xe Honda. Hương ngồi đằng sau, ôm ngang bụng chàng. Tuấn từ từ cho xe chạy về hướng Nhà Thờ Đức Bà. Thủy chở Quỳnh theo sát sau xe chàng. Con đường Tự Do ngang nhà hàng Continental tương đối mát mẻ vì hai hàng cây cao rợp bóng. Từ xa, Tuấn đã thấy Nhà Thờ Đức Bà với hai ngọn tháp chuông nhọn màu xám nhạt in hình trên nền trời trong xanh cao vút, lững thững vài cụm mây trắng nổi lững lơ. Xe cộ nối đuôi nhau lượn quanh Công Trường Hòa Bình có tượng Đức Mẹ Fatima đỡ quả địa cầu. Xa hơn, bên tay trái, sau khuôn viên rợp bóng lá và hàng rào sắt cao là Dinh Độc Lập đồ sộ, chiếm ngự một vùng thật quang đãng. Dinh Độc Lập nguy nga, trông như một tòa nhà bằng cẩm thạch trắng nổi bật trên thảm cỏ xanh rộng rãi chung quanh. Tuấn vòng xe qua bên phải. Bưu Điện người ra vào tấp nập. Những hàng quán bán bò bía, paté chaud và thức ăn vặt vẫn đông người thưởng thức.

Vòng tay Hương chặt chẽ như vòng tay Tâm khiến Tuấn có ý tưởng so sánh giữa hai người con gái. Cả hai đều dong dỏng cao, đẹp và thông minh. Tâm nhu mì, giàu tình cảm, nhẫn nhục. Hương chững chạc, tháo vát, nhiều nghị lực. Mỗi người đều có những ưu điểm riêng. Tuấn nghĩ thật là một diễm phúc cho anh chàng nào vớ được một trong hai nàng. Tuấn đã yêu Tâm. Chàng cũng có nhiều cảm tình với Hương, hơn là tình cảm giữa chú và cháu. Giờ đây, Tâm đã ở ngoài tầm tay của chàng. Tình cảm Hương thế nào, chàng chưa rõ. Đời người chẳng có mấy dịp may, cơ may đến mà mình không giữ lấy thì nó sẽ qua mất, nhất là tình yêu!

Mải nghĩ vẩn vơ, Tuấn đến Tân Định hồi nào không hay. Chàng gửi xe, cùng mấy cô cháu bước vào tiệm. Tiệm thạch chè vào ngày cuối tuần nóng nực, đông nghẹt. Tuấn phải đợi mất mười lăm phút mới có bàn cho bốn chú cháu. Người hầu bàn đến, chàng để cho ba cô cháu ruột dư chọn mấy món bánh: bánh nhân mặn, bánh su-sê, bánh da lợn và mỗi đứa một ly thạch chè đá bào nhỏ mát rượi.